Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tìm Con Đường Sống

Collapse
X

Tìm Con Đường Sống

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tìm Con Đường Sống

    Tìm Con Đường Sống
    Trần Nhật Kim





    Tôi suy nghĩ nhiều về lời nhắn của vợ tôi. Nàng cần một thư với nội dung tôi “chấp nhận cho vợ con tôi xuất ngoại” với chữ ký của cán bộ và dấu đỏ của cơ quan, để bổ túc hồ sơ xin xuất cảnh đã nộp cho văn phòng Sở Ngoại vụ. Chuyện là, gia đình tôi được người chị vợ là công dân Hoa Kỳ đứng tên bảo lãnh theo diện anh chị em với mẫu I-130. Vì vậy, chúng tôi phải bổ túc để hoàn tất hồ sơ bảo lãnh tại Sài Gòn, trong đó theo yêu cầu của Sở Ngoại Vụ (Đường Nguyễn Du, Sài Gòn), gia đình tôi phải nộp một thư là tôi thỏa thuận cho vợ con tôi xuất ngoại. Một việc làm rất khó thực hiện vào lúc này, vì tôi đang ở trong trại tù cải tạo.

    Cách đây không lâu, khi đội 16 phụ trách hoàn tất mái bằng trộn sỏi của khu kiên giam mới, nhóm chúng tôi có 3 người gồm anh Cẩm, anh Hương và tôi. Khi cán bộ biết chuyện vợ con anh Cẩm đã thoát khỏi Sài Gòn trước ngày 30-4-1975, hắn không tiếc lời xỉ nhục, nào là: “bán vợ đợ con cho ngoại bang, ăn cơm thừa bơ cặn của Đế quốc”… Từ đó anh Cẩm được cán bộ đặc biệt lưu tâm. Tôi không dám hé môi. Nhưng phải tìm cách nào, vì vợ tôi hẹn sẽ ra thăm và lấy thư vào lần “thăm nuôi” tới đây.

    *****

    Tôi tới văn phòng lấy cung khi hắn, mà sau này tôi biết tên là Phan Văn Ri là cán bộ thứ 6 hỏi cung tôi, đang lau chùi chiếc xe Honda nữ, một tài sản khá quan trọng vào thời điểm này. Hắn hất hàm bảo tôi:
    - “Anh vào trong đợi tôi”.

    Hắn vào chỉ một chiếc ghế đẩu cao cách bàn hắn hơn 1 thước và cách xa bức tường phía sau lưng. Tôi phải ngồi trong tư thế không chỗ tựa lưng, chân không chấm đất để trả lời các câu hắn hỏi. Tôi cảm thấy mệt mỏi sau nhiều giờ cung khai. Bất chợt tôi thấy hắn ngưng viết nên cũng ngưng trả lời. Hắn đột nhiên lớn tiếng:

    - “Sao anh không nói tiếp.”
    - “Tôi ngừng nói vì sợ anh viết không kịp.”

    Hắn nổi giận đập bàn:

    - “Anh cứ tiếp tục nói. Còn tôi viết theo ý của tôi.”
    - “Như thế còn gì là bản khai trung thực. Nếu anh viết theo ý anh thì cần gì lời khai của tôi.”

    Hắn nổi nóng thật sự, với vẻ mặt giận dữ:
    - “Anh cung khai như một lời biện hộ. Anh vô tội. Nhà Nước vô cớ bắt anh vào đây.”

    Tôi cũng hơi nóng mặt nên bảo hắn:
    - “Tôi bắt đầu nói còn anh viết gì tùy ý anh.”

    Hắn tức giận đứng bật dậy, chỉ tay vào mặt tôi:

    -“ Anh là một thứ cặn bã, một thứ tay sai của đế quốc. Đảng đã khoan hồng không giết, các anh lại quay ra phá hoại. Chỉ với tội này anh đã đi cải tạo lâu rồi. Hơn nữa anh là một thứ CIA nằm vùng, cài người ở thế chiến đấu trường kỳ. Anh cứ đi cải tạo, khi có đủ chứng cớ anh sẽ trở về đây làm việc tiếp tục.”

