Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 21)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 21)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 21)



    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 21)



    Hồi ký

    NGUYỄN HỮU THIỆN

    PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


    (tiếp theo kỳ 20)

    CHƯƠNG 2 – “Hoa tiêu” bất đắc dĩ


    Ngôi nhà rất rộng, dư sức cho hàng trăm người nằm, ngồi thoải mái nếu như cái sàn gỗ còn nguyên vẹn. Nhưng sau bao năm tháng bị bỏ hoang phế, sàn gỗ nhiều chỗ đã bị mục nát, thủng lỗ cho nên ông “đại diện tỵ nạn” đã phải năn nỉ những người tới trước thu hẹp “giang sơn” để có chỗ cho chúng tôi.

    Thế là ghe của tôi bị chia năm xẻ bảy, mỗi nhóm ở một chỗ. Riêng gia đình tôi chậm chân nên chỉ còn một khoảng trống vừa gần lối ra vào vừa có một lỗ ván thủng, bước sơ ý là lọt chân xuống dễ như chơi!

    Chúng tôi không chỉ là những người tới sau cùng mà còn là ghe nhỏ nhất, ít người nhất so với những ghe tới trước; tất cả đều là ghe dài trên 10 mét, máy 2, 3 lốc, từ Việt Nam đi thẳng tới hải phận Natuna và được ghe đánh cá của ngư dân Nam Dương chỉ đường cập vào đảo Sedanau. Trong số này có một ghe hầu hết khách là người Việt gốc Hoa, họ chỉ nói tiếng Hoa và nhìn các thuyền nhân khác bằng nửa con mắt!

    Cũng nhờ bị nằm gần lối ra vào mà tôi có cơ hội làm quen với Mười Triêm, chủ chiếc ghe mới tới Sedanau trước chúng tôi mấy ngày, cho nên đa số người trong ghe của ông cũng bị nằm gần lối đi.

    Mười Triêm, tuổi trên dưới 40, Nam kỳ đặc, dân tỉnh lẻ nhưng ra vẻ hiểu biết nhiều, tuy hơi ba hoa, mở miệng ra là “Đ.M.” nhưng là một người thật thà, vui tính. Trò chuyện qua lại, chúng tôi mới biết hai ghe chỉ “đánh” cách nhau một ngày: ghe chúng tôi ra đi đêm 15/10/1981 tại Lam Sơn còn ghe của Mười Triêm đi đêm 16 tại Cần Giờ.

    Ngày ấy, những người tổ chức vượt biên ở vùng Sài Gòn, Bà Rịa đều biết Cần Giờ là địa điểm lý tưởng nhất với điều kiện phải có nhiều vàng để lo bến bãi, nơi ghe “taxi” đón khách để đưa ra ghe lớn.

    Vào khoảng thời gian chúng tôi ra đi (năm 1981), những ghe đi từ Cần Giờ thường lấy mỗi đầu khách 5, 6 cây vàng so với giá trung bình 3 cây ở những nơi khác.

    Bù lại, việc đưa đón khách, bến bãi được bảo đảm gần như 100%, trừ trường hợp công an ăn chia không đều tìm cách phá nhau, nhưng rất hiếm khi xảy ra ở Cần Giờ.

    Ghe vượt biên cũng có kích thước lớn hơn, động cơ mạnh hơn. Chẳng hạn ghe của Mười Triêm dài tới 12 mét và được trang bị động cơ Yanmar 2 lốc “đầu bạc”, tức là mạnh gần gấp ba lần cái động cơ F10 của chúng tôi.

    Ngoài kích thước và máy mạnh, ghe của Mười Triêm còn có hoa tiêu xịn, tài công kinh nghiệm vậy mà vẫn tới Nam Dương sau chúng tôi mấy ngày!

    Nguyên nhân: phải tấp vào Côn Sơn tránh bão!

    Nhắc lại, ghe chúng tôi rời Lam Sơn đêm 15 rạng 16/10/1981 và tới ngày 17, 18/10 thì gặp bão cấp 3 khi đang ở giữa biển, chỉ biết phó thác cho trời; còn nghe Mười Triêm rời Cần Giờ đêm 16, qua ngày 17 gặp bão, phải tấp vào Côn Sơn. (Bão cấp 3 ngày ấy tương đương với cấp 7 theo cách gọi hiện nay)

    Như tôi đã viết trước đây, vào năm 1979, sau khi Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập, ngành công an biên phòng đã thống nhất hoạt động từ duyên hải Vũng Tàu xuống tới đảo Côn Đảo (trước kia thuộc tỉnh Hậu Giang) để kiểm soát các cuộc ra đi bán chính thức và đối phó với phong trào vượt biên bất hợp pháp.

    Tới năm 1981, khi không còn việc ra đi bán chính thức nữa và việc “bán” bến bãi cho ghe ra đi bất hợp pháp đã trở thành “dịch vụ” chính của công an biên phòng, việc “săn mồi” ngoài khơi Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo hầu như chấm dứt. Nói cách khác, các ghe vượt biên đi từ Vũng Tàu xuống tới Côn Đảo không còn lo sợ bị tàu thuyền của công an biên phòng “dí” nữa.

    Nhưng nếu gặp bão phải tấp vào Côn Sơn như ghe của Mười Triêm lại là chuyện khác. Theo hồi ký cũng như lời kể lại của những người từng phải tấp vào Côn Sơn thì tùy trường hợp mà có khi thoát nạn có khi tàn đời!

    Nếu là ghe “nhà giàu” và biết thân biết phận nộp vàng sớm cho công an hoặc bộ đội biên phòng ngay sau khi vào bờ thì thường được ra đi sau khi hết bão, nhưng ghe “nhà nghèo” không có vàng để nộp thì ghe bị tịch thu, người bị tống giam để chờ người nhà tới chuộc, không chuộc thì bị đưa tới các trại cải tạo để lao động khổ sai. Bi thảm nhất là trường hợp các cô gái trẻ và các thiếu phụ có nhan sắc bị đưa về huyện, tỉnh giam giữ đã bị công an, cán bộ cao cấp xâm phạm tình dục. (1)

    Giờ này tôi không còn nhớ ngày ấy mỗi đầu người trên ghe Mười Triêm phải chi cho công an mấy cây vàng, chỉ biết nhờ chi sớm, nội vụ không bị báo cáo lên huyện ủy (Côn Đảo), ngay sau khi dứt bão ghe đã được “thả” vào đêm hôm đó, và thẳng đường tới Natuna, được ngư dân Nam Dương hướng dẫn vào đảo Sedanau.

    Khi nghe tôi kể ghe chúng tôi chỉ dài 7 mét rưỡi, động cơ F10 mà dám ra khơi vào giữa mùa bão, Mười Triêm đã lắc đầu le lưỡi; tới khi tôi kể về hai ngày chống trả với bão cấp 3, ông ta nói:

    - Nếu tui không đi sau mấy cha một ngày, bị bão phải tấp vào Côn Sơn, chắc chắn tui không tin. Mấy cha liều mạng thiệt!

    Nghe Mười Triêm nói, tôi nhớ lại những lúc từ trên ngọn sóng nhìn xuống vực thẳm trước mặt, hoặc bị những con sóng cao mấy mét phủ xuống nghe mà rùng mình!

