Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thung Lũng IA DRANG

Collapse
X

Thung Lũng IA DRANG

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thung Lũng IA DRANG

    Hà Kỳ Lam


    Hollywood đã dựng lại một trận đánh nổi tiếng giữa lực lượng của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ (1st Cavalry Division) và lực lượng chính qui Bắc Việt năm 1965 tại thung lũng Ia Drang, Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, qua phim "We Were Soldiers", dựa trên cuốn hồi ký chiến trường của Cựu Trung Tướng Harold G. Moore và phóng viên chiến trường Joseph L. Galloway, cuốn "We Were Soldiers Once ... and Young". Có điều đáng tiếc là người làm phim đã không thực hiện được cảnh trí thật sự của vùng Cao Nguyên Trung Phần, bãi chiến trường xưa. Khán giả nào đã từng biết ít nhiêàu về cùng cao nguyên đó hẳn dễ thấy cảnh trí một nơi nào khác - có thể là Thái Lan, Phi Luật Tân v.v. - đã được lồng vào phim; vài cựu chiến binh Mỹ cũng đã có cùng nhận xét đó. Kẻ viết bài này đã từng có cơ duyên "gặp gở" núi rừng đó xin sơ lược đôi điều về "chốn xưa".

    Thung Lũng Tử Thần nổi tiếng cả nước Mỹ

    Năm 1965, lúc tình hình chiến sự sôi động tại Cao Nguyên Trung Phần, thì tôi đang vất vả với những tháng ngày hành quân tại Khe Sanh, Lao Bảo, vùng biên giới của tỉnh Quảng Trị với vùng Tchépone của Lào. Thời gian đó tôi nghe tin trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ bị quân chính qui Bắc Việt vây hãm hai tháng trời (từ tháng 8 đến tháng 10), rồi đến phiên một trại Lực Lượng Đặc Biệt khác, trại Plei Me phía nam Đức Cơ, bị một lực lượng đông đảo quân Bắc Việt tấn công năm ngày liên tiếp vào cuối tháng 10, tức cuối mùa mưa Cao Nguyên. Lực lượng giải vây cho Plei Me, một cuộc hành quân cấp trung đoàn phối hợp bộ binh và thiết giáp của QLVNCH, với yểm trợ của phi pháo đã lọt vào trận địa phục kích của địch dài 4 cây số trên tỉnh lộ 5, phía nam tỉnh lỵ Plei Ku. Nhưng lực lượng hành quân đã phản kích hiệu quả, bẻ gãy kế hoạch đả viện của đối phương.

    Tưởng mọi sự của chiến trường Cao Nguyên như vậy đã được "dàn xếp" ổn thỏa, và đối phương sẽ chờ mùa mưa năm sau mới giao đấu lại! Nhưng không phải thế. Tôi lại nghe tin các đơn vị của sư đoàn 1 Không Kỵ Mỹ trong chiến dịch lùng tìm "tàn quân" Bắc Việt đang rút về hướng tây của trại lực Lượng Đặc Biệt Plei Me đã chạm địch nặng tại thung lũng Ia Drang, và báo chí Mỹ đã mô tả cường độ giao tranh là đẫm máu nhất từ đầu cuộc chiến tời giờ. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết đại khái như thế, và địa danh "Ia Drang" lọt vào tai mình một cách mơ hồ, lạ lẫm như nghe nói đến một vùng đất xa xôi nào mà mình chẳng hề nghĩ sẽ có ngày đặt chân đến. Còn đối với đa số người Việt có lẽ thung lũng Ia Drang lại còn xa lạ hơn nữa, một cái tên chưa hề nghe bao giờ. Nhưng oái oăm thay, dường như cả nước Mỹ trong những ngày cuối thu năm 1965 ấy đều nghe nói đến "Ia Drang", bởi vì đó là thời sự nóng bỏng nhất hồi đó, và một số con em họ đã bỏ mình ở đó..

    Mặc dù khuôn khổ bài này là trình bày đôi điều về thung lũng Ia Drang, không phải về trận đánh tại nơi ấy, nhưng thiết nghĩ cũng cần đề cập ngắn gọn đôi giòng về chiến trận tại Ia Drang để người đọc có thể thấy vì sao thung lũng được mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần. Vào ngày 14-11-1965 một tiểu đoàn 450 người, do Trung Tá Harold G. Moore chỉ huy, đã đổ bộ bằng trực thăng xuống một mảng rừng trống với ngụy danh là bãi đáp X-Ray (landing zone X-Ray) trong thung lũng Ia Drang, dưới chân núi Chu Pong về phía tây nam thị xã Plei Ku khoảng sáu mươi cây số. Lập tức khoảng hai nghìn quân chính qui Bắc Việt đã bao vây đánh tiểu đoàn Mỹ. Lực lượng Mỹ nhờ hỏa lực của pháo binh, không quân, và nhờ tinh thần chiến đấu, sau ba ngày đêm chống trả với nhiều đợt xung phong biển người của đối phương đã đẩy lui địch. Cả hai bên đều tổn thất nặng. Cuốn phim "We Were Soldiers" trong đó tài tử Mel Gibson đóng vai người hùng Harold G. Moore đã dựng lại cảnh chiến trường này. Ba ngày sau, cách xa bãi chiến trường X-Ray khoảng 6 cây số, tại một khoảnh rừng trống với ngụy danh bãi đáp Albany (landing zone Albany) cũng trong thung lũng Ia Drang, một tiểu đoàn khác của Mỹ bị đối phương "đánh không còn một manh giáp". X-Ray và Albany là hai trận đánh tàn bạo nhất trong chiến tranh Việt Nam đã cho thung lũng Ia Drang cái tên hoàn toàn trái ngược với vẻ đẹp tự nhiên của nó: Thung Lũng Tử Thần (Valley of Death).

    Thung Lũng Hoàng Hôn


    Vào tháng Ba năm 1966 tôi rời vùng núi rừng Khe Sanh, A Shau, A Lưới của Vùng I Chiến Thuật, trôi nổi theo nhịp đời quân ngũ từ duyên hải Nha Trang, Cam Ranh, đến Dak To, Dak Sang của vùng Kon Tum. Rồi định mệnh đưa đẩy, khoảng đầu năm 1967 tôi được điều động đến Plei Me với cương vị trưởng trại Lực Lượng Đặc Biệt này. Hơn một năm trước tôi đã nghe nói đến Plei Me, tôi đã nghe nói đến thung lũng Ia Drang phía tây nó. Và bây giờ tôi sắp đặt chân lên vùng đất huyền thoại này. Vừa đến thành phố Plei Ku tôi đã "choáng ngợp" vì hai chữ "Plei Me" và "Ia Drang". Một trường học ở đây mang tên "Trường Trung Học Plei Me", doanh trại bộ tư lệnh Quân Đoàn II mang tên "Thành Plei Me", chiếc máy bay C-47 của vị tư lệnh Quân Đoàn II mang chữ "Plei Me" đỏ chói bên hông, và một bệnh viện ở Plei Ku mang tên "Dân Y Viện Ia Drang". Nếu tôi nhớ không lầm, người ta bảo đây là sáng kiến độc đáo của Trung Tướng Vĩnh Lộc, vị tư lệnh Quân Đoàn II lúc bấy giờ. Chắc vị tướng xuất thân từ binh chủng thiết giáp kia đã hãnh diện biết bao vì hai chiến trường Plei Me và Ia Drang xảy ra trong thời gian ông cầm vận mạng Quân Đoàn II!

