Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mỗi ngày một suy nghĩ: 1. Tinh Thần Hợp Tác Trong Hợp Tác Xã và Xã Hội Dân Sự

Collapse
X

Mỗi ngày một suy nghĩ: 1. Tinh Thần Hợp Tác Trong Hợp Tác Xã và Xã Hội Dân Sự

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mỗi ngày một suy nghĩ: 1. Tinh Thần Hợp Tác Trong Hợp Tác Xã và Xã Hội Dân Sự

    Bài 1: Tinh Thần Hợp Tác Trong Hợp Tác Xã và Xã Hội Dân Sự

    Phạm Văn Bản

    Con người đã phải trải qua giai đoạn sống lang thang trên cánh đồng hoang vắng, cô đơn trong hang động tối tăm của bao ngàn năm trước khi biết sống chung, và kết xã. Như thế từ xã hội đơn sơ dăm ba người cho tới lúc biết thành lập phố xá chứa cả chục triệu dân, nó đã trở thành cả một tiến trình phát triển lịch sử của con người. Do đó, chúng ta thử tìm hiểu dân tộc mình đang sống ở đâu hoặc trong giai đoạn nào của tiến trình xây dựng Xã Hội Dân Sự, ngõ hầu thấy đường góp công đức vào đại cuộc giúp dân cứu nước.

    Kết xã đã tạo ra hai hệ thống xã hội công quyền và xã hội dân sự. Xã hội dân sự là nơi dưỡng dục nhân quyền, tự do dân chủ và phú cường, vì con người được tự do để sáng tạo và hợp tác.

    “Xã” được hiểu theo nghĩa rộng là tổ chức thân thiện của loài người, và theo nghĩa hẹp là một nhóm người có chung quyền lợi, hoặc đặc tính hợp lại thành một tổ chức được gọi là “Hội.” Cơ cấu xã hội tăng dần, từ tổ chức bộ lạc cho đến toàn cầu. Các bộ lạc phát triển thành làng, liên kết các làng nông nghiệp để tạo ra quốc gia nông nghiệp, và phát triển thành đế quốc nông nghiệp.

    Khi con người tiến sang thời đại kỹ nghệ, các miền hay tỉnh lớn có khả năng "tự trị" biến thành tiểu bang như các liên bang Hoa Kỳ và Úc Ðại Lợi, hay tỉnh bang Gia Nã Ðại để hợp tác tranh đấu quyền lợi liên bang và được tự do trong tiểu bang.

    1. Tiến Trình Xã Hội Dân Sự

    Càng ngày con người có những tổ chức, sinh hoạt riêng, tuy nằm trong hệ thống công quyền, nhưng hoạt động không bị chính quyền chi phối, và được gọi là xã hội dân sự (civic society).

    Xã hội dân sự cũng được gọi là xã hội tư, khi một nhóm người không liên quan đến chính quyền thành lập Hội Đoàn. Sự hoạt động của hội không gây nguy hiểm cho chính quyền, và cũng không có mục đích tranh giành chính quyền.

    Trong xã hội nông nghiệp chỉ có một cơ cấu tổ chức bao gồm cuộc sống của con người từ chính trị, văn hóa, quân sự, tôn giáo đến y tế, giáo dục... Qua thời gian, dân số tăng, các lãnh vực của cuộc sống được chuyên môn hóa, tức một số người làm nghề nghiệp khác với thời trước, và những người nầy tạo ra một giới, họ tổ chức xã hội dân sự.

    Theo tiến trình xã hội chúng ta thấy từ thời đại bộ lạc đến nay lần lượt xuất hiện các giới, các xã hội:
    - Trưởng bộ lạc phát triển thành lãnh chúa, và các lãnh chúa châu Âu tạo ra giới đại diện dân tại quốc hội, chính trị gia.
    - Tu sĩ, thầy pháp phát triển thành tu hội, giáo hội.
    - Người buôn bán, trao đổi hàng hóa phát triển thành giới thương gia, tài chánh, kinh doanh tạo ra hợp tác xã, hiệp hội, công ty.
    - Người có cùng chung sở thích lập hội, câu lạc bộ, đoàn, nhóm và nhiều loại kết hợp mang cả hàng chục từ ngữ khác nhau để phân biệt nghề nghiệp, thể thao, giải trí, hoặc mưu tìm lợi ích chung của giới mình.

    2. Hợp Tác Xã Trên Thế Giới

    Hợp Tác Xã (cooperative) là xã hội hợp tác để hoạt động kinh tế và kinh doanh. Đặc điểm của hợp tác xã là không tìm kiếm lợi nhuận. Hoạt động chính của hợp tác xã lúc ban đầu là tiêu thụ. Những người tiêu thụ đoàn kết để giảm chi phí, tránh các giai đoạn trung gian, phân phối, hạ giá mua hàng hóa, bằng cách làm chủ cơ sở và hàng hóa do họ chung nhau tạo dựng, mua sắm, như:

    - Năm 1761 một nhóm thợ dệt Anh quốc hợp nhau để mua chỉ dệt và bột mì. Họ lập bộ phận mua hàng hóa và phân phối đến thành viên.

