Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường - Phần 1

Collapse
X

Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường - Phần 1

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Buồn Vui Phi Trường - Dương Hùng Cường - Phần 1



    Nhà văn Huy Quang Vũ Đức Vinh đã viết một đoạn về nhà văn Dương Hùng Cường khá lý thú:

    "Anh Dương Hùng Cường là một trong những ứng viên hoa tiêu ngay trong thời kỳ KQVNCH mới thành lập nhưng chắc sinh cùng ngày giờ với nhà thơ Tú Xương nên khoa cử lận đận anh đã không qua khỏi kỳ tuyển chọn để cuối cùng trở thành một chuyên viên điều hành không lưu. Ngành này cũng như các ngành hành chính, tài chính, tiếp liệu, vũ khí, kỹ thuật, thông tin, xã hội, an ninh, phòng thủ, được liệt vào các ngành mang chức năng hỗ trợ và kêu là không phi hành, tức không bay. Nhà văn nhà báo họ Dương thành chim không bay hay Không Quân Bò, rồi thành dê - Dê Húc Càn. Anh ví mình với kiếp Kiwi để tự diễu, rồi cũng từ đó chọc chơi mấy ông hoa tiêu có cánh mà ngán bay thì cũng không hơn gì Kiwi. Có lúc anh còn đi xa hơn, chọc quê, chọc phá mấy ông lớn ngoài Không Quân trong giới "chính trị chính em" khiến Phủ Đầu Rồng nổi nóng và tư lệnh Trần Văn minh than trời vì cứu không nổi. Dê Húc Càn lần đó đã khăn gói giã từ Tân Sơn Nhất của sư đoàn 5 KQ ra chân núi Sơn Trà của sư đoàn 1 KQ gặm cỏ gần một niên..."

    Đọc "Buồn Vui Phi Trường" thấy được đời sống những người lính mũ xanh của một thời kỳ có nhiều biến cố của dân tộc. Lúc ấy quân chủng còn những bước chập chững sơ khai. Những người trẻ tuổi xuất thân từ Rochefort, Salon, Marakech,... đã đặt nền móng cho một không lực hùng hậu gồm hơn năm chục ngàn chiến sĩ trong hàng ngũ và hai ngàn máy bay đủ loại về sau này. Những phi trường lúc ấy còn nhỏ bé lắm và sinh hoạt cũng trong nhịp rời rạc không như về sau này nhộn nhịp cùng với nhịp độ của chiến tranh.

    Tác phẩm thứ hai của Dương Hùng Cường là "Vĩnh Biệt Phượng", một chuyện tình thời chiến của những chàng phi công. Tâm và Dương là hai bạn thân cùng đơn vị, là cặp bài trùng của phi đoàn khu trục ở Biên Hòa. Dương trong một phi vụ hành quân đã bị bắn rớt và trải qua những giây phút thập tử nhất sinh để mưu sinh thoát hiểm. Trong khi đó ở trên trời, Tâm đã nhất quyết không rời vùng để cover cho bạn. Kết cuộc là Dương thoát hiểm trở về được căn cứ. Rồi, đến khi Tâm bị bắn rớt và Dương đau đớn khi bị mất một người thân....

    Trong hai tác phẩm, Dương Hùng Cường đều lấy khung cảnh của nghĩa trang để cho những nhân vật của mình chia tay nhau. Ở "Buồn Vui Phi Trường" cũng là nghĩa trang, khi người đàn bà vừa mất chồng nắm tay đứa con thơ đi trên con đường nghĩa trang của buổi chiều nạt nắng. Bóng dáng ấy cô đơn và buồn thảm qúa.
    ( trích "Những nhà văn Không Quân", Nguyễn Mạnh Trinh)

    TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

    • BUỒN VUI PHI TRƯỜNG
    • VĨNH BIỆT PHƯỢNG

    ***

    Bài viết "Nếu chàng Trương Chi đẹp trai" được gửi bí mật từ trong nước ra ngoại quốc, đăng trong báo Nhất Việt ở Paris số tháng 4-1982, viết về mối tình Truơng Chi- cộng sản miền Bắc và Mị Nương- tư sản Miền Nam. Mị Nương nghe tiếng sáo của Trương Chi, chưa gặp mặt đã thầm yêu trộm nhớ, đến khi gặp mặt ngày 30 tháng Tư 1975, thì là một sự thật phũ phàng, thất vọng đau đớn ê chề của Mị Nương.
    Nhà văn Dương Hùng Cường sau khi học tâp cải tạo về, lại bị Cộng sản bắt giam cùng với các nhà văn Khuất Duy Trác, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng hải Thủy, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần ngọc Tư , Lý Thụy Ý … vì Công An Hà Nội gán cho là "Những tên Biệt Kích Cầm Bút".
    Dương Hùng Cường chết tại nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, Gia định, ngày 22 tháng 1-1988.





    Buồn Vui Phi Trường
    Dương Hùng Cường


    (Dạng file PDF, cần PDF-viewer để xem)




    (xem tiếp phần 2 tại đây )

  • #2
    Viết về Dương Hùng Cường



    Dương Hùng Cường
    Nguyễn Thụy Long


    Khi tôi không chờ đợi nữa thì chuyện lại xảy ra. Tôi nộp đơn gia nhập Không Quân từ ba tháng trước, nay Không Quân gọi nhập ngũ. Tôi tưởng rằng đơn tôi đã bị bác, như ngành Không Quân từng bác cả ngàn đơn khác. Con số được chọn có trăm mạng. Theo người ta nói lính Không Quân phải có học lực khá. Có thể hôm nay anh chỉ là lính trơn, ngày mai anh trở thành sĩ quan trong mọi nghành nghề. Thời Pháp, một hạ sĩ thôi cũng có thể là phi công. không thuần chỉ sĩ quan. nhưng nay quân đội VNCH nâng lên cho bảnh. Điều đó được tuyên truyền rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Không Quân thu hút người gia nhập rất đông đảo.

    ***
    Tôi ra quán cà phê Con Nhạn ngồi một mình. Trời đất sau bão rớt trời thật đẹp, nắng chỉ ửng vàng trên ruộng hoa lài bát ngát. con bé của bà chủ chơi thơ thẩn dưới ruộng hoa, nó sâu những đoá hoa thành vòng tròn, đội lên đầu con búp bê. Cái đầu con búp bê bây giờ bằng trái cam. Ai đó khoét giùm mắt mũi miệng cho cái đầu, cái miệng vểnh lên hình vòng cung thành nụ cười.
    Tôi lan man nghĩ tới tương lai của mình, những ngày sắp tới trong quân đội. Mình sẽ ra sao nhỉ.
    Điều này không thể biết được, dù tôi đã có ngày sống đời sống quân ngũ hồi học thiếu sinh quân. Nhưng đó chỉ là nghiệp binh lỡ.
    Tôi trình diện nhập ngũ tại cổng Phi Long của phi trường TSNhất. Tôi ngạc nhiên vì gặp nhiều bạn bè từng là bạn học với tôi. Buổi trưa ăn cơm lính đầu tiên rồi đi lãnh quân trang quân dụng.
    Những bộ quần áo từ thời Tây để lại rộng thùng thình. Chúng tôi nhận số quân và số chỉ tạm, chưa có thằng nào có chỉ số chính thức. nhưng chúng tôi vẫn bàn tán đến nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi, hầu hết thằng nào cũng mơ ước mình lái phi cơ. Mắt tôi kém, tôi hy vọng sẽ được sang chiến tranh tâm lý để làm báo Lý tưởng. nhưng điều đó tôi không nói ra với ai. Tôi vẫn mơ làm văn sĩ. Không Quân hồi đó có mấy nhà văn nhà thơ nổi tiếng, thứ nhất là Toàn Phong, Cung Trầm Tưởng, và Dương Hùng Cường.

    Dương Hùng Cường mới chỉ là trung sĩ. Sau khi đi học ở bên Tây về….
    Tôi thằng lính mới tò te….chưa là cái gì cả.
    Một tuần lễ sau chúng tôi được đưa lên quân trường học quân sự. Chúng tôi học chung với bộ binh ở trung tâm 3. Tại đây tôi gặp nhạc sĩ Lam Phương, anh đi quân dịch. Bài hát anh sáng tác hồi đó được hát vang trại tôi nhớ những câu lõm bõm Xuyên lá cành trăng soi lều vải…. Gặp anh, anh nói với tôi:
    – Hy vọng tớ sẽ được chiến tranh tâm lý.
    Đời lính quân trường gian khổ, với thể hình trâu nước như tôi nhiều khi tưởng không chịu đựng nổi, kỷ luật kinh khủng. Tôi nhớ những câu khẩu hiệu sơn trên tường: Thi hành trước, khiếu nại sau. Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu…v.v……
    ***

    Những buổi chiều tan sở, tôi lấy xe đạp ra khỏi trại, hoặc đi học thêm, hoặc gặp bạn bè. Những người bạn văn nghệ thuở nào, có người đã vào hẳn nghề, có người còn đi học. Hoài Nam từ Huế trở về SG. Có lẽ chuyến xe lửa cuối cùng trước khi đường xe lửa Huế – SG bị cắt đứt. Tiếng súng từ rất xa vọng về SG. và ngày tháng thì buồn hơn. Hoài Nam đổi but hiệu là Trần Dạ Từ, Thu vân có bút hiệu mới là Trần Thy Nhã Ca. bài vở, thơ đăng nhiều trên các báo, tôi vẫn còn nao nức về nghiệp viết. Tôi yêu thích những bài thơ của Cung Trầm Tưởng, cuốn phóng sự ‘ buồn vui phi trường ‘ của Dương Hùng Cường và vẫn hy vọng được tiếp xúc với anh, góp phần vào tờ báo Lý Tưởng của đơn vị.
    Trong phi đoàn trực thăng có nhiều anh mơ mộng lắm, hy vọng thơ văn mình sẽ được đóng góp vào tập san Lý Tưởng. Anh hạ sĩ làm việc dưới sân bay Lưu Văn Giỏi, làm thơ ca tụng nghiệp bay ‘ nghiêng đôi cánh sắt ‘ đăng trên báo Lý Tưởng, anh trang trọng cắt bài thơ dán vào tập vở, trình bày hoa lá cành thật đẹp, dĩ nhiên có cả hình chiếc máy bay. Anh hy vọng sẽ thu góp thành một tập thơ rồi ấn hành.
    ***
    Buổi sáng trời nắng hanh, tôi lái chiếc xe tracteur ra khỏi cổng phi đoàn an toàn, chiếc xe tôi đi một khúc đường dài ghẹo trái sang bộ tư lệnh cải hối thất nhốt lính phạm kỷ luật ngay trên lối đi. Trước khi đến bộ tư lệnh. Hàng toán lính kỷ luật đang phải làm ‘ cỏ vê ‘ bên rìa đường. Anh hạ sị ‘ cai ngục ‘ la hét om sòm, tay cầm cái cây sẵn sàng quất bất cứ anh nào ra vẻ chây lười.
    Một anh, coi có vẻ lớn tuổi hơn cả bọn tù quân quăng cái xẻng xuống đường hét lên :
    – Này cái thằng cai ngục kia, mày dám đánh trung sĩ không thì đến đây. Tao trung sĩ Dương Hùng Cường, ba gai số một đây, giỏi thì đụng ông.
    Anh cai ngục không vừa, xách cây hầm hầm đi đến:
    – Ở tù rồi thì thằng nào cũng như thằng nào, bất kể quan quyền. Ở đây tao là người có quyền, cấp bậc trung sĩ của mày không phải là to đâu, anh đánh hết…..
    Trung sĩ Dương Hùng Cường đứng chống nạnh:
    – Giỏi thì cứ việc
    Đám tù đứng xổng người lên, một tay coi có vẻ ngang bướng:
    – Mày mà đụng vào trung sĩ Cường hay bất cứ thằng nào ở đây nữa, chúng tao thịt mày liền.
    Trung sĩ Ngự từ trong văn phòng cải hối thất đi ra, ô hay sao bây giờ ông ta lại ở đây, ông ta là xếp xòng ở cổng Phi Long kia mà, hắc búa số một, chuyên bắt ne bắt nét những thằng lính khi ra cổng trại, tôi từng bị ông ta phạt kỷ luật vài lần vì quân phục không nghiêm chỉnh. những bộ quân phục nhà kho phát ra thế nào thì tôi mặc thế, không sửa chữa cho vừa vặn. Đôi giầy ‘ săng đá ‘ của Tây để lại tôi không thể đánh bóng soi gương được, hay con kiến bò lên phải trượt ngã. Khoá thắt lưng rỉ sét tôi cũng không đánh bóng nổi. cái mũ tiêu đội trên đầu rúm ró, không đội ‘ kêpi ‘ mũ không quân. Tôi luôn luôn là hiện của chú lính ghẻ.
    Trung sĩ Ngự hôm nay tù đến cải hối thất. Ông ta can thiệp liền:
    – Thằng hạ sĩ còi kia, dù sao anh Cường cũng là hạ sĩ quan, mày không nên quá đáng. Thôi được, làm việc đi, anh Cường, tôi với anh là bạn, anh cứ cho nó thi hành nhiệm vụ, riêng với anh hưởng quy chế đặt biêt.
    – Mày cói chừng, ông tướng kia tao cìn không sợ, ‘ mó dái ngựa ‘ đều đều nên mới vô đây, chúng mày chưa là giống gì…..
    – Thôi mà đừng nóng !
    Trung sĩ Ngự nói bằng nụ cười. Chiếc xe tôi cũng vừa tới, đám tù quân nhao nhao xin thuốc lá tôi. Tôi quăng cho chúng cả bao thuốc lá Boston đang hút giở:
    – Chia nhau mà hút, lát trở về tôi mua một bao nữa cho các anh.
    Trung sĩ ngự thốt nhiên quay nhìn chiếc xe tôi đang lái, ông ra oai liền:
    – Ê, thằng lính ghẻ kia, mày lái xe chở hàng đi đâu ?
    Tôi vẫn ngồi trên xe, đưa tay chào:
    – Báo cáo trung sĩ, tôi sang phía bộ tư lệnh
    – Báo cáo chính xác mày chở đến đơn vị nào bên bộ tư lệnh. Xuống khỏi xe.
    Tôi nhảy xuống xe, đứng nghiêm trước mặt trung sĩ Ngự:
    – Báo cáo, tôi chở những thứ này theo lệnh của trung uý Hiền, trưởng phòng tiếp liệu.
    – Đi đâu ?
    – Dạ về nhà ổng, cũng ở trong phi trường thôi.
    – Giấy tờ xuất kho.
    – Dạ chỉ khẩu lệnh.
    Trung sĩ Ngự hừ một tiếng:
    – Lái xe vào bên đường rồi vào văn phòng khai cho thật.
    Bỏ mẹ tôi rồi, an ninh bộ tư lệnh mó đến tôi. nhưng tôi vẫn phải theo chân trung sĩ Ngự vào văn phòng. Một ông thiếu ngồi lầm lì sau cái bàn rộng nghe trung sĩ Ngự báo cáo. ông nắm nắt vấn đề rất nhanh, nhìn thẳng vào mặt tôi:
    – Xuất kho mà không có giấy tờ hả ?
    – Dạ khẩu lênh cấp trên.
    Ông thiếu uý ra lệnh cho trung sĩ Ngự:
    – Nhốt thằng này vào cải hối thất, để tôi điều tra sau, tôi sẽ gọi điện thoại hỏi trung sĩ Hiền.
    Tôi ăn liền một cái bạt tai của trung sĩ Ngự, tống cổ vào cải hối thất, cửa khoá tách. Tôi nghe tiếng nói chuyện qua điện thoại của ông thiếu uý ở phòng ngoài, những câu nói ngắt quãng nên tôi không rõ nội dung, tiếng nói của ông thiếu uý mỗi lúc một nhỏ. Một lát sau, một gã binh nhất tới cửa cải hối thất ra lệnh cho tôi:
    – Đưa chìa khoá xe.
    Tôi trao lại chìa khoá xe. rồi tôi nghe tiếng tractuer đi về phía bộ tư lệnh.
    Tiếng động cơ xe máy chạy ngoài đường, tôi biết giờ tan sở đã đến. Bọn tù quân phạm đã vào cải hối thất, mỗi thằng có một ga men cơm với miếng cá mối nấu nát rưới trên cơm. Trung sĩ Dương Hùng Cường cũng vậy, anh nói với tôi:
    – Mày tù mới nên chưa có cơm, may ăn chung với tao.
    Tô uể oải ăn từng miếng cơm. Trung sĩ Cường nói:
    – Mày to gan thật, dám ăn cắp cả một xe đồ, tội nặng đấy, có thể ra toà án binh, rồi tống vào khám chí hoà, ở đó có mấy phòng dành cho quân phạm, tao nghe nói vẫn còn rộng.
    Tôi la lên:
    – Tôi có ăn cắp bao giờ, tôi làm theo lệnh cấp trên.
    – Không tin được, đã xuất kho ít ra phải có giấy tờ gì, nếu không thì mày sẽ kẹt như hôm nay, mày sẽ là thằng ăn cắp, tao nghe ông thiếu uý nói chuyện với xếp mày. Xếp mày không biết chuyện này, cho là thật đi mày vẫn là con chốt thí. Mày chẳng ra gì cả trong quân đội, một hạt bụi, không được bằng hạt cát, thân phận tối đen, tao đã trải qua rồi, tao nổi khùng, tao nói tao chửi toáng lên, sức mạnh của tao là ngòi bút, tao là văn sĩ mày biết không ? Tao chống bất công ở bất cứ đâu.
    – Tôi có đọc ‘ buồn vui phi trường ‘ của trung sĩ. Và cũng đọccả những sách của ông Toàn Phong.
    – Trái ngược hẳn nhau đấy mày ạ ! Giữa sách tao với sách ông toàn Phong ! Nhưng tại sao mày lại đọc.
    – Tôi yêu vă nghệ, trước đây tôi cũng có vài ba bài được đăng báo
    Trung sĩ Dương Hùng Cường cười, đưa tay bắt tôi:
    – Thì ra mày là thằng ‘ mơ làm văn sĩ ‘, không biết giấc mơ của mày có bền không. riêng tao có lẽ suốt đời.
    Tôi nắm chặt bàn tay Dương Hùng Cường:
    – Tôi cũng muốn như vậy trung sĩ ạ !
    Dương Hùng Cường lắc tay tôi:
    – Cú gọi tôi là Dương Hùng Cường hay Dê Húc càn cũng được, đừng gọi tao là trung sĩ, khi nào ‘ ra khỏi tù ‘ tao với mày sẽ gặp nhau, liên lạc vớinhau qua báo Lý Tưởng. Mà cũng không biết được, có thể người ta sẽ tống tao đi nơi khác, ngồi như khỉ ở đài kiểm soát, như hồi nào tao ở Pleiku. Mày phải tìm cách thoát khỏi cái tội ăn cắp này đi, có bằng chưang gì không, rằng mày không ăn cắp.
    Tôi chợt nhớ ra có một mảnh giấy viết tay của trung uý trưởng phòng. Rất may là tôi không vo viên vất đi, nó vẫn còn ở trong túi áo tôi. Tôi lấy ra đưa cho Cường coi:
    – Thôi cũng được, đáng lẽ là cái phiếu xuất kho. nhưng đồ ăn cắp mà, đúng chữ của xếp mày chứ !
    – Cam đoan !
    – Tao sẽ làm chứng cho mày rằng mày đã đưa trình tài liệu này cho ban an ninh phi trường. Mình phải làm ngay.
    Trung sĩ Dương Hùng Cường đứng dậy đập cửa tù, một thằng lính an ninh thò cổ trước song sắt hỏi:
    – Chuyện gì đó ?
    – Tao cần gặp thiếu uý trưởng phòng.
    – Ổng đi nghỉ rồi, ổng nằm võng ngoài hành lang.
    – Kêu ổng dậy, nói có Dê Húc Càn cần nói chuyện.
    Tôi không biết cái uy của trung sĩ Dương Hùng Cường to đến đâu. Ông thiếu uý đi vào, ông nhận mảnh giấy của Dương Hùng Cường đưa, quay sang nói với tôi:
    – Sao không đưa ngay mảnh giấy này, thôi được, không cần điều tra nữa, mai anh sẽ ra về nhớ trình diện xếp của anh. Xếp anh còn nói giam anh vài ba ngày, nhưng nể tình anh Cường, mai tôi thả. Nhưng dù sao tôi vẫn phải ghi tội anh vào quân bạ, đó là nguyên tắc…..
    Trung sĩ Dương Hùng Cường hăng hái:
    – Tôi làm chứng cho binh nhì Long, rằng đã đưa mảnh giấy này cho thiếu uý.
    Ông thiếu uý cười:
    – Tôi không thủ tiêu đâu, nếu có thủ tiêu thì Dê Húc Càn có đưa lên báo đơn vị không ?
    – Có chứ sao không, còn những bao bến ngoài đơn vị nữa kìa, tôi chống đối tất cả mọi chuyên hiếp đáp con người. Thiếu uý thấy tôi đã sợ ai chưa ?
    – Bởi vậy anh mới vô đây.
    Tuy nói vậy, nhưng ông thiếu uý vẫn đưa ra điếu thuốc mời DHCường. nhưng Cường túm lấy cả gói:
    – Cám ơn thiếu uý, thiếu uý có thể đi mua gói thuốc khác, bọn này ở đây vả thuốc lắm.
    Ông thiếu uý lắc đầu đi ra. Tôi nghe tiếng ông thiếu uý loáng thoáng nói chuyện trong điện thoại, sao lại sơ xuất thế….mai tớ phải thả nó ra thôi. không hkép tội được…cậu thông cảm cho tớ…tớ đã lo cho cậu cả rồi. Được rồi, tớ không bắt nó đi làm cỏ vê đâu, để nó không lộ mặt…..
    DHCường kéo tôi về chỗ nằm, anh chia đều những điếu thuốc cho tất cả các bạn. Trong khói thuốc mù mịt ở cải hối thất, DHCường nói với tôi:
    Chúng nó âm mưu với nhau ăn cắp đấy, chuyện này chưa bị lộ nên chúng nuốt trôi cả rồi. Mày là lính mấy năm rồ, có chỉ số chưa ?
    – Chưa gì cả, chưa lên nổi cái binh nhất, vẫn lính ghẻ !
    Vậy thì đường binh nghiệp của mày coi như tắc nghẽn, đen như miệng cống vì mày đã phạm kỷ luật, mày ở tù, dù là chỉ một ngày tù oan uổng. Sẽ không đi học ở bất cứ đâu, nói chi đi Mỹ. Tao gia nhập không quân từ thời Tây, ở ngoài Bắc, rồi đi học Marakech. sang chính phủ quốc gia tao lên được trung sĩ rồi đứng nhuyên ở đó đến bây giờ. Bạn bè tao lên quan cả rồi. Tao ngành không lưu khí tượng, nhưng tao lại làm nghề viết văn làm báo, thỉnh thoảng tao nóng máu làm thịt bậy một ông xếp của tao, tao được vào cải hối thất nằm nghỉ ngơi. Trong quân bạ của tao ghi đầy tội danh, nhưng cần quái gì, binh nghiệp của tao, coi như plafond rồi….Chúng nó vẫn ngán tao vì tao có sách có báo in ngoài quân đội. Kỷ luật quân đội không bịt được miệng tao. Mọi chuyện bất công ở bất cứ đâu là đề tài cho mình viết dài dài, không sợ cạn nguồn.
    Tôi cũng kể cho DHCường nghe về những người bạn làm văn nghệ của mình còn ở ngoài quân đội, họ đến tuổi nhập ngũ cả rồi nhưng không ai chịu đi quân dịch, có lẽ họ trốn llính.
    DHCường phang luôn một câu:
    – Chính nghĩa quốc gia hay giải phóng miền Nam chỉ là chuyện bố láo. Chiến tranh dân mình khổ thôi.
    Tôi không ngờ lần gặp DHCường ấy, sau đó chúng tôi trở nên thân tình trong tình đồng nghiệp kéo dài mấy chục năm trời, đến khi nghe tin anh chết trong trại tù, lúc tôi đang là anh thợ sửa xe đạp ngồi ngoài lề đường. Tôi nhớ mãi hình ảnh nghênh ngang của anh, chẳng biết sợ chi ai. Cái sĩ khí của anh ở đó trong giấc mơ làm văn sĩ lỡ làng và ngắn ngủi. Ly rượu ‘ nước mắt quê hương ‘ tràn đầy cụng nhau ở quán 12 bến nước đường Trương Minh Giảng khi chúng tôi là kẻ ngã ngựa.
    Trong đơn vị tôi, xung quanh tôi biết bao nhiêu chuyện bồn cười. Tôi không hiểu vì sao DHCường viết được ‘ buồn vui phi trường ‘ bối cảnh là phi trường Biên Hoà và xóm chơi bời dốc Sỏi ở đó. những tiếng cười dậy lên trong nỗi buồn. Tôi đọc nhiều hồi ký, phóng sự, truyện ngắn, truyện dài của những người không quân viết mà tôi thấy không bằng bút pháp của DHCường, cái được, cái thực ở đó.




