Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuối một chặng đường

Collapse
X

Cuối một chặng đường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuối một chặng đường

    CUỐI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
    MX Nguyễn Ngọc Minh

    Trong cuộc đời có những khúc quanh hay những chặng đường, lúc đó đời người thay đổi đi lên hoặc đi xuống. Cũng như tất cả những người dân miền Nam, người lính chúng tôi đã phải nổi trôi theo vận nước ở khúc quanh đen tối, đổi đời của toàn thể miền Nam sau sự sụp đổ của Quân Lực VNCH vì những sự điều động bất tài, ích kỷ, nhỏ nhen và không suy tính của những người lãnh đạo vô trách nhiệm.

    Sáng ngày 18 tháng 3 năm 1975, như thường lệ tôi lên máy liên lạc với tiểu đoàn thì nhận được lệnh đưa toán CAP trở lại đơn vị.
    - Đại Đức đây Mai Sơn.
    - Mai Sơn đây Đại Đức.
    - Mai Sơn tôi nghe Đại Đức.
    - Mai Sơn tự lo liệu cho con cái về nhà bằng mọi phương tiện có thể được.
    Thế là tình hình thật căng thẳng rồi. Tôi gọi cho trung đội nghĩa quân thuộc xã Đông Lương và thông báo cho họ biết chúng tôi sẽ chấm dứt liên lạc.
    Tiếng người hiệu thính viên của trung đội nghĩa quân chúc tôi trước khi dứt máy.
    - Một mùa xuân, chúc may mắn!

    Khoảng 10 giờ sáng toán CAP còn lại 6 người, gọn gàng xuống quốc lộ 1 đón xe đò lỡ từ Quảng Trị vào. Có một ít người dân Quảng Trị biết chuyện đã bắt đầu di tản. Không khí những ngày hôm nay có vẻ lạ lùng vì tin tức thất trận từ Phước Long tháng trước và Ban Mê Thuột tuần qua gây ra những lo sợ, căng thẳng cho người dân trên toàn quốc. Sau vụ để tang Phước Long, vụ bỏ Tây Nguyên, rồi đến tướng Nguyễn Văn Hiếu chết một cách mờ ám là vụ Phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh... Toàn miền Nam xuống dốc một cách thê thảm.

    Trưa hôm đó chúng tôi xuống xe ở cầu Phò Trạch - Phong Điền, tôi hướng dẫn anh em vào trình diện đơn vị. Bước vào bộ chỉ huy tiểu đoàn, gặp Đại úy Nguyễn Trung Việt - trưởng ban 3, anh nói:
    - Lệnh Thiếu tá tiểu đoàn trưởng chỉ thị các anh em ở đại đội nào về đại đội đó, còn ông Minh thì qua nhận trung đội 90 ly, bàn giao trung đội với Chuẩn úy Lắng.
    Anh Việt vừa mãn khóa tham mưu trung cấp ở Thủ Đức và anh về thay thế cho Đại úy Đức, thuyên chuyển đi tiểu đoàn khác.

    Rời bộ chỉ huy tiểu đoàn, chúng tôi chia tay nhau. Ai nấy bùi ngùi sau hơn một năm sống xa đơn vị và làm việc chung với nhau trong công tác dân sự vụ ở tiểu khu Quảng Trị. Hạ sĩ Cao trở lại trung đội Quân-Y, Trung sĩ I Cát trở về trung đội truyền tin, Trung sĩ Thành - đại đội 1, Hạ sĩ Cứng - đại đội 3 và Hạ sĩ I Đức - đại đội 4.
    - Cám ơn tất cả các anh em trong thời gian chúng ta làm việc xa đơn vị, chúc các anh may mắn.
    - Chúc Thiếu úy may mắn!
    Tôi bước về phía Hạ sĩ Cứng, bắt tay anh và nhắn nhủ đôi lời hỏi thăm về các anh em thuộc đại đội 3 và trung đội 3. Cứng là tiểu đội trưởng tiểu đội đại liên của trung đội 3 thời gian tôi làm trung đội trưởng.
    Sau khi chia tay tôi hỏi thăm vị trí của trung đội đại bác 90 ly để đến nhận nhiệm vụ.
    Ban chỉ huy của trung đội 90 ly nằm ở hướng Đông Bắc của bộ chỉ huy tiểu đoàn, cạnh quốc lộ 1. Chuẩn úy Lắng, sĩ quan an ninh trật tự, chào tôi, rồi lên tiếng:
    - Ông về đây hả, tui đỡ lo. Tụi nó khó nói lắm ông ơi!
    - Bác khỏe chứ, bác chỉ giùm tôi khu vực bố trí của trung đội 90 ly.
    Tôi theo chân của Chuẩn úy Lắng đi một vòng đến từng vị trí của các tiểu đội, phân đội của trung đội súng nặng.
    Sau đó tôi gặp Trung sĩ I Vượng, trung đội phó, anh đang điều động anh em để di chuyển trước một số vũ khí nặng mà chúng tôi chưa dùng tới như đại liên 50 ly phòng không.

    Trung đội đại bác 90 ly gồm có một tiểu đội đại bác 90 ly không giật, một tiểu đội đại liên M-60, một khẩu đội hỏa tiễn XM-202, và một khẩu đội đại liên 50 ly phòng không với quân số tổng cộng gần 40 người.
    Nhiệm vụ chính của chúng tôi là phòng thủ chu vi tiểu đoàn và tăng phái cho các đại đội tác chiến về hỏa lực yểm trợ khi cần thiết.
    Vì ở trong tình trạng di chuyển nên chúng tôi được lệnh phải gọn gàng và sẵn sàng, tất cả những vũ khí nặng nề cố định đã được di chuyển trước.

    Chiều hôm đó tất cả các đại đội trưởng đến họp tại bộ chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi cuộc họp chấm dứt, tôi bước đến gặp huynh trưởng Tăng Bá Phụng khi anh đang trên đường về để điều động đại đội 3.
    - À ông Minh, ông về đâu?
    - Thưa Đại úy, tôi về trung đội đại bác 90 ly, đại đội chỉ huy.
    - Mừng cho ông, chúc mạnh giỏi!
    - Cám ơn Đại úy.
    - Tôi phải về gấp để bàn giao tuyến cho Biệt Động Quân.
    Câu nói của huynh trưởng Tăng Bá Phụng làm cho tôi nghĩ ngay đến tình hình căng thẳng khắp nơi. Trong tuần rồi tôi được tin Thiều, một người bạn cùng khóa thuộc tiểu đoàn 3 TQLC, đã hy sinh khi Việt Cộng tiền pháo hậu xung, tràn ngập đơn vị anh ở An Lỗ. Anh phải xin pháo ngay trên tuyến để ngăn cản các đợt xung phong của địch...

    Chia tay huynh trưởng Tăng Bá Phụng, tôi trở lại ban chỉ huy đại đội thì gặp Đại đội trưởng đại đội chỉ huy, huynh trưởng Nguyễn Hữu Bình. Anh Bình người Qui Nhơn, tốt nghiệp khóa 2/69.
    Hơn 2 năm trước khi tôi về đơn vị, anh là sĩ quan phụ tá ban 3 của Đại úy Duật. Tháng 5/73 khi huynh trưởng Ngô Kim Anh về đại đội 2 thay thế cho Đại úy Xương thuyên chuyển qua đơn vị mới thì anh Bình nhận chức Đại đội trưởng đại đội chỉ huy và anh được thăng cấp Đại úy vào đầu năm 1975.
    - Ông Minh, mời ông ngồi. Huynh trưởng Bình lên tiếng.
    - Cám ơn Đại úy.
    - Ông nhận bàn giao trung đội 90 chưa?
    - Xong hết rồi Đại úy.
    - Tiểu đoàn đang bận rộn di chuyển, mình sẽ vào đóng ở đèo Hải Vân, thay thế cho Nhảy Dù di chuyển vô Nam. Ông giúp tôi ngó chừng và giúp đỡ cho thằng Nam bên trung đội 81.
    - Tôi biết Đại úy.
    - Có gì khó khăn thì ông cho tôi biết.
    Ngày hôm sau tôi bắt đầu kiểm soát vũ khí và quân dụng cá nhân của trung đội 90 ly, tôi đã phạt kỷ luật các anh lính ham chơi, bê bối.
    Chuẩn úy Lắng nói nhỏ với tôi:
    - Tui nói tụi nó không nghe, ông phạt như vầy thì tụi nó mới chịu vô khuôn khổ.