    Ngay ngày đầu tiên đến Plei Me tôi đã đi một vòng quanh tuyến phòng thủ trại để có một cái nhìn khái quát địa thế - một hành động hầu như đã trở thành bản tính thứ hai của mình sau bao năm tháng ở các đơn vị tác chiến. Và cái biển rừng cây mênh mông phía tây trại đã đập vào mắt tôi. Đã vẹt gót giày ở những khu rừng già miền Trung, ở vùng tam biên Kontum, tầm nhìn chỉ quen với lũng sâu tiếp nối đỉnh cao, tôi chưa từng thấy một cánh rừng phẳng lì đến chân trời như thế. Thực ra, xa tít tắp trong sương khói tôi vẫn thấy dãy núi Chu Pong mờ ảo ở chân trời, nhưng đó là rặng núi cao độc nhất chế ngự cả một biển rừng cây thấp mênh mông phía tây trại Plei Me chạy đến tận biên giới Việt-Miên, và phía nam đến tận miệt bắc Ban Mê Thuột. Nhưng phải mấy ngày sau đó tôi mới khám phá ra rằng đặc điểm của bình nguyên bao la phía tây Plei Me không phải là biển lá rừng mênh mông mà là ánh hoàng hôn trên đó. Tôi đứng ngắm ánh chiều tà lộng lẫy về phía tây trại lần đầu tiên một chiều nọ và nghĩ chưa có nơi nào đẹp hơn. Nếu là một biển nước mênh mông thì cảnh sắc hoàng hôn sẽ đơn điệu, nhàm chán, tầm thường. Ánh mặt trời đỏ rực rọi trên mặt phẳng lá xanh chập chùng trải đến mút tầm nhìn, với những áng mây muôn màu ở chân trời, với sương khói lung linh như mưa bụi ngũ sắc rơi trên những ngọn núi xa xa thật khó tả bằng lời. Vả chăng tôi cũng đã cố gắng vẽ lại bức tranh ấy cách đây bảy năm - năm 1996 - trong truyện ngắn "Hoàng Hôn Trên Thung Lũng Ia Drang", và bây giờ chả lẽ lại lặp lại điệp khúc ấy. Với lại, viết về thung lũng Ia Drang hôm nay, tôi chỉ muốn làm một bài ký sự ngắn, xoay quanh sự kiện nhiều hơn. Một điều thú vị là chả riêng gì tôi bị mê hoặc vì vẻ đẹp của thiên nhiên kia, mà viên sĩ quan trưởng toán cố vấn Mỹ, Đại Úy Scott, cũng đã từng say sưa ngắm nhìn hoàng hôn phía tây trại. Mỗi lần nhìn cảnh đẹp ấy ông ta đều thốt lên "sunset on Ia Drang Valley", một sự việc đã khiến cả toán Mỹ làm đề tài hài hước mỗi hoàng hôn vắng mặt ông. Đại để, một anh lính bưng ly rượu hoặc lon bia đến bên cửa sổ nhìn ra thung lũng tắm nắng chiều và lặp lại câu nói, "sunset on Ia Drang Valley" để cả nhóm cười ầm lên.

    Vị Trí Địa Dư của Thung Lũng Ia Drang


    Dãi đất về phía tây nam tỉnh lỵ Plei Ku là rừng thấp, chằng chịt suối, trải hằng mấy chục cây số đến tận biên giới Việt-Miên, và đến tỉnh Ban Mê Thuột kế cận. Trong toàn vùng chỉ có rặng núi Chu Pong là chi tiết địa hình nổi bật, tuy cao độ khoảng dưới một nghìn thước. Đó là một dãy núi chạy từ đông sang tây dài khoảng hai mươi lăm cây số, mà phần nằm trong đất Miên chiếm khoảng bảy cây số. Chiều nam bắc của dãy núi đo khoảng hai mươi cây số. Chu Pong là một tập hợp những hang động, những vách núi, những vực sâu, những thác nước, những thung lũng - một căn cứ địa rất tốt. Trong hai cuộc chiến tranh đã qua - chiến tranh Đông Dương 1945-1954, và chiến tranh Việt Nam 1965-1975 - Hà Nội đã dùng núi Chu Pong để trú quân và chứa kho tàng cho các chiến dịch ở Cao Nguyên Trung Phần. Dọc theo sườn phía bắc của dãy Chu Pong - từ chân núi đổ về mạn bắc - là một thung lũng khá rộng. Con sông Ia Drang, phát nguyên từ vùng gần đồn điền trà Catecka phía nam thị xã Plei Ku, cắt đôi thung lũng đó, lượn khúc qua thác ghềnh, chảy về tây, đổ vào đất Miên. Trải dài dọc đôi bờ con sông ở đoạn gần chân núi Chu Pong là thung lũng Ia Drang. Thung lũng này nằm về hướng nam-tây-nam tỉnh lỵ Plei Ku, và ở cách xa độ sáu mươi cây số. Đối với vị trí trại Lực Lượng Đặc Biệt Plei Me, nó nằm ở hướng chính tây, và cách xa khoảng trên hai mươi cây số. Như vậy, để chính xác hơn, cái biển rừng cây mênh mông phía tây cứ điểm Plei Me gồm nhiều thung lũng họp lại, và xa tít trong sương khói ở chân trời với dãy núi Chu Pong xanh lơ làm nền mới chính là thung lũng Ia Drang. Nhưng người ta quen gọi cái biển lá rừng trùng điệp phía tây trại là Thung Lũng Ia Drang, vì dòng Ia Drang là con suối quan trong trong vùng.

    Vẻ Đẹp của Thiên Nhiên Ia Drang


    Tôi "đến" với thung lũng Ia Drang trong một chuyến bay không thám (visual reconaissance). Chiếc L 19 chỉ có hai người, tôi và anh chàng phi công Mỹ. Cất cánh từ phi trường Plei Me, chúng tôi hướng về phía biên giới Việt-Miên, lướt trên một bề mặt rừng xanh thẫm khi thì bằng phẳng, khi thì lượn sóng, điểm xuyết bằng những con suối bạt lấp lánh, bằng những mảng rừng trống. Nhưng tuyệt nhiên không có một bóng người, hay một túp lều. Trong thời chiến bộ mặt rừng núi càng thêm hoang vu và bí hiểm!

    Vùng mục tiêu quan sát là một đoạn của thung lũng Ia Drang mà tọa độ đã được xác định trên bản đồ. Phi cơ bay dọc theo con sông Ia Drang một đoạn rồi đánh nhiều vòng trên thung lũng tràn ngập ánh nắng, và bay trên các đỉnh núi lân cận. Thảo mộc hai bên bờ sông phần lớn là loại lau lách cao trên một thước, và vài nơi chỉ toàn một thảm cỏ xanh. Thỉnh thoảng những cây cổ thụ mọc ven sông nghiêng cành đến tận mé nước. Nhìn tổng quát, khung cảnh thật thanh thoát. Vẳng bên tai tôi qua cái headset giọng anh phi công khen phong cảnh đẹp. Tôi nhớ đại khái anh nói rằng đất nước này đẹp thật. Tôi nhớ lúc bấy giờ mình đã liên tưởng đến khúc nhạc "Suối Mơ" của Văn Cao:

    Suối mơ, bên rừng thu vắng
    Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng


    Nhân nhắc đến lời của anh phi công Mỹ, tôi muốn trích lời của hai người nữa, hai đồng bào của anh phi công kia, khi họ nói về thung lũng Ia Drang. Người thứ nhất là vị sĩ quan đã dự trận đánh ở Thung Lũng Ia Drang năm 1965, kể lại trong cuốn hồi ký chiến trường của Tướng Harold G Moore và Joseph L. Galloway. Cựu Đại Úy John Herren kể lại cảm nhận lúc ngồi trên trực thăng để ra trận: "Việt Nam đẹp thật, thậm chí trong chiến tranh, với rừng xanh, đồi rậm, với suối nguồn hoang dã chằng chịt". (Vietnam, even in war, was scenic, with the green jungle, heavy forested mountains, and wild-looking rivers crisscrossing the terrain). Người thứ hai chính là Cựu Trung Tướng Harold G. Moore, tác giả của thiên hồi ký chiến trường "We Were Soldiers Once ... and Young" vừa nêu trên. Tướng Moore, qua mấy dòng thư riêng cho kẻ viết bài này, cho biết ông đã trở lại thăm chiến trường xưa, thung lũng Ia Drang, hai lần, vào năm 1993 và 1997. Ông mô tả: "Hoa dại bây giờ phủ đầy thung lũng của những cái chết tức tưởi ngày xưa. Vùng Ia Drang từ phía tây Plei Me không có người ở, ngoại trừ một số ít người Thượng đang được di dân về hướng đông, gần Plei Ku. Vùng núi rừng Ia Drang/Chu Pong bây giờ được gọi là 'rừng oan hồn', vẫn bí hiểm và đẹp". (Wild flowers now grow in those places of violent death. The Ia Drang from Plei Me west is uninhabited except for a few Montagnards who are/have been driven out to the east near Plei Ku. The Ia Drang/Chu Pong area is now known as "The forest of Screaming Souls" and remains mysterious and beautiful). Không biết nhóm chữ "Forest of Screaming Souls" do chính tướng Moore nghĩ ra để dịch ý tưởng của người Việt hay do một thông dịch viên/hướng dẫn viên du lịch người Việt dùng để thuyết trình với du khách, nhưng dù sao thì hiển nhiên thung lũng Ia Drang đã đi vào lịch sử chiến tranh của nhân loại, lưu danh thiên cổ một trận chiến, và một nét đẹp của thiên nhiên. Có lẽ điều sau mới trường tồn hơn ...


    HÀ KỲ LAM

  • #2
    Ia drang máu nhuộm

    LỜI DẪN NHẬP

    Năm 1965 cuộc chiến Việt nam đã đi vào khúc quanh lịch sử khi người Mỹ bắt đầu ào ạt chuyển quân trực tiếp tham chiến tại mặt trận. Trước đó họ chỉ giữ vai trò cố vấn cho QLVNCH.

    Với thâm ý, đánh phủ đầu Bắc quân với chiến thuật dụng binh thần tốc bằng trực thăng đựọc B52, Skyraider và phản lực không yểm, phối hợp cùng pháo binh, 3 tiểu đoàn thiện chiến Mỹ, được tung vào vùng thung lũng Ia Drang, nằm tại phía nam Pleiku và đường 19 phía Bắc của Ban Mê Thuột và cách căn cứ lực lượng đặc biệt Pleime chừng 16 dặm.

    Tại đây, quân Mỹ đã đụng độ với 3 trung đoàn chính quy Cộng sản và tiểu đoàn H15 của Mặt trận Giải Phóng.

    Trận quần thảo xẩy ra vào ngày 14-11-1965 và kêt thúc ngày 18-11-1965.

    Tổng kết thiệt hại được ghi nhận như sau: 1037 cộng quân bỏ xác tại chỗ. Thành phần bị thương và xác chết được chúng kéo đi không ai kiểm chứng được chính xác là bao nhiêu. Phía Mỹ: 235 tử thương và 245 bị thương nặng nhẹ vũ khí bảo toàn.

    Cả hai bên đều tuyên bố thắng trận. Phần đầu của bài viết này tường thuật trận đánh tại 2 bãi đáp X Ray và Albany. Phần sau phân tích, bình luận và nói lên một số sơ hở từ phía Mỹ. Để thêm phần linh động và nhân bản, một số tự thuật từ chính những người lính Mỹ đã tham dự trận đánh sẽ được xen kẽ trong bài viết.


    Nói đến chiến cuộc Việt Nam là phải nói đến trực thăng vận. Hình ảnh từng đoàn trực thăng vần vũ đổ quân, vận chuyển cũng như khạc đạn, đã là những hình ảnh dính với chiến trường tàn khốc của nam Việt nam. Ít người được biết cha đẻ của chiến thuật trực thăng vận là Trung Tướng James M.Gavin, nguyên tư lệnh sư đoàn 82 nhẩy dù Hoa Kỳ trong đệ nhị thế chiến. Sau này, ông chỉ huy ngành điều nghiên chiến thuật cho bộ binh Hoa Kỳ. Chính trong những ngày giữ nhiệm vụ vừa kể, ông đã ôm ấp ý tưởng một ngày nào đó, trực thăng sẽ thay thế đôi chân của người lính bộ binh để dùng ưu thế tốc độ, dáng lên đầu địch những đòn sấm sét, rồi lui quân chớp nhoáng, trước khi địch kịp hoàn hồn.

    Bộ trưởng Quốc Phòng MC Namara tán đồng kiểu dụng quân này nên vào giữa tháng 5-1962 đã ra lệnh cho lục quân sản xuất hàng loạt trực thăng UH-1+ HUEY, CH.47, CHINOOK.

    Định mệnh đã an bài, thung lũng Ia Drang thành tuyến thử lửa đầu tiên giữa lực lượng cơ giới siêu việt, phối hợp trực thăng vận và không yểm cùng pháo binh của Hoa Kỳ đụng đầu với đạo quân cuồng tín mang dép râu, binh phục luộm thuộm quanh năm ăn cơm hẩm cá thiu cuả Hànội.

    Phần đầu của bài viết thuật lại trận chiến xuất phát từ bãi đáp X-RAY rồi tiến quân theo hướng Đông Bắc chiếm baiõ Columbus và kết thúc tại bãi đáp Albany.

    Trước hết tưởng cũng nên nói qua về lý do dẫn đên cuộc đụng độ đầy máu lửa này.

    Hà Nội đã có một quyết định quan trọng vào mùa hè năm 1964. Khởi đầu từ xung đột giữa hai quan niệm chiến thuật, Võ Nguyên Giáp chủ trương leo thang chiến tranh chậm nhưng chắc ăn bằng cách cung cấp khí giới và lương thực tối đa cho lực lượng du kích tại miền Nam để làm hao mòn QLVNCH rồi mới tổng tấn công. Ngược lại, đám tướng trẻ muốn tung quân chính quy ồ ạt vào chiến trường cao nguyên rồi thừa thắng tràn xuống đồng bằng. Hồ Chí Minh đồng ý với gỉai pháp sau này, cho nên để khởi đầu, khi muà mưa lũ chấm dứt vào tháng 10-1965, ba trung đoàn thiện chiến chính quy xuôi Nam với ý định vây hãm và dứt điểm căn cứ lực lượng đặc biệt của miền Nam tại Pleime. Đồn này có 12 cố vấn Mỹ với hơn 400 lính thượng.

    Mưu đồ của Hànội là vây hãm Pleime để buộc QLVNCH sẽ phải đến gỉai vây, rồi dùng chiến thuật cố hữu "Công đồn đả viện" tiêu diệt lực lượng tiếp cứu, chắc chắn sẽ phải rời Pleiku xuôi Nam trên đường 14 rồi đi theo hướng Tây Nam đường liên tỉnh 5. Tại đây, một trung đoàn Cộng sản nằm chờ sẵn để phục kích. Sau khi đã dứt điểm đoàn quân cứu viện, bọn chúng sẽ thanh toán Pleime rồi Pleiku, để từ đó theo đường 19 ào ạt tiến về Quy Nhơn và biển Đông.

