Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 15)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 15)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 15)




    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 15)



    Hồi ký
    NGUYỄN HỮU THIỆN


    PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


    CHƯƠNG 1 – “Người công dân mất quyền”

    Tôi được thả về cuối tháng 1/1981, hơn một tuần lễ trước tết Tân Dậu, trong Giấy Ra Trại ghi “Không được cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh sau thời hạn 6 tháng”.

    Lúc đó vợ con tôi đã có hộ khẩu và ở trên lầu một căn nhà nhỏ trước kia là cái bếp của nhà người dì út. Vợ con tôi được “an cư” là nhờ bản lĩnh của nàng cộng với sự quen biết một ông “30 tháng Tư” làm nghề đạp xe ba gác, trước kia được người dượng của tôi cho miếng đất để cất nhà.

    Nguyên vào giữa thập niên 1960, dượng tôi, khi ấy là một Thiếu tá phục vụ tại Tổng Nha Thanh Tra QLVNCH, bán căn nhà lầu ở Hẻm 6 Trương Minh Ký để mua một khu đất khá rộng bên bờ kinh Nhiêu Lộc, cũng thuộc ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, nhưng đi sâu vào phía trong, cách đường rầy xe lửa khoảng 100 mét về hướng bắc (phía nam đường rầy xe lửa là giáo xứ Bùi Phát).

    Khu đất này được dân địa phương gọi là “khu ao cá” vì có mấy cái ao nuôi cá khá lớn, một bồn nước (do máy bơm lên) để cung cấp nước cho các nàng ma-ri phông-ten (ngày ấy thủ đô Sài Gòn chưa có nước từ nhà máy Đồng Nai), được dượng tôi khuyếch trương thêm với một cơ sở nuôi gà khá quy mô.

    Sau khi người dượng út, một Trung úy xuất thân Khóa 13 Võ Bị Đà Lạt, phục vụ tại Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù, đền nợ nước, người dượng lớn cho dì út tôi một miếng đất trong khu đất nói trên để xây nhà, bà ngoại và tôi cùng ở với dì để chăm sóc bốn đứa cháu mồ côi cha. Cũng từ đó, tôi được người dượng lớn trao trách nhiệm về “an ninh” của khu đất, trong đó có việc mỗi tối khóa cổng - một cái cổng lớn khá lớn đủ để xe hơi ra vào.

    Tới khi tôi chuẩn bị thi Tú Tài 1, dượng tôi trao mọi việc cho ông S, tức ông “30 tháng Tư” nói trên.

    Nguyên ông S làm nghề đạp xe ba gác, thường được dượng tôi mướn đổ đất hoặc dọn dẹp, chở gạch đá xà-bần đem đi đổ. Ông S là dân Bắc di cư 1954 nhưng không phải người Công giáo, tuổi độ chừng 40 tuổi, mặt mũi dáng dấp quê mùa thô kệch, nhỏ thó, chỉ cao trên dưới mét rưỡi (có thể vì vậy mà không phải đi quân dịch?)

    Vợ chồng ông và mấy đứa con nhỏ sống trong một cái lều tựa vào đầu hồi nhà một người bà con ở một khu lao động nghèo nàn. Thấy ông là người siêng năng, thật thà, dượng tôi cho một miếng đất nhỏ, nằm sát bờ kinh Nhiêu Lộc để dựng một căn nhà mái tôn vách thiếc (thiếc “cao-bồi”), tuy đơn sơ nhưng cũng được gọi là nhà chứ không phải lều.

    Ông S và vợ con gọi tôi và các con của hai dì là cô, cậu như một sự tôn trọng giai cấp. Bù lại, dì lớn của tôi cũng thường giúp đỡ vật chất, chẳng hạn quần áo cũ cho mấy đứa con nhỏ, chăn chiếu, bàn ghế cũ, cho bánh kẹo vào các dịp lễ tết...

    * * *

    Sau khi tôi nhập ngũ vào cuối năm 1968, khu ao cá có những thay đổi lớn, dần dần trở thành một khu dân cư.

    Nguyên dượng tôi bị thất bại thê thảm trong việc nuôi gà, sau hai đợt dịch cúm gà đã dẹp bỏ, cho lấp bớt mấy cái ao lấy đất bán cho người ta xây nhà. Thời gian này, người cậu lớn của tôi, một Trung tá ngành Chiến Tranh Chính Trị, được thuyên chuyển về gần Sài Gòn, cũng lấy một miếng để xây một căn nhà lầu rất đẹp, nằm giữa nhà dượng tôi và nhà người dì út. Đồng thời cái nhà bếp khá rộng của dì út được phá bỏ lấy đất xây một căn nhà lầu nho nhỏ, trên lầu thì cho thuê, ở dưới làm nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, buồng tắm...

    Từ đó, cái cổng lớn ra vào khu ao cá bị dẹp bỏ, phía bên trong chia ra hai khu riêng biệt: khu kín cổng cao tường gồm nhà dượng tôi, cậu tôi và dì út đều có hàng rào và cổng vào riêng, khu “xôi đậu” gồm 5, 7 căn nhà trệt sát vách nhau.

    Vì thế, ông S cũng không còn đảm trách công việc gác-dan của khu ao cá nữa.

    Rồi ngày 30 tháng Tư ập đến. Mấy ngày sau, khi gia đình người dượng, người cậu lớn và dì út của tôi đã rời nhà tìm đường ra đi, người ta thấy ông S mang băng đỏ trên cánh tay; không phải mang để lấy điểm với cách mạng, hoặc để được an thân như một số người nhanh trí mà mang vì được cách mạng trao phó trách nhiệm một khu vực trong đó có khu ao cá!

    Lần đầu tiên trong suốt bao năm tôi mới thấy ông S mặc một cái áo sơ-mi thay vì cái áo may-ô (áo thun ba lỗ) hoặc cái áo nhà binh màu ô-liu của dượng tôi cho. Có lẽ ông cũng chẳng nghĩ xa xôi tới việc giữ thể diện cho cách mạng mà chỉ để tương xứng với cái băng đỏ ông được mang.

    Lúc này vùng đất có khu ao cá - ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định - đã bị đổi thành Phường 13, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

    Sau mấy ngày được cán bộ cách mạng “quán triệt” ở trụ sở phường, ông S bắt đầu thi hành nhiệm vụ được trao phó: phổ biến đường lối chính sách của Ủy ban Quân quản thành Hồ, kiểm kê tổng số hộ và nhân khẩu trong khu vực, thiết lập danh sách “ngụy quân ngụy quyền” và đôn đốc những người này trình diện đăng ký tại những địa điểm ấn định.

    Vì trình độ văn hóa quá kém - chỉ có khả năng đọc một cách khó khăn chứ không biết viết - ông S phải dắt theo đứa con gái lớn khoảng 11, 12 tuổi làm “thư ký”.

    Mặc dù không được đeo súng ngắn (K-54 hoặc Colt 45 của VNCH để lại) như một số tay 30 tháng Tư khác, ông S cũng được mọi người nhìn với ánh mắt nể nang, e dè vì có đám mũ tai bèo trang bị AK thường xuyên ra vào nhà ông. Ông cố gắng ăn nói dõng dạc, cất cao giọng như để mọi người hiểu rằng những gì ông truyền đạt tới họ đều quan trọng, bắt buộc phải đả thông!

    Cũng may cho cư dân trong khu vực, tất cả những gì được gọi là “30 tháng Tư” nơi ông S chỉ có thế. Riêng với chúng tôi, ông vẫn xưng hô như trước đây, gọi bà ngoại tôi là “cụ”, vợ chồng tôi là “cô, cậu”, chỉ có điều là không còn thái độ nể nang trọng vọng ra mặt như trước kia.

