Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Sách Lược Giúp Dân Cứu Nước

Collapse
X

Sách Lược Giúp Dân Cứu Nước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sách Lược Giúp Dân Cứu Nước

    Sách Lược Giúp Dân Cứu Nước
    Phạm Văn Bản



    Hình tác giả Phạm Văn Bản lúc 40 tuổi đang trình bày
    với nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt ở Singapore về Đảng KỳMặt Trời 14 Tia Sángbiểu tượng chữ Đức ghi tại trung tâm Trống Đồng Ngọc Lữ và Thạp Đồng Đào Thịnh của Tổ Tiên Việt Nam cách nay hơn bốn ngàn năm văn hiến/ cũng như Quốc Kỳ Do Thái được công bố vào năm 1948, ở giữa lá cờ là biểu tượng Tấm Khiên của Vua David kết hợp với Dấu Triện của Vua Solomon, gọi là Ngôi Sao David có 6 Cánh Tia, cũng đã xuất hiện hơn bốn ngàn năm qua (National Flag consisting of a central Shield Of David (Hebrew: “Magen David,” which is also popularly known as the Star of King David).


    Kính thưa quý vị và các bạn,

    Sách Lược Giúp Dân Cứu Nước của Tổ Tiên Việt muôn đời hữu dụng, là sách gối đầu giường hằng đêm cho những ai muốn suy tính từng điểm, từng chữ, từng câu, từng đoạn để làm thành một chương trình sống của một con người dám quyết tâm phá giặc. Đó chính là con người thật mà chúng ta mong muốn đề cập.

    Dám thấy việc phải làm dám làm việc đã thấy. Dám đối diện với thực tại, dám nhìn thẳng vào tương lai. Dám đương đầu với khó khăn, dám biến chướng ngại thành phương tiện. Dám từ bỏ những gì mà mình đang có để bạn thực hiện điều cao qúy hơn. Bạn có dám không?

    Không chỉ dám bằng hứng chí, bằng lý trí, bằng chứng cớ, bằng suy tư mà còn dám với tất cả tâm hồn, chúng ta dám cảm nhận sống thực với chính mình, vì bao trăm năm qua dân nước Việt Nam chưa một lần được thực sự giải cứu. Thực tế dân nước chúng ta với các quốc sách đang chịu lệ thuộc và đô hộ bởi ngoại bang, cho dù có xưng danh “Thống Nhất” như triều đình Gia Long từng tuyên bố vào ngày 1 tháng 6 năm 1802, hoặc thời đại Cộng Sản công bố thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

    Dân Tộc chúng ta đau thương khốn khổ vì ách giặc bóc lột. Nhân loại cũng bị trào lưu duy vật duy lợi làm khiếm khuyết hạnh phúc cho con người.
    Bạn có dám thấy? Dám đối diện? Dám đương đầu? Câu trả lời là tùy bạn. Nếu dám, bạn xứng là thanh niên và là rường cột của dân tộc Việt cũng như của cả nhân loại.

    I. Bài học cải hóa

    Truyền thuyết Phù Đổng của Tổ Tiên giải đáp thắc mắc của các sự kiện bất hạnh xảy ra cho dân nước Việt Nam nêu trên. Trước hết Phù Đổng là Bài Học Cải Hóa – cải hóa từng con người và cải hóa toàn thể xã hội. Vừa Cứu Nước lại vừa Cải Hóa Con Người.

    Khởi đầu sự kiện nước bị Giặc Ân xâm chiếm – Thời Nhà Ân Trung Quốc cũng cùng với Thời Vua Hùng ở vùng Đất Tổ của chúng ta là Hồ Động Đình. Nhân việc kể đi kể lại chiến tích chống ngoại xâm, Tổ Tiên đã đúc kết truyền thuyết thành bài học Cứu Nước và Cứu Người.

    Trước nạn giặc xâm chiếm, nước mất nhà tan, dân tình khốn khổ, Vua Hùng và triều đình đã dùng hết cách, hết kế, hết sức, hết lực nhưng vẫn không ngăn được giặc. Tuy là bối cảnh câu chuyện, nhưng lại là yếu tố giúp chúng ta chuẩn bị cho một tổ chức chính trị và lãnh đạo phù hợp thời đại để cứu nước hoàn chỉnh và hữu hiệu.

    Mọi phương thức chống giặc đều vô hiệu, lực lượng tan rã, lòng dân phân tán, đồng minh trở mặt. Giặc lại thừa thắng xông lên, gây bao oan nghiệt, điêu linh thống khổ cho đồng bào, cho quê hương, cho đất nước, cho giống dòng.

    Bạn khắc khoải vì đồng bào mình khốn khổ lầm than. Bạn băn khoăn vì triệu người nghèo đói bệnh tật. Ðói nghèo, khốn khổ, dịch bệnh không phải vì địa cầu thiếu tài nguyên, cũng không phải vì con người không đủ khả năng khai thác những tài nguyên hay thuốc men đó. Nhưng, như bạn biết, phần lớn loài người bị đói khổ bệnh hoạn cũng chỉ vì phần nhỏ cầm quyền kia tham lam, ích kỷ, trục lợi và hại nhân.

    Dù núp dưới chủ nghĩa đấu tranh tiến bộ xã hội, cộng sản hay tư bản cũng chỉ là nhóm người cầm quyền dựa trên những chủ thuyết và thể chế cai trị khiếm khuyết để bạo hành cầu lợi, áp bức bóc lột toàn dân. Dưới hình thức này hay hình thức khác, các chế độ hiện nay chỉ có mục tiêu tối hậu là trợ giúp cho những kẻ đang có sẵn đặc quyền thống trị, được thêm phương tiện để ép buộc tòan dân phục vụ cho họ. Nô lệ hóa con người!

    Ðó là nguyên nhân làm cho hầu hết nhân loại cơ cực, đau thương, dịch bệnh, khốn đốn. Tất cả do phân phối bất công, do tham lam lạm dụng, do hoang phí vô bổ, do tích cực hưởng lợi của nhóm người cầm quyền đang chiếm ưu thế.

    Chúng ta phải nhận chân thảm trạng mất nước. Không lượng định chính xác sức mạnh của giặc, và tình trạng yếu kém của ta về mọi phương diện, thì chỉ là lạc quan trái mùa hay sợ giặc mà không nhìn ra giặc, không đánh giặc mà lại đánh nhau, đánh anh em đồng bào ruột thịt.

    Vì vậy chúng ta cần học hỏi và trau dồi tài năng kiến thức sao cho hơn giặc về mọi mặt thì mới mong thắng giặc.

    1. Nhận chân thực trạng - biết địch biết ta.

    Xác định đức tính thiết yếu của chúng ta là dám nhận thực hiện trạng phũ phàng, dám tin tưởng tuyệt đối vào sức sống sức mạnh của dân tộc. Chúng ta dám lột xác để thích ứng với tình thế mới, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, và quyết tâm dấn thân thực hiện việc tổ chức chính trị cứu nước cho đến ngày thành công.

    Bài học khởi sự với việc nêu rõ điều kiện, đức tính cần thiết để cải hóa từng người, rồi từ một người tới tổ chức, từ tổ chức tới mọi người khác. Phù Đổng duyệt qua từng giai đoạn, từng công tác, từng hành động từ việc vận động tinh thần, tới các điều kiện đoàn kết, qua phương thức phát hiện tiềm năng, tới cách thể hiện điều hợp, ứng biến và tập trung sức mạnh.