    Đồng thời tôi cũng nghiệm ra những gì ông anh họ vợ nói là đúng: ghe lớn sóng lớn: nếu là chiếc ghe dài hơn 12 mét của Mười Triêm, nó có thể bị những con sóng liên tiếp đánh lật ghe, bể ghe như đã xảy ra cho biết bao “ghe lớn” khác!


    * * *

    Vì phần lớn diện tích của căn nhà sàn đã bị những người tới trước chiếm hữu, chúng tôi phải nấu nướng ngay tại chỗ nằm của mình. Mỗi hộ được cấp phát một cái bếp dầu hôi, tương tự những cái bếp ở Sài Gòn trước năm 1975, và một, hai cái nồi nhỏ.

    Về thực phẩm, chúng tôi được cấp phát gạo và đồ hộp. Đồ hộp ở đây không phải tiêu chuẩn của Cao ủy Tỵ nạn ở các trại tỵ nạn mà do nhà chức trách địa phương cung cấp cho nên chỉ có một món duy nhất là cá hộp với phẩm chất thuộc hàng thấp nhất, vậy mà cũng không đủ ăn!

    Nhưng với những người đi nghe Mười Triêm và mấy ghe tới trước thì không có vấn đề, bởi đa số là người Việt gốc Hoa hoặc người Việt có nhiều vàng mang theo, chỉ cần đi mấy bước ra tiệm chạp phô thì cái gì cũng có!

    Đó là một trong những cửa tiệm, hàng quán trên con đường từ bến tàu đi ngang qua nơi thuyền nhân tạm trú, chủ nhân đa số là người gốc Hoa.

    Thời gian này, Sedanau chưa được chính thức mang danh một “city” (như anh sinh viên và người phụ tá của ông cáp-ten thường gọi) , chưa phát triển thành hòn đảo du lịch nổi tiếng như ngày nay, được gọi là một “floating city” với những căn nhà (bungalow) trên biển san hô trong suốt dành cho khách du lịch, nhưng người Hoa thì đã hiện diện từ đời nào và làm chủ nhiều hàng quán trên con đường chính của hòn đảo.


    Sedanau ngày nay: floating city

    Giờ này, tôi vẫn còn nhớ trong ba cửa hàng gần đó có tới hai là của người gốc Hoa, một tiệm chạp phô và một tiệm bán trang sức, vàng bạc (dân Nam Dương là chúa thích đeo vàng), tiệm còn lại là của người Nam Dương chuyên bán quần áo, giày dép, túi xách...

    Theo sự mách bảo của đám thuyền nhân gốc Hoa, chúng tôi có thể mang vàng ra tiệm trang sức bán lấy tiền Nam Dương để tiêu dùng.

    Ngày mới lên đảo Pulau Laut, vì lo sợ viển vông, bà chị vợ tôi đã nhờ cô em đeo dùm một cái nhẫn (kim cương) hạt tấm. Tới Sedanau, bà chị nói cho luôn cái nhẫn ấy, bán đi lấy tiền chi dùng.

    Tiệm bán trang sức định giá chiếc nhẫn 20.000 rupiah (tiền Nam Dương).

    Thời gian này, chúng tôi hoàn toàn không có một chút ý niệm về giá trị của đồng rupiah so với đồng đô-la Mỹ. Hiện nay, sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Á châu trong thập niên 1990, đồng rupiah bị mất giá thê thảm, tới năm 2022 một đô-la Mỹ ăn tới 15,000 rupiah, nhưng vào năm 1981 tại trại tỵ nạn Galang, theo tôi nhớ thì một đô-la Mỹ chỉ ăn 500 rupiah.

    Trở lại thời gian ở Sedanau, chúng tôi chỉ biết tính giá trị của đồng rupiah qua việc mua bán tại các cửa tiệm, chẳng hạn một gói thuốc lá hiệu Hero – loại thuốc đầu lọc tương đối rẻ tiền của Nam Dương – giá chỉ 200 rupiah, một hộp pa-tê khoảng 300 gr giá 150 rupiah... Như vậy, với gia đình bé nhỏ của tôi, số tiền 20.000 rupiah cũng khá lớn, dè sẻn cũng cầm cự được cả tháng.


    * * *

    Với mọi người trong ghe của tôi, cuộc sống ở Sedanau tương đối thoái mái và thú vị hơn Pulau Laut. Điều bực mình duy nhất là diện tích sàn nhà dành cho đám “ma mới” chúng tôi vừa chật hẹp vừa có nhiều chỗ ván bị mục. Một ngày nọ, đứa con gái 7 tuổi của tôi vô ý bị lọt xuống một lỗ ván mục, may phước sao còn kẹt lại cái đầu và một cánh tay, sau này suốt đời mang một cái thẹo ở cằm.

    Với đám trai trẻ và con nít thì thú tiêu khiển duy nhất là tắm biển. Thực ra “biển” ở đây chỉ là khoảng trống giữa ngôi nhà sàn và cái cầu tàu dành cho ghe đánh cá, mỗi bề khoảng 50 m; không có san hô, chỉ có ít đá ngầm.

    Các bà các cô thì ra “phố”, tức con đường chính của Sedanau, nhưng đa số chỉ vào tiệm chạp phô, còn các cửa tiệm quần áo, trang sức... thì đứng bên ngoài “window shopping”.

    Một ngày nọ, tôi rủ tài công Lý đi ra “city” mà anh sinh viên và người phụ tá của ông cáp-ten thường nhắc tới. Theo lời mấy người chủ tiệm người Hoa, cứ theo con đường chính sẽ tới city.

    Sau khi ra khỏi khu hàng quán, hai bên đường chỉ còn một màu xanh của vườn tược, phía trong là những căn nhà dân thấp thoáng sau những hàng dừa cao vút. Dù nhà nào cũng lợp tôn chứ không lợp ngói nhưng vì dừa ở đây cao như những cây cau ở Việt Nam, cảnh trí đã khiến tôi liên tưởng tới đường đi Lái Thiêu, mà ngày chưa vào quân đội, tôi thường cùng mấy tay bạn chở đào đi chơi cuối tuần.

    Đi khoảng một cây số đã thấy mỏi chân mà nhìn về phía trước thấy những ngôi nhà lầu của “city” vẫn còn xa tít, chúng tôi quyết định bỏ cuộc!


    * * *

    Ngay sau khi tới Sedanau và làm quen với Mười Triêm, tôi đã hỏi ông ta có biết gì, hoặc nghe nói gì về tương lai người tỵ nạn đang tạm trú trên hòn đảo này không, thì ông ta lắc đầu.

    Nhưng không chỉ có Mười Triêm mà kể cả những người đã ở Sedanau lâu nhất (gần 3 tháng) cũng không biết gì. Còn ông “đại diện tỵ nạn” đã nhắc tới ở trên thực ra chỉ có nhiệm vụ nhận lương thực và phân phối cho mọi người. Viên chức Nam Dương duy nhất mà ông ta có thể tìm gặp trong trường hợp khẩn cấp là viên cảnh sát ở văn phòng bến tàu.

    Về phần ông cựu “trung sĩ người nhái” thỉnh thoảng có ghé chơi nhưng chủ yếu là để show-off với đám con nít chứ cũng chẳng biết gì về những điều chúng tôi muốn biết.

