Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhớ ngày 9 tháng 4

Collapse
X

Nhớ ngày 9 tháng 4

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhớ ngày 9 tháng 4

    Nhớ ngày 9 tháng 4
    Trần Cẩm Tưòng


    Ngày này cách đây 40 năm (9-4-1975) SĐ18 BB chiến thắng vẻ vang tại tuyến thép Xuân Lộc, Long Khánh.

    Tiểu Đoàn 1/48 (TĐ1/48) và Chi Đoàn 1/5 Thiết Giáp (tăng phái) chúng tôi cũng đã góp chút công, đánh tan Trung Đoàn 266 CSBV xâm nhập tại Cua Heo; giữ vững phòng tuyến, đánh chặn SĐ 6+7 trong 3 ngày ròng rả (quân Bắc Việt rót thêm quân vào để cố chiếm TX Xuân Lộc).

    Với lực lượng 1 chọi 3 và có khi bị trấn áp nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi vẫn cố thủ, cố đánh đến khi kẻ địch bỏ chạy.

    Nhiều người đã nói, viết, hồi ký, tuyên truyền dựng cảnh… cả hai bên đều dành phần thắng. Nhưng với tôi, kỳ tích chiến thắng này mang nhiều yếu tố may mắn, hay không bằng hên, người muốn không bằng trời muốn.

    Nếu không có may mắn Tiểu đoàn chúng tôi đã tan nát trước sức tràn biển người của quân BV. Họ đông như kiến bu và điên khùng đến nỗi từng lớp gục ngã trước hoả lực của thiết giáp, súng nhỏ của lính bộ binh, đại bác bắn hoả tập, bom thả từng chập của máy bay phản lực.

    Các đơn vị phòng thủ trong Thị xã Xuân Lộc chắc chắn đã đào công sự phòng thủ vững chắc, tu bổ hằng ngày chờ quân Bắc Việt vào, khi tin tức chiến sự mỗi ngày thêm tồi tệ: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho lệnh rút bỏ các tỉnh ngoài miền Trung; Phước Long đã thất thủ, địch quân mỗi ngày càng tiến gần về Saigon.

    TĐ1/48 chúng tôi làm trừ bị cho sư đoàn, mỗi ngày di chuyển từ nơi này sang nơi khác, không ở một nơi nhất định, đụng đâu đánh đó. Vì vậy ngay từ lúc đầu nổ súng, địch pháo như mưa (vài ngàn quả đạn) vào những căn cứ, trại, cơ quan chánh quyền, vậy mà đạn pháo không rơi quả nào vào chỗ đóng quân tạm của chúng tôi.

    Hôm đó, lúc trời vừa rạng sáng khoảng 5 giờ 30, pháo VC đánh thức tôi choàng dậy, quơ vội súng đạn, nai nịt gọn gàng, chờ đợi… chắc chắn là sẽ có lệnh di chuyển rồi! Quả thật đoán không sai, anh lính truyền tin đưa ống nói, đại bàng nhận lệnh gấp từ bên BCH/Trung Đoàn. Tôi chỉ chụp vội tấm bản đồ bộc plastic, choàng áo giáp, đội nón sắt, giao lệnh chuẩn bị hành quân cho ông tiểu đoàn phó, leo xe jeep dong thẳng qua Bộ Chỉ Huy/Trung Đoàn (BCH/TRĐ).

    Tôi quên nói là tiểu đoàn tôi đang đóng quân dã ngoại trong vườn cây nhà dân gần Ngã ba Tân Phong, ngó qua bên kia đường QL 1 là BCH/TRĐ 48, đóng tạm trong Chi Khu Xuân Lộc. Địch đang pháo kích ầm ầm, cây cành rơi ngã ào ào, con đường không người qua lại, lính trong đồn trong công sự ghìm súng. Cửa đồn vừa mở xe chạy thoát vào, đạn pháo nổ rượt đàng sau, hú vía!

