Thông báo

Collapse
No announcement yet.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 1)

Collapse
X

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 1)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 1)



    CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 1)



    Hồi ký
    NGUYỄN HỮU THIỆN


    LỜI NÓI ĐẦU:

    Sau khi cùng gia đình vượt biển thành công rồi được định cư tại Úc-đại-lợi năm 1982, cho tới nay, đôi khi ban đêm tôi vẫn còn những giấc mơ về ngày 30 tháng Tư 1975, về thời gian ở tù cải tạo, về chuyến vượt biển tìm tự do. Sau này tìm hiểu, tôi được biết những cơn ác mộng này là hậu quả tâm sinh lý chung mà rất nhiều người đồng cảnh ngộ với tôi mắc phải.

    Với không ít cựu sĩ quan QLVNCH ở lại, hoặc bị kẹt lại sau ngày mất nước, nhắc tới ngày 30 tháng Tư 1975 là khơi lại tủi nhục đắng cay, nhắc tới hai chữ “cải tạo” là nhớ lại dĩ vãng kinh hoàng, nhắc tới chuyến vượt biển năm xưa là rùng mình ớn lạnh. Tôi là một trong số ấy.


    Nhưng rồi càng thêm tuổi, tôi càng vơi bớt hận thù, như thể cho tâm hồn được thanh thản trước khi đáp “chuyến tàu hoàng hôn”... Viết một cách chính xác, tôi vẫn căm ghét chế độ CSVN, vẫn giữ lời thề không đặt chân trở lại một khi quê hương còn bóng cờ đỏ, nhưng với những con người đã đày đọa, hành hạ mình trước kia, tôi cho rằng họ chỉ là những người sinh ra dưới một ngôi sao xấu – ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ. Một khi thân xác tôi không bị nằm lại ở trại cải tạo, không bị chôn vùi dưới lòng đại dương, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn hơn những con người ấy.

    Bên cạnh đó, tôi không bị đưa ra miền Bắc, không phải sống ở những trại cải tạo khủng khiếp nhất trong Nam (trừ mấy tháng ở Phú Quốc), không dám vượt ngục..., vì thế thiên hồi ký của tôi sẽ không phải một bản cáo trạng về tội ác của chế độ CSVN, không phải một thiên anh hùng ca về những tấm gương can trường, bất khuất, cũng sẽ không có những tình tiết ly kỳ, rùng rợn, mà chỉ là chuyện kể - chuyện buồn cũng như chuyện vui (thật vậy, trong tù cộng sản vẫn có thể có “chuyện vui”), chuyện vượt biển giỡn mặt tử thần - không ngoài mục đích chia sẻ với anh em Không Quân, bằng hữu và độc giả một quãng đời đã qua, cách riêng những ơn lành Thượng Đế thương ban cho một “đứa con hoang đàng” sám hối vào giờ thứ 25.

    Tất cả mọi nhân vật, tình tiết trong thiên hồi ký này đều có thật; riêng những mốc điểm thời gian có thể chỉ chính xác tương đối, và tên tuổi các nhân vật đôi khi sẽ được viết tắt, hoặc dấu kín vì những nguyên nhân tế nhị.

    * * *

    PHẦN I: Nhất Nhật Tại Tù




    CHƯƠNG 1 - Thành Ông Năm

    Gần trưa ngày 29 tháng Tư năm 1975, sau khi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III cho lệnh di tản, cùng với những anh em Không Quân còn kẹt lại ở Biên Hòa sau khi đốt phi trường vào chiều ngày 28/4, tôi chạy về Sài Gòn, nơi tôi đã đưa vợ con về từ một tuần lễ trước để tránh pháo kích, tá túc nhà bà ngoại ở đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận.

    Mấy ngày sau, Ủy Ban Quân Quản thành Hồ ra lệnh trình diện đăng ký, tôi và người cậu út, một Đại úy An Ninh Quân Đội, rủ nhau tới một địa điểm đăng ký ở gần giáo xứ Bùi Phát, thấy tay ký giấy chứng nhận đăng ký là một gã “30 tháng Tư” – em trai một ông dân biểu VNCH (ông này trước kia hỏi người dì Út của tôi vốn là một hoa khôi Trưng Vương nhưng bị từ chối) – tôi và ông cậu nhìn cái bản mặt dễ ghét và cung cách ta đây của hắn, chán nản bỏ đi; sau đó tới đăng ký tại một ngôi biệt thự lớn ở đường Huỳnh Quang Tiên, nghe nói nguyên là của “Cậu Mười”, em trai bà Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

    Nguyên nhân tôi ở lại VN kể ra thì dài dòng, nhưng tóm lại cũng do số mệnh.

    Cả tuần lễ trước ngày 30 tháng Tư, nhiều gia đình trong họ ngoại của tôi đã bồng bế nhau ra Phước Tỉnh, nơi có nhiều bà con và vị linh mục chánh xứ là một người trong thân tộc. Khi mẹ tôi đem việc này ra bàn thì bị tôi gạt ngay, bởi tôi không muốn... bỏ chạy!

    Chẳng phải vì bản thân là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị nên tôi yêu nước, chống cộng hơn người khác, mà chỉ đơn thuần vì khi ấy tôi không tin mình sẽ mất trọn miền Nam mà ít ra cũng giữ được Vùng 4. Tôi muốn ở lại để cùng mọi người tử thủ!

    Thêm vào đó, mẹ tôi cũng hơi dùng dằng vì có ý chờ tin tức về một thằng em của tôi phục vu tại Tiểu Khu Pleiku, mất tích trong cuộc di tản bằng liên tỉnh lộ 7, nên cuối cùng cả gia đình tôi không ai đi.

    Một ngày sau khi ông Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, một người cậu, một người dượng của tôi, cả hai đều mang cấp bậc Trung tá phục vụ tại cơ sở đầu não, sau khi bị Mỹ “bỏ rơi” (đúng ra là một số địa điểm đáp của trực thăng Mỹ đêm 29/4 bị hủy bỏ vào phút chót), sử dụng xe hơi (dân sự) đi ra Phước Tỉnh, sau đó cùng gia đình, họ hàng vượt thoát bằng ghe đánh cá ra tàu Mỹ, lúc đó một số vẫn còn chờ bên ngoài hải phận quốc tế.

    Hai ông có rủ gia đình tôi đi theo, nhưng phần vì đầu óc tôi còn đang bị sốc nặng trước việc Sài Gòn thất thủ, phần vì vợ tôi thương tội bà mẹ già đơn chiếc, chúng tôi đã không có được một quyết định sáng suốt!

    Nhưng xét cho cùng, không phải chỉ mình tôi mà trong đám bạn thân trong Không Quân cũng có ít nhất ba thằng chẳng thiết tha gì tới việc bỏ nước ra đi.

    Người thứ nhất là Trung úy Trần Ngọc Tự (nhà thơ Ngọc Tự), Trưởng Ban Biên Soạn Tài Liệu & Thuyết trình kiêm Phụ tá Trưởng đoàn Công tác Chính Huấn BTL/KQ của Thiếu tá Trần Như Đẩu; trong những năm tháng sau cùng (1974, 1975) hắn còn đảm trách thêm công việc của Thư ký tòa soạn đặc san Lý Tưởng. Tự với tôi là bạn thân từ nhỏ, ở cùng xóm, cùng học trường Luật, cùng đi Khóa 3/69 Thủ Đức, cùng tình nguyện về ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân.

    Trần Ngọc Tự (sau khi đi cải tạo 6 năm) cũng là một trong những văn nghệ sĩ bị chế độ CSVN bắt giam và đưa ra tòa trong vụ án mà báo Công An thành Hồ gọi là “Những những tên biệt kích cầm bút”, gồm Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Khuất Duy Trác (ca sĩ Duy Trác), và Trần Ngọc Tự.

    Kế đến là Nguyễn KD, Trung úy Quân Cảnh SĐ3KQ, cũng xuất thân Khóa 3/69 Thủ Đức; tay bạn từng một thời cùng tôi vi vút ở xứ Bưởi. Hắn có vợ làm trong cơ quan DAO (thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ) nhưng quyết định ở lại.

    Sau cùng là Trung úy (nhà thơ) Phan Lạc Giang Đông, Trưởng Ban Giáo Dục Chính Trị, cũng thuộc Đoàn Công tác Chính Huấn BTL/KQ. Đông sinh năm 1940, khá lớn tuổi hơn tôi và Trần Ngọc Tự, tốt nghiệp cử nhân Sử Địa tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, từng phục vụ tại tòa soạn Lý Tưởng BTL/KQ với cấp bậc Hạ sĩ I trước khi theo học Khóa 6/69 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.

    Nguyên nhân trước kia Phan Lạc Giang Đông không được theo học khóa sĩ quan là vì hắn là em trai của Đại úy Biệt Động Quân Phan Lạc Tuyên, người tham gia cuộc đảo chính hụt năm 1960 cùng với Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông, sau đó chạy sang Căm-bốt rồi theo cộng sản. (Chú thích 1)

    Tôi thân với Phan Lạc Giang Đông vì trong thời gian học khóa 8 Sĩ Quan Căn Bản Chiến Tranh Chính Trị tại Đại Học CTCT Đà Lạt năm 1970, hai thằng thường cùng nhau “trốn học”, dung dăng dung dẻ ngoài phố với hai người đẹp vốn là hai cô bạn thân; và sau này khi tôi thuyên chuyển từ Pleiku về Biên Hòa, Đông rủ tôi cùng ghi danh Ban Báo Chí ở Đại Học Vạn Hạnh.


    Phan Lạc Giang Đông (bên trái) và người viết, Đà Lạt, 1970

    Nhưng tới khi Ủy Ban Quân Quản thành Hồ ra lệnh trình diện “học tập cải tạo” tại nhiều địa điểm khác nhau tùy theo địa chỉ cư trú, chỉ có tôi và Trần Ngọc Tự trình diện tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

    Sở dĩ ở đây tôi nhắc tới Trần Ngọc Tự, Nguyễn KD và Phan Lạc Giang Đông là vì cả ba sẽ tái xuất hiện trong thiên hồi ký này.

    * * *

    Đám cán bộ cộng sản làm thủ tục trình diện học tập tại Đại Học Văn Khoa là người của Ủy Ban Quân Quản thành Hồ, đa số là dân Nam kỳ, tuy tay nào cũng mặt lạnh như tiền nhưng ăn nói khá lịch sự khiến chúng tôi cũng hơi yên tâm. Nhưng khi màn đêm buông xuống, một đoàn xe mololova tới nơi với đám nón cối nói đặc giọng Bắc 75, khẩu AK lăm lăm trên tay, chúng tôi được lệnh leo lên, cấm nói chuyện, vải bạt được phủ xuống, cột kín lại thành xe bít bùng, thì sự yên tâm ấy đã nhường chỗ cho nỗi lo sợ.

    Đoàn xe chạy vòng vòng, quẹo tới quẹo lui, cốt để chúng tôi không thể đoán biết mình bị đưa đi đâu, cuối cùng, gần sáng mới tới một doanh trại ở Hóc Môn, nguyên là cơ sở của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, QLVNCH.

    Sau vài ngày sống chen chúc ở khu vực trước kia là các cơ sở thuộc Bộ chỉ huy Liên Đoàn, làm tạp dịch linh tinh, chúng tôi được lệnh xếp hàng một đi bộ tới khu vực trước kia là khu gia binh. Trên đường đi chúng tôi thấy khu nào cũng có người mặc quần áo dân sự lố nhố bên trong, sau này mới biết đây những sĩ quan cấp Đại úy trở lên, bị gọi trình diện học tập trước cấp Trung úy, Thiếu úy.

    Tôi và Trần Ngọc Tự luôn luôn “nắm áo” nhau, như chúng tôi đã làm trước kia khi từ TTHL Quang Trung lên Trường Bộ Binh Thủ Đức, và được ở cùng trung đội, thằng nằm giường trên thằng nằm giường dưới. Tới khu gia binh, theo lệnh của đám cán bộ, cứ 10 người vào một gian nhà, và trở thành một “tổ”, nhiều tổ thành một “đội”.

    * * *

    Nhờ bị gọi trình diện học tập sau cấp Tá và Đại úy, khi chúng tôi tới nơi thì đã có sẵn nhà bếp, giếng nước, cầu tiêu... do các đàn anh để lại.

    Sau khi đã “an cư”, qua ngày hôm sau chúng tôi bị lùa ra sân, ngồi dưới đất để nghe viên thủ trưởng Đoàn 775 (đơn vị coi tù cải tạo ở Thành Ông Năm) chính thức công bố “chính sách 12 điểm đối với ngụy quân ngụy quyền” của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN, theo đó chúng tôi “được cách mạng khoan hồng tha tội chết” đưa vào đây “học tập cải tạo để trở thành người công dân lương thiện, khi nào tiến bộ sẽ được về xum họp với gia đình, góp phần xây dựng đất nước”.

    Khi nghe viên thủ trưởng tuyên bố từ nay chúng tôi được gọi là các “cải tạo viên”, sự nghi ngờ của tôi lúc bị đưa lên xe molotova bít bùng càng có thêm sức thuyết phục: thời gian “học tập cải tạo” chắc chắc sẽ không chỉ có 10 ngày, và rồi đây chúng tôi sẽ bị đưa đi lao động khổ sai ở một nơi nào đó chứ không “nghỉ mát” dài dài ở khu gia binh chật hẹp này!