    Khi đưa bản cung để tôi ký tên, tôi đòi sửa vài chỗ vì không đúng với lời khai càng làm hắn tức giận. Tôi thấy bên lề bản cung có chữ CIA thật lớn chiếm trọn 3 dòng kẻ với dấu hỏi tiếp theo, được tô đậm nhiều lần bằng bút chì mầu đỏ như thể hiện lòng căm thù tận xương tủy, một thứ “xuất quỷ nhập thần”, có mặt khắp nơi khiến họ bị ám ảnh vừa sợ hãi vừa căm hận. Tất cả cũng chỉ là đi đúng đường lối của đảng CS trong giai đoạn thi đua thành tích “bắt lầm hơn bỏ sót”. Tôi được họ chụp cho chiếc mũ là người quan trọng “Đầu não phản động” khi phong trào chống cộng tại Sài Gòn ngày một gia tăng. Người miền Nam không chấp nhận chế độ cộng sản độc tài vì quen sống trong không khí Tự do, Dân chủ.

    Tôi trở về căn phòng kỷ luật cũ, nhận lại chiếc còng tay và vòng xích chân. Sau vài ngày nghỉ ngơi tôi tiếp tục đi lấy cung. Tập hồ sơ của tôi ngày càng dầy. Lâu ngày trong tù, tôi nhận ra một điều là không có gì phải sợ hãi. Không cung khai thì tội cũng đã thành lập.

    Khi gặp Hai Tiến tôi biết mình đã gặp một thứ thiệt, không phải loại cắc ké kỳ đà mà tôi đã gặp trước đây. Trông hắn khoảng trên 40 mươi, trắng trẻo, cao ráo, nét mặt và lời nói chứng tỏ có học thức. Hắn chỉ chiếc ghế tựa lưng trước bàn giấy. Hắn hỏi:

    - “Anh có uống nước trà không. Chắc lâu rồi anh chưa uống, vì nhà bếp chỉ có điều kiện cung cấp nước đun sôi.”

    Không đợi tôi trả lời, hắn tự ý rót ra một cốc trà nóng từ chiếc bình thủy đặt trên chiếc bàn nhỏ phía sau lưng, để lên bàn trước mặt tôi.

    Tôi mở lời cám ơn hắn. Tôi phải uống ly trà này để lấy lại bình tĩnh.

    Hắn hỏi lan man khi tôi còn ở ngoài Bắc và sau này ở trong Nam, làm công việc gì, nhất là hoạt động của tôi sau ngày 30-4-1975. Hắn tiếp tục hỏi giọng thật đầm ấm, không dữ dằn, không tỏ thái độ trước câu trả lời của tôi. Tôi tự nhủ đây đúng là một tay tổ, một kẻ giết người chưa chắc đã đổi sắc mặt. Tôi hiểu hắn đã đọc kỹ lời khai của tôi trong thời gian vừa qua. Một cuộc đối thoại không giống như hỏi cung nhưng cực kỳ nguy hiểm.

    Hắn liếc nhìn hai cổ tay của tôi, vòng còng còn in dấu đỏ hỏn, như vết bỏng vừa lột lớp da mỏng, nhất là khi tôi cầm ly nước bằng hai bàn tay áp lại, trừ ngón cái và ngón trỏ cử động ngượng nghịu, còn những ngón tay khác duỗi thẳng ngay đơ.

    Bất chợt hắn nói:

    -“ Anh ở kỷ luật đã khá lâu, lâu hơn nhu cầu của chúng tôi. Anh cần ra tập thể, một nơi có đủ ánh sáng và sinh hoạt bình thường để anh không bệnh tật.”
    -“ Cám ơn ý tốt của anh, đã là nhà tù thì ở đâu cũng vậy thôi.”

    Hắn không có phản ứng nào trước câu trả lời ngang bướng của tôi, tay dở tập hồ sơ, nói:

    - “Hôm nay gặp anh, tôi mới tin lời anh em báo cáo anh là một người ngoan cố, không thành thật khai báo về hoạt động của các anh. Theo như lời cung và ý kiến của các cán bộ Chấp pháp, anh can hai tội:

    - “Xử dụng chiến tranh nhân dân chống lại cách mạng”.
    - “Là một CIA nằm vùng để cài người trong thế chiến đấu trường kỳ”.

    - “Quả thực chúng tôi thiếu khả năng để khai thác. Tôi sẽ gửi anh tới nơi có đủ phương tiện hơn ở đây”.

    Tôi hiểu chẳng riêng cá nhân hắn chụp cho tôi cái mũ CIA nằm vùng mà tất cả những tên trước hắn đã ghi chữ này trên lề tập hồ sơ và tiếp tục tô thêm mầu đỏ những dấu hỏi phía sau.

    Đến trại Nam Hà (Hà Nam Ninh), tôi có thêm tội danh mới:

    – “Đầu não tổ chức tuyệt thực”, và
    – “Nhóm đầu não tổ chức toàn tù cải tạo khu B chống đối cán bộ trại, đã hô to khẩu hiệu “Đả đảo cộng sản”.

