Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhân Tác giả gốc Việt đoạt giải Văn chương Mỹ

Collapse
X

Nhân Tác giả gốc Việt đoạt giải Văn chương Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhân Tác giả gốc Việt đoạt giải Văn chương Mỹ

    Nhân Tác giả gốc Việt đoạt giải Văn chương Mỹ

    Đỗ xuân Tê


    Nhà văn Nguyễn Thanh Việt

    Cả tuần nay khi giải văn chương danh giá của Mỹ qua công bố của uỷ ban bình chọn giải Pulitzer lần thứ 100, thì tên của một trong số những người nhận giải và cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả gốc Việt này trở thành sự kiện văn học được báo giới Hoa Kỳ nhắc nhở với những lời bình luận và khen ngợi thường dành cho những ngôi sao.

    Độc giả nhìn chung không lạ vì điều này, bởi lẽ giải Pulitzer hằng năm được coi như một lọại Oscar trong ngành báo chí truyền thông và lạ thay trong các bộ môn nằm trong các hạng mục được qui định của giải lại bao gồm ba thể loại văn, thơ và biên kịch. Giải văn được chú ý thường là tiểu thuyết (Fiction), kể cả truyện ngắn nhưng hiếm khi được chọn. Người viết bài này đã kiểm lại danh sách những người nhận giải và thích thú khi thấy các văn hào của Mỹ trải dài trong thế kỷ 20 cùng với tác phẩm kinh điển tiêu biểu của họ đều đã một lần đoạt giải Pulitzer. Từ Margaret Mitchell (Gone With The Wind, 1937), John Steinbeck (The Grapes of Wrath, 1940), Ernest Hemingway (The Old Man and The Sea, 1953), William Faulkner (A Fable, 1955), Harper Lee (To Kill A Mockingbird, 1961), Toni Morrison (Beloved, 1988), Robert Butler (A Good Scent from A Strange Mountain, 1999)… Tác phẩm và tác giả đoạt giải này khó hơn phim và diễn viên đoạt Oscar vì chỉ được chọn một lần (trừ biệt lệ William Faukler thêm một lần vào năm 1963). Một khi có tên của giải trong resume của mình thì mặc nhiên sự nghiệp văn chương sẽ thăng hoa và nhiều người trong số họ đã trở thành ứng viên đoạt giải Nobel văn học và tên tuổi để lại dấu ấn như những tác giả huyền thoại trong Văn học sử Hoa Kỳ & thế giới.

    Đặc biệt năm nay trùng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập giải, một dấu mốc trăm năm mới có một lần, nên giới văn học kỳ vọng thể loại Fiction chắc sẽ dành cho một nhà văn tên tuổi, có bề dày năm tháng, có tác phẩm được nhìn nhận không thuộc loại kinh điển thì ít nhất cũng gây tiếng vang cả về mặt văn chương lẫn lợi nhuận phát hành trên thị trường sách.

    Ấy vậy mà người đoạt giải năm nay lại là một tác giả gốc Việt, ông Viet Thanh Nguyen, tuổi đời mới 45, và tác phẩm được chọn The Symphatizer là tiểu thuyết đầu tay của ông. Ông không hẳn là nhà văn sống bằng nghề của mình, mà việc làm full-time lại là một giáo sư ngành văn chương cho một đại học nổi tiếng ở nam California, USC. Về tiếng tăm vẫn được coi là tác giả mới, dù sách có được xếp loại bestseller được in ấn từ tháng tư năm ngoái, có được một huy chương của Trung tâm văn bút dành cho các tác phẩm đầu tay, và về mặt phê bình đánh giá thì được nhìn nhận có bước đột phá về văn phong và cách dựng truyện, cùng gây sự tò mò thích thú cho độc giả khi nhà văn lật lại những mảng ký ức và sự kiện liên quan đến cuộc chiến Việt nam, đặc biệt từ sau 1975 bằng một cách nhìn không giống những tác giả đi trước, từ góc cạnh lịch sử, văn hóa, chiến tranh với cái tên của truyện, The Symphatizer (Cảm Tình Viên), bằng lối viết vừa nghiêm túc vừa pha nét trào phúng làm cho cuốn sách như một tác phẩm bi hài nặng phần kịch tính ít thấy trong các tiểu thuyết chiến tranh, điệp viên.