    Kỷ niệm trong tù với nhà văn Dương Hùng Cường
    Vũ Uyên Giang

    (Để nhớ đến bạn tôi nhà văn quân đội Dương Hùng Cường đã bị CS bức hại trong lao tù)

    1.

    Vũ đi dọc con suối nhỏ chạy giữa khu rừng tre già ở Vùng Kinh Tế Mới Cẩm Đường (Long Giao, Long Khánh) mong tìm kiếm được ít rau tàu bay, cải trời để làm món ăn độn cho cả bọn, vì hôm nay tới phiên anh “đi chợ” (1)…

    … Kinh nghiệm tù đầy trong “vòng tay nhân ái” của đảng CS đã cho bọn anh những bài học quý giá; nếu không muốn bị chết vì đói khát dưới sự lao động khổ sai và sự quản lý hà khắc của cai ngục thì phải biết đoàn kết, phải biết kết hợp thành từng nhóm nhỏ từ 2, 3 người để giúp đỡ lẫn nhau trong lao động cũng như sinh hoạt và ngay cả trong công việc tìm kiếm những cọng rau lang, rau muống, củ sắn, củ khoai… làm đầy cái bao tử vốn thường xuyên lép kẹp. Rừng tre già với những thân tre cao vút, oằn xuống.

    Tàn tre đan kín không gian, che khuất ánh sáng mặt trời chói chang bên trên, khiến khu rừng trở nên âm u, hoang vắng lạ lùng. Tiếng gà rừng xao xác, xen lẫn với tiếng kẽo kẹt của thân tre cọ vào nhau sau mỗi cơn gió thoảng. Tiếng chặt tre chan chát xen lẫn với tiếng reo hò của đám cải tạo mỗi khi chặt được một cây tre tạo thành những thanh âm hỗn độn, ồn ào, vang động cả một góc rừng. Vũ men theo triền suối, nước trong vắt chảy lững lờ. Một vài con cá lòng tong bơi tung tăng ngược giòng nước tạo thành những vệt sóng nhỏ lăn tăn.

    Vũ nghĩ, nếu giờ này mà có một cái vợt, anh sẽ vớt được những chú cá lòng tong bé tí kia, và đến chiều, cả bọn anh sẽ có một nồi canh rau với chút mùi tanh tanh của cá. Nghĩ đến đó tự dưng anh nuốt nước miếng… Anh chợt cười vu vơ, xua đuổi ý nghĩ vừa thoáng hiện trong đầu. Đời sống khổ ải trong lao tù khiến con người trở nên ti tiểu; suốt ngày chỉ nghĩ kế làm sao đánh lừa được cái bao tử bằng những cọng rau, những mẩu khoai, mẩu sắn nhặt nhạnh được trong khi lao động.

    Vũ dừng lại lắng tai nghe ngóng. Dường như có tiếng nói cười lao xao vọng lại từ bên kia bờ suối. Anh thận trọng nghe ngóng, dò xét để đi đến quyết định có nên sang bên đó không? Đây là một chọn lựa khôn khéo mà bắt buộc bất cứ người nào được cử “đi chợ” cũng phải đắn đo, thận trọng vì có thể đó là tiếng nói cười của bọn vệ binh canh tù. Lớ ngớ để chúng tóm được thì ốm đòn; có khi dám xơi cả băng AKAMICINE (2) vào người không chừng; nhưng cũng có thể đó là tiếng nói cười của đám tù nhân Trại khác cùng lao động ở khu vực này…

    Nhưng béo bở nhất là gặp được những người dân đi làm rừng, làm rẫy; đúng là trúng số, vì sẽ có cơ hội mua được tí đường, tí đậu, tí thuốc lào… Đôi khi có anh còn mua được cả lít “máu nhân dân” (3) hoặc ký thịt, ký cá v.v… về để dành ăn cả tháng.

    Anh còn đang phân vân không biết có nên băng qua con suối sang bên kia không, thì loáng thoáng nghe trong gió thoảng tiếng nói vọng đến: “Tụi mày biết không? Lúc tao ở Không Quân…” Giọng nói quen thuộc lắm anh nhớ là đã nghe tiếng người này nói ở đâu đó một đôi lần thì phải nên chắc là quen với anh. Vũ mỉm cười quyết định bước sang bên kia bờ suối.

    2.

    Người đàn ông gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại và khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gẫy. Anh ta nằm ngửa dưới tàn một cây “cám” lớn. Chung quanh anh, lố nhố những người tù quần áo vá chằng, vá đụp đang kẻ đứng, người ngồi nghe anh nói chuyện. Chiếc điếu cầy lỏng chỏng trên nền đất. Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka đó sao? Tiếng nói của người đàn ông sang sảng, ánh mắt sáng và khuôn mặt cương nghị khiến Vũ nhớ đến một người bạn thân của một thời xa xưa: Dương Hùng Cường, tức Dê Húc Càn, nhà văn Quân Đội ở binh chủng Không Quân QLVNCH, tác giả của Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng… Vũ mạnh dạn bước về phía những người cải tạo đang quây quần nói chuyện. Người đàn ông ngồi bật dậy như giây lò so, gọi:

    – Vũ! Mày phải không? Lại đây.

    – Sao “ông” thay đổi nhiều quá vậy? Ở Trại nào ?

    Vừa hỏi, Vũ vừa đưa mắt ngầm chào những người bạn chung quanh Cường. Từ lâu, mặc dù chơi với anh, nhưng Vũ vẫn có thói quen gọi anh bằng “ông”, vì Cường lớn hơn Vũ khoảng 5, 6 tuổi gì đó; nhưng vì cùng là đồng nghiệp trong giới viết lách, văn nghệ văn gừng, báo chí; hơn nữa hai người lại chơi thân với nhau; nên trong đối xử Cường vẫn coi Vũ như một người bạn cùng trang lứa; ngược lại Vũ vẫn coi Cường như một người anh. Cường có thói quen gọi bất cứ người bạn thân nào cũng bằng mày, tao; nên Vũ cũng không ra khỏi cái thói quen thân tình đó.

    – Mẹ kiếp! Mày thì có hơn gì tao ? Cũng thay đổi như bất cứ thằng tù nào. Vào đây mà mày không thay đổi, cứ phây phây mập mạp là làm hỏng kế hoạch của đảng và nhà nước mất. Tao ở T.11, L.2. Còn mày? Cường hỏi. Anh vẫn giữ lối nói ồn ào, dí dỏm ấy.

    – T.5, L.1

    – Mày có gặp thằng nào “phe ta” không? Tao chẳng gặp thằng nào cả.

    Vũ đáp:

    – Có. Thằng Trần Ngọc Tự (4), Nguyễn Đăng Thạch (5), Nguyễn Thanh Trang (6) ở T.5 chung với tôi. Nguyễn Nguyên Phương (7), Phí Ích Bành (8), Nguyễn Đức Quang (9), Dương Kiền (10), Dương Cự (11) ở T.1; Đỗ Kim Bảng (12), Đào Văn Khánh (13) ở T.3, Khả Năng (14) ở T.2 và khi ở Phú Quốc gặp Nghiêm Phú Phát (15) và Võ Thế Hào (16)…

    Nói xong Vũ cầm chiếc điếu cầy rít một hơi. Những sợi thuốc lào Lạng Sơn chính hiệu, vàng óng, được cắt thật nhuyễn đưa anh vào cơn say ngầy ngật, tê dại. Dương Hùng Cường quay sang giới thiệu Vũ với đám bạn bè anh đang bu chung quanh:

    – Đây là thằng Vũ, đồng nghiệp làm báo của tao. Thằng này nhiều tài vặt lắm viết văn cũng được, làm thơ nghe cũng khá, đặc biệt nó chẳng học trường vẽ mà vẽ cũng có nét lắm… Trong đám viết lách tao chịu thằng này nhất vì nó thẳng thắn, không lươn lẹo, quanh cọ Nhiều lúc nó “phang” những búa mà cả tuần sau thằng bị phang mới biết, mới hiểu. Đau không chịu được… Như hôm Tết Mậu Thân, nó phang thằng Cả Quỷnh, Giám Đốc Trị sự của tờ báo nó đang làm ngay trên tờ báo Xuân; vậy mà mãi sau Tết con nhà Cả Quỷnh mới biết. Đau không để đâu cho hết đau. Bọn làm báo tụi tao thằng nào cũng căm mấy ông chủ báo keo kiệt, hà tiện mà chẳng làm được gì, chẳng dám lên tiếng; chỉ có thằng này hiên ngang phang cả nhà thằng Quản Đốc tờ báo mình đang làm trên báo nhà; mà lại là báo Xuân nữa mới đau điếng. Dường như lúc đó mày làm chung với thằng Viên Linh (17) phải không?

    – Ừ! Nhưng Viên Linh đã rời tòa soạn vì xích mích với Cả Quỷnh. Bấy giờ chỉ còn Anh Hoàng Sơn và Đạm Phong…

    – Mày có nghe tin tức gì của thằng Nguyên Vũ và Du Tử Lê không?

    – Không!

    – Tao nghe mấy thằng nó nói, chính mắt bọn nó trông thấy thằng Du Tử Lê bị chết ở chân cầu Thị Nghè. Có thằng còn quả quyết nhìn thấy chiếc xe Vespa của nó nằm lật gọng ở lề đường. Còn thằng Nguyên Vũ thì có đứa nói với tao là đến chiếu ngày 30/4/75 còn gặp nó ở Sàigòn; mãi ngày 2/5/75 nó mới lần mò ra Vũng Tàu và “tếch” ở đó. Tao thích tính thằng Nguyên Vũ, nó chơi chí tình với bạn bè, hơi màu mè một chút nhưng không thủ. Có tiền là xả láng… Mày nhớ bữa tiệc lột lon ở Trung Thành Quán ngày nó giải ngũ không? Vui quá hả mày?

    – Ông nghe những tin đồn về Phách và Chiêu (18) ở đâu vậy ? Nhiều khi chỉ là những tin đồn nhảm thôi. Sau ngày đứt phim, thiếu gì những huyền thoại! Vũ đáp.

    – Ừ, tao cũng nghĩ thế.

    Nỗi mừng vui xôn xao trong lòng; Vũ không thể nào ngờ gặp lại Dương Hùng Cường trong hoàn cảnh tù đầy này. Hai thằng ngồi nhắc nhở nhau về những kỷ niệm của thời làm báo; nhắc đến bạn bè, đứa ở, đứa đi mà ngậm ngùi. Cường thở dài:

    – Chắc chẳng có dịp gặp lại bọn nó quá! Mày có tính gì không?

    – Tính toán gì được ông? Bây giờ còn chưa biết sống chết ra sao; cứ được ngày nào hay ngày đó đã.

    – Ừ! Đành vậy. Mày còn trẻ. Ráng sống mà về. Còn tao bệnh hoạn hoài. Không biết có ra được không?

    – Hai Trại ở xa nhau quá; chứ nếu không tôi tìm cách gửi cho ông ít thuốc tây. Vũ nói.

    – Mẹ kiếp! Làm sao mà gặp được? Hôm nay đúng là may mắn, tao không ngờ gặp lại được mày. Tao mừng lắm. Nhất là biết tin tức của một số bạn bè… Để tao gói cho mày ít thuốc lào và ít đường thẻ tao vừa mua được của người làm rẫy.

    3.

    Sau lần gặp gỡ tình cờ ở khu rừng tre Cẩm Đường, Vũ không gặp lại Dương Hùng Cường nữa; dù anh cố tình dò hỏi các anh em bên trại T.1 và T.3 là hai trại kế cận với T.5 của Vũ; nhưng không có kết quả gì. Vì dù ở trong cùng một Liên Trại (19) gặp được nhau đã là khó, huống gì Cường ở Liên Trại L.3, còn Vũ ở Liên trại L.1… Khi về đến Trại, Vũ mang niềm vui bâng khuâng vì gặp được bạn cố tri trong hòan cảnh khốn cùng nhất.

    Vũ kể chuyện gặp gỡ Cường cho Trần Ngọc Tự nghe khiến Tự cứ tiếc hùi hụi là đã né không đi rừng hôm đó nên không được gặp Cường, vì Tự và Cường cùng phục vụ trong tờ báo Lý Tưởng của Binh chủng Không Quân. Bẵng đi cả năm sau, Vũ chẳng có cơ hội nào gặp lại Cường và cũng không nghe bất cứ tin tức gì về Cường nên không biết anh còn bị giam ở T.11 hay không?

