Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nguyễn Mạnh Côn:Tranh đấu và chết trong tù

Collapse
X

Nguyễn Mạnh Côn:Tranh đấu và chết trong tù

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nguyễn Mạnh Côn:Tranh đấu và chết trong tù

    Nguyễn Mạnh Côn : Tranh đấu và chết trong tù



    Lê Thanh Sơn


    Lê Thanh Sơn là bút hiệu của cựu phóng viên Việt Tấn Xã ở Sàigòn hồi trước tháng 4-1975. Anh tốt nghiệp khóa đào tạo phóng viên đầu tiên của Việt Tấn Xã năm 1965, và sau đó làm việc cho Cơ quan thông tấn này.

    ***

    Có không biết bao nhiêu người đã ngã gục trong cái gọi là "Trại Tập Trung Học Tập Cải Tạo" của Cộng sản. Chết vì đói, vì lao động khổ sai nặng nhọc trong lúc không được dinh dưỡng tối thiểu, vì tai nạn trong lúc lao động không có một chút phòng ngừa an toàn, vì bệnh tật thiếu thuốc men và không được cứu chữa đứng đắn, vì một thứ gì đó hơi quý giá hoặc hay lạ của người tù đã khơi động lòng ham muốn của một tên cán bộ coi tù, nên đã bị bắn chết để tước đoạt rồi gán cho tội trốn trại... Rất nhiều, rất nhiều nguyên do đã đưa đến cái chết của người tù trong chế độ Cộng sản Việt Nam từ sau tháng 4-1975.

    Nhưng cũng có cái chết của một người đã từng được coi như là "lý thuyết gia" về Cộng sản. Anh đã chết chính là vì anh đã không biết hết những gì về bản chất của Cộng sản.

    Từ ngày còn đi học, khoảng đầu thập niên 60, tôi đã đọc cuốn "Đem tâm tình viết lịch sử" của tác giả Nguyễn Kiên Trung. Cuốn này được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau này tôi nghe nói Nguyễn Kiên Trung là nhà văn, nhà báo Nguyễn Mạnh Côn và cũng là người được nhắc đến như một lý thuyết gia về chủ nghĩa Cộng sản. Làm báo cả mười năm ở Sàigòn, nhưng tôi không có một dịp nào được gặp và làm quen với anh cả.

    Chính trị phản động.

    Sau khi Cộng sản Bắc Việt tấn công chiếm trọn miền Nam năm 1975, là một Sĩ quan biệt phái và cũng là nhân viên đã phục vụ cho chế độ VNCH, chúng tôi phải trình diện để tự động đem giam mình vào trong cái gọi là tập trung cải tạo. Cộng sản gọi hệ thống nhà tù của họ bằng danh xưng "Trại học tập cải tạo" và cấm tuyệt đối không được nói là "trại tù" dù bọn cán bộ Cộng sản gọi những người trong trại là "phạm nhân" hay "can phạm".

    Tôi đã bị chuyển qua năm trại, trong đó nơi ở lâu nhất là khám Chí Hòa, trước khi được đưa về trại Xuyên Mộc vào giữa năm 1978. Trại này mới được xây dựng tại Bầu Lâm, nằm giữa ranh giới Xuyên Mộc và Đất Đỏ thuộc tình Đồng Nai.

    Mấy tháng sau, một buổi chiều mới đi lao động về, tất cà còn đang chia cơm, ăn uống trong khoảng sân nhỏ trước các buồng ngủ thì có mấy chiếc xe tải che vải bạt kín mít chạy vào sân trại. Tấm vải phủ kín sau xe được vén lên, các xe đổ xuống khoảng trên 200 người. Chúng tôi đều đổ xô lại vây quanh để tìm kiếm xem có ai quen biết hoặc tò mò tìm hiểu xem các người mới này từ đâu chuyển đến.

    Điều đầu tiên chúng tôi được biết là tất cả đều thuộc thành phần chính trị phản động. Cộng sản gọi những người trình diện cải tạo như chúng tôi là "chính trị trình diện". Thành phần bị bắt từ từ, sau thời gian chúng qui định cho trình diện thì gọi là "chính trị phản động". Còn những ai bị bắt về các tội hình sự, trộm cắp gọi chung là "tù hình sự".

