Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ăn thịt con Voọc - Mốt ăn thịt rừng man rợ ở Việt Nam

Collapse
X

Ăn thịt con Voọc - Mốt ăn thịt rừng man rợ ở Việt Nam

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ăn thịt con Voọc - Mốt ăn thịt rừng man rợ ở Việt Nam

    Mấy thằng đại gia Việt Nam có tiền chỉ lo hưởng thụ, tẩm bổ để cường dương, ăn chơi đàng điếm, chân dài chân ngắn..... Có bao giờ nghĩ đến giúp đở dân nghèo hay thú vật đâu?

    Biết bao giờ Việt Nam mới khá được?

    Ăn thịt con Voọc - Thú chơi man rợ của đại gia Việt Nam

    Tay đao phủ cắt động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hũ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng. Sau đó họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung.

    Chuyện bắt đầu từ một cuộc gọi lúc nửa đêm về sáng của anh N.V.Tứ, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM, với tâm trạng phẫn nộ: “Xin lỗi vì đã làm phiền nhưng tôi không thể chịu đựng được. Tôi thấy có những người sao mà bạo tàn, nhẫn tâm quá. Khi nhìn vào tấm hình mà tôi gửi, tin rằng anh sẽ kinh hãi. Nó là tội ác đỉnh cao mà chỉ có những kẻ máu lạnh, vô cảm mới có thể trực tiếp ra tay, hoặc gián tiếp chi tiền để đạt được điều mình muốn!”.

    Anh Tứ hiện đang công tác tại một công ty lữ hành có trụ sở tại khu phố Tây, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên anh "thu nạp" khá nhiều chuyện trái khoáy liên quan đến những thú ăn chơi sa đọa nhuốm màu tàn bạo của không ít kẻ lắm tiền. Từ nguồn tin của anh, PV đã có những bài viết chi tiết về nạn “yêu nữ mạo danh nữ sinh” rao bán cái ngàn vàng để lấy tiền đóng học phí… hay tình trạng lắm quý ông quý bà hăng hái bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sừng dinh rắn gốc sừng dê để mài lấy bột uống đặng được tráng dương, cường âm, chữa ung thư.


    Hình ảnh thê lương của con voọc bị chẻ sọ, rạch bụng lấy bào thai, lột da đem ngâm rượu

    Tấm hình mà anh Tứ gửi lúc nửa đêm về sáng quả là rùng rợn. Nó phơi bày tình cảnh đáng thương của một con voọc bị nhồi trong lọ thủy tinh với hộp sọ bị chẻ ngang, tứ chi bị bẻ quặt, co quắp và kinh khủng nhất là nó bị người ta lột da phô bộ xương đẫm máu. Anh Tứ bật mí: tấm hình trên được một người em của anh "săn" được tại tư gia của một quý ông khả kính làm trong ngành xây dựng vốn rất ham hố chuyện gối chăn: "Em tôi là lính của ông này. Nghe nó nói con voọc trong tấm ảnh là voọc cái, đang mang thai. Trước khi bị phanh thây, nó bị ông nọ cho người chẻ sọ lấy óc ăn cho bổ não. Sau đó thì nó bị rạch bụng, rồi bị lột da lấy xác ngâm rượu cùng một số loại cây thuốc đặng thành… rượu tăng lực".

    Tấm hình máu me của anh Tứ về con voọc xấu xố kia đã lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về những thú ăn chơi phi nhân tính của những kẻ lắm tiền. Đồng thời là thông điệp buồn về số phận của loài voọc vốn dĩ hiền lành, thông minh, rất gần với con người mà không ít ý kiến cho rằng là "anh em của loài người".

    Từ tình cảnh thê thảm của con voọc mà anh Tứ gửi, người viết xâu chuỗi các sự kiện và không khỏi hãi hùng trước sự tàn bạo của con người với muông thú, đặc biệt với loài voọc. Đã từng theo chân những toán thợ săn voọc ở rừng Hòn Hèo (bán đảo Hòn Hèo, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và mục kích cảnh họ lạnh lùng giương súng ngắm bắn voọc, và cứ sau tiếng nổ xé toạc rừng xanh của cánh thợ săn, người viết chứng kiến màn chết thảm của "anh em loài người".

    Còn nhớ 6 năm trước, sau khi bị gã thợ săn tên Thưởng tuổi mới ngoài 30 luôn vỗ ngực khoe chiến tích hạ cả trăm con voọc, hạ gục bằng phát súng chí mạng ở khoảng cách 150m, con voọc chà vá chân đen đang nhởn nhơ ăn lá cây rớt xuống. Gã thợ săn hân hoan tiến đến thu hoạch chiến lợi phẩm và mừng rỡ khi thấy mình "hạ 1 nhưng được 2". Đó là con voọc con chết thảm sau cú rơi chí mạng, miệng còn ngậm chặt vú mẹ. Con voọc mẹ bị súng bắn thủng sọ, óc văng tung tóe nhưng theo bản năng làm mẹ luôn chở che cho con đã ôm chặt voọc con không rời.