    Trần Ngọc Tự thì đã bị chuyển ra ngoài Bắc trong đợt chuyển một số lớn anh em cải tạo thuộc thành phần “ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân” như An Ninh, Tình Báo, Chiến Tranh Chính Trị… bị cho là nguy hiểm nên phải đầy ra núi rừng Việt Bắc vào đầu năm 1977. Cái lý do Tự bị đưa đi Bắc chỉ vì anh đã khai cấp bậc và chức vụ là: Trung úy Chiến Tranh Chính Trị, Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân. Bọn VC vốn ghét An Ninh, Tình Báo và Chiến Tranh Chính Trị, mà Tự lại khai là Thư ký Tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không Quân; bọn VC ngu dốt cho là anh có nhiệm vụ soạn tài liệu về lý tưởng cho Không quân chống cộng. Hơn nữa trong một lần học tập chính trị, Tự đã phát biểu một cách văn hoa là: “Thưa các bạn, xuyên qua quá trình lịch sử VN cận đại, đảng CSVN xuyên suốt sợi chỉ hồng…” Tên quản giáo VC ngồi theo dõi buổi học tập đã chặn anh lại và “giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối” (20) như sau:

    – Anh Tự. Anh là một người cực kỳ phản động, vào đến đây rồi mà anh vẫn còn tiếp tục chống phá cách mạng bằng cách dùng thủ đoạn chiến tranh tâm lý để tuyên truyền xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước ta; đổi trắng thay đen làm suy yếu đi cái tính chất vĩ đại thần thánh của đảng CS tạ Đảng CSVN là một đảng vĩ đại với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt và vĩ đại của Bác, nên đã chiến thắng được 3 tên đế quốc sừng sỏ đó là Thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ; đã dẫn dắt đến chiến thắng ngày nay, giành được tự do, độc lập. Đánh bại Đế quốc Mỹ và phá tan bộ máy chiến tranh khổng lồ của Ngụy quân, Ngụy quyền Sàigòn. Vậy mà anh dám xuyên tạc lịch sử VN là cận đại Lịch sử VN chỉ có vĩ đại chứ làm gì có cận đại? Đảng CSVN với biểu tượng là lá cờ đỏ rực rỡ thì anh xuyên tạc ra là sợi chỉ hồng là thế nào?

    Cả Tổ đã không nhịn được cười trước sự lý luận ngu dốt và sự hiểu biết nông cạn của tên cán bộ VC. Chính vì vậy mà y đã ghim Tự vào trong hồ sơ đen của những người ngoan cố chống đối; và hậu quả là trong đợt chuyển trại lần này nhằm đem những tên nguy hiểm ra Miền Bắc, nơi có điều kiện giam giữ khắc nghiệt hơn.

    Hôm Tự đi, Vũ đưa tiễn ra tận cổng trại, một đoàn người tiễn đưa bịn rịn. Tự cười toe toét, đưa tay sửa lại gọng kiếng cận thị nói:

    – Kỳ này tớ lại có dịp thăm lại Ninh Bình quê tớ rồi. Vũ nhét vào tay Tự mấy vần thơ anh viết tặng Tự và dặn “…Đọc xong thì đốt đi!”

    Tiễn bạn lưu đầy đất Bắc
    (Tặng Trần Ngọc Tự)

    Mày đi nặng gánh lao tù
    Gió mưa Việt Bắc mịt mù từ đây
    Còn tao heo hút chân mây
    Khổ sai, lao dịch dưới tay vượn người
    Mày đi, môi vẫn mỉm cười
    Cỏ cây rũ rượi khóc lời chia xạ..
    (Viết tại Long Giao 1977 – VUG)


    4.

    Đến cuối năm 1977, khi mặt trận vùng biên giới Việt – Miên trở nên sôi động, tình hình chiến sự không còn ở mức va chạm nho nhỏ vì hiểu lầm nhau nữa mà chuyển sang mức độ giao tranh lớn. Khi ấy tình nghĩa của hai nước “CS xã hội chủ nghĩa anh em đời đời bền vững” Việt Miên đã tan vỡ sau khi tình hữu nghị Việt – Hoa đã biến thành thù hận. Mặt trận ở biên giới phía Bắc đã khiến cho “tên đàn em phản trắc Bắc Việt” phải nghĩ đến chuyện thanh toán “tên đàn em phản trắc” Khmer. Khu vực Liên Trại L.1/ Trại giam Long Giao được lệnh giải tán, dồn tù cải tạo sang Liên Trại L.3 để lấy khu L.1 trống làm chỗ huấn luyện tân binh cho lực lượng SPK.

    Lực lượng Cách Mạng Giải Phóng Kampuchia là con đẻ của CSVN. Chúng lập ra Lực lượng này gồm một số lớn là đồng bào Việt gốc Miên ở vùng biên giới Gò Dầu Hạ, Vĩnh Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Châu Đốc… bị VC lùa bắt dồn về L.1. Chúng bắt đủ mọi thành phần dân chúng, người già, trẻ em, đàn bà…không từ một ai; tất cả những người sống ở những vùng giáp ranh với Miên đều chúng bắt lùa vào các trại thuộc Liên Trại L.1, mà chúng đã dụ dỗ họ là chở đi tị nạn, tránh sự tấn công sát hại của người Miên. Ngay khi vào Trại, chúng liền lập thành đội ngũ, phát quân phục bộ đội và cho tập tành thao diễn cơ bản. Xen lẫn vào đám dân lành này là những cán binh VC được cài vào để nằm chung trong đội ngũ Lực lượng SPK, chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Kampuchia.

    Bọn tù cải tạo như Vũ nhìn thấy cảnh những người dân lành bị lùa vào trại tập trung như một bầy gia súc mà thương hại cho họ vô cùng; có những em bé mũi dãi còn chảy lòng thòng đói ăn mặt mũi vêu vao; có những bà mẹ trẻ, bồng con còn đỏ hỏn trên tay; có những cụ già móm mém tóc bạc da mồi… họ chẳng biết gì về chiến lược lớn của đảng nên khóc lóc, kể lể, phản đối đòi về quê hương xứ sở thì bị bọn cán bộ canh gác đánh đập tàn nhẫn… Bọn Vũ thấy vậy thương hại thường nhín phần ăn thiếu thốn của mình ném sang cho họ. Nhất là lúc này đang là mùa thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, nên bọn Vũ có “chôm” (21) được nhiều lương thực cất giấu dự trữ phòng khi đói. Bây giờ được dịp cứu đói mấy người dân lành bị VC bắt ở vùng giao tranh với Miên lùa về đây…

    Các tù nhân cựu quân nhân VNCH thuộc Liên trại L.1 bị lùa sang Liên Trại 3, họ dồn các trại lại với nhau: Hai trại T.2 và T.5 dồn chung vào trại T.13 ở sát hàng rào trại T.11; Hai trại T.3 và T.1 dồn vào trại T.12. Ngay buổi chiều hôm ấy, bên hàng rào trại T.11 và T.13 đã trở thành cái chợ trời ồn ào. Tù nhân hai trại túa ra hàng rào tìm bạn bè, thân thuộc. Tiếng kêu réo nhau vang động cả một khu vực. Dịp này Vũ cũng gặp lại một số bạn bè cũ như Dương Hùng Cường, Trần Quan Điêu (22), Đoàn Đức Thuận (23), Trần Văn Quốc (24)…

    Vũ và Cường đứng bên hàng rào vừa trò chuyện, vừa thông báo cho nhau tất cả những diễn biến sau hơn một năm đứt liên lạc. Thôi thì đủ thứ chuyện… từ chuyện tiễn Trần Ngọc Tự đi Bắc, đến chuyện Thanh Trang, Nguyễn Đăng Thạch được thả về… miên man mãi đến tối mịt.

    Vũ ném sang cho Cường mấy cuốn truyện mà anh giấu được trong Trại. Suốt thời gian này, Vũ được anh em đồng tù gọi đùa là “Thư Viện Quốc Gia” vì cất giấu nhiều sách chống cộng được xuất bản từ trước năm 1975, và bí mật chuyền tay cho anh em trong trại đọc; dĩ nhiên chỉ chuyền trong số những người thật thân thiết và tin cậy được. Trong số này có các quyển của Djilas (25), Georghiu, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan v.v… anh đã chuyền sang cho Cường đọc. Một hôm gặp nhau ở hàng rào, khi trả lại cho Vũ quyển Giờ Thứ 25 (La Vingt-Cinquième Heure) của Georghiu, Cường nói:

    – Mẹ kiếp! Bây giờ đọc lại mấy quyển sách này mới thấm thía cái cảnh tù đầy triền miên, đi hết trại tù này sang trại tù khác của anh chàng Moritz. Mình thì cũng vậy. Có khác gì đâu? Cũng chuyển hết trại này sang trại khác, cũng khổ như chó…

    – Ông có xem cuốn phim đó chưa? Thằng Anthony Quinn đóng vai Moritz sao mà hay thế. Vũ nói:

    – Có. Tao chịu nhất cái scène nó phải diễn xuất nửa cười nửa mếu của anh chàng Moritz khi hai thằng phóng viên phỏng vấn, chụp hình…

    Ngày và tháng cứ trôi đi hờ hững, những người tù sống chen chúc trong các trại T.11 và T.13 Long Giao, hàng ngày vẫn bị đầy ải trong các công tác lao động khổ sai. Trại L.1 cũ nơi Vũ bị giam sau một thời gian giam giữ những người Khmer Krôm (người Việt gốc Miên), bây giờ lại nhốt thêm những người Khmer chính gốc bị bắt ở những làng giáp ranh biên giới đem về và họ cũng được cấp phát quân phục bộ đội, hàng ngày cũng ra sân tập diễn hành và cơ bản thao diễn (VC sau này xử dụng họ để núp dưới chiêu bài là Lực Lượng SPK để tràn sang Kampuchia cướp chính quyền của bọn Pon Pot và Ieng Sari). Số tù Miên mỗi ngày một đông ở xen lẫn với đám bộ đội VC hàng ngày cứ đứng dọc hàng rào chờ nhóm tù cải tạo đi lao động về để ngửa tay xin củ sắn, củ khoai đám tù mót được ngoài ruộng, ngoài rẫy.

    Lại sắp đón một cái Tết nữa trong tù, Tết Mậu Ngọ… và cũng là thời điểm sắp đến hạn 3 năm tù mà trước đây VC thường cho tù nhân học tập về cái mốc để học tập cải tạo tiến bộ. Nhân dịp này Trại tổ chức một đợt học tập nhằm trấn an sự nôn nóng của một số tù nhân nhẹ dạ ngây thơ tin vào những hứa hẹn của VC.

    Đa số tù cải tạo đã quá ê chề với những lời nói của VC nên trong trại họ thường nhắc nhở nhau câu nói của Ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng Thống VNCH: “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm” nên anh em thường bỏ ngoài tai những tuyên truyền láo khoét của cán bộ cai tù. Vì vậy khi CS đưa ra chiêu bài cái mốc học tập cải tạo 3 năm, anh em chỉ cười và an tâm với cái mốc ở tù “mút mùa lệ thủy” cho nó chắc. Tiêu đề của đợt học tập kỳ này là: “Củng cố niềm tin vào đảng CS và hạ quyết tâm học tập cải tạo cho đến khi nào tiến bộ thì về”. Cái tiêu chuẩn mơ hồ “đến khi nào tiến bộ thì về” là một cái bánh vẽ nhằm trấn an, lừa mị những người ngây thơ, ngu dốt chứ chẳng gạt được ai. Nhiều người khi trước vì quá tin vào lời hứa hẹn học tập 3 năm nên đã tích cực lao động hùng hục, đoạt nhiều thành tích xuất sắc, được biểu dương trước Đội, trước Trại và trước Liên Trại…; trong sinh hoạt hàng ngày thì tích cực đấu tranh phê bình bới móc người khác. Họ nghĩ rằng như thế là học tập – thật là tội nghiệp cho hai chữ học tập vô cùng – nghĩ rằng như thế thì sẽ chóng được thả về…

    Nhưng nay được học về Củng cố tư tưởng họ sinh ra bất mãn, căm phẫn; vì thế để cho số này bớt uất ức, trong một buổi lên lớp ở Trại T.11, Cường đã đứng giữa hội trường lớn tiếng chất vấn giảng viên về sự thiếu thành thật của bài học về cái mốc cải tạo 3 năm và bài học mới về củng cố tư tưởng quyết tâm học tập lâu dài này mà anh kết án là sai chính sách, lừa mị và gian dối… Tên giảng viên cứng họng trước lý lẽ sắc bén của Cường. Anh em sửng sốt trước lời phát biểu cứng rắn, mạnh mẽ của Cường. Ai cũng nghĩ rằng thế nào anh cũng sẽ bị nhốt vào nhà kỷ luật; nhưng anh chỉ bị gọi lên làm bản tự kiểm điểm rồi được cho vào trại.

    Sau khi các Cải tạo viên làm xong Bản Thu Hoạch và hạ quyết tâm tin tưởng vào đường lối chính sách nhất quán của đảng CSVN là giam giữ lâu dài bọn Ngụy Quân, Ngụy Quyền phản động; để an tâm ngồi tù. Toàn thể 3 trại T.11, T.12 và T.13 đều bị giải tán để biên chế sang hai trại T.14 và T.15 ở gần sát hàng rào tiếp giáp với Quốc lộ. Trại 11 và một nửa trại 12 được đưa vào T.14; còn T.13 và một nửa còn lại của T.12 chuyển vào Trại T.15. Cường về T.14, còn Vũ sang T.15. Khi vào Trại, Vũ gặp Dương Cự, Dương Kiền, Châu Kim Thi (26), Khả Năng (14)… cùng ở chung một trại với anh. Về trại mới, Khả Năng được giao làm trưởng bếp lo nấu nướng cho anh em toàn trại.

    Đêm thứ hai, ngay sau khi chuyển sang Trại T.15, Vũ lợi dụng đêm tối đã leo rào chui sang T.14 tìm Dương Hùng Cường. Phải mất khá nhiều thì giờ anh mới tìm thấy dãy nhà Cường ở, sau khi dò hỏi nhiều người. Dãy nhà giam Cường nằm gần khu nhà bếp. Đây là những barracks bằng ván thông do Quân đội Mỹ cất lên làm doanh trại đồn trú của Sư đoàn Không Kỵ số 1 từ trước năm 1972. Cũng như tất cả các trại giam khác, tù nhân nằm xếp lớp như cá mòi hai bên, mỗi người chỉ có một chiều ngang vừa đủ thân mình. Sở dĩ Vũ liều lĩnh leo rào sang thăm Dương Hùng Cường là vì buổi chiều, trong khi lao động ngoài rẫy anh được Đoàn Đức Thuận báo cho biết Cường đang bị đau nặng, có lẽ do chuyển trại phải khuân vác mệt quá sức anh chăng? Vì vậy Vũ quyết định vượt rào sang thăm bạn và mang cho Cường một ít thuốc tây.

    Cường đang nằm dài trên nền đất, dưới ánh sáng vàng vọt, èo uột của ngọn đèn chai. Trông anh có vẻ mệt mỏi nhiều. Cường mừng rỡ ngồi nhỏm dậy khi nhìn thấy Vũ.

    – Làm sao mày sang đây được?

    – Nghe nói ông bị bệnh, tôi vượt rào sang xem ông thế nào, nhân tiện mang cho ông ít thuốc tây.

    – Tao cảm thấy mệt nhiều. Mấy năm nay cái phổi hành tao muốn chết luôn. Không biết có qua khỏi không?

    – Sao ông bi quan quá vậy? Ráng uống thuốc và giữ gìn sức khỏe. Mình phải sống để viết chứ. Phải nói cho hậu thế biết cái thảm trạng của đất nước ngày nay do ai gây ra chứ!

    – Ừ! Tao cũng nghĩ như vậy nên cố ráng sống cho qua ngày. Mày cũng biết đấy. Nhà tao chẳng dư giả gì, nên thỉnh thoảng bà ấy mới có điều kiện thăm nom tao. Mấy năm nay tao đâu dám cho bà ấy biết tình trạng sức khỏe suy yếu của tao…

    – Thôi! Ông đừng nghĩ ngợi vớ vẩn. Tôi sẽ đi kiếm thêm cho ông một số thuốc nữa. Đừng lo lắng làm gì cho hại sức khỏe. Tôi tin rằng với sự giao thiệp rộng của tôi, bằng hữu sẽ sẵn sàng giúp lại khi cần.

    Cường miên man nhắc nhở những kỷ niệm trong đời sống quân ngũ của anh; những kỷ niệm của đời viết văn, viết báo. Cường cũng thổ lộ cho Vũ biết anh có một người bà con rất gần là cán bộ khá lớn ở Miền Bắc, họ đã bảo lãnh cho anh. Mới đây, anh được tên Chính trị viên Trại cho biết anh có thể sẽ được về phép vài ngày do sự can thiệp của người bà con là cán bộ CS nói trên. Có lẽ chính vì thế mà dù hôm học tập về an tâm cải tạo lâu dài anh nổi máu Dê Húc Càn đứng giữa hội trường bắt bẻ tên giảng viên mà chỉ bị làm bản tự kiểm mà thôi.

    Ngồi nói chuyện với Dương Hùng Cường cho đến khuya, Vũ chia tay leo rào trở về Trại. Ngày hôm sau Vũ tìm cách gói một gói thuốc tây đủ loại, quyên góp được của bạn bè, ném sang bên kia rào cho Cường.

    Một hôm, khi đi lao động về, Vũ được Khả Năng cho biết tin Dương Hùng Cường vừa được đi phép 15 ngày về Sàigòn. Khi đi ngang rào T.15, Cường có nhờ Khả Năng nhắn lại cho Vũ biết…

    5.

    Ngày tháng trôi qua như chiếc bóng; quay qua quay lại đã đến Tết Nguyên Đán nên toàn thể Trại được nghỉ lao động 3 ngày để vui xuân. VC cũng phát cho tù vài điếu thuốc lá Hoa Mai khét lẹt và một ít thuốc lào. Khẩu phần ăn cũng được thêm tí thịt, tí mỡ to bằng đầu ngón tay cái… Trưa mùng một Tết, Vũ đang ngồi bên hông nhà tán dóc với bạn bè thì Dương Hùng Cường leo rào sang thăm. Hai thằng ngồi trò chuyện bên hiên nhà nơi Vũ quây tấm poncho làm chỗ ngồi ăn cơm cho cả bạn. Vì là ngày Xuân, nên anh cũng vẽ một cành mai trên vách và chưng mấy nhánh hoa vạn thọ. Vũ đã viết hai chữ nho: “Sinh Sinh” trên vách với hàm ý mọi người đều được sinh tồn.

    Cường cho Vũ biết anh mới trở lại trại chiều hôm 29 Tết sau khi đã nghỉ 15 ngày phép ở Sàigòn.

    Vũ hỏi:

    – Sao ông không lặn luôn mà còn trở vào làm gì?