    Bài học nêu rõ vấn đề vai trò các chủ lực, thái độ và phương thức để khỏi rơi vào tròng độc tài, áp bức, bất công, trục lợi. Tất cả được Tổ Tiên hướng dẫn từng bước cụ thể, từng giai đoạn thực tế, để từng người, từng nhóm người và toàn thể trở về với Con Người đích thực, và Xã Hội cũng đích thực trọn vẹn là Xã Hội Con Người, Xã Hội Đồng Bào, Xã Hội Thân Thương hay Xã Hội Bọc Mẹ Trăm Con.

    Trong ngõ bí của thời cuộc, trong phũ phàng của thực trạng mất nước, Tổ Tiên cho bừng lên một vừng sáng chói chang hy vọng là Vua Hùng lập đàn cầu Tổ về giúp. Việc lập đàn chứng tỏ lòng thành và ý thức của chúng ta về tầm mức quan trọng vượt bực trong đại cuộc Giúp Dân Cứu Nước. Cứu một người đã khó thay, huống chi cứu cả một dân tộc, một đất nước, một lịch sử giống dòng.

    Tổ là biểu trưng cho Tinh Thần, cho Sức Sống tối cao, Hồn Thiêng của Dân Tộc. Ngài là nguồn gốc và là sự sống còn, là niềm hy vọng và là tụ điểm của toàn dân. Cầu Tổ là bộc lộ niềm tin bất diệt, niềm hy vọng tuyệt đối vào sức sống vô biên và truyền thống siêu việt của dân tộc.

    Ðây chính là nền tảng đích thực của một tổ chức chính trị phù hợp thời đại mang sứ mệnh Giúp Dân Cứu Nước. Bất cứ nền tảng nào khác đều dẫn tới hậu quả là biến dân nước thành vong nô của ngoại bang, của tà thuyết, của bạo quyền hay của nhóm lợi ích.

    2. Dựng Bàn Thờ Tổ

    Việc cầu Tổ, Phù Đổng còn nối kết cách tuyệt diệu với các truyền thuyết Tiên Rồng hay Tiết Liêu. Theo Tiên Rồng thì Cha Rồng nhắn nhủ là “Khi cần thì gọi, Ta về ngay.” Và theo Tiết Liêu thì Tiết Liêu thành tâm an dân thịnh nước, Tổ cũng đã về giúp.

    Ở thời bình mà Tổ còn thương như vậy, huống chi thời loạn và con cháu đau khổ. Con cháu có lúc nào cần Tổ thương về giúp khi đất nước gặp nạn, gia đình ly tán, đồng bào thống khổ, đất nước loạn lạc hay dịch bệnh?

    Con cháu khẩn thiết kêu cầu, Vua Hùng lập đàn cầu Tổ về giúp.
    Trên đàn có ngai qúy để Tổ về ngự, hương trầm nghi ngút, đèn nến sáng ngời, lễ vật đầy đủ. Vua quan đều thân thanh tâm tịnh, thành tâm thiện ý, đoàn kết một lòng, và dân chúng thì vây quanh cầu khẩn, van xin thống thiết, uy nghiêm trang trọng. Toàn dân ai cũng chờ Tổ hiển hiện tại đàn, “hoành tráng” chưa từng thấy!

    Nào ngờ trên đàn chưa thấy dấu linh, thì ở ngã ba đường lại có một Cụ Già Áo Đỏ đang đùa giỡn với đám trẻ trong làng. Người dám tiến vào đại chúng, tìm gặp Tổ chính là Vua Hùng. Vì quyết tâm cứu nước, nên dầu thấy những cảnh tượng bất thường của Cụ Gìa, Vua Hùng cũng tìm tới gặp Cụ, và xin Cụ dạy cách cứu nước.

    Phải thành tâm cùng tột, tuệ linh sáng ngời như Vua Hùng mới có thể nhận ra đó không phải là quái nhân tới phá đám, mà Tổ đã về.
    Tuy đã lập đàn và chuẩn bị mọi sự, tức là đã dự tính cho nhiều kế hoạch, nhiều chương trình nhưng Vua Hùng cương quyết gạt bỏ tất cả, tới ngã ba đường gặp Cụ Gìa cổ quái để học cách tổ chức cứu nước.

    Đây là điểm đột phá quan trọng cho người lãnh đạo, là Lột xác và Dấn Thân.

    3. Lột Xác Dấn Thân

    Không vượt qua điểm đột phá này, không lột xác, không từ bỏ dự tính, không đoạn tuyệt phương thức tổ chức cũ, thì chúng ta không thành công. Không thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới, không đón nhận kiến thức mới, không bình tâm sáng tạo thì chúng ta không thể hội nhập vào tổ chức chính trị Hoa Tiên Rồng.

    Không mở rộng tâm trí đón nhận những bất ngờ, những cổ quái, thì chúng ta không thể nghe được tiếng Tổ gọi, tức là không thể nhận ra những phương thức thực sự hữu hiệu cho việc cứu nước. Và chúng ta có vượt qua được điểm lột xác thì mới có cơ may được Tổ dạy cách Cứu Nước, học Đạo Sống Việt trong Chánh Thuyết Tiên Rồng.

    Bất chấp sự phản đối của những quần thần kênh kiệu can ngăn, Vua Hùng lội bùn đội mưa tới ngã ba đường gặp Tổ, và được Tổ dạy một phương thức cứu nước. Nhưng cách Tổ dạy cũng cổ quái. Tổ bảo Vua sai Sứ đi khắp nơi, tìm người cứu nước.

    Thực kỳ lạ! Tại sao Tổ không nói rõ vị cứu tinh đó là ai? Tại sao lại bảo cho người đi tìm? Nếu chỉ có thế, thì Tổ hiện về làm gì? Vua Hùng cũng chẳng đang làm những việc đó sao?

    Nhưng chính điểm kỳ quái lại là bài học cho chúng ta. Tổ nhắc nhở, Tổ chỉ dạy chớ Tổ không thể làm giúp thay cho chúng ta. Tổ không giết giặc, Tổ không chỉ huy, Tổ cũng không làm gián điệp, Tổ cũng không cho nỏ thần hay vũ khí hiện đại để thị uy hoặc tiêu diệt giặc.

    Biết bao lần chúng ta cầu mong phép lạ, điềm linh giết giặc thay chúng ta hưởng. Biết bao lần chúng ta trách móc các Đấng Linh Thiêng không tích cực độ trì, giúp ta khoanh tay nhìn giặc chết! Biết bao lần chúng ta kết tội người khác, kết tội anh em, kết tội đồng bào, kết tội đồng minh không làm thế này, thế nọ.

    4. Thực Thi Ý Tổ Ý Dân

    Vấn đề không phải là Tổ làm, mà là chúng ta biết thực thi ý muốn của Tổ. Khi biết Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi muốn giải cứu dân lành, thì chính chúng ta phải tỏ ra là người con thảo, là tín đồ thuận thành. Chính chúng ta phải ra công phá giặc và hoàn thành ý muốn của các Đấng Thiêng Liêng.

    Chính chúng ta phải làm, phải dấn thân thì mới cứu được nước. Xin nhớ rằng chúng ta có tổ chức và lãnh đạo chính trị hợp nhu cầu thời đại thì mới mong có được thành công.

    Hiện nay, chúng ta không thể giải cứu dân nước Việt Nam về kinh tế quân sự, khoa học kỹ thuật, hay chính trị ngọai giao… mà là Cải Hóa Xã Hội, để mỗi người có thể sống một cuộc sống đích thực, trọn vẹn Làm Người.

