Thông báo

Collapse
No announcement yet.

50 năm cuộc thảm sát Mậu Thân (1968-2018)

Collapse
X

50 năm cuộc thảm sát Mậu Thân (1968-2018)

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 50 năm cuộc thảm sát Mậu Thân (1968-2018)


    Toàn thể dân Việt đang bước vào thời điểm tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân (1968-2018). Đây là sự kiện thuộc hạng đáng ghi nhớ nhất trong Việt sử vì nhiều mối liên hệ: ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết dân tộc, cuộc tấn công của Cộng sản VN bất chấp tuyên bố hưu chiến, sự thất bại thảm hại của cuộc tổng tấn công về mặt quân sự và chính trị, tội ác đã gây ra cho chính Đồng bào Việt Nam, thái độ cố chấp của Cộng sản không nhìn nhận sai phạm của họ, dù đã nửa thế kỷ.

    1- Trước hết, xin nhắc lại những thời điểm then chốt: Ngày 19-10-1967, nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27-01 đến 03-02-1968 (tức 28 tháng Chạp đến 05 tháng Giêng Mậu Thân, 8 ngày). Ngày 17-11-1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam –tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động “giải phóng miền Nam” nhưng thực chất chỉ là công cụ của Hà Nội– long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.

    Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16-12-1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ 30-01 đến 01-02-1968 (3 ngày, mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân). Sau tuyên bố vừa kể, đa phần quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa được nghỉ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ…

    Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30-01-1968 –đúng thời điểm Giao thừa âm lịch– nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng, mở đầu cái gọi là cuộc “Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”; ở các chiến trường còn lại –do hiểu khác– đã khởi chiến đúng vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 1 tết theo lịch miền Nam). Và chỉ trong vòng 2 ngày, chúng đã tiến vào 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, nghĩa là đánh vào các khu dân cư. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu “tự nguyện ngừng bắn” này của Việt cộng.

    Choáng váng là phải, vì Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay đều xem Tết có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ đó không những là thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới theo định luật của trời đất, nhưng quan trọng hơn, trong văn hóa dân tộc, đó là thời gian dành cho đoàn tụ gia đình, yêu thương hòa giải, cầu mong an lành cho nhau và hy vọng tương lai tốt đẹp. Đó là lúc người ta đốt nén hương dâng lên tổ tiên và những người đã khuất trong niềm tưởng nhớ các kỷ niệm và lời giáo huấn; đó là lúc cha mẹ con cái sum vầy trong tinh thần xí xóa chuyện cũ, sống giây phút hiện tại cách đầm ấm, bên những thức ăn ngon lành và ý nghĩa hay qua những trò vui mang bản sắc văn hóa dân tộc; đó là lúc mọi người cầu chúc cho nhau và hứa hẹn với nhau những điều tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và lịch sử bao cuộc chiến tranh trên đất nước, Việt cộng đã tung ra một cuộc tấn công những người cùng da vàng máu đỏ tại các khu vực cư dân đông đúc vào chính những giờ khắc linh thiêng nầy. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Rượu hồng đã hòa vào máu đỏ! Bánh tét đã trộn lẫn với thịt người !

    2- Nhằm kỷ niệm 50 năm biến cố ấy, đảng và nhà nước VC đã làm lễ ăn mừng sáng ngày 31 tháng 01 tại Hội trường Thống nhất, thành Hồ, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Trước đó họ đã đồng loạt tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia” với đề tài “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, và tung ra 2 bài viết ca tụng cái gọi là “chiến thắng” trong chiến dịch này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

    Mục đích của Hội thảo được Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xác định: “Góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH), lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Dĩ nhiên đó chỉ là tuyên truyền xuyên tạc và nhồi sọ!

    Tại cuộc Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy HCM phối hợp tổ chức ngày 29-12-2017 tại Sài Gòn, nơi có các mục tiêu quan trọng bị tấn công như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sàì Gòn, các diễn giả đã tận lực khoe khoang cho cái gọi là “giá trị của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch HCM; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam…”. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thì huênh hoang nhận định: “Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ…”. Không chỉ có thế, ông Lịch còn bịa thêm rằng: “Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng xây dựng LLVT ba thứ quân, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực từng bước phát triển lớn mạnh. Theo đó, đến cuối năm 1967, lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam đã phát triển lên 278.000 người, được tổ chức thành 190 tiểu đoàn chiến đấu, bố trí bí mật trên khắp các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố tạo sức mạnh trực tiếp, quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta về xây dựng LLVT nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc.”