    Cộng sản cũng hiểu rằng ai kiểm soát được đường 19 sẽ làm chủ được cao nguyên, ai chiếm được vùng cao điểm này sẽ khống chế được toàn cõi Đông Dương.

    Vào khoảng tháng 11 năm 1965, cộng quân đang vây hãm đồn Pleime, cách Pleiku chừng 25 dặm về phía nam. Không biết con gái tỉnh lỵ này đẹp cỡ nào nhưng hình ảnh "Em Pleiku má đỏ mội hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt" đã nói lên rất đầy đủ về thời tiết mây mù se lạnh của vùng đồi núi chập chùng vây phủ này.

    Lữ đoàn 3 sư đoàn 1 không kỵ Hoa Kỳ được tung vào trận địa để truy lùng, tiêu diệt (Search and destroy) địch quân đang bám quanh Pleime như đỉa đói. Người Mỹ quyết định đổ quân xuống một bãi đáp được đặt tên là Xray, nằm cạnh rặng núi Chu Pong nhìn xuống thung lũng IA Drang. IA có nghĩa là sông (tiếng của người thượng) cho nên vùng naỳ các dòng sông đều mang tên là IA như IA Meur, IA Toe. IA Drang được mệnh danh là thung lũng tử thần, vì đây là thánh địa của cộng quân, cửa ngõ xâm nhập toàn thể vùng cao nguyên Nam Phần VN. Địa thế vùng này không nhiều cây nhưng khá um tùm, nhiều lạch khô và đặc biệt nhiều cỏ voi cao ngang đầu người bao quanh nhiều gò mối khổng lồ, to như một căn nhà chòi.



    Tiểu đoàn 1 của trung đoàn 7 được trực thăng vận xuống Xray, lãnh nhiệm vụ tiên phong. Trung tá Harold G.Moore, 42 tuổi, xuất thân trường võ bị West Point lớp 1945, làm Tiểu đoàn Trưởng..

    Sau 30 phút, hỏa lực pháo binh, hỏa tiễn, không quân cày nát vùng bãi đáp, người lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên IA Drang đúng 10:48 ngày 14-11-1965. Bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng đại đội Bravo của Đại uý Henen hoàn tất đổ quân, trong đợt đầu. Toàn bộ bám trụ giữa bãi đáp thay vì bung ra bốn phía thiết lập vòng đai an ninh. Đây là lỗi lầm đầu tiên từ phía Mỹ ,sẽ đề cập đến trong phần 2. Không đầy 30 phút từ khi nhẩy xuống bãi đáp, tiểu đội của trung sĩ John Mingo đã bắt được một tù binh Bắc Việt không mang vũ khí. Y khai có 3 tiểu đoàn địch quân số chừng 1600 tên bộ đội do Trung tá Cộng sản Nguyễn hữu An chỉ huy đang đóng quanh ngọn Chu Pong.

    Đúng 12:15, Cộng quân khai hỏa đầu tiên tấn công 3 trung đội cuả Đại đội Bravo, đang tuần tiễu phía tây bắc bãi đáp.

    Bây giờ 3 đại đội của tiểu đoàn I trung đoàn 7, (1/7) đã có mặt đầy đủ. Với ĐĐ Charlie (C) thủ mặt Tây, ĐĐ Alfa (A) thủ phía Tây bắc, và ĐĐ Bravo (B) mặt đông bắc. Bộ chỉ huy Tiểu đoàn nằm phía Đông nam. Một dòng suối cạn chạy dài từ tây nam ôm sát bãi đáp lên hướng Đông Bắc một đọan rất xa; theo dòng suối cạn sẽ lên gần tới bãi đáp Albany xa khoảng 3 dặm hướng bắc.

    Lúc bị tấn công, 2 trung đội dàn hàng ngang đi trước, với một trung đội đi sau. Cộng quân tập trung hỏa lực bắn xối xả vào hai trung đội đi đầu và đã gây thiệt hại khá nặng cho hai trung đội này. Chính lúc này trung đội của Thiếu uý Herrick đuổi theo một đám địch quân ẩn hiện phía cạnh sườn phải và đã tiến xa hơn 100 thước, bị tách rời khỏi đại đội. Khi tới một khoảng trống, trung đội bất ngờ chạm trán hơn 50 địch. Herrick đủ bình tĩnh chỉ huy trung đội tấn công và giết hơn phân nửa số địch mà không bị tổn thất nào đáng kể. Tuy nhiên, cuộc chạm súng đã khiến cộng quân bu lại bao vây nên Herrick cấp tốc liên lạc với đại đội, đồng thời thiết lập chu vi phòng thủ tại một gò đất. Súng và lựu đạn của hai bên thi nhau nổ liên hồi. Trong vòng 25 phút đã có 5 lính Mỹ bị tử thương trong đó có trung đội trưởng Herrick. Trước khi hy sinh viên Thiếu uý này còn đủ bình tĩnh báo cáo số anh em bị thương vong cho đại đội, trao quyền chỉ huy lại cho trung sĩ Palmer, và ra lênh phá huỷ mật mã, đồng thời vẫn còn tỉnh táo gọi pháo binh bắn yểm trợ rồi buông máy ra đi. Nhưng cũng không lâu sau đó cả hai Trung sĩ Palmer và người tiếp quản là trung sĩ Stoke cũng bị đạn địch đốn ngã. Trung sĩ nhất Savage lên chỉ huy và liên tục kêu pháo binh nhả đạn chính xác quân địch đang bao vây tứ bề, tới lúc này trung đội đã có 8 người chết, 13 người bị thương. Nhưng nhờ sự bình tĩnh chỉ huy của Savage cũng như lòng can trường của y tá Charlie Lose, liều chết bò trườn dưới đủ mọi loại đường đạn của địch để băng bó thương tích cho đồng đội. Trung đội được mệnh danh là "xé lẻ" đã giữ vững vị trí chiến đấu trong suốt thời gian bị Cộng quân Bắc Việt bao vây và tấn công tại bãi đáp Xray.

    Khỏang 2:30, đại đội D với quân số đầy đủ đuợc trực thăng vận đổ xuống, như vậy là TĐ 1/7 đã có mặt cả 4 đứa con A,B,C,D. Đại đội D đã vội vã cùng 3 đại đội kia lập tuyến phòng thủ vì cộng quân ngày càng tấn tới từ phía núi. Tiểu đoàn trưởng Moore gọi pháo binh và không quân yểm trợ tối đa. Từng đợt phản lực cơ F100 nhào xuống phóng hỏa tiễn, bắn đại bác xuống rặng Chu Pong. Đợt dội bom của Không quân vừa dứt, cộng quân với khoảng 400 tên từ Chu pong tràn xuống dọc theo dòng suối cạn, chia làm hai cánh tấn công trực diện đại đội A và đánh thốc vào cạnh sườn đại đội C với ý định chẻ lực lượng Mỹ ra làm hai. Tuy nhiên, tại cạnh sườn này đã được Trung tá Moore cho đặt hai cậy đại liên M.60 do các binh nhất Ladner và Adams là xạ thủ, cách nhau không quá 10 thước. Họ đã quạt liên tục, đốn ngã nhiều đợt tấn công của địch.