    - Năm 1795, 1400 người ở Hull, Anh quốc lập hợp tác xã nhà máy xay bột để đáp ứng nhu cầu của thành viên. Sự lợi ích của hợp tác xã tăng nhanh, vào thập niên thứ ba thế kỷ 19, ở Anh quốc, đặc biệt ở những vùng kỹ nghệ. Hợp tác xã đầu tiên là hợp tác xã tiêu thụ, về sau phát sanh ra hợp tác xã tiêu thụ và sản xuất, và hiện nay chúng ta thấy có nhiều hợp tác xã dịch vụ.

    - Hình thức hợp tác xã được cải tiến vào năm 1844, khi 28 thợ dệt nghèo ở Rochdale, Anh quốc, thành lập hội tương trợ, được gọi là Hội Công Bằng Tiền Phong Rochdale (Rochdale Society of Equitable Pioneers). Với sáng kiến này hội lập tiệm bán tạp hóa, và việc mạo hiểm này thành công thịnh vượng.

    - Năm 1863 tại Anh quốc có hơn 400 hợp tác xã theo kiểu mẫu của Hội Rochdale. Kể từ đó phong trào hợp tác xã Anh quốc lớn mạnh, trở thành kiểu mẫu cho toàn thế giới. Đến giữa thế kỷ 20 có 2400 hợp tác xã các loại. Hợp tác xã bán sỉ là cơ quan phân phối lớn nhất ở Anh quốc.

    - Đặc biệt tại Thụy Điển phong trào hợp tác xã thành công ở lãnh vực tiêu thụ cũng như phân phối sản phẩm kỹ nghệ, và là động lực của kinh tế nước nầy. Hợp tác xã ở nước này được gọi là "Con đường trung dung" để phân biệt giữa những xí nghiệp do cá nhân làm chủ và các xí nghiệp của chính phủ.

    - Phong trào hợp tác xã tiêu thụ được thành lập tại Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Kể từ năm 1920 hợp tác xã được áp dụng vào các lãnh vực: tiệm tạp hóa, bánh mì, tiệm ăn, nhà máy điện, bảo hiểm, ngân hàng... và cạnh tranh thành công với các cơ sở kinh doanh tư. Hợp tác xã nông dân mạnh ở nông thôn Hoa Kỳ.

    - Ngoài các hợp tác xã tiêu thụ, sản xuất chúng ta thấy hiện nay có các hợp tác tín dụng, hợp tác bảo hiểm, hợp tác y tế, mai táng là những hợp tác xã lớn tại Hoa Kỳ.

    - Liên Minh Hợp Tác Quốc Tế (International Cooperative Alliance, ICA) được thành lập năm 1895. Đến thập niên 1980 tổ chức nầy có 355 triệu thành viên và có tiếng nói ở Liên Hiệp Quốc.
    - Người Trung Hoa khi sang lập nghiệp ở xứ người, họ thành lập các bang, như bang Triều Châu, bang Phúc Kiến... các bang này là “xã hội dân sự” hoạt động độc lập đối với chính quyền cũng như với dân bản xứ.

    Các xã hội sắc tộc nầy chú trọng đến buôn bán, do đó họ thành công và có truyền thống thương mãi cao hơn dân bản xứ. Từ đó họ vươn lên nắm quyền kiểm soát kinh tế, tài chánh của một số tỉnh hay quốc gia mà họ cư ngụ.

    3. Hợp Tác Xã Ðối Với Người Đông Dương

    Vào thập niên 1950, những năm đầu của nền Cộng Hòa Việt Nam ở Miền Nam, chính phủ khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập các hợp tác xã nông dân.

    - Với truyền thống mỗi người một “con trâu cái cày” của nếp sống văn minh nông nghiệp, nên những người thợ may Đông Dương đã tranh nhau giảm giá công may áo quần tại các nước Tây phương, để xung phong làm việc rẻ hơn, cực nhọc hơn. Giá sinh hoạt càng ngày càng cao, nhưng tiền công may do người Đông Dương nhận may trong nhiều năm qua giảm dần, kể cả mặt hàng thời trang chỉ may trong nước.

    - Số người Đông Dương hành nghề đánh cá cũng đáng kể nhưng chưa xây dựng được hợp tác xã để nâng đỡ nhau.

    - Số người Việt Nam làm nghề móng tay (Nails) tại Mỹ thật nhiều nhưng chỉ biết giảm giá để cạnh tranh, để tự giết nhau chớ chưa biết phải tiến đến hợp tác xã hay nghiệp đoàn để mà cùng nhau phát triển nghề nghiệp.

