Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh

Collapse
X

Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh

    Mong một lần sang Hạ Lào, nơi chồng hy sinh.
    Thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương

    Việt Hùng/Người Việt

    SÀI GÒN (NV) - Năm nay, 2016, là đúng 45 năm ngày mất của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương (1971-2016), Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðại Úy Ðương hy sinh tại chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971, và được mọi người biết đến như một huyền thoại qua tác phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, "Anh Không Chết Ðâu Anh". Phóng viên Việt Hùng của Người Việt đến thăm bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai, tại tư gia ở Quận 11, Sài Gòn và được bà dành cho cuộc phỏng vấn dưới đây.

    Bà Trần Thị Mai bên di ảnh chồng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    Việt Hùng (NV): Xin bà cho biết ký ức về thời gian Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh ở mặt trận Hạ Lào?

    Bà Trần Thị Mai (TTM): Tôi còn nhớ những ngày đó, nó rơi vào những ngày cuối Tháng Hai Dương Lịch, 1971. Lúc đó tôi lên phòng hậu cứ để lãnh lương của anh Ðương, thì được một người lính nhảy dù, buồn bã nói với tôi là "một tuần nữa chắc chị có khăn mới đeo." Lúc đó tôi không biết khái niệm “khăn mới” là gì hết".

    Một tuần sau, tôi nhận được giấy báo mất tích của anh Ðương tại đồi 31, căn cứ Hạ Lào (tức vào sâu trong vùng biên giới nước Lào khoảng 25km). Lúc đó tôi vẫn còn hy vọng. Tôi cầu nguyện và xin lá xâm trên chùa, thì được thầy cho biết là "người này đang gặp đại nạn". Tuy vậy, tôi vẫn còn rất tin tưởng là chồng mình còn sống.

    Thế nhưng anh Ðương, ảnh rất là "linh". Sau đó khoảng 3 ngày thì tôi nằm ngủ mơ, trong giấc mơ, tôi thấy anh Ðương về nhà trong tình trạng bị thương ở chân, vẫn còn mặc bộ đồ lính và nói với tôi là “lần này anh đi không trở lại được, em ở nhà ráng nuôi các con khôn lớn. Anh vẫn luôn che chở cho mẹ con em.” Tôi òa khóc! Giật mình tỉnh dậy thì không thấy ai bên mình hết. Lúc đó thì tôi tin là anh Ðương đã mất.

    Sau đó đúng 3 ngày thì tôi nhận được giấy báo tử của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đề ngày mất là 24 Tháng Hai, 1971, nhằm 29 Tháng Giêng, năm Tân Hợi. Bởi vậy gia đình tôi vẫn luôn cúng giỗ cho anh Ðương vào ngày 29 tháng Giêng âm lịch. Năm nay là nhằm ngày 7 Tháng Ba
    Dương Lịch.

    Với bà Mai, "anh Ðương vẫn mãi sống trong tim mình". (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    NV: Về thông tin những giây phút cuối đời của Ðại Úy Ðương, bà có nắm được gì không?

    TTM: Lần cuối anh Ðương ở nhà là vào Mồng Một Tết Tân Hợi 1971. Qua ngày Mồng Hai anh được lệnh phải vào gấp trong trại, và anh gọi điện về là sẽ đi chiến dịch quan trong, nên mẹ con ở nhà ăn tết vui vẻ. Sang Mồng Ba thì toàn bộ Sư Ðoàn Nhảy Dù đã âm thầm di chuyển bằng không vận từ các căn cứ gần Sài Gòn ra Ðông Hà, Quảng Trị.

    Lần lượt các đơn vị Dù đã được không tải đến những địa điểm ấn định từ trước, phối hợp với các đơn vị khác, thực hiện cuộc hành quân mang tên là "Hành Quân Lam Sơn 719" nhằm tiến quân đánh thẳng vào các căn cứ tiếp vận quan trọng của Cộng Sản ở đường mòn Hồ Chí Minh, vùng Hạ Lào (tức là vượt biên 25 km qua lãnh thổ Lào). Con số 719 là gồm 71 là năm 1971 và số 9 là Quốc Lộ 9, con đường huyết mạch để chuyển quân trong chiến dịch này. Vì vậy có tên gọi "Hành Quân Lam Sơn 719".

