Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ngày tàn cuộc chiến hay là Ngày dài nhất

Collapse
X

Ngày tàn cuộc chiến hay là Ngày dài nhất

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ngày tàn cuộc chiến hay là Ngày dài nhất

    Ngày tàn cuộc chiến
    hay là Ngày dài nhất



    Bảo Định Nguyễn Hữu Chế


    Buổi trưa ngày 29 tháng Tư, năm 1975, phòng tuyến Trảng Bom vỡ, một Tiểu đoàn của Trung đoàn 43 bị tràn ngập, khi Bắc quân tấn công trực diện vào tuyến bố phòng của đơn vị này. Sau nhiều loạt đạn pháo tàn bạo, có tính cách hủy diệt, chúng tấn công bằng biển người, có xe tăng yểm trợ, đó là các loại T-54 và PT-76, nên chẳng mấy chốc, đã đè bẹp sức kháng cự dù rất mãnh liệt của quân trú phòng. Đại úy Thân, Trưởng ban 3/Tiểu đoàn chết tại trận, Tiểu đoàn trưởng bị bắt, quân ta phải lui về Long Bình. Khi vị TĐT bị dẫn đến gặp tên Thủ trưởng E, tức Trung đoàn trưởng của chúng, tên này nói:

    - Anh đã may mắn khi gặp đơn vị tôi, nếu gặp đơn vị kia thì anh đã bị bắn tại chỗ !”

    “Đơn vị kia”, có lẽ là Trung đoàn 266 thuộc Sư 341 của Đại tá Trần Văn Trấn, mũi tấn công chính vào cổng số 1 của Xuân Lộc. Đơn vị này đã bị thiệt hại nặng nề khi gặp chính quân của đối phương đang thua trận đây; hay Trung đoàn 270, bộ đội của đơn vị này bị chết và bị thương rất nhiều, phải bỏ lại tại trận, khi mở cuộc tấn công vào Tiểu đoàn 2/43 tại căn cứ Núi Thị. Tấn công thất bại, lợi dụng đêm tối, tên Sư trưởng Trấn cho lệnh rút ra, di chuyển về Thị xã, tăng viện cho Trung đoàn 266 đang bị bẹp dí, nằm ngoài vòng đai, hứng chịu bom và đạn pháo, không ngóc đầu lên được.

    Sau khi triệt thoái khỏi mặt trận Xuân Lộc vào buổi chiều ngày 20 tháng Tư năm 1975, hầu hết các đơn vị thuộc Sư đoàn 18BB và các đơn vị tăng phái đã về đến Bình Giả, Bà Rịa ngay trong đêm 20 rạng ngày 21. Trên đường lui binh, đã có nhiều cuộc chạm súng, có thiệt hại cho quân bạn, như Đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh PhạmVăn Phúc, bị thương rồi bị bắt, Trung tá Tiểu khu phó tử trận, nhưng tuyệt đại đa số đã về đến điểm hẹn an toàn. Tiểu đoàn 2/43, đơn vị sau cùng rời Xuân Lộc, là đơn vị duy nhất bị thiệt hại nặng nhất, vì đơn vị phải đi xuyên qua những căn cứ địa của Việt Cộng, bây giờ do quân CSBV chiếm giữ, hình như là thuộc Sư 341, là đơn vị mới được thành lập, gồm những đơn vị chủ lực thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh, và Thanh Hóa. Hầu hết bộ đội phát âm giọng Nghệ-Tỉnh, rất khó nghe.

    Kể từ khi xuống núi (Núi Thị) vào lúc 5 giờ sáng ngày 21/4, sau khi qua khỏi Long Giao, đơn vị được lệnh cắt rừng ra hướng Long Thành trên QL15, vì con đường về Bà Rịa theo LTL2 như lệnh hành quân ban hành đã bị Tướng Hoàng Cầm điều động các đơn vị của hắn ra ngăn chặn. Cắt rừng là đi vào vùng đất địch, nên đã chạm súng liên miên. Những cuộc tao ngộ chiến như vậy, dù Tiểu đoàn trưởng ra lệnh phải đoạn chiến ngay, nhưng số thương vong không tránh khỏi, đã không mang theo được. Đây là lần đầu tiên đơn vị rơi vào tình trạng bi đát này. Những kẻ sống sót phải tìm cách thoát khỏi vòng vây. Ngày nghỉ, đêm đi, và cuối cùng, họ cũng ra tới Long Thành để được xe GMC của Sư đoàn bốc về căn cứ Long Bình. Riêng toán quân đi cùng Tiểu đoàn trưởng, có lẽ là toán quân cuối cùng còn thất lạc trong rừng thì được trực thăng bốc vào buổi sáng ngày 25 tháng Tư. Cuộc triệt thoái coi như đã hoàn tất. Vì là đơn vị bị thiệt hại nặng nhất, lại về đến Long Bình sau cùng, nên đơn vị được giao cho một nhiệm vụ khá nhẹ nhàng là bảo vệ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Các đơn vị khác, được điều ra Trảng Bom, Hố Nai, hay ngả ba Vũng Tàu để lập tuyến phòng thủ mới.

    Lúc 1 giờ sáng ngày 28/4, trên tuyến phòng thủ tại Trảng Bom, một trận kịch chiến giữa 1 Trung đoàn CSBV có chiến xa tăng cường và Thiết đoàn 5 Kỵ binh gồm 2 Chi đoàn 1/5 CX và Chi đoàn 2/5 TK của Sư đoàn 18BB, Trung đoàn CSBV bị xóa sổ.

    Sáng ngày 29 tháng Tư, các đơn vị của quân đoàn 4/CSBV dốc toàn lực mở cuộc tấn công qui mô vào phòng tuyến Trảng Bom của các đơn vị thuộc Sư đoàn 18BB. Phòng tuyến mới thiết lập, không được vững chắc như phòng tuyến Xuân Lộc, nên sau nhiều đợt pháo và nhiều cuộc tấn công biển người của đối phương, phòng tuyến Trảng Bom vỡ, quân ta phải lui quân.

    Trảng Bom là cửa ngõ chính đi vào Sài Gòn từ hướng Đông, không xa cách Sài Gòn lắm, chỉ vài chục cây số! Nhưng bây giờ Trảng Bom đã trở thành giới tuyến địa đầu. Đáng lý Quân đoàn phải cho thiết lập phòng tuyến vững chắc tại đây để ngăn chặn Bắc quân trên đà tiến. Nhưng quân bố phòng chỉ là các đơn vị vừa mới kịch chiến với Bắc quân ròng rã suốt 12 ngày đêm tại Xuân Lộc, tinh thần căng thẳng, thể xác rã rời! Trong lúc đó, lực lượng hùng hậu của Tướng Trần Quang Khôi là Lữ đoàn 3 Xung kích, có trên 200 chiến xa M-48, M-41, và thiết vận xa M-113, được tổ chức thành 3 Chiến đoàn: 315, 318 và 322, mỗi Chiến đoàn có 1Tiểu đoàn BĐQ tùng thiết, nhưng Tướng Khôi chỉ cho phối trí, chốt giữ bên trong thành phố Biên Hòa, trong một địa thế chật hẹp, vướng bận nhà cửa và các cao ốc. Đây là kế hoạch phòng thủ của Tướng Khôi, hay là do chỉ thị của Tướng Toàn? Lực lượng hùng hậu này đã không có dịp vùng vẫy đọ sức với xe tăng của đối phương, trên chiến trường thoáng rộng là Trảng Bom và Bầu Cá. Theo các chuyên gia quân sự, xe M-48 của ta mạnh và tối tân hơn T-54, và M-113 cũng trên cơ PT-76 của của Bắc quân rất nhiều. Nếu lực lượng thiết giáp hùng hậu của Tướng Khôi được phối hợp với lực lượng bộ binh gan lỳ của Tướng Đảo, lập tuyến phòng thủ tại Trảng Bom, thì chắc chắn quân CSBV đã không thể vào đến Sài Gòn ngày 30 tháng Tư!

    Một sự kiện lịch sử mà không mấy ai để ý, tôi được Trung tá Tôn, một bạn đồng tù, Tùy viên của Tướng Triễn kể, nhiều năm sau, lúc ở tù ngoài Bắc, tình cờ được đọc câu chuyện này trên tờ báo Nhân Dân hay Quân đội Nhân Dân, nội dung câu chuyện cũng giống nhau, là vào những ngày cuối tháng Tư, một vị khách quý của VNCH, Tướng hồi hưu Vanuxem của Pháp, người đã từng tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi thăm An Lộc, khi thị xã này đang bị quân CSBV bao vây. Tướng Vanuxem cùng các vị tướng hồi hưu khác của Pháp, De Seguins, Pazzi, Bigeard, Langlais, Gilles, Pierre Bodet, đã đến Sài Gòn ngày 16-4 với tư cách cá nhân, để giúp các tướng lãnh Việt từng được Pháp đào tạo trước kia, phản công chống lại quân CSBV. Ông đi xe Lambretta 3 bánh, thường xuyên vào ra Dinh Độc Lập, gặp Tổng Thống Dương Văn Minh. Không biết đây là hoạt động đơn độc của vị Tướng, hay là ông mang một sứ mạng đặc biệt từ Chính phủ Pháp để cứu nguy VNCH:

    - Xin Tổng Thống ra lệnh cho quân sĩ tiếp tục chiến đấu, cầm cự chống trả Bắc quân. Trong vòng 48 tiếng đồng hồ, sẽ có giải pháp có lợi cho VNCH, buộc Bắc Việt phải tuân thủ Hiệp định Paris được ký ngày 27/01/1973.

