Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Trung Tá Võ Vàng - Xin Một lần Được Nhắc Tên

Collapse
X

Trung Tá Võ Vàng - Xin Một lần Được Nhắc Tên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Trung Tá Võ Vàng - Xin Một lần Được Nhắc Tên


    Trung Tá Võ Vàng - Xin Một lần Được Nhắc Tên
    Trương Đức Thủy

    Thời gian vẫn vô tình trôi qua, như nước chảy dưới cầu, như vó câu qua cửa sổ.... Và lòng người thì bị cuốn hút vào trong cơn lốc xoáy nghiệt ngã của thời cuộc. Tháng Tư uất hận một lần nữa lại về .... Đã bao lần tôi muốn viết vài dòng trân trọng, để tưởng nhớ anh, nhưng tiếc thay tôi biết quá ít về đời tư của anh, dù đã có thời gian anh đối xử và thương mến tôi như thằng em nhỏ dại. Sau khi cải tạo về, tôi đã cố tìm gặp những người có mặt bên anh trong những giây phút cuối, để lấy thêm dữ kiện sống, nhưng cũng không thỏa mãn được những điều tôi muốn biết. Ngay khi mới đinh cư tại Hoa kỳ, tôi đã tìm tòi qua báo chí, nhất là những thiên hồi ký trong tù của nhiều người, nhưng cũng chỉ thoáng qua tên anh. Tháng Tư năm 1975, tháng Tư 2004: 29 năm, một phần ba đời người sống thọ. Thời gian thật dài. Sợ chờ đợi mãi, có khi trí óc bị bào mòn và thời gian sẽ đưa tất cả vào quên lãng. Thà thắp lên tia lửa nhỏ, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm. Tôi quyết định, mạo muội viết những kỷ niệm về anh, gọi là thắp nén hương tưởng niệm người anh hùng, tôi hằng kính yêu nhân ngày giỗ thứ 27 sắp tới của anh. Tháng 7 năm 1977.... Tháng 7 năm 2004.

    QUEN ANH NHƯ LÀ MỘT ĐỊNH MỆNH - Người ta ở đời có hai trường hợp:

    Thứ nhất: Mới thoáng gặp nhau là đã có cảm tình, muốn trò chuyện, muốn kết thân, hay trai gái mới gặp nhau đầu mày, cuối mắt đã phải lòng nhau, muốn trao nhau trái tim yêu nóng hổi, sách tướng số, bói toán gọi là hạp căn, hạp tuổi, hạp mạng, v.v.. Thứ hai: Mới gặp nhau dù chưa từng quen biết, mới thoáng qua là đã muốn dọa, muốn đục, muốn đuổi đi cho khuất mắt, sách tướng số gọi là xung khắc, không hạp căn, không hạp mạng, gần nhau là như chó với mèo.... Tôi hân hạnh quen anh nằm trong hai trường hợp trên. Sau chuyến công tác, trở về Đà Nẵng, buổi chiều hôm đó tôi dẫn cô bé Lệ H... đi ăn ở nhà hàng nổi, trước khách sạn Bạch Đằng, đây là lần đầu tiên tôi đưa cô bé đi ăn ở nhà hàng. Thường thường chúng tôi đi ăn kem Diệp Hải Dung, cơm gà Hải Nam, hay bánh hỏi thịt nướng, chè Ngã Năm... đi vào chỗ nào, cô bé cũng rụt rè, e lệ, tôi muốn đưa vào nhà hàng để cô bé làm quen với không khí mới lạ. Bước chân vào trong, cô bé đã tỏ ra mất bình tĩnh trước không khí nhiễm đầy khói thuốc và sắc áo rằn ri. Tôi trấn tĩnh em và đưa vào một góc cuối, hai đứa đang cúi xuống trên tấm thực đơn, chọn thức ăn, thì có một bóng người đến đứng trước bàn tôi, tôi ngẩng đầu lên, bắt gặp khuôn mặt đỏ ké, trong bộ quân phục rằn ri Biệt động, trên cổ áo một bông mai đen, tôi tưởng bạn nhìn lầm người, nên định đứng lên chào, nhưng không, anh chàng đưa mắt nhìn Lệ H. và gằn giọng nói với tôi: Ai cho phép mày nghinh bọn tao? Tôi biết mình đang bị kiếm cớ gây sự. Tôi thầm kêu khổ trong bụng, không phải tôi sợ, tôi là thằng lì có tiếng, ngàn lần tôi không sợ, nhưng làm sao tránh cho cô bé khỏi bị tổn thương. Tôi xin vắn tắt vài dòng, xem tôi đã làm gì mà các bạn Biệt Động ngứa mắt. Tôi vừa ra trường trên một năm, xông pha trận mạc vài lần, nhưng nhỏ con, chưa qua khỏi tuổi 21, nên còn rất thư sinh, nếu cởi bỏ binh phục thay vào áo trắng quần xanh, tôi cũng chỉ là cậu hoc trò trung học. Thế mà dám dẫn đào vào đây rước đèn, áo quần cũng rằn ri nhưng khác màu của Biệt động, binh chủng chúng tôi có cái thói quen lập dị là không bao giờ mang cấp bậc, nếu có mang cũng rất kín đáo, như muốn không cho ai thấy, gắn ở chuôi dao găm, sau nắp túi áo.... Rừng nào thì cọp nấy, thành phố Đà Nẵng là rừng của anh em Liên đoàn I BĐQ. Tôi biết tôi đã làm cho các anh gai con mắt, và muốn đục tôi, dằn mặt.

    Anh Thiếu úy chưa thấy tôi trả lời, đã cao giọng ra lệnh: mày hãy đến bàn kia xin lỗi mấy anh đi, thì tau tha cho! Tôi biết tình hình quả gay go. Thực khách lần lượt ra khỏi nhà hàng. Xin lỗi ư? Không bao giờ, vì tôi có lỗi gì đâu. Vì tự ái, vì màu áo tôi đang mặc, tôi biết chắc là có đổ máu, đổ máu một cách vô ích, vì trong túi quần trận tôi luôn luôn có khẩu Breta nhỏ, Lệ H. tái mét mặt mày. Tôi bảo nhỏ: Em qua ghế đá ngồi đợi anh. Tôi bỏ tay vào túi quần, chạm cục thép lạnh, tôi nghĩ nếu anh bạn xáng tôi bạt tai, thì máu sẽ đổ. Trong giây phút quả bong bóng căng sắp nổ, thì có tiếng tằng hắng nghe rõ mồn một ở gần quầy, anh chàng Thiếu úy nhìn lên, lẳng lặng về bàn và cả bộ ba kéo nhau rời nhà hàng. Lệ H. như chết khiếp, tôi phải trấn an nàng, nên chưa để ý xem ai vừa tằng hắng, mà mấy ông thần gây sự bỏ đi, thì một người cao to, bước đến trước mặt, tôi nhìn thấy cặp galong Thiếu Tá trên cổ áo rằn ri, bảng tên trên túi: VANG. Tôi đứng thẳng người chào, nhưng Thiếu Tá vỗ vỗ vào vai tôi và nói: Em hãy ngồi xuống và tự nhiên cùng bạn gái em ăn uống, xem như không có gì xảy ra. Ông hỏi tôi về đơn vị, tôi trình bày đơn vị, cấp bậc, và nói: Em vừa về sau chuyến nhảy dài nên chưa cắt tóc, các anh kia thấy gai mắt mà sinh chuyện, xin Thiếu Tá tha lỗi. Ông dịu dàng: Em không có lỗi gì cả, thôi quên đi mà vui vẻ với bạn gái. Chúng tôi chưa ăn gì cả, và thức ăn cũng chưa mang ra. Lệ H. một mực đòi về, tôi đành chiều nàng. Tôi đứng lên: Thưa Thiếu Tá, cho em đưa bạn gái về, không ngờ ông sốt sắng lấy xe Jeep đưa chúng tôi về, dù tôi quyết liệt từ chối, sợ làm phiền ông. Sau khi trả Lệ H. về nhà nàng, tôi lại đi chơi và tâm sự với ông gần sáng đêm. Đó là Thiếu tá VÕ VÀNG, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 21 BĐQ, lừng vang trên chiến trường Miền Trung.

    Từ lúc còn mài đũng quần trên ghế Trường TH/PCT/ĐN, tôi đã nghe danh và ngưỡng mộ người anh hùng này, không ngờ tình cờ như một định mênh xui khiến, tôi được quen Ổng và được ổng thương mến như em út. Ông bắt tôi gọi bằng anh và gọi tôi bằng mày (tiếng mày từ miệng ông sao mà thân mật quá, không như tiếng mày của anh bạn Thiếu úy BĐQ gọi tôi trong nhà hàng, nghe qua đã lộn máu nóng lên đầu....) Tôi thưa: Trước mặt lính tráng của Thiếu Tá, mà em gọi như vậy e bất tiện quá! Ổng nghiêm giọng: Có sao đâu, mày là em tau, là em tau thì phải gọi tau bằng Anh.

