Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhật Ký không thứ tự của một người Đàn Bà

Collapse
X

Nhật Ký không thứ tự của một người Đàn Bà

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhật Ký không thứ tự của một người Đàn Bà

    Nhật Ký không thứ tự của một người Đàn Bà


    CD

    (Viết hộ một người bạn)


    Thứ sáu, 10/10/201…
    Buổi chiều nay vừa đi làm về, con bé Lily gọi điện thoại nói bà chuẩn bị mai bố mẹ con sang đón bà lên nhà chơi. Tuy mệt nhưng lòng vẫn vui vì con cháu nhớ tới mình. Bốn đứa con, đứa đã ra trường, đứa lập gia đình ra ở riêng, đứa ở trong “campus” chỉ thỉnh thoảng mới về thăm mẹ, thăm nhà.

    Trời hôm nay đã bắt đầu trở lạnh, cái lạnh chuẩn bị tiễn thu đi và đón đông về, lòng buồn man mác vì đã từ lâu nàng sống cô đơn như vậy sau khi chia tay ông chồng đầu ấp tay gối. Trong một lần về Việt Nam chơi, ông ta đã phải lòng một cô gái trẻ, tuy chẳng thuộc gia đình ăn học tử tế, nhưng hình như đến một tuổi nào đó, một số đàn ông họ không còn quý cái giá trị của gia đình mà hối hả đi tìm những thú vui mang lại cho họ cảm giác trẻ lại.

    Những người phụ nữ mà trước đó có thể họ đã trề môi dè bỉu, nào là “sến”, nào là ít học, thì nay họ ôm gọn trong vòng tay không chút ngại ngần mà còn đôi lúc hãnh diện vì có được một cô bồ “nhí”.

    Tắm vội vòi sen nước ấm, nàng lau mình và leo lên giường, nhìn qua khung cửa số tới mảnh vườn con trước nhà. Các cây hoa vẫn nở đủ mầu sắc, nàng nằm đó chẳng nghĩ tới ăn tối, thường thì cũng chỉ là một chén cơm với một chút thịt kho hay mắm chưng.
    Dù ở nước ngoài đã mấy chục năm nhưng nàng hoàn toàn không ăn được các món ăn phương tây, cứ chút rau cà mắm đậu là đủ một bữa cho nàng. Nàng nằm đó nghĩ về những biến cố đã qua trong cuộc đời mình.

    Cái ngày hai vợ chồng xách 3 đứa con vượt biên từ Việt Nam, may mắn không gặp cướp biển, được đón lên đảo Bidong rồi lên đất Mỹ, những tưởng cuộc đời từ nay đã mỉm cười với mình. Hai năm sau một đứa con nữa ra đời trong sự vui mừng của hai vợ chồng vì đó là đứa con trai và cũng là đứa cháu trai duy nhất của giòng họ nội.

    Hai vợ chồng cùng lo làm ăn, chồng đi làm nuôi vợ ăn học và khi vợ đã có tấm bằng trong tay thì tới phiên chồng. Gia đình nàng tuy không phải là triệu phú nhưng cũng là mơ ước của bao nhiêu người tha hương trên đất khách quê người. Vợ chồng chăm chỉ làm ăn, tích góp mua được căn nhà. Các con cũng học hành chăm chỉ, dần dần đỗ đạt chỉ còn thằng út là còn phải tiếp tục hai năm cuối đại học là nàng xong nợ con cái.

    Nhưng định mệnh trớ trêu, đúng lúc nàng đang vui hưởng hạnh phúc gia đình thì ông chồng về thú nhận mọi việc và tuyên bố muốn về VN sinh sống. Dĩ nhiên với chút lương hưu ở Mỹ, ông có thể về VN sống tuy không xa hoa nhưng cũng đầy đủ kẻ hầu người hạ, kèm thêm một phụ nữ trẻ nâng khăn sửa túi.