    Ông Tướng Pháp hồi hưu trình bày: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Genève ký năm1954. Pháp và Trung Cộng đều có đại diện tham dự Hội nghị Genève 1954, sẽ dùng áp lực quân sự buộc CSBV phải tuân thủ Hiệp định này. Hiện quân CSBV đang bao vây Sài Gòn có lối 70,000 quân, gồm các Sư 304, 308, 312, 320, 322, 325, và Quân đoàn 4 của Tướng Hoàng Cầm đã rảnh tay ở mặt trận Xuân Lộc, đang tiến tới Biên Hòa, Quân đoàn 2 của Tướng Nguyễn Hữu An đã đè bẹp tuyền phòng ngự ở Phan Rang, đang trên đà Nam tiến, đã đến Rừng Lá của Long Khánh. QLVNCH có khoảng 100,000 quân, gồm hai Quân đoàn III và IV còn nguyên vẹn, cùng với quân Dù và TQLC từ Miền Trung di tản vào, và các Liên đoàn BĐQ, cùng với lực lượng ĐPQ và NQ. Đó là con số đáng kể. Vũ khí đạn dược, tiêp liệu hiện còn, có thể cầm cự được 7 tháng. Nếu QLVNCH tiếp tục chiến đấu, quân Trung Cộng sẽ tràn qua Bắc Việt, chiếm các tỉnh biên giới, nhà cầm quyền Hà Nội ắc hẳn phải rút một số đơn vị tinh nhuệ về Bắc chống trả và phòng thủ. Bắc Việt có 21 Sư đoàn chủ lực, chúng chỉ để lại 2 Sư đoàn giữ Hà Nội, còn 19 Sư đoàn thì đã xâm nhập vào Miền Nam. Biên giới phía Bắc hoàn toàn bị bỏ ngỏ và do quân Trung Cộng kiểm soát, vì chúng tin tưởng vào tình đồng chí anh em của Tàu Cộng. Nhưng Trung Cộng với mộng bá quyền, xem CSBV chỉ là một nước đàn em, hay nói một cách khác thực tế hơn là chư hầu. luôn luôn tìm cách để thôn tính, như trước đây trong lịch sử, với một ngàn năm đô hộ cái đất nước nhỏ bé ở phương Nam. Khi xua quân xâm chiếm VNCH, Cộng sản Bắc Việt đã vi phạm trắng trợn nội dung của Hiệp Định.
    Với mộng bá quyền và chủ nghĩa bành trướng của dân tộc đại Hán, Trung Cộng sẵn sàng đưa quân khuấy động ở phía Bắc, nếu được VNCH yêu cầu. Nước Pháp cũng sẽ đưa 2 Sư đoàn đổ bộ Cam Ranh, chia cắt Lực lượng CSBV và Lực lượng VC ở Miền Nam. Với tình hình đó, áp lực cộng quân sẽ giảm bớt rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho QLVNCH phản công, chiếm lại phần lãnh thổ đã mất. Khi có hòa hội, VNCH sẽ thương thuyêt trên thế mạnh. nếu không phục hồi được Hiệp định Genève 1954, thì it ra cũng phục hồi được Hiệp định Paris 1973.

    - Nhưng VNCH không có quan hệ ngoại giao với Trung cộng, DVM nói.

    - Nước Pháp sẽ lo chuyện đó.

    - Tàu đã đô hộ Việt Nam một ngàn năm, tôi không muốn bánh xe lịch sử lặp lại, tôi không muốn trở thành một tội đồ của dân tộc tôi. DVM trả lời.
    Tướng Dương Văn Minh đã bỏ lở một dịp may ngàn năm một thủơ, hay là rủi, tùy theo vận nước còn hay đã hết. Nhắc lại chuyện xưa để mà tiếc nuối. Ngày đó, nếu Tướng DVM nghe lời cố vấn của Tướng Vanuxem, nếu tham vọng của Trung Cộng là thôn tính Việt Nam, thì chỉ Bắc Việt là bị Tàu Cộng đô hộ, một nửa đất nước Miền Nam vẫn tự do và độc lập, và sẽ được thế giới tự do giúp khôi phục lại gian sơn. Nhưng ngày nay, theo Mật Ước Thành Đô, được ký kết giữa Hà Nội và Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 9 năm 1990 tại Thành Đô (Tứ Xuyên), thì cả nước sẽ bị giặc Tàu đô hộ kể từ năm 2020, biết chừng nào mới quật khởi được ? Tiếc lắm thay !

    Mật ứớc Thành Đô được ký kết giữa hai đảng: Đảng Cộng sản Tàu, gồm có Giang Trạch Dân, Tổng Bí Thư, và Lý Bằng, Thủ Tướng. Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm có Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư, Đỗ Mười, Thủ Tướng, và Phạm Văn Đồng, Cố Vấn. Theo Mật ước Thành Đô, có 10 điều khoản kê khai rõ ràng:

    1- Sát nhập đất liền.
    2- Sát nhập biển.
    3- Sát nhập kinh tế.
    4- Sát nhập quốc phòng.
    5- Sát nhập an ninh.
    6- Sát nhập gián điệp.
    7- Sát nhập tìnhh báo.
    8- Sát nhập di dân.
    9- Sát nhập văn hóa.
    10- Trước khi sát nhập toàn diện, sẽ có thời hạn 17 năm sát nhập ngôn ngữ.

    Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh từng nói: “Theo Tàu là mất nước, nhưng thà mất nước hơn là mất đảng!” Con người cộng sản là thế. “Vô Tổ quốc, Vô Tôn giáo, Vô Gia đình”, nên ta đừng bao giờ có ảo tưởng là bọn chúng thương nước yêu nòi. Chúng từng nói, yêu nước tức là yêu xã hội chủ nghĩa. Xã hội Chủ nghĩa là giai đoạn đầu của Xã hội Cộng sản. Một khi tiến đến Xã hội Cộng sản thì không còn ranh giới quốc gia, sống trong một thế giới đại đồng. Đó chỉ là ảo tưởng, chỉ là bánh vẻ. Cái nôi của Cộng sản là Nga, nhưng sau 60 năm xây dựng thì Chủ nghĩa Cộng sản đã bị đào thải. Nước Nga ngày nay chỉ là một nước theo chế độ chuyên chế, và độc tài.

    Năm1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết vào ngày 20/7, trong một buổi tiệc trước khi chia tay, Chu Ân Lai, Ngoại trưởng Trung Cộng đã gặp riêng ông Ngô Đình Luyện, bào đệ của Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm, đã đưa ra đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Nhưng Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã thẳng thừng từ chối. Nếu Thủ tướng Ngô Đình Diệm mềm dẻo, uyển chuyển, chấp nhận thiết lập quan hệ ngoại giao, có lẽ tình hình đã đổi khác. Trong thâm tâm, Trung Cộng không bao giờ muốn Việt Nam thống nhất, chỉ muốn duy trì hai nước Việt Nam. Nếu thống nhất, Việt Nam sẽ mạnh, sẽ khó sai khiến. Đó là trường hợp sau khi thôn tính được Miền Nam, Lê Duẫn đã dựa vào Nga và ra mặt chống lại Tàu, nên đã bị Đặng Tiểu Bình dạy cho một bài học. Sau bài bọc cay đắng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam quay trở lại phục tòng Tàu, bắt đầu từ triều đại Nguyễn Văn Linh.

    Thật sự thì CSBV đã tự nguyện làm con chốt thí cho khối cộng sản, dù “có tát cạn nước biển đông, hay chặt hết cây rừng dãy Trường Sơn”, dù có hy sinh đến người Việt cuối cùng, cũng phải thôn tính cho được Miền Nam. CSBV là tên lính xung kích cho CSQT, đặt biệt cho hai nước đàn anh vĩ đại Liên Xô và Trung Cộng. Lê Duẫn, tên trùm cộng sản lúc đó từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc,…”

    Sau ngày gọi là “Đại thắng Mùa Xuân 30/4/1975”, các nước trong khối Cộng sản đều đánh điện chúc mừng, nhưng Trung Cộng mãi hơn nửa tháng sau mới gửi điện chúc mùng theo thông lệ. Khi được tin Cộng sản Bắc Việt chiếm được Sài Gòn, Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Cộng đã nói với Đại sứ Bắc Việt rằng: “Thế là các đồng chí thua rồi!” Cho đến bây giờ, đã là năm 2018, vẫn chưa thấy cái “thua” của Cộng sản Bắc Việt như lời nhận định của Chu Ân Lai.

    Trở lại câu chuyện “Ngày Dài Nhất”, lối 10 giờ sáng, Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Quân khu 3, bay đến Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 18BB gặp các Tướng Tư lệnh Sư đoàn, nhưng chỉ gặp được hai Tướng là Lê Minh Đảo, TL/SĐ18BB và Trần Quang Khôi, TL/LĐ3/XK. Sau này được biết, Tướng Lý Tòng Bá, TL/SĐ25BB đã bị bắt ở vùng Hậu Nghĩa đêm hôm trước; Tướng Phan Đình Niệm, TL/SĐ22BB đang bận điều quân chống trả Bắc quân tại vùng Thủ Thừa, Long An. Tướng Toàn chỉ thị kế hoạch phòng thủ cho hai Tướng, rồi bay về Gò Vấp, Bản doanh của BCH/TG (trước khi làmTL/QĐ III, ông là Chỉ huy trưởng Thiết Giáp Binh). Sau đó, cho trực thăng trực chỉ ra khơi Vũng Tàu, đáp xuống soái hạm, Hạm đội 7. Theo “Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975” của các tác giả Nguyễn Văn Toàn, Lê Bá Khiếu, Nguyễn Văn: “Chiều ngày 29.4.1975, Tướng Toàn tìm mọi cách liên lạc với giới chức có thẩm quyền để xác nhận việc đổ bộ của hai Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, nhưng không gặp được ai. Tướng Toàn đã dùng trực thăng bay ra chiến hạm Blue Ridge, soái hạm của Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội 7 để yêu cầu xác nhận. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho biết không có kế hoạch này.”