    Vào đến hầm thiết ống chụp nhà vòm của BCH/TRĐ tôi sững người vì chạm ngay mặt ông Tướng (tôi không hiểu sao ổng từ BTL/SĐ, đóng trong Thị Xã, hồi nào mà vọt lẹ ra đây? Sau này tôi mới biết Hằng Minh, danh hiệu Tướng Lê Minh Đảo, mới bay trực thăng từ Long Bình lên, đáp thẳng xuống bải đáp Chi Khu, báo hại cho Bộ Tham Mưu (BTM) đi kiếm, không biết ông đang ở đâu. Bàn cờ, VC quân đỏ, vô pháo đầu, bên xanh chấp tướng!

    Ngó quanh quất trong nhà hầm mái vòm chật hẹp, tôi thấy có Trung Tá Trần Minh Công,Trung đoàn trưởng/TRĐ48, một ông sĩ quan bên Thiết Giáp mặc áo giáp che lon cổ, vài anh lính truyền tin ngồi nghe máy. Kỳ dư tôi không thấy có giới chức nào trong BTL/SĐ (Tôi lại cười trong bụng, phen này ông tướng đánh giặc mình ên, khỏi cần sĩ quan tham mưu). Trong suốt mấy ngày lâm trận ông tướng liên lạc cho lệnh thẳng cho tôi, nên báo cáo kịp thời đúng lúc diễn biến của trận địa; xin phi pháo dễ dàng qua luôn ông. Đó là điều may mắn cho tôi đi vào trận, có ông tướng theo sát yểm trợ, khỏi qua nhiều lệnh lạc zic zac!

    Hằng Minh không dài dòng: ”Em dắt tiểu đoàn, qua cho tăng cường một chi đoàn chiến xa, lên giải toả làng Thương Phế Binh, tụi nó đã lọt vào trong đó, để đưa quân vô chợ?”

    Tôi cũng nói luôn quan niệm điều quân: ”Nhận lệnh rõ, tôi sẽ cho 2 thằng con tùng thiết, các ĐĐ và BCH/TĐ còn lại sẽ vượt qua QL1 trước, bọc vòng lô cao su bên phía tây, yểm trợ cho thiết giáp tiến thẳng lên tới đường xe lửa.” Tôi bắt tay với ông sĩ quan thiết giáp OK, chào hai vị chỉ huy trực tiếp, ra xe, đội pháo, tài xế lái chạy thục mạng.

    Đại úy Ẩn, Tiểu đoàn phó (TĐP), K20 Võ Bị (tôi đã phải kỳ kèo ông tướng xin cho về tiểu đoàn), dẫn theo hai đại đội leo thiết giáp chờ lệnh: Khi nào tôi đưa quân qua hết QL1 vào rừng cao su án ngữ bảo vệ cạnh sườn, mới cho xe nổ máy, vượt tuyến xuất phát; rồi theo chân lính bộ binh dọt lên hướng bắc, dừng lại chờ ở tuyến chạm địch (lấy đường rầy xe lửa làm chuẩn, mục tiêu là làng Thương Phế Binh/Long Khánh, VC đang ở trong đó). Lệnh tuyệt đối im lặng vô tuyến, chưa có lệnh chưa nổ súng.

    May mắn về phía chúng tôi, trong lúc pháo kích ầm ì, tiếng xích sắt trong lô cao su được giảm thanh, địch quân không ngờ là chúng tôi đã đến đúng điểm hẹn tao ngộ chiến, trước họ vài phút, làm chủ tình hình.

    Tôi dẫn BCH và trinh sát cố gắng chạy nhanh chừng nào hay chừng nấy, theo cho kịp mấy con cua sắt gầm gừ len lõi qua các lô cao su, nghiến lá khô kêu ào ào. Tiếng Đ/U Ẩn liên tục thúc hối: ”Chúng nó tiến gần sát chúng tôi rồi!” - ”Không được tác xạ nếu chưa thấy chúng nó” tôi vừa đẩy lưng anh lính hiệu thính viên tới trước, vừa hổn hển ”Nghe tôi đây, chưa nổ súng nếu chúng chưa hiện rõ ra. Tôi đang gần tới anh rồi, nhận rõ trả lời?”.