    Những gì xảy ra sau này cho thấy tôi đoán không sai: Thành Ông Năm chỉ là nơi nhốt tạm khoảng 5.000 “cải tạo viên”, sau đó phần lớn sẽ được phân loại để đưa tới các trại cải tạo đúng nghĩa, trong thời gian ở các trại này có thể sẽ bị thanh lọc thêm một, hai, hoặc ba lần nữa để bị đưa ra miền Bắc, hoặc những trại hắc ám nhất ở trong Nam. (Chú thích 2)


    * * *

    Tuy nhiên, trong thời gian một, hai tháng đầu ở Thành Ông Năm, đa số anh em tù cải tạo đã không đến nỗi bi quan như tôi, bởi vì chỉ ít lâu sau khi đám Trung úy, Thiếu úy chúng tôi tới nơi, ban chỉ huy trại đã bắt đầu tổ chức các buổi học tập chính trị, cho nên không ít anh em đã tin vào lời hứa “khi nào học tập tiến bộ các anh sẽ được trở về xum họp với gia đình”, từ đó suy ra sau khi hoàn tất chương trình học tập chính trị, nếu “tiến bộ” sẽ được thả về để “góp phần xây dựng đất nước”!

    Chương trình học tập chính trị gồm 10 bài, tập trung vào ba đề tài chính: Tội ác Mỹ - Ngụy, Đảng CSVN có công giành độc lập cho đất nước, và Chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. (Giờ này tôi chỉ còn nhớ tựa đề một bài duy nhất: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù số 1 của nhân dân ta”).




    (Ảnh minh hoạ)

    Sau mỗi bài học ở hội trường, về nhà, cải tạo viên phải viết “bài thu hoạch”, đọc lên trong các buổi thu hoạch của tổ dưới sự chủ trì của một tay quản giáo (cán bộ coi tù); sau đó nộp lên “khung” (ban chỉ huy trại) để được... chấm điểm, hay ít ra đó cũng là tin tưởng của một số anh em.

    Sau 10 bài học chính trị tới mục quan trọng nhất trong “quá trình học tập cải tạo”, mà theo lời viên quản giáo, qua đó cải tạo viên sẽ được đánh giá là đã tiến bộ hay chưa tiến bộ, đó là việc kê khai tội lỗi đối với “cách mạng” và tự phê phán bản thân!

    Cũng xin viết thêm, trước đó ngay sau khi “an cư”, chúng tôi đã bị bắt viết bản tự khai lý lịch mà họ gọi là “lý lịch trích ngang”, trong đó kê khai tên tuổi (và bí danh nếu có), ngày sinh tháng đẻ, tên cha tên mẹ, quân trường xuất thân, các khóa học, thăng thưởng, cấp bậc, các chức vụ đã đảm trách từ ngày gia nhập quân đội, tên tuổi (và tông tích) các cấp chỉ huy cũ, v.v... Giờ đây chúng tôi sẽ phải viết bản tự khai một cách chi tiết về quá trình hoạt động, sau đó tự kiểm điểm để lên án bản thân.

    Trước hết nói về “quá trình hoạt động”, như một nguyên tắc khai thác trong ngành điều tra nói chung, việc bắt đối tượng khai đi khai lại có hai mục đích: (1) đối chiếu để tìm ra những mâu thuẫn và (2) khủng bố tinh thần; vì thế hầu hết các tờ khai lần thứ nhất của chúng tôi không cần biết khai ít hay khai nhiều, dài hay ngắn cũng đều bị viên quản giáo đánh giá là “chưa đạt yêu cầu”, “chưa chịu thành thật khai báo”. Mà chưa thành thật khai báo thì còn khuya mới được xem là “tiến bộ”. Vì thế không ít anh em sau khi bị quản giáo phê bình trong các buổi thu hoạch, đã tự giác “thành thật khai báo”, thậm chí có người còn tự thổi phồng tầm quan trọng của chức vụ mình nắm giữ, bịa đặt thành tích để chứng tỏ sự “thành khẩn” của bản thân với hy vọng sẽ được thả sớm, hoặc chỉ đơn thuần để viên quản giáo cho mình hai chữ bình yên.

    Kế đến là phần tự kiểm điểm, tức “nhận tội”, thì anh em bên tác chiến đỡ mệt óc hơn đám lính văn phòng chúng tôi, bởi vì trong khi những anh em đó có thể khai ra “tội ác cụ thể” (tham dự trận đánh nào, giết được bao nhiêu “chiến sĩ cách mạng”...) thì đám văn phòng chúng tôi suy nghĩ nát óc cũng không thể tìm ra “tội ác” của bản thân để mà nhận!

    Rồi vì bị bắt viết đi viết lại nhiều lần, không ít anh em văn phòng hoặc các đơn vị không tác chiến đã phải “xạo”, tức là bịa ra những thành tích tưởng tượng, nhiều khi vô lý tới mức tức cười, và khi được rổn rảng đọc lên trong các buổi tự kiểm điểm, vô hình trung đã trở thành một thú giải trí cho mọi người – trừ viên quản giáo!

    Riêng tôi, một Trung úy ngành Chiến Tranh Chính Trị, sau hai lần bị bắt viết lại, quá mệt mỏi bèn... tới luôn: dựa theo những cáo buộc của các giáo viên mỗi khi lên lớp (đối với các sĩ quan ngành CTCT nói chung), tôi đã đúc kết thành một bản nhận tội vô cùng “chất lượng”, sử dụng tối đa “từ cách mạng”, dài gần 20 trang giấy viết tay; kết quả đã được viên quản giáo đánh giá “mức độ thành khẩn, tinh thần tự giác cao”!

    Không phải tôi liều lĩnh, không nghĩ tới hậu quả một khi bản kiểm điểm nhận tội của mình sau này sẽ bị đem ra làm bằng chứng buộc tội, mà tôi đoán chắc tới 99% những bản kiểm điểm này sẽ không bao giờ được đưa về trung ương, bởi việc khai thác, đánh giá hàng trăm nghìn bản tự khai lý lịch và tự kiểm điểm của tù cải tạo là bất khả thi.

    Tôi đã đoán không sai: sau này, tới một trại cải tạo khác, những anh em bị bắt làm công tác dọn dẹp trên “khung” (ban chỉ huy trại) cho biết đã thấy những bản thu hoạch, tự khai của tù cải tạo được bộ đội lấy để nhóm bếp, hoặc tệ hại hơn, đi cầu!

    * * *

    Sau khi 10 bài học chính trị kết thúc vào khoảng đầu tháng 10/1975, tinh thần của anh em tù cải tạo ngày càng căng thẳng. Thứ nhất, như đã viết ở phần trên, căng thẳng vì phải viết các bản tự khai và bị phê bình kiểm điểm liên tục qua các buổi “thu hoạch”; thứ hai, căng thẳng vì lo âu, mong ngóng ngày được thả về.

    Tôi không bi quan, cũng chẳng đánh giá thấp tinh thần của anh em bạn tù, nhưng sự thật đáng buồn là sau khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, đa số những sĩ quan QLVNCH bị kẹt lại, hoặc chấp nhận ở lại, đều mang một tâm trạng bi quan cùng cực, ai cũng muốn quên đi cuộc thảm bại của quân dân miền Nam; vì thế khi đi trình diện học tập, họ chỉ mong sớm được “cách mạng khoan hồng” thả về xum họp với gia đình để sống nốt phần đời còn lại.

    Vì thế, sau khi học xong 10 bài học chính trị và hoàn tất việc tự kiểm điểm nhận tội của bản thân, họ mong ngóng từng ngày, tự trấn an, cố hy vọng trước những diễn tiến không đâu: một chiếc “ô-tô con” (tương tự xe Jeep) chở các cán bộ đeo xà-cột (sacoche) tới trại, việc được chụp hình, được phát bộ quần áo tù mới tinh, việc trang trí hội trường..., đều được một số anh em suy diễn là để chuẩn bị làm lễ... mãn khóa, cấp giấy chứng nhận đã học tập tốt, về xum họp với gia đình!

    Nhưng khi mỗi khi đêm về, nằm nghe những tiếng thở dài, trằn trọc của anh em, tôi biết cả đến những người tỏ ra lạc quan nhất, cũng đều tự dối lòng.

    Bên cạnh đa số bi quan, thụ động ấy, cũng có một số nhỏ không chấp nhận buông xuôi cho số phận, đã tính tới việc đào thoát.

    Riêng tôi được mấy anh em thân thiết (cùng ngành CTCT) giới thiệu với một nhóm đang nghiên cứu kế hoạch đào thoát, gồm mấy tay tác chiến “thứ dữ” và hai tay Chiến Tranh Chính Trị ở hai khu khác nhau.

    Nguyên ở trại cải tạo Thành Ông Năm, tùy theo vị trí các khu nhốt tù, có những khu chỉ bị phân cách với nhau bằng một hàng rào kẽm gai khá sơ sài, người từ khu này có thể nói chuyện thoải mái với người khu kế bên, thậm chí lén lút leo rào sang “quan hệ”.

    Có lần Trần Ngọc Tự được tin nhắn đã leo rào sang khu Thiếu tá gặp anh Võ Văn Thi, nguyên Trưởng Khối CTCT Căn Cứ Không Quân Phù Cát, được đàn anh dúi cho hai gói thuốc Bastos De Luxe (anh Thi sau này vượt biên, định cư ở Úc, qua đời vì bạo bệnh cách đây hơn 5 năm).

    Khi biết được ý định của số anh em nói trên, dù tham gia hay không, chúng tôi cũng âm thầm cùng nhau điều nghiên địa hình địa vật và đường đi nước bước của đám bộ đội để có thể ước đoán mức độ hy vọng thành công một khi anh em quyết định đào thoát.

    Về địa hình địa vật, trại cải tạo Thành Ông Năm, nguyên là doanh trại của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo trước 1975, có hệ thống hàng rào phòng thủ ra sao, chúng tôi không biết đích xác, bởi chung quanh trại phía bên trong hàng rào là một bờ đê cao khoảng 2m, sử dụng làm tuyến phòng thủ sau cùng khi hữu sự (thời VNCH), tù cải tạo không được phép leo lên. Ngồi trên cầu tiêu cách hàng rào khoảng 50m chỉ nhìn thấy lố nhố những hàng cọc sắt chăng dây kẽm gai và các vọng gác cách nhau độ khoảng 150-200m.

    Theo một bạn tù nguyên là sĩ quan công binh hiểu biết về nguyên tắc đặt mìn, một doanh trại ở hậu phương như Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo thường không gài mìn ở hàng rào.

    Về hoạt động của đám bộ đội, ban đêm, ngoài các toán tuần tiễu đi lại trong trại, không có các toán tuần tiễu bên trong hàng rào (dọc bờ đê), chỉ có lính canh trên các vọng gác, và phía bên ngoài hàng rào thì cứ mỗi 2 tiếng đồng hồ lại có một toán tuần tiễu; chúng tôi biết được chi tiết này nhờ theo dõi tiếng chó sủa.

    Như vậy, với những anh em tác chiến chuyên nghiệp thì chuyện vượt rào thoát ra khỏi Thành Ông Năm cũng không đến nỗi khó khăn, vấn đề còn lại phải đặt ra là: vượt thoát rồi đi đâu?

    Chỉ có hai con đường: vào rừng gia nhập các lực lượng của “phe ta” đang tiếp tục chiến đấu, hoặc trốn về quê giả dạng thường dân để... chờ thời.

    Trước hết nói về các lực lượng của “phe ta” thì sau ngày 30/4/75, tôi được nghe đồn khá nhiều nhưng không có cơ hội, phương tiện kiểm chứng. Mãi tới cuối tháng 6/1975, tôi mới được một người em họ về làm ruộng ở vùng Hố Nai (Biên Hòa) cho biết có một số quân nhân VNCH thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau không chịu đầu hàng, rút vào các mật khu cũ của Việt Cộng ở vùng Sông Buông, Sông Mây (tiếp giáp Chiến Khu D), thỉnh thoảng cho người ra tiếp xúc với dân ở “đồng ruộng”.

    [Theo cách gọi của người dân ở vùng Hố Nai, “đồng ruộng” là vùng đất thấp nằm sâu phía bên trái Quốc Lộ 1 (hướng Sài Gòn - Hà Nội), vào thời Tổng thống Ngô Đình Diệm là khu vực canh tác của những người làm ruộng từ Hố Nai đi vào. Sau cuộc đảo chánh tháng 11/1963, ấp chiến lược bị đám tướng lãnh đảo chánh dẹp bỏ, VC công khai hoạt động, “đồng ruộng” bị bỏ hoang cho tới sau 30/4/1975]

    Được tin này, tôi về Hố Nai theo người em họ vào “đồng ruộng”, sống trong cái chòi ven sông để chờ đợi. Vì chỉ tò mò muốn tìm hiểu hư thực chứ không có ý định gia nhập, sau mấy ngày không thấy động tĩnh gì, tôi bỏ về.

    Còn giải pháp trốn về quê giả dạng thường dân thì tôi thấy không ổn. Trốn về Phước Tỉnh thì họ hàng đã bỏ đi gần hết, không biết nương tựa ai, trước sau cũng sẽ bị lộ. Trốn về Cái Sắn (Rạch Giá) thì không có can đảm... làm ruộng, chẳng lẽ cứ ăn bám anh em chú bác mãi!

    Thành thử, suốt thời gian ở Thành Ông Năm, tôi hoàn toàn không có ý định đào thoát.


    * * *

    Đúng vào khoảng thời gian này, tôi bị bệnh nặng, từ bụng trở xuống sưng phù, lở lói, gần như nằm liệt tại chỗ. Tay bác sĩ quân y ở cùng đội phán rằng nếu trước đây tôi từng bị phong tình hoa liễu thì nay bệnh tái phát, trường hợp không phải thì rất có thể tôi bị sơ gan do trước kia uống rượu nhiều quá.