    Nàng đã sững sờ khi nghe lời yêu cầu của chồng mình, là anh đó sao? người đàn ông duy nhất mà nàng yêu và nghĩ sẽ sống suốt cuộc đời còn lại thế mà! Nhưng tự ái không cho phép nàng năn nỉ hay cầu xin gì, những thủ tục ly dị được xúc tiến ngay sau đó.

    Nàng không bao giờ có thể ngờ rằng đến một ngày hai vợ chồng phải ra tòa để tranh giành nhau từng ty từng tí một, cái gì cũng được chia đôi, căn nhà đã đành, nàng chấp nhận “thối” lại tiền cho ông chồng để giữ lại căn nhà cho mình và các con sinh sống.

    Còn bao nhiêu thứ khác phải phân xử nhưng nàng “shock” nhất là những hóa đơn điện nước cũng được ông chồng chi li từng chút. Ngày nào hai vợ chông còn chung sức xây dựng một mái ấm gia đình, ngày nay trước tòa như hai kẻ thù không nhìn mặt nhau.

    Cũng may là nàng đang sống và đã là công dân của một đất nước văn mình nên quyền lợi của người phụ nữ được bảo đảm tới mức tối đa. Như các bạn nàng còn ở lại VN nghe nói, khi ly dị chỉ được hưởng tiền trợ cấp tính ra bằng ít kg gạo mà cũng chẳng có chế tài nào buộc các lão chồng phải chấp hành thật là tội nghiệp.


    Thứ hai…
    Buổi sáng thứ hai bao giờ cũng làm cho mọi người ngao ngán sau ngày nghỉ cuối tuần, dù đây là một cái job mà nàng yêu thích nhất từ trước tới giờ nhưng cũng không tránh được cái uể oải của buổi làm việc đầu tuần. Sau buổi ăn trưa, nàng được thư ký của tên giám đốc người Mỹ mời lên văn phòng.

    Lòng cũng lo lo, không biết hắn sắp giao cho mình việc gì mới hay khiển trách mình về việc gì, nhưng tự xét lại bản thân nàng luôn luôn hoàn thành tốt công việc được giao nên nỗi lo lắng cũng chẳng kéo dài.

    Hồi này kinh tế khó khăn, chỉ có một khả năng duy nhất là những người làm lâu năm và có nhiều kinh nghiệm như nàng có thể bị “retrenched” để hãng thuê mướn những người trẻ hơn, tuy ít kinh nghiệm nhưng trả lương thấp hơn, tiết kiệm chi phí cho hãng.

    Đúng 3 giờ nàng lên gặp Giám Đốc, hắn báo tin rằng nàng đã được thăng chức lên trưởng phòng, vừa vui mừng vừa lo lắng, xen chút hãnh diện vì được sếp tin tưởng giao phó trọng trách.

    Buổi chiều về nhà, việc đầu tiên nàng làm là gọi điện thoại báo tin mừng cho các con. Đứa bày tỏ niềm vui, đứa lo lắng vì chắc chắn trách nhiệm sẽ nặng nề hơn. Sau đó là đến cô bạn thân nhất, người đã thường chia xẻ với nàng những lúc khó khăn trong cuộc đời.


    Thứ năm…
    Buổi chiều nay đi làm về, nàng cảm thấy trong người không khỏe, cứ như ngai ngái sốt. Nàng luôn nghĩ mình khỏe mạnh vì nàng chẳng hút thuốc, cũng chẳng uống rượu, lối sống thật là “healthy”. Chỉ có điều do công việc quá bận rộn, nàng chẳng bao giờ ra khỏi sở trước 7 giờ tối nên không có thì giờ tập thể dục.

    Hôm nay tự nhiên thấy nhớ mấy đứa cháu ngoại, nàng lái xe thẳng lên nhà con gái thăm hai đứa, nghe chúng nó mách nhau mà lòng thật vui. Những đứa cháu mang hai giòng máu, nhưng có nét Á đông nhiều hơn, nên trông thật xinh xắn đáng yêu.