    “Đại bàng ơi, chúng tới rồi, đông lắm… còn chừng 100 mét,… nghe rõ tiếng lá dưới chân… gần quá rồi, tôi không chờ được nữa đâu!”

    Nghe đến đây súng hai bên nổ rền trời. Tiếng đại liên trên chiến xa giòn giã, tiếng đạn đại bác nổ ầm ầm. Đạn địch vãi tung toé trên cành lá cao su, tung toé lá khô dưới chân, mặc kệ, tôi hô quân tiến lên cho kịp với tuyến đầu chạm địch.

    Hoả lực bên ta đàn áp địch dữ dội, chưa trận đánh nào mà tôi nghe đủ thứ đạn lớn nhỏ nổ rền trời, điếc tai, nhức óc như lần này; quân ta tiến lên chân như mọc cánh. Tôi không còn nghe tiếng nói của ông TĐP nữa, vừa lúc tôi đã gặp tiền quân, mũi say mùi thuốc súng, tai ù đau nhức.

    Trong vòng chừng 15 phút không còn nghe tiếng đạn địch bắn trả, tôi cho lệnh hai ĐĐ 2 và 3 xung phong, đạn bộ binh ria vãi, súng thiết giáp bắn đuổi theo chân địch. Đến khi hai ĐĐT báo cáo địch đã chạy ngược hẵn về bên kia QL1 gần đoạn đướng vòng Cua Heo, tôi cho lệnh dừng quân bố trí làm tuyến chặn, lục soát chiến trường.

    Xác bộ đội chánh qui BV quần áo kaki xanh vàng chết nằm la liệt bên những gốc cây cao su máu đọng vũng. Bên dưới con hào chống chiến xa (tỉnh Long Khánh cho đào từ trước) xác người nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau xếp lớp.

    Các đơn vị báo cáo sơ khởi thiệt hại, lính TĐ có vài người bị thương được cáng về Ngã 3 Tân Phong chờ tải thương, bên Thiết Giáp một Chuẩn Uy hy sinh vì đạn B40. Tôi cảm tạ ơn trên, đã phù hộ cho chúng tôi không bị thiệt hại nhiều từ phút đầu.

    Vũ khí tịch thu được nhiều vô kể, súng lớn súng nhỏ được chất đầy 2 chiếc xe lam 3 bánh và trong xe M113 chở về Tân Phong cho TRĐ làm chiến lợi phẩm.

    Một toán địch lọt vào làng TPB bắn AK báo tin cầu cứu, vài toán bộ đội liều mạng băng qua đường, làm bia bắn cho lính ĐĐ2 đang nằm, ngồi gốc cao su; ghìm súng bắn trả từng đợt qua bên kia bờ QL. ĐĐT/ ĐĐ2 báo cáo tịch thu được môt bản đồ hành quân vẽ tay, trong túi áo của một cán binh (chính uỷ Trung Đoàn).

    ĐĐ3 giữ kẹp đường thoát ra của toán địch bên trong làng. Thiết giáp tạm ngưng hoả lực cho pháo binh nả đạn pháo tập TOT bên kia đường QL. Xác người được mang bỏ xuống đường hào sâu.

    Nhưng suốt ngày hôm đó chúng tôi không được yên vì địch quân reo hò xung phong nhiều lần qua tuyến chặn, lớp men theo đường hào, lớp xông qua bám bờ đất.