    Trong bối cảnh ấy, lại có những tin đồn được loan truyền trong nội bộ người tỵ nạn nói rằng tất cả mọi thuyền nhân đang tạm trú trên đảo Sedanau sẽ bị Nam Dương trả về Việt Nam! Khỏi nói, tin đồn này đã gây hoang mang, lo sợ không ít.

    Vì đồn qua đồn lại, người ta không được biết đích xác nguồn gốc của tin đồn này mà chỉ nghe kể là do các chủ hàng quán người Hoa ở Sedanau nói với một vài thuyền nhân Việt gốc Hoa nào đó.

    Cho tới sau này tôi vẫn không tin rằng các chủ hàng quán người Hoa ở một hòn đảo xa xôi như Sedanau lại được biết, hoặc quan tâm theo dõi chính sách của chính phủ Nam Dương đối với người tỵ nạn Việt Nam. Vì thế nếu quả thực có người trong bọn họ (các chủ hàng quán) tung ra tin trên thì cũng chỉ là nghe lóm các viên chức Nam Dương nói chuyện với nhau câu được câu chăng, rồi kể lại với thuyền nhân Việt gốc Hoa, không quên thêm thắt cho ly kỳ rùng rợn!

    Rốt cuộc chúng tôi được nghe nhiều phiên bản khác nhau, trong đó ra vẻ có lý nhất là bắt đầu từ năm 1981, Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chỉ nhận những thuyền nhân đi thẳng tới các tại tỵ nạn ở Đông Nam Á, hoặc được tàu vớt đưa tới các trại này.

    Nghĩa là riêng tại Nam Dương, chỉ những thuyền nhân nào đi thẳng tới trại tỵ nạn trên đảo Kuku hay đảo Galang thì mới được nhận. Còn những người tới các đảo khác, chẳng hạn Sedanau, thì bị xem là di dân bất hợp pháp, sẽ bị trả về Việt Nam.

    Bên cạnh đó còn có tin đồn nói rằng tùy điều kiện và nhu cầu ở mỗi địa phương, nhà cầm quyền sở tại có thể cho khép người tỵ nạn ở lại Nam Dương sinh sống.

    Riêng bản thân tôi, mặc dù từ khi được thả về vào đầu năm 1981 cho tới khi vượt biên vào giữa tháng 10, trong vô số tin đồn thất thiệt được loan truyền tại miền Nam VN vào “thời đại tin đồn” tôi không hề nghe tin đồn quái ác này, giờ đây cũng không tránh khỏi hoang mang, lo ngại!

    Càng hoang mang, lo ngại hơn khi nhớ tới việc mấy đứa con bà chị vợ tôi được ngư dân Nam Dương kéo vào đảo Pulau Laut cách đây hai năm, sau hơn một tuần ở trên đảo đã được đưa thẳng tới trại tỵ nạn ở Kuku, trong khi chúng tôi thì bị đưa tới Sedanau!

    * * *

    Sau hai tuần lễ sống trong hoang mang, chúng tôi được thông báo ngày mai sẽ có tàu tới đón. Đón đi đâu, không ai biết!

    Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, đoàn người được dẫn ra bến tàu. Vừa tới cổng vào cầu tàu, chúng tôi đã thấy một chiếc tàu lớn cập sẵn ở bến.

    Ra tới nơi, tôi thấy đó là một chiếc tàu chở hàng dài khoảng 5, 6 chục mét, phía mũi tàu sơn cái tên rất đẹp: Flora.

    Các viên chức Nam Dương trước đây đón chúng tôi tới Sedanau, nay đã đợi sẵn. Anh chàng trung sĩ người nhái cũng có mặt, vui vẻ từ giã chúng tôi nhưng khi tôi hỏi anh có biết chúng tôi sẽ được đưa đi đâu không, anh ta lắc đầu!

    Toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu Flora là người tây phương, sau này tôi được biết họ là người Đức trong một tổ chức thiện nguyện được thành lập để vớt người tỵ nạn Việt Nam trên biển Đông.

    Khi chúng tôi lên tàu thì đã có sẵn một số người tỵ nạn Việt Nam ở trên đó, gồm những người may mắn được tàu Flora vớt ngay trên biển, một số khác được tàu buôn vớt rồi “bàn giao” cho tàu Flora, một số cập vào các giàn khoan, cùng một số cập vào các đảo khác trong quần đảo Natuna.

    Một người đã ở trên tàu Flora hơn một tuần cho tôi biết tàu sẽ chở đoàn người tới đảo Kuku. Ông cũng kể với tôi việc mọi người trên ghe của ông thoát chết nhờ gặp tàu Flora đúng lúc.

    Nguyên chiếc ghe của ông từ Kiên Giang đi Mã Lai nhưng khi tới gần bờ đã bị tàu của hải quân Mã Lai chặn lại và kéo ra hải phận quốc tế. Sau khi trở ra khơi ghe gặp bão lớn, sắp chìm thì may mắn được tàu Flora vớt.

    Ngày ấy, tôi đã hết sức ngạc nhiên và bất bình khi được nghe kể về hành động này của hải quân Mã Lai. Chỉ sau khi định cư tại Úc, đọc hồi ký của người Việt tỵ nạn hoặc tin tức trên các trang mạng mới biết những trường hợp bị kéo ra hải phận quốc tế vẫn còn may mắn, bởi có những ghe bị “ủi” cho chìm, hoặc bị tấn công bằng súng đạn.

    Tới năm 1992, tôi còn được xem cuốn phim “Turtle Beach” trong đó có cảnh người Mã Lai tàn sát người tỵ nạn Việt Nam một cách không gớm tay.

    [Turtle Beach, hay The Killing Beach, là một sản phẩm Úc-Mỹ, truyện phim phỏng theo cuốn truyện có cùng tựa của nữ văn sĩ Úc Blanche d'Alpuget, xuất bản năm 1981. Cuốn phim đã gây căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia vì tính cách man rợ trong cảnh đoàn người trang bị gươm đao, mã tấu, tàn sát thuyền nhân vừa đặt chân lên bãi biển.
    Thời gian này, bà Blanche d'Alpuget đang phục vụ tại Phòng Thông Tin của sứ quán Úc ở Nam Dương, đã bỏ một năm trời sang Mã Lai tìm hiểu, thu thập dữ kiện để viết cuốn truyện. Năm 1995, bà trở thành đời vợ thứ hai của cựu Thủ tướng Úc Bob Hawke]



    Tới trưa, chúng tôi được ăn cơm do toán “anh nuôi” người Đức và một số thuyền nhân tình nguyện nấu nướng. Bữa cơm chỉ có một món duy nhất là thịt hộp nhưng rất ngon miệng. Có thể vì đây là thịt hộp “cao cấp” (của Đức), cũng có thể vì được biết mình đang trên đường đi tới đảo Kuku, hoặc vì cả hai nguyên nhân.

