Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Có Thật - Ngõ Cụt?

Collapse
X

Chuyện Có Thật - Ngõ Cụt?

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Có Thật - Ngõ Cụt?

    Ngõ Cụt?

    Lời Ngỏ
    Bên cạnh những nỗi kinh hoàng cả về thân xác lẫn tinh thần do những kẻ ăn chơi gây ra, các em còn phải chịu những trận đòn đến ngất xỉu, những ngày liên tục bị bỏ đói, chỉ có nước mà không có cơm của những tay “đầu gấu” được các tú ông, tú bà, thuê để dằn mặt các em khi các em làm gì sai hay không chịu tiếp khách.

    ********************

    Qúy đọc giả thân mến, đã hơn 7 năm, bắt đầu từ mùa Hè năm 2000 đó, tôi vẫn cứ mang trong lòng những nỗi đau mà không biết tỏ cùng ai. Những nỗi đau đó cứ gặm nhấm tôi, gặm con người, gặm khối óc, gặm cả vào trong giấc ngủ (với những kinh hoàng) và quan trọng hơn hết là gặm cả vào trong con tim của tôi. Đã có những lúc tôi muốn thét lên, thét lên thật to – nhưng bao nhiêu người lại cản, vì sợ những tiếng thét đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống tu trì của tôi – thế là tôi lại dằn lòng đau nhói.

    Dĩ nhiên họ cũng có lý của họ. Tôi đang là một tu sĩ, (rồi sau này, năm 2004 trở thành Linh Mục) thì ai lại nói tới những chuyện “tầy trời” đó. Ai sẽ tin tôi đây? Mà nếu có tin, đôi khi họ còn hỏi ngược lại tôi: “Đã đi tu còn “mò” vào những chỗ đó làm gì?”

    Nhưng bạn thân mếm, đến hôm nay thì tôi đã không thể dằn lòng được nữa rồi, tôi phải thét lên - thét lên đến tới những ai muốn nghe những sự thật “kinh hoàng” và “ghê tởm” ấy. Sự thật của một nền nô lệ mới tại Việt Nam, của các trẻ em người Việt Nam bị BÁN – BẮT và ÉP làm nô lệ tình dục tại các nhà thổ ở Campuchia và Malaysia.

    Trước khi bắt đầu “thét lên những câu chuyện có thật đó, xin cho tôi dài dòng một tí để bạn có thể hiểu những gì sảy ra.

    Chuyện bắt đầu từ năm 1997. Năm đầu tiên tôi thu xếp kỳ nghỉ hàng năm để làm việc và sống với các trẻ bụi đời và cứ thế đến nay đã 11 năm – mà tôi đã có lần chia sẻ với các bạn trong những câu chuyện của “Một Chuyến Đi.”

    Rồi chuyện lại bắt đầu vào mùa Hè năm 2000, tôi trở về Việt Nam để sống với các trẻ em cơ nhỡ, và “tình cờ” trong một bữa ăn, được một người bạn giới thiệu một “phóng viên” sắp sửa đi Camphuchia để tìm hiểu tình hình các trẻ em Việt Nam bị đưa vào các nhà thổ làm nô lệ tính dục. Thế là tôi, một tu sĩ - năm thứ nhất Thần Học - “tình nguyện” xin được đi theo. Và bắt đầu từ đó, năm nào tôi cũng trở lại Campuchia.

    Mỗi lần tôi trở về Campuchia, tôi vào vai của một thương gia người Singapore giàu có, chỉ biết nói tiếng anh (không hề biết tiếng Việt), thuê 4 hay 5 em từ 3 đến 5 ngày và “sống chung” với các em.

    Câu chuyện mà tôi luôn kể để lấy lòng tin của các em về “gia cảnh” của tôi là: “Tôi đã có vợ, (dĩ nhiên là tôi luôn đeo trên ngón tay một nhẫn cưới giả). Vợ chồng tôi đang có xích mích và tôi muốn đi chơi cho khuây khoả. Tôi rất yêu vợ, nên không thể “ăn ở” với người khác, mà chỉ muốn có người “accompanied,” và đi chơi vài ngày cho đầu óc được thảnh thơi.”

    Để chứng minh “câu chuyện” tôi bịa là sự thật, và cũng là để tôi ÍT bị cám dỗ, tôi luôn tìm những điểm đến của du khách (tourist destinations) hay các bãi biển đông người để dẫn các em đi chơi cả ngày – và tối mịt, khi thân xác đã rã rời, mới quay trở về khách sạn và lăn đùng ra… ngủ!

    Trong những ngày ở chung với các em đó, tôi đã hiểu được các em rất nhiều, hiểu được những nguyên nhân và con đường đưa các em vào cái chỗ “ghê tởm” này; hiểu được tại sao các em muốn thoát ra mà không dám; hiểu được những kinh hãi về thân xác mà các em phải gánh chịu; và hiểu được những bệnh hoạn thú tính của những con người tìm vào chốn này. Bên cạnh những nỗi kinh hoàng cả về thân xác lẫn tinh thần do những kẻ ăn chơi gây ra, các em còn phải chịu những trận đòn đến ngất xỉu, những ngày liên tục bị bỏ đói, chỉ có nước mà không có cơm của những tay “đầu gấu” được các tú ông, tú bà, thuê để dằn mặt các em khi các em làm gì sai hay không chịu tiếp khách.

    Những gì tôi nghe được tôi sẽ bắt đầu kể hầu qúy đọc giả. Tôi tin những điều đó là SỰ THẬT vì tôi nào có hỏi các em về những chuyện đó đâu. Với lại các em có hiểu tôi nói gì đâu. Tôi nói 10 chữ tiếng Anh, may ra các em hiểu được 1. Nhưng vì các em không biết là tôi nghe và hiểu được tiếng Việt nên các em “tự do” nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt (và dĩ nhiên tôi còn khuyến khích.) Và những gì tôi sẽ kể ra sau đây là những CƠN ĐAU và những DẰN VẶT mà các em tự kể cho nhau nghe, để chia xẻ, để cảm thông, và để giúp nhau… TRÁNH nếu có điều tương tự sảy ra.

