Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phân ưu cùng gia đình Hắc Ưng Nguyễn Tiến Thành 540

Collapse
X

Phân ưu cùng gia đình Hắc Ưng Nguyễn Tiến Thành 540

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phân ưu cùng gia đình Hắc Ưng Nguyễn Tiến Thành 540

    Picture correction
    Last edited by Ga Ru; 10-18-2023, 01:04 PM.

  • #2

    Comment


    • #3
      Kể từ khi định cư tại Saint Louis, MO năm 1992, tôi thường đọc thơ tình của Phượng Ly trên tập san Lý Tưởng Không Quân và đặc san Ngàn Sao thuộc Hội KQ Houston, TX. Tôi nghĩ Phượng Ly chắc là một nữ độc giả của KQ.
      Qua các Đại Hội Không Quân tại San Jose' Trung Cali, Virginia miền Đông Bắc Hoa Kỳ và Houston, TX, tôi mới có dịp biết tác giả Phượng Ly chính là ông cựu Trung Tá Nguyễn Tiến Thành, Phi Đoàn Trưởng F5 540 Hắc Ưng. Dáng ông cao lớn bề thế nhưng giọng nói lại nhỏ nhẹ dịu dàng vang dội, qua đó, khi ông diễn ngâm thơ đầy truyền cảm, ai cũng lắng nghe.
      Ông là người hiền hòa tốt bụng, nhưng tôi ngỡ ngàng đến tức cười khi biết Ông mang một "nick name" nghe rất nhột lỗ tai, đó là Thành...Dâm!
      Trong một Đại Hội Hoa Anh Đào do KQ Đông Bắc tổ chức, tôi chuẩn bị một bài thơ 4 câu để mừng KQ Lưu Huy Cảnh có nick name là "Cảnh Đờ Bờ" (nghe cũng nhột lỗ tai) tậu nhà mới. Được biết, Trung Tá phi công A37 "Cẩnh ĐB", là một trong những thành viên của Ban Tổ Chức, là MC của Tiền Hội Ngộ. Tôi khoe 4 câu thơ với cựu cố Trung Tướng Trần Văn Minh, Ông cười và chỉ định Ông Thành Dâm lên diễn ngâm 4 câu thơ đó.
      KQ Thành D diễn ngâm đến hai lần (*). Cả Hội trường cười thích thú.
      Ông "Cảnh ĐB" đã ra đi từ 5 năm trước.
      Nay đến Ông "Thành D" cất cánh phi vụ cuối.
      Và những đệ huynh KQ còn lại, sắp hàng chờ đến phiên mình.

      Nhắc lại một kỹ niệm với KQ Nguyễn Tiến Thành, cũng là để Tưởng Niệm Ông, một cánh chim miền Nam Tự Do, một Không Quân
      của Đất Nước!

      Chúng tôi chân thành chia buồn cùng chị Thành và tang quyến về sự vĩnh biệt này.
      Cầu nguyện linh hồn Giuse Nguyễn Tiến Thành
      Sớm Hưởng Nhan Thánh Chúa!
      Thành kính,

      GĐ 118 Bắc Đẩu
      KQ Võ Ý

      (*) Tối ngày kéo xế chẳng kêu ca
      Đến tối cày thêm mảnh ruộng bà.
      Nhớ cõi trời xanh nhai lại mãi
      Ngủ chuồng đã chán ráng mua nhà
      Last edited by voy118; 10-27-2023, 11:37 PM.