    Đảo mắt tìm kiếm trong đám đông còn mệt mỏi sau chuyến di chuyển dài và bị lèn cá hộp trong chiếc xe tải che vải bãt kín mít, tôi nhận ra được một người quen cũ : Đó là Đằng Giao.

    Dù bị bọn cán bộ Cộng sản la hét ngăn cấm tiếp xúc, tôi vẫn cố lách tới gần và hỏi thăm. Đằng Giao giới thiệu cho tôi hai người đang một đứng, một ngồi bên cạnh. Đó là Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn. Tới lúc này thì tôi thực sự mới nhìn rõ và nhận mặt được hai người này. Duyên Anh thì tôi nghe tiếng nhiều và cũng đọc khá nhiều truyện của anh đã xuất bản trước năm 1975, nhưng cũng chưa có duyên để gặp gỡ quen biết. Còn anh Côn thì đây cũng là lần đầu gặp mặt.

    Thăm hỏi được vài câu, chúng tôi bị lùa vào buồng ngủ, với cửa khóa, để dành sân trại cho bọn cai tù điểm danh kiểm soát đám người mới đến. Sau đó họ cũng được lùa vào một buồng khác.

    Anh Côn : Ít được người nhà lên thăm.

    Ngay sáng hôm sau, khi chúng tôi đã đi hết ra ngoài trại, vào rừng lao động, số người mới đến này được di chuyển vào một phân trại khác, cách xa chỗ chúng tôi ở độ ba cây số đường rừng. Tất cả đều phải lết bết lội bộ mang vác hành lý cá nhân, theo đường mòn qua rừng cây rậm rạp. Trước đó, chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi công sức ra để phát quang chặt cây, khai thông lối mòn này bằng cách chặt hạ, đào gốc, bứng rễ những cây lớn chỉ bằng những con dao quắm, dao chẻ củi và phát quang cỏ dại, dây leo bằng cuốc.

    Trại Xuyên Mộc được phân làm ba khu, đúng theo vị trí hình tam giác. Khu chúng tôi ở xây dựng đầu tiên, có ban chỉ huy trại ở, được gọi là khu A. Số anh em mới đến này được đưa vào khu B và còn một khu C nữa. Sau này khu B thuận lợi để mở rộng và trên đường lưu thông ra ngã Xuân Lộc hơn nên ban chỉ huy trại cũng dời vào và đổi lại tên là khu A, còn khu A cũ thì gọi là khu B, chỉ có C là không đổi.

    Đến đầu năm 1979, đội tù chúng tôi có trên 30 người, cũng được chuyển vào trong khu A mới này để tăng cường nhân lực cho việc mở rộng thêm trại.

    Đến lúc này tôi mới thực sự ở chung cùng một nơi với các anh Đằng Giao, Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn. Trong một khu như vậy, được dựng lên nhiều buồng ngủ, mỗi buồng chứa khoảng trên dưới 200 người và qui định của trại là cấm phạm nhân liên hệ giữa buồng này và buồng khác. Quanh buồng có một khoảng sân trống và có hàng rào kẽm gai phân cách từng buồng.

    Vào đến đây, tôi được biết Đằng Giao là Đội trưởng một đội lao động linh tinh. Duyên Anh là Đội trưởng một đội khác chuyên lo việc trồng rau xanh, anh Côn là đội viên trong đội này. Ngoài ra Duyên Anh còn là Buồng trưởng cái buồng các anh đang ở gồm có đến 4, 5 đội. Mỗi đội khi ra ngoài lao động ở một khu vực khác nhau, nhưng về đến trại, các anh vẫn ở chung một buồng.

    Đội chúng tôi là thành phần trình diện nên ở một buồng khác. Dù bị ngăn cấm nhưng chúng tôi vẫn lén lút gặp được nhau trong một thời gian ngắn ngủi buổi chiều sau giờ lao động, hoặc vào ngày chủ nhật được nghỉ. Tôi thường lén đến chỗ của Đằng Giao và Duyên Anh ngồi nói chuyện tếu bên điếu thuốc lào. Còn với anh Côn thì lại không có dịp để chuyện trò vì lúc có thể sang buồng các anh ngồi chơi, tôi thường thấy anh bận đánh cờ tướng hay nằm ngủ.