    Bây giờ chúng là lẽ sống của nàng và tuần nào cũng vậy, ít nhất một lần nếu bố mẹ chúng không chở xuống thăm thi nàng cũng phải lọ mọ lên nhà thăm chúng.

    Thằng con rể người Mỹ hiền lành dễ chịu, yêu quý vợ con làm nàng an tâm con gái mình đã tìm được người tốt, tuy đôi lúc cũng hơi lo nghĩ chẳng biết ra sao ngày sau chỉ cầu mong chúng đừng rơi vào tình trạng như mình.


    Thứ ba…
    Những ngày kế tiếp, nàng cũng thấy không khỏe lắm và người vẫn tiếp tục ngây ngấy sốt. Nói chuyện với một con bạn thân, nó bảo “mày phải đi làm X-ray phổi đi vì có thể mày bị phổi nên hay sốt đấy”.

    Nghe lời bạn, nàng xin BS của mình cho đi chụp hình phổi để kiểm tra, kết luận phổi trong tốt, không tì vết. BS nói có lẽ do làm việc quá sức có thể nàng bị mệt mỏi vài ngày sẽ hết với điều kiện giảm bớt giờ làm việc lại.

    Nghe lời BS mấy hôm đầu nàng quyết định ngừng việc lúc 18:00, nhưng chỉ được vài ngày công việc lại cuốn hút nàng vào và lại phải đến 19:00 mới rời văn phòng. Một lý do khác nữa là về nhà làm gì vì rốt cuộc cũng chỉ có một mình, còn nhà con gái chẳng lẽ ngày nào cũng bò lên làm phiền vợ chồng chúng, thôi thà ngồi trong văn phòng làm cho xong việc, vừa giết thời gian, vừa không phải nghĩ ngợi lung tung.


    Thứ bảy….
    Hôm nay nghỉ ờ nhà, mới chỉ cắt tỉa vài cụm hoa trong vườn mà sao nàng đã thấy mệt vã mồ hôi, hai má nóng bừng. Nàng thử cặp thủy thì thấy mình lại sốt 38 độ, lại điện thoại cho nhỏ bạn thân là BS, nó bảo :

    - Nếu phim phổi mày OK mà vẫn sốt thì nên đi BS để xin check up tổng quát lại vậy.

    - Nhưng hãng mới cho tao làm “check up” mới có 6 tháng trước thôi - nàng cố cãi bạn.

    - Thì tao lo cho sức khỏe mày đề nghị mày thế còn tùy mày… - nhỏ bạn bắt đầu hơi giận dỗi.

    - Thôi được để thứ hai tao vào hãng tìm người thay rồi xin đi khám tổng quát lại.


    Thứ năm…
    Hôm nay đang làm việc, nàng nhận được một số điện thoại lạ, hóa ra đó là của vị bác sĩ thuộc clinic mà hãng chỉ định nhân viên đến khám sức khỏe. Ông BS nói rằng cần gặp nàng để bàn chút việc riêng, một linh cảm không hay chợt vụt qua đầu, nhưng nàng lại tự an ủi “mà chắc chẳng sao đâu…”

    Tan sở nàng chạy vội lại clinic, ông BS có vẻ nôn nóng khi đợi nàng, người bệnh nhân cuối cùng.

    - “I am afraid that...”

    Nàng chỉ nghe ông BS nói đến thế thì lỗ tai ù không nghe thấy gì nữa. Nội dung là sau những xét nghiệm máu mà nàng vừa làm mấy ngày trước, ông nghi ngờ nàng bị ung thư máu vì có sự xuất hiện của một số tế bào lạ, nàng muốn hét lên thật to “không thể như thế được…” nhưng rồi lại im lặng và hỏi

    - Vậy tôi phải làm gì kế tiếp?

    - Tôi sẽ gởi bà đi làm thêm một xét nghiệm máu nữa

    Suốt ngày hôm đó nàng không ăn được gì vào bụng nữa, buổi tối trở về nhà nàng thấy mình như người đã chết. Nếu sự thật chuyện đó xảy ra thì sẽ ra sao, cuộc sống đang yên bình với các con các cháu sẽ bị đảo lộn như thế nào?