    Làm gì có cái gọi là “Lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam” do chính người miền Nam lập ra để hình thành “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”! Thật ra đa số trong đội ngũ này là của miền Bắc được đào tạo đưa vào Nam, phối hợp với 30 đến 40 ngàn bộ đội VC được giữ lại trong Nam mà không tập kết ra Bắc theo điều kiện của Hiệp định Geneve 1954, rồi nhập chung với du kích miền Nam để cùng đội mũ tai mèo, đi chân đất, mặc quần xà lỏn, bận áo bà ba đen và tới đâu cũng khoe là “quân giải phóng”. Chính đạo quân “nằm vùng” này là lực lượng nòng cốt để Hà Nội thành lập cái gọi là Quân đội Giải phóng và Mặt trận Giải phóng miền Nam tay sai ngày 10-12-1960. Ông Ngô Xuân Lịch cũng không ngần ngại cho rằng VC đã chiến thắng dòn dã ở Huế như sau: “Đặc biệt, với 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế đã khẳng định sức mạnh của LLVT ba thứ quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng”. Trong “Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục hôm 15-11-2017, VC còn khoe khoang một cách trâng tráo lố bịch: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Cần Thơ chủ yếu tập trung tại vị trí lịch sử Lộ Vòng Cung, kéo dài trong 3 đợt, từ ngày 30-01 đến ngày 30-09-1968, loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, phá hủy 228 máy bay, cùng nhiều đồn bốt, súng các loại ?!?

    3- Điều lạ là tất cả nội dung VC dành tung hô biến cố MT đã không có một chữ hay con số nào nói lên sự tổn thất lớn lao của bộ đội miền Bắc và quân du kích trong Nam. Nhưng người ta còn nhớ khi bộ phim tài liệu dài 12 tập “Mậu Thân 1968” (đầy dối trá vì phủ nhận việc thảm sát thường dân và các hố chôn người) được bắt đầu chiếu trên đài Truyền hình VN từ ngày 25-01-2013, nữ đạo diễn Lê Phong Lan đã cho biết lý do làm phim trễ: nhà cầm quyền VC coi vụ Mậu Thân là “vấn đề nhậy cảm” chẳng ai muốn nói đến. Đó là vì -Lê Phong Lan nói- “sự tổn thất của quân đội nhân dân Việt Nam ở sự kiện này quá nhiều. Tâm sự với tôi khi trả lời phỏng vấn, nhiều chỉ huy các sư đoàn dạn dày chiến trận còn khóc nức lên vì thương lính. Đó là lý do duy nhất”. Trên thực tế, cả quân miền Bắc lẫn du kích miền Nam đã thiệt hại rất nặng. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự thì trong cuộc tấn công ấy, VC đã vận dụng từ 323,000 đến 595,000 quân chính quy và địa phương trong Nam để thực hiện kế hoạch chống lại khỏang 1 triệu 200 ngàn quân VNCH và Hoa Kỳ, với dự kiến chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên kế hoạch lớn lao của Hà Nội đã bị quân và dân VNCH được sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ đánh bại. Khỏang từ 85,000 đến 100,000 quân VC bị loại khỏi vòng chiến, so với thiệt hại của bên kia là trên 6,000 tử thương, ngót 30,000 bị thương và trên 1,000 quân bị mất tích. Theo báo chí của VC tiết lộ vào năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm Mậu Thân, đã có trên 100,000 lính VC mất tích hay vong mạng. Ngoài ra, suốt thời gian biến cố Mậu Thân và đặc biệt tại thành phố Huế bị chiếm đóng lâu nhất, không nơi nào có “nổi dậy” của nhân dân như VC tuyên truyền từ trước cho bộ đội, và cũng chẳng có nơi nào dân bỏ phía Quốc gia chạy sang phía Cộng sản. Hà Nội quả đã thất bại thê thảm về mặt quân sự lẫn chính trị. Chính một sĩ quan cao cấp VC, thiếu tướng Huỳnh Công Thân, “anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân”, tỉnh đội trưởng Long An, tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc “Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân”, trong hồi ký “Ở chiến trường Long An” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1994) đã cho thấy ai thắng ai thua trong kế hoạch vừa điên rồ, vừa phi nhân đó. Còn “độc đáo”, “oanh liệt” hay không thì chỉ cần đọc lại những lời tuyên bố của trung tướng VC Trần Văn Trà nhìn nhận Bộ chỉ huy Cộng sản đã tính tóan sai lầm trong vụ tấn công quân sự Mậu Thân. Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài viết “Về Với Dân, phần 3: Khắc khoải xuân Mậu Thân 1968”, https://nhatbaovanhoa.com/a692/tet-mau-than-1968-nhin-tu-mot-nha-van-dang-vien-cong-san-o-ha-noi có kể rằng khi nghe nhà văn quân đội CS, đại tá Xuân Thiều trình bày: “Tôi thấy Tết Mậu Thân 68 ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều..”. Mới nghe có thế, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: “Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!...” rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn. Phần Chế Lan Viên, một thi nô của VC (nhưng sám hối cuối đời) với chỉ một câu thơ, đã nói lên nhiều ý nghĩa. Ông đã mở đầu bài thơ “Ai? Tôi?” viết năm 1987 như sau: “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng. Chỉ một đêm, còn sống có 30. Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?”

