Thông báo

Collapse
No announcement yet.

30 Tháng Tư: Chuyện quên, Chuyện nhớ

Collapse
X

30 Tháng Tư: Chuyện quên, Chuyện nhớ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 30 Tháng Tư: Chuyện quên, Chuyện nhớ

    30 Tháng Tư : Chuyện quên, Chuyện nhớ


    Hà Việt Hùng


    Chỉ cần nói tới 30 tháng Tư là biết ngay đó là 30 tháng Tư năm 1975. Tùy quan niệm mỗi người, dù sao, thời gian cũng đi nhanh quá, gần một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhìn ngắm lại, chúng ta đã thành những ông (cụ) già, phần nhiều trí nhớ bị bào mòn, “cạn kiệt” theo ngày tháng. Có những chuyện đã quên, và có những chuyện tưởng như mới xẩy ra hôm qua, không bao giờ quên được. Sau 30 tháng Tư, “bên thắng cuộc” (1) muốn nói gì thì nói (lẽ dĩ nhiên), “bên thua cuộc” phải chấp nhận, không được phản đối; đó là quy luật của “cuộc chơi.” Có những chuyện vẫn còn nhớ, nhớ như in, nhớ từng chi tiết rất nhỏ; nhưng cũng có những chuyện đã quên rồi, có nặn đầu, bóp trán…cũng đành chịu vậy thôi, không làm sao nhớ được.

    Đã đến lúc cần phải nói thật, phải nghe thật. Hãy trả lại sự thật khách quan cho lịch sử, đừng bắt nó phải gian dối như con người.

    Sau 30 tháng Tư -75, Cố Thủ Tướng VC Võ Văn Kiệt đại khái nói là “cuộc chiến đã kết thúc với hàng triệu người vui, nhưng cũng có hàng triệu người buồn.” Dân chúng, nhất là ở miền Bắc, mỗi năm đều tổ chức (ăn) mừng chiến thắng, nhưng chỉ vài năm sau, họ từ bỏ ngày này, xem như một ngày bình thường vì nó chỉ gây thêm đau khổ, xót xa, vô nghiã cho bao gia đình. “Những người làm nên lịch sử” bị bỏ quên theo dĩ vãng. Đùng một cái, “các anh hùng” được nhắc tới như những đôi giầy rách, móc ra từ gầm giường. Họ được chải bụi, đánh “xi” láng coóng, được tôn vinh, ca ngợi. Chỉ khi đó người ta mới nhớ tới “những người làm nên lịch sử”, vội cử người về tận nông thôn, băng rừng, lội suối, hỏi thăm, tìm cho ra “những con người” đó. Bây giờ họ đã là anh thợ hớt tóc, anh nông dân mò cua bắt ốc, anh tài xế xe Lam, tất cả đều đang chật vật mưu sinh, nghèo nàn, cố gắng vượt qua đời thường vất vả, chẳng được tí ti ân sủng nào cả trong cái XHCN này. Có anh đã “chết mất xác” từ mấy chục năm nay chẳng ai đoái tưởng.

    Gia đình anh thợ cắt tóc già nua Bùi Quang Thận (2) cho biết anh đã bị bỏ quên 20 năm (đúng ra là gần 30 năm). Anh phải tự cứu mình và gia đình, không thể trông chờ chính quyền hay xã hội “thưởng công”.

    Tôi đã đọc khá nhiều Hồi ký của các “bạn tù” đồng cảnh ngộ. Hãy cảm thông với họ. Có người bị tù 2-3 năm, có người bị 17-18 năm, hay hơn nữa. Bị đầy ải, nhục nhã; chấp nhận bao thị phi cùng đau khổ. Họ đáng được yêu thương, trân trọng, đùm bọc và bao dung. Bao năm họ đã phải hy sinh đời mình, bảo vệ tự do, dân chủ, bảo vệ đất nước không CS. Có người còn có vợ con, gia đình. Khi được “thả”, họ lại bị mất hết quyền lợi, ngay cả quyền công dân. Hãy nhớ tới họ.

