Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Huy Phương, nhẹ gánh nợ đời

Collapse
X

Huy Phương, nhẹ gánh nợ đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Huy Phương, nhẹ gánh nợ đời

    Huy Phương, nhẹ gánh nợ đời


    Apr 4, 2021 cập nhật lần cuối Apr 5, 2021
    KQ Võ Ý

    Những năm trước đại dịch COVID-19, nhà văn Huy Phương thường gọi thăm tôi, có khi mời dùng trưa với vài người bạn khác tại những nhà hàng chuyên nấu những món mà anh ưa thích như cá kho tộ, canh chua cá bông lau, thịt bò lúc lắc…



    Nhà văn Huy Phương trong ngày ra mắt hai tạp ghi mới năm 2017. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


    Năm rồi, anh lâm bệnh và yếu đi. Sau khi từ bệnh viện về nhà, Huy Phương không thể lái xe, anh nhờ tôi đến Anaheim đón anh về Little Saigon thăm gặp bạn bè, nhân thể ghé hàng quán để thưởng thức một tô phở Bắc hoặc một tô bún bò Huế.

    Đại dịch COVID-19 bùng phát, ai ai cũng ở yên trong nhà. Khi tình hình dịch bệnh tương đối giảm nhờ chích vaccine (vào khoảng cuối Tháng Hai, 2021), Huy Phương gọi thăm sức khỏe tôi và nhà văn nhảy dù Phan Nhật Nam. Hạ tuần Tháng Ba, Phan Nhật Nam đón tôi thăm Huy Phương. Dịp đó cũng có hai người bạn học của anh ghé thăm. Anh gầy hẳn, chống gậy bước chậm ra mở cửa đón chúng tôi.

    Huy Phương cho biết, anh bị ung thư vòm họng, hiện được điều trị tại nhà. Anh không ngờ bệnh tình diễn biến nhanh quá!

    Trên đường về tôi miên man nghĩ đến “một món nợ vô hình…”

    Tôi biết Huy Phương trước 1975 khi anh phục vụ tại Phòng Tâm Lý Chiến. Những dịp từ Pleiku về Sài Gòn công tác, tôi thường ghé cơ quan này để thăm hai nhà văn nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh và Phạm Huấn, cũng là niên trưởng của tôi. Tại đây tôi biết Huy Phương và cố thi sĩ Du Tử Lê.

    Tôi qua Mỹ theo diện HO sau Huy Phương hai năm. Anh may mắn định cư tại California nắng ấm trong khi tôi lưu lạc tận miền Trung Tây xứ Missouri từ 1992 cho đến 2005 mới chuyển về California và gặp hai cựu chiến hữu ngày xưa. Tôi quen họ trong dịp này.

    Một trong những kỷ niệm đáng nhớ với Huy Phương là, qua chương trình Huynh Đệ Chi Binh do anh phụ trách, Phi Đoàn 118 Pleiku chúng tôi may mắn tìm được thân nhân của một hoa tiêu bị lâm nạn vào năm 1972 tại đỉnh núi Mẹ Bồng Con, Dục Mỹ, Ninh Hòa. Vào năm 2014, sau 42 năm lặn lội đi “tìm xác rơi,” đại diện thân nhân của phi hành đoàn sáu người trên chuyến phi cơ U17 lâm nạn đều tham dự thành công vào cuộc cải táng gian nan đầy xúc động này. Đi Tìm Xác Rơi: Tấm Thẻ Bài và Hành Trình Đi Tìm Xác Rơi (ditimxacroi.blogspot.com)

    Thế mới biết truyền hình Huynh Đệ Chi Binh lợi hại và hiệu quả đến dường nào!

    Tâm huyết của người lính già Huy Phương với đồng đội biểu hiện qua chương trình này cũng như sự đóng góp công sức của anh qua các kỳ Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh hằng năm, thời chị Hạnh Nhơn còn sinh tiền.

    Tâm huyết đó còn phảng phất trong 11 cuốn tạp ghi, hai tuyển tập, và một chúc thư. Kể ra, anh viết rất khỏe, rất dễ dàng, lời văn bình dị nhưng sâu sắc trước mỗi góc cạnh của cuộc sống tại quê người.