    4- Nhưng phải nói trách nhiệm lớn lao nhất của Việt cộng trước Dân tộc, trước Lịch sử chính là cuộc thảm sát thường dân tại Huế trong 25/26 ngày họ chiếm được thành phố này. Ông Nguyễn Lý Tưởng, nhà sử học, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, người đã sống vào thời điểm xảy ra biến cố Tết Mậu Thân ở Huế và các nơi khác cũng như từng tiếp xúc với một số nhân chứng của cả hai bên (Quốc gia lẫn VC hồi chánh), đã kể lại trong “Cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Vietnam Center (Lubbock, Texas, Hoa Kỳ) từ 13 đến 15-03-2008 như sau: “Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Đông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Đông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Đá Mài... tất cả 23 địa điểm tổng cộng 2326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3,000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích... không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu?!

    Dã man nhất là tại Khe Đá Mài (thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên). VC đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Đa số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (03-02-1968)”

    Về cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, người viết đã có may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn sống của biến cố đó, đã phỏng vấn đương sự và đã ghi lại tường thuật của đương sự trong bài viết dài 6 trang A4: “Biến cố Mậu Thân-Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài” phổ biến tháng 11-2007, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc thảm nạn này. (http://www.duocviet.org/2017/02/05/bien-co-mau-than-cuoc-tham-sat-tai-khe-da-mai/). Những giáo dân Phủ Cam bị thảm sát trong vụ này (công chức, thanh niên, học sinh hiền lành) là nạn nhân vô tội của việc Cộng sản trả thù những chiến binh (lính chính quy và nghĩa quân VNCH) đã cầm súng bảo vệ giáo xứ suốt mấy ngày nhưng sau đó phải rút về Phú Bài vì không được tiếp viện.

    Sự tàn ác vô nhân tính của VC trong cuộc thảm sát tại Huế đã được nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống ở Pháp, chứng nhân biến cố, mô tả như sau trong bài thuyết trình dịp tưởng niệm 40 năm biến cố tổ chức tại Paris ngày 02-03-2008: “Tại Huế, CS lùng bắt thành phần quân-cán-chính, tập trung dân để tổ chức đấu tố, bắn giết, chôn sống tại chỗ một số và dẫn những người còn lại theo làm tù dân - tôi nói tù dân, vì tù là những người dân vô tội - trước khi rút lui tháo chạy trước sức tấn công mãnh liệt của QLVNCH và Đồng minh… Mỗi hố chôn tập thể từ 5, 7 người đến trên 400 nạn nhân như ở Khe Đá Mài. Những nạn nhân nầy bị thảm sát một cách dã man như : Cột chùm lại với nhau và đốt cháy bằng xăng, bắt ngồi trên mìn rồi cho nổ tan xác, chặt đầu, bắn vào ót, đập chết bằng bá súng, đóng cọc từ dưới bàn tọa lên đến cổ, trói tay chân thành từng chùm rồi xô xuống hố chôn sống”.

    Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân CS Tết MT nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008 : “Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…”

    Trong bài nói chuyện tại buổi Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, Việt Báo Gallery ngày 29-3-2008, nhà văn Nhã Ca tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã tố cáo: “Bốn mươi năm trước đây, đúng vào giờ trưa mùng Hai Tết, tại Cửa Đông Ba Huế, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đột nhập, CS khai diễn cuộc tàn sát. Toán nạn nhân đầu tiên gồm 5 thường dân -không hề có người lính Cộng hòa nào. Tất cả bị trói, bắt đứng quay lưng vào tường thành. Dân chúng đứng coi. Súng AK nổ. Từng người gục chết. Sau cuộc hành hình, thân nhân những người bị bắn nhào ra muốn ôm xác. Họ bị đánh, bị đá, bị đuổi. Xác người bị phơi ngày phơi đêm. Nắng. Máu. Giòi bọ… Và cuộc tàn sát tiếp tục. Không bằng súng đạn mà bằng cách chôn sống. Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính chùm xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc. Cứ thế mà chôn hàng ngàn người. Bạn tôi, chị Tâm Túy cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất. Móng tay, móng chân mọc dài hơn. Tóc mọc dài hơn… Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống... Huế Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn sống như thế” (Việt Báo ngày 31-3-2008).

    5- 50 năm đã trôi qua. Nhiều chứng nhân vẫn còn sống (trong đó có kẻ viết bài này), nhiều chứng tích vẫn tồn tại (chẳng hạn ngôi mộ tập thể chôn cất xương cốt của hơn 400 nạn nhân khe Đá Mài tại núi Ba Tầng [núi Bân], phía Nam thành phố Huế, nhưng trong tình trạng bị bỏ hoang phế với trụ bia và hai bàn thờ bị VC phá hủy ngay sau tháng 4-1975), vô số tài liệu đã được công bố rộng rãi trên mạng về cuộc thảm sát cách đây nửa thế kỷ. Thế nhưng đảng và nhà cầm quyền Việt Nam vẫn quyết tâm không thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho Dân tộc và Đồng bào trong những ngày xuân năm 1968, vẫn không giải oan cho các nạn nhân vô tội bị giết bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, vẫn tiếp tục trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy.

    Tâm địa tàn ác ngay cả với đồng bào và thói bất hối lỗi đó đã ăn sâu trong con người Cộng sản, nhất là giới lãnh đạo. Nó bắt nguồn từ Hồ Chí Minh, với bài viết “Địa chủ ác ghê” (1953), bản cáo trạng vu khống và tuyên án tử hình vô tiền khoáng hậu đối với ân nhân của đảng là bà Nguyễn Thị Năm, với việc để cho Trần Quốc Hoàn giết chết người tình đã có con với mình là Nguyễn Thị Xuân; rồi từ bộ Chính trị đảng thời đầu với cuộc Cải cách Ruộng đất giết trực tiếp lẫn gián tiếp nửa triệu nông dân miền Bắc, với cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa làm vong mạng gần 4 triệu đồng bào hai miền đất nước (chết vì đánh trận, chết vì ám sát thủ tiêu, chết vì mìn nổ trên đường, vì lựu đạn ném vào rạp hát, chợ búa, nhà hàng, vì đạn pháo kích vào trường học…). Tâm địa tàn ác và thói bất hối lỗi đó tiếp tục sau năm 1975 với việc tàn sát hơn 100 ngàn quân nhân cán chính VNCH trong các trại tập trung cải tạo, với việc đẩy hàng triệu Đồng bào ra biển khơi hay vào rừng thẳm để chạy trốn chế độ mà một nửa đã vong mạng, với việc gây ra nạn dân oan hàng chục triệu người nay sống dở chết dở, với việc giết oan hàng trăm công dân bị bắt vào đồn, với việc thản nhiên tuyên những bản án tử hình cho nhiều người vô tội như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và mới đây nhất là cho Đặng Văn Hiến, anh nông dân tự vệ giữ đất…. Chưa thấy Việt Cộng hối lỗi bao giờ trước các tội ác đó!

