Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 118 và tôi

Collapse
X

Phi Đoàn 118 và tôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 118 và tôi

    Phi Đoàn 118 và tôi
    Võ Ý



    Tôi gia nhập Khóa 17 Trường Võ Bị Quốc Gia, tháng 11 năm 1960. Ấn định 4 năm. Qua năm thứ hai, do nhu cầu canh tân và bành trướng Quân Đội, Bộ Tư Lệnh Không Quân cử một phi công lên Quân trường, thuyết trình về Quân chủng mang tính kỹ thuật và hào hùng, với mục đích chiêu mộ những chàng trai ôm mộng… chim trời!

    Tôi không nhớ đích xác danh tánh vị thuyết trình viên, nhưng qua dáng dấp và giọng nói hấp dẫn, ông đã hoàn tất mỹ mãn yêu cầu cấp trên giao phó: khóa chúng tôi có hai trăm mạng, ghi danh chọn KQ trên phân nữa! Đúng ra là một trăm phân trăm, nhưng nhiều bạn tự thấy giới hạn của mình về trọng lượng, chiều cao và.. thị giác, nên đành gạt lệ cam đành!

    Sau đó, Bộ Tư Lệnh KQ gởi máy móc và chuyên viên lên Đà lạt để.. test phản xạ trí óc và tay chân của các chiêu sinh nầy. Hơn phân nữa tay bắt chuồn chuồn, chân đi chữ bát, đạp võ chuối ngã đành đạch. Số nầy sẽ theo Cha về đồng bằng, xung vào các đơn vị diện địa sau khi mãn khóa. Số pass test được Mẹ đưa lên núi tiếp tục khảo hạch về tim gan phèo phổi.

    Sau cùng, ba mươi mạng được tuyển chọn, trong đó có…tôi, đúng với số cầm tinh con rồng, mạng kim, thiên cơ, thiên hình!

    Vì tình trạng khẩn trương của đất nước, chúng tôi tốt nghiệp sớm hơn dự trù 15 tháng. Ba mươi Tân khoa được cấp phát nón và cấp hiệu Không Quân ngay sau Lễ Mãn khóa tại Trường Mẹ. Một Sĩ quan đại diện Bộ Tư Lệnh KQ tiếp nhận chúng tôi sau đó.

    Chúng tôi hưởng quy chế Sĩ quan Khóa sinh trong thời gian học Anh ngữ và học bay tại TrungTâm Huấn Luyện KQ. Một điều không vui là, thay vì du học Hoa Kỳ, một Toán Huấn Luyện Lưu Động Mỹ được phái đến Nha Trang để huấn luyện chúng tôi trên loại phi cơ Cessna U17 do họ đưa qua.

    Sau 9 tháng thụ huấn, Khóa L1 Cessna tốt nghiệp tháng 01/64. Chúng tôi lại về Biên hòa, học bay hành quân trên phi cơ O1, do các phi công Mỹ thuộc Phi đội Bird Dog đảm trách.

    Ba tháng sau, 30 cánh chim non tung bay tìm tổ ấm cho riêng mình.

    Tôi về Phi Đoàn 110 Đà Nẵng. Một năm sau, 1965 đổi về PĐ114 Nha Trang. Ba năm sau, 1967 làm Trưởng Phòng Kế Hoạch thuộc Không Đoàn 62 Chiến Thuật. Năm 69, theo học khóa 1 Chỉ Huy Tham Mưu Trung cấp KQ. Mãn khóa, về làm Phòng Nhân Lực Tham Mưu Phó Hành Quân trực thuộc Sư Đoàn 2 KQ. Cảm thấy kiểu như bó thân về với triều đình, tôi tình nguyện lên Pleiku năm 1970, xuống chức làm Trưởng Ban Kế Hoạch KĐ72CT.

    Năm 71, tôi về Phi đoàn 118.

    Tháng 11/74 theo học khóa Chỉ huy Tham mưu Liên Quân cho đến khi…đứt phim.

    Trong gần 15 năm sống đời quân ngũ, trên 4 năm theo học các quân trường ( căn bản Sĩ quan Trung đội trưởng với căn bản Lãnh đạo Chỉ huy, học bay, học Chỉ huy Tham mưu Trung cấp Không quân và Cao cấp Liên quân), gần 3 năm làm phòng sở tham mưu, 7 năm ở đơn vị tác chiến cấp Đoàn mà Phi đoàn 118 Bắc Đẩu đã để lại những ấn tượng quá mặn nồng trong tâm tưởng, nên mới có những dòng Tướng mạo Quân vụ hết sức…mất truyền thống nầy!

    Tại sao lại mất… truyền thống?

