Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Yêu Mimosa Làm Chi - Tinh Hoai Huong

Collapse
X

Anh Yêu Mimosa Làm Chi - Tinh Hoai Huong

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Yêu Mimosa Làm Chi - Tinh Hoai Huong

    Anh Yêu Mimosa Làm Chi
    Tinh Hoai Huong
    ---oo0oo---


    Bầu trời hoe hoe nắng pha màu cam, bỗng đổi nhanh thành màu vàng anh trộn màu lưu huỳnh rồi tím thẫm. Những áng mây lẻ tẻ trôi trên không trung, hắt ánh nắng chiều dần hồng thắm bay bay ngang qua đỉnh tháp chuông nhà thờ con gà đơn điệu. Ý nghĩ của Kim Định bỗng chốc sáng rõ như tấm gương vừa rửa sạch. Hồi còn ấu thơ chị ưa hái hoa mimosa, khum khum nâng niu đoá hoa ở lòng bàn tay, chị khẽ khàng đi về trong con ngỏ mòn thân quen vừa đông vừa vui. Dù sương sớm hay nắng gió mưa chiều, khiến cánh hoa ẩm ướt, sầu héo rơi rụng ít nhiều. Chị vui vui ép xương hoa vào trang vở, với tất cả mơ mộng, lãng mạn, nâng niu và trang trọng. Nay nhìn xương hoa mimosa, chợt dậy lên lòng Kim Định nỗi choáng ngợp buồn đau. Chỉ vì chị có chút đỉnh luyến thương... hoa, mà nhất là ai biểu anh ấy không yêu chị bằng yêu hoa Mimosa làm chi!?

    Phải! Yêu làm gì loại cây cứng dòn vỏ cây màu lam pha nâu non, cây hoa cao cỡ bằng cây xá lị. Mimosa có từng chùm nụ nho nhỏ khá cứng màu lam, cánh lá cũng đồng màu nhung lam, thân lá cứng, chu vi một phiến lá to cỡ bằng ngón tay cái. Mỗi mùa xuân đến hoa lại khoe hoa sắc vàng óng ánh mịn mượt như nhung. Mimosa màu vàng óng có từng chùm hoa xinh xinh nở tung hết cánh mịn li ti, hoa gồm những phiến nhỏ mong manh hoa ghép lại, phối hợp những cọng mềm nhỏ tí như sợi tóc, tạo thành một cái hoa. Nhìn một hoa (trong cả chùm hoa) mịn mượt như những hòn bi nhung, tròn tròn, nho nhỏ, chỉ lớn cỡ nửa hạt đậu phụng, mềm mại rung rinh đong đưa trong gió, và hoa ẻo lả, e thẹn đung đưa, vì những giọt sương mọng tinh nghịch đậu lên phách lá hồn hoa mơn mởn rung rinh trong gió, Kim Định trông Mimosa thật duyên dáng, dễ thương thế nào ấy.

    Bây giờ, chị trồng lại vài cây mimosa sát hông nhà, mặc dù mùi hoa hăng hắc hôi, khiến Kim Định cảm thấy không dễ chịu chút nào. Để làm gì thế? Làm gì? Khi Kim Định đau đớn, xót xa ngỡ ngàng nhận ra màu vàng hoa mimosa, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Ôi! Chính sự phản bội đau buốt, trắng trợn, rùng rợn kinh khủng! Chị chôn chặt tình yêu xuống đáy mồ sâu lạnh lẽo, khi anh đã ra đi vì “màu phản bội” vàng phai trên mái tóc chị vĩnh viễn. Thật sự như vậy rồi. Anh đã tự do rong chơi, thanh thỏa đi thênh thang vào vùng cỏ ẩm, nơi hoang vu nào xa lắc xa lơ. Mặc chị cuồng điên kêu gào thảm thiết, vật vã như người điên, chị ngất xỉu biết bao lần bên cổ áo quan, cõi lòng chị tan nát, như kẻ mất hồn vô tri vô giác.