    Với trên 20 năm quân ngũ, gia nhập quân đội từ trước 54 và từ Binh II lên đến Chuẩn úy, người miền Nam xuề xòa, dễ dãi, ông Lắng là sĩ quan trật tự của tiểu đoàn, chỉ chăm lo làm tròn nhiệm vụ của mình. Khi đóng quân hay khi đơn vị về hậu cứ, ông có nhiệm vụ kiểm soát các quân nhân thuộc tiểu đoàn rời đơn vị bất hợp lệ hoặc trốn đi chơi. Công việc này làm cho chúng tôi, các sĩ quan trẻ không ưa thích ông mấy khi đi chơi mà bị ông gặp báo cáo về tiểu đoàn. Người nhỏ con, chậm rãi, ít phạt thuộc cấp nên các chiến binh trong đơn vị thường gọi ông là bố Lắng. Những người lính trốn đi chơi bị ông bắt gặp thường bỏ chạy luôn vì ông rượt theo không kịp. Cả một tiểu đoàn lính thay đổi luôn luôn, làm sao ông nhớ hết mặt, hết tên.

    Trung đội phó trung đội 90 là Trung sĩ I Vượng người miền Bắc, đạo Thiên Chúa, cũng hiền lành không kém, chịu cực, chịu khó, cứ im lặng làm cho xong công việc. Chẳng thấy anh to tiếng với ai và cũng chẳng thấy anh phạt lính bao giờ. Có lẽ cả hai ông cán bộ đều hiền lành nên lính tráng biếng nhác. Anh Vượng lại bị bệnh lãng tai nên khi ai nói gì cũng phải nghểnh đầu, vận dụng tối đa cái màng nhĩ lủng của mình để cố gắng nghe.

    Thời giờ quá cấp bách trong lúc này nên tôi nhờ anh Vượng tập họp những người lính thuộc trung đội 90 ly, ngoại trừ các anh bận gác và đang công tác, lại cho tôi nói chuyện. Tôi trình bày tình hình hiện tại ngắn gọn và yêu cầu các anh giữ đội hình, cố gắng bám sát tiểu đội và trung đội trong khi di chuyển, giúp đỡ nhau đi đến nơi, về đến chốn an toàn vì ai nấy đều phải mang nặng hơn bình thường, chính tôi cũng phải mang một cấp số rưỡi đạn. Mỗi người lính TQLC phải mang vũ khí cá nhân, một cấp số rưỡi đạn, lựu đạn, xẻng, cuốc cá nhân, mặt nạ, ngoài ra anh nào thuộc tiểu đội đại liên M-60 thì mang thêm một dây đạn M-60, thuộc đại bác 90 ly thì mang thêm một trái đạn 90 ly.... Các anh xạ thủ đại bác hoặc đại liên thì nặng sẵn rồi.

    Ngày 19 tháng 3/75 hai tiểu đoàn 78 và 79 Biệt Động Quân đến thay thế tuyến tiểu đoàn 7 TQLC và chúng tôi đến thay thế tuyến tiểu đoàn 6 để đơn vị bạn di chuyển trước vào Đà Nẵng.

    Sáng ngày 20/3/75 huynh trưởng Bình mời tôi và Nam - Trung đội trưởng trung đội 81 lên họp và nhận bản đồ vùng hành quân mới. Anh cho biết tiểu đoàn 7 sẽ được di chuyển vào Đà Nẵng và trấn đóng khu vực Bạch Mã và đèo hải Vân thay thế cho Nhảy Dù.
    Sau đó tất cả đại đội chỉ huy và ban ngành lên xe xuôi Nam về thành phố Huế. Tất cả những người lính TQLC vui vẻ hẳn lên, vô tư và yêu đời thêm, anh này nói đùa với anh kia:
    - Chắc mình vô Thành Nội Huế.
    - Vô Huế đi ngủ đò sướng lắm, gió mát rượi.

    Chúng tôi là một đơn vị có kỷ luật nên nhiều người lính tiểu đoàn 7 TQLC, dù đóng ở Phò Trạch - Phong Điền, An Lỗ, Mỹ Chánh hay Quảng Trị đã 3 năm rồi mà chưa hề được dịp vào thăm thành phố Huế, không mấy người lính được biết về Huế như các thân nhân ở miền Nam thường tưởng tượng.

    Theo quốc lộ 1 xuôi Nam, đoàn xe chạy qua khỏi Cầu Mới thì đổi hướng về phía bến phà Tân Mỹ. Tại bến phà tôi đã thấy các đoàn xe của các đại đội 1, 2, 4 đã và đang tiếp tục đến điểm hẹn. Có tin là chúng tôi phải đợi Thiếu tá Phạm Cang - Tiểu đoàn trưởng và đại đội 3 đến theo đường hương lộ 555.
    Tại bến phà các tàu chuyển quân LCM của Hải Quân di chuyển ra vào nhộn nhịp. Trong khi chờ đợi các người lính bắt đầu ăn trưa, cơm sấy và thịt hộp. Lệnh thông báo cho tất cả chiến binh không ai được xuống xe vì mất trật tự và khó kiểm soát, chỉ trừ việc thay phiên nhau đi vệ sinh mà thôi.

    Chúng tôi, một toán sĩ quan trung đội trưởng, tụ họp lại hút thuốc, bàn tán về tình hình. Tôi nhớ đại đội 1 có Sơn, Hải cận; Đại đội 2 có Toàn, Uẩn sứt, Đại đội 4 có Thành, Cường, Hùng nhí, và tôi với Nam ở đại đội chỉ huy. Đang đứng nói chuyện thì Trung úy Tạo - Đại đội phó đại đội 1 bước đến với bản đồ trên tay. Nhìn vào bản đồ vùng đóng quân của đơn vị trong khu vực sắp đến mà thấy hoa cả mắt. Quá nửa bản đồ là biển, phần còn lại là những vòng cao độ chằng chịt. Những điểm đóng quân của đại đội chỉ huy mà tôi được huynh trưởng Bình cho biết là dọc theo quốc lộ 1, trên đỉnh Hải Vân, nằm ở cao độ từ 600 đến 700 mét...
    Chờ mãi cho đến chiều thì lại được lệnh lên xe trở lại, tôi chỉ thị cho các anh lính điểm danh quân số trên xe của trung đội 90 ly.
    Đoàn xe lại bắt đầu chuyển bánh trở về đường cũ, qua cầu sông Hương thì trời bắt đầu tối, cả thành phố Huế đã lên đèn. Theo hướng Bắc trên quốc lộ 1 đoàn xe chạy về hướng Quảng Trị, lần này thì đi thiệt, về qua khỏi cầu Phò Trạch - Phong Điền, cây số 23, cầu Mỹ Chánh, Bến Đá, ngược đường ra Đại Lộ Kinh Hoàng, đến ngã ba Hải Lăng, quẹo phải chạy về Hải Thọ, Hải Thiện hướng đến Hội Yên, quẹo phải ở ngã tư Hội Yên vào hương lộ 555, đoàn xe chạy qua khỏi khu nhà thờ hai nóc Thanh Hương thì dừng lại ở làng Điền Môn.
    Đã gần nửa khuya, tôi chia khu vực cho trung đội 90 ly trải quân phòng thủ và quay qua anh Vượng tôi nói:
    - Cắt gác ngay nhe anh Vượng.
    - Dạ, Thiếu úy.
    Quá mệt mỏi nhưng tôi vẫn phải đi một vòng quanh tuyến đóng quân, tiếng các người lính than thở lấy lệ.
    - Chạy tới chạy lui mệt quá Thiếu úy ơi!
    - Chuẩn bị đi anh em, đây mới là tập dượt mà thôi.
    - Thiệt hả Thiếu úy!
    - Nhà binh thì lúc nào cũng phải sẵn sàng.