    Sau khoảng 5 tiếng đồng hồ đi về hướng tây tây nam, chúng tôi nhìn thấy nhiều hòn đảo lớn nhỏ ở cuối chân trời. Sau này tìm hiểu qua sách vở, bản đồ, tôi được biết đó là quần đảo Anambas, cách quần đảo Natuna khoảng 250 km về hướng tây tây nam. Về hành chánh, ngày nay cả hai quần đảo này đều là cấp hạt (regency) của tỉnh Riau nhưng ngày ấy Anambas còn là một quận (district) của hạt Natuna.



    So sánh về mọi mặt, Anambas không bằng Natuna. Phong cảnh ở Natuna đẹp hơn, dân cư đông hơn và văn minh hơn...

    Nhưng chiếc tàu Flora không tiến thẳng vào quần đảo Anambas mà lại đi lên hướng bắc rồi mới vòng xuống phía nam, len lỏi qua nhiều hòn đảo lớn nhỏ và cuối cùng cập vào đảo Kuku.

    Kuku là một hòn đảo nhỏ, nằm ở hướng tây nam trong quần đảo Anambas. Khác với đảo Sedanau ở quần đảo Natuna có diện tích lớn hơn, có dân cư, phố xá, Kuku là một hoang đảo đúng nghĩa!

    Nguyên vào năm 1979, để có chỗ đón nhận thuyền nhân Việt Nam ồ ạt ra đi - đa số đi “bán chính thức” - cùng một số vượt biên bất hợp pháp, chính quyền Nam Dương đã phải thiết lập một trung tâm tạm trú trên đảo Kuku trong thời gian chờ đợi được đưa tới trại tỵ nạn Galang.

    Theo một số nhân viên thiện nguyện từng phục vụ tại Kuku, trong hai năm 1979, 1980, vào thời gian cao điểm, số thuyền nhân ở hoang đảo này lên tới mấy ngàn người.

    Còn theo con số chính thức của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, trước sau đã có trên dưới 40,000 thuyền nhân Việt Nam tới Kuku, và một số ít hơn được đưa tới đảo Pulau Air Raya ở gần đó, khi Kuku không còn chỗ chứa.

    Vì trên danh nghĩa chỉ là một nơi tạm trú do chính quyền Nam Dương thiết lập chứ không phải trại tỵ nạn của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, Kuku không được (Cao ủy Tỵ nạn LHQ) cung cấp một ngân khoản nào để sử dụng vào việc xây dựng cơ sở vật chất, ngoài những tấm nylon lớn để làm mái che, và thuyền nhân phải tự cất nhà bằng cây rừng, cũng có những thuyền nhân “nhà giàu” bỏ tiền thuê mướn người khác cất nhà cho mình.



    Những căn lều ở Kuku (1981) - hình Gaylord Barr
    Những chiếc ghe tới thẳng Kuku - hình Gaylord Barr

    Cho nên nhìn vào khu vực tạm trú của thuyền nhân ở Kuku, người ta có thể một sự tương phản rõ rệt: từ những ngôi nhà tươm tất tới những túp lều lụp xụp.

    Nghe kể lại vào thời gian cao điểm (hai năm 1979, 1980), những ngôi nhà xịn ấy thường được người đi trước sang lại cho người tới sau với cái giá có khi lên tới cả cây vàng!


    * * *

    Từ xa xa, nhìn vào đảo Kuku đã thấy nản, tới gần càng nản hơn; nguyên nhân chính là hòn đảo này thực ra chỉ là một ngọn núi nhô lên mặt biển, cây rừng dày đặc, ven bờ không xanh tốt như ở Pulau Laut mà chỉ lưa thưa vài cây dừa khiến khung cảnh đã không có một chút thu hút mà còn như hăm dọa.

    Đường vào đảo Kuku (1981) - hình Gaylord Barr


    Tàu Flora tiến vào một cái vịnh nho nhỏ đầy đá ngầm; còn cách bờ biển khoảng 1 km, tàu thuyền phải đi giữa hai hàng cọc để vào bờ, nếu không có thể đụng đá ngầm.

    Tàu cập bến, một cái bến nho nhỏ cách bờ khoảng 200m, tại đây chúng tôi được các nhân viên Nam Dương hướng dẫn đi bộ vào bờ trên một cái cầu gập ghềnh làm bằng cây rừng, phía trong có hai cánh cổng gỗ.

    Tại cổng, chúng tôi thấy hàng trăm người tỵ nạn tới đảo trước đã đợi sẵn, chen chúc nhau để xem trong đám người mới tới có ai quen biết không...


    Cầu tàu vào Kuku (1981) - hình Gaylord Barr

    Chúng tôi lần lượt vào từng người để nhân viên Nam Dương đếm tổng số người vừa tới đảo, sau đó qua thủ tục khám xét, khám sức khỏe và lập danh sách.

    Đáng nói nhất là thủ tục khám xét, qua đó chúng tôi mới thấy giữa những người đàn ông Nam Dương trên “hoang đảo” Pulau Laut và những viên cảnh sát Nam Dương trên “hoang đảo” Kuku khác xa nhau một trời một vực!

    Hành lý họ (cảnh sát Nam Dương) chỉ lục xét qua loa nhưng tới khi khám người thì họ chiếu cố thân thể các nữ thuyền nhân trẻ một cách tận tình và cực kỳ nham nhở, khiến ai cũng phải đỏ mặt, một số bà cô đã phải la lên, nhưng ai bênh mình đây?

    Đành phải cắn răng chịu nhục! Câu nói “Freedom Is Not Free” áp dụng vào trường hợp này quả thật chính xác tới mức mỉa mai!

    Nhưng dù sao đi nữa những nữ thuyền nhân tới Kuku vào thời gian này vẫn còn may mắn hơn nhiều so với những người tới sau ngày các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu xua đuổi thuyền nhân, và Cao ủy Tỵ nạn LHQ áp dụng thủ tục “thanh lọc” (bắt đầu năm 1989), người nào không hội đủ tiêu chuẩn “tỵ nạn” sẽ phải tình nguyện hoặc bị cưỡng bách trở về Việt Nam.

    Theo tự truyện của số nữ thuyền nhân ở Kuku vào khoảng thời gian này thì từ đầu thập niên 1990, cảnh sát Nam Dương ở Kuku lộng hành, tự do đánh đập thuyền nhân, ngang nhiên vào các lều lôi nữ thuyền nhân vào rừng hãm hiếp!

    Trong khi vào thời gian chúng tôi ở Kuku, ít ra đám cảnh sát Nam Dương cũng còn phải nể mặt vị Thiếu tá Chỉ huy trưởng là người của Quân đội Nam Dương, nghe nói trước kia từng phục vụ tại Việt Nam trong Ủy Ban Liên Hợp 4 Bên sau Hiệp định Paris 1973.
    * * *

    Xong thủ tục nhập trại thì đã 4, 5 giờ chiều, chúng tôi được hướng dẫn đi tìm chỗ ở. Thời gian này số người tỵ nạn ở Kuku chỉ còn khoảng trên một ngàn (theo sự ước đoán của tôi) cho nên có khá nhiều lều bỏ trống, người mới tới được tự do lựa chọn. Tôi vốn là người chậm chạp, không thích bon chen, gia đình lại chỉ có bốn mạng cho nên vào đại một cái lều nhỏ ở gần bờ biển mà ai cũng chê vì vừa xiêu vẹo vừa trống trải, cũng may mà hai cái chõng còn sử dụng được.