    Mái tóc chị đen nhánh xưa kia vén cao, nay Kim Định bối thành một cục to thật to trên ót, chỉ bỏ rơi cụm tóc tơ đong đưa trên cần cổ trắng nõn. Trầm Mây thấy thích thích món tóc tơ ấy làm sao. Bây giờ tóc chị xỏa tung ra thành suối tóc huyền, dài chấm gần tới bắp chân, mái tóc phủ choàng lên tấm áo quan, mỗi khi chị úp mặt vào lòng đất, bên huyệt mộ. Những hòn đất tiếc thương người thân đưa tiễn anh (chồng Kim Định) đến nơi an nghĩ cuối cùng, vô tình họ quăng trên đầu trên tóc chị. Bởi vì do chị đã tự nhảy xuống huyệt mộ, chị khóc than gào thét, tỏ ý muốn gieo mình chết theo chồng, khi người ta chưa kịp lấp đất. Vất vả lắm họ mới kéo chị lên, vực dìu chị đi ra xa. Mặt đất mới đã phủ kín quan tài anh nồng ấm giữa tình quê, tình đồng đội, tình bạn, tình chồng vợ, từ mỗi bước chân bạn hữu, thân nhân ghé tới mồ đặt lên nhánh hoa tươi nỗi tiếc thương đậm sâu.

    Từ ông Ty Trưởng già mà anh chị em thuộc quyền, thân thương gọi ông là Bố Phiếm, hai ông Thanh tra: Bố Diệu và Bố Crésis, cùng Trưởng phòng nhân viên là Kim, (anh quân nhân mới biệt phái về), có Bích Thủy phụ tá ban nhân viên. Có Trầm Mây Trưởng phòng văn thư. Hoài là Trưởng phòng Học Vụ. Và tất cả các trưởng, phó, ban ngành, trong văn phòng: đa số anh chị em đều cảm thương chị trước biến cố kinh hoàng, như ngọn giáo sắt lạnh thọc vào tim chị.

    Chị nằm trên đất mà chửi người điều động anh chồng của chị đi công tác vào vùng chiến địa. Chị chửi bọn dã man tàn ác đã đặt mìn, đắp mô, đã giết chồng chị. Tội nghiệp ông Trưởng Ty (của anh chồng khuất núi), ông ta đứng trước cảnh tang thương, nhìn quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ, những vòng hoa tươi, những vòng cườm đen hoa tím, hoa đen, chưa khô dòng mực phân ưu đó. Ông ta cúi đầu lắng nghe điều không phải từ miệng người đàn bà bất hạnh, ông thấy chị đang cuồng điên bới móc ông bà ông vãi vô tội (của ông ta) chị cứ bới móc lên mà chửi. Ông ta xót xa khấn xin ông bà cố tổ tha lỗi cho chị thì ít, mà ân hận bùi ngùi thương cảm chị, thì nhiều. Ông cúi đầu buồn bã, chia sẻ nỗi đau mất người thân với tang quyến, ông ta không hề tức giận chị. Ai biết được nước mưa, hay nước mắt phiền muộn đắng cay, đang quyện lưng tròng nhau? Kim Định còn hây hây tuổi xuân xanh, thế mà đã bị xốc đứng dậy bên mộ phần chồng đã lặng lẽ nằm ở góc đồi Số Bốn quạnh hiu.

    Chị gào lên kể lể dông dài:

    - Buổi chiều hôm trước, anh chạy xe vespa vào Ty, anh đón tôi đi làm về. Hai vợ chồng ăn cơm tối, nói chuyện vui vẻ bên nhau. Nghỉ ngơi giây lát, anh thay áo quần để đi làm công tác. Như bao cặp vợ chồng son khác, anh âu yếm hôn lên má vợ, dặn dò tôi nhớ đi ngủ sớm, nhớ khoá cửa cẩn thận. Sáng mai anh sẽ về. Anh huýt bản nhạc quen thuộc mà chúng tôi yêu thích. Nhảy chân chim xuống mấy bậc lầu, anh ra đi.

    Ra đi… nhưng nào ngờ, anh chẳng bao giờ quay trở lại mái nhà nhỏ với người vợ thân yêu. Tin khủng khiếp đến với chị lúc hừng đông, khác nào sét đánh ngang tai. Kim Định kêu gào, lăn lộn, vật vã trên sàn nhà, đôi má Kim Định hoắm sâu, vầng trán hằn vết nhăn và đôi mắt đã lạc thần nhìn đăm đăm vào hư vô. Nụ hôn ấm nồng hạnh phúc lứa đôi, như dấu ấn chàm khắc sâu vào má chị, tạo thành hố nước mắt. Mọi người thân trong gia đình, bạn bè của anh hay bạn cùng nơi chị làm việc đã đến chia buồn, phúng viếng khá đông. Chị không biết và không thấy gì. Chị rủ xuống như cây chuối không lá bị chặt đột ngột bởi lưỡi dao ngọt xớt, vô tình.