    Ngày 21 tháng 3/75.
    Tôi bước ra khỏi cái lều căng bằng poncho mà các anh lính trong ban chỉ huy căng tạm tối hôm qua. Vươn vai, uốn mình cho đỡ mỏi, ánh trăng thượng tuần chơi vơi gần lặn ở phương Tây, có lẽ khoảng mùng 8 hay mùng 9 ta. Di chuyển cả ngày hôm qua, ăn ngủ thất thường và mệt mỏi nhưng tôi vẫn không ngủ yên vì đến tuyến mới và tâm tư chộn rộn, chắc khoảng 3 giờ sáng.
    Trời tờ mờ sáng, tiếng các anh lính đánh thức nhau dậy đi ra giếng nước rửa mặt và làm vệ sinh cá nhân. Hai anh lính ở ban chỉ huy trung đội 90 đã nấu xong một ấm nước trà. Chúng tôi ăn sáng vội vàng, mấy hôm rày người nóng ran vì bón do ăn ngủ thất thường và thiếu rau cải tươi. Nhìn quanh các anh lính trung đội mà thông cảm hơn, trông ai nấy cũng lo lắng và mệt mỏi.

    Sau khi đi một vòng quanh tuyến quan sát vị trí đóng quân, tôi chỉ thị cho các Tiểu đội trưởng sửa lại giao thông hào, dời đổi các vọng gác để dễ dàng quan sát và kiểm soát các đường xâm nhập. Trở về lại ban chỉ huy trung đội, chưa kịp ngồi xuống thì nghe tiếng một anh lính trong ban chỉ huy:
    - Dạ chào Bác sĩ.
    Quay qua thì tôi nhìn thấy Bác sĩ Giang - Trung đội trưởng trung đội quân-y tiểu đoàn 7 TQLC, anh vừa về đơn vị khoảng vài tuần trước.
    - Chào Thiếu úy, ông chỉ cho tôi các giếng nước mà ông múc nước nấu ăn ở đâu?
    Tôi gọi anh lính ở ban chỉ huy.
    - Mày chỉ cho Bác sĩ giếng nước, Bác sĩ đi tìm giếng múc nước uống hả? Tôi hỏi anh.
    - Không, tôi muốn kiểm soát giếng nước và sát trùng các khu vực vệ sinh quanh đây.

    Anh Giang là anh của một người bạn khá thân của tôi, Vũ Đức Thanh, ở trung đội 1, đại đội 719 tại quân trường Đồng Đế. Anh cũng là một cựu học sinh Nguyễn Trãi, học trước tôi 3 lớp.
    Sau khi anh Giang rời khỏi, tôi rơi vào một giấc ngủ chập chờn vì quá mệt mỏi, trở dậy thì trời đã quá trưa.

    Ngồi bên chiếc bàn ăn đóng bằng gỗ thùng đạn pháo binh mà các anh lính ở ban chỉ huy mang về làm chỗ ăn cơm, hút một điếu thuốc cho tỉnh ngủ, tôi quay qua khi nghe có tiếng người bước đến. Một anh lính ở ban chỉ huy đại đội đến chào tôi và nói:
    - Dạ, Đại úy mời Thiếu úy lên họp.
    Bước theo anh về phía ban chỉ huy đại đội, tôi thấy Thiếu úy Nam đang ngồi nói chuyện với huynh trưởng Bình.
    - Chào Đại úy.
    Nhìn Nam tôi hỏi:
    - Khỏe không Nam?
    - Dạ khỏe ông anh.
    Hai ngày nay công việc tất bật nên tôi cũng chưa có dịp ghé qua thăm trung đội 81 của Nam.
    - Ông Nam có chuyện gì cần thiết, nếu không gặp tôi có thể bàn với ông Minh. Huynh trưởng Bình nói.
    - Dạ tôi biết Đại úy.
    Và anh Bình bắt đầu phân chia công việc cho chúng tôi.
    - Nếu không có gì thay đổi thì kể từ sáng mai, ông Minh chịu trách nhiệm khai thông lộ trình trên hương lộ 555 từ ranh giới đại đội 4 đến đại đội chỉ huy và xuống tới ngã ba dưới kia, chỗ sân vận động. Sau khi họp xong, ông qua khu vực 81 ly góp ý kiến với ông Nam và trong trường hợp tôi đi họp vắng mặt, ông lên đây trực và điều động con cái giùm tôi.

    Sau khi chấm dứt cuộc họp, tôi ghé qua trung đội của Thiếu úy Nam, và trở về để cắt đặt công việc của trung đội 90 ly.
    Tôi nói với Trung sĩ I Vượng:
    - 5 giờ 30 sáng mai anh cho mỗi tiểu đội một người, phòng không hai người, ghé qua đại đội lấy máy rà mìn, rồi tập họp tại đây tôi dẫn đi mở đường.

    Mờ sáng hôm sau tôi thức dậy đánh răng rửa mặt, uống một ly cà phê. 6 giờ tôi dắt toán dò mìn, an ninh lộ trình ra hương lộ 555. Đoạn đường chúng tôi kiểm soát dài hơn một cây số. Để ý những điểm cần thiết trên con đường, chúng tôi chậm rãi kiểm soát suốt lộ trình trên hương lộ 555, mất hơn nửa tiếng đồng hồ để kiểm soát đoạn đường.
    Chiều hôm đó tôi nhắc Trung sĩ Vượng:
    - Ngày mai anh dẫn toán rà mìn, lấy hai người cũ theo lộ trình mà tôi đã dẫn họ ngày hôm nay để đi mở đường.
    Tình hình có vẻ yên tĩnh một cách kỳ lạ, hơn một tiếng đồng hồ đi về mà không thấy xe cộ và dân chúng đi lại. Trên đường về các anh lính hỏi tôi:
    - Chừng nào ban quân lương vô Thiếu úy?
    - Chắc họ chờ tụi mình vô Đà Nẵng rồi phát.
    - Đọi quá Thiếu úy ơi!
    - Lãnh sớm thì hết sớm chớ gì!

    Thời gian này chúng tôi trang bị thật gọn gàng, ba lô luôn luôn sẵn sàng lên vai. Tôi chỉ thị cho trung đội 90 là “Khi hô tập họp di chuyển, phải sẵn sàng trong vòng 5 phút, tất cả những gì không cần thiết thì một là nằm dưới đáy ba lô, hai là nằm trong thùng rác. Không được đi ra khỏi khu vực của trung đội. Nếu đi phải cho anh em cùng tiểu đội biết, nghe có lịnh tập họp là phải sẵn sàng vì chúng ta không có thời giờ chờ đợi..."

    Sáng ngày 24 tháng 3, tôi gặp huynh trưởng Bình khi đang đi kiểm soát tuyến phòng thủ.
    - Ủa ông Minh, hôm nay không đi thông tuyến đường hả?
    - Tôi cắt anh Vượng đi rồi Đại úy, tôi đã báo cho anh ấy làm những gì cần phải làm rồi.
    - Ông qua trực đại đội giùm tôi, có gì thì ông điều động anh em, tôi phải đi họp ngay bây giờ.
    - Tôi qua bên đó ngay Đại úy.
    Chúng tôi ứng chiến 24/24, lúc ngủ tôi cũng mặc quần áo sẵn sàng, chỉ cởi đôi giày cho nhẹ chân, vũ khí để ngay bên cửa của căn lều. Chúng tôi tập thói quen là định hướng trước khi đi ngủ, có gì xảy ra thì đã có chuẩn bị sẵn rồi. Bật dậy, xỏ giày, chụp súng, áo giáp và nón sắt, chạy đến vị trí của mình ở giao thông hào...
    Bước trở về ban chỉ huy trung đội, tôi ra lệnh cho đánh thức cả trung đội, ứng chiến tại chỗ, bảo anh hiệu thính viên cho anh Vượng biết tôi đang ở ban chỉ huy đại đội, có gì thì liên lạc ngay với tôi.
    Khi tôi qua đến ban chỉ huy đại đội, anh lính cần vụ mang đến cho tôi ly cà phê nóng hổi.
    - Cám ơn em.
    Ngồi xuống trên chiếc ghế, xoải chân ra, vươn vai và đốt một điếu thuốc, lắng nghe các mẫu đối thoại truyền tin trên tần số tiểu đoàn, các báo cáo, liên lạc, chỉ thị bình thường.

