Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đà Lạt: mộng xuân Đào sao tang thương thế!?

Collapse
X

Đà Lạt: mộng xuân Đào sao tang thương thế!?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đà Lạt: mộng xuân Đào sao tang thương thế!?

    Đà Lạt: mộng xuân Đào sao tang thương thế!?
    (Nhớ về năm Mậu Thân 1968)
    ***



    Khung trời Đà Lạt se lạnh giữa lưng núi gom từng phiến mây bạc ùn ùn trôi dưới nắng vàng tươi rói. Mây phơi phới hào phóng bay bay khắp đỉnh đồi thông, quyện lẫn mùi hương hoa ngâu, hoa lý, hoa lài, hoa bưởi tỏa ra thơm thơm. Gió lồng lộng vỗ vào hàng hiên bên giại nứa sau hè nhà ba má tôi, phối hợp cùng bầy chim én lý lắc ríu rít vút vút bay lên bay xuống. Nắng và gió vô tình lùa tới, thi nhau đẩy khói lửa bốc cao vào cuộc chiến. Cho đến lúc chết vẫn tranh chấp kịch liệt những con đường nhấp nhô trồng nhiều hàng hoa anh đào óng ả lả lơi uốn khúc, lượn sóng vòng vòng quanh co ven đồi núi Đà Lạt. Khiến ta thèm những nấm mồ tiên tổ, những đồng bằng ruộng dâu đất đai phì nhiêu, cả những luống hoa muôn màu tươi đẹp, bao đồi thông ngút ngàn xanh um bóng mát. Nào ngờ nơi ấy phơi ra mấy thi hài lõa lồ lắc lẽo, rửa nát, tanh hôi, sình bủng, không trọn vẹn hình dáng ai rải rác bên vệ đường ở thành phố cao nguyên Lâm Viên từ hai ba hôm nay chưa có người kịp nhặt đi chôn.
    Đứng trên một góc tầng lầu nhà của ba má tôi đã bị sập gần hết một phần tư, trong nhà tối om, vắng tanh, đồ đạc ngổn ngang hư nát. Ba má và anh chị tôi đi đâu hết rồi? Họ có an toàn không?! Tôi lo lắng, bồn chồn, lấp ló thụt thò, dáo dác len lén nhìn sang phía bên kia đại lộ Pasteur, đối diện nhà ba má tôi là cổng Tiểu Khu Đà Lạt/Tuyên Đức, hai mặt tiền nhà ba má tôi và Tiểu Khu chỉ cách một đại lộ, gần xịt. Những anh lính trong doanh trại Tiểu-khu vội vã chạy lui chạy tới, lăng xăng, bồn chồn làm cái gì đó, xem có vẻ cấp bách, cần thiết lắm. Việt Cộng đã dùng bangalore phá một góc rào cuả Tiểu Khu. Một chiếc xe thiết giáp bị trúng ba quả B40 vẫn bốc cháy ngay trên đường Pasteur (sát cuối hông vườn sau nhà ba má tôi). Việt Cộng lẻn vào khu nhà xây gần Viện Pasteur để bắn vào Tiểu-khu, nhưng xem ra không mấy thiệt hại. Kho Quân Tiếp Vụ bốc cháy, sáng rực cả một góc trại. Ty Cảnh Sát Đà Lạt sát bên nhà thờ Chánh Toà cũng bị hư hỏng nặng. Khẩu đại liên 30 đặt đâu đó, có thể là ở khu Quân Cụ thỉnh thoảng quạt một hồi vài tràng bâng quơ, tôi nghe rát bỏng, sợ hãi và điếc ù hai tai.
    Trên bức rào cuả Tiểu Khu tôi thấy có ba thân thể cháy đen, mà rải rác gần đấy có bảy cánh tay, ba bàn chân lủng lẳng quai dép râu, những núm ruột người trắng hếu, dài lòng thòng còn lắc lẻo, đung đưa lắc lư vắt trên hàng rào gạch kiêm hàng rào B 40 rung rinh. Ruồi bọ lúc nhúc bu đông đen, rồi vụt ù ù bay lên đáp xuống, khi có vài người rảo bước liếc nhìn vội vã đi qua. Úi trời ơi! Mùi thúi thì thật hôi ơi là hôi kinh khủng. Khiến tôi cảm thấy xớn rớn, chao đảo, giao động mạnh, điên cuồng, dày vò, và đau đớn cào xé con tim, lồng ngực tôi nhô lên hụp xuống sâu hơn. Có con chó lài hoang ốm tong ốm teo, lông lá lưa thưa nhô cao bộ xương sườn, từ góc đường Yersin + Pasteur nó rón rén lủi đi kiếm ăn, con chó rụt rè ngơ ngác nhìn quanh, nó vội cụp đuôi vô trong háng, cúi đầu cắm cổ chạy đến bên mấy xác Việt Cộng. Nó liếm liếm khúc ống quyển đen thui, và nó dỏng tai hếch mỏ lên... Trời ơi! Khúc ruột chỗ trắng chỗ đen vắt vẻo trên hàng rào gạch đong đưa, khúc ruột dài ngoẵng chui thật nhanh vào hai hàm răng con chó gầm gừ trắng trợn nhe ra.