    Không có bất cứ thứ thuốc tây nào để chữa trị, anh em bắt tôi ăn rau đắng, trông giống như rau ôm, mọc đầy dưới các đường mương trong khu gia binh, có người còn đào hà thủ ô (ở Thành Ông Năm rất hiếm) nấu cho tôi uống cả thân lẫn lá, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng. Cuối cùng viên quản giáo của đội có lẽ sợ trách nhiệm nên cho hai bạn tù cải tạo khiêng tôi (nằm trên võng) theo anh ta tới bệnh xá.

    Giờ này tôi kể lại rất có thể nhiều anh em cựu tù cải tạo không tin, nhưng tôi vẫn phải thành thật và khách quan mà viết rằng: bệnh xá ở Thành Ông Năm là số một!

    Số một vì có nhiều loại thuốc tây và có cả một... người đẹp!

    Về thuốc tây, họ có khá nhiều loại. Riêng tôi chẳng hiểu tay “y sĩ” Bắc Kỳ cho uống thuốc gì mà mấy ngày sau đã có thể đi lại, từ đó mỗi buổi sáng phải đi lên phòng khám bệnh để y sĩ khám và phát thuốc (gọi là “y sĩ” cho oai chứ tôi nghĩ trình độ chỉ cỡ y tá thời VNCH).

    Còn “người đẹp” ở đây là “chị Thùy”, một cô y sĩ Nam Kỳ 100%.

    Điều khó hiểu là Đoàn 775 là một đơn vị Cộng Sản Bắc Việt, từ thủ trưởng xuống tới chính trị viên, quản giáo, hậu cần, vệ binh, đều là Bắc Kỳ răng mã tấu nhưng trong số ba y sĩ của bệnh xá lại có một cô em Nam Kỳ. Vì thế tôi chỉ có thể đoán mò có một đơn vị y tế biệt lập nào đó ở địa phương đã bị giải thể, lấy phương tiện và thuốc men đưa vào bệnh xá Thành Ông Năm để phục vụ Đoàn 775 (đơn vị coi tù cải tạo), cho nên họ mới có nhiều thuốc men và một cô em Nam Kỳ!

    Chúng tôi không được biết cô em là du kích “18 thôn vườn trầu” (căn cứ địa khét tiếng ở Hóc Môn) hay chỉ là một nhân viên y tế dân sự thời VNCH nay được đưa tới phục vụ tại bệnh xá Thành Ông Năm, chỉ biết cô không bao giờ mặc đồ bộ đội mà cũng chẳng quấn khăn rằn, chỉ mặc quần đen áo bà ba, và được mọi người ở cả hai phía chiến tuyến gọi là “chị Thùy”.

    Cô khoảng độ tuổi trên dưới 25, cao ráo, thân hình khá hấp dẫn, nhan sắc trên trung bình, với mái tóc thề dài gần tới eo.

    Đã đẹp người lại còn... đẹp nết. Mỗi buổi sáng khi tới bệnh xá, việc đầu tiên của cô là hái một bông hoa ở vườn hoa giữa sân (một loài hoa nho nhỏ 5 cánh màu tím hoa cà, tôi chẳng biết gọi hoa gì) cài lên mái tóc, khiến tôi chợt nhớ tới ca khúc “Hoa cài mái tóc” rất ăn khách trước năm 1975!

    Sau đó cô mới tươi cười vui vẻ bước vào phòng khám bệnh, phát thuốc. Dĩ nhiên, nón cối vào trước, tù cải tạo vào sau.

    Phòng khám bệnh, phát thuốc nằm chung một gian nhà với phòng mổ, được phân cách bởi một tấm màn (vải mùng) mỏng, dài không chấm đất, có tấm biển các-tông ghi hai chữ “PHÒNG MỔ”. Chính tại phòng mổ “hiện đại” này, sau đó không lâu một vị Đại úy đào thoát bị bắn trọng thương đã được mổ “sống”, nghĩa là không có thuốc mê, thuốc tê gì cả!

    Khi khám bệnh và phát thuốc, “chị Thùy” không hề có sự phân biệt đối xử giữa nón cối và cải tạo; riêng tôi và vài anh em cải tạo còn được cô ưu ái... nựng!

    Đầu đuôi như thế này: tôi và mấy anh em đó được chích trụ sinh, dẫu chỉ là penicillin của Trung Cộng đã hết hạn mấy năm, cũng là chuyện khó tin trong trại cải tạo. Sau khi khám bệnh phát thuốc xong, cô mới bắt đầu chích.

    Những ai từng bị chích penicillin hẳn phải biết cái đau thấu trời khi thuốc được bơm vào mông hoặc cánh tay. Dĩ nhiên, chúng tôi được chích trên cánh tay, vừa bơm thuốc cô vừa lấy một “ngón tay thiên thần” gãi gãi vào cánh tay (gần chỗ kim chích) của bệnh nhân với mục đích cho đương sự quên đau.

    Vì thế, ngày nào tới phiên một trong hai tay y sĩ Bắc Kỳ răng mã tấu lên ca trực thì chúng tôi (những người được chích penicillin) cứ như đang ở trên thiên đàng rơi xuống địa ngục!

    Sau hơn một tuần ở bệnh xá với 4, 5 mũi penicillin, tôi đã gần bình phục nhưng vẫn làm bộ còn yếu đuối, đi đứng khó khăn chậm chạp cốt để kéo dài thời gian “nghỉ mát” ở bệnh xá. Bên cạnh đó, anh em bệnh nhân cải tạo ai cũng muốn tôi ở lại để tán phét và kể chuyện tiếu lâm cho họ nghe, trong số này có một người tôi không bao giờ có thể quên: Thiếu tá Xuyến, người thích nghe tôi kể chuyện nhất, ít ra cũng là vào thời gian đầu.

    Trong số ba bốn anh em tù cải tạo bị bệnh suyễn phải nằm bệnh xá, anh Xuyến bị nặng nhất; ngặt một nỗi bệnh xá Thành Ông Năm tuy có nhiều loại thuốc tây nhưng lại không có một thứ thuốc gì để trị bệnh suyễn.

    Mỗi khi tôi kể chuyện tiếu lâm, khi mọi người cười bò thì anh Xuyến vừa cười được một chút đã lên cơn suyễn nặng. Về sau, cứ mỗi khi tôi chuẩn bị kể chuyện, anh Xuyến vừa đứng dậy khỏi cái võng vừa nói:

    - Ê mày, để tao qua phòng bên rồi hãy kể!

    Sau này gặp lại một bạn tù cũ từng ở bệnh xá Thành Ông Năm, tôi được biết khoảng hai tháng sau khi tôi trở về đội, anh Xuyến đã qua đời tại bệnh xá khi lên cơn suyễn nặng, chỉ vài ngày trước khi gói quà đầu tiên của gia đình, trong đó chắc hẳn phải có thuốc suyễn, gửi tới nơi.


    * * *

    Thời gian ở bệnh xá còn giúp tôi cơ hội tìm hiểu về tình hình và đường đi nước bước trong trại qua dò hỏi anh em ở các khu khác, đồng thời quan sát tận mắt hệ thống hàng rào phòng thủ của Thành Ông Năm, mà ngày ở đội tôi chỉ thấy lố nhố mấy hàng cọc kẽm gai.

    Nguyên vì thiếu “mặt bằng”, dãy cầu tiêu ở bệnh xá được làm phía bên ngoài bờ đê, cách hàng rào chỉ khoảng hơn chục mét. Đứng trên bờ đê tôi có thể thấy 5, 6 lớp concertina, rồi tới 4 lớp rào kẽm gai chằng chịt, và sau cùng là hào chống chiến xa sâu 3, 4 mét.

    Tôi không tin các bạn tù của tôi đang có ý định vượt ngục có thể thoát ra khỏi hàng rào này, bởi vì trong khi concertina có thể bằng cách này cách khác nâng lên để chui ra, thì những lớp kẽm gai chằng chịt ấy chỉ có thể giải quyết bằng một cái kìm cắt kẽm gai, nhưng tìm đâu ra?!

    Cũng đứng trên bờ đê này, tôi đã được nhìn thấy “thế giới tự do”: những ngôi nhà dân thấp thoáng sau vườn cây trái cách hàng rào độ khoảng 100m, cái nghĩa địa hoang vắng nằm chếch về hướng bắc, con đường mòn quanh co, và đáng nói hơn cả là... các bà vợ “Ngụy” đi tìm chồng!

    Số là chỉ vài tháng sau khi các đấng phu quân bị bắt đi học tập cải tạo, không hiểu do tin tức từ đâu, các bà vợ sĩ quan ở Sài Gòn được biết và thông báo cho nhau (một cách thiếu chính xác) rằng hầu hết sĩ quan của chế độ cũ hiện bị giam giữ ở Thành Ông Năm. Thế là nhiều bà đã rủ nhau đi... thăm chồng.

    [Về sau, tôi được biết trong số đó có cả vợ tôi, cùng đi với cô em gái của Trần Ngọc Tự, nhưng ngày ấy nàng tới một khu khác chứ không phải bệnh xá, cho nên “Ngưu Lang - Chức Nữ” đã không được nhìn thấy nhau]

    Theo sự chỉ dẫn của dân chúng địa phương, từ quốc lộ, các bà vợ sĩ quan theo con đường mòn đi bộ vào, tụ tập dưới các bóng cây gần nhà dân, đợi đông đông mới lấy... khí thế tiến tới gần hàng rào.

    Nhìn thấy chúng tôi đứng lố nhố trên bờ đê, các bà biết ngay là sĩ quan “Ngụy” nên tranh nhau hỏi, đại khái: “Chồng tôi Đại úy Nguyễn Văn A Nhảy dù..., Thiếu tá Trần Văn B Thiết giáp... Trung úy Lê Văn C pi-lốt trực thăng... có trong này không các anh?”

    Phía ngoài hàng rào là những người vợ lặn lội đi tìm chồng, phía trong là những gã tù cải tạo nhớ vợ thương con, tuy không diễn ra một cuộc “hạnh ngộ” nào, cũng đem lại chút ấm lòng cho cả hai phía, cho dù bối cảnh không gian cũng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ thơ mộng: dãy cầu tiêu lộ thiên do các “đỉnh cao trí tuệ loài người” thiết kế với những thùng “phân Bắc” nồng nặc mùi xú uế!

    Lần nào cùng thế, cứ khoảng 15 phút sau thì có đám vệ binh AK lăm lăm trên tay tới xua đuổi các bà vợ, nhưng các bà chỉ “lui binh” chứ không bỏ cuộc: rút vào các bóng mát dưới gốc cây gần nhà dân, đợi đám vệ binh đi khỏi, quay trở lại hàng rào, tiếp tục màn đối thoại, với những câu hỏi lo âu “Bao giờ thì được thả? Các anh có bị đói không?...” luôn luôn được đáp lại bằng những lời trấn an... giả dối “Chắc sắp được về rồi, học chính trị xong rồi...”, “Tụi tôi không đói đâu, chỉ thèm thuốc lá thôi...”

    Trước khi bỏ ra về, một vài bà còn cố gắng ném mấy gói quà vào phía trong, nhưng tất cả đều không vượt qua cái hào và cả chục hàng kẽm gai...


    * * *

    Sau ba tuần nằm bệnh xá, được “bồi dưỡng bằng tiêu chuẩn bệnh” tôi trông đã khỏe mạnh hẳn ra nên bị tay “y sĩ” (nón cối, không phải “chị Thùy”) bắt xuất viện, được viên quản giáo đội cùng với hai vệ binh trang bị AK tới bệnh xá đưa về “nguyên quán”!

    Về tới nơi, tôi được anh em bu quanh như người mới xuất ngoại trở về, bởi ngoại trừ tay cải tạo được phong chức “hậu cần” có nhiệm vụ phân phối lương thực cho các “anh nuôi” (đầu bếp của đội) được đi ra khỏi khu vực, được tiếp xúc trực tiếp với đám cán bộ, đôi khi với cả dân chúng (những người cung cấp thực phẩm cho trại), tôi là người duy nhất trong đội đã có cơ hội đi cho biết đó biết đây.

    Tới khi tôi kể về việc các bà vợ đi tìm chồng bên ngoài hàng rào bệnh xá, anh em cho biết ở đội nhà cũng thế, có khác chăng là cầu tiêu của đội tôi nằm bên trong bờ đê khá xa nên anh em không nhìn thấy phía bên ngoài được, chỉ nghe tiếng các bà réo gọi vào phía trong, cùng tiếng xua đuổi, nạt nộ của đám vệ binh!

    Qua ngày hôm sau, tôi kín đáo tìm gặp các anh em có dự định đào thoát, mô tả một cách chi tiết về hệ thống hàng rào và hào sâu quanh trại, khuyên họ không nên hấp tấp, vội vã mà hãy kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.

    Nghe tôi trình bày, anh em chia ra hai phe, một phe vẫn muốn đào thoát càng sớm càng tốt, vì hiện nay bọn VC chưa đề phòng, kiểm soát chưa gắt gao, nếu chần chừ để chúng đưa tới những nơi khác canh phòng cẩn mật hơn, e sẽ không bao giờ còn cơ hội; một phe thì muốn chờ đợi để có thêm thì giờ tìm hiểu về đường đi nước bước bên ngoài Thành Ông Năm, thì mới có hy vọng vượt thoát tới các “chiến khu” hoặc về vùng quê sống lén lút chờ thời vận.

    Sau đó, vì không thể đi tới một quyết định chung, những anh em muốn chờ đợi đã rút tên ra khỏi nhóm, chỉ còn lại ba người, tất cả đều là dân tác chiến, quyết định hành động càng sớm càng tốt.