    – Lúc đầu tao cũng nghĩ như vậy, nhưng khi về nhà thấy hoàn cảnh gia đình, tao sợ liên lụy đến mọi người nên thôi. Hơn nữa tao cũng gặp người bà con cán bộ VC, họ nói kỳ này tao trở lên trại là về.

    – Vậy 15 ngày nghỉ ở Sàigòn ông làm được những gì? Tình hình chung ra sao?

    – Mày thấy đó. Nó cho tao 15 ngày phép về Sàigòn để xin một Giấy Chứng Nhận của bất cứ cơ sở nào xác nhận là sẽ thâu nhận tao vào làm, cầm nộp cho Trại thì nó sẽ thả. Vì vậy suốt mười mấy ngày tao chỉ lo chạy đôn chạy đáo gõ hết mọi cửa, đến mọi cơ quan, xí nghiệp của nhà nước xin một chân lao công, tùy phái ngõ hầu được trả tự do. Tao nhớ đến thằng Ngô Công Đức đang có trong tay tờ Tin Sáng, nên mò đến nó. Tao đâu có mơ ước cầm bút viết lách trở lại; mà viết cái chó gì ở cái xã hội này khi người cầm bút chỉ là một thứ mõ làng, một thứ máy móc viết theo toa đặt hàng của nhà nước, nói theo lời nói của đảng, nghĩ theo suy nghĩ của đảng. Tao chỉ cần nhận vào làm thợ sắp chữ, lao công lau chùi, quét dọn v.v… để được thả về.

    Mẹ kiếp! Thằng này dã man không chịu được. Tao đợi nó suốt 3 ngày, ngày nào cũng từ sáng đến chiều. Nó cứ cho thư ký ra nói bận, không tiếp. Đến ngày thứ tư, nó để tao chờ suốt buổi sáng mới cho vào gặp. Gặp tao nó cũng giả vờ mừng rỡ, tay bắt mặt mừng, hỏi han đủ thứ chuyện. Rõ kịch! Khi tao cho nó biết tình trạng của tao. Tao không cần phải có công ăn việc làm thật, mà chỉ cần tờ giấy chứng nhận sẽ thâu nhận để nộp cho Trại thì mới được thả về. Thế mà nó từ chối mày ạ. Tức đ. chịu được. Vũ chen vào:

    – Ông đến nhờ vả cái thằng phản phúc ấy làm gì? Sao không thử xoay sở mấy chỗ khác?

    – Tao lang thang suốt mười mấy ngày như vậy, hết chỗ này đến chỗ nọ. Khi đưa giấy cải tạo là chúng lắc đầu nguầy nguậy, xua đuổi như xua đuổi tà. Thế mới biết tụi nó chèn ép mình, đẩy mình vào tuyệt lộ, cùng đường; coi mình như hủi không muốn giây vào. Ngày thứ 14, tao đang đạp xe lang thang trong tuyệt vọng; bất ngờ lại gặp thằng Hoàng Trọng Miên ở bùng binh chợ Bến Thành. Mày còn nhớ thằng Hoàng Trọng Miên không? Đúng là trời giúp mày ạ! Gặp tao nó hỏi han tíu tít, thân tình lắm chứ không lạnh nhạt đẩy đưa như thằng Ngô Công Đức; và khi nghe tao tả oán về cái vụ chạy đi xin 1 tờ Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển dụng làm công nhân viên, nó liền kéo tao vào một quán cà phê lề đường, móc trong cặp ra một tờ giấy đã đánh máy sẵn hí hoáy viết.

    Viết xong, cũng lại lôi trong cặp ra một con dấu ịn vào đấy một phát, rồi đưa cho tao. Nó nói:

    – Đây là Giấy Chứng Nhận sẽ tuyển ông làm Nhân Viên Hậu Đài của Đoàn Văn Công Thành Phố. Ông đem lên trại nộp cho họ rồi chờ ngày được phóng thích nhé.

    Tao kinh ngạc nhìn thằng Hoàng Trọng Miên, rồi nhìn tờ giấy… Thì ra nó là Giám Đốc Đoàn Văn Công Thành Phố mày ạ! Thế là tao có tờ giấy trong tay. Ai ngờ có ngày mình lại làm “gã kéo màn”. Mình đã nhố nhăng nhiều quá rồi, bây giờ đi kéo màn cho thiên hạ đóng tuồng cũng vui… – Kể cũng may. Thôi cũng hy vọng ông sớm được về cho chị ấy đỡ lo lắng và ông có phương tiện chữa bệnh. Bây giờ ông nói chuyện tình hình bên ngoài như thế nào? Liệu có sáng sủa không?

    Cường kể tóm tắt cho Vũ nghe tình hình xã hội bên ngoài, từ chuyện bọn đầu sỏ Hà Nội hấp tấp gạt bỏ tụi Giải Phóng Miền Nam và bọn tay sai ăn cơm Quốc Gia thờ ma CS; gây nên một làn sóng bất mãn và chia rẽ trong nội bộ đến tình hình dân chúng chống đối ở Miền Nam… và tình hình an ninh chung trong xã hội của VC sau hơn 2 năm cưỡng chiếm Miền Nam v.v… Cường nói:

    – Tóm lại, tình hình xã hội thì vô cùng khó khăn vì bọn VC kiểm soát gắt gao về lương thực. Đời sống người dân nghèo khổ. Nhiều nơi nổi lên chống đối bị bọn chúng thẳng tay đàn áp và tiêu diệt một cách dã man. Tin đồn về các ông Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Cao Kỳ thì nhiều, giống như mình được nghe trong trại, nhưng vẫn chỉ là nhữn tin đồn vô căn cứ và khó phối kiểm.

    Người ta thi nhau vượt biên nhiều vô số kể; nó đang trở thành một cái mode, một phong trào mà VC không cách nào ngăn cản nổi. Có những thằng vừa ngồi uống cà phê với mình bữa nay, ngày mai đã nghe tin biến rồi. Phe VC trốn đi cũng không phải là ít, chúng từ Hải Phòng chỉ cần đi thuyền buồm là sang đến Hồng Kông dễ dàng. Mày đừng có nản chí; ráng sao về được, bọn mình tìm cách chơi lại tụi nó. Tao đã liên lạc được mấy thằng đệ tử của ông Kỳ, tụi nó còn hăng lắm, còn cất giấu nhiều súng đạn lắm…

    Hai thằng ngồi nói chuyện với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ. Đến chiều Cường mới từ giã trở về trại T.14. Trước khi về, Cường nhìn trên vách thấy 2 chữ “Sinh Sinh” nên hỏi: “Mày viết phải không? Nét chữ mày vẫn bay bướm lắm. Để tao đối lại nhé”. Nói xong, Cường lấy cây bút viết hai chữ “Xuất Xuất” (với hàm ý mọi người được ra khỏi trại) lên vách tạo nên một vế cân đối và ý nghiã: mọi người sống sót và được về hết cả. (27)

    Dương Hùng Cường đi rồi mà Vũ còn bâng khuâng ngồi nhìn ra sân nắng. Mắt trời đang ngả dần về hướng Tây, hắt những tia nắng vàng vọt trải dài trên những tàn cây cao. Bất giác thi hứng nổi lên, Vũ cầm bút viết một bài thơ Xuân để kỷ niệm buổi gặp gỡ đầu xuân trong lao tù giữa hai người bạn cố tri:

    Xuân ở Long Giao
    (Tặng bạn tôi Dương Hùng Cường)

    Heo hút đồi cao bụi phủ mờ
    Những thân còm cõi dáng chơ vơ
    Bốn vòng gai sắc như dao nhọn
    Đâm suốt hồn ai nhát hững hờ?

    Đã mấy mùa xuân trong đớn đau
    Cao su vàng lá úa u sầu
    Bọn ta chung kiếp tù tăm tối
    Ngày tháng chừng trôi qua rất lâu.

    Từ đáy ngục sâu gặp cố tri
    Cầm tay chẳng biết nói năng chi
    Rưng rưng khóe mắt đôi giòng lệ
    Tủi hận vương đầy trên lối đi.

    Cùng đón xuân sang giữa ngục tù
    Chẳng trà, chẳng bánh, chẳng hạt dưa
    Uống ly nước lạnh thay men rượu
    Rồi cũng rền vang mẩu chuyện xưa

    (VUG – Long Giao Xuân Mậu Ngọ 1978)


    Buổi tối, Vũ leo rào sang trại T.14 đưa cho Cường bài thơ. Đọc xong, Cường tỏ vẻ xúc động, khóe mắt có những giọt long lanh. Anh nói:

    – Có lẽ vài ngày nữa tao được về. Mày có cần nhắn gì ở nhà không? Chắc không có dịp gặp mày trước khi về quá; vì sợ lúc đó mày đi lao động. Thôi thì cố giữ gìn sức khỏe và vững tinh thần nghe mày.

    Hai thằng ngồi dưới hiên nhà cho đến khuya. Sương xuống lành lạnh. Văng vẳng từ đám đông gần đó, tiếng anh chàng Kháng Sơn đang hát một bản nhạc lời Việt dựa theo nhạc của bài “Proud Mary” của Mỹ:

    “Rồi một ngày nào trong tù cải huấn
    Anh với tôi cùng nhau ra sức phấn đấu.
    An tâm! An tâm! Nhưng còn tin mù mờ…

    Rồi một ngày nào được phân công đi vùng kinh tế mới
    Anh với tôi chúng ta cùng nhau bối rối.
    Không đi! Không đi! Ta cùng nhau ù lì…”


    Tiếng cười dòn dã của các tù nhân khi nghe bài hát của Kháng Sơn đã làm vơi đi nỗi buồn xa nhà của những người tù trong ngày đầu xuân.

    6.

    Sau mấy ngày nghỉ Tết Mậu Ngọ, toàn thể tù nhân hai trại T.14 và T.15 lại bắt đầu lao vào công tác lao động khổ sai dưới sự quản thúc hà khắc của lũ cai ngục răng đen mã tấu CS. Khu vực Long Giao trước kia có 10 trại giam gọi là T. thuộc hai Liên Trại L.1 và L.3; ngày nay chỉ còn 2 Trại phải thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, rau… của 10 trại, nên ngày nào cũng phải gánh gồng, khiêng, vác từ mờ sáng đến tối mịt. Khu lao động cách xa trại trên 10 cây số, nên phải đi bộ đến hiện trường lao động, xong lại phải khiêng sản phẩm thu hoạch được về trại nhập vào kho của Hậu Cần.

    Sở dĩ chúng giữ lại 2 Trại T.14 và T.15 là để có nhân công thu hoạch lúa, ngô, khoai, sắn nhập vào kho trước khi chuyển họ đi nơi khác. Các anh chàng tù cải tạo cũng đâu có dại dột gì, đoán biết được âm mưu của CS, nên khi thu hoạch thường lén cho dân đi mót lúa, khoai, sắn rất nhiều sản phẩm vì có hai cái lợi: một là đỡ phải khiêng về trại nặng nề, hai là cho dân chúng để họ có lương thực cho đỡ đói, bù lại người dân cũng cho lại các anh thuốc hút hoặc đường, kẹo, bánh v.v…

    Có những ngày bọn cán bộ quản giáo phải tập họp tù lại để chửi bới vì những đống lúa ngô khoai mót của người dân còn cao hơn, nhiều hơn đống của cải tạo thu hoạch. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng vàng rực lúa chín, từng đoàn tù nhân như cả một đàn kiến lớn xúm vào gặm nhấm những cánh đồng lúa vàng mênh mông, trĩu nặng bông và trên con đường nhựa dẫn về Trại Cải tạo Long Giao, từng đoàn tù nhân nhếch nhác mồ hôi, kĩu kẹt quang gánh, gánh lúa về Trại…”gánh lúa về, gánh về, gánh về…”

    Ngày xưa trong những ngày mùa thì niềm vui “gánh lúa về” đã được nhạc sĩ Phạm Duy diễn tả trong bản nhạc của anh khiến người nghe cũng cảm thấy vui lây cái vui được mùa; còn đám cải tạo thì chẳng vui chút nào vì họ biết chắc, có gánh lúa về thì họ cũng chỉ được những lát sắn khô chua loét, sượng sùng… Cái độc ác và dã man của VC là ở chỗ đó, bắt người tù lao động cực nhọc, làm ra rất nhiều lúa gạo nhưng không cho họ được ăn gạo mà chỉ được ăn ngô, khoai, sắn… Không chỉ những người cải tạo mới bị chúng bắt ăn độn kiểu này mà cả nước đều bị đẩy xuống đáy vực thẳm giống nhau, đều bị chúng cho hóa thú giống nhau. Có như vậy đảng mới đạt được chỉ tiêu bần cùng hóa nhân dân để khống chế cái bao tử của người dân, bắt họ phải thuần phục theo chúng muốn.

    Cường được phóng thích sau tết khoảng 5 ngày. Hôm đó tình cờ Vũ cũng lên cơn “chây lười lao động”, nên khai bệnh nghỉ ở nhà phụ Tổ tăng gia tưới rau. Khi anh đang múc nước ở giếng, bỗng nhiên nghe tiếng ồn ào bất thường bên trại T.14; anh ngừng tay đứng xem chuyện gì xảy ra thì thấy tên Chính trị viên đang dẫn Cường đi ra cổng Trại T.14, theo sau là một đám tù bàn tán xôn xao… theo đưa tiễn. Cường mặc một bộ treillis còn tương đối lành lặn, tay cầm một túi xách nhỏ, miệng cười tươi rạng rỡ. Cường dừng lại trước cổng, giơ tay vẫy từ biệt bạn bè rồi cúi đầu lủi thủi đi về phía cổng lớn của Trung đoàn để ra Quốc lộ.

    Vũ chạy ra sát hàng rào, đứng đón Dương Hùng Cường, vì muốn ra cổng Trung đoàn phải đi dọc hàng rào T.15. Hàng rào dày hơn 3 mét, không thể bắt tay nhau được, nên cả hai chỉ đưa tay vẫy chào nhau. May mà hàng rào mới được dẫy cỏ trống trơn nên hai người mới nhìn thấy nhau.

    – Mày ở lại ráng giữ sức khỏe và giữ mồm nghe không?

    Cường nhắc nhở Vũ vì anh biết tính của Vũ thẳng thắn không sợ bất cứ một thế lực, khống chế nào… Uy vũ bất năng khuất mà! Cường cũng nghe anh em nói cho biết Vũ hay phát ngôn châm chích mỗi khi học tập phải phát biểu. May mà lũ cán bộ VC ngu dốt (Vũ thường hay gọi chúng là giặc dốt và đã có lần phát biểu kêu gọi mọi người phải đứng lên diệt giặc dốt) không hiểu được cách nói của một thằng cầm bút như anh.

    – Ừ! Ông về cũng cẩn thận giữ mình. Thì ông có thua gì tôi? Cho gửi lời thăm chị và các cháu. Vũ nói. Cường dừng lại, nhìn Vũ thật lâu mắt ướt sũng, rồi quay lưng lầm lũi bước đị Dáng người gầy gò, lỏng khỏng bước thất thểu về phía cổng Trung đoàn. Vũ thấy mắt mình cay cay. Anh đứng lặng bên hàng rào nhìn Cường đi mỗi lúc một xa, nhòe nhoẹt trong màn sương mỏng của buổi sáng. Anh khẽ thở dài! Anh không ngờ đó là lần cuối cùng trong đời anh được nhìn thấy Dương Hùng Cường. (28)

    Ghi chú:

    (1) Đi chợ: người tù chia phiên nhau mỗi ngày một người trong toán đi nhặt nhạnh rau cỏ, khoai sắn cho anh em trong toán ăm thêm nên gọi là đi chợ.
    (2) Akamicine: ám chỉ đạn AK.47
    (3) máu nhân dân: để chỉ rượu đế
    (4) Trần Ngọc Tự: Trung úy CTCT Không Quân. Cùng bị bắt và bị xử chung trong vụ Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Doãn Quốc Sĩ móc nối với nhân viên Bưu Điện gửi tài liệu ra hải ngoại.
    (5) Nguyễn Đăng Thạch: Trung úy Biệt phái, Giáo sư Đại học. Thạch là con trai cụ Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sàigòn. Hiện Thạch định cư ở Canadạ
    (6) Nguyễn Thanh Trang: Trung úy, Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt, Nhạc sĩ.
    (7) Nguyễn Nguyên Phương: Trung úy, Giáo sư Triết.
    (8) Phí Ích Bành: Trung úy, Chủ sự Phòng Văn Nghê Đài Phát Thanh Sàigòn. Bành là em ruột của nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm)
    (9) Nguyễn Đức Quang: Trung úy, Nhạc sĩ. Hiện Quang cư ngụ ở Nam California
    (10) Dương Kiền: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 2. Hiện cư ngụ ở Na Uy
    (11) Dương Cự: Trung úy, Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Vùng 4. Hiện còn ở Sàigòn
    (12) Đỗ Kim Bảng: Trung úy, Giáo sư, Nhạc sĩ
    (13) Đào Văn Khánh: Trung Úy, Ký giả báo Tiền Tuyến của Quân Đội. Khánh là phu quân nhà văn nữ Lệ Hằng. Hiện nay Khánh đang cư ngụ ở San Jose, California và viết văn ký dưới bút hiệu Đào Khanh
    (14) Kịch sĩ Khả Năng: Chuẩn úy, tên thật là Nguyễn Văn Tây, phục vụ tại Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Sau khi cải tạo về có làm việc cho Đoàn Văn Công Thành Phố một thời gian. Đã chết vì bệnh.
    (15) Nghiêm Phú Phát: Trung úy Công Binh. Đoàn trưởng Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống cùng với Hà Quốc Bảo. Phát là em ruột của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phị Hiện Phát cư ngụ ở California
    (16) Võ Thế Hào: Trung úy, Giáo sư Toán
    (17) Viên Linh là Tổng Thư ký Toà soạn nhật báo Hoà Bình thay thế cho Mặc Giao Phạm Hữu Giáo đắc cử Dân biểu Hạ Nghị viện. Nhưng làm được một thời gian ngắn thì nghỉ vì xích mích với Trần Hữu Quỳnh, Quản đốc của tờ báo. Hiện nay Viên Linh đang trông coi tờ Khởi Hành ở Nam California.
    (18) Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách. Nguyên Vũ tên thật là Vũ Ngự Chiêu
    (19) Liên Trại cấp bộ tương đương như Trung đoàn. Gồm nhiều Trại; mỗi Trại thường mang bí số T hoặc K để giam giữ tù cải tạo.
    (20) VC thường gọi tù cải tạo là những “kẻ lầm đường lạc lối được đảng giáo dục”.





    Dương Hùng Cường và
    những nhà văn Không Quân

    Nguyễn Mạnh Trinh



    Một bài viết mà có tham vọng ghi chép đầy đủ các chân dung tác giả cũng như vóc dáng tác phẩm của những người KQ có lẽ khó đạt được . Làm sao ở vị thế của một cá nhân mà có đầy đủ chi tiết về người và văn , về đặc tính văn chương của rất nhiều người trong hàng ngũ những người làm nghệ thuật mặc quân phục mang huy hiệu Tổ Quốc Không Gian?