    Như thế có nghĩa là chúng ta cần thay đổi các thể chế và tổ chức cách sống hiện tại, bằng một xã hội có cấu trúc và phương thức sinh hoạt đặt nền tảng đích thực và trọn vẹn trên mọi đặc tính của Con Người, Xã Hội Đồng Bào. Vấn đề to lớn lắm phải không bạn? Dĩ nhiên việc của thanh niên chúng ta phải là việc lớn, vì điều này còn là vấn đề của toàn thể nhân loại.

    Cũng như Vua Hùng được Tổ chỉ cách. Nhưng trước khi vua thể hiện ý Tổ, chúng ta thử nhìn lại giai đoạn vừa qua. Vua Hùng sống với thực trạng mất nước, và khởi công từ thực trạng đó mà làm. Vua không nuối tiếc hão huyền, cũng không mơ mộng viển vông của cuộc đời vương giả.

    Vua tìm về nền tảng của công cuộc tổ chức và lãnh đạo cứu nước. Nền tảng đó là Tổ, là Sức Sống, là Truyền Thống siêu việt đang tiềm tàng trong đời sống dân chúng.

    Với quyết tâm cứu nước, vua lột xác, sẵn sàng thích ứng và xử dụng mọi hoàn cảnh mới, mọi điều kiện mới. Cuối cùng là dấn thân, không do dự, không ỷ lại, sẵn sàng biến mọi chướng ngại thành phương tiện hữu hiệu trong việc cứu nước.

    Vua Hùng là biểu tượng của con người cứu nước đích thực. Vì vậy những đức tính trên cũng chính là những điều kiện cần thiết cho bất cứ ai muốn thực sự góp phần vào việc phá giặc.

    II. Bài Học Hồn Nước

    Truyền thuyết Mỵ Châu - An Dương Vương từ bỏ Hồn Nước, nên dẫn tới Mất Nước. Ở đây Vua Hùng gặp lại Tổ, sống lại Hồn Nước, nên khởi sự Cứu Dân Cứu Nước.

    Lời dạy của Tổ chính là phương thức cứu nước. Lời dạy của Tổ là ý muốn của Tổ, là chính Tổ sống động hiện thực trong dân nước.

    Theo Lời Tổ là động lực cho mọi hành động của vua Hùng. Vua sai Sứ đi tìm Người Cứu Nước, sở dĩ các sứ chịu đi và toàn dân chịu nghe theo cũng vì làm theo Lời Tổ – chớ không theo Lời Vua!

    Lời Tổ trở thành Sức Sống, trở thành Hồn Thiêng tạo dựng, thúc đẩy, điều hợp và hoàn thành đại cuộc. Sức Sống này từ Vua Hùng truyền qua đoàn sứ nhân ngày xưa/ hay đảng chính trị ở thời đại tín liệu (Information Age) ngày nay, và từ sứ nhân truyền qua toàn dân.

    Được Tổ chứng giám, Tổ chỉ dạy, giờ đây Vua mạnh dạn sai Sứ lên đường. Đoàn sứ nhân chính là đại diện, là người lãnh đạo chính trị, là hiện thân hay chính Vua Hùng đi đến gặp gỡ toàn dân.

    1. Đoàn Sứ Nhân/ Đảng Chính Trị

    Như vậy, đoàn sứ nhân là Người Cứu Nước lên đường hành động, dấn thân thể hiện sứ mạng theo Lời Tổ dạy. Đem Sức Sống của Tổ đến cho toàn dân.

    Toàn dân nhờ đó mới nhận được sứ điệp Tổ và mới cứu được nước. Vai trò của tổ chức chính trị đích thực là nền tảng trong công cuộc cứu nước mà thời đại ngày nay gọi là Đảng Chính Trị và Lãnh Đạo.

    Sứ nhân lên đường và chia nhau đi đến với dân chúng khắp nơi. Mục tiêu hành động đầu tiên của tổ chức cứu nước là Dân, chớ chưa trực tiếp đối đầu với Giặc.

    Công tác chính là vận động mọi người đứng lên chống giặc. Có như thế thành công mới trọn vẹn là của dân, do dân, từ dân và vì dân.

    2. Toàn Dân Toàn Diện

    Sứ nhân đi khắp nơi, không bỏ sót, không từ khước bất cứ nơi chốn hay một phạm vi nào. Nơi đó có thể là trong nước hay ngoài nước, nơi thân thiện hay ở ngay trong lòng địch, trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, kỹ thuật, văn nghệ, giáo dục, thể thao, giải trí, truyền thông.

    Sứ nhân tiến vào các cộng đồng, hội đoàn, nghiệp đoàn, họ tộc, gia đình, hay là trí óc, con tim, cuộc sống của bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh hay sinh hoạt con người, cá nhân cũng như tập thể. Sứ nhân chia nhau đi, không dồn chung một chỗ, không dành nhau một việc.

    Mỗi người tùy khả năng và hoàn cảnh riêng mà nhận phần trách nhiệm của mình. Có phân nhiệm mới có tổ chức.

    Tổ chức cứu nước là những con người lãnh đạo chính trị cùng thể hiện các đức tính của sứ nhân. Căn cứ theo hiện tình và khả năng linh động, mà sứ nhân chia nhau trách nhiệm và hoàn thành các công tác để giúp họ thực thi sách lược giúp dân cứu dân.

    Ðoàn sứ nhân chia nhau đi khắp nơi để loan tin. Nhưng tin của họ thực là đơn sơ, Tổ đã về và sai đi tìm người cứu nước.

    Thông điệp với nội dung ngắn gọn, nhưng tác dụng lại hệ trọng. Tổ về và Tổ bảo đi tìm, chứng tỏ Tổ độ trì cho tổ chức, cho phương thức, cho sách lược và chắc chắn có người cứu được nước. Chúng ta đã có Sức Sống, có thời sách, có nhân sự, có tổ chức thì thực hiện việc chung việc nước cũng thuận tiện dễ dàng.

    Ðây là lúc khám phá, lúc thực hiện, lúc cứu người, lúc góp phúc. Dầu giặc đang mạnh, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Có gì khích động và hứng khởi hơn để khơi dậy niềm tự tin tự hào dân tộc bằng nguồn tin tuyệt diệu này? Dầu ai tuyệt vọng, cũng phải hăng say với tin mừng.

    Đoàn sứ nhân đi loan tin khắp nơi, chính là thể hiện công tác đem Tinh Thần dân tộc đến cho toàn dân. Nước mất vì dân quên Tổ, quên nếp sống truyền thống siêu việt của Tổ Tiên, quên Chánh Thuyết Tiên Rồng. Giờ đây sứ nhân nhắc nhớ tới Tổ, thức tỉnh niềm tin, sống lại tinh thần, sức sống dân tộc và giúp dân cứu nước.

    Khi đến với dân sứ nhân không chỉ loan tin, mà còn phải có hành động cụ thể. Sứ nhân lục lạo tìm kiếm cho ra Người Cứu Nước Phù Đổng. Hoạt động này cũng gây tác dụng thiết yếu. Khi đã phấn khởi nhờ sống lại niềm tin, mọi người cũng tiếp tay với đoàn sứ nhân mà đi tìm người cứu nước Phù Đổng.

    Khi góp phần tìm kiếm, chính là lúc mọi người đều thấm thía nạn mất nước. Do đó, mỗi người sẽ ý thức đích xác về phận vụ của mình trong công cuộc cứu nước.

