Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hãy nói lời cảm ơn khi ân nhân chúng ta còn hiện diện

Collapse
X

Hãy nói lời cảm ơn khi ân nhân chúng ta còn hiện diện

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hãy nói lời cảm ơn khi ân nhân chúng ta còn hiện diện

    Hãy nói lời cảm ơn khi ân nhân chúng ta còn hiện diện
    Trần Hương Thủy

    Kính gởi Ban Biên Tập Báo Việt Luận,

    Mặt phải của một tấm huy chương là chiến công và hãnh diện, nhưng mặt trái của nó lại là nước mắt và chịu đựng. Thật vậy, để trả giá cho lý tưởng phục vụ quê hương cũng như dành lấy những chiến công hiển hách, người quân nhân đã lấy máu và mạng sống mình làm của trao đổi, họ tự nguyện và chấp nhận cuộc chơi này, vì thế cái mặt rực rỡ tươi đẹp của tấm huy chương là của họ, họ kiêu hãnh đeo nó trên ngực gần trái tim của mình. Tuy nhiên, hôm nay, tôi muốn thưa chuyện cùng quý độc giả của quý báo về cái mặt lởm chởm không được mài dũa gọn gàng phía sau của tấm huy chương này.

    Nhân năm nay kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân, tôi mong muốn được gởi đến quý độc giả của quý báo một bài tôi đã viết cách đây vài năm về chuyến viếng thăm của chúng tôi tới hai bà quả phụ Úc có chồng hy sinh tại chiến trường Việt Nam hiện đang sinh sống tại Wollongong. Là một người phụ nữ, tôi nhìn mọi khía cạnh của cuộc đời trong phạm trù giới tính của chúng tôi nên tôi tự đặt tôi vào hoàn cảnh của hai bà và nghĩ xem điều gì sẽ làm tôi ấm lòng khi xã hội chung quanh cũng như truyền thông nhắc lại cuộc chiến này nhân kỷ niệm 50 năm trận Long Tân xảy ra?

    Năm nay, bà quả phụ Caroline Teeling đang chịu đựng căn bệnh ung thư ngặt nghèo vào giai đoạn chót; bà quả phụ Heather Hill vẫn quạnh hiu đi về một cõi khi người con trai độc nhất đang vì sinh kế phải xa mẹ hiền… Theo tôi, một cánh thiệp thăm hỏi, một chút quà uỷ lạo tri ân có lẽ sẽ làm hai bà ấm lòng nhất. Cái tên Việt Nam tuy xa mà rất gần nhờ vong linh của người thân yêu quý, nếu hai bà biết rằng tên tuổi của chồng mình vẫn được ghi nhớ và tri ân bởi những người dân miền Nam Việt Nam thì thật hạnh phúc và hãnh diện biết bao.

    Hãy nói lời cảm ơn khi ân nhân chúng ta còn hiện diện.

    Kính

    Thank You Australia

    MỘT CHUYẾN THĂM VIẾNG CUỐI NĂM

    Bà Quả Phụ Caroline Teeling:

    Chúng tôi tần ngần đứng bên này đường nhìn sang căn nhà phía bên kia mặt lộ, vẻ đơn sơ và nhỏ nhắn của căn nhà làm chúng tôi bồi hồi liên tưởng những căn nhà trong khu cư xá quân đội thuở trước bên Việt Nam. Dò lại cho đúng địa chỉ, chúng tôi bước qua đường.