    Vì thế , đây chỉ là một bài tạp ghi nhỏ phác họa sơ sài một vài chân dung của những người KQ cầm bút . Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ như thế này dĩ nhiên không thể đề cập đầy đủ hết tất cả các khuôn mặt văn nghệ của quân chủng. . Nên, thôi thì , nhớ ai thì viết nấy , hy vọng có một vài chi tiết lý thú về những người KQ cầm bút. Ðáng lẽ phải là “ Những nhà văn KQ mà tôi biết ‘ mới đúng. Nhưng cụm từ ấy đã có quá nhiều người xử dụng. Nên, xin như một hiểu ngầm khi dùng nhan đề như ở trên.

    Có lẽ KQ là một quân chủng hào hoa nên số người cầm bút rất đông đảo và dù sau này , khi đã mất nước và tan hàng , chất KQ vẫn còn đậm đặc trong tác phẩm. Tính chất trẻ trung , chan chứa sinh lực , nhìn cuộc đời dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng lạc quan và không đầu hàng với số mệnh.

    Người K Q của KLVNCH dù viết văn hay làm thơ, dù đang chiến đấu hay không còn dịp để chiến đấu nữa, vẫn một thái độ đẫm chất nhân bản , không đầy chất sắt máu như những tiểu thuyết cũng chung một đề tài KQ nhưng khác chiến tuyến cũa miền Bắc như Mặt Trận Trên Cao của Nguyễn Ðình Thi, hay Vùng Trời của Hữu Mai, hay Chim Én Bay của Nguyễn Trí Huân,à. Những người KQ miền Nam viết văn làm thơ bằng trái tim rất người của họ và chất lãng mạn , từ đời sống , trong suy nghĩ đã làm văn chương trở thành một nét đặc biệt biểu trưng cho một thời đại nhiều biến cố của dân tộc Việt Nam.

    KQ VNCH chỉ có một thời gian ngắn hai chục năm để thành lập và phát triển không lưc . Trong thời gian ấy đã có nhiều tác giả và tác phẩm có những nét riêng của những cuộc sống nhiều thay đổi , của thời thế lịch sử và của những nghịch cảnh của từng đời thường của mỗi cá nhân. Cái chung bàng bạc trong cái riêng, của một nền văn học khai phóng và tự do nên phản ánh được một phần nào nỗi niềm của một thế hệ thanh niên trong chiến tranh.

    Một điều khá lạ là trong các vị tư lệnh KQ có tới hai người là nhà văn có tác phẩm và biểu trưng được phần nào tinh hoa của quân chủng. Ðó là nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh và nhà văn Trần Văn Minh.

    ***

    Nhà văn Toàn Phong, tức đại tá Nguyễn Xuân Vinh, giữ chức tư lệnh từ tháng 2 năm 1958 đến tháng 8 năm 1962, tác giả của Ðời Phi Công, Theo AÔnh Tinh Cầu, ngoài một nhà văn còn là một toán học gia, một khoa học gia có nhiều cống hiến cho thế giới. Ðời Phi Công là những bức thư của người phi công gửi cho người yêu tên Phượng. Những bức thư kể lại một cuộc sống vừa lãng mạn vừa văn chương chuyên chở được suy tư và mơ ước của một phi công Việt Nam thời chiến. Ðọc những trang của Ðời Phi Công, không khỏi liên tưởng tới những trang thơ hào hùng của Chinh Phụ Ngâm hay những trang sách của truyện Saint Exupery của những không gian bao la, của những Bay Ðêm, của Cậu Hoàng Con, của những giấc mơ đi thăm viếng giải ngân hà.

    Ðời Phi Công đã ảnh hưởng rất lớn tới tuổi trẻ thời đó và hình ảnh những chàng trai phi công đã là một mơ ước của nhiều người.Ðọc Ðời Phi Công, như phiêu lãng với nghiệp dĩ một đời và mở ra vòng ôm rộng lớn của tổ quốc không gian. Cuốn sách này đã được tặng giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961. trong một bài phỏng vấn , tác giả Ðời Phi Công đã nói về tác phẩm đầu tay của mình:

    “ Ðời Phi Công là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió bạn với mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ vào ngày thứ hai trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc mà giáo sư văn khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm.

    Giới trẻ hồi đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này..

    .. Nhằm mục đích nêu lên tình người và tình yêu tổ quốc cùng không gian mà tôi viết Ðời Phi Công. Nhờ sự phổ biến sâu rộng của cuốn sách này mà giới thanh niên và sinh viên hiểu biết thêm về Không Quân Việt Nam và chúng tôi đã tuyển mộ được nhiều thanh niên ưu tú để gửi sang theo học những khóa huấn luyện bay những phi cơ tối tân của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ..”

    ***

    Nhà văn Trần văn Minh, tư lệnh KQ từ năm 1967 đến 1975, tác giả của những tập truyện ngắn Trong Ðục và Chết Non ở trong nước và Chốn Lao Xao ở hải ngoại. Theo phần tiểu sử ở cuối tác phẩm Chốn Lao Xao:

    “ Tác giả Trần Văn Minh là một người lính cầm bút có tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ quân đội. Oạng viết văn làm thơ đăng trong các tập san Không Quân ký dưới nhiều bút hiệu như Trần Trụ Y, Trần Mộng Thường, Md. Cô Dương .. và có hai tác phẩm đã xuất bản với tên thật làm bút hiệu.

    Những bài thơ ông sáng tác phản ảnh chất hài hước trong nghịch cảnh ,vui tếu trong gian nan , biểu tượng sức sống trẻ trung của một Quân chủng oai hùng hào hoa mà ông từng là cánh chim đầu đàn à”.

    Từ những truyện ngắn viết ở trong nước đến những bài cảm hứng ngắn viết ở hải ngoại, tác giả Trần Văn Minh dù trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống nhưng vẫn một tâm hồn tiếu ngạo , dù có chất mỉa mai nhưng vẫn đậm đà tình nghĩa nhất là đối với những người đã có chung màu cờ sắc áo.

    Trong Chốn Lao Xao, có lần ông cựu tướng nhà văn tâm sự:

    “ Tôi ấy à ?! Mười mấy năm nay, cái lạc hằng ấp ủ của tôi thì thật đơn sơ, là sẽ đưa hường nhan tri kỷ về lấy lại mái nhà xưa trong Tân Sơn nhứt không có tiếng động cơ phản lực gào rú ngày đêm, đêm mưa nàng gối đầu trên cánh tay tôi, nghiêng người ôm tôi, hai đứa nằm lặng yên trong bóng đêm nghe tiếng mưa rơi rạt rào trên mái ngói, nặng chĩu tầu tiêu ngoài vườn cũ sau hè, nghe tiếng kêu thương của con nhạn lạc ngang trời trong gió mưa, để .. để làm gì tôi không biết nữa! Chỉ thế thôi! Có chút xíu thế thôi , mà , hỡi ôi, mười mấy mùa mưa đã về trên trại Phi long dập vùi tả tơi hoa cỏ mà mộng nhỏ chưa thành đầu đã bạc, gối đã mỏi lưng đã chùn người đã xác xơ!.”

    ***

    Một người KQ làm thơ nổi tiếng là Cung Trầm Tưởng , một người đã đem hình ảnh rất Paris , rất Tây Phương mang vào thi ca Việt nam:

    “Mùa thu Paris
    trời buốt ra đi
    Hẹn em quán nhỏ
    rưng rưng rượu đỏ tràn ly

    Mùa thu đêm mưa
    Phố cũ hè xưa
    Công trường lá đổ
    Ngóng em kiên khổ phút giờ

    Mùa thu âm thầm
    Trong vườn Lục Xâm
    Ngồi quen ghế đá
    Không em buốt giá từ tâm

    Mùa thu nơi đâu?
    Người em mắt nâu
    tóc vàng sợi nhỏ
    Mong em chín đỏ trái sầu”


    Cung trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần, sinh năm 1932 tại Hà Nội, gia nhập Không Quân năm 1952 và du học tại Pháp và tốt nghiệp học viện hàng không quân sự nổi tiếng Salon của Pháp nơi xuất thân của hầu hết các cấp chỉ huy cao cấp của Không lực sau này. Sau năm 1975 ông bị cải tạo 10 năm và hiện nay đang định cư tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ. Thời kỳ 20 năm văn học miền Nam .ông là một nhà thơ có nét đặc biệt riêng và ông cũng là người chủ trương tủ sách Con Ðuông nhằm phổ biến tác phẩm trong vòng hạn hẹp và gạn lọc. Sang sống ở hải ngoại ông xuất bản 3 thi phẩm: Bài ca Níu Quan Tài , Lời Viết Hai Tay , và Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Ðịnh. Hơi thơ của ông viết ở hải ngoại rất khác biệt với thơ của ông thời trong nước. Thơ lục bát của ông thời kỳ trước 1975 mở ra những phương trời lạ , những ý tưởng độc đáo. Còn, bây giờ, ở những tập thơ xuất bản , ông viết thơ lại khác biệt lúc trước cả từ ý lẫn lời. Thơ, mang theo nhiều suy tưởng, nên chất cảm ít đi nhưng chất luận lý lại tràn đầy và nét khai phá dường như phong phú trong cung cách sáng tạo. Có người nói thơ nhiều khi dị ứng với lý luận mà chất cảm phải có nhiều để tạo được sự chia sẻ. Ðó cũng là một ý kiến . nhưng , thi sĩ lam sao không suy tư cho được khi cuộc đời đầy những biến cố làm thay đổi nhiều khi toàn bộ con người. Hình như , tới bây giờ những bài thơ như Chưa Bao Giờ Buồn Thế của Cung Trầm Tưởng vẫn là một khuôn khổ đẹp cho những bản tình ca muôn thuở:

    “ lên xe tiễn em đi
    chưa bao giờ buồn thế
    trời mùa đông Paris
    suốt đời làm chia ly

    tiễn em về xứ mẹ
    anh nói bằng tiếng hôn
    không còn gì lâu hơn
    một trăm ngày xa cách

    ga Lyon đèn vàng
    tuyết rơi buồn mênh mang
    cầm tay em muốn khóc
    nói chi cũng muộn màng..”


    ***

    Nhà văn Huy Quang Vũ Ðức Vinh cũng là một cây bút KQ kỳ cựu dù rằng ông là người đi song hành giữa chính trị và văn chương ở Việt nam và giữa công việc xã hội và văn học ở hải ngoại. Ông đã viết những tiểu thuyết như Ðôi Ngả và Những Mái Ðầu Xanh từ năm 1952 xuất bản ở Hà Nội. Ông cũng có thời làm Tổng giám đốc hệ thống Truyền Thanh Quốc Gia và là một người có nhiều cải cách trong nhiệm vụ này. Qua hải ngoại ông là người chủ trương bán nguyệt san Ðất Mới xuất bản từ năm 1975 đến năm 1984. Trong quân chủng KQ , ông là một cây bút chủ trương và chủ lực của tập san Lý Tưởng , một nơi quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam.Dù là người đi song hành trên nhiều lãnh vực, nhưng ở nhiều mặt ông đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Là một người lãnh đạo ngành truyền thông , ông làm việc hiệu quả và có nhiều cải tổ có kết quả tốt đến mãi thời gian sau. Là nhà văn, ông viết với cái tâm của mình cùng với sự chân thực.

    Ðọc những bài ghi chép lại như những dòng hồi ký của những giây phút lịchsử trong cuốn sách Về Một Người Ðã Khuất : Huy Quang Vũ Ðức Vinh” mới thấy được sự cẩn trọng của một người kể lại như vai trò của một chứng nhân lịch sử. Viết về những giây phút cực kỳ sôi động của biến cố Tết Mậu Thân hay viết về những phi vụ Bắc phạt, ông đã cho độc giả những chi tiết thực độc đáo và biểu trưng được những giây phút đầy chất quyết định thua được của thời thế lịch sử.

    Không phải ông KQVũ Ðức Vinh chỉ viết về những người đồng đội của ông mà ông còn viết về Huyền Vũ , về Phan Nghị khi ở trong nước hay Thanh Nam ở hải ngoại. Dù viết về bất cứ nhân vật nào ông cũng tìm ra được những nét biểu trưng được cá tính riêng biệt cũng như những thời thế , không gian , thời gian họ đã sống. Thí dụ như ông viết về Thanh Nam:

    “Qua thơ Thanh Nam người đọc cảm thấy hồn thơ man mác trên từng ý , từng lời. Thơ của ông còn một đặc điểm là được viết bằng men rượu , qua hơi rượu. Không phải là hơi rượu cuồng say của Lý Bạch, hay hơi rượu ngạo thế khinh đời của Vũ Hoàng Chương, mà là hơi rượu đủ ngát để tỏa hồn thơ. Có thể nói rượu xuất hiện hầu khắp thơ của Thanh Nam.

    Tiễn bạn phải có rượu:

    Hãy uống cho say trời sắp sáng
    Mai này hai đứa đã hai phương.


    Nhớ bạn, phải có rượu:

    Bạn cũ hay nương theo rét lạnh
    Về đây cùng nhập một cơn say.


    Chờ bạn , lại càng phải thêm rượu:

    Rượu mời ta rót cho ta
    Bạn gần không tới bạn xa chưa về


    Rồi để tống tiễn năm cũ , ông cũng tìm đến rượu :

    Rót thêm ly nữa chào năm cũ
    Tuổi bốn mươi rồi thương lắm thay


    Mà đón mừng xuân mới, ông cũng không quên được rượu:

    Ðất khách năm tàn vẫn gió mưa
    Ngồi bên ly rượu đón giao thừa.


    Thanh Nam có đủ mọi cớ để nhắc đến rươu tìm về rượu thậm chí ngay cả lúc ru con:

    Bố uống cho con ly rượu này
    Ly rượu mừng con tròn mộng đẹp
    Niềm vui hoa nở ngày tháng dài
    Ngủ đi con hỡi mai khôn lớn
    Ðời sẽ bình yên không lửa gai..”

    ***

    Nhà văn Huy Quang Vũ Ðức Vinh đã viết một đoạn về nhà văn Dương Hùng Cường khá lý thú:

    “anh Dương Hùng Cường là một trong những ứng viên hoa tiêu ngay trong thời kỳ KQVNCH mới thành lập nhưng chắc sinh cùng ngày giờ với nhà thơ Tú Xương nên khoa cử lận đận anh đã không qua khỏi kỳ tuyển chọn để cuối cùng trở thành một chuyên viên điều hành không lưu. Ngành này cũng như các ngành hành chính, tài chính , tiếp liệu, vũ khí , kỹ thuật, thông tin , xã hội, an ninh , phòng thủ , được liệt vào các ngành mang chức năng hỗ trợ và kêu là không phi hành , tức không bay.Nhà văn nhà báo họ Dương thành chim không bay hay Không Quân Bò, rồi thành dê- Dê Húc Càn. Anh ví mình với kiếp Kiwi để tự diễu, rồi cũng từ đó chọc chơi mấy ông hoa tiêu có cánh mà ngán bay thì cũng không hơn gì Kiwi. Có lúc anh còn đi xa hơn, chọc quê , chọc phá mấy ông lớn ngoài Không Quân trong giới “ chính trị chính em” khiến Phủ Ðầu Rồng nổi nóng và tư lệnh Trần Văn Minh than trời vì cứu không nổi.Dê Húc Càn lần đó đã khăn gói giã từ Tân Sơn Nhất của sư đoàn 5 KQ ra chân núi Sơn Trà của sư đoàn 1 KQ gặm cỏ gần một niên..”

    Ðọc “Buồn vui phi trường” thấy được đời sống những người lính mũ xanh của một thời kỳ có nhiều biến cố của dân tộc. Lúc ấy quân chủng còn những bước chập chững sơ khai.Những người trẻ tuổi xuất thân từ Rochefort, Salon, Marakech,à đã đặt nền móng cho một không lực hùng hậu gồm hơn năm chục ngàn chiến sĩ trong hàng ngũ và hai ngàn máy bay đủ loại về sau này.Những phi trường lúc ấy còn nhỏ bé lắm và sinh hoạt cũng trong nhịp rời rạc không như về sau này nhộn nhịp cùng với nhịp độ của chiến tranh.

    Tác phẩm thứ hai của Dương Hùng Cường là “ Vĩnh Biệt Phượng “ , một chuyện tình thời chiến của những chàng phi công . Tâm và Dương là hai bạn thân cùng đơn vị , là cặp bài trùng của phi đoàn khu trục ở Biên hòa. Dương trong một phi vụ hành quân đã bị bắn rớt và trải qua những giây phút thập tử nhất sinh để mưu sinh thoát hiểm . Trong khi đó ở trên trời , Tâm đã nhất quyết không rời vùng để cover cho bạn. Kết cuộc là Dương thoát hiểm trở về được căn cứ . Rồi , đến khi Tâm bị bắn rớt và Dương đau đớn khi bị mất một người thân . Họa vô đơn chí với gia đình Tâm , Thư Hương , em gái của Tâm , bị một anh chàng bác sĩ sở khanh dụ dỗ đến mang thai và Dương vì tình bạn đã cưu mang cái bào thai ấy và nhận lấy Thư Hương làm vợ dù đã có người yêu là Phượng , một mối tình trong sáng và thánh thiện.

    Kết quả, là Vĩnh Biệt Phượng :

    “ Phượng bàng hoàng như bị ai đập mạnh một nhát búa. Bàng hoàng hơn cả sáng nay, nghe tin Tâm chết. Tai Phượng như ù đi, không còn nghe thấy Dương nói gì nữa . Hình như Dương còn nói nhiều lắm nhưng Phượng như bềnh bồng lao đao muốn ngã. Nàng phải vịn vào một thân cây để đứng vững. Dương muốn đỡ lấy Phượng , nhưng rồi lại thôi , sau một giây ngập ngừng.

    Như thế mối tình ấy tới đây là hết rồi Trong một khoảnh khắc Phương thấy như trê thế gian này có hai người chết . một người là Tâm nằm trong kia và một người là Phượng đang đứng ở đây. Mắt nàng mở lớn nhìn vào khoảng trống trước mặt và nàng biết rằng bây giờ chỉ cần nhẹ chớp mắt là nước mắt sẽ ào ào tuôn ra.Tiếng dương thoảng như tiếng gió:

    Thôi , vĩnh biệt Phượng !..”

    Trong hai tác phẩm , Dương Hùng Cường đều lấy khung cảnh của nghĩa trang để cho những nhân vật của mình chia tay nhau . Ở “ Buồn vui phi trường “ cũng là nghĩa trang , khi người đàn bà vừa mất chồng nắm tay đứa con thơ đi trên con đường nghĩa trang của buổi chiều nạt nắng . Bóng dáng ấy cô đơn và buồn thảm qúa .