    May mắn thay anh Bảy Chơi (đặt lén nickname của ông Tướng, hay Hằng Minh, tay chơi văn nghệ tài tử) trực tiếp điện đàm với tôi, nên tôi xin phi tuần lên vùng đánh bom, hay gọi pháo đội 100 tràng, lần nào ông cũng cho đủ. Thời gian đó không còn cố vấn Mỹ để nhờ cậy, đạn dược bị hạn chế tối đa. Đến nỗi nhiều lần anh Bảy la tôi trong máy: ”Mày xài sang quá nghe Tư Ngạnh!” (nickname của tôi; cũng như nhiều tên như Hắc, Bạch Công Tử, Sáu Bù Lon, Năm Chỏi… nhiều xếp khác bị anh Bảy coi mặt đặt tên ngang xương!).

    May mắn là lính đã có sẵn một ngày cơm nắm, nấu sẵn từ ngày hôm trước, nên dù đánh nhau suốt ngày cho đến đêm (ĐĐ3 của Tr/U Kiệt lùng đánh một trung đội tiền sát của địch đã lọt vào khu làng TPB, nhà bỏ trống). Đến rạng sáng ngày 10-4-75 mục tiêu được thanh toán, quân ta chiếm giữ lại ngôi làng, bắt sống 6 tù binh. Bên ta 3 binh sĩ tử trận, vài người bị thương.

    Ngày hôm sau (10-4-75) địch pháo vào đội hình đóng quân của chúng tôi, có lẽ hết đạn nên lẹt đẹt vài quả lấy lệ, nhưng họ dùng chiến thuật biển người đưa quân qua đường, liền bị pháo tập nả liên hồi, phi cơ lên vùng ném bom tới tấp, phải tháo chạy ngược về. Những toán xung phong đầu tiên lọt vào đường hào chống chiến xa, nơi xác người ngập ngụa, tầm ngắm của đại bác hay đại liên trên chiến xa khạc đạn liên hồi, bộ đội ra đi không hề quay lại!

    Sáu tù binh do ĐĐ3 giải về làm chúng tôi ngỡ ngàng, thương cảm hơn là thù hận. Các em độ tuổi 15, 17, gầy xanh mướt, luôn kêu khát nước, van xin đừng giết chúng con! Lính móc trong túi áo mấy em ra thấy mỗi người có vài mẫu lương khô chữ Trung Quốc, 4 viên thuốc màu đỏ. Hỏi các em đã ăn uống gì chưa, đáp không ăn vì khát nước, 4 viên “hồng đơn tăng lực” khi có lệnh của chính trị viên mới nuốt vào cổ! Sau này chúng tôi mới biết đó là ma tuý estasy, nuốt vào làm người lơ mơ đờ đẫn, hăng máu, bất kể sống chết xung phong vào mục tiêu! Y tá băng bó cho các em, lính chia cơm nắm, điếu thuốc với các em, đưa các em về phía sau cho B2 /TRĐ. Những tù binh này đã kể lại “đời bộ đội” của họ trên làn sóng phát thanh, đài truyền hình Saigon.

    Mãi mê canh giữ Cua Heo ngày đêm không để địch tràn qua, lính tráng thay phiên nhau người ngủ, kẻ thức nhìn hoả châu soi sáng suốt đêm; lệnh im lặng vô tuyến, máy xe không nổ, người không làm động lá cây khô. Lương khô quân đội, nước uống đã được phía sau tiếp tế đầy đủ, chỉ tội cho mấy anh nghiện thuốc lá đêm sương lạnh ngáp sái quai hàm.

    Mặt trận chúng tôi có lúc tạm yên thì các nơi khác trong thị xã đánh nhau súng nổ vang trời, khói súng cuộn đen bay lên bầu trời xám. Quả thật, lúc đó tôi không còn lòng dạ nào theo dõi chi tiết từng mặt trận, biết các đơn vị bạn nào chạm súng ra sao!

