Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Món nợ chưa đòi

Collapse
X

Món nợ chưa đòi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Món nợ chưa đòi

    MÓN NỢ CHƯA ĐÒI
    Tường Lam

    Trên dưới một thập niên cầm viết liên tục, có những đêm ngủ gục trên bàn, sáng ra thức giấc thấy tuyết trắng xoá phủ dầy bên ngoài cửa kính, mới hay mình đã ngủ quên một đêm mùa đông không áo ấm, chăn mền. Đã in được năm cuốn sách mỏng, có tái bản, chưa bao giờ tôi dám tự giới thiệu mình là một nhà văn…có chăng lời lẽ của nhà xuất bản, toà soạn thương tình, hoặc đa phần độc gỉa gọi vào mua sách hào phóng, ban tặng thế thôi.

    Thế rồi, tất niên Tân Mão vừa qua, nhà thơ Trần Trung Đạo và tôi được mời nói chuyện thơ văn ở thành phố Wichita: một thành phố văn nghệ và cư dân sung túc vì sự hiện diện của mấy hảng chế tạo máy bay của Hoa Kỳ! Có khách hàng khắp thế giới.

    Tựa đề tập thơ "Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười" lời đặt cho thi phẩm, câu nào đọc, ngâm lên cũng đủ thơm môi, đã nói lên hào quang tên tuổi Trần Trung Đạo: một nhà thơ lớn.

    Tới phiên, đến phần phát biểu tôi được giới thiệu: Nhà văn quân đội Tường Lam với nhiều tràng pháo tay ái mộ, cổ vũ.

    Tôi xúc động và hục hẩng…một đặc ân bất ngờ sau đêm đó về nhà người bạn cùng quê Bến Tre, tôi mang theo vào giấc ngủ một chút ngại ngùng hổ thẹn lấp đi nguồn vui số sách thật nhiều đã được bán ra có kèm theo chữ ký tặng của tác giả.

    Các nhà văn quân đội vào hang cổ thụ như Nguyễn Đạt Thịnh, Phan Nhật Nam, Nguyễn Vũ, Phan Lạc Phúc…còn biết bao đàn anh với ngòi bút sắt thép, chiến binh lửa đạn ai cũng có nhiều tác phẩm đồ sộ về quân đội, về chiến tranh. Thế mà một tình cờ không biết rủi hay may tôi được xướng danh Tường Lam- nhà văn quân đội- với tràng pháo tay rôm rã, ngưỡng mộ.

    Cái nợ mang theo bên kia mồ: là người lính, sau chín năm cầm súng giữ nước, không biện hộ: tại, bị, đổ thừa cho ngoại bang nào hết: Để miền Nam rơi vào tay Cộng Sản là tội, là trách nhiệm của quân đội, chánh quyền miền Nam, một điều dứt khoát.

    Nợ một đời quân ngũ chưa trả cho đất nước đồng bào, để rồi một đêm cuối năm tôi lại mang thêm một trách nhiệm không nhẹ nhàng lắm đâu: nhà văn quân đội. Nợ nầy tôi xin được trả góp từ đây cho đến cuối đời.

    Ngày đầu vào quân trường, cầm súng làm lính tôi phải đánh đấm cho ra trò, bây giờ vào cuối thu cuộc đời tôi phải viết cho ra trò.

    Anh hàng phở chỉ liếc ánh mắt nghiêng qua đã xác định được phẩm chất miếng thịt bò chin, mạm, gầu…ngon thế nào.

    Cầm viết nói về chiến công lẩy lừng của QL/VNCH tôi phải biết kén chọn thế nào để xứng đáng cho sự hy sinh gần nửa triệu quân vừa chết vừa bị thương cho cuộc chiến tranh giữ nước của người Việt Nam yêu tự do, sự sống còn của dân tộc nhỏ bé nhưng thật hào hùng nầy.

    Cái oái oăm của cuộc chiến tranh Việt Nam là người ngoài gây nên và lẽ tất nhiên họ biết rõ lúc nào, bao giờ mở màn và lúc nào thì kết thúc, máu xương Việt Nam có nghĩa gì đâu! Bi kịch dân tộc chúng ta là ở chỗ đó.

    Gần nửa thế kỷ qua đi, những trận đánh long trời, Cổ Thành Quảng Trị với ba mươi ba phi đoàn B52 rải thảm trên cùng một toạ độ, xác xương người hoà lẫn vào gạch đá mà không viên gạch nào không mang thương tích. Trận Kontum lẫy lừng của binh chủng Thiết Giáp, Đổ Xá càn nát mật khu Cộng quân, trận Mỏ Vẹt Biệt Động Quân đã đuổi tàn quân cộng sản, mặt trận giải phóng miền Nam tan tác chạy dài, lẩn trốn sâu vào nội địa Campuchia…biết bao chiến tích hào hùng của QL/VNCH mà thế giới, cả những thành phần phản chiến giờ đây cũng phải công nhận.

    Hàng triệu quân dân Việt Nam Cộng Hoà ngã xuống cho sự toan tính sai lầm của mấy tay chánh trị của Hoa Kỳ, những tay hoạt đầu.

    Mới đây thôi, xác nhận vị trí chiến lược của mình ở Đông nam Á, bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã nhờ cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, một lời tạ lỗi muôn màng, xác nhận:

    "Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do Việt Nam Cộng Hoà".

    Xin người dân Mỹ hiểu rõ và đừng quên những trang lịch sử nầy.

    Sự toan tính sai lầm, với thị trường trên một tỷ người dân Trung Cộng, một thị trường béo bở, người Mỹ hoa mắt phủi tay không còn nghĩ đến đồng minh, bạn bè, không còn lương tâm, một đạo lý để người ta phân biệt giữa con người và cầm thú.

    Trong lúc tháo chạy ra hàng không mẫu hạm, người Mỹ đã đẩy trực thăng xuống biển, cử chỉ nầy cũng đồng nghĩa người bạn đồng minh đã xô cả miền Nam Việt Nam, xô 27 triệu dân vào tay cộng sản, xô cả triệu người vào chốn lao tù cải tạo, rừng thiêng nước độc, vùng kinh tế mới và cả triệu người chết vào lòng biển khơi. Một thảm hoạ trời tru đất diệt.

    Trước tiên, tôi chân thành cảm ơn trên 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ đã bỏ mạng tại chiến trường Việt Nam để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam.

    Tôi xin nghiêng mình thán phục Sư Đoàn 18 đã đánh một trận để đời sau cùng, rửa mặt, niềm hãnh diện cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cho bọn người xâm lược miền Bắc hiểu rõ khí phách lẫm liệt của quân dân miền Nam.