    Chuyện ngộ nghĩnh như đùa : Tôi ra tù năm 1988. Đến tị nạn tại thành phố St Louis tháng 6/1992. Tháng 11 cùng năm, chúng tôi cùng một số cựu không quân tại đây thành lập Nhóm Không Gian Thân Tình, quy tụ gần mười lăm anh em, là tổ chức KQ đầu tiên tại đây. Tôi được bầu làm Nhóm Trưởng hai nhiệm kỳ. Những sinh hoạt của Nhóm đã gây được niềm tin và thiện cảm đối với đồng hương tại địa phương.

    Trong sinh hoạt, cũng có lúc bất đồng ý kiến. Một lần, một KQ vỗ vào ngực mình, nói với tôi bằng giọng tự hào:

    – Tôi là Không Quân Truyền Thống!

    Được biết người KQ Truyền Thống qua Mỹ từ năm 75 và đã mọc rễ tại đất Thánh St Louis nầy, ( tôi chưa biết việc làm rạng rỡ từ 75 cho đến ngày này của vị Truyền Thống đó!), chứ đâu phải là loại Mít ướt như cái thằng tôi? Dù vậy, tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng, người anh em ấy muốn nhắc khéo cho tôi biết một điều quan trọng, anh là Không Quân Tinh Tuyền, nghĩa là từ dân sự gia nhập KQ, rồi đi du học Mỹ, như thế mới được gọi là KQ. Chứ không phải loại Không Quân Lai.. Giống, được tuyển từ Võ Bị Đà Lạt hay Bộ Binh qua, như tôi!

    Cái cung cách của anh, như thể ngầm khẳng định một điều là, chỉ có lớp người KQ Truyền Thống mới đáng được gọi là KQ, mới làm rạng rỡ Quân Chủng không bằng!

    Người KQ Niên Trưởng Nguyễn Văn Bá, tự là Bá Lèo, sau nầy có thêm mỹ danh là Bá Chủ, vị Không Đoàn Trưởng sáng lập KĐ72CT, người đã liều mạng đề nghị tôi giữ chức vụ Phi Đoàn Trưởng PĐ118, thay thế Trung tá Võ công Minh, lại cắc cớ nghĩ rằng, tôi đã học thành Sĩ quan chỉ huy một Trung đội trước khi thành một phi công lái một chiếc máy bay!

    Xin cám ơn niên trưởng Bá Lèo!

    Và trong suốt đời binh nghiệp, kể cả trong ngục tù, cũng như thời lưu lạc hiện nay, chất Võ Bị Đà Lạt và chất KQ đã không làm cho tôi hổ thẹn với mình, vời đồng đội, với Tổ Quốc thân yêu.. Mà ngược lại, mới chết người trong mộng đấy! Có dịp tôi sẽ tô đậm cái thực tế không quân lai…giống ở những phần liên hệ…

    Những ngày đầu nhậm chức, chiến sự gia tăng. Phi đoàn vừa hành quân vừa huấn luyện, vừa tổ chức lại nhân sự và điều hành sao cho…hợp với kiến thức và tâm tình của…riêng tôi.

    Vị sĩ quan cố vấn thời đó là Trung tá X (?), hàng ngày huấn luyện chương trình Victor Fac ( hướng dẫn các phi tuần Mỹ oanh kích ) rất công phu. Nhiều phi tuần Mỹ cất cách từ hạm đội hay đất liền bay đến yểm trợ chiến trường Cao nguyên, đã được các Victor Fac 118 hướng dẫn thỏa đáng. Không hiểu vì vô tình hay cố ý thử…nhau, Trung tá X trình ký Văn thư Xác Định Hành Quân Victor Fac dưới tên Thiếu tá Võ công Minh, dù ông Minh thuyên chuyển đã hơn hai tuần! Tôi trả lại Văn thư với đôi lời chú thích lý do. Trung tá X xin lỗi um sùm.Chiều hôm đó, ông chở đến phi đoàn một két coca cola để biếu…tôi!

    Két coca được chia sẻ cùng các nhân viên phi hành có mặt trong ngày.

    Chiến sự gia tăng. Việt cộng pháo kích dai dẳng hơn mọi khi. Hai Phi đoàn 118 và 530 chung một toà nhà gần bãi đậu phi cơ, là mục tiêu pháo của chúng. Ba tháng sau ngày tôi về, cơ sở PĐ bị trúng đạn pháo. Đây lại là một thử thách nghiêm trọng đối với tôi trong những ngày đầu tại Phi đoàn.