    Sang ngày thứ ba (11-4-75) chúng tôi vẫn tiếp tục xin phi pháo vào những địa điểm ở phía bắc miệt Suối Tre, tiếng máy xe theo hướng gió nghe lồng lộng. Công sự phòng ngự hầm hố vững chắc hơn, hoả lực đạn dược được tăng cường 2,3 cấp số nhờ những anh em lao công đào binh (LCĐB) mang chuyển. Những anh em này còn giúp kéo xác người đem chôn dưới lòng hào chiến xa; chôn lấp cẩn thận trong hố tập thể để tránh sình thối, mai sau thân nhân tìm được.

    Có lần tôi nghe qua tần số máy truyền tin của sư đoàn, tin TRĐ52BB bị đánh tan ở Dầu Giây làm tôi lo quá, không biết những bạn đồng đội của tôi bên đó sống chết ra sao? Trước khi về nhận TĐ1/48, tôi đã sống ở TRĐ52 vài tháng, tuy làm sĩ quan ca nhõng vì chưa có chức vụ, nhưng thời gian đó tôi rất hạnh phúc vì được trở lại Quân Đội sau 4 năm làm quận trưởng chán nghiệp quan trường. Tôi nghe tiếng Hằng Minh nấc trong ống liên hợp mà thương cho ông và thương quá đồng đội cũ.

    Một buổi sáng anh Bảy lại lên máy kêu đích danh tôi nói chuyện:

    ”Qua cho em lá bùa, em muốn dán nó ở đâu cho qua biết?”

    Tôi mừng quá, như người buồn ngủ gặp chiếu manh, xin lá bùa hộ mạng dán trước tuyến chặn Cua Heo vào tới Suối Tre, ma quỷ đang tụ tập để quấy rầy, nhác ban ngày, hiện ban đêm! Óng cười trong máy, nói thằng Tư mày giỡn chơi, bùa này linh phải dán xa cả chục cây số, thôi để qua trả lại cho người ta! Lần đó tôi biết ông Tướng hù tôi chơi về bom CBU 55 mà tôi có nghe loáng tháng đâu đó qua tin trời biển. Bom CBU 25 thì tôi biết rồi, cái lần phản lực Hạm Đội Mỹ bay vào đất liền, thả vài pass xuống rừng cao su phía Nam Chi Khu An Lộc. Lần đó T54 và biển người la ó dậy trời đánh vỗ vào mặt quân tử thủ; bị bom bi nổ từng chập kéo dài nhiều giờ đồng hồ, VC đã rút lui mà nó còn nổ chậm theo tiễn đưa.

    Ngày 12-4-75 Út Trầu (Đại úy Út, Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ 2/52) kéo quân từ Dầu Giây về nằm chung với TĐ1/48, gối đầu một ngày cho tiểu đoàn chúng tôi trở về Ngả 3 Tân Phong, tiếp tục làm trừ bị cho sư đoàn. Đến ngày 13-4-75 TĐ1/48 rời vùng, giao lại cho TĐ2/52 tiếp tục làm tuyến chặn địch tại Cua Heo, lục soát bên kia QL1 (địch quân đã rút đi để lại nhiều xe cộ, vũ khí hư hõng).

    Về nằm dưỡng quân làm trừ bị, tôi có dịp theo dõi tin Lữ Đoàn Dù đang hành quân mở rộng tuyến về hướng đông núi Chứa Chan, các đơn vị Dù, nhất là Trinh Sát Dù đánh nhiều trận thật đẹp đẩy lùi quân Bắc Việt ra xa.

    Đến ngày 20-4-75 chúng tôi bị cú sốc, bàng hoàng vì Hằng Minh đến ban lệnh trực tiếp cho tôi. Lệnh cho TĐ1/48 mở đường về Bình Giả để Sư đoàn và Tỉnh Long Khánh rút bỏ vùng đất vừa mới chiến thắng, còn mùi thuốc súng, bỏ chạy như kẻ thất trận, dân chúng hoảng hốt bồng bế chạy theo.