    Nhưng có những trận đánh chạy dài theo diễn tiến của chiến tranh Việt Nam, những trận đánh đẫm máu tiêu biểu để đời. Tôi bỏ nhiều công sức và thời gian tìm kiếm từ lúc bó tay, buông súng đầu hàng, nuốt nước mắt, lơ láo, hàng đêm thao thức trong trại tù cộng sản. Địa danh xãy ra trận ác chiến có thể chưa quen với người dân thị thành Việt Nam, nhưng đối với gần cả ngàn người dân Mỹ rúng động, thất thần trên đôi môi mấp mái: Thung lũng Ia-Drang! Thung lũng của tử thần, quá nhiều con em của họ chết ở đây.

    Năm 1965, miền cao nguyên Trung phần Việt Nam sôi động hẳn lên bởi những trận đánh kinh hồn, số tử vong đôi bên lên đến con số ngàn. Thời gian đó trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ bị quân chính quy Bắc Việt vây hãm ròng rã hai tháng trời, từ tháng 8 đến tháng 10.

    Theo tin tình báo, Việt Cộng chiếm xã Thắng Đức, một xã nhỏ, cư dân đa số là gia đình của năm trăm binh sĩ đồn trú trong căn cứ Đức Cơ do Mỹ thiết lập, hệ thống phòng thủ kiên cố, nhiều lớp rào kẽm gai thẳng đứng, giữa hai lớp rào chồng kín bởi nhiều vòng Concertina. Chuột chạy còn vướng lựu đạn, mìn Claymore tự động. Hầm hố được che đậy, chống đỡ bằng nhiều lớp bao cát sắp lớp lên nhau nhiều tầng.

    Đêm xuống Việt Cộng bắt thân nhân, vợ con, cha mẹ lên loa kêu gọi con em mình bỏ súng về với chúng, đồng thời gần ba tháng trời Cộng quân bao vây, pháo kích quận Lệ Thanh đêm ngày.

    Đoàn quân giải toả gồm chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến bên trái, chiến đoàn Dù bên phải. Cả hai cánh quân bung cách con đường dẫn vào quận Lệ Thanh hai trăm thước.

    Di chuyển trên lộ chiến đoàn Thiết Giáp và Tiểu đoàn Biệt Động Quân tùng thiết, sau cùng đoàn quân là đại đội Công Binh chiến đấu có gắn khẩu đại liên 50 ly trên xe GMC.

    Hai chiến đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cẩn trọng lục soát giữ khoảng cách trục lộ hai trăm thước hướng về quận Lệ Thanh.

    Xuất phát độ hai giờ, Cộng quân với quân số cấp trung đoàn, đội mồ cách trục lộ một trăm thước, thổi kèn xung phong đánh xáp lá cà, cận chiến. Biệt Động Quân phản công bằng lựu đạn, lưỡi lê, pháo thiết giáp xoay vòng tròn 360 độ di chuyển tới lui dồn dập không định hướng, xích sắt cán lên cả bạn lẫn thù.

    Lực lượng Dù, TQLC quần thảo với lực lượng cộng sản, lúc nhúc đông như kiến cỏ, lớp nầy gục, lớp khác chồm lên vừa cận chiến, vừa la "đầu sống chống chết" hoà lẫn tiếng kèn thúc quân xung trận. Đại Đội Công Binh bị tràn ngập, địch chiếm khẩu đại liên 50 ly đặt trên GMC khóa đuôi. Không còn chỉ huy, không còn liên lạc vô tuyến, hai bên dùng báng súng, lưỡi lê thanh toán nhau cận chiến, máu người phun thành vòi, tiếng rên la, đau đớn hấp hối, kinh hoàng của ngày tận thế, như có mối thù nào truyền kiếp.

    Địch rút đi để lại gần hai trăm xác chết, vũ khí la liệt và một số thiết giáp cháy âm ỉ mấy ngày. Công Binh ủi nhiều hố chôn người tập thể, xác Cộng quân đã sình thối.

    Rồi đến phiên một trại Lực Lượng Đặc Biệt khác, trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime phía nam Đức Cơ, bị một lực lượng Cộng quân đông, áp đảo tấn công năm ngày liên tiếp vào cuối tháng 10, tức cuối mùa mưa của vùng Cao nguyên.

    Lực lượng giải toả cho Pleime, cấp trung đoàn bộ binh phối hợp với Thiết Giáp có phi pháo của Không Quân yểm trợ.

    Trận địa phục kích của địch dài 4 cây số trên tỉnh lộ số 5, phía Nam tỉnh lỵ Pleiku.

    Lực lượng giải toả phi pháo yểm trợ hữu hiệu đã bẻ gãy cuộc phục kích cấp trung đoàn của địch với chiến thuật công đồn đả viện.

    Với hai trận lớn Đức Cơ, Pleime mọi người cứ ngỡ chiến trường Cao nguyên tạm lắng chờ mùa mưa năm sau.

    Mọi ước tính đều sai lầm.

    Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ trong chiến dịch lùng tìm tàn quân Bắc Việt đang rút về hướng Tây của trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime đã chạm địch nặng tại thung lũng Ia-Drang, báo chí Mỹ đã mô tả cường độ giao tranh đẫm máu nhất từ đầu cuộc chiến tới giờ.

    Vì sao thung lũng Ia-Drang còn được mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần.

    Vào ngày 14 tháng 11 năm 1965, một tiểu đoàn với quân số 450 người do Trung tá Harold G.Moore chỉ huy, đã được trực thăng vận đổ xuống một mảng rừng thưa, trống được nguỵ danh là bãi đáp X-ray (X-ray Landing Zone) trong thung lũng Ia-Drang, dưới chân ngọn núi Chu Prong về phía Tây Nam thị xã Pleiku khoàng 60 km.

    Lập tức, với quân số khoảng 2 ngàn quân chính quy Bắc Việt đã bao vây tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ. Cộng quân Bắc Việt được đã thông, học tập bám sát quân Mỹ, nắm thắt lưng địch mà đánh để tránh tầm sát hại của phi cơ và pháo binh.
    Chính ủy cộng sản quán triệt cho binh sĩ của họ, địch chết một ta hy sinh mười! Đấy là chiến thắng! Cộng sản coi mạng sống chiến binh họ như cỏ rác.