    Mọi người sẽ lột xác, lãnh nhận trách nhiệm, và dấn thân chu toàn sứ mạng lịch sử. Như vậy, đoàn sứ nhân loan tin và tìm kiếm chính là thực hiện công tác làm cho người dân sống lại Hồn Nước, ý thức nạn nước, nhận lãnh trách nhiệm, và dấn thân cứu nước.

    3. Người Dân Đích Thực Là Người Cứu Nước.

    Ðây cũng là công tác làm cho Mọi Người sống trọn nếp sống Việt, trở thành Người Dân Đích Thực, trở thành Người Cứu Nước.

    Truyền tích An Dương Vương làm mất nước, vì đã xa cách dân, loại dân ra khỏi việc nước. Giờ đây Vua Hùng, qua đoàn sứ nhân đã tìm lại dân, giúp dân ý thức và chung phần việc nước.

    Mọi người đã cùng cố công tìm kiếm, và rồi tại làng Phù Ðổng họ đã gặp người cứu nước. Việc gặp thấy người cứu nước tại một làng cũng là nét đặc trưng của Chánh Thuyết Tiên Rồng, nhấn mạnh người cứu nước được tìm gặp ở trong làng, chớ không phải cung điện vua hay chốn đô thị.

    Trong nếp sống dân ta, làng giữ một vai trò nền tảng. Thể chế làng nước đã được Tổ tiên đặc biệt chú trọng và lưu truyền trong truyện tích An Tiêm.

    Tại làng đã xuất hiện người cứu nước. Nhưng nhân vật này cũng kỳ lạ khác thường, chỉ là cậu bé ba tuổi. Tính cách bé bỏng của cậu bé tượng trưng cho đại chúng, cho toàn dân.

    Cậu bé lên ba cũng phù hợp với khoảng thời gian mà sử Trung Quốc ghi chép rằng Ân Cao Tôn xâm lấn nước ta. Như vậy, cậu bé ba tuổi này chính là biểu trưng cho đại chúng, cho toàn dân. Vị cứu tinh chính là người dân.

    Dầu tê liệt câm nín, nhưng Cậu Bé lại lắng nghe. Sống trong tay giặc, toàn dân hay Cậu Bé Phù Ðổng phải lặng im bất động. Vì ai phát biểu linh tinh là bị giặc bắt đi tù cải tạo mút mùa lệ thủy.

    Mọi người nôn nóng trông chờ ngày thoát ách giặc. Mọi người sôi sục đợi ngày vùng lên. Mọi người lắng tai nghe ngóng tin tức cứu nước.

    Khi sứ nhân loan tin Tổ về, Cậu Bé cấp thời hưởng ứng. Khi nghe sứ nhân, chính là lúc Cậu Bé bừng lên niềm hy vọng chói chang, sống lại Hồn Nước.

    4. Sống Lại Hồn Nước

    Ðã gặp lại Tổ, đã sống lại niềm tin, Cậu Bé liền bật nói, toàn dân đều bật nói. Bật nói là dám hiên ngang bộc lộ.

    Dầu mới chỉ bằng lời, nhưng đây cũng là dấu chỉ của lòng tự tin và phấn khởi. Từ đây người dân đã dám tự hào về mình, dám nói lên niềm tin tưởng của chính mình. Cậu phát biểu lời đầu tiên là đòi ngựa và roi sắt. Cậu đòi hỏi phương tiện để phá giặc cứu nước.

    Dấu chứng sức mạnh tinh thần đã bộc lộ. Khi thoát khỏi tình trạng câm nín, khi tinh thần đã được củng cố, khi ý thức được trách nhiệm với nước, điều đầu tiên người dân nghĩ tới là phương tiện chiến đấu.

    Khi dân đòi phương tiện chiến đấu, cũng là dấu hiệu cho thấy đoàn sứ nhân – tổ chức cứu nước đã thành công trong công tác thức tỉnh người dân. Tại khúc quanh quyết định này, vai trò của sứ nhân cũng đổi khác.

    Trước đây thì sứ nhân nói cho dân nghe. Hôm nay dân đã nghe đã nói, thì sứ lại là người phải nghe dân. Trong hoạt động tổ chức, chúng ta phải thấy rõ điều này.

    Khi người dân thành tâm tiếp nhận và sống đúng tinh thần Tổ, thì tiếng dân trở thành tiếng Tổ. Ý dân là ý Tổ trong hiện trạng đất nước. Tiếng dân giờ đây trở thành phương thức thiết thực và hữu hiệu cho công cuộc cứu nước.

    Khúc quanh này đặc biệt rất quan trọng cho tổ chức cứu nước, chẳng những vì nó quyết định sự thành bại cho đại cuộc, mà còn thẩm định bản chất của tổ chức. Tổ chức không biến đổi, không trở thành người nghe dân, thì chắc chắn tổ chức đó không phải là tổ chức của dân.

    Từ đó láng giềng khắp nơi đem gạo vải tới giúp Cậu ăn mặc. Khi đã tự tin, người dân tự động khởi công gia nhập và đóng góp. Ăn mặc là nhu cầu nền tảng của đời sống con người. Gạo vải là tất cả nhu cầu thiết yếu trong cuộc cứu nước.

    Vì vậy, Tổ Tiên đã cho chúng ta phương thức giải quyết. Mấu chốt còn lại là bạn. Bạn dám hay không? Bạn dám dấn thân, dám đương đầu, dám biến chướng ngại thành phương tiện hay không, tùy bạn?

    III. Bài Học Chiến Đấu

    Ðẹp thay cảnh toàn dân tấp nập góp gạo góp vải. Mọi người tự nguyện góp công, góp của, góp tài, góp đức.

    Bao thiện chí bấy nhiêu nung nấu, bao tài năng bấy lâu che đạy, bao sức mạnh bấy lâu đè nén, bao phương tiện bấy lâu tích trữ, bao diệu kế bấy lâu ấp ủ thì giờ đây tất cả bộc phát. Tất cả hiển hiện, tất cả thực hành, tất cả vùng lên, tất cả chống giặc!

    Khi lãnh nhận trách nhiệm, người dân tự nguyện đóng góp, tự túc chu cấp những nhu yếu cơ bản của cuộc chiến đấu. Tất cả gạo vải, mọi sự đóng góp đó, đều để giúp cho Cậu Bé Phù Ðổng ăn mặc.

    Tất cả tự nguyện của dân đều tập trung vào Cậu Bé. Người dân chỉ quy tụ quanh Cậu Bé, là dân chớ không tập họp theo các sứ, không theo các đảng viên Tiên Rồng – các bạn phải nhớ điều này.

    Trong giai đoạn đầu của công cuộc thức tỉnh, người dân chỉ mới tin tưởng vào những người thân cận quanh mình, trong tầm vóc làng thôn. Những gì sứ nhân hứa hẹn, dầu sao, cũng còn quá xa vời đối với đại chúng.

    Theo đúng tâm trạng Con Người, người dân chỉ tự ý quy tụ quanh Cậu Bé Phù Ðổng, vì chính Cậu Bé đã tỏ ra vài dấu hiệu đặc biệt. Chỉ có Cậu Bé mới đáp ứng phần nào công tác mà mọi người đang tìm kiếm một anh hùng cứu nước.