    Sau này khi tôi nghe các anh lính cũng là lính Nhảy Dù trong chiến dịch hành quân Lam Sơn 719 kể lại thì lúc giáp chiến với quân đôi Bắc Việt là vào 19 giờ tối ngày 24 Tháng Hai, 1971. Cả pháo đội 3 của anh Ðương đều bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, anh Ðương ra lệnh cho các anh em tuyến dưới ai tháo chạy được thì cứ chạy. Còn anh Ðương vẫn ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó anh tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu mình.

    Qua hôm sau là ngày 25 Tháng Hai, 1971, cả căn cứ 31 thuộc vùng Hạ Lào đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Bắc Việt. Rất nhiều người lính VNCH đã bỏ mạng nơi đây... (khóc)

    NV: Rồi sau năm 1975 cuộc sống gia đình bà ra sao?

    TTM: Từ năm 1971 đến 1975 thì tôi vẫn còn lương của chính quyền VNCH, nên tuy một mình, tôi vẫn đủ nuôi 4 đứa con (3 trai 1 gái). Tuy nhiên sau năm 1975 thì cuộc sống gia đình tôi bắt đầu gặp rất nhiều khó khăn. Ðầu tiên là từ phía chính quyền CSVN, thời gian đầu họ "kiểm tra hộ khẩu" nhà tôi liên tục. Có nhiều đêm tôi không dám ở nhà vì sợ cảm giác "gõ cửa lúc nửa đêm".

    Vì hoàn cảnh quá khó khăn, tôi làm đủ thứ nghề mà vẫn không khá được. Các con tôi đều không được học hành đàng hoàng. Lớn lên một tí thì hai đứa con trai lớn vì không chịu nổi hoàn cảnh và đã đến tuổi đi "bộ đội" (trên 18 tuổi, luật của CSVN là bắt đi nghĩa vụ quân sự), nên đã bỏ trốn qua Campuchia làm nghề cạo mủ cao su. Rồi cả hai đều mất vì những căn bệnh hiểm nghèo. Có lẽ hít phải mùi cao su quá nhiều và ăn uống kham khổ nên đổ bệnh.
    Ðứa con trai út đang sống với tôi là Nguyễn Viết Xa, năm nay đã 47 tuổi, lúc bố mất, nó mới có 2 tuổi à. Hiện nay nó đang làm nghề chạy xe ôm. Còn đứa con gái thì lấy chồng ở bên phía nhà chồng.

    Bản thân tôi năm nay đã bước sang tuổi 76, bệnh tật đầy mình, một con mắt đã mù hẳn vì nhà sập trong quá khứ. Hiện nay căn nhà tôi đang ở là của bố mẹ chồng (tức bố mẹ anh Ðương).

    NV: Với tư cách là vợ người anh hùng đã hy sinh vì sự bình yên của miền Nam, bà có mong muốn điều gì?

    TTM: Với tôi thì tuổi đã già, tôi không mong muốn gì hơn là có thể được sang vùng Hạ Lào năm xưa, để hỏi thăm về tin tức anh Ðương. Tôi biết là rất khó có thể tìm được xương cốt của ảnh, nhưng ít ra tôi có thể chứng kiến được vùng đất nơi anh ấy đã bỏ mạng. Từ ngày anh ấy mất cho đến giờ, tôi chưa một lần được sang vùng đất đó, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí và người dẫn đường, cùng với những bộn bề của cuộc sống làm tôi vẫn chưa thực hiện được mong muốn của mình.

    NV: Với những thăng trầm của cuộc sống, điều gì khiến bà cảm thấy hối tiếc nhất, và tự hào nhất?

    TTM: Ðiều tôi hối tiếc là chưa nuôi dạy con được tốt. Bốn đứa con không đứa nào được học hành đàng hoàng. Hai đứa đầu thì đã mất, đứa con gái lấy chồng thì cũng tạm ổn, nhưng thằng con trai út thì vẫn phải hành nghề xe ôm kiếm sống qua ngày. Tôi có lỗi với anh Ðương về điều này (khóc).