    Sau khi tôi bị đi học tập cải tạo, chỉ có căn nhà của dượng tôi bị Ủy ban nhân dân Phường tịch thu, còn căn nhà lầu của người cậu lớn thì vợ con của người cậu út (cũng bị đi học tập cải tạo) chiếm ngụ, căn nhà của người dì út thì bà ngoại tôi bán đi, chỉ còn căn nhà lầu nhỏ (trước kia là nhà bếp) đứng tên bà tôi.

    Tất cả những vụ mua bán sang nhượng, chiếm ngụ nói trên chỉ cần ông S đâm thọc với Ủy ban nhân dân phường là đổ bể, nhưng ông ta đã nhắm mắt làm ngơ.

    Tới khi làm hộ khẩu, cũng nhờ ông S mà vợ con tôi được hợp thức hóa tình trạng cư trú.

    Nguyên tôi ở Sài Gòn với bà ngoại và các cậu các dì từ ngày mới lớn cho tới cuối năm 1968. Sau tôi khi nhập ngũ, phục vụ tại phi trường Pleiku, lấy vợ rồi thuyên chuyển về phi trường Biên Hòa, mướn nhà ngoài phố thì tên tôi không còn trong sổ gia đình (đã được cập nhật) của bà ngoại nữa. Nhưng nhờ có ông S làm chứng tôi đã ở địa chỉ này từ trước khi đi lính, vợ con tôi đã được cấp hộ khẩu.


    * * *

    Trên nguyên tắc, có hộ khẩu là được hưởng mọi quyền lợi của một công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là được cấp tem, phiếu mua lương thực thực phẩm ở các cửa hàng quốc doanh, nhưng trên thực tế hầu như quanh năm chẳng có gì để mà mua, hoặc đáng để mua.

    Thời gian này - từ năm 1976 tới năm 1986 - được chế độ CSVN gọi là “thời kỳ bao cấp”, tức là nhà nước hoạch định, điều hành toàn bộ nền kinh tế, gom thu tất cả mọi thành phẩm, sản phẩm, và giữ độc quyền phân phối qua hình thức tem, phiếu.

    Ngày ấy, với đại đa số dân chúng miền Nam, hai chữ “bao cấp” đồng nghĩa với đói khổ.

    Về sau, khi đã bắt buộc phải chấp nhận “đổi mới”, nhắc lại 10 năm kinh hoàng nói trên, CSVN thường lấp liếm bằng lập luận: VN noi gương Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa - là những nước đã áp dụng thành công chế độ bao cấp - tuy nhiên vì phải “khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, VN đã gặp một số khó khăn, nhưng đã cố gắng vượt qua”.

    Trước hết nói về nông nghiệp, nếu trong những năm đang diễn ra cuộc chiến khốc liệt, dân chúng miền Nam vẫn có đủ lúa gạo, tại sao sau khi đất nước thanh bình lại thiếu?

    Câu trả lời khá đơn giản: tất cả mọi nông phẩm đã vào tay nhà nước qua một hệ thống cán bộ thu mua dày đặc, cùng với lệnh ngăn sông cấm chợ khiến không một hạt lúa hạt gạo nào có thể lọt vào tay tư nhân, hoặc đưa từ địa phương này qua địa phương khác.

    Lúa gạo thu mua một phần được sử dụng để nuôi cán bộ viên chức nhà nước và bộ đội, một phần được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa anh em để trả nợ - những món nợ mà trong thời gian chiến tranh được gọi với mỹ từ “viện trợ có hoàn lại”!

    Không có gạo để nuôi dân, CSVN phải nhập khẩu cao lương từ Liên Xô và Ấn-độ.

    Cao lương (sorghum), mà dân trong Nam thường gọi là “bo bo”, là loại thực phẩm dễ trồng và có thu hoạch cao nhất trong ngũ cốc - gồm: lúa gạo, lúa mì, bắp (ngô), lúa mạch (barley), và cao lương.

    Người ta trồng cao lương chủ yếu để nuôi gia súc hoặc sử dụng trong kỹ nghệ. Trang mạng Wikipedia tiếng Việt viết:

    “Hạt cao lương có đường kính từ 3-4 mm. Hạt được dùng làm lương thực (lưu ý phải xay ra thành bột), hoặc nuôi gia súc, sản xuất ethanol...”

    Vậy mà ngày ấy, không ít người dân miền Nam đã phải nhai cao lương nguyên hạt!

    Theo lời vợ tôi kể lại thì tới năm 1977, 1978, người dân còn phải ăn độn thêm khoai mì - loại khoai mì kỹ nghệ có năng xuất cao để sử dụng trong kỹ nghệ nuôi gia súc, khi tới tay người dân thường đã bị khô mốc.

    Vậy mà tới khi xảy ra nạn đói năm 1979, nhiều người cả đến cao lương và khoai mì cũng không có mà ăn. Nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long - trước kia được mệnh danh “vựa lúa của Đông Nam Á” - có người đã phải ăn củ hoang rau dại để khỏi chết đói. Đây không phải tuyên truyền xuyên tạc của “các thế lực thù nghịch” mà là phóng sự của báo Tuổi Trẻ, xuất bản tại thành Hồ! (1)

    Tóm lại, việc vợ tôi được cấp hộ khẩu chỉ mang lại cái lợi duy nhất là không bị đuổi khỏi Sài Gòn, không bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới, còn no đói mặc kệ!


    * * *

    Vào khoảng thời gian tôi được thả về (đầu năm 1981), trước sự chống đối của dân chúng trong Nam, lệnh cấm chợ ngăn sông đã được nới lỏng, thị trường chợ đen từng bước khôi phục hoạt động cho nên nếu có tiền, người Sài Gòn có thể ăn cơm. Gia đình bé nhỏ của tôi nằm ở nấc thang dưới cùng trong thành phần may mắn ấy, nghĩa là không phải ăn, hoặc độn bo bo, khoai mì nữa nhưng cũng chỉ đủ khả năng tài chánh ăn loại gạo tệ hại nhất, thường mất cả tiếng đồng hồ để nhặt sạn trước khi nấu cơm!

    Trước năm 1975, ở một số vùng trong Nam, nơi có những đường lộ tráng nhựa tương đối ít xe cộ qua lại, nông dân thường chiếm dụng một phần bề ngang của con đường để phơi lúa. Hậu quả là gạo sẽ có sạn.

    Nhưng không thấm thía gì so với gạo sạn sau 1975, với những hạt sạn có khi to bằng hoặc to hơn hạt gạo, nhai trúng mẻ răng là cái chắc! Các báo trong nước giải thích nguyên nhân như sau: chính các nông dân đã lén trộn thêm đá xanh (đã được xay nhuyễn) vào lúa trước khi giao nộp cho cán bộ thu mua để thêm cân lượng!

    Nếu trước 1975 có người làm như thế sẽ bị lên án là táng tận lương tâm, nhưng sau ngày miền Nam được “giải phóng”, để sinh tồn không ít người đã nhắm mắt bắt chước nhau. Lúa gạo trộn sạn còn đỡ, bởi bị mẻ răng là cùng, rượu bọt mía pha thuốc rầy (để rượu được trong) mới khủng khiếp, hầu như tuần nào cũng có tin người chết vì uống phải rượu pha thuốc rầy!


    * * *

    Trong khi tạm gọi là an cư, vợ tôi vẫn chưa được xem là lạc nghiệp sau hơn 5 năm bươn chải từ ngày tôi bị bắt đi học tập cải tạo.

    Nguyên trước kia vợ tôi học y tá ở Bệnh viện Biên Hòa, học xong đi làm cho một cơ sở tư nhân nuôi giữ trẻ ở Tân Định, sau khi lấy chồng thì bỏ nghề, theo chàng ra tận phi trường Pleiku, rồi về phi trường Biên Hòa...; trong suốt 5 năm ấy nàng chỉ biết sống nhờ vào đồng lương của chồng và “viện trợ” từ mẹ chồng lẫn mẹ ruột!