    Tôi sợ dựng tóc gáy! Tôi hãi hùng tột cùng muốn xỉu, hai đầu gối run rẩy va đập vào nhau lộp cộp, như người mắc bệnh parkinson luôn tiết ra chất dopamine, khiến mình bại hoại rã rời tứ chi. Tôi run bần bật ngồi bệt xuống dưới góc balcon, chẳng hiểu sao tôi cứ ói ra hoài, và toàn thân muốn rệu xuống. Dù mấy tháng trước bà chị của tôi đã làm thịt chó, chị nấu đủ thứ, nào là: Rựa mận. Nướng. Hon. Thui. Thịt tái chanh. Thịt luộc. Xào lăn, vân vân... Hôm ấy cả mấy gia đình anh chị em vui vẻ “xơi” thịt chó thơm phức ngon lành, chúng tôi ăn từ đầu chó tới đuôi chó, thậm chí cả bốn móng cẵng chân giò, xương chó cũng chặt ra làm nồi nước lèo xúp chó hầm ngon nhức nhĩ! Sao lúc ấy tôi chẳng thấy sợ hãi như bây giờ!? Bỗng dưng tôi sực nhớ tới chuyện rùng rợn ở Tây Tạng, nơi thủ phủ Lhasa đến một vùng hẽo lánh kia, có tục lệ rất kinh dị khủng khiếp. Họ thường làm nghi thức tiễn người chết rùng rợn từ lúc rạng đông: Họ từ tốn lấy dao lóc từng miếng thịt người chết ra miếng nhỏ, rồi để trên những tảng đá cho kênh kênh ăn. Lại có nơi lóc thịt người chết vất xuống nước cho cá ăn. Hoặc họ vạc một phần trên sọ, chẻ sọ người chết ra, dùng sọ người làm chén ăn. Họ nghĩ: hoả tang tốn kém than củi và tăng oxide carbone (CO) thì uổng. Thủy tang hại nguồn nước môi sinh, mất công uống cả xác tro người chết vô bụng. Chi bằng cho loài kênh kênh xực, cho chắc ăn! Do nghĩ như vậy, thịt chó và thịt người chết treo lủng lẵng nơi góc hàng rào kia; khiến tôi càng tởm lợm và nôn ọe ra mật xanh mật vàng!
    Chiến cuộc từ thời kỳ giặc giã đã tàn phá biết nhiêu mà kể xiết trong đất nước nầy, chiến tranh gây hận thù và chết chóc, bao đau khổ người dân còn kẹt lại trong cái thế trên đe dưới búa. Làm gì được lúc con người gây ra chiến tranh thật phi nhân, phi đạo đức. Làm chi được hỉ với con cáo, con hồ, con cọp, con chó sói, thậm chí cả con chó nhà đang nhe hai hàm răng trắng, hoặc giống như loài bò sát rắn độc?: nếu ta không biết “thời thế thế thời thời phải thế” khôn ngoan trầm tĩnh thu mình dẽo dai chịu đựng! Mặc dù loài vật hung ác, nhưng nó biết đối xử tốt và bênh đỡ đồng loại. Tuy beo, cọp, chó sói: là giống ăn thịt sống chẳng hạng; nhưng đối với đồng loaị chúng vẫn hiền lành lui về hang ổ (nơi an tựa ấm áp, thân tình), và chúng biết yêu quý hổ con, sói con cuả mình. Càng hơn nưã chúng nhận biết đồng bọn, luôn trấn giữ bảo vệ bè-đàn mình, không để tên “dị chủng” khác chủng loại xâm phạm. Nhưng khi có những kẻ vượt lằn biên qua vĩ tuyến: táo tợn xâm lăng thành phố thơ mộng, họ ngang nhiên đặt chân vào miền đất hiền hòa, cẩu thả dùng súng đạn bay vèo vèo, ầm ầm, đùng đùng trút trên đầu nhân thế vui hưởng ngày Tết, lúc mọi người tưng bừng nôn nao rước tổ tiên ông bà về chung vui với con cháu, và dáng xuân huy hoàng êm đềm ngự trị trên thế trần. Thì xin mạn phép hỏi kẻ tàn ác gây ra đau thương tang tóc thuộc về “hạng gì”?