    NHỮNG NĂM THÁNG CÓ ANH TRONG ĐỜI

    Từ đó sau những lần về ĐN tôi thường ra căn cứ Liên đoàn 1/BĐQ ở Phú lộc (trên đường ra Hòa Khánh, quẹo tay mặt) để thăm anh, nhờ đó mà tôi quen gần hết các bạn trong Tiểu đoàn 21/BĐQ, kể cả anh Thiếu úy T. người đòi đục tôi trong nhà hàng. Thời gian những năm 66, 67, chiến trường miền Trung vô cùng sôi động. Đồng minh ào ạt đổ quân vào. Tiểu đoàn 21 BĐQ của Thiếu Tá Võ Vàng đã tạo những chiến công vang dội, báo chí trong và ngoài nước nức lòng ngợi khen, các cấp chỉ huy Quân Đồng minh nể mặt. Những lần gặp lại anh, tôi được anh thương mến đặc biệt, thường dặn dò và bày vẽ những kinh nghiệm chiến trường, vì duới mắt anh, tôi chỉ là con dê non ưa húc càn. Anh luôn nói về đời lính và yêu đời quân ngũ trên hết mọi chuyện, ở anh chỉ có chiến công và mong sớm có thanh bình cho quê hương. Tết Mậu Thân, hai anh em cùng hành quân trên một địa bàn, Nam sông Hương. Khi tạm yên tiếng súng, anh gọi tôi sớm mai đến Bộ chỉ huy (BCH) của anh để uống bia, nhưng đêm đó, tôi nhận lệnh bàn giao khu vực trách nhiệm cho đơn vị bạn, để đến vùng hành quân khác,thất hẹn với anh. Sau Mậu Thân, anh được vinh thăng Trung tá và giữ chức vụ Liên đoàn phó LĐ1/BĐQ. Sau đó anh được thuyên chuyển về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Quân vụ; đây là thời gian dài, chúng tôi không gặp nhau, Trường Võ Bị Đà Lạt là chỗ dung thân tốt nhất cho những ai muốn tìm chữ THỌ, nhưng trong những bức thư anh gởi cho tôi, anh luôn luôn than buồn chán và nhớ chiến trường. Hơn ai hết, tôi biết con hổ bất đắc dĩ phải xa núi rừng thì rất nhớ rừng xanh núi thẳm. Anh mong được trở lại thời ngang dọc cũ. Và anh được toại nguyện, anh trở ra cầm quân trong chức vụ Trung đoàn trưởng trung đòan 5/SĐ2 Bộ Binh, tôi cứ đinh ninh với tài thao lược và kinh nghiệm của anh, đường tiến thân của anh sẽ thênh thang, rộng mở. Những ngày trước khi Hiệp định Paris được bốn bên ký kết, VC cố đánh chiếm Sa Huỳnh để làm cửa khẩu và cắt đứt con đường huyết mạch Nam Bắc của VNCH; đây là đất anh dụng võ, anh muốn đánh trận đánh để đời, nhưng đột nhiên tôi nghe anh bị cách chức Trung Đoàn trưởng. Nguời cách chức anh là Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh SĐ2 BB. Tôi xin dành ít dòng để điểm qua báo chí về vị tướng này:

    Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Chuẩn tướng Nhựt thì canh bạc xì phé ông ăn đậm nhất là khi mặt trận Bình Long nổ ra. Ông đã về nhiệm sở kịp thời để xí phần vì trên cương vị Tỉnh trưởng và Tiểu khu trưởng Bình Long, ông không góp tí công lao nào cả, mà mọi chuyện đã có Chuẩn tướng LÊ VĂN HƯNG Tư lệnh SĐ5/BB, Đại tá Lê Quang Lưỡng, Lữ Đoàn Dù, Đại tá HUẤN, Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù lo trọn gói. Khi An lộc được quân dân anh hùng tái chiếm, Bà vợ Chuẩn tướng Nhựt đã chạy cửa hậu với chị Sáu Thẹo, kiếm cho cái chức Tư lệnh SĐ2BB và một ông sao (ông này có số núp bóng quần hồng). Trong trận tái chiếm Sa Huỳnh, SĐ2BB dưới tài cầm quân của Chuẩn tướng Nhựt thì ra sao (?) xin mời quý vị hãy nghe nhân chứng sống, Trung úy Trần Thy VÂN, người trực tiếp dự trận đánh với chức vụ Đai đội trưởng ĐĐ1/Tiểu Đoàn 21 BĐQ, kể sau đây trong tập bút ký chiến trường ANH HÙNG BẠT MẠNG của Ông: (Theo lời Thiếu tá Quách Thưởng kể, trước khi TT Nguyễn Văn Thiệu đến BCH Trung đoàn 6 xem thành quả tái chiếm Sa Huỳnh, các khối vũ khí được trình bày riêng rẽ, với tấm bảng đề tên đơn vị tịch thu. Dĩ nhiên chiến lợi phẩm của LĐ1/BĐQ cũng được ghi rõ. Đặc biệt thêm một tấm tương tự treo trên nòng súng phòng không 12ly8. Nhưng khi phái đoàn Tổng Thống đáp trực thăng xuống và các Sĩ quan Mũ nâu ra sân đón rước, thì Chuản Tướng TRẦN VĂN NHỰT LIỀN CHO BỘ HẠ NƠI PHÒNG TRIỂN LÃM ĐÁNH THÁO HẾT CÁC TẤM BẢNG GHI CHIẾN LỢI PHẨM, NGHĨA LÀ MỘT DÃY 300 CÂY SÚNG ĐỦ LOẠI DO BĐQ TỊCH THU, BỖNG TRỞ THÀNH CHIẾN LỢI PHẨM CỦA SĐ2BB. Ông còn trắng trợn, bỉ ổi không thể tả được là độc nhất có cây phòng không 12ly8 của ĐĐ tôi cũng bị đánh tráo luôn, không chút ngượng tay. Rõ ràng hành động của Chuẩn tướng NHỰT như anh hàng thịt, treo đầu heo bán thịt chó. Tội nghiệp đám tướng sĩ tượng, cả xe pháo mã đứng xem chỉ biết tấm tắc khen tài, chứ đâu có ngờ ông bình vôi, nửa người nửa ngợm, vừa làm trò ảo thuật cướp công xương máu BĐQ....) (Xin ngưng trích).

    Tháng Tư năm 1975, Chuẩn Tướng NHỰT (hay là GIỰT chạy) kéo được ít quân tháo chạy về Tuy Hòa, được Trung Tướng Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3, giao cho làm Phụ tá Hành Quân tái phối trí lực lượng. Giữa lúc dầu sôi lửa đỏ, Chuẩn tướng NHỰT lên trực thăng xin đi thị sát mặt trận, nhưng vù thẳng ra Hạm đội 7, đào ngũ. Theo kỷ luật Quân đội: khi đối diện với địch mà đào ngũ thì ra toà án binh, bị tước đoạt binh quyền và có thể bị Tử hình. Nhưng khi qua đến Mỹ, Chuẩn tướng NHỰT đã không bị lột lon, mà còn tự phong là Thiếu tướng, ba hoa chích choè. Khi bị báo chí vạch lưng, thì đánh lận con đen, xưng là Tướng (General) để người ta có thể tưởng là Major General, hay Lieutenant General, hay hơn nữa... mà thực chất là phường biển lận, tên hèn nhát, kẻ vô liêm sỉ, bất tài. Đất nước chúng ta để cho những tên như vậy, giữ trọng trách trấn nhậm những vùng hiểm yếu, mà mãi đến 1975 mới rơi vào tay VC, âu cũng là một phép lạ, hy vọng sử sách sẽ dành cho những tên tướng Quảng-lạc này vài chương, để hậu thế tránh vết xe cũ. Hiệp định Paris được ký kết, trong đó có kèm theo 2 Nghị định Thư, tổ chức hai cơ quan thi hành, đó là ICCS (International Commission Control, Surpervision) gọi là Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm hai nước CS là Ba Lan và Hungary, hai nước tự do là Indonesia và Canada. Nhưng sau Canada thấy không đi đến đâu nên rút lui và Iran vào thay thế (thời gian này Iran còn có Vua Palavi, thân Mỹ) và cơ quan kia là Ban liên hợp quân sự bốn bên và sau còn lại hai bên (VNCH và Thằng Giải Phóng đội lốt). Trung tá VÕ VÀNG bị đưa về Phú Bài, Huế giữ chức vụ trưởng toán BLH/Quân Sự VNCH Phú Bài, một chức vụ ngồi chơi xơi nước vối. Anh như con cọp bị chặt hết nanh vuốt, buồn rầu, chán nản. Tôi đến thăm anh, tìm cách an ủi anh, cũng như tìm hiểu nguyên nhân tại sao cờ đến tay anh đang phất mà bị người ta giựt mất. Anh chỉ buồn rầu nói: Chỉ vì anh biết quá nhiều, người ta sợ anh nổi lên thì người ta sẽ mờ đi. Nó nhiều tham vọng nhưng tài hèn và nhiều thủ đoạn....

    Tôi sợ anh buồn chán, nên đem đến cho anh đủ dụng cụ thể dục và khuyên anh tập đều đặn, để giữ sức khoẻ, người ta sẽ cần đến anh. Trong thời gian ở Phú Bài, công việc của anh có phần nghi lễ, nghĩa là đón tiếp các phái đoàn từ Sài Gòn ra tại sân bay Phú Bài. Một hôm anh ra đón một Đại tá người Hungary, Trung tá Võ Vàng trong cái bắt tay xã giao, đã bóp nát tay tên Đại tá CS, tên Đại tá này sau đó làm lớn chuyện, gởi văn thư phản kháng đến Trung ương. Anh rất căm thù CS dù dưới màu da nào. Hiệp định Paris chưa ráo mực, CSVN đã vi phạm khắp nơi, Tướng Ngô Quang Trưởng sáng suốt, thấy được viên dõng sĩ đang ngồi chơi xơi nước vối, nên vội gọi vào trình diện và giao cho Liên đội ĐPQ Quảng Nam, hình thức tổ chức của Liên đội ĐPQ, cấp số cũng tương đương với Lữ đoàn hay Trung đoàn. Khi đi nhận nhiệm vụ, anh có hỏi tôi: Muốn làm việc cạnh anh không? Tôi biết anh thương tôi, muốn nâng đỡ tôi. Tôi quá quyến luyến màu áo đang mặc, nên xin cho thời gian nữa. Nhưng không có thời gian nào cho chúng tôi nữa cả. Tháng 3/75, Đà Nẵng tan tác, ĐN uất nghẹn đau thương, tan đàn rẽ nghé.... Ngày 5 tháng Tư năm 1975, một buổi sáng tôi ra giếng nước trong Quận Điện Bàn, Quảng Nam (nơi đám tù tàn binh tập trung) để lấy nước, bất ngờ gặp anh, tôi như chết lặng. Tay trái anh được treo lên: Anh cho biết ngày 29/3 mới về đến Đà Nẵng, đang đi trên đường Thống Nhất gần Cầu Vòng, thì bị một chiếc xe dân sự tông anh, may mà anh văng lên lề, chỉ bị thương. Tôi thật sự lo lắng cho anh, vì anh nổi tiếng quá. Ngay đây, nơi tập trung tù binh, cũng không có ai dám gần anh để giúp anh trong khi anh đang bị thương. Tôi chỉ nói với anh, ngay bây giờ anh phải tìm cách thoát, lợi dụng lúc này để thoát, nguy hiểm quá. Tuần lễ sau, tôi bị đưa đi chỗ khác với thầy Hoàng Thế Diệm, không còn qua lại thăm anh.