    Nàng cứ nằm trên giường mà trằn trọc mãi dù cố dỗ giấc ngủ đề ngày mai còn dậy sớm đi làm, gió ngoài khung cửa sao cứ rít lên từng hồi tựa như đang than trách cho số phận hẩm hiu của nàng.


    Chủ nhật…
    Lại một weekend nữa trôi qua, lại lái xe lên gặp con cháu, nhưng nàng chưa muốn nói cho chúng nghe tình trạng của mình khi chưa biết kết quả lần xét nghiệm thứ hai. Con gái hỏi:

    - Mẹ có gì lo nghĩ ở hãng không?

    - Không không có gì hết, mẹ chỉ hơi mệt thôi.

    - Cu Bi lại chơi kéo co với bà kìa.

    Nàng cố quên mọi việc để chơi với hai đứa cháu ngoại đáng yêu của mình, một ngày nào đó không xa nàng sẽ chẳng còn được gặp chúng nữa, nghĩ đến đấy tim nàng thắt lại...

    Sau khi dùng cơm tối với gia đình con gái xong, nàng lại lái xe về. Con đường hôm nay sao dài lê thê, nàng vừa lái xe vừa suy nghĩ đến cái giờ phút khó khăn khi phải nói với con về bệnh tình của mình.

    Khi thì nàng định nói với đứa con gái đầu để nó nói với các em, khi thì nàng thấy không nên đặt gánh nặng đó lên vai con bé lớn nhất mà chính nàng phải là người báo cho các con biết cái tin khủng khiếp đó.

    Sau những sợ hãi tột cùng về cái chết, có những lúc nàng cũng cảm thấy thanh thản khi nghĩ rằng, thôi thì thế cũng xong một đời người, ai chẳng phải chết, ít nhất thì con mình cũng đã trưởng thành và ra trường đại học, chỉ còn thằng út chẳng lẽ ba chị nó không lo được cho nó.

    Buổi tối nàng thiếp đi vì quá mỏi mệt, cả tinh thần lẫn thể xác. Nàng mong cho mau tới sáng thứ ba vì đó là ngày mà bản án tử hình của nàng được chính thức xác nhận.


    Thứ ba…
    Trong cuộc đời có những ngày người ta mong mỏi nó đến sớm vi mang lại tin tốt lành, nhưng cũng có những ngày người ta biết trước nó sẽ mang tin xấu mà vẫn mong mỏi, trong sự tuyệt vọng bao giờ cũng lóe lên một chút hy vọng dù nhỏ nhoi.

    Buổi chiều nàng đến phòng mạch BS cùng con gái lớn như lời yêu cầu của bác sĩ. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng chân nàng vâẫn như khuỵu xuống khi nghe BS tuyên bố:

    - I’m so sorry to let you know the bad news …

    Chỉ đến đó thôi là tai nàng lại lùng bùng không còn nghe thấy gì nữa, nàng chỉ còn biết cám ơn BS và kiếu từ ra về sau khi ông đã viết giấy “refer” nàng sang một “specialist” để chữa bệnh ung thư máu.

    Nàng ngồi trên xe yên lặng bên con gái, hai hàng nước mắt chẩy dài. Nàng cầu mong sao có một sự gì đó xảy ra giúp nàng kết liễu cuộc đời khốn khổ này nhanh chóng hơn, tại sao có biết bao nhiêu người trên thế gian này mà điều xấu lại rơi vào đúng ngay nàng, tại sao sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, ông trời vẫn không tha cho nàng…

    Về đến nhà nàng bắt đầu nhìn từng góc nhà, sờ từng đồ vật như thể chỉ vài ngày nữa thôi là nàng phải bỏ lại tất cả phía sau để về bên kia thế giới. Rồi những chiếc sofa, những cái giường, cái tủ, cái kệ sách … những thứ đã quen thuộc mỗi ngày với nàng sẽ không còn nhìn thấy chủ nó nữa, chúng sẽ vẫn còn đây trơ lì mãi mãi trong khi thân xác nàng sẽ từ từ thối rữa ra. Thượng đế ơi, con có làm gì nên tội mà phải chịu nhiều đau khổ, hay tại kiếp trước con tàn ác nên kiếp này phải trả?


