Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vit Thù Lù - phượnghoàng kimcương

Collapse
X

Vit Thù Lù - phượnghoàng kimcương

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vit Thù Lù - phượnghoàng kimcương

    Vit Thù Lù

    phượnghoàng kimcương


    Lời phi lộ: Vit Thù Lù không phải là con vịt mập tù lù mà là địa danh của kho đạn Bắc Việt nằm trên Quốc Lộ 15, 15 cây số cách biên giới Lào trên vĩ tuyến 17°. Trong Chiến tranh Việt Nam, Bắc quân đã tập trung vũ khí đạn dược lại đây để chuyển vào Nam tiếp tế cho du kích quân Miền Nam. Vit Thù Lù là một trong những mục tiêu của Chiến dịch Sấm Rền "Operation Rolling Thunder" tiếp theo sau Chiến dịch Hỏa Diệm Đao "Operation Flaming Dart" hồi đầu năm 1965. Phi vụ Bắc phạt thì nhiều nhưng ít người viết về nó: KQ Nguyễn Quốc Đạt, tù binh giam chung với mấy phi công Mỹ ở nhà giam Hỏa Lò, kể lại anh bị bắn hạ trong phi vụ Bắc phạt thứ 26 của anh. KQ Trần Đình Giao De Couteau (RIP) có viết bài "Những Phi vụ Bắc phạt của Không quân Việt Nam" nhưng chỉ nêu những công tác kiểm báo theo dõi các phi vụ đó. KQ Nguyễn Huy Cương (RIP) viết trong tạp chí VIETNAM "Phi vụ Bắc phạt đầu tiên" kể từ đầu đến cuối khá đầy đủ. KQ Lê Bá Định (RIP) với bài "Bay trên đất Bắc" đã ghi lại những cảm xúc của tác giả khi lần đầu tiên dẫn một biệt đội 'dispositif' đi vào đất địch, phượnghoàng kimcương xin kể lại trận oanh kích căn cứ hải quân Bắc Việt Quảng Khê, sát bờ biển Vịnh Bắc Bộ trên cửa sông Gianh, là Bộ Chỉ huy Hải quân vùng nam của Bắc Việt.

    Thế giới chưa giây phút nào được im tiếng súng cả! Khi Thế Chiến II chấm dứt, tưởng chừng như các thuộc địa đã được trả lại cho người bản xứ để họ tự định đoạt số phận của họ mà sống trong tự do hạnh phúc, nhưng nào ngờ Liên bang Xô viết, chẳng những tiếp tục củng cố chủ quyền của họ lên các nước chư hầu của Nga hoàng trước kia, mà Hồng quân Xô viết ngay lập tức còn đưa xe tăng tiến chiếm các nước Đông Âu, để rồi người dân Đức Quốc Xã, đã thua trận thế chiến, còn phải dựng lên "Bức tường Ô nhục" tại Bá-Linh. Bên phía đông thì Hồng quân Mao, sau khi tước khí giới quân đội phát xít Nhựt (đầu hàng) ở phía bắc, nhanh chóng tràn xuống phía nam, ép Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan; và chiến tranh Cao-Ly bùng nổ.

    Lúc bấy giờ (1945) Việt Nam vừa thoát ra khỏi tay thực dân Pháp, không có quân đội. Nhưng cái đà nhuộm đỏ cả thế giới của quốc tế cộng sản quá gấp rút. Pháp có bổn phận trang bị cho các nước Đông Dương thuộc địa cũ của họ, nhưng kinh tế gần như bị kiệt quệ sau lần bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, phải nhờ đồng minh Mỹ giúp đỡ.

    Với sự ra đời của 'Mặt trận Giải phóng Miền nam', quyết tâm thôn tính Miền Nam của cộng sản Bắc Việt càng rõ rệt và nguy cấp hơn.

    Hội đồng Liên quân Mỹ đã liệt kê 94 mục tiêu trên đất Bắc cần phải phá hủy ngay, nhưng Tổng thống Johnson sợ một chiến dịch qui mô như thế có thể sẽ châm ngòi cho Trung cộng và Liên Xô can thiệp trực tiếp vào; điều đó sẽ biến thành một chiến tranh thế giới mới.

    Do đó chiến dịch oanh tạc Bắc Việt cộng sản bị giới hạn trong các mục tiêu phía nam vĩ tuyến 19o và từng mục tiêu phải được Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara duyệt.

    Lúc bấy giờ (1965) các phi vụ Bắc phạt không giống như các phi vụ yểm trợ quân bạn ở Miền Nam. Ở Miền Nam có phi cơ điều không tiền tuyến FAC (Forward Air Controller) hướng dẫn, không có phòng không địch; phi vụ yểm trợ tiếp cận CAS (Close Air Support) quân bạn thì phải thật là chính xác, nhiều khi chỉ cách quân bạn có 50m mà thôi.

    Còn các mục tiêu Bắc phạt thường là cả một căn cứ địch to lớn, một kho vũ khí, một đài ra-đa..., được cao xạ phòng không địch bảo vệ tứ phía; không có FAC hướng dẫn nên không biết hướng nào để tránh, đôi khi lại còn có phi cơ Mig của địch ra nghênh chiến hoặc truy kích. Cho nên các phi vụ Bắc phạt phải du hành ở cao độ thấp để tránh ra-đa địch phát hiện, oanh kích ở những trục khá xa tầm nhắm của phòng không, đánh nhanh rút gọn, do đó chỉ làm một 'pass' (vòng) thôi.

    Ngày 2 và 4 tháng 8 năm 1964, hai tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Hoa kỳ bị tấn công ở Vịnh Bắc Bộ, mở màn cho chiến dịch Xuyên Tiễn "Operation Pierce Arrow"; phi cơ của Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ phóng đi (catapult) từ các hàng không mẫu hạm USS Ticonderoga và USS Constellation vào oanh tạc, phá hủy các tàu bè, hệ thống phòng không và kho nhiên liệu ở Vịnh Bắc Bộ.