    NGƯỜI ANH HÙNG BỊ THỦ TIÊU

    Sau thời gian tập trung tại Quận đường Điện Bàn, QN, tất cả tù tàn binh trình diện hay bị bắt tại Đà Nẵng, được đưa lên Trại Kỳ Sơn. Trại Cải tạo Kỳ Sơn gồm 1 tổng trại và 4 phân trại. Sĩ quan cấp tá ở trại I gần mỏ vàng Bồng Miêu. Trại 2 nằm sâu về hướng Tây, dành cho Sĩ quan cấp Đại úy. Trại 3 và 4 dành cho cấp Trung úy trở xuống, gần trại 1 và Tổng trại. Anh Võ Vàng nằm trong trại 1. Sau thời gian đầu lo xây dựng doanh trại, phát rẫy canh tác, ổn định nơi ăn chốn ở. Tháng 5 năm 1977, đợt học tập chính trị được mở ra trên quy mô rộng lớn. Tất cả đều nghỉ lao động và tham dự 100%. Những buổi học, tất cả tập trung tại hội trường để nghe cán bộ chinh trị lên lớp và sau đó về tổ thảo luận những bài: Đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù số 1 của nhân dân ta và loài người tiến bộ trên trái đất. Hệ thống Xã hội chũ nghĩa.... Nhưng hóc búa và điên đầu nhất là bài Ngụy quân và Ngụy quyền, tập đoàn tay sai bán nước. Sau khi ngồi nghe chưởi rủa trên hội trường, trở về tổ phải liên hệ bản thân, tự giác khai ra những việc đã làm trong thời gian phục vụ trong quân đội VNCH. Đây là bản án, tự mình viết cho mình, ai cũng phải tìm cho mình một cái tội. Sau đợt học tập chính trị, có người như bị kiệt sức vì bị những đòn tra tấn cân não. Nhiều lúc giữa đêm khuya bị gọi lên khung (bộ chỉ huy) làm việc, cứ tra đi hỏi lại những hoạt động đã qua. Trung tá Võ Vàng là mục tiêu chính, bọn cai tù nhắm đến, luôn luôn chúng đặt câu hỏi: Trong quá trình chỉ huy BĐQ, Trung đoàn Trưởng, Liên đội Trưởng, anh đã giết bao nhiêu cán bộ CS và dân lành? Mấy ngày đầu anh trả lời: Trên cương vị chỉ huy, tôi chưa bao giờ trực tiếp bắn, còn lính dưới quyền, lúc xung trận, ai bắn chậm thì chết, tôi không biết. Bọn chúng đâu có chịu... bọn chúng quay anh từ sáng tới tối, ngày nọ sang ngày kia, nhưng anh vẫn kiên gan giữ vững lời khai... đến lúc đó, bọn chúng mới đem những tờ báo cũ có ghi kết quả các trận đánh ra và tổng kết tổn thất địch (VC) trong khoảng thời gian anh Vàng chỉ huy, không dưới 20 ngàn VC phơi thây. Bản án Tử hình cho anh đã manh nha thành hình.

    Trong số các vệ binh coi tù, có nhiều tên mới theo VC sau 30 tháng 3/75, gồm nhiều thành phần, có tên rất khát máu, thù hận vì có thân nhân bà con chết trong cuộc chiến, nhưng cũng có tên nguyên trước 30 tháng 3 là học trò của vợ tù, nên cũng dễ dãi và dễ bị mua chuộc để lấy tin tức. Sau đợt học tập chính trị quy mô kéo dài trên một tháng, tất cả tù được lệnh đi lao động trở lại. Một đêm đầu tháng 7 năm 1977, bộ chi huy trại 1 có cuộc họp chi bộ đảng, bản án tử hình dành cho Trung tá VÕ VÀNG đã được tổng trại Kỳ Sơn ký từ trước. Buổi họp này có mục đích tìm người tình nguyện thi hành bản án. Tên Nguyễn Bốn, tên vệ binh loắt choắt, nhỏ con nhưng khét tiếng ác độc và khát máu đối vời tù, đứng lên tình nguyện thi hành. (tên Bốn này có cha hoạt động nằm vùng cho VC bị nghĩa quân giết). Buổi trưa hè tháng 7 năm 1977, tổ của Trung tá Võ VÀNG có nhiệm vụ tỉa bắp trong rẫy, cạnh sông Vàng (nói là sông, nhưng thật sự là dòng suối nhỏ chảy qua các ghềnh đá bị xoi mòn rất đẹp) trong khu vực Mỏ Vàng Bồng Miêu. Trời đứng bóng, nắng chang chang, tất cả tổ nghỉ lao động kéo nhau vào bóng mát, lấy vắt cơm sắn và chút nước mắm cái ra ăn, thì tên Nguyễn Bốn xuất hiện với AK trên tay, ra lệnh: Anh Vàng theo tôi lên đồi nhổ sắn (củ mì) về bồi dưỡng cho cả tổ. Linh tính báo cho biết việc chẳng lành, anh em trong tổ nhao nhao lên: Xin anh cho tôi đi nhổ sắn thay, vì anh Vàng mấy hôm nay bị kiết lỵ, yếu lắm. Nhưng tên Bốn vẫn khăng khăng bắt anh Vàng đứng lên đi lên đồi. Khoảng từ 7 đến 10 phút sau, thì một loạt AK nổ. Lát sau, tên Bốn trở xuống nói: Các anh lên đem xác tên Vàng xuống chôn cất, nó giựt súng tôi, nên tôi đã xử lý. Bọn khốn nạn, lũ hèn nhát đã giết anh một cách hèn hạ. Tại sao chúng lại dựng nên tấn tuồng giết người tay không một cách hèn hạ như vậy? Vì bản chất chúng là bọn người hèn hạ, đê tiện, làm việc gì cũng không quang minh, chính đại, hành động của lũ đầu trộm, đuôi cướp.... Anh đã tức tưởi nằm xuống bên dòng sông Vàng, trong khu Mỏ Vàng Bồng Miêu, như là một định mệnh....

    Anh VÕ VÀNG kính yêu, đã 29 năm, ngày Tổ quốc bị bức tử, 27 năm ngày anh bị chúng hành hình một cách hèn nhát. Thời gian đủ để mọi người mở mắt nhìn thấy rõ Thiên đường Cộng sản, thời gian đủ dài để xác thân anh trở về với cát bụi, và em tin tưởng linh hồn anh đang oai nghi, thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Xin hãy cho em một lần được nhắc đến tên Anh, Anh VÕ VÀNG, với lòng kính phục và thương tiếc sâu xa, một người anh, một chiến sĩ QLVNCH kiệt xuất, hy sinh hết tuổi thanh xuân và cống hiến thân xác cho đại cuộc: Bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc. Xin anh cho em được đốt nén hương tưởng niệm anh nhân ngày giỗ thứ 27 của anh. Xin anh cho em một lần nữa nhỏ nước mắt nhớ thương Anh.

    Trương Đức Thủy


    __________________________________


    Về Một Lời Hứa Từ 39 Năm Qua

    Kính gửi chị Đường - Phu nhân cố Trung Tá Võ Vàng,

    Tôi không còn nhớ mình đã từng kéo bàn phím chiếc computer ra bao nhiêu lần nữa, không phải để ‘check’ những ‘mail’ của bạn bè xa gần gửi đến hay tìm kiếm vài thông tin cần thiết hầu bổ sung cho cái ‘nghề tay trái’ đã nuôi sống bản thân và gia đình trong mấy chục năm qua, mà như muốn viết lên một điều gì đó, một sự kiện gì đó đã xảy ra trong những đoạn đường đời mình đã đi qua. Nhưng rồi, cứ mỗi lần nhìn đăm đăm vào chiếc màn hình trắng xóa thì đầu óc lại không nhớ ra được mình phải gõ lên đó những gì dù vẫn có cảm giác như có ai đó đã và đang hối thúc tôi ghi lại những gì đã chìm sâu dần trong ký ức qua bao năm tháng dài tôi vừa phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, vừa phải lạng lách tránh những rình rập vô hình mãi đeo đẳng tôi cho đến bây giờ…

    Rồi bỗng dưng, như một cơn mưa bất chợt giữa ngày Hè nóng bức, trong cuộc gọi chuyện trò bình thường gần đây nhất với một người vừa là bạn, vừa là đàn anh trong quân ngũ, ở xa, không biết có phải từ những ký ức anh ấy đang cùng với một người bạn gợi lại về quãng đời lao tù trong những nơi Cộng Sản gọi là Trại Tù “Cải Tạo” mà thực chất là Trại Tù Khổ Sai dành cho những Sĩ Quan của chế độ cũ, anh đột nhiên nhắc đến tên của ‘một người’. Lời nhắc này giống như tiếng gõ rất mạnh khiến ký ức tôi mở toang cánh cửa đã vô tình đóng kín một lời hứa sau lời xin lỗi với ‘người ấy’ từ hơn 38 năm qua. Và tôi chợt liên tưởng đến những lần muốn kể lại điều gì đó từ lâu đang cứ lảng vảng trong tiềm thức khiến tôi mãi ray rức, canh cánh trong lòng….

    Lời xin lỗi kèm theo lời hứa với ‘người ấy’ đã chỉ được nói lên trong thầm lặng trong khi tôi và anh Chí (Nhà trưởng thuộc Khối 1 của Trại Tù Kỳ Sơn vào khoảng giữa năm 1977) được lệnh trực tiếp từ tên “Quản giáo” Nhà phải tường trình vụ ‘người ấy’ bị bắn chết, hoàn toàn trái ngược với sự thật, ngược lại với những gì chúng tôi đã nghe bằng chính tai và chứng kiến bằng chính đôi mắt của mình.

    Từ trại tạm giam tại Điện Bàn, Quảng Nam vào thượng tuần tháng 4/1975, sau khoảng gần 2 tháng và cũng sau khi Sài Gòn thất thủ, chúng tôi bị chuyển lên Trại Kỳ Sơn, Bồng Miêu (Tam Kỳ, Quảng Tín). Từ lúc xe lăn bánh, chúng tôi (số Sĩ quan cấp Tá) đinh ninh sẽ bị đưa ra các trại giam ngoài Bắc (theo tin đồn). Nhưng khi ra đến Quốc Lộ 1 thì đoàn xe quẹo trái hướng về nam khiến chúng tôi không thể nào đoán được mình sẽ bị đưa đến đâu. Dọc đường, tôi chỉ biết theo dõi những điểm đoàn xe đã đi ngang qua và nhớ lại rất rõ từng địa danh, vì là vùng trước kia đơn vị tôi đã từng vượt qua trong những lần hành quân (từ cuối 1969 đến giữa 1971).

    Đoàn xe đến Tam Kỳ thì quẹo phải về hướng núi và tiếp tục trên con đường đất rộng khoảng 6-7 mét, lạ hoắc với tôi. Lúc này tôi chỉ còn theo dõi cảnh vật gần xa dọc 2 bên đường mà thôi.