    Tôi lại được tin cậy, chở anh đi bưu điện để gửi Tuyển Tập Huy Phương 2020 (*) cho thân hữu khắp nơi cũng như trao tay “tác phẩm cuối đời” (theo anh) cho bạn bè vùng Litlle Saigon.

    Nhìn bóng dáng một ông già chống gậy, chậm rãi thong dong, trao cho đời tâm huyết của mình, tôi chạnh lòng và nghĩ đến lời thơ của Ngô Tịnh Yên trong ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi” do Trần Duy Đức phổ nhạc, được người Việt khắp nơi yêu thích. Người nhạc sĩ tài hoa này cũng là bạn văn nghệ của Huy Phương:

    -“Có tốt với tôi thì tốt với tôi bây giờ; Đừng đợi ngày mai…”

    Khúc ca như một bài học công dân hay luân lý, xa hơn, một lời kinh cầu…

    Từ Tuyển Tập Huy Phương (*) và lời kinh cầu, tôi muốn tâm tình với người lính viết văn Huy Phương về “món nợ” mà anh trăn trở đến tận cuối đời:

    Nợ người phế binh lê la kiếm sống/ Nợ lũ cháu ta liếm lá đầu đường
    Nợ những người em thất thân làm đĩ/ Nợ nỗi nhục nhằn dày xéo quê hương.

    (Món Nợ Lương Tâm – Huy Phương)

    Ý nghĩa chương trình Huynh Đệ Chi Binh, hiệu quả các Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, giây phút bồi hồi qua các Đại Hội Chân Dung HO (*) mà anh đóng góp cùng những tạp ghi, tuyển tập, và chúc thư đều là cách đền ơn đáp nghĩa những đồng đội đã nằm xuống hay còn lây lất quê nhà. Huy Phương và chúng ta, Những Người Muôn Năm Cũ (*) đã thọ ơn họ để được yên bình hay Ấm Lạnh Quê Người (*) ngày nay.

    Những tác phẩm cũng là tặng phẩm từ tim óc anh trao gởi cộng đồng người Việt tị nạn, Những Người Thua Trận (*) trên toàn thế giới nói chung và cách riêng, tại Nước Mỹ Lạnh Lùng (*). Ẩn hiện trong tác phẩm là đạo làm người với Tứ Ân (Cha Mẹ, Chúng Sanh, Quốc Gia Xã Hội, Tam Bảo), nỗi Ngậm Ngùi Tháng Tư (*) mà đồng bào đồng đội và bà con quyến thuộc của anh, của chúng ta, cam chịu trong uất hận.

    Có cường điệu lắm không khi tôi nghĩ rằng, chữ nghĩa của Huy Phương ngoài tính văn học nghệ thuật còn là sử liệu lưu lại đời sau, một giai đoạn thảm khốc của cả dân tộc sau 30 Tháng Tư, 1975? Chữ nghĩa đó cũng là loại vũ khí mềm khả dĩ góp lửa vào công cuộc chống lại chủ nghĩa cộng sản khát máu tại Quê Hương Khuất Bóng (*).

    Huy Phương nhỏ nhẹ với tôi, không còn bao lâu nữa, buồn lắm ông à! Tôi thật sự không biết phải an ủi anh như thế nào cho hợp với tình huống này. Trong nhà anh, nơi phòng khách được trình bày rất nhiều kiểu tượng Phật, tôi nghĩ đến lẽ vô thường, nhưng không dám đá động đến sinh lão bệnh tử đối với sự bén nhạy và kinh nghiệm sống chất chồng của anh. Đắn đo lắm tôi mới nói:

    -Anh đã chuẩn bị trước cả rồi, lo buồn làm gì. Ga Cuối Đường Tàu (*), Tuyển Tập Huy Phương (*), nhất là Bản Chúc Thư Của Người Lính Chết Già (*), không phải là những chuẩn bị đó sao?

    Anh im lặng. Tôi không nghĩ lời an ủi thô thiển đủ thần lực làm nhẹ lòng Huy Phương, từng dùng chữ nghĩa thay súng đạn nhắm vào chủ nghĩa vô thần. Có thể anh còn trăn trở với Món Nợ Lương Tâm (*). Tôi đồng cảm với những món nợ với người chết sông chết biển, nợ người ở lại để ta ra đi, nợ những nấm mồ thất lạc, nợ máu xương rải rác giữa đồng hoang, nợ những mẹ già suốt đời bất hạnh…(chữ của Huy Phương).