    Trước khi chúng tôi chuyển trại, Phó trại Nam Hà đã dằn mặt:
    - "Chúng tôi sẽ chuyển các anh đến một nơi quanh năm sương phủ, thiếu ánh nắng mặt trời".

    Sau biến động này, vào 10.30 giờ đêm Giáng Sinh, 24 -12-1977, chúng tôi tay xích tay từng cặp lên xe chở khách, gồm có: Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, các anh Tô Tứ Hướng, Vũ Văn Vang, Nguyễn Tôn Tính, Mai Văn An, Dương Văn lợi, Ngô Đình Thiện, Nguyễn Văn Hà, Trần Phụng Tiên, Mai Ngọc Y, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Đức Khuân, Phạm Văn Thông, Đỗ Duy Hùng, Huỳnh Thế Huỳnh, Phạm Hồng Thọ, Ninh Vệ Vũ, Nguyễn Sĩ Thuyên, Nguyễn Văn Huyền và tôi là người cuối cùng cho đủ số 20.

    Vào nửa đêm, khi đến ngoại ô thành phố Hà Nội anh em yêu cầu Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, người đã cùng chúng tôi chịu chung cảnh tù đầy từ Nam ra Bắc, làm phép lành. Trong xe đột nhiên yên lặng. Tôi nghe rõ từng hơi thở của các bạn hòa nhịp với lời kinh nhè nhẹ thanh thoát. Trong hoàn cảnh này, vào giây phút hiểm nguy này, bất kể Đạo hay Đời, chúng tôi đang ngồi chung một chiếc thuyền. Địa vị, cấp bậc trước đây đã trở thành vô nghĩa, tất cả chỉ còn tình huynh đệ, là tình yêu thương con người mà sự sống và cái chết đã gắn bó với nhau.

    Mặc cho tiếng la hét, đe dọa của đám công an võ trang, lời kinh vẫn trầm bổng, gửi hồn vào chốn thiêng liêng tối thượng. Tôi như nghe rõ tiếng trái tim mình đập trong lồng ngực. Tôi tự hỏi, tại sao những người này lại không khiếp sợ trước bạo lực. Phải có một cái gì mầu nhiệm mà con người hết lòng tin tưởng, vượt qua những hiểm nguy đe dọa.

    Chúng tôi bị đầy lên trại Quyết Tiến (Cổng Trời), Hà Giang để “tự hủy” bằng lao động khổ sai với cái đói, cái lạnh cắt da của vùng biên giới và những căn bệnh hiểm nghèo không thuốc chữa trị nơi rừng thiêng nước độc. Tôi phải trả lời nhiều câu hỏi của Chuẩn úy Hòa, Ban an ninh trại Cổng Trời, về các tội danh nêu trên, mà câu nói cuối cùng của hắn khiến tôi khó biện minh:

    – “Khi phòng 8 các anh chống đối, tuyệt thực, Bộ đã điều toán chúng tôi tới trại để nắm vững tình hình. Tôi biết rất rõ hoạt động của anh, đã đọc kỹ lời phát biểu của anh. Anh hãy an tâm ở đây. Đừng vọng động. Vì đây là nơi thích hợp nhất để anh cải tạo”.

    Khi gặp Thiếu Úy Tố, Ban Giáo dục, tôi được biết rõ hơn về trại này. Một trại có biệt danh là “Trại kỷ luật số 1 của Bộ Công An Hà Nội”, với thành tích “4 năm cầm cờ đỏ”. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi hắn nói:

    – “Các anh được viết thư. Để thư không thất lạc, các anh cần ghi rõ địa chỉ của trại: “Trại Quyết Tiến, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang”. Về sinh hoạt, các anh muốn trốn thì cứ trốn, nhưng tôi cũng lưu ý các anh, chưa có ai trốn thoát khỏi trại này. Trại có hai con đường, đường thứ nhất đã đưa các anh vào trại, còn đường thứ hai là đường lên đồi Bà Then.”

    Tôi ngạc nhiên với danh từ “Đồi Bà Then”, những tưởng phải là một nơi xa xôi kỳ bí, nhưng thực ra đó chỉ là tên một nghĩa trang nằm trên ngọn đồi phía sau trại.