    Nhưng giờ H của các anh em ấy đã không bao giờ tới. Bởi chỉ mấy ngày sau, khoảng giữa hay cuối tháng 10/1975, có hai tù cải tạo ở khu Đại úy chui rào vượt ngục nhưng không thoát, một người bị bắn chết, một người bị bắn trọng thương (và được đưa vào bệnh xá mổ sống để lấy các đầu đạn ra, như tôi đã viết ở một đoạn trên).

    Súng đã nổ, máu đã đổ. Những tràng AK dòn dã giữa đêm khuya, những tiếng kẻng báo động đánh liên hồi, những tiếng chân vệ binh chạy rầm rập, những tiếng quát tháo của quản giáo tập họp điểm danh, báo cáo quân số... đồng loạt vang lên từ khắp các khu, như báo hiệu cho những tháng năm đen tối, hãi hùng trước mặt.

    (Còn tiếp)


    CHÚ THÍCH:

    (1) Phan Lạc Tuyên (1930-2011), xuất thân từ dòng họ Phan nổi tiếng lâu đời ở Sơn Tây; năm 1951 đang học Luật ở Hà Nội thì bị động viên Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, tức là cùng khóa với các ông (Đại tá, Giáo sư) Nguyễn Xuân Vinh, (Thiếu tướng) Nguyễn Cao Kỳ...

    Phan Lạc Tuyên là một nhà thơ, trong số tác phẩm của ông có bài Tình Quê Hương, được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc năm 1953, rất được yêu chuộng:

    ”Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc. Tình quê hương đơn sơ…”

    Tháng 11/1960, Phan Lạc Tuyên, lúc đó mang cấp bậc Đại úy, giữ chức vụ Chỉ huy phó Liên Đoàn Biệt Động Quân thủ đô, tham gia cuộc đảo chính do Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu. Cuộc đảo chính thất bại, ba người chạy sang Căm-bốt. Tại đây, Phan Lạc Tuyên được Việt Cộng móc nối, trở về VN tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

    Năm 1967, ông bị thương ở Tây Ninh, sau đó ra miền Bắc làm việc trong Đoàn Đại Diện MTDTGPMN. Năm 1972, du học Ba Lan, lấy bằng Phó tiến sĩ Sử học (nhưng ai cũng gọi ông ta là “Tiến sĩ”).

    Mấy tháng sau ngày CSBV chiếm Sài Gòn, Phan Lạc Tuyên trở lại miền Nam.

    Dù là bạn thân nhưng vì những nguyên nhân tế nhị, trước cũng như sau 1975, người viết chưa bao giờ hỏi Phan Lạc Giang Đông bất cứ điều gì liên quan tới Phan Lạc Tuyên. Nay cả hai anh em đã về bên kia thế giới, người viết chỉ xin ghi lại một vài trong nhiều nguồn tài liệu khác nhau về hoạt động cũng như tư cách con người của Phan Lạc Tuyên trong giai đoạn sau năm 1975.

    Tạp chí Giác Ngộ (trong nước) viết:

    “(Phan Lạc Tuyên) có 20 năm gắn bó với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM qua 5 khóa học, góp phần đào tạo nên một đội ngũ đông đảo trí thức Phật giáo, trong đó có nhiều người hiện đang đảm nhận những trọng trách của Giáo hội.”

    Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (trong nước) viết:

    “Học giả Phan Lạc Tuyên được Hội đồng Điều hành Trường Cao cấp Phật học TP.HCM (sau này là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM) mời tham gia giảng dạy cho Tăng Ni hệ cử nhân trong nhiều năm... Với Phật tính sẵn có và ký ức về ngôi chùa trong tâm thức của người Việt, trong đời sống văn hoá dân tộc qua những lần theo mẹ, theo bà lên chùa, cùng những trải nghiệm về cuộc đời, Ông đã nỗ lực học Phật, đã phát nguyện quy y Tam bảo và thọ nhận năm giới của người cư sĩ.

    “Cuối năm 2008, Cụ vào chùa Diệu Pháp, phường 13, Bình Thạnh, cuối con đường Nơ Trang Long, phát nguyện đi tu, pháp danh Nguyên Tuệ, Pháp tự Quảng Đạo Nhẫn...”

    Còn tờ Tuổi Trẻ viết:

    “Thần tượng của cuộc đời ông là Hồ Chủ tịch. Trong các sách vở, tài liệu để lại của ông có một lá thư mời dự tang lễ Hồ Chủ tịch, mảnh băng tang đen và một bông hoa vải được Phan Lạc Tuyên rút ra từ vòng hoa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng viếng trước linh cữu Người.

    “Vì có thần tượng là Bác Hồ mà Phan Lạc Tuyên đã có một cuộc lựa chọn và dấn thân mạnh mẽ như thế.

    “Và rồi hôm nay, ở cái tuổi 83, ông kiên quyết vào ở hẳn trong chùa. Ngôi chùa mà ông chọn ở là chùa Diệu Pháp ở P.13, Bình Thạnh, cuối con đường Nơ Trang Long.”

    * THẮC MẮC: mọi nguồn tài liệu đều ghi Phan Lạc Tuyên sinh năm 1930, qua đời năm 2011, tức là vào tuổi 81, nhưng không hiểu do đâu các báo trong nước lại viết ông thọ 84 tuổi; còn báo Tuổi Trẻ viết năm 83 tuổi ông mới vào chùa tu?!

    * * *

    Tuy nhiên, theo những gì bà Thư Khanh, vợ của Phan Lạc Giang Đông kể lại sau khi ra hải ngoại thì con người Phan Lạc Tuyên rất tệ, từ miền Bắc trở về đã lên án bố (cụ đồ Phan Vọng Húc) là “phản động”, chiếm căn nhà tổ ở Tân Bình, đuổi bố về sống ở một căn nhà nhỏ ở Cống Bà Xếp; lên án toàn bộ tác phẩm của (em trai) Phan Lạc Giang Đông là phản động, ngày bố chết không về nhà thọ tang, chỉ tới chùa vào giờ phút chót để có đôi lời cám ơn “sự hiện diện của đồng chí lãnh đạo”.

    Còn theo tác giả Hồ Nam thì “Chế Lan Viên quả quyết sau khi ra Bắc, Phan Lạc Tuyên trở thành tay sai của Tố Hữu trong việc theo dõi các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết”. Sau khi trở về Nam, Phan Lạc Tuyên nhập băng với đám tu sĩ Phật Giáo thân cộng (của Thích Minh Châu), hãm hại các Thượng tọa Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ...

    Cũng theo bà Thu Khanh, Phan Lạc Tuyên có ba đời vợ. Người thứ nhất là bà Đường, chết sau khi sanh con trước năm 1954. Người thứ hai là bà Nga, bị điên sau khi Phan Lạc Tuyên tham gia đảo chánh rồi bỏ trốn. Người thứ ba là bà Hồng Phấn, lấy Phan Lạc Tuyên theo sự “phân công” của Đảng sau khi ông ta ra Bắc. Sau năm 1975, bà Hồng Phấn không theo Phan Lạc Tuyên vào Nam mà ở lại miền Bắc.

    Tác giả Hồ Nam còn cho biết khi đã 80 tuổi, Phan Lạc Tuyên lấy thêm một người vợ trẻ mới 32 tuổi. Việc này đã được nhiều người trong nước xác nhận.



    HÌNH: "Cùng đoàn đại biểu Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam gặp Bác Hồ năm 1967 (ông Phan Lạc Tuyên đứng phía sau Bác)" – Ảnh và chú thích của báo Thanh Niên

    (2) Cải tạo:

    “Cải tạo” là một mỹ từ được chế độ cộng sản Bắc Việt sử dụng thay cho chữ “lao cải” của Trung Cộng, một hình thức cưỡng bách lao động mà Hà Nội rập khuôn.

    Thực ra, hình thức lao động khổ sai không tuyên án đã được cộng sản áp dụng tại Liên Xô từ thời bạo chúa Stalin, với một hệ thống trại cải tạo chịu sự quản lý của một cơ quan đặc biệt có tên viết tắt là “GULAG” (dịch sang tiếng Anh là “Main Administration of Camps”).

    Từ đó các trại cải tạo lao động khổ sai của Liên Xô được truyền thông tây phương gọi một cách ngắn gọn là “gulag”.

    Trước năm 1975, có lẽ không ít người miền Nam đã được đọc cuốn The Gulag Archipelago (Quần đảo ngục tù) của nhà văn kiêm sử gia Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008), người được trao tặng giải Nobel Văn Học năm 1970.

    Chính sách lao động khổ sai của Liên Xô đã được Mao Trạch Đông sao y bản chánh sau khi chiếm trọn Hoa Lục năm 1949, gọi là “lao động cải tạo” (勞動改造) có nghĩa là “cải tạo qua lao động”, viết tắt là “lao cải” (勞改).

    Theo ước tính của các sử gia quốc tế, từ năm 1950 tới năm 1976, đã có từ 10 đến 15 triệu người bị đưa vào các trại “lao cải” ở Hoa Lục, trong đó khoảng 5 triệu người đã bỏ mạng tại đây.

    Tại miền Bắc VN sau năm 1954, chế độ cộng sản VN đã rập khuôn đàn anh Trung Cộng thiết lập các trại “lao cải”, nhưng có lẽ vì thấy hai chữ “lao cải” (lao động cải tạo) nghe lộ liễu quá, Hà Nội đã rút ngắn thành “cải tạo”, tuy nhiên thực chất vẫn là các trại “cải tạo qua lao động”.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-11-2022, 02:13 PM.

  • #2
    Con người có số, nghe anh Nguyễn Hữu Thiên viết lại giai đoạn đầu tù cải tạo thấy mà sợ ,ĐQY xin kể sơ sơ lại cũng thời gian đó ( sau 30/04/75 ) thì đám tụi tôi khác nhiều :
    - Cái khác lớn nhất là hầu hết tụi tôi bị bắt TÙ BINH ,cũng có mấy tên nhận là hàng binh nên được tha về trong tháng 09/75, sau đó cũng bị địa phương tóm cổ đưa lên tù tiếp !! chúng tôi bị giam ở các trại giam giữ tù binh dọc theo biên giới bên phần đất của Lào ,do Đoàn 76 giam giữ tù binh quản lý ,Đoàn thành lập từ thời chiến tranh Điện biên phủ ,rồi vào Nam theo cuộc chiến Việt nam ,do đó anh em hưởng quy chế tù binh cho tới khi sập tiệm ,quan trọng là đại đa số thuộc thành phần tác chiến nên tinh thần rất cao ,vẫn cố gắng duy trì quân kỹ, vẫn tôn trọng các cấp đàn anh theo hệ thống quân giai( có lẻ tâm lý đa số muốn ảo tưỡng còn trong quân ngủ mới có tinh thần chống chọi nghịch cảnh thực. Năm 1981 khi được tha ra( sau 6 năm tù ) ĐQY vẫn làm một vòng chào kính các đàn anh đang lao động của các phân trại khác. Cho đến bây giờ anh em vẫn còn gắn bó sau hơn 40 năm ,vẫn tổ chức họp mặt thân hữu, giúp đở nhau trong tinh thần huynh đệ chi binh, đó là Hội Ái hữu cựu tù nhân cải tạo Cồn Tiên-Ái Tử-Bình Điền .
    - Từ 1975 đến 1977, hơn 2 năm chế độ lao động, thăm nuôi và nhất là gần như quanh trại không có hàng rào, hoặc rất sơ sài ,anh em tù cải tạo được cho về (hoặc dzù về ) hàng tháng tùy theo tiêu chuẩn lao động ,mà mức lao động giao khoán khôi hài lắm, như chỉ tiêu lấy củi cho mỗi người là: 1 mét khôi/1 tuần ,cứ chất lên cây cành nhánh cong queo cũng OK ngang 1m, cao 1/2m, dài 2m là xong, thế nên thứ hai đầu tuần chặt cũi đủ cho cả tuần ,thời gian còn lại đi câu cá ,đặt bẩy hoặc dzọt ra ngoài dân mua bán đổi chát linh tinh. Hơn nữa ở vùng Cồn Tiên, Ái Tử thỉnh thoãng tìm được hầm quân trang quân dụng lúc trước chôn lại của quân đội Mỹ ,có lúc anh em trại viên ai cũng thủ vài trái lựu đạn M.67 để vào rừng liệng cá ,nhiều khi sáng tập hợp xuất trại lao động ngó tức cười lắm ,trại phát bộ đồ rằn ri cảnh sát dã chiến cho trại viên ,anh em mang theo dây TAB ở lưng quân ,dưới mang giày bố đen kèm theo vài trái M.67 vào rừng liệng cá, thiếu cây M.16 nữa là đủ bộ.Có lúc thầm nghỉ nếu binh biến xảy ra thì trại viên trang bị lựu đạn dư sức làm cỏ cán bộ trại trong 15 phút. Tình trạng này chấm dứt khi xảy ra tai nạn, một tên cán bộ đi theo anh em tù vào rừng để trông coi, cu cậu cũng bày đặt dùng lựu đạn anh em tù đưa cho liệng cá ,nhằm trái lựu đạn để gài chớ không phải để liệng ,2 thứ khác nhau thời nổ, loại để liệng có 3 giây sau khi bung thìa mới nổ ,còn loại gài vừa bung thìa là nổ liền ,cho nên chi cu cậu bị banh xác chết thảm.Sau vụ đó trên trại cấm triệt để không cho anh em giữ lựu đạn.
    Thời gian đó thăm nuôi dể dàng ,dưới Huế thuê loại xe đò lớn đi chung, ngày chúa nhật không khí tựa như thời quân trường, vì tổng trại cho thành lập khu thăm gặp chung cho cả 5 trại ,cũng nhạc vàng nhạc đỏ ,cũng ì xèo cười giởn ,dịp Tết thân nhân lên thăm rồi ở lại 3 ngày Tết ,ai có thân nhân thì ra khu thăm gặp ở luôn 3 ngày ,vì số thân nhân quá đông nên cán bộ cho vào trong trại luôn ,sau 3 ngày Tết quang cảnh trại tanh bành, anh em và thân nhân nấu nướng không có đủ củi( dù đã chuẩn bị vài tháng gom củi rừng chất đống ) bèn rút tranh lợp mái nhà ,tháo cửa...mà nấu !!!
    Đó là thời còn do bộ đội quản lý, sau này tới đám bò vàng công an thì sắt máu hơn ,nhưng cũng không đến nổi như ở các trại cải tạo khác.