    Buổi chiều ngày 29 tháng Tư, tôi nhận được lệnh cho chuyển hậu cứ Tiểu Đoàn về Thủ Đức. Sau ngày triệt thoái khỏi Xuân Lộc, hậu cứ TĐ vẫn đặt ngay trước cửa chính BTL/SĐ, trong khu đất trống, gần các vị trí Pháo binh Sư đoàn. Khi đơn vị triệt thoái khỏi Xuân Lộc về Long Bình, tôi đặt BCH/TĐ tại đó, nhưng các Đại Đội thì bố trí phòng thủ bên trong căn cứ Long Bình để bảo vệ BTL/SĐ. Trước khi trời tối, VC pháo kích làm nổ kho đạn Long Bình. Những tiếng nổ ầm ì, chát chúa làm rung chuyển cả một vùng trời, khuấy động buổi chiều yên tĩnh, trước khi cơn đại hoạ ụp xuống trên đầu người dân Miền Nam. Khói đen bốc lên ngùn ngụt, những chớp lửa lóe sáng liên tục, bắn vụt lên bầu trời xanh. Nhìn về hướng Đông của căn cứ, đó là cả một bầu trời rực lửa!

    Tôi đưa BCH/TĐ vào bên trong, định nằm chung trên tuyến phòng thủ với Quân sĩ, nhưng vị Đại Đội Trưởng Quân Cảnh SĐ khẩn khoản mời tôi đặt BCH/TĐ bên trong văn phòng ĐĐ/QC, cũng gần đó. Chiều hôm đó, BTL/SĐ có cuộc họp các sĩ quan tham mưu của các phòng ban. Tôi là đơn vị trưởng tác chiến, không được tham dự, nhưng được nghe kể lại, Tướng Đảo đã nghẹn ngào, xúc động, khi tâm sự rằng ông sẽ không đi đâu cả, sẽ cùng anh em chiến đấu, gia đình vợ con ông cũng ở lại Sài Gòn, không di tản. Khác với một vị Tướng khác đã nhờ người bạn Mỹ đưa gia đình di tản trước. Trước khi trời tối, Tướng TL/SĐ cho gọi tôi lên gặp. Đó là một căn phòng nhỏ nằm đằng sau văn phòng TL. Khi tôi đến, gặp các vị: Đại tá Lê Xuân Mai, TL/Phó, Đại tá Hứa Yến Lến, TMP/HQ&TV/SĐ, Đại tá Dương Phún Sáng, Chánh Thanh tra SĐ. Tôi không thấy Đại tá TMT/SĐ Huỳnh Thao Lược. Hình các vị vừa có một cuộc họp với TL. Các vị đang dùng trà. Một lúc sau các vị rời phòng, chỉ còn lại TL đang dùng cơm, Trung úy Pilot bay C&C đang đọc báo. Đó là anh Phạm Văn Thông, sau này trở thành thông gia với tôi, vì em gái ruột của Thông lấy em trai con chú của tôi. Nếu tối hôm đó Tướng Đảo bay ra Hạm đội 7 ở ngoài khơi Vũng Tàu như Tướng Toàn, thì Tướng Đảo và Thông đã không bị những tháng ngày khổ nhục trong các trại lao tù của Cộng sản. Tôi hỏi anh phi công:

    - Một mình anh, làm sao bay ?

    - Ông Tướng bay được, sẽ làm co-pilot.

    Ông Tướng mời tôi dùng cơm, nhưng tôi từ chối vì vừa mới ăn xong trước khi đến đây. Ông khui chai rượu Martin rót 1ly, mời tôi uống. Không có đồ nhắm, ông mở hộp bánh Lubico bảo tôi ăn. Vừa ăn, vừa bàn chuyện phòng thủ căn cứ Long Bình, khu vực BTL/SĐ. Ông cho biết, một Phái đoàn Chính phủ đã ra xa lộ Đại Hàn gặp VC, tức cái gọi là Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam của Huỳnh Tấn Phát . để bàn về giải pháp ngưng bắn. Ngưng bắn da beo. Về sau tôi được biết, đó là Phái đoàn do Giáo sư Bùi Tường Huân, Bộ trưởng Quốc phòng của Nội các Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, cầm đầu. Nhưng khi Phái đoàn ra đến nơi thì bị VC giữ lại làm con tin, và chỉ thả ra sau khi chúng chiếm được SàiGòn. Tướng Đảo nói đêm nay, lối 12 giờ, BTL/SĐ sẽ di chuyển về Thủ Đức, còn lại TĐ2/43 cùng với Trung đoàn 43 và Trung đoàn 52 giữ Long Binh. Nếu giữ được Long Bình, thì Long Bình là của mình! Theo tôi nghĩ, đó là ông nói nếu như Phái đoàn của Chính phủ Vũ Văn Mẫu thương thuyết với “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộngg hòa Miền Nam Việt Nam” thành công. Ông còn cho biết, tất cả các cây cầu bắt qua sông Đồng Nai đều đã được gài mìn. Và khi có lệnh, sẽ đánh sập để ngăn ngừa quân Bắc Việt tiến về Sài Gòn. Ăn cơm xong, ông đến bàn điện thoại, quay số vào Dinh Độc Lập, xin gặp Đại tá Đẩu, Tùy viên của Tướng Dương Văn Minh. Nhưng đầu giây bên kia, người trả lời tự xưng là Trung tá Thọ, Phó tùy viên. Vị này cho biết hiện Đại tá Đẩu đang ở bên Tổng Thống. Tổng Thống đang chủ trì cuộc họp Nội các. Tướng Đảo trình bày tình hình tại căn cứ Long Bình và Biên Hòa, và xin chỉ thị. Lúc này bản doanh của Bộ Tư Lệnh/QĐ đã rời bỏ Biên Hòa, không biết đi đâu, cũng không liên lạc được. Tướng Tư lệnh thì đã bay ra Hạm đội 7, Quân đoàn như rắn mất đầu, không lệnh lạc, không hướng dẫn, nên Tướng TL/SĐ phải liên lạc trực tiếp với Dinh Độc Lập. Tướng Đảo trình bày xong, tôi nghe Trung tá Thọ hỏi Tướng Đảo khi có chỉ thị, tôi sẽ gặp Thiếu tướng ở đâu. Tướng Đảo nói ở đây.
    Trời đã tối hẳn, tôi trở lại BCH/TĐ đặt tại văn phòng ĐĐ/QC, thì lại nhận lệnh đi gặp Đại tá Trung đoàn trưởng 43 Lê Xuân Hiếu. Tôi trình bày cho Đại tá Hiếu lệnh của Tướng Đảo chỉ thị cho Tiểu đoàn 2/43. Đại tá Hiếu nói lệnh của Tướng Đảo là kế hoạch Alpha, còn kế hoạch Bravo là TĐ2/43 sẽ rút theo Trung đoàn, qua lập phòng tuyến bên kia sông Đồng Nai. Tôi sẽ chịu trách nhiệm từ cầu Đồng Nai, dọc theo sông, đổ về hướng Tây đến cầu Ghềnh.

    Đúng 12 giờ đêm, SĐ bắt đầu di chuyển, chiếc trực thăng C&C cũng cất cánh. Tôi đinh ninh ông Tướng đã bay về Thủ Đức. Nhưng sau này được biết, chiếc trực thăng đã được hoàn trả lại cho Sư đoàn 3/KQ. Như lần triệt thoái khỏi Xuân Lộc, Tướng Đảo lại đi bộ cùng quân sĩ về Thủ Đức. Ông đã không dùng trực thăng để di chuyển, hay chuồn ra Hạm đội 7. Hành động này của ông có khôn ngoan không, để rồi phải chịu 17 năm tù đày! Nhưng tôi biết chắc chắn rằng ông là một quân nhân có tinh thần trách nhiệm cao. Luôn luôn theo sát đơn vị và không bao giờ bỏ đơn vị.
    Tôi đã được nghe nói lại, sau khi có lệnh ngưng chiến đấu, chuẩn bị bàn giao, ông về Sài Gòn qua ngã cư xá Thanh Đa, rồi tìm cách đi về Miền Tây, với hy vọng gặp Tướng Nguyễn Khoa Nam và Tướng Lê Văn Hưng. Nhưng khi về tới nơi thì hai vị Tướng đã tự sát, ông định đi vào vùng Hòa Hảo, cũng không xong, đành trở lại Sài Gòn.

    Vào lúc quá 1 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm1975, tôi được lệnh thi hành kế hoạch Bravo. Tôi đưa Tiểu đoàn qua sông. Qua ngả cầu Đồng Nai, để rồi từ đó, rải quân đến cầu Ghềnh. Khi toán tiền quân đến cầu Đồng Nai, đơn vị giữ cầu không cho qua, còn nói:

    - Chưa đánh đã bỏ chạy !

    Toán tiền quân báo cáo lời nói của toán quân giữ cầu với tôi. Đó là lời nói có tính xúc phạm, nhưng tôi không chấp. Họ chỉ là cấp thừa hành, chỉ biết thi hành lệnh của thượng cấp, nhưng lệnh thay đổi từng giờ, thượng cấp chưa kịp ban xuống, hay không còn ai có thẩm quyền để ban lệnh tiếp khi tiếp nhận được lệnh trên, hay hệ thống truyền tin đã trong tình trạng “im lặng vô tuyến”. Họ chưa nhận được lệnh mới, nên lệnh cũ vẫn được thi hành. Tướng Toàn chỉ thị Tướng Khôi, không cho bất kỳ đơn vị nào đi vào Thủ đô Sài Gòn. Trong lúc đó thì ông Toàn đã dọt ra Hạm đội 7 từ buổi trưa, để “lệnh” của ông bây giờ trở thành “lạc”! Có điều tôi không hiểu là toán giữ cầu thuộc một đơn vị Dù, một đơn vị thuộc loại thiện chiến nhất của QLVNCH, thường thì họ đánh đến cùng, thi hành nhiệm vụ một cách nghiêm chỉnh, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng. Nhưng đơn vị giữ cầu này đã bỏ đi trước lúc trời sáng. Họ đi đâu, họ đã nhận lệnh ai, từ đâu, mà bỏ cầu trước khi quân Bắc Việt đến. Đoàn xe Molotova chở đầy bộ đội, và xe tăng T-54, PT-76 đã di chuyển qua cầu một cách thong dong để tiến vào Sài Gòn. Chúng đã không gặp một sức kháng cự nào, dù nhỏ !