    Không biết có phải là chủ ý khi cuốn tiểu thuyết được phát hành vào tháng tư năm ngoái và tình cờ nhận giải cũng vào tháng tư (đen) năm nay. Tác phẩm tự nó không hẳn là thuần túy văn chương (như đa phần tác phẩm đoạt giải) mà tên sách và cốt truyện lại xoay quanh biến cố tháng tư và hệ lụy của nó. Bối cảnh và nhân vật đành rằng mang tính hư cấu nhưng với những độc giả một thời có dính líu đến cuộc chiến Việt nam, cả Mỹ lẫn Việt, khi ký ức dội về lại thấy rất gần gũi với những điều đã xảy ra và trải nghiệm một thời.

    Nói về cảm nhận liên quan đến cuốn sách, thú thật người viết chưa hề nghe tên tác giả, dù là một tác giả gần gũi nơi mình đang ở, thảng hoặc có đọc một vài bài phê bình văn học trên tờ L.A. Times thấy tác giả last name họ Nguyễn nhưng full name thì ít để ý (nay được biết ông Nguyễn Thanh Việt là cây bút phê bình văn học cộng tác với tờ Times, một hoc giả chuyên về Mỹ học (American Studies) và Sắc dân thiểu số (Ethnic Studies), một diễn giả được nhiều đai học và tổ chức mời thuyết giảng, có mối giao lưu (connections) rất rộng rãi trong giới văn chương và nghiên cứu văn học ở Mỹ).

    Cuốn tiểu thuyết đoạt giải tuy là đầu tay, nhưng trước đó ông đã thử nghiệm bằng nhiều truyện ngắn. Không thành công, ông quay sang viết tiểu thuyết lấy cảm hứng và rút ra từ những công trình nghiên cứu học thuật của mình liên quan đến cuộc chiến tranh Việt nam. Tác giả cũng đã có vài tác phẩm được in và trong thời điểm này khi nghe tin đoạt giải, ông đang ra mắt sách mới tại miền Đông, sách mang tên Nothing ever dies cũng viết về Việt nam và những ký ức liên quan đến cuộc chiến.

    Tôi tiếp cận với cuốn sách cũng là dịp tình cờ khi một cô gái Việt, quản lý khu cư xá tôi ở, chỉ cuốn The Symphatizer cô cầm trên tay, hỏi chú đọc cuốn này chưa, tác giả Việt mình đấy, cháu đang đọc chương đầu cũng thấy hay hay. Hỏi ở đâu có, cô nói thư viện đang bày trong kệ sách mới. Tưởng cũng là một tiểu thuyết bình thường, tác giả gốc Việt chắc cũng dễ kiếm. Nhưng phải chạy tới ba thư viện tôi mới tìm được sách, muốn mượn phải chờ hai tuần lễ.

    Gặp lại cô gái, cũng là con mọt sách, bảo khi có sách chú nhớ kiên nhẫn, với cháu thì lạ nhưng với chú nhiều cái đã biết, nhưng văn phong hơi lạ, anh chàng này ít chịu xuống dòng, mỗi đoạn dài lê thê có khi kéo cả trang muốn ngộp thở, lại ít đối thoại nên đọc mờ cả mắt, nhưng hay, rất hay. Chú cứ đọc đi rồi chú cháu mình có thì giờ bàn luận thêm. Cô cũng hé lộ tác giả là giáo sư Anh văn nên văn chương ông viết mang nặng cảm xúc của một trí thức, với cách chọn trạng từ, tĩnh từ ‘rất siêu’ chưa kể từ vựng ông dùng không dễ dãi như đa phần những tác phẩm nặng về story teller.

    Cầm được cuốn sách, tôi nhìn cái bìa khá lâu, cảm tưởng đầu tiên là trình bày không giống ai, nhất là một tác phẩm văn học. Rồi từ màu sắc, đến font chữ, kiểu chữ, hình minh họa không theo khuôn khổ bình thường của trang bìa. Nhưng mặt sau thì đi vào ‘dòng chính’ của kỹ thuật in ấn, với trích đoạn các bình luận của đồng nghiệp hoặc nhà xuất bản. Đọc sơ qua cũng thấy họ ngợi khen văn phong và kịch tính hấp dẫn của tác phẩm thường dành cho những tiểu thuyết điệp viên, trinh thám! Lúc này tác phẩm chưa đoạt giải nhưng đã được xếp loại bestseller trong mục điểm sách của New York Times. Cái đáng nói là phần sơ yếu lý lịch, tuy nằm ẩn ở mặt trong bìa sau, nhưng làm tôi thiện cảm với tác giả dù chỉ vỏn vẹn ít dòng, Viet Thanh Nguyen sinh ra tại Việt nam, lớn lên tại Mỹ, hiện giảng dạy Anh ngữ và Khoa Mỹ học tại Đại học USC, đang sống tại vùng Los Angles. Tất nhiên cũng có tấm hình kèm theo, khuôn mặt trí thức, dáng dấp và kiểu tóc trông như một đạo diễn trẻ, khá ấn tượng.