    Comment


    • #3
      CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 2)

      Hồi ký
      NGUYỄN HỮU THIỆN

      Sau khi xảy ra vụ vượt thoát không thành của hai Đại úy, bầu không khí trong trại cải tạo Thành Ông Năm trở nên ngột ngạt, khó thở hơn trước rất nhiều; phần vì những biện pháp gắt gao của ban chỉ huy trại, phần vì sự căng thẳng, lo âu tuyệt vọng nơi anh em cải tạo.

      Như sau này tôi đã nghiệm ra, trong hoàn cảnh ấy buông xuôi là tự đưa mình xuống hố thẳm. Trong thời gian hơn 5 năm cải tạo, ngoài những bạn tù chết vì tai nạn, vì bệnh tật, vì bị bắn..., tôi còn chứng kiến một số anh em tự tử, và ít nhất một người chết vì kiệt lực do hậu quả của trầm cảm.

      Riêng tôi, tôi không dám nghĩ rằng mình vượt qua được là nhờ bản thân sẵn có sức mạnh tinh thần hơn người, mà chỉ vì tôi may mắn tìm được niềm tin vào tôn giáo; hay viết cho chính xác hơn, tôi đã tìm lại được niềm tin ấy.

      Viết là “tìm lại” bởi vì tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo, từ ngày trưởng thành cho tới khi đi tù cải tạo, hầu như tôi đã quên mất mình là một “con chiên” của Chúa. Nếu tôi có đi lễ nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật thì cũng chỉ do thói quen, hoặc bị bà ngoại, và sau này là bà vợ yêu quý bắt phải đi mà thôi...

      Nguyên vào năm 1958, tôi đang học lớp Nhất (Grade 6) thì bố tôi tình nguyện lên lập tỉnh mới Phước Long (nay là Sông Bé), trước kia là vùng Bà Rá rừng thiêng nước độc, nơi người Pháp đày tù khổ sai, phục vụ tại Ty Công Chánh, đem theo cả gia đình trừ thằng trưởng nam, là tôi, ở lại Sài Gòn với bà ngoại để học hành với người cậu út cho có bạn.

      Vào thời gian người dì út chưa đi lấy chồng và người cậu áp út chưa vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, thì tôi và người cậu út còn tương đối “vào khuôn vào khổ”, nhưng sau khi hai chúng tôi được “độc lập tự do” thì bà ngoại chỉ còn “hư vị”: thằng con út và thằng cháu ngoại có đi lễ Chủ Nhật hay không, đi lễ có vào nhà thờ hay đứng bên ngoài hút thuốc đấu láo, bà không thể biết.

      Công tâm nhận xét thì tôi vẫn “tin đạo” chỉ không “giữ đạo”; nghĩa là tin Chúa nhưng không tuân giữ những “lề luật của Hội Thánh”.

      Một trong những bằng chứng về việc tôi “tin đạo” là mỗi khi gặp hoạn nạn, hoặc lâm vào một hoàn cảnh khó khăn nào đó, tôi thường cầu cứu Đức Mẹ Maria và các vị Thánh có tiếng linh thiêng.

      Cho tới nay, tôi vẫn tin rằng một tay lêu lổng như tôi mà học xong bậc trung học, một phần cũng là nhờ sự phù hộ của ông Thánh Mác-tin. (Chú thích 1)
      * * *

      Nguyên sau khi lên bậc trung học, tôi chỉ học chung với người cậu út ba năm Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ tại một trường tư thục nọ, và tới cuối năm Đệ Ngũ bị trường cảnh cáo sẽ không được cấp học bạ nếu không chịu đóng học phí hai tháng còn thiếu. Tiền bạc bố mẹ gửi về thì đã xài hết, lại không dám thú thật với bà ngoại, tôi quyết định xù đóng học phí và sang năm lên Đệ Tứ sẽ đi học trường khác.

      Vì được “độc lập tự do”, không có sự hướng dẫn của người lớn, tôi nào biết phải có đủ học bạ của bốn lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ thì mới được trường đứng ra làm hồ sơ thi Trung Học. Hậu quả là tôi phải nộp đơn thi tự do!

      Tuy nhiên, ngoài việc phải đạp xe sang tận đường Võ Di Nguy, quận Tân Bình (tôi quên mất tên trường) để thi, tôi chẳng có gì phải lo lắng, bởi tôi tin mình dư sức qua cầu!

      Đa số thí sinh thi tự do là quân nhân, công chức. Khi thi môn Toán, tôi làm xong rồi giúp anh quân nhân ngồi bên cạnh làm xong bài toán mà vẫn còn dư giờ!

      Năm ấy tôi đậu Bình Thứ!

      Ngựa quen đường cũ, qua năm Đệ Tam, tôi theo mấy tên bạn lang thang học “tài tử” ở khu vực các trường Quốc Tuấn, Trường Sơn, Thượng Hiền, Văn Học. Gọi là học “tài tử” bởi đa số học sinh tới đây chỉ vì ái mộ các nhà văn nhà thơ kiêm giáo sư (Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền...), học một vài tháng rồi dông, hoặc đóng học phí để “học thử”, hoặc để có cơ hội làm quen với những bóng hồng có tiếng “chịu chơi”...

      Thành thử tiền ăn học bố mẹ gửi, tôi cúng cho mấy xe bánh cuốn trước trường Quốc Tuấn nhiều hơn là đóng học phí cho Văn Học, Trường Sơn, Thượng Hiền...

      Tới năm Đệ Nhị, sau khi các trường đã khai giảng, tôi mới quyết định tu thân, trở về trường cũ học lớp Đệ Nhị ban B thì mới biết mình bị mất căn bản hai môn Lượng giác và Hóa học của lớp Đệ Tam.

      Đúng ra tôi có thể chuyển sang ban A (khoa học) nhưng vì đám bạn cũ thằng nào cũng học ban B (toán), chê ban A là của “con gái” cho nên tôi cũng tự ái ở lại ban B.

      Không có chứng chỉ Đệ Tam, khi thi Tú Tài 1, tôi lại phải nộp đơn thi tự do, từ Phú Nhuận lên tận Bác Ái Học Viện ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn để thi.

      Nghe bà ngoại thường ca tụng Thánh Mác-tin ở nhà thờ Ba Chuông rất linh thiêng, tới ngày thi, tôi thức dậy sớm, tới nhà thờ vào quỳ trước tượng Thánh cầu nguyện sao cho đề thi Toán năm nay đừng có bài toán Lượng giác!



      Nhà Thờ Ba Chuông, đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận

      Khấn Thánh Mác-tin chưa đủ, tôi còn ra trước tượng Đức Mẹ Maria ở ngoài sân nhà thờ dưới gốc cây ngọc lan cổ thụ để cầu xin Đức Mẹ phù hộ!

      Tới lúc vào phòng thi, đọc đề thi môn Toán tôi... tái mặt, rụng rời tay chân: một bài toán Lượng giác!

      Chỉ trả lời các câu hỏi và bỏ không làm bài toán thì điểm môn Toán của tôi chắc chắn sẽ dưới 10/20, chưa kể trường hợp tệ hại các câu hỏi môn Vật lý không trả lời đúng hết... Tương lai “rớt tú tài anh đi trung sĩ” cầm chắc trong tay!

      Thế nhưng... tôi lại đậu trong khi cô bạn "Marguerite" PTHL khả ái, học trò cưng của vị Linh mục Hiệu trưởng, lãnh phần thưởng hạng nhất các lớp Đệ Nhị toàn trường, lại rớt một cách đau đớn!

      Ngày ấy, và cho tới nay, tôi vẫn tin rằng chính Thánh Mác-tin đã phù hộ cho tôi được... đậu vớt!

      Lên Đệ Nhất, biết thân biết phận, tôi dẹp tự ái nam nhi để học ban A. Chỉ tới khi ấy tôi mới thấy trước kia mình “ngu ơi là ngu” khi chọn ban B, bởi học ban A vừa không bị nhức đầu vì môn toán vừa có nhiều nữ sinh học chung, đa số là các cô chiêu ôm mộng trở thành dược sĩ, bác sĩ!

      Với trí nhớ tốt (gần như thuộc lòng cuốn Vạn Vật của Đỗ Danh Tẩm) và khả năng sinh ngữ, tôi đậu Tú Tài 2 một cách dễ dàng! Để rồi từ đó, tôi cũng quên luôn Đức Mẹ Maria, quên Thánh Mác-tin, quên mình là một “con chiên Chúa”!

      Chỉ tới sau khi vào trại cải tạo Thành Ông Năm, đối diện với tương lai mờ mịt, tôi mới cảm nhận được sự cần thiết của đức tin.

      Thực ra, vào thời gian đầu, đức tin của tôi mang tính cách “vụ lợi” rõ rệt: cầu xin Chúa cho mình được mọi sự an lành, được sớm về xum họp với vợ con... Nhưng dần dần về sau, đức tin ấy đã trở thành nơi nương tựa, nguồn an ủi trong bước đường cùng, còn tương lai ra sao, sống chết lúc nào, tôi phó mặc cho Chúa.

      Sau này, nhìn lại quãng đời đã qua, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: nếu cộng sản không chiếm miền Nam, nếu tôi không bị bắt đi cải tạo, nếu tôi không phải liều chết vượt biển, liệu “đứa con hoang đàng” này có bao giờ trở lại với Chúa hay không?!

      * * *

      Nhưng đức tin chỉ đến... ban đêm, khi đặt lưng xuống dỗ giấc ngủ, còn ban ngày, tôi phải tìm mọi cách để quên đi thân phận cá chậu chim lồng. Có vào tù mới thấm thía câu “nhất nhật tại tù, tam thu tại ngoại”.

      Sau này, khi bị bắt lao động khổ sai ở những trại cải tạo đúng nghĩa “lao cải”, chúng tôi mới nuối tiếc những ngày “nghỉ mát” ở Thành Ông Năm, nhưng khi còn ở đó, chúng tôi lại cảm thấy vô cùng nhàm chán vì không biết làm gì để giết thì giờ trong cái diện tích vài trăm mét vuông của đội mình. Thành thử thỉnh thoảng “được” cán bộ bắt đi dọn dẹp các nhà kho, các khu đậu xe cơ giới bị dân chúng tràn vào hôi của trước đây, ai nấy đều mừng rỡ, như thể được xuất ngoại!

      Mỗi ngày, công việc bắt buộc của chúng tôi chỉ là tập thể dục vào lúc 6 giờ sáng, nghe đọc sách, báo “cách mạng”, và họp tổ để kiểm điểm vào buổi tối.

      Nhắc tới tập thể dục ở Thành Ông Năm tôi lại nhớ tới “Bài quyền số 1” của Trần Ngọc Tự.

      Sau khi xảy ra vụ trốn trại của hai đại úy, vào lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, chúng tôi phải ra sân điểm danh và tập thể dục. Trong buổi tập đầu tiên, tay đội trưởng (cải tạo) hỏi có ai biết cách thức tập thể dục thì tình nguyện lên hướng dẫn anh em.

      Trần Ngọc Tự xung phong, và thay vì “chim bay cò bay” như hồi còn ở bậc tiểu học, hắn hướng dẫn anh em... múa võ, mà những ai từng học Thái Cực Đạo đều biết đó là “bài quyền số 1”.

      Nguyên trước năm 1975, Tự phục vụ trong Đoàn Công tác Chính Huấn BTL/KQ do Thiếu tá “võ sư” Trần Như Đẩu làm Trưởng Đoàn. Ông Đẩu từng giữ chức Giám đốc Võ Đường Thần Phong Tân sơn Nhất trước khi đi bay lại (PĐ-211 trực thăng), nay trở về Tân Sơn Nhất, ông tiếp tục dạy võ, Tự theo ông học Thái Cực Đạo là vì thế.

      Không biết ngày ấy Tự lấy được đai màu gì, chỉ biết khi hướng dẫn anh em cải tạo ở Thành Ông Năm, ra vẻ đương sự cũng có bài bản lắm.

      Về phần anh em cải tạo, trừ mấy ông sĩ quan đã lớn tuổi, đều tỏ ra thích thú trước phương cách tập thể dục mới lạ này.

      Nhưng chỉ được vài ngày, tay quản giáo đội xuống quan sát buổi tập thể dục, thấy cả trăm tù cải tạo tay thì đi quyền, miệng thì “hự hự” có vẻ... hung hãn quá, bèn ra lệnh ngưng tập. Hắn lên lớp:

      “Giờ này mà các anh còn tập võ à?... Tập để đánh cách mạng à?!”

      Qua sáng hôm sau, hắn đưa một tay bộ đội ra vẻ “vận động viên” xuống biểu diễn các “bài thể dục tay không” số 1, số 2... để tù cải tạo tập theo, và ghi nhớ...

