Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tang thương những ngôi mộ 'mồ côi'

Collapse
X

Tang thương những ngôi mộ 'mồ côi'

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tang thương những ngôi mộ 'mồ côi'

    Viếng nghĩa trang quân đội Biên Hòa những ngày cận Tết Bính Thân
    Việt Hùng/Người Việt

    SÀI GÒN - Nhân dịp Tết Bính Thân 2016, chúng tôi có dịp đi cùng các thương phế binh VNCH xuống nghĩa trang quân đội Biên Hòa, phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, để thắp nhang và tảo mộ những tử sĩ VNCH đang nằm lại nơi này.

    Thương phế binh Nguyễn Văn Quang thắp nhang cúng viếng trước một ngôi mộ “mồ côi,” không tên tuổi. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
    Trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Nghĩa Dũng Ðài để thắp hương cúng vái. Vừa bước đến đã có một nhân viên bảo vệ chạy đến ghi “thông tin” với các câu hỏi như tên, tuổi, chứng minh nhân dân số mấy, địa chỉ nhà, vào thăm ai.

    Ghi nhận của chúng tôi về lần viếng thăm này là nhiều ngôi mộ đã được gia đình trùng tu cao ráo sạch sẽ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngôi mộ chỉ trơ nắm đất, không có bia mộ, tên tuổi gì. Cỏ dại lau lách mọc lan dày.

    Những tán cây to lớn ngày một xum xuê do chính quyền CSVN cho trồng từ sau năm 1975, khiến cho khu nghĩa trang trông như là rừng cây. Với những tán lá xum xuê che khuất những nấm mộ “mồ côi,” không bia, không tên, tuổi, đơn vị? Chỉ còn trơ nắm đất.

    Rất nhiều ngôi mộ chỉ còn trơ nắm đất, không có bia mộ, nhang khói. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
    Lập ra từ năm 1965, Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa (NTQÐBH) có thể chứa 30,000 mộ phần, đến chung cuộc năm 1975, mới chỉ khoảng 16,000 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) an nghỉ nơi đây.

    Riêng thời điểm Mậu Thân và mùa Hè đỏ lửa 1972, hơn 10,000 quân nhân tử trận đã được đưa về đây.

    Ðoàn chúng tôi đã lựa chọn những nấm mồ “mồ côi” ở khu E, có năm mất vào 1972, vì không có ai nhang khỏi, thậm chí tấm bia mộ không có hoặc bị đục mất khuôn mặt người lính.

    Hiếm hoi được ngôi mộ có tên tuổi, thì hình ảnh đã bị đục khoét, không còn nhận ra khuôn mặt. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    Nếu như không được trực tiếp đến đây, được tận mắt chứng kiến tất cả những đau thương, mất mát của một thời đạn bom, khói lửa, thời của những người mẹ xa con, người vợ xa chồng, người con xa cha mà không biết có ngày gặp lại thì tôi cũng chưa khi nào hình dung được những mất mát ấy lại lớn và đau thương đến vậy.

    Thương phế binh Nguyễn Văn Sơn, số quân 75/141456, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Ông bị thương khi đi hành quân ở tiểu khu Hậu Nghĩa, bị mất một cánh tay và phải cưa bỏ một chân!

    Thắp nén nhang trước ngôi mộ “Hạ sĩ I, Nguyễn Văn Dậm” ông buồn rầu chia sẻ: “Những người này là thế hệ đàn anh của chúng tôi. Họ hy sinh vào mùa Hè đỏ lửa 1972. Ðiều đáng buồn là tấm bia mộ, với tấm hình cũng đã bị ai đó đục bỏ khuôn mặt. Nhìn đau xót lắm.” Nói rồi ông rưng rưng nước mắt.

    Thanh kiếm Nghĩa Dũng Ðài đã bị cắt cụt khiến cho người dân đi ngoài quốc lộ 1A không còn nhận thấy được nghĩa trang. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    Còn thương phế binh Nguyễn Văn Quang, ông bị cụt cả hai chân cho biết: “Năm nào tôi cũng xuống viếng các anh. Cũng thân phận những người lính VNCH, tuy thân thể không còn lành lặn. Nhưng so với các anh đã nằm lại ở đây, chúng tôi còn may mắn hơn nhiều.”

    “Nhân dịp Tết đến, chúng tôi xuống viếng các anh, để thắp nén nhang tri ân và mong muốn ấm lòng những ngôi mộ ‘mồ côi,’ không người thân thích phúng viếng. Nhìn đau xót lắm,” ông Quang ngậm ngùi.

    Các thương phế binh thắp nhang trước Nghĩa Dũng Ðài. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    Thương phế binh Ngô Văn Khải, số quân 55/764650 cho biết: “Nhà tôi ở Củ Chi, nhưng hôm nay tôi vẫn đi quãng đường xa 100km để đến viếng các anh. Tôi chỉ mong muốn chính quyền này đừng đối xử phân biệt với những người tử sĩ VNCH.

    Bây giờ họ đã mất, điều chúng ta có thể làm là trùng tu cho những nấm mồ, để họ được yên giấc ngàn thu.”

    Cùng chung suy nghĩ như vậy, TPB Bùi Văn Oánh, số quân 54/765992, Ðại Ðội 3 Tiểu Ðoàn 322 cho biết: “Chính quyền nay nên thể hiện tình thần hòa hợp hòa giải dân tộc từ những nấm mồ này. Họ đã mất mà còn bị đối xứ tồi tệ như vậy huống gì những người còn sống?”

    Nghĩa trang Quân Ðội Biên Hòa nay bị đổi tên thành Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An, thuộc tỉnh Bình Dương quản lý. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

    “Ðây không phải là lần đầu tôi xuống viếng nghĩa trang này, thế nhưng không lần nào tôi không thể không rơi lệ, giọt nước mắt để tưởng nhớ về những người đã quên mình để bảo vệ cho Tổ quốc,” TPB Oánh nghẹn ngào.

    Thương lắm khi chứng kiến tại mảnh đất này thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời. Ðã thế còn bị những rễ cây cao lớn phá huy cấu trúc bên dưới nơi các anh nằm.

    Ðứng trước nơi đây, tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhỏ bé trước những mất mát, những hy sinh, nhỏ bé trước cả một thế hệ anh hùng đã ra đi để bảo vệ cho nền độc lập. Muốn lắm, muốn được thắp cho tất cả các anh những nén nhang thành kính, nhưng làm sao có thể đi hết được bây giờ?

    Bởi nơi các anh nằm rộng lớn quá, bao la quá mà thời gian ở nơi này thì có hạn. Thôi thì, xin được thắp nén nhang trong tâm khảm để gửi đến các anh, mong là các anh được yên nghỉ. Các anh sẽ sống mãi trong lòng những người yêu mến tự do, yêu mến VNCH.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X