    Tối hôm qua, khi tôi trở lại BCH/TĐ đặt tại văn phòng Đại Đội Quân Cảnh/SĐ, Tướng Đảo đã nhận lệnh trực tiếp từ Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu, do Tướng Dương Văn Minh bổ nhiệm, đưa Sư đoàn 18BB về Thủ Đức, lập tuyến bố phòng bảo vệ Thủ đô. Đó là kế hoạch Bravo mà Đại tá Hiếu ban lệnh cho tôi lúc quá nửa đêm.

    Thủ đô Sài Gòn được bảo vệ khá chặt chẻ do các Sư đoàn 5, 18, 25 và Sư đoàn 22BB của Tướng Phan Đình Niệm vừa mới được tái bổ sung, sau cuộc di tản thất bại từ Cao Nguyên Miền Trung về. Hiện Sư đoàn trấn giữ vùng Bến Lức, Long An, chịu trách nhiệm hướng Nam. Hướng Đông là vùng trách nhiệm của Sư đoàn 18BB của Tướng Lê Minh Đảo; hướng Bắc do Sư đoàn 5BB của Tướng Lê Nguyên Vỹ, và hướng Tây do Sư đoàn 25BB của Tướng Lý Tòng Bá. Ngoài ra còn có các Lữ đoàn TQLC, Dù và Sư đoàn BĐQ Tân lập bảo vệ vòng trong. Thủ đô Nam Vang của Miên đã cố thủ được mấy tháng trước sức tấn công của quân Polpot và bộ đội Bắc Việt. Quân của Lon nol ô hợp, trình độ tác chiến kém, mà còn cầm cự được như vậy, thì QLVNCH, dù bị sức mẻ nhiếu, nhưng trình độ tác chiến hơn hẳn quân của CSBV, thì việc cố thủ Sài Gòn trong một thời gian dài là khả thi. Nhưng tiếc thay, do tinh thần chủ bại, bị móc nối bởi người em Dương Văn Nhựt, có bí danh là Mười Ty, trong bội đội của CSBV; sự tin tưởng thái quá, đến độ mù quán vào Thượng tọa Thích Trí Quang, một nhà tu Phật giáo, nhưng có nhiều tham vọng chính trị, từng gây máu lửa qua các vụ chính biến từ năm 1963, với cuộc đổ máu tại đài Phát thanh Huế, vụ nhà sư Thích Quảng Đức “tự thiêu” tại ngả tư Lê văn Duyệt và Phan Đình Phùng; đến vụ biến động Miền Trung năm 1966, người đạo diễn “bàn thờ xuống đường” tại Huế. Đâu đâu cũng có sự can dự, hay chủ chốt của nhà sư này. Sáng ngày 30 tháng Tư, với sự ngây thơ mù quáng tin vào vị sư này, DVM vẫn tin tưởng vào TTQ sẽ dàn xếp với chính phủ “Cách Mạng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” của Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát về một giải pháp ngưng bắn da beo, để tiến tới thành lập chính phủ hòa hợp hòa giải ba thành phần. Nhưng chỉ là quả lừa. Khi biết được thực tế phủ phàn, DVM đã buộc miệng than một câu rất là ai oán:
    “Thầy hại con rồi !”

    DVM chỉ qui tụ chung quanh mình những kẻ hoạt đầu chính trị như Vũ Văn Mẫu, Lý Quí Chung, Hồ Ngọc Cứ, Ni sư Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành,v.v… được mệnh danh là thành phần thứ ba vào làm việc cho chính phủ của mình. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng là một thí dụ, Hạnh là vị tướng đã giải ngũ vì lý do kỷ luật từ năm 1974, được DVM gọi lên từ Miền Tây, cho đeo lon Chuẩn tướng, làm Phụ tá cho Tướng Vĩnh Lộc. Nhưng rồi Tướng Vĩnh Lộc bỏ nhiệm sở ra đi cùng với Tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Trưởng Chiến Tranh Chính Trị vào sáng sớm ngày 30/4. Nguyễn Hữu Hạnh nghiễm nhiên trở thành Quyền TTMT/BTTM vào giờ chót. Chính y đã tác động Dương Văn Minh trong quyết định đầu hàng quân xâm lăng CSBV, cũng chính y lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở ở cương vị này, Hạnh đã ra lệnh cho QLVNCH ngưng chiến đấu, đâu ở đó, chuẩn bị bàn giao cho phía bên kia. Cũng chính y ra lệnh cho Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh BTL/ Biệt khu Thủ Đô, ban lệnh không được giật sập cầu. Có lẽ nhờ hai công trạng này, VC đã cho Hạnh làm đại biểu Quốc Hội thống nhất. Đó là những điều Hạnh đã khoe khoang trong trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ báo Tuổi Trẻ.

    Việt cộng khoe rằng Hạnh là cơ sở của ban Binh vận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam từ năm 1970. Thật sự thì Hạnh bị móc nối từ khi Hạnh xin Việt cộng về chịu tang thân sinh qua đời tại quê nhà. Quê nhà của Hạnh nằm trong vùng xôi đậu. Khi VC cho phép Hạnh về dự đám tang là có điều kiện. Và Hạnh đã trở thành con cờ cho chúng trong thế chẵng đặng dừng !

    Tôi đành chuyển hướng về cầu Ghềnh. Lúc trời rạng đông thì Tiểu đoàn cũng vừa qua khỏi cầu Ghềnh. Tôi gặp BCH/TrĐ43 đang dừng chân tại một quán cóc bên đường. Tôi thấy Thiếu tá Trung đoàn phó Nguyễn Văn Bảy, không thấy Đại tá Hiếu. Thiếu tá Bảy chết tại trại tù Cẩm Nhân, Yên Báy, vì kiệt sức và bệnh tật. Một lần đi lao động, tình cờ gặp ông ấy, tôi có biếu ông một bịch thuốc lào. Ông thích lắm. Lúc ở Sư đoàn 25BB, năm 1965, ông là Đại úy Tiểu đoàn trưởng TĐ3/46, tôi là Trung úy ĐĐT/ĐĐ3. Sau này được biết Đại tá Hiếu đang cùng với Tướng Đảo ở gần khu vực Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa.

    Đơn vị đi theo bờ sông Đồng Nai, hướng ra xa lộ. Tôi rải quân được hai Đại đội, gặp một ngôi nhà ngói có khuôn viên rộng, có những bờ đất cao bao quanh với hàng rào kẽm gai, tôi quyết định đặt BCH/TĐ. Còn lại hai ĐĐ tác chiến vẫn tiếp tục di chuyển. Từ vị trí BCH, nhìn về hướng xa lộ, tôi thấy một đoàn xe Molotova chở đầy quân, xen kẻ là xe tăng loại T-54 và PT-76 đang qua cầu, hướng về SaìGòn. Tôi tự hỏi đơn vị Dù trấn giữ cầu đâu rồi, cái anh lính gác cầu nói câu xúc phạm đơn vị tôi đâu rồi, các chuyên viên công binh có nhiệm vụ đánh sập cầu sao không làm việc. Nếu hồi quá nửa đêm, đơn vị Dù canh giữ cầu để cho đơn vị tôi qua thì việc lập tuyến phòng thủ theo bờ sông tôi đã hoàn tất. và có lẽ tôi đã cho giật sập cầu trước khi quân Bắc Việt tiến đến gần, hay ít ra những khẩu hỏa tiển cá nhân M-72 của quân sĩ tôi đã sẳn sàng kích hỏa khi đoàn xe Molotova chở quân của chúng thảng nhiên chạy phon phon tên xa lộ.

    Tôi cho dừng quân bố trí, sẵn sàng chiến đấu. Xa lộ và cầu Đồng Nai ở trên thế đất cao, quân sĩ tôi vừa mới di chuyển tới, tựa vào những bờ ruộng thấp bố trí là bất lợi. Vài trái hỏa tiển M-72 vụt bay đi, lao thẳng vào đoàn quân xâm luợc. Đại liên M-60 và tiểu liên M-16 nổ ròn. Nhưng đoàn xe vẫn chạy. Lối một chi đội chiến xa của chúng dừng lại, quay đầu xe hướng về chúng tôi bắn trả. Cuộc giao tranh kéo dài lối nửa tiếng. Rồi chúng trở đầu xe, hướng về SàiGòn tiếp tục chạy. Sau này được biết, đó là lực lượng Quân đoàn 2 của Tướng CSBV Nguyễn Hữu An, dưới quyền thống lĩnh của Tướng Lê Trọng Tấn, bao gồm Quân đoàn 2/CSBV và các đơn vị thuộc Quân khu 5, từ Bình Tuy vào, men theo bờ biển, đến Phước Tuy, theo QL15, tiến lên Biên Hòa. Theo kế hoạch, Quân đoàn 4/CSBV của Tướng Cầm sẽ cắm cờ Dinh Độc Lập, nhưng quân của Cầm bị thảm bại tại Xuân Lộc, lại thêm một vố nữa tại Trảng Bom (cũng do đụng phải SĐ18BB), quân số bị hao hụt trầm trọng, tinh thần bộ đội xuống thấp, nên Quân đoàn 2 của Tướng An tranh thủ giành công. Với khí thế đang lên của một đoàn quân từ ngoài Trung vào, tiến quân như thế chẻ tre, mỗi lần gặp quân ta, quân ta không đánh mà cứ rút, nên tinh thần của đám bộ đội này còn hăng lắm. Khi gặp mặt TĐ2/43, ban đầu chúng định “lấy thịt đè người”, có lẽ do lệnh của Tướng An, do nhiệm vụ của chúng là Sài Gòn, nên chỉ vài chiếc tăng dừng lại bắn đáp trả, rồi quay đầu, tiến nhanh về Sài Gòn. Tôi không liên lạc được ai, Tiểu đoàn đơn độc. Tôi quyết định di chuyển nhanh về nhà máy lọc nước Thủ Đức, nơi tôi đã cho Trung Úy Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy Hậu cứ, đặt điểm tiếp liệu và tiếp tế từ chiều hôm trước.

