Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cửa Tư Hiền

Collapse
X

Cửa Tư Hiền

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cửa Tư Hiền


    Ngày 26/03/1975 thành phố Huế thất thủ, Lữ đoàn 147 TQLC cùng gần như toàn bộ các đơn vị của SĐ 1 BB và ĐPQ các Tiểu khu Thừa Thiên, Quảng Trị bị bắt tù binh vì không vượt qua được cửa Tư Hiền ( lúc đó rộng mênh mông ) để vào Đà Nẵng, bây giờ đọc lại thấy buồn quá, trời đất thay đổi, cát bồi lấp gần hết, các địa danh như Cầu Hai, Đá Bạc, Nông, Truồi, đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia, Động Truồi, đỉnh Bạch Mã....những kỷ niệm một thời chiến tranh khốc liệt của QLVNCH .!!


    Cửa Tư Hiền
    Bài TRẦN CÔNG NHUNG

    Ngày xưa, cửa Tư Hiền có tên là Tư Dung và không ở vị trí hiện nay mà nằm ngay dưới chân núi Vinh Phong, thuộc thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cách cửa Tư Hiền chừng 5km. Cửa Tư Dung đã từng là một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử từ đời nhà Trần, qua cuộc hôn nhân giữa Công Chúa Huyền Trân và vua Chiêm là Chế Mân.

    Theo sử cũ thì cửa biển Tư Dung nguyên thuộc nước Chiêm Thành, trải qua các triều đại, đã có nhiều tên khác nhau: dân gian gọi cửa Ông hay cửa Biện, nhà Lý gọi là cửa “Ô Long,” nhà Mạc gọi là cửa “Tư Khách,” từ thời vua Thiệu Trị (năm 1814), nhà Nguyễn gọi là cửa Tư Hiền.


    Đầm phá Cầu Hai

    Nhưng cái tên được dùng lâu đời nhất, bắt đầu từ nhà Trần, đến nhà Lê, và một giai đoạn nhà Nguyễn, là cửa “Tư Dung.” Dùng hai chữ “Tư Dung” để đặt tên cho cửa biển này, người Việt thời nhà Trần muốn đánh dấu cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm Thành và công chúa Huyền Trân, và để tưởng nhớ công ơn công chúa đã hy sinh hạnh phúc cá nhân cho việc mở mang bờ cõi. Vua chúa các đời Lý, Trần như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông đều có đem quân qua đây.

    Ngày trước, cửa biển Tư Dung sâu và rộng, các loại thuyền lớn nhỏ ra vào dễ dàng. Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi “cửa rộng 8 trượng, khi nước lên sâu 3 thước, khi nước ròng sâu 2 thước, nước cạn thuyền lớn đi không được. Xưa có đặt Thủ sở, có binh túc trực tuần phòng ngoài biển, phía Tây cửa biển có hành cung Túy Vân sơn. Xưa kia, cửa nguyên ở chỗ gần núi, cách phía nam cửa bây giờ chừng 5 dặm. Có thể hình dung cửa biển Tư Dung ngày ấy qua hai câu trong bài thơ “Tư Dung hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Tư Dung) của vua Lê Thánh Tông.
    Dịch nghĩa:

    Vách dựng
    “Vách núi dựng đứng nhấp nhô, màu xanh ngăn ngắt.
    Sóng vỗ ngất trời cuồn cuộn, sắc biếc trùng trùng.”

    Cửa Tư Dung cũng gợi nhớ một nhân vật nổi danh văn võ thời các chúa Nguyễn: Đào Duy Từ. Khi ông bỏ đất bắc vào Nam mưu cầu công danh bằng “khổ nhục kế” đi ở đợ để chờ dịp tỏ bày nổi lòng yêu nước qua hai bài: “Ngọa Long Cương” và “Tư Dung Vãn.”(1) Ca ngợi cửa Tư Dung khác nào đề cao sự hy sinh vì nước vì dân.


    Cầu Tư Hiền


    “Bấy giờ chúa Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (16l3- l635) đang có ý định kén chọn nhân tài, để dựng nghiệp lớn, nên khi xem xong bài vãn của Đào Duy Từ đã rất tâm đắc, bèn lệnh cho Khám Lý Trần Đức Hòa dẫn ngay người con rể vào gặp Chúa.” (trích bài đền thờ ĐDT)

    Từ cầu Thuận An về cửa Tư Hiền khoảng 50 km, đường tương đối dễ đi, có nhiều chỗ rất nên dừng đối với khách lần đầu đến địa phương này: Bãi tắm Thuận An (Phú Hòa, Phú Thuận), Âu thuyền Cự Lại, tháp cổ Phú Diên, “thành phố Nghĩa địa An Bằng…Hàng ngày nhiều khách Tây họ đi xe đạp từ thành phố Huế về tắm biển hoặc len lỏi vào làng quê tìm cảnh chụp hình. Người Âu Mỹ thích những gì sơ khai quê mùa, đối với họ binh-đinh lâu đài là bình thường, nhàm.