    Lúc 6 giờ chiều ngày 20 nói trên,TĐ 1/48 chúng tôi mở đường, được lệnh gặp địch đánh vượt qua, không cầm cự; gặp vài toán du kích lẻ tẻ vùng Cẩm Mỹ bắn vài phát rồi tháo chạy. Sáu giờ sáng hôm sau, cánh quân đi đầu đến Bình Giả vô sự, trong khi đó hậu quân SĐ18, Tiểu Khu Long Khánh và Nhảy Dù, đụng trận phía sau khói lửa mịt mù.

    Tôi ngồi viết lại những giòng chữ này theo ký ức 40 năm qua; những ấn tượng cuộc đời chinh chiến khó quên, không cần suy nghĩ nhiều, nhớ đến đâu viết đến đó. Như tôi đã thưa trước trận đánh tại Thị Xã Xuân Lộc, TĐ1/48 chúng tôi đã gặp rất nhiều may mắn: trong đường chết hiện ra sinh lộ, CSBV gặp hạn thua đau, SĐ18BB chiến thắng để tiếng về sau.

    40 năm qua, tôi vẫn nhớ lời tướng Đảo nói với tôi khi tôi về tiếp nhận TĐ1/48, (tan nát hết phân nửa quân số, Th/T TĐT Trần Phú Lập bị thương nặng, 2 ĐĐT tử thương, Tiểu đoàn đang co cụm chịu pháo tại cầu Gia Huynh đường qua Quận Tánh Linh):

    “Qua cho sửa lại cổng hậu cứ TĐ rồi, em về ráng chỉnh đốn lại tụi nhỏ!”

    Quả thật lúc đó tôi từ bên TRĐ52 qua, chưa biết ất giáp gì về hậu cứ phong thuỷ của TĐ này. Mãi về sau qua Úc gặp Luật sư Hoàng Lập Chí, cựu sĩ quan của TĐ1/48 thời trước, ông cho biết Tướng Đảo nói đúng; cổng ra vào của hậu cứ TĐ ai dựng lên mà mặt ngó qua nhà xác của đơn vị khinh kỵ Blackhorse của Mỹ, nên TĐ luôn gặp xui xẻo? Nhờ ông Tướng coi thầy, cho sửa lại cổng chánh, về sau mới khá?

    Ngày 9-4-75 địch pháo rát mặt vào BTL/SĐ, nếu Tướng Đảo kẹt trong đó, khó biết tình hình bên ngoài, không ra lệnh ứng xử tại chỗ: ước đoán tình hình địch, đích thân lược trận, chỉ huy trực tiếp TĐ1/48+Chi Đoàn 1/5 TG đánh thẳng lên Cua Heo, giải toả làng Thương Phế Binh thì 2 SĐ 6 và 7 CSBV biển người bộ binh từ mặt Bắc Tây Bắc (nhất điểm) tràn vào tiến chiếm thị xã dễ dàng? Trong khi đó thiết giáp địch tấn công hướng Đông Bắc và vài cánh quân nhỏ đánh nghi binh vào hướng Nam (lưỡng diện), thế trận thật khó gở? Đúng là hay không bằng hên: nếu anh Bảy không qua đêm ở Long Bình, sáng sớm bay kịp vào Long Khánh thì cục diện sẽ ra sao?

    TRĐ 48 mới thay cấp chỉ huy, Đại tá Trần Bá Thành ra làm Tỉnh Trưởng Bình Tuy (Hàm Tân) mang theo TĐ3/48 phòng thủ. Trung tá Trần Minh Công từ QĐ/QK3 về thay chưa gặp mặt các Tiểu Đoàn Trưởng dưới quyền, chưa nắm vững nội tình: TĐ2/48 nằm đường, giữ an ninh lộ trình từ Xuân Lộc về Long Giao, TĐ1/48 làm trừ bị sư đoàn.