    Ngày 7 tháng 2 năm 1965, VC thụt moóc-chê vào trại Halloway của Bộ binh Hoa Kỳ phía đông-nam phi trường Cù Hanh. Ngày 10 tháng 2, VC đặt chất nổ phá hoại Câu lạc bộ Hạ sĩ quan Mỹ (NCO's Club) ở Qui Nhơn. Lập tức chiến dịch Hỏa Diệm Đao "Operation Flaming Dart" được điều động, mà lần này (đầu tiên) có sự tham dự của Không quân VNCH.
    Ngày 8-2-65, Tư lệnh KQVN Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đích thân dẫn một biệt đội 24 chiếc A-1 Skyraider đánh trại lính Chấp Lễ và đài ra-đa Hòn Cọp ngay bên kia cửa sông Bến Hải.

    Phi tuần của Thiếu tá Dương Thiệu Hùng, Tư lệnh KĐ41 oanh tạc Vĩnh Linh, một mục tiêu ở gần đó. Phi cơ của ông bị trúng đạn địch, ông cố 'lết' về còn cách Đà-Nẵng chừng 20mi thì nhảy dù an toàn. Th/tá Nguyễn Hữu Chẩn, Chỉ huy trưởng LĐ23TC, và Phi hổ Đ/úy Vũ Khắc Huề đã bị phòng không địch hạ.

    Để triệt hạ hệ thống phòng không của cộng sản Bắc Việt, phá hủy các nhà máy và mạng lưới tiếp liệu của họ, làm tiêu mòn sự yểm trợ của họ cho MTGPMN, tổng thống Johnson ra lệnh cho Sư đoàn 2 USAF (Không lực Hoa Kỳ) thuộc Không quân 13 của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương PACAF thực hiện chiến dịch Sấm Rền "Operation Rolling Thunder" từ đầu tháng 3/65 đến hết tháng 10/68.

    Phi vụ đầu tiên của chiến dịch mới này được thực hiện vào ngày 2 tháng 3, với 100 phi cơ KQHK dội bom kho vũ khí gần Xóm Bàng, Hà Tĩnh. Cùng ngày, 19 phi cơ A1 Skyraider của Không lực Việt Nam Cộng hòa đánh phá Căn cứ Hải quân Quảng Khê.

    Tảng sáng sớm ngày Thứ ba 2 tháng 3 năm 1965, Tr/úy Lê Bá Định TPHQ/ PĐ514 được lệnh dẫn một biệt đội 12 chiếc A-1 cất cánh từ Biên Hòa ra đáp tại Đà Nẵng. Sau khi cùng ăn trưa ở quán cơm tại PĐ110 của Đ/úy Phan Văn Mạnh, tất cả biệt đội lên họp tại phòng họp của KĐ41.

    Đ/úy Nguyễn Xuân Hách, Trưởng phòng Quân báo giới thiệu sĩ quan của phòng Không ảnh Hoa Kỳ lên thuyết trình về các mục tiêu cho phi vụ hôm nay, có máy chiếu 'slide' không ảnh minh họa:

    1. trại tập trung quân BV trong vùng núi, là đầu mối của hệ thống đường mòn HCM, khoảng 12 cây số tây-bắc thành phố Vinh, đồi núi bao quanh 3 mặt cao từ 300 đến 500 bộ, có phòng không 12,7 ly, 14,5 ly và cao xạ 23 ly và 37 ly.

    2. Căn cứ Hải quân Quảng Khê, trên cửa sông Gianh, là Bộ Chỉ huy Hải quân vùng nam của Bắc Việt, điểm xuất phát của các tàu không tên chuyên chở vũ khí đạn dược, thuốc men, vào Nam tiếp tế cho MTGPMN, tứ phía được bảo vệ bởi các giàn pháo DCA (défense contre avions: phòng không) cực mạnh.

    3. kho đạn Vit Thù Lù nằm trên đĩnh núi sát với Quốc lộ 15, 15 cây số cách biên giới Lào trên vĩ tuyến 17°. BV tập trung vũ khí đạn dược lại đây để chuyển vào Nam bằng đường bộ tiếp tế cho MTGPMN.

    4. tuần thám võ trang "armed recce" (đọc là recky) dọc theo Quốc lộ 15 nối liền Vinh đến Vit Thù Lù, tiêu diệt các đoàn xe nhà binh, đoàn xe lửa....

    Kế đến, sĩ quan khí tượng lên thuyết trình về thời tiết từ Đà-Nẵng đến các mục tiêu: mây thấp rải rác lên đến 7000 bộ, trần mây 700 bộ, tầm nhìn xa 3000 thước, gió đông-nam nhẹ 10 gút (knot: hải lý/giờ).

    Sau đó, Đ/úy Hách trao cho Định 3 bộ bản đồ, dành cho 3 mục tiêu. Định giữ bộ bản đồ Vinh, đưa cho Bửu bộ bản đồ Quảng Khê, còn cho Hùng bộ bản đồ Vit Thù Lù, rồi bước lên bục và thuyết trình tiền phi bằng tiếng Mỹ1 vì phi tuần Diamond có hai cố vấn Mỹ bay số 3 và số 4:

    "Sau khi qua sông Bến Hải là vùng đất địch, chúng ta giữ tối đa 'radio silence' (im lặng trên tần số), tất cả đều phải dùng 'hand signals' hoặc 'aircraft motions' (ra dấu bằng tay hoặc động tác của phi cơ), trả lời "roger" bằng 2 'click' (radio button)2, lắc cánh (rock the wings) là vào hợp đoàn sát cánh (close formation), đạp 'rudder pedals'3 qua lại là ra đội hình hành quân (tactical formation), kéo và đẩy mũi phi cơ lên xuống (pump the stick) là vào đội hình chiến đấu (combat chase). Chỉ làm một 'pass', thả 'pair'4 và bấm bom rải dài ra vì mục tiêu có chiều dài 300-500m. Nhớ không giựt tay 'salvo'5 vì chúng ta phải giữ lại bình xăng phụ6. Phi tuần Định danh hiệu Red đánh mục tiêu #1 Vinh, phi tuần Bửu danh hiệu Diamond đánh mục tiêu #2 Quảng Khê, phi tuần Hùng danh hiệu Black đánh mục tiêu #3 Vit Thù Lù. Sau khi đánh bom xong chúng ta đi tuần thám dọc theo quốc lộ và sử dụng 'cannon'7 để tiêu diệt mọi xe cộ di chuyển trên đường. Nhớ đừng cố bám theo mục tiêu mà tất cả đều chỉ làm một 'pass' rồi bỏ đi, có phòng không địch dọc theo 2 bên đường, trên sườn núi. Red và Diamond tuần thám QL.15 đến Vit Thù Lù, Black tuần thám QL.1 đến Đồng Hới rồi về. Any questions?... Chúng ta sẽ ra phi cơ lúc 2:30 giờ. Bây giờ tất cả điều chỉnh đồng hồ của mình đúng 2:10".

    Tất cả kéo nút chỉnh đồng hồ, vặn lên đúng 2:10, để đó rồi Định đếm ngược: "5, 4, 3, 2, 1, go" và tất cả cùng bấm nút cho đồng hồ của mình chạy lại.




    Mọi người có vẻ đăm chiêu lo lắng, nhứt là mục tiêu của phi tuần 'Diamond' là cả một Bộ Chỉ huy Hải quân của địch. Ai cũng tự biết là phòng thủ ở đó sẽ rất kiên cố, chặt chẽ. Mọi người đều phập phồng lo sợ, không biết lúc nào mình bị bọn phản lực Mig của địch nhanh nhẹn hơn ra nghênh cản, rượt đuổi mình như mèo vờn chuột. Rồi nghĩ đến mấy bậc đàn anh khu trục Bearcat oai hùng như Phạm Phú Quốc, Nguyễn Hữu Chẩn, Vũ Khắc Huề, Dương Thiệu Hùng, mà còn bị bắn hạ trong mấy phi vụ Bắc phạt đầu tiên. Mỗi người một góc mở bản đồ ra nghiên cứu, tự tìm cho mình trục đánh mà mình nghĩ là an toàn cho mình nhứt, đã đành phải theo 'lead'8, nhưng né 1° bên này hay bên kia là có thể né được lằn đạn của địch. Bỗng chốc Định ra lệnh :"OK, Let's go!". Nhìn lên đồng hồ treo trên tường đã 02:30 rồi.

    Trang bị cần thiết và đầy đủ9, tôi đưa mắt điểm lại mấy bạn trong phi tuần của tôi rồi bước ra phòng họp. Đi ngang qua cái gạt tàn thuốc để trên bệ cửa sổ, tôi dụi nhanh điếu 'Pall Mall' còn đang hút nửa chừng. Mạnh ai nấy ra phi cơ của mình lái từ Biên Hòa để kiểm tiền phi phi cơ và bom đạn; bình xăng phụ gắn ống truyền vào bình xăng chánh có được chắc chắn không.

    Tất cả mở máy. Định gọi điểm danh :"Phoenix Flights check in".
    "Diamond check in 1" - "2" - "3" - "4".
    "Black check in 1" - "2" - "3" - "4".
    "Red check in 1" - "2" - "3" - "4".



    Rồi Định gọi đài xin di chuyển cho cả biệt đội:

    "Da-Nang Tower, Phoenix Flight request taxi for 12 Skyraiders"10

    "Phoenix Flight, cleared to taxi, runway in use one seven, field barometric pressure two nine eight three, winds one one five at one five knots"11.

    Tất cả vặn cao độ kế lên 30 ft 'field elevation'12 và ghi sai biệt 'barometric pressure'13 ở 'Kollsman window'14 lên 'knee board'15 của mình. Rồi từng chiếc một thứ tự di chuyển ra đầu phi đạo để làm 'point fixe'16 (engine runup). Tất cả đều thử máy xong xuôi. Đợi cũng khá lâu không nghe Định xin đài cất cánh, tôi tưởng Định chờ đúng 3:00 mới cất cánh thì thấy Định quay đầu phi cơ đi trở vô với đèn 'landing gear' ON17, nhìn lên đài thì đài kiểm soát cũng bật đèn xanh cho Định di chuyển vào. Ngừng lại ngang tôi, Định lấy tay mặt vỗ vào tai và mike18 rồi chỉ ngón tay cái xuống (thumbs down), rồi hai tay vỗ vào đầu và đưa thẳng ra chỉ vào tôi. Tôi hiểu là vô tuyến của Định hoàn toàn OUT và ra lệnh cho tôi lấy 'lead', tôi lấy tay vỗ vào đầu mình và quay chỉ vào ngực mình để nhận lệnh. Tôi ngạc nhiên một hồi, nghĩ rằng mình còn là Chuẩn úy, mới có bảy tám trăm giờ bay, chưa được xác định ra phi tuần trưởng, làm gì mà Định đã tin tưởng trao cho mình trách nhiệm dẫn đắt một 'dispositif' đi đánh ngay trên đất địch, thay thế chỗ của anh ta. Vấn đề dẫn phi tuần bốn chiếc đánh 'không chiến' thì mình đã thành thạo khi học ở trường Hải quân Hoa Kỳ rồi, nhưng đây là phi vụ Bắc phạt đầu tiên của tôi và TPHQ Định cũng biết được điều đó chớ. Tôi đã nhiều lần đi biệt phái với Định nên Định đã biết rõ khả năng của tôi, do đó tôi cũng an tâm phần nào.Tôi gọi đài xin cất cánh:

    "Da-Nang tower, Phoenix Diamond holding short number one for line up with 4 Skyraiders"19
    "Diamond Flight, 2 Phantoms on final runway one seven right. You are cleared for line up and wait, runway one seven left."20
    "Roger. Phantoms in sight"

    Hai chiếc Phantoms vừa qua threshhold21, tôi báo:

    "Diamond rolling out for lineup and wait"22.