    Thiếu uý Wayne, trung đội trưởng trung đội I của đại đội A, nhận xét:

    - "Tôi thấy cộng quân tấn công như điên dại. Chúng tràn xuống từ phía rừng cây và chạy thục mạng trên dòng suối cạn. Chúng nó ngụy trang rất kỹ, mầu xanh cứt ngựa bạc phếch, lẫn lộn vào cỏ cây rất khó phân biệt. Bọn chúng rất kỷ luật và dường như không sợ chết."

    Đợt tấn công cuả Cộng sản bị khựng lại vì tổn thât khá nhiều. Chúng rút lui về phiá rừng cây sau những đám cỏ voi. Rảnh tay,Trung tá Moore ra lệnh cho 2 đại đội A và B lo di tản thương binh, đồng thời đi cứu viện trung đội bị xé lẻ đang bị áp lực nặng nề của địch. Hai đại đội tiến quân được chừng 70 thước dọc theo bờ suối thì bị một tổ đại liên của địch bố trí sau một gò mối, khạc đạn ồ ạt, gây nhiều tử thương cho binh sĩ. Thiếu uý Marm, nghiến răng, một mình bọc ra phía sau gò mối, tung từng đợt lựu đạn và bắn rỉa M.16 vào tổ đại liên địch, hạ sát tại chỗ 12 tên địch trong đó có tên sĩ quan chỉ huy của chúng.

    Tới lúc này, chiều núi rừng đổ xuống thật mau. Trung tá Moore ra lệnh cho 2 đại đội quay trở lại vị trí xuất phát cố thủ qua đêm. Tạm thời kiểm điểm quân số thì đại đội B thiệt hạị 47 binh sĩ, đại đội A bị 34, đại đội C chỉ bị thiệt hại có 4 nguời.

    Lợi dụng bóng đêm, cộng quân lại tấn công trung đội "xé lẻ" ba lần, nhưng đều bị đẩy lui vì súng, lựu đạn cũng như pháo binh đã rót rất chính xác bao quanh trung đội. Cộng quân đã dùng "Tù Và" thổi để thúc quân trong đêm tối, hòng uy hiếp tinh thần và mong dứt điểm đối phương.

    Sáng hôm sau, khoảng 07:45, Cộng quân dốc toàn lực chia làm 3 mũi dùi tấn công Xray, áp lực nặng nề nhắm vào đại đội C. Vào lúc cao điểm khốc liệt nhất, Trung tá Moore gọi không quân yểm trợ. Nhiều phi tuần Skyraider thay nhau lồng lộn thả bom lửa Napalm, nhả đại bác 20ly xuống đầu địch.

    Một phi tuần trưởng là Đại uý Wallace, khóa 1956 Westpoint diễn tả lọai máy bay này: "Khu trục cánh quạt Skyraider bay chậm chạp nặng nề nhưng bù lại bay đuợc lâu và mang được nhiều hỏa lực. Đôi cánh dài và rộng, có thể gắn vào đủ thứ bom đạn, trừ ra cái lò ga nấu bếp vì có thể quá nặng". Sau Skyraider đến lượt F100 loại siêu kiếm rất phổ thông ở thời điểm này. (Sau đó mới tới loại F4, F5 đuợc đưa vào chiến trường VN).

    Hai chiếc phản lực F100 bay tới đã thả napalm nhầm vào tuyến phòng thủ quân bạn gây nhiều tử vong cho quân bên dưới.

    Khỏang 9:10 am, đại đội A của Tiểu đoàn 2 lữ đoàn 7 không kỵ đuợc tăng phái xuống trận điạ, phần còn lại của tiểu đoàn được thả xuống bãi Victor cách đấy chừng 3.5 cây số để tiến đên Xray.

    Đến 10:00 sáng, cộng quân bắt đầu lui binh, sau khi bị tổn nặng. Phía Mỹ,đại đội C mất 42 tử thương và 20 bị thương sau 2 tiếng rưỡi giao trnh.

    Thiếu uý Rescorda của đại đội B (bị tử nạn trong vụ khủng bố 9/11-New York) kể lại: "xác chết của đội bên vương vãi khắp nơi. Khá nhiều xác cộng quân đếm được quanh điểm đóng quân của trung đội tôi. Tôi tìm thấy hai xác lính Mỹ, một đen và một xì (latino) cùng chết trong một hố cạn. Có lẽ họ chết trong lúc đang cố gắng giúp nhau. Cũng có một xác cộng quân, tay vẫn còn khoá cổ một xác Mỹ khi đánh xáp lá cà."

    Dù cường độ ở trận chính đã suy giảm, trung đội xé lẻ dưới quyền chỉ huy của trng sĩ Savage vẫn chưa thoát gọng kìm cộng quân đang khóa chặt.

    Trung tá Moore lệnh cho đại đội B và C cùng Bộ chỉ huy của ông đi cứu viện trung đội này. Vừa tiến quân ông vừa gọi pháo binh dập tối đa xuống vị trí đich, đang bao vây như ruồi bu điã mật .Cuối cùng, ông cũng bắt tay đuợc với trung đội xé lẻ. Trung đội này khi bắt đầu trận đánh, quân số 29 người, nay còn lại không đầy phân nửa.

    Lực lượng Mỹ lại bố trí phòng thủ qua đêm thứ nhì. Trong đêm cộng quân với khoảng 300 tên lại tấn công quyềt liệt nhưng bị thiệt hại rất nặng vì lựu đạn gài và pháo binh. Nhiều đợt tấn công bị đẩy lui phần nhờ hỏa châu soi sáng được vận tải cơ C.123 thả đầy trên rừng núi khiến những tên lính cộng trở thành tấm bia rất rõ trong đêm cho lính Mỹ triệt hạ.

    Tảng sáng ngày 16-11, tiểu đoàn 2/7 đã tới điểm hẹn Xray, bắt tay với tiểu đoàn 1/7.

    Trận chiến tại bãi đáp Xray kể như chấm dứt. Quân cộng sản chính quy Bắc Việt đã bị thiệt hại cả ngàn tên, tạm thời không còn đủ khả năng tấn công. Bên Mỹ 179 tử vong, 121 bị thương nặng nhẹ.

    Với tin tình báo, địch quân đang được tăng viện. Hai tiểu đòan di tản chiến thuật khỏi bãi Xray, cùng tiến về, bãi Albany cách đấy chừng 4 cây số hướng Đông bắc và bãi Columbus cũng 4 cây cùng phía. Đồng thời B.52 cất cánh từ đảo Guam đang trên đường tới trận địa sẽ trải thảm bom lên rặng Chupong.

    Trên đường triệt thóai khỏi Xray, quân Mỹ thấy đầy vũ khí và xác người không nguyên vẹn của Cộng quân rải rác toàn vùng, từng vũng máu khô, lẫn với băng vải, balô.v.v.. Có chỗ xác địch nằm chồng lên nhau sau những gò mối. Ngoài ra họ cũng tìm thấy 4 xác lính Mỹ với giây thừng còn buộc nơi cổ chân. Chắc chắn những ngừơi không may này đã bị địch quân bắt làm tù binh và bị giết khi chúng tháo chạy về rừng. Cùng lúc này, thiếu uý Deal bắt gặp một tên địch còn sống nhưng bị thương nặng đang dựa lưng vào gò mối. Deal kể: "Tên này tuy đã trọng thương nhưng còn ráng dựa lưng vào gò đất. Y cố gắng rút trái lựu đạn từ túi áo. Trước khi chết y còn muốn cho lựu đạn nổ tung để cùng chết với quân thù. Y ráng thêm vài lần nhưng chỉ nhấc được trái lựu đạn lên vài phân rồi lại rơi xuống túi vì y đã quá yếu cuối cùng gục xuống. Chúng tôi đứng lặng nhình tên địch và khá cảm kích trước cảnh tượng này."

