Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bến cũ chiều Xuân

Collapse
X

Bến cũ chiều Xuân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bến cũ chiều Xuân

    Bến cũ chiều Xuân

    Trần Bạch Thu

    Ga Phủ Lý chiều 28 Tết, một đoàn người ăn mặc lếch thếch, áo quần vá chằng vá đụp, tay xách túi nhỏ đựng lon, hũ nhựa lỉnh ca lỉnh kỉnh từng cặp một, mang chung còng tay mỗi bên trái, phải. Bên kia đường, dân chúng hiếu kỳ với dáng vẻ e dè sợ sệt, đưa mắt nhìn tò mò về phía đám đông hơn hai trăm người đang ngồi duỗi chân dựa trên vạt đất thấp dọc theo dốc đường ray xe lửa. Mặt trời đỏ thẫm đang dần tắt sau dãy núi Ba Sao gồ ghề đen như mực. Chúng tôi đang chờ tàu xuôi Nam.

    Lúc xếp hàng chuẩn bị lên xe tải để ra ga, một anh bạn chen tới gần nói nhỏ với tôi vì anh thuận tay trái nên muốn được còng tay phải với tôi. Ừ thì tôi thuận tay phải nên đồng ý ngay. Anh là sĩ quan trẻ, cấp bậc Thiếu tá, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh, đóng quân ở Định Tường. Tôi quen anh hồi mới chuyển về trại Hà Nam Ninh được mấy tháng, trước khi xếp thành tổ đội để chuẩn bị về Nam.

    Trước đây, các trại cải tạo thường được phân chia ra làm hai loại dành riêng cho quân nhân và công chức ở những địa điểm khác nhau trong miền Nam cũng như sau nầy ra miền Thượng du Bắc Việt. Mãi cho đến khi Trung cộng tiến đánh các tỉnh sát biên giới phía Bắc, các trại cải tạo được di dời về một số tỉnh miền Trung du, mạn phía Tây Bắc Hà Nội và các thành phần cải tạo bấy giờ mới được sáp nhập lại với nhau và không còn phân biệt dân hay quân nữa. Từ đó các trại đa phần là quân nhân đủ mọi cấp bậc, trừ cấp Tướng và Đại tá được xếp ở riêng, còn tất cả đều được đưa vào các tổ đội lẫn lộn với thành phần dân sự.

    Suốt gần năm năm trời bị giam giữ, từ trại cải tạo Long Thành, Đồng Nai cho đến khi ra tận ngoài Phú Sơn, Bắc Thái tôi luôn được xếp vào tổ đội thuộc thành phần dân sự chế độ cũ. Nay sinh hoạt chung với thành phần quân đội có rất nhiều điều khác biệt, vui vẻ và năng động hơn. Tính gan dạ và mưu trí của họ đã giúp “mưu sinh thoát hiểm” cho rất nhiều người đồng cảnh tù.

    Trong suốt mấy ngày trên xe lửa tôi mới biết gia cảnh hiện nay của anh, vợ gởi quà thăm nuôi được mấy lần khi còn ở trại cải tạo trong Nam, rồi sau đó biệt tăm luôn cho đến khi ra miền Bắc, họa hoằn lắm anh mới nhận được một ít quà do mẹ anh gởi ra theo những người quen đi thăm nuôi chồng ở cùng trại. Nhà quê nghèo, còn nuôi thêm bốn đứa con nhỏ của anh nữa thì làm sao đủ sức mà đi thăm nuôi.

    Anh lặng lẽ cam chịu thân phận người “tù mồ côi.” Dù khó khăn đến mấy cũng phải sống, anh rất giỏi cải thiện rau dại và thường khi còn mò bắt được nhiều con “rạm” (cua nhỏ to bằng ngón chân cái), đồng thời ngày nào anh cũng giấu được một ít củi khô, chẻ nhỏ quấn trong người, qua mặt được cán bộ gác cổng để đem vào trại. Người có gạo, bột ngọt hay tôm khô, anh có củi, rau, cua cá và công nấu nướng cùng nhau chia sẻ qua ngày.

    Cho đến khi gia đình được phép thăm nuôi sau năm năm trời chịu đựng với đói rét và bệnh tật, tình hình cải tạo mới bắt đầu đỡ khổ. Nhờ thăm nuôi mà số người chết giảm dần. Dân chúng sinh sống quanh các trại cải tạo bắt đầu cảm thông và hiểu biết nhiều hơn về thành phần tù nhân chế độ cũ nên một số lén lút quan hệ với tù nhân để “mua bán đổi chác” đủ thứ, thông thường là cung cấp thực phẩm, thuốc men để đổi lấy quần áo, đồ dùng, dĩ nhiên là mấy tù nhân “đại lý” cũng phải biết điều với cán bộ.

    Về phần anh em tổ đội trưởng, trừ một số ít bản tính ác tâm, không lương thiện, còn lại đa phần đều ra sức giúp đỡ nhau để cùng sống sót mà chờ ngày về. Tôi còn nhớ hồi ở trại Mễ (Nam Hà) có một anh Nhà trưởng nguyên là Trung tá Công binh, sau khi kiểm tra nhân số để báo cáo nhập buồng giam, cán bộ ra lệnh nhắc nhở anh kiểm soát nội qui, giữ gìn yên lặng, không được tụ tập ồn ào hay nấu nướng linh tinh. Anh gật đầu.

    – Thưa vâng.

    Nhưng khi cán bộ đóng cửa buồng giam và áng chừng đã đi xa, anh quay ra đầu nhà, hướng về phía anh em nói vừa đủ nghe:

    – Tự do.