    Các con cháu tôi, những người sinh sau 1975, có thể không hiểu chiến tranh VN là gì, nhưng vẫn biết những người lính VNCH là ai. Thế là đủ rồi.

    Tôi xin kể ra đây vài câu chuyện mình biết sau 30 tháng Tư để con cháu sau này hiểu thế nào là “chiến tranh VN”, và nên đặt lòng tin nơi ai, căm phẫn ai.

    Tôi cứ loay hoay, thắc mắc mãi, không biết gọi cuộc chiến này là gì. Gọi là “nội chiến, nồi da xáo thịt”, có người phản bác lại, không đồng tình; phải gọi là “cuộc chiến chống Mỹ xâm lược”. Điều buồn cười là để thực hiện cuộc chiến này, CS đã nhận viện trợ của Tầu và Nga, sao không gọi hai nước này là Đế Quốc xâm lược ? Như Lê Duẩn từng tiết lộ: “Chúng ta (CS) đánh đây là đánh cho Trung quốc và Nga Xô”. Liệu lời nói đó có xác đáng không ?

    Mới gần nửa thế kỷ, nhưng hầu như lịch sử đã bị tô vẽ, bôi lọ theo ý riêng. Đây là sự việc còn gây khá nhiều tranh cãi. Có chuyện bị bỏ quên, có chuyện lại bị lái qua hướng khác, có lợi cho phe nhóm mình. Có người tự nhận mình là người “trực tiếp hay gián tiếp có công với cách mạng” để lấy điểm, để được hưởng ơn mưa móc, để được về sớm, hay vì nhiều lý do khác (9, 13, 14…)

    Tôi cố gắng viết thật khách quan, tôn trọng từng chi tiết một, mong trả lại cho con cháu phần nào sự thật.

    Lại chuyện hai chiếc xe tăng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập.

    Chuyện này tôi không được trực tiếp chứng kiến, vì lúc đó đang ở Vũng Tầu, chỉ đọc báo và nghe nói sau đó. Tôi chỉ nói lại với những chú thích bên dưới.

    Theo một nhà báo, đây không phải là cảnh thật của ngày 30 tháng Tư 75, mà chỉ là cảnh quay phim được thực hiện sau ngày ấy (không có đạo diễn hay đạo diễn quá tồi). Khoảng 11giờ 303, nhiều “bộ đội dép râu, nón cối”, mỗi xe có tới mấy chục người, đứng ngồi lổn ngổn, không thứ tự. Họ như lần đầu được đi xe tăng, cười nói hí hửng, leo lên hai chiếc xe mang số hiệu 390 và 843 thuộc trung đoàn tăng 203 (có chỗ nói là Lữ đoàn). Cần “ăng ten” của xe 390 có treo cờ MTGP miền Nam, lao qua cổng chính. Hai xe lần lượt tiến vào Dinh Độc Lập và phải tới lần thứ ba mới húc đổ hai cánh cổng sắt sơ sài (4) phiá trước. Xe 843 bị kẹt ở cổng vì đứt xích (?). Trung Úy Bùi Quang Thận (VC) phải bỏ xe 843, ngồi theo chiếc 390, rồi chạy lên các bậc tam cấp, cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/19755.

    Vẫn theo vị SQ này, các SQ VNCH khác, kể cả TT/ DVM (6) và Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh (7), bị giữ suốt chiều 30 mới được thả về.

    Có vài Nhiếp Ảnh Gia ngoại quốc (8) chạy tới chạy lui săn hình. Họ chụp ảnh kỷ niệm “nghìn năm một thuở” này. Dân chúng hiếu kỳ từ nhiều ngả đường, thấy không có gì cấm cản, họ đổ xô tới xem và nghe ngóng.