    Liên tiếp những năm tháng ngày sau đám tang, là tháng ngày chị sống trong kỷ niệm đắm say, nồng nàn, tràn ngập niềm cay đắng, hối tiếc khôn cùng. Tình yêu đã chết. Chết thật rồi sao? Đã vùi sâu dưới ba tất đất? Thế là thực sự hết. Hết rồi! Tuyệt vọng thay! Mỗi ngày cuối tuần chị ra nghĩa điạ Số Bốn, chị tặng anh bó hoa mimosa tươi, chị đốt nén nhang trầm thơm ngây ngất. Chị ngồi bên chân mộ, chị thì thầm nói chuyện với người nằm dưới cỏ. Ôi! Nhìn ảnh anh úa vàng in trên bia mộ, chị giật mình, lòng bùi ngùi tiếc nhớ và giao động dữ dội. Vẫn nụ cười tươi, khuôn mặt anh hiền lành, duy chỉ có đôi mắt anh là xa xăm, mất hồn trống vắng vô ngần. Nỗi cô đơn muộn phiền trong chị, nơi anh, nay chìm đắm xuống bóng tối vĩnh hằng. Chị thầm tiếc sao chị lỡ trót yêu người thương màu vàng hoa mimosa làm chi, cho bây chừ da diết buồn khổ vậy!?

    Chị cảm thấy ghét loài hoa có từng chùm nụ óng ánh như viên bi bằng nhung, hoa mimosa rực lên nét kiêu sa, nép mình rung rinh bên cánh lá lam nhung mượt mà ấy quá chừng chừng! Vì có lần anh chồng nói với chị, khi anh hái cành hoa mimosa tươi đem về cắm trên chiếc độc bình:

    - Người ta nói màu vàng, là màu tượng trưng cho sự phản bội. Anh không tin.

    - Sao anh không tin?

    - Qua ngót mươi năm yêu nhau, thì chúng ta làm đám cưới. Anh vẫn yêu màu vàng, và càng yêu em hơn. Cớ sao em lại nói màu vàng là tượng trưng cho sự phản bội? Anh chỉ phản bội em, khi nào anh nằm dưới gốc cây mimosa mà thôi. Em à!

    Trời ơi! Anh nói thế mà cứ y như là thật. Anh đã nằm dưới cỏ rồi đó, chắc là nay anh ở dưới rể cây mimosa nầy, anh đã phản bội em rồi!? Sao ông Trời không bắt tội anh đi đày ngoài Côn Đảo, hay anh ở trong rừng sâu nước độc. Tận miền sa mạc nắng cháy, hay anh trú chân nơi bão tuyết giá băng? Miễn sao anh đang sống, thì chị còn hy vọng sống lây lất qua ngày ngóng chờ anh. Hoặc chị sẽ cố đi tìm anh, dù nghìn trùng xa cách, dù xa xôi hiểm trở vô vàn. Vì tình yêu hai người thật tuyệt vời. Thật hạnh phúc. Đáng tiếc lắm thay! Kinh khủng thật cho sức mạnh tình yêu có lực cuống hút, hấp dẫn, cuồng quay đến độ: làm cho hai người luống tuổi đã điếng lặng, cho dù hai người ở hai phương hun hút cách biệt nghìn trùng, vẫn còn nhức nhối quay cuồng vì bị đau tim trầm kha.

    Thời gian trôi chảy mãi theo suối tóc dài, quá dài cùng tháng năm phủ xuống tận gót chân Kim Định. Ai cũng khen mái tóc chị óng ả dài tuyệt đẹp, nhưng Trầm Mây thấy sợ, nhất là khi chị bước đi, thì mái tóc là là bay cuốn theo làn bụi phai nắng, như vệt máu hồng loang ra từ gót chân. Trông đau thương và mũi lòng xiết bao!

    Mỗi tuần đều đặn, vợ chồng thầy nhạc sĩ Tạ Hào thả bộ lên nghĩa trang thăm những mộ phần mồ côi không người chăm sóc. Họ không có con, nên đã nuôi một chó xù Nhật lông trắng dài phủ mặt, đôi mắt chó to tròn như hòn bi. Và họ nuôi một con mèo mun rất mập. Họ thường dẫn chúng đi tà tà vào khu Số 4 để viếng mộ. Vào dịp Tết nhất, lễ lạc, họp bạn, sinh nhật thầy cô, thì họ cho con Mimi đeo kiềng vàng 18 K, cột thêm nơ đỏ. Con Lulu “đòi” giống bạn mèo. Họ “cưng” con Lulu hơn, nên họ đeo kiềng vàng và cho nó đeo thêm cái vòng lục lạc vàng dưới cổ chân nữa. Nó giữ tủ vàng thì khỏi chê, nó hổng lười như con mèo. Mèo chuyên ăn vụng rồi đi “ị” bậy, chua lòm, con mèo chỉ ngủ suốt ngày trên tủ kính, mặc xác mấy chú chuột tha hồ tung hoành trong nhà kho. Hai “đứa con cưng” của họ dĩ nhiên được chị bếp “hầu” chu đáo, tắm gội xà bong Dove, xức tí nước hoa Tabu vào háng và bụng chúng cẩn thận.

