Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Chuyến Đi

Collapse
X

Những Chuyến Đi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Chuyến Đi

    Những Chuyến Đi
    Nguyễn Hoàng Hải

    Tôi vốn học tại trường Đại Học Y Khoa Sài Gòn cũ. Trường tọa lạc tại số 28 đường Trần Quý Cáp. Nơi đất này của trường đã chứng kiến gần như hầu hết những thăng trầm của triều Nguyễn và có một lịch sử khá ly kỳ. Hồi thế kỷ 18 nơi đây nguyên thủy là chùa Khải Tường, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau là vua Gia Long) lúc còn hàn vi trốn tránh quân Tây Sơn đã tá túc ở chùa này và thái tử Đàm (sau là vua Minh Mạng) đã được sanh ra ở hậu liêu của chùa này. Khi vua Gia Long lên ngôi có tặng cho chùa một tấm bia đá lớn ghi khắc những công đức của chùa. Kịp đến khi quân Pháp trong lúc đánh chiếm Sài Gòn, một sĩ quan của Pháp là đại úy Barbé bị tử trận ở đây khi đối trận với quân ta do tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy. Tấm bia đá đó bị quân Pháp lấy dùng làm mộ bia cho Barbé. Đường Lê Quí Đôn ngày nay chính là phố Barbé ngày trước (theo Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa”).

    Trường chiếm một khu đất lớn, chính giữa là một tòa biệt thự có hai tầng lầu, phía sau có hai dãy nhà ngang dùng làm giảng đường.Tầng lầu trên dùng làm văn phòng khoa trưởng và phòng họp các giáo sư, có cửa sổ trổ sang bên cạnh, qua cửa sổ này các sinh viên vẫn ngồi ngóng ở phía dưới, chờ kết quả kỳ thi lên lớp cuối năm, thường thường do một thư ký nhà trường đứng sát cửa sổ, đọc từ một tờ giấy viết tay; các sinh viên cứ cố vểnh tai ra nghe, thấy có tên mình được đọc lên là mừng húm, biết là đã được lên lớp. Tầng dưới phía trái dùng làm các văn phòng hành chánh, phía bên phải là thư viện của nhà trường. Nơi đây là chỗ vẫn diễn ra lễ trình luận án Tiến Sĩ Y Khoa cho các sinh viên tốt nghiệp .

    LỜI THỀ HIPPOCRATE

    Tôi trình luận án ở phòng này vào khoảng đầu năm 1966. Thủ tục trình luận án tương đối giản dị. Sau khi luận án đã được giáo sư chủ luận án (patron de thèse) đọc và chấp thuận, luận án được trình lên một ban giám khảo, thông thường gồm một giáo sư chánh chủ khảo và ba hoặc bốn giáo sư khác, để duyệt xét và cho thông qua nếu không có khuyết điểm gì.

    Thư viện nhà trường tương đối nhỏ, hôm nào có lễ trình luận án bàn ghế trong phòng được sắp xếp lại gồm một bàn nhỏ dài, một bên có ghế cho giáo sư chánh chủ khảo ngồi giữa, các giáo sư phụ khảo ngồi hai bên. Đối diện có ghế cho các thí sinh ngồi để bảo vệ luận án và trả lời những câu hỏi của các giáo sư. Cách xa độ nửa thước về phía sau có hai hàng ghế dành cho công chúng muốn tham dự buối lễ. Công chúng đây thường là các sinh viên y khoa hay gia đình luận án viên.

    Hồi tôi trình luận án ban giám khảo gồm có: Giáo Sư Ngô Gia Hy là chánh chủ khảo và các GS Đặng Văn Chiếu, GS Đào Đức Hoành và GS Nguyễn Huy Can.

    Những người trình luận án kỳ đó có chị Lê Mỹ Phượng và các anh Trần Gia Khải, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Văn Lâm, Dương Hồng Huấn và Nguyễn Hoàng Hải.

    Trường Y Khoa hồi đó phương tiện còn rất hạn hẹp. Ông thư ký của nhà trường chỉ tìm được có hai cái áo choàng đen, một cái dành cho thầy chánh chủ khảo, một cái dành cho anh niên trưởng đại diện cho các tân khoa được danh dự khoác áo này khi đọc lời thề Hippocrate.