    Khoảng hơn 50 phút sau, (hồi đó, hầu hết tù binh chúng tôi đều còn mang đồng hồ, vì tại trại Điện Bàn hằng ngày chỉ nghe giảng thuyết về tư tưởng Cộng Sản chứ không bị buộc lao động) đoàn xe chở chúng tôi dừng lại trước một khu trại đã có sẵn mấy chục căn nhà lợp tranh và chúng tôi được lệnh xuống xe vào trại.

    Chúng tôi bị chia thành từng toán, mỗi toán gốm 25 người, không phải theo danh sách đã có sẵn mà do ngẫu nhiên, tức là tự động sắp thành từng hàng dọc và ai muốn bước vào hàng nào thì cứ việc, miễn sao đủ 25 người là được. Sau đó, một người trong mỗi toán mới ghi tên họ những người trong toán, làm thành từng danh sách. Và mỗi toán sẽ ở trong cùng một căn nhà; mỗi 4 Nhà (ngoài Bắc gọi là Buồng) thì thành một Khôi. Và Trại chúng tôi có tên là Trại 1. Sau đó mới biết Tổng Trại Tù Kỳ Sơn gồm cả Trại 2,3 và 4 nằm quanh quẩn cách Trại 1 chừng 3 hay 4 km do Bộ đội quản lý. Ngoài ra còn có một Trạm xá nằm đối diện hơi chênh về phía phải với Trại 3 nhưng ở phía bên kia con lộ chính, sâu vào khoảng 30 mét.

    Nhà chúng tôi thuộc Khối 1 gồm hầu hết là Trung Tá và Thiếu Tá, chỉ có 4 hay 5 Đại úy. Tôi chỉ còn nhớ một số tôi còn ấn tượng do thường chuyện trò, cùng toán đi lao động hay ngủ cạnh nhau trên một dãy sạp bằng tre:

    - Cấp Trung Tá có Ngô-Hoàng (SĐ2BB, người Huế), Ng-văn-Tố (từng là Tỉnh Trưởng Phú Yên, người Huế), Ng-văn-Thành (Liên đoàn Trưởng Địa Phương Quân, người Huế), Võ-Vàng (gốc Biệt Động Quân, người Quảng - gọi chung cho Quảng Nam và Quảng Ngãi), Thuật-Xáng (CTCT/QĐ 1, người Huế ), Cẩn (Pháo.Binh, người Quảng-Trị), Liên (Không.Quân, người Nam), Chí (Truyền Tin, người Bắc), v.v…

    - Cấp Thiếu Tá có Khoa ( Pháo.Binh, người Huế), Bảo (Pháo.Binh, người Bắc), Cảnh (Bộ Binh SĐ 2, người Huế), Cúc (Ban 2 Tiểu Khu Quảng.Nam, người Quảng ), Hiển (Cảnh Sát, người Huế), tôi (Kỵ Binh, người Huế),v.v…

    - Và cấp Đại úy có Chí, Hóa (Công Binh, người Huế), Ninh (Ban 2 Chi.Khu Q.Tín, người Quảng ), v.v…

    Mỗi Nhà bầu một Nhà trưởng, và chúng tôi đã bầu anh Chí (để phân biệt với anh Chí cấp Trung Tá, chúng tôi thường gọi anh là Chí ‘nhỏ’). Mỗi Nhà do 1 Quản giáo trách nhiệm. (theo như tôi để ý, hầu hết Quản giáo đều là người Quảng). Riêng về Khối thì anh Ngô-Hoàng (do Cán bộ chỉ định) làm Khối trưởng Khối 1. Từ đó chúng tôi dần dần làm quen với nhau và cũng từ nơi này chúng tôi bắt đầu nếm mùi vị của tù lao động khổ sai.

    Hàng tháng, chúng tôi phải “học tập Chính trị”, thường thì theo từng toán gồm ½ Nhà (khoảng 12 hay 13 người), do” Quản giáo” hướng dẫn. Có lúc ½ nhà học chính trị và ½ Nhà còn lại đi lao động. Và mỗi 2 hay 3 tháng thì toàn Trại học tại Hội trường do 1 tên chính trị viên từ cấp cao hơn đến phụ trách.

    Khoảng hơn 3 tháng sau, gia đình, thân nhân được phép đến thăm tù nhân theo định kỳ mỗi tháng 1 lần tại một căn nhà tranh lớn và tương đối rộng, dựng trên một ngọn đồi thấp, chung quanh là những bụi cây nhỏ cao khoảng hơn 1 mét, ngay ngả ba của đường vào trại 1,2 và 3 (Trại 3 nằm trên cùng một con lộ với Trại 1), cách Trại 1 chúng tôi khoảng 3 km, gọi là Trại Tiếp tân.

    Cũng nhờ vào những lần thăm viếng này mà chúng tôi được cung cấp thông tin về tình hình bên ngoài của một số địa phương kèm theo một ít thức ăn, nhất là đường (loại bánh đường đen hay những miếng đường màu vàng, thứ mà chúng tôi thèm, nhất là trong thời gian lao động nặng).

    Khoảng hơn 1 năm sau, sự kiện đầu tiên đã xảy ra, không phải tại các Trại tù mà ngay tại Trạm xá của Tổng trại :

    Bác-sĩ Phạm-văn-Lương (nghe nói trước năm 1975 đã từng cầm lựu đạn đến tại cửa tòa nhà Quốc Hội để chống đối Chính Phủ) đã tự vẫn bằng thuốc chống sốt rét ‘Chloroquine’.

    Sau này một vài người trong nhà chúng tôi được vài tù nhân phục vụ tại Trạm xá kể lại về cái chết vật vã bằng loại thuốc này thật khủng khiếp: trước khi chết, anh đã điên cuồng búng người từ sạp này đến sạp khác, quằn quại rồi co quắp một hồi mới tắt thở. Họ cho biết thêm là khoảng 1 tháng trườc đó, sau lần gần nhất được vợ con đến thăm, anh Lương đã tỏ vẻ buồn bực, ít nói hơn. Điều suy đoán tương đối hợp lý cho lý do này là từ những thông tin do gia đình những tù nhân quen biết và sống gần gia đình anh Lương đã cho biết sự thật rất phũ phàng : vợ anh phải đi bán dạo quanh chợ Cồn (Đà Nẳng) để nuôi con. Rồi những lời bàn tán của tù nhân đã đến tai anh. Và thế là ‘Xã hội lý tưởng’ trong anh rách nát, ‘Thiên đường Cộng Sản’ trong anh vỡ vụn. Vì không chịu được cú sốc này, anh đã tự kết liểu đời mình.

    Sự kiện thứ 2 đến từ những buổi “học Chính trị”, nói đúng hơn là những lần phải kể lại lý lịch và cái được mô tả là ‘tội ác’ của tù nhân đối với ‘Nhân dân’ và “Cách mạng”. Mỗi lần học, chúng tôi phải khai lại lý lịch, không phải viết trên giấy mà phải tự phát biểu. (nhờ vậy mà về sau, chúng tôi biết anh Ngô-Hoàng có thân nhân tập kết đã vào Nam với chức vụ cao; anh Võ-Vàng có người anh là “Trung tá Bộ đội” và anh Cúc có cha là “Đại tá Bộ đội”. Tất cả những thông tin bổ sung này có lẽ là do gia đình họ đã cung cấp trong những lần ‘thăm nuôi’).

    Riêng về mục kể ‘tội ác’ thì chúng tôi, nhất là những người đã ở trong đơn vị tác chiến, phải nhớ thêm và nói cụ thể hơn số lượng Việt cộng (du kích, đơn vị địa phương hay bộ đội chính quy) đã bị chúng tôi giết trong những lần hành quân nào, tại những nơi nào, vào những thời điểm nào. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn nhớ chính xác một số yếu tố, còn về số lượng thì phải khôn ngoan nói càng ít càng tốt để tội được nhẹ hơn. Riêng về anh Vàng, khi anh phát biểu, ngoài tên “Quản giáo” của Nhà chúng tôi còn có tên “Quản giáo” của Nhà bên cạnh (cũng là người Quảng) cũng bước qua tham gia. Giọng điệu tên này thì ghê gớm và chứa nhiều hận thù hơn.

    Qua những lần đó, tôi mới biết thêm thông tin cá nhân của anh Vàng (khóa 17 VBQGĐL), trong đó những chiến công của anh hồi còn làm Tiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 21 thuộc Liên đoàn 1 Biệt Động Quân và sau đó là Trung đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 hay 5 gì đó thuộc Sư Đoàn 2 BB đã rất vang lừng. (Tôi thì nhập ngũ sau anh mấy năm và chỉ hành quân ở vùng Bắc đèo Hải Vân đến Bến Hải. Và thời gian đơn vị tôi nằm ở Đà Nẵng đã hành quân chung với Liên đoàn 1 BĐQ tại vùng Thăng Bình, Quế Sơn và Bình Giang, Bình Dương năm 1970 thì tôi không gặp được anh mà chỉ gặp anh Khang – Tiểu Đoàn 39, anh Thiết và anh Thưởng – Tiểu Đoàn 21 và 37 và Trung tá Hiệp là Liên Đoàn Trưởng). Do đó, mũi dùi của đám “Quản giáo” này nhắm vào anh nhiều nhất (có lẽ do vùng hành quân của đơn vị anh thuộc Quảng Nam và Quảng Ngãi).

    Vào khoảng gần giữa năm 1977, trong buổi học chính trị cho toàn trại tại Hội trường, tên Chính trị viên (người Quảng), không biết từ cấp cao nào đến phụ trách, bô lô ba la gần cả giờ về đường lối chính sách của Đảng, tương lai đất nước, v.v… Rồi đến mục khuyên tù nhân thành thật khai báo về ‘nợ máu’ chúng tôi đã gây ra. Nó đã chuyển cụm từ ‘tội ác’ thành ‘nợ máu’, nghe càng rùng rợn hơn. Tôi tự hỏi: ‘Như vậy, nợ máu thì phải trả bằng máu sao ?’

    Sự kiện thứ 3 đã xảy sau buổi học chính trị toàn trại chỉ khoảng 2 tuần.