    Cựu Đại tá Bùi Tín (VC) (9) là nhà bất đồng chính kiến, loan tin ông cũng có mặt tại Dinh ĐL khi Tổng Thống VNCH Dương Văn Minh đầu hàng. Ông nhận mình là người đi cùng đơn vị xe tăng đầu tiên đâm đổ cổng Dinh Độc Lập, và là người trực tiếp đã nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống DVM vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vị Sĩ Quan cao cấp của VC khẳng định vào lúc đó BT là Thượng tá. Khi Tổng thống DVM đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, các nhà báo còn đang ở sở chỉ huy quân đoàn 3 (Củ Chi). Vị Sĩ Quan cao cấp này cũng khẳng định BT chỉ có mặt tại Dinh Độc Lập sau khi Tổng thống DVM từ đài phát thanh trở về (10).

    Ông DVM ngồi chờ sẵn “bên thắng cuộc” đến để “bàn giao” (như đã được yêu cầu) nhưng sau đó “bên thắng cuộc” nói ông là người bị thua, không có gì để bàn giao cả. Ông DVM tái mặt, biết là bị phe CS dối trá, lừa gạt, nhưng đã muộn. Họ không có ý định muốn thương thuyết nghiêm chỉnh. Ngồi cạnh DVM lúc đó có các ông Vũ Văn Mẫu (11), (Lý Quí Chung (LQC) (12) và Nguyễn Hữu Hạnh (NHH). Sau đó, ông được mời ngồi chung xe jeep với ông Vũ Văn Mẫu (VVM) và Đại úy (VC) Phạm Xuân Thệ (PXT) (13) ở băng ghế trước, kế bên tài xế, qua Đài phát thanh Quân Đội. Tại đây, nguyên Trung Úy, Chính Ủy (VC) Bùi Văn Tùng (15) viết “lệnh đầu hàng” để DVM đọc (16).

    Sau lệnh này, có một số SQ và Binh sĩ VNCH tự kết liễu đời mình trên nhiều ngả đường.

    Sở dĩ tôi nói lại sự kiện này vì nghĩ nó là “ngày quan trọng”, ít ra cũng là đối với CS. Nói đến chuyện này để cho “có đầu có đuôi”. Đến nay, nhiều người dân đã không còn “mặn mà” với ngày này. Họ “ăn mừng” nhiều việc khác còn to lớn và linh đình hơn (17) vì nghĩ CS nói dóc quá.

    Thấy “bộ đội dép râu, nón cối”, nhiều thanh niên miền Nam vì hiếu kỳ bu lại, xem có gì “khác lạ” không. Có giọng hỏi :

    - Các Đồng chí sinh ở đâu ?

    - …ở Bắc Linh (Ninh) (18).

    Một người khác chen vào.

    - Còn tớ thì ở Hà Lam (Nam) Linh (Ninh).

    - Sao các đồng chí lại vào đây ?

    - Thì… để giải phóng miền Lam (Nam) khỏi bị Mỹ - Ngụy kìm kẹp.

    “Bộ đội dép râu, nón cối” vào nhà dân bên đường xin nước. Họ mang ra công viên có hàng cây cao, tát ra rửa tay chân, mặt mũi bám đầy đất đỏ. Những người khác cứ tự nhiên ăn cơm đựng trong những cái gà-mèn. Họ dùng đũa có vẻ thành thục, tuy nhiên vẫn làm vung vãi ra nhiều chỗ. Phần lớn những người này mặt mày còn non choẹt, chỉ độ 15-16 tuổi, mặt búng ra sữa. Họ thật thà đến ngô nghê, tội nghiệp. Nhưng lại có tính hay nói dóc hoặc ba xạo, nói phét, khoác lác hay nói quá sự thật. Cái gì miền Bắc cũng là nhất.

    Đó là buổi trưa ngày 30-4-75.

    1. Cái nón của thằng Nguyễn Cao Kỳ (19).

    Vì trình diện ở Vũng Tầu, tôi phải đi “học” ở Long Thành (tỉnh Long Khánh)”. Sau 2 - 3 lần bị trả về, vì Trại chưa chuẩn bị xong chỗ ăn ở, đến cuối tháng 6-1975, chúng tôi mới chính thức được “ở tù”.

    Nghe nói trước đây là doanh trại Công Binh của QLVNCH, trên đường đi Long Khánh, cách Suối Tiên khoảng một cây số nếu đi qua đồn điền cao su đối diện.