    Người nhiều tuổi hơn cả hôm đó là anh Dương Hồng Huấn, nhưng lại học cùng lớp với tôi là người trẻ nhất trong buổi lễ này. Anh Huấn sinh năm 1929, đã bị gọi nhập ngũ khóa 1 Nam Định, từng học quân sự chung với Nguyễn Cao Kỳ và Lê Nguyên Khang… Anh phục vụ trong quân đội một thời gian rồi chuyển sang y khoa thuộc trường quân y, nên anh học cùng lớp với những người trẻ tuổi hơn anh nhiều. Nếu anh vẫn ở bên bộ binh có khi anh lên tới cấp tướng rồi không chừng!

    Tôi còn nhớ hôm đó chúng tôi đứng nghiêm trang giơ tay thề trong khi anh Dương Hồng Huấn trịnh trọng và dõng dạc đọc lời thề Hippocrate trước mặt các Thầy Giám Khảo cũng đứng nghiêm nghị chấp nhận lời tuyên thệ của các học trò.

    Lời thề như sau:

    Serment d’Hippocrate:

    “ En présence des Maîtres de cette école, de mes chers Condisciples et devant l’Effigie d’Hippocrate, je promets et je jure, au nom de l’Être Suprême, d’être fidèle aux lois de l’honneur et de la probité dans l’exercice de la Médecine. Je donnerai mes soins à l’indigent et n’exigerai jamais un salaire au-dessus de mon travail. Admis dans l’intérieur des maisons, mes yeux n'y verront pas ce qui s’y passe, ma langue taira les secrets qui me seront confiés, et mon état ne servira pas à corrompre les mœurs ni à favoriser le crime. Respectueux et reconnaissant envers mes Maîtres, je rendrai à leurs enfants l’instruction que j’ai reçue de leurs pères.

    Que les homes m’accordent leur estime si je suis fidèle à mes promesses!

    Que je sois couvert d’oppobre et méprisé de mes confrères si j’y manque!“

    Lời thề được đọc bằng tiếng Pháp vì hồi đó y khoa vẫn được giảng dạy bằng Pháp văn, ngay khi đi thực tập tại các bệnh viện các sinh viên y khoa cũng đều dùng tiếng Pháp khi trình bày bệnh lý với giáo sư trưởng khoa.

    Xin tạm dịch:

    Lời thề Hippocrate:

    “ Trước sự hiện diện của các Tôn Sư của nhà trường, của các Đồng Nghiệp và trước tượng thần Hippocrate, tôi xin hứa và xin thề trước Đấng Tối Cao sẽ hành nghề Y Khoa trong danh dự và chính trực. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo khó và sẽ không bao giờ lấy thù lao nhiều hơn công sức của tôi. Đến nhà các bệnh nhân, mắt tôi sẽ không thấy những chuyện gì xảy ra quanh tôi, miệng tôi sẽ im lặng không nói ra những bí mật đã được tiết lộ với tôi. Tôi sẽ không lợi dụng chức nghiệp của tôi để làm bại hoại phong tục cũng như không hỗ trợ cho tội ác. Với sự kính trọng và biết ơn các Thầy, tôi sẽ truyền thụ lại cho hậu duệ của các Thầy những kiến thức mà các thày đã dạy tôi.

    Tôi sẽ được mọi người kính trọng nếu tôi giữ lời hứa!

    Tôi sẽ bị các đồng nghiệp khinh miệt nếu tôi thất hứa!“

    Chỉ có vậy thôi, tuy ngắn gọn nhẹ nhàng nhưng thật thâm trọng, lời thề Hippocrate luôn luôn đeo đuổi lương tâm trong suốt hành trình của người thày thuốc.

    Sau khi tuyên thệ xong, thày trò chụp chung hình kỷ niệm đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong việc đào tạo cũng như trong cuộc đời của người y sĩ. Tôi may mắn còn giữ được vài tấm hình của buổi lễ này, xin đính kèm theo đây (coi hình 1 và hình 2).