    Một lần khác, vào giữa năm 2011, người viết đến rừng Nam Cát Tiên (vườn Quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) ghé thăm những người giữ rừng ở trạm kiểm lâm Đất Đỏ (xã Tà Lài) khi các anh vừa lập chiến công bắt đối tượng săn gần chục con voọc tại vùng rừng thuộc quyền quản lý của mình. Hôm ấy, nói về cuộc chiến chống phường sơn tặc - cơn ác mộng của rừng già và thú hoang, trong đó có loài voọc, những người giữ rừng đã kể rất nhiều chuyện đau lòng về tình cảnh chết thảm của dòng giống nhà voọc.

    Có voọc mẹ trúng bẫy chết thảm nhưng voọc con vẫn bám riết lấy mẹ chẳng rời. Khi những nhân viên kiểm lâm đến hiện trường thì voọc con vì đói và kiệt sức mới vừa "lìa đời", xác hãy còn rất ấm. Thì ra voọc con vì thương mẹ, nên khi mẹ bị thương đã chẳng rời. Đến khi voọc mẹ chết, chẳng biết bấu víu vào đâu nên voọc con vẫn quanh quẩn bên xác mẹ cho đến khi gục chết.


    Đối tượng săn voọc bị bắt giữ tại trạm kiểm lâm Đất Đỏ; vô số xác voọc bị chặt đầu, lột da, mổ bụng được tìm thấy trong một đợt truy quét của Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng

    Câu chuyện buồn khác liên quan đến một đôi voọc trúng bẫy tại vùng rừng Đất Đỏ. Thương voọc cái trúng bẫy nên con voọc đực loay hoay tìm cách giải thoát nhưng không được. Voọc cái chết, voọc đực đau đớn lẩn quẩn bên xác vợ để rồi phải trả giá cho sự thủy chung ấy bằng phát đạn trúng ngay tam tinh của gã thợ săn. Nghe tiếng súng nổ, đang tuần rừng gần đó, những người giữ rừng vội lao đến hiện trường. Bị động, cánh phường săn tháo chạy, bỏ lại xác con voọc đực chung tình tung tóe máu bên xác vợ đang phân hủy.

    Loài voọc có trí khôn, có ân tình, có tình mẫu tử không thua kém gì loài người, rất gần với loài người. Ấy là nói về mặt ân tình, còn về hình dáng bên ngoài và tập tính sinh học, cái sự "rất gần", "rất giống" ấy không quá xa. Bằng chứng là voọc cũng có tứ chi, có trí khôn đặc biệt, có những biểu hiện hỉ-nộ-ái-ố không kém gì loài người. Và cụ thể hơn, voọc cái sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ…

    Voọc, mà đặc biệt là voọc chà vá từng được gặp nhiều ở vùng núi Trung Bộ, từ Thanh Hóa dọc theo dãy Trường Sơn cho tới các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh. Chẳng rõ con voọc trong tấm hình bi thương kia mà anh Tứ gửi đến có nguồn gốc từ cánh rừng nào. Ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên hay Bình Dương, Tây Ninh? Nhưng điều rõ nhất là nó chết một cách thê thảm. Sau này, khi xem tấm hình máu me rùng rợn ấy, Linh, một con buôn lâm sản, nay đã giải nghệ quả quyết nhiều khả năng con voọc này bị lột da lúc còn sống. Linh nói: "Nếu người ta gây mê thì còn đỡ cho nó, chứ nếu không thì đúng là bi kịch".

    Bi kịch mà Linh đề cập tương tự tâm tình của anh Tứ. Nghĩa là tay đao phủ sẽ cắt ngay động mạch ở yết hầu con vật cho máu phun xối xả vào hũ, màu rượu từ trắng dần chuyển sang hồng. Sau đó họ sẽ rạch bụng lấy túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của nó chế biến món ngon cho vị thực khách hám mạnh hám sung. Tiếp đến người ta sẽ không ngần ngại rạch cái bụng nó lấy bào thai hoặc đem ngâm rượu, hoặc chưng thuốc bắc cho tay chơi sành ăn ẩm thực. "Ấy là với voọc cái, nếu là voọc đực, người ta trước tiên sẽ vạt sọ lấy óc nó ăn như kiểu ăn óc khỉ. Nhưng quý nhất của voọc đực là 2 tinh hoàn của nó. Tiếng đồn ai đó uống rượu ngâm tinh hoàn voọc thì bản lĩnh đàn ông sẽ vời vợi, có thể hăng như voọc chúa, dư sức cai quản, phục vụ cả binh đoàn thê thiếp" - Linh bật mí.