    Khi lao động trong đội trồng rau, anh Côn thường được phân công làm việc nhẹ vì già yếu, như xới đất, nhổ cỏ. Còn các công việc nặng như gánh nước, tưới rau, cuốc luống... toàn do những người khác trẻ và khỏe hơn làm. Thế nhưng anh Côn lại hay thích ở tại trại trong giờ anh em đi lao động, bằng cách khai bệnh. Những người khai bệnh trong ngày thường được tập trung vào một chỗ, đến lúc hếg giờ lao động, họ mới được trở về buồng của mình.

    Trong ba người, Duyên Anh là người được gia đình đi thăm nuôi tiếp tế đầy đủ nhất, còn anh Côn rất lâu mới được người nhà lên thăm một lần và số lượng đồ tiếp tế cũng không nhiều. Thế rồi, bẵng đi cả gần nửa năm trời, anh Côn không nhận được tin tức gì của gia đình cả. Ở ngoài đời, việc ăn uống là bình thường và ít ai để tâm tới tới, nhưng trong cảnh tù tội thiếu thốn, miếng ăn thật là quan trọng, không có gia đình thăm nuôi tiếp tế thật là một sự bất hạnh. Khẩu phần nuôi tù của Cộng sản chỉ đủ cho con người sống lây lất, cơ thể héo mòn dần và kéo theo luôn cả sự suy sụp của tinh thần, nếu người tù không biết nuôi dưỡng ý chí, và có một chút tháo vát để mưu sinh.

    Khi anh Côn đòi Cộng sản trả tự do.

    Khoảng giữa năm, một hôm cả trại đang xếp hàng ngồi xổm trong sân để chờ cán bộ trực trại gọi từng đội báo cáo quân số đi lao động. Anh Côn đang ngồi ở hàng đầu trong đội do Duyên Anh làm Đội trưởng, bật đứng lên nói:

    - Báo cáo tôi có một vấn đề yêu cầu trại giải quyết.

    Cán bộ trực trại, tên Độ nói:

    - Được, anh có vấn đề gì cứ nói.

    Anh Côn:

    - Trước khi tôi được đưa tới đây lao động, tôi được đọc cho nghe án lệnh thời hạn tập trung cải tạo là ba năm, đến nay đã quá ba năm rồi, tôi đã chờ thêm mấy ngày mà không thấy trại thả tôi ra, nên tôi yêu cầu trại thả tôi ngay.

    Thật là bất ngờ trước câu nói của anh Côn, tất cả anh em trong trại đều hướng mắt đổ dồn về anh, nhưng vẫn hoàn toàn im lặng chờ đợi xem sự việc sẽ tiếp diễn thế nào.

    Tên cán bộ trực trại một mặt đưa mắt ra lệnh cho cán bộ vệ binh có mang súng AK sẵn sàng phản ứng, một mặt khác hắn vẫn điềm đạm nói:

    - Trại chỉ có nhiệm vụ giữ các anh ở đây để học tập cải tạo, còn việc xét tha là do lệnh ở trên. Anh cứ việc đi lao động, sinh hoạt bình thường, trại sẽ chuyển khiếu nại của anh lên trên cứu xét. Trên có lệnh tha, chúng tôi thả anh ngay chứ giữ làm gì ?

    Lúc này trong đám anh em tù đã có nhiều tiếng rầm rì bàn tán nho nhỏ, anh Côn phải nói to giọng :

    - Tôi yêu cầu trại thả tôi ra ngay vì đã quá thời hạn mấy ngày rồi !

    Tên cán bộ trực trại sau khi nói to, bắt tất cả giữ yên lặng, hắn bảo anh Côn :

    - Thôi được, anh Côn đứng riêng ra, ở lại trại để gặp ban chỉ huy làm việc. Còn tất cả các đội báo số đi lao động.

    Thế là anh Côn được mấy vệ binh có vũ trang dẫn vào một căn buồng còn bỏ trống, đang chờ tiếp nhận thêm tù sẽ được chuyển về thêm nữa. Chúng bảo anh bước vào trong rồi khóa trái cửa lại. Trên người anh chỉ có cái khăn mặt quàng ở cổ, và tay xách một lon bằng nhôm, thứ đựng sữa bột Guigoz, đựng nước uống để đi lao động.

    Anh Côn tuyệt thực trong tù.