    Bầu trời u ám, không có ánh nắng. Vừa hết ly cà phê, tôi rót một ly nước trà, định đốt thêm điếu thuốc, lắng nghe các mẫu đối thoại dồn dập trên hệ thống vô tuyến, cùng lúc có các tiếng súng vọng lại từ xa, thì ra đại đội 2 đang chạm địch, chiến xa T-54 có bộ binh tùng thiết, tiếng vũ khí cộng đồng vang lên từ phía đóng quân của đại đội bạn và tiếng pháo yểm trợ của pháo binh TQLC bay qua trên đầu tạo thành những luồng gió rít rợn người.
    Tôi gọi anh lính cần vụ và bảo:
    - Em chạy qua 90 ly nói anh Vượng cho tất cả ra giao thông hào ứng chiến sẵn sàng, rồi chạy qua 81 ly báo cho Thiếu úy Nam y như vậy. Cùng lúc tôi bảo anh hiệu thính viên đại đội lập lại chỉ thị trên máy vô tuyến cho tất cả đại đội sẵn sàng.
    Tay cầm ống liên hợp máy truyền tin tần số tiểu đoàn, tôi nghe tiếng báo cáo từ đại đội 2 của huynh trưởng Ngô Kim Anh về tình hình lúc đó. Giọng bình tĩnh, anh liên lạc xin yểm trợ và điều động trung đội chạm địch của Thiếu úy Trần Mạnh Toàn. Toàn vui tính, nước da ngăm đen nên chúng tôi thường gọi đùa là “Cốc maru”.
    Một lúc sau huynh trưởng Bình trở về từ bộ chỉ huy tiểu đoàn, anh nói với tôi:
    - Ông về cho con cái gọn gàng, trong tình trạng di chuyển bất cứ lúc nào.

    Xế chiều hôm đó đại đội được lệnh di chuyển ra hương lộ 555, trung đội 81 đi đầu ban chỉ huy đại đội và các ban ngành, trung đội 90 ly đi sau cùng với đội hình hàng dọc, anh Vượng đi với tiểu đội đại liên phòng không, tiếp theo là tổ XM-202, tiểu đội đại bác 90 ly, tiểu đội đại liên M-60 và tôi đi sau cùng.
    Có lẽ huynh trưởng Bình chiếu cố tôi nên tôi luôn luôn là người đi sau cùng. Anh nói:
    - Ông Minh, tôi muốn ông giữ con cái của mình tới nơi tới chốn đầy đủ...
    Chúng tôi di chuyển tới ngã ba nơi mà hàng ngày toán mở đường có nhiệm vụ khai thông, anh đưa tôi đến gặp Trung úy (Phương?) - Chi đội trưởng chi đội thiết vận xa loại được trang bị đại bác 106 ly không giật mà tôi sẽ tháp tùng trên đường di chuyển.

    Cuộc hành quân triệt thoái từng chặng bắt đầu suốt đêm 24 tháng 3. Tôi chỉ thị cho tất cả trung đội 90 ly đạn lên nòng, khóa cơ bẩm và sẵn sàng. Tôi phân chia các tiểu đội lên xe và nhắc nhở đếm quân số từng xe, liên lạc và nghe chỉ thị từ tôi và anh Vượng. Đoàn xe di chuyển từng chặng rồi ngừng nghỉ, rồi lại tiếp tục như vậy suốt cả đêm, buồn ngủ và mệt mỏi nhưng chẳng ai dám nhắm mắt vì sợ rớt khỏi xe. Tôi nhắc các anh em 90 ly quay súng hướng ra hai bên đường và đề phòng những cành tre quất trúng...

    Sáng ngày 25 tháng 3, đoàn thiết vận xa đang di chuyển trên hương lộ 555 gần đến Thuận An, trên khúc quanh của con đường có một bụi tre lớn, là chỗ dừng chân nghỉ mát của bộ hành trong những ngày nắng gắt. Bóng một người dân chậm chân lẻ loi, cô độc đang gánh một đôi gánh nhẹ tênh, chắc chẳng có gì quí giá trong đôi gánh đó.

    Khi đoàn xe đến gần, người bộ hành đứng nép vào một bên đường, bỏ đôi gánh xuống và mở chiếc nón lá ra quạt. Bất chợt người đàn ông ngước nhìn lên đoàn xe của chúng tôi. Ôi! Gương mặt người đàn ông với đôi mắt buồn vời vợi, cả một chuỗi hình ảnh trở lại trong tôi...
    Sáu tháng trước đây, vào khoảng tháng 9/74, toán CAP (huấn luyện) được điều động từ Hải Trường đến Hải Thiện để huấn luyện cho hai trung đội nghĩa quân 31 và 32 thuộc xã Hải Thọ.

    Một hôm tôi được mời tham dự ngày lễ của gia tộc họ Lê, ngồi bên cạnh một ông lão tuổi trạc 60, móm mém, tóc bạc gần như trắng. Trò chuyện với ông một lúc, tôi hỏi ông trước kia có gia nhập quân đội hay không. Ông kể “Vào đầu thập niên 30's tôi là một thiếu niên phải sung công đi Huế để xây dựng lăng Vua Khải Định, mất vài năm thì được trở về làng để tiếp tục đời sống nông dân. Đến giữa thập niên 30's tôi đi lính Khố Đỏ, đóng quân tại Thừa Thiên. Vào đầu thập niên 40's mặt trận Châu Âu trở nên căng thẳng sau khi Đức chiếm các nước như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi... và trở thành một mối đe dọa cho Pháp.
    Một hôm đơn vị chúng tôi được tập trung lại và đưa qua Pháp bằng tàu biển. Sau cả tháng trời ói mửa liên tục, tàu cập bến Marseille...”

    Thay vì được đưa đến thăm thủ đô Paris “Kinh thành ánh sáng” để được vui chơi du hí, đơn vị ông được đưa đến vùng biên giới Đức-Pháp, khu Alsace-Lorraine.
    Nơi đơn vị đóng quân thuộc quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp là những người lính thuộc địa đến từ Á Châu và Phi Châu.
    - Bác có được tiếp xúc với những người bạn ở những đơn vị khác không?
    - Không có mấy khi được tiếp xúc và nói chuyện đâu.
    - Làm sao bác quen công việc?
    - Riết rồi cũng quen, thấy họ mần răng, miềng mần rứa, nói thì ít mà ra dấu thì nhiều.
    - Bác có được đi chơi, thăm thắng cảnh không?
    - Mô mà có, họ nhốt như nhốt tù, mà miềng có biết tiếng Tây mô mà đi chơi.
    Đức xé bỏ hòa ước, tấn công tập hậu chiến lũy Maginot và chỉ trong vòng 6 tuần lễ, Pháp thất trận.
    - Bầy tui bị bắt làm tù binh cho tới khi đồng minh thắng trận.

    Sau khi được trả về Việt Nam và giải ngũ, ông trở lại quê nhà tiếp tục làm ruộng. Chẳng bao lâu thì Việt Minh nổi dậy và toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Ông lại phải sống lưu vong rày đây mai đó vì cái tịch lính Tây để tránh cái bọn du kích Cộng Sản nằm vùng.

    Năm 54 ông trở về làng cũ sau khi đất nước bị chia đôi. Vài năm tạm yên ổn thì đến năm 1960, cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời... Có lẽ vì đời ông có quá nhiều nỗi truân chuyên nên ông không lập gia đình (tôi không hỏi nhưng thấy ông đi đâu cũng một mình thui thủi).