    Mấy ngày đầu không học gì măc dù chúng tôi rất muốn, học cho xong, về còn “làm ăn”.

    Chúng tôi chỉ vệ sinh trại, soạn đồ đạc, nghỉ ngơi, và, đợi ngày học…

    Một hôm, theo lệnh quản giáo, chúng tôi tụ tập ở căn nhà tôn tiền chế, tưởng là đi học.

    Một người bộ đội người miền Nam (không phải quản giáo, có lẽ là Đại Uý ở nơi khác đến), mặc bộ đồ đen, còn một tay, chỉ một ngón tay xuống đám “tù”, nói:

    - Anh nào đang đội cái nón của thằng NCK kia ?

    Vì bất ngờ, chúng tôi nhìn nhau, ráo rác không hiểu, hắn nói tiếp, giọng tức bực:

    - Tôi hỏi, anh nào đang đội cái nón của thằng NCK kia ?

    Anh bạn nghĩ là mình “đang đội cái nón của thằng NCK” chỉ tay vào ngực mình, hỏi lại tên quản giáo:

    - Tôi hả, đồng chí ?

    - Anh, chứ còn ai ? À, mà này, anh gọi ai là “đồng chí” ? Ai là “đồng chí” của anh ? Vớ vẩn.

    Anh bạn “tù” tiu nghỉu, ngồi phệt xuống, mắt không rời tên “dép râu”. Thì ra, “nón của thằng NCK” chỉ là cái nón “lưỡi trai” bình thường, mầu xanh đậm, thanh niên đội nhan nhản ở SàiGòn. Đó là nón NCK thường đội mỗi khi đi công tác. Có lẽ tên “dép râu” này bị gẫy tay ở trận nào đó, nghĩ là bị Không quân VNCH thả bom, trong đó có NCK, và từ đó gã đâm ra oán thù.

    Anh bạn “tù” tiu nghỉu, gỡ cái nón ra, cầm trên tay, ý đợị dịp khác sẽ đội. 6 -7 người khác thấy vậy, cũng làm như thế.

    Tên quản giáo hằn học, trên cao lặng im không nói gì.

    Phó TT/ VNCH bị gã VC dốt nát gọi bằng “thằng”. Ông Kỳ có nghe không? Có bao giờ một tay lính dưới quyền dám gọi bằng “thằng” chưa? Hiện ông đang ở đâu? Ông còn muốn “hòa hợp, hoà giải” với VC nữa không?

    2. Không dại nào giống dại nào.

    Ở B20 tôi có một anh bạn tên Phương. Anh Phương còn rất trẻ, chỉ khoảng 19-20 tuổi thôi. Vậy mà đã đeo trên cổ áo một mai vàng rồi, không biết anh còn “lên” đến đâu nữa.

    Một hôm, mẹ anh tới trại, khóc lóc với tên vệ binh gác cổng. Bà cầm trên tay một xấp giấy, ý muốn “trình” tên vệ binh gác cổng hay ai đó:

    - Chú ơi, sao con tui bị “tù” lâu quá vậy?

    Tên vệ binh lấy làm ngạc nhiên. Gã hỏi lại, giọng kẻ cả:

    - Hàm (21) gì?

    - Binh Nhì. Ừ, Binh Nhì chứ gì? Tui già cả, lại là đàn bà, đâu biết “hàm” chi. Chú xem giấy đây nè.

    - Bác cứ để đây. Về nàm ăn đi. Tôi sẽ trình “Trên” giải quyết. Cần có thời gian mới được. Ba ngày lữa trở nại.

    Ba ngày sau, bà già trở lại. May là gặp lại tên vệ binh cũ đang đi.

    - Sao, bà già đến có việc gì thế ? A, có phải bà đến về vụ con chai không ?

    Bà già mừng quýnh dù chưa biết có đúng hay không.