    Quân Mỹ nhờ hoả lực pháo binh và phi cơ hùng hậu, có cả nhiều phi tuần B52 can thiệp, khu rừng dưới chân ngọn Chu Pao đã nhiều phen trở thành biển lửa thiêu đốt cả bạn lẫn thù, với tinh thần chiến đấu kiên cường và quyết tử, tiểu đoàn của Trung tá Harold G.Moore, sau ba ngày đêm chống trả nhiều đợt xung phong biển người của đối phương, đã đẩy lui địch. Quân số tổn thất đôi bên quá nặng.

    Ba ngày sau, cách xa bãi chiến trường đẫm máu X.Ray khoảng 6 cây số, tại một khu rừng trống được ngụy danh bãi đáp Albany (Albany Landing Zone) cũng trong thung lũng Ia- Drang, dưới chân ngọn Chu Pao một tiểu đoàn khác của Mỹ bị đối phương đánh tan nát không còn manh giáp. X Ray và Albany là hai trận đánh tàn bạo, đẫm máu nhất trong chiến tranh Việt nam đã cho thung lũng Ia-Drang cái tên hoàn toàn trái ngược với vẽ đẹp thiên nhiên diễm tuyệt của nó nhất là vào lúc hoàng hôn: Thung Lũng Tử Thần (Valley of Death).

    Nằm trong chiến dịch Đông Xuân 65, cộng sản hoạch định kế hoạch tấn công lớn tại cao nguyên với mưu đồ chiếm các tỉnh, thành phố lớn như Kontum, Ban Mê Thhuột, Phú Bổn làm quà ra mắt Hồ Chí Minh. Chỉ huy chiến dịch nầy là tướng Chu Huy Mân, gốc người thượng du Bắc Việt, người được Võ Nguyên Giáp ủy nhiệm nổ phát súng đầu tiên mở màn trận Điện Biên Phủ.

    Chu Huy Mân sở trường chiến thuật biển người khi xung trận. Ông ta quên một điều chiến trường Điện Biên Phủ của người Pháp không có pháo đài bay B-29 tiếp trận, trái lại chiến trường Boloven hay cao nguyên trung phần có pháo đài B-52.

    Năm 1967 tướng miền Nam Trần Văn Trà thay thế, nếu để Chu Huy Mân tiếp tục chỉ huy, Hà Nội sẽ hết quân.

    Thiếu tướng H.O Kinnard với các chỉ huy Việt Nam tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và quân khu II ở Pleiku.

    Tướng H.O Kannard đồng ý với phương tiện hùng hậu sư đoàn Đệ Nhất Khinh Kỵ (First Air Calvary) sẽ mở một cuộc hành quân mang tên: "Tung Bàn Tay Dài Ra" (Long Arm Reaching, gọi tắt là Long Reach). Bên Việt Nam Cộng Hòa sẽ tăng cường một chiến đoàn Dù nổi danh làm lực lượng trù bị. Ba giai đoạn liệt kê sau đây:

    - Giai đoạn I do Lữ Đoàn 1 đảm nhiệm

    - Giai đoạn II do Lữ Đoàn 2 đảm nhiệm

    - Giai đoạn III do Lữ Đoàn 3 đảm nhiệm.

    Giai đoạn I:

    Ngày 28 tháng 10 năm 1965, tiểu đoàn 1/12 Khinh Kỵ được trực thăng vận chở đến phía Tây mà chiến đoàn Việt Nam bị phục kích trong trận công đồn đả viện Pleime của cộng sản Bắc Việt. Bộ chỉ huy lữ đoàn đóng tại đồn điền trà Catecka, nằm trên quốc lộ 19 và cách quốc lộ 14 độ 4 cây số. Vùng hành quân rộng lớn đến 120 cây số vuông được chia làm ba khu vực mang tên ba vị thiếu tá tiểu đoàn trưởng Hoa Kỳ: Shoe, Jim, Earl.

    Trận đánh nhỏ tại bệnh viện dã chiến của CSBV trở thành lớn vì CSBV muốn cứu thoát một đại tá đang bị thương nằm tại đây. Kết quả CSBV chết bỏ xác 99 tên, hơn 200 bị thương rút về biên giới Việt-Miên. Bên Hoa Kỳ 11 tử trận, 51 bị thương, 8 trực thăng bị phá hủy vì hoả lực phòng không dữ dội của địch.

    Giai đoạn II:

    Cuộc hành quân của sư đoàn 1 Không Kỵ (First Air Calvary) không đánh trúng trọng tâm của binh đoàn CSBV, nên tại Pleiku một lệnh được ban ra, Tướng Kinard cho lệnh lữ đoàn 3 tiến về Pleime truy tìm và diệt địch. Nhưng sự thật trung đoàn 66 CSBV đang ém quân tại núi Chu Prong chờ lệnh, sẵn sàng ồ ạt xung phong biển người. Đây là một sự lầm lẫn đầu tiên của danh tướng Kinard.

    Khuya 1 giờ ngày 12 tháng 11 năm 1965, một tiểu đoàn CSBV tấn công hậu cứ tiểu đoàn 3 tại bộ chỉ huy đồn điền trà Catecka, mặc dù có một thiếu tá Dù VNCH thường cảnh cáo là quân CSBV rất giỏi đánh sau lưng bộ chỉ huy. Nhờ có Quân Khuyển canh phòng nên cuộc đột kích nầy thất bại. Kết qủa địch quân chết 6, Hoa Kỳ chết 7, bị thương 23 người. Tịch thu trên 100 gói bộc phá của địch bỏ lại để tấn công vào trực thăng và bồn chứa nhiên liệu quanh đó.

    Ngày 13 tháng 11, thiếu tá G.H.Mallet, lữ đoàn 3 ra tay. Ông cho tiểu đoàn 2/5 trực thăng vận đến bãi đáp Falcon cũ, lục soát và tảo thanh quanh vùng đó. Địch quân biến mất. Lực lượng Mỹ quyết định đánh vào núi Chu Prong cao độ 500 mét, có thể quan sát và kiểm soát cả vùng Ia-Drang.

    Tiểu đoàn 1/7, đơn vị chủ yếu trong trận nầy mà trung tá H.G.Moore làm tiểu đoàn trưởng. Đây mới là trận đánh mà phim ảnh Hollywood gọi là "We Were Soldiers". Sau 37 năm họ dựng lại một trận đánh để đời của thiếu tướng H.G.Moore, theo hồi ký của ông được bán rất chạy tại Hoa Kỳ (best sellers). Đa phần những tình tiết, diễn tiến trận đánh lịch sử trong bài viết ngắn nầy, tác giả trích đoạn một phần trong tác phẩm "We Were Soldiers" của thiếu tướng H.G.Moore . Xin gửi đến thiếu tướng H.G.Moore lời tri ân chân thành.