    Bài viết này là một nén hương lòng tưởng nhớ hàng vạn oan hồn biến cố Mậu Thân, trong đó có 5 thầy dạy, 5 bạn học và nhiều thân nhân của người viết, cũng như tưởng nhớ oan hồn của hàng triệu đồng bào nạn nhân từ khi đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện (1930). Ngoài ra, đây cũng là lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN hãy biết thành tâm nhận lỗi trước nhân dân, coi như một bước đầu cho việc hòa giải hòa hợp Dân tộc thực sự. Thêm nữa, đây cũng là lời cảm tạ Thiên Chúa đã giữ cho tôi được sống đến ngày hôm nay để làm chứng nhân cho cuộc thảm sát và cho nhiều chuyện khác trong xã hội VN cộng sản. Bởi lẽ như đầu bài đã nói, nếu không vì hiểu khác mà VC tấn công Huế đêm giao thừa Mậu Thân thì ắt hẳn sáng ngày mồng 1 Tết tôi đã phải chạy lên trú ngụ tại nhà thờ Phủ Cam (để sau đó bỏ thây tại Khe Đá Mài), thay vì về làng quê Dương Sơn (cách Huế khoảng 8km) ăn tết và đã khỏi chung số phận với hơn 400 thanh niên hiền lành của giáo xứ Phủ Cam, nơi tôi đã và đang sống.


    Huế ngày 04-02-2018

    Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.

    (https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/50-years-hue-massacre-02052018112221.html)

  • #2
    Tưởng Niệm 46 Năm: Tội Ác Thảm Sát Dak Son Của Đoàn Quân Cộng Sản

    Lời giới thiệu:


    Không chỉ ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968, CSVN mới thi hành những tội ác trời không dung đất không tha, mà trong suốt chiều dài cuộc chiến, chúng còn ra tay tàn sát một cách man rợ hàng chục nghìn đồng bào vô tội ở những nơi khác, trong số đó có 252 đồng bào Thượng, đa số là phụ nữ và trẻ em, đã bị chúng dùng súng phun lửa thiêu sống tại làng Dak Son ở tỉnh Phước Long vào cuối năm 1967 .

    Bản thân tôi đặc biệt quan tâm, và không bao giờ quên vụ thảm sát ghê rợn này là vì địa điểm chỉ cách nhà cha mẹ tôi khoảng một cây số, bên kia con suối. Nguyên ngày ấy, cha tôi là một trong những người đầu tiên tình nguyện lên xây dựng Phước Long khi tỉnh mới này (nguyên là quận Bà Rá thuộc tỉnh Bình Dương) được Tổng thống Ngô Đình Diệm thành lập vào cuối thập niên 1950, phục vụ tại Ty Công Chánh. Các công chức của tỉnh, nếu muốn, sẽ được chính phủ cấp cho mấy mẫu tây đất hoang, đã được ủi sạch sẽ, để khai thác trồng tiêu, các loại cây ăn trái, hoa màu; khu đất của nhà tôi nằm gần làng (buôn) Dak Son.

    Phải ở lại Sài Gòn với bà Ngoại để học hành, hàng năm cứ tới Tết ta và kỳ hè tôi mới được về thăm nhà. Với một học sinh Sài Gòn ngày ấy thì người “Thượng” (mà vào thời Pháp thuộc, người Kinh còn gọi một cách khinh miệt là “mọi”, dịch từ chữ “nègre” trong tiếng Pháp), từ cách phục sức, lối sinh hoạt của họ cho tới tiếng cồng bên ánh lửa bập bùng khi đêm về cũng đầy bí ẩn và sức thu hút. Vì thế tôi và các em thường tới Dak Son để tham quan, tìm hiểu.

    Đầu năm 1968, ít lâu trước Tết Nguyên Đán, khi tôi về thăm lại Phước Long thì Dak Son đã bị Việt Cộng xóa sổ, chỉ còn lại những đống tro tàn...

    Mười năm sau, thời gian bị ở tù Việt Cộng, khi bị đưa lên Sông Bé (trước kia là Phước Long) phá rừng làm rẫy, chúng tôi có nhiều cơ hội lén lút tiếp xúc với đồng bào Thượng địa phương để mua bán, đổi chác; một ngày nọ, tôi hỏi nhỏ một người đã có tuổi xem ông ta có nhớ trước kia có một buôn tên là Dak Son hay không, ông ta trả lời bằng tiếng Việt trọ trẹ với ánh mắt nặng trĩu nỗi buồn, và đầy uất hận: “Còn nhớ chứ, làm sao mà quên được”.