    Con chó thấy người lạ vào nhà, nó liền chồm lên, sợi dây xích chạm vào kiềng vàng, kèm theo tiếng lục lạc khua động hột lục lạc kêu leng keng. Nó xộc ra cửa sủa dồn, chiếc dây xích sắt kéo căng, ghì hàng lông cổ dựng đứng. Chị bếp nghe tiếng chó sủa, vội chạy ra vỗ vỗ vào lưng. Nó quay về chiếc giường nệm bé tí, nó quay vài vòng rồi nằm xuống, mỏ gác lên chân trước, nó liếc về khách gầm gừ i ỉ. Đôi khi con chó tức giận sủa gâu gâu gâu, nhìn con mèo tỉnh bơ nằm ngủ trên tủ vàng, phơi cái bụng mịn lông trắng lên trời.

    Trầm Mây thấy họ yêu loài vật kinh khủng, họ cưng nựng, trìu mến nói chuyện với chúng, y như con ruột. Mỗi bữa cơm, “hai con” ngồi ở hai đầu ghế, thầy cô ngồi đối diện. Nếu có khách dùng cơm chung, cũng không thiếu “mặt hai con” nầy. Thầy và cô đều bị cao máu, nghẽn tim, tiểu đường, đau bao tử, vân vân... Họ không ăn được món ngon. Nên cứ thế họ đút cho chúng từng miếng thịt, miếng giò lụa, miếng cá chiên thơm ngậy. Con mèo tham lam, hổn xượt, tự động chồm lên bàn ăn khoèo miếng cá, hết cá, tới giò lụa, thịt heo, thịt gà. Con chó tức giận vùng lên hất cái bờm xù, văng lông tứ tung, nó sủa nhát gừng, hai chân trước chó chồm lên mép bàn, cũng dành phần ăn. Thầy cô nể khách, la rầy chúng qua loa. Hình như biết lỗi, chúng thu mình ngồi xuống gầm gừ, liếc nhìn qúy khách cứ việc ngồi chơi xơi nước. Trầm Mây lấy hai tay bưng miệng mũi, vì sợ lông chó bay vào mồm. Nhìn chó mèo ngồi ngang hàng với người. Trầm Mây cảm thấy bực. Coi sao được. Âu cũng là cái nợ. Thầy yêu thú vật, nhất là yêu con mèo! Cô yêu thầy, nên cô hy sinh chiều chuộng, săn sóc thầy hơn bất cứ ai, sức mạnh tình yêu trân trọng và nâng niu không thốt nên lời, (từ người vợ hơn tuổi chồng gần một con giáp). Họ mãn nguyện khi gọi nhau bằng tên, diễm phúc đó, đôi khi không phải là không có sóng gió. Lúc ấy cô chỉ thỏ thẻ:

    - Thì Túy chỉ bảo thế. Có gì đâu mà Hào giận Túy. Nào nào... để yên Túy nói điều nầy nha…

    Chung quy cũng tại con mèo. Cô cố bắt chước chồng “cũng iêu” thú vật xí xi, nhưng cô ghét nhất là con mèo ị bẩn thỉu, cả đời cô luôn ngửi phải cái mùi hôi tanh khó chịu nhất. Suốt ba bốn chục năm rồi chớ có ít ỏi chi. Hết con mèo nầy già khú đế, chết đi, thầy lại rước con mèo khác về. Nếu không vì thầy quá yêu nó, cô sẽ cho con mèo khốn kiếp trận đòn, rồi tống cổ nó ra khỏi nhà từ khuya. Lâu ngày thành thói quen, và từ đó cô bắt chước “vị tha iêu” mèo lúc nào, chả rõ.

    Bỗng dưng con chó lười ăn, thầy cô liền chở chó lên bác sĩ thú y săn sóc, thuốc men tẩm bổ và rồi... rồi con chó “ngoẻo”. Cô tiếc điên cuồng, thầm than:

    - “Sao con mèo không chết quách đi, để cho con chó sống, phải là có ơn có ích, và sạch nhà hơn không”.