    Trung tá H.G.Moore có thiếu tá H.L.Wirth làm tiểu đoàn phó, bãi đáp X-Ray là nơi nổ súng kinh hoàng nhất trong đời binh nghiệp, mãi sau nầy vinh thăng thiếu tướng, H.G.Moore không tài nào quên được. Quân Không Kỵ Hoa Kỳ chọn bãi đổ quân không đầy tám phút chạy bộ của trung đoàn thiện chiến 66 nổi tiếng của CSBV mà tướng Chu Huy Mân đã ém quân một cách kỷ càng, im lặng vô tuyến tuyệt đối, cấm di chuyển. Tất cả trung đoàn bất động nên trung đoàn 66 CSBV đã đánh lừa được sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ, do danh tướng Kinnard chỉ huy. Tướng Chu Huy Mân nhận xét lúc quân Hoa Kỳ đổ quân, lập căn cứ chỉ huy thì lúc đó họ bộc lộ thế yếu và nhiều sơ hở nhất, họ chọn thế đất khô ráo dựng lều, nơi vệ sinh, bãi tải thương, tiếp liệu, hoả đầu vụ và nơi phát tuyến bộ chỉ huy nhiều cần câu vô tuyến tập trung, chụm vào nhau như đoàn người đông đảo đi câu cá. Chỗ yếu, nơi sơ hở nhất là bãi rác, không một quân nhân Mỹ nào muốn đến gần khu hôi thúi để gài mìn, giăng kẽm gai rào dạo, một cách kỹ càng. Có anh lính G.I vừa kéo kẽm gai, vừa bit mũi và lầu bầu chửi thề trong miệng. Đêm về chỉ có chuột, thú rừng tìm đến ăn đồ phế thải, tuyệt nhiên không có người bén mảng đến đây tuần tra, canh gác. CSBV chọn nơi đây là tuyến mở cửa, đột kích, tấn công an toàn nhất.

    Chu Huy Mân ra lệnh không tấn công căn cứ Pleime nữa, tập trung quân cấp tốc đến bãi đáp X-Ray do trung tá H.G.Moore chỉ huy. Vào thời điểm đó, quân Hoa Kỳ lục soát, truy kích bắt được một tù binh CSBV, họ khai thác và biết được cả trung đoàn 66 CSBV đang tập trung quân về đây mở trận đánh lớn và trung tá H.G.Moore nhận định bãi đổ quân của đơn vị ông là nơi sẽ xãy ra trận đánh sinh tử đời mình.

    Trưa ngày 14 tháng 11 năm 1965, hai trung đội của ông chạm súng với địch quân vì trung úy H.T.Herrickham rượt theo vài quân địch và lọt vào ổ phục kích. Trực thăng vừa chuyển quân đến bãi đáp thì cũng là lúc địch quân bắn lên như mưa. Trận đánh mở màn , địa ngục mở cửa. Phi cơ A-1 Skyraider bị bắn rơi ở bìa rừng. Trung đoàn 66 CSBV do tướng Chu Huy Mân bắt đầu bày binh bố trận, hai tiểu đoàn 7 và 9 xung trận, với quan niệm thí quân, ta chết 10, địch chết 1 là chiến thắng. Quân CSBV xung phong biển người điên cuồng. Chiều xuống, núi rừng tối dần chìm trong khói súng, đạn, bom. Thây người đôi bên lớp lớp. Hai đại đội của quân Mỹ đang bị ép chặt giữa vòng vây như miếng thịt bầm nằm giữa hai lát bánh mì. Tiểu đoàn quân Mỹ được lệnh rút lui nhưng quá trễ!

    Đạn bom đầy trời, khu rừng sáng rực từng hồi, quân Mỹ thương vong càng lúc càng gia tăng, trực thăng không can thiệp được vì phòng không của địch đan kín bầu trời và màn đêm buông xuống.

    Quân Mỹ ở bãi đáp X-Ray chiến đấu can trường và anh dũng dưới sự chỉ huy đứng thẳng của trung tá H.G.Moore. Quân số kể như cạn kiệt, chung quanh tiểu đoàn trưởng Mỹ chỉ còn 7 người lành lặn.

    Pháo yểm bạn đã bắn đi đến viên đạn thứ 4,000 trong đêm. Nếu không có đạn pháo binh nổ chụp trên đầu thì bây giờ thiếu tướng H.G.Moore còn đâu để viết hồi ký làm kịch bản chiến tranh cho chúng ta biết. Ở một góc, phía rừng đằng kia một đại đội cũng đang nguy khốn. Một sự rủi ro chết người, trời vừa sáng, một phản lực cơ F-100 bay đến yểm trợ, thả bom yểm trợ lầm toạ độ vào vị trí quân bạn gây thêm tử vong. Đại đội C là đơn vị thiệt hại nặng nề nhất trong tiểu đoàn của trung tá H.G.Moore. Chưa đụng trận quân số đại đội C gồm 5 sĩ quan, 106 binh sĩ và hạ sĩ quan. Đến 2 giờ trưa, toàn thể sĩ quan đại đội C đều hy sinh, binh sĩ 106 giờ còn 49 người, khó có thể cầm cự với địch từ trưa nầy đến tối.

    Nhưng kỳ lạ, rạng ngày 15 tháng 11 năm 1965 thì thình lình quân chủ lực CSBV đang ở thế thượng phong, đang làm chủ chiến trường, thổi kèn lui quân.

    Trung úy R.Rescolar ghi lại trên biên bản báo cáo như sau: "Xác lính Mỹ và quân CSBV nằm khắp nơi. Chỗ tôi đang đứng đây là nơi mà trung úy Georgehan bị hy sinh 5 giờ chiều hôm trước. Rất nhiều xác lính Bắc Việt nằm vắt ngang hàng rào, có người bị cụt đầu vì đạn pháo binh nổ chụp trên không. Một anh lính Mỹ người da đen đã bị địch ghim lưỡi lê vào ngay trái tim và tên địch cũng bị anh nầy ghim lưỡi lê ngay vào ngực, cả hai chết lập tức với tư thế quỳ, nếu xô ngang thì cả hai sẽ ngã ra. Đau lòng là người lính Mỹ thu dọn chiến trường, anh nầy phải kêu bạn tiếp tay kéo tên địch ra thì mới kéo xác anh lính Mỹ nầy được. Điều đặc biệt là tất cả lính địch rất trẻ, cắt tóc rất ngắn và để dài phía trên, áo quần khá mới so với những kỳ trước mà đa số địch quân mặc quần áo vàng, bị hư rách rất nhiều.".