    Từ đồng cảm, tôi trân trọng lòng tự trọng và trách nhiệm Bảo Quốc An Dân của người chiến sĩ quốc gia viết văn đầy tính nhân bản của Huy Phương.

    Thưa anh Huy Phương, đóng góp của anh cho Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc, Lý Tưởng Tự Do Dân Chủ, cho Gia Đình và Đồng Đội, như vậy là vẹn toàn. Đã 80 ngoài, mắt mờ tóc bạc da mồi, tay chân lọng cọng, nghỉ ngơi là điều tất yếu. Mỗi ngày thong dong buông xả, hứng thì ngâm nga vài vần thơ cũ do mình sáng tác, niệm một câu kinh Tịnh Độ để giữ vững niềm tin, ngắm một đóa hoa để “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…,” có phải như thế sẽ giúp cho thân tâm được nhẹ nhàng an lạc không, thưa anh!

    Phương chi, những tác phẩm của anh, đương nhiên sẽ lưu lại cho con cháu đời sau, thì Món Nợ Lương Tâm âu cũng sẽ vơi đi. Tôi thích thú với những câu thơ nhiệt huyết, đầy cảm khái và hùng khí trong “Lời Phi Khanh:”

    Còn chút lửa, cha tiếp con tay đuốc/Hãy đốt lên, cùng triệu triệu con người.
    Cha đã nhiều lần rủa nguyền bóng tối/Thì phần con – Hãy thắp sáng cho đời!
    Để hy vọng, còn có ngày trở lại/Thấy quê hương, dù phút cuối một lần.
    Với quá khứ cha đã đành cúi mặt/Thì đời con – Đừng thẹn với tiền nhân.
    Hãy chuyển lửa về quê nhà mong đợi/Thắp yêu thương cho hàng triệu con người.
    Để những người đã hy sinh nằm xuống/Dù bên kia thế giới cũng ngậm cười.

    (Lời Phi Khanh – Huy Phương)

    Tôi “liều mạng” nhắc anh “Tạ ơn em (Chị Huy Phương) đã cho đời anh bóng mát.” Quả vậy, là chinh phụ và tù phụ, chị đã một đời sắt son dũng cảm trong thời chiến, trong tù đày sau 1975 và nhất là trong giai đoạn anh lão bệnh nơi xứ người. Qua hình ảnh chị, tôi theo gương Huy Phương, xin tạ ơn tất cả những người vợ lính đã sắt son dũng cảm, nuôi con chờ chồng trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

    Huy Phương cũng từng khuyến khích những thế hệ tiếp nối, chuyển lửa về thắp yêu thương hàng triệu con người, thì dù hôm nay hay ngày mai, anh đã tròn trách nhiệm của một công dân, “nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo,” mong anh nở một nụ cười thanh thản…

    Và tôi không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình là, tôi quý trọng tính thủy chung, lòng tự trọng và nhân cách của nhà giáo, công dân Lê Nghiêm Kính (**). Tôi cũng quý trọng văn tài của đồng đội, người lính viết văn tài hoa Huy Phương.

    Phiên khúc đang văng vẳng trong tôi: Có nhớ thương tôi thì đến với tôi bây giờ. Đừng đợi ngày mai… [đ.d.]

    Võ Ý

    Ghi chú:
    (*) Tên những tác phẩm của Huy Phương
    (**) Tên khai sinh của Huy Phương


    (nguồn: Người Việt)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-24-2021, 09:03 AM.

  • #2

    Một Buổi Chiều Thăm Nhà Văn Huy Phương

    07/05/2021
    Kiều Mỹ Duyên


    (nguồn: Việt Báo)


    Nhà văn Huy Phương và phu nhân tại nhà riêng ở Anaheim chiều 30/4/2021 (hình cung cấp bởi Kiều Mỹ Duyên)


    Chúng tôi đi thăm một người bệnh, phải xem ngày giờ, giờ hoàng đạo mới đi thăm, nghĩa là thăm được mới đến. Tôi nói với Phương Vũ, một chuyên viên địa ốc của văn phòng:

    - Con với cô hôm nay đến Anaheim thăm nhà văn Huy Phương và thăm sư cô ở ngôi chùa nhỏ. Hên xui may rủi nghen, nếu gặp chủ nhà thì tốt, nếu không gặp chủ nhà, mình cứ để hoa trước cửa nhà.