    Thế là cả buồng mọi người cười che miệng, lục đục lên lò tự chế bằng lon Guigoz cắt đôi, đốt củi nhỏ, có khi đốt bằng nhựa ni-lông nấu cà phê, trà lá với nhau. Ra lao động hay ở buồng giam, cán bộ nói gì anh cũng nghe, bảo gì anh cũng xin vâng, đôi khi trước mặt cán bộ anh còn quơ tay nói lớn bảo anh em cố gắng làm cho xong, nhưng khi cán bộ đi rồi thì đâu cũng vào đấy, lao động cầm hơi. Cải tạo lâu dài mà. Ít lâu sau, khi tôi đã chuyển trại vào Nam, nghe anh em nói lại rằng anh đã chết ở trong trại giam nào đó ngoài miền Bắc.

    Khi xe lửa từ ga Phủ Lý lần lượt qua khỏi ga Thanh Hóa… đến Đồng Hới, anh em vui mừng vô hạn vì biết chắc rằng mình đang trên đường xuôi về miền Nam thân yêu. Tới nhà ga Quảng Trị, Huế, anh em cầm tay nhau mà ứa nước mắt. Nhớ hồi di tản Tháng Ba năm 1975, càng đi xa vào trong Nam bao nhiêu càng an toàn bấy nhiêu. Mọi người chạy bán sống bán chết bằng đủ mọi phưong tiện để về tới Sài Gòn, nhưng than ôi… vận nước đã đến hồi mạt vận. Chỉ chạy thôi mà thua trắng tay. Giờ tâm trạng cũng giống y như vậy, mong được tới ga Bình Triệu, nhưng khi xe lửa vừa qua Tháp Chàm một đỗi thì dừng hẳn lại. Chúng tôi xuống ga Thuận Hải và được xe tải đưa về trại Z30 (Hàm Tân).

    Trời nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, anh em muốn cởi bỏ những bộ quần áo chống rét ngoài miền Bắc mà không được… vì tay còn bị còng. Gió thổi thốc tung bụi mù. Bước xuống xe chao đảo mà ai nấy cũng cố gắng nhìn quanh, lòng vui mừng khôn tả. Sự sống tưởng chừng như đang được hồi sinh. Rừng xanh bạt ngàn, đất đai, hoa màu bát ngát…

    Anh và tôi được xếp chung vào đội lao động nông nghiệp, làm rẫy trồng khoai, bắp. Về đến Hàm Tân ăn uống được cải thiện rất nhiều. Nhớ hôm sáng đầu tiên mới tới trại, trực cơm mang về một thau khoai mì tươi nấu chín, anh em rất đỗi ngạc nhiên vì suốt mấy năm ở ngoài Bắc, hai bữa ăn chính chỉ có khoai mì lát, phơi khô mốc xanh hoặc bo bo còn nguyên vỏ, chứ làm gì có cái khác mà ăn sáng. Đã thế, tương đối gần nhà, non một ngày đường nên gia đình đi thăm nuôi thường xuyên, mỗi tháng một lần và tù nhân được tiếp tế thực phẩm rất dồi dào. Tù nhân được đăng ký tiền mặt nên thứ gì cũng có, miễn là có tiền.

    Lao động có kết quả, ngoài phần thu hoạch cho trại, mấy anh em giỏi và có sức được canh tác riêng trên những vạt đất ven đường ra rẫy trại để cải thiện như bầu, bí, mướp, cải xanh… Anh bạn thuận tay trái chung còng với tôi hôm về Nam nay đã trở thành “người hùng” ngang dọc, trồng trọt cải thiện tứ phía. Anh chọn vạt đất gần suối để tranh thủ tưới nước, chăm sóc vì sau khi hết giờ lao động, cán bộ thường hay cho xuống suối tắm trước khi về nhập trại. Lớp ăn, lớp chia hoặc đổi lấy thực phẩm khô, riêng tôi được anh đặc biệt biếu không.

    Sinh hoạt hằng ngày anh ăn cơm chung với “Bố già”, Thiếu úy cảnh sát, nguyên Trưởng cuộc ở Quảng Ngãi, luôn tự xưng mình là già hơn hết. Mà già thiệt, năm ấy cũng đã gần sáu mươi. Cứ hết đợt nầy đến đợt khác có khi gồm cả sếp cũ. Đại úy cảnh sát trẻ về nhiều rồi mà “Bố già” Thiếu úy vẫn còn ở mãi. Cứ mỗi lần có đợt thả về là có khiếu nại, ban đầu còn viết đơn, riết rồi cũng chán bèn đâm ra than phiền với cán bộ quản giáo. Cuối cùng cũng có kết quả là được theo đội ra rẫy nhưng không lao động mà chỉ đun nước uống cho đội nên có thì giờ cải thiện, nấu nướng linh tinh.

    Sinh hoạt trong buồng giam ở Hàm Tân tương đối thoải mái. Buồng giam lợp tôn thấp lè tè, lán gỗ ở trên, sạp dưới đúc xi măng, lối đi ở giữa nền đất, vách ván trống thưa. Số tù nhân giam giữ gồm hai hoặc ba đội hơn trăm người. Sau khi cán bộ đóng cửa, anh em tụ tập nhau thành từng nhóm, lập “bàn đèn” chiếu phim miệng, thường là tiểu thuyết của Kim Dung, Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Cô Gái Đồ Long. Phim kiếm hiệp đôi lúc cũng bị ngưng, cắt đoạn khi máy chiếu phim được thăm nuôi bèn chuyển qua tin tức thời sự: Phục quốc đã về tới Cà Mau hay Tướng lãnh VNCH đã về tới Thái Lan.