    Còn điều tôi tự hào nhất thì chắc chắn là về anh Ðương. Tôi tự hào khi có được người chồng anh dũng như vậy. Bản thân tôi không "đi bước nữa" cũng vì lý do này. Với tôi anh Ðương vẫn luôn là người anh hùng trong tim tôi!

    Cho đến bây giờ, lâu lâu tôi vẫn mở bản nhạc "Anh Không Chết Ðâu Anh" để nghe. Tôi thuộc làu từng lời bài hát đó, nhưng vẫn cứ thích nghe đi nghe lại và ngồi hát một mình vu vơ (cười).

    NV: Cảm ơn bà đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này. Xin chúc bà được nhiều sức khỏe và mong bà sớm thực hiện được ước muốn của mình là được sang vùng Hạ Lào để nhìn thấy nơi Ðại Úy Ðương đã anh dũng hy sinh. Biết đâu điều kỳ diệu sẽ đến, khi bà tìm được xương cốt của cố đại úy.

    TTM: Cảm ơn Người Việt rất nhiều. Xin chúc độc giả quý báo một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

    Theo nguoivietonline

  • #2
    Chuyện Một Thời Khói Lửa Chiến Chinh!
    Trung Tá Bùi Đức Lạc Kể Về Cái Chết Của “Người Anh Hùng Mũ Đỏ Tên Đương”


    Di ảnh Cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương

    Trung Tá Bùi Đức Lạc kể: “Lúc Nguyễn Văn Đương chết, tôi đang bay trên trời ngay trên đầu Nguyễn Văn Đương, nên tôi biết rất rõ, tại sao Nguyễn Văn Đương chết và chết như thế nào! Nguyễn Văn Đương là Pháo Đội Trưởng Pháo đội B3 Nhẩy Dù.

    Trong căn cứ của anh, hiện có một pháo thủ là anh Đào Văn Thương, có thể đang có mặt tại đây, sau này là Mục Sư Đào Văn Thương. Những người trong căn cứ 31 hiện giờ không còn ai ở đây, nhưng các pháo thủ có mặt trong trận Hạ Lào, thì có Thiếu Tá Đào Kim Trọng (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội A.3 Dù), Thiếu Tá Lý Kim Điền (Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C1 Dù), Nguyễn Kim Việt (Pháo Đội Phó Nhảy Dù) và Pháo Đội Trưởng Pháo Đội C3 là Đại Úy Bành Kim Trí. Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh có một Pháo Đội 155 ly của Đại Úy Trương Như Hy, đóng tại căn cứ 30.

    Ngày mà chúng tôi nhận được tin Trung Tướng Đỗ Cao Trí chết tức là ngày 21-2, ngày mà căn cứ chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đạn. Đạn dược trong trận Hạ Lào, tụi Việt cộng rất là dư thừa, nhưng mình rất là khan hiếm nó ngược lại như vậy, và các súng tối tân của nó cũng trên mình hết, tức là các súng 130 ly và hỏa tiễn.

    Ở miền Nam chúng ta chỉ bị pháo hỏa tiễn 122 ly, cùng lắm là 2 nòng mà thôi. Nhưng sang Hạ Lào, chúng dùng 6 nòng, bắn một lúc 6 trái và nó bắn không bao giờ dưới 6 tràng, tức là không bao giờ dưới 60 trái; đạn dược của nó dư dả như vậy, nên căn cứ 31 của chúng tôi bị pháo khoảng 2.000 trái đủ các loại đạn. Nhưng thật sự, chúng ta ở trong Pháo Binh biết, nếu mà 2.000 trái mà trúng căn cứ, thì chắc chúng tôi thành bụi hết rồi.