    Thứ tư…
    Nàng gọi điện thoại vào sở cho tên Giám Đốc, xin nghỉ bệnh, có còn gì nữa đâu mà phải giữ gìn cái “job” đã nuôi sống mình và các con bao nhiêu năm qua. Đối với nàng bây giờ chẳng có gì còn quan trọng trên cõi đời này bằng sự sống, nàng vẫn muốn sống để nhìn thấy các cháu trưởng thành, để khi về hưu có thể cùng các bạn già đi chùa làm từ thiện mà sao trời chẳng chiều lòng. Nàng nhìn xung quanh mình, thầm ghen tị với những người bạn vừa có hạnh phúc gia đình vừa có sức khỏe tốt, sao lại là ta hở trời?


    Thứ sáu....
    Rốt cuộc thì nàng cũng phải báo cho sở biết vì sẽ phải mất thòi giờ đi làm chemo, tối qua nàng cũng đã lấy hết can đảm nói chuyện với các con về bệnh tình của mình. Con bé thứ ba khóc ngất, còn hai đứa lớn và thằng út thì chỉ sụt sịt chút ít, dù sao chúng cũng thấm nhuần cái văn hóa của người phương Tây là không khóc lóc thảm thiết như người phương Đông khi có chuyện buồn.

    Những buổi chemo đầu tiên làm nàng cảm thấy buồn nôn nhưng những cơn sốt cũng không còn. Mỗi lần chemo xong nàng trở về nhà nằm vật vã vài tiếng trước khi có thể ngồi dậy nấu cho mình chút đồ ăn. BS không bắt kiêng gì nhưng có sơn hào hải vị bây giờ đặt trước mặt nàng, nàng cũng chẳng thèm muốn. Tự nhiên nàng có một ý nghĩ thật ngộ nghĩnh phải chi ông trời cho nàng đổi tất cả những gì đang có, công việc, nhà cửa, tiền trong tài khoản ngân hàng … chỉ để cho nàng cuộc sống êm đềm như bao nhiêu người bình thường khác.

    Rồi cuộc chiến với căn bệnh nan y cứ tiếp diễn ngày qua ngày, nàng ghét những ánh mắt thương hại của đồng nghiệp, ghét cả những câu an ủi của BS rằng nếu tích cực chữa chạy rồi cũng qua. Tại sao ông ta hèn hạ không nói thẳng với nàng rằng bà chỉ còn vài tháng nữa nên cứ bình tĩnh làm những gì mình thích rồi ra đi nhẹ nhàng, thế có phải hơn không?

    Ngày xưa nàng rất sợ chết, đi máy bay sợ rớt, lái xe sợ có đứa say rượu đâm xầm vào, đi ngang qua cầu thì sợ cầu sập… những cái sợ thật vu vơ và giầu tưởng tượng khiến cho lũ bạn luôn cười nhạo nàng. Giờ đây đến gần với sự chết, nàng bỗng dưng gan dạ ra, mà không gan dạ cũng chẳng có lựa chọn nào khác, nàng chỉ sợ đau đớn vì đã chứng kiến một người đồng nghiệp vì “cancer” tử cung, trước khi mất đã rống lên đau đớn như một con vật bị chọc tiết.