    Trận đánh ở thung lũng tử thần Ia-Drang là một sai lầm trong cách điều quân của thiếu tướng Kinnard. Ông chọn bãi đổ quân rất gần ổ phục kích đang chờ vài hôm trước trong dãy núi Chu Prong. Cộng sản Bắc Việt đã chọn sân chơi trận địa trước, sẵn sàng chiến đấu với quân Mỹ. Tình báo chiến trường đã cung cấp bản tin sai lầm cho tướng Kinnard, chắc chắn quân địch đang ở biên giới Campuchia từ lâu rồi. Vì quanh núi Chu Prong đoàn phi cơ thám thính không phát giác dấu hiệu địch quân hiện diện như: dấu chân trên cát không có, không có khói nấu ăn, không có cành cây gãy khi có đoàn quân di chuyển, tất cả an toàn cho một vị trí đóng quân. Nhưng tất cả đã sai lầm.

    Nơi nầy tiểu đoàn bị đụng trận thật ác liệt, đến nỗi họ phải kêu pháo đài B-52 dội bom lửa sát phòng tuyến của họ. Lệnh nầy được lập lại ba lần thì phi công mới dám thực hiện phi vụ vì lửa sẽ bao vây khu vực như hoả ngục vậy. Núp dưới hầm sâu cũng không còn dưỡng khí để thở nữa, tất cả xác chết quanh đó sẽ trở thành màu đen nứt nẻ hết, không nhận diện được hình dạng con người. Lúc đó phi vụ B-52 đã đánh bom 18 lần trong ngày. Được lệnh từ Pleiku, B-52 đã dội bom toàn thể núi Chu Prong chận quân CSBV tràn xuống bãi đổ quân Hoa Kỳ, đồng thời, chặn sạn đạo của tướng Chu Huy Mân dẫn quân chạy sang Campuchia.

    Sáng tinh mơ, mù sương còn dày đặc, ngày 16 tháng 11 năm 1965, trung tá H.G.Moore yêu cầu Pháo Binh bắn vào khu vực hàng rào kẽm gai quanh trại. Loạt đạn bất thần nổ quanh làm địch quân đang đào hầm tiến vào doanh trại bị bại lộ nên xung phong ngay. Nhưng vì bị bại lộ chỉ cách tuyến phòng thủ không đầy 3 mét. Pháo Binh đã bẻ gãy cuộc đột kích vào buổi sáng.

    Tiểu đoàn 2/7 do trung tá Mac Dade đến tăng viện cho tiểu đoàn 1/7 của H.G.Moore, đồng thời tiểu đoàn nầy được lệnh về Pleiku dưỡng quân vì bị thiệt hại khá nặng do đụng độ với trung đoàn 66 CSBV do tướng Chu Huy Mân chỉ huy.

    Tại bộ chỉ huy hành quân của quân đoàn II, sau khi nghe báo cáo kết quả từ Hoa Kỳ tại trận đánh X-Ray trong thung lũng Ia-Drang, đã quyết định tung 5 tiểu đoàn Dù thiện chiến của QL/VNCH, chiến dịch mang tên Thần Phong. Trong khi đó tiểu đoàn 2/7 do trung tá Mc Dade đến thay thế vai trò của tiểu đoàn 1/7 của trung tá H.G.Moore gặp tình thế thật bi đát. Từ bãi đáp X-Ray tiểu đoàn 2/7 bắt đầu bung ra như cánh hoa hồng. Khi tiểu đoàn rời khỏi bãi đáp độ ba giờ thì bị lọt vào ổ phục kích của địch quân, với thật nhiều quân số đang ém quân chờ sẵn từ lâu.

    Lần nầy có trung đoàn 33 CSBV mà quân đồng minh mất dấu từ hơn nửa năm nay. Họ tưởng trung đoàn nầy bị dập bởi B-52 khi chạy sang Campuchia và biến mất để bổ sung quân số. Nhưng họ đã lầm, trung đoàn nầy không chạy qua biên giới mà họ đã ém quân thật thần kỳ, mai phục chờ đợi. Hoa Kỳ cứ ngỡ chỉ cần vài tiểu đoàn của mình sẽ quét sạch trung đoàn 66 vừa kể, nhưng họ không ngờ đụng thêm một trung đoàn mang bí số 33 mà họ nể mặt từ lâu. Nay họ gặp hoàn toàn 100% quân số trung đoàn nầy tại đây: thung lũng Ia-Drang.

    Trong hai giờ đụng trận, trung đoàn 33 đã xoá 50% quân số của tiểu đoàn 2/7 do trung tá Mc Dade chỉ huy. Lúc nầy quân sĩ Hoa Kỳ gần hết đạn vì hầu hết quân nhân Hoa Kỳ vào giờ phút đầu đụng trận họ tiêu thụ gần phân nửa cấp số đạn mang theo, Hoa Kỳ áp dụng chiến thuật con nhà giàu, bóp cò liên tục, bắn cho sướng tay, càng bắn nhiều địch càng chết nhiều, rồi trực thăng sẽ chở đạn dược tiếp tế, thiếu gì đừng bận tâm. Nhưng khi trực thăng hàng đoàn bay đến tiếp tế đã bị phòng không địch bắn lên, đạn kín bầu trời. Vào lưới lửa, trực thăng Mỹ rơi như sung rụng, nổ tan trên không, bốc cháy như những ngọn đuốc khổng lồ. Đụng trận mà không có đạn dược chỉ còn đầu hàng hay quay lưng bỏ chạy.

    Đêm về, địch quân thanh toán chiến trường. Tất cả tử thi đều bị địch quân dùng lưỡi lê đâm suốt từ tim phía trước trổ ra sau lưng, dù xác đã chết từ lâu. Thiếu úy G.A.Custer bị miểng pháo cắt ngang chân, đang nằm chờ chết. Xung quanh anh toàn người chết nằm sắp lớp. Anh nghe tiếng địch quân xê dịch đi thanh toán chiến trường. "Họ đi hàng ngang, lưỡi lê giương thẳng từ đầu súng tiểu liên AK-47, họ lật ngửa từng xác chết chỉa lưỡi lê ngay tim rồi ấn mạnh xuống. Nếu xác chết đã lâu thì tiếng lưỡi lê nghe rất dòn "xụt xụt…ọt ọt…". Có nạn nhân đang hấp hối bị đâm suốt vào tim thì người sẽ cong lên và thét lớn lần cuối. Tiếng thét nầy theo, đeo đẳng thiếu úy G.A.Custer suốt đời, từ Ia-Drang đến tận Chicago, nơi mà thiếu úy về an dưỡng cuộc đời phế binh 37 năm sau.