    ***************
    Tôi vẫn biết rằng, sau khi tôi “thét” lên những điều này thì tính mạng tôi có thể sẽ nguy hiểm hơn, ngay cả khi tôi trở về VN, vì những “mắt xích” cổ thụ của “dường dây” buôn bán các em là ở VN, nhưng kệ tôi vẫn phải thét lên – Chỉ nguyện xin cho các em được bình an. Còn tôi thì đã có … Chúa lo!

    Bạn thân mến, đọc tới đây nếu bạn không muốn biết những sự thật tôi sắp kể, xin đừng đọc tiếp - Còn nếu bạn muốn, xin mời theo tôi, chúng ta đi vào chuyện thứ Nhất: chuyện “Tao không vô nhà thờ đâu”

    (Trích trong “Chuyện Có Thật”)
    Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
    www.hayyeuthuongnhau.org


    ________________________________________

    Thành phố đâu em không thấy, tiền lương đâu em không biết, chỉ thấy mình nằm trong cái “cũi nhốt người” này đã gần một năm. Những ngày đầu em còn chưa biết chuyện gì xảy ra nên khóc lóc và la hét mỗi khi có… khách. Và rồi những trận đòn nhừ tử, những ngày được bỏ đói đã dạy em cắn răng làm những điều không thể chấp nhận được trong cái tuổi của em, tuổi 12. Có những ngày trong vòng 24 tiếng em phải tiếp cả hơn 10 người đàn ông.

    1. Nô Lệ Tình Dục - Chuyện “Tao Không Vô Nhà Thờ Đâu”
    (Tên của các em đã được thay đổi để bảo vệ an toàn và danh dự cho các em)

    Để tìm được cái nhà thờ Công Giáo ở đất nước Chùa Vàng – Campuchia này không phải là chuyện dễ. Mà tìm nhà thờ để làm gì bạn nhỉ?

    Thì bạn vẫn biết đấy, tôi cũng là một tu sĩ Công Giáo. Đã là một tu sĩ thì không có cớ gì tôi bỏ lễ Chủ Nhật được. Nói thật, bỏ đọc kinh sáng tối thì… đôi khi tôi cũng có, nhưng bỏ lễ Chủ Nhật thì không; không đời nào, không có lý do gì; và không có gì quan trọng hơn Thánh Lễ ngày Chủ Nhật. Tôi lớn lên đã được gia đình giáo dục thế – Giờ đây là một tu sĩ thì tôi càng TIN vào nền giáo dục đó hơn.

    Thế là chiều thứ 6, tôi và 4 em bé gái (mà tôi thuê) leo lên chiếc Camry và bắt anh tài xế đi tìm nhà thờ. Sau nhiều lần dừng lại hỏi đường và lạc vào hai cái nhà thờ Tin Lành, thì xe dừng trước cửa một nhà thờ Công Giáo. Nói là nhà thờ, nhưng thực ra nó còn bé hơn cái nhà nguyện dùng làm lễ hàng ngày của giáo xứ tôi.

    Tôi mở cửa xe, bước ra bước ra khỏi cái ghế trước, vươn vai hít thở không khí trong lành và… làm dấu. Đó cũng là thói quen của tôi – mỗi khi đi ngang qua nhà thờ thì làm dấu. Bốn cô bé cũng bước ra khỏi xe, vẫn cười nói hồn nhiên. Mặc kệ các em, cứ để các em tự nhiên. Tôi đưa mắt tìm xem có tấm bảng nào ghi giờ lễ không. Chẳng tìm thấy thấy bảng hiệu tiếng Anh, tiếng U gì cả, toàn là tiếng Campuchia, tôi quay lại hỏi người tài xế:

    – Do you know, what time is Sunday mass? (Anh có biết lễ Chủ Nhật mấy giờ không)
    – Eight! Anh ta đọc một lần qua tấm bảng viết bằng tiếng Campuchia, và trả lời cộc lốc.
    – Thank you! Tôi trả lời.

    Sau đó tôi đứng thả hồn, miên man suy nghĩ và bắt đầu so sánh những ngôi Chùa được đúc bằng vàng và “nhà thờ” của Chúa – Hoá ra Chúa lúc nào cũng nghèo. Đang miên man, thì tiếng các em gái đã kéo tôi về với thực tại.

    – Ông này chắc là người có đạo đó. Tiếng của bé Châu 13 tuổi cất lên.
    – Sao mày biết? Nga, cô bé 16 tuổi, “với thâm niên” 3 năm làm nô lệ trong nhà thổ – là “chị hai” của nhóm 4 cô gái này, hỏi chen vào.
    – Nếu hỏng có đạo ổng tìm nhà nhờ làm gì? Châu trả lời.
    – Coi chừng ngày Chúa Nhật này ổng bắt tụi mình đi với ổng vô nhà thờ đó. Hoa, cô bé 15 tuổi bình phẩm.
    – Tao hỏng nghĩ vậy đâu. Đi chơi thì đi, chứ đi nhà thờ thì đi làm gì. Tao đâu có đạo đâu mà đi. Dzậy là sáng Chúa Nhựt được ngủ đã rồi. Nga nói chắc như đinh đóng cột.
    – Hỏng dám đâu. Hoa phản bác. Hồi trước giờ ổng đi đâu ổng cũng bắt tụi mình đi theo hết. Tao nghĩ là Chúa Nhựt này cũng dzậy thôi.
    – Tao bảo đảm là ổng không bắt mình đi nhà thờ. Châu một lần nữa khẳng định. Tụi mày không nhớ ban sớm với ban khuya ổng cầu nguyện, ổng bắt tụi mình phải im lặng cho ổng cầu nguyện sao? Cho nên Chúa Nhựt này ổng đi nhà thờ cầu nguyện, ổng cũng sẽ muốn được im lặng.

    Nghe tới đây là tôi hiểu được các em này không phải là người Công Giáo và cũng chưa bao giờ bước chân vào nhà thờ tham dự thánh lễ. Vì nếu đã đi lễ, thì biết chắc là Thánh Lễ đâu có “im lặng để cho ổng cầu nguyện.” Thế là tôi muốn dẫn các em vào bên trong nhà thờ.