    Và gần đây nhất, Đại úy Bông, Trại Phó trại Thanh Cẩm đã gằn giọng khi tôi lần đầu tiên lãnh gói quà 3kg mà vợ tôi gửi qua bưu điện:
    – “Gia đình anh gửi quà cho anh nhiều vào, anh ăn cho khỏe để chống lại Nhà nước…”

    Các tội danh ghi trong hồ sơ đã theo tôi từ Nam ra Bắc, từ trại tù này đến trại tù cải tạo khác với thành tích cải tạo từ “Kém đến Xấu”, ngày càng dầy hơn. Tôi còn sống đến giờ phút này quả là một may mắn, trong khi có nhiều cái chết oan khiên đã và đang xẩy ra trên mảnh đất miền Nam vừa được mang danh “Giải Phóng”. Lẽ nào tôi có thể mơ ra khỏi trại tù này, khi “án lệnh tập trung cải tạo” như một sợi giây thung kéo dài vô tận. Số phận của tôi đã định, nhưng còn vợ con của tôi, họ phải được sống trong một môi trường tốt đẹp, hơn là một nơi đang hủy diệt đời sống con người vì hận thù với thành kiến là “Vợ Con Ngụy và có chồng, có cha là tù cải tạo”. Tôi suy nghĩ tìm cách để thực hiện ý định này.

    Vào một lần giải lao, tôi gặp cán bộ quản giáo, tôi nói:
    – “Thưa cán bộ, gia đình tôi ở Sài Gòn thiếu thốn quá nên muốn bán căn nhà để lấy tiền nuôi các cháu, nhưng địa phương đòi hỏi phải có giấy chấp thuận của tôi. Tôi sẽ viết đơn xin cán bộ chứng nhận tôi đang cải tạo ở đây, để địa phương không gây khó dễ cho gia đình tôi”.

    Tôi yên lòng khi hắn nói:

    – “Anh viết đơn để tôi chứng nhận cho.”
    – “Xin cán bộ chứng nhận với con dấu của cơ quan để địa phương thêm tin tưởng.”

    Hôm sau tôi đưa hắn đơn xin của tôi viết làm 2 bản trên khổ giấy viết thư trại phát còn lại sau lần kê khai lý lịch cá nhân vừa qua. Phần cuối của tờ đơn tôi viết câu: Tôi đồng ý để vợ tôi tên…hiện cư ngụ tại số…được toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình kể cả sang nhượng tài sản… Tôi xuống hàng, viết: Thanh Cẩm ngày… tháng… năm… và ký tên tôi.

    Hắn đọc xong, ký tên và mang lên cơ quan đóng dấu đỏ. Khi đưa cho tôi 2 tờ đơn, hắn nói:

    – “Anh cần gì thêm cho tôi biết.”
    – “Xin cám ơn cán bộ.”

    Tôi để nguyên hai tờ đơn không viết gì thêm, đề phòng có người đọc được sẽ không phát hiện ý định của tôi. Vào trước ngày thăm nuôi, người bạn phụ trách vệ sinh nhà thăm nuôi cho hay có vợ tôi ra thăm. Như thường lệ tôi sẽ được trại cho phép gặp mặt gia đình trong 30 phút.

    Tôi dậy thật sớm, mặc lại bộ quần áo xanh lao động duy nhất đã bạc mầu vừa giặt tối hôm qua. Mọi người đã đi lao động nên trong phòng không còn ai. Tôi lấy 2 tờ đơn, cẩn thận viết tiếp mấy chữ “và xuất ngoại” vào khoảng trống sau câu “sang nhượng tài sản”. Tôi gấp 2 tờ đơn với thư các bạn nhờ chuyển cho gia đình để trong bao nhựa, gói cẩn thận trước khi dấu dưới lưng quần, áo bà ba phủ kín phía ngoài.

    Vào nhà thăm nuôi, chúng tôi được chỉ định chỗ ngồi. Cán bộ phụ trách nhà thăm nuôi ngồi một đầu phía trong của chiếc bàn dài, còn vợ chồng tôi ngồi đối diện ở giữa bàn, cách cán bộ hơn 1 thước. Nhà tôi đưa cho tôi thư của các cháu và tấm hình của cháu lớn đứng trên gộp đá bên bên bờ nước, phía trước là biển cả mênh mông. Nó mới 13 tuổi, mình trần, mặc chiếc quần đùi, mà sau này tôi mới biết, thuyền cháu đi gặp bão khi tới biển Thái Lan. Cháu may mắn sống sót nhờ ôm một mảnh vỡ của chiếc thuyền nổi trôi trên mặt nước, nên được thuyền đánh cá Thái Lan tới cứu cùng một số nạn nhân còn sống sót. Chiếc áo cháu mặc khi đi có khâu 2 chỉ vàng dưới gấu để cháu làm lộ phí khi tới nơi, đã vuột mất trong lúc vùng vẫy sống còn với cuồng phong của biển cả. Tôi đưa cán bộ kiểm soát thư và hình của các cháu. Nhà tôi chợt nói khi cán bộ xem tấm hình:

    – “Hè vừa rồi con xin phép đi biển Nha Trang với các bạn. Nó năn nỉ mãi em phải chiều ý con, mặc dù chưa cho anh biết.”