      Comment


      • #4
        Khóc Một Phượng Hoàng Vừa Trở Về Với Núi



        Gió không thể nào bỏ Mây

        Chúa Sơn Lâm không thể nào bỏ Rừng

        Phượng Hoàng không thể nào bỏ Núi…

        Trường Sơn Lê Xuân Nhị



        Cũng như, Gió không thể nào bỏ Mây, Chúa Sơn Lâm không thể nào bỏ Rừng, Phượng Hoàng không thể nào bỏ Núi, cuối cùng, ngày hôm qua, Phượng Hoàng Hắc Ưng Nguyễn Tiến Thành đã trở về với núi. Nhà thơ Phượng Ly Nguyễn Tiến Thành của Không Quân Việt Nam đã bay về với núi. Về với núi sau một chuyến bay dài 84 năm, với không biết bao nhiêu là oai dũng kiêu hùng của một phi công khu trục thời chiến, cũng như những tủi cực đau đớn của một kiếp người lưu lạc, cuối cùng thì cũng đã đến lúc, đến giờ về đáp.

        Đâu có loài chim nào bay mãi trên trời được.

        Chú Út khóc thương anh. Từ đây, trên đỉnh núi cao chót vót, cao thăm thẳm mịt mùng, nơi mà chỉ có loài chim Phượng Hoàng oai dũng mới ngự được, anh sẽ ngàn thu yên nghỉ. Nơi đó, núi sẽ ấp ủ linh hồn anh. Nơi đó, cao hơn nhiều và xa hẳn cái thế giới đầy phiền lụy oan khiên mà anh đã sống trong mấy chục năm qua của cuộc đời người phi công thua trận, cánh chim Phượng Hoàng của anh sẽ không còn bao giờ phải cất cánh bay lên nữa trong cái vòm trời đầy bập bùng lửa đạn và đầy dẫy hận thù. Cái bầu trời mà đáng lẽ, phải rất là trân quý và xinh đẹp của quê hương anh, nếu không bị CS xâm lăng.

        Anh đã làm người. Quan trọng hơn cả, đã làm lính, làm phi công để bảo vệ giang sơn tổ quốc mình. Anh đã là người cha hiền, người chồng tròn bổn phận, người công dân tốt của quê hương thứ hai. Anh luôn luôn đối xử với bạn bè, với đàn em của anh, như tôi, rất chí tình và chí nghĩa.

        Anh đã là một nhà thơ, đã dùng lời thơ để nói lên tâm sự dùm cho anh em lính tráng chúng tôi những trăn trở nhớ nhung, những đau buồn tủi nhục mà chúng tôi không nói được.

        Chú Út luôn luôn nghĩ, và đã nhiều lần tâm sự với anh bên bàn rượu, rằng, người phi công khu trục là người lính cô đơn nhất trong cõi trần gian này. Tàu bay rẻ tiền hạng bét của Chú Út mà còn có hai người trong phòng lái, trực thăng ít nhất 4 người, vận tải thì nhiều hơn nữa. Nhưng, người phi công khu trục cất cánh lên chỉ có một mình. Một mình, một con tàu, bom đạn phủ kín như một quả bom bay. Người bạn gần nhất, thân thiết nhất là người hợp đoàn viên bay bên cạnh mình. Phía trên là trời cao xanh thẳm, chung quanh là lửa đạn bập bùng vây kín, phía dưới là hàng ngàn họng súng đang rình chờ, mà mình sắp sửa phải nhào xuống để ăn thua đủ với chúng nó. Làm người, ai không sợ chết. Nhưng làm phi công, mình còn có bổn phận và danh dự của một người lính…

        Người phi công khu trục, nếu còn sống sau phi vụ, đem tàu về đáp, chẳng có ai đưa đón, chẳng có vòng hoa chiến thắng, chỉ có chiếc xe pick-up màu xanh rề tới. Leo lên ngồi phía sau chiếc pick-up, đôi găng tay đã "vấy máu quân thù" cách đây chừng vài chục phút, phải bám thật chặt vào thành xe. Bám không chặt, khi xe nó quẹo thì nhào đầu xuống đất, bỏ mẹ cuộc đời. Cuộc đời mà hàng trăm họng phòng không VC không bắn hạ được….