    Vừa bước lên những bậc thềm trước cửa nhà thờ, tôi vừa khoát tay ra hiệu cho các em đi theo tôi. Các em bỏ dửng câu chuyện và chạy theo tôi. Nhưng riêng bé Thoa 12 tuổi, mới bị đưa qua từ Việt Nam được gần 1 năm, này giờ vẫn im lặng – giờ lí nhí lên tiếng:

    – Tao không vô nhà thờ đâu.
    – Trời, giỡn hoài – nhõng nhẽo nữa hả má – “Chị hai” Nga vừa cười vừa chọc.
    – Không, tao không muốn vô nhà thờ. Vẫn lí nhí nhưng có vẻ cứng rắng hơn, Thoa trả lời.
    – Thôi đi má, tụi con bế má vô. Châu vừa dứt lời thì cả ba chạy xuống những bậc tam cấp để “bế” Thoa lên.
    – Bỏ tao xuống, tao không vô nhà thờ. Thoa lớn tiếng. Tao đã nói là tao không muốn vô trong đó mà. Tụi mày đi đi, đừng có làm phiền tao. Kèm theo những câu nói đó là một tràng ngôn ngữ tục tĩu được phóng ra từ miệng của Thoa.
    – Mày mà hỏng vô coi chừng ổng đuổi mày dzề đó. Đi với ổng xướng vầy, giờ tự nhiên giở chứng không dzô. Nga nói như dạy đời.
    – Ổng đuổi thì đuổi, tao không dzô là không dzô. Thoa cứng rắn trả lời.

    Thấy tình hình căng thẳng qúa, tôi giả lơ và nói to:

    – The Church is closed. Let’s go home! (nhà thờ đóng cửa rồi, thôi đi về)

    Nói xong tôi bước lên xe và kêu các em cùng lên xe. Vẫn với vẻ mặt “giả nai” như không hiểu các em mới tranh luận điều gì, tôi vừa béo vào mặt bé Thoa vừa hỏi:

    – Are you ok? What is going on? (Em có sao không? Chuyện gì vậy)

    Nhưng em có hiểu tôi hỏi gì đâu mà trả lời. Em chỉ nhìn tôi và nhúm miệng cười, tuy gương mặt vẫn còn rất khó chịu và lấm lét với nhiều lo lắng.

    Thế là bắt đầu từ hôm đó tôi quyết tâm tìm cách gợi chuyện, hay vẽ chuyện để cho các em nói với nhau về đề tài… nhà thờ. Tôi quyết tâm phải biết được cái lý do tại sao Thoa nhất quyết không vào nhà thờ, dù em biết rằng có thể bị tôi đuổi về và không thuê nữa.

    ******************

    Nói tới đây, tôi xin đi ra ngoài câu chuyện một tí để giải thích cho qúy đọc giả biết tại sao các em “thích” đi với tôi.

    Sau hơn 3 năm “làm việc” ở Campuchia, tôi đã phần nào xây dựng được chữ TÍN. Chữ tín không phải chỉ ở nơi các em, mà còn đến từ các tú ông, tú bà, ngay cả những tay anh chị được cử đi theo dõi tôi và bảo vệ các em, sợ tôi dẫn các em trốn.

    Các tú ông tú bà tin tôi vì tôi … “sòng phẳng” với họ, chưa bao giờ kỳ nèo bớt giá. Tôi luôn “trả” các em về cho họ đúng giờ. Tôi luôn trả các em về cho họ trong một trạng thái vui vẻ, không mệt mỏi, và không “sứt mẻ” điều gì.

    Các tay anh chị tin tôi, vì tôi chưa bao giờ làm cho họ phải lo lắng. Họ chưa bao giờ phải mất công theo dõi tôi. Vì khi tôi đi chơi với các em, tôi thường vẫn cho họ đi theo. Họ vừa làm việc của họ, lại vừa được đi chơi thì còn gì xướng bằng. Không những chỉ được đi chơi miễn phí, các bữa ăn của họ cũng được tôi trả tiền. Thỉnh thoảng tôi còn thuê phòng ngay đối diện phòng của tôi cho họ ngủ để … canh tôi – tránh cho họ phải vật vờ trước cổng khách sạn theo dõi. Thế còn gì bằng.

    Các em tin tôi đơn giản là vì các em rất… sướng khi được tôi thuê. Các em truyền miệng cho nhau về “ông thương gia người Singapore, mỗi khi giận vợ lại tìm người đi chơi chung. Ông ta chưa bắt ai phải “phục vụ” ổng bao giờ – đã không phải làm những điều dơ dáy đó, lại được ổng cho đi chơi và đôi khi còn mua quần áo mới cho nữa! Đó là lý do chính tạo sao các em “thích” được tôi thuê và đôi khi còn giành nhau nữa. Dài dòng ra ngoài lề câu chuyện như vậy cho bạn hiểu, bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện nhé.

    ***********************
    Sau thêm ba ngày nữa sống với các em thì câu chuyện dẫn đến lý do tại sao Thoa quyết định không vào nhà thờ đã có màn kết của nó.

    Thoa sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo nghèo tại tỉnh An Giang. Như những gia đình Công Giáo và những đứa bé khác sống ở làng quê, em đi lễ mỗi Chủ Nhật; đi học Giáo Lý tuần 2 ngày và siêng năng tham dự lễ ngày thường. Em đã được học Giáo Lý, học về Thiên Chúa yêu thương, học về sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay. Và cũng như những đứa trẻ khắc em TIN rằng Thiên Chúa thương em và thương gia đình của em lắm. Và không dừng lại ở niềm tin đơn giản đó, em cũng bắt đầu biết cầu nguyện; cầu nguyện cho em và cho gia đình em thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn; cầu nguyện cho ba em bỏ uống rượu và cầu nguyện xin Chúa che chở em và mẹ em tránh được những trận đòn chí tử mỗi khi ba em say sỉn.