    Vì thế, tới khi biết mình mắc mưu cộng sản trình diện học tập cải tạo mang theo 10 ngày lương thực để rồi bị nhốt không có ngày ra, tôi vô cùng lo lắng, không biết vợ tôi sẽ xoay sở ra sao để nuôi con. Những gì xảy ra sau đó đã cho thấy ông bà mình nói không sai: đói thì đầu gối phải bò!

    Trước hết, vợ tôi và K, một cô bạn có chồng đại úy bị mất tích trong cuộc di tản của Quân Đoàn II hồi tháng 3/1975, buôn bán đủ thứ tinh tinh ở cái chợ trời mới mọc lên cạnh đường rầy gần cổng xe lửa số 6.

    Ngày ấy, những ai sống ở Sài Gòn vào thời gian sau khi thành phố được “giải phóng” hẳn còn nhớ chợ trời mọc lên khắp nơi. Có hai nguyên nhân chính:

    (1) Buôn bán những mặt hàng đang được dân Bắc kỳ 75 - từ cán bộ, bộ đội, viên chức nhà nước tới người dân thường - đổ xô đi mua, từ “đài đổng đạp” (máy thu thanh, đồng hồ đeo tay, xe đạp), kính râm (kiếng mát), bút máy tới chén bát nhựa, quần áo may sẵn, nhất là áo sơ-mi trắng cụt tay, mặc cho trông giống “các đồng chí lãnh đạo”...

    (2) Lo sợ sẽ bị thiếu thốn, đói khổ trước một tương lai lành ít dữ nhiều, dân Sài Gòn đã bán bớt những vật dụng dư thừa hoặc không cần thiết, vừa để lấy tiền cất dấu vừa tránh sự dòm ngó của đám cán bộ cộng sản từ Bắc vào hăm he kiểm kê để sung công, trưng dụng... Thành thử cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có những gia đình khiêng cả bàn ghế, thậm chí nguyên một bộ xa-lông ra chợ trời bán, hoặc gọi vợ tôi và K tới nhà để định giá bộ màn cửa, cái quạt máy, cái survolteur...

    Tới khi chợ trời bị công an phường dẹp, vợ tôi gửi con cho bà ngoại của tôi rồi cùng K đi buôn trà ở Bảo Lộc. Buôn trà thất bại, hai nàng chuyển sang buôn lậu cá khô từ Sông Mao, Phan Thiết về Sài Gòn...

    Tới năm 1978, nhờ những người Việt “ôm chân đế quốc Mỹ” tháng Tư 1975, hai nàng đổi sang một nghề cao cấp hơn: buôn hàng ngoại quốc.

    Nguyên vào thời gian này, hầu như người Việt nào ở nước ngoài cũng cố gắng gửi quà về cho thân nhân trong nước như một hình thức cứu trợ; nhận được quà, thân nhân thường chỉ giữ lại một ít bánh kẹo, thuốc men cần thiết, còn phần lớn quần áo, mỹ phẩm và những mặt hàng khác thì bán đi để lấy tiền chi dụng.

    Từ đó đẻ ra cái nghề buôn đi bán lại những mặt hàng nói trên. Người nào có vốn lớn thì buôn thuốc tây, quy tụ ở đường Nguyễn Thông (khúc gần đường Kỳ Đồng và Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn). Vợ tôi và K là dân vô sản chuyên chính, chỉ biết sử dụng nước bọt, lấy công làm lời cho nên phải vất vả ngược xuôi.

    Có khi hai nàng được người ta gọi tới nhà để bán, cũng có khi vào tận chỗ lãnh quà trong phi trường Tân Sơn Nhất để mua ngay tại chỗ.

    Tới khi tôi được thả về vào đầu năm 1981 thì hai nàng đã mướn được một cái tủ kính có bốn bánh xe đặt phía trước một cửa tiệm ở gần ngã ba Trương Minh Giảng – Trương Tấn Bửu (lúc đó đã được đổi tên nhưng tôi chỉ nhớ tên cũ).

    Vẫn biết tiền mướn cái tủ kính - tính luôn cả “mặt bằng” trước cửa tiệm - không phải là rẻ nhưng việc có một “địa chỉ” cố định để mua, bán đỡ phải chạy tới chạy lui, vừa gia tăng uy tín vừa có giờ đi về cố định cũng đáng tiền.

    Hơn nữa, nếu có mối hai nàng vẫn có thể tới nhà người bán sau khi đóng tủ kính, hoặc khi biết có đợt lãnh quà từ ngoại quốc gửi về, một trong hai nàng sẽ vào phi trường để canh me.

    Nhờ có đồng ra đồng vào, vợ tôi đã “nuôi đủ hai con với một chồng”.


    * * *

    Sau khi được thả, theo đúng quy định, sáng hôm sau tôi ra trụ sở công an phường trình diện. Đó là một căn nhà lầu khang trang ở đường Trương Minh Ký, nằm ở khoảng giữa cổng xe lửa số 6 và ngã tư Trương Minh Ký – Nguyễn Huỳnh Đức, trước kia là một cửa tiệm nay đã bị cách mạng tịch thu; không hiểu vì chủ nhân di tản năm 1975 hay đã bị cưỡng bách đi kinh tế mới.

    Khu vực này tôi đã lui tới mòn chân từ năm 1958 cho tới khi nhập ngũ vào cuối năm 1968, nơi đã ghi lại biết bao kỷ niệm của thời niên thiếu, của tuổi học trò.

    Nguyên từ năm lớp Nhất, bố mẹ tôi lên lập nghiệp ở tỉnh Phước Long mới được thành lập, tôi ở lại Sài Gòn với bà ngoại để ăn học với các cậu.

    Trước khi di chuyển vào khu ao cá bên bờ kinh Nhiêu Lộc, đại gia đình của bà ngoại tôi ở Hẻm 6 Trương Minh Ký, cuối thập niên 1950 còn gọi là đường Trương Minh Giảng nối dài.


    Đường Trương Minh Giảng (Quận 3) tới khúc này trở thành đường Trương Minh Ký (Phú Nhuận).
    Đi thêm một đoạn, bên trái là đường vào Giáo xứ Bùi Phát - hình chụp năm 1966

    Hẻm 6 nằm gần ngã tư Trương Minh Ký – Nguyễn Huỳnh Đức; tuy gọi là “hẻm” nhưng khá rộng, khúc phía ngoài xe hơi có thể ra vào hai chiều, có một cái chợ chiều, một dãy nhà 10 căn tường gạch mái ngói đỏ mới xây, cư dân ngày ấy đa số là công tư chức, sĩ quan, văn nghệ sĩ, sinh viên... chứ không xô bồ như sau này khi quân đội Mỹ đã hiện diện tại Hòn Ngọc Viễn Đông.

    Năm 1958, bà ngoại tôi mua một khu đất có mấy cây xoài (vùng này trước kia gọi là Vườn Xoài) ở khoảng giữa hẻm 6, xây hai căn nhà lầu chung vách. Đây là hai căn nhà lầu đầu tiên trong con hẻm này, đứng trên ban-công, chúng tôi có thể nhìn thấy phi cơ lên xuống phi trường Tân Sơn Nhất, vì ngày ấy từ cổng xe lửa số 6 lên tới Lăng Cha Cả chưa có nhiều nhà cửa.

    Lui vào phía trong khoảng 50 mét, dưới tàng cây điệp cổ thụ là nhà một cô ca sĩ đang lên (xin miễn nêu phương danh) tự tử chết vì thất tình một nam danh ca nọ; nghe kể ban đêm cô hay hiện về ngồi trên cây điệp khóc tỉ tê...

    Sau lưng nhà bà ngoại là một cái ngõ cụt, trong đó có nhà của thủ môn Đực 2.