    Bà Teeling vui vẻ đón chúng tôi ở cửa, cùng với người con trai và cháu nội. Dù đã gặp và tiếp chuyện với bà trong các dịp lễ Long Tân và Anzac hằng năm từ hơn 20 năm qua, nhưng hôm nay chúng tôi mới biết thêm về những khó khăn của cuộc sống mà bà đã phải gánh chịu trong hơn 50 năm, từ ngày ông Wayne Teeling tử trận. Bà được tin dữ lúc đang mang thai được ba tháng, đứa con trai duy nhất của họ – Năm đó bà vừa qua tuổi 19, sống trong sự ghẻ lạnh ruồng bỏ của xã hội thời phản chiến, bà Teeling đã quyết định không đi thêm bước nữa để được giữ họ Teeling của chồng và ở vậy nuôi con một mình. Chỉ vào người con trai, bà nói: “Tôi có can đảm vượt thắng được đau khổ và khó khăn là nhờ ở đứa con của chúng tôi. Cháu Wayne Teeling (Jnr) đã là chiếc gậy vực tôi dậy trong những lúc yếu đuối ngã lòng. Nó giống bố nó như đúc, tôi cảm nhận như chồng tôi vẫn còn ở bên tôi, hỗ trợ tôi và vì thế, tôi không màng đến những chàng trai trẻ khác, dù lúc đó tôi chưa quá hai mươi tuổi”.

    So sánh những tấm hình kỷ niệm được rọi lớn của ông Wayne Teeling oai hùng trong binh phục hay rạng rỡ trong ngày cưới được trang trọng treo khắp nhà và anh Wayne Junior ngồi trước mặt… ôi, giống nhau quá! Tôi thầm nghĩ phải chăng cái sức mạnh giúp bà đứng vững trước nghịch cảnh chính là cảm nhận hình ảnh người chồng quá cố vẫn sinh động trước mắt bà qua người con yêu dấu? Chúng tôi trình bày lý do thăm viếng và thay mặt đồng hương người Việt tại Úc, đặc biệt tại Wollongong gởi lời tri ân đến gia đình bà nhân kỷ niệm 50 năm Úc tham chiến tại Việt Nam, chúng tôi đã trao món quà Giáng Sinh và lời chúc mừng năm mới đến bà Teeling. Anh Wayne nói với chúng tôi qua ánh mắt ngấn lệ: “Người ta gọi các bạn là Boat People, nghĩa là người từ biển tới. Nhưng với gia đình chúng tôi, chúng tôi gọi các bạn là những thiên thần nhỏ mang niềm vui đến cho Mẹ tôi lúc này. Tiếc rằng bà nội của tôi không có mặt ở đây, gia đình chúng tôi có thông lệ đón bà nội ở nhà dưỡng lão về chung vui với gia đình một vài tuần trong dịp Giáng Sinh và đầu năm mới. Anh chị biết không, đã từ rất lâu, bà nội và mẹ tôi rất ít khi cười. Vậy mà bây giờ, tôi thấy bà nội và mẹ tôi cười nhiều hơn, từ khi quen biết và nhìn thấy những việc các bạn đã làm cho các cựu quân nhân Úc chiến đấu tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

    Trước khi từ giã, anh Wayne cởi áo xoay người lại khoe với chúng tôi hình chiếc trực thăng UH1 và hình ba anh trong bộ quân phục được anh xâm sau lưng, anh hãnh diện kết luận: “Trước đây, chúng tôi phải giấu diếm quá khứ của ba chúng tôi. Còn bây giờ, tôi ngửng mặt bách bộ trên bãi biển với hình ảnh oai hùng của ba tôi trên người tôi”. Bà Caroline thì ôm chặt chúng tôi vào lòng, vừa ngấn lệ vừa nói: “Đã lâu lắm không có ai đến thăm chúng tôi như vậy, tôi rất vui mừng và cảm động được các bạn đã nhớ đến, mặc dù quá khứ các bạn cũng chẳng hơn gì gia đình tôi, cũng đau khổ, cũng hy sinh trong thời chinh chiến, rồi sau đó lại chịu bị đọa đày trong ngục tù của Cộng Sản, và cuối cùng phải ngậm ngùi bỏ xứ mà đi”.