    Hôm đó là ngày Chúa Nhật và cũng là ngày gia đình tù lên thăm nuôi. Khoảng 8 giờ sáng, Nhà chúng tôi có anh Vàng được tên vệ binh Bốn đến gọi ra sắp hàng tại cổng trại cùng với số anh em tù từ các Nhà và Khối khác để nó dẫn ra Trại tiếp tân. Toán thăm nuôi đầu tiên thường được gọi là Toán 1. Khoảng 30 phút sau, tôi cũng được gọi tên ra sắp vào một toán khác gọi là Toán 2 và được một tên vệ binh người Bắc dẫn đi. Khi toán chúng tôi ra đến Trại Tiếp tân thì mạnh ai nấy kiếm chỗ riêng để cùng gia đình trò chuyện, một số ngồi trong trại, một số chọn những bụi cây quanh đó ngay phía bên ngoài trại cách khoảng 10 mét. Thời gian thăm nuôi chỉ được kéo dài 1 giờ theo qui định. Và hôm nay thì tên Quản giáo phụ trách Trại Tiếp tân là người Bắc, không biết thuộc Khối nào.

    Chỉ khoảng gần 15 phút sau, tôi nghe tiếng tên Bốn gọi tập họp Toán 1 để nó dẫn về. Và khoảng 3 phút sau, tôi lại nghe tiếng quát tháo khiến anh em đang ngồi quanh đó đều đứng lên, còn tôi thì bước nhanh đến đó, thấy khoảng 8 người đang đứng sắp hàng chờ điểm danh và kiểm tra những thứ gia đình họ mang lên thăm nuôi, riêng anh Vàng thì đang đứng đối mặt với tên Bốn, nói :
    - “Tôi đã xin phép anh Quản giáo được thăm nuôi thêm một xuất nữa.”

    Tên Bốn quát :
    - “Anh không chịu vào sắp hàng thì tôi bắn đấy!”

    Nói xong nó cầm súng, lên đạn rắc rắc và chỉ thẳng vào anh Vàng. Anh em quanh đó, ngay cả tôi, đều nghĩ rằng anh Vàng sẽ phải nhịn nhực và đứng vào hàng. Không ngờ anh dùng 2 tay banh ngực áo và nói lớn :
    - “Muốn bắn thì bắn đi!”

    Cũng may tên “quản giáo” người Bắc đến vừa kịp, nói ngay:
    - “Anh Vàng đã xin phép tôi thăm nuôi thêm một xuất. Và anh ấy sẽ về theo Toán 2”.

    Tên Bốn hạ súng xuống một cách miễn cưỡng, đôi mắt nó vẫn đỏ ngầu trên nét mặt đầy hậm hực, khoát tay ra lệnh cho Toán 1 bắt đầu đi về, không nhớ đến việc điểm danh và kiểm tra mấy chiếc bị của tù. (Thật ra thì chỉ là toán ít người, còn việc kiểm tra thì có thể thực hiện sau khi toán vào cổng trại.)

    Cũng chính từ sự kiện này, tôi để ý đến tên Bốn nhiều hơn, vì chưa từng nghĩ rằng một tên Việt Cộng (không biết là du kích hay bộ đội chính quy vì màu sắc áo quần của nó là màu xám mà áo quần bộ đội là màu olive) mặt mày còn non choẹt, tuổi đời tối đa khoảng 22-23, nhỏ con, mà lại ‘khát máu’ như vậy. Và cũng chính từ đây, tôi thán phục anh Vàng nhiều hơn. Thán phục vì anh đã làm được điều mà tôi, hay đúng hơn là chúng tôi, không thể làm được, dù cho hành động của anh có xuất phát từ lòng tự ái hay sự bộc phát nào đó thì cũng vẫn thể hiện sự bất khuất của một Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước kẻ thù trong hoàn cảnh cá chậu chim lồng này.

    Thú thật thì trước đó tôi đã có phần ngưỡng mộ anh về những chiến công anh đã kể lại trong những buổi học chính trị nên tìm cách trò chuyện với anh nhiều hơn, dù biết anh rất ít nói. (người tôi thân nhất trong Nhà là anh Tố và vì anh lớn tuổi hơn nhiều nên tôi thường gọi anh là ‘Bố’). Có lẽ anh cũng hơi thích tôi do tôi là người hay kể chuyện vui, bông đùa và cười lớn tiếng thoải mái nhất trong Nhà. Nhờ vậy mà tôi biết được vợ anh tên Đường, là Giáo viên trước 1975.

    Thế rồi, sau khoảng hơn 1 tháng, lúc này trong năm, thời tiết vào khoảng cuối mùa Hè nên không quá nóng như tại những vùng Huế, Quảng Trị và Đông Hà, một phần là do các trại tù đều nằm trong vùng núi, vào một buổi sáng, sau khi anh Chí ‘nhỏ’ (Nhà trưởng) đi họp nhận công tác cho Nhà về, vác theo một bao bố chứa những con ‘dao tông’ và ‘rựa’ và cho biết hôm nay cả Nhà sẽ lao động tập thể. phát quang tại vùng Cò Bay (đường lên Mỏ vàng Bồng Miêu). Chúng tôi ăn sáng với chế độ ít hơn 1/3 với bữa ăn trưa, rồi lần lượt bới theo cơm trưa chứa trong ‘lon Gô’ (loại bằng nhôm đựng sữa bột Guigoz của Hà Lan dành cho trẻ sơ sinh đến 2 tuổi, khuấy tan với nước nóng để bú bằng bình hay bằng ly, tách), một số thì dùng ‘gà men’ của Quân đội được thân nhân mang lên trong những lần thăm viếng tại ‘Trại Tiếp tân’. Rồi lần lượt xuống ‘Nhà bếp’ lấy nước sôi đổ vào bidon’(bình nhựa chứa nước của Quân đội). Những người trẻ như tôi, anh Vàng, anh Thành, Chi, Hóa, Ninh, Cảnh thì nhận ‘dao tông’(loại dao dài gần 5 tấc với cán dính liền bằng sắt dùng để chặt những cây nhỏ bằng bắp tay), người lớn tuổi thì nhận ‘rựa’ (loại dao dài chừng 7 tấc gồm luôn cán bằng gỗ dài khoảng 3 tấc, đầu rựa có mấu cong xuống, dùng để chặt tre, phát quang lau sậy, vót lạc, chẻ mây, và nhiều công dụng khác nữa); rồi lần lượt mài dụng cụ trên 2 tảng đá nhỏ đặt sau Nhà (chúng tôi vác chúng lên từ suối để tiết kiệm thời gian phải xuống suối mài trước khi đi lao động). Tiếp đến, chúng tôi được chia thành 2 toán, mỗi toán có 12 người. (riêng anh Cúc thì thuộc thành phần không lao động ngoài trại được do gót chân đã bi thương trước khi vào Trại nên thường ở nhà trực phòng, – một vài người trong Nhà của chúng tôi nghi ngờ anh làm ‘antenne’ vì chính bản thân tôi đã bị 2 lần viết ‘Kiểm điểm’ do có người báo cáo tôi phát ngôn bừa bãi trong những lúc chuyện trò với anh em ngay tại Nhà. Ví dụ như tôi đã đổi câu châm ngôn của họ : ‘Cho không lấy, thấy không xin’ thành ‘Không cho cũng lấy, không thấy cũng xin !!’…).

    Đa số người trong Toán 1 chúng tôi có cấp bậc Thiếu Tá và Trung Tá trong đó có anh Võ Vàng, cấp Đại úy chỉ có anh Chí và Hóa. Hành trang lao động là chiếc bị vải tự tạo có quai mang vai (có người được thân nhân gửi lên bao đeo mặt nạ ngừa hơi độc của Quân đội), chứa bình nước, bữa ăn trưa, võng nylon hay vải và tấm nylon dùng làm áo mưa.

    Đúng 07:30, Nhà chúng tôi bắt đầu di chuyển theo hàng dọc ra cổng trước của Trại, ngay con lộ lên Bồng Miêu, (cổng sau dẩn thẳng ra con suối cạn, rộng khoảng 40 mét, chảy ngoằn ngoèo theo dảy núi phía đối diện, chỉ dùng cho những lúc đi lao động nặng, riêng lẻ hoặc toán ít người và là nơi tắm rửa, giặt giũ), quẹo phải lên hướng vùng Cò Bay theo con lộ đất rộng khoảng 4-5 mét. Dẩn đầu là tên vệ binh Bốn (người Quảng) và sau cùng là một vệ binh (người Bắc, tôi không nhớ tên). Cả hai đều mang AK-47. (Thường thì khi tù binh đi lao động ngoài trại với những toán trên 5 người đều có vệ binh đi theo, khi thì 1 người, khi thì 2 người).

    Thời tiết hôm đó vào buổi sáng vẫn còn mát mẻ dù mặt trời đã lên khá cao nhưng bị dãy đồi cao phía đông che khuất. Trong khoảng hơn 2 năm, chúng tôi đã từng đi trên con lộ này không dưới 20 lần nên cảnh vật chung quanh chẳng còn gì xa lạ nữa, ngoại trừ đám lau sậy và cây nhỏ dọc mé trái lộ đã được phát quang ngày càng xa dần lên hướng Cò Bay.

    Chúng tôi đi khoảng hơn 3 km, đến hết ranh đám lau sậy đã được phát quang, thì tên vệ binh Bốn hô lớn bảo dừng lại và kêu anh Chí lên ra lệnh gì đó. Mấy phút sau thì nghe Chí bào toán 2 tạt về mé trái con lộ và chỉ định anh Ninh làm trưởng toán với nhiệm vụ phải phát quang dọc bên trái lộ lên hướng Cò Bay. Từ điểm này lên hướng Tây nam thì vẫn còn đầy lau sậy cao hơn đầu người hơn 1 mét.

    Toán 1 của chúng tôi cứ tiếp tục đi xa hơn khoảng hơn 300 mét thì được lệnh dừng lại và nhận nhiệm vụ phát quang phía bên trái con lộ, sâu vào khoảng 40 mét rồi chuyển hướng dọc theo con lộ lên hướng núi có Mỏ Vàng. Ra lệnh xong, tên vệ binh Bốn và tên vệ binh người Bắc tiếp tục đi thẳng về phía trước. Theo kinh nghiệm từ những lần đi lao động và những khi được giao nhiệm vụ đi theo phát quang cho toán địa chất lên các lò của Mỏ Vàng Bồng Miêu, (thường thì 2 tù binh đi theo để phát cây dọn đường cho toán địa chất gồm 3 hay 4 Kỹ sư có mang súng ngắn ) tôi đoán khoảng 80 mét nữa là đến chiếc cầu xi măng nhỏ, rộng khoảng 2 mét, dài khoảng 8 mét bắc qua con suối thường hầu như cạn nước vào mùa hè, vì phía trước khoảng 30 mét đã hiện ra khúc quanh quẹo chênh về trái. Phía bên bờ Nam của suối cũng đầy lau sậy dày đặc chạy dài khoảng 300 mét thì đến vùng trống trải có những căn nhà gạch đã rêu phong, tốc mái, đổ nát trên 60%, cạnh một nhánh suối nhỏ vẫn còn những bụi trúc vàng rất đẹp hai bên bờ. Đặc biệt nơi này còn sót lại vài đoạn đường ray rộng khoảng 8 tấc và dài khoảng 20-30 mét. Nghe đám địa chất nói thì đây là những di tích hồi Pháp khai thác mỏ vàng.