    Chủ nhật…
    Hôm nay các bạn nàng đề nghị kéo đến thăm, đã hơn hai tháng nay nàng không tham dự bất kỳ buổi họp mặt nào, nàng thật sự chẳng muốn lũ bạn chứng kiến sự tiều tụy, xuống sắc của mình. Nhưng làm sao được khi chúng cứ nhất quyết ghé thăm, các bạn nàng ngày xưa chung một mái trường, giờ đây ai cũng có tuổi, có con có cháu, có nhiều mảnh đời khác nhau hoàn toàn. Nhưng nàng nghĩ dù có đau khổ chật vật khó khăn như thế nào thì họ cũng vẫn hạnh phúc hơn nàng vì họ đang có sức khỏe, chưa bao giờ nàng thèm có sức khỏe như bây giờ. Họ cố cười nói, làm trò hề cho nàng cười nhưng miệng cười mà trong lòng méo xệch, nàng thèm quá những thân thể khỏe mạnh, những ngày vui chơi đây đó cùng đám bạn thân.

    Cuộc vui rồi cũng tàn, sau khi giúp dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, các đứa bạn cũng kiếu từ ra về. Giá như lúc xưa còn khỏe, thế nào nàng cũng ngồi dậy sắp xếp lau chùi lại bếp núc và chén bát theo ý mình, nhưng hôm nay phần vì mệt mỏi, phần chán nản, nàng cứ nằm ý ra đó chẳng thiết làm gì.


    Thứ ba…
    Hôm nay đã là bốn tháng nàng không còn đến sở làm việc, mà theo như các đồng nghiệp thì công việc của nàng cũng đã có người thay thế vì cuộc mưu sinh vẫn phải tiếp diễn với bao người khác và dù theo lời của tên Giám Đốc thì cũng chỉ là thay thế tạm thời chờ nàng bình phục.

    Chưa bao giờ nàng thấy mọi người giả dối với mình như thế, cứ nói thật ra rằng bệnh của nàng là bệnh nan y không chữa khỏi, cứ cho nàng biết mình sắp từ giã cõi đời để nàng có thể chuẩn bị mọi thứ cho con, cho cháu sau khi mình từ giã cõi đời.

    Nàng chợt nhớ tới mẹ mình, cũng may mẹ đã mất nếu không lại đau khổ vì căn bệnh của mình. Nàng nhớ cả ngày xưa khi còn khỏe mạnh, nàng vẫn thường thương tiếc và đau xót cho những người chết bất đắc kỳ tử, vì “stroke”, vì “heart attack”, vì đụng xe, những người mà chỉ vài phút trước vẫn vô tình không biết đó là những phút cuối cùng của cuộc đời mình và nàng vẫn thầm mong nếu có tới số thì cho nàng biết trước để chuẩn bị những gì còn lại cho người thân. Giờ đây khi đối diện với cái chết đang ngày càng tới gần, nàng bỗng thấy khó khăn và sợ hãi vô cùng, thật là không có cảm giác nào ghê sợ hơn cảm giác mình sắp nhắm mất xuôi tay mà bất lực không làm gì được.


    Thứ bảy…
    Các con từ khi nghe tin nàng bịnh, hầu như cuối tuần nào cũng thu xếp để mang các cháu về chơi với mẹ, hình như chúng cũng đang chạy nước rút với thời gian còn lại ít ỏi của mẹ. Hôm qua nàng vừa được BS cho truyền máu, lúc truyền xong thì cũng khỏe ra nhưng hôm nay cơn sốt lại đến, nàng chỉ chơi được với đám trẻ con chừng nửa tiếng thì cảm thấy mệt và ngộp thở đành từ giã các cháu vào phòng nằm.

    Chưa bao giờ mà trời mưa nhiều như năm nay, những cơn mưa bất chợt đến và qua đi nhanh chóng như những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời nàng. Nàng nằm trên giường nhìn cây cỏ vươn cao xanh mướt xen lẫn hoa lá đủ màu, những con hummingbird đủ màu đang nhảy nhót ca hót trên những cành cây còn lắng đọng những giọt mưa, một bức tranh thiên nhiên thật đẹp. Hình như khi mưa đến, cây cỏ luôn xanh tốt hơn, rồi tất cả sẽ vẫn hiện hữu, vẫn đẹp đẽ như thế này ngay cả khi nàng không còn nữa, chúng hình như đang vô cảm với nỗi đau của nàng. Thiếp đi trong giấc ngủ, nàng vẫn mơ hồ nghe tiếng cười đùa của các cháu ngoại bên ngoài, nàng có cảm giác như mình đang từ trên những tầng mây cao vút tuột mình rơi xuống thật nhẹ nhàng, không sợ hãi không đau đớn mà êm dịu đến lạ thường.