    - Dạ, đúng. Dạ, đúng. Chính tôi…

    Gã vệ binh đi tới, vừa nói với bà, vừa giở xấp giấy đang cầm trên tay:

    - Này nhé. Con bác là Sĩ Quan “Ngụy” mà. Sĩ Quan “Ngụy” học tập còn nâu mới về. Bao giờ “tiến bộ” mới được về.

    Bà già tỏ ra ngạc nhiên.

    - Rõ ràng, hôm cuối tháng sáu, nó xin bác sáu ngàn rưởi, đóng tiền cơm nửa tháng… để đi “học” mà. Ủa, sao lạ vậy cà?

    - Đây lày, anh ấy khai nà Thiếu Úy.

    - Ủa ? Nó là Binh Nhì mà.

    - Không biết. Có thế mà cũng nàm ầm nên (làm… lên). Nắm (Lắm) chuyện.

    Gã vệ binh trả lời một cách trống không, xấc láo. Bà già nói mà muốn té xỉu.

    - Ủa…Sao con tôi dại vậy kià ?

    Thì ra anh Phương là Binh Nhì (VNCH), phục vụ tại một đơn vị ĐPQ gần nhà. Trong xóm anh có mấy cô gái trẻ, trông cũng “sạch nước cản”. Anh nghĩ cách “tự gắn lon” cho nó “oai” với mấy cô ấy. “Oai” đâu không thấy, chỉ thấy sáu tháng rồi anh vẫn bị “nhốt” chưa về, trong khi các Hạ sĩ quan và Binh sĩ khác chỉ “học” 5-10 ngày tại địa phương rồi về nhà làm ăn, anh mới “tá hỏa tam tinh”, cầu cứu mẹ già. Tội nghiệp bà già, không biết “ất giáp”gì, lật đật cắp nón lên đường.

    19 tháng sau, tôi chuyển trại về Thành Ông Năm, không còn nghe tin về anh nữa, không biết chuyện gì đã xẩy ra cho anh. Tôi thầm cầu nguyện cho anh gặp may mắn, sớm trở về với mấy cô gái trẻ của anh.

    Thật là… không dại nào giống dại nào.

    3. Lên lon Đại Úy.

    Cạnh B tôi có anh Trung Úy Minh (VNCH). Anh M là người Nam, vui tính, bộc trực. Tôi quên không hỏi anh thuộc đơn vị nào.

    Không biết anh bắt gặp điểm gì tốt ở tôi, ngày nào anh cũng qua nói chuyện với tôi, khi thì sáng, khi thì chiều. Bao giờ cũng vậy, tôi đứng ở ngoài trời hay dựa cửa “phòng giam” nói chuyện với anh cho tiện. Vừa gặp tôi, anh đã cười toe toét cái miệng, chờ cho hết người, rồi mới chỉ vào cổ áo:

    - ĐM, đáng lẽ anh đeo ba bông mai vàng rồi, “bọn này” vào, làm trật lấc hết. ĐM.

    Tính anh hiền hòa, thẳng thắn kiểu người miền Nam, gần như mỗi câu đều phải chêm vào một tiếng “ĐM” mới “đầy đủ ý nghiã”. Tôi lại thích như vậy.

    Lần nào gặp tôi, anh cũng cười toe toét, chỉ vào cổ áo và đều nói như vậy.

    Đến giờ phút ấy, anh vẫn “lạc quan tếu” được. Riêng chúng tôi thì buồn muốn chết, không biết đời mình rồi sẽ ra sao.

    Cũng may, anh chưa lên Đại Úy. Nếu anh lên Đại Úy rồi, chắc gì tôi đã có dip gặp anh ở cái “nhà tù” này. Sau những đợt “chuyển trại kế tiếp, không biết anh về đâu. Tôi vẫn thầm cầu nguyện cho anh gặp nhiều may mắn, không bị “đì” vào những nơi “khỉ ho, cò gáy” hay quá lạnh lẽo.

    4. Ăn cắp khoai mì.