    Khi quân CSBV lần bước thanh toán chiến trường, tiếng lưỡi lê đâm vào xác đồng đội của thiếu úy G.A.Custer, gần đến phiên, ông bỗng nghe tiếng kèn trổi lên, địch ra lệnh lui quân. Từ sau đó, ông không còn nghe gì nữa, mãi đến ba tuần sau, tại phòng hồi sinh của bệnh viện Hoa Kỳ, ông hồi tỉnh, trong khuôn viên phi trường Cù Hanh, Pleiku.

    Trung úy C.R.Rescola thuộc đại đội chung sự Hoa Kỳ ghi lại trận nầy như sau:"Một lính Mỹ chết mà tay vẫn còn cầm bao thuốc lá, phần hóc mắt bị nổ văng đi mất tiêu. Xa hơn nữa tôi thấy một sĩ quan có bằng Biệt Động Quân trên gò vai, đó là thiếu úy Don Corret (người Utah), anh bị trúng thương nhiều lần nơi ngực và bụng. Nhiều binh sĩ chết như chưa được lệnh đứng dậy lên đường. Rõ ràng họ bị đánh bất ngờ lúc nghĩ dừng quân chờ toán tiền thám về báo cáo. Có lẽ họ nghỉ quân nơi địch đang núp dưới lòng đất. Họ lọt vào ngay ổ kiến lửa chết người.. Các binh sĩ súng cối chết trong tư thế ngồi dựa lưng vào gò đất, đạn súng cối vẫn còn đeo nơi vai và hông. Họ chưa biết tại sao mình chết một cách bất đắc kỳ tử như thế. Nơi xa là lính Bắc Việt mặc đồ kaki màu vàng. Họ chết rất trẻ độ 15, 16 là cùng. Tôi đến gần một gò cao thì nghe tiếng rên. Tôi vội bắn vào gò đó hai phát súng lục. Có 3 người, hai người đã chết, người thứ ba đội nón cối, nằm ngửa, gương mặt bầu bỉnh như một teenager thiếu niên vậy. Anh chỉ tay vào miệng đòi nước, nơi bụng anh là một đống ruột trắng phủ đầy. Anh khát nước, nhưng khi tôi mở bình nước thì anh đã chết rồi, trên tay tôi".

    Trong khi tiểu đoàn 2/7 bắt đầu di tản thương binh thì hai đại đội A và B của tiểu đoàn 1/5 được lệnh trở về bãi đáp X-Ray. Họ đến nơi nầy lúc 5 giờ chiều, đến 6 giờ tối thì một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 33 CSBV tiến đánh.

    Nếu tại An Khê không có lệnh của trung tá chỉ huy hậu cứ ra lệnh cho phi tuần Skyraider và phi pháo từ Holloway bắn đến thì hai đại đội nầy sẽ bị tiêu diệt và xoá sổ.

    Đây là trận đánh sau cùng của sư đoàn I Không Kỵ do thiếu tướng H.O.Kinnard chỉ huy.

    Nếu tiểu đoàn 1/7 của trung tá H.G.Moore được lệnh ở lại để bổ sung quân số thì đêm nay ông sẽ diện kiến một trung đoàn mới lạ mà bộ chỉ huy Hoa Kỳ thắc mắc không hiểu "Tụi trung đoàn 33 biến đi đâu mất từ nửa năm nay?". Họ không biến mất mà họ độn thổ, ém quân tại chốn cũ từ lâu.

    Trung đoàn 33 đánh giặc giỏi hơn trung đoàn 66. Trung đoàn nầy có biệt tài: thanh toán chiến trường rất nhanh và gọn. Nghĩa là vừa chạy ào ào tới, thanh toán chiến trường bằng lưỡi lê và chạy mất khi đạn pháo rớt xuống. Họ không nhận tù binh và không cho đối phương đầu hàng. Họ là trung đoàn 33 được 6 lần tuyên dương trước Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Họ khác với trung đoàn 66. Họ rất lì và gan dạ.

    Nhưng tại sao lúc quân của sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ quân số tổn thất quá nặng, gần hết đạn, co cụm, tử thủ chờ địch xung phong, xoá sổ, hai trung đoàn 66 và 33 CSBV lại thổi kèn rút quân? Qua giải mã vô tuyến họ biết 5 tiểu đoàn Dù QL/VNCH được tôn vinh là Thiên Thần Mũ Đỏ, đang âm thầm tiến quân về phía họ. Thiên Thần Mũ Đỏ QL/VNCH, đơn vị tổng trừ bị có lối đánh giặc thần sầu khác với lối đánh giặc của quân đội Hoa Kỳ. Quân CSBV biết cách thanh toán chiến trường và quân Dù cũng biết cách thanh toán mục tiêu tuyệt vời. Họ đối mặt nhau thật nhiều lần trên chiến trường, trong các trận đánh lớn, đôi bên có tổn thất nhưng thanh toán chiến trường bao giờ cũng là quân Dù! Tướng Chu Huy Mân phải chấp nhận nhiều lần kết thúc trận đánh cay đắng như thế. CSBV và lính Dù biết tài nhau quá, vì tất cả là người Việt Nam!

    Khách quan mà nói, để bẻ gãy chiến thuật của Hoa Kỳ: trực thăng vận, điều quân thần tốc, hoả lực dữ dội: B52, Pháo Binh cường tập…sẽ thanh toán bất cứ mục tiêu nào được phát giác. Để đối đầu chiến thuật diều hâu của Hoa Kỳ. CSBV với khẩu hiệu "Bám thắt lưng địch" mà đánh! Áp sát tránh tầm sát hại của pháo binh và không yểm, phòng không mãnh liệt, ngăn chặn trực thăng đổ quân và tiếp tế và sau cùng chiến thuật biển người, thí quân, ta chết 10 địch chết 1 là chiến thắng! Với lối đánh đó hai trung đoàn 33 và 66 CSBV đã cho sư đoàn 1 Không Kỵ đánh trận sau cùng ở thung lũng tử thần Ia-Drang để bị bất khiển dụng và loại ra khỏi chiến trường Việt Nam luôn.

    Địa danh Ia-Drang đã làm rúng động nhân tâm người dân Hoa Kỳ, con em họ chết qúa nhiều ở thung lũng xa xôi, địa danh mà trước đó không có bao nhiêu người biết tên, người dân Hoa Kỳ lẫn người Việt Nam.