    Từ trái qua phải: các bác sĩ Lê Mỹ Phượng, Trần Gia Khải, Dương Hồng Huấn (mặc áo choàng đen), Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Thanh Lâm đang tuyên thệ lời thề Hippocrate

    Hàng trước từ trái qua phải: các Giáo Sư Đào Đức Hoành, Giáo Sư Ngô Gia Hy (chánh chủ khảo với áo choàng đen), Giáo Sư Nguyễn Huy Can và Giáo Sư Đặng Văn Chiếu.
    Hàng sau từ trái qua phải: Các bác sĩ Lê Mỹ Phượng, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Thanh Lâm, Dương Hồng Huấn (áo choàng đen), Nguyễn Hoàng Hải và Trần Gia Khải.


    Tôi rời Sài Gòn trong một chuyến bay đi Quảng Ngãi, nhiệm sở đầu tiên của tôi. Người bạn học ra trường cùng một lúc với tôi, anh Lê Hữu Sanh thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến cũng vừa mới tử trận trong một cuộc hành quân giải tỏa cho chính tỉnh Quảng Ngãi này. Tôi cũng nao núng, thầm nghĩ từ từ sau một thời gian phục vụ ở đây, mình sẽ xin thuyên chuyển về thủ đô, nơi mong ước của mọi người. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, tôi đã phục vụ tại đơn vị này suốt đời quân ngũ của tôi cho tới năm 1975.

    Nghề thày thuốc là một nghề ít nhàm chán. Vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để chạy đua với tử thần, bệnh tật là nghiệp dĩ. Những thử thách xảy ra hàng ngày quen như cơm bữa, lâu dần thấy tựa như những con sóng nhỏ lăn tăn trên một mặt biển bình yên, nhưng vẫn ẩn tàng những đợt sóng ngầm có nguy cơ trở thành phong ba nếu bất cẩn trong công việc chẩn bệnh, điều trị, giải phẫu.

    Nhưng có những ngọn sóng lớn bất thần ập đến do thiên nhiên, do thời thế, do chiến tranh ngoài sự dự liệu của người trong cuộc. Nhìn lại những ngày cũ, những làn sóng này là những biến cố khó quên trong kho tàng kỷ niệm của người y sĩ phục vụ tại một đơn vị địa đầu.

    ĐI TÌM XÁC

    Bệnh Viện 1 Dã Chiến tại Quảng Ngãi mới được thành lập chưa được bao lâu, phương tiện thiếu thốn đủ thứ, cả về vật chất lẫn nhân sự, nhưng nhiệm vụ thì nhiều. Ngoài việc chữa trị thương bệnh binh, bệnh viện còn được trao cho nhiều công việc linh tinh khác như: trông nom và đôn đốc ban chung sự, phát lương cho ty an ninh quân đội, cho ban quân bưu v.v…

    Nhà xác của bệnh viện nằm ở phía sau, cạnh bãi đáp trực thăng và ngay cạnh khu gia binh. Trong thời gian này nhà xác chưa có máy lạnh điều hòa không khí. Nhiệm vụ của ban chung sự gồm kiểm nhận, coi số quân, tìm đơn vị các tử sĩ và chôn cất mai táng các tử sĩ thuộc cấp địa phương. Công việc cần phải chính xác nhưng càng nhanh càng tốt để tránh cho khu gia binh khỏi những mùi hôi hám và côn trùng bu lại.

    Nghe thì giản dị nhưng nhiều khi thi hài binh sĩ tử thương, chở đến nhà xác đã ở trong tình trạng hủ nát hoặc vì thương tích hoặc vì mất thời gian tính, thỉnh thoảng có khi nhân viên ban chung sự phải uống rượu đế, để lấy tinh thần trước khi bắt tay vào việc, sơ xuất dễ xảy ra lắm.

    Và đã xảy ra thật, nhưng lỗi xét cho kỹ không biết tại ai.

    Số là trong một cuộc hành quân hỗn hợp có sự tham dự của sư đoàn Dù giải tỏa cho Quảng Ngãi, kết quả thành công mỹ mãn. Tất nhiên có một số binh sĩ Nhảy Dù bị tử trận, thi hài được mang về quàn tại nhà xác bệnh viện, chờ phương tiện mang về Sài Gòn qua hệ thống yểm trợ riêng của Sư Đoàn Dù.