    Ngay cách ăn mặc của họ nơi xứ lạ cũng giản dị không se sua hoa hòe như người Việt. Tôi đã thấy một nhóm Tây ba lô say sưa chụp ảnh một chiếc xe trâu chậm chạp đi trên đường, mấy con bò đủng đỉnh nhai quanh một cây rơm. Đó là những hình ảnh “quí hiếm” khó nơi nào có. Ấy vậy mà người Việt lại bỏ hàng trăm nghìn tỉ đồng xây binh-đinh, tượng đài, khắp nơi cờ xí bốn mùa, để khoe “nước ta giàu đẹp”! Có biết đâu thiên hạ nhìn vào họ cười “đồ quê mùa lạc hậu.” Giàu có như nước Mỹ, đâu ai bỏ của dựng tượng, xây bảo tàng, nhà văn hóa như ở VN. Những thứ này ở VN nhiều hơn nấm vào mùa mưa.

    Cư dân Thuận An, từ Hải Tiến (cửa Thuận An) dài theo đường Trấn Hải Thành về Vinh Hiền rất khá giả so với nhiều địa phương khác, nhờ chi viện từ nước ngoài qua thân nhân vượt biển ngày trước. Nhưng, cũng từ khi có “viện trợ” không điều kiện mà sinh ra nhiều tệ nạn: Ăn nhậu – bài bạc – số đề. Có người đã treo cổ tự tử vì đổ nợ. Con cái cũng từ đó mà hư hỏng.


    Du khách thăm cảnh : Cửa Tư Hiền .

    Hôm tôi đi tìm cửa Tư Hiền, gặp một đoàn chừng 20 tay đua xe đạp người ngoại quốc, dừng lại trên cầu Tư Hiền, họ toàn trai tráng khỏe mạnh, ăn mặc đẹp như những tay đua chính hiệu. Có hai xe Van theo hộ tống. Họ nghỉ chân, nhìn ra biển, nhìn vào phá Cầu Hai bao quanh bởi dãy Trường Sơn. Tôi nghĩ đây chẳng phải cuộc đua mà là một nhóm dã ngoại bằng xe đạp.

    Từ trên cầu Tư Hiền nhìn ra biển, thấy nguyên một bờ cát chắn ngang, chẳng hiểu thuyền ra cửa bằng cách nào. Hỏi lối nào ra biển, một bác già mách: “Ông qua thôn Hiền An 2, rẽ phải, cứ một đường là ra cửa.”

    “Thẳng một đường” mà không phải một đường thẳng, phải quanh co qua nhiều xóm nhà lụp xụp nghèo nàn. Tôi ngạc nhiên, một thắng cảnh có từ lâu đời mà sao tối tăm xơ xác quá vầy.
    Tới nơi, rõ ràng cửa biển bị cát bồi, chỉ còn một con lạch cạn để người dân đẩy thuyền vào ra.
    Trong khi tôi lay hoay chụp ảnh thì có một anh trong bốt gác gần đấy kêu to: “Chú kia làm gì chụp hình thế, đây không được chụp hình.” Tôi ngạc nhiên không nghĩ đó là bốt gác có người, trông như một cái nhà cầu dã chiến. Tôi phải giải bày:
    - Tôi ở phương xa nghe đồn cửa Tư Hiền đẹp nên đi tìm, tôi chụp ít cảnh ghe đò sông nước thôi.
    Không để cho anh gác kịp tìm cách chất vấn, tôi hỏi tiếp:
    - Tôi nghe nói cửa Tư Hiền rộng, tàu bè vô ra thong thả, nay lại bị cát bồi, sao không nạo vét?
    - Chú không biết cơn bão năm 99, nhà dân nguyên cả xóm bay trọi, cửa biển bị lấp. Từ đó mở ra cửa Thuận An ngày nay, có nạo vét nhưng đến mùa bão lại bị lấp như cũ.
    - Nghe nói ngày trước đây là cửa Tư Dung?
    - Cửa Tư Dung bên xã Lộc Bình, cũng bị cát bồi lấp dần.
    - Đi đường nào đến đó anh chỉ giùm.
    - Chú qua cầu đến ngã ba quẹo trái, chừng 4 cây số là thấy cửa Tư Dung.