    Ngoài những rạp chiếu phim kiếm hiệp còn có những “bàn đèn” văn nghệ nho nhỏ, chỉ năm ba anh em đàn hát trong buồng giam. Nhớ hồi còn ở trại Nam Hà, cứ mỗi sáng Chủ nhật nghỉ lao động, anh em thường hay tụ tập ngoài sân, sau khi nấu nướng ăn uống xong là tụ tập đàn hát và các rạp chiếu phim ngoài trời bắt đầu, máy chiếu rải rác từng nhóm nhỏ, nhiều bộ phim rất hấp dẫn với đề tài là những câu chuyện thuộc “thâm cung bí sử” của VNCH do chính người có thẩm quyền trong cuộc kể lại.

    “Bố già” không tham gia vào các “bàn đèn” chiếu phim hay văn nghệ bỏ túi vì đau lưng không thể ngồi lâu được, nhưng cung cấp đèn dầu tim nhỏ và thuốc lào với điều kiện là khi ra lao động, anh em phải thay phiên nhau ra suối gánh nước về cho Bố để nấu nước pha trà giảo cho toàn đội giải lao.

    Anh bạn thuận tay trái cũng ít khi tham dự “bàn đèn” viện cớ là lao động vất vả, lớp nào cho đội, lớp nào lo cho mấy vạt đất cải thiện nên mệt phờ râu, ngủ sớm để ngày mai cày tiếp. Nhưng từ trong sâu thẳm anh em cũng đoán biết anh có cả một trời tâm sự buồn. Rất ít nói, khi xếp chỗ nằm, anh tình nguyện chọn trong góc khuất tối thui ở cuối buồng giam. Có hôm, khi các “bàn đèn” máy chiếu phim bị rè do cảm cúm, sổ mũi nên tắt sớm, về ngủ, anh em mới phát hiện ra là anh vẫn còn thao thức.

    “Bố già” luôn đem niềm vui đến cho anh em, nhất là cánh trẻ có nhiều dịp đùa giỡn. Nhớ những buổi chiều ra suối tắm, mình trần như nhộng, quần đùi ướt đẫm, té nước về phía “Bố già.”

    – Bố xem các con còn ngon lành không? Khi về bố chọn đứa nào?

    – Tau gả hết rồi.

    “Bố già” kể có đứa cháu gái kêu bằng Dượng, lỡ thời, chồng chết hồi Tết Mậu Thân, ở vậy nuôi con. Vừa nói Bố vừa ngóng lên vạt đất cải thiện trên bờ suối. Anh em cười vang hiểu ý Bố. Cán bộ ra lệnh còn năm phút nữa tập trung về trại. Anh bạn thuận tay trái, nãy giờ lo tưới nước đám rẫy ở trên bờ mới lật đật xuống suối tắm giặt. Anh luôn là người vội vã sau cùng nên có nghe được gì đâu.

    – Bố định làm mai cho anh đấy.

    Anh cười cho vui với anh em thôi, chứ vợ con gì nữa, vết thương lòng còn chưa nguôi.

    Khi chuyển trại về Nam, anh em ai cũng tràn đầy hy vọng là sắp được thả vì theo kiểu gối đầu, trước khi có tù nhân từ miền Bắc chuyển vào thì trại đã có các đợt thả đại trà hằng trăm người, đông đến độ sau khi thả tù rồi, nhiều buồng giam còn lại trống trơn, nhất là khu trại C và D dã chiến ở vòng ngoài, chỉ rào bằng dây thép gai, không có tường xây chung quanh. Thật ra, khi đã bị giam giữ nhiều năm, hơn bảy, tám năm rồi còn gì, mà lại không biết thời gian thụ án là bao nhiêu nên anh em cũng không còn nôn nóng như trước nữa. Thôi kệ cứ vui qua ngày, có thế mới sống được chứ. Vả lại, khi về Nam không còn cảnh đói rét như ở miền Bắc nữa nên không khí trong tù cũng khác hẳn.

    Không biết bên ngoài có can thiệp gì hay không mà các đợt thả tù lại dồn dập với số lượng rất đông so với hồi năm năm về trước, mỗi năm chỉ thả một hai đợt nhỏ giọt vài ba chục người mà nghe nói toàn là bảo lãnh, chứ làm gì có học tập cải tạo tốt. Có khi là do đổi mới hay sửa sai không chừng? Tù gì mà nhiều lắm thế. Chủ hãng nước tương nổi tiếng hiệu con mèo cũng vào tù vì tội làm ăn giàu có. Chủ hãng sản xuất xe đạp cũng vào tù vì tội cạnh tranh với thương nghiệp quốc doanh, chuyên nhập khẩu xe đạp Trung cộng.

    Có cả sư thầy ở các chùa chiền địa phương. Vui nhất là có giáo sư hội trưởng Hội Khổng học Sài Gòn vào tù chỉ vì biết xem tử vi, bốc quẻ như thần. Mỗi tối, khi cửa buồng giam vừa đóng lại, anh vỗ tay ba tiếng, ngày nào cũng vậy. Anh em tò mò, gạn hỏi năm lần bảy lượt vì ngại đến tai cán bộ, anh giải thích: Vỗ tay ba tiếng là để mừng rằng mình đã từng ngày một, trả hết nợ vay kiếp trước. Hai là tội nghiệp cho những người gây nghiệp mới, không biết chừng nào họ mới trả được. Ba là nên tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Anh đoan quyết là “chúng mình sắp về hết rồi.” Thế là anh em yên chí chờ ngày về.