      * * *

      Về mục nghe đọc sách báo thì tùy hứng của tay cán bộ quản giáo, chúng tôi được nghe đọc tin tức trên hai tờ Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng hoặc truyện cách mạng, trong đó có Thép Đã Tôi Thế Đấy của Liên Xô, cuốn truyện đã đầu độc nhồi sọ biết bao thế hệ trẻ, mà có lẽ không một tù cải tạo nào không bị nghe đi nghe lại dăm bảy lần!

      Nhưng tẻ nhạt, vô vị, nhàm chán nhất phải là các buổi họp tổ vào buổi tối. Các tổ sẽ lần lượt được tay quản giáo xuống chủ trì, lải nhải về chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng, động viên tù cải tạo chấp hành nghiêm chỉnh nội quy trại, xây dựng quyết tâm học tập tốt, cải tạo tốt để trở thành “người công dân lương thiện”, v.v...

      * Những niềm vui...

      Ngày cộng sản mới chiếm Sài Gòn, nhạc Trịnh Cộng Sơn bị cấm. Nhà nhạc sĩ liền lấy điểm chế độ mới với ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, ca khúc đã khiến người yêu nhạc họ Trịnh trước năm 1975 phải thất vọng não nề.

      Thất vọng bởi theo lời hát của Trịnh Công Sơn, dưới chế độ mới này có quá nhiều “niềm vui” không thể cùng một lúc hưởng hết cho nên mỗi ngày chỉ chọn một!

      Nhưng sau này có thì giờ nghiên cứu kỹ lời hát, tôi, và không ít người khác, tin rằng trong khi tựa đề ca khúc là một sự ca tụng cuộc sống mới thì nội dung lại là một sự chửi cha chế độ, bởi vì những “niềm vui” mà tác giả chọn đều là những niềm vui không hề có dưới một chế độ độc tài cộng sản: bông hoa – nụ cười – đường đến anh em bạn bè - thảm lá me vàng – đón tiếng chân em về...

      Về sau, chính Trịnh Công Sơn cũng đã gián tiếp xác nhận dưới chế độ CSVN không hề có “nụ cười” và “sự tử tế”.

      Nguyên sau chuyến xuất ngoại đầu tiên, thăm Gia-nã-đại (Khánh Ly từ Hoa Kỳ bay sang hội ngộ), trở về Việt Nam, Trịnh Công Sơn viết bút ký về chuyến đi. Nhưng bút ký của một nhạc sĩ nổi tiếng thay vì được đăng trên các tờ báo, các tạp chí văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hoặc ít ra cũng là tờ Tuổi Trẻ - vốn được “người Sài Gòn cũ” đánh giá cao - thì lại được đăng trên một tờ báo của chị em: tờ Phụ Nữ thành Hồ!

      Nhưng cũng chỉ đăng được hai kỳ thì bị dẹp, bởi những đoạn viết “thật thà” của họ Trịnh về thành phố Montréal của một chế độ tư bản, chẳng hạn “nơi mà ra đường phố chỉ thấy nụ cười, và sự tử tế giữa người với người...”

      * * *

      Nếu ở Sài Gòn, mỗi ngày Trịnh Công Sơn dễ dàng CHỌN một niềm vui tưởng tượng, thì trong Thành Ông Năm anh em tù cải tạo chúng tôi phải cố TÌM một nguồn vui có thật.

      Căn nhà của tổ tôi may mắn có một dàn đậu ván xanh tốt ở phía trước, mà tôi gọi đùa là “dàn thiên lý” (đã xa tít mù khơi), thêm mấy bụi ớt xum xuê nên khung cảnh khá... hữu tình, một số anh em ở các tổ lân cận thường lui tới đánh cờ tướng hoặc tán dóc.

      Tôi là một “ngôi sao” trong đám tán dóc nhờ tài phét lác và óc tiếu lâm.

      Tôi không dám tự khen mà chính bà ngoại tôi đã phải nhìn nhận tôi được ông trời phú cho một trí nhớ hơn người, nhớ cả những chuyện ở quê xưa Nam Định khi tôi mới lên 3 lên 4!

      Thêm vào đó, tôi có thú đọc sách, ham mê tìm hiểu, đặc biệt về môn thế giới sử, cho nên tôi có một mớ kiến thức tổng quát rất đáng nể, cho dù chỉ có bề rộng chứ không có chiều sâu (nhưng mấy ai biết tẩy!). Tôi lại có tài phịa – phịa đúng theo nguyên tắc “thất thực tam hư” của La Quán Trung, tác giả Tam Quốc Diễn Nghĩa – cho nên chuyện tôi kể vừa hấp dẫn vừa có sức thuyết phục. Chẳng hạn chuyện tình tay ba giữa Nữ hoàng Ai-cập Cleopatra, Julius Caesar và Tướng Mark Antony của La-mã đã trở thành một cuốn... dâm thư, hoặc tình sử Trần Khắc Chung – Trần Huyền Trân – Chế Mân được chế thành một pho truyện kiếm hiệp phiêu lưu gián điệp kỳ tình ma quái...

      Nhưng óc tiếu lâm khôi hài của tôi thì không do bẩm sinh mà vì hoàn cảnh: hơn bất cứ nơi chốn nào khác, trong tù cười là thuốc bổ, còn khôi hài được là còn tinh thần, còn ý chí, còn hy vọng.

      [Về sau, ở một vài trại cải tạo khác, óc tiếu lâm khôi hài của tôi đã bị một số anh em bạn tù “tiến bộ” suy diễn là “châm chọc, đả phá cách mạng” và báo cáo với cán bộ quản giáo, khiến tôi cũng đôi phen xính vính. Nhưng “ở hiền gặp lành – người gian mắc nạn”, một số anh em “tiến bộ” đó còn ở tù... lâu hơn tôi!]

      * * *

      Tới đây xin điểm qua một số anh em bạn tù gần gũi, thân thiết với tôi ở Thành Ông Năm, hoặc sau này ra tù vẫn còn liên lạc với nhau.

      Trước hết nói về những người cùng tổ thì sau Trần Ngọc Tự phải kể tới Khương Hữu Thành, tay tổ trưởng có biệt hiệu “Thành cận”, nguyên Trung úy Tiểu Đoàn 18 Quân Vận, SĐ18BB. Thành là người miền Nam, cháu của Phó Đề đốc Hải Quân Khương Hữu Bá, một tay “bách nghệ tinh”, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, có một kho kiến thức rất đáng nể phục và đa tài, từ âm nhạc (chơi ghi-ta classique) tới ẩm thực, từ tây y tới đông y, từ khoa học thực nghiệm tới khoa học huyền bí... Sau này ra tù gặp lại nhau ở Sài Gòn, cũng chính Thành cận đã chỉ bọn tôi cách làm xà bông bột sao cho có nhiều bọt để dụ bán cho mấy bà ngoài chợ trời.

      Nhưng cái hữu dụng nhất tôi học được nơi Thành cận trong tù là cách sử dụng quả lắc cảm xạ học. (Tôi sẽ trở lại với quả lắc này ở một phần sau).

      Kế tới là Nguyễn Văn Chúc, Trung úy Khóa 2 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, cũng là một tay ghi-ta classique như Thành cận, cùng trạc tuổi và cùng ở khu ngã tư Trương Minh Ký & Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, với tôi và Trần Ngọc Tự.

      Chúc và tôi biết nhau ngoài đời nhưng không thân. Nguyên ông cụ thân sinh của Chúc là chủ tiệm sắt Thăng Long ở Cổng xe lửa số 6, anh trai lớn của Chúc là Đại tá Nguyễn Hữu Toán (Khóa 1 Nam Định), có thời làm Tư lệnh SĐ25BB, sau cùng giữ chức Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn và Huấn khu Dục Mỹ, còn người anh giữa của Chúc chơi với người cậu áp út của tôi (Khóa 21 VBQG), cả hai đã đền nợ nước.

      Năm 1970, chúng tôi gặp lại nhau tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, nơi tôi, Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông theo học Khóa 8 Sĩ Quan Căn Bản còn Chúc học Khóa 2 Sinh Viên Sĩ Quan, giữ chức Nhạc trưởng của khóa. Sau này tôi mới biết Chúc cũng làm thơ, chỉ thi thoảng nhưng rất có hồn.

      Người thứ ba là Nguyễn ĐS, Trung úy, lớn tuổi hơn tôi, đã có Cử nhân Luật. Anh cao ráo, hơi hói đầu, tóc dài, đeo kính cận trông giống John Lennon của ban Beatles, tính tình hiền lành, ít nói; là một điển hình của “Bắc kỳ” trí thức trung lưu nền nếp, nói tiếng Pháp rất “chuẩn”, đối tượng đấu láo về đề tài ca nhạc, phim ảnh ngoại quốc của tôi.

      Sau khi cộng sản vào Sài Gòn, gia đình ép anh lấy vợ; vừa xong tuần trăng mật là đi tù cải tạo.

      Người thứ tư là An Đình Phương, một Thiếu úy cũng gốc Bắc kỳ trung lưu, mặt trông còn trẻ như học sinh trung học, ăn nói nhỏ nhẹ, yếu đuối như con gái; tương tự trường hợp Nguyễn ĐS, sau khi cộng sản chiếm Sài Gòn, gia đình An Đình Phương cũng vội vã hỏi vợ cho con trai trước khi bị đi trình diện học tập cải tạo.

      Chẳng hiểu Phương “có tội với cách mạng” như thế nào mà tôi bị đày đi trại nào Phương cũng bị đày theo, nhưng Phương chỉ đi được một phần ba đường!

      Về những anh em khác tổ, tôi thân nhất với Hiếu “đờn” (không nhớ họ) ở tổ kế bên, cấp bậc Trung úy, một tay đàn ghi–ta chuyên nghiệp, trước kia chơi cho các vũ trường ở Sài Gòn. Chỉ ít lâu sau khi vào Thành Ông Năm, tôi được biết Hiếu đờn chính là “sư phụ” của một tay bạn khá thân của tôi thời trung học, đi theo Hiếu để thọ giáo và thực tập.

      Hiếu đờn và tôi có cái thú ngồi dưới “dàn thiên lý”, hắn đờn bằng miệng (và hai bàn tay làm bộ như đang sử dụng một cây ghi-ta tưởng tượng) để đố tôi tên bản nhạc, thường là những bản jazz ngoại quốc ít người biết tới.

      Một ngày nọ, tôi còn nhớ vào thời gian sau khi tù cải tạo ở Thành Ông Năm nhận gói quà nửa ký đầu tiên từ gia đình (giữa tháng 11 – đầu tháng 12 dương lịch?), cả bọn đang phì phèo những điếu thuốc “Sài Gòn Giải Phóng” thơm lừng, Phạm Khắc Khiêm, một Trung úy Hải quân ở cùng tổ với Hiếu, cao hứng tuyên bố hắn sẽ đóng một cây đàn ghi-ta để Hiếu khỏi phải đàn bằng miệng nữa.

      Phạm Khắc Khiêm, tức “Khiêm hớt tóc”, trước kia giữ chức vụ Trưởng Xưởng Ụ Nề thuộc Hải Quân Công Xưởng, là một “handyman” siêu đẳng; vào tù hắn kiêm đủ thứ nghề: hớt tóc, thợ mộc, thợ may (may quần đùi bằng vải bao cát), gò thùng, thau chậu, nồi niêu xoong chảo, thiết kế và sản xuất dép râu “cao cấp”...

      Hiếu đờn không mấy tin tưởng vào khả năng đóng đàn của Khiêm nhưng Thành cận thì hưởng ứng ngay. Thế là hai tay “handyman” bắt đầu tìm kiếm, gom góp thu nhặt vật liệu, hoặc nhờ những anh em được đi dọn dẹp các nơi...

      Hai tuần sau, cây đàn ghi-ta – rất có thể là cây đàn đầu tiên đóng trong trại cải tạo – được trình làng. Thùng đàn đóng bằng ván ép, cần đàn và bộ khóa lên dây đàn đẽo bằng gỗ, ngăn phím làm bằng lõi đồng của dây điện, dây đàn làm bằng các sợi thép lấy trong ruột dây điện thoại: dây “Mí” thì một sợi, dây “Si” hai sợi xoắn lại, dây “Sol” ba sợi, v.v…

      Đặc biệt thùng đàn có hình thù giống kiểu quan tài hình lục giác của người tây phương, ở giữa lớn hai đầu nhỏ lại. (Chú thích 2)


      (Ảnh trên Internet, chỉ có tính cách minh họa thùng đàn và cần đàn của cây ghi-ta Thành Ông Năm)

      Đàn đóng xong, cũng phải mất mấy ngày để Hiếu đờn chơi “test” cho Thành cận điều chỉnh vị trí các ngăn phím cho tương đối chính xác. Xong xuôi, một buổi “trình diễn độc tấu ghi-ta” đã được tổ chức dưới “dàn thiên lý” vào sau giờ cơm chiều và trước kẻng ngủ.

      Dĩ nhiên, Hiếu đờn là người đàn nhiều nhất và được “ái mộ” nhất, bởi hắn có khả năng đàn từ nhạc thời trang tới nhạc jazz, nhạc rock…, còn Thành cận chỉ phụ diễn với một vài bản classique. Riêng tôi chuyên về hòa âm, còn trình diễn thì không dám múa rìu qua mắt thợ.

      “Buổi trình diễn” live thu hút được mấy chục khán giả cùng đội, và trong số những anh em bạn tù tới từ căn nhà gần cầu tiêu, tức là khá xa tổ của tôi, có Xuân Điềm, một nhạc sĩ chuyên chơi đàn mandoline, và ngay trong buổi tối hôm đó, anh đã quyết định sẽ thực hiện một cây banjo cho riêng mình.

      Xuân Điềm, tên họ đầy đủ là Lê Xuân Điềm, cũng là một người tôi biết trước năm 1975. Gặp lại anh, một thời hoa mộng như sống lại trong tôi...