    Nói chung, để được tẩm bổ từ máu, tim, mật, óc, bào thai, lấy xương ngâm rượu hoặc ninh cao… người ta tin rằng phải mổ xẻ voọc lúc nó còn sống. Có như vậy thì các cơ phận của nó mới phát huy sức mạnh dược tính. Và vì người ta có niềm tin như vậy nên nhiều năm qua, đã có rất nhiều con voọc chết thảm dưới họng súng và những suy nghĩ bạo tàn từ phía loài người.

    Theo Sách đỏ Việt Nam, voọc chà vá như các loài anh em khác của nó như voọc đen, voọc mũi hếch… mỗi năm chỉ đẻ 1 con và loài voọc nói chung là loài thú hoang bị loài người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Và cũng vì bị người ta tích cực truy sát, đặc biệt là việc họ dồn tâm điểm chú ý vào những con voọc lúc bụng mang dạ chửa, hay những voọc mẹ đang nuôi con nhỏ với suy nghĩ "sát 1 được 2", bán được nhiều tiền vì khách ưa chuộng… nên loài voọc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vấn đề ở chỗ chúng có xứng đáng bị như vậy?

    Trong cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc, TS Võ Văn Chi ghi rằng: người ta săn bắn voọc để lấy thịt làm thực phẩm, lấy xương nấu cao như các loại cao khỉ. Mà công dụng của cao khỉ nếu so với cao trăn, cao hổ cốt, cao ban long… thì độ oai phong, lẫm liệt kém xa. Y văn chỉ đề cập thế thôi, chẳng tìm đâu ra những đoạn "khen" rằng bào thai, não, thịt xương của voọc có tác dụng bài thải độc chất hay cải lão hoàn đồng, như người ta đồn đại và tin tưởng. Càng không có đoạn đề cập đến chuyện muốn dùng voọc cho tốt thì phải lột da róc thịt, mổ bụng lấy bào thai lúc con vật còn sống… như lâu nay người ta vẫn xuống tay một cách bạo tàn với dòng giống loài voọc.

    Nói như thế có nghĩa là nhiều, rất nhiều con voọc đã phải chết oan bởi sự độc ác và suy nghĩ ấu trĩ của con người. "Bây giờ, ai cũng biết, nhất là cánh phường săn đều rất rõ vào rừng săn voọc là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm qua, đã có nhiều kẻ sát hại voọc bị xử án tù. Biết bị xử lý nghiêm, bị phạt tù nhưng người ta vẫn hăng hái vác súng vào rừng khạc đạn. Ngông cuồng như thế chỉ có thể vì lý do duy nhất: voọc bán được giá, được nhiều tiền nên người ta bất chấp… hậu quả.

    Khi đi săn voọc, nếu voọc chết, phường săn sẽ sấy khô, đào hố phủ lá cây, rồi cứ thế tiến sâu vào rừng, khi nào đủ sở hụi thì quay trở ra. So với hàng tươi sống thì voọc chết giá chỉ rẻ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/4. Do đó, thợ săn tìm cách bắt sống voọc" - Khả, một con buôn đồ rừng ở "chợ" thịt rừng đường Phạm Viết Chánh, quận 1, tiết lộ.

    Theo tâm tình của Khả, thật vô phước cho con voọc nào chẳng may dính bẫy của cánh phường săn. Nếu trúng phát đạn, dẫu có máu me, dẫu óc văng loạn xạ nhưng con voọc sẽ khép lại quãng đời tự do của nó một cách nhanh chóng. "Nhưng nếu nó còn sống, thì đó quả là thảm họa. Bởi nếu không bị người ta phanh thây, vạt sọ lấy não lúc còn sống thì con vật sẽ bị người ta cầm tù, nghĩa là bị nuôi nhốt nhiều năm trời trong chiếc cũi chật hẹp để "làm trò lạ mắt thứ đồ chơi". Và sau khi thỏa mãn thú vui cầm tù ấy, chắc rằng chủ nhân của con voọc sẽ trổ màn cuối, hoặc bán nó cho ai đó có nhu cầu xương cốt, mật, óc hoặc chính họ sẽ khoái trá trước hình ảnh con vật nuôi của mình bị tay đao phủ nào đó phanh thây - chẻ sọ.

    Câu chuyện buồn của loài voọc như chuyện buồn của loài gấu, loài voi, cọp…, nghĩa là chết thảm, là "quân số" tàn lụi thê thảm vì sự độc ác của con người. Nhưng có lẽ, so về "nỗi đau" thì "thân phận" của voọc lâm li bi đát hơn các loài kể trên. Bởi cơ phận của gấu, cọp, voi… y học cổ truyền ít nhiều đề cập, ít nhiều có tác dụng này tác dụng nọ, còn voọc thì chẳng nhằm nhò gì. Vậy nhưng chúng vẫn bị truy sát đến tuyệt diệt?