    Nói về cái tên của sách, thực tâm khi ai nói đến chữ ‘Cảm tình viên’ là anh em chúng tôi dị ứng vì hình dung ngay đó là những kẻ ‘ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản’, không hẳn ở miền Nam mà ở quốc ngọai hồi trước 75, nhiều sinh viên du học quay ra thiên Cộng và trở thành cảm tình viên hoạt động cho phe đối nghịch. Nhân vật chính trong truyện của Viet Thanh Nguyen dù hư cấu cũng không ra ngoài ngoại lệ này. (Chính tác giả cũng bộc lộ qua một cuộc phỏng vấn sau khi được giải là nhân vật điệp viên cộng sản Phạm Xuân Ẩn gây cảm hứng không nhỏ cho ông khi viết và hình thành cuốn tiểu thuyết này).

    Để thành kiến qua một bên, lấy thiện chí để đọc và thưởng thức tác phẩm của một giáo sư văn chương gốc Việt, lại nhân dịp sắp tháng tư đen, tôi đi hết cuốn sách (dày hơn 300 trang khổ lớn) trong vòng ba ngày. Ba tuần mới trả sách, từ từ sẽ đọc tiếp.

    Đọc xong, như một thói quen, tìm đọc thêm xem giới phê bình của Mỹ họ viết gì về cuốn này, nhưng dù họ ca ngợi thế nào thì chẳng bao giờ tôi dám nghĩ ngày nào đó tác phẩm sẽ đoạt giải văn chương sáng giá mà đỉnh điểm lại là giải Pulitzer. Không ngờ chưa đầy một tháng sau, cuốn tiểu thuyết đã trở thành dấu ấn của một tác phẩm thể loại Fiction trong lần thứ 100 của lịch sử giải và người giáo sư gốc Việt trở thành khuôn mặt văn nhân đứng trong hàng ngũ của nhiều văn hào đã từng đoạt giải.

    Đỗ Xuân Tê
    Cali, tháng tư 2016

  • #2
    Chuyện tình báo trong The Sympathizer

    Chuyện tình báo trong The Sympathizer
    Bùi Văn Phú

    Gửi cho BBC từ Hoa Kỳ
    19 tháng 4 2016

    Nhà văn Viet Thanh Nguyen
    Hơn một thập niên qua, cuộc chiến Việt Nam không còn được chính giới Mỹ nhắc đến nữa, ngay cả trong các kỳ tranh cử tổng thống.
    Sau kỳ bầu chọn giữa ứng cử viên John Kerry, cựu chiến binh từng phục vụ tại Việt Nam, đối đầu với George W. Bush (con) vào năm 2004 thì trong các cuộc vận động sau đó, cụm từ “Cuộc chiến Việt Nam” đã lùi vào lịch sử, thay vào là Iraq và Afghanistan.
    Kỳ bầu cử năm nay, ứng cử viên Ted Cruz có đề nghị ném bom trải thảm để tiêu diệt ISIS, nhưng không ai nhắc đến cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ, khi Mỹ dùng B-52 ném bom như trải thảm để tiêu diệt các căn cứ của Việt Cộng.
    Ted Cruz còn quá trẻ hay ông không có nhiều hiểu biết về cuộc chiến Việt Nam nên đã đề nghị như thế mà không lường hậu quả sẽ ra sao. Cũng không có một nhà báo nào đặt cho ông câu hỏi nếu phải đem quá khứ Việt Nam ra soi chiếu cho tương lai, ông sẽ nghĩ sao về bom trải thảm.
    Các ứng cử viên Bernie Sanders và Donald Trump có nhắc đến hai chữ Việt Nam trong khi đi vận động tranh cử, nhưng là trong khung cảnh phản đối hiệp định thương mại TPP đã được Việt Nam ký kết với Hoa Kỳ.
    Nhưng cuộc chiến Việt Nam đang được gợi lại qua tiểu thuyết “The Sympathizer” – Cảm tình viên – của Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt). Một tác phẩm đã có rất đông độc giả tìm đọc trong nhiều tháng qua.
    Đó là một câu chuyện tình báo, như James Bond hay Z-28, xoay quanh vấn đề độc lập, tự do của người Việt và hệ lụy của cuộc chiến với tất cả những đớn đau và phản bội đã được tác giả dựng lại một cách thật hồi hộp, hấp dẫn trên từng trang sách.
    Nhân vật chính trong tiểu thuyết được sinh ra, từ nhỏ bị khinh chê vì là con lai, lớn lên đi du học Mỹ, trở về gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa, lên đến cấp bậc đại úy và là cảm tình viên cộng sản.
    Người con lai đó là hai nửa, một nửa từ linh mục Pháp và nửa kia là bà mẹ người Việt. Có điều gì trớ trêu hơn nữa không, hay cũng chỉ như tiểu thuyết “The Thorn Birds” của Colleen McCullough về một tu sĩ công giáo đã được dựng thành phim tập nhiều bộ?