    Bốn chiếc phi cơ của phi tuần Diamond lăn bánh ra so hàng phi đạo, giữ thắng, tống hết ga. Đài gọi:

    "Diamond Flight, you're cleared for take off"

    Tôi lập lại:
    "Diamond cleared for take off"

    Rồi tuần tự mỗi chiếc buông thắng, chiếc sau cách chiếc trước 3 giây.

    Bốn chiếc phi cơ đầy bom đạn, nặng nề rời phi đạo. Đủ tốc độ để lấy cao độ, tôi kéo ga về cơ chế 35-240023để tiếp tục lấy cao độ và quẹo qua trái để cho phi tuần viên vào hợp đoàn sát cánh, rồi trả cánh lấy hướng 315°.

    Tôi lắc cánh bến trái để số 2 đổi sang bên cánh trái và vẫn tiếp tục lấy cao độ cho đến khi ra khỏi mây.

    Tôi cho phi tuần qua tần số Panama Control và gọi:
    "Panama Control, Phoenix Diamond"
    "Phoenix Diamond, Panama, go ahead"
    "Diamond heading to target #2"24
    "Panama copy. Squawk IFF for Rescap"25
    "Diamond squawk IFF"

    Sau khi kiểm soát các phi cơ trong phi tuần đều tốt, tôi đưa tay áp sát tai, lật bàn tay qua lại làm động tác úp mở, rồi tôi bật nút mở 'cowl flaps'26để cho mát máy vì nhiệt độ dầu 'oil temperature' đã lên quá 180°C và vẫn tiếp tục lấy cao độ lên đến 8000 bộ, hoàn toàn khỏi mây. Tôi đạp 'rudder pedals' cho phi tuần ra đội hình hành quân và kéo về cơ chế bình phi (28-2000 Normal), để đầu cánh trái rà dọc theo bờ biển, mây lớt phớt phía dưới.

    Từ đây đến sông Bến Hải còn tới nửa tiếng nữa. Tôi có suy nghĩ trong đầu là hiện cờ đang trong tay mình, tại sao mình không phất. Mấy đàn anh trong 2 phi vụ đầu tiên trước đây đều dùng chiến thuật bay thấp để tránh bị ra-đa địch bắt được, nhưng họ vẫn không thoát khỏi phòng không địch. Phi tuần mình dẫn toàn những người đã từng học và thấm nhuần chiến thuật bay thấp trên mặt biển, số 2 là Thăng Quất Phan tuy khác lớp nhưng cùng trường Navy với mình và 2 cố vấn Mỹ cũng đã xuyên huấn AD-6 ở trường Hải quân NAS Corpus Christi trước khi qua VN, mình đâu có sợ bay thấp đâu. Nhưng với trần mây quá thấp như ngày hôm nay thì bay ở cao độ thấp thật là không an toàn, nhứt là cho một phi tuần nặng như vầy. Mây thấp hình cuộn bông gòn (stratocumulus)27 là một lợi thế cho mình khi ở trên mây; phòng không địch từ dưới đất nhìn lên rất khó nhắm mục tiêu vì bị mây che khuất. Còn nghĩ đến Mig thì hiện có 100 phi xuất USAF đang oanh kích kho đạn Xóm Bàng, Hà Tĩnh, phía trong đất liền và đội MigCap luôn túc trực trên trời; thêm vào đó USAF luôn có AEW (airborne early warning)28 bao vùng cho họ. Những suy nghĩ đắn đo đã được cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng tôi quyết định giữ bay ở độ cao này để tiếp tục du hành đến mục tiêu.

    Nhìn qua cánh trái thấy chỗ đất nhô ra biển là cửa Tùng; sông Bến Hải đây rồi. Tôi mò trong túi dưới cẳng chân mặt lấy cây thước rút của hoa tiêu (E-6B Flight Computer)29 ra để tính cho chính xác còn bao lâu nữa mới đến mục tiêu.

    Hiện giờ thì bờ biển có hướng 305°, nhưng khi đến mục tiêu thì bờ biển sẽ thẳng lên 350°, gió 110° nên chúng tôi sẽ đến sớm hơn giờ TOT30 một chút.

    Phía bên kia là đất địch. Chúng tôi giữ im lặng trên tần số, không nói một tiếng nào, mà vô tuyến vẫn ồn ào: tiếng kêu inh ỏi "Mayday! Mayday!" của phi tuần Thud phản lực F-105 Thunderchief mới vừa bị phòng không địch hạ ở Xóm Bàng làm mình càng thêm lo sợ; rồi tiếng cảnh báo của phi tuần MigCap cho biết có phi cơ cất cánh từ phi trường Phúc Yên làm mình phải luôn nhìn trước ngó sau tìm xem có Mig của địch xuất hiện hay không; nhưng rồi họ lại cho biết là phi cơ đã hạ cánh ở Cát Bi....

    Đến 3:40 thì chúng tôi đã đến cửa sông Gianh, tôi kéo và đẩy cần lái lên xuống để cho phi tuần vào đội hình chiến đấu, đồng thời tống ga lên cơ chế chiến đấu (40-2600 Rich)



    và bật nút Arm Bombs lên Nose&Tail31 ở bảng vũ khí bên mặt. Mục tiêu hiện rõ bên bờ nam sông Gianh. Tôi nghiêng cánh trái quẹo vào song song với con sông, rồi khi mục tiêu ở ngang cánh trái cùng lúc có một lỗ trống xuyên mây, tôi mới lật úp và kéo mũi phi cơ vào mục tiêu32 rồi bấm micrô báo :"Diamond one rolling in hot". Tôi bấm hai trái bom bên cánh trong, rồi tuần tự bấm mấy trái ở cánh ngoài rải dài theo đường chéo từ bờ sông qua góc bên kia của căn cứ địch. Tôi tiếp tục giữ bay thẳng ra biển rồi mới kéo lên. Tuần tự số 2 báo "Two in", "Three in", "Four in". Bỗng một tiếng nổ kinh hoàng lùa ra xa mấy cụm mây trắng xung quanh, nhường chỗ cho một cột khói đen khổng lồ cuồn cuộn tỏa ra từ ngọn lửa lóe lên nơi trái bom vừa đâm sầm xuống.