      * * *

      Ngày ấy, khoảng năm 1964, 1965, Xuân Điềm là nhạc sĩ chơi đàn mandoline trong Ban đại hòa tấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, thường tới Trường Mù La-san ở đường Nguyễn Thông để hướng dẫn các em trong ban nhạc của trường, nơi mandoline là nhạc cụ chính.

      Viết rằng tôi chỉ “biết” Xuân Điềm là vì ngày ấy tôi tới Trường Mù La-san với mục đích chính là ngắm các người đẹp, chứ không phải để giao kết với anh.

      Nguyên TH, một người cậu họ cùng lứa tuổi với tôi là bạn thân của anh Xuân Điềm. TH khoe với tôi rằng khi tới Trường Mù La-san, chàng thường gặp các “em” mầm non trong Ban Việt Nhi và lò đào tạo ca sĩ Nguyễn Đức, tới tập dợt chung với ban nhạc của trường. Thế là tôi đi theo TH.

      Tại Trường Mù La-san, ngoài anh Xuân Điềm, thỉnh thoảng tôi còn được hân hạnh gặp một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Lê Thương, người đã tận tụy công sức hướng dẫn học sinh của trường.

      Nhưng như đã viết, mục tiêu chính của tôi là các mầm non ca sĩ trong lò Nguyễn Đức – những cô bé đang từ giã tuổi ô mai để bước vào tuổi dậy thì. Giờ này, hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ rõ mái tóc và những nét cao sang dung dị của Phương Hoài Tâm, nhan sắc mặn mà và những đường cong phát triển trước tuổi của Phương Hồng Hạnh, cái mũi hếch đáng yêu của Phương Hồng Quế…

      Nhưng vào cái thời hoa mộng xa xưa ấy, bọn con trai chúng tôi chỉ đứng xa xa chiêm ngưỡng chứ chẳng tay nào có can đảm tới gần để làm quen. Bởi vì các “em” luôn luôn được mẹ đưa đón, và canh phòng cẩn mật!

      Lẽ dĩ nhiên, khi các mầm non ấy thành danh và thành người lớn, tôi cũng không còn đủ hứng thú để lui tới Trường Mù La-san nữa.

      * * *

      Đường đời muôn lối, lẽ ra tôi đã quên hẳn Xuân Điềm nếu như không gặp Xuân Lạ, em trai của anh, cùng theo học Khóa 8 Sĩ quan Căn bản tại Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt năm 1970.

      Nguyên sau khi nhập ngũ, về phục trong ngành Chiến Tranh Chính Trị của quân chủng Không Quân, tới năm 1970, tôi từ Pleiku về trình diện BTL/KQ để ra Đà Lạt theo học Khóa CTCT nói trên. Cùng trong nhóm gần 20 sĩ quan Không Quân cấp bậc từ Chuẩn úy tới Trung úy, có Trần Ngọc Tự và Phan Lạc Giang Đông thuộc Bộ Tư Lệnh KQ.

      [Theo lời Trần Ngọc Tự, lẽ ra còn có cả đàn anh nhà văn Dương Hùng Cường, tức nhà báo Dê Húc Càn, nhưng vào giờ chót đàn anh xin hoãn để ở nhà tập tành làm tài tử xi-nê, đóng trong phim Người Tình Không Chân Dung]

      Ba anh em chúng tôi đều tham gia Ban Báo Chí và Ban Văn Nghệ của khóa học. Qua sinh hoạt trong Ban Văn Nghệ, tôi quen thân Thiếu úy Lê Xuân Lạ, Sĩ quan CTCT thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh; từ đó tôi mới biết Xuân Lạ là em trai của Xuân Điềm.

      Tuy là hai anh em ruột, nhưng hai người khác nhau hoàn toàn, về cả ngoại hình, diện mạo lẫn tính tình. Xuân Điềm người tầm thước, vạm vỡ, trông giống như một “võ sĩ” Tây Sơn, Bình Định (quê quán của hai anh em) hơn là một “nhạc sĩ” trong Ban đại hòa tấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Xuân Lạ trái lại dáng dấp thư sinh, cao ráo, và… đẹp trai hơn.

      Về tính tình, trong khi Xuân Điềm vui vẻ, hay đùa, dễ hòa đồng thì tính Xuân Lạ hơi… lạ. Cùng ở cái tuổi chưa “tam thập nhi lập”, trong khi đám sĩ quan trẻ độc thân chúng tôi đùa nghịch, ồn ào, quậy phá khắp nơi thì Xuân Lạ cứ như một vị thầy tu trẻ, nét mặt luôn đăm chiêu như suy tư điều gì, khi cần phải mở miệng thì ăn nói nhỏ nhẹ như con gái. Với bạn bè cùng lứa tuổi, Xuân Lạ xưng hô “mình” và “bạn”, nghe càng thiếu chí khí nam nhi.

      Nghề của Xuân Lạ là vĩ cầm; anh hát cũng rất hay, đặc biệt bản Mùa Thu Chết, nhưng ít khi chịu hát.

      Gần cuối khóa học, anh em trong khóa phối hợp với Cơ Sở Nhân Văn Đà Lạt tổ chức một buổi thơ nhạc tại Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Phan Lạc Giang Đông và Trần Ngọc Tự ngâm thơ, anh Hậu (tôi không nhớ đầy đủ tên họ) hát du ca, tôi đứng sau cánh gà để… cổ vũ tinh thần.

      Xuân Lạ xuất hiện gần cuối chương trình, dĩ nhiên để độc tấu vĩ cầm. Anh vừa đàn xong, chúng tôi đứng phía trong xúi anh hát bản Mùa Thu Chết. Anh ngập ngừng một chút rồi hát với tất cả say mê, như thể gửi hồn mình vào mùa thu đang về trên thành phố sương mù.

      Không ngờ tiết mục ngoài chương trình ấy lại được hoan hô nhiều nhất, mà đại đa số khán giả ái mộ là các cô nữ sinh. Lúc ấy, tôi ước gì mình là Xuân Lạ!

      Sau khi mãn khóa và trước khi trở về đơn vị ở tận Pleiku, tôi chỉ gặp lại Xuân Lạ một lần duy nhất ở quán cà-phê Hồng cuối đường Pasteur, nơi tụ tập quen thuộc của anh em báo chí, văn nghệ. Chỉ một lần nhưng không bao giờ quên nhau!

      Cuối năm 1971, tôi đi phép về Sài Gòn, tìm tới quán thì được anh em cho biết Xuân Lạ (khi ấy mang cấp bậc Trung úy và vẫn còn độc thân) đã đền nợ nước tại chiến trường Snoul ở tận bên kia biên giới Việt – Miên. Anh em ai cũng ngậm ngùi tiếc thương một người bạn trẻ tài hoa mệnh yểu.

      * * *

      Vì những kỷ niệm với Xuân Lạ ở Đà Lạt, vào Thành Ông Năm, tôi trở nên thân thiết với Xuân Điềm, nhất là sau khi anh thực hiện cây banjo.


      Sau này ra hải ngoại, trong những buổi trình diễn của cá nhân hoặc cùng với Ban Tù Ca Xuân Điềm, anh luôn luôn xuất hiện với cây banjo làm trong trại cải tạo. Tuy nhiên đây không phải cây đàn đầu tiên anh làm ở Thành Ông Năm, vì khi ấy thiếu vật liệu, anh đã phải sử dụng một cái vỏ hộp lọc gió (air-filter) của xe hơi (chôm từ bãi đậu xe) để làm thùng đàn, và một cái đĩa nhôm mỏng (chôm từ nhà bếp) làm mặt thùng đàn; cần đàn và bộ khóa lên dây đàn đẽo bằng gỗ tương tự cây ghi-ta của chúng tôi!

      Sau khi anh Xuân Điềm đóng xong cây đàn banjo, thỉnh thoảng chúng tôi lại tổ chức một buổi “hòa tấu dưới dàn thiên lý”, luôn luôn diễn ra vào ban ngày (matinée) bởi tổ của anh Xuân Điềm nằm khá xa, buổi tối không thể “quan hệ” với những tổ khác.

      Ngày ấy, đầu mùa cải tạo, chưa có ai sáng tác “tù ca”, nhạc vàng thì tuyệt đối bị cấm, cho nên chúng tôi chỉ dám chơi một số bản nhạc ngoại quốc không lời, trong đó có một bản được gọi là “của các nước xã hội chủ nghĩa anh em” để trình diễn mỗi khi có cán bộ quản giáo lảng vảng, đó là bản Guantanamera (Chú thích 3....)

      Cây banjo do anh Xuân Điềm độc quyền sử dụng, bởi chúng tôi mù tịt, còn cây ghi-ta thì cho cả nhóm. Hiếu là người đàn nhiều nhất, kế tới là Khương Hữu Thành rồi mới tới tôi, còn Chúc rất ít đàn, phần vì bản tính trầm lặng, phần vì hắn khó tính, chê đàn “dổm”!

      Những lần hiếm hoi được nghe Chúc đàn, tôi nhận ra hai bản classique quen thuộc: Fur Elise và Amour Interdits. Một buổi tối nọ, gần tới Lễ Giáng Sinh, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe Chúc đàn một đoạn trong Kinh Hòa Bình, vốn là một bản thánh ca nổi tiếng của người Công Giáo Việt Nam, nguyên là lời kinh do Thánh Phan-xi-cô (St Francis of Assisi) đặt, được đức Tổng Giám mục Huế Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền dịch sang lời Việt, do Linh mục Kim Long phổ nhạc.

      Ngạc nhiên vì tôi biết gia đình Chúc theo đạo Phật. Sau này, Chúc giải thích với tôi: từ trước năm 1975, anh đã luôn luôn xúc động trước lời hát, và rung động trước nét nhạc của bản thánh ca đầy vị tha, tình người, và hy vọng này, nhất là khi được được trình bày dưới hình thức đại hợp xướng.

      Tới đây thì tôi hiểu, bởi Chúc đã từng điều khiển ban hợp xướng của Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ngày nào.

      * * *

      Gần tới dịp kỷ niệm “Ngày toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), chúng tôi được viên thủ trưởng “lên lớp” về ý nghĩa của ngày này, và phải bầu ra một “quản ca” để đặc trách việc tập cho anh em hát mấy “bài hát cách mạng”, trong đó có Giải Phóng Miền Nam của Lưu Hữu Phước và Chiến Sĩ Việt Nam của Văn Cao.

      Tạm dẹp ý thức hệ sang một bên để chỉ xét về khía cạnh nghệ thuật, tôi phải nhìn nhận Chiến Sĩ Việt Nam là một ca khúc hay, cả về giai điệu lẫn ca từ: Bao chiến sĩ anh hùng… Lạnh lùng vung gươm ra sa trường… Quân xung phong nước non đang chờ...

      Nhưng bản Giải Phóng Miền Nam, tức “quốc ca” của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lại là một trong những hành khúc dở nhất của phe cộng sản. Không phải tài nghệ của Lưu Hữu Phước thua kém Văn Cao tới mức ấy (nên nhớ bản Tiếng Gọi Thanh Niên sau trở thành quốc ca VNCH là một sáng tác của Lưu Hữu Phước) mà theo tôi, vì hai nguyên nhân sau đây:

      (1) Sau hơn 15 năm đi theo “cách mạng”, óc sáng tạo của Lưu Hữu Phước đã cùn lụt.

      (2) Ai cũng biết Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, thành lập năm 1961, chỉ là công cụ của Đảng CSVN (ngày ấy núp dưới danh xưng Đảng Lao Động) trong công cuộc xâm lược miền Nam, tức là bù nhìn, thì việc sáng tác “quốc ca” cho cái tổ chức bù nhìn ấy cũng chẳng vinh hạnh, hứng thú gì. Có lẽ vì vậy mà khi sáng tác bản này, Lưu Hữu Phước đã lấy một bút hiệu lạ hoắc: Huỳnh Minh Siêng!

      Giai điệu của bản này, được viết theo cung Mi thứ, cho dù hát nhanh tới đâu cũng không mạnh mẽ, thành thử kể cả cao điểm là cái điệp khúc "Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng, vùng lên xông pha vượt qua bão bùng..." cũng không tạo được hùng khí.

      Mỗi lần cả đội bị bắt ngồi ngoài sân vừa vỗ tay vừa hát bản Giải Phóng Miền Nam, tôi vừa chán ngán vừa thương tội cho đám “phỏng giái”, hy sinh biết bao xương máu mà cả đến bản “quốc ca” cũng không ra hồn!

      [Tới tháng 7/1976, sau khi tập đoàn lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ vào Sài Gòn tiến hành thống nhất hai miền, khai tử hai tổ chức bù nhìn Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam VN của Huỳnh Tấn Phát, ca khúc Giải Phóng Miền Nam của “Huỳnh Minh Siêng” cũng chìm vào quên lãng!]

      Tối 24/12/1975, chúng tôi lại bị lùa ra ngồi ngoài sân hát nhạc “cách mạng” thay cho các ca khúc về Giáng Sinh. Viên thủ trưởng tuyên bố:

      “Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của các công dân, nhưng hiện nay các anh là cải tạo viên, chưa có quyền công dân nên không được hưởng quyền tự do ấy. Khi nào các anh học tập tiến bộ, được cách mạng trả về với gia đình, các anh sẽ được tự do theo đạo của các anh, không ai ngăn cấm cả”.

      Đêm hôm ấy, trước khi đi ngủ, tôi cầm cây ghi-ta khẽ gảy bốn nốt đầu trong ca khúc Giáng Sinh bất hủ: Silent Night – Đêm Thánh Vô Cùng.