    Nó pháo 2.000 trái chỉ trúng căn cứ tối đa là 10 trái; cũng may như thế mà giờ đây tôi có dịp trình bày với quý vị. Không có ngày nào nó pháo dưới 1.000 trái, nhưng đa số ra ngoài căn cứ hết. Hôm 21, khi nó tấn công căn cứ 31, thì chúng tôi bị pháo như thế và căn cứ 30 cũng bị pháo tương tự. Ngày 24, là ngày căn cứ 31 bị thất thủ, tôi và Đại Tá Lưỡng, không biết ai xin, nhưng khi máy bay trực thăng đáp xuống thì hai chúng tôi phải lên máy bay đi.

    Chúng tôi đang bay quan sát cho Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù, lúc đó Tiểu Đoàn 8 và một Thiết Đoàn đang đụng độ với sư đoàn 320 Việt cộng. Ở bên các cánh quân khác như Lữ Đoàn 3, chỉ bị một sư đoàn tấn công, còn riêng Lữ Đoàn 1, ba Tiểu Đoàn Dù bị ba sư đoàn tấn công ngày đêm, không có lúc nào mà không có đơn xin tác xạ trên hệ thống tác xạ hết, thành ra trong trận Hạ Lào, anh em chúng tôi không bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn 10 phút, kể cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đang bay quan sát trên không phận của Tiểu Đoàn 8, thì căn cứ 31 bị tấn công rất mạnh, tấn công giữa ban ngày.

    Tất cả những trận đánh tại căn cứ 31 đều diễn ra ban ngày hết. Ban đêm chỉ là đặc công đánh nhỏ mà thôi. Khi nó tấn công thì từ chỗ tôi đang bay, nhìn qua căn cứ 31, chỗ Đương đang đụng trận, thì thấy những chiến xa của Việt cộng lờ mờ không thấy rõ, tôi ước lượng khoảng 10 chiến xa. Lúc đó Nguyễn Văn Đương gọi cho tôi nói ‘Nó đông lắm anh ơi!’. Tôi hỏi: ‘Tình trạng bây giờ như thế nào?’.

    Đương cho biết: ‘Lủng tuyến rồi anh ơi!’. Tôi nhìn đồng hồ khoảng 2 giờ 50 chiều. Vào khoảng 3 giờ thiếu 10, Nguyễn Văn Đương gọi nói: ‘Em chỉ còn hai cây súng bắn được thôi’, và sau đó Đương nói, ‘Em chỉ còn một cây súng bắn được thôi. Tức là 5 cây hư, chỉ còn độc nhất một cây’. Khoảng 4 giờ, Đương cho tôi biết là, ‘Chiến xa địch đang nằm trên đầu em’.

    Lúc đó Đương đang ở dưới hầm và qua máy liên hợp, tôi nghe Đương nói với một nhân viên của anh: ‘Băng cho tao, máu ra nhiều quá rồi’. Lúc bấy giờ tôi mới biết tay phải của Nguyễn Văn Đương đã bị rớt rồi và chân Đương cũng bị trúng đạn, nhưng Đương vẫn bình tĩnh nói với tôi: ‘Em lên đạn bằng cái kiểu ngày xưa đó, tức là súng Col của Đương, Đương phải dùng tay phải tỳ vô cái dây nịt bụng mà lên đạn, không thể lên đạn bằng hai tay được nữa.

    Khoảng 4 giờ hay 4 giờ 05 thì Đương nói: ‘11 ơi, em không liên lạc với 11 nữa, vĩnh biệt 11!’ và rồi tôi không nghe gì nữa.

    Tôi nghĩ lúc đó Đương đã vĩnh biệt tất cả đồng đội. Trước khi chết, Đương cho tôi biết, anh chỉ còn có hai viên đạn cuối cùng trên nòng súng mà thôi! Và đó là cái chết của Nguyễn văn Đương trên mặt trận Hạ Lào. Sau đó khoảng 5 phút, Đại Tá NguyễnVăn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 gọi cho tôi nói: ‘11 làm ơn bắn ngay trên đầu tao đi’. Trên máy bay tôi cho lệnh tất cả các pháo đội sử dụng đạn nổ CVT, dù sao tôi cũng sợ bắn đạn thường rơi vào hầm hố của quân mình, nên tôi dùng đạn CVT.