    Sài Gòn ngày 30/4/1975
    “Cảm tình viên” nhắc đến những tín điều của đạo công giáo, với các kinh bổn, kinh tin kính mà ngay chính một linh mục không giữ được đức tin. Cũng như niềm tin vào việc lấy lại quê hương của một cựu đề đốc, sau tháng Tư 1975 đã lập căn cứ kháng chiến ở Thái Lan. Hay một cán bộ chính ủy trại giam tù cải tạo với niềm tin tuyệt đối vào chủ thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, qua câu nói mà người Việt ai cũng đã nghe qua: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.
    Tin vào tôn giáo, tin vào lý tưởng tự do, hay tin vào cách mạng, nhưng tất cả rồi chỉ là những phản bội.
    Câu chuyện bắt đầu vào những ngày hỗn loạn cuối tháng 4/1975, khi cảm tình viên được di tản bằng máy bay từ Sài Gòn qua Guam, đi theo một tướng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là cấp chỉ huy trực tiếp, cùng với một người bạn là Bốn, đã uống máu ăn thề với nhau từ ngày còn học sinh. Một bạn chí thân khác của hai người, là Mẫn, thì ở lại.
    Sau cuộc di tản, cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ thành hình và gồm đủ mọi thành phần, làm nhiều công việc khác nhau, bác sĩ, luật sư, gác dan, bồi bàn, làm vườn hay chỉ lãnh trợ cấp xã hội.
    Ông tướng qua Mỹ mở tiệm rượu nhưng vẫn quan tâm chuyện chính trị, muốn lấy lại quê hương và được người của CIA cũng như một số dân cử ủng hộ.
    Vì thế không khí chống cộng hừng hực trong cộng đồng. Bốn là người sống chung với cảm tình viên và chỉ muốn tiêu diệt những người cộng sản. Nhiều cựu sĩ quan, binh sĩ mong muốn được trở về lấy lại quê hương. Trong nhà, trong chung cư nhiều người Việt, dù là cựu chiến sĩ hay sinh viên phản chiến đều có treo đồng hồ mang hình bản đồ nước Việt Nam, lúc nào cũng chỉ giờ Sài Gòn để nói lên nỗi nhớ quê hương của họ.
    Nhưng là một điệp viên hai mặt nên từ khi định cư ở Mỹ cảm tình viên vẫn liên lạc và báo cáo các tin tức sinh hoạt của cộng đồng người Việt tị nạn với cán bộ trong nước, qua đường dây bên Pháp là một người dì. Những bức thư có khi dùng mật mã, có khi viết bằng loại mực không hiện mặt chữ. Các hoạt động của cựu tướng, của những hội Cựu chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa, của mặt trận, của các phong trào yểm trợ kháng chiến, các chương trình gây quỹ đều được báo cáo về trong nước.
    Đan xen là những cuộc tình giữa cảm tình viên với nữ thư ký của trưởng khoa, với con gái của ông tướng là cựu sinh viên Đại học Berkeley có tư tưởng tiến bộ phóng khoáng.
    Viết về chiến tranh Việt Nam là nói đến những đau thương, ngoài những cái chết vì bom đạn, chết ngoài chiến trường còn là những đau đớn vì tra tấn để khai thác tin tức. Việt Cộng tra tấn người của Việt Nam Cộng hòa như cảnh trong phim do Hollywood sản xuất, hay trong “phòng trắng” theo cách tra tấn của CIA dạy cảm tình viên tại trung tâm thẩm vấn ở Sài Gòn trước đây, để rồi chính những hành hạ đó sau này lại được dùng để điều tra cảm tình viên sau khi bị bắt trên đường xâm nhập vào Việt Nam.