    Hình ảnh của người phi công hào hùng dường như bị nhòe đi bởi những dòng lệ thương xót. Tôi đọc truyện của Dương Hùng Cường trong sự chia sẻ , bởi tôi biết , tác giả đã ảnh hưởng rất nhiều của sự thực . Bàng bạc trong truyện , là tâm cảm của một người lính rất yêu quân chủng của mình , và những nhân vật là tổng hợp của nhiều khuôn mặt có thực của đời quân ngũ. Cái đặc thù ấy , là của riêng của những người cầm bút Không quân.

    ***

    Nhà thơ Hoàng Song Liêm cũng là một vóc dáng thi sĩ quen thuộc của quân chủng KQ. Trong hai tập thơ vừa xuất bản ở hải ngoại, thơ trở thành một cống hiến cho đời để văn chương được trân trọng à

    Tách bạch từng bài thơ , vẫn là bàng bạc mối sầu thương nhà nhớ nước . Nỗi buồn của một người , đứng trên bờ nhìn dòng nước mải miết trôi , thấy quá khứ chập chờn và hiện tại chông chênh. Có một tiếng thở dài , trầm và sâu.Nhưng, trong kiếp người và trong cuộc đời, có điều gì vượt qua được cái hữu hạn của cuộc nhân sinh. Ðọc bài thơ “Rồi một ngày qua đi”, để thấy cái chạnh lòng của một người thơ nhiều suy tưởng :

    “ Rồi ngày và tháng cũng qua đi như chưa bao giờ có thật
    Anh còn gì trong nắm tay xuôi?
    Tuổi và năm cũng trôi về nẻo khuất
    Nỗi nhớ trong Em rồi cũng phai phôi
    Mặt trời chiều nay vẫn đấy
    Hỏi thầm bóng cũ ta đâu
    Vầng nguyệt đêm nay vẫn vậy
    Còn không hai bóng chung đầu?

    Ngày và tháng củng qua đi như chưa bao giờ có thật
    Hăm bốn giờ qua có nghĩa gì chăng?
    Giây và phút cũng theo nhau đuổi bắt
    Ðông sẽ tàn và Xuân lại sang Xuân
    Ngày lênh đênh và tháng cũng lênh đênh
    Kỷ niệm cũ sẽ chôn vùi đáy mộ.
    Em chưa về cỏ dại vẫn vây quanh
    ôm hữu hạn ta xuôi miền ảo tưởng
    Ngẩn ngơ tìm, tìm mãi , ngẩn ngơ thôi
    Ta hiện diện nào hay vô sắc tướng
    Mây chiều bay , chìm nổi cuối chân trời”


    Hình như, thơ ngân vang những rung cảm , những sợi dây căng lên từ miền cảm xúc . Tôi muốn hỏi tự mình: Ðây có phải bài thơ hay? Và , hình như có một người cũng cảm được từ ngôn ngữ và vần điệu ấy để mượn những cung bậc âm thanh phổ nhạc bài thơ.

    Có những bài thơ sống mãi với quê hương , những bài thơ của Tế Hanh , Bàng bá Lân , Anh Thơ , Thanh Tinh, Tôi nhớ đã đọc những bài thơ ấy cách nay mấy chục năm đến bây giờ vẫn còn in trong óc từng câu từng chữ và cả nỗi nao nao trong tâm, trong trí. Những bài học thuộc lòng của tuổi thơ ấu nào thật xa mà cũng thật gần gũi. Bây giờ , đọc bài thơ “ Về Làng Cũ “ của Hoàng Song Liêm , tôi lại còn nguyên cảm xúc cũ :

    “ ôi nhớ quá bừng lên từng tuổi dại
    như gã tiều phu tìm trầm ngậm ngải
    Tôi trở về như một khách hành hương
    Tôi chắt chiu từng mảnh vỡ thiên đường
    Thành chuỗi ngọc tuổi hồn nhiên sắc biếc
    Tiếng cu gáy vườn xưa ngày tiễn biệt
    Lời chim sâu ríu rít ngọn tre già
    Bên ao đình còn đó gốc đa xưa
    Chùm khế ngọt giậu mướp vàng xóm giếng
    Mảnh sân cuông qua mấy mùa dâu biển
    Gót chân về mòn vẹt gót phiêu du
    Cội soan già, hàng cau biếc non tơ
    Oại nhớ quá hắt hiu chiều ngõ trúc
    con chuồn chuồn còn đậu đó ngu ngơ
    Trái sấu xanh thuở đầu đời đi học
    vị trên môi còn chát chát chua chua ..”


    ***

    Nhà văn Thế Phong đã nổi tiếng từ trước khi gia nhập vào quân chủng Không Quân cũng là một vóc dáng lạ của văn học. Ông đã viết những tác phẩm như Nửa Ðường Ði Xuống , Thế Phong , Nhà Văn , Tác Phẩm , Cuộc Ðời , .. với giọng văn khác thường ỳ đã kể lại những bất toàn của chính bản thân mình bằng một giọng văn thật tự nhiên và tương tự như thế với những người ông biết hoặc có liên hệ . Ông chủ trương nhà xuất bản Ư Ðại Nam Văn Hiến và cũng là một thi sĩ có lối suy nghĩ khác thường và là người phê phán chiến tranh bằng thi ca. Gần đây ông viết Hồi ký Ngoài Văn Chương có đề cập đến nhiều khuôn mặt quen thuộc của KQ. Một điều đáng tiếc là ông nêu ra quá nhiều những dữ kiện không đẹp hay đã có những nhận xét không được trong sáng lắm về nhân vật này, tác phẩm nọ. Viết hồi ký , có lẽ là dịp để cho ông giãi bày ra tất cả những ấm ức về cuộc đời mình nên người đọc chỉ thấy nhiều những nét bi quan hơn là lạc quan của văn chương.

    Trong khuôn khổ của một bài tạp ghi , tôi không thể nào viết đầy đủ về những khuôn mặt văn chương của KQ. Có lẽ , tôi phải cố gắng để tiếp tục viết về Phan Lạc Giang Ðông, Trần Ngọc Tự, Ðỗ Quốc Anh Thư, Ðào Vũ Anh Hùng, Hoàng Khai Nhan, Ðào Quang Bình, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Võ Ý , Lê Bá Ðịnh, .. trong một bài kế tiếp nếu có cơ hội.

    KQ VNCH có rất nhiều nghệ sĩ , ở tất cả các bộ môn . Như về nhạc có Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Trung Cang,.., hội họa có Ngy Cao Uyên, Cao Bá Minh,.. làm thơ làm văn chuyên nghiệp hoặc tài tử thì vô số. Tôi cũng là một KQ nên khi viết những trang chữ này trong lòng cũng lây thầm cái hãnh diện của một người được chia sẻ và tôi nghĩ tiếp , có lẽ tinh hoa của dân tộc đã đổ vào quân đội chăng nên mới có những sự kiện này?




    Cái chết của Nhà Văn Dương Hùng Cường
    Hoàng Hải Thủy


    Họ đọc lệnh bắt tôi tại nhà tôi lúc 2 giờ đêm rạng ngày 2/5/1984. Đây là lần thứ hai Alice phải đứng nghe những người công an TP HCM đọc án lệnh bắt chồng nàng. Nàng đã đứng nghe án bên chồng một lần trước đó 6 năm — năm 1977 — cũng trong căn nhà nhỏ không có mùa xuân nhưng nồng đượm tình yêu của vợ chồng nàng. Lần ấy khi thấy đọc bản án xong người ta còng tay chồng nàng, Alice phản đối :
    – Chồng tôi làm gì mà còng tay chồng tôi ?
    Tôi — thản nhiên hay tỉnh queo thì không đúng hẳn, khi đã biết trước mình sẽ sắp bị công an VC đến bắt thì còn sửng sốt, bàng hoàng chi nữa — lúc đó mềm như bún, tôi nói với nàng.
    – Đừng em. Việc anh bị bắt mới là quan trọng, việc anh bị còng tay có đáng gì để em buồn tủi đâu…
    Khi thấy nàng nghẹn ngào muốn khóc, nhìn nàng, tôi lắc đầu thầm nói với nàng bằng mắt :”Em đừng khóc…”
    Năm 1960, hay 1961 — xa như một kiếp nào xưa — tôi được đạo diễn Hoàng Anh Tuấn cho đóng một vai phụ trong bộ phim xi-la-ma “Hai Chuyến Xe Hoa”. Vai nữ chánh của cuốn phim là Thanh Nga. Đúng là đóng phim nó vận vào mình. Thanh Nga, chắc vì la đào hát chính cống, không những một đời chỉ có 2 chuyến xe hoa mà đi những 5, 7 chuyến xe hoa. Còn tôi, kép xi-la-ma rởm, tôi cũng, và tôi chỉ được 2 chuyến xe thôi. Sáng ngày 2/5/1984 chiếc xe bông thứ hai của Sở công an TP HCM đến cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, đón anh Con Trai Bà Cả đi vào ô-ten số 4 Phan Đăng Lưu cư hạn dài hạn lần thứ 2.
    Tôi lại được đưa trở vào và nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu lúc 6 giờ sáng. Cảm giác của tôi lúc ấy là cảm giác của 2 cậu Lưu Thần, Nguyễn Triệu buồn nhiều hơn vui. Tôi cũng vậy. 4 năm trước, một buổi sáng tôi đã rảo bước đi ra khỏi nhà tù này, tim đập mạnh, vai nhẹ nhàng, lòng mừng vui. Sáng nay, 4 năm sau tôi trở lại nơi xưa. Cảnh sắc tiêu điều hơn, những hành lang rạn nứt, ướt nước.

    4 năm trước, họ giam tôi trong cái gọi là Phòng Biệt Giam số 6 Khu C Một. Nhà giam Phan Đăng Lưu, bên cạnh Tòa Tỉnh trưởng Gia Định, nay nơi này là “Trường Đảng — Nguyễn Văn Cừ”. Nhà giam này nguyên là Đề lao Gia Định được VC mở rộng lên lớn gấp 4 lần. Cái gọi là Biệt giam chỉ là cái sà-lim của những nhà tù thời Đông Dương còn bị thuộc Pháp. Tái đáo thiên thai, người ta lại đưa tôi vào Khu C Một. Chỉ có khác là lần trước tôi nằm Biệt Giam số 6, lần này tiến bộ hơn, tôi nằm ở Biệt Giam số 10.
    Cũng như lần trước, việc làm đầu tiên của tôi khi cánh cửa sắt Biệt Giam vừa đóng lại là cởi áo, cởi quần dài, ở trần, chỉ mặc có cái quần sà lỏn, sà lim với sà lỏn là anh em cùng cha, cùng mẹ — ra đứng nhìn qua cửa gió ra hành lang.
    Mới 6 giờ sáng, bọn cai tù còn lịch kịch áo thun, sà lỏn, rửa mặt ở những vòi nước bên ngoài hành lang C1. Khi đang láo nháo trả lời, báo tin bên ngoài cho vài anh em đứng ở sau cửa phòng Tập thể số 2, số 3 trước mặt, tôi bỗng nghe tiếng người gọi :
    – Dượng Hai…
    Anh em chúng tôi, mấy người liên lạc với Trần Tam Hiệp ở Paris vẫn quen gọi Tiệp là Dượng Ba. Tôi được gọi là Dượng Hai vì tôi cao tuổi hơn anh em.
    Tôi ngạc nhiên :
    – Ai đấy ?
    – Tự đây, Trần Ngọc Tự…
    Trần Ngọc Tự Không quân, Tự và Dương Hùng Cường quen biết lính Không quân Trần Tam Tiệp khá thân. Tự ở ngay Biệt Giam 9 cạnh Biệt Giam 10 có tôi vừa được đưa vào. Tự vào đây trước tôi. Vì cùng ở một dãy nên Tự và tôi chỉ nghe được tiếng nhau mà không nhìn thấy mặt nhau. Hai chúng tôi chưa nói gì được với nhau nhiều thì ghé mắt nhìn ra đầu hành lang chúng tôi thấy Dương Hùng Cường được dẫn vào.

    Dương Hùng Cường bận áo pull xanh, quần kaki — cái áo pull này chắc là của Trần Tam Tiệp mới gởi về. Sau thủ tục gia nhập sổ hộ khẩu thường trú : khám quần áo, hỏi tên tuổi, tội trạng, ghi vào sổ, Cường được đưa vào Biệt Giam 15 hay 16 bên dưới tôi. Cường đi qua sà lim giam Tự và tôi nhưng Cường không trông thấy chúng tôi. Chúng tôi nhìn thấy Cường rất rõ.
    Trong buổi sáng đầu tiên ấy, Tự và tôi được biết Khuất Duy Trác bị giam ở Biệt Giam 1. Biệt giam này ở ngay đầu hành lang, cạnh bàn làm việc của cai tù gác khu C1 nên Khuất Duy Trác không thể nói năng, hỏi han, trao đổi tin tức gì được với những bạn tù phòng bên. Như vậy là anh em tôi 4 người : Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự, Khuất Duy Trác và tôi — được công an thành Hồ đem xe bông đến nhà rước đi. Trong cùng một đêm. Vài ngày sau chúng tôi được tin anh Doãn Quốc Sỹ cũng bị bắt, đang nằm Biệt Giam khu C2 đâu lưng với khu C1 của chúng tôi.

    Sáng sớm hôm sau, Tự và tôi mới hỏi qua, nói lại được với Dương Hùng Cường. Biệt Giam Cường ở khá xa Biệt giam 2 chúng tôi. Cường và chúng tôi nói chuyện nhau qua vệ tinh : chúng tôi nói qua phòng tập thể trước mặt, nhờ anh em bên đó nói lại với Cường. Chúng tôi cũng chỉ nghe được lời Cường nhờ anh em ở những phòng tập thể trước mặt truyền lại.
    Khi nghe chúng tôi nói sang :
    – Nó bắt mấy thằng liên lạc với Dượng Ba rồi…
    Cường bảo chúng tôi :
    – Phải giữ an ninh cho Dì Út…
    Dì Út là tên chúng tôi dùng để gọi cô Nguyễn Thị Nhạn, nhân viên Bưu điện Trung ương thành Hồ, người trung gian nhận thư từ, sách báo, thuốc do Trần Tam Tiệp ở Paris gởi về cho chúng tôi và gởi thơ, bài viết, bản thảo của chúng tôi qua Trần Tam Tiệp.
    Khi dặn nhau phảigiữ an ninh cho Dì Út Nguyễn Thị Nhạn, anh em chúng tôi không biết rằng cô Nhạn đã bị bắt trước chúng tôi cả tháng trời. bắt rồi dược thả ra. Và bắt lại cùng với chúng tôi.

    Cuôc sống tù đày chung của anh em chúng tôi bắt dầu từ sáng ngày 2/5/1984.
    Sau thời gian bị nhốt ở Biệt Giam — thời gian này gọi là thời gian cách ly, dài ngắn, lâu mau tùy theo từng người tù. Khuất Duy Trác sang ở Phòng Tập thể 2, Dương Hùng Cường ở Phòng Tập thể 3, tôi ở Phòng Tập thể 6, Trần Ngọc Tự sau thời gian được chuyển sang nằm Biệt Giam khu B, được đưa trở lại ở Phòng Tập thể 5 khu C1.
    12 tháng sau — tháng 5/1985 — chúng tôi, những người được Công an Thành phố gọi là “Những tên biệt kích cầm bút” — được đưa lên xe bông sang nơi tôi gọi là “thánh địa Chí Hòa”. Đây là lần thứ nhất anh em tôi được “đoàn tụ” trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Xe chở chúng tôi từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Nhà giam Chí Hòa là loại xe vận tải. Công an TP dùng loại xe này vừa chở hàng, chở gạo, chở heo và chở tù. Bọn Biệt Kích lếch thếch xách giỏ, chiếu lên xe bông sáng ấy gồm 6 mạng : Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Khuất Duy Trác, Trần Ngọc Tự, Hoàng Hải Thủỵ Và 2 nữ : Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn.
    Xe ra khỏi số 4 Phan Đăng Lưu, sang đường Đinh Tiên Hoàng về Dakao, vào đường Hiền Vương — chúng tôi thấy nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi đã trở thành công viên — vào đường Lê Văn Duyệt, đã đổi tên thành Cách mạng Tháng 8. Trên xe anh em tôi cười nói râm ran. Tôi có cảm tưởng chúng tôi đang trên xe đi dự đám cưới chứ không phải là xe chở tù.
    Đây là lần thứ nhất 6 anh em chúng tôi đặt chân vào “đất thánh Chí Hoà”. Chỉ có cô Nguyễn Thị Nhạn là người bị bắt lần đầu, còn chúng tôi — kể cả Lý Thụy Ý — đều đã bị bắt một lần nhưng chưa ai “được” vào Chí Hòa. Chúng tôi vào khu ED. Lầu 8 góc Chí Hòa được gọi theo vần A,B,C,D,E,F,G,H. Cứ 2 tòa nhà họp thành một khu : AH chứ không phải HA, rồi khu BC, khu ED (gọi là Ơ Đê). Cai tù Vixi nói “nễ nớn, nòng nợn”, nhưng vẫn gọi tên khu như người Saigon là Ơ Đê chứ không gọi là Đê E. Cuối cùng là là khu FG. Sau 2 giờ “đoàn tụ” thân mật, vui vẻ trên xe chở tù, chúng tôi lại được ưu ái chia ra mỗi tên ở một phòng. Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn vào 2 phòng 3, phòng 4 ở dưới đất. 2 phòng này dành cho tù nữ. Có Thích Trí Hải — bị bắt trong nhóm Già Lam Tuệ Sĩ, Trí Siêu, Lê Mạnh Phát, Thượng Tọa Thích Đức Nhuận — đã ở trước trong khu giam tù nữ này. Cường và Tự và ở 2 phòng 7, phòng 8 lầu 1, Khuất Duy Trác vào phòng 9 lầu 2, tôi vào phòng 10 lầu 2, Doãn Quốc Sĩ lên phòng 14 tầng lầu 3 cao nhất.
    Khi vào phòng 10 khu ED Chí Hòa, tôi mới biết anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã từ Phan Đăng Lưu sang đây trước tôi đang ở phòng 11 cạnh phòng tôi.
    Chúng tôi đã sống 12 tháng trong nhà giam Phan Đăng Lưu. chúng tôi lại sống 12 tháng thứ hai trong nhà tù Chí Hoà. Thời gian trong tù thật ly kỳ — qua thật chậm mà cũng thật mau — thấm thoát đã qua năm 1986, năm Đảng CSVN họp Đại hội Đảng kỳ 6.
    Anh Hiếu Chân bị bắt sau chúng tôi chừng 2 tháng. Anh cũng bị ghép vào bọn “Biệt Kích Cầm Bút” chúng tôi. Anh bị chứng huyết áp cao và qua đời vì cơn bịnh này trong một đêm đầu năm 1986.
    Ban đêm khi có người tù lên cơn bịnh nặng cần được cấp cứu, những anh em tù cùng phòng phải la lớn qua những chấn song sắt :
    – Báo cáo cán bộ… Phòng 11 có người bệnh nặng… Xin cấp cứu… Tiếng kêu trong đêm, yên tĩnh, vang đi kh¡p nhà tù, vẳng vào tất cả các phòng giam. Thường thì phải kêu lớn cả chục tiếng như thế bọn cai tù trực đêm mới lịch kịch xách chìa khoá lên mở ba bốn lần cửa sắt cho tù khoẻ cõng tù bệnh đi xuống cái gọi là Trạm Xá.