    Trưa hôm đó về đến trại, tôi nghe loáng thoáng người này rỉ tai người kia là anh Côn "tuyệt thực" phản đối. Họ chỉ căn buồng trong đó giam anh Côn, cửa ngoài khóa, có một vệ binh đeo súng AK canh gác, thường xuyên đi vòng quanh kiểm soát bên ngoài. Căn buồng này đối diện với buồng tôi ở nhưng cách một khoảng sân ở giữa đến gần 100 mét. Chúng tôi bị cấm không được lại gần.

    Sinh hoạt tong trại vẫn bình thường như mọi ngày. Buổi chiều mọi người đi lao động về, ai không có việc gì thì lang thang đứng ngồi tay cầm ca, chén, bát chờ nhận phần ăn, vài người được phân công đến nhà bếp khiêng phần của đội về chia cho mọi người. Còn một số rất ít thì lu bu ra khoảng sân sau buồng mình, nhóm lửa đun nấu cơm, đồ ăn được gia đình tiếp tế hoặc những thứ rau, cỏ thu nhặt được trong lúc đi lao động để cải thiện thêm cho bữa ăn trại phát mà thường thường buổi chiều chỉ được một hai chén bắp đá hay khoai mì lát.

    Gọi là bắp đá vì đây là loại bắp hột vàng đã già, phơi khô cứng như đá, dành để xây ra bột làm thức ăn cho gia súc. Khoai mì lát là thứ khoai mì để cả vỏ, chặt thành từng lát mỏng đã phơi khô. Cho tù ăn thì cứ thế đổ vào chảo, cho nước và ít muối đun sôi đến lúc cạn hết nước. Ăn vào mồm không còn một chút mùi vị. Ăn để gọi là có ăn, cố nhai nuốt cho đầy bụng đánh lừa cái bao tử nó đỡ hành, nhưng chính dạ dày cũng không đủ sức để nghiền nát giúp cơ thể nhận được một tí bổ dưỡng bù đắp cho số calories đã mất đi sau ngày lao động. Khẩu phần ăn của nhà tù, mỗi người được 9 kí lô gạo một tháng, nhưng một phần lớn gạo được thay thế bằng chất độn với tỷ lệ 1 phần 3. Bớt đi 1 kí gạo thì được thay vào là 4 kí bắp đá hay khoai mì lát. Chúng tôi được phát cho ăn ngày ba bữa. Sáng trước khi đi lao động được một chén bắp hay khoai mì; trưa ăn cơm, trung bình mỗi người được chia lưng lưng chén với một chén canh rau luộc có nêm muối và bột ngọt, một vài cọng râu lều bều trong chén nước và buổi chiều thì lại tái diễn bắp, khoai mì với số lượng nhiều hơn buổi sáng một tí.

    Chỉ toàn một màu đen.

    Một hai hôm sau, tôi được một anh tên Thanh, ở cùng đội với anh Côn rỉ tai khoe: "Chúng tôi đã hậu thuẫn để anh Côn tranh đấu như vậy cho mọi người". Tôi không hiểu anh ta cố tình khoe khoang, khoác lác như vậy hay là rồi ra sự việc sẽ còn tiếp diễn với sự kiện khác, nên chỉ biết yên lặng quan sát xem thế nào, chờ xem tất cả thành phần tù chính trị phản động trong trại sẽ có phản ứng gì thêm không? Anh này cũng lại khoe: "Chúng tôi cũng đã tìm cách lén lút đưa đồ ăn và thuốc trợ lực vào cho anh Côn kéo dài thời gian tranh đấu.

    Như ngày lại qua ngày, sinh hoạt trong trại vẫn bình thường như không có gì xảy ra. Chỉ có buổi chiều đi lao động về, được một giờ tự do ở ngoài buồng để ăn uống trước khi cán bộ trại vào điểm danh rồi nhốt lại trong buồng ngủ, nhiều anh em đã cố chăm chú nhìn sang phía cái buồng đang giam anh Côn để xem có động tĩnh gì không, nhưng qua khung cửa có chấn song, bên trong chỉ toàn một màu đen ngòm.