      * * *

      Chiều ngày 23/1/1976, gần tới Tết ta, toàn khu Trung úy Thiếu úy bỗng có lệnh tập họp khẩn cấp ngoài sân. Nhìn mấy tay cán bộ lạ mặt đeo xắc-cốt (sacoche, còn gọi là xà-cột) cùng với một dàn quản giáo và bộ đội hùng hậu chưa từng thấy, chúng tôi có linh cảm một diễn biến quan trọng sắp xảy ra.

      Một tay cán bộ bắt đầu đọc tên những người được chuyển trại, ra khỏi hàng đứng riêng thành từng toán. Tổ tôi có tôi, Trần Ngọc Tự, Nguyễn ĐS, An Đình Phương... Tôi và Tự khác toán.

      Sau đó tất cả được lệnh giải tán, những người có tên trong danh sách chuyển trại có 10 phút để thu xếp quần áo, vật dụng cá nhân rồi trở ra sân để điểm danh theo từng toán.

      Khi đã sẵn sàng, tôi chợt nhớ tới cây đàn ghi-ta; nhìn anh em, tôi nói:

      - Tao mang theo cây đàn!

      Sau này hồi tưởng lại, tôi cũng chẳng hiểu tại sao ngày ấy tôi đã không góp một chút công sức nào trong việc đóng đàn, tài đàn cũng chẳng bằng ai, mà lại đòi lấy cây đàn?!

      Nhưng anh em ở lại không ai phản đối. Họ muốn chiều lòng kẻ ra đi. Bởi vì mặc dù khi ấy không ai biết người đi sẽ đi về phương trời nào, và số phận kẻ ở lại sẽ ra sao, nhưng theo tâm lý thông thường, người ở lại bao giờ cũng lo âu, ái ngại cho kẻ phải ra đi.

      * * *

      Đoàn xe molotova bít bùng chở chúng tôi tới Tân Cảng Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh ngồi chờ trên xe cả tiếng đồng hồ, trong lòng hồi hộp, hoang mang không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Một người lạc quan tếu:

      - Chắc trong thành phố không có chỗ chứa, mình ngủ đêm ở Tân Cảng để sáng mai làm lễ mãn khóa!

      Không một ai lên tiếng hưởng ứng!

      Rồi chúng tôi cũng đươc lệnh xuống xe từng người một, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ đội với súng AK lăm lăm trên tay, xếp hàng một đi xuống một cái “tàu há mồm”.

      Khi bước chân lên cái bửng ở đầu tàu, tôi bỗng rùng mình như thể bị khí lạnh của cái bửng sắt truyền lên người, cùng với mùi rỉ sét hôi hám của con tàu cũ kỹ.

      Đây là lần thứ hai trong đời, tôi được đi tàu há mồm (tàu đổ bộ). Lần thứ nhất khi di cư vào Nam năm 1954, được tàu há mồm chở từ bờ biển ở Hải Phòng ra tàu lớn đậu ngoài khơi. Ngày ấy còn bé chưa đủ trí khôn, theo bố mẹ lên tàu mà không hiểu mình đi đâu; hơn 21 năm sau cũng lên tàu há mồm mà không biết mình sẽ được đưa tới chốn nào?!

      Lên tàu, mỗi tù cải tạo được phát một ổ bánh mì dài khoảng hơn gang tay, rồi ngồi chen chúc dưới sàn tàu. Chúng tôi được lệnh giữ im lặng tuyệt đối. Từ hai bên thành tàu phía trên, lâu lâu lại có ánh đèn pin quét xuống.

      Quá nửa đêm, tàu rời bến. Mặc dù không có chỗ nằm, phải ngồi tựa lưng nhau, nhưng vì quá mệt mỏi, sau đó một số anh em, trong đó có tôi, cũng ngủ thiếp đi, chập chờn trong những cơn ác mộng.

      (Còn tiếp)


      CHÚ THÍCH:

      (1) Thánh Mác-tin: Martin de Porres Velázquez (1579 – 1639), ra chào đời tại of Lima, Peru, là một tu sĩ Dòng Đa Minh (Dominican Order), được phong Thánh năm 1962.


      Là con ngoại hôn của Don Juan de Porres, một nhà quý tộc Tây-ban-nha, và Ana Velázquez, một cựu nô lệ da đen lai da đỏ Nam Mỹ, Martin và người em gái Juana không giống cha mà giống mẹ (da đen) cho nên sau khi Juana ra đời, ông ta đã bỏ rơi cả ba mẹ con.

      Nhà nghèo, Martin chỉ được đi học 2 năm, lớn lên làm người sai vặt của một vị bác sĩ; tới năm 15 tuổi xin vào Dòng Đa Minh, làm người giúp việc (servant).

      Theo luật lệ ở Peru ngày ấy, người da đen và thổ dân da đỏ không được phép trở thành một tu sĩ thực thụ (full members of religious orders), tuy nhiên vì thấy Martin là một người đạo đức và có chí đi tu, tới năm 1603, vị Bề Trên tu viện đã phá lệ để cho chàng thanh niên 24 tuổi được vào “Dòng Ba Đa Minh” (Third Order of Saint Dominic).

      Mười năm sau, Martin chính thức trở thành một tu sĩ Dòng Đa Minh nhưng suốt đời chỉ làm một thầy dòng (brother) chứ không được làm linh mục (priest). Thầy Martin phục vụ tại bệnh viện “thí” của nhà Dòng trong cương vị một y công (health worker), đôi khi kiêm cả đầu bếp, lao công quét dọn. Nhân đức và tinh thần hy sinh phục vụ của Thầy đã thu phục được nhiều nhà quý tộc và tài phiệt, dẫn đưa tới việc bảo trợ xây dựng một viện mồ côi và một bệnh viện nhi đồng theo mong ước của Thầy .

      Thầy Martin qua đời vào tuổi 59. Theo lời kể lại, ngay từ khi còn sống, Thầy đã làm nhiều phép lạ nhưng có khi chính Thầy cũng không biết. Sau khi qua đời, Thầy làm vô số phép lạ để ban ơn cho các đối tượng nghèo hèn, bị xã hội bạc đãi.

      Năm 1837, gần hai thế kỷ sau khi qua đời, Thầy Martin de Porres mới được Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI phong Chân Phước (Blessed), và phải đợi thêm 125 năm (1962), Ngài mới được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô XXIII – vị “giáo hoàng của người nghèo” - phong Thánh (Saint), và được ghi nhận là vị Thánh “da đen” đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.

      Thời gian Chân Phước Martin de Porres được phong thánh (1962) cũng là lúc Dòng Đa Minh Việt Nam khánh thành Nhà Thờ Ba Chuông ở đường Trương Minh Ký, Phú Nhuận, và các Cha đã ra sức quảng bá lòng sùng mộ vị Thánh da đen này. Nếu chỉ căn cứ vào con số “plaque” CẢM TẠ của người được ban ơn, Thánh Martin de Porres có lẽ là vị thánh Công giáo linh thiêng nhất tại miền Nam VN trước năm 1975.

      (2) Thùng đàn hình quan tài. Từ lâu (không biết từ bao giờ) đã có đàn ukulele (đàn ghi-ta nhỏ có 4 dây của đảo Hawaii) với thùng đàn hình dạng chiếc quan tài (coffin shape ukulele) ngược chiều. Lợi ích chính là kiểu thùng đàn này dễ đóng hơn là thùng đàn hình số 8. Đặc tính của thùng đàn hình quan tài là có độ âm vang (resonance) thấp, vì thế kiểu đàn này thường được sử dụng để “vê” (rung: tremolo). Ngoài ra, còn có kiểu đàn ukulele nhỏ hơn với thùng đàn hình quan tài xuôi chiều, có quãng âm vực cao, gọi là “ukulele soprano”.

      Còn đàn ghi-ta thùng (acoustic guitar) có thùng đàn hình quan tài thì cực kỳ hiếm. Hiện nay trên Internet chỉ có hình chụp một cây duy nhất, do một người nào đó tự đóng lấy rồi bỏ lại khi dọn nhà, giống hệt thùng đàn chúng tôi đóng trong Thành Ông Năm.

      Về đàn ghi-ta do các hãng sản xuất, chỉ có đàn guitar điện (hoặc đàn bass điện) mới có mặt đàn (chứ không phải thùng đàn) hình quan tài, thường chỉ có các ca nhạc sĩ, ban nhạc rock "nặng" (hard rock, heavy metal) sử dụng để trông cho thêm “ngầu”, chẳng hạn kiểu “Epiphone Graveyard Disciple” của hãng đàn Gibson, muốn mua phải đặt riêng.



      Coffin shape ukulele


      Ukulele soprano

      “Epiphone Graveyard Disciple” guitar

      (3) Guantanamera là một ca khúc của Cuba được người cộng sản nhận vơ là một “bài hát cách mạng”. Trên thực tế, đây chỉ đơn thuần là một ca khúc về tình quê hương mà người yêu nhạc ngoại quốc ở miền Nam VN trước năm 1975 hầu như ai cũng biết.

      Guantanamera tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là “người phụ nữ/cô gái ở vùng Guantanamo”.

      Tương tự trường hợp bản La Bamba của Mễ-tây-cơ, giai điệu của bản Guantanamera nguyên là một giai điệu dân gian mà không ai biết tác giả. Khoảng năm 1928/1929, ca nhạc sĩ Cuba nổi tiếng José Fernandez (1908 – 1979) đã khai triển giai điệu này thành một nhạc khúc để làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh của ông, đồng thời đặt lời hát với tựa đề Guajira Guantanamera (guajira: miền quê), nội dung kể về chuyện tình của tác giả với một thôn nữ ở vùng Guantanamo, sau này phụ tình ông.

      Vì là người có công hoàn chỉnh giai điệu này và là người đầu tiên phổ biến dưới hình thức một nhạc khúc, José Fernandez đã được nhiều người ghi là “tác giả” (composer).

      Về sau, ca khúc Guajira Guantanamera được đặt thêm nhiều lời hát khác với tựa đề ngắn gọn Guantanamera, trong đó có phiên bản sử dụng bốn đoạn thơ của thi sĩ Cuba José Marti làm lời hát trong các phiên khúc.

      José Marti (1853 – 1895) là một nhà thơ ái quốc, được xem là “linh hồn” của cuộc cách mạng của các dân tộc Mỹ la-tinh chống lại mẫu quốc Tây-ban-nha.

      Tới đầu thập niên 1960, sau khi Fidel Castro và phe cách mạng (cộng sản) chiếm được chính quyền ở Cuba, họ đã ra sức phổ biến phiên bản của José Marti, không chỉ vì ông là một nhà ái quốc mà còn vì tựa đề Guantanamera của ca khúc nhắc mọi người nhớ tới việc “đế quốc Mỹ” đang chiếm đóng một phần lãnh thổ Cuba là Vịnh Guantanamo (theo Hiệp ước năm 1898 ký với Tây-ban-nha, và Hiệp ước năm 1903 ký với Cuba).

      Vì thế Guantanamera đã được nam ca sĩ dân ca Mỹ nổi tiếng thân cộng Pete Seeger (1919-2014) ra sức phổ biến tại Hoa Kỳ. Giữa năm 1963, Pete Seeger trình diễn live ca khúc Guantanamera tại đại hí viện Carnegie Hall và đưa vào album We Shall Overcome của ông; tiếp theo là hai ca nhạc sĩ phản chiến Bob Dylan và Joan Baez.

      Tới năm 1966, ban hợp ca Mỹ Sandpipers thu đĩa Guantanamera dưới hình thức một ca khúc phổ thông (pop) và đã lên tới No.3 trên bảng xếp hạng Easy Listening, và No.9 trên bảng Billboard Hot 100 (tính tất cả mọi thể loại).

      Từ đó Guantanamera trở thành một ca khúc Mỹ la-tinh được ưa chuộng khắp năm châu, trong đó có miền Nam VN, được nhiều ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng thu đĩa, trong số đó có Julio Iglesias, Celia Cruz, Bobby Darin, Joe Dassin, José Feliciano, Trini Lopez, La Lupe, Nana Mouskouri, Gloria Estefan, Los Lobos...

      Sau khi CSBV chiếm miền Nam VN năm 1975, đám cán bộ văn hóa miền Bắc đã vô cùng “hồ hởi phấn khởi” trước việc dân chúng miền Nam sống dưới sự kìm kẹp của Mỹ - Ngụy bao năm, nay được nghe “nhạc cách mạng của các nước xã hội chủ nghĩa anh em” là yêu thích ngay!

      Họ đâu có biết người Sài Gòn đã thưởng thức Guantanamera của Cuba, Those Were The Days (Dorogoi Dlinnoyu / Tình Ca Du Mục) của Nga từ bảy đời tám kiếp rồi!

      Sau đây là bản dịch Anh ngữ (https://lyricstranslate.com) 3 phiên khúc bằng lời thơ của José Marti (in nghiêng), trong đó có thấy chút “sắt máu” nào của cách mạng đâu?!

      Guantanamera

      Chorus:

      Guantanamera, guajira guantanamera
      Guantanamera, guajira, guantanamera

      (1)
      I am a truthful man; I come from where the palm tree grows,
      I am a truehearted man, who comes from where the palm trees grow,
      Before I lay down my life, I long to coin the verses of my soul


      Chorus

      (2)
      I plant a snowy rose in January and July,
      I grow a snowy rose in January and July,

      For the open-hearted friend who puts a helping hand in mine

      Chorus

      (3)
      The words that I write are radiant crimson and emerald bright,
      The poems that I write are radiant crimson and emerald bright,
      My verses are a wounded deer seeking shelter in the mountain height.


      Chorus

      Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-11-2022, 02:19 PM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X