    Lo lắng rón rén bò bò trên hành lang nhà, và tụt xuống những bậc cấp, tôi tất tả chạy rõ nhanh về nhà mình, vừa chạy vừa thở hồng hộc, khiến tôi mệt kinh khủng! Từ nhà ba má ở đại lộ Pasteur, tôi cắm đầu chạy bán sống bán chết xuống đường Bà Triệu, tới Cầu Bá Hộ Chúc, qua góc Cường Để và vòng ngược lên đường Thành Thái, chạy qua rạp ciné Ngọc Lan. Tôi hổn hển ngơ ngác đi ra phố Hòa Bình: Hai chiếc xe jeep (ở khu Hòa Bình) bị Việt Cộng núp đâu đó bắn mấy quả B40, hai xe nầy cháy rụi. Tất nhiên là có người chết thảm rồi. Tiệm Hồng Châu ở sát bên cây cầu cuả Chợ Mới cũng cháy rụi, đen thui. Mấy tiệm lân cận ở quanh khu Hoà Bình, đường Phan Bội Châu cháy khét, khói lửa mịt mù, mùi hôi kỳ lạ tỏa ra cùng khắp. Phố xá buồn thiu, vắng hoe, tan hoang, lạnh lẽo như một thành phố chết. Lác đác có mấy bộ hành tất ta tất tưởi, dáo dác lấm lét nhìn quanh, rồi dọt lẹ! Bốn người Thượng già: một người vạm vỡ đóng khố sọc ngang rằn ri. Một đàn ông trung niên thân quàng tấm mền len cũ. Một phụ nữ ở trần giơ bộ ngực no tròn có núm vú đen đen ra giữa lộ thiên, và một thằng bé con khoảng ba tuổi trần truồng. Họ thường bán hoa lan ở trên góc phố. Mấy người lớn đang khóc hụ hụ, họ hỉ mũi sột rột, họ bập bập cần tẩu cong cong như chữ S, mùi thuốc lá hăng hắc nồng nồng phả vào không trung mù khói đen xám, quyện lẫn làn sương núi mờ mờ vật vờ bay bay dưới nắng xuân chan hoà. Ông ta khạc nhổ bãi nước miếng văng xuống đất, coi gọn ơ:
    - Khu Du Sinh trên cuối đường Huyền Trân Công Chúa, đã bị lửa cháy rụi hết, khiến nhà cửa tui tiêu tan. Mất hết! Kể cả gà chó ngựa và con người. Hụ hụ hụ... Các ôn ơi!
    Tôi phiền não chạy riết về đường Minh Mạng, qua hướng Cẩm Đô, leo lên dốc ở nhà xác cạnh Nhà Thương. Chạy tắt trên đồi cỏ sau bệnh viện để về nhà, tôi nằm vật ra giường, thở hổn hển, mắt trợn ngược mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, ngao ngán thở dài và lo lắng sầu khổ biết bao!
    * * *
    Chiến sự không tốt đẹp gì. Phía Việt Nam Cộng Hòa chưa thể ra tay! Nếu có đề phòng trước, không bị bất ngờ, và có quyền quyết định như người xưa “tiền trảm hậu tấu”, vị tất họ chẳng nhường cho “kẻ dị tộc” xâm lăng một tất đất. Lẽ nào chính phủ Việt Nam Cộng Hoà để “người lạ phuơng xa” tự do ra vào tung hoành, tranh phần lãnh thổ của riêng ta, mặc nó thao túng!? Vì chính bọn họ đã ngang nhiên vi phạm quy ước hiệp định “The 1954 Geneva Cease-fire Agreements” ấn định: chia đôi đất nước Việt Nam ra làm hai phần: miền Bắc – miền Nam tách bạch (riêng rẽ chủ quyền lãnh thổ). Lấy cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, con sông Gianh làm mốc chuẩn mực. Dù phải chia lìa quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn - Ngăn cách đôi bờ xót xa, tủi nhục, một sự tủi hờn điếng lặng đớn đau muôn đời khắc in vết chàm, không bao giờ gột rửa sạch! Miền Nam Việt Nam Cộng Hoà vẫn tôn trọng quy ước, không xâm phạm lãnh thổ của ai. Ấy vậy mà, những tên bố tổ cha kia đã làm động mồ động mả, động những ngôi cổ mộ tôn kính từ lăng Nguyễn Hữu Hào xa tít trên triền núi Cam Ly Thượng, chạy dài xuống nghĩa trang khu Số Bốn, động cả thánh thần muốn yên nghỉ giấc nghìn thu ngoài nghiã trang khu Số 6. Ngay trên bàn thờ mọi gia đình cũng bị lật tung, dựng đứng dậy! Nhất là hương hoa đèn nến nghi ngút toả ra tại các chùa chiền linh thiêng, am tự, nhà thờ, nơi đình đám hội hè, mọi nhà cư dân yên ấm vui vẻ ba ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, đâu đâu cũng bị bốc cháy, rụi tàn. Thảng thốt. Bàng hoàng tột độ. Thật phi đạo đức!