    Mọi chuyện tiến hành êm xuôi tốt đẹp. Đùng một cái, có công điện của Sư Đoàn Dù tại Sài Gòn báo cáo thiếu một thi hài binh sĩ Dù và quy lỗi cho Bệnh Viện 1 Dã Chiến phải chịu trách nhiệm về việc đã làm “ thất thoát” xác này. Trong lúc bệnh viện đang luýnh quýnh không biết tính sao thì lại nhận được tiếp theo một công điện khác của Tổng Tham Mưu, phạt y sĩ trưởng bệnh viện 15 ngày trọng cấm vì đã lơ là trong khi thi hành nhiệm vụ và hạ lệnh phải tìm kiếm thi hài này để trao trả cho sư đoàn Dù. Xong việc báo cáo!!!

    Lệnh trên từ trung ương đưa ra, giải quyết công việc coi dễ như chơi… Đây là một tai bay vạ gió, trên trời rơi xuống, trúng ai người nấy chịu. Phương pháp độc nhất để tìm một xác chết đã biến mất khỏi nhà xác là… đào mộ mới chôn, tìm thử may ra có sự nhầm lẫn nào chăng trong lúc chộn rộn.
    Thế là một đám thầy trò kéo nhau đi… đào mả !!!

    Bắt đầu bằng ngôi mộ mà một anh nhân viên ban chung sự gãi đầu gãi tai nói: em nghi chắc là ngôi mộ này quá. Cả toán khởi sự đào với một hy vọng rất mong manh. Mùa nóng, xác đã thối rữa, hơi bốc lên nồng nặc. Không phải! Làm sao bây giờ?

    Trong cơn tuyệt vọng ngao ngán đó, một công điện cứu tinh gửi ra. Kiếm được thi hài rồi, xác bị phi cơ quân sự gửi lầm ra Nha Trang. Anh chiến binh xấu số đã tử trận mà vẫn chưa yên, anh đi vòng ra Nha Trang rồi mới về với gia đình.

    Báo hại ai cũng điên đầu vì chuyến đi… lạc oái oăm này.

    Riêng anh y sĩ trưởng tuy làm tròn nhiệm vụ vẫn lãnh đủ mười lăm củ ngon lành. Lệnh của đại tướng đã phán rồi, bất khả thu hồi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, anh trân trọng coi đó là một kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất, một công tác đầy bi hài và ngược đời khó tưởng tượng được mà mấy ai có cái hân hạnh trải qua trong đời y sĩ của mình.

    TRẬN LỤT MIỀN TRUNG

    Quảng Ngãi nằm trên một giải đất hẹp, ép giữa dãy Trường Sơn và biển cả. Mùa mưa nước tràn từ núi đổ xuống quá nhanh, bị ứ ở cửa sông, nước thoát ra biển không kịp, nhiều khi gây nên lũ lụt trong thời gian ngắn, khó đoán trước được. Miền Trung còn nằm trên đường gió mùa thổi, có khi tụ lại chuyển thành bão. Thiên tai do mưa lụt từ núi đổ xuống, gió bão từ biển thổi thốc vào, liên miên không dứt, năm nào bình yên mới là chuyện lạ.

    Bệnh Viện 1 Dã Chiến gồm hơn ba chục căn trại thấp đa số mái lợp tôn, một vài căn có mái bằng xi măng, nằm đối diện với Bệnh Viện Dân Y cách nhau một con đường cái. Bệnh viện dân y xây bằng gạch và có hai tầng lầu.

    Có một năm bị lụt lớn. Mưa liên tiếp hai ngày, mực nước bắt đầu dâng lên đe dọa có thể ngập tới mái bệnh viện. Lụt xảy ra vào lúc chiều tối. Các thương binh còn di chuyển được tự động chạy sang bên dân y tá túc.

    Đa số các binh sĩ cơ hữu đã chạy về nhà lo cho vợ con, chỉ còn gần hơn một chục y tá cùng với tôi lo lắng cho số thuơng binh mới bị mổ hay bị thương nặng đang nằm chờ người tới cứu.

    Trước tiên phải lấy hai tấm nệm giường, chồng lên nhau dùng làm phao và khiêng họ nằm trên đó tạm chờ, để có đủ thời gian cấp cứu số đông còn kẹt lại. Trông cái cảnh một đoàn nệm phao với các thương binh, nổi lềnh bềnh lênh đênh trên mặt nước trong lúc hoàng hôn, phó thác số mệnh cho sự rủi may thật là não nùng và trớ trêu.