    Đi ra đầu hẻm, phía bên mặt, trước khi tới tiệm ăn tàu Xuân Lạc Viên là một tiệm chạp phô chủ cũng là người gốc Hoa; tiệm chạp phô này có thêm “business” phụ là cho con nít mướn xe đạp chạy chơi. Tôi còn nhớ tiệm có 3, 4 cái xẹ đạp khá cũ cho mướn với giá 1 đồng 1 giờ đồng hồ. Đám con nít chỉ cần trả 1 đồng rồi lấy xe chạy, ông chủ tiệm không cần biết tên thằng nhỏ là gì, con cái nhà ai... Có lần tôi hỏi ổng xem đã có bao giờ tụi nhỏ lấy xe đi luôn không thì ông trả lời chưa bao giờ!

    Phía bên trái, nhìn ra đường Trương Minh Ký là nhà nữ ca sĩ Minh Hiếu. Ngày ấy cô mới nổi tiếng, được xưng tụng đẹp sang giống nữ minh tinh Liz Taylor của màn bạc xứ Cờ Huê, và dĩ nhiên chưa trở thành “bà Vĩnh Lộc”. Cô chạy một chiếc xế hộp thể thao màu đỏ, sau này bán lại cho ông trung úy Không Quân mướn trên lầu nhà bà ngoại tôi.

    Đối diện hẻm 6, phía bên kia đường Trương Minh Ký là một con đường đất không tên (sau này gọi là đường Thiệu Trị), đi sâu vào vài trăm mét bên trái có một cái nghĩa địa hoang phế với tháp Phong Thần, bên mặt là sân quần vợt; từ đây có ngõ tắt đi sang đường Công Lý.

    Cho tới cuối thập niên 1950, một bên của con đường đất không tên ấy hãy còn lũy tre già che khuất ánh dương, một bên là nhà và cũng là nơi hành nghề của các bà đồng, thầy cúng nhưng chẳng hiểu sao lại lọt vào một gia đình Bắc kỳ có một bông hoa biết nói rất đáng yêu và về sau khá nổi tiếng: nữ văn sĩ Lệ Hằng.



    Cổng xe lửa số 6 sau năm 1975, nhìn về hướng trung tâm thành phố


    Còn ở ngoài đường Trương Minh Ký, từ ngã tư (Trương Minh Ký – Nguyễn Huỳnh Đức) tới cổng xe lửa số 6 chưa tới 100 mét nhưng có khá nhiều hàng quán, cửa tiệm. Nhìn về hướng Sài Gòn, bên trái trước hết là tiệm sửa đồng hồ (có hai người con trai là bạn của tôi), quán cơm Việt Nam, tiệm giặt ủi Ngọc Lan, nhà thuốc tây, vật liệu xây cất Thế Quang..., bên phải là tiệm tàu Xuân Lạc Viên, quán bi-da, nhà may Thưởng, tiệm chụp hình & uốn tóc Việt Tân, tiệm sắt Thăng Long...

    Hầu hết hàng quán, cửa tiệm này nếu không quen tôi cũng biết khá rõ, nhất là những nhà có con gái.

    Ngoài ra, phía trước nhà may Thưởng và tiệm chụp hình & uốn tóc Việt Tân còn có một xe bánh mì thịt và một xe đậu đỏ bánh lọt nổi tiếng khắp vùng Phú Nhuận, cả hai đều của người Tàu...


    * * *

    Gần sáu năm sau, từ ngục tù cải tạo trở về tuy cảnh cũ hầu như không có gì thay đổi nhưng phần lớn người xưa đã vắng bóng, tôi cảm thấy cô đơn như đang ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ...

    Tại trụ sở công an phường, tay công an gốc Nam Kỳ khá trẻ có nhiệm vụ làm thủ tục đăng ký cho đám sĩ quan “ngụy” học tập cải tạo về lấy chi tiết trong Giấy Ra Trại của tôi ghi vào hồ sơ lưu rồi phát cho một cuốn vở 50 trang có đóng dấu công an phường.

    Theo hướng dẫn của tay công an, tôi sẽ phải ghi mọi sinh hoạt trong ngày của mình, đi đâu, làm gì, rồi mỗi sáng Thứ Hai đem theo khi ra trình diện công an phường. Sau này tôi mới biết ở thành Hồ có những nơi sĩ quan tù cải tạo về phải trình diện công an phường mỗi tuần hai lần, hoặc hai ngày một lần, thậm chí có nơi mỗi ngày một lần!

    Tại Phường 13, Phú Nhuận, đám sĩ quan đi cải tạo về không chỉ được thoải mái về số lần trình diện mà còn vì đám công an trẻ gốc Nam Kỳ ở đây tương đối dễ chịu so với những nơi khác, có lẽ vì đa số là dân cậu, được gia đình chạy chọt, lo lót cho gia nhập công an để khỏi phải “đi nghĩa vụ quân sự”, tức gia nhập bộ đội sang Căm-bốt đánh nhau với Khmer Đỏ.

    Kể cả tay Trung úy Trưởng công an phường 13, một tay Nam Kỳ thích ăn nhậu (và ăn hối lộ) cũng không đến nỗi hắc ám. Nhưng không may cho tôi, tay công an hắc ám nhất, bị ghét nhất ở phường 13 lại chính là tay công an khu vực của tôi, Trung sĩ Huỳnh, người Quảng. Gã không chỉ trách nhiệm khu vực của tôi mà còn làm xếp một số công an khu vực lận cận.

    (Ngày ấy, những năm đầu thập niên 1980, lon lá trong ngành công an còn có giá, chứ không như sau này, Trưởng công an phường thường mang cấp trung tá)

    So với đám công an gốc Bắc, gốc Trung mà tôi biết ở hai trại tù Suối Máu, Tống Lê Chân, Trung sĩ Huỳnh khá cao ráo, trắng trẻo, ăn nói lịch sự nhưng nét mặt lạnh lùng và ánh mắt rất đáng sợ.

    Theo lời vợ tôi kể lại, người ta không biết tay Huỳnh này đã có vợ con gì chưa, chỉ biết gã sống độc thân tại chỗ. Ngay từ ngày tới phường 13 làm công an khu vực, Huỳnh đã ra mặt ve vãn một số bà vợ trẻ có nhan sắc của các sĩ quan QLVNCH bị đi học tập cải tạo, trong số đó có vợ tôi.

    Vừa ve vãn y vừa gây áp lực bằng cách “đề nghị” đi kinh tế mới để “giúp chồng sớm được về”!

    Thời gian tôi ở Phước Long và vợ tôi cùng cô bạn K còn đi buôn lậu cá khô từ Sông Mao, Phan Thiết về Sài Gòn cũng là khoảng thời gian tên Huỳnh theo vợ tôi sát nút. Cũng may mỗi lần y tới nhà đều bị kỳ đà cản mũi!

    Như đã viết ở một đoạn trên, sau khi bỏ phi trường Biên Hòa chạy về Sài Gòn, vợ con tôi ở trên lầu căn nhà nhỏ (trước kia là nhà bếp) của dì út tôi, sau này đứng tên bà ngoại.

    Tầng trệt thì cho một bà cụ cũng gốc Bắc di cư 54 mướn. Bà cụ sống với người con gái là một single mother với hai đứa con trai nhỏ.

    Vì cầu thang nằm trong nhà cho nên vợ con tôi bắt buộc phải vào tầng trệt mỗi khi lên, xuống lầu. Chính vì sự chung đụng ấy mà hai phía trở nên thân nhau; bà cụ xem vợ con tôi như con cháu trong nhà, ngược lại vợ con tôi cũng bắt chước con cháu bà cụ để gọi là “bà me” (mère: mẹ, tiếng Pháp).

    Từ chỗ thân nhau ấy, vợ tôi được biết bà me cũng là dân Hà Nội tương đối có học nhưng chẳng hiểu tại sao ngày ấy lại làm lẽ. Người chồng của bà xuất thân từ một gia đình trung lưu, có nhiều thành phần trí thức đi theo Việt Minh. Trong số này có một người cháu lên tới cấp trung tá trong Quân Đội Nhân Dân, phục tại một cơ quan tham mưu, gọi bà bằng cô.