    Ban đầu còn nói đùa chơi cho vui thôi, nhưng sau đó từng đợt tù được thả càng ngày càng khít dần nên “Bố già” sợ mất cơ hội làm mai cho đứa cháu gái. Thật tình Bố rất thương và thích bọn trẻ trong tù nhưng Bố chọn anh bạn thuận tay trái là vì cho xứng đôi vừa lứa, chứ không chê bai gì bọn trẻ, giờ cũng đã ngoài ba mươi. Tội nghiệp “Bố già” lo khi được thả về rồi, đâu còn có dịp nào gặp lại nữa. Quảng Ngãi xa xôi quá, đâu có đứa nào chịu ra. Hơn nữa, sinh hoạt hằng ngày cơm nước và nhất là chiều nào cũng giúp Bố gánh nước về trại để nấu ăn hay rửa chén bát. Chỉ có anh bạn thuận tay trái là bền bỉ nhất. “Bố già” từ từ gợi chuyện.

    Anh tốt nghiệp Khóa 22 trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn về Tiểu khu Quảng Ngãi và trở thành sĩ quan tác chiến thuộc Tiểu đoàn địa phương đóng quân trên địa bàn quê hương của “Bố già” gọi là thôn Bình An mà không bao giờ có bình an. Tết Mậu Thân năm 1968 anh bị thương trong lúc giao tranh và bị địch bắt, sau đó chuyển lên giam giữ ở vùng Datsut, Kontum. Sáu tháng sau, anh vượt ngục thành công về tới Dakto và ra trình diện với chính quyền VNCH. An ninh quân đội điều tra (giam lỏng) và làm việc hơn sáu tháng. Sau khi hồ sơ bạch hóa anh được phục hồi cấp bậc cũ và thuyên chuyển về vùng IV, khu chiến thuật Tiền Giang làm sĩ quan tác chiến thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh.

    Khi vừa đổi về đơn vị đóng gần nhà, gia đình liền ngắm nghé và tổ chức đám cưới ngay trong năm. Để đánh dấu cho sự trở về của anh như một phép mầu, gia đình tổ chức đám cưới thật lớn, thật linh đình. Cô dâu con nhà khá giả, học hành tử tế sánh vai bên anh chàng Trung úy trẻ, đẹp trai, oai phong lẫm liệt. Cả phố ai cũng mê.

    “Bố già” sốt ruột không muốn nghe tiếp, chỉ ngắn gọn có chịu không thì Bố nhắn về cho vợ, kỳ tới thăm nuôi sẽ dẫn cháu theo vào cho có bạn, rồi sẵn dịp xem ra sao. Còn người đã bỏ đi rồi thì kể làm chi. Nhưng anh bạn thuận tay trái bỏ lửng, coi như không muốn bàn tới nữa. Sự đời đã tắt lửa lòng. “Bố già” buồn năm phút.

    Tưởng đâu như thế là quên đi, nhưng có một hôm dưới bóng mát tàng cây trong trại nhân ngày nghỉ không lao động, anh em tụ tập nhau ăn uống, “Bố già” kể rằng tội nghiệp con nhỏ mới lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng nó tử trận. Chồng mất rồi mới biết mình có thai và sau đó sinh ra một bé gái, nó lập bàn thờ chồng và ở vậy nuôi con cho đến ngày nay. Nghe cảm động và ngưỡng mộ quá, anh em bèn hỏi:

    – Hiện nay cô ấy đang làm gì ở đâu Bố?

    – Cô giáo Lan dạy học ở quê vợ tau từ trước tới giờ.

    Đang rít một bi thuốc lào, ém hơi chờ nhả khói, anh bạn thuận tay trái bỏ dựng đứng điếu cày, chống tay lên, mặt mày xanh mét y như người say thuốc lào. Bình thường, khỏe như anh có khi phải hai bi mới đã điếu. Giọng nói hơi lạc đi.

    – Võ Thị Lan ở Sông Vệ phải không Bố?

    – Ừ, sao mi biết?

    Hồi mới còn là Thiếu úy ở Quảng Ngãi, anh theo đơn vị hành quân thường hay qua lại những bến đò ngang sông Vệ. Rồi một hôm tình cờ anh gặp cô giáo Lan là người có nhan sắc trong vùng, vừa đi dạy vừa phụ giúp mẹ có quán nước và bán thêm một ít đồ chạp phô ở gần bờ sông. Trong đơn vị có người quen giới thiệu, tới lui nhiều lần rồi dính luôn. Đơn vị đứng ra tổ chức “đám cưới nhà binh” chỉ có cô dâu chú rể và anh em cùng đơn vị tại hậu cứ của tiểu đoàn. Chưa tròn năm, trận Mậu Thân xảy ra anh bị thương và bị địch bắt, đơn vị báo cáo mất tích và anh em cùng đại đội báo riêng cho gia đình biết là chắc chết vì bị phi pháo của ta truy kích. Nhưng anh đã sống sót trở về và âm thầm chuyển đi nơi khác.

    Thế rồi vào một buổi sáng trời vừa tạnh mưa, anh em đang ngồi chờ thăm nuôi, kẻ có người không, trễ hẹn là chuyện thường. “Bố già” được gọi ra nhà thăm nuôi cùng lúc với anh bạn thuận tay trái. Có khi gần tám năm rồi anh chưa được một lần thăm nuôi. Anh em rất vui khi thấy anh đi sóng đôi với Bố ra nhà thăm nuôi. Đây là một kỳ tích của “Bố già.”

    Hôm ấy cuối tuần có đông tù nhân được thăm nuôi, anh em nhường chỗ cho vợ chồng “Bố già” chọn đầu dãy bàn ở gần góc nhà, khuất tầm nhìn của cán bộ đang bắt ghế ngồi ở ngoài cửa ra vào. Chưa ngồi xuống, anh bạn thuận tay trái đã nhũn người muốn đổ xuống ghế. Đứng bên cạnh vợ “Bố già” là người đàn bà trung niên khẳng khiu mặc chiếc áo bà ba màu mỡ gà với khuôn mặt sạm nắng nhưng có nét, đôi mắt to đen lay láy đang tràn đầy nước mắt.