    - Các hội nông gia Việt Nam xuất hiện trên đất Mỹ, Úc nhưng từ hiệp hội tương trợ như hiện nay tiến đến hợp tác sản xuất hay tiêu thụ đòi hỏi những người cùng chung nghề phải bắt chước các hợp tác xã ra đời gần hai thế kỷ qua ngõ hầu mang lợi ích cho hội viên nói riêng, và cộng đồng người Việt nói chung.

    - Đối với các cộng đồng người Việt trên thế giới, dưới con mắt chính quyền Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi, hay Anh Quốc, Pháp Quốc... thì chúng ta chỉ là những “xã hội dân sự” trong lãnh vực xã hội. Còn đối với chính trị, các cộng đồng sắc tộc chỉ là những nhóm áp lực (Pressure Group). Những công dân thuộc nhóm áp lực chỉ thi hành bổn phận chính trị bằng lá phiếu của mình, còn muốn tiến xa hơn thì phải gia nhập đảng chính trị. Ngược lại, đối với người Việt Nam tỵ nạn chính trị nói chung thì mỗi người là một chiến sĩ chống cộng, hay là nhà cách mạng chính trị, và từ đó đã nảy sinh ra nhiều lãnh tụ cũng như nhiều tổ chức. Mặt khác, người ta lập ra tổ chức mà không cần trách nhiệm nuôi dưỡng mà để giặc tiếp tay giúp dùm.

    - Người Việt Nam đã sanh sống ở châu Âu từ Đệ Nhất Thế Chiến (1914 - 1918) và được tăng thêm thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939 - 1945), phần lớn là du học sinh Việt Nam ở lại châu Âu lập nghiệp. Sau năm 1975 số người Việt Nam tỵ nạn tăng nhiều. Chắc chắn gần một trăm năm sống ở châu Âu người Việt Nam đã học hỏi được tinh thần hợp tác trong các xã hội dân sự và hợp tác xã để tạo thành bản chất.

    Hiện nay thế giới đã tiến đến công ty liên quốc, hệ thống toàn cầu, chúng ta cần thực tập tinh thần hợp tác qua hợp tác xã và công ty đúng nghĩa. Trong bài nhận xét giới đại doanh nhân (entrepreneur) người Úc Ðại Lợi đăng trên tờ The Courier Mail có đoạn kết như sau: “Những người định cư đầu tiên tại Australia đa số là tù nhân, họ không có bản chất (nature) đại doanh nhân, khác với những người da trắng định cư tại Hoa Kỳ, họ có bản chất đại doanh nhân. Nước Úc cần nhập cảnh di dân có bản chất đại doanh nhân để phát triển quốc gia.”

    4. Tinh Thần Bất Hợp Tác

    Ở trong nước Việt Nam, vì kinh tế chỉ huy nên không thể có hợp tác xã, vì hợp tác xã là xã hội dân sự. Muốn thành công về hợp tác xã đòi hỏi dân trí và thể chế chính trị dân chủ, điều mà các nước độc tài cộng sản không có. Họ chỉ có khả năng “cộng khổ bất cộng lạc,” tức thời gian khổ sở trong rừng sâu thì “hạt muối cắn làm đôi,” nhưng khi có “chén đường” thì họ lại xơi một mình! Lịch sử của nhân loại và nhiều tổ chức cũng chứng minh điều này, vì thành phần lãnh đạo thiếu nhìn xa trông rộng của tinh thần hợp tác, cho nên đã tạo ra tinh thần bất hợp tác.

    Trong thời kỳ chống Pháp, đảng cộng sản ngoài miệng thì kêu gọi đoàn kết nhưng thực chất là bất hợp tác với các đảng chính trị quốc gia, cho tới sau năm 1975 thì bất hợp tác với người người miền Nam. Năm 1985 với chính sách đổi mới (sửa sai) người cộng sản lại bất hợp tác với các công ty quốc tế. Và đến nay sự tan rã trong nội bộ đảng càng ngày càng trầm trọng qua các sự chống đối của các “công thần” qua những vụ ám sát công khai và bí mật các người đang cầm quyền mà giới truyền thông đã phổ biến trong thời gian gần đây. Với truyền thống bất hợp tác, người cộng sản bằng mọi cách bám vào quyền lợi, kể cả việc bán đất bán biển của tổ tiên cho Trung Cộng. Họ đang tạo ra tinh trạng bất hợp tác với toàn dân, chia rẽ dân tộc qua danh xưng “Việt kiều” với “nhân dân” trong nước và với bộ máy cầm quyền độc tài hiện nay.

    Tóm lại, con đường phát triển quốc gia tùy thuộc vào trình độ văn minh, tinh thần hợp tác của dân tộc đó. Chắc chắn người Việt Nam với tinh thần tự do, hợp tác của cha ông như Hội Nghị Diên Hồng, chúng ta ứng dụng tinh thần hợp tác trong mọi lãnh vực để phát triển kinh doanh cũng như chính trị để tiến từ cơ cấu hợp tác làng xã đến hợp tác quốc gia quốc tế.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X