    Khai hỏa vào khoảng 4 giờ 15, thì tất cả 4 pháo đội đồng khai hỏa bắn vào căn cứ 31 và bắn giết cả bạn lẫn thù, lần đầu tiên trong đời pháo thủ của tôi! Khi tôi vừa ra lệnh bắn, thì Đại Tá Lưỡng và tôi cùng cả phi hành đoàn đều bật khóc. Đó là cái chết của Đại Úy Nguyễn Văn Đương và Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù tại mặt trận Hạ Lào”.

    Bùi đức Lạc

    Comment


    • #3
      Thị Trưởng Trí Tạ gây quỹ giúp bà quả phụ ‘Anh Hùng Tên Đương’
      Nguồn:nguoi-viet.com

      WESTMINSTER (NV) - Ông Tạ Đức Trí, thị trưởng thành phố Westminster, California, gây quỹ giúp gia đình bà quả phụ “anh hùng Mũ Đỏ tên Đương.”

      Bà quả phụ Nguyễn Văn Đương bên bàn thờ và di ảnh chồng tại tư gia ở quận 11, Sài Gòn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

      Ông Tạ Đức Trí quyết định gây quỹ sau khi nhật báo Người Việt đăng loạt bài về gia cảnh bà Trần Thị Mai, người vợ của cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương, người tuẫn tiết trong chiến dịch “Hành Quân Lam Sơn 719” năm 1971.

      Thị Trưởng Tạ Đức Trí nói với Người Việt: “Tôi rất xúc động khi biết được hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn của bà quả phụ Nguyễn Văn Đương tại Việt Nam. Cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương đã hy sinh vì lý tưởng tự do và sự an bình của miền Nam Việt Nam. Để bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh, tôi quyết định gây quỹ giúp bà quả phụ Nguyễn Văn Đương và con trai bà. Hy vọng sự đóng góp của các đồng hương tại hải ngoại sẽ phần nào xoa dịu và chia sẻ những mất mát và khổ đau mà gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Đương phải chịu đựng trong hơn bốn thập kỷ qua.”

      Anh Nguyễn Viết Xa, người con trai út của cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương, hành nghề lái xe ôm tại Sài Gòn. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

      Trên bức Thư Ngỏ kêu gọi hỗ trợ gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Đương, thị trưởng Tạ Đức Trí viết: “Là con một gia đình đến Mỹ với danh nghĩa tị nạn chính trị và là con rể của một cựu Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến, Quân Lực VNCH, từng bị tù Cộng Sản sau 1975, tôi đã rất xúc động sau khi đọc được loạt bài về gia đình bà quả phụ cố Đại Úy Quân Lực VNCH Nguyễn Văn Đương, nhân vật chính trong ca khúc ‘Anh Không Chết Đâu Anh’ của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.”

      “Hoàn cảnh khó khăn, bi thảm của gia đình 'người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương' gần như bị lãng quên hơn 40 năm qua, cũng như ước mong của bà Trần Thị Mai được một lần đi đến Hạ Lào, nơi Đại Úy Đương hy sinh trong cuộc 'Hành Quân Lam Sơn 719,' đã thôi thúc tôi lập ra trang mạng gây quỹ này.” Vẫn theo thư ngỏ.

      Phu nhân thị trưởng Tạ Đức Trí là bà Dược Sĩ Đoàn Quế Anh, ái nữ của cố trung tá Thủy Quân Lục Chiến VNCH, Đoàn Trọng Cảo.

      Mục đích gây quỹ của thị trưởng Tạ Đức Trí: “Một là giúp anh Nguyễn Viết Xa, người con trai út của cố Đại Úy Đương, hiện đang hành nghề xe ôm ở Sài Gòn, có chút vốn liếng mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập mà vừa được ở gần để chăm sóc mẹ, như mong ước của anh.” Và “Thứ hai là giúp bà Trần Thị Mai có đủ tài chánh trang trải cho chuyến đi đến Hạ Lào, mà theo lời bà là 'muốn chứng kiến nơi ấy và biết đâu sẽ còn tìm được xương cốt' của anh hùng Nguyễn Văn Đương.”