    Dân chỉ quy tụ theo ai tỏ ra thực sự có tâm huyết, có tinh thần, có lòng, có nhân cách vì đại cuộc, mà người ấy dấn thân chu toàn sứ mạng chung. Có dân tự ý quy tụ chính là tiêu chuẩn để thẩm định một công cuộc đích thực của dân, do dân, từ dân và vì dân.

    Khi mọi người góp sức, Cậu Bé Phù Ðổng lớn nhanh như thổi. Gạo vải thu tích không phải để chất đống, mà tất cả đều được xử dụng làm tăng trưởng sức sống sức mạnh toàn diện.

    Việc tập trung sức sống sức mạnh, vấn đề phân nhiệm và điều hợp giữ phần quan trọng hàng đầu. Sức mạnh toàn dân chỉ có thể thực sự hữu hiệu, khi được vận dụng và điều hợp đúng mức.

    Không phân nhiệm, không định hướng, sự quy tụ sẽ trở thành hỗn loạn, phân hóa, đối nghịch nội bộ, phò giặc chớ không giúp ta. Giai đoạn tập trung năng lực toàn dân, cũng là bài học đoàn kết.

    Mọi người vây quanh Cậu Bé Phù Ðổng, là vì sống lại niềm tin dân tộc, ý thức trách nhiệm cứu nước, tìm ra Cậu Bé, và Cậu Bé bật nói. Như vậy, công tác kết hợp toàn dân đã thành công, chẳng những giúp cho mọi người sống thực tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm, mà còn chứng tỏ kế sách hữu hiệu, qua một số hoạt động có kết qủa thực tiễn.

    Ðây là những điều kiện thiết yếu cho việc đoàn kết toàn dân. Khi không hội đủ các yếu tố này, việc đoàn kết chỉ là chòm xóm, giai đoạn, hời hợt theo mục tiêu và kết quả hạn hẹp.

    Sứ vua đem ngựa và roi sắt tới. Ngựa sắt và roi sắt là sức mạnh, là phương tiện, là phương tiện, là tụ lực chiến đấu chống giặc. Trong bầu khí mất nước và toàn dân vừa vùng lên góp tài, góp sức, góp của, góp công thì ngựa và roi sắt chính là sự đóng góp của toàn dân.

    Do đó Phù Đổng đã khởi đầu với chính bạn. Bạn là hiện thân của Vua Hùng. Giờ đây mỗi người chúng ta, cũng như Vua Hùng, đang quyết tâm tận lực Giúp Dân Cứu Nước.
    Và cũng như với Vua Hùng, Tổ xác định những đức tính thiết yếu của chúng ta, là dám nhận thực hiện trạng phũ phàng, dám tin tưởng tuyệt đối vào sức sống siêu việt của truyền thống văn hóa dân tộc, Chánh Thuyết Tiên Rồng. Chúng ta dám lột xác, dám dấn thân, dám thích ứng, dám chiến đấu với mọi tình thế mới mà quyết thực hành để đạt dấu chỉ thành công.
    Phù Đổng còn đề ra cả một sách lược chi tiết để cứu nước thành công. Nhưng điều kỳ diệu của truyền tích Phù Đổngthìcông cuộc Giúp Dân Cứu Nước và Cải Hóa Xã Hộilại đặt chung mục tiêu hoạt động với nhau.

    1. Sức Mạnh Phương Tiện

    Sức mạnh phương tiện đó lại do sứ nhân đem tới. Ðoàn sứ nhân, tổ chức Giúp Dân Cứu Nước đã đem Hồn Nước về với toàn dân, nhờ đó Toàn Dân có thể vùng dậy.

    Tiếp đến đoàn sứ nhân còn phải điều hợp sức mạnh tổ chứ ở các làng xã thành tầm vóc toàn quốc, và biến sự đóng góp của toàn dân thành sức mạnh chiến đấu chống giặc. Sức mạnh này không chỉ nhấn mạnh ở lãnh vực quân sự, mà còn bao trùm mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông đang ảnh hưởng tới cuộc chiến.

    Phận vụ của tổ chức giúp dân cứu nước còn phải nhận rõ sức mạnh hiện thực tiềm ẩn trong dân nước, rồi tùy theo hoàn cảnh và điều kiện thực tế mà ứng biến thành sức mạnh cứu nước thành quả, hữu hiệu, hoàn chỉnh, toàn diện. Việc tổ chức và điều hợp lại cần nhân sự, cần tài năng, cần tài trợ và cần ngành nghề đặc biệt, chuyên môn.

    Tất cả đều xác định đúng vai trò quan trọng của một tổ chức có đủ tầm nhìn xa trông rộng, biết quyền biến với mọi tình thế. Khi nhận được ngựa và roi sắt, Cậu Bé liền vươn vai thành người cao lớn.

    Cậu đã ăn nhiều, đã lớn như thổi, nhưng phải chờ cho tới khi có ngựa và roi sắt. Cậu mới vươn vai vượt tới tầm vóc đúng mức danh tướng Phù Đổng của mình.

    Trước đây, khi nghe về Tổ, Cậu đã bật nói, đã dám bộc lộ chính mình. Nhưng nay, có thêm ngựa và roi sắt, Cậu mới vùng dậy, mới đi đứng, mới tuyên chiến, mới phất cờ khởi nghĩa.

    Dầu mọi người đã thức tỉnh, đã quyết tâm, nhưng phải có phương tiện thì toàn dân mới có thể ra tay, mới có thể đối đầu với giặc để cầu mong thắng giặc. Nhờ có sứ nhân trao ngựa sắt, Cậu Bé đã vươn vai.

    Nhưng khi cậu nhảy lên ngựa, thì ngựa sắt biến thành ngựa thần, sống động và phun lửa. Sức mạnh tụ lực tuyệt vời!

    An Dương Vương ỷ vào thành ốc và nỏ thần để mất dân. Nỏ thần dầu bắn một phát giết cả vạn giặc, nhưng vì không có dân, nên mất hiệu nghiệm, không bằng nỏ gỗ. Khi được sức mạnh dân tộc tụ lực, thì ngựa sắt cũng hóa thành ngựa thần, phun lửa và thổi cháy mấy làng.

    Không dân, nỏ thần biến thành nỏ gỗ. Có dân, ngựa sắt hóa ra ngựa thần.

    Toàn dân vươn vai, thì mọi sự cũng đều vươn theo. Sức mạnh của toàn dân làm cho mọi phương tiện trở thành hiệu lực một cách thần kỳ và trở nên linh hiển.

    Không có hình ảnh nào diễn tả sức mạnh và vai trò của toàn dân một cách rõ ràng và đầy đủ hơn. Nói theo kiểu Trạng Trình, “Bất chiến tự nhiên thành!”

    Sở dĩ được gọi là “bất chiến” vì trong việc “tham chiến” của nhân dân, của đạo binh nhân nghĩa, của đồng bào, của chúng ta đã có sự phù trợ chiến đấu của Đức Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi. Với sự tham chiến của Ngài cùng bao lớp con cháu để trừ ác cứu nhân thì được gọi là bất chiến, tất nhiên chúng ta cũng có sức mạnh thần lực, có đủ tài đủ trí, có thông toàn điều hợp, có lãnh đạo phi thường đề thành công thắng giặc.

    2. Tập Trung Sức Mạnh

    Ðã có Hồn Nước, đã có toàn dân. Sức mạnh đã tập trung, đây là lúc vùng lên đuổi giặc để giành lại Đất Nước.

    Với ngựa lửa roi sắt, vị anh hùng Phù Ðổng oai dũng đánh giặc một trận tơi bời. Khi toàn dân có tinh thần, có sức mạnh, có phương tiện, thì việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi là chuyện đương nhiên.