    Sau khi đã “an cư”, những ghe mới tới được kêu đi lãnh nồi niêu, chén đũa, lò nấu, gạo, đồ hộp, chăn mền..., và nhang đuổi muỗi (ở Kuku có rất nhiều muỗi).

    Qua ngày hôm sau, tôi mới bắt chước thiên hạ đi tới những căn nhà, căn lều bỏ trống khác tìm kiếm vật liệu về tu bổ cái lều của mình.

    Tới đây xin có đôi dòng về “hoang đảo” Kuku và cuộc sống ở hòn đảo đầu tiên có sự hiện diện của Cao ủy Tỵ nạn.

    Hiện nay, nếu vào trang Google với từ khóa “Kuku” chúng ta sẽ thấy những địa danh du lịch như Kuku Beach ở Tân-tây-lan, Kuku Beach ở Solomon Islands (châu Đại dương), Kuku Campers ở Băng Đảo... nhưng không có đảo Kuku ở Nam Dương.

    Nguyên nhân rất đơn giản: sau khi các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á bị đóng cửa, những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng bị cưỡng bách hồi hương vào cuối thập niên 1990 thì đảo Kuku lại trở thành một hoang đảo như trước kia.

    Thành thử phải đánh máy đầy đủ mấy chữ “Kuku Refugee Camp” thì mới hiện ra một, hai bài viết về quần đảo Anambas trong có vài hàng nhắc tới trại tỵ nạn Kuku năm xưa, đồng thời giới thiệu bài viết Kuku Refugee Camp của nhân viên thiện nguyện Gaylord Barr (tôi sẽ nhắc tới ở một đoạn sau).

    Thực ra, hiện nay gọi Kuku là một “hoang đảo” cũng chỉ đúng 99%, bởi vì thỉnh thoảng cũng có một vài người Việt trở lại thăm chốn xưa, cho dù chốn xưa nay chỉ còn là những khu rừng thưa vắng vẻ, một cái nghĩa trang hoang tàn. Trên bãi cát có một cái cổng thô sơ với hàng chữ:

    WELCOME TO EX VIETNAMESE REFUGEE CAMP
    KUKU - JEMAJA ISLAND
    ANAMBAS ARCHIPLEGO REGENCY

    phía bên trong có mấy mũi tên chỉ đường và một cái lều lợp lá để “du khách” tránh cái nắng cháy da của vùng xích đạo.



    Kuku ngày nay

    Đó là tất cả những gì còn hiện hữu trên đảo Kuku, nơi trước đây trên dưới 40,000 thuyền nhân Việt Nam đã tạm trú trong thời gian chờ đợi được đưa tới trại tỵ nạn Galang, trong số đó có những người đã vĩnh viễn nằm lại ở hòn đảo xa lạ này...

    Trở lại với trại tỵ nạn Kuku vào năm 1981, theo ký ức của tôi và những chi tiết trên tấm “bản đồ” được một thuyền nhân vẽ vào cuối thập niên 1980, trại nằm trên bờ biển hình vòng cung của một cái vịnh nho nhỏ (bề ngang khoảng 1 km), nhìn về hướng bắc.

    Chính giữa là bến tàu và cầu tàu dẫn vào bờ. Bên cạnh cầu tàu là đồn cảnh sát Nam Dương. Băng qua một con đường đất là khu lều của người tỵ nạn. Ở vòng cung phía bên trái, cách đó vài trăm mét là một ngôi nhà lớn lợp tôn, gồm Văn phòng chỉ huy trưởng Trại, Phòng Xã Hội Nam Dương, Văn phòng (không thường trực) của Cao ủy Tỵ nạn... Nằm giữa các cơ sở này và cầu tàu là một bãi cát, nơi người tỵ nạn được phép tắm biển và cũng nơi tập trung toàn trại khi cần.

    Ở vòng cung phía bên phải, đầu tiên là nhà kho nơi lãnh vật dụng và nhu yếu phẩm, kế tới là các vòi tắm lộ thiên dành cho nam giới. Phía trước nhà kho và các vòi tắm lộ thiên là bờ biển với những hòn đá lớn nhỏ chạy dài tới gần cuối vòng cung, nơi có mấy dãy cầu tiêu lộ thiên theo kiểu “cầu tõm”, tức cầu tiêu trên ao cá tra, trên bờ sông lạch ở Việt Nam.

    Các vòi tắm có vách lá vây quanh dành cho nữ giới thì nằm ở phía sau khu lều ở. Qua các vòi tắm này vào tới ven rừng là nhà máy điện, gần đó là nhà thờ Công giáo “dã chiến” làm bằng cây rừng. Vào sâu hơn nữa là nghĩa trang Kuku, còn được gọi là “Kuku 2”.


    * * *

    Cuộc sống của người tỵ nạn ở Kuku về mặt vật chất, nếu quên đi những cái lều lụp xụp thì đầy đủ, thoải mái hơn ở Sedanau nhiều.

    Về lương thực, chúng gôi được cấp phát gạo, cá hộp, thịt vịt hộp, mì gói, đậu xanh nguyên hạt... Trong khi chất lượng của đồ hộp và mì gói không được cao cho lắm thì gạo lại thường dư thừa bởi khẩu phần được phát tính đổ đồng trên mỗi đầu người khá cao; nhất là những gia đình có con nít, lại càng dư.

    Số gạo dư nói trên có thể sử dụng để trao đổi lấy cá tươi, rau cỏ, mắm muối với dân Nam Dương.

    Trên nguyên tắc, người dân Nam Dương ở các đảo kế cận không được tới đảo Kuku, và ngược lại người tỵ nạn cũng bị cấm tiếp xúc với người dân Nam Dương nếu họ tới đảo, nhưng trên thực tế trong đa số trường hợp, các nhân viên cảnh sát dân Nam Dương đã ngó lơ trước các vụ vi phạm xảy ra hầu như mỗi ngày, mà theo suy đoán của tôi chắc dân Nam Dương phải có “quà cáp” cho cảnh sát.

    Trước hết nói về rau cỏ hoa trái, mắm muối..., cứ mỗi buổi sáng, khoảng 9, 10 giờ, lại có một hai chiếc ghe nhỏ tiến vào bờ đáởphía bên phải (trên đường đi ra dãy cầu tiêu lộ thiên), người tỵ nạn nào muốn mua bán (bằng tiền Nam Dương), hoặc đổi gạo lấy rau tươi, đường, muối... thì ra đó mua bán, trao đổi.

    Còn cá tươi thì phải đợi tới chiều, sau khi các ghe đánh cá của ngư dân Nam Dương ở các đảo kế cận trở về bến, họ mới lấy một số cá bỏ lên ghe nhỏ chạy tới Kuku để ưu tiên đổi lấy gạo, còn dư mới bán.

    Thành thử dù giàu dù nghèo, nếu bỏ công ra bờ đá chờ, người tỵ nạn ở Kuku thỉnh thoảng cũng có được một bữa cá tươi!

    Còn món rau phổ biến nhất ở Kuku là giá đậu xanh làm từ đậu xanh được cấp phát đựng trong bao ni-lông. Dĩ nhiên, đậu xanh nấu chè là nhất nhưng tìm đâu ra đường để nấu chè, cho nên chỉ có cách tiêu thụ là làm giá sống!