      Giấy “báo mất tích,” bà Trần Thị Mai giữ từ năm 1971 đến nay. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

      Để công việc gây quỹ được minh bạch, thị trưởng Tạ Đức Trí đã mời, và được văn phòng tài chánh của ông Jonathan Tôn - D.T. Tôn - đứng ra đảm trách công việc kiểm toán.

      Ông Jonathan Tôn, chủ nhân công ty cố vấn tài chánh D.T. Tôn lâu năm tại Little Saigon, nói với Người Việt: “Đây là việc đáng làm, cần làm, nên tôi sẵn lòng giúp. Bất cứ ai, có lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc, nhớ công lao của những người đã hy sinh cho tổ quốc, đều sẵn lòng tham gia, không tư lợi, không tính toán.”

      Hình thức gây quỹ lần này không giống cách thức “truyền thống.” Thị Trưởng Tạ Đức Trí chọn cách gây quỹ trên mạng Internet để người hảo tâm ở khắp nơi có thể đóng góp. Quý độc giả có thể vào trang này https://www.gofundme.com/63uy9wgs để theo dõi và biết thêm chi tiết của công việc gây quỹ này. (Đ.B.)

      Comment


      • #4
        Ông Bùi Đức Lạc nói sai về cái chết của Đại tá Nguyễn văn Thọ, vì Đại tá Thọ bị bắt làm tù binh và giam bên Hạ Lào do Đoàn giam giữ tù binh 76 VC, tôi cũng bị bắt tù binh giam cùng đoàn nhưng khác trại với ông .Đại tá Thọ rất giữ tư cách trong thời gian bị tù VC, và vẫn giữ được bộ quần áo Dù của ông để mặc khi gặp các phái đoàn quốc tế .

        Comment


        • #5
          Sự việc Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù, bị quân cộng sản bắt tại mặt trận Hạ Lào năm 1971, cùng với tư cách của ông trong thời gian bị CSBV cầm tù (như ducquany đã viết) là những gì mà trước năm 1975 hầu như quân dân miền Nam đều biết. Không hiểu tại sao lại xảy ra sự sai lầm đáng tiếc trong bài viết của Trung tá Bùi Đức Lạc?!
          Chỉ có thể giải thích đây là một bài viết của nhà báo nào đó viết lại theo lời kể của Trung tá Bùi Đức Lạc, và (nhà báo này) đã nhớ sai về những gì đã xảy ra cho Đại tá Nguyễn Văn Thọ chăng?!
          Nhân đây, chúng tôi cũng xin mời độc giả đọc lại bài “Chuyến Bay Tử Thần Vào Đồi 31” (mục Chuyện Đời Lính, Hội Quán Phi Dũng) của KQ Bùi Tá Khánh, và cùng nhau thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ các anh em hoa tiêu, cơ phi, xạ thủ kém may mắn của Phi Đoàn 219 Long Mã đã vĩnh viễn gửi nắm xương tàn nơi vùng đất lạ. NHT
          Last edited by Nguyen Huu Thien; 03-26-2016, 10:05 PM.

          Comment


          • #6
            Hưởng ứng gây quỹ giúp bà quả phụ ‘Anh Hùng Tên Ðương’
            Nguồn:nguoi-viet.com

            WESTMINSTER (NV) - Chưa đầy 2 ngày sau khi Thị Trưởng Tạ Ðức Trí phổ biến lời kêu gọi đóng góp giúp bà quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Ðỏ Tên Ðương,” đã có 287 người và tập thể hưởng ứng, góp số tiền lên đến $17,600 (tính đến 6:30 chiều ngày 21 Tháng Ba).

            Khởi thủy, số tiền dự định của ông thị trưởng thành phố Westminster khá “khiêm nhượng,” chỉ $3,000. Thế nhưng, đóng góp của đồng hương nhanh hơn rất nhiều, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đã phải liên tục nâng con số dự tính, thành $6,000, rồi $9,000, $12,000... và đến chiều ngày 21 Tháng Ba là $20,000.

