Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về Lại Ngôi Trường Thời Thơ Ấu - Trường Văn Lang

Collapse
X

Về Lại Ngôi Trường Thời Thơ Ấu - Trường Văn Lang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Lại Ngôi Trường Thời Thơ Ấu - Trường Văn Lang


    Về Lại Ngôi Trường Thời Thơ Ấu
    Trung Học Tư Thục Văn Lang Mến Yêu


    Điều này chỉ là câu chuyện Huyền Thoại. Nhưng thực tế, tôi là cựu học sinh được may mắn làm Thầy Giáo nơi trường cũ mà tôi đã từng theo học thời thơ ấu.

    vào khoảng năm 1979 và năm 1980. Sở Giáo Dục TP/HCM rất cần giáo viên dạy các môn Toán, Anh Văn và Pháp Văn. Vì ba môn này đang thiếu giáo viên trầm trọng. Do đó, Sở Giáo Dục tổ chức khoá Bồi Dưỡng Trí Thức Chế Độ cũ để trở thành Giáo Viên. Điều kiện theo học phải là cựu giáo chức của Sài Gòn, tốt nghiệp Đại Học. Đa số các học viên là Sĩ Quan học tập cải tạo được cho về làm đơn tham dự khoá học này.

    Khoá học được tổ chức tại trường Sư Phạm Bồi Dưỡng (tên cũ là Saint-Exupéry), số 20 Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, góc Trương Định. Ngôi trường có màu sơn đỏ rất xinh xắn được xây cất đã hơn nửa thế kỷ.

    Khoá học bắt đầu từ ngày 08 tháng 10, năm 1979 và kết thúc ngày 08 tháng 05, năm 1980. Khoá gồm tất cả 3 ban: Toán, Pháp Văn và Anh Văn. Có khoảng gần 400 học viên. Đông nhất là ban Toán.

    Trường hợp tôi, hoàn toàn không dính dáng đến việc dạy học.Tôi chưa từng học qua các trường lớp về Sư Phạm, chưa từng đứng trên bục giảng, hay làm bạn với phấn trắng, bảng đen và nhìn những gương mặt thơ ngây, hồn nhiên của học trò đang chăm chú lắng nghe thầy giảng bài. Nếu có chăng là chỉ đi dạy kèm để có tiền đóng học phí phụ với cha mẹ, hay là trong vai trò của một Huynh Trưởng Hướng Đạo huấn luyện các hướng đạo sinh về chuyên môn và dạy cho các em hát những bài ca hướng đạo ngắn.

    Trước 30 tháng 04, năm 1975, tôi là Sĩ Quan hiện dịch Không Quân VNCH. Tôi không bao giờ nghĩ mình có lúc sẽ trở thành Thầy Giáo. Thời gian nảy, tôi đang đi đào kinh làm thủy lợi ở Xã Bình Thành, Huyện Đức Huệ, thuộc tỉnh Long An, nằm giáp với biên giới Việt Nam & Kampuchia.

    Phương tiện duy nhất vào đây là bằng đò. Mỗi ngày chỉ hai chuyến. Buổi sáng đò đưa khách vào, buổi chiều đò chở khách ra. Tôi từ nhà đi xe Lam ba bánh ra bến xe Chợ Lớn Mới. Từ đây, đón xe đò đi Hậu Nghĩa. Sau đó đi bộ khoảng mười lăm phút tới bến đò. Nếu chẳng may bị trễ đò thì phải đợi đến ngày hôm sau.

    Mấy anh bạn cùng nhóm đào kinh với tôi hội đủ điều kiện. Nên họ cùng rủ nhau bỏ đào kinh về Sài Gòn nộp đơn, nên tôi đành phải đi theo. Vì công việc đào kinh là công việc phải làm theo lối dây chuyền, cần phải có nhiều người làm chung, thao tác cùng một lúc như: đào đất, tát nước, chuyển đất, đắp bờ. Một hay hai người không thể nào làm được,

    Khi đến Sở Giáo Dục TP/HCM, số 66-68 Lê Thánh Tôn. Tôi đã thấy có nhiều người đang chen chúc nhau nộp đơn vì họ hy vọng sẽ được đi dạy trở lại, có hộ khẩu ở Thành Phố, chờ xuất cảnh, có thời gian để chuẩn bị vượt biên…Riêng tôi, đứng phía ngoài đợi các anh bạn đào kinh nộp đơn xong, sẽ cùng về lại nông trường ngay ngày hôm đó. Vả lại! tôi nghĩ, tôi không hội đủ điều kiện theo yêu cầu của Sở Giáo Dục.