    Chừng một tháng sau ngày anh Hiếu Chân qua đời, một sáng tôi đang sửa soạn đánh cờ thì được anh em tù ra đưa cơm nước đến ngoài song báo tin :
    – Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường chuyển trại…
    “Chuyển trại” là việc người tù bị đưa từ nhà tù này sang nhà tù khác.
    Như Solzhenytsin đã viết trong truyện “Tầng Đầu Địa Ngục” (The First Circle), kể chuyện tù đày ở Liên-xô — người tù ở đâu quen đó, việc đổi phòng giam chỉ gây phiền nhiễu cho người tù — và thường khi đã chuyển trại thì cả một bọn đồng vụ cũng bị chuyển trại. Anh tù ra làm lao động — lao động là tên gọi việc đưa cơm nước — báo cáo cho tôi biết 2 người đồng bọn với tôi được gọi chuyển trại, tôi cũng phải thu xếp hành trang và tôi sắp được, hay bị gọi ra chuyển trại.
    Đi đâu đây ? Tim tôi đập mạnh. Xếp quần áo vào giỏ xong xuôi tôi hồi hộp ngồi chờ. Nhưng không thấy cai tù đến gọi tên tôi, ra lịnh cho tôi bằng 3 tiếng gọn :”Lấy đồ ra…”. Tôi bồn chồn đợi mãi đến lúc anh bạn tù lao động trở lại cho biết :
    – 4 ngừi Sĩ, Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn…đưa đi rồi. Coi bộ như đưa trở về Phan Đăng Lưu… Khi người tù đã chịu thẩm vấn ở số 4 Phan Đăng Lưu đã qua Chí Hòa mà lại bị đưa trở về Phan Đăng Lưu thì nguyên nhân thường là trở về để chịu thẩm vấn lại lần nữa. Người tù này có gia nhập những tổ chức khác, hay có can một số tội mới được phát hiện. Tôi thắc mắc mãi về việc 4 anh em chúng tôi : Sĩ, Cường, Ý, Nhạn… Trở về Phan Đăng Lưu khi chỉ còn 3 anh em tôi — Trác, Tự và tôi — vẫn còn ở lại Chí Hòa. Lúc này anh Hiếu Chân đã chết… Bọn bị ghép vào tội Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi gồm 8 người đã bị hy sinh mất một.

    Tôi nhớ không rõ tháng mấy năm 1986, tôi chỉ nhớ việc xảy ra trước ngày Đảng CS họp Đại hộ 6. Một hôm Trác, Tự và tôi được gọi ra để “đi nghe đọc cáo trạng”. Chúng tôi sắp ra tòa. Một thư ký Tòa Án đến đọc bản cáo trạng và báo cho tù nhân biết ngày ra tòa trong một phòng thẩm vấn ở dưới đất. Đến lúc này người thư ký đến đọc cáo trạng mới biết một người tù có tên trong cáo trạng là Nguyễn Hoạt đã chết. Anh thư ký này cũng đến lúc đó mới biết là 4 người được anh đến đọc cáo trạng cho nghe là Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn đã được chuyển sang nhà tù khác.
    “Công an thành phố HCM khởi tố vụ gián điệp hoạt động trên địa bàn TP HCM…”. Đó là mấy giòng chữ đầu tôi đọc được trên bản báo cáo người công an thẩm vấn tôi đặt trên bàn, rất tiếc là mắt tôi kém, tôi lại đọc ngược giòng chữ nên không đọc được nhiều hơn.
    Xin cho tôi nói thêm một chuyện có vẻ như không liên hệ gì đến “Vụ gián điệp rởm 1986”. Đó là chuyện sau khi Saigon bị đổi tên là Hồ Chí Minh thì 2 tiếng Thành phố luôn luôn đi trước 3 tiếng HCM. Thế rồi 2 tiếng “Thành phố” tức là “Thành phố HCM…”. Trong khi ấy Cần Thơ, Đà Lạt cũng là thành phố nhưng không gọi là thành phố mà chỉ trống trơn Cần Thơ, Đà Lạt.
    Đồng bào miền Nam thường dễ dãi, không ưa rườm rà mầu mỡ riêu cua, nên hay gọi tắt. Năm xưa ta thường nói mà chẳng ai mất lòng những câu như “Mấy thằng Sègòong, bọn Đà Lạt”. Nhưng nay nếu nói “Mấy thằng HCM, bọn HCM cà chớn” thì phạm húy. Thành ra thiên hạ gọi vắn tắt là “Thành phố”…

    Một buổi sáng Trác, Tự và tôi đứng xớ rớ chờ xe chở ra tòa. Sáng ấy chỉ có 3 anh em tôi từ Chí Hòa ra tòa nên công an áp giải dùng chiếc xe Jeep. Hôm nào đông thân chủ họ dùng xe vận tải. Trên xe anh lái xe hỏi anh Cai Tù áp giải tù :
    – Trưa về hay chiều về đây ?
    – Chiều — Cai Tù áp giải trả lời, nói thêm — Chiều mà mai còn di nữa.
    Công an Chá xế ngạc nhiên :
    – Cái gì ? Có 3 ngoe mà xử những 2 ngày sao ?
    Cai Tù áp giải trả lời ngọt : 8 mạng tất cả. Một mạng tạnh rồi. 4 mạng ở Phan Đăng Lưu…
    “Một mạng tạnh rồi…” “Tạnh”, nguyên văn lời Cai Tù sáng ấy. “Tạnh” không phải là do tôi bịa ra. Người làm chứng cho tôi là Khuất Duy Trác.
    Công an Chá xế nghiêng mặt về phía sau :
    – Mấy em này văn nghệ chi đó, phải không ?
    Công an thành Hồ, kể cả Công an Chá xế, cũng loáng thoáng biết vụ văn nghệ sĩ ra tòa vì 2 tờ báo mạnh nhất ở thành Hồ là tờ Công An và Tuổi Trẻ, đang mở chiến dịch mạ lỵ chúng tôi ồn ào và đe dọa. Họ đã viết về chúng tôi nhiều bài từ 2 năm trước. Nay chúng tôi ra tòa, họ hâm nóng trở lại vụ án. Họ dàn dựng một vụ xử thật nặng nề để răn đe kẻ khác, “Bọn chúng phải ra trước Tòa Án Thành Phố HCM để trả lời về những tội trạng của chúng…” Đó là một trong những lời nói đầu loạt bài chửi rủa chúng tôi.

    Nhưng năm 1986, họ không xử được bọn Biệt Kích Cầm Bút. Ra tòa chúng tôi mới biết tòa đình xử. Vì Cường và Sĩ, Ý, Nhạn ở số 4 Phan Đăng Lưu. Nhà tù này thuộc thành phố. Chỉ cần Sở Công an Thành phố chi một cú điện thoại là những anh Cai Tù Phan Đăng Lưu biết tòa không xử và không mất công đưa tù ra tòa. Nhưng với nhà tù Chí Hòa thì phải có giấy tờ đàng hoàng. Vì vậy sáng hôm ấy Trác, Tự và tôi được xe Jeep đưa từ Chí Hòa ra tòa án, được gặp vợ, con, cháu, em, chị, thoải mái trong suốt một buổi sáng. Chị Oanh, vợ Cường, mắt đỏ lên khi nhìn vợ chồng, bố con, ông cháu chúng tôi ngồi quấn quít với nhau.
    Một công dân chỉ sau khi bị tòa án phán quyết có tội, mới bị coi là có tội. Đấy là nguyên tắc luật pháp của tất cả những xã hội, bị những người CS gọi là “thối nát, sa đọa, vô pháp luật…”, nhưng XHCN văn minh, tiến bộ không công nhận nguyên tắc ấy. Lênin từng viết trên giấy trắng mực…đỏ : “Việc chia chính quyền ra làm 3 ngành, lập pháp, hành pháp, tư pháp là trò bịp bợm của bọn tư sản. Quyền hành phải được tập trung vào một mối, và phải do giai cấp vô sản hành xử…”
    Những người CSVN không có qua một sáng kiến gì cả. Tất cả những thủ đoạn họ làm, đều do họ học mót của CS Nga, Tàu. Việc bắt người, điều tra, kết tội đều do một người, hay do vài người quyết định, thực hiện. Đảng viên CS đều có tính cách y hệt nhau. 3 đảng viên hay 10 đảng viên thì ý kiến cũng chỉ là một. Vì vậy những người CS ở kh¡p các nước bị đảng CS cai trị đều có một hành động giống nhau : khi công an của họ bắt giam một người nào đó, người bị bắt đã bị coi là có tội. Công an thay tòa án, công an kết tội công dân, trước khi tòa án của chính họ xét xử. Việc ra tòa dưới chế độ CS, chỉ là một màn kịch vô duyên. Tất cả những diễn viên bất đắc dĩ, cùng nhà đạo diễn đều biết mình vô duyên, nhưng cứ trơ mặt, trán bóng đóng kịch.
    Khi còn sống ở thành Hồ, nghe tin loan trên những làn sóng điện VOA, BBC, tôi vẫn thắc mắc về việc những người đấu tranh cho dân chủ trên thế giới, những người bảo vệ quyền lợi của những người tù chính trị ở VN, “những tù nhân của lương tâm”, vẫn lên tiếng đòi nhà cầm quyền CS, phải đưa những người bị CS bắt giam vì bất đồng chính kiến ra trước tòa. Việc người tù như anh em chúng tôi, được đưa ra Tòa án Nhân dân Thành phố HCM — Tòa an chuyên xử nhân dân — xét xử năm 1986 không phải là việc có lợi cho anh em chúng tôi. CS có cái gọi là Ủy Ban Luận Tội — thành viên của ủy ban này gồm các cán bộ công an, Viện kiểm sát và Tòa án. 3 cơ sở nhưng chỉ có một đảng viên quyết định. Ủy ban này đã luận tội, đã định mức án cho người tù. Bọn Chánh án VC chỉ là những anh chị thi hành quyết định của Ủy Ban Luận Tội mà thôi.
    Nhảy múa trên xiềng xích của người khác

    Đại hội Đảng CS kỳ 6, năm 1986, đưa Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư. Linh tuyên bố thì hành chính sách đổi mới, cởi trói cho văn nghệ, v.v.. Trước Linh, Trường Chinh cũng lép nhép nói đến chyện phải đổi mới.
    Những anh em Công an Thành Hồ, những anh viết 2 tờ báo Công an, Tuổi Trẻ bị tẽn tò, vì không xử được bọn Biệt Kích Cầm Bút. Các anh đã la lối om sòm, đã lớn tiếng tố cáo chúng tôi là “gián điệp”, các anh đã nhảy múa, ca hát trên xiềng xích của chúng tôi, đón chờ cái chết của chúng tôi. Nhưng rồi…êm ru bà rù. Chìm xuồng nặng. Mấy ảnh tự động chấm dứt loạt bài viết đả kích, nhục mạ chúng tôi trên báo. Mới hôm trước các anh la là “gián điệp”, hôm sau mấy ảnh im luôn.
    Trở về phòng giam Chí Hòa, chúng tôi lại ngày ngày gò lưng đánh cờ, lại bắt chước ông Trần Văn Hương mần thơ… Giữa, hay cuối năm 1987, tôi bàng hoàng khi được tin Dương Hùng Cường đã chết ở số 4 Phan Đăng Lưu.
    Sống 4 năm trong tù, riêng tôi, ý tưởng chết đôi khi cũng đến ám ảnh tôi. Nhưng tôi gạt nó đi. Tôi vẫn nghĩ anh em tù chết, mình tù như anh em, cũng có thể chết như anh em. Cùng lúc ấy tôi lại nghĩ tôi không chết trong tù, tôi sẽ trở về với vợ con tôi, với cuộc sống. Thường lệ, cứ mỗi tháng lại có một chuyến đưa tù nhân từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Chí Hòa. Chúng tôi lại được nghe kể về trường hợp “Dê Húc Càn” Dương Hùng Cường qua đời trong biệt giam.

    Cường và Doãn Quốc Sĩ bị đưa vào nằm biệt giam khi 2 anh trở lại số 4 Phan Đăng Lưu. Một lần nữa Cường lại trở vào khu C1. Anh em nói tối hôm trước họ, ở những phòng tập thể, còn nghe tiếng Cường đang hát ở cửa gió Biệt Giam. 6 giờ sáng hôm sau, Cai Tù đi 1 vòng điểm số. Không thấy Dương Hùng Cường đứng đưa mặt ra ô cửa gió vào phòng biệt giam. Người tù nằm ngửa trên sàn xi-măng. Gọi không dậy. Mở cửa vào, người tù đã chết trong đêm qua.
    Dương Hùng Cường, sĩ quan Quân Lực VNCH, đã đi cải tạo 3 năm. Trở về, anh không sốt sắng với việc xin trở vào sổ. Gia dình anh sống ở khu gần Cơ sở Trung tâm Nữ Quân nhân của Quân ta xưa, đường Lý Thường Kiệt. Chị Cường — chị Vương Thị Oanh — là cô giáo, nguyên nữ sinh Trưng Vương. Anh chị có 5 con gái. Đến năm 1975, chị mới có bầu cháu thứ 6. Anh chị rất mong có mụn con trai. Anh xách túi lên đường “đi cải tạo” trước khi con anh chào đời. Con út của anh chị là con trai. Anh đặt tên con là “Phụng Hoàng” với ngụ ý “thờ phụng màu vàng”.

    Cường có bệnh ở tai. Anh phải dùng thuốc Ampiciline thường xuyên. Trước ngày bị bắt, tháng 5/1984, mắt bên trái của anh đã bắt đầu thấy nhức vì tai làm độc.
    Thi thể Dương Hùng Cường được đưa từ số 4 Phan Đăng Lưu về nhà xác Chí Hòa. Vợ con anh được gọi đến nhà xác Chí Hòa nhìn mặt anh, chứng kiến tẩm liệm anh. Công an CS tối kỵ việc cho thân nhân lãnh xác tù về nhà làm đám ma. Chúng cung cấp cho Dương Hùng Cường quan tài, xe chở lên chôn ở một nghĩa trang bên Lái Thiêu.
    Biệt Kích Cầm Bút kiêm Gián Điệp…
    Đầu năm 1988 — hơn 2 năm sau ngày chúng tôi bị đưa ra tòa năm 1986 với tội “gián điệp” — nhóm Biệt Kích Cầm Bút chúng tôi lại trở ra tòa.
    Lần này họ đã đổi tội “gián điệp” họ gán cho chúng tôi ra thành tội “tuyên truyền phản cách mạng”. Án phạt của tội gián điệp từ tối thiểu là 12 năm tù đến tối đa là tử hình. Án phạt áp dụng cho tội “tuyên truyền phản cách mạng” là tối thiểu 2 năm đến tối đa là 12 năm.
    8 anh em chúng tôi bị bắt cùng một đêm, bị khép cùng một tội, bị tập trung cùng một tổ chức. Sau 4 năm tù, 2 trong 8 anh em chúng tôi đã chết trong tù.
    Bản cáo trạng kể tội bọn Biệt Kích Cầm Bút đọc ở tòa án HCM năm 1988 không còn ghi đến các anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường.
    4 năm trước, an em chúng tôi bị bắt là 8 người. Trong 4 năm tù tội, 2 người trong chúng tôi đã chết. Tôi biết khi người ta chết thì dù người ta ở đâu, ở chỗ nào cũng có thể chết. Nhưng 2 anh bạn chúng tôi, anh Nguyễn Hoạt bị áp huyết cao, anh Dương Hùng Cường bị bạo bịnh chết trong phòng biệt giam. Nếu 2 anh không bị tù, nếu 2 anh ở ngoài có thuốc, được chạy chữa, được cứu cấp, 2 anh đã có thể không chết. Hôm nay chỉ có 6 anh em chúng tôi đứng ở đây. Nhưng thực ra chúng tôi là 8 người. Đứng bên trái tôi đây là anh Dương Hùng Cường từ trần trong nhà tù mang tên một anh CSVN (Phan Đăng Lưu).
    Một trong những đặc điểm của nhà số 4 Phan Đăng Lưu là những cửa sắt phòng tù đều có 2 khóa. Khóa trên, khóa dưới. Đặc điểm “phòng giam đôi khóa” ấy của số 4 Phan Đăng Lưu được nói đến trong bài thơ tôi mượn để gởi đến hương hồn Dương Hùng Cường. Bài thơ này không phải do tôi làm. Tác giả là một người tù đã làm, khi người bạn của ông chết trong tù số 4 Phan Đăng Lưu:

    Thôi thế còn ai dám quấy rầy
    Mấy thằng chấp pháp cũng khoanh tay
    Ăng-ten lép nhép, thây cha nó
    Quảng giáo hăm he, kệ mẹ bây
    Vĩnh biệt phòng giam đôi khóa sắt
    Tiêu dao cực lạc, chín từng mây
    Lê-nin, Các-Mác bao giờ gặp
    Sẵn gậy ông phan chúng mấy cây


    Dương Hùng Cường…Dương Hùng Cường…Chúng ta cùng đi chuyến xe từ Bà Chiểu sang Chí Hòa một sáng tháng 5/1985. Thấm thoát đã 10 năm rồi đấy. Chúng ta trao đổi với nhau vài câu nói, vài tiếng cười, vài ánh mắt trên chuyến xe ấy. Rồi thôi. Ngàn năm xa cách. Hôm nay ngồi bình yên trên đất Virginia — Virginia đất của tình yêu, đất dành cho những người yêu nhau — Virginia is for Lovers — tôi nhớ lại hình ảnh Cường trong chiếc áo pull xanh, quần kaki, túi quần áo đặt dưới chân, đứng trong hành lang C1, chờ Cai Tù mở cửa phòng biệt giam.
    Dương Hùng Cường…Tôi đã gọi tên Cường một lần ở giữa lòng Saigon bị chiếm đóng của chúng ta.