    Lúc đoàn quân ra khỏi vòng cương tỏa của Xray, đồng hồ chỉ 09:30 ngày 17-11-1965.

    Trên đường đi lính Mỹ bắt gặp nhiều dấu dép râu còn in hằn trên đất, cỏ bị nghiền nát cũng như gạo khô rơi vãi tung tóe. Họ biết địch còn rình rập đó đây như những bóng ma.

    Sau này được biết cộng quân lởn vởn vùng này gồm tiểu đoàn 8 trung đoàn 66, tiểu đoàn1 trung đoàn 33.

    Thiếu úy Payne đang dẫn đầu trung đội trinh sát kể lại: "Chúng tôi vừa vòng qua một ụ mối cao khoảng 6 feet, bất chợt tôi thấy một tên địch đang ngồi nghỉ. Nhanh như chớp, tôi phóng tới bẻ quặt tay hắn ra phía sau rồi hô đồng đội túm cổ, đồng thời cách đó khoảng 10 yard một trung sĩ cũng bắt sống được một tên khác đang nằm ngủ. Hai địch quân đều có đủ khí giới, lựu đạn và balô, nhưng cả hai run lẩy bẩy, khiếp sợ, và dường như bị sốt rét. Bắt được tù binh Trung tá Mc Dade cho lệnh đoàn quân dừng chân nghỉ mệt rồi ông đích thân thẩm vấn 2 tên Việt cộng.

    Đoàn quân đã quá mỏi mệt vì trải qua 60 tiếng không ngủ và cuốc bộ cũng cả 4 tiếng đồng hồ. Khoảng 1 tiếng sau khi nghỉ chân, lính Mỹ đã tới khoảng rừng trống mang tên Albany. Trung đội trinh sát của Thiếu Úy Payne không ngờ mình chỉ cách địch quân khỏang 150 mét. Đây là ban tham mưu của Tiểu đoàn 3 trung đoàn 33 với quân sô 550 tên.

    Lợi dụng lúc quân Mỹ đang nằm ngồi ngổn ngang nghỉ mệt, Cộng quân hàng trăm tên đồng loạt xung phong. Một cánh đánh trực diện đoàn quân của tiểu đoàn 2/7 đang trải dài và cánh khác đánh vào cạnh sườn phía đông. Đội hình phục kích giống như chữ L. Trận đánh đẫm máu này kéo dài 16 tiếng.

    Vì bị tấn công thình lình mà địch quân quá gần kề, cả hai bên xử dụng chiến thuật xáp lá cà. Lựu đạn, lưỡi lê đâm và quật nhau tay đôi được tận dụng. Mc Dade và Bộ tham mưu phóng nhanh tới một khoảng cây được 3 gò mối lớn bao quanh làm cứ điểm cầm cự, gọi không quân, pháo binh và chờ tăng viện. Tại đây dù chỉ gồm có trung đội trinh sát, trung đội I đại đội A làm lực lượng phòng vệ họ đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công của địch.

    Ngay trong vài phút đầu, bên Mỹ đã thiệt hại 45 chết, 50 bị thương. Tiếng đạn hoà cùng tiếng hò hét của đôi bên tạo thành một âm thanh cuồng nộ bao phủ vùng IA Drang. Đồng hồ chỉ 01:26pm. Đợt xáp lá cà qua đi cả hai bên đều lẫn lộn quần thảo nhau trong một vùng cỏ voi rậm rì.

    Lúc cường độ trận đánh chậm lại, Thiếu úy Gwin của Đại đội A ôm cây M.16 leo lên đỉnh một gò mối, bắn sẻ vào những tên địch đang lẫn lộn ẩn hiện trong cỏ voi. Gwin kể lại:

    - "Tôi nhớ đã hạ được 10 haỵ tên địch, tôi không bao giờ quên được những phản xạ khác nhau của những tên này lúc bị trúng đạn. Có tên lảo đảo gục xuống, có tên như bị cả một xe truck húc văng lên rồi rơi cái bịch xuống đất. Lúc đó tôi không biết địch đang xục xạo tìm lính Mỹ bị thương để giết từng ngừơi một. Chúng nó thật tàn ác."

    Sau một hồi lâu bắn nhau như những "Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm", vì tầm nhìn bị cỏ voi che lấp, lính Mỹ lần mò thu về một mối và thiết lập được tuyến chiến đấu tương đối phân biệt được bạn, thù.

    Lệnh mở khói mầu được ban hành vì khu trục Skyraider đang tới. Khói mầu đủ loại bay lên cao quyện vào cây rừng và cỏ voi làm thành một đường ranh đủ mầu sắc. Cộng quân tiến về phía quân Mỹ, vừa đi vừa nhắm bắn xuống đất, chắc chắn chúng đang thanh toán các chiến sĩ Mỹ bị thuơng quằn quại trong đám cỏ voi.

    Đúng lúc này phi tuần khu trục đầu tiên ập tới như những hung thần từ trời cao bổ xuống rải bom napalm lên đầu địch. Thiếu Uý Gwin kể tiếp:

    - "Sức tàn phá của napalm thật khủng khiếp. Lửa và lửa liếm ngọn cây và rồi chầt lân tinh lỏng đỏ rực phụt xuống qua cành cây tưới lửa lên đầu đám cộng quân dẫy dụa. Có tên chạy được vài bước, quần áo cháy phực như những ngọn đuốc. Có tên quay quắt trong giây lát như con heo quay trong lò. Quân Mỹ được dịp hò la khoái trá, chỉ trỏ từng mục tiêu xa, gần bị napalm nướng sống""

    Sau đợt bom lửa, từng phi tuần Skyraider thay phiên nhau thả bom 250 pound và bắn đại bác 20 ly xuống đám cộng quân đang hỗn loạn chạy tìm đường sống.

    Trung sĩ Shadden của đại đội D bị thương nặng không nhúc nhích nổi nằm chờ hành quyết, vì ông đang nằm trên đường tiến tới của đám cộng quân đi tìm lính Mỹ bị thương để giết. Chắc mẩm mình không còn sống nổi, ông đã gài lựu đạn dưới bụng để ít nhất cũng nướng được vài tên địch cùng chết. Ông nhớ lại:

    - "Đúng lúc chừng 6, 7 tên đang phóng tới tôi thì một khu trục lướt qua khỏi ngọn cây buông nguyên môt bom lửa rất chính xác xuống bọn này. Sức nóng của napalm phụt qua mặt tôi, rát như một lò lửa. Tôi đã nợ viên hoa tiêu này cả một đời người."

    Vào khoảng 4:30 pm, quân cứu viện của tiểu đoàn I lữ đoàn 5 không kỵ đến kịp từ bãi đáp Columbus, bắt tay với đại đội A nằm phía bìa của tuyến phòng thủ Mỹ. Một bãi đáp dã chiến đã được thiết lập để di tản thương binh.

    Cả tuyến phòng thủ cũng đã được thiềt lập để lực lượng Mỹ đồn trú qua một đêm. Một số lính Mỹ vừa bị thương vừa bị lạc đồng đội còn rơi rớt quanh vùng. Một số may mắn tìm được về đơn vị nhưng một số khác đã bị bỏ mạng, hoặc bị địch quân xử tử

    Hôm sau, thứ sáu ngày 18-11, trận chiến kể như tới hồi kết thúc. Xác chêt của đôi bên nằm rải rác khắp chiến địa.