    Được cấp trên chấp thuận, Phi đoàn dời cơ sở về dãy nhà bỏ trống gần Trạm Hàng Không Quân Sự Pleiku. Qua giao tế cá nhân, các đơn vị bạn như Công binh, Thiết giáp, Biệt động quân, Quân cảnh, Trung tâm Huấn luyện Trường sơn v.v… đã trợ giúp vật liệu, nhân công để chỉnh trang dãy nhà trống lổng nầy thành cơ sở khang trang cho Phi đoàn, bao gồm một phòng họp với 60 ghế, một phòng Giải trí ( hay đúng hơn là một mini Câu lạc bộ) với một bàn bida, một phòng Trực Hành quân với đầy đủ giường nệm và một bàn…mạt chược! Ngoài ra, Phi Đoàn còn một thư viện nhỏ do Nhà Sách Nam Cường thân tặng, dành cho số nhân viên phi hành quái dị còn quan tâm đến sách vở! ( Nhà sách Nam Cường là đơn vị kết nghĩa của Phi Đoàn 118 thời đó )

    Có mấy sự việc tuy nhỏ, làm tôi thích thú. Đó là :

    – Cổng vào Phi đoàn được thiết kế theo kiểu Nhật được treo tấm bảng ghi câu nhật tụng : An Toàn Trên Hết!.

    – Trên tấm kiếng gắn ở hành lang Phòng Hành quân, thay vì viết câu Nhìn Quân Phục Biết Tư Cách, Phi đoàn lại trưng câu : Hào Hoa Dưới Đất, Hào Hùng Trên Không! Câu khẩu hiệu đã nâng cao Trách Nhiệm và Lòng Tự hào Đơn vị cũng như Quân chủng biết là chừng nào!

    – Huy hiệu và tên gọi của Phi đoàn được sửa lại. Huy hiệu chung Ngành Quan sát do BTL ấn định là, tia sáng vàng chiếu ra từ hai mắt con cú vọ với chữ số riêng mỗi Phi đoàn. Huy hiệu nầy, và tất cả huy hiệu của mọi phi đoàn trong Không Quân đều do họa sĩ KQ Thái văn Bá vẽ, mà chúng tôi thường gọi là Bá…Láp!

    Danh hiệu đầu tiên của 118 là Blackcat Huyền Miêu. Từ ngày tôi về, danh hiệu đổi thành Bắc Đẩu, với logo chiếc phi cơ O2 màu xám nằm trong ngôi sao Bắc Đẩu màu đỏ, bên dưới là dãy Trường sơn màu xanh đậm, trong bầu trời xanh lơ! Logo được đặt thêu máy tại một cơ xưởng chuyên sản xuất huy hiệu Quân đội tại Sài gòn.



    Logo mới được một trăm phần trăm anh em thích thú. Nhưng muốn chính thức trình làng là cả một kế hoạch vận động có tính toán, chứ không thể tự nhiên như người…điên được!

    Ai cũng biết, vị Tư Lệnh Sư Đoàn là tuýp người rất reclô, muốn gì thì phải có phép mới ăn chắc, chứ măng phú xếp là xếp cho măng giê…củ ngay! Và đây là kế hoạch…

    Nhân lễ Giáng sinh năm 1972, Phi đoàn tổ chức party và mời hầu hết các Đơn vị trưởng trong Sư Đoàn tham dự. Sau màn ẩm thực là màn sinh hoạt và tặng quà do ông già Noel thực hiện. Ông Già Noel KQ lai giống người Rhadê và Táo Phi đoàn, nên khi ông xuất hiện, ai cũng ngạc nhiên đến bật cười. Ông đi một cái pantalon sọt, bộ râu trắng rậm như tuyết che hết cằm, kiếng lão xệ trên sống muĩ, ông chơi luôn cái helmet trên đầu, và lưng thì mang…gùi! Ông Già Noel thong thả rút quà từ trong gùi tặng mâý nhi đồng thuộc PĐ, và một vài quan khách tiêu biểu, trong đó có anh Tư Lệnh Sư Đoàn. Quà cho anh Tư Lệnh là một cây thuốc lá đen hiệu…Basto, đúng phóc gu của chàng! Anh Tư Lệnh rất đẹp lòng! Cơ hội đã đến, Ông Già Noel tặng luôn gói quà mà khi mở ra, anh Tư Lệnh ngạc nhiên. Đợi anh Tư Lệnh khen caí hình đẹp, ông Già Noel mới xuống sáu câu bài ca con cá thật não nùng:

    – Thưa anh Tư Lệnh, sắp nhỏ PĐ118 rất thích mang cái logo nầy mà chưa có phép nên chưa dám. Chúng nó nhờ Già đạo đạt ước nguyện nầy lên để xin anh Tư Lệnh chấp thuận đó!

    Dù bất ngờ, nhưng anh Tư Lệnh vẫn tươi cười. Sau vài giây suy nghĩ, ông phán:

    – Thì ông Già Noel báo cho sắp nhỏ biết là tôi chấp thuận rồi đó!

    Cả Phi đoàn vỗ tay reo mừng. Người vui nhất có lẽ là…tôi!

    Thế mới biết, việc chuẩn bị tinh tế bao nhiêu thì xác suất thành công sẽ cao bấy nhiêu.