    Mặt khác, gấu, cọp, voi là loài mãnh thú, khi bị truy sát hụt, với sức mạnh kinh hồn và bản năng giống loài, chúng có khả năng tự vệ, truy sát, trả thù kẻ tìm cách sát hại mình. Còn voọc bé xíu, là loài vô hại, khi bị con người ta dồn vào bước đường cùng, chúng chỉ biết chờ chết. Một con vật hiền lành đến tội nghiệp như thế nhưng bị người ta cài bẫy đến bò tót nếu sa lầy cũng bó chân, bị hàng trăm họng súng chực chờ… hạ sát, hỏi sao không chua xót, phẫn nộ?!

    Và, vì cái cách mà con người ta đối với con vật rất gần gũi loài người cũng như không có bản năng tự vệ một cách tàn độc như thế, nói hành vi ấy còn hơn loài ác thú… liệu có quá lời?

    Theo CAND Online

    ____________________________________________

    Ám ảnh chuyện làm thịt "đại thánh"

    Nhân những hình ảnh giết hại khỉ, voọc một cách dã man đang sôi sục tren Net. Chúng tôi tìm gặp người đã từng “săn” khỉ, voọc và nghe kể về những chuyến săn đẫm máu cùng mối hoài nghi về chuyện “hậu vận” đen đủi đầy ám ảnh của họ.
    Đi săn khỉ, voọc còn là cái “thú” quái dị của không ít “thợ săn” thành phố lên các vùng miền núi. Nhưng những câu chuyện đầy ám ảnh và việc tận mắt chứng kiến chuyện “làm thịt” loại động vật này khiến chúng tôi không khỏi rùng mình hoảng sợ!

    Câu chuyện muốn quên không dễ
    Người ta truyền tai việc uống rượu ngâm khỉ, voọc để có thân thể cường tráng, dẻo dai trong chuyện chăn gối. Có cầu ắt có cung, những tay săn chuyên nghiệp hay bán chuyên đổ xô vào việc săn lùng loài linh trưởng có cấu trúc cơ thể và bộ gen gần giống con người.

    Câu chuyện của anh M.T.L, từng đóng chốt bảo vệ một bán đảo nằm ven biển miền Trung. Trên bán đảo có hàng chục ngàn con khỉ, còn được đặt bảng cấm săn bắn, chặt phá rừng… Tuy nhiên, với một nhóm bảo vệ trên bán đảo vắng lặng, suốt ngày quanh quẩn với bầy khỉ đông như kiến, khiến các anh đã lỡ một lần ra tay. Anh L trầm ngâm, nhớ lại chuyện của mình từng đối mặt, và anh nhìn ra xa, buồn vô hạn!


    “Số phận” của một chú khỉ trước sự tàn ác con người!

    Anh L kể, khi xuống khu dân cư, một số đối tượng cứ đi theo mồi chài “mua khỉ nấu cao, ngâm rượu”, với giá rất cao. Và rồi một lần săn khỉ để bán cho “thương lái” kiếm chút tiền kha khá, rồi nhiều lần diễn ra. Nhưng… một ngày “điềm gở” đã đến, khiến anh L ám ảnh suốt quãng đời còn lại!

    Hôm đó vào một buổi trưa nắng gay gắt, bầy khỉ hàng trăm con vây kín một cây cổ thụ, anh L cùng người bạn gương súng nhắm một chú khỉ to nhất đang vắt vẻo dưới cây to, tránh cái nắng như đổ lửa. Xung quanh con khỉ to bự này, là khỉ con, khỉ mẹ léo nhéo lanh lợi. “Đoàng…”, súng nổ, con khỉ trong tầm ngắm giật bắn người vội lao đi, chuyền nhanh sang cành cây khác, cả đàn khỉ nháo nhào lao theo, chúng rít lên tiếng khẹt khẹt vang vọng cả khu rừng.

    Anh L bỗng như khụy xuống, người bạn bên cạnh cũng không nói nửa lời, đứng trân trân vì… sợ! Phát súng đi lạc mục tiêu, trúng vào con khỉ mẹ, rơi xuống trước mặt anh L, thoi thóp. Nhưng con khỉ con vẫn ôm cứng lấy xác mẹ nó, “lúc đó trông con khỉ con vừa sợ, nhưng vẫn không rời mẹ, nó bấu cứng vào xác khỉ mẹ, ánh mắt sợ hãi như muốn bỏ chạy, nhưng lại không muốn không bao giờ rời mẹ nó…!”, anh L lạc hẳn giọng khi kể đến đây.