    * * *

    Nhưng về mặt tinh thần thì rất buồn chán và khá căng thẳng.

    Buồn chán vì sống tù túng mà không có gì để giải khuây, thậm chí một cái sân bóng chuyền cũng không có, chẳng lẽ cứ tắm biển suốt ngày!

    Cũng có những thanh thiếu niên lén rủ nhau vào rừng thám hiểm, tìm hái sầu riêng mọc hoang nhưng số này cũng chẳng có bao nhiêu vì rừng ở Kuku là rừng già dày đặc, âm u đầy sức hăm dọa.

    Riêng tôi cứ suốt ngày nằm trên cái võng dã chiến - tấm chăn cột hai đầu vào hai góc lều - nhìn ra biển.

    Lần duy nhất tôi đi vào ven rừng là ngày Chủ Nhật đầu tiên sau khi tới đảo. Ông anh họ vợ tôi vốn là người sùng đạo rủ chúng tôi đi dự lễ, khi tới ngôi nhà thờ thô sơ bằng cây rừng ghép lại mới biết không có Thánh lễ vì ở Kuku không có vị linh mục nào, chỉ có một thầy Phó tế.

    Vì thế chúng tôi, khoảng vài chục người, chỉ cùng nhau đọc kinh, nghe thầy Phó tế đọc sách Thánh rồi cùng nhau ra về.

    Khi ra khỏi nhà thờ, ông anh họ vợ rủ tôi tạt vào nghĩa trang gần đó để cầu nguyện cho linh hồn những thuyền nhân chôn cất tại đây nhưng tôi từ chối.

    Không phải tôi không xót thương những thuyền nhân xấu số ấy mà chỉ vì tôi không đủ can đảm đối diện với những nấm mồ bất hạnh!

    Vẫn biết một khi vượt biên là chấp nhận những bất hạnh có thể đến với mình và những người thân yêu: bị công an bắt, bị giam cầm tù đày, bị hải tặc tấn công, hãm hiếp, đập đầu quăng xuống biển, bị bão tố, chìm ghe, bị chết đói... nhưng nếu chỉ kể những cái chết khi đã thấy bến bờ, thậm chí sau khi đã đặt chân lên bờ thì Kuku là tử địa hãi hùng nhất!

    Nhiều ghe đụng phải đá ngầm trên đường vào bờ và bị chìm. Mặc dù sau này phía Nam Dương đã cho dựng hai cái cột điện bằng gỗ ngoài biển, một cách bến tàu khoảng 500 mét, một ở vòng cung phía bên trái vốn không có nhiều đá ngầm, để các ghe tới đảo ban đêm biết đường chạy vào, nhưng vẫn có những chiếc ghe đụng phải đá ngầm và bị chìm. Có ghe chết không còn người nào, có ghe chỉ có một số may mắn bơi được vào bờ.

    Khi chúng tôi đặt chân lên Kuku (tháng 11/1981) mọi người còn đang bàn tán về một tai nạn thảm khốc xảy ra trước đó không lâu: một chiếc ghe trên 40 người vào đảo ban đêm đụng phải đá ngầm và bị chìm, chỉ có vài người khỏe mạnh nhắm ánh đèn bơi vào được tới bờ, đa số còn lại chết đuối; sau đó chỉ vớt được gần 20 xác bị sóng đánh dạt vào bờ, được chôn bên nhau tại nghĩa trang.

    Ngoài ra, “Kuku 2” còn là nơi chôn cất những thuyền nhân chết sau khi đã đặt chân lên đảo, do bị kiệt sức trong chuyến hải hành gian khổ có khi kéo dài cả tháng, hoặc do bị sốt rét rừng sau khi lên đảo.

    Cứ nghĩ tới số phận hẩm hiu của những đồng bào bất hạnh ấy, tôi lại cảm thấy ái ngại, bất nhẫn trước những may mắn của bản thân và gia đình mình, như thể chúng tôi đã giành mất phần phước của họ...


    * * *

    Bên cạnh sự buồn chán chúng tôi còn bị căng thẳng tinh thần.

    Nguyên nhân thứ nhất là tin đồn sẽ chỉ có một số thuyền nhân nào đó được Cao ủy Tỵ nạn công nhận là “tỵ nạn” mới được đưa tới Galang để làm đơn xin đi định cư tại các quốc gia đệ tam.

    Giống như thời gian chúng tôi còn ở đảo Sedanau, vô công rỗi nghề, thuyền nhân ở Kuku cũng có cái thú loan tin đồn, thường là những tin đồn thất thiệt và bi quan.

    Sở dĩ có tin đồn nói trên là vì thời gian sau này (đầu thập niên 1980) Cao ủy Tỵ nạn LHQ không có đại diện thường trực ở Kuku như những năm 1979, 1980 nữa, mà lâu lâu mới có một phái đoàn tới để lập hồ sơ thuyền nhân; và khi có tàu tới đón đi Galang, danh sách được đi không nhất thiết theo thứ tự ngày tới Kuku mà có khi người tới sau lại được đi trước.

    Từ đó, người ta suy ra rồi đây sẽ có những người bị trả về Việt Nam, như chúng tôi đã từng nghe đồn trong thời gian còn ở Sedanau.

    Trước tin đồn này, tôi cố gắng tự trấn an: mình là sĩ quan QLVNCH, bị tù cải tạo gần 6 năm, chắc chắn sẽ được công nhận là tỵ nạn cộng sản. Chỉ cần bấy nhiêu thôi, còn cho đi định cư ở đâu cũng được!

    Không phải giờ này đã an cư lạc nghiệp ở Úc rồi muốn viết gì thì viết, mà sự thật là ngày ấy trong lòng tôi đã sẵn sàng chấp nhận định cư tại Nam Dương trong trường hợp các quốc gia tây phương không nhận người tỵ nạn nữa.


    * * *

    Nguyên nhân thứ hai khiến chúng tôi bị căng thẳng tinh thần là cung cách làm việc của vị đại diện Cao ủy Tỵ nạn tới Kuku để phỏng vấn sơ khởi thuyền nhân.

    Đó một người Mỹ tên George. Tôi không có cơ hội để biết tên họ đầy đủ của ông ta, chỉ biết mọi người gọi là “ông George”. (Sau khi tới Galang, tôi thấy hầu hết nhân viên Cao ủy Tỵ nạn thường được gọi bằng tên - first name, kể cả vị Cao ủy trưởng)

    Ông George không phải là người Mỹ da trắng; qua nét mặt, nước da, dáng người, chiều cao cùng với tóc xoắn và hàm râu quai nón, tôi đoán có thể ông là người gốc Haiti hay Cộng hòa Dominique trong vùng đảo Caribbean.

    Ông George mang kính trắng. Thường thường một cặp kính trắng sẽ khiến người ta trông hiền lành hơn (chẳng hạn bản thân tôi) nhưng riêng với ông George hình như nó càng khiến mặt mũi ông thêm khó chịu!

    Nhưng cung cách phỏng vấn của ông George mới là yếu tố chính khiến không mấy người thích ông. Mặc dù tất cả mọi câu hỏi của ông đều thông qua một thông dịch viên người Việt, người được phỏng vẫn cũng nhận ra thái độ gay gắt, hách dịch của ông.