    Anh bạn tên Thanh lại nói với tôi là không có cách nào lén đưa đồ ăn, uống vào cho anh Côn vì chúng canh gác kỹ lưỡng quá. Trong khi đó, tôi được Duyên Anh và Đằng Giao kể cho biết hôm đầu ở lại trại để "làm việc" với cán bộ trại, dù cán bộ trại đã khuyên anh Côn nên sinh hoạt bình thường chờ trên giải quyết, nhưng anh Côn vẫn khăng khăng không chịu. Anh tuyên bố đã quá thời hạn tập trung cải tạo, bây giờ anh là người tự do, nên sẽ không ăn đồ ăn của trại nữa! Tên cán bộ trại thấy nói anh Côn không được nên đã bảo "Đồ ăn là của trại, anh không ăn cũng được, nhưng nước cũng là của trại, anh cũng sẽ không được uống nước". Thế là chúng giam anh trong buồng đó một mình và canh gác kỹ bên ngoài.

    Qua được 4, 5 ngày buổi chiều đi lao động về, tôi nghe nói anh Côn đã được thả ra rồi và bây giờ phải ở cách ly chung trong buồng của những người tù hình sự và được mấy người tù hình sự làm trật tự trong trại kiểm soát. Anh rất yếu mệt, đứng ngồi không nổi, chỉ nằm. Sau đó, cũng chính Duyên Anh và Đằng Giao kể lại cho tôi là cố gắng được vài hôm, rồi anh Côn không còn chịu đựng nổi với đói và nhất là khát, anh đã cố gắng bò lết ra cửa sổ, hai tay bám víu vào chấn song thều thào kêu lên: "Cơm, cơm! Nước, nước!..." Tên cán bộ đi vào quẳng cho anh một xấp giấy và cây bút nói anh muốn ăn cơm lại thì làm "đơn xin" và viết "bản tự kiểm". Anh Côn quá mệt không còn biết viết thế nào nữa, trên mấy tờ giấy chỉ nguệch ngoạc được những chữ "Cơm, nước".

    Duyên Anh và hành động của anh Côn.

    Duyên Anh cũng cho tôi biết là cán bộ trại có gặp anh hỏi về phản ứng của số văn nghệ sĩ ở trong trại đối với việc làm của anh Côn, Duyên Anh trả lời đó là việc cá nhân của anh Côn, không ai hay biết gì cả. Có lẽ anh Côn già yếu, bệnh hoạn, lại lâu không có tin tức gia đình nên mới quẩn trí sinh ra hành động như vậy. Còn các anh em khác thì vẫn "an tâm lao động, học tập cải tạo cho chóng... tiến bộ để sớm được về sum họp với gia đình". Đây là một câu trả lời "đúng sách vở khuôn phép" mà cán bộ coi tù ưng ý nhất. Do đó, cán bộ Cộng sản không gọi ai trong chúng tôi để hỏi tiếp nữa. Thật ra, trogn cả trại này, cũng chỉ có năm người trước đây là văn nghệ sĩ và làm báo: ngoài anh Côn, Duyên Anh, Đằng Giao, có một cậu còn trẻ, mới vào nghề làm phóng viên cho tờ Trắng Đen là Dương Đức Dũng và tôi thôi. Nhưng riêng tôi, cán bộ trại chỉ biết qua tội danh là Sĩ quan "ngụy", loại "trình diện".

    Tôi tin những gì Duyên Anh và Đằng Giao kể lại vì trong trại, các anh là người rất được bọn cán bộ tin cẩn và thường được bọn can bộ nói cho nghe nhiều chuyện. Ngay cả Trưởng khu, Trưởng trại cũng thỉnh thoảng nhờ Duyên Anh viết hộ những bài nói chuyện, đọc trước trại trong các dịp đặc biệt.

    Chừng một tháng sau, lúc sức khỏe của anh Côn đã kha khá, tạm thời đi đứng được và mọi người hầu như quên đi hành động của anh đã làm, thì một hôm, cũng trước giờ đi lao động, các đội đã ngồi trong hàng ngay ngắn, cán bộ trực trại cho mấy người trật tự hình sự dẫn anh Côn ra bắt đứng giữa sân để nghe quyết định kỷ luật. Anh đứng mà người cứ rũ xuống như không còn đứng vững và đầu thì cúi gằm xuống đất.