    Anh L lấy hết bình sinh, gỡ con khỉ con ra khỏi mẹ nó, nhưng nó nhất quyết không chịu buông ra. Đặt con khỉ lên tảng đá gần đó, anh L và bạn bỏ đi, đến chiều tối quay lại xem thử, cảnh tượng con khỉ con vẫn bám cứng xác mẹ, còn cả bầy khỉ vây xung quanh, khiến anh L rụng rời tay chân, ám ảnh suốt quãng thời gian dài…

    Muốn ăn thịt khỉ - Đơn giản!
    Từ TP.HCM lên Bình Phước, chúng tôi được một tay bợm nhậu tên H. giới thiệu vào một nhà hàng vốn nổi tiếng về thịt rừng ở thị xã Đồng Xoài. Đang ngồi nhâm nhi ly rượu miền Cao, chúng tôi không khỏi lợm cổ họng khi nhân viên nhà hàng mang ra một cái đầu khỉ, mắt trợn trừng, nhìn mọi người trân trân. H. thấy vậy bảo, mấy ông muốn thưởng thức thịt “tề thiên” thì chiều nay vào rừng kiếm.

    Chúng tôi đến rừng Tân Lập, giáp ranh giữa Bình Phước với Đồng Nai. H giới thiệu tay săn khỉ, voọc chuyên nghiệp tên Kh. Kh lội vào rừng chừng 30 phút sau, quay lại trên tay với một chú khỉ đực to chừng 10kg, vẫn còn sống vì chỉ bắn bị thương.

    Chặt đầu, ăn óc khỉ là bổ óc, mà ăn gì bổ nấy mà! Kh. vừa làm thịt con khỉ vừa ba hoa. Nhìn cảnh tượng chú khỉ bị làm thịt, mà chúng tôi không khỏi rùng mình. Thấy “khách” có vẻ sợ, Kh. trấn an, “đây là loại quý hiếm, khách quý mới đãi, chứ mang con khỉ này bán cũng kiếm được bạc triệu đó”.


    Moi ruột, ai nhìn cũng thấy… sợ!

    Theo Kh, ở Bình Phước có cả một đường dây buôn bán động vật rừng. Trong đó khỉ, voọc là loại có giá cao. Được các tay săn mang về bán cho thương lái, sau đó tập trung mang “xuất khẩu” sang Trung Quốc bằng đường bộ. Cũng theo Kh và H “quảng bá”, thì thịt khỉ, voọc ăn vào tăng cường sức khỏe, nhất là cánh đàn ông. Xương khỉ nấu cao có tác dụng trị nhức mình mẩy......
    Nói chung là toàn bộ con khỉ, voọc chỉ bỏ lông, chứ không bỏ bất cứ thứ gì.

    “Sợ quá mỗi khi nhớ lại”
    Câu chuyện làm thịt khỉ, voọc nhiều khi nhuốm màu sắc liêu trai, bởi những ám ảnh man rợ của việc giết thịt loại động vật mang hình hài gần giống con người này sẽ khó phai mờ trong tâm trí những người một lần trót “nhúng chàm”.

    Mang chuyện ngâm rượu voọc, uống vào sẽ bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe đàn ông, ông H.M.T (một cán bộ cấp phường tại TP HCM) giãy nảy: “Chớ có nói thế, tôi đã từng trải qua rồi đây nè…”.

    Ông T kể về chuyện của mình, vào đầu năm 2011, có một người bạn mang từ vùng miền núi về một hũ rượu ngâm nguyên một con voọc đang thời kỳ mang thai. Thoạt nhìn, ông T phát hoảng vì hình hài con vật, nhưng bị thuyết phục là “thần dược” nên ông T nghĩ cũng không sao nếu đó là sự thật.

    Để hũ rượu trong tủ kính, bạn bè nhiều người trầm trồ, nhưng cũng có người thì sợ ra mặt. Vợ con ông T cũng không dám nói gì, nhưng họ đều tránh nhìn về hũ rượu. Chưa thưởng thức rượu bổ, thì đùng một cái, vợ con ông T bị tai nạn giao thông, vợ gãy một lúc cả hai tay, con gãy chân. Mà vụ tai nạn kỳ lạ là vợ ông T chở con đi học, xe đã dừng tận trong lề đường, bất ngờ một “tay lái lụa” lạng lách làm sao lao xe lên cả lề đường, húc đúng vào xe vợ ông T.

    Chuyện “xui xẻo” chưa dừng lại, mấy ngày sau đó, cô con gái đầu ông T đang đi học bằng xe đạp, bất ngờ bị xe ben quẹo đường kéo lê hàng chục mét. Thập tử nhất sinh, nằm viện cả tháng trời, con gái ông T chưa qua khỏi, thì mẹ ông T mang bệnh nặng, rồi qua đời. Kể đến đây, ông T trầm ngâm, có một cụ già vào nhà rồi bảo: “Anh mang bỏ cái hũ rượu kia ngay đi, nếu không chuyện chẳng lành sẽ kéo đến mãi…”.