    Và hình như Chúa đã nhận lời em. Một người thân của má em, sau khi lên thành phố lập nghiệp trở về quê và hứa đưa em lên đó giúp việc nhà, cô sẽ cho em chỗ ăn và chỗ ở, trả em 700 ngàn một tháng, và còn ứng trước cho em 3 tháng tiền lương. Một số tiền mà gia đình em không bao giờ dám nghĩ tới. Em mừng thầm trong bụng, em cám ơn Chúa. Em nhẩm tính, “vậy là em có thể giúp gia đình em thoát khỏi cái nghèo!” Chỉ cần hai tháng lương của em là đã bằng thu nhập của gia đình em một năm! Nhưng rồi những nhẩm tính đó cùng với những hy vọng thoát nghèo của em mau chóng tan thành mây khói.

    Thành phố đâu em không thấy, tiền lương đâu em không biết, chỉ thấy mình nằm trong cái “cũi nhốt người” này đã gần một năm. Những ngày đầu em còn chưa biết chuyện gì sảy ra nên khóc lóc và la hét mỗi khi có… khách. Và rồi những trận đòn nhừ tử, những ngày được bỏ đói đã dạy em cắn răng làm những điều không thể chấp nhận được trong cái tuổi của em, tuổi 12. Có những ngày trong vòng 24 tiếng em phải tiếp cả hơn 10 người đàn ông.

    Tuy trong tận cùng của tăm tối cuộc đời đó em vẫn tin Chúa và vẫn cầu nguyện. Em cầu nguyện xin Chúa đưa em ra khỏi nơi này – nơi quy tụ những con qủy trần gian – nơi địa ngục trần gian. Em xin Chúa cho em được về với gia đình – cho dù em có đói, em có bị ba đánh đập nhưng vẫn không thể so sánh được với nơi này.

    Nhưng em đã thôi không cầu nguyện cách đây vài tháng. Em đã quyết định chắc chắn là không có Thiên Chúa nào cả. Chính vì thế em không cần cầu nguyện. Em lý giải với bạn bè của em: “Cho dù có ông Chúa đi chăng nữa, ông ta cũng không nghe lời tao. Ông ta không thèm để ý tới những lời tao nói. Ông ta không thương tao, nên tao cũng không thèm ổng….”

    (Trích trong “Chuyện Có Thật”)
    Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
    www.hayyeuthuongnhau.org


    __________________________________________________


    Em không thuộc nhóm “may mắn” bị chuốc rượu hay thuốc mê khi bị “mua trinh” Em chống lại mãnh liệt: em khóc than, em gào thét, em cấu xé. Đáp lại sự chống phá mãnh liệt của em là những đe doạ, rồi đến những cái tát tai, và cuối cùng em bị cột hai tay vào thành giường và cái khăn lau mặt được nhét vào miệng của em.

    ****************


    2. Nô Lệ Tình Dục – Chuyện “Mua Trinh”
    (Tên của các em đã được thay đổi để bảo vệ an toàn và danh dự cho các em)

    Có những người da trắng bệnh hoạn về than xác nhất là về mặt tình dục và chỉ muốn quan hệ với trẻ em. Bên cạnh đó cũng có những người Á Châu bệnh hoạn về tư tưởng và muốn “mua trinh” các em nhỏ để “xả xui” trong việc kinh doanh. Trong chuyện “Mua Trinh” này, tôi xin kể cho bạn nghe những gì tôi đã nghe được từ các em. (xin vui lòng đọc phần “Giới Thiệu” để hiểu hơn những gì tôi kể.)

    Họ là ai? Thưa họ là những thương gia có thế giá và máu mặt trong những phi vụ làm ăn lớn ở Á Châu. Mỗi khi họ trúng mánh thì họ tung tiền qua cửa sổ để yến tiệc ăn mừng. Khi họ bị thất bại thì họ tìm cách “xả xui” bằng cách quan hệ thân xác với các trẻ em.

    Thường thì họ chọn những em khoảng chừng 12 đến 14 tuổi, ngay sau khi các em có kinh nguyệt lần đầu. Họ trả cho các chủ chứa từ 400 cho đến 1,000 dollars để có thể ở với các em trung bình từ 5 đến 10 ngày. Điểm đến thì họ có quyền chọn, nhưng khách sạn thì các chủ chứa chọn, vì các chủ chứa không muốn đưa các em đến những khách sạn không quen biết. Theo ước tính của riêng cá nhân tôi qua 7 năm sống và làm việc với các em, thì khoảng 20-30% các em “được” cho uống thuốc hay uống rượu khi quan hệ lần đầu. Các em này “may mắn” được mê man, nên không biết đau đớn và tủi nhục khi bị cưỡng hiếp. Chỉ sau khi tỉnh dậy các em mới vật vã đối diện với sự thật đã rồi. Trong khi đó đa số các em khác phải trải qua những đau đớn kinh hoàng cả về thân xác lẫn tinh thần khi bị cưỡng ép quan hệ xác thịt lần đầu.

    Xin lỗi bạn, nãy giờ tôi dài dòng một chút để bạn có thể hiểu được những “bối cảnh” chung quanh của sự việc. Mong tránh những sự hiểu lầm. Giờ đây tôi đi thẳng vào câu chuyện “mua trinh” nhé.

    **********************


    Trong 4 cô bé mà tôi “thuê” lần này có 2 em còn rất trẻ, hay nói đúng hơn là còn rất bé. Khi tôi được vào trong nhà thổ để “xem mặt” và chọn các em tôi đã nhìn thấy nét sợ hãi trên khuôn mặt của hai em nên tôi chọn hay em ngay. Với hy vọng tôi có thể khám phá ra những gì đã sảy đến với hai em chăng? Bên cạnh đó tôi cũng không quên chọn hai em đã đi với tôi lần trước – Vì hai em đã quen với tôi nên dễ cởi mở với những câu chuyện hơn.