    Trong đêm tối bọn tôi vừa lội, vừa lôi, vừa đẩy, vừa kéo hì hục cũng di chuyển kịp đám thương binh này sang bệnh viện dân y ở bên kia đường. Lúc đó vừa may nước bắt đầu từ từ ngập tới mái nhà và đã sang đêm, có ánh sáng mơ hồ của trăng non trông lung linh ma quái lạ lùng. Tới sáng thì mực nước ngừng lại, bắt đầu rút.

    Một chiếc thuyền tam bản từ đâu chèo tới, chở một bà bầu táp vào lầu hai của bệnh viện dân y. Đó là hình ảnh ghi sâu trong tâm khảm tôi, mỗi khi nhớ tới trận lụt này.

    Suốt đêm lui tới trong nước lụt, tới sáng thì ai cũng đuối quá rồi, nhưng nhiệm vụ tới đây đâu đã hết. Một vấn đề nan giải khác lập tức được nêu lên: làm sao tiếp tế nuôi ăn gần ba trăm miệng ăn giữa con nước mênh mông này. Đây là trách nhiệm của người y sĩ trưởng lúc nào cũng bù đầu hết chuyên môn lại phải lo về hành chánh mà ẩm thực cho thương binh là ưu tiên số một.

    Tất cả đã xảy ra dồn dập, cuồn cuộn ào đến trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, tựa như một cuốn phim được quay nhanh. Trong cơn thảng thốt tôi không nhớ tôi đã dùng phương tiện gì, đã làm cách nào để có thể vượt vùng nước tràn ngập, mò vào tới được bộ chỉ huy sư đoàn 2 để xin lương khô. Tôi chỉ nhớ trên đường về bệnh viện, tôi đứng trên nóc của một xe lội nước M113 mà mực nước ngập gần tới mui xe, mừng rỡ với chiến lợi phẩm là những thùng cơm sấy.

    Đúng là cảnh: “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi ,” dù rằng quần áo ai nấy đều còn sũng nước.
    Đây là một chuyến đi về sáng nhớ đời của tôi.

    TIẾP NHẬN TRAO TRẢ TÙ BINH

    Một buổi chiều khoảng đầu năm 1973, ông tham mưu trưởng tiểu khu điện thoại sang nói cần một y sĩ để ngày hôm sau tháp tùng phái đoàn đi đón tù binh. Đây là đợt thứ nhì trong chương trình trao trả tù binh trong hiệp định. Đợt đầu đã tiến hành ở Thạch Hãn, Quảng Trị. Tôi áng chừng chắc là công tác quan trọng nên đáp là tôi sẽ tháp tùng, nghe vậy nhưng ông tham mưu trưởng không nhắc nhở phải sửa soạn nghi trang gì cả. Trong phái đoàn hôm sau tôi thấy có đầy đủ các ông tham mưu trưởng, ông trưởng ty an ninh quân đội, ông trưởng ban ba hành quân… tất cả đều mặc quân phục không có tên hiệu và cấp bậc, duy có tôi là người còn đeo đầy đủ lon lá, bảng tên.

    Nơi trao trả tù binh lần này địa điểm được thỏa thuận là Vạn Lý thuộc quận Mộ Đức. Vùng này nằm lọt thỏm vào giữa khu kiểm soát của cộng sản. Máy bay trực thăng Chinook đưa chúng tôi lên Vạn Lý theo một đường bay đã được chỉ định trước, bay lệch hướng dễ bị đạn bắn lên, vì bị nghi giả vờ bay vòng vo để do thám.

    Từ trên cao nhìn xuống tôi thấy một con đường độc đạo nhỏ, chạy quanh co lên cao rồi mất hút giữa hai ngọn đồi, không thấy một bóng người hay nhà cửa, làng mạc gì cả. Rừng núi cheo leo hoang vắng. Trông tựa như vài nét phác của một bức tranh thủy mạc, nhưng đất đai khô khan cằn cỗi không có sinh khí. Đó là Vạn Lý, địa danh mà tôi vẫn thường nghe, bây giờ mới có dịp đặt chân đến.