    Cán bộ đọc qua thư và xem tấm hình của cháu trai lớn. Tôi hy vọng hắn không phát hiện nội dung của tấm hình, vì biển cả nào vào hình cũng đều giống nhau. Hắn xem xong cho phép tôi giữ. Tôi lướt nhanh mặt sau tấm hình có ghi mờ hàng chữ Chantabury, TL bằng bút chì. Tôi mỉm cười nhận ra cháu đã an toàn tới bến bờ tự do, nên trả lời:

    – “Em có hỏi anh cũng sẽ bằng lòng. Vì ở tuổi của con, chúng cần ra ngoài để học hỏi nhiều điều hay.”

    Thấy cán bộ nhìn đồng hồ, tôi biết thời gian gặp mặt không còn nhiều nên nói với cán bộ:

    – “Xin cán bộ cho phép tôi xuống bếp giúp nhà tôi mang các thức ăn lên.”
    – “Anh chị nhanh lên, sắp hết giờ gặp mặt.”

    Tôi vội theo nhà tôi xuống bếp, lấy thư các bạn gửi và 2 tờ đơn gói sẵn trong bao nhựa đưa cho nhà tôi cất dấu, tôi nói:

    – “Có 2 tờ đơn em cần và em gửi thư các bạn tới gia đình họ giúp anh”. Nhà tôi hiểu ý gật đầu. Chúng tôi ôm nhau thật lâu, cố tận hưởng những giây phút gần gũi quý báu đã xa vắng 5 năm. Sau khi mang các thức ăn lên gần bàn thăm nuôi, nhà tôi nói:
    – “Chắc từ sáng đến giờ anh chưa ăn gì, để em lấy vài món anh ăn trước khi vào trại”.

    Cán bộ chợt nói:
    - “Hết giờ gặp mặt rồi, anh vào trại ăn cũng được.”

    Nhà tôi bật khóc. Xin cán bộ cho phép gặp mặt thêm vài phút nữa mà không được.

    Khi lên tới bậc tam cấp bước lên đường, tôi nắm tay nhà tôi thầm nói một lời tạm biệt trong lúc nhà tôi nhạt nhòa nước mắt:

    - “Em hãy giữ sức khỏe, cẩn thận tầu xe trên đường về. Đừng quá lo cho anh. Các con cần em nhiều lắm em nhé. Bảo các con anh thương chúng rất nhiều và chúng hãy chăm chỉ học.”

    Tôi xốc chiếc đòn tre hai đầu buộc 2 bao quà nằm yên vị trí trên vai. Chiếc đòn tre đong đưa khiến bước chân loạng choạng khi tôi bước lên bậc tam cấp lên mặt đường. Nhà tôi vội giữ một đầu đòn tre, nói:

    - “Em nghe nói các anh có xe “cải tiến” (xe ba bánh) mang quà vào trại?”
    - “Hôm nay các xe đều bận vì vào mùa thâu hoạch. Em yên tâm, anh gánh được. Em về nhé. Anh nhớ em và các con rất nhiều.”

    *****

    Tôi ra khỏi trại tù cải tạo Thanh Cẩm, Thanh Hóa vào cuối năm 1981, sau 4 năm ở đây. Như cán bộ Chương nhắc nhở khi chúng tôi rời trại: “Hồ sơ của các anh sẽ chuyển theo về nơi các anh cư ngụ. Địa phương sẽ quản lý các anh”. Chẳng khác nào chúng tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để vào một nhà tù lớn hơn, một nơi có thân nhân của tôi đang sống.

    Tôi phải có mặt tại các buổi học tập của Khu phố một tối vào ngày cuối tuần để hiểu chính sách của đảng và nhà nước, một điều mà tù cải tạo phải làm trong những năm tại trại, nếu có khác trại tù là ở đây dưới sự giám sát của giới chức địa phương. Chúng tôi phải hiện diện tại buổi học tập của Quận, một hình thức điểm danh vì tình trạng vượt biên hay bị bắt trở lại trại tù cải tạo ngày càng gia tăng. Mọi hành động của chúng tôi luôn dưới sự giám sát của công an khu vực.