    Một địa danh khác, Khe Sanh đã làm người Hoa Kỳ bỏ ăn mất ngủ, phong trào phản chiến đòi rút con em họ về nước, họ nguyền rủa chiến tranh Việt Nam.

    Năm 1968, CSBV huy động gần 20 ngàn quân vây hãm 6 ngàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, cùng một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam. Sau 80 ngày vây hãm, Võ Nguyên Giáp đã đem lực lượng gấp bảy lần lên tới 40 ngàn quân, 4 sư đoàn chánh quy bao vây lực lượng phòng thủ gồm 6 ngàn quân chính yếu là Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, tăng cường 2 đại đội Địa Phương Quân và tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân.

    Ngày 22 tháng 1 năm 1968 tình hình nguy ngập, Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến tăng cường Khe Sanh. Đây là đơn vị thuộc trung đoàn 9, nổi danh trong trận đánh tại Cồn Tiên gần khu phi quân sự vào năm 1967 vừa qua.

    Ngày 26 tháng 1 năm 1968 một lực lượng tăng viện khác được không vận vào Khe Sanh, đó là tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân của đại úy Hoàng Phổ làm tiểu đoàn trưởng, một đơn vị bộ chiến gan lì, kinh nghiệm trận mạc gìa giặn của QL/VNCH. Họ phụ trách vòng đai phòng thủ khu vực hướng Đông của căn cứ Khe Sanh. Đây là lực lượng tăng viện sau cùng trong khoảng thời gian căn cứ bị bao vây, họ được khuyến cáo tử chiến tại giao thông hào trong mọi tình huống. Không được lui quân!

    Chỉ huy lực lượng bao vây, tướng Võ Nguyên Giáp có trong tay ba sư đoàn và một số lực lượng Pháo Binh, Đặc Công hổ trợ khác …

    Các đơn vị CSBV tham gia tấn công Khe Sanh như sau:

    - Sư đoàn 325 c đóng quân tại phía Bắc đồi 881.

    - Sư đoàn 304 từ Lào, đóng quân phía Tây Nam Khe Sanh.

    - Sư đoàn 320 đóng quân phía Bắc căn cứ hoả lực Rock Pile.

    - Một trung đoàn thuộc sư đoàn 324 đang có mặt tại vùng phi quân sự cách Khe Sanh 24 cây số về hướng Tây Bắc.

    - Ngoài ra cộng sản huy động thêm một đơn vị Thiết Giáp với chiến xa T54 cùng 2 trung đoàn 68 và 164 Pháo Binh.

    Ngày 9 tháng 2 năm 1968 một tiểu đoàn cộng sản tấn công đồi 64. Các vị trí phòng thủ bị địch tràn ngập. Pháo Binh và phi pháo yểm trợ hữu hiệu và kịp thời, trận đánh đẫm máu kéo dài ba giờ, kết quả: 150 bộ đội Bắc Việt chết và 26 binh sĩ Hoa Kỳ tử thương.

    Ngày 21 tháng 2 năm 1968 căn cứ Khe Sanh bị tấn công. Một đại đội CSBV gây áp lực phía Đông, vị trí tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân chịu trách nhiệm. Cuộc tấn công bị bẻ gãy.

    Đêm 29 tháng 2 mặt trận vây hãm Khe Sanh bắt đầu, 9 giờ 30 tối, một tiểu đoàn thuộc sư đoàn 304 đánh thẳng vào vị trí phòng thủ của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân. Đêm hôm đó dưới làn mưa pháo dọn đường và nhiều đợt xung phong biển người, các binh sĩ Biệt Động Quân bình tĩnh chiến đấu, họ đợi địch quân xung phong đến gần rồi mới khai hoả. Kinh nghiệm chiến đấu và sự gan dạ của họ chính là yếu tố quan trọng giúp họ đẩy lui ba đợt xung phong biển người của Cộng quân, đã để lại 70 xác chết trên trận địa.

    Trong cuốn "Battles and Campaigns in Vietnam" tác giả Tam Carhart ghi lại: " Rạng sáng ngày 29 tháng 2-1968 mũi tấn công duy nhất được nhắm vào vòng đai trách nhiệm của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân. Khi cộng sản xung phong đến gần hàng rào, họ bị lính Mũ Nâu chào đón bằng một rừng Claymore, lựu đạn và súng cá nhân. Cộng quân chẳng vượt được qua hàng rào kẽm gai chằng chịt bên ngoài. Bảy mươi xác chết của họ, coi như cuộc tấn công thảm bại nặng nề."

    Trong rừng tác phẩm Anh ngữ nói về trận chiến Khe Sanh, hầu như tuyệt đại đa số nhà văn hay ký giả chỉ ghi nhận mức chịu đựng của người lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, ít ai biết đến hoặc ghi nhớ đến chiến công hiển hách của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam.

    May mắn thay trong tài liệu "Vietnam at war, The History 1946-1975", trung tướng Phillip Davison đã ghi nhận:
    "Tướng Giáp tưởng tấn công vào tuyến phòng thủ của Biệt Động Quân Việt Nam sẽ dễ dàng hơn là đánh vào những nơi có Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trấn giữ. Nhưng đây không gọi là dễ dàng được, bởi vì đơn vị Biệt Động Quân nầy là một đơn vị thiện chiến rất giỏi".

    Phía bên kia, Cộng quân đã không chiếm nổi Khe Sanh, mà họ còn bị thiệt hại mất từ mười đến mười ba ngàn bộ đội. Đó là chưa kể thiệt hại trên các phương diện khác như quân cụ, chiến thuật, cùng hàng ngàn thương binh.

    Tướng Võ Nguyên Giáp muốn biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai nhưng đành từ bỏ tham vọng vì tình báo chiến lược cho biết: Mỹ sẽ sử dụng bom nguyên tử. Thêm một chi tiết quan trọng sau khi mở mũi tấn công quyết định cứ điểm Khe Sanh bằng mũi tập kích dữ dội vào tuyến phòng thủ của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân, họ thảm bại để lại 70 xác trên trận địa, không kể số lớn thương vong được mang đi, chôn theo giấc mộng biến khe Sanh thành Điện Biên Phủ thứ hai của Võ Nguyên Giáp.