    Đơn vị chuyển hướng, đi ra đường QL1. Trên đường QL1, người gồng gánh chạy loạn. Xe cộ đủ loại, chen lẩn với người dân chạy bộ, chiếm cả lòng đường. Tiểu đoàn di chuyển hai bên đường, theo đội hình hàng dọc. Dân chạy loạn với vẻ mặt hốt hoảng, cố đi nhanh. Những chiếc xe ngựa, xe bò, xe đạp thồ, giành đường với những chiếc xe đò, xe tải. Xe chất đầy vật dụng. Không ai nhường ai, lấn đường, chen nhau đi, chen nhau chạy, hướng về Sài Gòn. Sài Gòn trở thành cái rọ đơm cá, rất bất lợi cho quân ta, nhưng lại thuận lợi cho phe địch. Trong số người dân chạy loạn, có xen kẻ một số quân nhân vô kỷ luật, rời bỏ đơn vị, áo quần lếch thếch, không vũ khí. Có anh chỉ mặt chiếc áo trận, không quần, không dày, không nón sắt; có anh chỉ bận cái áo thun và quần cụt. Đúng là quang cảnh của một toán quân thất trận.

    Đoàn quân đi trong yên lặng, tất cả đều giữ chặt tay súng, len lỏi giữa giòng người. Qua khói núi Châu Thới, vì không có Tiểu đoàn phó (tôi cho TĐP về thăm nhà chưa trở lại đơn vị kịp) , tôi gọi Đại úy Võ Văn Mười, ĐĐT/ĐĐ2, thay tôi chỉ huy, dẫn Tiểu đoàn về nhà máy lọc nước Thủ Đức.

    Chiếc xe jeep duy nhất còn lại của Tiểu đoàn sau trận chiến khốc liệt tại Xuân Lộc, đưa tôi đi trước. Chiếc jeep cố luồn lách đưa tôi đi nhanh tới địa điểm Tiểu Đoàn sẽ đến để khảo sát địa thế bố trí quân. Lòng đường QL1 ngày thường rộng rãi, bây giờ chật ních người và người, và xe cộ. Giòng người chỉ có thể di chuyển tới trước, không dừng lại được,và cũng không thể quay đầu trở lại. Đến ngã tư chợ Thủ Đức, tôi cho xe chạy ra hướng ngã tư xa lộ. Khi xe sắp đến Đường Sơn Quán thì gặp đoàn ngươi chạy loạn từ xa lộ vào. Một vài người dân chặn đầu xe, không cho xe chạy tiếp:

    - Thiếu tá không thể ra xa lộ. VC đã qua ngả tư, hướng về SàiGòn. Chúng đông lắm.

    Tôi đành cho xe quay trở lại, định đi ngược về hướng núi Châu Thới để gặp đơn vị. Nhưng giòng người đang tuôn chảy về Sài Gòn, tôi không thể đi ngược lại giòng chảy, đành phải thuận theo giòng chảy, trôi về hướng cầu Sơn, Gia Định. Giòng chảy bị ùn tắc tại đầu bên này của cầu Sơn. Nhiều con ngựa kẽm gai chấn lối đi. Một Thiếu tá cầm khẩu M-16, đi lui đi tới, ra lệnh cho binh sĩ giữ cầu, tuyệt đối không cho ai qua cầu.

    Bên trái của cầu Sơn, có khu đất trồng. Tôi thấy Đại tá Ngô Kỳ Dũng, Trung đoàn trưởng Tr/Đ52, đang cùng với đơn vị pháo binh đang cho gióng súng, nòng hướng về ngã tư xa lộ Thủ Đức. Tôi thấy ai nấy bơ phờ, mệt mỏi.

    Giòng người chạy loạn mỗi lúc mỗi đông, nhưng bị cản lại bởi những con ngựa kẽm gai. Giòng người chạy loạn bị dồn ứ, như giòng nước lũ, sắp tràn bờ. Chỉ cần một động thái nhẹ là bờ bị vở. Rồi người sau đẩy người trước, có người bị té trên những con ngựa kẽm gai, đã làm bàn đạp cho những người sau. Giòng người như thác nước, tràn qua những con ngựa sắt. Giòng nước đã khơi nguồn. Họ đã tràn qua đến giữa cầu. Những con ngựa sắt bị bẹp dí, hay bị dẹp qua hai bên, và cứ thế, giòng người tiếp tục tuôn chảy. Tôi trôi theo giòng người, đến ngả tư Hàng Xanh, ngược lên đường Bạch Đằng, qua chợ Bà Chiểu.

    Lúc đó là sáng sớm ngày 30 tháng Tư. Người dân Sài Gòn – Gia Định hoảng hốt chạy loạn. Giặc đã vào đến Thủ Đức, đã vào đến xi măng Hà Tiên. Phố xá đóng cửa im lìm, chợ không họp. Thông thường thì chợ Bà Chiểu giờ này đã rộn ràng người bán kẻ mua. Nhưng hôm nay chỉ lơ thơ vài xe hủ tiếu mì, vài chị bán bánh mì, mà không có người ăn. Trên vỉa hè, dân chúng chạy loạn. Họ bồng bế nhau, người đi lên, ngược Đại lộ Chi Lăng, về hướng ngả tư Phú Nhuận; kẻ đi xuống, theo đường Bạch Đằng ra ngả tư Hàng Xanh. Ai nấy rảo bước, cố đi cho nhanh, mà không biết nơi đến là đâu. Vì giặc đang bao quanh thành phố !

    Theo Hồi ký của Trần Văn Trà, chúng tấn công vào Sài Gòn – Gia Định bằng 5 hướng chính:

    - Hướng Tây-Bắc, từ Củ Chi, Bến Cát, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ;

    - Hướng Tây đánh chiếm Biệt Khu Thủ Đô;

    - Hướng Nam lên, do Thiếu tướng Võ Văn Thanh chỉ huy, đánh chiếm Tổng Nha Cảnh Sát;

    - Hướng Bắc đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu;

    - Hướng Đông, do Quân đoàn 4 của Thiếu tướng Hoàng Cầm chịu trách nhiệm, nhưng Cầm đã bị thảm bại tại Xuân Lộc, quân số hao hụt nhiều, tinh thần xuống thấp, nên được tăng cường Quân đoàn 2 của Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, và Sư đoàn 3 của Quân khu 5,do Tướng Lê Trọng Tấn tổng chỉ huy cả hai quân đoàn này.

    Trên vỉa hè thì người chạy loạn tay xách, tay mang; dưới lòng đường thì xe cộ như mắc cưởi. Chiếc xe jeep của tôi chạy rất chậm khi đi ngang qua chợ Bà Chiểu. Qua khỏi toà hành chánh tỉnh Gia Định, nhìn lui, tôi thấy có hai sĩ quan bỏ đơn vị từ chiều hôm trươc, đang ngồi trên xe cùng sĩ quan tham mưu của tôi. Tôi giận quá, bảo hai anh này xuống xe, và họ cũng đã tuân theo.

    Xe đi ngược về hướng ngả tư Phú Nhuận. Khi đi ngang cư xá Thái Lập Thành, một cảnh thê lương đập vào mắt tôi. Trước cửa tiệm hủ tiếu mì của một bà Tàu ở góc đường đi vô chùa Bà Đầm mà tôi thường ghé ăn, vài xác người đang nằm vất vưởng, bên kia, trên con đường dẫn đến cổng số 10 Bộ Tổng Tham Mưu, đổ ra Đại lộ Võ Di Nguy, cũng đó đây nhiều xác chết nằm la liệt. Có xác được bó chiếu hay mền cũ, có xác nằm trơ trọi. Thì ra VC đã pháo kích vào đây và đã gây chết chóc cho nhiều người dân vô tội. Tôi tạt vào nhà người chú để hỏi thăm tin tức gia đình. Được chú cho biết, hiện giờ quân Dù đang đánh nhau với VC tại ngã ba Bà Quẹo và ngã tư Bảy Hiền. Ông hoàn toàn không biết tin tức gì về gia đình tôi ở ngã tư Trung Chánh. Tôi từ giả nhà ông chú, và cho xe chạy vội vào Sài Gòn, ngược xuống Đại lộ Võ Di Nguy, qua cầu Kiệu. Xe đến Đa Kao, đên cầu Phan Thanh Giản. Tại đây tôi gặp một vị Đại tá của Biệt Khu Thủ Đô. Tôi nói ý định ra Thủ Đức để tìm đơn vị. Nhưng vị Đại tá và vài anh Quân Cảnh ngăn lại, không cho tôi đi, vì VC đã qua khỏi xi măng Hà Tiên, đang hướng vào nội thành. Đang đứng lớ ngớ, thì một Trung úy thuộc Sư đoàn18BB, là sĩ quan tùy viên của Đại tá Tư Lệnh Phó Lê Xuân Mai đến gặp tôi. Anh cho biết có lệnh Sư đoàn 18BB tập trung tại sân Cộng Hòa.