    Khi biết tôi đã về, Sở Ngoại Vụ đòi nhà tôi phải nộp một bản khai là tôi chấp nhận để vợ con của tôi xuất ngoại. Nhà tôi ngần ngừ vì không muốn để tôi ở lại khi mấy mẹ con ra đi. Tôi nói:

    - “Anh sẽ viết đơn như họ yêu cầu để em và các con có xuất cảnh. Sau đó chúng ta sẽ tính tiếp.”

    Tôi viết đơn với nội dung: “Tôi chấp thuận để vợ con tôi xuất cảnh” theo đòi hỏi của Sở Ngoại Vụ. Sang đầu năm 1983 nhà tôi và 4 cháu mới có xuất cảnh.

    Trong hồ sơ bảo lãnh có tên tôi, nên tôi làm đơn xin xuất cảnh với lý do “Đoàn tụ gia đình”. Trong đơn xin có kèm theo mấy miếng vàng, như cán bộ Sở Ngoại vụ gợi ý, để “Thủ tục đầu tiên” được hoàn tất. Lúc này có cả đường giây từ công an Phường tới Quận và lên cả Sở Ngoại Vụ. Mặc dầu chúng tôi liên hệ trực tiếp với cán bộ Sở Ngoại Vụ, nhưng công an khu vực cũng đánh hơi nhẩy vào ăn có. Hắn đến tận nhà kể công, khi thấy nhà tôi có đeo chiếc nhẫn cưới, hắn cũng đòi lấy. Vợ tôi tháo nhẫn đưa cho hắn, vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nhất là vào giờ phút trước ngày ra đi.

    Nhà tôi và các cháu có lịch trình đi phỏng vấn của Sứ Quán Hoa Kỳ nhưng vì tôi mới có xuất cảnh nên chưa có tên đi phỏng vấn cùng với gia đình. Vào hôm phỏng vấn, nhà tôi và các cháu vào phỏng vấn còn tôi đứng đợi ở ngoài. Sau khi nhà tôi phỏng vấn xong, Phỏng vấn viên xem hồ sơ bảo lãnh có tên tôi, nên hỏi:

    - “Chồng bà đâu?”
    - “Nhà tôi không có giấy mời nên đứng ngoài”.

    - “Bà gọi ông ấy vào”.

    Khi ngồi vào bàn, tôi xin phép Phỏng vấn viên và cô Thông dịch để được trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh. Ông Phỏng vấn mỉm cười nói:

    - “Ông đi cải tạo 6 năm, như vậy là hơn 2,000 ngày. Ông cải tạo ở những đâu?”
    - “Tôi ở trại Phan Đăng Lưu, Sài Gòn trước khi ra Bắc. Khi ra Bắc tôi đã ở các trại Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh đến Quyết Tiến-Cổng Trời thuộc tỉnh Hà Giang và sau cùng là trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh hóa.”

    Ông Phỏng Vấn vui cười hỏi:

    -“Trại Cổng trời còn gọi là Heaven Gate?
    -“Thưa phải.”

    Sau khi tôi trả lời xong những câu hỏi, Phỏng vấn Viên đứng dậy bắt tay tôi và nói:

    - “Chúc mừng ông và gia đình tới Hoa Kỳ.”
    - “Xin cám ơn ông.”

    Chúng tôi được Sở Nhà Đất cấp giấy chứng nhận không có tài sản. Một cửa ải cam go sau cùng trước khi ra đi. Mọi thủ tục cho chuyến đi đã hoàn tất. Công việc cuối cùng là sửa soạn hành trang gọn nhẹ cho chuyến đi xa. Vào một buổi chiều, nghe tiếng gọi ngoài cửa, vòng xích khua nơi cổng sắt, như thường lệ cha tôi ra lấy thư. Ông nói lại, một người giọng nói trọ trẹ đưa thư và nói:

    - “Trần Nhật Kim sáng mai trình diện 44 Huỳnh Quang Tiên (An ninh Nội chính), lý do cho biết sau.”

    Đêm hôm đó cả gia đình tôi mất ngủ. Tôi nói với vợ tôi:

    - “Trần Nhật Kim sáng mai trình diện 44 Huỳnh Quang Tiên (An ninh Nội chính), lý do cho biết
    - “Nếu có chuyện không may xẩy ra cho anh, em hãy đưa các con đi an toàn. Hãy vì tương lai của chúng.”

    Nhà tôi bật khóc, viễn cảnh chia ly một lần nữa lại có thể xẩy ra, như đã xẩy ra nhiều năm trước đây.