    Chưa hết, ông George còn có thói quen hỏi những chi tiết không cần thiết về đời tư, về quá khứ của thuyền nhân, những chi tiết chẳng ăn nhập gì tới tư cách “tỵ nạn” của thuyền nhân cả!

    Cũng may, thời gian sau này ông George chỉ phỏng vấn đại diện ghe để biết các thành phần đi trên ghe, từ đó xác định đây có phải là những thuyền nhân đã liều chết vượt thoát chế độ cộng sản Việt Nam hay không?!

    Thường thường, cứ khoảng 2, 3 tháng ông George mới trở lại Kuku một lần, với một hai nhân viên phụ tá và một người thông dịch.

    Lần này, chỉ mấy ngày sau khi chúng tôi được tàu Flora đưa tới Kuku, ông George trở lại đảo. Ai cũng vui mừng, cho rằng mình là người may mắn vì sẽ sớm được rời “hoang đảo” này!

    Nhưng riêng tôi thì bị ông George quay tới quay lui về cái số ghe TV-101926, mà những ai từng là thuyền nhân đều thấy nó... không giống ai.

    Như tôi đã viết trong một kỳ trước, thông thường các ghe khi đăng ký tại Việt Nam sẽ được cấp số ghe gồm hai mẫu tự viết tắt của tên địa phương, chẳng hạn VT (Vũng Tàu), KG (Kiên Giang), TG (Tiền Giang), PT (Phan Thiết), và ba, bốn con số phía sau.

    Nhưng ghe của chúng tôi là ghe “lậu”, không có số gì cả. Sau khi tới đảo Pulau Laut, ông anh cột chèo của tôi mới dựa theo số ghe mà Cao ủy Tỵ nạn ở Kuku đã đặt cho chiếc ghe (cũng là ghe “lậu”) của các con ông vào năm 1979 để “chế” ra số ghe của mình.

    Số ghe mà Cao ủy Tỵ nạn đặt cho chiếc ghe của các con ông gồm hai mẫu tự PL và sáu con số. Trong lá thư viết về nhà, đứa con trai lớn đã giải thích bốn con số đầu là tháng và ngày tới Nam Dương, hai con số cuối cùng là tổng số người trên ghe.

    Còn hai mẫu tự PL, cháu không biết do đâu mà có, và đã viết đùa rằng rất có thể người tây phương vốn có truyền thống lấy tên đàn bà con gái đặt cho các du thuyền cho nên văn phòng Cao ủy Tỵ nạn ở Kuku đã lấy tên “Phương Loan” của đứa em gái lớn nhất, viết tắt thành PL.

    Đọc thư của đứa cháu, tôi hiểu ngay là nó viết đùa nhưng ông anh cột chèo của tôi lại tin là thật, cho nên sau khi tới Pulau Laut mới lấy tên Thiên Vĩ của đứa con trai út viết tắt thành TV, tiếp theo là sáu con số 101926, cho biết ghe tới đảo vào ngày 19 tháng 10, trên ghe có 26 người.


    * * *

    Khi lên văn phòng Cao ủy với tư cách đại diện ghe, tôi được người thông dịch cho biết theo phương cách làm việc của Cao ủy, không cần biết tôi có hiểu được, nói được tiếng Anh hay không, tất cả mọi câu hỏi của ông George tôi phải chờ thông dịch rồi mới trả lời bằng tiếng Việt.

    Trước hết, ông George hỏi tôi về cái số ghe TV-101926; sau khi nghe tôi trình bày, giải thích như trên, ông lớn tiếng hỏi tôi: Ai cho phép các anh tự tiện đặt số cho ghe của mình?

    Dĩ nhiên tôi ngọng! Ông George nói chúng tôi đã dẵm lên chân Cao ủy, vì việc đặt số cho những chiếc ghe “không tên” là của Cao ủy, và chỉ đặt sau khi phỏng vấn đại diện ghe xong xuôi, nay chúng tôi chưa được phỏng vấn mà đã có số ghe là sai nguyên tắc.

    Rồi ông George tạt vào mặt tôi một gáo nước lạnh:

    - Anh tưởng hai mẫu tự PL là viết tắt tên cô cháu gái Phương Loan xinh đẹp của anh hả? Không có chuyện đó trên cõi đời này đâu! Đây là viết tắt của hai chữ Pulau Laut; những chiếc ghe không có số cập vào đảo nào thì Cao ủy lấy tên đảo đó làm hai mẫu tự đi đầu, anh hiểu chưa!

    Nghe ông George nói, tôi muốn độn thổ vì quê một cục, cho dù người “chế” ra cái số ghe TV-101926 là ông anh cột chèo chứ không phải tôi.

    Tiếp theo, ông George nói rằng vì việc này (tự ý chế ra số ghe) chưa từng xảy ra, ông tạm thời gác hồ sơ của ghe chúng tôi để về hỏi ý kiến của văn phòng Cao ủy ở Galang!

    Nghe ông George nói, tôi lặng người, nhớ tới các tin đồn mà lòng lo sợ. Ra vẻ Cao ủy Tỵ nạn - mà ở đây ông George là đại diện - muốn tìm cách làm khó dễ chúng tôi. Bởi vì xét cho cùng, cho dù việc làm của chúng tôi là sai nguyên tắc cũng đâu có gì ghê gớm đến nỗi phải gác hồ sơ!...

    Tôi thất thểu ra về, kể cho ông anh cột chèo nghe mọi việc. Ông ngồi im, mặt không tỏ lộ cảm xúc nhưng tôi biết ông bị sốc nặng: đang từ chỗ hãnh diện về cái số ghe độc đáo bỗng phải tuyệt vọng trước hệ lụy của việc làm của mình. Khi ông dặn dò tôi đừng cho mọi người trong ghe biết việc này, tôi nói ông cứ yên tâm.

    Đêm hôm đó tôi không thể ngủ yên giấc. Qua ngày hôm sau, mỗi lần nghe loa phóng thanh kêu đại diện một ghe nào đó lên văn phòng Cao ủy phỏng vấn, tôi lại chán nản nghĩ tới việc ghe mình bị gác hồ sơ, và tự hỏi không biết tới bao giờ ông George mới trở lại Kuku!

    Thành thử vào khoảng 4 giờ chiều, khi loa phóng thanh lập đi lập lại yêu cầu đại diện ghe TV-101926 lên văn phòng Cao ủy, tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu có chuyện gì.

    Sau khi tôi bước vào phòng, ông George ra hiệu cho tôi ngồi ở cái ghế đối diện với ông và người thông dịch. Trong bầu không khí nặng nề ấy, ông George nói với tôi (thông qua người thông dịch) bằng một giọng tương đối nhỏ nhẹ, chậm rãi so với mọi khi, nhưng cũng chính vì thế mà tôi nhận ra tính cách nghiêm trọng của cuộc phỏng vấn lần này.

    Vào đề, ông George cho biết mục đích của ông là muốn xác định ghe của chúng tôi thực sự là một ghe vượt biên, do chúng tôi đứng ra tổ chức và đích thân thực hiện cuộc vượt thoát. Vì thế tôi phải thành thật trả lời các câu hỏi, và phải chính xác bởi vì một khi đã ghi vào hồ sơ, không ai, kể cả bản thân ông, có thể thay đổi!