    Cũng như mọi lần, tôi luôn thuê loại phòng khách sạng sang trọng - Suit - Loại có hai phòng nối liền nhau, 1 phòng ngủ và một phòng coi TiVi. Tôi ngủ trên sofa ở ngoài phòng tivi, còn các em chia nhau ngủ trên hai giường ở phòng ngủ. Đêm nay là tối đầu tiên, tôi muốn có thời gian “làm quen” với các em,và cũng để các em có cơ hội TIN tôi là người Singapore tốt bụng đang buồn vì “cãi nhau với vợ” nên tôi gọi đồ ăn lên phòng. Tôi dặn khách sạn biến phòng coi tivi thành một phòng ăn ấm cúng và trang nhã.

    Trong bữa ăn, tôi cố gắng gợi chuyện nhưng cũng chẳng đi đến đâu, vì các em chẳng hiểu Tiếng Anh. Tôi luôn cố gắng tỏ ra mình là một con người thân thiện và tốt bụng, nhưng vẫn phải giữ vẻ mặt buồn rầu của một người đang “có chuyện buồn.” Gần cuối bữa ăn thì chúng tôi có vẻ thân mật hơn với nhau khi tôi lấy kẹo sôcôla mang từ Mỹ về chia cho các em. Hoa, cô bé đã từng ở chung với tôi tíu tít:

    – Tao biết mà, ông này thế nào cũng có kẹo cho tụi mình.

    Hai bé mới đi lần đầu vẫn rụt rè khi nhận kẹo từ tay tôi.

    – Tụi mày đừng có sợ, ông này tốt lắm, ổng không có “chơi” tụi mình đâu. Hoa động viên.
    – Hổng chừng ngày mai ổng còn dẫn tụi mình đi du lịch và mua quần áo, như ổng đã làm lần trước đó. Tụi mày đừng có lo. Ông này không phải là “cha già dê” đâu. Duyên thêm vào.
    – Đôi lúc tao ước gì vợ chồng ổng cãi nhau hoài, để cho ổng dzìa đây thường xuyên. Hoa nói xong rồi cười lớn.
    – Con này, mày trù ổng không à. Cũng may là ổng không hiểu tiếng Việt chứ ổng mà hiểu là mày chết rồi đó. Duyên cảnh cáo Hoa.

    Tối hôm đó chúng tôi không đi đâu, riêng tôi thì rất mệt mỏi vì phải ngồi cả ngày xe từ Việt Nam qua nên sau khi coi tin tức thế giới từ đài CNN, tôi dọn sofa và cố gắng đưa mình vào giấc ngủ. Tuy vậy tôi nằm đó quay cuồng với những suy nghĩ – và cũng hơi lo sợ. Nỗi sợ đó thì lần nào cũng có. Tôi bỗng nghe có tiếng chân người đi rất nhẹ ở phòng ngủ bên trong. Trong màn đêm tôi thấy hai cái đầu mấp mé sau cánh cửa ngăn hai căn phòng đã được tôi cố tình để hờ không đóng.

    – Ổng ngủ rồi. Tiếng của một trong hai cô bé lần đầu đi với tôi cất lên.
    – Sao tao sợ quá. Thằng cha hiếp tao tuần trước cũng là người Singapore. Bé kia nói trong hơi thở của lo lắng và sợ hãi. Tao hy vọng là chị Hoa và chị Duyên nói đúng. Mong là ổng không mất dạy như thằng cha đó.
    – Hai đứa mày đi ngủ đi. Để cho ổng ngủ. Đừng có phá ổng. Duyên có vẻ ra lệnh nhưng giọng cũng rất nhỏ, có thể là sợ tôi thức giấc.

    Tôi nằm đó mà máu nóng sôi sùng sục. Đầu óc tôi miên man hình dung ra những gì đã có thể xảy ra với bé Nga. Tôi như điên lên, nhưng dằn lòng vì biết mình đang giả vờ ngủ.

    Sáng hôm sau, khi đã ăn sáng, chúng tôi thuê xe “túc túc” (loại xe Honda kéo - như chúng ta vần thường thấy ở miền Tây) đi chợ tham quan và mua sắm. Tôi cho phép mỗi em mua một cái vòng đeo tay và một cái váy đầm sang trọng để tối nay tôi sẽ dẫn các em đi ăn ở một nhà hàng rất sang trọng. Mất hết gần 200 dollar. Nhưng chỉ nghĩ tới là các em sẽ vui nhu thế nào khi nhìn thấy mình đẹp và được đi vào nhà hàng 5 sao cũng đủ làm cho tôi … ấm lòng!

    Chúng tôi ăn trưa ở chợ – các em ngạc nhiên lắm khi thấy tôi cũng biết ăn bốc như các em. Sau bữa trưa chúng tôi về lại khách sạn nghỉ. Và buổi chiều thì chúng tôi đi tắm biển. Tối hôm đó tôi đóng bộ vest “Ralph Lauren” sang trọng và cùng các em bước vào chiếc xe Camry đang đợi trước cửa. Chúng tôi lên xe với cái nhìn … soi mói của nhiều người. Mặc kệ, tôi biết họ đang nghĩ gì.

    Xe dừng lại trước một nhà hàng Hồng Kông tráng lệ. Đay là nơi những thương gia tụ họp ăn uống sau những bản hợp đồng được ký kết. Chúng tôi bước nhanh vào trong phòng riêng mà tôi đã đặt sẵn, tránh những cái nhìn không thiện cảm. Cả bốn cô bé hôm nay vui ra mặt. Ngay cả Nga và Bông cũng không còn rụt rè như hôm qua nữa. Tôi coi thực đơn và gọi toàn là những món ngon, đặc biệt là món tôm hùm rang muối với tỏi. Các em ăn ngon lành, cười nói vui vẻ như quên hết sự đời. Bông đứng lên muốn đi nhà vệ sinh thế là Nga cũng muốn đi theo. Vừa ra khỏi cửa được vài bước Nga chạy như bay trở lại. Mặt cô tái mét và nước mắt đầm đià. Em chui xuống gầm bàn và không cho ai dỗ. Tôi cố gắng hết sức dùng những câu tiếng Anh thật dễ để hỏi và an ủi nhưng cũng chẳng ép phê gì, thế là tôi nháy mắt cho Hoa và Duyên hỏi em coi chuyện gì đã sảy ra.