    Chiến cuộc cứ thế bên thủ bên nằm, đôi khi quân lực Việt Nam Cộng Hoà tiến lên từng bước, từng bước tiến vào cửa ngỏ loạn ly. Dù lính có kế hoạch quy mô, có sách lược điều quân, và nguyên tắc phối hợp hành quân từ lăng kính thuần tuý quân sự. Nói nôm na hơn là sự tranh giành đất đai, quyền lực “với nhau”, việc nầy không phải đỗ lỗi là vì do chiến tranh hay không chiến tranh! Phía nào không củng cố, không bảo vệ, không cẩn trọng, nói một cách thẳng thắng lạnh lùng hơn không bổn phận trách nhiệm, mất cảnh giác– thì sẽ mất tất cả! Nhưng bắt buộc quân nhân Việt Nam Cộng Hoà phải uể oải nằm ù lì nướng mình trên đất cỏ, chờ đợi lệnh trên ban xuống. Lính ngao ngán mỏi mòn chờ đợi lệnh tổng tấn công. “Trò đánh giặc” nầy tương tự như “trò chơi đánh bạc”, ta cay cú vì thua mất tiền trong ván bài ấy, do ta không đoán biết trong lòng cuả cái tô úp trên diã đặt ở manh chiếu kia là: chẵn hay lẻ!? Thì khi ta thua, ta phải nghỉ vài ván để tìm “đối sách”. Tất nhiên người cầm cái tuyệt đối không muốn nghỉ, (nghỉ là đồng nghiã với thua). Họ nghỉ tức là buông mất cơ hội tốt lành vơ vét tiền khi “con bạc” đang say nước cờ đen đỏ! Lính nằm dưỡng sức trên đám cỏ bồng cũng thế! Muốn thắng địch quân không những cần vũ khí, mà còn cần: Kiên nhẫn, dũng khí và ý chí. Từng đường máu cộm phồng co giật bên mang tai người lính phong sương dãi dầu mưa nắng. Một số Lính Thủy Quân Lục Chiến các vùng khác biệt phái, Bộ-Binh, Biệt Động Quân nằm ép bụng sát đất, họ xã láng cuộc đời trên những thăng trầm đen đỏ số phận, xây dựng tình yêu nơi hoang tàn quê hương đổ nát. Mặc bao mưu toan đen đỏ trong cơn lốc chính trị lịch sử dùng dằng đẩy đưa, đầy cay đắng. Dân thị thành Đà Lạt bị cô lập mọi mặt, mọi ngã đường. Cả bầu trời Đà lạt dường như thu gọn lại trong chiếc máy xay sinh tố cũ khô khan kêu cót két, rít rít, ù ù quay lông lốc, nghe điếc ù cả tai, xốn xang nghẽn nghẹt buồng tim lá phổi.
    Bầu trời bao la càng trống trải, trực thăng bay lừ đừ như con chuồn chuồn ốm, dễ làm mục tiêu cho các họng súng cối ở nơi xa xa dựng đứng dưới đất chĩa thẳng lên trời, súng bắn từng phát (nghe dường như về hướng khu Số 6 hay Tùng Lâm thì phải). Suốt hai ngày đêm, loa phóng thanh trên phi cơ chĩa xuống đất, kêu gọi người dân ai còn mắc kẹt giữa hai lằn đạn, hãy cố gắng di tản ra khỏi mục tiêu sẽ quầng thảo. Trực thăng bay lượn chậm chạp, từ trong lòng phi cơ tung thả vô số truyền đơn xuống đất, che mờ một góc trời miền núi. Thỉnh thoảng có nhiều tiếng súng rời rạc. Và Ùm… ùm… Ầm ầm… cắt… bụp… xè… rào rạo. Thật chói tai dễ sợ. Thế mà đằng góc trời nầy, mấy chú chuồn chuồn sắt cứ điềm nhiên, tỉnh bơ lượn qua lượn lại trên đầu chúng tôi. Dường như họ coi đó là chuyện nhỏ, chả có gì quan trọng khi cơn binh lửa bừng bừng thổi về! Vì, phi vụ của họ là ủy lạo đồng bào, dùng truyền đơn từ trong lòng phi cơ vừa rải xuống đất, chỉ dẫn cách di tản như tấm giấy phép có uy tín hiệu lực, để mọi người dân còn mắc kẹt trong khu vực Số 4, Số 6, Tùng Lâm... bị tạm chiếm, “dân ta” có thể đi ra an toàn khỏi vùng phong tỏa. Đồng thời loa trên trực thăng vẫn kêu gọi “bọn hàng binh” ra đầu thú, thì sẽ được chính phủ Việt Nam Cộng Hoà khoan hồng ưu đãi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà luôn khuyên "Vi ci":
    - Hãy buông tha người dân vô tội đi.