    Khóc như mưa, thầy thuê thợ mộc đóng cỗ quan tài chó xinh đẹp, sơn phết tử tế, bọc vải đỏ bên trong, khâm liệm chó hẳn hoi. Cầu kỳ hơn là thầy thông báo cùng bạn hữu, thân thích, học trò học bè, ai rảnh rỗi thì đến chia buồn, cùng họ đi đưa đám chó. Mộ chó khi chôn bên cạnh mộ người, khi mua đất chôn trong viện thú y. Mặc trời mưa gió, hay trời nắng chói chang có hại cho sức khoẻ thầy (sức khỏe thầy không bao giờ khả quan, vốn quá èo uột yếu ớt). Thầy cô cùng họ cũng đội nắng mưa mà đi chôn cất “con nghệ sỹ”.

    Hôm nay, vợ chồng thầy cô dẫn con mèo Mimi, và thêm con chó “nhí” mới tha về nhà, (thay thế con chó già đã về âm ty). Tất cả chó mèo và người cùng nhau lên nghĩa địa số Bốn, để thầy cô trình diện con “chó nhóc tì”, cho con Lu “cố chó” nằm dưới mộ biết. Họ cho “con nhí” thăm mộ thằng con Lulu.

    Kim Đinh đang ngồi nhổ cỏ dại bên mộ chồng. Thấy họ, chị lân la hỏi thăm thầy cô đôi điều băn khoăn. Chị không ngờ đấy là con chó nằm kế bên cạnh ngôi mộ chồng mình. Nói nào ngay, từ trước đến giờ chị cứ nghĩ là: tên Lu Lu đã khắc trên bia mộ kia, là tên của đứa trẻ có nòi giống Tây ở bên Pháp qua Việt Nam, nó lên mười tuổi nào đó, có ngày sinh ngày tử, vì đứa nhỏ Lu Lu nằm dưới đất đã thích chó, nên cha mẹ họ tạt hình con chó lên bia mộ. Nay chị đã gặp họ, nghe họ giải thích tường tận, Kim Định mới vỡ lẽ mà bật ngửa ra. Ôi là chua chát làm sao tả xiết. Chị vật vã than khóc thương chồng, thương thân, tủi phận hèn, tủi thân chồng lù đù đi lính sống khổ sở bầm dập, lúc chết anh lại nằm sát bên chó. Chị khóc đến ngất xỉu, đầu Kim Định va vập vào tấm bia mộ chó, máu tuôn có vòi.

    Thầy cô Tạ Hào hốt hoảng, đứng bật dậy như cái lò xo, họ lo lắng run sợ ơi ới gọi taxi chở chị, chở cả chó, cả mèo, cả người bị thương và thầy đang ngáp ngáp bệnh. Xe taxi chạy ù lên bệnh viện Đà Lạt cấp cứu. Thầy rên rĩ “quây” điện thoại gọi cho Trầm Mây đến chăm sóc bạn. Bàng hoàng, Mây bỏ việc, cô vội phóng lên xe honda vụt chạy đi cái vù.

    Qua vài năm tang chế, mọi người trong Ty không còn ngày ngày phải ái ngại nhìn Kim Định: mặc bộ sô tang trắng vải màn thả gấu áo lụng thụng, tăng thêm vẻ tiều tụy bi ai từ chị nữa. Thì ra... sau lần cuối chị lên nghĩa địa để đốt xã tang chồng, (mà chị bị ngất xỉu kia), thì Kim Định đã thanh lịch ôm cầm vui vẻ ung dung lên thuyền hoa mimosa, bước thêm một bước khác. Mọi người càng ước mong Kim Định sẽ gặp may mắn và hạnh phúc hơn mối tình ban đầu. Nhưng rồi... Dù chị đã có hai mặt con kháu khỉnh, mà đời chị thật bất phước, nhuốm vô vàn đắng cay và buồn tủi với người chồng sau. Chị càng thấm thía đau buồn, cay đắng khi ông xã nầy vẫn sống sờ sờ, mà khiến tâm trí chị tan nát đau thương tột cùng!

    Bạc sao bạc chẳng vừa thôi.
    Để cho nước chảy hoa trôi lỡ làng.
    Tin sang chẳng thấy người sang.
    Hẹn ba bốn hẹn lòng càng xót xa.
    Đọan trường phải bước chân ra.
    Gió xuân hiu hắt sương sa lạnh lùng.
    Đôi hàng châu lệ đôi hàng chứa chan.
    Gặp chàng thiếp phải thở than.
    Dưới khe nước chảy trên ngàn thông reo.
    Cơm ăn thất thểu ít nhiều. (cd)


    (cd) = ca dao.

    _ * _

    Tinh Hoai Huong


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X