    Sáng hôm sau vào đúng giờ hẹn trong giấy mời “làm việc” tôi có mặt tại văn phòng An ninh nội chính. Tôi gặp một cán bộ với vẻ mặt không một chút thiện cảm. Tôi phải trả lời những câu hắn hỏi như một cuộc hỏi cung khiến người đối diện dễ mất bình tĩnh. Sau hơn 2 giờ đối thoại, câu nói cuối cùng của hắn làm tôi nhớ mãi:

    - “Sang Mỹ anh hãy im mồm. Anh nhớ còn gia đình ở đây.”

    Một sự thật trắng trợn được phơi bầy, họ chứng tỏ là người có uy quyền. Tôi nhận ra “Tự Do” dưới chế độ này là thế và “Quyền Sống” của con người trong xã hội này là thế.

    Thấy tôi về với dáng vẻ mệt mỏi, mẹ tôi mắt đẫm lệ, gợi nhớ những giọt nước mắt xót thương khi tôi bị đám công an bao quanh kéo ra khỏi nhà vào tối khuya ngày đầu năm 1976. Giọt nước mắt của Mẹ đã theo tôi suốt năm tháng tôi đi tù cải tạo. Mẹ tôi nắm tay tôi khi nhìn thấy vẻ lo âu hiện trên nét mặt của tôi, Bà nói:

    - “Khi con đi học tập cải tạo, mẹ cầu xin cho con nhanh trở về, còn bây giờ mẹ lại cầu xin cho con mau chóng ra đi.”

    Tôi cảm nhận được sự thống khổ nơi tâm tư của Mẹ. Thật khó có thể so sánh người mẹ, người vợ nào đau khổ, chịu đựng hơn các bà mẹ, những người vợ của thời hiện tại, khi nhìn thấy Hạnh phúc vuột khỏi tầm tay. Khi ra đi tưởng chừng xa mãi mãi, khó có cơ hội gặp lại.

    Chúng tôi thật may mắn, không gặp bất cứ trở ngại nào trước chuyến đi. Hành trang thật gọn gàng, vì còn có gì để mà mang theo. Chúng tôi thuê một chiếc xe chở khách nhỏ, vừa đủ chỗ cho gia đình tôi, 2 cô em và các cháu. Một cuộc đi xa không đưa tiễn ồn ào như những gia đình khác, mà chỉ là sự trốn chạy khỏi cái ác, cái vô nhân của chế độ này.

    Tôi chẳng mấy hân hoan khi vào phòng cách ly của phi trường Tân Sơn Nhất. Liệu tôi có còn cơ hội gặp lại những người thân yêu?

    Khi gia đình tôi tới Mỹ an toàn, tôi nhận được thư của cô em tôi cho hay, mấy ngày sau khi tôi đi, Phường đến nhà cho Bố tôi biết:

    –“Phường vừa nhận lệnh, nếu anh Kim còn ở nhà, chúng tôi sẽ đưa đi tập trung ngay.” “Nỗi vui lớn gấp nhiều lần nỗi sợ, nhưng em thấy tay bố run run khi đóng cổng rào. Ngay lúc này nhóm Mai Văn Hạnh vừa bị bắt.”

    *****

    Căn nhà với những kỷ niệm yêu thương của tôi phút chốc đã biến thành những miếng vàng lá mỏng manh hầu dễ dàng làm “thủ tục đầu tiên” theo đòi hỏi của cán bộ sở Ngoại Vụ. Một lần nữa, chúng tôi theo bước chân những người đi trước. Vào năm 1954, người miền Bắc trốn chạy khỏi cộng sản khi di cư vào Nam với ý nghĩ: “Còn người thì còn của”. Còn bây giờ đến lượt chúng tôi, phải “Bỏ của để chạy lấy người.”

    Bà Ginetta Sagan, một nhà hoạt động Nhân Quyền người Mỹ gốc Ý cùng Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế thay mặt các tù nhân lương tâm, đã nhận định về tình hình Việt Nam sau ngày 30-4-1975: “Nếu cái cột đèn biết đi…”. Chúng tôi phải rời bỏ quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” đến một nơi xa lạ cách nửa vòng quả đất, để nhận nơi đó là quê hương thứ 2 của mình, một nơi mà Quyền Tự Do và Quyền Sống của con người được đặt lên ưu tiên hàng đầu. (1)

    Sau ngày 30-4-1975, một cuộc chiến mang danh là “Giải Phóng Dân Tộc”, đã hiện nguyên hình chỉ là một đám bất hảo cướp của giết người, tự nhận là “Bên thắng cuộc”. Một cuộc Giải phóng khiến một triệu người phải rời bỏ quê hương, không kể tới khoảng nửa triệu người vùi thân dưới lòng biển cả hay chốn rừng sâu trên đường trốn chạy khỏi chế độ cộng sản. (2)

    Một cuộc chiến gây chia rẽ, đọa đầy dân tộc không thể gọi là Giải phóng. Một cuộc chiến gây tổn thất nhân mạng thường dân lên tới 4,000,000, mang thương tật 2,000,000 và nhiễm hóa chất 2,000,000 (theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Không kể 300,000 bộ đội miền Bắc còn ghi nhận mất tích.