    Một tiếng nổ phụ thứ hai làm sáng cả một vùng trời. Tôi quẹo qua mặt và lấy hướng dọc theo bờ biển và kéo ga về cơ chế hành quân (tactical power setting) để tất cả phi tuần vào sát cánh và kiểm lại lẫn nhau xem coi có phi cơ nào bị gì không; tôi kiểm cho số 2 và số 3, không thấy gì thì đưa ngón tay cái lên (thumbs up); số 2 và số 3 ra dấu lại cho tôi; số 3 và số 4 kiểm cho nhau.


    Tôi tách phi tuần ra làm 2 'elements' thành đội hình thám thính (scouting formation)33 quẹo vào bay dọc theo hai bên nhánh sông phía nam của sông Gianh là sông Son, và từ từ xuống cao độ ngang với ngọn núi Trường Sơn khoảng 5000 bộ. Càng vào gần núi mây càng thưa dần. Đi tới cuối con sông thì Quốc lộ 15 lộ ra phía sau thung lũng. Hai 'elements' quẹo vào nhau và trở lại hướng ban đầu, lượn qua lượn lại theo hình cái kéo trên con đường ngoằn ngoèo phía dưới, tôi không ngớt kiểm soát xem phía bên sườn núi có xuất hiện loạt đạn phòng không nào không như mình đã có lần gặp ở sườn núi Vũng Rô hồi tháng trước; trên quốc lộ vẫn không thấy có sự sinh hoạt nào cả. Gặp sông Long Đại là chúng tôi biết đã trinh sát được nửa đường rồi, chúng tôi tiếp tục con đường theo hướng gần như bắc-nam, bỗng con đường gẫy gập qua trái gần 90°.


    Vit Thù Lù hướng 12 giờ nằm ở trước mặt chúng tôi, mịt mù khói lửa, quang cảnh điêu tàn, tựa cảnh quân Napoléon triệt thoái ra khỏi Nga-La-Tư trong phim "Chiến tranh và Hòa bình" phỏng theo kiệt tác chánh cùng tên của văn hào lỗi lạc Nga Lev Nikolaïevitch Tolstoï thế kỷ XIX.

    Chúng tôi tập hợp lại vào đội hình ngón tay (finger-four) và lấy hướng 120o của Tacan34 Đà-Nẵng. Tôi qua tần số Panama và báo cáo:

    "Panama Control, Diamond Flight on the three zero five Radial of Da-Nang Tacan, one o eight miles DME35, inbound to Da-Nang at five thousand"
    "Diamond, Panama copy"

    Đến bán đảo Chân Mây là chúng tôi ra tới biển, tôi quẹo dọc theo bờ biển Lăng Cô để tới đèo Hải Vân, rời tần số Panama, tôi xuống cao độ, cho phi tuần vào sát cánh và báo cáo với Đà-Nẵng đài xin đáp. Mặt trời đã khuất sau rặng Trường Sơn. Số 2 là Thăng Quất Phan chưa ra (checked out: được xác định) hành quân đêm, nên tôi phải dẫn về đáp hợp đoàn (formation landing). Tôi ra lệnh cho Diamond 3:

    "Diamond 3 go ahead and make a normal landing with 4, Diamond 1 will shoot GCA36 with 2"
    "Diamond 3 Roger, Wilco"....
    "Đà-Nẵng Tower, Diamond 1 over Hải Vân, inbound at 3000 feet, request GCA guidance"
    "Diamond 1, Đà-Nẵng Tower, GCA pick you up on uniform 4"37....

    Giọng nói nhẹ nhàng êm ái của cô nữ nhân viên đài GCA người Mỹ làm cho mình thoải mái, xả hết căng thẳng:

    "Diamond 1, GCA. Turn left heading 3-5-0 downwind, descend to 2000 feet, QNH 2-9.9-2"
    "Turn left 3-5-0, descend to 2000, Diamond 1"

    Tôi lắc cánh cho số 2 qua bên mặt, rồi vừa quẹo trái vừa xuống cao độ. Tôi lấy tay vỗ lên bảng đồng hồ 'panel' để số 2 biết mà làm 'landing checklist' (phương thức hạ cánh): full RPM, ra bánh đáp, dưới 140 kts tôi đưa bàn tay lật úp, xếp mấy ngón lên xuống nhiều lần ra dấu cho hạ hết cánh phụ (full flaps).

    "Diamond 1 turn left heading 1-7-0, descend to one thousand five hundred"
    "Turn left 1-7-0, descend to 1500, Diamond 1"
    "Diamond 1 keep turning left, you are approaching final course38...., continue descending, you are approaching glidepath"39.

    Bây giờ thì tôi chỉ trả lời bằng cách bấm micrô (clicking mike) và thi hành theo chỉ thị thôi. Rồi sau đó thì chỉ nghe đài lập đi lập lại: "on course, on glidepath, on course, on glidepath" cho tới khi đài nói:

    "You are over the threshhold, complete your landing, runway one seven left, winds one one zero ten knots. Go back to Đà-Nẵng Tower on victor 1"40
    "Thank you GCA".
    "Have a nice evening, Sir".

    Tôi định quẹo vào 'bretelle'41thứ 3 nhưng đài nhanh chóng nói: "Diamond 1 expedite your run to the end of runway, 'Follow-me' stand by to take you to the ramp".42
    Tài xế xe 'Follow-me' với đèn 'beacon' đỏ chóp tắt trên mui, phất qua phất lại cây gậy đèn (traffic baton)43 màu hổ phách (amber). Chúng tôi quẹo vô 'taxiway'


    và theo xe 'Follow me', di chuyển ngang qua Không đoàn bộ thì thấy Phi hổ Đ/úy Ôn Văn Tài đang chờ cùng đi ăn tối ngoài phố và chúng tôi được một đêm huy hoàng ở xứ Quảng.