    Tôi cho xe chạy vể hướng sân Cộng Hòa. Tình cờ tôi gặp Đại úy Nguyễn Tri Hùng, Đại Đội Trưởng ĐĐ3 của tôi. Hùng bị trọng thương ngay trong những ngày đầu của trận chiến Xuân Lộc. Khi Hùng bị thương phải tản thương, tôi liền cắt cử một Đại úy, gốc Địa Phương Quân, vừa mới đôn quân ra thay thế. Nhưng chỉ vài ngày sau, vị tân ĐĐT cũng bị tử thương, và Thiếu úy ĐĐP thì bị thương nặng. Tuyến bố phòng của Đại đội 3 không nằm trong hướng tấn công bằng quân bộ chiến của địch, nhưng hứng chịu pháo nặng nhất. Pháo cộng quân bắn vào Núi Thị đặt tại khu vực đồn điền cao su Bình Lộc ở hướng Bắc. Cộng quân cố triệt hạ căn cứ Núi Thi. George Jay Veith, một sử gia Hoa Kỳ, trong quyển “Fighting Is An Art” cho biết đã phỏng vấn các tên chỉ huy trận chiến Xuân Lộc. Tên chịu trách nhiệm đánh Núi Thị đã ba hoa khi nói rằng ngay trong những loạt pháo đầu tiên của quân hắn, dàn pháo Núi thị bị tê liệt và hệ thống truyền tin bị đánh sập, cây anten 292 bị gãy đổ. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Tại đây, Tướng Tư lệnh đã cho phối trí một dàn pháo hổn hợp cấp Tiểu đoàn. Ngay từ những giờ phút đầu của trận chiến, với chiến thuật cố hữu là tiến pháo hậu xung, chúng cố san bắng vị trí này, nhưng không thành công. Pháo của ta đã phản pháo rất tốt, hệ thống truyền tin hoạt động hữu hiệu, và cây anten 292 không hề bị gãy đổ. Những trái đạn pháo 130 ly, hỏa tiển 122 ly, tới tấp rót vào Núi Thị, nhưng chỉ vài trái trúng mục tiêu, còn hầu hết thì trượt về triền đồi hướng Nam, là vị trí tuyến bố phòng ĐĐ3 của Hùng. Bị thương vì đạn pháo, Hùng được tản thương ngay, nhưng Bệnh viện Cộng Hòa đầy thương và bệnh binh, anh được chuyển đến Bệnh viện Trần Ngoc Minh. Sáng nay, anh đã được cho xuất viện, dù thương tích chưa lành. Vừa lúc đó, Thiếu tá Sáng, Tiểu Đoàn Phó TĐ181/PB/SĐ đến gặp tôi, cầm theo một chiếc radio transitor, mở lớn volume cho tôi nghe:

    “Tôi, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, kêu gọi anh em quân sĩ, đâu ở đó, ngưng chiến đấu, chuẩn bị bàn giao cho người anh em phía bên kia !”

    Lời kêu gọi của Nguyễn Hữu Hạnh được lập đi lập lại nhiều lần, cho đến khi đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời hiệu triệu của Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cầm quyền 48 tiếng đồng hồ, nhưng không do dân cử:

    “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng Miền Nam Việt Nam.

    “Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chức quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm Thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.”

    Bài hiệu triệu này của DVM đã được sửa đổi nhiều lần, theo ý của những tên VC áp giải DVM đến đài phát thanh.

    Điều nhục nhã nhất, DVM đã nhân danh Tổng Thống VNCH, phát đi lời kêu gọi QLVNCH đầu hàng Quân Cộng sản Bắc Việt xâm lăng vô điều kiện !

    Quân lực Việt Nam Cộng hòa, một quân đội được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Liên xô và Trung cộng. QLVNCH được coi là đội quân tinh nhuệ nhất vùng Đông Nam Á châu. Mặc dầu quân số không đông bằng quân CSBV và quân VC Miền Nam cọng lại, nhưng đã đập tan hầu hết những mưu đồ thôn tính Miền Nam trong hơn 20 năm chiến đấu.

    Ngày 29/4, Triệu Quốc Mạnh, Giám đốc Nha Cảnh sát Đô Thành, thay thế Chuẩn tướng Trang Sĩ Tấn, được lệnh thả tù chính trị. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ Mỹ DAO rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Công văn này được chính Vũ Văn Mẫu đọc trên đài Phát thanh Sài Gòn. Lối 15 giờ, một Phái đoàn do Luật sư Trần Ngọc Liễng cầm đầu,có Linh mục Chân Tín, Giáo sư Châu Tâm Luân vào trại David trong sân bay Tân Sơn Nhứt gặp Võ Đông Giang trong Phái đoàn CSBV của Ủy ban Liên hợp Quân sự về chủ trương “không chống cự” của DVM. Một Phái đoàn khác do Giáo sư Bùi Tường Huân, Bộ trưởng Quốc Phòng cầm đầu, đi ra hướng xa lộ Đại Hàn để gặp “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam” để bàn chuyện ngưng bắn “da beo”. Nhưng cả hai phái đoàn đã bị đối phương bắt làm con tin, mải đến sau khi chiếm được Sài Gòn chúng mới thả.

    Sau bao nhiêu năm chinh chiến, vào sinh ra tử, cuộc chiến tranh Nam - Bắc do khối cộng sản chủ trương, mà tên lính xung kích là bọn cộng sản Hà Nội nguyện xẻ Trường Sơn, xâm nhập vào Nam, tiêu diệt VNCH, để làm bàn đạp, tiến xuống vùng Đông Nam Á Châu, để gieo rắc chủ nghĩa Cộng sản vô thần, vô tổ quốc, vô gia đình. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, sẽ tràn xuống Úc Châu.

    Biết là sẽ thua vì bị người bạn đồng minh Mỹ phản bội, nhưng người lính QLVNCH vẫn kiên trì chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.Tại một bùng binh nhỏ gần đó, tôi thấy một đơn vị Dù, lối một Trung đội, có một vị Trung úy. Họ đang quây quần bên nhau, vừa vỗ tay vừa hát những bài hùng ca, trong không khí bi hùng của những giây phút sau cùng của cuộc chiến. Sau này tôi được nghe nói, họ đã mở chốt lựa đạn, tự sát tập thể. Anh hùng thay ! những Thiên Thần Mũ Đỏ. Họ là những “Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử !”

    Hùng mời tôi về nhà. Tôi thấy cũng được. Trong lúc chờ bàn giao, hay tự tan hàng, tôi nghĩ rằng tôi sẽ tự tan hàng, ghé nhà Hùng tắm rửa cho sạch sẻ cái thân xác bám bụi trường chinh, mà đã từ nhiều ngày nay không có dịp. Lúc này đầu óc tôi trống rỗng, không suy nghĩ gì cả. Tôi chỉ nghĩ đến một điều thật đơn giản: hết chiến tranh, dù là phe nào thắng, mình đành phải chấp nhận, trút bỏ bộ chinh y, khoác lại thường phục, sống yên lành bên gia đình, vợ con. Tôi miên man nghĩ đến cuộc nội chiến của Mỹ.

    Khởi đầu từ năm 1861 và kết thúc năm 1865. Cuộc chiến đã gây tổn thất khá lớn về nhân mạng và tài lực. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, Tướng Grant, Tổng chỉ huy của phe Miền Bắc thắng trận đã đối xử với phe thua trận của Tướng Lee Miền Nam một cách rất là mã thượng, trong tinh thần hòa giải dân tộc thật sự, khác hẳn với cộng sản Hà Nội, miệng thì nói hòa giải, nhưng trong bụng thì mang một bồ dao găm! Tướng Grant không coi quân lính của phe MN là phản quốc, và không phải đi tù. Sĩ quan và binh lính MN được mang lừa ngựa về nhà. Binh lính MN vẫn là những công dân bình thường, nếu họ chấp hành tốt luật lệ. Tướng Grant ra lệnh cho quân sĩ của ông không được vui mừng trước thất bại của MN. Ông nói: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta.” Ngày 12 tháng Tư năm1865, quân đội phe thua trận của Tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để gia nộp vũ khí, có đến 100.000 quân lính. Tướng Joshua L. Chamberlain của MB được chỉ định tiếp nhận sự qui hàng. Ông nhìn những chiến binh thua trận nhưng can trường, hiên ngang nhìn thẳng mặt binh lính của phe thắng trận, bất giác vị Tướng tiếp nhận sự qui hàng của phe thua trận, giơ tay chào, rồi những người lính MB cũng bắt chước theo vị chủ tướng của mình, đều giơ tay chào. Vị Tướng dẫn đầu đoàn quân MN thua trận buồn bã, đầu cúi xuống, nhưng rồi chợt nhận ra, và và ngồi thẳng trên yên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiếng thắng, không cả một lời nói xầm xì. Sau 5 năm chiến tranh khốc liệt, khi ngừng tiếng súng, phe Miền Nam thua cuộc, đã trở về nhà sống bình yên, cùng phe thắng cuộc Miền Bắc, cùng nhau xây dựng lại đất nước đã tan hoang vì chiến tranh, trở thảnh thành một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

    Khác với đất nước Hoa Kỳ văn minh và có văn hóa, dù rằng đất nước này chỉ mới lập quốc được mấy trăm năm. Họ là một quốc gia hợp chủng, nhưng tướng sĩ của phe thắng trận đã đối xử với phe thua trận rất là tình người. Việt Nam có lịch sử dài hơn 4 ngàn năm văn hiến, được giáo dục lễ nghĩa, được thấm nhuần luân lý Khổng Mạnh. Nhưng kể từ khi Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Max-Lê, luân thường đạo lý đảo lộn, con tố cha, trò tố thầy, vợ giết chồng,… xã hội loạn lạc. Tình người, nghĩa đồng bào không cò nữa. Tất cả chỉ còn là tình đồng chí. Mặc dù khi còn cuộc chiến, CSBV đã hô hào hòa giải hòa hợp dân tộc để ru ngủ tinh thần chiến đấu của quân sĩ VNCH. Bây giờ chúng đã thắng, tôi ở trong phe thua cuộc, chúng sẽ đối xử ra sao đây. Đất nước không còn chiến tranh, ai ai cũng vui mừng, tôi là một trong những người lính vui mừng nhất ! Chính Võ văn Kiệt từng nói:

    “Miền Nam được giải phóng, có triệu người vui, nhưng cũng có triêu người buồn”.

    Nhưng cũng chính hắn đã chỉ thị cho bộ máy cai trị của hắn hành xử phe thua trận một cách tàn độc. Những tên cộng sản gộc trong Bộ Chính trị của đảng cướp đã đưa ra những lời tuyên bố hằn học, đầy sự thù hằn:

    “Tại sao chúng ta phải tốn đạn để giết đi một lực lượng lao động lớn lao đó làm gì để phải bị mang tiếng với thế giới. Sao chúng ta không nhốt bọn chúng lại cho đến chết, và bắt bọn chúng lao động cực lực ngày đêm để tạo ra của cải cho chúng ta dùng, và chúng ta sẽ chỉ cho bọn chúng ăn uống cầm chừng thôi. Chúng ta bắt bọn chúng lao động thật nhiều và thật nặng thì từ từ bọn chúng sẽ kiệt sức và rồi sẽ biến mất hết trên mảnh đất này mà chúng ta không tốn một viên đạn nào và cũng không bị mang tiếng ác với thế giới là đã có một cuộc tắm máu xảy ra.”