    Ngựa lửa là sức mạnh của đấu tranh, nhưng Phù Ðổng dùng roi sắt. Hình ảnh dùng roi nói lên lòng nhân thứ của Tổ Tiên, tổ chức chúng ta dùng roi đánh giặc chứ không dùng gươm giết giặc.

    Roi mang ý nghĩa sửa dạy, đánh phạt, dù là roi sắt. Đang khi gươm giáo là vũ khí chém giết, tàn phá, hủy diệt, sát nhân.

    Ngay trong ngôn ngữ chúng ta cũng dùng chữ đánh dù là chống giặc, đánh giặc, phá giặc. Tuy cương quyết, dũng mãnh, nhưng không tàn bạo như giết giặc, diệt giặc, cầm tù hay hủy hoại thân thể của giặc.

    Đó là thể hiện tinh thần Thân Thương Bình Đẳng, là bài học nhân thứ khoan dung của con người đồng bào được ghi rõ thành luật lệ trong Chánh Thuyết và Hiến Chương của Tổ Chức Tiên Rồng.

    3. Sức Mạnh Toàn Dân

    Với việc Tổ trở về, với vua Hùng và đoàn sứ nhân dấn thân, với tổ chức cứu nước, với mọi người góp gạo góp vải, với ngựa sắt roi sắt, với tre làng bị nhổ, với số làng bị cháy, tính cách toàn dân toàn diện của công cuộc cứu nước đã được bộc lộ rõ ràng. Mọi người và tất cả, đều được vận dụng để chống giặc.

    Từ những phương tiện vật chất, gạo, vải, sắt, lũy tre, thú vật đến làng thôn, hệ thống tổ chức quốc phòng, chính trị, xã hội, văn hóa cho đến tinh thần dân tộc, qúa khứ lịch sử, và cả sông núi. Hồn Thiêng tất cả đều gom đúc thành Sức Mạnh thần diệu của Dân Tộc, tất cả đều góp phần vào việc cứu dân cứu nước.

    4. Toàn Dân Chiến Thắng

    Giờ đây chiến thắng mới thực sự là chiến thắng toàn vẹn của toàn thể dân tộc. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự mở đầu cho tất cả mọi người, sau bao trăm năm dân nước Việt Nam chưa được thực sự giải cứu.

    Bài học dạy cách đánh giặc cứu nước. Giờ đây giặc đã tan, nhưng việc cứu nước vẫn chưa xong. Bài học Phù Đổng vẫn còn tiếp khi cỡi ngựa lên núi về trời. Núi là nơi ở của tiên – vì chữ nhân ghép với chữ sơn là chữ tiên, và hình ảnh lên núi nhắc nhớ đến phần tiên.

    Phù Ðổng biểu tượng của sức mạnh tập trung của dân tộc, tức phần Rồng. Sức mạnh đó được vận dụng tối đa và oai dũng đánh đuổi quân giặc.

    Giờ đây giặc tan, dân nước lại vui hưởng thanh bình, nên Sức Mạnh đó lên núi, tức không còn cần phải bộc lộ oai dũng. Phù Đổng Về Trời, tức là được thăng hoa tiềm tàng vào sông núi, vào tâm hồn của dân nước, vào cuộc sống của đồng bào.

    Vì vậy chiến công đuổi giặc của Rồng Phù Đổng trở thành kinh nghiệm sống của toàn dân, trở thành phần Tinh Thần. Rồng là phần truyền thống bất diệt đã hội nhập vào phần Tiên của dân tộc theo nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp để đạt hạnh phúc cực lạc!

    Qua toàn bộ công cuộc, chẳng những toàn dân đã đánh đuổi giặc nước, mà mỗi người còn dẹp tan được mọi thứ giặc trong chính bản thân. Trong tiến trình trở thành người cứu nước, mọi người cũng trở thành Con Người toàn vẹn.

    Khi cứu được nước, dân tộc ta đã trở thành một khối hiệp nhất mang trọn ý nghĩa toàn dân toàn diện:

    “Toàn dân vi binh
    Toàn tài vi dụng
    Toàn địa vi phòng
    Toàn quốc vi chính”

    Với mọi chướng ngại đã được đánh tan, với những kinh nghiệm tuyệt hảo, với niềm tin chan chứa, và với sức sống tràn đầy. Giờ đây khối người toàn hiệp này đem trọn tâm ý để cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới, Xã Hội Tiên Rồng.

    Với cuộc sống phát xuất từ tâm khảm của những con người thấm nhuần Chánh Thuyết Tiên Rồng, toàn dân hiên ngang bước vào một Kỷ Nguyên Mới của một xã hội loài người tràn đầy hạnh phúc trong thời đại tín liệu (information age). Nhu cầu thời đại đòi hỏi những con người kiến thức (knowledge) để dựng nước.

    - Phong Thưởng

    Về trời là sự phong thưởng cao qúy nhất của Chánh Thuyết Tiên Rồng. Như Chử Đồng - Tiên Dung về trời sau khi hai ngài trọn đời chăm lo việc thịnh nước an dân. Phù Ðổng thi hành nghĩa vụ giúp dân cứu nước, cũng được về trời.

    Tổ Tiên phong thưởng cho những người đóng góp công đức trong đại cuộc cứu nước, giữ nước và dựng nước được về trời, được tòan dân kính nhớ tôn thờ.

    - Thành Hoàng

    Có người cho rằng dân Việt có đạo thờ Anh Hùng. Quả thật chúng ta thờ những vị danh tướng văn võ, và trên đất nước có nhiều đền thờ các ngài. Ngòai ra, mỗi làng đều có Thành Hòang và hầu hết là những anh hùng đóng góp công đức cho dân cho nước thuộc mọi thành phần, mọi lãnh vực, mọi con người, mọi thời đại.

    Anh hùng kiệt nữ được thờ là những vị có công với dân nước. Không có người nào đi xâm lăng hay tàn hại dân tộc khác mà được tôn thờ như những văn hóa khác đang sùng bái thần chiến tranh, thần máu lửa, thần sát nhân trong các đền thờ. Họ luôn ca tụng và cổ vũ sát nhân chẳng những trong nếp sống, mà còn biểu lộ ra trong phim ảnh, trong sách báo, trong giáo dục như tệ đoan thảm trạng của nhân loại đang xảy ra trước mắt hôm nay.

    IV. Bài Học Nhân Thứ

    Bi kịch Loa Thành thất thủ đẫn tới việc nàng công chúa Mỵ Châu bị chết dưới lữa gươm oan nghiệt của vua cha An Dương. Mỵ Châu đền tội vì trách nhiệm trong việc làm mất nước.

    Nhưng sự thể xảy ra nông nỗi đó cũng chỉ vì nàng quá yêu thương và tin tưởng chồng. Tổ Tiên thưởng phạt phân minh.

    Có tội làm hại nước thì phải chết. Nhưng nàng trọn tình nhà, thì cũng được thưởng công. Tổ Tiên phong thưởng bằng cách cho máu nàng chảy xuống biển Nam Hải và được giống trai nuốt vào mà hóa thành ngọc.

    Cách phong thưởng này chẳng những không kỳ lạ, mà lại nằm trong hệ thống giá trị của văn hóa Việt. Những người sống trọn tình nhà như người em trong Trầu Cau, người vợ trong Vọng Phu, trái tim của Trương Chi, và máu của Mỵ Châu.