    Tác giả đã dựng lên những vụ giết người thật éo le. Đó là những vụ ám sát vì lý do chính trị nhưng có thể hiểu là vì tình, vì bị cướp.
    Như cái chết của cựu thiếu tá mà Bốn và cảm tình viên chủ mưu ám sát rồi dàn cảnh như là nạn nhân bị cướp giết.
    Một chủ báo từng là sinh viên du học Mỹ, có tư tưởng phản chiến, làm báo đưa tít: “Move on. War over” cùng đăng những bài viết kêu gọi “hòa giải, trở về xây dựng quê hương” mà cựu tướng cho là thân cộng và ông chỉ nói một câu là cảm tình viên biết sẽ phải làm gì.
    Thế là chủ báo chết, được dàn dựng để bên ngoài cho là chết vì tình, cuộc tình giữa chủ báo và người phụ nữ cực tả gốc Nhật mà cảm tình viên cũng mê, từng ân ái với cô.
    Giết nhà báo xong, cảm tình viên được ông tướng đưa qua Thái Lan cùng với Bổn và hai cựu sĩ quan nữa để tham gian kháng chiến, lấy lại quê hương. Nhưng thực trong tâm cựu tướng muốn chia cắt quan hệ của cảm tình viên với con gái của ông.
    Tiểu thuyết kết thúc bất ngờ khi cán bộ chính ủy cho cảm tình viên rời trại học tập cải tạo và giúp để vượt biển vào đầu năm 1979, từ Sài Gòn, cùng với Bốn. Ra đi lần này, cảm tình viên đem theo 295 trang giấy viết tự kiểm thảo trong hơn một năm bị giam trong trại học tập ở miền Bắc từ khi cảm tình viên, với Bốn và vài kháng chiến quân nữa bị phục kích và bị bắt trong khi xâm nhập vào Việt Nam từ Thái Lan qua ngả Lào.
    Cách hành văn lôi cuốn, đưa người đọc đến những ngạc nhiên và hồi hộp liên tục bên cạnh những nét của đời sống người tị nạn ở Mỹ, phảng phất văn hoá Việt qua trang phục, ẩm thực, sinh hoạt học đường, nếp sống gia đình, sinh hoạt văn hoá trước cũng như sau tháng Tư 1975, với ca dao tục ngữ: “Công cha như núi Thái Sơn…”, với thơ Tố Hữu “Mặt trời chân lý chói qua tim”, với văn chương Liên Xô: “Thép đã tôi thế đấy”.
    Nhiều lần cụm từ “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” được nhắc đến. Đó là câu nói mà người Việt ai cũng biết. Vì câu nói đó mà bao triệu người Việt đã hy sinh để rồi thực tế chỉ là không có gì.
    “The Sympathizer” được Nhà Xuất bản Grove Press phát hành năm ngoái và đã được giới bình luận văn chương đưa ra nhiều lời khen trong những tháng qua.
    Hôm thứ Hai 18/4 tác phẩm này của Nguyễn Thanh Việt đã được trao giải Pulitzer 2016, thể loại tiểu thuyết hư cấu, là giải thưởng văn chương cao quí nhất ở Hoa Kỳ.
    Trên chính trường Mỹ, cuộc chiến Việt Nam đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng trên diễn đàn văn chương, ở một góc độ náo đó thì tâm thức nước Mỹ vẫn chưa bao giờ quên. Chiến tranh chấm dứt đã 41 năm, nay với giải Pulitzer 2016, cuộc chiến Việt Nam đã được gợi lại, nhưng qua một góc nhìn mới lạ của Nguyễn Thanh Việt, từ một đứa trẻ tị nạn, tốt nghiệp tiến sĩ văn chương từ Đại học Berkeley và đang giảng dạy tại University of Southern California.
    Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của người viết, một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

    Comment


    • #3
      Nguyễn Thanh Việt: 'Giữa hai thế giới'


      Nguyễn Thanh Việt: 'Giữa hai thế giới'

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X