    Trong tiếng nấc và sợ hãi Nga cho biết là “cái thằng cha ‘mua trinh’ em tuần trước đang ngồi ăn trong nhà hàng này, ngay gần nhà vệ sinh.” Và mặc cho Duyên và Hoa an ủi, em vẫn nhất định không chịu ra khỏi gầm bàn. Thấy tình thế có vẻ căng thẳng tôi đứng dậy, đi tới tận quầy tính tiền để trả tiền, cũng là để quan sát xem “thằng cha” đó là ai. Có quá nhiều người Á Châu trong nhà hàng này, thế là sau khi trả tiền xong tôi lững thững quay về bàn ăn và lấy chiếc áo vest khoác lên trên đầu của Nga, và 5 chúng tôi rời nhà hàng, bỏ dở bữa ăn đang ngon miệng.

    Đêm hôm đó, em kể câu chuyện của em cho các bạn nghe và tôi xin tóm lại như sau:

    Em không thuộc nhóm “may mắn” bị chuốc rượu hay thuốc mê khi bị “mua trinh.” Em chống lại mãnh liệt: em khóc than, em gào thét, em cấu xé. Đáp lại sự chống phá mãnh liệt của em là những đe doạ, rồi đến những cái tát tai, và cuối cùng em bị cột hay tay vào thành giường và cái khăn lau mặt được nhét vào miệng của em.

    Em vẫn vùng vẫy trong những đớn đau của thân xác khi bị “mua trinh.” Và sau khi thằng cha đó đã thoả mãn thú tính, thì em được mở trói và bị lôi vào nhà tắm để rửa những giọt máu vây vãi trên người. Và trong hai ngày ở với thằng cha đó em đã bị cưỡng hiếp 5 lần.

    (Trích trong “Chuyện Có Thật”)
    Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
    www.hayyeuthuongnhau.org


    ___________________________________________


    "Nga – Thiên Nga" là cái tên tôi đặt cho em vì em đã không còn nhớ cái tên tiếng Việt của mình. Theo lời em kể, thì em là một trong những người Việt đầu tiên bị bán qua Campuchia làm nô lệ tình dục. Khi đó em 9 tuổi và khi tôi gặp em thì em đã 19. Có nghĩ là đã hơn nửa kiếp người của em phải sống trong tủi nhục và đau khổ.

    *****************

    3. Chuyện “Hơn Nửa Kiếp Người”
    (Tên của các em đã được thay đổi để bảo vệ an toàn và danh dự cho các em)

    Tôi gặp em rất tình cờ. Và cùng chưa bao giờ có ý định “chọn” em là “đối tượng” để tìm hiểu vì em đã quá tuổi vị thành niên. Tôi đang ngồi trong quán cafê đợi các mụ tú bà mang “hàng” (là các em gái dưới tuổi vị thành niên) đến chào, thì em bước vào quán. Em không để ý gì đến tôi mà đi thẳng đến các người da trắng ngồi ở những bàn kế bên, có lẽ họ là dân mua hoa. Tôi không nghe họ nói gì nhưng thừa hiểu em là gái điếm, tự đi “tiếp thị” chính mình. Với cách ăn mặc của em, tôi thừa biết chuyện đó.

    Sau khoảng 10 phút “tán” mấy người đàn ông da trắng không được, em quay lại cái bàn tôi đang ngồi và kéo ghế ngồi tỉnh bơ – như thể là tôi và em đã quen nhau từ lâu. Em móc túi lấy gói thuốc lá ra hút và mời tôi một điếu:

    – No thank you, I do not smoke. Tôi trả lời.
    – Sorry. Em nói trộc lốc và tiếp tục nhả khói.

    Tôi đứng dậy tính bỏ đi vì bị làm phiền và hành hạ bởi khói thuốc thì nhanh tay em kéo tay tôi lại và nói như van xin.

    – I am hungry. Give me 10 dollar for food please. (tôi đói – xin cho tôi 10 dollars để mua đồ ăn!)

    Tôi đã nhiều lần bị xin tiền kiểu này lắm rồi. Không những chỉ ở đây mà cả ở Mỹ hay Âu Châu cũng vậy, họ xin tiền để đi hút xì ke thôi. Giáo xứ tôi vẫn có những vị “khách” như thế này hàng tuần. Tôi không bao giờ cho họ tiền, nhưng nếu họ đói thì tôi sẵn sàng mua đồ ăn cho họ. Và hôm nay cũng không ngoại lệ. Nên tôi nói:

    – Let us go to restaurant – I buy you food.

    Tôi nghĩ là tôi nói thế là coi như xong. Thường thì nếu những người chỉ xin tiền mua xì ke sẽ không đi theo, nhưng em đứng bật dậy đi theo ngay và nhanh nhẹn nói :

    – Thank you! You are a good man!

    Chúng tôi đi vào quán ăn bên kia đường và chọn một cái bàn trong góc phòng. Em hỏi:

    – How much can I eat?
    – As much as you want. Tôi trả lời.
    – Thank you. You are a good man. Em lập lại câu nói đó một lần nữa với một đôi mắt sáng long lanh và cám ơn!

    Tôi không ăn gì, vì mới ăn trưa xong. Tôi ngồi đó nhìn em ăn và bắt chuyện bâng quơ. Tuy nhiên tôi không hỏi em ở đâu hay làm nghề gì. Em trả lời tôi vanh vách với số vốn tiếng Anh rất khá. Tuy em nói không đúng văn phạm, nhưng cách phát âm thì khá chính xác. Gần cuối bữa ăn, em hỏi tôi làm nghề gì và qua Campuchia để làm gì. Cũng như mọi lần, tôi lại kể câu chuyện tôi là một doanh nhân Singapore buồn vợ đi chơi lang thang và tìm người nói chuyện. Nghe tôi nói vậy em cũng chẳng hỏi gì thêm. Và chúng tôi lại nói chuyện trên trời dưới đất.