    Hoảng quá, ông T vác ngay hũ rượu đi hủy, mang con voọc đi “an táng” đàng hoàng. Rồi mọi chuyện qua đi, con gái đầu lòng của ông T xuất viện, đi học trở lại bình thường. “Tin hay không thì không biết, chứ từ ngày tôi hủy hũ rượu, cả nhà nhẹ cả lòng, mà điều đầu tiên tôi thấy nhẹ người là không phải nhìn con vật nằm trong hũ rượu nữa, thấy sợ quá khi nhớ lại nó…!”.

    Không có điều gì kiểm chứng những câu chuyện đầy ám ảnh như trên, rằng người ta có thể gặp tai họa khi làm điều ác, khi thản nhiên trước những cảnh kinh dị của cuộc sống. Nhưng điều này hoàn toàn có thể lý giải về mặt tâm lý. Lòng trắc ẩn, nhân tính trong mỗi con người luôn tồn tại, có thể vùi lấp mất bởi thói ích kỷ, lòng tham, sự nhẫn tâm, trước những hình ảnh man rợ giết thịt loài khỉ voọc, nỗi ám ảnh có thể rất dài lâu. Khi sự tàn nhẫn vượt quá giới hạn của nỗi sợ hãi, nó có hại cho thần kinh và cảm xúc của con người. Chẳng thế mà suy cho cùng câu “ở hiền gặp lành” luôn ý nghĩa.

    Chí Linh-Đức Minh - T.T

    ____________________________________________

    Thú ăn chơi 'biến thái' của đại gia

    Mặc con voọc khiếp sợ thét gào rồi chắp tay vái loạn xạ, tay "đao phủ" kiêm con buôn đồ rừng lạnh lùng vạt sọ, cắt cổ, rạch bụng moi lấy bào thai, túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của con vật đáng thương...

    Trong cơn cuồng vọng tráng dương, tăng lực, hùng mạnh trong lĩnh vực giường chiếu của đám quý ông lắm tiền, người ta tin rằng phải mổ xẻ voọc lúc nó còn sống thì các cơ phận của nó mới phát huy sức mạnh dược tính. Thể theo yêu cầu của mấy vị khách đại gia có niềm tin ấu trĩ và vô lương ấy, mặc con voọc khiếp sợ thét gào rồi chắp tay vái loạn xạ, tay "đao phủ" kiêm con buôn đồ rừng lạnh lùng vạt sọ, cắt cổ, rạch bụng moi lấy bào thai, túi mật, moi cả trái tim còn đập thoi thóp của con vật đáng thương đặng chế biến các món ngon cho đám thực khách đang hau háu chờ đợi.

    Màn hành quyết voọc - con vật rất gần gũi với loài người, lúc nó còn sống diễn ra trong ánh mắt hân hoan và giọng cười hô hố phấn khích của đám thực khách. Những đại gia chi tiền cho đao phủ vạt sọ đặng ăn não, lấy bào thai voọc ngâm rượu kia, có trí thức, đạo mạo, giàu kinh nghiệm ăn chơi nên lõi đời. Họ chỉ vui thú với cái sở thích man rợ kia trong phòng kín, trong biệt thự cổng cao tường kín nên thiên hạ khó mà biết để "ném đá" họ được.

    Đâu chỉ có voọc, khỉ, gấu..., những kẻ lắm tiền còn có muôn vàn kiểu tìm vui, ăn chơi hành xác thú rùng rợn, dã man, bạo tàn khác không kém. So với bữa tiệc rắn hổ đơn thuần, nghĩa là sau khi cầm con rắn biểu diễn cho nó ngo ngoe đặng kích thích thực khách rồi tiến hành cắt cổ lấy huyết, rạch bụng lấy mật và trái tim còn đập thổn thức pha rượu, bữa tiệc rắn lục đầu dồ đuôi đỏ kinh khủng gấp nhiều lần.


    Hình ảnh hành xác con Voọc

    Buổi tiệc hành xác loài lục xà vương diễn ra trong biệt thự của một đại gia bất động sản tên Hùng. Lắm tiền, ông này đổ đốn, tích cực tung tiền lùng những món được thiên hạ đồn thổi ích tinh, bổ khí, hỗ trợ đắc lực cho khoản... ấy. Sau óc khỉ, hùng chưởng (tay gấu), huyết xà đởm (rượu pha máu mật rắn hổ, rắn biển)...., lần này ông Hùng tổ chức đại tiệc lục xà vương.

    Cái sự bổ của loài này không phải ở máu, mật, trái tim còn đập thổn thức như loài anh em rắn hổ của nó, mà là xâu bào thai mà theo ông Hùng phải thỏa yêu cầu tươi roi rói, vừa lọt từ ổ bụng của con rắn mẹ bị mổ bụng lúc còn sống. Để có bữa tiệc bào thai rắn tươi sống, vị đại gia đất phải đặt trước đó cả tháng để đầu bếp có thời gian săn, gom đủ số lượng rắn mang thai còn dăm bảy ngày nữa là "xổ ổ" để mổ bụng.