        Xe dừng trước câu lạc bộ, vào ăn ghi sổ ăn vội vàng một dĩa cơm sườn, nuốt không trôi, tai vẫn còn bị ù vì áp lực khí quyển thay đổi quá nhanh... Thèm một chai bia uống cho đỡ khát nhưng không có tiền để gọi. Để rồi, chuẩn bị chiều nay hay ngày mai lại tiếp tục cất cánh nữa. Một lần đem được tàu về đáp là một lần cảm tạ Thượng Đế, cho con còn sống sót. Sống thêm được ngày nào là mừng ngày đó. Thiên hạ thường hát, "Ôi phi công danh tiếng muôn đời..." danh tiếng gì đâu, có ai thấy? Oai hùng gì đâu, hở quí vị? Chỉ có hy sinh, chỉ có chịu đựng, chỉ có cay đắng, chỉ có thiệt thòi và mất mát mà thôi. Tôi làm lính lái tàu bay, tôi biết rất rõ những chuyện này.

        Nhân ngày buồn của người phi công khu trục Phượng Hoàng Nguyễn Tiến Thành trở về với núi, tôi, dù cũng là một phi công của QLVNCH, dù cũng đã sống giữa những hòn tên mũi đạn hàng ngày, xin chân thành kính tặng tất cả những phi công khu trục của QLVNCH một lời khen tặng và cám ơn chân thành. Cộng thêm một lời vinh danh nữa. Không ai có thể hiểu được, thông cảm được, và thân thiết được với những người phi công khu trục bằng phi công L-19 chúng tôi. Chúng tôi thay phiên nhau bay bao vùng cho bộ binh từ lúc mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn, chúng nó chẳng dám bắn một phát. Nhưng khi khu trục vừa xuất hiện thì cả vùng trởi chúng tôi đang bay liền biến thành một biển lửa. Tội nghiệp các anh quá. Mới cách đây chừng mấy phút đồng hồ, khi báo cáo tình hình, yếu tố quan trọng nhất là phòng không, chúng tôi chỉ buông một câu vắn tắt, “Phòng không không được ghi nhận.” Ấy thế mà mấy anh vừa ló đầu ra thì hàng trăm họng súng chĩa lên trời nổ lên đỏ rực như một cái rừng hoa. Chúng tôi đâm ra ngượng. Hóa ra mình báo cáo láo, muốn mấy cha chết hay sao? Đang tìm một lời xin lỗi thì giọng mấy cha khu trục đã khè khè qua cái ống dưỡng khí, coi như chẳng có gì quan trọng, lại còn hối nhặng lên:

        -Thấy bạn rồi. Chúng tôi đang ở 10 ngàn bộ, hướng 3 giờ của bạn, vào cho trái khói đi bạn.

        Cho thì cho liền, cắt ga chuẩn bị làm spiral, nhưng cũng ráng gỡ gạc một câu, sợ mấy cha buồn:

        -Bạn thông cảm, tôi bay từ sáng giờ, có thấy một phát phòng không nào đâu.

        -Chuyện nhỏ bạn ơi, nói hoài. Vào cho trái khói đi bạn, để tụi tui còn làm ăn, ở trên này lâu, không tốt cho… sức khỏe. Hai đây một, qua combat formation đi hai…

        Ôi, cao cả và oai dũng làm sao, những người phi công khu trục của Không Quân Việt Nam. Các anh đã giữ được những sự bình thản đáng kính của Kinh Kha trước khi qua bờ Sông Dịch. Chẳng những bình thản mà còn độ lượng và lịch sự nữa.