    Khoảng 12 giờ trưa, gần hết giờ nhận đơn. Một thanh niên trẻ phụ trách nhận đơn thấy tôi vẫn còn đứng lảng vảng. Có lẽ thấy tôi tội nghiệp. Nên anh đến bên chỗ tôi đứng, hỏi tôi có cần gì không? Nếu giúp được trong khả năng thì anh sẽ sẵn sàng.Tôi nói với anh, tôi muốn nộp đơn xin học khoá Bồi Dưỡng. Nhưng thấy người ta chen lấn, ồn ào làm mất trật tự quá! Nên tôi đành đứng chờ.

    Anh nói tôi đưa đơn và các giấy tờ cần thiết cho anh xem để anh có thể giúp được gì không? Tôi đưa cho anh: tờ đơn, chứng chỉ đã học xong một khoá American Language Course ở English Language School, Defense Language Institute tại Lackland AFB (TX), chứng chỉ ngành chuyên môn theo học về Weapons Controller (Manual) Course tại Tyndall AFB (Florida) có đóng dấu tròn màu vàng mà tôi còn giữ được.



    Sau khi xem xong. Anh cho biết, tôi có đủ điều kiện nộp đơn để theo học lớp bồi dưỡng này. Thế là! Anh mời tôi vào văn phòng và viết ngay biên nhận tôi được Sở Giáo Dục chấp thuận cho tham dự khoá học để trở thành Giáo Viên. Sau đó, anh trao cho tôi và cầu chúc tôi gặp được mọi thuận lợi. Trước khi chào từ giã anh.Tôi cảm ơn anh đã giúp đỡ tôi. Anh cho biết tên anh là Vương Công Trực. Anh nói khi nào tôi có dịp về Sài Gòn cứ ghé thăm anh. Tôi trả lời. Đó là điều chắc chắn. Làm sao tôi có thể quên được tấm lòng tốt mà anh đã dành cho tôi.

    Mừng quá! Thay vì, về nhà thăm Ba Má tôi và các em như đã dự định lúc ban đầu. Tôi tức tốc về ngay Nông Trường để báo cho Ban Chỉ Huy Nông Trường biết là Sở Giáo Dục đã cấp biên nhận đồng ý cho tôi theo học khoá bồi dưỡng thành giáo viên, để họ làm thủ tục trả tôi về lại thành phố.

    Tôi được xếp theo học lớp giảng dạy Anh Văn. Lớp học có khoảng 100 học viên: có người tốt nghiệp MA, BS, BA từ Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Đại Học Sư Phạm, Cử nhân Anh văn Đại Học Văn Khoa, Giảng viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Giảng Viên Anh Ngữ tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân, Hải Quân ở Nha Trang, Giảng Viên Trường Võ Bị Đà Lạt, Cao Học Quốc Gia Hành Chánh, Cao Học Luật, Cựu Giáo Sư Anh Văn các trường Công Lập và Tư Thục Sài Gòn và các tình trước kia. Còn tôi, hoàn toàn khác hẳn. Không giống ai vì tôi không hề dính dáng gì đến việc dạy học gì hết!

    Chương trình giảng dạy Anh Văn do ba Giáo Sư phụ trách: GS Hồ Liên Biện, GS Đoàn Viết Bửu và GS Đinh Quang Kim. Thật ra, họ dạy cho lấy có, vì trong lớp có người là bạn, là đồng nghiệp dạy chung với ba Giáo Sư, nhưng vì ba Giáo Sư không bị đi học tập, nên bây giờ là giảng viên của lớp học này.

    Trong thời gian học. Các học viên được hưởng lương, nhận tiêu chuẩn về lương thực, nhu yếu phẩm và mọi quyền lợi như công nhân viên đang làm việc cho nhà nước. Sau khi mãn khoá, nếu ai đi dạy sẽ được chánh quyền chấp thuận cho nhập hộ khẩu thành phố.

    Đây cũng là cơ hội ngàn vàng cho một số học viên có nhiều thời giờ tìm đường vượt biên, kiếm được công ăn, việc làm tốt hơn, hoặc chờ thân nhân ở nước ngoài bảo lãnh, nên họ bỏ ngang khoá học cũng gần phân nửa. Phần tôi, không có bất cứ cơ hội nào khác. Nên, tôi phải tiếp tục theo học cho đến cuối khoá. Tôi mừng vì được Sở Giáo Dục chấp thuận cho theo học là một điều quá may mắn mà tôi không thể tưởng tượng xảy ra trong trường hợp của tôi.

    Sau bảy tháng học bồi dưỡng. Lớp Anh Văn mãn khoá còn lại khoảng 50 học viên. Một số được cho dạy Cấp 3 (Trung Học Đệ Nhị Cấp). Đa số dạy Cấp 2 (Trung Học Đệ Nhất Cấp), cũng có một vài trường hợp đặc biệt được cho dạy Đại Học.