    Máy bay đậu xuống bãi đáp ngay trên mặt đường. Mọi người ra khỏi trực thăng. Xa xa thấy có thấp thoáng vài nón cối. Nhìn hướng về phía đồi, tôi nhận ra hai túp lều tranh nằm cùng một phía lộ, cách nhau độ vài mươi thước. Lều lợp tranh không có vách chi cả, trống toác tứ bề, có lẽ để dễ kiểm soát canh chừng từ xa. Trong lều có bàn bằng tre và ghế ngồi cho các ủy ban hai bên kiểm nhận giấy tờ trước khi tiến hành trao trả tù binh.

    Khoảng giữa hai căn lều, mỗi bên ven đường có đóng một cái cọc nhỏ. Một sợi dây gai to bằng chiếc đũa được căng ra giữa hai chiếc cọc này, cắt ngang con đường, phân định hai bên.

    Lằn ranh quốc-cộng, biên giới vô hình được cụ thể bằng sợi dây này đây.

    Ai nấy đều được nhắc nhở đừng có láng cháng sang phía bên kia dây, gây rắc rối nguy hiểm. Tôi đứng bên này sợi dây, nhìn phóng sang bên kia. Chợt thấy một dãy người áo quần mầu nâu nhạt lẫn vào mầu đất, đầu để trần, ngồi khòm xuống, xếp hàng đôi cạnh ven đường làm thành một hàng dài chạy vòng vèo kéo tới chân đồi. Họ ngồi im lìm không một tiếng động và đến tự lúc nào tôi không biết. Nét lo âu và hy vọng đồng thời hiện lên mặt họ.

    Bỗng trong đám đông này có một người chồm lên định lao về phía tôi, nhưng bị giữ ngay lại, anh ta vẫn xúc động, vẫy tay về phía tôi, gọi lớn: Anh Hải ơi, em là Bảo đây! Tôi chú ý nhìn, giơ tay ra dấu đã nhận biết anh rồi. Anh là một trong hai y sĩ thuộc Sư Đoàn 22 BB bị bắt làm tù binh ở Kontum.

    Tôi không ngờ chuyến đi lần này lại đón về được một đồng nghiệp trong hoàn cảnh đặc biệt và éo le.

    Nhìn quanh, tôi thấy có vài lá cờ màu xanh nhạt của mặt trận, có cờ vẽ hình chim bồ câu. Một anh cán bộ đầu đội nón cối lại gần tôi bắt chuyện, giọng nặng mùi tuyên truyền, rồi rút ra một quyển sổ nhỏ, nhìn bảng tên tôi rồi ghi ghi chép chép. Sau này tôi được biết hắn là cai ngục tên Vũ Thành, quân hàm trung tá. Hắn có nói với tôi một câu mà tới giờ này vẫn ám ảnh tâm trí tôi: Hai năm nữa chúng tôi sẽ gặp lại các anh!

    Như một lời tiên tri hay một sự dàn xếp trước nào?

    Từng đợt, từng đợt người trao trả được lần lượt bốc về tỉnh lỵ. Trông họ xanh xao, gầy guộc hăng hái bước lên trực thăng, nét vui mừng hiện lên mặt vì sắp được tự do, nhưng thấp thoáng vẫn còn ánh sợ sệt, những vết hằn của chuỗi ngày giam hãm cũ.

    Chuyến bay đầu chở khẳm, nên phải lượn một vòng lớn để lấy đà rồi mới bắt được vào đường bay qui định. Liền nghe thấy có nhiều tiếng súng bắn lên . Một quân nhân trúng đạn bị thương! Chiều tối, trên chuyến bay chót trở về, nhìn lại Vạn Lý chỉ thấy một khoảng trời mênh mang đen kịt mịt mùng, người nào cũng ngồi trên nón sắt, cái ám ảnh có thể bị “họa dưới mông“ chắc vẫn còn.

    Về tới bệnh viện, thấy anh Bảo đang nhậu bia với vài người bạn, anh hỏi tôi về người bạn bị bắt cùng với anh ở Kontum đã đuợc thả chưa. Khi được biết anh này đã được trao trả ở Thạch Hãn trước rồi, anh suýt xoa thương cho thằng bạn phải lội bộ xa quá, ra tận Quảng Trị lận. Anh đã quên những ngày gian khổ vừa qua của anh rồi.

    Sau chuyến đi này, tôi không thấy có những chuyến trao trả tù binh khác nữa.