    Cho đến nay, chắc hẵn cũng có bạn không nhớ ai đã đóng xuất sắc vai ông già Noel. Đó là Bắc Đẩu Lu thái Hưng, nguyên Sĩ quan An phi Phi đoàn, nguyên XLTV Sĩ quan An phi Sư Đoàn VI KQ, hiện vẫn còn bay…honda ôm ở Bình Thạnh Sàigòn.

    Chiếc Honda anh đang bay, là phương tiện kiếm gạo hàng ngày mà trên mỗi dặm đường tủi nhục, đều có ghi dấu niềm thương cảm của Gia Đình Bắc Đẩu lưu lạc trời xa..

    Sau đó, logo được in trên viên gạch men trắng 10 centimet vuông, gắn trên khung gỗ cẩm lai, dùng làm quà kỷ niệm tặng thân hữu và các Bắc Đẩu mỗi khi thuyển chuyển khỏi đơn vị.

    Những ngày họp mặt đầu tiên tại nhà Bắc Đẩu Phạm Hữu Dương, sau bao năm dọa đày tan tác, chắc hẳn anh em PĐ118 sững sờ khi nhìn lại tấm lắc hiếm hoi nầy đã được Phạm Hữu Dương quyết tử bảo toàn từ ngày anh rời PĐ118 năm 1973, đổi về PĐ114, PĐ116, trải qua bao tháng ngày kinh hoàng sau 75 và qua bao trại tù man rợ, cho đến ngày nay…

    Một trong những công trình xây dựng đáng đồng tiền bát gạo vẫn là hầm chống pháo kích ngay bên hông Phi đoàn. Liên đoàn 20 Công binh Chiến đấu đã chỉ định một Tiểu đoàn thiện chiến thực hiện hầm trú ẩn có đủ sức chơi với hỏa tiển 122 ly việt cộng. Vị sĩ quan Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy công trình nầy hiện định cư tại St Louis tiểu bang Missouri, đó là Thiếu tá Trương Minh Ngộ, xuất thân Khóa 13 Trường VBQG Đàlạt.

    Những ngày sau cùng cuộc chiến, hầm trú ẩn không những hữu dụng cho Phi đoàn mà còn có thể là nơi đặt Phòng Hành Quân Chiến Cuộc cho Không Đoàn nữa.

    Trong bốn phi đoàn và một phi đội trực thuộc KĐ72CT, kể cả các phòng sở tham mưu của cả Sư đoàn trong căn cứ KQ Pleiku thời đó, thử hỏi có được mấy hầm chống pháo kích tầm cỡ như vậy?

    Những sự việc kể trên chỉ là hạt bụi. Sơn hà cũng huyễn thì những hạt bụi đó sao sánh bằng nỗi đau thương vô tận của toàn dân và của những cánh chim bỏ xứ? Còn lại chăng là chút tâm tình của những đồng đội ngày xưa từng tháng từng ngày chia sẽ nỗi chết trên vùng đất lữa đạn ngút ngàn.

    Có bạn đã vút bay vào tận bao la thăm thẳm. Có bạn còn vất vưởng nơi cố quận ngặt nghèo. Có bạn bật máu ngày đêm xứ người con…quốc quốc!!

    Một vài gương mặt tiêu biểu hiện về…

    Vào những năm 60, quán Cà phê Trang đường Bạch Đằng Nha Trang là nơi hội tụ thập phương anh hùng hảo hán. Một dạo tôi bị 3 quân nhân LLĐB ức hiếp tại quán nầy. Vì cô thế nên nuốt hận lui binh về hậu cứ Cư xá Nguyễn vĩnh Ninh tọa lạc dọc bờ biển Nha Trang. Tại đây, gặp hai không quân có máu mặt Trường Phi Hành là Nguyễn Mậu Yến Cảnh và Lê Văn Luận, bèn thổ lộ nỗi niềm. Hai ông thần bốc ngay, chạy về nhà thủ xén và tức tốc cùng chạy ra Cà phê Trang phục hận.

    Trận đó quân ta ca khúc khải hoàn.

    Tính hào hiệp bốc đồng của đồng đội, vì bạn quên mình, vì tình bỏ mạng là sợi dây thân thiết vô hình, đã thắt chặt những người cùng màu cờ sắc áo với nhau. Và kq Lê văn Luận, mỹ danh là Luận Sún sau đó đã tình nguyện lên Pleiku theo lời dụ khị của tôi :

    – Mầy đã thất sủng, nếu còn ở đây là còn nấu cơm kho thịt và.. rửa chén! Có tà tà thật, nhưng không có tương lai. Mầy lên Pleiku, có nguy hiểm đấy, nhưng mầy sẽ thỏa mộng chim trời! Ở đó, anh em mình sẽ nương tựa nhau, vinh nhục có nhau!