    Đòn độc của cộng sản Bình thường như các trường hợp khác, cán bộ trại chỉ đọc ngay quyết định kỷ luật là đủ, nhưng với anh Côn, trước khi đọc quyết định, tên cán bộ Độ còn đọc cho cả trại nghe bản tự kiểm của anh Côn trước. Phải làm tự kiểm ở trong tù là việc thường xảy ra như cơm bữa đối với tất cả mọi người. Khi viết thì ai cũng nói qua loa, quanh quất cho đầy trang giấy rồi cuối cùng cần nhất là phải nhận lỗi, nhận "khuyết điểm" rồi hứa sẽ "quyết tâm sửa đổi" là xong. Do đó, chả ai để ý nghe và còn nhớ nội dung tờ kiểm điểm anh Côn đã viết những gì. Chỉ có một điều là sau bản kiểm điểm, anh Côn còn làm thêm bài thơ ca tụng đường lối chính sách của cộng sản, ca tụng lòng tốt của tên cán bộ Độ, cán bộ trực trại cùng một số cán bộ khác nữa. Độ là một tên công an nhỏ con, thấp lùn, mặt đen xì, mới chừng ngoài 20 tuổi.

    Đến khi đọc quyết định kỷ luật, khởi đầu cũng "Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" rồi "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Sau đó mới "Nay quyết định thi hành..." Kỷ luật dành cho anh Côn là "cùm 3 tháng". Thế nhưng bên dưới nói tiếp: thấy anh Côn già yếu nên trại khoan hồng tha cho anh khỏi cùm, trong thời gian bị kỷ luật anh phải ở cách ly, không được tiếp xúc với mọi người. Trại không có phòng giam riêng để cách ly nên anh Côn vẫn được cho ở chung phòng của những phạm nhân hình sự. Từ đó, chúng tôi đã không còn trông thấy mặt anh Côn nữa vì anh vốn đã yếu, ăn uống không có gì bổ dưỡng, thuốc men không có, sức khỏe ngày càng hao mòn, nằm miết một chỗ trong buồng.

    Anh Côn không còn nữa.

    Như vậy một thời gian, hôm đó vào ngày Chủ nhật, thân nhân của anh Côn mới lại tới trại để thăm nuôi anh, nhưng tên cán bộ phụ trách thăm nuôi không cho gọi anh Côn ra gặp mặt vì qui định trong trại tù là can phạm đang trong thời gian bị kỷ luật không được phép thăm nuôi tiếp tế. Anh nằm một chỗ, nhưng anh em vẫn thỉnh thoảng chia xớt cho anh chút ít đồ ăn, thuốc men qua tay một vài người tù hình sự ở cùng trong buồng với anh. Thân nhân không được gặp và anh cũng không biết là có thân nhân đã tới trại thì không sao. Nhưng đằng này, tên cán bộ lại vào gọi anh Côn mà nói cho anh biết rằng anh đã có thân nhân lên tới trại để thăm nuôi tiếp tế. Tuy nhiên, anh đang bị kỷ luật nên không được phép ra gặp. Anh Côn năn nỉ mãi không được, cuối cùng chỉ xin cho nhận đồ tiếp tế để bồi dưỡng sức khỏe đang bệnh hoạn mà tên cán bộ vẫn khăng khăng không chịu.

    Thế là trong đêm đó, anh Côn đã ra đi vĩnh viễn!

    Anh nhắm mắt tắt thở ở trong trại, trong khi thân nhân của anh vẫn còn nằm ôm đống đồ tiếp tế cho anh, ngủ lại qua đêm trong nhà thăm nuôi ngoài cổng trại.

    Không biết bọn cán bộ cai tù sáng hôm sau có báo tin cho thân nhân của anh ở ngoài trại hay không ? Hay thân nhân của anh Côn đã ra về từ sáng sớm, vừa mang vác đồ tiếp tế, đem lên lại phải tha về, lội bộ cả 5, 7 cây số mới ra đến chỗ đón chờ xe, mà trong lòng lại thầm trách người nhà của mình đã làm gì để đến nỗi bị kỷ luật, khiến cho tốn hao bao công sức tiền của, đi tới nơi mà không được phép gặp ?

    Đám tang buồn dành cho anh Côn.

    Những chi tiết này vẫn do Duyên Anh và Đằng Giao kể lại cho tôi vì hai anh có khá nhiều đệ tử trong giới tù hình sự đã nói lại. Chỉ biết thâm là sau đó, anh Côn được nằm yên trong một cái hòm gỗ đóng thô sơ, may mà trại có một xưởng cưa máy, nên sẵn ván, nếu không thì chỉ bó chiếu. Hòm được đặt trên một chiếc xa cải tiến, loại xe kéo có bánh sắt. Đưa anh đi chỉ có bốn người tù hình sự vừa kéo, đẩy xe vừa mang cuốc, xẻng đào hố chôn anh ở đâu đó trong rừng. Ngoài ra cũng vẫn còn có thêm mộ vệ binh vác AK để canh giữ 4 người tù hình sự này.