    Kết quả hữu hiệu là có nhiều thanh niên: bình tĩnh, khôn ngoan, kiên cường lủi trốn đi khỏi vùng số 4, số 6, Tùng Lâm. May mắn thoát ra, họ đã hổn hển kể lại:
    - Đối phương chiếm nhiều căn nhà chắc chắn dùng làm nơi đặt biệt liên lạc với nhau. Việt-cộng đông lắm. Chúng tôi cố tìm mọi cách thoát thân. Nếu không may thì bị ai đó… bắn “cái đùng”. Họ (Việt Cộng) tự động tổ chức nhân sự bị kẹt lại thành từng tổ tam tam. Họ vừa xoa, vừa tuyên truyền, vừa đánh đập, để kích động tâm lý trong lòng “kẻ bại”!? Bắt dân đen khiêng vác đất đá, đào hầm hố trú ẩn, rất cực khổ, ngỏ hầu trốn bom đạn, mà bị nhịn ăn. Vã lại ở trong vùng tạm chiếm nầy, làm gì có họp hành chợ búa đâu, không ai có thể mua lương thực ăn uống! May mà trong vườn của chúng tôi còn tí rau, củ, nên ăn rau cải mong cố sống còn, cầm cự qua ngày.
    Xế trưa hôm ấy, vùng đồi núi Domain bị súng đạn đến thăm. Non vài giờ sau là cả đỉnh núi Lâm Viên tuyệt diệu xứ hoa đào thơ mộng cũng không được chú ý bằng mỏm đồi khu Số 4. “Khu Số Bốn”! Đại danh ngữ ấy mới thoảng nghe qua thiệt “quê quê”, nhưng đầy nồng ấm ngọt ngào mật thắm tình quê, dịu dàng êm ả thân thiết, chất phác, mộc mạc gần gũi như tính ngữ danh xưng. Thân thương làm sao! Nồng thắm trìu mến dường bao! Ấy thế mà, suốt bao ngày qua chiến tranh tàn ác đang bám riết lấy nó. “Kẻ lạ” nhanh như sóc, lủi như chuột chù, chuột hôi len lỏi vào mọi ngóc ngách, họ ở lì trong mọi nhà. Họ đào hầm hố, len lén trèo qua những hàng rào, lủi sâu vào vườn tượt nhà dân. Họ leo trèo lên cây quả, vụng trộm thập thò rình mò dáo dác, rù rì to nhỏ, nhìn trước ngó sau, lấm la lấm lét như kẻ cướp cạn. Trong khu Số 4, Số 6 đó, đa số dân lành còn bị kẹt lại vô tình làm bình phong, làm mấu chốt đỡ đạn từ hai phía.
    Chiến tranh không tốt đẹp gì. Chưa thể phân định đâu đúng đâu sai, đâu là điều hay lẽ phải. Chưa thể chứ không phải là không thể. Nhưng chắc chắn một điều chính xác là “bên kia” đã hoàn toàn sai trái luật do vi phạm hiệp định công ước quốc tế, họ đã cố tình loang vết nhơ, sóng thần cào cuộn từng dòng máu chảy ruột mềm. Nếu không lầm thì hơn ba tuần sau Quân đoàn II gửi một Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 53 Bộ Binh tăng cường cho Thị-xã Ðà Lạt, để tiêu diệt tàn quân Việt Cộng ẩn nấp trong Khu Số 4. Khu số 6. Tùng Lâm, v.v… (*)


    * * *

    Tình Hoài Hương
    (*) Kính mời qúy độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Last edited by Tinh Hoai Huong; 01-30-2012, 04:13 AM.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X