    Sau năm 1975, ông trung tá QĐND này thường xuyên vào Sài Gòn công tác. Mỗi lần như thế ông lại tới thăm bà me và biếu cô khi thì ký đường cát trắng, lúc thì gói trà Thái Nguyên, hoặc ít lương khô Trung Quốc... mà ông đã dành dụm trước mỗi chuyến công tác trong Nam.

    Theo lời vợ tôi kể lại, ông trung tá này khác hẳn đám cán bộ ngoài Bắc vào tiếp thu miền Nam, thường ba hoa ca tụng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chê bai mọi thứ trong Nam, đả kích “đế quốc Mỹ”, lên án “ngụy quân ngụy quyền”... Trái lại, xuất thân là một sinh viên Hà Nội trước năm 1954, nay vừa vì được tận mắt chứng kiến những tốt đẹp chế độ VNCH để lại, ít nhất cũng về mặt vật chất, vừa vì nhận ra đầu óc “phản động” ngay trong gia tộc mình (bà me và con cháu), ông đã hoàn toàn “giác ngộ”.

    Nói là hoàn toàn bởi trước 1975 ông cũng đã thấy được phần nào bản chất của chế độ cộng sản mà ông đang phục vụ. Trong một lần trò truyện tại nhà bà me, khi vợ tôi và cô bạn K không tiếc lời đả kích, châm biếm đám cán bộ cộng sản Bắc Việt, ông trung tá đã đáp lại một cách cay đắng pha lẫn buồn tủi:

    - Các cô không nên vơ đũa cả nắm. Các cô phải biết rằng ngày ấy có biết bao thanh niên thuộc thành phần trí thức yêu nước, vì nhiệt huyết của tuổi trẻ mà đi theo Việt Minh, tới khi biết ra thì đã quá muộn, họ không còn lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận sống dưới chế độ ấy, phục vụ chế độ ấy... Hiện nay, người miền Nam các cô còn có lối thoát là đi vượt biên, nhưng chúng tôi thì chẳng có lối thoát nào cả!

    Hiểu được tâm trạng ông trung tá, từ đó mỗi lần ông ghé nhà bà me, vợ tôi cố né tránh đề cập tới chuyện chính trị chính em.

    Nhưng riêng bà me, dù sao đi nữa thì việc có một người cháu là trung tá QĐND đã khiến bà được mọi người trong xóm, và cả Trung sĩ Huỳnh nể nang.

    Chính nhờ cái thế ấy mà bà đã góp phần giúp vợ tôi thoát được sự theo đuổi ve vãn của tay công an khu vực này.

    Vì cầu thang nằm trong nhà cho nên mỗi lần y tới kiếm vợ tôi thì trước hết phải chào hỏi bà me. Lẽ dĩ nhiên, bà dư biết gã công an khu vực tới kiếm vợ tôi với ý đồ gì cho nên luôn tỏ thái độ lạnh lùng.

    Chưa hết, sau khi hắn lên lầu, lâu lâu bà lại bước lên lưng chừng cầu thang làm bộ hỏi vọng lên lầu chuyện này chuyện nọ để vợ tôi phải trả lời cho bà yên tâm...

    Một thời gian sau, Trung sĩ Huỳnh bỏ cuộc theo đuổi vợ tôi. Để đề phòng trường hợp bị gã công an tìm cách đẩy đi kinh tế mới, vợ tôi với cái mác y tá đã tình nguyện tham gia Tổ Y học Dân tộc của phường, trở thành học trò châm cứu bất đắc dĩ của một ông “thầy” nọ, nhưng không bao giờ thành tài vì cái tật lơ đễnh...


    * * *

    Khoảng hai ba tháng sau khi tôi được thả về, hai tay bạn thân trước năm 1975 cùng phục vụ trong ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân là Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông cũng lần lượt được thả.

    Trước hết, Trần Ngọc Tự được thả về từ miền Bắc. Tự là người bạn thân nhất trong đời tôi. Hai thằng ở cùng xóm từ nhỏ, mặc dù hắn hơn tôi một tuổi, học trên một lớp và vào trường Luật trước tôi một năm, chín chắn chững chạc hơn tôi nhiều, nhưng từ khi cùng đi Khóa 3/69 Thủ Đức, thằng nằm giường trên thằng nằm giường dưới, mãn khóa cùng về ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân, cùng theo học Khóa 8 Sĩ quan Căn bản Chiến Tranh Chính Trị ở Đà Lạt năm 1970, rồi tôi lấy vợ hắn làm phù rể, có thể nói chúng tôi coi nhau như anh em ruột.

    Rất tiếc, sau khi được thả, Tự và vợ con tá túc bên nhà vợ ở Hàng Xanh, rộng rãi thoải mái hơn nhà của bố mẹ, giờ đây đã trở thành nơi nương náu của lũ cháu mồ côi.

    Vì thế, sau bữa tiệc mừng tại nhà bố mẹ hắn, lâu lâu Tự và tôi mới gặp nhau. (2)

    Phan Lạc Giang Đông thì tôi chỉ gặp lại một lần. Chỉ một lần nhưng để lại biết bao câu hỏi xen lẫn mừng tủi, bùi ngùi.

    Hôm ấy vào khoảng gần trưa, tôi đạp xe từ nhà sang bên Bà Chiểu, sử dụng một con đường nhỏ dành cho xe hai bánh và người đi bộ, Đông đạp xe ngược chiều và hai thằng thấy nhau.

    Lúc đó cả hai chúng tôi mới được thả, chưa có nghề ngỗng gì cho nên chỉ kể cho nhau nghe về thời gian bị đi cải tạo. Kể xong phần mình, Đông nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:

    - Bạn nghe người ta đồn về mình nhiều lắm phải không?

    Tôi biết Đông muốn nói đến những tin đồn nói rằng trong trại cải tạo Đông làm ăng-ten để lập công với “cách mạng”, mong sẽ được thả sớm! Nhưng riêng tôi không tin.

    Thời gian gần 6 năm trong các trại cải tạo đã khẳng định điều mà tôi thường nghe nói hoặc đọc trong sách vở: sống trong cảnh khốn cùng người ta dễ để lộ ra con người thật của mình.

    Sau này đọc hồi ký của một số sĩ quan cựu tù cải tạo, chúng ta được biết đã có những người, từ cấp úy tới cấp tá, hoặc làm ăng-ten hoặc bắt anh em bạn tù lao động cật lực (trường hợp được làm đội trưởng) để lập công với cách mạng, với hy vọng sẽ được thả sớm, trong số này có cả một ông bác sĩ và một nhà nhạc sĩ tên tuổi!

    Dĩ nhiên, một khi đã đặt bút viết với tên tuổi thật của mình, những nhân chứng sống ấy phải viết sự thật bởi vì còn có hàng trăm, hàng nghìn bạn tù khác ở chung trại hiện vẫn còn sống.

    Nhưng bên cạnh đó cũng có một số trường hợp bị đồn oan, trong đó có người bạn Phan Lạc Giang Đông của tôi. Sau này, lập trường của Đông ở Thành Ông Năm và hoạt động chống đối ở Suối Máu được kể lại qua bài viết của những người trong cuộc thì xem như Đông đã được minh oan, nhưng trước đó, vào những năm đầu thập niên 1980, tin đồn “em ruột của Phan Lạc Tuyên làm ăng-ten trong trại cải tạo” lan truyền khá rộng rãi và được không ít người tin!

    Trong số người tin ấy dĩ nhiên không có tôi, bởi vì tuy không cùng K với Đông ở Suối Máu, tôi đã được nghe anh em kể lại việc Đông tham gia Ban Hành Động K1 trong cuộc nổi dậy đêm Giáng sinh 1978 và sau đó bị đưa về Chí Hòa...

    Sau khi tôi trả lời Đông đại khái có nghe người ta đồn nhưng đời nào tôi tin, Đông cho tôi biết hiện nay hắn vẫn bị “họ” (cách mạng) theo dõi, đồng thời chuyện gia đình của hắn cũng “rất phức tạp”, nên hắn nói tôi đừng tới nhà, khi nào thuận tiện hắn sẽ ghé thăm tôi.