    Tại bãi đáp Albany, 155 lính Mỹ tử thương và 124 bị thương.

    Để kết thúc cho phần tường trình trận đánh Ia Drang, người viết kể ra nơi đây chuyện mưu sinh thoát hiểm của người lính Mỹ cuối cùng vẫy tay chào Ia Drang đúng 7 ngày sau khi trận kịch chiến chấm dứt. Tên anh là Tony Braveboy, người da đỏ, bộ lạc Creek, taysúng cuả đại đội A tiểu đoàn 2 lữ đoàn7 không kỵ. Ngày 17-11 ngay đợt khai hỏa đầu tiên của cộng quân nhắm bắn lính Mỹ tại bãi Albany, anh đang dẫn đầu tiểu đội khinh binh thuộc trung đội I. Lloạt đạn này đã hất văng khẩu M.16 khỏi tay anh và bàn tay trái bị trúng đạn. Mất khí giới, máu nhỏ giọt từ bàn tay, anh nhào xuống đám cỏ voi rậm rì nằm trú ẩn, tự băng bó vêt thương, đợi đêm xuống, anh bò đi và gặp được ba đồng đội khác cũng bị thương nặng không nhúc nhích được. Anh trườn người đi về hướng súng và gặp thêm nhiều đồng đội khác cũng bị thương; cùng lúc ấy một nhóm địch quân đi qua và thấy họ. Anh nằm gỉa chết, trong khi tai nghe tiếng súng cộng quân hành hình những đồng đội bị thương thiếu may mắn. Khi thấy tứ bề đã yên tĩnh, anh tiếp tục bò trườn trong đám cỏ voi về phía anh tưởng đại đội đóng quân, nhưng vì không còn ý thức về phương hướng, anh đã di chuyển ngược 180 độ khỏi đơn vị. Đến sáng hôm sau, anh tới bờ một nhánh sông nhỏ của dòng Ia Drang, cách xa bãi Albany khoảng 500 yard. Anh chỉ còn đeo bên mình một bi đông nước và một viên thuốc lọc nước uống. Anh xé aó băng bàn tay trái vẫn còn rỉ máu rồi chui vào một bụi rậm ẩn. Tại đây anh thấy địch quân di chuyển dọc bờ sông nhưng không thấy anh đang nằm trong lùm cây.. trong khi tiếng trực thăng bay trên đầu nghe rõ mồn một.

    Ngày 22-11, ngày thứ năm lạc lõng đơn thân độc mã, một đoàn cộng quân đi qua chỗ anh nằm trong bụi, tình cờ tên lính cuối cùng nhìn vào và thấy anh. Braveboy kể:

    - "Tên địch này nhìn vào mắt tôi. Hắn đưa súng lên nhắm ngay tôi. Trong một phản ứng tự sinh tồn, tôi đã dơ bàn tay bị thương lên và lắc đầu. Hắn hạ súng xuống và bỏ đi. Hắn còn trẻ lắm, chỉ chừng 16 hay 17 là cùng".

    Không quân tiếp tục oanh tạc bãi Albany và vùng phụ cận. Anh không hiểu tại sao mình có thể sống sót khi bom nổ tứ phiá chung quanh anh.. Sau bẩy ngày đêm không lương thực và bàn tay bị thương rỉ máu hành hạ, anh đã yếu lắm rồi, đang nằm trong trong bụi, chợt nghe tiếng trực thăng bay rất thấp, anh bò lết tới một khoảng trống nhỏ, gỡ chiếc áo lính đẫm máu ra khỏi tay trái và cầm nó vẫy lia lịa.

    Melvus Hall, xạ thủ đại liên trên trực thăng, nhìn xuống thấy anh tưởng là VC nên nhắm anh tính ria một tràng đại liên M.60, nhưng phi công Moore kịp thời bảo viên xạ thủ khoan bắn vì dáng người đứng vẫy có vẻ to lớn hơn khổ người,Việt nam. Moore liên lạc với một trực thăng võ trang bao vùng và anh hạ cánh bốc Braveboy lên tầu

    Braveboy chỉ bị cưa một ngón tay. Gia đình anh đang ở thành phố Coward South Carolina đã được thông báo là anh bị mất tích và có lẽ anh đã tử vong, nhưng rồi người trở về từ "cõi chết" đã quy hoàn cố hương và gặp lại người thân.

    Hơn 30 năm đã qua, trận IA Drang từng được xưng tụng là chiến thắng ngoạn mục của quân đội Hoa kỳ. Thật ra, theo nhiều nhà bình luận là một thảm họa mà trong đó hơn 300 bộ binh Mỹ thiệt mạng vì cấp chỉ huy quờ quạng vụng về. Hỏa lực yểm trợ thật hùng hậu từ B52, khu trục, phản lực cơ và pháo binh cộng với tốc độ chuyển quân thần tốc của trực thăng vận và lòng dũng cảm chiến đấu kiên cường của người lính, từng ấy ưu điểm đáng lý phải đè bẹp đối phương. Vậy mà để rồi cứ 4 lính Mỹ tham chiến tại IADrang thì có 1 người bỏ mạng, thế chủ động chiến trường tan theo mây khói và niềm tin vào một thế thượng phong của Hoa Kỳ cũng triệt tiêu.

    Trước khi nói đến những sai lầm của cấp chỉ huy Mỹ tại Ia Drang, tưởng cũng nên nhắc lại vụ trung đội "xé lẻ" trong màn đầu của trận chiến.

    Sau này Trung tá Moore, Tiểu đoàn trưởng TĐI Lữ đoàn 7 đã không hết lời chê trách Thiếu uý Herrick, trung đội trưởng "xé lẻ" là vô trách nhiệm, vấp phạm một lỗi lầm chiến thuật tai hại, tác phong tài tử và cầm binh cẩu thả. Nhưng Trung sĩ Savage, người cầm binh thay thế Herrick chỉ huy trung đội sau này, khẳng định tuy việc mang trung đội ra ngoài đội hình chiến đấu là bất lợi cho đại đội nhưng lại giúp cho tiểu đoàn rất nhiều, vì trung đội đã làm địch quân hoang mang không biết đâu là chủ lực để tấn công nên đã vô hình chung, gỉải toả áp lực cho tiểu đoàn. Cộng quân chỉ giết được 9 và làm bị thương 13 binh sĩ, nhưng ba lần tấn công đều bị đẩy lui. Khi tiểu đoàn đã giải cứu được trung đội, họ đã bắt gặp nhiều xác địch quân chất chồng lên nhau sau những gò mối, thịt xương vương vãi khắp nơi và rất nhiều vết máu chảy loang khắp cả một vùng xung quanh nơi bố trí của trung đội "xé lẻ". Đó chính là điều may mắn lớn cho ông Moore.