    Chúng tôi kiếm những cây nhỏ sát con lộ, chặt nhánh nhỏ, chừa một đoạn ngắn chỉa ra để treo những chiếc bị và bắt đầu dàn hàng ngang phát trống lau sây sâu vào chân dảy đồi khoảng 40 mét rồì đổi hướng phát dọc theo con lộ.

    Dù có được khoảng 10 để uống nước và giải lao sau khoảng 1 giờ lao động (nhờ anh Chí ‘lớn’ và anh Tố vẫn luôn mang theo đồng hồ đeo tay trong túi quần. Còn phần lớn thì đã gửi về cho vợ bán lấy tiền nuôi con), chúng tôi cũng cố làm sao để phát quang một diện tích đáng kể trong ngày, nếu không thì mấy tên vệ binh sẽ báo báo là lao động không tích cực và bị làm kiểm điểm. Mặt trời lên cao dần, giáng xuống đầu và lưng chúng tôi những luồng nóng rát hừng hực khiến mồ hôi liên tục búng ra đẫm ướt cả áo và mặt như đang đi trong mưa. Cho đến khi mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi nghỉ khoảng 1 giờ để ăn bữa trưa chứa trong bị mang theo. Mỗi tụm 2 hoặc 3 người cố tìm một bóng cây nào quanh đó để tránh nắng nhưng quả thật rất khó. Chỉ còn cách chui đại vào những lùm sậy rồi dùng rựa phạt đứt sậy cao ngang đầu người và dùng chiếc võng mang theo căng phủ lên phía trên tạo bóng dim bên dưới và mở lon cơm chừng 1 chén với ‘mắm cái’ và ngấu nghiến, mơ màng tưởng tượng một bữa ăn thịnh soạn để đánh lừa bao tử. Ăn xong thì xé giấy báo vấn một điều thuốc ‘rê’, dựa lưng vào bụi sậy, vừa phì phà vừa trao đổi vài nhận xét bâng quơ cho có chuyện mà thôi.

    Khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi tiếp tục gò mình vào công việc còn dang dở. Đến khoảng 2 giờ, chúng tôi mới nghỉ giải lao được khoảng 5 phút thì tên vệ binh Bốn và tên vệ binh người Bắc từ hướng Bồng Miêu đi về. Tên Bốn bèn nói lớn :
    - “Anh Chí cho tôi 1 người lên phía trước để chặt những cây lau về bó làm chổi quét”.

    Nghe tiếng nói, chúng tôi ngừng tay và nhìn Chí. Dĩ nhiên, nếu chặt lau sậy thì phải dùng rựa, vì khi chặt được một số lau thì dùng mấu rựa kéo về đằng sau. Tôi thấy Chí chỉ vào anh Xáng đang cầm cây rựa cạnh anh và nói :
    - “Anh Xáng theo mấy anh vệ binh lên phía trước chặt lau đi !”.

    Anh Xáng bèn bước đến một cây nhỏ gần đó lấy chiếc bị hành trang có mang nước theo để uống. Bỗng nhiên tên vệ binh Bốn cản lại và nói :
    - “Anh lớn tuổi rồi nên chặt không nhanh. Anh đổi cây rựa cho anh này nè – vừa nói nó vừa chỉ tay vào anh Vàng đang cầm dao tông”.

    Thế là anh Xáng và anh Vàng đổi dụng cụ cho nhau và anh Vàng đến lấy hành trang rồi đi theo 2 tên vệ binh. Chúng tôi đều nghĩ rằng đây chỉ là chuyện bình thường… rất bình thường. Hợp lý nữa là khác. Và chúng tôi lại tiếp tục công việc, cố làm sao để khi tối đến, sau khi cơm nước, họp bình bầu cá nhân xuất sắc tại Nhà mà khỏi bị làm kiểm điểm. Thật ra thì những hình thức lao động toàn Nhà như thế này, việc nhận xét ‘tích cực’ hay ‘tiêu cực’ đều do sự cao hứng của vệ binh đi theo mà thôi.

    Khoảng hơn 10 phút sau, chúng tôi bỗng nghe 3 tiếng nổ đoàng đoàng đoàng liên tiếp, nhưng từng phát một, ở phía trước, chắc chắn là từ súng AK của 2 tên vệ binh. Tôi buột miệng cười nói: – “Chắc là con nai nào xui xẻo đã bị hạ rồi. Tối nay thế nào mỗi người cũng đều có 1 miếng thịt bồi dưỡng”.

    Nghe thế, tôi thấy mấy anh còn lại cũng mỉm cười tỏ vẻ đồng tình. (Vì thỉnh thoảng chúng tôi cũng đã từng được bồi dưởng bằng thịt heo rừng hay nai).

    Đúng là đã hơn 2 năm rối mới nghe lại tiếng súng nên lúc đầu ai cũng hơi hốt hoảng, ngay cả bản thân tôi đã từng là dân tác chiến cũng có chút bàng hoàng, nhưng chỉ trong vài giây thoáng qua. Chúng tôi lại tiếp tục công việc.

    Khoảng 5 phút sau, tên vệ binh Bốn, từ phía trước trở về, cách chúng tôi chừng 10 mét, đã kêu lớn :
    - “Anh Chí ! Kêu thêm một anh nữa lên phía trên này ngay, không cần mang theo dụng cụ”.

    Mọi người lại dừng tay. Riêng tôi thì thầm nghĩ : ‘Không lẽ mình đã đoán đúng ?’ Chí liếc nhìn quanh và đột nhiên gọi tôi (đang đứng trong hàng ngang cách xa anh 2 người về phía bên phải, gần con lộ):
    - “Anh X… bỏ dao xuống và theo tôi”.

    Vẫn là điều bình thường… rất bình thường !! Tôi và Chí bước nhanh để theo kịp tên vệ binh Bốn. Đúng là chỉ khoảng 70 mét, chúng tôi đã thấy chiếc cầu xi măng bắc qua con suối và tên vệ binh người Bắc đang đứng trên cầu. Chúng tôi đến cách cầu chừng 6-7 mét (tại điểm này thì mé trái con lộ đã vừa mới được phát quang sâu khoảng hơn 1 mét, còn sót lại một cây cao, nhỏ và thẳng, trên cành thấp nhất còn lủng lẳng chiếc bị của anh Vàng) thì tên Bốn chỉ tay xuống suối, phía bên trái cầu và nói :
    - “Hai anh xuống dưới đó đi !”.

    Chúng tôi cũng vẩn đinh ninh một con nai đã bị bắn hạ ngay dưới suối nên vội tạt trái, vừa bước vừa nhìn xuống chân, thận trọng để khỏi dẩm phải những gốc sậy bén. Đến được bờ suối thì cảnh tượng trước mắt hiện ra giống như một chiếc búa tạ, đập tan vụn những ý nghĩ lạc quan đang nhảy múa trong đầu óc chúng tôi rồi nhét thay thế vào đó sự sợ hãi, thảng thốt : cách chúng tôi khoảng 3 mét, không phải là xác con nai mà là anh Vàng đang nằm sấp, mặt úp xuống bờ cát của lòng suối còn ẩm nước, tay phải hơi giang ra và bàn tay còn nắm lơi một phần cán rựa, chân hướng về phía chúng tôi. Tôi cảm thấy như có một luồng khí lạnh từ nổi sợ len lỏi vào dọc xương sống, còn Chí thì mặt mày tái nhợt hẳn ra, cùng ngước nhìn lên tên Bốn đang đứng trên cầu, cách chúng tôi khoảng hơn 4 mét theo đường huyền hình tam giác. Có lẽ thấy chúng tôi ngập ngừng không dám bước tiếp, nó dùng súng quơ quơ ra dấu bảo chúng tôi đi tiếp đến chỗ anh Vàng. Tôi, dù muốn dù không, là dân tác chiến nên tốc độ lấy lại bình tĩnh chỉ trong mấy giây, bèn đi trước đến sát chân anh Vàng và thấy ngay trên lưng áo của anh đã bị 3 lổ thủng nằm dọc từ hơi dưới vai trái xuống gần thắt lưng bên phải, giống như 3 trái bi trên bàn bi-da Pháp nằm theo thế ‘giò gà’ vậy. Tôi bảo Chí đang đứng phía sau :
    - “Chí hãy lên phía đầu của anh Vàng rồi cùng nhau lật ngửa anh ra mới khiêng lên trên con lộ được.”

    Chí và tôi vừa lật ngửa anh Vàng ra thì đột nhiên anh mở đôi mắt, thấy anh Chí và thểu thào kêu lên :
    - “Chí ơi !…”

    Có lẽ trước khi chết, anh đã cố gom hết sức lực để nói lên điều gì đó nhưng chỉ được hai từ ngắn ngủi này, cho nên, dù là thều thào nhưng có lẽ cũng đủ cho 2 tên vệ binh trên cầu nghe, hay có lẽ chúng đã thấy đôi môi anh mấp máy và ngỡ anh vẫn còn sống, muốn nói gì đó, nên tên Bốn hét lớn :
    - “Hai anh tránh xa ra !”

    Tôi giật mình phóng người ngược ra phía sau và té ngửa, còn Chí thì chạy lui rất nhanh. Tôi vừa ngồi dậy và liếc nhìn lên cầu thì một loạt đạn tóe lửa từ súng AK của tên Bốn nhắm vào đầu anh Vàng. Tôi thấy đầu của anh giật giật mấy cái rồi im luôn. Tôi lại đảo mắt nhìn lên cầu lần nữa và thấy tên Bốn, sau khi bắn xong, thản nhiên mang quai súng lên vai cùng tên vệ binh người Bắc song song bước nhanh về hướng cũ. Tôi vẫn ngồi như thế, ngoái nhìn theo cho đến lúc chúng đi khuất sau đám lau sậy mới đứng lên và bước đến gần anh Vàng. Trong loạt súng vừa rồi, có lẽ khoảng 2 hay 3 viên đã trúng làm nát luôn má và miệng của anh, máu chảy lênh láng. Chí thì hình như vẩn chưa hoàn hồn. Tôi bèn bảo Chí :
    - “Chí ở lại đây trông chừng để tôi chạy về báo cho anh em trong toán mình biết.”