    Còn năm ngày đến Giáng Sinh năm 1980 thì tôi được “thả”. Không hiểu lý do, nhưng đầu tiên là “học tập tốt, lao động tốt, chấp hành nội quy tốt”. Lòng vui mừng vô hạn vì “chim sắp xổ lồng”. Mới 5 giờ sáng, một gã quản giáo Trại bất ngờ đọc tên những người được “thả”, khoảng hơn 10 người, trong đó có tôi. Vì còn sớm, chúng tôi phải đợi xe chở ra khỏi rừng. Trong lúc đó, tôi chợt nhớ mình tôi không còn một đồng. Đã 3 năm rồi tôi không có “thăm nuôi” vì nghĩ rằng đường rừng xa xôi, mẹ tôi lại không làm gì ra tiền, tôi không muốn mẹ đi thăm tôi. Mỗi lần đi thăm tôi, mẹ tôi lại phải đến những nhà quen xin xỏ, khi thì cục đường tán, khi thì gói trà nhỏ. Tôi cảm thấy tủi thân.

    Đợt về này, mỗi “cải tạo viên” được phát 12 đồng làm lộ phí di chuyển. CS tính toán y chang. Tôi phải mượn anh bạn “tù” thêm 4 đồng nữa. Tổng cộng trong túi tôi có 16 đồng.

    Tôi nghĩ tới bữa chiều và bữa sáng hôm sau của mình trước khi về tới nhà vì còn rất xa mới thoát khỏi khu rừng này. Hơn 5 năm “tù”, tôi đã được dậy thế nào là “đói” và “cách khắc phục”. XHCS thật ưu việt.

    Bất ngờ tôi thấy có một cái bao cói (lát) vứt trên đường đi. Tôi lượm lên. Nhìn trước nhìn sau dòm chừng mấy gã vệ binh. Thấy không ai để ý đến mình, tôi chui tọt vào rừng mì trước mặt.

    Đây là “vùng nuôi quân” của VC. Khi chiếm được Phước Long, VC trồng ngay khoai mì để nuôi quân và cứu đói mỗi khi cần thiết trong khi tiếp tục “giải phóng” miền Nam. Phước Long là vùng đất đỏ, đất rất tốt. Khoai mì phát triển thật mạnh mẽ vì gặp đất thích hợp.

    Năm phút sau, tôi đã “thu hoạch” được nửa bao. Ước chừng đã đủ, tôi dừng tay. Tôi đã trải qua hơn 5 năm trong nhà tù, nếu bây giờ bị bắt, tôi sẽ đứng dưới cột cờ, trồng lại cây khoai mì khác… cho “nhân dân”. Cái gì người ta cũng nhân danh nhân dân, đem nhân dân ra “hù” dân chúng, nào là Quân Đội ND, Uỷ Ban ND, Toà Án ND, Công An ND, Hội Đồng ND, cả Nghệ Sĩ ND, vv… Tôi sẽ bị “nhốt” thêm “vài” năm. Đó là hình phạt “tuyệt vời” do mấy tên vệ binh “đỉnh cao trí tuệ” nghĩ ra. Mới ra “tù” sau 5 năm rưỡi, bây giờ lại bị “nhốt” thêm vài năm nữa vì “chưa tiến bộ”, chắc không ai muốn.

    Tôi trả tiền xe 8 đồng, còn 8 đồng nữa. Đây mới là bià rừng. Tôi còn phải về Bình Dương, Bến Xe Bình Triệu trước khi về tới nhà.

    Mới hơn 5 năm, tôi đã thấy lạc lõng và lạ lẫm. Sàigòn thật hờ hững. Tôi nhớ đến mẹ tôi.


    Hà Việt Hùng
    Tháng Tư, 2018

    _____________

    Chú Thích:

    1) Một tựa sách của Huy Đức (trong nước) - gồm 2 tập.
    2) Có 2 chuyện khôi hài ở đây. Khi Trung Úy BQT chạy hết các bậc thang dẫn vào dinh, đụng phải một cái cửa kính rất to làm sưng cả mặt, và một chuyện nữa, anh tưởng phòng dẫn lên lầu nếu đi bằng cầu thang máy (escalator) là cái hộp khổng lồ giam người, nên do dự, băn khoăn mãi không dám vào, sợ “nó” nhốt mình không thả ra nữa, sẽ mất dip treo cờ. Đọc tới đây, đủ thấy “cái ngây thơ” của mấy anh “răng hô mã tấu”, suốt đời chưa đi thang máy hay ngồi phòng có gắn máy lạnh bao giờ. Tr/Úy BQT đã qua đời trong thầm lặng năm 2012.
    3) Ông Võ Quang Chiêm, cựu Đại Tá VNCH, Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống VNCH, nói là 12 giờ 30, có hai xe tăng, một nơi cần “ăng ten” có treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam, lao qua cổng chính, vào Dinh. Tr/Úy BQT lấy cờ Giải phóng trên xe, treo lên nóc Dinh. Binh lính VC trên hai xe trước sân, đồng loạt nổ súng chỉ thiên để mừng chiến thắng.
    4) Hàng rào quanh Dinh chỉ dùng phân cách với bộ hành nên không cần phải chắc chắn. Vị này còn cho biết hai cánh cổng chính vẫn mở từ sáng ngày 30-4-75.
    5) Wikipedia.
    6) Ông DVM được cử làm T/Thống VNCH 2 ngày trước khi VC vào tới Sài Gòn. Miễn “tù”. Mất tại Mỹ năm 2001.
    7) Ông NHH là Cựu Ch/Tướng VNCH (đã về hưu, đi theo MTGP từ lâu nhưng không ai biết), được VC xem như một nhân sĩ có “công” với đất nước, hiện còn sống trong nước. Miễn “tù”. Khi ông DVM làm T T, ông NHH giữ chức Phụ tá cho tân Tổng tham mưu trưởng (Trung Tướng Vĩnh Lộc) nhưng ông tướng (VL) này “đã tự di tản” trước khi CS vào tới Sàigòn.
    8) NB Đức Borries Gallasch và Nữ NB Pháp Françoise De Mulder. NB nữ này mất tại Pháp năm 2008.
    (9) Cựu Đại tá Bùi Tín nói ông là Sĩ quan cao cấp duy nhất của CS Bắc Việt có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập khi Tổng Thống VNCH Dương Văn Minh (DVM) đầu hàng. Ông chính là người đi cùng đơn vị xe tăng đầu tiên đâm đổ cổng Dinh Độc Lập, và như vậy, ông là người trực tiếp chấp nhận tuyên bố đầu hàng của DVM (W)10. Theo một Thiếu tướng thuộc QĐNDVN, vào lúc đó Bùi Tín còn là Thượng tá. Và khi Tổng thống DVM đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, các nhà báo còn đang ở bộ chỉ huy quân đoàn 3 (Củ Chi). Cũng theo vị tướng này, ông Bùi Tín chỉ có mặt ở Dinh sau khi Tổng thống DVM từ đài phát thanh trở về (Wikipedia). Nhà báo người Đức Borries Gallasch không bao giờ nói đến ông BT.
    Ông BT có đính chính chuyện này, nhưng hình như không ai nghe hoặc nghe không rõ. Biết đâu ông cũng muốn vậy. Từ 1990, Đại Tá BT bỏ ĐCS, xin tị nạn chính trị tại Pháp.
    (10) Wikipedia.
    (11) Luật Sư VVM được cử làm Thủ Tướng sau khi ông DVM “lên ngôi”. Sau 30 tháng Tư, ông được miễn “tù”. Mất tại Pháp năm 1998.
    (12) Dân Biểu Lý Quí Chung thuộc nhóm đối lập, thường tự xưng là thành phần thứ ba do do ông đại diện, Bộ Trưởng Thông Tin trong Chính phủ mới. Ông LQC đến trước mặt tên lính CS, tự giới thiệu mình là thành phần thứ ba (nghiã là trung lập, không nghiêng về phiá nào) trong chính Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, nhưng tên này hét to lên: “Ở đây không có thành phần nào hết, ngồi lại đằng kia”. Thế mới biết, khi mất nước là mất tất cả. Miễn tù”. Sau 30 tháng Tư 75, CS không tin tưởng ở ông. Ông qua đời năm 2005 tại VN.