    Sau đây, mời độc giả HQPD đọc - nếu đọc rồi xin đọc lại - bài “Tưởng Niệm 46 Năm: Tội Ác Thảm Sát Dak Son Của Đoàn Quân Cộng Sản” của tác giả Tim Pham, viết ngày 4 tháng 12 năm 2013, vừa được tái phổ biến trên Internet nhân thời điểm đánh dấu 50 năm cuộc thảm sát này. Hình ảnh là của Trung Tâm Văn Khố Việt Nam (The Vietnam Center Archive) của Hoa Kỳ. NHT


    Tưởng Niệm 46 Năm: Tội Ác Thảm Sát Dak Son Của Đoàn Quân Cộng Sản

    Bốn mươi sáu năm trước, ngày 05/12/1967, một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy ra tại khu làng Dak Son, thuộc thị xã Phước Long, tỉnh Sông Bé. Cuộc thảm sát này đã được thực hiên một cách có hệ thống và có tổ chức bởi hai tiểu đoàn Cộng quân với khoảng gần 600 lính chính quy thuộc trung đoàn 88, sư đoàn 1 bộ binh của Cộng Sản Bắc Việt. Cuộc thảm sát này đã cho thấy sự tàn bạo, dã man của đoàn quân Cộng Sản xâm lược. Một tội ác chống lại nhân loại mà Cộng Sản Hà Nội không thể nào chối cãi hay bào chữa.

    Dak Son là một ngôi làng “Cuộc Sống Mới” được dựng lên bởi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho khoảng 800 đồng bào dân tộc miền núi (Montagnards) sau khi họ đã vượt thoát từ những vùng cao nguyên bị kiểm soát, khủng bố, hoặc chiếm đóng bởi những đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV). Những người này đã bỏ trốn từ những nơi mà Cộng Sản Bắc Việt đã huênh hoang tuyên truyền là “Vùng Giải Phóng” ra vùng mà Cộng sản gọi là bị “Mỹ-Ngụy kềm kẹp” vì họ không muốn sống với Cộng sản, hoặc sau khi sống một thời gian họ đã không chịu nỗi sự khủng bố và tàn ác của các lực lượng Cộng quân này. Ở đây ta cũng cần phân biệt rõ Cộng Quân Bắc Việt mà Mỹ gọi là NVA (North Vietnamese Army) và cái gọi Mặt Trận Giải Phóng mà Mỹ gọi là VC (Việt Cộng). Cộng Quân Bắc Việt là lực lượng quân đội chính quy mặc quân phục, đôi nón cối với những vũ khí hạng nặng như xe tăng, đại bác, súng phun lửa, v.v… Trong khi VC là lực lượng nón tai bèo và không được trang bị tận răng như CSBV và thường không có khả năng công khai chiếm đóng và kiểm soát lâu dài những khu vực lớn.

    Từ năm 1964 đến 1967, có khoảng 800.000 người dân tộc ở các miền cao nguyên Trung phần đã bỏ trốn khỏi các vùng chiếm đóng của Cộng Sản để trở về sống với chính phủ VNCH. Việc bỏ trốn trên quy mô lớn này đã làm cho những đoàn quân của CSBV bị thiệt hại rất nhiều về nguồn lương thực, tài chính, nhân công, cũng như làm mất đi chỗ dựa, và bia đỡ đạn (human shields). Cũng cần nhắc lại rằng, các đoàn quân CSBV đi đến đâu là chúng bắt dân ở đó phải dựng nhà, đóng góp lương thực, đóng thuế, bắt thanh niên phải phục vụ tải đạn, hoặc đưa họ lên đường mòn Hồ Chí Minh làm phu cho chúng. Khi dân chúng bỏ trốn, chẳng những bọn chúng mất hết những thứ đó mà còn mất đi cả bia đỡ đạn, vì nếu không có dân thì máy bay, đại bác của Mỹ và VNCH tha hồ oanh tạc và pháo kích.