    Chí bỗng nói ngay :
    - “Anh ở lại đây để tôi chạy về báo tin cho.” Tôi thấy anh còn sợ nên đành gật đầu.

    Chờ cho Chí đi rồi, tôi cẩn thận nhìn quanh khoảng một phút, có lẽ vì sợ tên Bốn bất ngờ quày lại tặng luôn mình một loạt đạn để bịt miệng, rồi nhìn lại anh Vàng thì thấy hai mắt anh vẫn còn mở, bèn đưa tay vuốt mắt anh mà lòng dậy lên nỗi đau buồn đã mất đi một người bạn tù, một người anh trong Quân ngũ.

    Chưa đến 10 phút sau, tôi thấy mấy anh xuất hiện từ sau đám lau sậy rồi nhận ra anh Tố, anh Hoàng và anh Hóa cùng Chí đến gần chỗ tôi. Có lẽ dọc đường đến đây, Chí đã có kể lại một phần nào đó cho họ nghe nên khi đến nơi, chúng tôi chỉ cùng nhau nghĩ cách khiêng anh Vàng về. Liên tưởng đến lúc Trại có người bị bệnh không đi được thì đã được khiêng bằng võng đến trạm xá, tôi bèn đề nghị như thế và cùng Hóa chạy đến cây có treo chiếc bị của anh Vàng để lấy chiếc bị có chứa chiếc võng của anh, đồng thời chặt luôn cây này, tỉa nhánh cho trơn tru dùng làm đòn cáng. Tiếp đến, anh Tố và anh Hoàng khiêng xác anh Vàng bỏ lên võng và chúng tôi cột dây của 2 đầu võng thật chặt vào đòn cáng. Anh Hoàng và anh Tố tình nguyện khiêng anh Vàng trước sau khi giao rựa của họ cho Chi, và tôi cùng Chí sẽ thay phiên khi 2 anh đó đã thấm mệt. Chí bèn giao 2 cây rựa của anh Hoàng và anh Tố giao luôn cho anh Hóa vác. Riêng tôi và Chí thì trên đường về sẽ tạt lại điểm chúng tôi phát quang để lấy bị của mọi người và dao tông của mình.

    Anh Hoàng đứng phía đầu đòn cáng, hướng chân của anh Vàng và anh Tố ở cuối cáng, hướng đầu của anh Vàng, tôi và Chí cùng tiếp tay nhấc đòn cáng lên vai họ. Thế là 5 người chúng tôi bắt đầu lên đường. Hình như mỗi người đều đang nặng trĩu nhưng suy nghĩ có lẽ cũng hao hao giống nhau: ‘khi về đến trại thì sẽ phải làm gì đây, nói năng như thế nào đây?’ Riêng tôi, và chắc chắn là Chí nữa, thì còn thêm những lo nghĩ khác vì là những nhân chứng sống cho cái chết của anh Vàng.

    Chỉ khoảng mấy phút sau, chúng tôi đã đến điểm chúng tôi đã phát quang, nhưng chẳng còn thấy bóng dáng ai cả. Tôi lên tiếng :
    - “Họ đâu cả rồi ?”.
    Anh Tố buột miệng trả lời :
    - “Chắc họ sợ quá sau khi nghe thằng Bốn tuyên bố nên đã chạy về trước rồi.”.

    Tôi hỏi tiếp :
    - “Nó nói sao, Bố ?”

    - “Tên Võ-Vàng đánh vệ binh để cướp súng trốn trại. Ta đã diệt nó rồi.”
    Tôi và Chí loanh quanh khoảng 1 phút tìm dao tông và bị nhưng không thấy. Chí nói :
    - “Có lẽ anh em đã mang về giùm rồi.”

    Cũng chỉ đoán như vậy thôi, chứ ở vùng không có bóng người dân nào thì ai mà lấy mấy thứ đó chứ. Tôi và Chí bước nhanh để theo kịp chiếc võng cáng. Vừa đến ngang anh Tố thì thấy đầu của anh Vàng lắc lư theo bước chân người khiêng lệch ra khỏi vỏng, bèn vừa đi vừa banh rộng đầu võng để đầu anh lọt vào. Máu trên vùng ngực của anh hầu như đã khô, còn ở má và miệng vẫn còn rỉ, tóc và trán vẫn còn bám cát từ lòng suối khô.

    Chúng tôi cứ thế lẳng lặng bước… và bước, mong sao cho nhanh về đến trại. Ngang qua điểm phát quang của Toán 2, chúng tôi cũng chẳng thấy ai nữa. Chắc họ cũng đã nghe tên Bốn nói gì và đã nhanh chân rời khỏi đó, giống như số anh em còn lại của Toán 1.

    Tôi ngước nhìn lên bầu trời, lúc này có lẽ đã hơn 3 giờ chiều, nhưng nắng đã có phần dịu bớt nhờ những đám mây trắng nhỏ từ phía Tây bắc lãng đãng trôi qua, che khuất mặt trời như cố ý ngăn bớt luồng nóng hừng hực đâm thẳng vào thân xác một người đã từng vang bóng một thời, đã tung hoành trên khắp chiến trường phía Nam của Quân Đoàn 1 (vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi), nhưng lại phải lìa đời trong tức tưởi. Tôi lại tưởng tượng những đám mây kia là những thân nhân, vợ con và bạn bè, những người đã ngưỡng mộ và thương mến anh, trong những chiếc áo tang, những chiếc khăn sô, đưa tiễn anh lần cuối.

    Rồi đầu anh Vàng lại lệch ra khỏi đầu võng, và với những động tác cũ, tôi lại banh đầu võng, nâng đầu anh lọt vào như cũ. Nhớ lại thì tôi đã dùng động tác này không dưới 3 lần trên đường về đến trại, vì 2 đầu võng thường bị kéo túm lại do sức nặng nhún nhẩy từ phần giữa võng. Trước đó, chúng tôi đã cẩn thận dùng phần dây võng còn thừa để buộc 2 chân anh vào một đầu võng, riêng võng ở phần đầu của anh thì không được.

    Chúng tôi cứ tiếp tục bước…, bước nhanh, hình như không quan tâm gì đến thời gian và đoạn đường mình đã đi qua. Cho đến khi tôi định lên tiếng đòi thay phiên khiên cáng thì trước mắt, dảy hàng rào bằng ‘róng’ (cở cây nhỏ hơn hoặc bằng cổ tay cao khoảng 3 mét, gài chéo nhau theo hình tổ ong rào quanh trại) sát con lộ đã hiện ra phía bên trái, cách chúng tôi khoảng 60 mét, nên không lên tiếng nữa.

    Chỉ khoảng hơn 5 phút, chúng tôi đã đến cách cổng trại chừng 15 mét thì tên Quản giáo Nhà chúng tôi đã đứng đó từ trước chận chúng tôi lại và bảo :
    - “Các anh bỏ anh Vàng tại đây rồi vào trại đi !.”
    Nhìn chênh về phía phải, chúng tôi thấy một toán tù binh, không biết thuộc Khối nào, đang đào cái huyệt cách con lộ khoảng 2 mét. Chúng tôi đoán là huyệt dành cho anh Vàng.

    Anh Hoàng và anh Tố nhẹ nhàng đặt xác anh Vàng xuống sát mé phải con lộ và chúng tôi lẳng lặng tiến về cổng trại. Qua cổng trại rồi đi xuyên qua trước mặt Khối 2, tôi thấy nhiều anh em tù, một số đứng trước sân, một số trong Nhà lặng lẽ nhìn chúng tôi, trong ánh mắt họ dường như đang ẩn chứa rất nhiều câu hỏi. Về đến Nhà, tôi thấy đống dao rựa đã nằm giữa nhà, cạnh cái lỗ hình chữ nhật bề 5 bề 8 tấc, sâu 2 tấc dùng để đốt lá tươi hun khói đuổi muỗi khi đêm đến hoặc đốt củi sưởi ấm vào mùa Đông, và những chiếc bị của chúng tôi đã nằm sẵn trên phần sạp ngủ của mỗi người. Cởi bỏ áo quần lao động (quần áo của lính Bộ binh chế độ cũ được cấp phát cho tù mặc khi lao động), chúng tôi ngả người trên phần sạp của mình nằm nghỉ ngơi cho khô mồ hôi trước khi xuống suối để tắm và giặt. Riêng anh Chí thì vừa đếm vừa đun hết số dao rựa vào trong bao bố và vác lên trả lại cho nhà kho chứa dụng cụ lao động.

    Bầu không khí trong Nhà của cuối ngày lao động hôm đó bao trùm một sự tĩnh lặng hầu như tuyệt đối, giống như đang mặc niệm cho người bạn tù đã vĩnh viễn ra đi, cho một sự mất mát, thiếu vắng từ đây… chỉ còn những ánh mắt thỉnh thoảng nhìn nhau… Và thời gian cứ nặng nề trôi qua…

    Bỗng nhiên, tôi nghe nhiều tiếng nói lao xao gần phía trước cửa nhà, liền nhỏm dậy xem thì thấy 3 người, hình như thuộc Khối 2, đang vừa đi ngang qua cửa Nhà chúng tôi vừa nói chuyện.

    Tôi vội chạy ra hỏi với theo :
    - “Mấy anh có biết họ đã chôn anh Vàng chưa không ?”

    Một anh trả lời :
    - “Vẫn chưa, vì phải đào một cái huyệt khác cách xa con lộ hơn 10 mét. Mấy thằng cán bộ nói cái huyệt đầu tiên nằm sát đường quá.”

    Anh Tố đang nằm nghỉ, nghe thế bèn nhỏm dậy nói :
    - “Như thế thì xui lắm. Ông bà mình tin rằng nếu đào huyệt thứ 2 thì thân nhân của người chết sẽ bị chết thêm một người nữa đó !”

    Tôi thì chẳng biết gì về chuyện này. Anh em còn lại trong nhà cũng chỉ đưa mắt nhìn nhau, nửa tin nửa ngờ… nhưng phần nào cũng có chút lo lắng cho những người trong gia đình anh Vàng.