    Được biết, vì nghi có can hệ trong vụ chở quý kim từ Saì Gòn ra Nha Trang bị thất thoát, trong khi chờ quyết định của Toà Án Quân Sự Vùng II, Bộ Tư Lệnh KQ quyết định thuyên chuyển Luận Sún, nguyên Huấn Luyện Viên Trường Phi Hành, thành Sĩ quan Phụ tá Quản lý Câu Lạc Bộ Không Đoàn 62 Chiến Thuật NhaTrang

    Một tuần sau, Luận tình nguyện lên Pleiku thật. Cùng làm Phòng Kế Hoạch với tôi. Ít lâu sau, về PĐ118, làm Sĩ quan Huấn Luyện. Tôi về Phi đoàn sau Luận chừng vài tháng. Do nhu cầu nhân sự, tôi lại cất nhắc Luận giữ chức vụ Trưởng phòng Hành quân.

    Lửa đạn chiến trường Tây nguyên đã xóa sạch vết chàm vụ quý kim Nha Trang. Với tâm huyết của một chiến sĩ có trách nhiệm và can trường, Luận Sún đã được Quân Đội tưởng thưởng xứng đáng: anh được thăng cấp liên tục từ Trung uý lên Thiếu tá sau gần bốn năm trấn thủ lưu đồn.

    Nhưng phần thưởng mặn nồng nhất vẫn là lòng quý mến của hầu hết anh em trong Phi đoàn, do khả năng chuyên môn vững vàng, tính bộc trực xuề xòa và tính chịu chơi. Luận chịu chơi đủ kiểu, đủ loại mà kiểu nào, loại nào cũng nhiệt tình chứ không qua loa chiếu lệ. Đang bận bịu vợ con, nếu có tên ma gà nào rủ đi xem Thượng sexyshow, là đi! Sau một ngày bay bổng, có điện thoại rủ qua Thiết Giáp đánh xì phé, là đi! Có mấy dạo ôm đầu máu về, phải bê máy móc phát mãi để…cầm hơi! Còn ba cái vụ bia bọt là…đồ bỏ!

    Luận là huấn luyện viên duy nhất được vinh hạnh train Tư Lệnh Sư Đoàn trên phi cơ O2. Luận cũng là lead hợp đoàn phi diễn sáu chiếc O2 đoạt giải ba Bộ Tư Lệnh, nhân nhày Quân Lực 19/06/1973 tại Sàigòn. Vụ phi diễn O2 cũng là một thử thách mà tôi rất muốn được kể lại…

    Trong lần tổng dợt lần đầu, hợp đoàn 3 chiếc O2 do tôi dẫn đầu, đã bay lạc trục chuẩn dẫn qua khán đài. Buổi họp rút ưu khuyết điểm chiều hôm đó tại Bộ Tư Lệnh KQ, đại tá Vũ văn Ước, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Hành Quân KQ, cũng là Chỉ Huy Phi Diễn, đã đề nghị huỷ bỏ phần phi diễn của O2.

    Đề nghị quá bất ngờ đến nỗi tôi nghe muốn…hộc máu tươi! Cả Hội trường im lặng. Mọi người có vẻ đang chờ quyết định của Trung Tướng Tư Lệnh. Tôi lấy hết sức bình sinh, đưa tay xin thưa thốt đôi điều:

    – Kính thưa Trung Tương Tư Lệnh và toàn thể Quý vị, tôi, không quân Võ Ý, là lead hợp đoàn O2 bay lạc sáng nay. Đó là lỗi do tôi thiếu khả năng. Nhưng cha nó lú, đã có chú nó khôn. Trong phi đoàn chúng tôi, thế nào cũng có nhiều phi công có khả năng làm tốt việc nầy. Phương chi, O2 là loại phi cơ quan sát tối tân mà Không Lực mới được trang bị, rất cần ra mắt đồng bào. Vì thế tôi kính xin Trung Tướng và Quý vị nên giữ lại hợp đoàn O2 và chúng tôi xin hứa là cố tập dợt cho kỳ được!

    Không ngờ Trung Tướng Tư Lệnh chấp nhận lời đề nghị nầy. Tôi thở phào nhẹ nhỏm và thầm cám ơn ông.

    Tôi cũng thầm cám ơn Trường Mẹ, Trường Võ Bị Đà Lạt, qua trung gian Thầy Cùi Trần Ngọc Huyến, vị Chỉ Huy Trưởng lẫm liệt bấy giờ, đã dạy tôi phải biết can đảm nhận khiết điểm của mình!