    Từ giã nhau, tôi vừa tính đạp xe đi thì bỗng Đông gọi giật lại, nhoẻn một nụ cười thật tươi:

    - Này bạn, cô P có lên trại cải tạo thăm mình!

    Nghe nhắc tới tên P, tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống, bâng khuâng nhớ lại mối tình văn nghệ của Đông với P, của tôi với M ở Đà Lạt hơn 10 năm về trước.


    * * *

    Thực ra tôi và Phan Lạc Giang Đông không thân nhau lắm, nhưng trong cái “không thân lắm” ấy lại có một vài kỷ niệm đáng nhớ liên quan tới mục cặp kè văn nghệ văn gừng.

    Tôi biết Đông qua Trần Ngọc Tự, vốn trước kia đã quen Đông qua các sinh hoạt thơ văn. Thời gian này, cuối năm 1969, gần 20 tân Chuẩn úy Khóa 3/69 Thủ Đức trong đó có tôi và Tự được tuyển về ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân; trong lúc chờ bốc thăm đi đơn vị, Tự giới thiệu tôi với Đông, khi ấy mang cấp bậc Hạ sĩ I, đang chuẩn bị lên Thủ Đức theo học Khóa 6/69 SQTB.

    Đông sinh năm 1940, khá lớn tuổi hơn tôi và Tự; nghe kể lại thì nguyên nhân khiến trước đây Đông - một người có cử nhân Sử Địa tại Đại học Văn khoa Sài Gòn - khi tới tuổi nhập ngũ không được theo học khóa sĩ quan Thủ Đức là vì có anh ruột là Đại úy Biệt Động Quân Phan Lạc Tuyên, người tham gia cuộc đảo chánh hụt năm 1960 cùng với Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, sau đó bỏ chạy sang Căm-bốt rồi theo cộng sản.

    Sau vài lần găp nhau tại Bộ tư lệnh Không Quân vào cuối năm 1969, tới giữa năm 1970, tôi mới gặp lại Đông khi từ Pleiku về Sài Gòn chuẩn bị ra Đà Lạt theo học Khóa 8 Sĩ quan Căn bản tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cùng với Đông, Tự và một số sĩ quan KQ cùng ngành.

    [Theo lời Tự kể thì ông Dương Hùng Cường – vốn xuất thân ngành Kiểm soát Không lưu - lẽ ra cũng học khóa Chiến Tranh Chính Trị này nhưng đàn anh đã xin hoãn để ở nhà đóng phim Người Tình Không Chân Dung]

    Tại Đà Lạt, Tự và Đông ở trong Ban Báo chí của khóa học, tôi trong Ban Văn nghệ, qua đó quen biết một số anh em cầm bút hoặc đàn hát thuộc các quân binh chủng khác. Thường thường, mỗi Chủ nhật đám khóa sinh sĩ quan chúng tôi lại kéo nhau ra phố Đà Lạt, chia ra từng nhóm đi chơi đây đó. Bộ ba gồm tôi, Tự và Đông thường đi với nhau, có khi thêm Trung úy Đỗ Đức Kỳ, một đàn anh KQ dễ mến (và có cái máy chụp hình khá xịn).

    Buổi chiều, trên đường về trường chúng tôi thường tụ tập tại quán cà phê Tình Nhớ dưới chân dốc nhà thờ Tin Lành.


    Đà Lạt 1970, từ trái: tác giả, Trần Ngọc Tự, Phan Lạc Giang Đông

    Được vài tuần thì đám sĩ quan trẻ chúng tôi bắt đầu làm quen với các cô nữ sinh Đà Lạt để có người dung dăng dung dẻ cuối tuần. Riêng ba thằng chúng tôi thì Tự xé lẻ vì hắn đã có sẵn người yêu nội trú ở một ngôi trường danh giá, còn lại tôi, Đông và T, một tay Thiếu úy Thiết Giáp cùng khóa, quen được “tam nương đồng hành”.

    Sau khi đi chơi chung được vài lần, T và người đẹp tên Đ, một cô bé khá mi-nhon với những đường cong hấp dẫn, rã đám vì hai người không hợp nhau.

    Còn lại hai cặp, Đông và nàng P, tôi và nàng M, ra vẻ rất tâm đắc; về sau chúng tôi không chỉ dung dăng dung dẻ vào cuối tuần mà cả ngày thường hai thằng cũng “cúp cua” để hò hẹn hai em (cũng “cúp cua”).

    Thật ra, hầu hết những mối tình văn nghệ giữa các sĩ quan khóa sinh trẻ người non dạ, các sinh viên sĩ quan chưa “ra ràng” của các quân trường ở Đà Lạt với các cô nữ sinh thành phố sương mù thường... trong sạch; nhiều khi tới ngày chia tay vẫn chưa hề... nắm tay nhau lần nào!

    Thế nhưng ai cũng thích cặp. Có người nói đó là một truyền thống ở Đà Lạt – thành phố của hai quân trường nổi tiếng là Võ Bị Quốc Gia và Đại Học Chiến Tranh Chính Trị.

    Cũng có người cho rằng khung cảnh thơ mộng và không khí trữ tình ở Đà Lạt – tiếng thông reo, con dốc đá, hoa ven lối, đồi cỏ xanh, cái se lạnh, con gái má đỏ môi hồng... khiến người ta trở nên mơ mộng hơn, dễ rung động hơn.


    * * *

    Hơn ba tháng sau, chúng tôi mãn khóa học; từng toán được quân xa chở ra phi trường Cam Ly để đi về Sài Gòn hoặc Vùng chiến thuật của mình. Trong lúc chờ phi cơ trong Trạm Hàng Không, trong khi mọi người nói cười vui vẻ vì sắp được hưởng một tuần nghỉ phép bên cạnh những người thân yêu hoặc vi vút với cô bạn gái sau bao ngày xa cách thì tôi thẫn thờ nhìn về hướng thành phố, mường tượng bóng dáng quen thuộc của M trong sân trường Bồ Đề, trước cổng chùa Linh Sơn...

    Nhưng sau khi chiếc phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, cửa mở ra, không khí nóng lùa vào thì tôi trở về với thực tại...

    Năm 1972, tôi thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa. Thường xuyên về Bộ tư lệnh Không Quân công tác, hầu như lần nào tôi cũng gặp lại hai ông bạn quý đang phục vụ trong Đoàn Công Tác Chính Huấn, thuộc Văn phòng TMP/CTCT Bộ tư lệnh Không Quân: Trần Ngọc Tự, Trưởng ban Biên soạn Tài liệu kiêm Sĩ quan Thuyết trình, Phan Lạc Giang Đông, Trưởng ban Giáo dục Chính trị.

    Rồi Đông rủ tôi ghi danh Ban Báo chí tại Đại học Vạn Hạnh. Tôi vốn đã chán bút nghiên nhưng ham vui nên nhận lời, vì đi với hắn sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ những tên tuổi trong giới thi văn, ngồi chầu rìa nghe thiên hạ tán dóc cũng thú vị...

    Một ngày nọ, Đông tiết lộ với tôi P, cô nữ sinh Đà Lạt hắn quen biết hai năm về trước, hiện nay đã về sống ở Sài Gòn, và hai người thường xuyên gặp nhau!

    Theo suy nghĩ của một người bình thường thì đã có vợ con mà còn bay bướm là việc... không bình thường. Nhưng Đông kể chuyện này với tôi một cách hết sức vô tư, hồn nhiên, không một chút mặc cảm tội lỗi.

    Quen biết Phan Lạc Giang Đông, tôi thấy có những lúc hắn rất nghiêm nghị, thậm chí khó tính, cao ngạo; chẳng hạn mỗi lần nghe Lệ Thu hát bản Nước mắt mùa thu của Phạm Duy, một ca khúc khá thịnh hành lúc đó, hắn lại lắc đầu:

    - Hỏng, hỏng, cả đến Phạm Duy bây giờ cũng làm nhạc sến!