    – Anh Mai, anh còn sống…

    Anh ngồi xuống gật đầu ứa nước mắt vói tay qua dãy bàn nắm lấy tay “người ấy” mà tưởng chừng như còn xa xôi lắm…

    Tối hôm đó, bàn đèn của đội lao động nông nghiệp ngoài thuốc lào, trà đậm còn có thêm một ít kẹo gương Quảng Ngãi. Chuyện như “châu hoàn hợp phố” gây nhiều xúc cảm khiến buổi chiếu phim anh em ngồi đầy mấy sạp, máy chiếu hơi bị rè và ngắt quãng vì không quen kể và cảm động. “Bố già” ngồi bên kia sạp xi măng thỉnh thoảng quay qua chen vào.

    – Cái tưởng là của mình có khi không phải là của mình. Còn cái mà mình bỏ đi, tưởng không phải là của mình đôi khi chính lại là của mình.

    – Con rơi con rớt hả Bố?

    – Già rồi mới thấm.

    Thời gian qua nhanh, thăm nuôi mấy lượt, đường đi Quảng Ngãi-Hàm Tân không còn xa nữa. Vợ chồng con gái trùng phùng. Cô giáo Lan ngày càng mượt mà, sắc diện tươi tỉnh, vui mừng vô hạn. Mười mấy năm qua tưởng đâu đã mất, ai ngờ người vẫn còn đây, còn có ngày nầy.

    Đến cuối năm, trại có đợt thả tù nhân hằng mấy trăm người, gần hết lán trại. Lại đúng đợt thăm nuôi vào dịp gần Tết nên thân nhân đều nán ở lại nhà thăm nuôi vài ngày chờ làm xong thủ tục để cùng về. Không khí thật rộn rịp, tràn đầy niềm vui, nhất là cánh tù nhân trẻ.

    Chúng tôi ra khỏi trại vào buổi chiều, anh em cùng nhau đến xóm nhỏ trước cổng trại ghé vào quán nước bên đường. Riêng anh chị Mai Lan từ giã sớm ra đón xe đò để về Sông Vệ cho kịp Tết.

    Thấy hai anh chị nắm tay nhau dìu lên xe, bất giác một anh bạn nhớ lại chuyến xe lửa xuôi Nam hồi hai năm trước buột miệng lên tiếng.

    – Tự do rồi muốn nắm tay nào cũng được. Tình yêu đâu cần trái, phải.

    Nghe thế cả bọn cười vang. Ngoài kia gió Xuân đang về.


    Source:https://saigonnhonews.com/muon-neo-d...cu-chieu-xuan/

  • #2
    Ông giáo sáng mắt muộn

    Trần Bạch Thu



    Khi chấm dứt chiến tranh năm 75 ông giáo Quờn làm đơn xin trở về nguyên quán ở kênh Mười Hai cách Cai Lậy chừng 12 cây số trên đường đi Mộc Hóa. Nhà cửa ruộng vườn vẫn còn nguyên do người em trông coi và chăm sóc trong mấy năm chiến tranh khi ông tản cư ra chợ.
    Thay vì tiếp tục dạy học ở chợ quận, ông lại xin thuyên chuyển về trường tiểu học Mỹ Hạnh Trung cho gần nhà. Vợ và các con vẫn còn ở ngoài thị trấn Cai Lậy như trước vì mấy đứa nhỏ đã quen sinh hoạt ở chợ nên không muốn về quê. Hơn nữa từ Cai Lậy về nhà cũng gần, đường lộ tráng nhựa rất dễ đi.
    Trước đây muốn về nhà phải qua đò ngang ở chợ rất bất tiện. Nay chính quyền đã cho bắc một cây cầu sắt ngang kênh nên giao thương rất dễ dàng, xuống tận các xã giáp ranh vùng nước trũng phèn trong miệt Đồng Tháp. Dọc theo hai bên bờ cạnh cây cầu sắt, nhà cửa mọc lên san sát. Chợ mới xây đối diện với bến đò, sinh hoạt rất nhộn nhịp sầm uất. Ghe xuồng tấp nập ngày đêm.

    Ngoài công việc dạy học ở trường ông giáo còn chăm lo việc đồng áng. Thóc lúa vụ đầu trúng đậm. Sau đó một thời gian, bà giáo thấy mọi việc đều khấm khá bèn dẫn hết mấy đứa con nhỏ về lại chợ kênh Mười Hai cất một ngôi nhà gần cây cầu sắt, mở tiệm mua bán đồ hàng xén. Nhờ mọi người ở đây đều quen biết với ông giáo nên cửa tiệm ngày càng đông khách.
    Ông giáo sinh ra và lớn lên ở làng quê Mỹ Hạnh Trung từ thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ rất hiếm người đi học, nghèo đã đành, còn giàu có thì con cái lại sống sung sướng như công tử, học hành chi cho cực thân. Thậm chí chính quyền thuộc địa kiểm kê dân số bắt buộc địa phương phải có người đi học thì các gia đình đại điền chủ lại thuê người đi học thế. Ông thuộc gia đình nghèo khó nên cha mẹ thuận theo giao ước của chủ điền cho con đi học thế, để được miễn tô 20 giạ lúa hằng năm.