    Tôi được bổ nhiệm về Phòng Giáo Dục Quận 10 và được cho dạy tại Trường Phổ Thông Cơ Sở Cách mạng Tháng 8 (trước kia là trường Tinh Thần, nằm sát bên Quân Vụ Thị Trấn Sài Gòn và trại gia binh Truyền Tin) trên đường Lê Văn Duyệt (cũ). Địa chỉ số 289 đường CMT8.

    Trường cuối cùng là Trường Phổ Thông Cơ Sở Văn Lang, số 51 Trần Quí Khoách, Quận 1. Tôi dạy ở đây hai niên khoá 1990 - 1991 và 1991-1992. Trường Văn Lang, trước 30 tháng 04, năm 1975 của Thầy Ngô Duy Cẩu.Thầy vừa là chủ trường,vừa là Hiệu Trưởng.

    Khi chính quyền mới tiếp thu thì trường không bị đổi tên như nhiều trường khác trong thành phố, hoặc biến thành chung cư, nhà hàng, khách sạn, cơ quan làm việc của chính quyền hay nhà riêng dành cho cán bộ cao cấp. May mắn! trường vẫn giữ tên Văn Lang cho đến ngày hôm nay.

    Có thể nói. Đây là khoảng thời gian hạnh phúc và sung sướng nhất đời tôi, sau những tháng năm nhọc nhằn, nghiệt ngã của một cuộc đổi đời.

    Hôm nào thời khoá biểu có lớp dạy. Tôi thường đến trường thật sớm. Đi dạo quanh các lớp học ngày xưa. Nhiều nhất là hai lớp Đệ Nhị A, niên khoá 1967-1968 và Đệ Nhất A, niên khoá 1968-1969.

    Tôi vẫn còn nhớ như in tên của các Giáo Sư giảng dạy hai lớp này. Các Thầy hầu hết đều là Giáo Sư chính thức của các trường Công lập nổi tiếng của Sài Gòn như Chu Văn An, Pétrus Ký, Trưng Vương, Gia Long:

    Giáo Sư lớp Đệ Nhị A (Sinh Ngữ 1 Pháp Văn):

    Văn: Trần Huy Bích, Pháp: Vũ Đình Mẫn, Anh (Sinh Ngữ 2): Tạ Văn Chắt, Sử và Địa: Vũ Huy Chấn, Công Dân: Nguyễn Thanh Luân, Toán: Hoàng Mai & Phùng Mạnh Hoàng (tên khai sanh là Chữ), Lý: Đinh Công Hoạt, Hoá: Lê Trọng Lập, Vạn Vật: Trần Phụng Đình hay Trần Đình.

    Giáo Sư lớp Đệ Nhất A (Sinh Ngữ 1 Pháp Văn)

    Triết: Trần Đức An, Sinh Ngữ 1(Pháp Văn): Vũ Đình Mẫn, Sinh Ngữ 2 (Anh Văn) Bùi Đình Mạc, Sử & Địa: Vũ Huy Chấn,Toán: Hoàng Văn Mai và Ngô Tử Vọng, Lý: Vũ Văn Tiên, Hoá: Trương Đình Ngữ, Vạn Vật:Nguyễn Văn Đỉnh.

    Các Thầy đã truyền dạy cho tôi những kiến thức về văn hoá, về đạo đức và về cách học làm người tử tế để tôi làm hành trang bước vào đời.

    Tôi cũng có dịp tìm lại những kỷ niệm thuở học trò, nhớ lại giờ ra chơi vui đùa cùng các bạn, cũng như ăn quà vặt bán trong sân trường, nhớ lại các gương mặt hồn nhiên của các bạn thân như: Trương Tấn Hưng, Nguyễn Văn Hợp, Bùi Phương Việt, Nguyễn Phú Tuấn…Các bạn tôi đã ra đi, khi tuổi đời vừa mới chớm đôi mươi và mang theo nhiều ước vọng.

    Và gần đây nhất, trưởng nam của Thầy Hiệu Trưởng Ngô Duy Cầu là Ngô Quốc Thắng cũng vừa mới mất. NQT đi du học Hoa Kỳ sau khi thi đậu Tú tài 2. Tôi cũng không hiểu sao giữa Thắng và tôi có mối giao tình bạn bè tốt đẹp lúc cùng đi học, ngồi kế bên nhau, và cả hai ở hai hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Thỉnh thoảng, Thắng mời tôi đến nhà chơi. Ông Bà Hiệu Trưởng rất thương quý tôi. Khi biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhưng hiếu học. Ngoài ra, ông bà biết tôi đang tham gia Hướng Đạo Việt Nam và đang là một trưởng phụ tá cho Thiếu Đoàn Đống Đa, Đạo Phiên An, sinh hoạt ở Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, Bà Chiểu, Gia định vào mỗi Chúa Nhật. Ông Bà lại càng quý mến tôi hơn. Ông Bà tin tưởng tôi là người bạn tốt với Ngô Quốc Thắng. Nhờ đó, năm học Đệ Nhất A. Thầy Tập là Tổng Giám Thị và Cô Bích phụ trách thu ngân cho trường Văn Lang nói với tôi “Thầy Hiệu Trưởng Ngô Duy Cầu dặn cô cho tôi được học hoàn toàn miễn phí. Nếu tôi có cần sự giúp đỡ gì thì nói lại cho hai người biết.”