    “Vĩnh biệt Phượng”, vĩnh biệt “Buồn vui phi trường


    Nguyễn Mạnh Trinh

    Mấy ngày hôm nay ở Nam Cali, trời thật nóng. Mặt đường nhựa mềm nhũn dưới nắng. Khung trời thì lúc nào cũng xanh hơn hớn mầu lụa nhưng chói chang của ánh mặt trời. Trong không khí ấy, người ta hoặc là đua nhau ra biển hoặc nằm nhà trốn nóng. Tự nhiên thèm những cơn mưa và những hạt mưa của thời xa xưa. Nằm trong nhà, nhìn ra biển, trong trí nhớ lại thường hay nhắc đến chữ “ngày xưa”, một từ ngữ mà nhân vật của Dương Hùng Cường hay nhắc nhở. Ngày xưa. Ngày của một thời tuổi trẻ, của những mơ mộng trẻ con đến đỗi buồn cười.

    Buổi trưa hôm nay, nằm đọc lại truyện Dương Hùng Cường. Nhìn ra nắng chói chang ngoài trời, nhớ lại những buổi xế trưa ngoài phi đạo. Những cánh chim đi và đến, chẳng khác nào sự ví von của máu trở về tim. Tiếng động cơ gầm rú của một thời chiến đầy bão lửa, những cánh phi cơ nặng chĩu bom đạn của những nỗi chết từ không trung bủa xuống địch quân. Ở Biên Hòa, thời Dương Hùng Cường mô tả với thời sau này thật nhiều thay đổi. Nhưng vẫn còn y nguyên nỗi bàng bạc của những người lính lãng mạn nhiều mơ mộng. Ở phi trường Biên Hòa sau này, hình như rất hiếm hoi những cây cao su và những tòa nhà xây gạch nung kiểu Pháp ngày xưa. Những dãy nhà kiểu Mỹ, lầu gương kiểu Mỹ, đường xá kiểu Mỹ… Nhưng những con người của “ngày xưa“ vẫn còn gần gũi. Vẫn còn những nét của một thời hào hoa…
    Dương Hùng Cường có hai tác phẩm: một là “Buồn Vui Phi trường”, hai là “Vĩnh Biệt Phượng”. Cả hai đều là những tác phẩm viết về những người Không quân và có chất Không quân đậm đặc : một chút tếu tếu, một chút khinh bạc nhưng là của những tâm hồn lãng mạn sống gần gũi với mây trời cao rộng. Khác với Thế Phong, đã khởi nghiệp cầm bút từ ngoài dân sự, đi vào không quân chỉ là một cách để yên thân nên tác phẩm của Thế Phong “Hồi Ký Ngoài Văn Chương” được in sau này không phải là một tác phẩm làm đẹp cho Không quân mà trái ngược lại. Thế Phong viết trong cái tâm tư đầy mặc cảm của một người không thành đạt, kể những chuyện để tự khen mình nhưng bộc lộ cái vị thế yếu kém trong quân ngũ nên bất mãn chung thân…

    Bốn mươi năm. Đọc lại những cuốn sách. Tâm tư vẫn y nguyên, bất biến. Bồi hồi xiết bao, những ngày cũ xưa khi nhớ lại. Đọc “Buồn vui phi trường “. Bốn mươi năm sống lại. Bốn mươi năm, một thời gian thật dài để xóa nhòa tất cả, để quên lãng hầu khắp. Thế mà, kỳ lạ quá. Rung động vẫn còn, có lúc mãnh liệt hơn. Bởi lẫn lộn trong đó còn chân dung của tác giả được tìm thấy, từ những ngày sống với và chia xẻ ở trại tù sau ngày tan ngũ.

    Đọc “Buồn vui phi trường” thấy được đời sống những người lính mũ xanh của một thời kỳ có nhiều biến cố của dân tộc. Lúc ấy quân chủng còn những bước chập chững sơ khai. Những người trẻ tuổi xuất thân từ Rochefort, Salon, Marakech,… đã đặt nền móng cho một không lực hùng hậu gồm hơn năm chục ngàn chiến sĩ trong hàng ngũ và hai ngàn máy bay đủ loại về sau này. Những phi trường lúc ấy còn nhỏ bé lắm và sinh hoạt cũng trong nhịp rời rạc không như về sau này nhộn nhịp cùng với nhịp độ của chiến tranh.

    Những trang sách giở ra, một vùng trời nào quen thuộc trở về, tôi có cảm giác của ngày xưa, một buổi trưa hè ngồi đấu láo với những ông thượng sĩ già lão làng trong đơn vị. Lúc ấy, chữ ngày xưa được nhắc đến, trìu mến và cảm khái xiết bao. Ngày xưa, thời của những chiếc F8F khu trục, những chiếc L’Alouette trực thăng còn vùng vẫy bầu trời. Ngày xưa, lúc các ông tá, ông tướng của quân chủng còn là những sĩ quan thiếu úy, trung úy bình thường. Ngày xưa khi còn Tây, còn những chuyến viễn du, còn những giấc mơ có ga Lyon đèn vàng, có nàng tóc vàng sợi nhỏ… Ngày xưa, những phi trường như Nha Trang, Pleiku, Biên Hòa,… chỉ là những ga xép, so với thời gian về sau.

    Kỷ niệm, làm sao tôi quên được những kỷ niệm thời quân ngũ ở nơi đó. Bây giờ, từ những trang sách, giở ra, còn tươi nguyên, nhức nhối… Người ta chỉ có một thời để yêu thương, là lúc trở về với những điều đã thật xa và không trở lại. “Buồn vui phi trường “ nhắc đến tâm cảm của một thời có thể nói là nhiều mơ ước nhất của đời người. Cho nên, cái tâm trạng bồi hồi không tránh được. Những nhân vật tượng hình bằng chính cuộc sống nên lấp lánh nguồn sinh lực riêng. Và, một câu hỏi lại hiện ra. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

    Thập niên 50, 60, “Đời phi công “ của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã thổi một luồng gió mới vào tâm tư tuổi trẻ thời ấy. Những bức thư gửi cho Phượng đã làm bao nhiêu giấc mộng ấp ủ. Cất cánh vào không gian bao la, bay cao, bay xa. Hào hùng như một tráng sĩ , như lời nhạc Không quân Việt Nam, của Văn Cao: “phi công đâu ai tìm xác rơi.”. Quân chủng từng bước thành lập và khởi đi từ những ý tưởng lãng mạn như thế. Những chàng tuổi trẻ rời ghế học trò, ngồi vào phòng lái theo tiếng mời gọi của không gian thôi thúc lên đường. Những thần tượng một thời lên ngôi. Những cánh chim vút vào không trung, với tinh cầu dẫn lộ. Không gian vô cùng rộng nhưng có lúc nhỏ bé trong cần lái.

    Ở Dương Hùng Cường, đọc để có một cảm giác khác. Những trang tiểu thuyết, mô tả đời thường với những nét đáng yêu cũng như đáng ghét của nó. Những nhân vật, có lúc buồn vui, có cuộc đời trầm bổng, lên xuống. Khi bất mãn, ngôn ngữ phẫn nộ. Lúc rong chơi, có ngôn ngữ giỡn đùa vô tư. Một hạ sĩ quan, xuất thân từ Rochefort, nếu muốn thì những trường như Đà Lạt, Thủ Đức lúc nào cũng mở rộng cửa đón chờ cho cấp bực thiếu úy từ thời đó, và đường binh nghiệp chắc không đến nỗi tả tơi. Dương Hùng Cường chắc có lúc cũng chạnh lòng với nỗi thiệt thòi. Nhưng lẫn lộn trong đó, là niềm kiêu hãnh của những người khai sơn phá thạch. Trong phẫn chí, vẫn có tự hào. Với văn chương, ông vẫn là người luôn trân trọng tình bằng hữu, những người đã chia sẻ cùng ông những tháng năm dài chiến tranh trên quê hương.

    Đọc “Buồn Vui Phi Trường”, bốn mươi năm về trước, tôi có cảm giác đang nhìn vào dáng tượng mình qua tấm gương phản chiếu. Đời sống của tôi và bạn bè tôi, trong vòng rào phi trường, có hào hùng tuổi trẻ, có sôi nổi thanh xuân. Đọc, để thấy mình đang trên phi đạo, nhìn ngắm cánh chim đi về. Một chút viễn mộng phương xa, thời tóc xanh môi hồng sao ngắn ngủi. Tất cả, tồn đọng trên trang sách, nhạt nhòa. Đọc, để thấy chia sẻ với một người nay đã về hư vô sau những gian nan cuộc sống.

    Tác phẩm thứ hai của Dương Hùng Cường là “Vĩnh Biệt Phượng “, một chuyện tình thời chiến của những chàng phi công. Tâm và Dương là hai bạn thân cùng đơn vị, là cặp bài trùng của phi đoàn khu trục ở Biên hòa. Dương trong một phi vụ hành quân đã bị bắn rớt và trải qua những giây phút thập tử nhất sinh để mưu sinh thoát hiểm. Trong khi đó ở trên trời, Tâm đã nhất quyết không rời vùng để cover cho bạn. Kết` cuộc là Dương thoát hiểm trở về được căn cứ. Rồi, đến khi Tâm bị bắn rớt và Dương đau đớn khi bị mất một người thân. Họa vô đơn chí với gia đình Tâm, Thư Hương, em gái của Tâm, bị một anh chàng bác sĩ sở khanh dụ dỗ đến mang thai và Dương vì tình bạn đã cưu mang cái bào thai ấy và nhận lấy Thư Hương làm vợ dù đã có người yêu là Phượng, một mối tình trong sáng và thánh thiện. Kết quả, là Vĩnh Biệt Phượng:

    “Phượng bàng hoàng như bị ai đập mạnh một nhát búa. Bàng hoàng hơn cả sáng nay, nghe tin Tâm chết. Tai Phượng như ù đi, không còn nghe thấy Dương nói gì nữa. Hình như Dương còn nói nhiều lắm nhưng Phượng như bềnh bồng lao đao muốn ngã. Nàng phải vịn vào một thân cây để đứng vững. Dương muốn đỡ lấy Phượng, nhưng rồi lại thôi, sau một giây ngập ngừng.

    Như thế mối tình ấy tới đây là hết rồi. Trong một khoảnh khắc Phương thấy như trên thế gian này có hai người chết, một người là Tâm nằm trong kia và một người là Phượng đang đứng ở đây. Mắt nàng mở lớn nhìn vào khoảng trống trước mặt và nàng biết rằng bây giờ chỉ cần nhẹ chớp mắt là nước mắt sẽ ào ào tuôn ra. Tiếng Dương thoảng như tiếng gió:

    Thôi, vĩnh biệt Phượng !…”

    Trong hai tác phẩm, Dương Hùng Cường đều lấy khung cảnh của nghĩa trang để cho những nhân vật của mình chia tay nhau. Ở “Buồn vui phi trường “ cũng là nghĩa trang, khi người đàn bà vừa mất chồng nắm tay đứa con thơ đi trên con đường nghĩa trang của buổi chiều nạt nắng. Hình ảnh cô đơn và buồn thảm qúa. Hình ảnh của người phi công hào hùng dường như bị nhòe đi bởi những dòng lệ thương xót. Tôi đọc truyện của Dương Hùng Cường trong sự chia sẻ, bởi tôi biết, tác giả đã ảnh hưởng rất nhiều của sự thực. Bàng bạc trong truyện, là tâm cảm của một người lính rất yêu quân chủng của mình, và những nhân vật là tổng hợp của nhiều khuôn mặt có thực của đời quân ngũ. Cái đặc thù ấy, là của riêng của những người cầm bút Không quân.

    Dương Hùng Cường hay nhắc đến những người đã chết và họ là những khuôn mặt quen thuộc của Không Quân. Những trường hợp trở về của những người mấp mé cái chết là những giai thoại của quân chủng này. Như trong Buồn Vui Phi Trường, tả lúc trở về của người phi công mà ông gọi là Ông Táo vì lúc đó chỉ khoác cái áo mưa và không mặc quần. Cũng như, trong Vĩnh Biệt Phượng, cũng tả rất chi tiết và sống động cuộc mưu sinh thoát hiểm của Dương. Không phải, bay trên mấy từng cao là an toàn. Có những cái chết của những anh hùng của những thiên anh hùng ca…

    Tự nhiên, tôi nhớ lại khuôn mặt dàn dụa nước mắt của đại úy Vũ Công Hiệp khi một mình trở về phi đạo sau khi thiếu tá Phạm Văn Thặng phải làm crashed và hy sinh ở Kontum. Cái lắc cánh từ giã người bạn nó đau đớn làm sao và hình ảnh một chiếc phi cơ đơn độc trở về sau phi vụ khi buổi chiều tắt nắng ở phi trường Pleiku là một ấn tượng nhớ đời. Một cánh chim lạc đàn đã để lại những đau thương cho cả những người ở lại. Một điều rõ ràng, Dương Hùng Cường trong tác phẩm của mình đã viết về những người chỉ huy, những người bạn với cả sự cảm khái cao độ.

    Với tôi, vào Không quân năm 1968, đến 1975 là bảy năm trong quân chủng, cũng có nhiều lần cảm khái như thế. Mới đùa dỡn với mấy đứa bạn ở phi đạo buổi sáng tiền phi thì chỉ vài giờ sau đã nghe nổ tung ở giữa lưng trời. Và, cái cảm giác bồn chồn lo lắng ở biệt đội khi thấy con tàu chưa về khi trời đang tối để thấy thương mến và gần gũi hơn người phi công đang vượt qua nguy hiểm, qua thiên nhiên mây mù khắc nghiệt, qua lửa đạn của dàn phòng không địch …

    Tác giả “Buồn vui phi trường” còn một bút hiệu khác, tàn bạo đối với những quan tham lại nhũng. Dê Húc Càn. Trên tuần báo “Con Ong “ thời đó, những bài viết châm biếm đã làm nhức óc nhiều đối tượng. Lúc hung hăng như một người lên đồng, lúc thâm thúy như một ông đồ xứ Nghệ, chất xây dựng cũng ngang bằng với chất đả phá. Từ ngôn đến ngữ, cái chửi mất gà dân gian của mấy bà Bắc kỳ nhà quê hòa nhập vào cái hóm hỉnh riễu đời của Trạng Quỳnh dể thành một đồng thuận phẫn nộ trước những sự ác, trước những bất công.

    Sau năm 75, gặp Dương Hùng Cường ở trại tù Long Khánh, tôi nhìn ra một nhân dáng mới. Phẫn nộ đời người được dồn nén vào tiếng nói. Thấm sâu và thâm thúy. Một lời diễn tả. Một nụ cười. Một biểu tỏ phản kháng. Diễu cợt, là một phản ứng giải tỏa. Tôi hình tượng lại cái miệng tròn vo và đôi mắt diễn tả linh hoạt. Những buổi trưa nóng bức nằm tán dóc dưới mái tôn hội trường ở Long Khánh. Bộ bà ba nâu, đôi guốc tự đẽo có quai dây cáp to tướng cùng chiếc điếu cầy hút thuốc lào tự chế là những biểu tượng để nhớ về ông, nhà văn mà có một thời tôi yêu thích. Dưới mắt ông, những kẻ chiến thắng chỉ là những thằng hề của thời cuộc. Nói gì thì nói, những kẻ không chính nghĩa sẽ phải bị hủy diệt. Trước cả ngàn người cải tạo thuộc một trung đoàn ở Long Khánh, ông đã đấu lý với những người quản giáo về truyền thống đoàn kết hay chia rẽ cũng như cuộc chiến vừa qua là cuộc nội chiến hay truyền thống chống xâm lăng. Những ngu dốt mà tự kiêu, những quê mùa mà tự hãnh, những nông cạn của ngôn ngữ loài vẹt là đích nhắm để diễu cợt những người Cộng Sản. Không còn báo in, báo viết, thì còn báo nói. Con ong tiêu rồi thì còn con kiến, bù nhọt mà chích thì cũng phù mỏ như chơi. Những tay “ăng-ten” có lúc làm ông khốn đốn nhưng rồi vì sức khỏe yếu nên ông được thả về. Sau bị bắt lần thư hai và chết taị khám Chí Hòa. Một hy sinh của kẻ sĩ. Hình như, không bao giờ ông hài lòng với cuộc sống mình. Đường binh nghiệp, cấp bậc khiêm tốn. Viết văn làm báo, nhiều tai nạn nghề nghiệp, nhiều hiểu lầm nhiều ân oán. Thành ra, trong bất kỳ điều nào ông tỏ lộ, cũng có nét bất mãn chung thân. Và thời thế nhiễu nhương của một đất nước chiến tranh đã làm những ước mơ thời tuổi trẻ khi đang bồng bềnh trên sóng nước của tàu Athos II tàn lụi đi…

    Khi tôi vượt biển và định cư ở Hoa kỳ, tôi lại được đọc Dương Hùng Cường, bài từ trong nước gửi ra hải ngoại. Vẫn cái văn phong cũ, vẫn cái thâm thúy xưa, những bài phiếm như những cái nhếch mép của một người thấy những nhố nhăng trên đời. Như bài viết “Khi chàng Trương Chi không đẹp trai”. Một ý nghĩ tinh ngjhịch. Một sự ví von gợi lại những liên tưởng. Cộng Sản như là anh Trương Chi “người thì thật xấu hát thì thật hay”. Còn nhân dân miền Nam như là Công chúa Mỵ nương, khi chỉ nghe tiếng hát chưa gặp mặt thì mê đắm mê say nhưng khi gặp mặt thì lại thất vọng vì dung nhan quá xấu của anh chàng chài lưới. Tiếng hát Trương Chi được ví với sự tuyên truyền đường mật của Cộng sản và khuôn mặt xấu xí là bản chất phi nhân của chế độ hà khắc bạo ngược, lấy cứu cánh làm biện minh cho phương tiện.

    Bài viết đăng ở hải ngoại gây ra nhiều tiếng vang trong công luận nhưng cũng gây nhiều phản ứng của công an Cộng sản. Dương Hùng Cường vi bắt giam tại nhà tù Chí Hòa và chết trong ngục tối . Một cái chết thảm thương nhưng cũng là một cái chết tiêu biểu cho những người cầm bút luôn tranh đấu cho quyền tự do sáng tác và tự do ngôn luận…

    Viết những dòng tạp ghi, tưởng nhớ lai một người cầm bút đã làm tôi yêu quân chủng của tôi. Tôi nhớ câu nói anh em thường truyền miệng từ nhan đề của một bài viết của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng. Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Và, chúng ta phải không quên những kẻ sĩ như Dương Hùng Cường. Tôi không đủ thân thiết để nói lão Dương ơi những lời cảm xúc nhưng vẫn có thể nói một câu: Vĩnh Biệt Dương Hùng Cường, kẻ sĩ đã sống và chết trong một thời đại tăm tối của lịch sử. Và, một độc giả đã ái mộ ông từ hơn bốn mươi năm trước mươi năm trong thời khắc hôm nay có vài hàng chữ về ông với lời cầu chúc chân thành linh hồn ông sẽ yên ổn trong cõi đời vