Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cộng Sản Việt Nam đổi lời ca khúc KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

Collapse
X

Cộng Sản Việt Nam đổi lời ca khúc KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cộng Sản Việt Nam đổi lời ca khúc KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

    Cộng Sản Việt Nam đổi lời ca khúc
    KHÔNG QUÂN VIỆT NAM



    Thiên Ân

    LỜI NÓI ĐẦU

    Cách đây 2 năm, trên đặc san Lý Tưởng (Úc Châu) số kỷ niệm Ngày Không Lực 1 tháng 7, chúng tôi đã viết bài “Không Quân Việt Nam – Một hành khúc, hai không lực, mười phiên bản”, một bài viết mang tính cách trà dư tửu hậu, phi chính trị, nói về sáng tác bất hủ của cố Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), những phiên bản lời hát khác nhau, và mức độ phổ biến trước cũng như sau năm 1975.

    Trong số “những phiên bản lời hát khác nhau” được chúng tôi nhắc tới, có phiên bản mới nhất (2015) của website “Bài ca đi cùng năm tháng” của CSVN. Khi nhắc tới phiên bản này, chúng tôi cũng chỉ vạch ra những chỗ khác với nguyên tác của Văn Cao chứ không hề đả kích, bởi vì nói cho cùng, những phiên bản được hát trong tập thể Không Quân VNCH cũng có những chỗ bị tam sao thất bổn.

    Vì thế, viết xong bài “Không Quân Việt Nam – Một hành khúc, hai không lực, mười phiên bản” chúng tôi cũng quên luôn, cho tới gần đây khi nhận ra những cố gắng của CSVN trong việc “đòi lại” ca khúc này, và nhất là đọc được những lời phê bình láo lếu trên website “Bài ca đi cùng năm tháng” cùng những lời nhục mạ KQVNCH trên một video của họ; qua đó đám bồi bút sanh sau đẻ muộn viết rằng phiên bản (đã được họ đổi lời một cách vô duyên, nham nhở) mới chính là nguyên tác của Văn Cao!

    Vì thế, chúng tôi bắt buộc phải trở lại đề tài “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” một lần nữa không ngoài mục đích vạch trần âm mưu xuyên tạc rẻ tiền của đám bồi bút nói trên, và cũng để tác giả - cố nhạc sĩ Văn Cao - được ngậm cười nơi chín suối.

    Khác với bài viết trước mang tính cách trà dư tửu hậu, bài này mang tính cách biên khảo, nói có sách mách có chứng, vì thế khá dài, khô khan, và có thể gây nhức đầu, thậm chí “tẩu hỏa nhập ma” nơi một số độc giả. Thành thật xin lỗi trước.

    A- NGUỒN GỐC

    Trang mạng Wikipedia (tiếng Việt) viết:


    "Không quân Việt Nam hành khúc" là một ca khúc do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác khoảng năm 1945 (sau khi sáng tác bài Tiến quân ca), lúc binh chủng này còn chưa được thành lập tại Việt Nam. Cùng lúc, Văn Cao còn viết những ca khúc khác như Hải quân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam... cho các binh chủng tương lai, trước khi ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp cùng các lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Lịch sử:

    Sau khi Văn Cao bị chỉnh huấn sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ca khúc này được ít người hát tại miền Bắc. Tuy nhiên, ca khúc đã được sử dụng làm bài hát chính thức của Không lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng không được sự đồng ý của nhạc sĩ Văn Cao. Sau này bài hát cũng được cả Không quân nhân dân Việt Nam sử dụng và gia đình nhạc sĩ Văn Cao thừa nhận ca khúc này là viết cho Không quân nhân dân Việt Nam vì nó được viết khi nhạc sĩ tham gia Việt Minh. (ngưng trích)

    Nhà báo Hoài Nam, tác giả chương trình giới thiệu, phê bình âm nhạc “70 Năm Tình Ca trong Tân Nhạc Việt Nam” (SBS Radio, Úc Châu), phần nói về Văn Cao có những đoạn sau:

    ...Đời người thường có những ước mơ. Nhưng riêng nhạc sĩ Văn Cao, cả cuộc đời ông chính là một giấc mơ liên tục. Trong các tình khúc của ông, hình ảnh người yêu thường là hư cấu. Trong nhạc hùng tráng của ông, lý tưởng là một cái gì cao siêu diệu vợi, và hình ảnh người chiến sĩ thì luôn nằm bên trên sự thật, không có ở đời thường.

    Văn Cao sáng tác bản Thăng Long Hành Khúc trầm hùng từ trước khi có Cách mạng mùa Thu – cùng ngước mắt về phương Thăng Long, thành cao đứng trong khói sương chiều... Hoặc các hành phúc Hải Quân Việt Nam, Không Quân Việt Nam, khi ông viết làm gì đã có Hải Quân, Không Quân Nhân Dân, hoặc Hải Quân, Không Quân Việt Nam Cộng Hòa?!

    Xin lấy bản Không Quân Việt Nam làm thí dụ, một bản quân hành mà đẹp và thơ như một giấc mơ. Nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào, ái nữ của học giả Đặng Thái Mai, một người từng ước mơ đi theo kháng chiến từ thưở nhỏ, sau này đã hồi tưởng:

    ...Bấy giờ, câu hát mà tôi thường hát lên một mình những lúc ở nhà, mắt ngước nhìn trăng sao qua khung cửa sổ rộng của tầng lầu hai, số nhà 32 Lý Thường kiệt, là những câu trong bài Không Quân Việt Nam: “Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng...”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác lâng lâng bay tới tuyệt đỉnh của giấc mơ ấy. Ngay cả những câu như “Khi nhìn qua khói những kinh thành tan, đôi cánh tung hoành vượt lên mây xanh”, đối với tôi cũng không hề vương vấn một chút gì hung hăng hiếu chiến... Kể cả cái chết của người phi công cũng được cho vượt lên những đau thương bi lụy thường tình: “Đi không ai tìm xác rơi...” (ngưng trích)

    B. NGUYÊN TÁC

    Hiện nay, tài liệu duy nhất về nguyên tác ca khúc Không Quân Việt Nam của Văn Cao còn sót lại là ấn bản của nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa (Huế), phát hành lần thứ tư vào năm 1955.







    Nhà xuất bản Tinh Hoa, do ông Tăng Duyệt sáng lập năm 1943 tại Huế, là nhà xuất bản và phát hành nhạc quy mô đầu tiên của Việt Nam. Tinh Hoa đã từng mua bản quyền và xuất bản nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Văn Giảng, Thẩm Oánh, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Thương, Nhật Bằng, Nguyễn Mỹ Ca, Hoàng Trọng, Hoàng Giác, Thu Hồ, Anh Việt, Lê Thương, Lưu Hữu Phước, Canh Thân, Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu...

    Trụ sở chính của Nhà xuất bản Tinh Hoa đặt tại số 121 đường Trần Hưng Đạo, Huế, có chi nhánh miền Bắc ở Hà Nội (sau chuyển về Hải Phòng) và chi nhánh miền Nam ở Sài Gòn.

    (Sau khi ông Tăng Duyệt đóng cửa Nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế vào năm 1956, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, người phụ trách chi nhánh miền Nam ở Sài Gòn, tìm cách khôi phục, cho ra đời Nhà xuất bản Tinh hoa Miền Nam và làm giám đốc cho đến năm 1975)

    Với uy tín nói trên của Nhà xuất bản Tinh Hoa, ca khúc Không Quân Việt Nam do nhà xuất bản này ấn hành phải được xem là chính xác nhất. Qua photocopy bản nhạc ấn hành năm 1955, chúng ta thấy lời hát của nguyên tác như sau:

    Không Quân Việt Nam (Văn Cao)

    Giờ đoàn người từng vượt bao biên giới đã chiến đấu
    Ðã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Ði không ai tìm xác rơi
    Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
    Hối tiếc tấm thân làm chi

    Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng
    Nhớ lấy phút giây từ ly
    Ta là đàn chim bay trên cao xanh
    Khi nhìn qua khói những kinh thành tan
    Ðôi cánh tung hoành giạt trên mây xanh
    Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.


    Điệp khúc:
    Ðây đó hồn nước ơi!
    Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
    U... u… u… u… u… u…
    Ôi phi công danh tiếng muôn đời
    Nhìn xa phi trường Việt Nam
    Không quân ra đi cánh bay rợp trời
    U... u… u… u… u… u…
    Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi
    Đàn chim dù bay nghìn phương cũng về để rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn kiếp chim
    Bầy ta càng đi càng xa quyết khi về đem lại đây chiến công dù thân mồ quên lấp chìm.


    Phiên khúc 2:

    Chiều vàng chập chùng thành xây vách đá với núi biếc
    Ánh sáng dưới Đông Phương ngời
    Chiều còn lạnh lùng cùng trên không tuyết sáng lấp lánh
    Tây Phương tưng bừng khắp nơi
    Trước sóng nước cuốn bao người phi công xưa phơi xương
    Cánh lướt trên Thái Bình Dương
    Ấm ầm bạt ngàn vụt qua trên đất nước bát ngát
    Gió hát khúc ca hồi hương
    Ta là hồn thiêng non sông vươn cao
    Quân đoàn quốc tế đắp xây tự do
    Dành lấy hòa bình đổi gây binh đao
    Ta tiền phong nguyền chiến đấu gắt gao.

    Điệp khúc:
    (Đây đó... lấp chìm)

    Trong tất cả mọi phiên bản thu âm (audio) chúng tôi được nghe từ trước tới nay, chỉ có phiên bản của Việt Dzũng & Nguyệt Ánh hát chính xác 100% lời hát của Văn Cao, đồng thời cũng là bản thu âm duy nhất có hát cả phiên khúc 2.

    Tuy nhiên bốn câu cuối trong phiên khúc 2 (Ta là hồn thiêng... chiến đấu gắt gao) đã được thay bằng bốn câu cuối của phiên khúc 1 (Ta là đàn chim... bay trong đêm trăng). Có lẽ vì người hát nhận thấy nội dung bốn câu cuối trong phiên khúc 2 nói về “quốc tế cộng sản”, không còn phù hợp với thế kỷ 21, khi mà khối các nước xã hội chủ nghĩa đã bị tan rã.

    Nhưng dù sao, bản thu âm của Việt Dzũng & Nguyệt Ánh cũng phải được xem là tài liệu hiếm quý, nên phổ biến và lưu giữ để tránh bị thất truyền.



    Không Quân Việt Nam (Việt Dzũng & Nguyệt Ánh)

    LƯU Ý:
    Bản thu âm của Việt Dzũng & Nguyệt Ánh cũng được đưa vào chương trình Việt Nam Cộng Hòa ❀ ☰ 47 Hùng Ca ❀ Hành Khúc trên YouTube, chúng tôi ghi ra link dưới đây để đề phòng trường hợp Facebook Việt Dzũng bị CSVN đánh phá, quý độc giả còn có nguồn khác để tìm nghe:



    C- CÁC PHIÊN BẢN

    Nếu tính cả lời hát được viết ra (written) lẫn lời hát được thu âm (tape, CD, DVD), chúng tôi thấy trên Internet hiện nay có ít nhất 10 phiên bản khác nhau, trong phạm vi bài này chúng tôi sẽ chỉ đề cập tới 3 phiên bản (viết) đáng chú ý nhất, và điểm qua một số video clip.

    Cũng xin lưu ý, tất cả mọi phiên bản đã và đang được lưu hành đều không có phiên khúc 2, trừ karaoke “Hành Khúc QL VNCH” của DSK.

    - Phiên bản #1:

    Là bản “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH chấp thuận làm bài hát chính thức cho quân chủng Không Quân VNCH sau khi được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 1955.

    Không Quân Việt Nam

    Giờ đoàn người từng vượt qua biên giới đã chiến đấu,
    Đã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu,

    Đi không lo gì xác rơi
    Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi

    Hối tiếc tấm thân làm chi
    Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng

    Nhớ lấy phút giây từ ly
    Ta là đàn chim bay trên cao xanh
    Khi nhìn qua khói những kinh thành xa
    Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
    Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.


    Điệp khúc:
    Ðây đó hồn nước ơi!
    Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
    Ù... u… u… u… u… ú…
    Ôi phi công danh tiếng muôn đời
    Nhìn xa phi trường Việt Nam

    Không quân ra đi cánh bay rợp trời
    Ù... u… u… u… u… ú…
    Xa giang sơn ngắm nhìn về khắp nơi

    Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về
    Để rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn kiếp chim
    Bầy ta càng đi càng xa quyết khi về đem lại đây chiến công dù thân mồ quên lấp chìm.


    Đối chiếu với nguyên tác của Văn Cao, Phiên bản 1 có năm chỗ bị đổi lời hát:

    - “vượt bao biên giới” (trong câu đầu) đổi thành “vượt qua biên giới”
    - “Ði không ai tìm xác rơi” đổi thành “Ði không lo gì xác rơi”
    - “kinh thành tan” đổi thành “kinh thành xa
    - “giạt trên mây xanh” đổi thành “vượt trên mây xanh”
    - “nghìn phương” (Đàn chim dù bay nghìn phương...) đổi thành “ngàn phương”.


    Chúng tôi không hiểu tại sao tác giả (tạm thời xem là khuyết danh) của phiên bản 1 lại đổi “vượt bao biên giới” thành “vượt qua biên giới”; bởi vượt bao biên giới (nhiều biên giới khác nhau) dứt khoát nghe hay hơn, mạnh hơn là vượt qua biên giới (chỉ một biên giới).

    Còn đổi “kinh thành tan” thành “kinh thành xa”, có lẽ để nghe bớt sắt máu, rùng rợn; nhưng lại trở nên vô lý: nhìn qua khói lửa thì phải là những kinh thành tan (bởi bom đạn).

    Riêng việc đổi “giạt trên mây xanh” thành “vượt trên mây xanh”, chúng tôi lại thấy rất... có lý, bởi chữ “giạt” thường đi với chữ “trôi” (trôi giạt) nghe không mạnh, không hay bằng chữ “vượt”.

    Còn “ngàn phương” hay “nghìn phương” ở đây cũng đều có nghĩa là 1000.

    Tuy nhiên, trong khi bốn chỗ đổi lời nói trên có thể chấp nhận, việc thay “Ði không ai tìm xác rơi” bằng “Ði không lo gì xác rơi” không thể chấp nhận, bởi vì chẳng những nghe không hay hơn mà còn làm giảm tính cách thống thiết cường điệu (melodrama) có chủ ý của tác giả (Văn Cao).

    Theo ý kiến của nhiều người (trong đó có chúng tôi), có lẽ người (hay những người) sửa lời hát cho rằng “Ði không ai tìm xác rơi” nghe thê lương quá, sợ các đấng pilot “lạnh cẳng” nên sửa thành “Ði không lo gì xác rơi”!

    Nếu người (hay những người) ấy sợ các đấng pilot “lạnh cẳng” thì còn tạm chấp nhận, nhưng nếu cho rằng nghe thê lương quá, chúng tôi không đồng ý; bởi đây là một suy nghĩ hời hợt, nông cạn, không có tâm hồn, thiếu sự lãng mạn để có thể thưởng thức nghệ thuật cải lương hoặc nghe nhạc vàng – vốn thu hút đối tượng nhờ tính cách cường điệu, vượt lên trên thực tế!


    - Phiên bản #2 (Phiên bản “lai”):

    Phiên bản 2, đúng ra phải viết là “những phiên bản 2”, là những phiên bản “lai” được hát trong KQ VNCH từ trước tới nay. Có thể nói những phiên bản này (đôi khi chỉ khác nhau một, hai chữ) là một sự pha trộn giữa nguyên tác của Văn Cao và phiên bản 1 (của Bộ TTM).

    Ðiểm đáng chú ý đầu tiên là các phiên bản này đều hát “Đi không ai tìm xác rơi” theo đúng nguyên tác của Văn Cao chứ không hát “Ði không lo gì xác rơi” theo phiên bản 1.

    Dưới đây là phiên bản 2 được nhiều người hát nhất.

    Không Quân Việt Nam

    Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Cố chiếm chiến công ngang trời
    Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Đi không ai tìm xác rơi
    Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
    Hối tiếc tấm thân làm chi
    Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng
    Nhớ lấy phút giây từ ly
    Ta là đoàn chim bay trên cao xanh
    Khi nhìn qua khói những kinh thành tan
    Đôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh
    Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.


    Điệp khúc:
    Đây đó hồn nước ơi!
    Không Quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
    U... u... u... u... u... u...
    Ôi phi công danh tiếng muôn đời
    Nhìn xa phi trường Việt Nam
    Không Quân ra đi cánh bay rợp trời
    U... u... u... u... u... u...
    Xa giang san ngắm nhìn về khắp nơi
    Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về để rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn kiếp chim
    Đoàn ta càng đi càng xa, quyết khi về đem lại đây chiến công dù thân vùi quên lấp chìm.


    Ngoài những chỗ khác nhau không mấy quan trọng, như “vượt bao biên giới - vượt qua biên giới”, “đã chiếm chiến công – cố chiếm chiến công”, “bầy ta - “đoàn ta”, phiên bản 2 có hai chỗ khác lời hát rất quan trọng, thay đổi ý hẳn ý nghĩa trong nguyên tác của Văn Cao; và đây cũng là điểm gây “nhức đầu” nhất mà chúng tôi bắt buộc phải đề cập tới.

    Đó là việc thay đổi vị trí của chữ “từng” trong câu thứ nhất, và thay chữ “còn” bằng chữ “từng” trong câu thứ hai.

    Trước hết, mời độc giả đọc lại thật kỹ nguyên văn hai câu đầu trong nguyên tác của Văn Cao:

    Giờ đoàn người từng vượt bao biên giới đã chiến đấu
    Ðã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Ði không ai tìm xác rơi


    để thấy ý ông muốn nói:

    Giờ đây, đoàn người đã từng vượt bao biên giới, đã chiến đấu,
    đã chiếm chiến công ngang trời (trong quá khứ), nay vẫn còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu... (trong hiện tại).


    Còn hai câu đầu trong phiên bản 2 (của Không Quân VNCH):

    Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Cố chiếm chiến công ngang trời
    Giờ từng đoàn người vượt qua biên giới quyết chiến đấu
    Đi không ai tìm xác rơi


    thì có nghĩa:

    Giờ đây, nhiều đoàn người đang lần lượt vượt qua biên giới quyết chiến đấu, cố chiếm chiến công ngang trời. Tức là chỉ nói về những gì đang diễn ra trong hiện tại, chứ không nhắc tới những gì đã xảy ra trong quá khứ.


    Xét về mặt văn phạm, lời hát trong phiên bản 2 (của Không Quân VNCH) không có gì sai, nhưng về ý nghĩa đã thay đổi hẳn những gì Văn Cao muốn diễn đạt trong nguyên tác.

    Sau này định cư ở Úc, có dịp gần gũi cựu Thiếu tá nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh (bút hiệu Vũ Tuynh) trước kia phụ trách Nhạc đoàn Không Quân của BTL/KQ, chúng tôi đã hỏi ông tại sao “phe ta” không hát hai câu đầu theo lời hát trong “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” đã được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH chấp thuận (Phiên bản 1) mà lại sửa đổi, khiến nó mất đi ý nghĩa của nguyên tác, thì ông chịu thua, không thể trả lời!

    Riêng chúng tôi suy nghĩ như sau:

    Trong một tập thể, nhất là các quân trường, người ta cần những lời hát DỄ HIỂU, DỄ HÁT, DỄ THUỘC, thì câu trên hát “Giờ từng đoàn người”, câu dưới cũng hát “Giờ từng đoàn người” sẽ được mọi người “welcome” hơn là câu trên hát “Giờ đoàn người từng”, câu dưới hát “Giờ đoàn người còn” theo đúng nguyên tác.

    Vì thế, chúng tôi cũng không kỳ vọng tập thể KQVNCH ở hải ngoại cũng như trong nước sẽ “sửa sai” những phiên bản đã được hát từ hơn một nửa thế kỷ qua, bởi đó là một điều bất khả thi, và xét cho cùng cũng không cần thiết!

    Sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai video clip trên YouTube với lời hát của phiên bản “lai”.

    Video thứ nhất có tựa đề Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Hành Khúc là phiên bản được nghe/xem nhiều nhất từ trước tới nay.

    Trình bày hợp ca rất hay, hình ảnh các loại phi cơ của KQVNCH rất đẹp.

    Về lời hát, chỉ có một chỗ hơi kỳ kỳ, thay vì:

    Giờ từng đoàn người... quyết chiến đấu, cố chiếm chiến công...
    Giờ từng đoàn người... quyết chiến đấu, đi không ai tìm...
    Giờ thề một lòng... quyết chiến thắng, nhớ lấy phút giây từ ly

    lại hát:

    Giờ từng đoàn người... quyết chiến đấu cố chiếm chiến công...
    Giờ từng đoàn người... quyết chiến thắng đi không ai tìm...
    Giờ từng đoàn người... quyết chiến đấu, nhớ lấy phút giây từ ly




    Video thứ hai có tựa đề Không Quân Việt Nam Hành Khúc, do Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, và Anh Vũ hợp ca rất hay. Trước kia cũng được phổ biến rộng rãi trên YouTube kèm theo những hình ảnh về KQVNCH nhưng không hiểu sao nay không thấy nữa. Muốn nghe, phải vào website “nhạc của tui” của người trong nước theo link dưới đây:


    Điểm đáng chú ý duy nhất về lời hát trong audio này là trong khi câu trên hát “Giờ từng đoàn người...” (phiên bản lai) thì câu dưới lại hát “Giờ đoàn người còn...” giống như trong nguyên tác của Văn Cao, chẳng ăn nhập gì với nhau cả!

    (Còn tiếp)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 12-28-2023, 02:02 PM.

  • #2
    Cộng Sản Việt Nam đổi lời ca khúc
    KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

    (tiếp theo)

    - Phiên bản #3

    Là phiên bản mới nhất với lời hát đã bị phía CSVN sửa đổi cho phù hợp với tình hình chính trị trong khu vực - viết thẳng ra là bang giao căng thẳng giữa CSVN với đàn anh Trung Cộng ở phương Bắc và cựu đàn em Kampuchia ở phương Nam. Phiên bản này được phổ biến lần đầu tiên trên trang mạng “Bài ca đi cùng năm tháng” của CSVN vào năm 2015.

    Trước khi đi vào nội dung phiên bản này, chúng tôi cũng xin có đôi dòng về sự thăng trầm của ca khúc Không Quân Việt Nam cũng như đường đời của tác giả Văn Cao.

    Trước hết viết về tác giả. Theo tiểu sử của Văn Cao trên bách khoa toàn thư Wikipedia (tiếng Việt), sau Hiệp định Genève 1954, Văn Cao trở về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng không sáng tác ca khúc nữa.

    Năm 1955, Văn Cao trở lại nghề cầm bút, viết bài cho đặc san Giai Phẩm, rồi cùng với văn nghệ sĩ của hai tờ Nhân Văn, Giai Phẩm và giới trí thức miền Bắc, tham gia phong trào đòi tự do sáng tác và sinh hoạt văn nghệ, dẫn đưa tới cuộc thanh trừng của Trung ương Đảng nhắm vào giới này, thường được gọi là “vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm”.

    Trong số hơn 80 người tham gia phong trào, Văn Cao bị bộ “tứ quý” Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận - những văn nô đắc lực nhất của Đảng - đặc biệt chiếu cố, chỉ vì họ ganh tức trước sự nổi tiếng của Văn Cao trong những năm kháng chiến, trong đó việc ca khúc Tiến quân ca của ông được sử dụng làm quốc ca nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

    Tháng 2/1956, bài thơ Anh có nghe không của Văn Cao được đăng trên số báo Xuân của tờ Giai phẩm, bị Xuân Diệu lên án “lập lờ, ấp úng, bí hiểm, hai mặt, tuy nhiên công chúng cũng hiểu nó muốn nói gì”!

    Cuối năm, cả hai tờ Nhân Văn, Giai Phẩm bị đóng cửa, nhiều người tham gia phong trào bị đưa ra tòa, lãnh án tù hoặc bị đưa đi “học tập chính trị”; riêng Văn Cao, có lẽ vì là tác giả của bản quốc ca nên được miễn trừ. Mãi tới tháng 7 năm 1958, sau một trận đụng độ nảy lửa với Tố Hữu, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, cũng là nhân vật lãnh đạo cuộc thanh trừng, Văn Cao - lúc đó đang giữ chức Hội trưởng Hội Văn nghệ - mới bị bắt đi học tập chính trị.

    Theo lời kể lại của một người hiện diện trong buổi kiểm điểm nói trên, Tố Hữu đã thượng cẳng tay hạ cẳng chân với Văn Cao; mọi người có mặt lo sợ Văn Cao sẽ phản ứng mạnh nhưng ông đã cố gắng “tự chế”, bởi ông biết tay văn nô nổi tiếng sắt máu này rất có thế lực trong Trung ương Đảng (cũng nên biết Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi; thời trai trẻ ở Hải Phòng, đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

    [Sau này, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ của Văn Cao, kể lại ngày ấy bà đã chửi thẳng vào mặt bọn Tố Hữu, Chế Lan Viên... “Các anh đánh chồng tôi nhưng vẫn phải đứng nghiêm khi nghe bài hát của anh ấy”. Ý bà muốn nói bản Tiến quân ca]

    Từ đó, tên tuổi của Văn Cao xem như đã chết tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau khi đi học tập chính trị về, ông kiếm sống bằng nhiều nghề, như soạn nhạc không lời cho phim và kịch, vẽ tranh trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, minh họa bìa sách, vẽ quảng cáo trên các báo, thậm chí vẽ nhãn hiệu bao diêm (diêm quẹt)...

    Về tác phẩm thì toàn bộ sáng tác của ông, trừ bản Tiến quân ca, bị cấm hát ở miền Bắc.

    Ông bị giam lỏng tại gia suốt 25 năm, tới năm 1983, khi đã 60 tuổi, ông mới được tự do đi lại.



    Hà Nội, 1993. Văn Cao đang vẽ tại nhà riêng, hai năm trước khi qua đời. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

    Một số bìa báo do Văn Cao minh họa (Tư liệu: Nguyễn Bích Phương - Tạ Thu Phong)

    Nữ ca sĩ Thanh Lan, Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng. Ảnh: Duy Anh


    Sau khi miền Nam được “giải phóng”, cuối năm 1975, theo “đơn đặt hàng” của tờ Sài Gòn Giải Phóng, Văn Cao sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên và được báo này đăng trên bìa 4 của giai phẩm Xuân Bính Thìn 1976. Chỉ sau vài lần trình diễn, ca khúc này đã bị cấm, nhưng lại được dịch lời và in ở Nga, đồng thời được trình bày trong các chương trình Việt Ngữ của đài phát thanh Mạc-tư-khoa (Moscow).

    Sau này, nhà thơ kiêm họa sĩ Văn Thao, trưởng nam của Văn Cao, tác giả bài “Văn Cao với ca khúc Mùa xuân đầu tiên” trên tạp chí Sông Hương, số ra ngày 3/7/2009, đã viết:

    “Nhưng cũng thật bất ngờ, không hiểu bằng con đường nào, trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy ủy quyền qua sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”

    Sau năm 1975 chẳng những các sáng tác của Văn Cao vẫn tiếp tục bị cấm hát mà tới năm 1981, nhà nước cộng sản Việt Nam còn có ý định “chặt cầu” bằng cách phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca để thay bài Tiến quân ca của ông. Tuy nhiên sau đó thấy im re, không công bố kết quả, và cuộc thi chìm vào quên lãng.

    Phải đợi cuối thập niên 1980, sau khi Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng bí thư Đảng và đề ra chính sách “đổi mới”, các sáng tác của Văn Cao, và của các nhạc sĩ tiền chiến khác, mới được phép hát trở lại.


    * * *

    Tới đây viết về sự thăng trầm của ca khúc Không Quân Việt Nam.

    Trong kỳ trước, chúng tôi có trích hai đoạn trong bài viết “Ca khúc Không Quân Việt Nam” trên Wikipedia (tiếng Việt). Bài này được viết sau khi Văn Cao đã qua đời hơn 10 năm, trong đó có đoạn “Sau khi Văn Cao bị chỉnh huấn sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ca khúc này được ít người hát tại miền Bắc.

    Viết “được ít người hát” chẳng qua chỉ để “đẹp mặt” cho cả đôi bên, còn trên thực tế toàn bộ sáng tác của ông, trừ bản Tiến quân ca, đã bị cấm trình diễn ở miền Bắc, như bài “Tiểu sử Văn Cao”, cũng trên Wikipedia (tiếng Việt), trước đó đã xác nhận.

    Rồi trong suốt một phần tư thế kỷ sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho “đổi mới” (cuối thập niên 1980 tới giữa thập niên 2010), trong khi các tác phẩm của Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến khác được phép hát trở lại, chúng tôi cũng không thấy bất cứ bản thu âm (audio) hay thu hình (video) nào của ca khúc Không Quân Việt Nam do phía CSVN hát.

    Nguyên nhân cũng dễ hiểu: hành khúc này đã được Không Quân VNCH “xí” trước, giai điệu và lời hát của nó đã gắn liền với hình ảnh hào hùng của những chàng phi công miền Nam trong suốt chiều dài 20 năm của cuộc chiến, thì nay cho dù Không Quân VNCH không còn tồn tại, Không Quân Nhân Dân (CSVN) cũng không muốn mang tiếng xài đồ “xây-cần hen”!

    Vì thế cho tới năm 2015, ngoài hai video của “phe quốc gia” là “Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Hành Khúc” trình bày hợp ca với hình ảnh các loại phi cơ của KQVNCH và “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” do Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, và Anh Vũ trình bày được phổ biến rộng rãi trên YouTube (chúng tôi đã giới thiệu trong kỳ trước), chỉ có thêm ba video khác của người trong nước được đưa lên YouTube:

    - Video thứ nhất với hình ảnh phi công và phi cơ của Không Quân Nhân Dân nhưng phần nhạc lại chính là bản “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” do Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, và Anh Vũ trình bày. Tức là “cộng sản bay, quốc gia hát”!






    - Video thứ hai thì ngược lại, “cộng sản hát, quốc gia bay”: phần âm thanh (audio) là ca khúc Không Quân Việt Nam được trình bày “tốp ca nam” theo phong cách hùng mạnh của “nhạc cách mạng”, do Nhà Xuất Bản Âm Nhạc ở trong nước thực hiện, nằm trong CD nhạc cách mạng có tựa đề “Sông Lô”, nhưng khi được đưa lên YouTube dưới dạng video thì lại có hàng chữ “Không Quân Việt Nam Hành Khúc – QLVNCH”với phần hình ảnh là các phi công và phi cơ phản lực A-37 của Sư Đoàn 4 Không Quân, QLVNCH!

    Như vậy có thể suy ra người thực hiện video này để đưa lên YouTube phải là người “quốc gia” (VNCH) hoặc không thuộc bên nào và sử dụng hình ảnh của KQVNCH chỉ vì những nét đẹp và hào hùng của phi cơ, phi công miền Nam!

    - Video thứ ba thu hình “màn biểu diễn của một chiến sĩ Phòng Không - Không Quân”, hát ca khúc Không Quân Việt Nam trong một buổi thi ca hát tổ chức ở tỉnh Đồng Nai.

    Về lượt người xem, dĩ nhiên ba video này không thể so sánh với hai video của “phe quốc gia” (đã giới thiệu trong kỳ trước), và trong số ba video nói trên hiện nay chỉ còn video “cộng sản bay, quốc gia hát” vẫn tiếp tục được phổ biến trên YouTube.


    * * *

    Tới đây viết về nội dung Phiên bản 3 củaca khúc Không Quân Việt Nam của Văn Cao, tức phiên bản mới nhất với lời hát được phía CSVN sửa đổi cho phù hợp với tình thế mới (bang giao căng thẳng với đàn anh Trung Cộng và cựu đàn em Kamphuchia). Phiên bản này được phổ biến lần đầu tiên trên trang mạng “Bài ca đi cùng năm tháng” vào năm 2015, có lời hát như sau:

    KHÔNG QUÂN VIỆT NAM

    Giờ đoàn người từng vượt BAO NĂM THÁNG đã chiến đấu
    Ðã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt BAO GIAN KHÓ quyết chiến đấu
    GIỮ LẤY BẦU TRỜI MẾN THƯƠNG.
    Lúc đất nước muốn bao người con thân yêu ra đi
    Hối tiếc tấm thân làm chi
    Giờ thề một lòng vượt trên lưng gió quyết chiến thắng
    Nhớ lấy phút giây từ li.
    Ta là đàn chim bay trên cao xanh
    Khi nhìn qua đây đó trên kinh thành xa
    Ðôi cánh tung hoành đạp trên mây xanh
    Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng.

    Điệp khúc:
    Ðây đó hồn nước ơi!
    Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió
    U... u... u... u... u... u...
    Ôi phi công danh tiếng muôn đời
    Nhìn xa phi trường Việt Nam
    Không quân ra đi cánh bay rợp trời
    U... u... u... u... u... u...
    Xa QUÊ HƯƠNG ngắm nhìn về khắp nơi
    Đàn chim dù bay ngàn phương cũng về
    Ðể rồi ngày ngày sống hòa nhịp đời cùng ngàn kiếp chim
    Bầy ta ra đi càng xa quyết khi về đem lại đây
    Chiến công NGÀY MAI CÀNG THÊM SÁNG NGỜI.

    Qua đọc lời hát với những chỗ bị sửa đổi (chúng tôi viết hoa) trong phiên bản 3, không chỉ có (hồn ma) Văn Cao mà bất cứ ai có chút khả năng lý luận và trình độ thưởng thức cũng phải ngán ngẩm trước sự ngu dốt, thiển cận, vụng về, và có tật giật mình của người (hoặc những người) làm công việc đổi lời.

    Sau đây chúng tôi xin lần lượt mổ xẻ từng điểm.

    Bốn câu đầu trong phiên khúc viết:

    Giờ đoàn người từng vượt BAO NĂM THÁNG đã chiến đấu
    Ðã chiếm chiến công ngang trời
    Giờ đoàn người còn vượt BAO GIAN KHÓ quyết chiến đấu
    GIỮ LẤY BẦU TRỜI MẾN THƯƠNG.


    Tại sao lại đổi “vượt bao biên giới” thành “vượt bao năm tháng”?

    Bởi vì mấy chữ “vượt bao biên giới” sẽ khiến mọi người liên tưởng tới cuộc xâm lược Kampuchia của CSVN trước đây, đồng thời có thể bị đàn anh Bắc Kinh cố tình suy diễn là lời hăm dọa sẽ vượt biên giới Hoa-Việt để tấn công bá quyền phương Bắc!

    Về phương diện ngữ học, mấy chữ “vượt bao năm tháng” vừa nghe chói tai vừa vô lý. Người ta vượt đèo, vượt núi, vượt sông, vượt biển, vượt biên giới..., hoặc vượt khó khăn, gian khổ (nghĩa trừu tượng) chứ không có ai vượt thời gian cả. Chẳng lẽ các “chiến sĩ lái” của Không Quân Nhân Dân có khả năng đang từ năm 2023 “vượt bao năm tháng” bay tới năm 2033 hay 2043...

    Chỉ có các nhân vật trong bộ phim khoa học giả tưởng Back to the Future (Trở lại tương lai) mới có khả năng vượt thời gian mà thôi!

    Kế tới là việc đổi “Đi không ai tìm xác rơi” thành “Giữ lấy bầu trời mến thương”. Phàm làm người ai mà không sợ chết, nhưng đâu phải cứ nhắc tới cái chết thì sẽ... dễ chết hơn. Chẳng lẽ người cộng sản vô thần lại tin dị đoan, sợ các “chiến sĩ lái” của Không Quân Nhân Dân “lạnh cẳng” nên mới đổi “Đi không ai tìm xác rơi” thành “Giữ lấy bầu trời mến thương”?!

    Trong kỳ trước, chúng tôi cũng đã thẳng thắn phê bình tác giả (hay những tác giả) Phiên bản 1 (của Bộ Tổng Tham Mưu QĐVNCH) có lẽ cũng suy diễn một cách bi quan như thế cho nên mới đổi “Ði không ai tìm xác rơi” thành “Ði không lo gì xác rơi”, nhưng ít ra việc này cũng không làm hỏng ca từ, vì vẫn giữ lại hai chữ “xác rơi”!

    Nên nhớ bên cạnh việc sáng tác ca khúc, Văn Cao còn là một nhà thơ, cho nên ông có sự hiểu biết và tuân thủ luật về “vần”: câu trên “Ðã chiếm chiến công ngang trời”,câu dưới “Đi không ai tìm xác rơithì nó mới có vần; ở đây các bộ óc ưu việt lại đổi câu dưới thành Giữ lấy bầu trời mến thương thì thử hỏi nó vần ở chỗ nào!

    Chưa kể những ai có chút trình độ âm nhạc còn thấy 6 chữ “Giữ lấy bầu trời mến thương” không hợp cung bậc với 6 nốt trên dòng nhạc.

    Nhân tiện, chúng tôi cũng xin gửi một lời khuyên chung tới những ai muốn sửa lời hát trong ca khúc của người khác: không những quý vị phải có trình độ tiếng Việt tương đối mà còn phải có một sự hiểu biết về cách đặt ca từ. Không dễ ăn đâu!

    Trở lại với câu “Đi không ai tìm xác rơi” trong nguyên tác của Văn Cao, thì hơn 60 năm về trước, đã có người hát và sau này vẫn còn nhớ: nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào. Bà viết:

    ...Kể cả cái chết của người phi công cũng được cho vượt lên những đau thương bi lụy thường tình: “Đi không ai tìm xác rơi...”

    Trường hợp người (hay những người) sửa lời ca khúc Không Quân Việt Nam thuộc hàng hậu bối, không biết Đặng Anh Đào là ai, chúng tôi xin tóm lược tiểu sử của bà như sau:

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Anh Đào (1934-2023), là nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học nổi tiếng của miền Bắc, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là người con gái thứ tư của học giả Đặng Thái Mai(1902-1984), nguyên Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

    Người chị cả của Đặng Anh Đào không ai khác hơn là Đặng Bích Hà, vợ của tướng Võ Nguyên Giáp.

    Thưở mới lớn, Đặng Anh Đào chơi thân với đàn chị Nghiêm Thúy Băng, người sau này trở thành vợ của Văn Cao. Bà Đặng Anh Đào là vợ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao.


    Đặng Anh Đào và chồng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Hình: Internet

    Năm 2018, vào tuổi 84 mà Đặng Anh Đào còn cho xuất bản cuốn hồi ký Hoài niệm và mộng du, thì chắc chắn 13 năm trước đó (2005) khi viết cuốn hồi ức có tựa đề Tầm xuân vào tuổi 71, bà vẫn còn nhớ mấy chữ Đi không ai tìm xác rơi” trong ca khúc mà bà đã thuộc lòng từ năm 12, 13 tuổi!
    * * *


    Tiếp theo, việc thay “Xa giang san” trong điệp khúc bằng “Xa quê hương”, có lẽ cũng cùng nguyên nhân với việc đổi “vượt bao biên giới” thành “vượt bao năm tháng”: sợ bóng sợ vía bá quyền phương Bắc!

    Bởi “Xa giang san” là đã vượt biên giới, còn “Xa quê hương” có thể chỉ là xa... quê quán của mình (nhưng vẫn chưa... vượt biên giới!)

    Sau cùng là việc đổi lời hát trong câu kết của điệp khúc:

    Bầy ta càng đi càng xa quyết khi về đem lại đây chiến công dù thân mồ quên lấp chìm.

    thành:

    Bầy ta ra đi càng xa quyết khi về đem lại đây chiến công NGÀY MAI CÀNG THÊM SÁNG NGỜI.

    đã cho thấy một sự lúng túng, gượng ép và ngu dốt trong cách sử dụng tiếng Việt của người (hay những người) làm công việc đổi lời hát.

    Như chúng tôi vừa viết ở một đoạn trên, Văn Cao có sự hiểu biết và tuân thủ luật về vần trong lời thơ, trong ca từ, cho nên ở đây khi kết câu trên bằng bốn chữ “...cùng ngàn kiếp chim”, ông đã kết câu dưới bằng “...mồ quên lấp chìm”.

    Quả thật không còn gì tuyệt vời cho bằng! Nỡ lòng nào mà mấy tay “hậu sinh khả ố” đổi thành “càng thêm sáng ngời”!

    Đó là chưa kể sự tối nghĩa của cả câu “chiến công ngày mai càng thêm sáng ngời”!


    * * *

    Khi viết bài này, chúng tôi nhắm tới mọi thành phần độc giả - “bên thua cuộc”, “bên thắng cuộc” cũng như “phe đứng giữa”, vì thế chúng tôi phải khách quan, phải gạt bỏ mọi thành kiến với người (hay những người) đã đổi lời hát trong nguyên tác Không Quân Việt Nam của Văn Cao, tuy nhiên cũng phải đặt ra hai câu hỏi sau đây:

    (1) Khi khẳng định lời hát mới được họ đăng tải là nguyên tác của Văn Cao, tại sao trang mạng “Bài ca đi cùng năm tháng” không cho biết họ đã lấy nguyên tác này từ đâu? Không có bản in, bản viết tay thì ít nhất cũng phải cho biết lời hát được ghi lại từ “bộ nhớ” của vị “tiền bối” nào chứ... Hoàn toàn không có!

    (2) Nếu quả thực lời hát mà chúng tôi (và đại đa số thính giả trong, ngoài nước) tin là nguyên tác của Văn Cao thực ra chỉ là “do Ngụy quyền đã xuyên tạc và dùng cho chế độ cũ” (bình luận trên trang mạng “Bài ca đi cùng năm tháng”) thì tại sao những người làm công việc “cải chính” đã không làm khi Văn Cao còn sống (để ông được vui lòng) mà lại đợi tới 20 năm sau khi ông qua đời mới làm?

    Hỏi là đã trả lời!

    Sau cùng, xin nêu ra một thực tế chứng minh hùng hồn tính cách thiếu sức thuyết phục của phiên bản 3, đó là: 8 năm sau khi phiên bản này được phổ biến với sự kêu gọi của những người phụ trách trang mạng “Bài ca đi cùng năm tháng”, tất cả mọi trang mạng ca nhạc của người trong nước hiện nay vẫn tiếp tục đăng lời hát cũ (phiên bản 1 hoặc phiên bản 2), vốn đã được mọi người hát từ gần 70 năm qua; đó là các trang mạng:

    - nhaccuactui
    - loibaihat.me
    - loibaihat.biz
    - tainhaccho.net
    - vnguitar.net
    - nhackhuc.com
    - Lyrics.vn, dưới nhan đề “Lời bài hát Không Quân VIỆT NAM của Văn Cao: Không Quân VIỆT NAM (1945)”

    Còn lời hát của phiên bản 3 thì từ năm 2015 tới nay, 8 năm đã trôi qua, vẫn chỉ được phổ biến trên một trang mạng duy nhất là “Bài ca đi cùng năm tháng”!

    Video trên YouTube cũng chỉ có hai:

    (1) “Không Quân Việt Nam Hành Khúc - Văn Cao / Âm nhạc cổ điển Việt Nam” do Huy Hùng - Phan Muôn song ca, được trang mạng Âm nhạc cổ điển Việt Nam đưa lên YouTube; tính tới tháng 10/2022 mới chỉ có 997 lượt người xem.

    Đây cũng là video có kèm theo những dòng chữ xuyên tạc, nhục mạ VNCH trên màn hình một cách rất hạ cấp chỉ thấy nơi những thành phần vô giáo dục.

    (2) “LK Hành Khúc Không Quân Việt Nam - Tốp ca múa Đoàn Văn Công Quân chủng PQ - QK│Giai Điệu Thao Trường”, gồm ba ca khúc Không Quân Việt Nam – Những mùa bay đôi – Phi đội ta xuất kích.

    Nhận xét một cách khách quan, phần ca nhạc (hợp ca) trong liên khúc này khá hay nhưng vũ (múa) thì quá tệ, chưa kể cách phục sức dung tục của các nữ vũ công khiến một độc giả đã phải phê bình:

    @lehot3094
    11 months ago
    HÀNH KHÚC... KHÔNG QUẦN VIỆT NAM... TỘI QUÁ... MẤY EM Ở TRUỒNG!!!





    KẾT LUẬN

    Như đã viết trong Lời Nói Đầu, chúng tôi bắt buộc phải trở lại đề tài “Không Quân Việt Nam Hành Khúc” của Văn Cao một lần nữa để chứng minh nguyên tác của ca khúc này chính là nội dung ấn bản của Nhà xuất bản Tinh Hoa, ấn hành lần thứ tư vào năm 1955.

    Nguyên tác ấy sau năm 1975 đã được hai nghệ sĩ gốc miền Nam là Việt Dzũng & Nguyệt Ánh thu âm tại hải ngoại.

    Khi làm công việc này chúng tôi hoàn toàn không có mục đích chính trị, không mang định kiến với bất cứ người nào, tập thể nào trong số đã phổ biến, đã hát những phiên bản sai với nguyên tác của Văn Cao. Bởi vì, như đã viết, những phiên bản được hát trong tập thể Không Quân VNCH trước đây cũng có những chỗ tam sao thất bổn.