    Tất cả đã hóa đá hóa ngọc. Đá, ngọc là thành phần Vật Chất, là trở thành trường tồn với thời gian, được qúy chuộng, được làm nền tảng xây dựng lâu dài.

    Về phần Trọng Thủy, dầu thành công trong mưu đồ xâm chiếm, nhưng chàng nhớ vợ và nhảy xuống giếng mà chết. Chàng đã vì ý đồ xâm lăng, mà phụ nghĩa vợ chồng, thì chàng cũng phải chết.

    Vì danh lợi mà không trọn tình nhà, thì cuộc đời cũng không đáng sống, thì không có quyền sống. Vì tình nhà mà hại nước thì phải chết. Vì quyền lực mà hại nhà, thì cũng phải chết.

    Đây là tuyệt đỉnh bài học làm người của văn hóa Việt, của Chánh Thuyết Tiên Rồng, của Đảng Chính Trị Tiên Rồng. Bài học này đi ngược hẳn chủ trương giáo dục hay truyền thông của nhiều văn hóa khác.

    Với cái chết của Mỵ Châu, Tổ Tiên ta xử tử hình các chủ thuyết cá nhân vị kỷ. Với việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng, các chủ thuyết tập thể bá quyền cũng bị nhận chìm, bị chết theo.

    Con người chỉ có thể sống xứng đáng, trọn vẹn và hạnh phúc khi thể hiện đầy đủ các đặc tính bẩm sinh vừa cá thể, vừa xã hội của mình. Có nhà mà cũng có nước -- Có nước mà cũng có nhà. Tiên Rồng Song Hiệp hoàn chỉnh.

    Mỵ Châu và Trọng Thủy đều phải chết. Thực cảm động khi những viên ngọc do máu Mỵ Châu trở thành sáng đẹp hơn khi rửa trong nước giếng chôn xác chồng nàng. Nàng yêu thương và tin tưởng chồng đến nỗi giao phó cả nước non, đưa nỏ thần cho chàng xem.

    Nàng yêu chồng trong tuyệt vọng đến nỗi nàng liều lĩnh khi di tản lại còn nhổ lông ngỗng trên áo nàng đang mặc để làm dấu chỉ đường giúp Trọng Thủy biết đường rượt đuổi theo trên đường trốn giặc và đi tìm tự do. Giờ đây cả những giọt máu của nàng cũng tươi sáng lên khi được tắm rửa trong nước giếng tẩm xác chồng nàng.

    Nàng sống trọn tình yêu Chánh Thuyết Tiên Rồng. Nàng thể hiện những nguyên tắc Thân Thương Tột Cùng, Quyết chẳng lìa nhau, Sẵn sàng chết cho nhau, và Mãi mãi có nhau.

    Nhưng chỉ tiếc rằng nàng đã không ứng dụng nguyên tắc gặp nhau đầu tiên của hai người là phải Giống nhau như đúc, là phải Tìm hiểu về nhau, là phải Gặp nhau trọn vẹn. Bởi thế nàng đã không nhận ra Trọng Thủy là giặc, và bị giặc lừa gạt.

    Ở cấp Tình Nước, những người an dân thịnh nước như Tiên Dung Chử Ðồng thành Tiên, Phù Ðổng thành Thần. Tiên, Thần là phần thưởng công, phần thăng hoa hay tinh túy của linh thiêng.

    Ở cấp Tình Nhà, Trầu Cau qua chuyện người em hóa đá, máu Mỵ Châu trọn tín thác chồng thì hóa ngọc, trái tim Trương Chi ôm mối tình câm, chỉ vì con người phân chia đẹp xấu, giầu nghèo, chủ nô thì cũng hóa ngọc. Ðá, ngọc là kết tinh, tinh túy của vật chất!

    Nói đến cả hai phần vật chất và tinh thần của con người, được thăng hoa thành Đá, thành Ngọc, thành Tiên, thành Thần thì chúng ta lại trở về với con người Tiên Rồng có bốn hiệp tính Thân – Trí – Tâm – Tuệ của con người thật, trong bộ ba nền tảng truyền tích Tiên Rồng, Trầu Cau và Chử Đồng.

    Vì vậy bạn đã thấy và thừa nhận rằng, Thanh Niên Tiên Rồng phải có nhiều đặc điểm mới khác với các loại tổ chức cũ mà bạn thường gặp. Theo tinh hoa văn hóa dân tộc hay Chánh Thuyết Tiên Rồng, Thanh Niên Tiên Rồng được cấu thành để sinh hoạt theo mẫu mực Con Người và đặt nền tảng trên nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp.

    Cũng theo bốn Sức Sống Thân, Trí, Tâm, Tuệ -- Thân xác sinh động, Trí năng tinh biến, Tâm tình thông hiệp, Tuệ linh vĩnh cửu của một Con Người Tiên Rồng. Tổ chức Hoa Tiên Rồng được phân công phân nhiệm và liên nhiệm, được biểu trưng bằng đồ thị hay cấu trúc với các cánh hoa quân sự, cánh hoa kinh tế, cánh hoa văn hóa, và cánh hoa ngoại giao.

    Mỗi hoa, mỗi cánh và tổ chức Hoa trong Hoa cũng như toàn thể, lại gồm nhiều tầm dung độ, thể hiện tình Thân Thương và Bình Ðẳng tột cùng, được biểu thị bằng Hoa Bảo Bình, đúng như quan niệm Việt về xã hội Tiên Rồng.

    Ngoài ra, với nguyên lý tổ chức Sống Ðộng Hiện Thực, chẳng những đảng chính trị và lãnh đạo luôn linh động biến hóa cho hữu hiệu. Và đây chính là môi trường để mỗi thanh niên Tiên Rồng như các bạn sẽ thể hiện và phát triển trọn vẹn mọi đặc tính và khả năng của mình trong hiện tình cụ thể hôm nay và tương lai mai sau.

    Khi sống thực theo Văn Hóa Việt, khi hoạt động cứu nước, là lúc chúng ta thể hiện trọn vẹn chính Con Người của mình trong cuộc sống, chúng ta hưởng hạnh phúc ngay trong khi thực thi sứ mạng của mình, gây phúc lập đức. Như thế chúng ta đã khởi đầu cuộc sống đích thực của Con Người trong thời đại mới, Thời Đại Tín Liệu (Information Age) ngày nay.

    Tóm lại, Chánh Thuyết Tiên Rồng đã nhận định và phân tích đích xác về Con Người sống động và hiện thực, cũng như về mọi trạng huống đời sống Con Người. Tổ Chức Đảng Tiên Rồng cũng đã đưa ra những nguyên tắc, những mẫu mực làm nền tảng cho cuộc sống an lạc, cho con người hạnh phúc.

    Đây chính là con đường mà nhân loại đang khổ công tìm kiếm, và đây cũng là sứ mạng của Dân Tộc Việt Nam đối với tương lai nhân loại. Chúng ta vui mừng vì nhân loại sẽ tìm ra lối thoát, chúng ta hăng say với sứ mạng cao cả, nhưng này bạn, chúng ta khởi sự từ đâu?

    Dĩ nhiên là từ bạn, từ chúng ta, từ chính con người chúng ta. Nhưng cùng với chúng ta, trong chúng ta, trước sứ mạng cao cả đối với toàn thể nhân loại, còn phải có dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hơn bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, thanh niên Việt Nam có nhiều điều kiện, và sẵn sàng làm mẫu mực và phát huy công cuộc cải hóa con ngưtrọng đại này.