    Năm 72 khi trận chiến mùa hè đỏ lửa nổ ra, ông theo đoàn người tị nạn vào Đà Nẵng.
    - Trong trại tị nạn tù túng quá eng ơi! Miềng ở quê quen rồi, ở trong trại lạ cảnh xa nhà, không công ăn việc làm, miềng làm ruộng, làm rẫy quen rồi, nhớ quê, nhớ nhà quá!

    Cuối năm 73 đoàn người tị nạn hồi cư, ông lại trở về làng cũ. Tôi gặp ông ở Hải Thiện năm 74. Bây giờ bất ngờ lại gặp ông trên đường triệt thoái, ông vẫn thui thủi một mình với đôi quang gánh nhẹ tênh, gần như chẳng có gì, cũng như cả cuộc đời ông chẳng được gì cho đến khi tuổi đã xế chiều.
    Ông xấp xỉ tuổi Bố tôi và có những mốc thời gian tương tự. Đầu thập niên 30's Bố ra Hà Nội học nghề thì ông vào Huế lao động xây lăng Khải Định. Đầu thập niên 40's Bố vào Nam xây dựng sự nghiệp thì ông phải qua Pháp chiến đấu chống Đức...
    Nhìn ông tôi lại thấy hình ảnh Bố tôi. Đáng lẽ ở lứa tuổi trên dưới 60 này, ông phải được an hưởng tuổi già, ngồi nhìn đàn con cháu lớn khôn.

    Tại sao??? Tại sao ông lại phải đứng đây nhìn theo đoàn quân của chúng tôi đang vội vã bỏ đi với đôi mắt buồn hướng về một phương trời vô vọng, trên gò má nhăn nheo đang chảy dài hai dòng lệ tủi hờn !!!?
    Tôi nhắm mắt lại, cảm thấy hai bờ mi cay xé...

    Chúng tôi đến cửa Thuận An gần 9 giờ sáng. Anh Bình nói với tôi:
    - Ông phải kiểm soát các chiếc ca-nô và bảo đảm họ đưa hết con cái mình qua bờ.
    Tiểu đội đại liên và tôi là những người cuối cùng của đại đội chỉ huy qua bến Thuận An.
    Những chiếc thiết vận xa M-113 cũng lội qua phá, không biết tại sao hôm đó biển lại có sóng lớn, hai chiếc M-113 trong toán chúng tôi bị nước cuốn, các tài xế phải nhảy khỏi xe để bơi vào bờ.
    Tiếp tục di chuyển dọc theo bờ biển về phía Nam khoảng vài cây số, chúng tôi được lệnh dừng lại và xếp hàng từng toán chờ tàu. Anh Bình nhắc tôi đi đôn đốc và kiểm soát các người lính thuộc đại đội chỉ huy, anh phân chia thứ tự lên tàu. Anh nói với tôi:
    - Có thể các chiếc LCM sẽ vào bốc tụi mình. Khi lên tàu cũng theo thứ tự như cũ, đừng xáo trộn làm mất trật tự, nhớ kiểm soát đừng để cho các đơn vị khác trà trộn.
    Nhìn những chiếc LCM đang lởn vởn trước mặt, các anh lính lại nhỏ to với nhau:
    - Kỳ này vô Đà Nẵng thiệt rồi tụi bay ơi!
    - Chắc ói mửa dữ nhe, tao chưa được đi tàu lần nào.
    Các đợt sóng đuổi theo nhau vào bờ cát, nước thấp và gió mát làm tôi ngủ gà ngủ gật trong khi chờ tàu. Dọc theo bờ cát có đủ các đơn vị quân đội như Biệt Động Quân, Bộ Binh, Cảnh Sát... Có cả các gia đình của họ cũng đi theo để mong lánh nạn.
    Cách bờ một khoảng về phía Nam là một chiếc Dương Vận Hạm loại LST. Có một số người cố gắng bơi ra các chiếc LCM nhưng bị sóng nhồi phải bơi trở vào.

    Chờ đến quá trưa thì được lệnh phải di chuyển về hướng Nam để bắt tay với các tiểu đoàn bạn thuộc lữ đoàn 147. Lần này huynh trưởng Bình lại cắt 90 ly đi đầu do anh Vượng hướng dẫn, rồi tới ban ngành và ban chỉ huy đại đội, cuối cùng là trung đội 81 và tôi.
    Anh nói:
    - Ông Minh, tôi muốn ông là người đi sau cùng của đại đội và không có ai bị rơi rớt sau ông.
    Chúng tôi tiến về phía các đồi dương chứ không đi dọc theo bãi biển.
    Đang di chuyển được chừng một tiếng đồng hồ thì có tiếng nổ chát chúa của đạn AK từ phía Nam vọng tới, dân chúng và các đơn vị khác bám theo chúng tôi chạy tán loạn. Các binh sĩ chạy tản mác ra chung quanh để tìm chỗ ẩn núp. Lòng tôi nóng như lửa đốt, chạm địch trong tình cảnh này thì ai sẽ điều động trung đội 90 ly. Tôi chạy vội lên bắt kịp Nam và trung đội 81. Tôi nói với Nam:
    - Cho trung đội dàn hàng ngang hướng về phía trong làng, cẩn thận và không được bắn nếu không thấy rõ địch vì có thể bắn lầm đơn vị bạn.
    - Còn ông anh?
    - Tôi phải dzọt lên để điều động trung đội 90 ly.

    Trong lúc chạy lên phía trước tôi nghe tiếng Nam đang ra lệnh cho 81 bố trí đội hình.
    Bám theo những hàng dương tôi chạy lên phía trước, khoảng hơn 200 mét thì nghe tiếng gọi của một người lính.
    - Trung đội 90 đây Thiếu úy!
    - Mày ở tiểu đội nào? Anh Vượng đâu?
    - Dạ, em ở toán XM-202, em không thấy ảnh đâu.

    Nép vào một thân cây to, tôi nhìn vào phía trong làng. Phía trước mặt yên tĩnh, thỉnh thoảng có vài bóng người dân mặc thường phục hoặc vài người lính bộ binh đang nấp sau những thân cây quanh đó. Nắng chiều xuyên qua đồi dương làm thành những vệt sáng loang lổ trên bãi cát. Nhìn quanh tôi thấy khoảng hơn chục người lính thuộc trung đội 90 ly. Tôi chỉ tay ra dấu cho họ bám các gốc cây, hướng súng vào phía trong làng và bắt đầu lên tiếng gọi:
    - Tất cả trung đội 90 ly hướng súng vào phía trong, không được bắn khi chưa có lệnh. Bên tay phải tôi là đại liên M-60 rồi tới XM-202, bên tay trái tôi là 90 ly rồi tới đại liên 50. Năm phút sau chúng tôi đã làm thành một hình cánh cung. Kiểm soát quân số chúng tôi mất 6 người, trong đó có anh Vượng và người hiệu thính viên.
    Tôi nói với hai người lính bên cạnh:
    - Tụi mày chạy ra phía sau tìm Trung sĩ Vượng và ban chỉ huy đại đội, gọi anh Vượng lên đây ngay.
    Sau khi chúng tôi bố trí xong thì có khoảng gần 20 người vừa dân sự lẫn quân nhân chạy bổ vào phòng tuyến. Các anh lính lên đạn, tôi hét lớn:
    - Không được bắn!
    Quay về nhóm người này, tôi nói:
    - Các ông điên à, sao lại chạy vào đây?
    - Dạ, trong làng phía trước mặt có Việt Cộng.
    Tôi bảo các người lính đưa họ ra phía sau vì nếu họ ở trong phòng tuyến chỉ thêm một gánh nặng.