    “Bên thắng cuộc” ca ngợi ngày 30-4-1975 là Ngày Đại Thắng đã dấy lên một câu hỏi: “Giải Phóng để làm gì, khi:

    - Pháp chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    - Nhật chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    - Mỹ chiếm Việt Nam không ai vượt biên,
    - Miền Bắc “Giải Phóng” miền Nam có 2,000,000 người vượt biên.

    Một cuộc giải phóng tự nhận là “vô tiền khoáng hậu” của Bên thắng cuộc khiến hàng triệu quân cán chính VNCH phải đi tù cải tạo và đẩy gia đình, thân nhân của họ tới vùng kinh tế mới để cướp nhà cướp của. Hành động “cướp ngày” này được hợp thức hóa bằng Quyết Định mang số 111/CP do Hội Đồng Chính Phủ ban hành tại Hà Nội ngày 14-4-1977 nhắm vào thành phần người miền Nam (3).

    Linh Mục Cao Đức Thuận, người đã cùng tôi chịu chung sự đầy ải, cùng cực từ trại Cổng Trời tới trại Thanh Cẩm, gặp nhau nơi phòng khách của nhà thờ “Cha Long” thuộc Tiểu Bang Maryland, trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Khi tôi tới cửa phòng khách, Ngài ngồi đợi sẵn, đứng dậy đi tới dang rộng đôi tay ôm tôi xúc động:

    – “Anh Kim, chúng ta thật may mắn, đã thoát chết nơi trại Cổng Trời, rồi được về, và bây giờ lại gặp nhau tại Mỹ.”

    Như Linh Mục Cao Đức Thuận tâm sự, “Chúng tôi thật may mắn” không phải vùi thân trên đồi Bà Then tại trại Cổng Trời. Còn về phần tôi, có phải vì “đại hạn 10 năm” của tôi đã chấm dứt, nên một lần nữa, tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc thoát khỏi “án lệnh tập trung”, một bản án “chung thân khổ sai” của bên thắng cuộc dành cho những người chống lại sự tàn bạo, phản bội dân tộc của đảng cộng sản độc tài. Tôi không biết nói gì hơn trong hoàn cảnh này, nên trả lời:

    - “Đó là nhờ Ơn Trên.”

    Trần Nhật Kim

    Chú Thích:
    – Hình chụp trên mạng Internet

    (1) Huy Phương – Nếu cột đèn biết đi

    Bà Ginetta Sagan, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Ý cùng Tổ chức Ân Xá Quốc Tế thay mặt cho các tù nhân lương tâm đã diễn tả thực trạng của dân tộc Việt Nam sau ngày 30-4-1975: “Nếu cái cột đèn biết đi”.

    Nguồn:
    https://nguoivietboston.com/?p=11199

    (2) Viện Chính sách Di Dân: Người Việt tới Hoa Kỳ

    Nguồn:
    https://www.dautumy.us/news/663/nhung-nguoi-nhap-cu-viet-nam-tai-hoa-ky

    (3) Để hợp thức hóa tình trạng cướp đoạt tài sản của người miền Nam sau ngày 30-4-1975, Quyết Định mang số 111/CP do Hội đồng Chính phủ ban hành tại Hà Nội ngày 14-4-1977 nhắm vào thành phần người miền Nam. Đoạn IV có ghi:

    1- Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày giải phóng do chính quyền Mỹ Ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc Ngụy quân Ngụy quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà Nước trực tiếp quản lý.

    2- Nhà cửa đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý:

    – Sĩ quan Ngụy Quân cấp từ Thiếu Tá trở lên.
    – Sĩ quan Cảnh Sát từ cấp Trung úy trở lên.
    – Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của Ngụy Quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.
    – Các phần tử ác ôn, Mật Vụ, Tình Báo, Chiêu Hồi cố tình phản cách mạng…

    Nguồn:
    https://thuvienphapluat.vn/van-ban/B...Nam-40396.aspx


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X