    Thường thường thăm ai, chúng tôi đều gọi trước, nhưng hôm nay chúng tôi gọi, không ai bắt máy. Chúng tôi quyết định mình cứ đi, gặp được thì tốt, không được cũng không sao.

    Khi đến nhà của nhà văn Huy Phương, thấy cửa garage mở, tôi vui mừng nói với Phương Vũ:

    - Hên quá, hên quá con ơi! Bao nhiêu người đến thăm nhà văn Huy Phương mà đâu có được, cô cháu mình đến là được ngay.

    Chúng tôi gõ cửa, chị Huy Phương mở cửa, khuôn mặt chị hiền lành, dễ thương như thuở nào mới định cư ở Hoa Kỳ mà chúng tôi đã đến thăm. Thấy chúng tôi, chị mừng rỡ nói:

    - Anh Huy Phương mê man mấy ngày nay vừa tỉnh dậy.

    Phòng khách rộng, đầy hoa lan đủ màu sắc. Bàn thờ Phật rực rỡ hoa tươi, một hình tượng Phật đẹp thật to ở phòng khách. Tôi nói ngay:

    - Chúng tôi đến thăm anh chị vài giây rồi đi ngay.

    Thời giờ quý lắm, nhất là thì giờ của người bệnh cần nghỉ ngơi. Anh chị Huy Phương có người con trai là giáo sư đại học Chapman, trường đại học nổi tiếng ở miền Nam California.

    Nhà văn Huy Phương là sĩ quan chiến tranh chính trị thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ở tù nhiều năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư theo diện H.O, anh may mắn sang Mỹ có việc làm ngay, viết cho báo Người Việt, làm cho đài truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Network), viết sách, in sách.

    Tôi quen nhà văn Huy Phương vào khoảng 60 năm về trước, khi cục tâm lý chiến tổ chức họp báo là tôi tham dự để viết bài cho báo Hòa Bình. Sau này, gặp lại khi gia đình anh định cư ở Orange County theo diện H.O. Anh hoạt động tích cực trong hội H.O cứu trợ thương phế binh và cô nhi quả phụ ở quê nhà.





    Tuyển tập Huy Phương, những bài viết ưng ý của 50 năm cầm bút, lời tựa "Như Một Lời Chia Tay", làm mọi người rơi lệ. Tuyển tập này xuất bản năm 2020. Vừa phát hành, anh tặng cho tôi tuyển tập này và nói:

    - In sách vào thời buổi này không đúng thời.

    Nói tới đó anh ngừng. Nhà văn Huy Phương ít nói, nhưng lời nói rất thâm thúy và đầy ý nghĩa. Ra sách trong lúc dịch cúm Covid-19 đang hoành hành, không ra mắt sách được cũng mất đi một phần độc giả, sách không tới tay độc giả. Muốn bán sách được phải quảng cáo thật mạnh trên tivi, radio, báo chí. In sách trong lúc tác giả bệnh không cầm bút được, không làm show trên tivi thì cũng hạn chế độc giả, dù độc giả rất thích đọc sách của nhà văn nổi tiếng. Nhà văn Huy Phương viết nhiều đề tài khác nhau như cha mẹ già ở viện dưỡng lão cay đắng và nước mắt.

    Trong tuyển tập "Như Một Lời Chia Tay", tác giả tạ ơn nhiều người, tạ ơn cuộc đời, đất nước, gia đình, độc giả, .v.v.

    Biết nhà văn đang bệnh, tôi bàn với xướng ngôn viên Nhã Lan đang cộng tác với Little Saigon Radio và Hồn Việt Tivi dành một chương trình đặc biệt nói về tác giả và tác phẩm tuyển tập Huy Phương. Chương trình được khán thính giả gọi vào rất nhiều. Nhã Lan email cho nhà văn biết trước ngày giờ phát thanh và chiếu trên Hồn Việt Tivi. Làm được một chút gì cho người bệnh, chúng tôi thực hiện ngay. Không biết nhà văn và gia đình có theo dõi show này hay không nhưng chúng tôi vẫn làm, vì không có người này xem tivi, nghe radio thì cũng có đồng hương nghe rồi nói lại cho tác giả. Chúng tôi đem một chút niềm vui cho tác giả và gia đình.