    Gần nửa giờ sau hai người lính trở lại báo cáo đã gặp anh Vượng và các người khác ở ban chỉ huy đại đội. Khẩu lệnh của Đại úy Bình chỉ thị tôi đưa trung đội 90 ra bãi biển. Theo thứ tự từng tiểu đội di chuyển, chúng tôi đến bãi biển thì trời đã tắt nắng.
    Đến gặp anh Bình và theo anh đến nhận tuyến phòng thủ trên một đồi cát nhỏ nơi có chiếc miếu thờ của những người dân làng chài Thuận An.
    - Ông cho con cái bố trí chỗ này, bắt tay với trung đội 81, nhớ coi chừng giùm thằng Nam, nó bị thương rồi.
    - Nó bị ra sao Đại úy?
    - Cũng nhẹ thôi, bị thương vô bắp vế.

    Từ ngôi miếu nhỏ về phía Nam, trung đội 90 ly dàn thành một hàng ngang và bắt đầu đào các hố chiến đấu, cái này cách cái kia một sải tay. Sau đó trung đội 81 ly đến nhận tuyến từ cái miếu về phía Bắc, bọc cong theo những bờ cát có những cây dứa dại. Đào hố chiến đấu xong thì trời tối hẳn. Ai nấy cũng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu vì mồ hôi, bụi đường, và hai ngày qua di chuyển không ngừng nghỉ. Ngứa nhưng chẳng ai dám tắm vì nước biển rít và khó chịu nếu không có nước ngọt để tắm lại cho sạch. Một anh lính xuống biển múc cho tôi một nón sắt nước để rửa mặt và tay chân.
    Ăn cơm xong thì trời đã gần khuya, trăng treo lơ lửng trên đỉnh đầu. Nhìn ra biển thấy các tàu Hải Quân lờn vờn ngoài khơi mà chẳng thấy động tĩnh gì cả. Anh hiệu thính viên trải chiếc poncho trên bãi cát và nói:
    - Thiếu úy nằm nghỉ cho đỡ mệt, có gì em kêu Thiếu úy liền.

    Tôi gọi anh Vượng cách đó một chục hố, nhắc anh cắt gác và kiểm soát anh em. Nhìn vào hướng làng, tuyến phía trước là khu vực của đại đội 4. Một sự yên tĩnh lạ kỳ đang đè nặng lên chúng tôi. Ngồi xuống trên tấm poncho, đốt một điếu thuốc, hít một hơi thật dài, đầu óc chất chứa quá nhiều lo lắng khiến tôi chẳng nghĩ ngợi được gì. Dập tắt điếu thuốc, tôi thả người trên chiếc poncho, ráng chợp mắt một chút nhưng không ngủ được. Quay qua anh hiệu thính viên bên cạnh, tiếng anh ngáy ngon lành. Tôi nói thầm "Mẹ, vậy mà mày kêu tao ngủ, có gì thì kêu tao liền...".

    Càng về sáng càng nhiều sương mù và gió lạnh, không biết đã mấy giờ, thời gian trôi qua một cách nặng nề. Tôi cũng không muốn liên lạc gì với đại đội vì cũng chẳng biết gì để mà hỏi, chỉ chờ đợi.
    Trăng vừa lặn thì phương Đông trời cũng bắt đầu ửng hồng, xuyên qua màn sương mờ, ánh đèn tàu di chuyển và tiến vào bờ. Một chiếc tàu loại LCM tiến vào trước và đón xong đợt các binh sĩ bị thương, bộ chỉ huy lữ đoàn 147 và một số các đơn vị bạn gần đó. Chiếc LCM thứ nhì bị mắc cạn vì số người tràn lên quá nhiều, họ tranh giành giẫm đạp lẫn nhau. Bất ngờ một hỏa tiễn tầm nhiệt từ trong bờ bắn ra trúng vào tháp chỉ huy của tàu, thế là hỗn loạn nổi lên. Tôi không trực tiếp nhìn thấy cảnh này vì ở xa bờ, chỉ được nghe các người lính chạy thoát ra khỏi chiếc tàu kể lại khi chúng tôi bị đưa vào căn cứ La Sơn sau này.

    Nghe tin tàu vào đón người, một số đơn vị bỏ tuyến chạy ra bãi biển. Bắc quân truy kích và bắn vào phòng tuyến của chúng tôi. Khi Bắc quân tràn qua bãi cát trống tấn công các đơn vị bạn thì gặp sự kháng cự của chúng tôi. Những viên đại bác 90 ly buộc toán Bắc quân truy kích phải rút trở lại trong làng, bỏ lại hàng chục xác trên bãi cát. Chúng tôi chưa kịp mừng thì hàng loạt cối tới tấp rơi vào trung đội 90 ly. Tiếng đạn nổ hàng chập đó đây, tiếng những cành dương gãy, tiếng hò hét xung phong của Bắc quân. Binh I Nam theo hướng tay tôi chỉ, rải những tràng đại liên về phía bờ làng, tôi nghe tiếng la hét, chửi bới của những người lính Bắc quân, và rồi cối lại dồn dập trút xuống trung đội 90 ly. Tôi và Nam - Xạ thủ đại liên bị thương trong trận pháo lần thứ hai này.

    Chiều hôm đó sau khi được băng bó ở ban quân-y, tôi bước qua từ giã người xạ thủ đại liên M-60 gan dạ của mình. Mặc dù đang nằm mê man nhưng dường như Nam vẫn cảm nhận được từ tôi tình thương của một người anh, một chiến hữu. Những mảnh băng quấn trên đầu Nam đã thấm giùm tôi những dòng nước mắt.

    Bước ra khỏi lều của ban quân-y với một thể xác mệt mỏi, một tâm tư chán chường trống rỗng, tôi chợt nghĩ "Giờ này chẳng còn ai, ngoại trừ các đồng đội của mình". Gần tới khúc quanh để bước lên đồi cát, tôi gặp Thiếu tá Phạm Cang - Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá Lê Quang Liễn - Tiểu đoàn phó đang đứng nói chuyện. Anh Cang lên tiếng hỏi tôi:
    - Minh bị thương hồi nào vậy?
    - Tôi bị miểng pháo sáng nay Thiếu tá.
    - Nếu bị thương sớm có thể đã được tải thương sớm sáng nay rồi.
    - Cám ơn Thiếu tá.
    Tôi chào hai anh rồi bước lên đồi cát. Có thể nhờ vào mũi thuốc của ban quân-y hoặc là do cái tâm lý là mình vẫn còn các đồng đội đang chờ đợi, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn, men theo các bờ cát, tôi bước lên đồi, định hướng trung đội 81 vì phía này có ngôi miếu và các chướng ngại vật thiên nhiên che chắn, ngăn cản tầm nhìn của các xạ thủ bắn tỉa Bắc quân.
    Nhìn thấy cái miễu và những gốc cây dương nơi hai trung đội 81 và 90 ly phòng thủ, tới khoảng cách chừng 20 mét, tôi lên tiếng gọi lớn:
    - 90 ly, 81 ly.
    Vài người lính nhìn về phía tôi. Tôi ra dấu cho họ xích ra, chừa một khoảng trống trong giao thông hào ngay trước mặt để cho tôi có chỗ nhào xuống trong trường hợp địch quân nhắm bắn. Chỉ có chừng 5 giây đồng hồ để vượt một khoảng 20 mét đó, nhưng là cả một cuộc đời.
    Hai anh lính dang ra và ra dấu “clear”.
    Không hiểu tại sao tôi lại rất bình tĩnh và chạy nhanh như một lực sĩ điền kinh, tiếng đạn địch xé gió trên đầu “chíu” “chíu” khoảng 3 mét cuối cùng, tôi nhào vào giao thông hào. Người tôi đập vào bờ cát với một cảm giác vui mừng, khoan khoái và tự tin vì chung quanh tôi là những người chiến hữu.
    Hai anh lính của trung đội 81 phủi bụi cát bám đầy trên người tôi, vừa cười vừa hỏi:
    - Sao Thiếu úy không nằm nghỉ dưới đó?
    - Mày nói điên, dưới đó toàn là đui què sứt mẻ, biết nói chuyện với ai, trên này vui hơn.
    Anh bật ra cười ha hả, nhe hàm răng thiếu mất một cái răng cửa. Anh lính còn lại đốt cho tôi một điếu thuốc và hỏi:
    - Thiếu úy bị thương nặng không Thiếu úy?
    - Gà mổ vào mặt thôi, tỉnh rồi.
    Các anh lính ùa lại thăm hỏi tôi.
    - Tao còn đang sống nhăn răng, coi chừng tụi chuột kìa.
    Một anh khác bước đến đưa cho tôi bao gạo sấy và một hộp thịt đã mở sẵn, tôi cố gắng đẩy vào họng mình 3,4 muỗng cơm khô khốc. Với tay cầm bình nước anh đưa đến đã gần cạn, tôi làm một hơi cạn luôn và trả lại bi-đông cho anh.
    Hút xong điếu thuốc, cảm thấy tinh thần sảng khoái, tôi bắt đầu công việc của mình.