        Những chuyện này không phải xảy ra một lần, mà nhiều lần, không phải của một phi đoàn, mà tất cả những phi đoàn khu trục mà chúng tôi bay…

        Nhìn những chiếc khu trục nhào lên lộn xuống như những con diều hâu giữa bày lang sói, giữa những đường đạn phòng không bắn chíu chít như một màn lưới nhện đan kín cả bầu trời, tôi không thể không run sợ và hãi hùng. Xin đừng ai dối lòng mình và dối thiên hạ để bảo rằng mình không run sợ khi bị những họng súng chỉa thẳng vào mặt mình mà nổ lên ròn rả. Kinh lắm, hãi lắm, sợ lắm, đù mẹ sợ đến độ teo luôn cả chim. Xin đừng nói phét rằng tôi không sợ phòng không, không sợ đạn bắn. Ai nói như thế tức là, hoặc nói phét, hoặc chưa bao giờ lái tàu bay, hoặc là, lái tàu bay nhưng chưa bao giờ bị phòng không bắn. Nhưng, sợ là một chuyện, mình còn có bổn phận phải làm. Phải lao đầu xuống ăn thua đủ với chúng nó. Đơn giản như thế thôi.

        Các anh, những người phi công khu trục, chính là những người lính oai hùng của QLVNCH. Các anh ngày xưa là những người chiến sĩ “địa đầu trấn ải” trên không hằng ngày, bay những phi vụ nguy hiểm nhất, chịu thiệt thòi nhiều nhất, nhưng lại sống những cuộc đời lặng lẽ nhất, âm thầm nhất, cô đơn, đơn sơ và nghèo nàn nhất. Nhưng các anh đã làm tròn bổn phận của mình. Bổn phận của những người phi công thời loạn. Xin cúi đầu cảm tạ và cảm phục các anh.

        Tôi cũng chưa hề đọc hay nghe ai ca tụng những người phi công khu trục của Không Quân Việt Nam. Thật là bất công. Lại còn có một vài anh ngày xưa lái tàu bay vận tải (ngoại trừ AC-47 và AC-119 cũng đánh giặc như chúng tôi), chở đạn, chở lính, chở đồ tiếp liệu vớ vẫn, chở ca sĩ đi hát, thậm chí chở cả đào hay đĩ cho tướng vùng, chở hàng lậu làm giàu cá nhân, cũng viết lách láo lếu tự khoe mình là phi công đánh giặc ngày xưa. Đù mẹ, đánh giặc cái con củ c… ông. Ai cũng có quyền nói phét, nhưng với một người như tôi, đã từng bay tham dự những trận đánh đẫm máu nhất của chiến trường việt nam, đã từng bị phòng không VC bắn tả tơi như cái mền rách nhiều lần, về đáp được, bước xuống tàu bay, chân đạp đất, mới biết mình còn sống; đã từng nhìn thấy những chiếc khu trục A1, những khu trục A-37, những trực thăng UH bị bắn nổ tung trên trời ngay trước mặt mình, tôi cho đó là những lời lẽ xúc phạm. Xúc phạm đến anh linh những người lính của KQ/VNCH đã anh dũng nằm xuống cho những thằng phi công mất dạy vô lương tâm này còn sống để ăn nói bố láo, lòe thiên hạ.

        Bây giờ, xin nói về chuyện, tại sao một anh phi công lái L-19 hạng bét như tôi lại quen thân được với một ông Trung Tá Không Quân, không phải là trung tá Không Quân thường mà là một phi đoàn trưởng một phi đoàn khu trục F-5 ngon lành nhất của Không Quân Việt Nam?

        Xin thưa, câu chuyện bắt đầu bằng tờ Lý Tưởng của hội Không Quân ở Houston. Mỗi năm một lần, vào mùa Thu, hội Không Quân Houston luôn luôn tổ chức một đêm nhảy đầm gọi là Đêm Không Gian. Đây là truyền thống của anh em Không Quân từ những ngày còn ở Việt Nam. Nhưng tại sao lại gọi những đêm ăn nhậu nhảy đầm này là Đêm Không Gian thì tôi xin chịu, không trả lời được. Làm như không gian cũng có ngày, có đêm vậy. Tôi nghĩ, có lẽ bởi vì, khi đi dự tiệc, sau khi mình đã nốc cạn vài ly cổ nhắc, thấy lòng lâng lâng, lại ôm một em thơm như múi mít đi một bản Sì lô hay Rumba gì đó, ôm em sát vào người, ngực ép sát vào cặp vú mềm mại chết người của em, mặt ép sát vào má em, mình cảm thấy đê mê sung sướng như người … đang bay trên mây nên gọi là Đêm Không Gian chăng? Có thể lắm. Ai biết được lòng dạ mấy cha Không Quân đã từ lâu nổi tiếng là dâm đãng một cây?