    Chỉ một lần trước khi Thắng sắp rời Việt Nam. Thắng muốn biết nhà tôi và tôi đồng ý cho Thắng đến. Hôm đó, Thắng lái chiếc Fiat 1500 của Thầy Hiệu Trưởng đến nhà mời tôi đi ăn tối và chở tôi đi vòng khắp Sài Gòn coi như từ giã. Thắng tâm sự với tôi rất nhìều về cuộc sống gia đình, bạn bè chung quanh và đặc biệt là cảm tình mà Thắng dành cho tôi, xem tôi như một người anh vì tôi lớn hơn Thắng ba tuổi.Tôi vì hoàn cảnh phải đi học trễ. Chưa kể, có năm đến trường, có năm phải ở nhà để phụ giúp gia đình. Năm nay học truờng này, năm sau nhảy sang trường khác. Đôi lúc tưởng chừng bỏ học vĩnh viễn. Cuối cùng, tôi cũng thi đậu Tú Tài 2. Điều này làm ba má tôi rất vui và hãnh diện với bà con lối xóm. Sau đó, tôi tình nguyện vào khoá 7/68 Không Quân VNCH.

    Thắng nói với tôi “Biết đến khi nào Thắng mới gặp lại bạn bè thân yêu và Sài Gòn mến thương.”

    Trong thời gian du học ở University of Michigan.Thắng và tôi thỉnh thoảng trao đổi thư từ. Lâu lâu, Thắng cũng gửi về tặng tôi một món quà nhỏ, trong đó chất chứa đầy ắp ân tình.




    Khi đến được Hoa Kỳ, tôi chỉ gọi thăm Thắng vài lần, chưa một lần gặp mặt. Và tôi bàng hoàng khi nhận được tin Thắng mất ở Florida qua em trai của Thắng báo cho biết.

    Tôi xin cầu nguyện cho các Thầy và bạn bè đã mất được bình an nơi cõi vĩnh hằng.

    Giờ đây, bạn học ngày xưa đã tan tác đi khắp muôn nơi. Kẻ ở chân mây, người ở cuối trời. Có một số đã đi về miền miền viễn, một số đang đối phó với những lo toan, khó khăn hàng ngày về chuyện cơm, áo, gạo, tiền, con, cháu và bệnh hoạn ở tuổi Thất Thập Cổ Lai Hy nơi quê nhà hay xứ người.

    Khi làm đơn xin xuất cảnh đi Mỹ theo diện HO. Tôi xin nghỉ dạy để có thời giờ chuẩn bị cho việc ra đi đến vùng đất mới mà nhiều người hằng mơ ước.

    Tôi rất buồn phải giã từ phấn trắng, bảng đen, các học sinh thân yêu. Nhất là các em con nhà lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhưng siêng năng và hiếu học ở các xóm lao động gần trường như: Xóm Chùa, Xóm Cầu Mới, Xóm Vạn Chài, Xóm Cầu Sắt. Đối với các em này, tôi thường xuyên nhắc nhở, an ủi, động viên tinh thần và giúp đỡ hết lòng. Mở lớp dạy thêm cho các em học kém hoàn toàn không nhận bất cứ một thù lao từ phụ huynh.

    Tôi rất vui khi nghe tin các em ngày xưa đó đã thành công trên đường học vấn và tạo dựng được sự nghiệp tốt đẹp. Ngoài ra, ngôi trường này đã mang đến cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp của một thời hoa mộng mà tôi khó có thể nào quên.

    Ngày 27 tháng 10, năm 1992. Gia đình tôi gồm 3 người: Vợ chồng tôi và con trai bảy tuổi rời Việt Nam theo chương trình HO để bắt đầu làm lại cuộc đời mới nơi phương trời xa lạ.

    Có lẽ tôi là một cựu học sinh Văn Lang duy nhất được trở về lại ngôi trường yêu dấu sau ngày 30 tháng 04, năm 1975? Điều này, như là một câu chuyện huyền thoại. Nhưng thực tế, tôi là cựu học sinh được may mắn làm Thầy Giáo nơi trường cũ mà tôi đã từng theo học thời thơ ấu.
    Đó là Trường Trung Học Văn Lang thân yêu.

    Trần Đình Phước- San José, California
    (Cựu Học Sinh Văn Lang)














  • #2
    Mới đọc xong Phước ơi!

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X