    Nguyễn Hộ thì:

    “Chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, rồi thì vợ của bọn chúng, chúng ta lấy. Nhà cửa của bọn chúng, chúng ta ở. Con của bọn chúng, chúng ta bắt làm nô lệ. Chúng ta sẽ tạo cho bọn người miến Nam, gái thì làm đĩ, trai thì đi khai mương khai rạch, khai phá những khu đất, những khu rừng hoang, và các bãi mìn…”

    Và Đỗ Mười, một tên ngu dốt thất học, làm nghề thiến heo, theo cộng sản, gặp thời thế, đã leo lên chức cao trong đảng, Ủy viên Bộ Chính Trị, sau làm đến Thủ tướng, thì phát biểu:

    “Giải phóng miền nam, chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ. Còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới, vào nơi rừng sâu, nước độc. Chúng nó sẽ chết dần mòn.”

    Nhưng suy nghĩ của tôi lúc này thật đơn giản. Chủ trương của phe thắng cuộc, tôi chỉ mới được biết sau này. Vời bản tính ngây thơ, nghĩ rằng dầu sao bọn chúng cũng là người Việt Nam, không đến nỗi “cạn tàu, ráo máng”.

    Hết chiến tranh, tôi sẽ trở lại đời sống dân thường, được sống với gia đình, bên vợ con, và phụng dưỡng mẹ già. Chính vì ngây thơ suy nghĩ như vậy, nên vào ngày 2/5/1975, đang lang thang trên đường phố Sài Gòn, tình cờ tôi gặp Lê Hữu Cương, bạn cùng đơn vị, Thiếu tá Trưởng Ban 1 Trung đoàn 43. Gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, chúng tôi rất mừng. Cương nói:

    “Tôi có một đường giây quen tại Gò Công. Cả gia đình chỉ cần đóng 1 cây”

    “Sao anh không đi ?” tôi hỏi.

    “Tôi bị tàn tật, cụt một chân, ở lại chăc không sao”, Cương tiếp.

    “Hoà bình rồi, tôi chỉ muốn yên phận”.

    Rồi chúng tôi chia tay. Sau đó chúng tôi gặp nhau tại trại tù Suối Máu. Và mới đây tình cờ thấy anh xuất hiện trên TV, qua một phim tài liệu của một phóng viên ngoại quốc làm phóng sự về trại tù Hàm Tân. Có một câu chuyện được anh em tù cải tạo chuyền nhau: Một ngày nọ, tại trại tù Suối Máu, Cương đang đi trên đường về trại của mình, khi đi ngang bót gát, anh dừng lại chào tên lính canh theo qui định:

    “Báo cáo bộ đội, …”

    “Anh kia, cởi giày ra, tù mà còn mang giày”, tên lính canh hách dịch ra lệnh.

    Cương ngồi xuống, cởi chiếc giày của cái chân còn lành lặn trước. rồi từ từ cởi chiếc giày của chân gỗ, tháo chân gỗ, và đưa lên. Tên lính canh hoảng sợ, vội khoát tay, và yêu cầu Cương mang lại và đi đi.

    Nhà Hùng ở tận trong đường Nguyễn Thông nối dài, hướng ra cống Bà Xếp trên đường Lê Văn Duyệt. Xe không vào được, phải đậu đầu ngõ. Từ đường Lê Văn Duyệt đi vào, có một quán tạp hoá nhỏ, do một thiếu phụ làm chủ. Đậu chiếc xe trước quán, tôi gửi xe cho bà chủ, có tài xế trông coi. Tài xế của tôi là Phương, cấp bậc Trung sĩ. Anh được thăng cấp Trung sĩ đã hơn năm nay, nhưng chỉ muốn làm lái xe cho tôi. Tôi đành chấp nhận. Khi ký Sự Vụ Lệnh cho tài xế, tôi phải cho ghi cấp bậc của anh là Hạ Sĩ Nhất, vì cấp Tiểu đoàn trưởng không được giữ HSQ làm tài xế.
    Vào đến nhà, Hùng hối thúc tôi đi tắm. Tôi đang cởi giây đôi giày trận “lấm bùn đất hành quân”, vừa mớí xong một chiếc thì người thiếu phụ đầu ngõ, vừa chạy vào đứng ngoài cửa, thở hổn ha hổn hển, nói:

    - Thiếu tá cởi ngay bộ đồ lính, bận đồ “xi-vinh” vào, lánh ngay đi. Bọn chúng đông lắm, đã đi ngang quán tôi, đang hướng về Quân Vụ Thị Trấn.

    - Thế chiếc xe tôi đâu ?

    - Chúng đuổi tài xế xuống, và lấy xe đi rồi.

    Tôi ngơ ngác, không biết phải làm gì. Theo sự thúc dục của người thiếu phụ, tôi cởi nốt chiếc giày còn lại, trút bỏ bộ quân phục, khoác vào cái áo pull và chiếc quần jean Hùng đưa cho. Tôi và mấy sĩ quan tham mưu đã tháp tùng theo từ tối hôm qua, tản mát, mỗi người một ngả. “Gặp thời thế, thế thời phải thê !”

    Khi vội vàng trút bỏ bộ Quân phục trận, cùng với khẩu súng ngắn, người nhà của Hùng đem nhét vào thùng rác để phi tang ! Tôi chỉ giữ lại cái bóp, trong đó có ít tiền và mấy thẻ tùy thân: thẻ căn cước dân sự, thẻ căn cước quân nhân…nhưng tôi đã không nhớ là trong túi quần, tôi còn có hơn một trăm ngàn tiền thưởng cho đơn vị để khao quân sau chiến thắng Xuân Lộc, nhưng chưa có dịp tổ chức.

    Men theo đường Nguyễn Thông nối dài, đến cống Bà Xép, tôi đã ra đến đường Lê Văn Duyệt. Đoàn quân thắng trận đi theo đội hình 2 hàng dọc, từ hướng ngả tư Bảy Hiền lại. Vai mang ba-lô, cắm lá ngụy trang, súng cầm tay. Họ đi nhanh hay chạy lúp xúp. Các tên chỉ huy đi bên ngoài cầm súng ngắn, tay quay quay. Dân chúng đổ xô ra đường, có người cầm cờ, lá cờ nửa xanh nửa đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng, là cờ của “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam”. Họ hoan hô và cầm cờ vẩy vẩy. Trong số họ, có người tự nguyện, là những kẻ ngây thơ, “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, nhưng hầu hết là bị bắt buộc. Đám VC “30” đi lùng sục từng nhà, xô đẩy người dân ra đường. Là người dân vô tội, chỉ muốn yên ổn làm ăn, không ai muốn mình bị ghi vào sổ “bì đen”. “Gặp thời thế, thế thời phải thế”.

    Một chiếc xe đò Hốc Môn – Sài Gòn, từ hướng Sài Gòn chạy về. Trên xe chỉ có vài hành khách, một tên chỉ huy ra hiệu cho xe ngừng lại. Tôi vội nhảy lên xe để về nhà ở ngả tư Trung Chánh. Tôi thấy tên chỉ huy nói với người tài xế:

    “Quân ngụy trong Dinh Độc lập ngoan cố, không chịu buông súng đầu hàng. Cách Mạng cần xe đề chở bộ đội đến đó. Mau mau quay đầu xe”.

    Anh tài xế vâng vâng dạ dạ. Anh nói:

    “Đồng chí” cho tôi trở đầu xe”.

    Tôi đinh ninh thế nào anh tài xế cũng tuân theo lệnh của tên chỉ huy bộ đội. Xe tiếp tục chạy từ từ, chổ nào ít người thì chạy nhanh, và xe tăng tốc độ hướng về Hốc Môn. Tôi hỏi anh:

    “Bộ anh không cho xe quay trở lại sao ?”

    Anh cười lớn, giọng cười sản khoái, chen vào vài câu chửi thề. Đoạn nào vắng xe, thưa người, anh cho xe chạy nhanh như cố nuốt đường. Trên đường về Hốc Môn, tôi thấy nhiều xe tăng CSBV bị bắn hạ, đang bốc cháy, nhất là từ cổng trại Hoàng Hoa Thám, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, đến ngả ba Bà Quẹo. Xe qua khỏi Vinatexco, vượt cầu Tham Lương. Hai bên đường, đồng bào đang hồi cư. Họ là những người chạy loạn ngược lên vùng Mười Tám Thôn Vườn Trầu, và đồng quê Hốc Môn. Xe qua khỏi Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ, tôi móc ví lấy tiền trả tiền xe, nhưng người phụ xế khoát tay từ chối. Anh tài xế ngoảnh lại, nói:

    “Tôi biết anh là lính, đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày, chúng tôi không lấy tiền anh đâu”.

    Đến ngả tư Trung Chánh, thường lệ thì xe ngừng lại để xuống khách và lấy khách, nhưng xe vẫn tiếp tục chạy. Xe qua khỏi chùa Linh Sơn, tôi ra hiệu cho xe ngừng lại. Tôi nói lời cám ơn, bước xuống xe với tâm trạng rối bời.

    Đoạn đường đất đá từ QL1 vào nhà lối một trăm mét, tôi đi mà lòng nặng chỉu. Gặp bà con lối xóm, ai ai cũng chào hỏi niềm nở:

    “Thấy chú trở về bình yên là bà con mừng rồi. Bà cụ, thím và các cháu cũng tản cư lên Hốc Môn với chúng tôi vừa mới về. Khu vực mình nằm trong tầm phản pháo của Pháo binh Quang Trung (Trung Tân Huấn Luyện Quang Trung), đạn lạc vài trái, nhưng không ai bị thương tích, chỉ hư hao nhà cửa”.

    “Chào Thiếu tá, xe jeep của Thiếu tá đâu mà đi bộ ?”