    Dầu không ý thức rõ ràng và đầy đủ, mọi người Việt Nam, từ trong máu, trong quan niệm sẵn có, trong cách suy tư và phản ứng truyền thống, đã và đang sống tinh hoa văn hóa của Tổ Tiên. Giờ đây, chỉ cần minh định một cách có hệ thống và thực tế, là bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể dễ dàng phục hồi và phát huy nếp sống đem lại hạnh phúc đích thực cho Con Người.

    Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam là cái nôi, là cội nguồn, là mầm sống phát sinh thời đại mới cho nhân loại, thời đại mà Con Người được sống trọn vẹn chính mình, trong phát triển, an lạc và hạnh phúc đích thực. Thế nên, sứ mạng của thanh niên, trong giai đoạn này, là phục hưng và phát huy nếp sống Con Người Toàn Vẹn đang tiềm tàng trong dân tộc Việt Nam, để làm mẫu mực và đà tiến cho toàn thể nhân loại.

    Thế nhưng này bạn thanh niên, hiện nay dân tộc Việt Nam đang bị giặc thủ tiêu nếp sống con người, băng hoại xã hội, xóa bỏ văn hóa dân tộc, bóp chết mầm sống hạnh phúc của nhân loại. Vì vậy, công tác đầu tiên của thanh niên, như bạn thấy, chính là chúng ta phải giải cứu dân tộc Việt Nam. Công tác này chẳng những ưu tiên và khẩn thiết, mà còn là trách nhiệm cao cả của bất cứ ai đang thao thức về kiếp sống Con Người.

    Vì mang sẵn trong bản thân, dầu tiềm tàng, một nếp sống phát huy con người đích thực và trọn vẹn, nên hơn bất cứ dân tộc nào khác, người Việt Nam, từ quan niệm sống, tới cách thức xử sự, liên hệ tình cảm, và đời sống tâm linh, đều hoàn toàn khác xa, trái ngược chủ trương duy vật duy lợi. Cũng vì vậy, người Việt Nam đang phải gánh chịu khổ nạn một cách nặng nề hơn bất cứ dân tộc nào khác, chẳng những nặng ở phần vật chất, mà đặc biệt nặng ở phần tinh thần, phần tâm hồn Con Người.

    Vì vậy, nếu chỉ với tính cách con người đau khổ, thì trong hiện tại, dân tộc Việt Nam đang cần được giải cứu sớm nhất. Nếu nhìn về tương lai, thì tất cả mọi người đều có bổn phận giải thoát mau chóng dân tộc Việt Nam, để cứu vãn cứ điểm cuối cùng, mà cũng là mầm sống trong thời đại mới của nhân loại.

    Nếu không được hơn trăm triệu dân Việt Nam, ở trong cũng như ngoài nước, làm mẫu mực và huy động, nhân loại sẽ bị chậm bước trên đường tiến vào kỷ nguyên an lạc thanh bình, nhiều tỷ người sẽ phải kéo lê thêm cuộc đời thú vật khổ đau. Giải cứu dân tộc Việt Nam thoát tai kiếp hôm nay, chính là khởi công giải cứu nhân loại khỏi kiếp sống khốn cùng bất xứng, và giúp đưa mấy tỷ con người mau tiến tới hạnh phúc đích thực.

    Và này bạn. Với tư cách Thanh Niên Việt Nam, chúng ta còn mang trọng trách nặng nề hơn bất cứ ai khác. Với dân tộc đồng bào, ngoài liên hệ giữa người với người, chúng ta còn liên hệ mật thiết chẳng những về dòng giống, máu mủ, thể xác, mà còn cả tinh thần, tâm tư, văn hóa, truyền thông hay dịch bệnh.

    Hơn bất cứ ai khác, người Thanh Niên Việt Nam phải là người cảm thông nhiều nhất nỗi khổ đau mọi mặt của đồng bào mình. Hơn bất cứ ai khác, chúng ta phải là người xác tín trọn vẹn về sứ mệnh của mình đối với dân tộc, cũng như về sứ mạng đặc biệt của dân tộc đối với nhân loại.

    Người Thanh Niên Việt Nam, hơn bất cứ ai khác, mang sứ mạng tối cao để dấn thân cho tiền đồ của dân tộc và của toàn thể Nhân Loại. Sứ mạng thực trọng đại, công tác thực to lớn và phức tạp.

    Nhưng khi chúng ta là thanh niên, khi chúng ta dám, dám nhìn thẳng vào tương lai và dám hiên ngang nhận lãnh sứ mạng, thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Viễn ảnh thành công của chúng ta, này bạn, không căn cứ trên cơ hội thuận lợi hay phương tiện dồi dào, nhưng nhờ ở chúng ta nhất quyết dấn thân và có sẵn sàng những phương thức hoạt động tổ chức hữu hiệu.

    Chúng ta chắc chắn thành công vì -- Phù Đổng, Tổ Tiên linh hiển đã để lại cho chúng ta cả một kế hoạch chi tiết từng bước, từ khởi đầu cho đến chung cuộc. Dĩ nhiên, việc cứu nước là của toàn dân. Nhưng không thể có toàn dân, và toàn dân không thể đồng tâm nhất trí, nếu không có một nhóm người giúp dân gây dựng ý thức và điều hợp.
    Khi chúng ta theo đúng sách lược Phù Đổng mà thực thi sứ mạng cứu nước, thì đồng thời cũng chính là lúc chúng ta thể hiện chương trình cải hóa xã hội hiện hữu. Khi chúng ta vận động tinh thần dân tộc, thức tỉnh mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm của mình, khi chúng ta vận dụng tập trung sức mạnh và phương tiện để dân tộc vươn vai, để mọi tài nguyên trở thành sức thần phá giặc... thì kết qủa tất nhiên là chúng ta giải cứu được quê hương thoát ách đô hộ giặc thù, và đồng thời đó cũng chính là lúc chúng ta cải hóa con người, từ những tâm tư sâu thẳm nhất cho đến mọi khía cạnh trong cuộc sống thực tại.

    Mặt Trời 14 Tia Sáng thể hiện chữ Đức trên Trống Đồng Ngọc Lữ và Thạp Đồng Đào Thịnh đang bừng lên soi sáng Dân Việt và Nhân Loại, bí quyết thành công để giải cứu Con Người đang ở trong tay chúng ta, trong tay các bạn. Nào, Thanh Niên Việt Nam chung vai đi làm lịch sử dân nước, tạo trang sử mới, mở trang sử mới, dựng trang sử mới bạn nhé.

    Đó là trọng trách mà cũng là niềm hãnh diện của bạn, của tôi (người viết) của mọi người chúng ta đang chờ bạn! Sứ mạng Cứu Nước và Cải Hóa Nhân Loại đang chờ bạn! Anh Em Tiên Rồng cũng đang chờ bạn. Nào, chúng ta cùng tiến lên.

    Con đường phục quốc đã vạch, phương thức tổ chức đã sẵn, giờ hành động đã điểm, thời sách hoạt động đã có Thanh Niên Việt Nam tiến lên, đem ánh sáng thần diệu của Chánh Thuyết Tiên Rồng mở đầu Một Kỷ Nguyên Mới, Hoa Tiên Rồng Mở Hội và dựng lại Kỳ Đài Bách Việt.


    Phạm Văn Bản
    Last edited by Phạm Văn Bản; 09-19-2021, 03:01 AM.

  • #2
    Good writer Bản

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X