    Mấy người tù hình sự đã đi chôn anh Côn, sau này kể lại là đã đánh dấu nấm mộ bằng những cục đá và chặt khắc lên thân cây cũng gần đó. Nhưng rồi không biết thời gian đã qua đi, có ai còn nhớ để chỉ lại cho thân nhân của anh nữa không?

    Thế là cũng xong một kiếp người! Hai tay buông xuôi là hết!

    Đến lúc ở tù ra, tôi được nghe rất nhiều lời đồn đãi về cái chết của anh Côn là do Duyên Anh gây ra. Sự kiện đã xảy ra, ai cũng có quyền tự do phát biểu bất cứ nhận định nào đã được vo tròn bóp méo dưới sự chủ quan của mình.

    Với tôi, đã có một thời gian ở tù cùng một chỗ và chứng kiến cái chết của anh Côn, nhưng ở ngay đó mà nhiều chi tiết cũng còn phải nghe người khác kể lại mới biết, nên không thể qui trách, khẳng định gì cả.

    Có chăng, chỉ có thể nói là anh Côn đã không biết một tí gì về sánh lược đấu tranh của người cộng sản. Khi anh can đảm một mình đứng lên tranh đấu với cộng sản, anh đã quá mơ hồ, tưởng rằng chỉ cần một mình anh đứng lên cất tiếng nói, một mình anh đe dọa "Không ăn cơm của trại" thế là đủ để cho Cộng sản "sợ". Anh đã một mình tranh đấu trong lúc chính anh, không có một tí chuẩn bị trước, không có một cái gì làm chỗ dựa, không một chút hậu thuẫn từ bất cứ đâu và hoàn toàn bị cô lập trong sức mạnh và quyền lực của kẻ đang áp chế mình.

    Bài học về tranh đấu chống Cộng sản.

    Kể lại một sự việc xảy ra đã quá lâu ngày, trong khi đầu óc đã bị ảnh hưởng nhiều trong tù đày và hàng ngày phải lăn lộn kiếm sống ở chợ trời trong chế độ cộng sản. Sau khi được ra tù, tôi không còn nhớ được chính xác từng ngày tháng, dữ kiện. Nếu như các anh Đằng Giao, Duyên Anh có tình cờ đọc bài này, thì trước hết hãy cho tôi "Xin lỗi" là đã nhắc nhiều đến các anh ở đây và cũng xin cho biết có điểm nào tôi đã nhớ không đúng sự thật.

    Suy ngẫm về việc này, tôi chỉ thấy tiếc rằng, đã là một người từng nghiên cứa về cộng sản, nhưng không biết chính anh, anh Côn có nhìn thấy những tên cai tù Cộng sản, trước sự đấu tranh của anh, chúng đã tách anh ra khỏi đám đông khi bảo anh ở riêng một chỗ để "làm việc". Chúng đã thủ đoạn, chơi chữ với anh khi anh tuyên bố "Không ăn cơm của trại" để rồi tàn độc cấm luôn cả nước uống. Thử hỏi từ trước tới nay, đã có một cuộc tuyệt thực nào mà người tham dự đấu tranh lại dám từ bỏ cả nước uống? Rồi cũng chính anh lại tự cung cấp cho chúng bằng chứng chịu nhận bị khuất phục, trên giấy trắng mực đen, qua bài thơ anh ca tụng, tâng bốc kẻ đã hành hạ, đọa đày mình, trong khi không có một sự cưỡng ép nào bắt anh phải làm bài thơ như vậy ngoài bản tự kiểm điểm. Và cuối cùng chính anh đã phải uất ức nhắm mắt chỉ vì một đòn tâm lý rất độc ác của cán bộ Cộng sản đánh trúng vào lúc cấp thiết nhất của nhu cầu vất chất con người.

    Dù sao, đến bây giờ anh Côn đã nằm yên trong lòng đất trên 10 năm rồi. Cầu cho hương hồn anh được yên nghỉ.


    Lê Thanh Sơn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X