            Một trong những người đầu tiên đóng góp vào khuya ngày 19 Tháng Ba là ca sĩ Thanh Mai. Theo lời người trong gia đình ca sĩ Thanh Mai, thì bà “đã khóc” khi đọc bài báo về gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Ðương, đăng trên Người Việt.

            Có rất nhiều người tham gia đóng góp, không để lại tên, thay vào đó bày tỏ hai điều: Tri ân sự hy sinh của cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương cùng những khó khăn mà gia đình ông chịu đựng từ 1975 đến nay; và cảm ơn Thị Trưởng Tạ Ðức Trí đứng ra kêu gọi gây quỹ.

            Có một nhóm thân hữu, không để lại danh tánh, nhưng qua liên lạc với Người Việt, thì được biết là những độc giã từ Arizona. Người đại diện nhóm nói, nhiều người trẻ không biết đến trường hợp cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhưng vẫn sẵn lòng đóng góp, “tấm lòng quý hơn số tiền.”

            Trong ngày 21 Tháng Ba, một cựu trung tá Không Quân VNCH, ông Trần Dật, đến tận tòa soạn, trao $500 tiền mặt để hiến vào quỹ. Ðồng thời, trao tấm ngân phiếu $500 do Hòa Thượng Chơn Thành trao tặng.

            Sự đóng góp của đồng hương như cơn mưa rào xả xuống đồng ruộng khô hạn. Khi bài báo của tác giả Việt Hùng/Người Việt đăng về cảnh sống khó khăn của gia đình bà Nguyễn Văn Ðương, hàng trăm độc giả email vào tòa soạn, xin địa chỉ liên lạc để giúp đỡ.

            Một độc giả của Người Việt cho biết người thân của mình ở Sài Gòn sẽ đến khám bệnh và săn sóc y tế cho bà Nguyễn Văn Ðương, nhũ danh Trần Thị Mai.

            Ðộc giả có thể theo dõi diễn tiến gây quỹ qua đường link www.gofundme.com/63uy9wgs. Kết quả gây quỹ sẽ được kiểm toán do công ty cố vấn tài chánh D.T. Tôn, văn phòng tại Little Saigon, đảm trách theo lời mời của Thị Trưởng Tạ Ðức Trí.

            Bà Nguyễn Văn Ðương nay đã 76 tuổi, mù một mắt do nhà sập, con mắt thứ hai cũng đã yếu nhiều. Bà có bốn người con, 3 trai, 1 gái. Hai con trai đầu đã chết trong thời gian đi cạo mủ cao su tại Cambodia. Người con trai út đang hành nghề lái xe ôm tại Sài Gòn.

            Cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương thuộc Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất năm 1971 trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào. Khi cả pháo đội của ông bị trúng đạn, đường tiếp viện bị cắt, biết không thể thoát, ông ra lệnh mọi người tuyến dưới rút lui, còn cá nhân ở lại với một chân bị thương rất nặng, sau đó tuẫn tiết bằng khẩu súng tự bắn vào đầu. Câu chuyện về cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương trở thành huyền thoại sau khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết thành ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh,” trở thành bài hát quen thuộc của rất nhiều người. (Ð.B.)

            Comment


            • #7

              Comment


              • #8
                Bà quả phụ ‘Mũ Đỏ Tên Đương’ cảm ơn cộng đồng hải ngoại
                Linh Nguyễn/Người Việt


                WESTMINSTER, Calif. (NV) - Bà Trần Thị Mai, quả phụ “Người Anh Hùng Mũ Đỏ Tên Đương,” xác nhận bằng thư viết tay và video vào ngày 6 Tháng Tư tại Sài Gòn, đã nhận đủ số tiền do thị trưởng thành phố Westminster, Tạ Đức Trí, gây quỹ tại hải ngoại.

                Lá thư viết tay của bà quả phụ Nguyễn Văn Đương. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


                Thư xác nhận của bà Trần Thị Mai viết: “Tôi, Trần Thị Mai, là vợ của cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương. Tôi viết thư này để gởi lời cám ơn chân thành Thị Trưởng Tạ Đức Trí, độc giả báo Người Việt và cộng đồng người Việt hải ngoại đã giúp đỡ cho tôi.