    Khi chúng tôi về Pleiku, trình diện Tướng Sang để tường trình sự việc thì ông đã được báo cho biết mọi chuyện. Những ngày kế, ông gọi cả hợp đoàn lên văn phòng chỉ dạy phương thức bay phi diễn. Sau khi xem giò xem cẳng các thành viên phi đội phi diễn, tướng Sang chỉ định Lê văn Luận và…tôi lead hợp đoàn. Chúng tôi vạch mô hình giống với thực trạng tại Thủ Đô và bay thao dượt mỗi ngày ngay tại không phận sân nhà. Luận Sún là dân gốc Navy, thông minh nhặm lẹ, đã hướng dẫn hợp đoàn phi diễn từ chỗ đánh võ rừng sang các thế bay có bài bản trường lớp hẳn hòi. Và kết quả là một phần thưởng đáng đồng tiền bát gạo cho sự phục thiện và cầu tiến…

    Người xưa bảo, không Thầy đố mầy làm nên. Chúng tôi không bao giờ quên sự chỉ dạy tận tình của ông Thầy dày dạn kinh nghiệm phi diễn, chính là Thầy Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn VI KQ. Giải Ba Phi Diễn BTL KQ, dù theo năm tháng đã phôi pha, Gia Đình Bắc Đẩu 118 cũng xin kính tặng tướng Sang như một kỷ niệm sâu đậm đời quân ngủ, trong những ngày cuối đời nơi đất khách quê người..

    Trong thời gian làm việc với nhau, có thể có đến hai lần Luận thất vọng vì tôi.

    Một lần, Luận xin tôi biệt phái bay Air Việt Nam, tôi từ chối nại lý do là, văn thư nói rõ bất cứ ai trong Phi đoàn biệt phái cũng được, trừ Ban Tham Mưu. Sự thật thì ký thuận cho Luận đi cũng được, nhưng tôi không muốn xáo trộn trong Phi Đoàn trong giai đoạn chiến sự gia tăng, khi đề cử một người khác thay thế anh. Hơn nữa, anh đi thì tôi thiếu một người bạn..

    Và một lần sau, khi tôi chuẩn bị theo học Khóa Chỉ Huy Tham Mưu Liên Quân, cấp trên có ý định đề cử Luận nắm Phi Đoàn. Tôi cho Luận biết rằng, ý định nầy hơi…kỳ, không phù hợp đạo lý giang hồ và tôi đã vận động để nó không thành sự thật. Trung Tá Lê Văn Bút, Không Đoàn Trưởng KĐ72 Chiến Thuật lúc bấy giờ, rất rõ việc nầy và ông đã giúp tôi giữ trọn cái đạo lý của bất cứ ai phục vụ ở Pleiku, dù bị đày hay là tình nguyện. Và chính Luận cũng đã hiểu tình ý nầy…

    Tôi gặp Luận lần sau cùng vào khoảng tháng 3/75 tại Phú Nhuận Sàigòn. Luận mếu máo :


    – Phi đoàn coi như giải thể và bổ sung vào các đơn vị còn lại. Phải chi có Sir ở nhà thì đỡ vất vả cho tôi biết là chừng nào!! Giọt nước mắt đó giờ nầy còn ấm trí nhớ cằn cỗi của tôi. Tôi chợt nhận ra một điều là, Luận đã coi Đơn vị như Gia đình ruột thịt của mình.

    Tôi nghe tin dữ về Luận lần sau cùng vào năm 1985, khi tôi còn trong trại tù Xuân Lộc. Trong chuyến tàu vượt biển định mệnh năm đó, Pleiku còn mất thêm chiến hữu nữa là KQ Trung tá Hà Thuyên, người bạn cùng Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt với tôi..

    Nay thì âm dương cách biệt. Luận đã yên nghỉ ở cõi bao la thẳm thẳm. Và những dòng nầy như một nén hương lòng, tưởng nhớ đến anh…

    Trong mấy năm qua, Gia Đình Bắc Đẩu 118 không quên gởi chút ân tình về Việt Nam cho mấy cháu, con của Luận. Chị Luận, người mà Luận đem sinh mạng, sự nghiệp, uy tín và trọn lòng yêu thương dâng tặng, nay cũng đã đến bến bờ Tự Do.

    Luận ơi, thời còn trong tù cọng sản, có bao giờ Luận nghe Kinh Hoà Bình : khi cho là nhận, khi thứ tha là được tha thứ?

    Luận ơi, ở cõi bao la thăm thẳm đó, làm gì có cảnh vì bạn quên mình, vì tình bỏ mạng, hả Luận?

    Luận ơi, thời còn ở Phi Đoàn, mình thích thú câu, hào hoa dưới đất, hào hùng trên không. Nay ở cõi hư vô yên bình đó, chắc hẵn Luận đã tìm cho mình một triết lý sống, vượt cả hào hoa và hào hùng.