    Ngay lúc ấy, vì vừa đầu óc căng thẳng vừa phải vận dụng trí nhớ để trả lời các câu hỏi, tôi không còn thì giờ và hơi sức để thắc mắc trước việc tôi phải chứng minh đích thân chúng tôi tổ chức và thực hiện cuộc vượt thoát.

    Chỉ sau khi đã tới trại tỵ nạn Galang, quen biết anh Q, trưởng toán thông phiên dịch, tôi mới biết ngày ấy Cao ủy Tỵ nạn nghi ngờ đã có những chuyến vượt biên do CSVN tổ chức, nhưng không phải theo hình thức ra đi “chính thức” hoặc “bán chính thức” mà sử dụng tàu lớn chở “khách” cùng với mấy chiếc ghe tới gần hải phận Nam Dương rồi thả xuống biển, thế là đám khách “nhà giàu” này (có khi có cả cán bộ cộng sản trà trộn) thơ thới hân hoan đi vào các đảo với tư cách... ghe vượt biên!

    Từ đó tôi suy ra ngày ấy ông George tận tình chiếu cố tới ghe của chúng tôi rất có thể vì ông nghi ngờ đây là một trong những chiếc ghe “đặc biệt” nói trên!

    Tôi còn nhớ rõ sau khi hỏi tôi từng chi tiết về việc mua ghe, sửa ghe, trang bị trên ghe, học cách xem phương hướng, hối lộ công an, móc nối với người lo bãi bến..., ông George đã truy tới truy lui về mấy điểm sau đây:

    - Tại sao lại chọn ra đi vào giữa mùa bão?
    - Ghe nhỏ, máy yếu, tại sao không đi về hướng bờ biển Thái Lan, Mã Lai mà lại đi về hướng Nam Dương?
    - Gặp bão cấp 3 trong hai ngày liền, làm sao chỉ mất bốn ngày ba đêm đã tới Pulau Laut?

    Tôi bình tĩnh giải thích từng điểm, thuật lại từng diễn tiến, trong dó có một diễn tiến mà không ai có thể bịa đặt nếu bản thân chưa trải qua: gặp giàn khoan Nhật và bị xua đuổi!

    Khi tôi nhắc tới tên giàn khoan này, ông George gật gù, đưa mắt nhìn người thông dịch rồi nói với tôi:

    - Chúng tôi tin anh nói thật, bởi vì đã có nhiều người kể lại việc bị họ giàn khoan này xua đuổi.


    * * *

    Sau khi ông George rời Kuku, tôi cảm thấy người mệt mỏi một cách khác thường. Lúc đầu tôi cho rằng vì mình bị căng thẳng tinh thần trong hai ngày qua, nhưng tới ngày thứ ba, khi tôi lên cơn sốt vào lúc 3, 4 giờ chiều, mồ hôi đầm đìa, tiếp theo là cơn lạnh run cầm cập, vợ tôi nghi ngờ tôi bị sốt rét rừng.

    Tới chiều ngày thư tư, khi cơn sốt và cơn lạnh trở lại, khủng khiếp hơn, tôi biết chắc chắn mình bị sốt rét; chỉ không biết là sốt rét (ngày còn trong tù cải tạo ở Phước Long) tái phát hay là do muỗi rừng ở Kuku?

    Qua chiều ngày thứ năm, tôi nằm mê man trên võng.

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:

    (1) Việc vô số thiếu nữ, thiếu phụ vượt biên bị bắt lại, trong thời gian bị giam giữ bị công an và cán bộ cao cấp cưỡng hiếp dã man là một sự thật kinh hoàng với biết bao nạn nhân và nhân chứng, nhưng chưa bao giờ được CSVN đưa ra xét xử trước pháp luật.

    Cựu Đại úy VNCH Nguyễn Hữu Cầu (1947-2022), người được mệnh danh là “người tù kiệt xuất”, tù nhân lương tâm bị giam lâu nhất ở Việt Nam (37 năm) có lẽ là người duy nhất làm đơn tố cáo đích danh hai cán bộ đảng viên tỉnh Kiên Giang hãm hiếp 11 thiếu nữ được chọn từ trại tù vượt biên ở Kiên Giang.

    Hậu quả, ông Nguyễn Hữu Cầu (mới đi học tập cải tạo về) bị bắt giam, bị đưa ra xét xử vào năm 1983, bị kết án tử hình với tội danh "Chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam", bằng chứng dựa vào những bài thơ và các ca khúc do ông sáng tác. Án tử hình này sau được giảm xuống còn tù chung thân.

    Mời đọc thêm: "Nguyễn Hữu Cầu (tù nhân lương tâm)" trên trang mạng Wikipedia.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-12-2023, 10:15 PM.

  • #2
    Anh Nguyen Huu Thien,

    Những bài "CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ" của anh viết thật hay...
    Tôi may mắn không bị "kẹt" lại năm '75, không bị đi cải tạo hay đi vượt biên nhưng đọc bài và cảm nhận được những khó khăn, những nhọc nhằn anh, gia đình và những người Việt cùng hoàn cảnh đã trải qua. Thật cảm phục!

    Nhìn lại, thấy chỉ có Phi Luật Tân đối xử tương đối nhân đạo và "tử tế" với thuyền nhân Việt Nam. Còn những bọn mọi Thái, Mã Lai, Nam Dương (Indonesia)... thì như loài quỷ sống tàn ác, mọi rợ ngoài sức tưởng tượng.

    Một trang sữ kinh hoàng, đen tối của dân Việt!

    Comment


    • #3
      Cám ơn bạn ta đã có lời bốc thơm gà nhà, nhưng thực ra có sao tôi viết vậy, bởi giờ này có nhiều người trong cuộc vẫn còn sống.

      Về cách đối xử với thuyền nhân Việt Nam, không phải tôi đề cao các tổ chức nhân đạo, thiện nguyện của Giáo hội Công giáo Phi Luật Tân, nhưng trên thực tế - như anh đã viết - thuyền nhân Việt Nam tới Phi Luật Tân được đối xử tương đối “tử tế” nhất.

      Nhưng nếu xét về tất cả mọi mặt - nơi ăn chốn ở, làm thủ tục định cư, an ninh trật tự - thì trại Galang ở Nam Dương được xem là kiểu mẫu (trước đó Singapore là nhất nhưng tới năm 1981 thì đã đóng cửa, trở thành nơi chờ chuyến bay cho những người đã được các quốc gia nhận cho định cư).

      Galang được như thế là nhờ có (1) cha Gildo Dominici, một vị linh mục dòng Tên người Ý có tên tiếng Việt là Đỗ Minh Trí, ra sức tranh đấu với chính quyền Nam Dương cũng như Cao ủy Tỵ Nạn LHQ, (2) đông đảo cựu quân nhân QLVNCH tham gia Ban đại diện và các ban ngành thiện nguyện, trong đó có khá nhiều anh em Không Quân.

      Tôi sẽ viết về sinh hoạt ở Galang trong những kỳ tới.
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 11-12-2023, 10:25 PM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X