    Vào trung tuần tháng 8/2012, bà Quả Phụ Caroline Teeling và gia đình được mời đến tham dự lễ Vinh Danh & Tạ Ơn do CĐNVTD/Wollongong tổ chức nhân dịp 50 năm Úc tham chiến bảo vệ Miền Nam. Khi ra về, anh Wayne và bà Caroline Teeling đã ôm chúng tôi vào lòng và nói “… món nợ ân tình giữa gia đình tôi và các bạn VN, các bạn đã thanh toán sòng phằng từ lâu lắm rồi, kể từ khi các bạn đến định cư tại Wollongong này, qua tiếp xúc và tìm hiểu, tôi đã biết lý do tại sao ba tôi được gởi sang Việt Nam chiến đấu và Ba tôi đã đánh đổi mạng sống của ông chính là bảo vệ cho đồng loại – trong đó có các bạn và chính cả người Úc chúng tôi thoát khỏi hiểm họa Cộng Sản. Tối nay, các bạn đã cho Mẹ tôi một đêm tuyệt vời…” Những lời nói chân tình của anh Wayne đã làm tan biến bao nhiêu mệt nhọc từ sáu tháng qua, kể từ lúc bắt đầu vào công việc tổ chức buổi lễ lớn này. Chúng tôi đã ôm nhau xúc động cùng khóc. Bên ngoài, trời đã về đêm, gió thổi buốt rất lạnh vào người mà tâm hồn thì thật ấm áp từ những cử chỉ của các gia đình tử sĩ này.

    Bà Quả Phụ Heather Hill:

    Nhận xét đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với bà Hill là tính cương quyết và cá tính độc lập của bà qua dáng vẻ cao lớn, tiếng nói rộn ràng, mạnh mẽ. Bà tâm sự: “Lúc chồng tôi tử trận, con tôi mới sanh được sáu tháng tuổi, tôi quyết định ở vậy nuôi con. Tôi không muốn ai chen vào tình mẫu tử giữa mẹ con tôi, vì nó đã mất cha rồi, chỉ còn tôi là mẹ nó… Vì cháu còn rất nhỏ, nên tôi có xin với bộ Thương Binh Tử Sĩ cứu xét cho tôi mượn $1500 để mua một chiếc xe hơi cũ để vừa đi học vừa đưa đón cháu ở nhà giữ trẻ. Tuy nhiên, như các bạn biết, thời đó quan niệm của các ông lớn trong bộ là chỉ những người lính Úc chết trong trận Đệ Nhất, Đệ Nhị Thế Chiến, các tử sĩ trong trận Đại Hàn, mới là hy sinh cho tổ quốc, còn Việt Nam là… “Dirty War”. Họ đã lạnh lùng từ chối lời thỉnh cầu của tôi với lý do là nhu cầu không đủ mạnh để Bộ đáp ứng!!!”. Mặt bà đanh lại và tiếp: “Như thau nước hắt vào mặt, tôi bừng tỉnh và tự nhủ: “Mình sẽ ráng vươn lên bằng chính sức của mình. Phải tạo cho mình một thế đứng vững vàng, rồi mới nói chuyện phải trái với những đầu óc ngu muội, phản chiến phải bả của Cộng Sản được”. Nhấp chén trà, bà Hill dịu giọng tâm sự: “Các bạn không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi trong thời kỳ đó căng thẳng biết là dường nào: Ban ngày ở sân trường đại học không khí phản chiến vây bủa… Nào bích chương lên án “sự tàn ác” của chế độ Saigon, của Mỹ và lính đồng minh, nào là biểu tình quậy phá lung tung. Tối về đến nhà ôm con, cũng không thoát được cái màn ảnh truyền hình chuyển đi những hình ảnh khủng kiếp của cuộc chiến. Cũng nhờ sự an ủi, giúp đỡ và cổ võ của bà mẹ chồng và cũng là người bạn tri âm suốt đời của tôi, tôi đã vượt qua được mọi khó khăn để hoàn tất văn bằng cao học ngành Sư Phạm. Tôi không đi thêm bước nữa trong cuộc sống hôn nhân để có thể hoàn thành lời hứa của tôi với anh Don là nuôi con của chúng tôi thành tài. Đã từ lâu, tôi không liên lạc gì với Bộ Thương Binh Tử Sĩ. Tuy nhiên, tôi vẫn tham dự đều đặn các ngày lễ kỷ niệm các cuộc chiến mà Úc Đại Lợi đã tham gia trên thế giới. Tôi đến đó để chờ đợi một ngày mà chánh phủ và nhân dân Úc phải trả lại cho chồng tôi cùng các đồng đội của anh, Sự Công Bằng Và Vinh Dự của người quân nhân Vị Quốc Vong Thân một cách công khai và dứt khoát”.