    Sáng hôm sau cả phi đội cất cánh về Biên Hòa. Phòng quân báo KQ nhận được tin của phòng Không ảnh Hoa Kỳ cho hay các mục tiêu đã bị phá hủy hoàn toàn (100% destroyed) và chiều hôm đó Tư lệnh KQ gọi tất cả về Thủ đô để chiêu đãi tại nhà hàng vũ trường Văn Cảnh. Trong trận này mỗi người chúng tôi đều được ân thưởng Biệt công Bội tinh.

    phượnghoàng kimcương


    Tr/úy Ôn Văn Tài TPHQ/ PĐ516 Phi hổ, Th/tá Nguyễn Kim Khánh Tư lệnh KĐ41
    và cố vấn trưởng chụp chung sau trận Độ Xá 27-4-1964

    Chú thích:

    1. Lê Bá Định học cùng lớp với Trần Văn Thiện và Dan Hoài Bữu ở lycée Chasseloup Laubat. Năm1958, sau khi đậu Tú tài nhứt thì Định gia nhập KQVN khóa Trần Duy Kỷ, Trần Văn Thiện khóa 59, Dan Hoài Bữu khóa 61. Sau đó thì Định thi tiếp Tú tài toàn phần, rồi học hàm thụ lấy cử nhân luật, định trình luận án tiến sĩ, không may vị giáo sư chủ luận án (patron de thèse) bị VC ám sát, nên việc đó không thành. Khóa 58 Trần Duy Kỷ là khóa khu trục độc nhứt được huấn luyện trong nước nên Định không có lúc nào du học. Hồi còn ở lycée Định luôn đứng nhứt về môn Anh văn, nhờ có học thêm ở hội Việt-Mỹ. Tôi gặp lại Định ở trại tù tập trung Sơn La; chúng tôi cùng đội cưa xẻ với KQ Chung Tử Bửu, hoa tiêu sống sót trong trận Lam Sơn 719, bị bắt làm tù binh.
    2. 'radio button': nút vô tuyến nằm bên hông tay ga (throttle), bấm vào để nói; khi bấm thì nghe tiếng 'clic'.


    3. 'rudder pedals': bàn đạp bánh lái; khi đạp bên này bên kia thì đuôi phi cơ sẽ vẫy qua lại.
    4. thả 'pair' là thả một lượt 2 trái (mỗi bên cánh 1 trái); ở góc trên bên trái bảng vũ khí giữa 'OUTER STATIONS' vặn mũi tên số 7 chỉ 'PAIRS', bảng bên mặt 'INBD STATIONS' bật switch số 13 LEFT và RIGHT lên.


    5.'salvo': thả hết trọi bom cùng một lúc bằng cách giựt dây D-ring.
    6. bình xăng phụ gắn dưới bụng phi cơ để có thêm nhiên liệu an toàn cho những phi vụ ở lâu trên trời, được sản xuất theo số lượng phi cơ chớ không phải là hàng tiêu thụ (consumables) như bom đạn, nên rất ít, cho nên không được tiêu hao phung phí.
    7. 'cannon' là đại bác 20 ly. Phi cơ Skyraider có 4 cây, mỗi bên 2 cây và 800 viên đạn.
    8. 'lead' hay 'leader' là phi tuần trưởng người bay ở vị trí #1 chỉ huy trong phi tuần.
    9. trang bị cần thiết và đầy đủ: gồm có áo mưu sinh với máy vô tuyến hai chiều, hỏa châu 'flare gun', la bàn lân tinh, kính chiếu hiệu, hộp cấp cứu 'first aid kit'; áo phao 'life vest'; súng lục P.38; quần 'G-suit' dùng trong không chiến, áo bay đỏ và giày đi rừng 'boondockers' mà trường bay Navy VT-30 đã phát cho.
    10. "Da-Nang Tower, Phoenix Flight request taxi for 12 Skyraiders": Đà-Nẵng đài, Phi tuần Phượng hoàng xin di chuyển cho 12 phi cơ Skyraiders. Sở dĩ phải nêu rõ loại phi cơ vì lúc bấy giờ phi trường Đà-Nẵng có nhiều loại khu trục của USAF đồn trú và liên tục cất cánh và đáp.
    11. "Phoenix Flight, cleared to taxi, runway in use one seven, field barometric pressure two nine eight three, winds one one five at one five knots": "Phượng Hoàng di chuyển, phi đạo đang sử dụng 17, QNH hotel 29.83, gió hướng 115, 15 gút. QNH là mật mã ICAO có nghĩa là khí áp ở phi trường.
    12. 'field elevation' là độ cao của phi trường so với mặt biển.
    13. 'barometric pressure' là áp suất không khí hay khí áp đo bằng áp suất của cột thủy ngân.
    14. 'Kollsman window' là cửa sổ trên cao độ kế chỉ khí áp. Vì khí áp luôn thay đổi nên chúng ta cần điều chỉnh theo khí áp hiện tại để có cao độ (altitude) chính xác. Các phi vụ Bắc phạt đều phải du hành ở cao độ thấp và nhứt là trong phi vụ tuần thám võ trang bắt buộc phải bay cách mặt đất dưới 500 ft mới quan sát được rõ ràng.
    15. 'knee board' là dụng cụ giống như một tấm ván cỡ bàn tay, cột lên đùi để phi công ghi chép.
    16. 'point fixe' là tiếng Pháp, 'engine runup' là tiếng Anh, có nghĩa là giai đoạn thử máy phi cơ ở cơ chế cao.
    17. 'landing gear ON' là vặn đèn bánh đáp lên làm dấu hiệu xin đài di chuyển khi không liên lạc được bằng vô tuyến; đài sẽ đáp lại cũng bằng dấu hiệu đèn (lights signals: xanh lục là cho phép, đỏ là không chấp thuận, vàng là cẩn thận).
    18. vỗ vào tai và 'mike'(micrô) rồi đưa ngón tay cái xuống: là dấu hiệu không nghe, không phát được bằng vô tuyến.
    19. 'holding short number one for lineup': là đang ở vị trí đứng đầu trong hàng chờ đợi để ra so hàng phi đạo.
    20. 'line up and wait' (từ ngữ của ICAO) là 'position and hold' (từ ngữ của FAA): so hàng và chờ.
    21. 'threshhold' tiếng Anh; 'seuil de piste' tiếng Pháp: là đầu phi đạo được nhận thấy bởi nhiều vạch trắng từ lề bên này qua lề bên kia, song song theo chiều dọc của phi đạo, số vạch ấn định chiều ngang của phi đạo: 4 vạch là 18m; 8 vạch là 30m; 12 vạch là 45m....
    22. "Diamond rolling out for line up and wait": Kim cương lăn bánh ra so hàng phi đạo và chờ.
    23. 35-2400 Rich là cơ chế lấy cao độ: 35"manifold pressure, 2400rpm (vòng/phút), xăng hỗn hợp giàu (toàn tải).
    24. "Panama, Diamond heading to target #2": (Đài kiểm báo) Panama, (Phi tuần) Kim cương lấy hướng đi đến mục tiêu #2, không nói ra địa điểm vì để giữ bí mật quân sự, lại nữa Đ/úy Giao TPHQ/ Trung tâm Kiểm báo Panama đã có mặt trong buổi họp HQ.
    25. "squawk IFF (identify friend or foe)": là mở máy phát tín hiệu 'transponder' để nhận dạng bạn hay địch.
    'ResCap' là 'Rescue Combat Air Patrol': Đội cứu vớt phi công lâm nạn.
    26. 'cowl flaps' là nắp đậy máy, tự động đóng lại nhưng khi máy quá nóng, làm dầu loãng ra thì phải mở nắp đậy bằng tay (manual).
    27. 'stratocumulus' là mây tầng tích là mây thấp có hình giống như cuộn bông gòn trải dài.
    28. 'AEW&C' là chữ viết tắt của 'Airborne Early Warning & Control': là phi cơ làm đài trên không có phương tiện ra-đa theo dõi hoạt động hàng không địch để thông báo cho phi cơ bạn biết trước.