    Rồi, như cái máy chạy theo thời khóa biểu, chúng tôi xuống suối, tắm, giặt. Sau đó, người trực cơm xuống bếp nhận cơm lên chia đều cho anh em trong Nhà. Cũng chỉ là 1 chén cơm và ‘mắm cái’ hầu như thường lệ, nhưng hôm nay dường như có thêm những giọt nước mắt nhỏ xuống từ bên trong, thẳng vào cuống họng mỗi lần nuốt 1 ngụm cơm…

    Lúc này, màn đêm đang dần phủ trên Trại Tù. chúng tôi chuẩn bị họp Nhà để bình bầu cá nhân xuất sắc cho ngày lao động dở dang hôm nay. Một người mang củi vào nhóm lửa và 1 người nữa mang mấy nhành cây nhỏ có nhiều lá còn xanh để hun khói đuổi muổi. Trong ánh lửa lập lòe kèm theo khói, chúng tôi vừa bắt đầu họp thì thấy tên Quản giáo (người Quảng - tôi không nhớ tên) bước vào. Nó không ngồi lên sạp như thường lệ mà chỉ nói lớn :
    - “Các anh hãy coi chừng! Cái chết của anh Vàng là sự trừng phạt cho những muốn trốn trại đó !”

    Rồi bỏ đi, một chốc sau, chúng tôi lại thấy tên Bốn đi ngang và nhìn vào Nhà chúng tôi liếc ngang liếc dọc, vai vẫn mang khẩu AK-47, nét mặt có vẻ vênh váo như vừa mới lập được một ‘chiến công’ hèn hạ chưa chừng thấy. Thật ra thì tất cả anh em cùng Nhà đều mang tâm trạng phập phồng lo sợ… sau sự kiện của anh Vàng. Riêng tôi, và chắc là với Chí ‘nhỏ’, lại càng cảm thấy thấp thỏm hơn, vì là những nhân chứng sau cùng.

    Họp xong, tôi đến bên Chí ‘nhỏ’, nói :
    - “Ngày mai Chí cắt tôi đi công tác theo nhóm cho bảo đảm đó !” Chí gật đầu, phần nào hiểu được ý của tôi.

    Đặc biệt tối nay, sau khi họp xong, chúng tôi không ra phía trước sân, tụm 2, tụm 3, trao đổi năm điều ba chuyện bâng quơ trước khi vào ngủ, mà một số thì vẫn ngồi trên sạp, một số nằm dài, theo đuổi những suy nghĩ riêng tư của mình.

    Rồi một đêm không bình thường nặng nề trôi qua. Sáng hôm sau, Chí lên nhận công tác và vác theo về một bao bố chứa toàn dao tông, và công tác hôm nay là chặt những khúc cây dài từ 4 – 4,5 mét, thật thẳng, có ngọn tối thiểu là 1 tấc 3. Thường thì đây là công tác riêng lẻ, tức là mạnh ai nấy lên rừng và lục tìm và chặt rồi vác về, nhưng Chí cũng cẩn thận dặn anh em nên đi theo từng toán 4 hay 5 người để khỏi bị vệ binh len lén đi theo và ‘diệt’ từng người trong chúng tôi như trường hợp của anh Vàng.

    Cũng may đến gần trưa thì anh Tố, tôi, Ninh và Cảnh đã chặt xong cây và vác xuống sườn núi, nơi có khoảng trống khá lớn nằm trên con đường nhỏ dẫn về trại và cách trại khoảng hơn 2 km. Chúng tôi kiếm bóng mát để nghỉ ngơi và ăn trưa. Nhân lúc này anh Tố mới bảo tôi kể lại phần cuối của vụ anh Vàng bị bắn. Và tôi đã nói cho họ nghe.

    Đến chiều, khoảng 4 giờ, khi vác cây về đến Nhà, chúng tôi lại thoáng thấy tên Bốn đi từ hướng Khối 2 về Khối 1 và, khi đi ngang Nhà chúng tôi, nó bước chậm lại và liếc nhìn vào. Tôi nghĩ rằng đây là điều không bình thường, dù thỉnh thoảng vẫn có vệ binh đi lòng vòng trước sân các Khối vào gần cuối ngày lao động. Nhà chúng tôi đã cố làm cho bầu không khí trở nên bình thường, nhưng thật ra vẫn không bình thường như cũ được. Mọi người có vẻ thận trọng, dè dặt, ít nói chuyện với nhau hơn. Chỉ mong thời gian sẽ xóa dần nỗi lo sợ cho những gì sẽ xảy ra kế tiếp.

    Và điều không bình thường này đã đến ngay vào buổi sáng hôm sau. Khi Chí đi nhận công tác về với chiếc bao bố chứa dao, rựa trên vai. Khuôn mặt anh hơi lộ vẻ lo âu. Anh nói đại khái chỉ tiêu lao động trong ngày, rồi tiếp :
    - “Hôm nay tôi và anh X… ở nhà làm công tác khác.”

    Mọi người bắt đầu hoang mang, thắc mắc nhìn nhau nhưng chẳng ai buồn lên tiếng, ngay cả tôi, mà chỉ lẳng lặng ăn hết miếng bánh xốp làm bằng bột mì Liên Xô thay cho điểm tâm rồi mài dụng cụ lao động và rời khỏi Nhà.

    Chờ cho anh em đi hết, tôi kéo Chí ra khỏi nhà để đề phòng anh Cúc nghe được, và chưa kịp hỏi thì Chí đã nói:
    - “Một chốc nữa thì tên Quản giáo sẽ đến hướng dẫn chúng ta viết bản tường trình về cái chết của anh Vàng. Hình như người anh của anh Vàng là Trung tá Bộ đội đã đến Tổng trại và yêu cầu điều tra rõ chuyện này. Anh tính thế nào?”

    Tôi suy nghĩ một chốc, rồi nói :
    - “Viết tường trình vụ này mà do Quản giáo hướng dẫn thì chắc 2 anh em mình sẽ không nói lên được sự thật mình đã chứng kiến đâu. Bây giờ tụi mình đều như cá nằm trên thớt. Nó bảo sao thì phải viết vậy thôi.” Như một sự đồng cảm đã có sẵn, Chí gật đầu.

    Chúng tôi vào nhà, nằm dài trên sạp của mình, vừa chờ tên “Quản giáo” đến, vừa suy nghĩ xem còn có cách ứng phó nào khác nữa không.

    Hơn nửa giờ sau, tên “quản giáo” bước vào, tay cầm cuộn giấy tập vở và 2 cây bút bi, bảo chúng tôi đến Hội trường và nói:
    - “Hai anh hãy tường trình lại đúng y như lời vệ binh đã nói, tức là anh Vàng đã đánh vệ binh, cướp súng để trốn trại nên đã bị vệ binh bắn chết. Viết ngắn gọn thôi rồi ghi tên mình, Khối và Trại và ký tên là xong. Càng nhanh càng tốt”.

    Tôi không biết Chí có ý nghĩ gì không. Riêng tôi thì thầm nói: “Anh Vàng, xin anh thứ lỗi và thông cảm cho hoàn cảnh chúng tôi hiện giờ. Nhưng tôi xin hứa với anh là sẽ kể lại toàn bộ chuyện này cho chị Đường nghe sau khi tôi được tha về!”

    Chưa tới 10 phút, chúng tôi đã viết xong. Tên “Quản giáo” cầm từng tờ giấy lên đọc rồi gật đầu, nói :
    - “Hai anh về làm vệ sinh quanh Nhà rồi nghỉ ngơi đi!”, rồi bước nhanh về phía cổng trại.

    Khoảng 1 giờ sau, chúng tôi đã làm xong công việc được giao phó, rồi Chí thì soạn kim chỉ vá chiếc bị của anh, còn tôi thì nằm ngả người trên sạp, mắt nhìn lên trần nhà, nhưng lại không thấy trần nhà mà lại thấy hiện ra 2 hình ảnh của anh Vàng:

    - Một anh Vàng với thân thể cường tráng, nở nang, tiềm ẩn một sức lực dồi dào (anh đã từng được bình bầu xuất sắc trong lao động rất nhiều lần và là người khỏe nhất Nhà), dáng người tầm thước (khoảng 1,68 mét), nước da hơi đen sạm. Điểm đặc biệt là anh có đôi mắt to, màu đen pha một chút màu nâu, đầy vẻ bướng bỉnh. Anh thường ít nói và cũng ít cười nhưng dễ tiếp cận. (Tôi chỉ thấy anh cười nhiều nhất, bằng mắt nhiều hơn bằng miệng, khi tôi kể mấy chuyện phiếm tôi còn nhớ từ cuốn ‘Truyện cười của Đặng-trần-Huân’). Còn nghe nói anh cũng có ‘nghề’ (biết võ thuật) nữa. Hình như anh không hút thuốc, nhưng vì có một vài người trong Nhà tập hút thuốc lào nên anh đã thử. Và trong những lần đầu, khi anh rít xong một hơi thì mặt anh trở nên đờ đẫn, mắt mơ màng khiến anh em không nhịn được cười…

    - Và Một anh Vàng trong tư thế nằm sấp nơi lòng suối khô của vùng Cò Bay, Bồng Miêu với 3 lỗ đạn ở lưng, rồi trong tư thế nằm ngửa với má và miệng banh nát sau loạt đạn thứ hai, với cái đầu lắc lư trên đầu võng… : kết quả từ thủ đoạn đê hèn của một chế độ đầy âm mưu thâm độc…

    Hai hình ảnh này cứ luân phiên chợt ẩn chợt hiện không ngừng trước mắt tôi như chồng chất thêm trong lòng tôi nổi xót xa, mất mát một người bạn tù đáng kính.

    Anh đã nằm xuống nhưng tên Võ Vàng của anh sẽ không bao giờ chết trong lòng chúng tôi. Anh vẫn là Người Hùng, một ngôi sao sáng chói trong binh chủng Biệt Động Quân, trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Vì hoàn cảnh không cho phép gặp trực tiếp để kể lại cho chị Đường và các cháu nghe, tôi xin ghi lại những dòng này thực hiện lời thầm hứa với anh Vàng sau 39 năm.
    Tôi cũng thành thật xin lỗi đã gợi lại những buồn đau của gia đình chị mà có lẽ phần nào đã phôi pha theo thời gian, nhưng đồng thời cũng giúp chị và các cháu luôn giữ vững niềm tự hào đã có một người chồng, người cha kiêu hùng, bất khuất…

    Tôi cũng cảm ơn anh Tấn đã nhắc tôi ghi lại sự kiện này, và nhờ anh (cựu Trung Tá, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 2/SĐ 3 BB) tìm cách liên lạc và chuyển giùm, không chỉ cho chị Đường mà còn cho những người có tên đã được đề cập trong bài viết để nhận những phản hồi thông qua anh.

    Xtanker20
    Cựu Tù Nhân Chính Trị Quảng Nam - Đà Nẵng


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X