    13) Đại Úy Phạm Xuân Thệ (Trung tướng Tư lệnh Quân khu 1 trước khi về hưu năm 2008),Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Bộ Binh, thuộc Quân đoàn 2, cũng nói rằng ông chính là người đã dẫn độ TTDVM từ Dinh ĐL đến Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng “vô điều kiện”. Hai người ngồi chung một ghế, cạnh tài xế (?), ghế sau có hai cảnh vệ và ông VVM. Có sách (B. Galllasch) sau này viết chính PXT đã bắt TT/DVM là không đúng.
    14) Tiểu Đội Trưởng Trần Đức Tình (Thái Nguyên) cho biết ông cũng là người đã chạy theo BQT, cắm cờ trên nóc Dinh ĐL.
    15) Tại Đài Phát Thanh QĐ, thoạt đầu ông VVM viết “lệnh đầu hàng” nhưng “bên thắng cuộc” nói với Tr/ Úy Chính Ủy (VC) Bùi Văn Tùng (Trung tá Bùi Văn Tùng, Nguyên Chính ủy Lữ đoàn tăng 203 (sau là Đại tá, đã nghỉ hưu viết bản khác. BVT phải mất 15 phút mới viết xong (?).
    16) Có thể vì bị bối rối hay bấn loạn, ông DVM đọc đến lần thứ ba mới được.
    17) Một nước có nhiều dân nhất ở Trung Á, trước đây một phần thuộc Nga (200 năm), gần Afghanistan, (trước kia gọi là A Phú Hãn).
    Chính nước này đã đá VCK U-23 Châu Á 2018 tại Trung Hoa ngày 27-1-2018. Đội U-23 VN được ca ngợi như những “anh hùng” dù thua 1-2. Có cả những cô em “hơ hớ” đi qua đi lại, theo sáng kiến quảng cáo của “bà chủ” VietJet Airlines (một hãng máy bay trong nước), hoặc có những em đứng trên xe gắn máy, “cởi hết đồ nghề” cho mọi người xem. Đó là món “đặc sản” VN và là cách “ăn mừng” theo kiểu CS.
    (Dù không thuộc phạm vi bài này, cũng cần nói thêm, nên phân biệt với Argentina (Á Căn Đình, là nước lớn thứ hai ở Mỹ Latin, kế bên Paraguay, có cầu thủ Messi).
    18) Tùy nơi sinh và ở, phần lớn những người này đều nói ngọng (nói đớt). Họ không phân biệt được âm /m/ và âm /n/. Việt Nam thì họ nói là Việt Lam, đi làm thì nói là đi nàm, lòng lợn là nòng nợn, vân vân.
    19) NCK là Phó TT thời Đệ Nhị VNCH. Ông này có tật tuyên bố vung vít, ngổ ngáo như vụ tại nhà thờ Vinh Sơn, rồi ngay hôm sau ông “dzọt” mất, bất kể đồng bào của ông ra sao. Ở hải ngoại, ông kêu gọi “hòa hợp, hoà giải” với VC. Có người nghĩ phải chi ông ở lại VN sau 30 tháng Tư 75 thì…hay quá. Không biết khi đó ông còn dịp kêu gọi “hòa hợp, hoà giải” nữa không. Stanley Karnow (Vietnam - A history) nói ông Kỳ “giống như một tay thổi kèn saxo trong một hộp đêm hạng tồi.” Nhà văn Frances Fitzgerald (Fire on the Lake) cho rằng ông Kỳ là “một kẻ lừa bịp,… một tướng lãnh làm mất lòng tin của mọi người, và ông ta không có khả năng cầm binh.”
    20) Cách phân chia “đơn vị” của VC (cỡ 1 Trung đội hay hơn, platoon). A (tiểu đội, squad), C (Đại đội, company), D (Tiểu đoàn, batallion), E (Trung đoàn, regiment), F (Sư đoàn, devision) hay Công trường (CT), v.v.
    21) Quân hàm, cấp bậc (rank).

    Nguồn : http: batkhuat.net


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X