    Minh họa: Pixabay

    Chi phí ăn học do chủ điền lo, kể cả áo quần và tiền bút mực, sách vở. Thỉnh thoảng còn trợ cấp gạo và ít khô mắm để cho đứa nhỏ hăng hái mà học hành. Cho đến khi thi đậu được bằng tiểu học và ra đời làm nghề giáo hơn 20 năm nay. Ông dạy chỉ duy nhất ở một trường Tiểu Học Cai Lậy và thường hay đi lại bằng chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ có từ thời xa xưa.
    Ông dạy học bấy nhiêu năm thì chiếc xe đạp cũng từng ấy tuổi. Hình ảnh một người trung niên cỡi chiếc xe đạp đòn dông màu đen hiệu en-xông (Alcyon) có túi dết bằng da sờn mép cong queo đựng sách vở, cột phía sau ba-ga là hình ảnh quen thuộc của một ông thầy giáo làng đã ăn sâu vào trong trí tưởng của nhiều lớp học sinh Cai Lậy thuở trước năm 1975.
    Ông thường hay nhắc lại chuyện cũ năm xưa, đi học thế cho con nhà giàu, để dạy dỗ con cái rằng chỉ có “vất vả, nghèo khổ, chịu khó học hành mới nên người.”

    Gia đình ông không có ai tham gia chế độ cũ và được xếp vào loại “gia đình trong sạch” có nghĩa là ưu tiên chỉ sau những gia đình có công với cách mạng cho nên cũng không có sự phân biệt đối xử khắc nghiệt nào đến độ phải kêu ca hay ta thán mỗi khi có đơn xin xác minh lý lịch để đi học hay làm ăn mua bán. Trong thời chiến tranh chỉ vì sợ gia đình bị trúng bom đạn nên tản cư ra chợ cho yên thân. Nhân nghĩa tại tâm. Ông không theo phe nào. Vậy thôi.
    Đến năm chính quyền thi hành chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, tất cả các hộ nông dân đều phải vào hợp tác xã. Nhất nhất mọi ngành nghề mưu sinh đều sinh hoạt giống nhau với danh xưng là “hợp tác xã” đủ loại từ mua bán, cơ khí, xây cất cho đến tận các tổ hợp gia công, đan lát…v…v… Gia đình ông tham gia và cổ võ mọi người tích cực ủng hộ.
    Ban đầu cũng phát động rầm rộ, tuy huê lợi có kém đi, nhưng mọi người ai nấy cũng nghĩ hòa bình rồi thì từ từ mọi việc cũng sẽ khá hơn. Nhưng lâu dần hoạt động ngày càng suy yếu không phải vì bất hợp tác hay lao động kém mà là vì những người thuộc bộ phận chính quyền hay những người theo đuôi hô hào đã dở không làm gì cả, mà càng ngày lại càng giàu có, nhà ngói khang trang xây cất ở những khu đắc địa, trong khi người dân thì càng lúc càng khó khăn hơn, thậm chí có ruộng và làm cật lực mà vẫn thiếu ăn. Ngành nghề gì thu nhập cũng kém cỏi.
    Chưa bao giờ có cảnh công nhân lao động và giáo viên tập trung xếp hàng lãnh lương thực theo tem phiếu hàng tháng, tính theo đầu người chỉ có hơn chục ký gạo và thịt heo xẻ ra chia từng kí lô. Vải vóc phát phiếu được mua vài mét một năm… Nhìn quang cảnh chia chác hàng tháng ở trường mà ông giáo thật là ngán ngẩm. “Không biết họ làm ăn, tính toán ra sao?
    Cho đến khi chiến tranh lan tràn qua bên Miên, trai tráng trong làng bị bắt đi nghĩa vụ qua bên đó chết và bị thương rất nhiều, thì tình hình lại càng khó khăn hơn. Có nguy cơ chết đói đến nơi. Đã thế công an còn hoạnh hoẹ, kiểm tra bắt bớ những người đi luôn lẻ vài ba túi gạo hay ít kí lô thịt lậu. Có khi chỉ là đi tiếp tế cho con cái đang sống ở thành phố.
    Trong khi đó cũng có nhiều người bất mãn, sống không nổi bèn tìm kiếm cách vượt biển vượt biên mà đa số là dân chúng thuộc vùng quốc gia kiểm soát trước đây. Chính quyền phát loa hằng ngày ở chợ kết tội họ thuộc thành phần phản quốc. Công an khám xét từng nhà trong xã để kiểm kê những người vắng mặt và nêu rõ tên tuổi, buộc các chủ hộ phải làm tờ trình báo cáo lý do vắng mặt. Chính quyền còn răn đe, dọa là sẽ xử án thật nặng nếu bị bắt.
    Sau đó ít năm, trong xã số người đi vượt biên mất tích không biết là bao nhiêu, nhưng số người bị bắt lại rất nhiều và thân nhân xin đi thăm tù vượt biển vượt biên đã thành phong trào. “Con nuôi cá hay má nuôi con.” Hình như gia đình nào cũng có người liên hệ đến thành phần “phản quốc” nầy. Ban đầu còn lên án sỉ nhục nhưng rồi dần dần sau đó lắng xuống vì công an cũng dính dáng đến các tổ chức đưa người vượt biên trái phép. Chuyến đi nào trót lọt cũng có công an bảo kê.

    Minh họa: Pixabay

    Tình hình bớt căng thẳng hơn kể từ khi Năm Phương vượt biên thành công, và sau đó hàng tháng người nhà đều nhận được công khai những thùng quà có giá trị ngang bằng với trúng mùa ba công lúa ruộng, thì cả khu chợ mới nầy gia đình nào cũng dò hỏi đường dây vượt biên vượt biển ở đâu mà Năm Phương đi lọt. Chợ kênh Mười Hai lúc bấy giờ lại nổi lên nhiều quán cà phê không có bảng hiệu gọi là cà phê “chui” chủ yếu là phục vụ khách vãng lai. Xì xầm cũng truyền tai nhau toàn là chuyện vượt biên.