    Lúc lỉa mũi dao bé, nhọn vào bụng con rắn, gã "đao phủ" bật mí rằng "phải mổ lúc nó bụng mang dạ chửa vầy thì bào thai mới có dược tính, mới bổ toàn tập". Mấy ông khách da dẻ đỏ au nhờ tẩm bổ quá nhiều đồ độc mắt sáng rực, giọng cười hô hố vì quá phấn khích trước cảnh con rắn độc xanh lè bị rạch bụng xồ ra chùm bào thai vấy máu. Con rắn vì quá đau đớn đã quặn mình, cuốn chặt vào tay đao phủ.

    Đỉnh điểm của sự tàn bạo là thời khắc ông Hùng biểu diễn cho đám bạn xem độc chiêu ăn bào thai rắn nhúng giấm của mình. Ông ta ngắt một cái bào thai, chọc vỡ lớp màng nhầy chi chít gân máu để lộ ra con rắn lục con xanh từ đầu đến đuôi. Sau vài giây bất động, theo bản năng sinh tồn, con rắn con vùng vẫy dữ dội trong tiếng hò reo phần vì bất ngờ, phần vì phấn khích trước cái sự lạ ấy của đám thực khách.

    Diễn được vài phút, khi thấy con rắn đã đừ, miệng đớp lấy đớp để "mớ" không khí mà chỉ trong tích tắc nữa thôi nó sẽ không được "đớp" nữa, ông Hùng khoan thai cầm một dụng cụ được thiết kế đặc biệt kẹp con rắn nhúng vào nồi nước xả sôi ùng ục, bỏ vào miệng nhai rau ráu rồi nói nhỏ với đám chiến hữu: "Đừng nhúng lâu quá, tai tái nó mới bổ".


    Tháo khớp gấu lấy tay, rạch bụng rắn ngắt bào thai nhúng giấm… đã và đang là thú ăn chơi biến thái của ngày càng đông thực khách ham cường dương, ăn chơi trụy lạc

    Thú ăn uống biến thái, ăn uống theo kiểu hành xác động vật, nhất là các loài hoang dã được xếp vào dạng quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới vẫn chưa dừng lại ở đó. Để con trẻ được thông minh xuất chúng, có bà mẹ sẵn sàng chi tiền mua culi - con vật chậm chạp có biệt danh "hiền nhất muôn loài" rồi tự tay, hoặc nhờ người phạt ngang đầu con vật, chẻ sọ lấy óc chưng cách thủy cho con tẩm bổ.

    Đại bàng, chim cắt hay chim ưng là giống chim ăn thịt dũng mãnh được mệnh danh "chúa tể bầu trời" nhưng cũng than trời trước những kẻ có kiểu ăn uống biến thái. Muốn có đôi mắt tinh anh nhìn xa, nhìn thấu vạn dặm như đại bàng, chim cắt, họ bất chấp cảnh con đại bàng bị trói chân, khóa mỏ, bẻ cánh rồi bị móc mắt trong đau đớn giãy giụa để... nuốt đôi mắt tinh anh của nó. Họ tỏ ra thản nhiên khi vừa ăn vừa ngắm con vật đang run rẩy vì đớn đau với hốc mắt đẫm máu.

    Bao năm qua, có mấy người ăn tay gấu, bào thai rắn, nuốt mắt đại bàng, nhâm nhi óc khỉ, uống rượu pha huyết voọc... bị bắt tội, bị kết án tù? Hình như chẳng có ai. Có chăng chỉ là những người buôn bán, thợ săn vì miếng cơm manh áo mà bất chấp pháp luật.

    (trên Net)

    _________________________________________

    Mốt ăn thịt thú rừng man rợ

    Tuy nhiên, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và gây tàn phá thiên nhiên đến mức đáng lo ngại.

    Những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh "thần kỳ" của một số loài động vật quý hiếm khiến chúng càng bị săn lùng. Nhiều người không tiếc tiền để chi ra có khi tới cả trăm triệu đồng để được thưởng thức những loại thịt thú rừng quý hiếm. Nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đưa lên bàn nhậu, bàn tiệc từng ngày, từng giờ với những cách thức vô cùng man rợ.

    Trong những ngày qua, cư dân mạng và dư luận rất bức xúc trước loạt ảnh của một nhóm thanh niên giết voọc chà vá được tung lên Facebook. Những tấm ảnh ghi lại cảnh nhóm thanh niên này đang làm thịt, hành hạ hai con voọc chà vá một cách rất dã man. Họ mổ bụng, xẻ thịt, thui lửa, dùng xương nấu cao... Cơ quan điều tra đã xác định nhóm thanh niên tham gia hành hạ, giết thịt 2 cá thể voọc chà vá là quân nhân thuộc Trung đoàn 7, đang làm nhiệm vụ tại Kon Tum.

    Vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng săn bẫy và giết thịt các loài động vật quý hiếm tại Việt Nam. Theo Sách đỏ Việt Nam, mỗi năm voọc chà, voọc đen, voọc mũi hếch... chỉ đẻ một con. Đây đang là loài thú rừng bị con người săn lùng, giết hại bạo tàn nhất. Dù biết rằng săn bắn voọc là phạm pháp, thậm chí có thể bị đi tù, nhưng vì món lợi nhuận khổng lồ mà chúng đem lại và vì thú vui chi tiền không tiếc tay của các đại gia mà số phận những con voọc vẫn đang bị đe dọa.


    Những bức ảnh hành hạ, giết thịt con voọc chà vá khiến dư luận vô cùng phẫn nộ

    Ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cho biết trên Khám phá, một thực tế đáng buồn là tại nhiều tỉnh miền Trung, tình trạng bẫy voọc diễn ra vô cùng phổ biến. Trung bình mỗi người sẽ làm khoảng 300 - 500 cái bẫy. Mà khi bẫy sẽ bẫy hết cả đàn. Đội thợ săn được trả lương rất cao để làm việc này.
    Nhiều người đồn nhau rằng, voọc là thuốc quý để chữa bệnh, nên phải ăn sống mới bổ. Vì vậy, ngay sau bắt voọc về, nhiều người không ngại giết sống con voọc bằng cách bửa sọ, lột da và moi cả trái tim còn đang thoi thóp để ngâm rượu. Song, trên thực tế, chưa ai chứng minh được tác dụng chữa bệnh của loài động vật này.

    Bên cạnh loài voọc, gấu là loài vật cũng bị săn lùng ráo riết. Do vậy, gấu hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Trên cả nước, ước tính số gấu nuôi nhốt còn khoảng hơn 3.000 cá thể.

    Từ những lời đồn thổi về tác dụng bồi bổ, chữa bệnh "thần kỳ" của tay gấu, mật gấu... mà loài vật này đang bị tàn sát, khai thác không thương tiếc. Người ta khai thác, giết hại gấu bằng nhiều cách thức dã man. Kinh khủng nhất là hình ảnh những con gấu đau đớn quằn quại mỗi khi bị hút mật sống. Không chỉ bị lấy mật, gấu còn bị giết hại để lấy thịt, tay, chân. Một số nơi, thịt gấu và rượu từ mật gấu là những món ăn xa xỉ để đãi khách.


    Thịt gấu, tay gấu trở thành món ăn xa xỉ và bổ dưỡng của nhiều người (Ảnh: GDVN)

    Theo kết quả khảo sát vừa được công bố mới đây của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), không chỉ dân thành phố mà 30% số người được khảo sát tại nông thôn cũng sính sử dụng mật gấu với mục đích tăng cường sức khỏe, chữa trị vết thương. Tuy nhiên, cơ quan y tế đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, mật gấu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí còn gây hại đến sức khỏe người dùng. Nhiều người do dùng quá nhiều rượu pha mật gấu, đã tử vong vì suy gan, suy thận.
    Ở Việt Nam, hổ cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Tiết hổ thường được cánh đàn ông pha lẫn với rượu và uống như một món đồ bồi bổ dương khí. Những chiếc nanh hổ cũng bị nhổ ra đem bán cho những đại gia thích sưu tập với giá cả chục triệu đồng. Còn thịt hổ được chế biến thành nhiều món nhậu hoặc nấu cao.

    Những lời đồn thổi về tính năng "cải tử hoàn sinh", "biến le le thành đại bàng dũng mãnh chốn phòng the", "trị bá bệnh"... của cao hổ cốt khiến nhiều người phải "săn" cho kỳ được vài lạng cao hổ cốt để "pha chế" trong bàn tiệc, chứng tỏ đẳng cấp với thiên hạ. Việc mua, bán, tiếp thị loại cao này cũng khá rầm rộ trên mạng cũng như tại các nhà hàng, quán nhậu. Giá cả thì cũng thật phong phú, từ 20 - 30 triệu đồng/lạng cho đến giá "siêu rẻ" chỉ chừng vài ba triệu đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người đã mua phải cao hổ giả khiến tiền mất mà tật vẫn mang.

    Do lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng chấp nhận "rủi ro", lén lút buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ ngay ở Thủ đô. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến năm 2010, lực lượng công an TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ, với nhiều đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, xẻ thịt... hổ, thu giữ gần 20 cá thể hổ, trong đó có 2 cá thể hổ sống.

    Hạnh Giang- Việt Báo


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X