    Trở lại phần phân tích trận chiến, nhiều người đồng ý là lỗi lầm đầu tiên của ông này là đã không thu thập tin tức tình báo về bãi đáp Xray dù ông được thông báo trước 48 tiếng đồng hồ. Ông cần phải biết rõ về địch tình, địa thế và thời tiết. Ông chỉ lo tìm bãi đáp và không để ý đến địch quân dù biết rằng quân số địch ước tính cả trung đoàn

    Cuối cùng, ông chọn Xray chỉ cách Pleime 14 dặm và quá gần Cambốt và nằm lọt thỏm ngay trong ổ kiến lửa là trung đoàn 66 quân CS Bắc Việt- Cộng quân chỉ có một quãng không xa là vượt biên giới, vào khu bất khả xâm phạm. Thay vì cho một trung đội thám sát nhảy xuống trước thăm dò mục tiêu, ông cho nguyên cả tiểu đoàn nhập cuộc. Hậu quả là khi chạm địch bất ngờ ông mới lo chống trả và phản ứng. Cũng vì vậy ông đã vô hiệu hoá pháo binh của chính mình nhiều lần, bởi bạn, thù quá gần và kể cả lẫn lộn với nhau. Điều này cũng cắt nghĩa tại sao khi quân Mỹ vừa đặt chân xuống bãi Albany là bị khai hỏa bất ngờ, cuộc chạm trán nẩy lửa chỉ xẩy ra trong một phạm trường chưa đầy 500 mét dài,50 mét rộng. Không đầy 30 phút quân Mỹ đã bị tử vong 155 lính và bị thương 124 người khác..

    Cấp chỉ huy không lưu tâm đến an ninh tình báo cũng được thể hiện rõ rệt khi quân Mỹ rời Xray đi Albany. Tiểu đoàn trưởng Trung tá MC Dade thú nhận sau này: "Khi rời Xray chúng tôi mù tịt về Albany, thượng cấp chỉ ra lệnh chúng tôi tiến đến đó để thiết lập bãi đáp."

    Lính Mỹ đã kiệt quệ sau 60 giờ mất ngủ lại phải di hành đội hình hàng dọc dưới cái nắng thiêu đốt cuả cao nguyên, nên khi chạm địch, họ đã bị lọt vào thế hạ phong.

    Địch quân cũng bất ngờ chạm trán đối phương, nhưng cộng quân đã có thể gom quân mau hơn để tấn công một đoàn quân trải dài. Hậu quả là quân Mỹ bị cắt làm nhiều mảnh rời rạc, từng toán quân chiến đấu riêng lẻ để sống còn, không thể phối hợp cùng đại đội hay tiểu đoàn. Và như vậy quân Mỹ không thể thiết lập tuyến phòng thủ chung nên bị tứ bề thọ địch, không người chỉ huy. Ngay cả Trung tá Mc Dade lúc chạm súng cũng không thể ra lệnh gì được và cũng thục mạng tìm chỗ tránh đạn như binh sĩ dưới quyền, đến nỗi khi Đại Tá Brown, Lữ đoàn trưởng, từ trực thăng thị sát mặt trận gọi Mc Dade cho biết tình hình, ông này ứ ớ khộng biết báo cáo làm sao. Ông may mắn không là sĩ quan VNCH vì nếu ở vào địa vị và hoàn cảnh tương tự như ông, chắc chắn ông đã nhận đầy tai những danh từ hoa mỹ, ngôn ngữ "đan mạch va đức"từ trực thăng chỉ huy rồi.

    Một điểm sinh tử là quân Mỹ ỷ lại vào ưu thế hỏa lực yểm trợ hơi nhiều. Tâm lý này đã bắt nguồn từ Đệ II thế chiến và ngay cả cấp chỉ huy cũng muốn tận dụng hỏa lực từ pháo binh và tầu bay để giảm thiểu tối đa cho quân sĩ tại mặt trận. Nhưng nếu chiến thuật này thích hợp cho chiến trường Âu Châu, Sa mạc Phi Châu thì lại không thể áp dụng cho chiến trường Việt Nam được. Pháo binh và không yểm chỉ hiệu qủa khi xác định được vị trí địch.

    Tại Việtnam như điển hình là ở IA Drang, địch quân như bóng ma, lúc ẩn lúc hiện, chạm địch thì hai bên đã cận kề. Hơn nữa quân Mỹ lầm tưởng khi lâm trận, hỏa lực pháo binh, không quân sẽ tàn sát địch quân thay cho mình. Do đó hỏa lực yểm trợ và lực lượng tham chiến phải phối hợp như hai gọng kềm cùng lúc xiết chặt đối phương thì mới có thể hạ gục địch thủ. Thực tế, hai gọng kìm đã không xiêt chặt địch cùng một lúc thì làm sao đạt được kết quả mong muốn

    Một điểm cuối cùng nêu lên ở đây là lính Mỹ được huấn luyện rất kỹ tại quân trường vê kỹ thuật và phương cách tác chiến nhưng thiếu hiểu biết về chiến thuật. Họ học tường tận binh khí và gọi hoả lực yểm trợ. Nhưng họ không thể áp dụng mau lẹ những điều đã học khi đụng trận. Quân trường nhồi khoá sinh rất kỹ lý thuyết nhưng quên một điểm tối quan trọng là địch quân không phải là những tấm bia bất động chúng gian xảo, lủi nhanh, ẩn hiện như ma quỷ sát hại trong tích tắc.

    LỜI KẾT.

    Nhiều quyết định quan trọng đã được Hoa Thịnh Đốn cũng như Hà Nội đưa ra, vào cuối năm 1965 do những kinh nghiệm và bài học được rút tỉa từ Ia Drang đủ nói lên tầm vóc của trận đánh này.

    Tại Hà Nội, Võ nguyên Giáp tuyên bố, nhờ Ia Drang cộng quân có thể thắng chiến tranh vì họ đã biết hóa giải ưu điểm của trực thăng và đánh gục được không kỵ Mỹ.

    Hồ Chí Minh cũng vuốt râu tự đắc và tự tin vì kết quả cuả IA Drang và trong trận này. Đạo binh dép râu của Hà Nội đã chống trả hỏa lực hùng hậu của một siêu cường. Ít nhất đã thủ hoà đã là thắng thế theo tiêu chuẩn của Hà Nội.

    Tại Sài gòn, Tướng Westmoreland và bộ tham mưu thì lại nhìn vào thống kê của chiến dịch Ia Drang - 305 lính Mỹ chết đổi lại 3561 cộng quân tử trận - hay tỷ lê 1/12 -12 cộng quân đổi 1 lính Mỹ - Để suy diễn cuộc chiến Việt Nam với phần thắng phải nghiêng về Miền nam. Ít lâu sau đó trong một lần kinh lý Bộ Trưởng Quốc Phòng, Mc Namara bay ra An Khê để nghe Tướng Kinnard, Tư lệnh Sư đoàn Không kỵ và tiểu đoàn trưởng Moore thuyết trình. Trong 20 phút báo cáo chiến sự IA Drang đã phác họa cho Mc Namara một hình ảnh những cộng quân chiến đấu rất kỷ luật và quyết chí đến độ cuồng tín trong những đơt xung phong từ rừng núi.

    Mc Namara nghe xong chỉ mím mội im lặng suy nghĩ

    Trên tầu bay về nước ông đã thảo một công điện tối mật về Bạch Oác cho Tổng Thống Johnson. Ông khuyến cáo Johnson chỉ có hai giải pháp: Tìm giải pháp rút lui khỏi Việt Nam càng sớm càng tốt hoặc chấp thuận đề nghị của Tướng Westmoreland tăng quân số từ 34 lên 74 Tiểu đoàn lính Mỹ trực tiếp tham chiến vào cuối năm 1966. Chúng ta đã biết Johnson chọn giải pháp nào.

    Quả thật không ngoa khi trên tờ bìa quyển sách Hồi Ký Chiến trường IA DRANG, Tướng hồi hưu Harold Moore đã mệnh danh là trận đánh đã thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam.


    TRỪƠNG HẬN THƯ SINH
    http://www.bietdongquan.com/
    Last edited by tieuchuy; 01-26-2013, 03:09 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X