    Từ chợ kênh Mười Hai đi tàu đò qua Miên chỉ độ hơn bốn tiếng đồng hồ. Dân đi buôn lậu qua lại hàng ngày tương đối rất dễ dàng. Chợ trời biên giới hoạt động rất thịnh hành với các mặt hàng chủ yếu lúc bấy giờ là thuốc Tây, vải vóc và thuốc lá. Thỉnh thoảng cũng có lưa thưa một số người ban đầu đi buôn lậu sau đó mất tích luôn cho tới khi tới được trại tỵ nạn Thái Lan thì mới có tin về là còn sống và đang chờ đi Mỹ.
    Rồi có một hôm, cô con gái thứ của ông đang là giáo viên ở Mỹ Tho chưa lập gia đình, về nhà xin tiền vàng để tham gia chuyến vượt biên, do người bạn dạy học cùng trường tổ chức. Ban đầu ông còn lưỡng lự, không phải vì không có tiền. Lý do chính là đi đâu, ở đâu sao bằng quê hương “ở ngay dưới chân mình.” Ông vẫn thường hay nói vậy với mọi người, còn bây giờ đến lượt là người trong gia đình muốn vượt biên, ông bèn nói tránh đi bằng cách khác:
    – Đã lớn tuổi rồi đi nước ngoài có học hành làm được việc gì đâu?
    – Sang bên đó để có cuộc sống bình thường Ba ạ.
    – Ở đây làm thầy không muốn lại muốn đi làm thợ.
    Nhưng bà giáo lại đồng ý và còn khuyến khích con gái nên cẩn thận xem đường dây vượt biên có an toàn hay không mà thôi. Bà giấu ông về việc cầm thế căn nhà ở chợ kênh Mười Hai cho đứa con nộp vàng đi vượt biên.
    May mắn chuyến đi trót lọt và có thư về là đã đến đảo tị nạn chờ thanh lọc để đi Mỹ hay bất cứ một quốc gia thứ ba nào cũng được.
    Trước đây chuyện vượt biên vượt biển còn giấu kín chỉ to nhỏ đồn đại với nhau thôi, nhưng kể từ khi có chương trình đi Mỹ thuộc diện bão lãnh ODP thì công khai, kể cả công an cũng đều vui vẻ làm ăn, vòi vĩnh chút tiền khi cần giấy tờ xác minh hay hộ khẩu địa phương. Nhưng rộ lên nhất là từ khi có chương trình HO tất cả đã trở thành phong trào đua nhau đi Mỹ rầm rộ và ồ ạt.
    Đặc biệt nhất là những tay “cò mồi xuất ngoại” làm dấy lên phong trào mua con lai để làm hồ sơ đi Mỹ theo diện con lai lan rộng khắp nơi. Họ môi giới lập hồ sơ đủ loại có bộ phận dịch vụ “tận ngoài Hà Nội” lo trót lọt. Hết con lai rồi tới vụ ghép con nuôi với các gia đình đi diện HO. Hôn thú giả, thiệt tràn đồng, kể cả giấy ra trại cải tạo đủ ba năm thiệt hay giả họ đều có cả từ khắp nơi trên miền Nam. Giá cả mua được tương đối cũng rẻ hơn giá vàng đóng để đi vượt biên lúc trước.
    Đến khi bắt đầu có Việt kiều ở Mỹ về thì quà cáp và đô la tuôn về tận làng quê hàng tháng như nước đổ. Nhà nào có người đi Mỹ thì bất luận trước đây làm nghề gì và sinh hoạt khó khăn đến mấy cũng phất lên, như những năm thời Cộng Hòa khi lính Mỹ vừa mới sang đây. “Mỹ đi rồi Mỹ lại về.” Sinh hoạt mua bán trao đổi hàng ngoại rất thịnh hành ở chợ hay ở những địa điểm nào mà gia đình có nhiều người ở Mỹ.
    Bẵng đi một thời gian, cô con gái của ông giáo cũng đã đến nước Mỹ và có công ăn việc làm trong một xưởng đóng đồ hộp trái cây. Cô lập gia đình với người bản xứ. Dĩ nhiên là cô có đủ tiền để gởi về cho gia đình, chẳng những chuộc lại căn nhà cũ mà còn mua thêm vài căn phố ở chợ.

    Nhưng bà giáo không cần, chỉ mong con gái bảo lãnh cho cả gia đình kẻ trước người sau được đi Mỹ để lo tương lai cho các con cháu. Cô con gái hứa là tất cả gia đình sẽ đoàn tụ ở Mỹ. Riêng ông giáo không chịu nộp đơn và nhất quyết bám trụ ở lại quê nhà.