    Khi em đã ăn xong, tôi gọi chủ quán tính tiền – 3.5 dollars, là tiền ăn của em và ly café sữa đá của tôi. Tôi đưa tờ 10 dollars và sau khi nhận được tiền thối lại tôi cho tip 1.5 đồng và đưa cho em tờ 5 dollars còn lại cho bữa cơm chiều – rồi đứng dậy bước ra khỏi quán. Em cám ơn tôi và tiếp tục ngồi yên.

    ************

    Vừa đi được khoảng hơn một block đường thì có người vỗ mạnh vào vai tôi và nói:

    – Thank you again! You are a good man!
    – No problem – Tôi trả lời vì nhận ra người đó là em! (từ bây giờ tôi sẽ viết những mẩu đối thoại bằng tiếng việt – dù em và tôi nói chuyện bằng tiếng Anh)
    – Ông sống ở khách sạn nào, cho tôi về với ông.
    – Tôi ở đâu em không cần biết – Tôi trả lời có pha chút bực mình – Tôi không muốn em về với tôi.
    – Tôi sẽ “phục vụ” ông từ A tới Z – Ông tốt lắm, nên tôi sẽ không lấy tiền của ông. Chỉ cần ông cho tôi ăn là được.
    – Không được, tôi không cho em về được. Tôi cáu ghắt.
    – Ông có vợ hay bạn gái à? Cho tôi về ở với ông đi, tôi không lấy tiền của ông đâu.
    – Tôi đã bảo là không được mà – xin em đừng làm phiền tôi nữa. Nói xong tôi rảo bước đi nhanh, mặc cho em nói gì.

    Tuy không cần mua sắm gì, tôi vẫy tay gọi chiếc túc túc (như xe lôi ở VN) và bảo chạy về khu chợ mua sắm – thay vì đi bộ về khách sạn. Tôi đi vòng quanh chợ khoảng nửa tiếng và vừa trở ra thì lại gặp em đang ngồi khoanh chân trên chiếc Honda. Vừa thấy tôi bước ra em tiến gần và nói:

    – Cho tôi về với ông đi, ông tốt lắm, tôi không lấy tiền ông đâu.

    Thật là khó tránh được Nga; vì khao khát được gần “good man”, người không lợi dụng thân xác của em nên em cứ bám lấy tôi. Vì thương hại em và vì biết mình biết ta nên tôi chấp nhận lời yêu cầu của em. Tôi nói.

    – Được, tôi cho em về ở chung, nhưng chỉ một ngày thôi. Và tôi cấm em không được nói đến chuyện “A đến Z.”

    Em cám ơn tôi rồi kéo tôi lên xe Honda và em chở tôi về khách sạn. Thật sự là khi lên xe của em rồi tôi mới thấy mình…. dại thật. Tôi tự trách mình đã quyết định không đúng và thế là lại đọc kinh xin Chúa gìn giữ tôi và tính toán trong đầu cách nào để “thoát khỏi” em!

    **********

    Thế là chỉ trong vài giờ ngắn ngủi của buổi chiều hôm đó tôi và em trở nên thân với nhau. Em kể cho tôi nghe câu chuyện đời em – Câu chuyện «Hơn nửa kiếp người»

    Em không còn nhớ quê quán mình ở đâu. Em chỉ biết là em sinh ra nơi đồng ruộng. 9 tuổi em được một người chị họ dẫn đi qua Miên (danh từ mà người việt dùng để nói về đất nước Campuchia) giúp bán quán càfê. Đó là năm 1996. Và kể từ đó, kiếp người của em không có gì vui. Em bị các tú ông, tú bà chuyền tay nhau để chăn dắt. Đến năm em 17 tuổi thì họ đuổi em ra khỏi động vì «em đã lớn» và không hợp với chỗ này nữa. Với vài đồng xu dính túi, quên cả tiếng việt, không nhớ nơi chôn rau cắt rốn, không nơi nương tựa em lang thang khắp nơi, tìm xin việc trong các quán café, các nhà hàng, cố gắng quên đi quá khứ 8 năm qua, như em đã quên đi chính cả gia đình và nơi em sinh ra. Nhưng………..

    Tiền thì hết, không chỗ nào nhận vì không có một mảnh giấy tờ tùy thân, với bụng đói rã rời, em quay lại con đường cũ – tự mình đi kiếm mối để nuôi thân. Đã 2 năm từ ngày đó – Và nay em đã 19 tuổi! Với 10 năm nhục nhã – hơn nửa kiếp người. Và thế là do Chúa sắp đạt em đã gặp tôi, hay nói đúng hơn tôi đã may mắn gặp được em.

    Trong suốt câu chuyện, em cứ lập đi lập lại một câu “You are a good man!” Nói thật, tôi không dám nhận mình là good man đâu! Nhưng trong những lập luận của em tôi là good man là bởi vì tôi không như tất cả những người đàn ông đã từng đi qua đời em – mỗi khi họ ban phát cho em một ân huệ gì đó thì họ luôn đòi em phải trả lại cho họ một điều khác, mà cái duy nhất em có là “thân xác” của mình. Và thế là…… em tiếp tục phải dùng“đền thờ của Chúa Thánh Thần” (người Công Giáo tin rằng, thân xác của con người là đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ) “trả ơn” cho những con… qủy.

    **************

    Ngày hôm sau, tôi xin em ở lại với tôi trong vài ngày tới – Em vui lắm và nhận lời ngay. Tôi nói với em là tôi muốn em chở tôi đi vòng vòng thành phố này và đến những quán xá, nơi thường hay tụ tập những việc “mua bán” thân xác của con người.

    – Vậy ông sẽ trả tiền ăn nữa chứ? Em hỏi lại
    – Ừ, tôi sẽ trả cho em tiền ăn cộng với tiền xăng, và sẽ cho em thêm một ít thù lao. Tôi thêm vào
    – Chọc ông thôi, tôi chỉ xin tiền xăng và tiền ăn, tôi không lấy tiền của ông đâu. You are a good man. Em lập lại một lần nữa.