    Thời đại biến chuyển lớn, vận nước đổi thay. Tôi về San José, California bắt đầu hành nghề tư, sau một thời gian đi học lại. Cuộc đời quân ngũ đã trở thành dĩ vãng. Có những sự trùng hợp kỳ dị lạ lùng khó giải thích được, tựa như có sự xếp đặt của bàn tay vô hình.

    Ngày tôi mở phòng mạch khoảng tháng ba năm 1982. Buổi sáng, người đầu tiên bước vào tươi cười nói với tôi:

    - Nghe cậu khai trương phòng mạch tôi đến “mở hàng” cho cậu đây. Tôi nhìn kỹ, hóa ra là anh bạn già Dương Hồng Huấn. Trông anh không khác gì mấy, vẫn khuôn mặt phúc hậu, đầu lúc nào cũng hơi nghiêng nghiêng, dáng đi chậm rãi, khoan thai. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Từ sau ngày trình luận án, mỗi người mỗi ngả, bây giờ gặp lại anh, vừa khi nghề thày thuốc của tôi khởi sang một trang mới.

    Hai người bạn cũ nối lại giao tiếp, thân thiết hơn xưa, mỗi khi cần gì anh tìm đến tôi. Hai chục năm trôi qua, một năm nọ sau chuyến du lịch, khi về tôi được tin anh bị bệnh nặng, đang nằm nhà thương. Tôi vội chạy vào thăm anh, anh đã hôn mê, tôi ghé tai anh nói: Huấn ơi, Hải đây. Tôi nắm tay anh, anh mơ hồ siết nhẹ tay tôi, chắc anh còn nghe nhận biết tôi. Sau đó anh đi vào cõi ngàn thu. Anh là người bạn duy nhất đã tình cờ dự kiến hai thời điểm khởi đầu quan trọng trong đời y khoa của tôi.

    Một người bạn trẻ sau trở thành thâm giao với tôi là anh Bác Sĩ Antoine Phạm Vân Hải. Tôi được biết anh khi anh về San José hành nghề sản phụ khoa năm 1989. Anh dáng cao gầy, tóc hơi thưa, cặp mắt sáng to tròn quả cảm, đánh mạt chược rất liều. Anh đặc biệt có một nụ cười hiền hòa dễ thu hút cảm tình. Chính vì vậy mà một tổ hợp y tế đã dùng tấm hình anh với nụ cười thật tươi, đăng trên các báo Việt Mỹ để quảng cáo cho dịch vụ y tế của họ. Anh có tay nghề vững vàng và mở phòng mạch ngay cạnh phòng của tôi.

    Cách đây khoảng ba năm, trước một chuyến viễn du của vợ chồng tôi, anh mời bọn tôi đến ăn cơm tối và sau đó anh thân chinh lái xe đưa chúng tôi ra phi trường. Tôi không ngờ đây là lần chót tôi gặp anh. Chuyến đi qua thăm nhiều thành phố, trong đó có Lạc Dương, thủ phủ của nhiều triều đại cổ xưa của Trung Hoa. Khi tôi về, anh đang nằm nhà thương và đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Anh đã đi lạc khỏi chốn dương gian này về một nơi rất xa, anh đang an bình trong cõi vĩnh hằng.

    Thoắt gặp anh, thoắt mất anh, vừa tròn hai mươi năm!!!

    Anh đã đi theo những đồng nghiệp cũ ở San José này, đã lanh chân đi trước anh. Đó là các anh Thái Văn Minh, Tạ Văn Luyện, Phan Kim Nguyên, Dương Hồng Huấn, Lê Nguyên… những người cũng xuất thân từ Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm xưa.

    Ba mươi năm thoáng qua, những người quen cũ mỗi vắng dần, người về hưu, người dọn địa phương khác, hoặc đi về một nơi nào nữa… Đôi khi chợt thấy những chiếc ghế trống, trơ trọi thiếu vắng, tôi chạnh nghĩ tới những người bạn thân cũ khác đã bỏ tôi ra đi đã từ lâu: Nghiêm Sỹ Tuấn, Vũ Đình Khang, Bùi Thế Hoành… và tôi nhớ tới hai câu thơ của một nhà thơ có tên là Trần Kiêu Bạc:

    Chỉ thương chiếc ghế còn bỏ trống
    Bạn không về nữa biết ai ngồi ?

    Nguyễn Hoàng Hải
    10/2011


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X