        Mấy năm đầu sau 1975, anh em Không Quân ở Houston còn rời rạc, nhưng lần lần, an cư lạc nghiệp rồi, có job có nhà đàng hoàng rồi, có chút tiền bỏ trong nhà băng rồi, phe ta bèn họp lại tổ chức có quy mô hơn, lớn hơn. Lớn đến độ phải mướn cả cái Ball Room vĩ đại của nhà hàng Mariott lớn nhất thành phố Houston mới đủ chỗ đón khách, trên dưới 500 người. Rồi, kèm theo cái Đêm Không Gian này là một tờ báo của hội Không Quân, tên là Ngàn Sao, hình thức như tờ Lý Tưởng ngày xưa. Không Quân mà, đã ăn nhậu nhảy đầm thì phải có tí … văn thơ đi kèm nó mới đúng điệu Không Quân, đúng điệu hào hoa phong nhã.

        Tờ Ngàn Sao thời đó nổi tiếng lắm và quý lắm, toàn là những cây viết gạo cội từ những ngày xưa ở Việt Nam, như Mây Trời, như Phượng Ly, Kha Lăng Đa vân vân. Do một tình cờ, tôi có được tờ Ngàn Sao. Cầm nó trên tay, tôi có cảm giác như đã tìm lại được linh hồn mình sau những chuỗi ngày xa vắng. Tôi đọc nhiều lần, hiểu được tâm trạng của những người viết, thấm thía từng lời văn, lời thơ. Hồi đó tôi mới tập tểnh cầm bút, cũng gởi thử một bài viết, “Tự Truyện Của Một Phi Công” cho toà soạn, không biết có được đăng không. Nhưng không ngờ, bài viết của tôi lại lọt được vào cặp mắt xanh của Phượng Ly Nguyễn Tiến Thành, một trong những cây cổ thụ của tờ báo. Anh cho đăng ngay. Hơn thế nữa, vì anh phụ trách mục hộp thư, lời lẽ rất nhẹ nhàng bay bướm, đúng điệu Không Quân, nhưng rất thực, rất hay, anh khen bài của tôi và nhắn Chú Út khi nào qua Houston, tìm gặp anh.

        Mùa Thu năm sau (lại mùa Thu), tôi qua Houston dự đêm Không Gian. Tôi nhớ mãi, tôi đang đứng nói chuyện với anh chị Tư ở ngoài khách sạn Marriott, thì nhìn thấy một chiếc xe Van màu trắng đổ lại. Trên xe bước xuống là một Nam Tử, rất đẹp trai, người to lớn cao ráo, mặt mày quắc thước với hàng râu quai nón coi thật là ngầu. Đa số phi công Việt Nam đêu to lớn đẹp trai (ngoại trừ tôi), nên chuyện này chẳng có gì đáng làm cho tôi để ý. Nhưng tôi để ý một điều là Nam tử này lại ôm một chồng báo bên hông, mới nhìn qua thì tôi đoán ngay rằng đó là báo Ngàn Sao. Tôi hỏi chị Tươi:

        -Cái ông vừa xuống xe ôm chồng báo đó là ai mà ngầu vậy chị?

        Chị Tươi vừa trả lời vừa bụm miệng cười:

        -Ông Thành Dâm đó.

        Tôi cũng giật nẩy mình khi nghe như thế:

        -Thành Dâm?