    Ngược lại nhiều khi hắn cứ như một cậu con trai mới lớn, mới biết yêu lần đầu, chẳng hạn trong thời gian học ở Đà Lạt, khi hắn và P đi chơi chung với tôi và M, lúc lên đồi xuống dốc, khi ngồi cà-phê Tùng, nhiều khi hắn phát ngôn một câu hết sức ngây ngô, dại khờ, dễ thương...

    Trở lại với chuyện tình giữa Đông và P, sau khi khoe với tôi là cô nữ sinh Đà Lạt này đã về sống ở Sài Gòn và hai người thường xuyên gặp nhau, Đông rủ tôi tới nhà P. Nể lời bạn, tôi theo Đông tới nhà P một lần duy nhất; và sau này mỗi lần về Tân Sơn Nhất công tác, gặp lại nhau tôi cũng không bao giờ hỏi về P nữa, bởi tôi thực sự không cảm thấy thoải mái trước việc quan hệ giữa Đông và P đã không chấm dứt cùng với khóa học ngắn ngủi của chúng tôi tại Đà Lạt.

    Tôi không đạo đức giả mà chỉ quan niệm một cách sòng phẳng: một khi đã cùng ai kết nghĩa phu thê thì cùng lắm cũng chỉ có thể “thân này ví xẻ làm đôi” chứ trái tim thì không thể “chứa chấp” thêm một bóng hồng nào khác!

    Nhưng giờ đây, được Đông cho biết sau này P còn lên tận trại cải tạo thăm hắn, tôi cũng không biết phải gọi quan hệ tình cảm giữa ông bạn thi sĩ của mình và nàng P là gì? Chỉ biết nó hơi khác thường và... hay hay. (3)


    * * *

    Sau này một số tác giả đã viết đại khái: với một cựu sĩ quan hay viên chức VNCH bị bắt đi học tập cải được thả về thì cũng giống như từ một cái nhà tù nhỏ bước ra cái nhà tù lớn!

    Riêng bản thân tôi sau khi được thả về lại có tâm trạng hơi khác. Tôi không có cảm tưởng mình đang sống trong một cái nhà tù khổng lồ mà sống trong một thế giới khác.

    Thực ra, không cần tới một nhà phân tâm học, cũng có thể giải thích chẳng qua chỉ vì tôi không có khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi sau ngày 30/4/1975.

    Nhìn thấy một lá cờ đỏ sao vàng, một cái nói cối, một tấm hình Hồ Chí Minh, một khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”... là tôi bị dị ứng, mặt nóng bừng!

    Vì thế chẳng đặng đừng tôi mới bước ra khỏi nhà. Đám bạn học cũ hoặc bạn tù cải tạo như Đức “cống”, Phát “tịt”... tới rủ đi uống cà phê - cà phê “bắp rang” 1 đồng một ly ở góc đường - tôi miễn cưỡng đi theo chứ chẳng hứng thú gì.

    Ban ngày đã thế, ban đêm còn tệ hơn. Viết ra có thể bị cho là cường điệu nhưng sự thật nó là như thế. Sau một thời gian ngắn hưởng hạnh phúc “vợ mới cưới không bằng vắng lâu”, cứ đêm về là tôi trằn trọc, nằm vắt tay lên trán, thở dài...

    Tôi không chỉ bực bội, chán nản trong lòng mà còn hay cáu gắt với vợ con. Lúc đầu vợ tôi còn cố gắng chịu đựng nhưng riết rồi nàng cũng phải nói thẳng ra, từ đó vợ chồng thường bất hòa, và mỗi lần như thế tôi lại nhớ tới việc mình đang ăn bám vợ.

    Tôi đã từng nghĩ tới việc bỏ đi. Nhưng đi đâu bây giờ? Vào rừng theo các lực lượng phục quốc là chuyện phiêu lưu không tưởng!... Lúc đó tôi chưa hề nghĩ tới chuyện vượt biên vì chẳng quen biết ai mà cũng tự biết mình không đủ khả năng tài chính.

    Cuối cùng đành ở lại Sài Gòn thử tìm kế sinh nhai. Trước hết, tôi cùng với Phạm Khắc Khiêm làm xà bông bột.

    Như đã kể trong phần đầu của thiên hồi ký này, thời gian ở Thành Ông Năm tôi cùng đội với hai tay trung úy “bách nghệ tinh”: Khương Hữu Thành, Quân Vận Sư Đoàn 18BB, và Phạm Khắc Khiêm, Hải Quân Công Xưởng.

    Phạm Khắc Khiêm là con nhà khá giả, gia đình có ngôi nhà ba tầng khá lớn ở đường Công Lý, trước kia vừa để ở vừa cho thuê. Vì có tiền, bố mẹ anh em Khiêm đã tìm cách thoát khỏi VN từ giữa tháng 4/1975, chỉ để vợ chồng Khiêm ở lại vì ai cũng tin rằng nếu điều tệ hại nhất xảy ra, Khiêm và vợ con sẽ được di tản bằng tàu của Hải Quân.

    Nhưng rốt cuộc hắn bị kẹt lại, ngôi nhà bị cách mạng tịch thu chỉ để lại một gian trên tầng ba cho vợ chồng con cái hắn ở.

    Thời gian này (năm 1981) sau ba đợt đánh tư sản, toàn bộ nhà cửa của người di tản, của người bị cưỡng bách đi kinh tế mới đã bị đám cán bộ ngoài Bắc vào chiếm ngụ. Ngôi nhà của bố mẹ Khiêm cũng thế, nhưng cũng vì hắn bị ở tận trên lầu ba, có cầu thang đi lên sân thượng cho nên chúng tôi mới có chỗ nấu xà bông bột.

    Thời gian này, hầu như tất cả sĩ quan bị đi cải tạo trở về dù còn sức khỏe cũng đều thất nghiệp vì người nào cũng nửa thầy nửa thợ, và cũng vì cái mác “sĩ quan ngụy” cho nên dù có muốn làm cu-li, làm phu khuân vác cũng không nơi nào nhận. Chỉ có một số rất nhỏ xin được việc làm trong các tổ hợp gia công hoặc đạp xích-lô.

    Trong nhóm tù cựu tù cải tạo năm bảy người chúng tôi - ở tù chung trại, hoặc quen biết nhau trước kia hay sau này - chỉ có một mình Đức “cống” đạp xích-lô nhưng cũng chỉ đạp tài tử, đủ tiền cà phê thuốc lá, còn lại thì hai tay làm trong tổ hợp vỏ xe đạp (thủ công nghệ) không đủ tiền mua gạo, một tay còn độc thân đạp xe đi giao hàng may cho mấy cô em gái, mà ai cũng hiểu là các cô cố ý trao việc để ông anh trai bớt mặc cảm ăn bám gia đình!

    Phần tôi thì thất nghiệp toàn thời. Mỗi ngày chỉ có một công việc duy nhất là nấu cơm chiều đợi vợ về ăn. Hai đứa con, 9 và 8 tuổi, đã đủ khôn lớn để đi học một mình ở một tư gia gần nhà thờ xứ Tân Hòa (còn gọi là nhà thờ Kiến thiết vì ở phía trong cư xá Kiến Thiết).

    Thật ra vợ tôi cũng không dư giả tới mức cho các con học “trường tư” mà chỉ vì sau mấy buổi đi học ở trường nhà nước (trường tiểu học của giáo xứ bị nhà nước tịch thu), hai đứa con về nhà cứ hát những bài hát của “cháu ngoan bác Hồ”, nhắc tới tên những anh hùng bắn rơi hàng chục B-52, diệt hàng trăm xe tăng của đế quốc Mỹ, đồng thời bị gọi là “con ngụy”..., vợ tôi đã bắt hai đứa ở nhà, thà thất học còn hơn!