    Cầu mong Luận thanh thản đời đời…

    St Louis, 03/2000

    https://sites.google.com/site/pkphonui/truyen-2/phidhoan118vatoi

    Nguồn:dongsongcu.wordpress.com/2016/07/26/phi-doan-118-va-toi/

  • #2
    Cold feet never die! (Võ Ý)

    Nhân dịp bạn dnchau post bài “Phi Đoàn 118 và tôi” của Võ Ý, trong đó có nhắc tới KQ LÊ VĂN LUẬN, người mà tôi quen biết và đã hơn một lần quá giang U-17, tôi xin phép đàn anh Võ Ý và ông “Dật Dờ” để ghi lại một vài kỷ niệm buồn vui ở Pleiku ngày cũ, liên quan tới một số nhân vật tên tuổi của chốn xưa; có thể gọi là để “mua vui” cho độc giả HQPD, nhưng dứt khoát không có ý châm chọc!

    Nhưng ông “Dật Dờ” là ai, tại sao lại phải “xin phép”?

    Xin thưa: ông “Dật Dờ” tên thật là Trần Dật, cựu Trung tá KQ, một nhân vật “huyền thọai” của đất Pleiku ngày ấy, và sau khi ra hải ngoại, đã có công đề xướng công tác “cứu viện” anh em KQ còn bị kẹt lại ở quê nhà.

    Về phần tôi, nhờ có ông “Dật Dờ” mới được quá giang U-17 của anh Luận.

    * * *

    Ngược dòng thời gian, trong đà bành trướng của Không Lực VNCH, cuối năm 1970, Căn Cứ Không Quân 92 (Pleiku) được nâng lên thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku. Trung tá Võ Quế (em ruột Chuẩn tướng Võ Dinh, Tham mưu trưởng BTL/KQ) ra giữ chức Không đoàn trưởng, còn vị chỉ huy trưởng cũ của CC92 là Trung tá Đỗ Trang Phúc thì về Nha Trang làm Không đoàn trưởng Không Đoàn Yểm Cứ Nha Trang.

    Vì rập khuôn theo Không Lực Hoa Kỳ, trong tổ chức của một Không Đoàn Yểm Cứ (Base Wing) của KLVNCH cũng có một phòng ban gọi là “Phòng An Ninh Dưới Đất”. Cái Phòng có danh xưng gồ ghề này do Đại úy Trần Dật (xuất thân là dân phi hành) từ Nha Trang lên nắm giữ.

    Đọc tới đây, có lẽ toàn thể độc giả ngoài KQ và không ít KQ thứ thiệt sẽ thắc mắc “An Ninh Dưới Đất” là cái gì dzậy cà?

    Xin thưa là... an toàn dưới đất. “Dưới đất” ở đây lại không bao gồm phi đạo (bởi đó là phần hành của toán EOD - Explosive Ordnance Disposal, tức Toán tháo gỡ phá hủy chất nổ, đạn dược), cho nên có thể viết nhiệm vụ chính của Phòng An Ninh Dưới Đất chỉ là đôn đốc, hướng dẫn phòng hỏa, cứu hỏa tại các phần sở và khu gia binh.

    Một cách cụ thể, nhiệm vụ của Đại úy Trần Dật là (1) kiểm soát các bình chữa lửa tại các phần sở và (2) giáo dục mọi người ở khu gia binh đừng xài dầu JP-4 (dầu phản lực) để nấu ăn vì có thể sẽ nổ... bếp, cháy nhà!

    Vì thế Đại úy Trần Dật rất ư là rảnh rỗi, Phòng An Ninh Dưới Đất của ông chỉ có một, hai nhân viên văn thư, ở cùng building “Không đoàn bộ” với Khối CTCT của chúng tôi, cho nên ông thường “la cà” tán dóc với cô nữ quân nhân (xuất thân nữ Trợ tá Xã hội) xinh đẹp. Nhấn mạnh: chỉ “tán dóc” chứ không “tán tỉnh”!

    Theo nhận xét của cá nhân tôi, Đại úy Trần Dật (sau này lên Thiếu tá rồi Trung tá), gốc Huế, vốn là một người rất chải chuốt, nặng phần trình diễn, phát ngôn hơi nhiều, hay bỡn cợt, thích đùa dai, nhưng cũng chẳng làm hại tới ai, nếu không muốn nói là một người tốt bụng.

    Thế nhưng dân phi hành ở Pleiku ngày ấy không thích ông “Dật Dờ” cho lắm. “Dân phi hành” ở đây là Không Đoàn 72 Chiến Thuật, cũng được thành lập năm 1970 tại phi trường Cù Hanh, gồm bốn phi đoàn 530, 118, 229, và 235; tác giả của phương danh “Dật Dờ” không ai khác hơn là ông Võ Ý, Phi đoàn trưởng PĐ-118.