    Một giọng nói có vể diểu cợt, chào tôi từ bên trong sân nhà, cách nhà tôi vài căn. Tôi ngẩng đầu lên, thấy bác Thầu. Bác Thầu quê ở Quảng Nam, làm nghề thầu khoán, tôi không biết tên thật của bác, nhưng bà con lối xóm vẫn gọi là bác Thầu, vì bác làm nghề thầu khoán. Trước đây bác vẫn chào hỏi mỗi lần gặp tôi, và gọi bằng ông, như một số người lớn tuổi láng giềng khác, cũng có người gọi bằng chú em một cách thân tình. Tôi chỉ gật đầu mỉm chào đáp lễ.

    Tôi bước vào nhà. Đó là ngôi nhà số số 26, ấp Mỹ Hòa 2, xã Tân Xuân, quận Hốc Môn, tỉnh Gia Định. Gia đình tôi về sống ở đây từ năm 1970, khi tôi từ Sư Đoàn 25BB, bị đổi đi Sư Đoàn 18BB. Trước đó tôi vẫn ở trong trại gia binh. gần ngả tư Trung Chánh, trên đường đi vào Trung Chánh, là một khu định cư của đồng bào công giáo di cư từ ngoài Bắc vào sau Hiệp định Genève.

    Việc đưa gia đình về ở trong trại gia binh chỉ là tình cờ. Từ khi từ Tiểu đoàn 31/BĐQ trở lại phục vụ Sư đoàn 25BB, Mạ tôi vẫn ở tại Nha Trang với hai cậu, bà xã thì ở Mỹ Tho. Ngân Hà, đứa con gái đầu lòng của chúng tôi sinh tại Mỹ Tho. Thỉnh thoảng bà xã vẫn đón xe đò Mỹ Tho- Sài Gòn lên thăm tôi ở đơn vị. Có khi gặp mặt là về ngay, nếu tôi bận hành quân. Khi thì Đức Hòa - Đức Huệ, Hậu Nghĩa; khi thì Lái Thiêu, Bình Dương; Nhị Bình, Hốc Môn. Nhưng từ khi về phục vụ tại Sư đoàn 25BB, đơn vị tôi ít di động như hồi còn ở BĐQ. Tiểu đoàn 3/49 của tôi đồn trú tâi Đức Lập, cách thị xã Khiêm Cương (Bàu Trai) vài cây số. Đơn vị thiết lập căn cứ hành quân tại đây. Căn cứ Đại Độỉ 3/3 của tôi nằm gần căn cứ cứ của Trung đoàn 49BB. Vị Trung đoàn trưởng lúc đó là Trung tá Nguyễn Văn Chuyên, sau lên Đại tá, làm Tỉnh trưởng Long Khánh, rồi cuối cùng là Phụ tá Khẫn hoang Lập ấp của Phó Thủ tướng Phan Quang Đáng. Trung đoàn phó là Thiếu tá Pháp, người Huế.

    Một buổi chiều, nhân lúc rảnh rổi, bà xã lại mới từ Mỹ Tho lên thăm, tôi mời một số anh em Trung đội trưởng đến uống trà. Trung tá Chuyên tự lái xe ra thăm tôi. Thấy vị chỉ huy cao cấp đến, bà xã tôi và các sĩ quan của tôi tìm cách lảng tránh. Nhưng đã quá muộn. Ông thăm hỏi tình trạng gia đình tôi. Tôi cứ tình thật trình bày. Mẹ ở Nha Trang với hai cậu, bà xã thì ở Mỹ Tho với gia đình bên vợ. Trung tá nói:

    “Trung đoàn có trại gia binh mới xây cất ở ngã tư Trung Chánh, gần phố chợ, sao anh không đón chị và bà cụ về đó”

    “Thưa Trung tá, việc này tôi chưa hề nghĩ đến. Nhưng nếu Trung tá cho một căn thì tôi sẽ rất sung sướng”

    “Tôi sẽ nói ban xã hội Trung đoàn dành cho anh một căn”.

    Mạ ở phòng trước, cùng bà xã tôi đang dọn dẹp bàn ghế, mà từ mấy ngày trước, đã chồng chất lên nhau, làm một nơi trú ẩn tạm, đẻ tránh những miểng đạn pháo! Vừa thấy, Mạ chạy ra ôm chầm lấy tôi. Mạ rờ khắp, đầu mặt và tay chân. Thấy tôi còn nguyên vẹn, Mạ thở phào sung sướng. Bà xã tôi thì đứng lớ ngớ một bên, nước mắt giọt ngắn giọt dài chảy trên gò má. Các con đang đùa giởn ở nhà đối diện, nhà bác Ninh, bác có chiếc xe lam ba bánh, đã đưa gia đình tôi tản cư mấy ngày nay.

    Tôi lập gia đình năm1968, mới có 3 con: hai gái NgânHà, HồngHà và một trai HữuHân. Vợ tôi đang mang bầu được 6 tháng. Cháu nhỏ này chào đời khi tôi đã đi tù cải tạo. Trước ngày vào trại, tôi nghĩ rằng giá chót cũng một năm, mặc dầu Ủy ban Quân quản thành phố SaìGòn - GiaĐịnh của Thượng tướng Trần Văn Trà ra thông cáo sĩ quan cấp từ Thiếu tá trở lên tập trung cải tạo, mang theo 1 tháng tiền ăn,nên ai ai cũng suy nghĩ một cách bình thường là đi “cải tạo” 1 tháng. Nhưng đó chỉ là cú lừa. Cú lừa đầu tiên.

    Buổi sáng ngày đi tù, vợ tôi nấu một mâm cơm tiễn đưa đạm bạc. Tôi khui chai rượu Martin, rót ra 3 ly: Mạ một ly, Giàu một ly và tôi một ly, rồi tôi vặn nắp chai kỷ, nói rằng sẽ uống sau 6 tháng hay 1 năm khi trở về! Nhưng rồi những ngày tù cứ biền biệt, 6 tháng, 1 năm, 2 năm, 3 năm…
    Nhìn bụng bầu của Giàu, tôi dặn: sinh con trai hay gái, đều đặt tên cho con là Hoà Bình, để mừng đất nước đã hòa bình, không còn chiến tranh. Nhưng khi đã vào tù được gần năm, bị những cú lừa liên tiếp, nên khi được cho phép viết thư, tôi nói rằng hãy bỏ cái tên tôi dặn đặt, và đặt tên cho con là HoàngHà, tên một dòng sông. Hai gái đầu là NgânHà và HồngHà, đều là tên của những giòng sông. Cậu Khác, người em kế của Mạ, mỗi lần viết thư, đều có tiêu dề như thế này:

    “Nha Trang, ngày…

    “Hai cháu và Tam Hà thân mến của cậu,…”

    Buổi sáng ngày 29 tháng Tư, tình hình đã ngã ngũ, cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc, nhưng không mấy ai nghĩ là sẽ đến nhanh như thế. Thủ đô Nam Vang của Cao Miên do quân của Lonnol ô hợp, trình độ tác chiến kém, nhưng đã cầm cự được mấy tháng trước sự tấn công liên tục của quân Khmer đỏ của PolPot, được sự yểm trợ của quân xâm lăng Cộng sản Bắc Việt. Quân CSBV chỉ ngưng yểm trợ và bắt đầu đánh lại quân của Polpot, khi Polpot dựa hẳn vào Trung cộng và chống lại quân CSBV. Nay Sài Gòn được phòng thủ bởi các Sư đoàn của Quân đoàn III, Sư đoàn Dù, TQLC, BĐQ, và các đơn vị di tản từ Miền Trung và Cao Nguyên về, thì không dễ gì bị thất thủ.

    Chiến tuyến đã di chuyển đến tận cầu sông Đồng Nai, rồi cầu Sài Gòn, ngã Tư Hàng Xanh. Vào lúc này, người dân Saì Gòn và quân nhân viên chức Mỹ phục vụ tại Việt Nam bỗng nghe đài phát thanh Quân đội Mỹ ở Việt Nam phát ra bản tin: “The temperature in Saigon is 112 degrees and rising. This will be followed by the playing of ‘I’m Dreaming of a White Christmas’” Đó là bản nhạc giáng sinh quen thuộc, do danh ca Bing Crosby hát:

    “I’m dreaming of a white Christmas
    Just like the ones I used toknow
    Where the treetops glisten
    And children listen
    To hear sleigh bells in the snow
    I’m dreaming of a white Christmas
    With every Christmas card I write
    May your days be merry and bright
    And may all your Christmas be white…”


    Lúc này là tháng Tư, trời mới vào Hè, nhiệt độ không phải là 112 độ F (45 độ C) như bản tin đã đưa lên. Đó là mật lệnh di tản, và ngày N đã đến, phải thi hành ngay.

    Buổi chiều ngày 30 tháng Tư, tôi ăn bửa cơm nhà đầu tiên, sau nhiều năm tháng không có dịp! Lòng rối bời, tôi thấy cả bầu trời sụp đổ. Buổi chiều xuống chậm. Tôi phụ Bà xã chuẩn bị bửa cơm chiều. Chúng tôi không dùng củi hay than, mà dùng giấy. Những tập sách dày, những tờ tạp chí trở thành củi đốt.Tôi xé từng tờ và đút vào bếp lò. Những chồng sách và tạp chí đã cung cấp chất đốt cho chúng tôi được vài ngày.

    Đêm đầu tiên sau bao nhiêu năm chinh chiến được ngủ ở nhà, cũng là đêm đầu tiên của ngày tàn cuộc chiến. Không có bom rơi, không có đạn nổ, không có tiếng máy truyền tin gọi, dù mệt mỏi, đã hơn 48 giờ chưa hề chợp mắt, nhưng giấc ngủ đã không đến với tôi. Tôi nằm đó trằn trọc, thao thức, suy nghĩ vẫn vơ đến một ngày mai bất định./.


    Ký ức vụn vặt về ngày tàn cuộc chiến
    BẢO ĐỊNH NGUYỄN HỮU CHẾ
    Cựu TĐT/TĐ2/43, SĐ18BB


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X