    Sau đó, có một cô giáo bị mất việc ở trường giáo xứ mở lớp dạy học tại gia, tuy không ai nói ra nhưng mọi người đều hiểu là dành riêng cho những đối tượng “con ngụy” hoặc những gia đình Công giáo nhất định không cho con học trường nhà nước.

    Đám cán bộ địa phương thừa biết việc này nhưng không hề làm khó dễ bởi họ cũng không muốn gây thêm căng thẳng trong một khu vực mà đại đa số dân cư là người Công giáo Bắc kỳ di cư năm 1954.



    * * *

    Khi tôi tới nhà tìm Khiêm thì được biết hắn được thả sớm hơn tôi cả năm. Với quà gia đình từ Mỹ gửi về đều đều, gia đình Khiêm cũng không đến nỗi đói; chưa kể hắn còn làm trung gian mua bán hải đồ, hải bàn và lấy khách cho những đường dây vượt biên. Hắn chỉ nảy sinh ý tưởng làm xà bông bột khi tôi tới chơi và kể về hoàn cảnh phải ăn bám vợ, hơn nữa hắn cũng muốn nhân dịp này thực hành những gì đã học từ Khương Hữu Thành (cũng được thả về trước tôi).

    Giờ này tôi không còn nhớ chi tiết cách thức hai thằng làm xà bông bột vì hầu như Khiêm bao hết mọi viêc, tôi chỉ đóng vai thợ vịn. Tôi chỉ nhớ đại khái mua dầu dừa về nấu lên, sau khi thành bột thì vô bao ny-lông, mỗi bao 250g, rồi lấy bàn ủi ủi cho mép trên dính lại.

    Tôi vẫn còn nhớ “thương hiệu” xà bông bột của chúng tôi là “Rose”, không phải do chúng tôi chọn mà chỉ vì những cái bao có in hình bông hồng màu đỏ này là do Thành cận in sẵn để phân phối cho những người quen biết làm nghề này.

    Những khách hàng đầu tiên của tôi là mấy bà buôn bán lẻ ở chợ Kiến Thiết do vợ tôi giới thiệu. Vì hầu hết là chỗ quen biết, tôi giao xà bông cho các bà bán, mỗi bà 5 bịch, một tuần sau mới trở lại lấy tiền và giao hàng mới.

    Kết quả thật thảm hại, đa số các bà chỉ bán được 1, 2 bịch. Nguyên nhân, theo lời các bà, xà bông bột của chúng tôi bị chê... không có bọt.

    Sau khi được tôi báo cáo kết quả, Khiêm tìm Thành “cận” học hỏi thêm bí quyết rồi hai thằng lại hì hục nấu đợt hai. Nhưng vì ngay từ đầu, cái nhãn hiệu “Rose” của chúng tôi đã bị chê nên sau đó hai thằng phải dẹp nghề.

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:

    (1) Ba đợt đánh tư sản miền Nam:

    Đợt X1 (theo cách gọi của đảng và nhà nước CSVN) được bắt đầu vào sáng sớm ngày 11 tháng 9 năm 1975, diễn ra tại thành phố Sài Gòn và trên khắp 17 tỉnh thành miền Nam. Đợt này chủ yếu nhắm vào nhà cửa của các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ nạn nhân phải đi về các vùng Kinh Tế Mới.

    Đợt X2 - tức chiến dịch cải tạo tư sản lần thứ nhất - bắt đầu vào tháng 12/1976.

    Đợt X3, tức chiến dịch cải tạo tư sản (công thương nghiệp) lần thứ nhì được Hà Nội tiến hành từ tháng 3 năm 1978 và kéo dài cho đến sau khi có “Đổi Mới”, tức là khoảng năm 1990 mới chấm dứt. Đợt này chủ yếu nhắm vào tư thương, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất hạ tầng vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do, được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khuyến khích, nâng đỡ trong suốt 20 năm trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975.

    Đỗ Mười, sau này làm Tổng Bí Thư Đảng, trực tiếp chỉ huy X3.



    Đỗ Mười (ảnh AP)

    Ngày 21/3/1978, tại hội trường Trường đảng Nguyễn Ái Quốc ở Thủ Đức, Đỗ Mười khi ấy là Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp XHCN, đặc trách vấn đề Cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam, đã đọc chỉ thị 100-CP của Chính phủ và phát biểu những lời lẽ cực kỳ hung hăng sắt máu, trong đó có những đoạn sau:

    “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ...

    “Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta...

    “Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn...”.

    Sau chiến dịch X3, hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu. Hơn 10 năm sau, tháng 9 năm 1989, báo Sài Gòn Giải Phóng và báo Công An khi bàn đến vấn đề trả lại nhà cho những “đối tượng” bị đánh tư sản oan, đã ước tính có khoảng 150 ngàn người thuộc gia đình cán bộ gốc miền Bắc vào Sài Gòn cư ngụ trong những ngôi nhà bị tịch thu.

    Riêng về Chỉ thị 43 của Bộ Chính Trị vào tháng 5/1978 đã quốc hữu hóa toàn bộ đất đai của nông dân miền Nam vào tay nhà nước thông qua hình thức “Tập Đoàn Sản Xuất”, dẫn đến nạn đói năm 1979 vì sản lượng lúa gạo và tất cả mọi loại nông sản trên toàn miền Nam bị sút giảm một cách trầm trọng.


    (2) Trần Ngọc Tự trước năm 1975 còn đảm trách thêm chức vụ Thư ký tòa soạn cuối cùng (1974-1975) của đặc san Lý Tưởng BTL/KQ.

    Sau khi đi cải tạo về, tới năm 1984 anh bị chế độ CSVN bắt giam cùng với Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Khuất Duy Trác (ca sĩ Duy Trác) trong vụ án mà báo Công An thành Hồ gọi là “Những những tên biệt kích cầm bút”.

    Do sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế, năm 1988 Trần Ngọc Tự được thả sớm nhưng quyết định không đi định cư tại Hoa Kỳ vì muốn ở lại VN phụng dưỡng mẹ già. Nhiều năm sau khi bà cụ mất, anh mới đi theo diện HO “vớt” vào năm 2006.


    Trần Ngọc Tự tại Hoa Kỳ

    Những bài viết gần đây nhất của Trần Ngọc Tự đăng trên Hội Quán Phi Dũng Chuyện về ông tướng Tư lệnh, Bên dưới những đôi cánh sắt trong chuyên mục Quân Sử Không Quân.


    (3) Năm 1994, Phan Lạc Giang Đông sang Hoa Kỳ trong chương trình HO cùng với vợ và hai con trai, định cư tại Seattle, tiểu bang Washington.

    Phan Lạc Giang Đông tại Hoa Kỳ

    Tại Hoa Kỳ, PLGĐ viết báo và sáng tác thơ; một số bài thơ đã được chuyển sang Anh ngữ để đăng trong các tuyển tập thi ca Hoa Kỳ. Năm 2001, chàng thi sĩ đã đạt tới đỉnh cao danh vọng (tạm gọi như thế) khi trở thành Hội viên Ưu tú của Hiệp hội Thi ca International Society of Poets, trước khi qua đời vì bạo bệnh vào tháng 11 năm đó, hưởng 62 tuổi.

    Nghe bạn bè ở Việt Nam kể lại, trong những lần về thăm quê hương, PLGĐ lại có thêm một mối tình văn nghệ nữa; ly kỳ hơn vì lần này nàng là một con chiên của Chúa. Nghe nói Đông đã lấy sẵn “tên Thánh”, dự tính sẽ về VN rửa tội vào đạo, sống quãng đời còn lại trên quê hương, nhưng việc chưa thành thì đã vội sớm ra đi.

    Tang lễ của PLGĐ tại Hoa Kỳ được tổ chức theo nghi thức Phật giáo; tại Sài Gòn, bạn bè và đồng nghiệp còn ở lại cũng tổ chức một buổi cấu siêu và tưởng niệm ở chùa.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 02-24-2023, 06:26 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X