    Ngã ba bên kia cầu, rẽ phải ra QL1A, rẽ trái ra cửa Tư Dung. Chạy men theo chân núi một lúc lâu, lên đến điểm cao, nhìn qua đám phi lao, thấy rõ cửa Tư Hiền chỉ là con lạch cạn. Xã Lộc Bình không biết dân số thế nào, hai bên đường rải rác đôi ba nhà không có vẻ gì khá giả. Chạy thêm một lúc vẫn chưa thấy cửa Tư Dung. Ghé vào một nhà bên đường có một thiếu nữ đang phơi quần áo, tôi hỏi:
    - Cháu biết gần đây có cụ già nào 70-80 tuổi không?
    - Dạ không, chi rứa bác?
    - Bác muốn hỏi thăm đôi điều về cửa Tư Dung.
    Có ba cháu nhà bên kia, bác hỏi thử coi.
    Lúc nghe tôi lên tiếng một người đàn ông đứng tuổi ra chào:
    - Bác vô nhà chơi.
    Trời cũng đã trưa, tôi phải rút ngắn mọi chuyện để về:
    - Anh cho hỏi thăm, nghe nói cửa Tư Dung ở đây mà đi mãi tôi chưa thấy.
    - Dạ mời bác ngồi nghỉ uống nước đã. Cửa cũng gần đây rồi.
    Chủ nhà pha trà, tôi ngồi vào bàn.
    - Anh chắc ở đây đã lâu?
    - Dạ mới mười năm đổ lại.


    Sau cơn bão 99

    - Nghe nói cửa Tư Dung nay đã bị cát bồi lấp dần?
    - Dạ chỉ còn một con lạch nhỏ lội qua dễ dàng.
    - Như vậy bên này không còn tàu ra khơi đánh cá?
    - Dạ tàu lớn giờ tập trung bên cửa Tư Hiền, bên này còn ít xuồng câu thôi.
    Thấy anh chủ nhà vui vẻ, tôi hỏi thêm về sinh hoạt của gia đình:
    - Như vậy ở đây anh chỉ câu và lưới cá trong bờ liệu có đủ sống không?
    - Cũng phải chịu khó trồng thêm cây trái, chắp vá qua ngày. Chú thấy ngày càng khó khăn, không lương tiền thì sống nơi đông người sao được.
    - Còn mùa mưa bão?
    - Dạ nhờ trời sau cơn lụt năm 99 đến nay thì không năm nào sao cả.
    - Nghe nói năm đó cửa Tư Dung bị lấp.
    - Dạ đúng, về sau có công ty gì đó nạo vét nhưng sau một đêm cửa lại bi lấp lại.
    - Từ đây ra cửa Tư Dung còn xa không?
    - Chừng vài trăm mét nữa thôi, chú chạy tới chỗ cuối đường là thấy cửa. Cửa chừ cũng không còn chi mô, còn một am đá một am ngói thôi.
    Tôi cáo từ chủ nhà, lên xe chạy ngay.
    Đúng như lời anh chủ nhà cuối đường là một dốc cao, nhìn xuống thấy một bãi cát chạy dài tới chân núi phía Nam. Xuống bãi có một nhà bán quán. Một đám thanh niên nam nữ mua nước rồi kéo nhau đi ra xa nơi có đặt ghế nằm.


    Đường về cửa Tư Hiền


    Tôi vờ kêu chai nước để hỏi chuyện. Anh chủ quán chỉ cho tôi lạch nước hẹp tí thông ra biển và nói:
    - Cửa Tư Dung đó chú.
    - Rứa thì có thuyền bè chi vô ra được.
    - Dạ có chi nữa mô. Chừ chỗ ni như bãi tắm dành cho trai gái rủ nhau hủ hỉ thôi.
    - Nghe nói có am đá và am ngói chỗ mô anh?
    - Am ngói trước mặt chú, am đá chú ra phía sau núi.

    Trần Công Nhung

    (1) Tư Dung Vãn gồm 336 câu thơ lục bát xen kẽ 7 bài thơ thể ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt cũng là một áng văn hay, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên nơi cửa biển Tư Dung và cảnh sống thanh bình của vùng đất Phương Nam, nơi có chúa Hiền tài giỏi.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X