    Tôi không muốn dài dòng để bị hiểu lầm, mẹ hát con vỗ tay, lính cứ ca tụng chiến tích quân đội. Nhưng hàng năm, vào một ngày của tháng 12, gió bấc mang cái lạnh về trên sông Thạch Hãn, người cộng sản tự hào về mùa xuân chiến thắng, cưỡng chiếm miền Nam, họ đều tổ chức đàn tràng, thắp ngàn ngọn nến thả trên sông, để tưởng nhớ đến số chiến binh quá lớn của họ đã chết để chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Theo chiến thuật vỗ mặt của tổng bí thư Lê Duẫn, hàng đêm một đại đội vượt sông, sáng rút về, ròng rã trên ba tháng trời, người đi chiến đấu, lúc về thì không. Thủy Quân Lục Chiến của QL/VNCH ngạo nghễ cắm cờ vàng trên Cổ Thành Đinh Công Tráng.

    Tôi xin được phép tính sổ một lần về thành tích chiến đấu lẫm liệt cua QL/VNCH với những lãnh đạo chóp bu đối với chiến tranh Việt Nam.

    Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Kennedy muốn Hoa Kỳ nhảy vào Việt Nam, đã ra lệnh giết tổng thống Ngô Đình Diệm, một người công giáo đồng đạo của mình. Ba tuần lễ sau, John Kennedy bị ám sát ở Dallas và sau đó người em trai Robert Kennedy cũng bị bắn vào đầu, nghiệp báo cho vụ thảm sát tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ.

    Bà Ngô Đình Nhu đã viết một bài tham luận 16 ngàn chữ tố cáo hành động gian manh tàn ác của Kennedy. Bà kết luận: "Muốn làm kẻ thù của Mỹ, hãy làm đồng minh của Mỹ".

    Tổng thống Nixon hăm doạ chặt đầu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì không chịu ký vào Hiệp Định Paris, một hiệp định đầu hàng, dâng miền Nam cho cộng sản.

    Ngoại trưởng Henry Kissinger, một tên Do Thái thay mặt cho bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Sự thảm bại ở Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chứ không phải do Việt Nam Cộng Hoà".

    Tổng thống George W.Bush trả lời một phóng viên hỏi:

    - Iraq có tự do vì họ chiến đấu, còn Việt Nam sụp đổ vì không chịu chiến đấu?

    George W.Bush trả lời: Yes!

    Bush là lính kiểng Ngự Lâm Quân. Vừa mới đây thôi chính phủ Mỹ đã viện trợ một triệu Mỹ kim để cộng sản Việt Nam tìm hài cốt binh sĩ mất tích của họ, tôi xem đây là hành xử một cách man rợ của Hoa Kỳ.

    Nước Mỹ là cường quốc có một nền khoa học tiến bộ nhất thế giới, nhưng khoa học không có lương tâm thì chỉ là sự đồi bại của tâm hồn. Tuyệt đại đa số người Mỹ, mỗi chủ nhật đều đến nhà thờ cầu nguyện. Chúa, Phật nào dung tha cho kẻ phản bội đồng minh Việt Nam. Người Mỹ ỷ vào đô la đã gây ra chiến tranh Việt Nam khiến mấy triệu người chết, một cuộc chiến tranh nghịch đạo, bất chính nghĩa phải đầu hàng tà đạo!

    Đụng đến sức chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tướng Chu Huy Mân phải rút quân tháo chạy sau khi đã thanh toán gần hai trung đoàn của Mỹ, loại sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ ra khỏi vòng chiến. Võ Nguyên Giáp từ bỏ tham vọng biến Khe Sanh thành Điện Biên Phủ thứ hai, sau khi chạm trán với Biệt Động Quân quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

    Hỡi loài người tiến bộ, người Mỹ có lương tâm, đối phương cộng sản còn chút tinh thần thượng võ… quí vị xác nhận xem có quân đội nước nào trên thế giới tài ba, anh dũng hơn quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Một cuộc chiến có nhiều tướng lãnh tự sát khi bị đồng minh phản bội, Kể cả người Nhật!

    Lời sau cùng tôi muốn nói với thiếu úy G.A.Custer, một phế binh an dưỡng tại thành phố Chicago rằng:

    -"Họ đi hàng ngang, lưỡi lê kéo dài rất nhọn từ đầu súng tiểu liên AK-47, họ đến từng người lật ngửa xác ra và chĩa lưỡi lê vào ngay tim rồi ấn mạnh xuống…người sẽ cong lên và thét lớn lần cuối". Tiếng thét nầy theo thiếu úy từ thung lũng Ia-Drang đến thành phố Chicago suốt đời. Thiếu úy còn sống, không phải thét lên vì quân thù thổi kèn lui quân khi họ biết có 5 tiểu đoàn Dù Việt Nam Cộng Hoà đang hành quân đến.

    Thưa thiếu úy G.A.Custer quân đội hào hùng ấy bị bức tử và nhục nhã thua trận vì những toan tính đổi chác, tàn nhẫn và vô nhân đạo bởi những tên chính trị hoạt đầu nước Mỹ của ông. Tôi là chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, người bạn chiến đấu năm xưa với ông đây, may mắn còn sống, nhưng không biết tại sao tôi vẫn nghe tiếng thét của đồng đội mình…Không phải do quân thù đâm từ tim ra phía sau, mà đâm từ phía sau thấu tim ra phía trước, bởi người bạn đồng minh Hoa Kỳ hành xử chẳng khác nào kẻ thù.

    Đối với người Mỹ lằn ranh bạn thù có nghĩa gì đâu. Chỉ là hạt cát, nhưng với hào khí và tình chiến hữu , tình yêu thương đồng đội, nghĩa bạn thù rạch ròi, tôi đã âm thầm hành xử như sau:

    - Cùng bạn bè chiến hữu đến đặt vòng hoa tại Bức Tường Đá Đen tưởng niệm trên 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam. Họ đích thực là những người bạn và anh hùng của dân tộc Việt Nam, đời đời chúng tôi xin tạc dạ ghi lòng, tri ân họ.

    - Tôi may mắn được vinh dự đọc tham luận tại hội trường Hạ Viện Hoa Kỳ với đề tài "Phục hồi danh dự cho người lính QL/VNCH" với câu kết luận đanh thép:

    - Chúng tôi không thua ở chiến trường Việt Nam mà bại trận tại hội trường nầy.

    Thời gian qua đi, mọi việc đều cũng xoá mờ, dù bao lâu? Qua đến thế hệ nào? Xin người Mỹ có lương tâm nhớ rằng quí vị còn nợ dân tộc Việt Nam một món nợ, món nợ "Phản Bội".

    Nợ càng lâu, lãi suất càng chồng chất. Người Việt Nam chưa đòi nhưng người Mỹ phải trả nếu quí vị còn lương tâm muốn bảo vệ danh dự cho dân tộc mình, một quốc gia siêu cường.

    Tường Lam


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X