    Minh họa: Pixabay

    Vì có thân nhân vượt biên sống ở nước ngoài nên ông bị cho nghỉ việc ngang xương, có nghĩa là không được lãnh tiền hưu theo chánh sách. Ông cũng không buồn và vẫn luôn tin rằng rồi ra mọi sự cũng sẽ đổi thay tốt đẹp. Nói không theo phe nào là ngoài mặt, chứ trong lòng ông lúc nào cũng nghiêng về phía Việt Minh từ thời trước và Cộng sản sau nầy.
    Lịch sử đất Cai Lậy nầy ông biết rất rõ từ thời Hai Oanh cho đến Chín Kiên theo Việt Minh bị bắt đày đi Côn Đảo và chết rũ trong tù. Các con của Chín Kiên cả nhà đều theo Mặt trận giải phóng là Năm Khinh, Bảy Cát, Thanh Tâm đều là liệt sĩ thiệt mạng trong chiến tranh. Cùng là con nhà nghèo với nhau nên ông giáo giao du thân tình với gia đình Chín Kiên. Những năm sau hòa bình 54, Năm Khinh còn ra chợ Cai Lậy lợp nhà cho ông rồi khi Mặt trận nổi lên, hắn ta đi theo và sau nầy trở thành cấp chỉ huy Huyện đội Cai Lậy. Năm Khinh chết rất sớm trong những năm đầu thập niên 1960.
    Nói chung là ông sống ở vùng quốc gia kiểm soát và làm việc hưởng lương chính phủ quốc gia nhưng tư tưởng lại có cảm tình với Cộng sản. Ông không theo hẳn phía nào là thật vì trong lòng luôn mong sẽ có một ngày hòa bình thống nhất đất nước, dù là Cộng hòa hay Cộng sản. Cho nên ông rất vui mừng khi thấy “hòa bình được lập lại” năm 1975. Ông tham gia và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của chính quyền mới.
    Thế rồi kể từ sau khi bị cho nghỉ dạy, ông giáo trở về căn nhà cũ canh tác ba công ruộng lúa. Lúc bấy giờ chợ kênh Mười Hai cũng bắt đầu dỡ phá, xây dựng lại lớn hơn và giải tỏa toàn bộ khu vực xung quanh cho đến tận bờ kinh để “lên phố” thành thị trấn. Căn nhà sát bờ kênh, bên cạnh cầu sắt ông cất hồi mới trở về quê bị phá dở và nếu muốn thì đóng tiền trị giá năm lượng vàng để được cấp một căn phố mới ở chợ, hoặc được đền bù tiền theo thời giá lúc bấy giờ. Ông có trình bày hoàn cảnh già yếu neo đơn và được trả lời là chờ cứu xét.
    Ông chờ mấy năm mà cũng không đi đến đâu, cho đến khi xã thông báo là nhà ông thuộc diện đền bù. Lúc trước còn là công nhân viên chức ông được miễn các khoản đóng góp ở địa phương. Nay thì ông phải đóng đủ mọi loại tiền, ngoài tiền thuế hằng năm còn thêm phần tự quản tại xã như sửa chữa đường xá, tiền thuê lao động xã hội chủ nghĩa… Nhưng đau buồn nhất là căn nhà ở chợ được đền bù với giá không đúng với thời giá. Đặc biệt là các căn phố mới xây đều do các viên chức chính quyền làm chủ hoặc sang nhượng lại cho người ở các nơi khác về làm chủ lấy tiền chênh lệch giá.
    Tự trong thâm tâm ông rất buồn khi không còn được ai kính trọng hay ít ra cũng nể nang như người cố cựu ở xứ sở nầy. Câu nói làm ông đau nhói lòng là thời bây giờ sự kính trọng chỉ đặt trên căn bản tiền và quyền thế. Ông như người hết thời nói không ai nghe.
    Mới đó mà cũng đã gần 20 năm. Từ một khu dân cư hiền hòa, làng xóm yên bình nay trở thành khu phố thị đông đúc, người mới đến đem theo đủ thứ tệ nạn. Xã hội ngày càng nhiễu nhương, cướp bóc hoành hành. Mọi giá trị đạo đức không còn chuẩn mực nào nữa. Ăn nhậu khắp mọi nơi, tụ điểm ăn chơi trác táng mọc lên như nấm. Thuần phong mỹ tục không còn ai quan tâm. Bọn cường hào ác bá cấu kết với côn đồ xã hội đen lộng hành hơn cả thời Pháp thuộc. Càng lúc ông càng thấy không còn hy vọng gì để thay đổi hay đóng góp được gì nữa cả.
    Cho đến khi chính quyền xã phát động chương trình “Việt kiều yêu nước” đóng góp xây dựng xứ sở giàu đẹp và trợ giúp các tổ chức nhân đạo ở xã, thì ông là người được khuyến cáo tham gia đầu tiên. Ông từ chối, viện lý do thu nhập kém. Cán bộ giải thích:
    – Bác có thể hứa đóng góp theo mức qui định và xã sẽ thu hằng tháng.
    – Làm gì ra tiền mà đóng.
    – Bác thuộc diện có thân nhân đông đảo ở nước ngoài.
    Ông giáo im lặng và sau đó chính Bí thư xã đến vận động khéo hơn. “Chỉ là tự nguyện tham gia ủng hộ bao nhiêu cũng được, giống như thời chống Mỹ cứu nước vậy thôi. Tình hình nói chung là xã đang cố gắng phấn đấu để được công nhận là Thị trấn tiên tiến.” Nghe tới đó, ông nghĩ thầm chỉ có căn nhà hai tầng bên kia sông của ông bí thư xã là xứng đáng trở thành dinh thự ở Thị trấn tiên tiến kênh Mười Hai nầy. Thời Pháp thuộc Dinh quận Cai Lậy cũng không bằng.
    Thêm vào đó gia đình bà giáo cùng các con ở bên Mỹ sống yên ổn, làm ăn bình thường và học hành tiến triển khả quan. Thơ từ, hình ảnh là bằng chứng làm ông nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần. Đến khi nhìn thấy qua ảnh chụp đứa con trai út của ông tốt nghiệp kỹ sư đàng hoàng danh giá thì ông không còn gì để luyến tiếc nữa bèn âm thầm nộp đơn xin đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Vì mở lại hồ sơ cũ nên mất nhiều thời gian xác minh.
    Ông giáo mòn mỏi chờ đi Mỹ cho tới khi mắt càng ngày càng mờ dần và chừng hai năm sau, khi có giấy gọi đi phỏng vấn thì đôi mắt ông đã không còn thấy đường. Ông đi diện đoàn tụ gia đình nên khi lên phái đoàn Mỹ phỏng vấn họ không có hỏi câu nào cả và cho ông đậu ngon lành. Về xứ, chính quyền và công an xã hỏi ông “đi Mỹ để làm gì.” Ông trả lời:
    – Đi Mỹ mổ cườm cho sáng mắt.
    Ông giáo tiếc là không đi sớm hơn vì có khi không còn kịp để chữa trị.

    Source:https://saigonnhonews.com/van-hoa-va...sang-mat-muon/






    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X