    Leo qua đoạn giao thông hào kế tiếp của trung đội 81, tôi thấy xen kẽ với các người lính 81 là một số lính thuộc đại đội 4 và vài anh thuộc tiểu đoàn 5 TQLC, các anh này đã chạy xuống đây sáng nay khi tuyến trên bị vỡ. Bước đến gần Nam, tôi hỏi:
    - Sao, Nam bị thương nặng không? Lúc nào vậy?
    - Chiều hôm qua sau khi anh chạy lên phía trước. Còn anh bị nặng lắm không?
    - Một miểng nhỏ thôi, vào mặt.
    - Nam bị thương chỗ nào?
    - Bắp vế anh à! Nhưng không sao, còn đi được.
    Tôi thông báo cho các anh em về tình hình hiện thời ở dưới bãi cát bờ biển, nhắc nhở các anh em tiết kiệm đạn, chỉ bắn khi nào nhìn thấy địch mà thôi. Mặt đối mặt chiến đấu anh dũng hơn là chạy đưa lưng làm bia cho địch.
    Tôi đi trở về trung đội 90 ly và rất mừng vì hầu hết trung đội vẫn còn nguyên vẹn, trừ tôi và anh xạ thủ đại liên M-60 bị thương mà thôi.

    Trăng vừa lên, trời vừa chập tối khoảng 7 giờ, nhiều tiếng người và tiếng động vang lên từ bãi biển, tôi gọi anh lính cạnh bên nói:
    - Mày xuống coi có chuyện gì rồi lên nói cho tao biết.
    - Dạ, Thiếu úy.
    Anh lính nhảy lên khỏi hố và chạy xuống bờ biển. Năm phút sau anh chạy trở lên và gọi tôi.
    - Thiếu úy ơi! Họ dzọt hết rồi.
    Tôi quay qua gọi anh Vượng và các anh em trong trung đội 90 ly.
    - Tất cả anh em 90 ly, bỏ tất cả những gì không cần thiết.
    Tôi bước đến gần Nam và nói:
    - Họ đi hết rồi Nam, tính sao đây?
    - Ông anh quyết định giùm đi.
    Tôi nói với các người lính trung đội 81 ly:
    - Bây giờ dưới kia đi hết rồi, các anh có muốn đi hay ở lại thì tùy các anh.
    - Thiếu úy cho dzọt chưa Thiếu úy?
    - Bây giờ các anh có thể đi rồi.
    Những người lính ở phía trung đội 81 ly bắt đầu nhảy ra khỏi giao thông hào, tôi quay về phía 90 ly và nói:
    - Các anh em tan hàng, chúc may mắn!
    Các người lính ở trung đội 90 ly chạy theo trung đội 81 ly ào ào xuống bờ biển. Nhìn thấy Nam còn ngồi với hai người lính ở ban chỉ huy trung đội 81 ly, bên cạnh là chiếc máy PRC-25 đã im lặng vô tuyến, chiếc máy PRC-25 của trung đội 90 ly bị trúng pháo bất khiển dụng, còn của trung đội 81 ly, tại sao Nam cắt đứt liên lạc với đại đội?
    - Thôi mình đi chứ Nam, tôi lên tiếng.
    - Dạ, ông anh cứ đi trước.

    Không biết Nam quyết định gì lúc đó. Tôi quay người chạy nhanh xuống bãi biển, vừa chạy vừa suy nghĩ "Tại sao Nam bị thương từ tối hôm qua mà sáng hôm nay không được tải thương theo tàu Hải Quân? Nam bị thương ở bắp vế làm sao mà chạy được? Có phải tôi đã ích kỷ cho anh em bỏ chạy trong khi Nam bị thương không?". Tôi tự an ủi “Cả một Quân Đoàn 1 tiền phương còn bỏ chạy thì mấy chục anh em tôi làm được gì?”.
    Ba mươi năm rồi chẳng nghe được tin gì về Thiếu úy Nam - Trung đội trưởng trung đội 81 ly, tiểu đoàn 7 TQLC. "Trông tin Nam"

    Khi tôi và các người lính 90 ly chạy xuống tới bãi biển thì Thượng sĩ Ẩn - Thường vụ đại đội chỉ huy và hai anh lính thuộc đại đội chỉ huy còn đứng đó.
    - Sao còn ở đây anh Ẩn, dzọt hết rồi hả?
    - Tụi tui được lệnh chờ ông đây, Thiếu úy. Họ chạy cả nửa tiếng rồi. Tụi tui kêu quá mà không ai nghe cho đến khi một đứa do ông sai xuống đây chắc ông mới biết.
    Chúng tôi nhập lại thành một đoàn chạy xuôi theo bờ biển về hướng Cửa Tư Hiền. Gió mát và tâm tư rối loạn trong đầu khiến tôi chẳng để ý gì nữa, chạy theo đoàn như một kẻ mộng du.
    Tiếng Thượng sĩ Ẩn căn dặn hai người lính:
    - Hai đứa mày chạy hai bên ổng, có gì thì dìu ổng đi.
    Có lẽ anh ta sợ tôi bị vết thương hành, đuối sức chạy không nổi, nên anh chạy ngay sau lưng tôi.
    - Khỏi lo anh Ẩn, tui còn khỏe mà.
    Chạy được một đoạn, quá nặng trên đầu và nóng hầm hập, tôi vứt cả áo giáp và nón sắt, những người lính vây quanh tôi. Tôi nghe thoang thoáng đâu đây tiếng súng nổ, tiếng kêu réo gọi nhau hòa lẫn tiếng sóng biển.

    Chúng tôi lại tiếp tục chạy, rải rác đó đây có những người lính ngã gục, chỗ thì từng toán chết nằm, chết ngồi. Những người này đã từng là chiến hữu của tôi đó. Tôi lặng người nhưng cũng không còn cảm giác nữa vì chính tôi bây giờ cũng là một kẻ đang dở sống dở chết mà thôi.
    Nhìn lại phía sau lưng, một đoàn dài những kẻ đuối sức đang ráng bươn chải, hy vọng chạy cho thoát cái chết chóc đang gần kề, trong một sự sợ hãi đến tuyệt vọng.
    - Chắc cũng gần tới Cửa Tư Hiền rồi. Anh Ẩn nói.
    - Liệu anh bơi qua Cửa Tư Hiền nổi không?
    - Một liều ba bảy cũng liều ông ơi!
    Tôi nở một nụ cười thảm não thầm nghĩ "Bọn mình như cá trong rọ rồi".

    Ánh trăng chênh chếch rọi vào từ hướng biển, ánh sáng nhảy múa đung đưa trên những ngọn sóng trông thật thảm não. Trăng trong thơ và nhạc sao trữ tình quá, còn trăng thực tại của những người chiến bại sao đầy buồn nản và tuyệt vọng!
    Thời gian như dài ra vô tận theo nỗi ê chề trên đoạn đường tháo chạy nhục nhã của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng hàng chục ngàn người lính trên bãi Thuận An đêm nay không ai biết được có một cuộc “di tản chiến thuật” lạ lùng đến như thế. Hình như chúng tôi được gom tụ lại đây để được bàn giao cho tiện việc sổ sách.
    Đôi giày mua trong khu dân sinh Saigon làm thốn cả đôi chân, tôi chạy chậm lại rồi tháo vứt bỏ cả giày vớ. Cát ẩm mát lạnh dưới chân làm cho tôi tỉnh hẳn lại, chung quanh trên bãi biển, quần áo, giày dép, ba-lô v.v.. vứt bỏ bừa bãi cả một đoạn đường dài. Nếu lúc đó mà có ống kính ghi lại cuộc tháo chạy thảm thương này để mà xem thì chắc phải cười ra nước mắt.