                “Không biết nói gì hơn, xin cầu chúc mọi điều may mắn nhắn đến với quý ân nhân.

                Sài Gòn, ngày 6 Tháng Tư, 2016.”



                Số tiền quyên góp trên là kết quả gây quỹ của Thị Trưởng Tạ Đức Trí qua trang Gofundme.com, được thực hiện trong bốn ngày, từ 20 đến 24 Tháng Ba.

                Tại nhật báo Người Việt, thị trưởng Tạ Đức Trí bày tỏ: “Tôi cảm tạ đồng hương cùng tôi quyên góp ủng hộ bà quả phụ Nguyễn Văn Đương trong thời gian qua. Tôi lại càng cảm động hơn khi đọc những bài viết trên nhật báo Người Việt về hoàn cảnh khó khăn bà phải trải qua trong 40 năm trường. Lòng tôi thôi thúc, tự hỏi phải làm gì?”

                “Đó cũng là lý do khiến tôi mạnh dạn kêu gọi đồng hương đóng góp. Kết quả đồng hương ủng hộ đông đảo thể hiện sự biết ơn của đồng bào hải ngoại, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của bà và gia đình trải qua trong 40 năm,” thị trưởng nhấn mạnh.

                Nhân dịp này, thị trưởng Tạ Đức Trí cũng cám ơn ông D.T. Tôn, nhà hoạch định tài chánh, đã giúp cố vấn các thủ tục tài chánh, đảm nhận công việc kiểm toán; và ông Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, giúp phối hợp chuyển giao số tiền về Việt Nam.

                Từ trái: Bà Đoàn Quế Anh (phu nhân Thị Trưởng Tạ Đức Trí), chủ bút Người Việt, Phạm Phú Thiện Giao, ông D.T. Tôn, Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Tổng Thư ký Người Việt Online, Khôi Nguyên, tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)


                Ông D.T. Tôn nói với Người Việt: “Khi được mời cố vấn, tôi nhận lời vì thấy cách gây quỹ mới lạ và mau chóng của thị trưởng.”

                Sau 4 ngày gây quỹ, có 515 người vào đóng góp, số tiền tổng cộng quyên được là $32,615. Sau khi trừ lệ phí 5% trả cho Gofundme.com, 2.9% cho công ty kiểm toán Wepay và 30 cents cho mỗi một ân nhân đóng góp, số tiền còn lại là $29,975.80.

                Câu chuyện về cuộc sống của gia đình bà quả phụ Nguyễn Văn Đương, do phóng viên Việt Hùng thực hiện tại Sài Gòn, gây xúc động dư luận hải ngoại. Rất nhiều độc giả vẫn cho rằng gia đình bà Nguyễn Văn Đương “chắc đã định cư tại Hoa Kỳ,” không ngờ họ vẫn còn sinh sống trong cực khổ tại Sài Gòn.

                Ông bà Nguyễn Văn Đương và Trần Thị Mai có với nhau 4 người con, 3 trai, 1 gái. Hai người con trai đầu đã qua đời tại Cambodia, người con gái đã lập gia đình, người con trai út làm nghề lái xe ôm tại Sài Gòn.

                Mục đích gây quỹ của thị trưởng Tạ Đức Trí, như đã nêu trên Gofundme.com, “một là giúp anh Nguyễn Viết Xa, người con trai út của cố Đại Úy Đương, hiện đang hành nghề xe ôm ở Sài Gòn, có chút vốn liếng mở một tiệm tạp hóa bán ở nhà để vừa có thu nhập mà vừa được ở gần để chăm sóc mẹ, như mong ước của anh. Thứ hai là giúp bà Trần Thị Mai có đủ tài chánh trang trải cho chuyến đi đến Hạ Lào, mà theo lời bà là 'muốn chứng kiến nơi ấy và biết đâu sẽ còn tìm được xương cốt' của anh hùng Nguyễn Văn Đương.”

                Comment



                Hội Quán Phi Dũng ©
                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                website hit counter

                Working...
                X