    Qua cuộc trao đổi, chúng tôi đã thưa cùng bà Heather rằng những bí ẩn của cuộc chiến Việt Nam đã ít nhiều bạch hóa, lịch sử đang được các nhà nghiên cứu viết lại cho chính xác. Sự thật về cuộc chiến Việt Nam đã làm cho một số lớn những tai to mặt lớn trong nhóm phản chiến năm xưa đã cúi mặt xấu hổ và xin lỗi như Jane Fonda, hay chối tội bai bải như thượng nghị sĩ, ứng cử viên tổng thống Mỹ John Kerry trong kỳ ứng cử tổng thống Mỹ trước đây. Ở Úc cũng không ngoại lệ, khi biến cố “Boat People” làm rung động lương tâm thế giới, những tin tức diệt chủng khủng khiếp xảy ra tại Campuchia thì những khuôn mặt phản chiến ở Úc tự nhận là “lương tâm thế giới, là bạn của nhân dân Việt Nam” (sic) đã im miệng một cách trơ trẽn.

    Để kết luận, chúng tôi nói: “Thưa bà Heather, máu và nước mắt của trên hai triệu nạn nhân Cộng Sản sau năm 1975 từ các Trại Tù Tập Trung Cải Tạo và của những thuyền nhân đi tìm tự do, bỏ mình trên biển cả, đã chứng minh sự hy sinh của chồng bà trong cuộc chiến tại Việt Nam là chính nghĩa và cao cả. Xin bà biết cho rằng dù tại nơi đây, sự hy sinh của chồng bà và các đồng đội chưa được công nhận rõ ràng. Tuy nhiên, bên kia bờ đại dương, có một dân tộc trên tám chục triệu người, trên toàn thế giới có hơn hai triệu người Việt, vẫn nhớ và tri ân các chiến sĩ Úc chết tại Việt Nam. Mỗi độ xuân về, họ vẫn thắp nhang tri ân những anh hùng liệt sĩ đó, trên bàn thờ gia tiên.”

    Khi tiễn chúng tôi ra về, bà Heather ân cần, cầm tay chúng tôi, ôn tồn nói: “Lẽ ra đã đến lúc công cuộc vận động trả lại danh dự cho các cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam phải được chính phủ Úc khởi xướng, nhưng trớ trêu thay, các bạn, những người nhập cư, lại là những người đi tiên phong trong công cuộc này. Tôi nói như vậy để các bạn hiểu là lòng tôi quý mến và ngưỡng mộ các bạn đến chừng nào. Xin các bạn hãy nói với Cộng Đồng Việt Nam tại Úc rằng tôi cảm ơn họ”.

    Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi với hai bà Quả Phụ nhưng đã để lại trong lòng chúng tôi niềm cảm xúc dạt dào. Chúng tôi học được bài học về sự hy sinh và chung thủy của hai bà Quả Phụ: Tình yêu và sự thủy chung của họ dành cho người chồng đã tử trận tại VN, gần 50 năm trôi qua, vẫn không thay đổi. Các Bà luôn cho rằng tâm linh (spirits) của các ông vẫn luôn hiện diện đâu đó, bên các bà trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi chợt thầm nghĩ, ngày xưa, bên quê nhà, chúng ta có tục lệ tổ chức Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ để tỏ lòng tri ân đến những gia đình chiến sĩ của chúng ta mỗi độ Xuân về. Vậy ở đây, tại sao chúng ta không làm nghĩa cử này đối với gia đình thân nhân của những ân nhân của chúng ta nhỉ? Bà con ta tại Úc nghĩ sao?

    Xin hãy nói lời tạ ơn với các ân nhân của chúng ta khi họ còn hiện diện!

    Trần Hương Thủy
    Tháng 4/2016


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X