    Thứ hai....
    Ôi sao mọi người hoảng hốt chung quanh nàng, lại có cả “Ambulance” ghé nhà nàng, các con nàng chạy ngược chạy xuôi lo lắng… chỉ đến khi vị BS đến thăm nàng và tuyên bố rằng đã tuyệt vọng vì nàng đã không còn thở, không còn nhịp tim nữa, các con nàng bụm miệng lại để không bật ra tiếng khóc thì nàng mới biết là mình đã chết, đã không còn tồn tại trên cõi đời nữa.

    Nàng cố khều tay gọi đứa con gái lớn mà sao cánh tay không nhấc nổi lên, nàng cố kêu lên khe khẽ rằng “con ơi, mẹ vẫn còn tỉnh, còn thấy tất cả..” mà sao đầu lưỡi tê cứng. Sự chết là như vậy sao? Ta vẫn thấy, vẫn cảm nhận được những người xung quanh mà chẳng ai hiểu ta nữa sao?


    Thứ ba…
    Nàng không còn được nằm nhà nữa mà người ta bỏ nàng vào một căn nhà khác, xung quanh nàng tràn ngập hoa lá đủ mầu sắc, tỏa hương thơm phức. Rồi lần lượt bao nhiêu người thân và bạn bè đến viếng thăm, những cô bạn mọi ngày vẫn vui cười chọc ghẹo nàng sao hôm nay mang bộ mặt trang trọng đến lạ thường. Sao ai cũng u sầu khóc lóc trong khi nàng vẫn hiện hữu ở đây trước mặt họ. Nàng muốn ngồi dậy cám ơn họ và nói cho họ biết rằng nàng thấy rất thanh thản nhẹ nhàng, đầu óc minh mẫn, không còn những cơn sốt hành hạ nữa, thế mà không được.

    Tại sao mọi người lại khóc, tại sao mọi người không mừng cho nàng đã thoát ra những đớn đau của thể xác, tục lụy của trần gian. Nàng chỉ nuối tiếc một điều đã không sống thêm một thời gian nữa với các con, các cháu.

    Rồi người ta đem nàng vùi lấp vào lòng đất, hồn nàng thoát ra nhẹ nhàng, từ đây nàng có thể thanh thản ghé thăm những người thân yêu của mình, dù họ không thấy nàng, nhưng nàng luôn bên cạnh họ để phù hộ cho họ trong cuộc sống đầy phù du này.

    Nàng muốn nhắn nhủ với mọi người hãy ngừng u sầu, ngừng khóc than cho nàng vì nàng thực sự vẫn sống và sống thanh thản. Nàng muốn mọi người hãy chấp nhận cái chết một cách tự nhiên và nhẹ nhàng như một ni sư đã nói với nàng “con ơi, khi ta chết cũng chỉ giống như ta khoác một chiếc áo khác thôi”. Chợt những câu thơ của ai đó mà ngày xưa nàng rất yêu thích lại hiện về trong đầu nàng :

    Người ơi nếu một mai tôi chết.
    Đừng khóc lời buồn buổi tiễn đưa.
    Đừng trồng hoa thắm nơi an nghỉ.
    Đừng cắm hoa tang trước mộ bia.
    Hãy để cỏ non xanh biếc mọc…


    Vâng hãy để cỏ non mọc thật xanh biếc, một cách thật tự nhiên vì nàng là người yêu thích thiên nhiên và sự đồng cảm nhẹ nhàng, nếu còn nhớ đến nàng hãy thỉnh thoảng ghé ngang, thắp cho nàng một nén hương tưởng nhớ, thế là quá đủ cho một cuộc đời…


    CD
    Cali Cuối Đông 2018


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X