    Chúng tôi vừa bước vào phòng của tác giả theo sự hướng dẫn của chị Huy Phương, thấy có hai cháu đang kề cận người bệnh. Nhìn hình Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trên tường, chị Huy Phương nói ngay:

    - Đức Hồng Y tặng cho anh ấy hình này.

    Rồi chị Huy Phương mời tôi ngồi xuống ghế cạnh giường bệnh để chụp hình. Nhà văn Huy Phương cảm ơn chúng tôi đến thăm. Tôi nói
    :
    - Anh cố gắng lên, cố gắng lên. Chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của anh.

    Người bệnh thở mệt nhọc, người ốm nhom nhưng không than. Tôi nói:

    - Anh nghỉ ngơi nhé.

    Tôi không muốn người bệnh ngồi lâu. Tôi đã thăm nhiều người bệnh trong viện dưỡng lão, có người nằm từ ngày này đến ngày khác nhưng khi có người thân đến thì ngồi bật dậy nhu không có việc gì.

    Anh Huy Phương cũng vậy, anh ngồi dậy, mặt vẫn tỉnh táo lắng nghe người thăm bệnh nói chuyện. Thường thường đi thăm bệnh, tôi thường nói về sự cầu nguyện, vì tất cả đều ngoài tầm tay với. Mắt anh Huy Phương nhìn vào phong bì của chị Huy Phương vừa đưa đến, anh nói:

    - Tiền thì trả lại.

    Người bệnh nằm mê man mấy ngày vừa tỉnh lại sao mà thông minh và nhạy cảm, biết bằng hữu đến thăm là tặng tiền.

    Chị Huy Phương nói:

    - Mấy hôm nay ai cho tiền đều trả lại, anh nhất định không nhận.

    Khuôn mặt anh bình thường, không nhăn nhó vì đau đớn. Nếu không nhìn thấy tận mắt anh ốm nhom, đâu ai biết anh đang bệnh. Anh nói bác sĩ chê, bảo vào Peace Hope, nhưng anh không bằng lòng, đòi về nhà và sống với gia đình ấm cúng của mình. Nhiều độc giả, khán thính giả muốn thăm anh nhưng gia đình không bao giờ trả lời điện thoại. Điều đó cũng đúng thôi, phải để thì giờ cho người bệnh nghỉ ngơi, tịnh dưỡng.

    Nhà văn Huy Phương thật có phúc về già có người bạn đời kề cận bên anh, và sống cùng với con cháu, đó là điều có phúc của người già. Về già mà có người bạn đời bên cạnh thật phúc đức biết chừng nào? Nhà văn Huy Phương có vợ hiền, con ngoan, về già được sống với vợ, con và cháu của mình, thật còn gì hạnh phúc bằng?

    Bỗng dưng tôi nhớ tới người bạn cũng quen lâu năm nói với tôi:

    - Tôi mong vợ tôi sống lâu hơn tôi để còn lo chôn cất tôi khi tôi qua đời.

    Gia đình này có một người con là Đại Tá bác sĩ và người con thứ hai là thương gia tiền rừng bạc biển, mà người bạn đó nghĩ đến khi chết không ai chôn cất mình, chỉ có người vợ, thê thảm thật?

    Thăm viếng người bệnh không quá 5 phút, tôi có cảm tưởng người bệnh nào cũng vui khi có người đến thăm, nhìn ánh mắt, nghe giọng nói của người bệnh mình có thể nhận ra điều đó, nhưng quan trọng nhất là cầu nguyện và cầu nguyện. Tất cả mọi sự đều ngoài tầm tay của mình, chỉ có sự cầu nguyện. Trên đường về, tôi cầu nguyện cho nhà văn Huy Phương sớm bình phục để sống với gia đình và người thân.

    Đồng bào nào quý mến nhà văn, nhà báo, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng ở tù mà vẫn hiên ngang không làm mất danh dự của người chiến sĩ, thì xin cầu nguyện cho anh. Một người cầu nguyện, một trăm người cầu nguyện, ngàn người cầu nguyện biết đâu sẽ thay đổi số Trời.

    Xin Trời Phật phù hộ nhà văn Huy Phương mau bình phục. Mong lắm thay!

    Orange County, 7/5/2021
    Kiều Mỹ Duyên
    (kieumyduyen1@yahoo.com)

    Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-24-2021, 09:01 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X