    TĐ1/48 chúng tôi mới hấp lại được một tháng ở căn cứ Long Bình, quân số bổ sung theo cấp số mới 600 người, nhưng thuộc lính tứ chiến, sĩ quang hết phân nửa từ các đơn vị khác đưa về, chưa ai biết ai; thậm chí Tiểu Đoàn Phó tôi phải xin xỏ Đại úy Ẩn K20VB, đang làm trồng trọt chăn nuôi ở hậu cứ! Nhưng hay không bằng hên, ai nấy cũng đều là dân mới cả, không có ma cũ ma mới, phe cánh, tuổi đời trên dưới 30 nên cũng dễ thông cảm.

    40 năm qua tôi vẫn không quên Ẩn Ruby, hút thuốc lá QTV, hiền lành từ tốn. Khi tiểu đoàn kéo quân ngang nhà anh ngày 20-4-75 ở Bà Rịa, chị nhà mời chúng tôi ghé uống nước dừa, nói riêng với tôi cho anh ở lại, nhà đã lo cho một ”vé” xuống tàu di tản. Tôi khều anh ”muốn đi thì cứ ở lại nhà”, anh từ chối, nai nịch theo tiểu đoàn. Đại úy Đô K20VB mới về làm Trưởng Ban 3 Hành Quân chăm chỉ hạt bột. Đại uý Nhiên ĐĐT/ĐĐCH, ngày 30-4-75 lính bỏ đi, anh đòi vác súng 75 ly ra bắn chiến xa địch, ngoài tầm tác xạ! Đại úy Tươi từ Địa Phương Quân về coi ĐĐ4, đêm 27-4-75 ĐĐT vật lộn nhau với VC tràn vô tuyến phòng thủ ở Trảng Bom. Trung úy Hùng ĐĐT/ĐĐ1 là người kỳ cựu lâu năm gắn bó với tiểu đoàn. Trung úy Dự (mắt kiến) lập công đầu trong ngày 9-4-75. Trung úy Kiệt (con) lính ĐĐ3 rất sợ ông đại đội trưởng nhỏ con nhưng lớn gan, lệnh đâu ra đó, từng làm Đại Đội Trưởng/Trinh Sát nhưng cấp chỉ huy không biết xài người đổi đi. Và những sĩ quan trẻ trong BCH/TĐ mà tôi không còn nhớ hết tên, đối xữ nhau tình anh em đồng đội gắn bó: trong ngày 30-4-75 còn lại 51 anh em sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ không buông súng, vẫn theo tôi, dù tôi chẳng còn quyền hạn gì bắt họ đi theo… Tôi thật sự cảm động, bất ngờ vì các SQ/TĐ/1/48 ngồi sẵn ngoài quán đợi, ngày 2-5-75 họp mặt lần cuối, tin cậy là tôi có thể dẫn anh em tìm nơi làm phục quốc hay tìm cách vượt biên.

    Nhưng mọi thứ đều đã an bài, lực bất tòng tâm!

    Hôm nay là ngày 9-4-2015, 40 năm sau tôi vẫn nhớ đến trận đánh ở Xuân Lộc-Long Khánh:

    Nhớ Hằng Minh xử trí lanh lợi, văn nghệ tài tử, thương đàn em; toàn thể sư đoàn ai cũng quý ông vì ông ở lại với anh em đến giờ phút cuối, trong khi quan quyền khác cuốn gói bỏ chạy trước.

    Nhớ các anh thuộc TĐ1/48 cùng tôi sống chết trong sáu tháng tôi nắm TĐ này. Thời gian dù ngắn ngủi nhưng tình đồng đội gắn bó giúp chúng ta làm nên chiến thắng lẫy lừng. Tôi không cần ai khen chê quá khứ 40 năm qua; còn sống cho tới ngày nay tôi tin rằng chuyện đời: hay không bằng hên vì có một đơn vị quân đội mà tôi được nhiều ưu ái, nhiều đồng đội xứng đáng để tôi ca ngợi yêu thương và biết ơn.

    Trần Cẩm Tưòng
    Tiểu Đoàn Trưởng/Tiểu Đoàn 1/48


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X