    Vừa cay cú, tức tối, vừa lo sợ rằng những người dân tộc khác cũng sẽ bắt chước mà bỏ trốn về phía VNCH, bọn CSBV đã nhiều lần dụ dỗ, hăm dọa,và khủng bố những khu làng “Cuộc sống mới” này. Riêng tại làng Dak Son, sau khi những trò dụ dỗ và dọa nạt không thành, CSBV đã dùng hai tiểu đoàn thuôc trung đoàn 88 tấn công vào khu làng Dak Son vào lúc quá nữa đêm để trừng phạt và trả thù. Trung đoàn 88 là một trung đoàn chính quy đặc biệt chuyên về sử dụng súng phun lửa và được trang bị khoảng 60 súng phun lửa. Lực lượng của Măt Trân Giải Phóng không có loại vũ khí này.


    Sau khi đã chiếm được làng, đoàn quân man rợ này đã hò hét và ra lệnh phải thiêu hủy toàn bộ làng Dak Son. Theo bản tin tức của tờ báoTime đăng một tuần sau đó thì mục đích của cuộc tấn công làng Dak Son không phải là để thắng một trận đánh quân sự mà là cố tình tàn sát dân thường một cách quy mô và đẩm máu để trả thù, để khủng bố, và để răn đe. Những dòng lửa phóng ra đã đốt cháy nhà cửa kể cả những ai đang trốn hoặc không kịp chạy khỏi nhà. Một số người sống sót chạy xuống hầm để trốn thì bị ngộp thở chết vì khói. Một số nhà chưa cháy thì bị phá sập bởi lựu đạn. Khi đã hết nhiên liệu phóng lửa thì CSBV bắt đầu dùng tới súng để tàn sát những người trong làng. Họ tìm được 160 người còn sống và bắt ra khỏi hầm rồi xử tử tại chỗ 60 người tại đó, số 100 người còn lại thì bị Cộng sản bắt theo vô rừng.

    Sau khi CSBV rút lui, một số dân còn lại ở trong làng bắt đầu đi tìm người thân của mình. Họ đi từng hầm một để kiếm người còn sống và kéo những xác chết ra khỏi hầm. Khắp nơi trong làng họ phải chứng kiến những cảnh xác bị đốt cháy đỏ với thịt da bị lột khỏi thân thể, những em bé bị cháy đến nỗi xác bị dính liền vào xác mẹ. Đại đa số những nạn nhân là đàn bà và trẻ em. Tổng cộng 252 dân làng đã bị giết trong cuộc tàn sát này, đặc biệt là có một người dân bị mất 13 người thân chỉ trong vòng một đêm.


    Trong trận thảm sát tại Huế năm Mậu Thân 1968, CSBV đã đập đầu và chôn sống hơn 5000 người. Nạn nhân là những nhân viên dân sự, hành chánh, giáo viên, học sinh, sinh viên và giáo sư trường đại học Y Khoa Huế, trong đó có hai vợ chồng bác sĩ người Tây Đức tình nguyện sang giảng dạy y khoa tại đại học Huế. Sau đó, Trường Chinh đã tuyên bố rằng đó là những kẻ ác ôn, tay sai của đế quốc và họ cần phải bị trừng trị bởi bạo lực cách mạng.

    Vậy những người dân dân tộc miền núi này có phải là thành phần ác ôn không? Đồng bào dân tộc Montagnards là những người rất hoang dã họ không đọc sách, không nghe radio, phụ nữ của họ không mặc áo, và họ cũng không cần biết ai thắng, ại thua trong cuộc chiến. Họ chỉ muốn được sống yên thân và tự do. Vậy mà bọn Cộng Sản dã man này chỉ trong hai tiếng đồng hồ đã thiêu chết 252 người, làm vô số người bị thương, đốt nhà cửa, ruộng vườn của họ ra tro.

    Đó là hành động của đoàn quân “giải phóng” sao? Bọn Cộng Sản Hà Nội có thể trả lời câu hỏi tại sao khi đoàn quân “giải phóng” của họ đi đến đâu là dân chúng, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số đều phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ cha, đất tổ mà chạy trốn không?

    Những tội ác diệt chủng này của Cộng Sản có thể nào bỏ qua được không?

    Tim Pham
    (December 04, 2013)
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-04-2018, 10:32 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X