    Chúng tôi chỉ muốn mọi người tôn trọng sự thật, cũng là tôn trọng tác giả, một nhân tài hiếm quý, ngôi sao bắc đẩu trong nền tân nhạc Việt Nam thưở ban đầu.

    Muốn tạo sức thuyết phục nơi đối tượng, chúng tôi phải tuyệt đối khách quan. Cho nên chúng tôi mới trích đăng nguyên văn phần “Lịch sử” của ca khúc trong bài “Không quân Việt Nam hành khúc” trên Wikipedia (tiếng Việt), cho dù biết rõ bài này được viết dựa vào ba nguồn tài liệu của Cộng Sản Việt Nam:

    Lịch sử:
    Sau khi Văn Cao bị chỉnh huấn sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ca khúc này được ít người hát tại miền Bắc. Tuy nhiên, ca khúc đã được sử dụng làm bài hát chính thức của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhưng không được sự đồng ý của nhạc sĩ Văn Cao. Sau này bài hát cũng được cả Không Quân Nhân Dân Việt Nam sử dụng và gia đình nhạc sĩ Văn Cao thừa nhận ca khúc này là viết cho Không Quân Nhân Dân Việt Nam vì nó được viết khi nhạc sĩ tham gia Việt Minh. (ngưng trích)

    Chỉ có điều không được “công bằng, minh bạch” cho lắm khi Wikipedia viết rằng “ca khúc đã được sử dụng làm bài hát chính thức của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhưng không được sự đồng ý của nhạc sĩ Văn Cao”.

    Năm 1955, đất nước đã bị chia cắt, làm sao Không Quân Việt Nam Cộng Hòa có thể liên lạc xin phép nhạc sĩ Văn Cao ở ngoài Bắc? Mà đã không liên lạc để xin phép thì làm sao biết ông đồng ý hay không đồng ý?!

    Nhưng thôi, điều quan trọng là hiện nay ông đang ngậm cười nơi chín suối, và rất có thể còn thầm cám ơn Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã sử dụng, góp phần giúp hành khúc này trở nên nổi tiếng!

    Cũng giống như sau năm 1975, được phép vào thăm Sài Gòn lần đầu tiên, ông đã khóc vì nỗi sung sướng, niềm hãnh diện khi nghe Thái Thanh trình bày những tuyệt tác của ông (đang bị cấm tại miền Bắc), trong một buổi gặp gỡ “chui” do một số văn nghệ sĩ trong Nam tổ chức để đón tiếp nhà nhạc sĩ nổi tiếng và cô đơn nhất trong nền tân nhạc Việt Nam.

    Thiên Ân
    Melbourne, Úc Châu, tháng 6/2023



    PHỤ LỤC:

    Ca khúc “Không Quân Nhân Dân Việt Nam”

    Vào cuối tháng 8 năm 2018, trên trang mạng của Hội Âm Nhạc Hà Nội đã cho phát bản thu âm (audio) ca khúc “Không Quân Nhân Dân Việt Nam” do Tốp ca nam của Đoàn Văn công Phòng Không – Không Quân trình bày, mà trang mạng này cho biết “là ca khúc được giới thiệu trong chương trình Tác phẩm mới của Hội Âm nhạc Hà Nội vào ngày 15/08/2018 vừa qua”.

    Qua phần giới thiệu trên trang mạng của Hội Âm nhạc Hà Nội, của quân chủng Phòng Không – Không Quân, và của một vài tờ báo trong nước, người ta được biết đây là một sáng tác của nhạc sĩ Văn Công phổ thơ thi sĩ Bính Ngọ.

    Văn Công là bút hiệu của Đại táVăn Đình Công, hiện đang giữ chức vụ Trưởng phòng Thanh tra Tài chính, thuộc Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng.

    Bính Ngọ là bút hiệu của Đại tá Không Quân Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bính Ngọ - Trưởng Phòng Tài chính, quân chủng Phòng Không - Không Quân.

    Ít lâu sau đó, video của ca khúc này, cũng do Tốp ca nam của Đoàn Văn công Phòng Không – Không Quân trình bày, đã được hathanhmusic đưa lên YouTube với tựa đề “Không Quân Nhân Dân Việt Nam”; sau hơn 2 năm, số lượt người xem/nghe video này cũng chỉ được vài ngàn - con số rất khiêm nhượng đối với một ca khúc do ca sĩ chuyên nghiệp trình bày.

    Trong số 8 người tham gia bình luận, @ducnguyenhuy4578 viết:

    - Bài hát này: về lời, chỉ là những khẩu hiệu khô khan; về nhạc, chỉ là những âm điệu cứng nhắc. So với bài hát “Không Quân Việt Nam” (nhạc và lời của Văn Cao) thì thua rất xa về cả nhạc lẫn lời.

    Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bình luận của độc giả
    @ducnguyenhuy4578, nhất là câu hát “Phía trước là Trường Sa, dưới cánh bay là Hoàng Sa” nghe nó có vẻ cường điệu thế nào ấy!

    Ai trong chúng ta cũng biết quần đảo Hoàng Sa đã bị Tàu khựa cưỡng chiếm vào đầu năm 1974 sau một trận hải chiến đẫm máu với Hải Quân VNCH, và hiện nay đã trở thành căn cứ quân sự quan trọng của Trung Cộng ở biển Đông, với phi đạo dài gần 3000m cho các loại chiến đấu hiện đại như JH-7 và SU-30, thì nếu phi cơ của Không Quân Nhân Dân Việt Nam bén mảng tới, chắc chắn sẽ bị bắn hạ trước khi thấy được Hoàng Sa “dưới cánh bay”!

    Vì thế, cho dù một vài người ủng hộ hai “tác giả Đại tá” đã gọi đây là “hành khúc chính thức của Không Quân Nhân Dân Việt Nam”, chúng tôi tin rằng rồi đây ca khúc này cũng sẽ mau chóng chìm vào quên lãng, như hàng chục ca khúc khác viết về Không Quân Nhân Dân, như Bài ca khi chúng tôi bay, Vì tổ quốc bình yên, Phi đội ta lên đường, Phi đội ta xuất kích, Không quân ta ra đi, Bay trong lấp lánh Ba Đình, Hành khúc sư đoàn không quân, Nơi ấy bầu trời. v.v...

    Sau đây, để độc giả có thể đánh giá cả nét nhạc lẫn lời hát của ca khúc “Không Quân Nhân Dân Việt Nam”, chúng tôi xin giới thiệu video của KÊNH VOV LIVE ÂM NHẠC CỦA ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM, tựa đề:


    KHÔNG QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM | Cuộc thi Hát Lên Việt Nam - Let's Sing Việt Nam


    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-24-2023, 08:34 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X