    29. 'E-6B flight computer', thường được gọi là "whiz wheel", là cây thước đo giờ bay, hướng,...sử dụng trong hàng không để lập phi trình.
    30. TOT viết tắt 'time on target' là giờ trên mục tiêu.
    31. 'Arm Bombs Nose&Tail': mở khoá an toàn ở mũi & đuôi bom.
    32. lật úp phi cơ kéo mũi xuống: phi tác này tiếng Pháp gọi là 'renversement' và tiếng Mỹ gọi là 'split-S'.
    33. 'scouting formation' là đội hình thám thính áp dụng trong những phi vụ tuần thám hay hộ tống trên lộ hoặc trên sông. Hai phi cơ hoặc hai 'elements' (phi tuần 2 chiếc) bay gần như ngang cánh nhau, để con đường hoặc con sông ở giữa cho cả 2 (phi cơ/ 'element') dễ quan sát. Đội hình thám thính còn gọi là 'Thach Weave Pattern'.
    Hai chiếc hoặc hai 'element' (phi tuần) bay ngang nhau cách xa chừng 1 nm (dưới 2 km một chút), số 2 bên mặt chẳng hạn. Khi 'lead' muốn đổi hướng thì lắc cánh cho số 2 thấy, rồi quẹo mặt vào số 2. Nếu muốn quẹo trái, thì khi giao nhau, 'lead' nhắp cánh trái (cánh cao) một cái rồi trở cánh quẹo ngược qua trái; số 2 lúc đầu đang quẹo trái vào lead thấy 'lead' nhắp cánh cao thì tiếp tục giữ quẹo trái đến khi nào 'lead' 'roll out' (trở cánh bay thẳng) thì mới thôi; bây giờ thì số 2 nằm bên trái.
    Trở lại trường hợp đầu tiên, số 2 nằm bên mặt cho khỏi lộn. Và 'lead' quẹo mặt vào số 2 để đổi hướng. Nếu muốn quẹo mặt, thì lúc giao nhau, 'lead' nhắp cánh mặt (cánh thấp) và tiếp tục giữ quẹo mặt cho đến hướng mình muốn đi thì 'roll out', số 2 đang quẹo trái, khi thấy 'lead' nhắp cánh thấp thì trở cánh quẹo ngược qua mặt ngay, và cũng 'roll out' theo 'lead'.
    Nếu chỉ muốn đổi bên thôi, thì khi giao nhau, 'lead' nhẹ nhàng trở cánh thăng bằng chớ không nhắp cánh, 'cross over'/ 'under' (bay ngang qua đầu/ dưới bụng) tùy theo cao độ rồi mới quẹo trái về hướng đi ban đầu.
    Còn nếu muốn đổi hướng 180o thì khi giao nhau, không nhắp cánh, không trở cánh thăng bằng, mà cứ tiếp tục quẹo đến hướng mình muốn rồi mới 'roll out'.
    Người 'lead' giỏi phải tính (plan) làm sao cho tất cả được an toàn: trường hợp bay cao thì 'element' luôn giữ ở dưới và còn 'wingman' của họ nữa; ở cao độ thấp thì ngược lại, 'wingman' và 'element' luôn ở cao hơn 'lead'. 'Scouting formation' đội hình thám thính áp dụng cho 'armed recce' (tuần thám võ trang), 'escort ship'/ 'train'/ 'convoy' (hộ tống tàu bè/ xe lửa/ đoàn xe), thường ở cao độ thấp, do đó 'lead' 'set radar altimeter' 100 ft còn 'wingman' thì 50 ft.
    34. 'Tacan' là viết tắt của chữ 'tactical air navigation system' có nghĩa là hệ thống trợ hành dã chiến dùng cho phi cơ quân sự để định hướng (phương hướng và khoảng cách) đài đặt ở căn cứ địa hoặc trên tàu.
    35. DME: 'distance measurement equipment', dụng cụ đo khoảng cách của hệ thống TACAN có khả năng chỉ tầm xa (slant-range) tới 390 hải lý (nautical mile).
    36. GCA viết tắt chữ 'ground-controlled approach' là cận tiến có hướng dẫn, có 2 loại: PAR (precision approach radar) là ra-đa dẫn cận tiến chính xác nghĩa là ngoài sự chỉ hướng (course) còn hướng dẫn độ cao (glidepath);
    ASR (Airport Surveillance Radar) hướng dẫn cận tiến không có độ chính xác (non-precision Surveillance radar approach with no glidepath guidance)
    37. uniform 4 là tần số 4 UHF
    38. 'course' là hướng đi
    39. 'glidepath' là chiều cao
    40. victor 1 là tần số 1 VHF
    41. 'bretelle' tiếng Pháp hay 'rapid exit' tiếng Anh có nghĩa là đường di chuyển ra khỏi phi đạo.
    42. "Diamond 1 expedite your run to the end of runway, 'Follow-me' stand by to take you to the ramp": Kim cương 1 chạy nhanh xuống cuối phi đạo, xe "theo tôi" sẳn sàng dẫn bạn vào bến đậu.
    43. 'traffic baton' hay 'safety wand' là gậy đèn để hướng dẫn phi cơ, xe cộ giao thông.