    Thế là những này sau đó tôi được lao mình vào tìm hiểu các “đường dây” đưa các em vào đây và những mạng lưới chằng chịt bảo kê cho những kẻ làm giàu trên thân xác trẻ em.

    Và bắt đầu từ hôm đó tôi đặt cho em một cái tên Việt Nam – Nga – Thiên Nga. Suốt ngày chúng tôi “lang thang” khắp các quán xá và ngăn cùng ngỏ hẻm. Nga không ngớt miệng kể cho tôi nghe những vấn nạn trong thế giới này. Dẫu rằng nhiều điều tôi đã biết, nhưng tôi cứ giả ngây thơ để cho em nói!

    Các trẻ em Việt Nam hay Campuchia bị bắt làm nô lệ tình dục ở đây được chia ra làm hai loại. Những em còn bé tuổi từ 5 hay 6 đến khoảng 11 – và các em trên 11 hay 12 tuổi. Đối với các em nhóm thứ nhất, hầu hết chỉ phục vụ vấn đề khẩu dâm (oral sex) vì các em chưa trưởng thành (chưa có kinh nguyệt lần đầu) Mỗi lần như vậy khách phải trả khoảng 30 tới 50, tùy theo khách có biết trả giá hay không. Sau mỗi lần đi khách các em được thưởng “một gói mì” hay cái bánh ăn để lấy sức. Mỗi ngày các em phải tiếp trung bình từ 10 đến 15 khách.

    Nhóm thứ hai gồm các em đã có kinh nguyệt lần đầu thì không còn chỉ đơn thuần là khẩu dâm nữa, mà phải quan hệ như người lớn. Và cũng thế các em có thể phải tiếp trên 10 khách một ngày nếu không“may mắn” được thuê cả tuần hay vài ngày. Tuy nhiên cũng có những kẻ rất bệnh hoạn, sau khi thuê các em cả tuần, thì dẫn bạn bè về ăn nhậu thế là các em lại bị hãm hiếp liên tục trong những cơn say sỉn. Và chuyện đó vẫn thường xuyên sảy ra. Ngay cả Nga cũng không nhớ mình đã bị như vậy bao nhiêu lần.

    Tuy nhiên điều mà các em sợ nhất chính là dính vào những kẻ dùng ma túy. Vì trong cơn phê của ma túy, những kẻ này bắt các em phải dùng chung và (như chúng ta đều biết) Ma túy và tình dục đi chung với nhau thì thật là đáng sợ.

    Yum Yum là từ ám chỉ về khẩu dâm, còn Bum Bum có nghĩa là quan hệ như người lớn.

    Tất cả các em trong cả hai nhóm mà em kể ở trên đều bị giam cầm và quản lý không những chỉ bởi những tú ông tú bà mà còn bởi bọn ma cô. Tùy theo sự thuần phục của mỗi em mà mức độ giam được thả lỏng hay không. Như trường hợp của Nga trước khi bị “đuổi” khỏi động thì em có thể tự do đi chợ hay đi chung quanh thành phố – nhưng vẫn không thể trốn thoát được. Nếu mà bị chúng bắt lại thì sẽ rất khổ vì bị đánh đập liên tục.

    Tôi hỏi Nga tại sao bây giờ em đã hết bị quản lý mà em vẫn làm những việc đó? Em cúi đầu và những giọt nước mắt lăn dài trên má và không trả lời tôi.

    (Trích trong “Chuyện Có Thật”)
    Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
    www.hayyeuthuongnhau.org


    _______________________

    Chút Suy Tư
    Bạn thân mến, trong câu chuyện trước tôi có nói với bạn là không ai muốn nghe chuyện buồn vì nó sẽ làm cho mình buồn hơn. Hôm nay tôi xin kết thúc bài chia sẻ “Hơn nửa kiếp người” này với một câu chuyện vui – Một câu chuyện có HẬU nhé!

    Khi bạn đọc những hàng chữ này thì Thiên Nga đã làm chủ một quán café nhỏ ngay giữa khu phố mà em đã hơn nửa kiếp người bán thân nuôi miệng. Mặc dù cái gì cũng khó khăn, nhưng em vẫn hạnh phúc hơn rất nhiều; tuy cực nhọc hơn, nhưng em không còn phải chịu nhục nhã như trước nữa. Tuy nhiên em nói, cũng có nhiều cái nhìn khinh bỉ và những câu nói nhục mạ – nhưng em không sợ. Em đã đang tập quên đi quá khứ 10 năm của em, để vươn lên! Cám ơn những người bạn của tôi đã giúp em chút vốn liếng ban đầu cho một cuộc sống mới! Cám ơn em đã dám vươn lên đối đầu với sự thật để trở thành người tốt hơn!

    Bạn thân mến, chắc chắn rằng không phải em bé nào đang sống trong những cái cũi nhốt người này đều có thể vươn lên như em. Nhưng, những con người đầy nhị lực như em đã là những tia sáng đang bắt đầu chiếu dọi trong màn đêm u tối! Soi đường cho tôi, cho bạn và cho chúng ta vững bước đi tiếp!

    Cái hạnh phúc nhất của tôi là Nga đã bắt đầu giúp các em nhỏ đang bị chăn dắt để các em từ từ nhận ra được một lối thoát của cuộc đời. Dẫu rằng em chưa dám làm gì nhiều, vì thân em một mình không thể chống chọi lại những áp đặt bọn giang hồ được bao che bởi quyền lực của những kẻ có quyền, nhưng tình thương, những nụ cười, tiếng nói, hay một chút thức ăn em chia sẻ đến với các em bé đã là một xuất phát rất đáng được hoan nghênh!

    Thật, Nga đã và đang là nhân chứng sống của câu nói mà Chúa Giêsu nói với người đàn bà ngoại tình “Ta không kết án con, con về đi và đừng phạm tội nữa!” (Gioan 8:11) Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người làm giàu hay hưởng thụ trên những đau khổ của các em bé cũng có thể “Hãy đi và ĐỪNG PHẠM TỘI nữa!”

    Lm. Martino Nguyễn Bá Thông
    www.hayyeuthuongnhau.org


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X