    Nhìn những người lính trẻ vô tư chạy quanh tôi, vừa chạy vừa sợ hãi nhưng vẫn hồn nhiên cười đùa, chẳng hề nghĩ đến và biết đến chuyện gì sẽ xảy ra.
    - Đ.M., chạy làng anh em ơi!
    - Một, hai, ba chúng ta cùng chạy.

    Tôi cười to làm động đến vết thương bên má phải bị miểng pháo ghim hồi sáng đau điếng, máu lại rịn ra.Tôi tự hỏi không biết mình có đủ sức chạy tới Đà Nẵng hay không? (Chẳng có gì phải xấu hổ khi hôm nay tôi ngồi viết lại cuộc chạy làng thảm thương này).

    Khoảng 9 giờ tối thì đoàn người khựng lại, có tiếng súng nổ phía trước và có vài người chạy ngược lại về phía chúng tôi. Đúng là tình cảnh cá nằm trong rọ chẳng biết đường nào ra.

    Đoàn người lại xua nhau chạy về phía trước nhưng không xong. Tiếng AK nổ từng tràng chát chúa và ánh đèn pin chiếu loang loáng làm cho cả một dòng người khựng và dừng hẳn lại. "Cùng đường rồi". Lời ai nói đó có phải của tôi không?
    Tôi lắc đầu ngồi bệt xuống bãi cát. Những người lính vây quanh tôi.
    - Anh em mình phải cố gắng lo cho nhau, đừng làm điều gì dại dột, thiệt thân.
    - Bây giờ mình làm gì, Thiếu úy?
    - Anh em nào còn súng và lựu đạn thì quăng hết xuống biển đi.
    Thượng sĩ Ẩn và những người lính đi về phía biển và quăng hết vũ khí xuống nước.
    "Những người lính chiến chúng tôi, những con người bình thường vào sinh ra tử, chúng tôi không phải là anh hùng và chẳng có gì phải hổ thẹn..."
    Nhớ tới câu thơ của Nguyễn Tất Nhiên:

    "Đời vốn chẳng nương người thất thế
    Thì thôi ô nhục cũng là danh"

    Sao những người lính miền Nam phải chịu một kết thúc bi thảm như thế này!

    Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy miền Nam từ Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Trưởng, Thứ Trưởng, Tướng Tá cao cấp hèn nhát bỏ chạy, vứt cả cờ quạt, mang theo tài sản cùng gia quyến thoát thân, bỏ mặc hàng triệu người lính chúng tôi trong lao tù Cộng Sản, còn thê thảm nào bằng!
    Họ còn tư cách gì mà bày đặt viết hồi ký, bắt đầu bằng những cái "TÔI". Sao không bắt đầu bằng những cái "TỒI"?

    Điều luật của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là:
    "Đào ngũ khi đối diện với địch quân. Tử hình...".

    Vậy Tổng Thống, Thủ Tướng, Tướng Tá cao cấp đào ngũ, trốn chạy khi địch quân chưa tới, bỏ cả một triệu lính thuộc cấp, bỏ cả 20 triệu dân miền Nam thì xứng hợp với tội gì...?
    Người dân quê hương tôi luôn rộng lượng đối với những kẻ bỏ chiến hữu, bỏ đồng bào này để cho họ sống trong nỗi nhục nhã của những tên đào ngũ trước địch quân. Nếu họ đừng khua môi múa mép làm trò Sơn Đông mãi võ, núp dưới chiêu bài giả hiệu, để tiếp tục lường gạt các người Việt tha hương, cũng như còn kẹt lại tại quê hương trong nghèo đói, làm nhục nhã tập thể những người lính chiến đấu cho tới giờ phút cuối cùng, để bị Việt Cộng trói quặt khuỷu cánh tay ra sau như anh em chúng tôi.

    Chúng tôi bị bắt buộc ngồi tại chỗ hàng tiếng đồng hồ. Trăng bắt đầu lên cao, gió thổi mạnh, chúng tôi thấm lạnh, nhưng nỗi lạnh bên ngoài chưa bằng cái buốt lạnh trong tâm tư.
    Vài người hô lớn lên:
    - Lạnh quá anh bộ đội ơi!
    - Cho đi lấy quần áo đi các anh ơi!
    Họ ra lệnh cho những người lính thất trận chúng tôi xếp thành từng hàng. Đoàn người xáo trộn hẳn lên, người này gọi người kia, hỏi thăm các bạn thân còn mất.
    Một anh lính Bắc quân nói thật lớn tiếng:
    - Tất cả anh nào là Sĩ quan hãy bước ra khỏi hàng.
    Một sự im lặng đột ngột và dùng dằng trong đoàn người tù binh.
    - Tôi lập lại, tất cả các anh nào là Sĩ quan ra xếp hàng ở bên tay trái tôi.
    Dòng người bắt đầu chuyển động, các Sĩ quan miền Nam bắt đầu bước ra khỏi đám đông. Những người lính vây quanh tôi lên tiếng:
    - Ông đừng đi ra khỏi hàng, Thiếu úy.

    Tôi im lặng bước ra khỏi đoàn người đến xếp hàng với những sĩ quan chiến bại của miền Nam.

    Sau khi ngồi xuống đất, tôi lấy tay đào một lỗ dưới cát và chôn tất cả giấy tờ tùy thân, thẻ bài để chấm dứt một chặng đường binh nghiệp...
    Quay qua nhìn các người bạn không quen chung quanh, tôi phân vân chẳng biết mình đang làm gì? Có lẽ chúng tôi, những người lính chiến đã hoài phí cả một tuổi thanh xuân của mình cho tham vọng ích kỷ của những người lãnh đạo, để được trả lại bằng "Ôi! Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", và những năm tháng lao tù đang đợi chờ trước mặt. Ngẩng nhìn lên bầu trời cao, vầng trăng gần tròn trên đỉnh đầu, giờ này chắc đã nửa đêm.

    Các toán du kích và các anh Bắc quân đem dây cước làm lưới đánh cá, trói quặt cánh khuỷu tay anh em chúng tôi ra sau "những người chiến bại", "những con cá nằm trên thớt!".
    Nuốt lấy tiếng thở dài uất ức, tôi tự an ủi mình "Việc gì tới rồi cũng sẽ tới..."

    Tôi viết bài này để nói rằng, những người lính tác chiến chúng tôi dù thua cuộc, dù tù đày nhưng vẫn hiên ngang trước những cư xử đầy ác cảm, đôi khi hận thù của một số người anh em ở bên kia chiến tuyến.
    Chúng tôi không phải là anh hùng, chúng tôi là những kẻ sa cơ bị bỏ rơi. Chúng tôi càng không phải là những kẻ hèn nhát, đào ngũ khi đối diện với địch quân mà giờ này, nơi này họ lại khua môi múa mép, lợi dụng danh nghĩa của người lính làm những trò tồi bại.
    Hàng ngàn, hàng trăm ngàn chiến hữu, thương phế binh QLVNCH bị bỏ rơi, còn kẹt lại tại quê hương trong đói nghèo. Nếu không giúp được họ thì xin đừng lợi dụng danh nghĩa của họ để làm điều xằng bậy...

    Kính tặng tất cả những chiến hữu quen biết hoặc không quen biết, đã hy sinh hay còn sống sót trên bãi biển Thuận An đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1975. Kính tặng tất cả những người lính chân chính của QLVNCH.
    Những "Chiến sĩ vô danh" không phải những kẻ "Hữu danh vô thực".

    Nguồn:batkhuat.net/van-nhungmanhdoi-dangdo-5.htm


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X