    Theo lời còm-len của một số người, ông “Dật Dờ” là dân bay “lạnh cẳng”, làm việc dưới đất mà mỗi khi bên tác chiến thiết lập danh sách đề nghị huy chương, ông cũng tìm cách xin "ké".

    Cho nên ngày ấy ông Võ Ý đã châm chọc bằng bốn câu thơ song ngữ (trong đó, ông cố tình xài tiếng Anh bồi) như sau:

    Red face never dried
    Long legs never tired
    Cold feet never die
    Dat Do gets médaille
    (tiếng Pháp phát âm là “mề-đay”)

    Diễn nôm:

    Hồng diện đa dâm thủy
    Trường túc bất chi lao
    Lạnh cẳng chết được sao
    Dật Dờ hưởng công lao


    Có điều tốt đẹp là cho dù thường bị đem ra làm đề tài tiếu lâm châm chọc, ông Dật Dờ không bao giờ để bụng.

    Sau khi giữ chức vụ được gần 1 năm, ông Dật Dờ quyết định ra một cuốn “Đặc san An Ninh Dưới Đất”, trong đó, tôi và Thiếu úy Nguyễn Giang (Trưởng ban Văn thư Không Đoàn Yểm Cứ) là hai tay viết chủ lực.

    Nhưng ở Pleiku không có phương tiện ấn loát, ông Dật Dờ phải đưa về Nha Trang, in ké ở Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân. Tôi hân hạnh được ông mời đi theo làm “phụ tá chủ nhiệm kiêm chủ bút kiêm họa sĩ”.

    Vào một buổi sáng nọ, tôi và ông Dật Dờ xuống Phi Đoàn 118 quá giang U-17 của Trung úy Lê Văn Luận (ít lâu sau anh lên Đại úy).

    Tôi quen biết anh Luận hoàn toàn do công việc chứ không phải bạn nhậu hoặc đánh xì-phé: tôi là SQ Báo Chí CCKQ Pleiku, anh là Trưởng phòng Hành quân PĐ-118; hàng tuần tôi phải xuống gặp anh lấy chi tiết hoạt động để báo cáo về Phòng Thông Tin Báo Chí BTL/KQ.

    Có thể nói ở phi trường Cù Hanh ngày ấy, sau khi anh Võ Ý thay thế Thiếu tá Võ Công Minh trong chức vụ Phi đoàn trưởng, thì nói tới 118, Võ Ý là nhân vật số 1, Lê Văn Luận là nhân vật số 2. Anh Luận không chỉ giữ chức vụ Trưởng phòng Hành quân mà còn ôm nhiều thứ khác, giống như một “managing director” trong các công ty vậy!

    Ông Võ Ý quả thật có cặp mắt tinh đời, biết nhìn người để... bán cái!

    Riêng với tôi, anh Luận không chỉ hòa đồng, dễ mến mà còn chu đáo. Sau một vài lần đầu phải ghi ghi chép chép, những lần sau tôi xuống là anh đã có sẵn một bản tổng kết hoạt động để trao cho tôi.

    Sau khi rời Pleiku vào giữa năm 1972, tôi không bao giờ gặp lại anh Luận nữa, chỉ được biết, qua lời bạn bè kể lại, anh lên tới cấp Thiếu tá.

    Sau khi vượt biên, định cư tại Úc, mãi tới đầu thập niên 1990, qua đọc các đặc san của KQ ở hải ngoại, tôi mới biết cựu Thiếu tá Lê Văn Luận đã bỏ mình trong một chuyến vượt biên khoảng năm 1985, cùng với một người Pleiku năm xưa khác là Trung tá Hà Thuyên (mà ngày ấy chúng tôi cứ quen tay quen miệng viết, nói là “Hàn Thuyên”, vị tiến sĩ đại thần đã có công khai sáng chữ Nôm vào thời nhà Trần).

    Hôm nay, đọc lại bài “Phi Đoàn 118 và tôi” của anh Võ Ý, một lần nữa, tôi xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ hai anh cách riêng, những người KQ “trấn thủ lưu đồn” năm xưa đã nằm xuống nói chung.

    Riêng với ông Dật Dờ, xin ông hoan hỉ đại xá những láo lếu của tôi ngày còn ở Pleiku (ngựa non háu đá mà). Kính chúc ông (cùng phu nhân) luôn an khang mạnh khỏe để tiếp tục làm việc thiện dài dài. (Nghe nói ông đã... quy y. Thiện tai!)

    Cuối cùng, để vinh danh ông Dật Dờ, xin phép đàn anh Võ Ý cho sửa lại câu số 3 trong bài "tứ tuyệt" của ngài như sau:

    Cold feet never die
    (Lạnh cẳng chết được sao)

    thành:

    Warm heart never die
    (Nhiệt tâm chết được sao)

    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, Australia, tháng 7/2016
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 07-16-2018, 02:15 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X