        Chị Tươi cười:

        -Mấy ông Không Quân đặt tên cho nhau thiệt là hay … hết biết.

        Kể từ hôm đó, chúng tôi quen nhau thân thiết. Thân thiết vì chữ nghĩa và vì tính tình. Chúng tôi ai cũng mê văn thơ, ai cũng thích uống rượu, thích đấu hót, kể chuyện đời xưa, luận chuyện đời nay…

        Phải công nhận, Houston là đất có nhiều hào kiệt. Đủ thứ hào kiệt, từ hào kiệt … thơ văn như Cao Đông Khánh, Tô Thùy Yên, văn sĩ Điệp Mỹ Linh, cho đến hào kiệt … lính như Út Bạch Lan Nhảy Dù, Không Quân như F-5 Phượng Ly Nguyễn Tiến Thành, C-130 Hoàng mun, A1 Skyraider Thái Ngọc Tường Vân, F-5 Tô Phương Cường, A1 Minh chè vân vân.

        Vài tháng một lần, tôi và Nguyễn Lập Đông, hay anh Toàn Hải Quân, hay Lê Hồng Thanh, hay Trương Minh Đức, Tây du qua Houston một phát. Vào mùa crawfish của Louisiana thì chở đầy một thùng crawfish phía sau, không phải mùa thì sách mình ên đi qua. Tôi nhớ mãi, vì hồi đó chưa có GPS nên vào thành phố rồi, phải dừng xe ở một cây xăng nào đó, gọi cho anh Thành. Anh Thành xách xe ra, rồi đi theo anh về nhà.

        Kể từ giờ phút ấy cho đến khi từ giã thành phố Houston, tôi không thể nào nhớ được gì cả bởi vì những cuộc say kéo dài từ tối thứ Sáu cho đến chiều Chủ Nhật. Sáng thứ hai, lái xe về lại New Orleans, người dật dờ, lâu lâu, phải ghé vào trạm xăng để… ói mửa. Kể ra thì chẳng hay chút nào, nhưng cuộc đời tôi nó vốn bê bối như vậy rồi, đành chịu thôi.

        Có những buổi nhậu, có cả những nhân vật nổi tiếng như tướng Bùi Thế Lân, đại úy Út Bạch Lan, bác sĩ Nguyễn Đình Phùng, bác sĩ Luận nhảy dù, vân vân, toàn là những hào kiệt của đất Houston…

        Nhưng, hình như, sách Kinh Thánh có nói một câu, “Một thời để yêu, một thời để ghét, một thời của hòa bình, một thời của chiến tranh, một thời để cười, một thời để khóc vân vân …”

        Tôi xin bắt chước, nói thêm, “Một thời để Vui và một thời để Nhớ…”

        Phải, một thời để vui. Có gì vui cho bằng anh em lâu ngày gặp nhau, đồ ăn đồ nhậu đầy bàn, bia rượu chất cao như núi, tiếng cười nói, tiếng pha trò, ngay cả tiếng chửi thề vang đầy trong không gian. Bao nhiêu chuyện cũ thời bay bổng, những trận đánh đẫm máu, có những chuyện đã kể đi kể lại hàng trăm lần rồi, bây giờ kể lại vẫn còn thấy hay, y như chuyện mới. Kể xong, anh em cười với nhau. Cũng có những câu chuyện, kể xong rồi ai cũng ngậm ngùi khi nhắc đến một cánh chim nào đó đã rơi rụng, những vì sao vừa mới tắt như tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không Quân. Rồi những đêm dạ vũ, ôm đào nhảy tửng từng tưng, lắc đít lắc mông cứ như những ngày xưa, khi mình còn trẻ lắm.

        Nhưng, giống như mọi chuyện trên cõi đời này, tất cả những gì hay, những gì ngọt ngào thân thiết, những gì tốt, đều trôi qua rất mau.