  • #2
    Núp trong mây chờ cho máy bay F.4 đến

    May quá hồi đó không gặp ông này !!! nếu gặp được thì thiên hạ bớt một tên nói dóc rồi ...hu..hu.
    Phi công Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A, sinh năm 1936) quê ở Lai Vung, Đồng Tháp. Trong cuộc chiến với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, người cựu phi công này đã lái chiếc MiG17, xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Khi được hỏi ông bắn hạ máy bay F.4 của Mỹ bằn loại hỏa tiễn gì ?, thì ông cho biết là núp trong mây chờ cho máy bay F.4 đến gần thì bắn 2 phát bằng B.40 là tiêu diệt máy bay địch không có gì khó hết .!!!
    Người cựu binh cho biết, đời ông luôn gắn với những số 7. Đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp (từ lớp 3 lên lớp 10), lái chiếc MiG17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.

    Comment


    • #3
      [ .. " Người cựu binh cho biết, đời ông luôn gắn với những số 7. Đi bộ đội lúc 17 tuổi, học văn hóa 7 ngày lên 7 lớp (từ lớp 3 lên lớp 10), lái chiếc MiG17 bắn rơi 7 máy bay Mỹ, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967 .."]

      Năm 2017, ngủm cù đèo cho bớt 1 thằng xạo !
      lv

      Comment


      • #4
        Phi vụ bắc phạt đã diễn ra năm 1965 mà tác giả đã viết lại một cách rành mạch với đầy đủ chi tiết. Rất khâm phục trí nhớ siêu và độc đáo của NT Phượng Hoàng Kim Cương.
        Câu chuyện được kể lại mạch lạc và chi tiết giống như được xem một cuộn phim với những chàng phi công khu trục A-1 anh dũng thi hành một phi vụ bắc phạt. Tuy bay vào vùng đất địch, nguy hiểm thì nhiều nhưng khí phách của những người phi công trẻ, cấp bậc rất khiêm nhượng nhưng bầu nhiệt huyết và can đảm có thừa.
        Trong bài viết, tác giả chỉ nói nhiều đến phi tuần phi tuần Diamond, nhưng Black cũng vẫn cất cánh và oanh kích mục tiêu đã chỉ định, cũng như số 1 của phi tuần Red, sau khi thay phi cơ khác cũng đã cất cánh và oanh kích mục tiêu đã được chỉ định.
        Khâm phục! Khâm phục! Một hồi ký chiến trường thật hay.
        Gà Rù

        Năm 1965 khi hướng dẫn phi tuần oanh kích Bắc Việt,
        PHKC chỉ mới 25 tuổi, giờ đây, tuy là đã gần "bát thập"
        nhưng NT vẫn còn nét "đẹp lão" và rất nhiều phong độ
        .
        Last edited by Ga Ru; 02-08-2017, 03:30 PM.

        Comment


        • #5
          Phượng Hoàng Kim Cương viết: "Sau đó Đ/uý Hách trao cho Định 3 bản đồ dành cho 3 mục tiêu. Định giữ bản đồ Vinh, đưa cho Bửu bộ bản đồ Quảng Khê, còn cho Hùng bộ bản đồ "Vịt Thù Lù", rồi bước lên bục thuyết trình tiền phi bằng tiếng Mỹ, vì phi tuần Diamond có hai cố vấn Mỹ bay số 3 và số 4".

          ************

          Cám ơn người "trưởng xa" Dan Hoài Bửu đã đem con tầu về đậu trên "sân ga chiều" Sanjose để đón người khách lữ hành kịp đáp "chuyến tầu hoàng hôn", ngược dòng thời gian trở về một vùng dĩ vãng nhạt nhoà những hình ảnh thân thương của một thời vang bóng...Tôi cũng đã được vinh dự sát cánh cùng những bậc đàn anh và những người bạn trẻ một quãng đường đầy chông gai của một thời ly loạn...Bây giờ nhớ đến những tên tuổi như "Phượng Hoàng Đỏ Lê Bá Định", "Phượng Hoàng Nâu Lê Văn Thảo", "Phượng Hoàng Kim Cương Dan Hoài Bửu", "Phượng Hoàng Đen Lê Quốc Hùng", và còn biết bao nhiêu người nữa...mà thấy lòng trào lên những cảm xúc nhớ thương. Những người "Lính VNCH" không bao giờ già và chết, họ chỉ nằm nghỉ trên những trang "Quân Sử kiêu hùng" của dân tộc...

          Cám ơn Niên Trưởng Phượng Hoàng Kim Cương đã viết một câu chuyện thời chiến rất hay.

          Tình thân,
          Trần Ngọc Nguyên Vũ

          Comment



          Hội Quán Phi Dũng ©
          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




          website hit counter

          Working...
          X