        Cái thời để Vui qua đi rất mau, nhưng cái thời để Nhớ thì dài đằng đẳng, dài đến vô tận… Theo thời gian, anh em lần lượt ra đi. Người mà tôi vô cùng quý mến là Cao Đông Khánh ra đi sớm nhất. Rồi đến anh Hoàng Mun, và bây giờ, đến phiên Phượng Ly Nguyễn Tiến Thành.

        Nghe tin anh Thành ra đi, tôi nhìn lên trời cao, nơi có những đám mây trắng đang lờ lững bay, lòng không tránh khỏi thổn thức và ngậm ngùi…

        Tôi nghĩ, cuộc đời mình, giống như những hành khách trên một chuyện xe buýt bất tận của cuộc đời. Xe dừng ở trạm nào, người tới trạm phải bước xuống. Rồi xe lại lăn bánh. Để rồi tới trạm kế, xe buýt lại dừng cho một người khác xuống. Rồi xe lại tiếp tục lăn bánh. Những vòng quay bất tận của bánh xe đời. Cứ thế và cứ thế, chúng ta, những con người ngồi trong chuyến xe buýt cuộc đời, sẽ chờ cho đến lúc xe dừng, rồi tới phiên mình xuống trạm…

        Thôi nhé anh Thành, người phi công khu trục lừng danh yêu dấu của em, anh vừa bước xuống trạm xe cuối của cuộc đời mình. Ai rồi cũng phải xuống xe khi tới trạm mà thôi, cái quan trọng là, lúc mình còn sống, mình đã làm được gì cho gia đình, cho quê hương tổ quốc, hay cho anh em bạn bè?

        Anh đã làm tròn bổn phận của người trai đất Việt khi còn trẻ, làm người chồng tốt, người cha hiền, người bạn tốt với anh em. Như thế là quá đủ rồi anh Thành ạ. Cuộc đời này, dễ thử, có bao nhiêu người được như anh…

        Nghe tin anh ra đi, chú út đã không khóc, vì, nói thật với anh, chú út đã chờ đợi cái hung tin này sau khi gọi cho anh nhiều lần mà không được trong suốt gần 3 năm qua. Anh có bao giờ tệ như thế đâu anh Thành. Hơn nữa, chú út biết anh rất thương chú út mà. Nhưng bài viết về anh kéo dài hơn 2 tuần lễ, nhiều khi mới viết được vài hàng là nước mắt chú út cứ tràn trụa rơi xuống, không sao cầm lại được. Nhiều lần phải bỏ nửa chừng, không viết nổi nữa…

        Sáng hôm nay, một buổi sáng mùa Thu mới vừa sang với lắm lá vàng, chú út viết bài này để đưa tiễn anh về với núi. Một buổi sáng mùa Thu như những ngày mùa Thu quý giá mà anh em mình thường gặp nhau, chén thù chén tạc, trao đổi tâm sự của những người phi công thua trận, mất nước. Buổi sáng hôm nay, cũng mùa Thu, cũng lắm lá vàng, cũng gió heo heo lạnh, cũng có những đàn chim nhỏ hát ca vang, nhưng chú út cảm thấy cô đơn lạ thường, cô đơn lắm. Và buồn lắm, nhớ anh lắm…

        Thiên hạ nguyện cầu anh được về cõi Vĩnh Hằng hay về Thiên Đàng, hay về một chỗ thiêng liêng nào đó. Riêng với chú út, chú út biết và chỉ mình chú út biết, anh đã về với núi. Tại sao thế, bởi vì, chỉ có núi mới dung dưỡng được Phượng Hoàng mà thôi.

        Chỉ có núi mới hiểu được lòng anh và ôm ấp anh được mà thôi.

        Khóc thương anh, Phượng Ly Nguyễn Tiến Thành, một cánh Phượng Hoàng vừa về với núi…

        Trường Sơn Lê Xuân Nhị

        Garden Grove, CA 10/27/23

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X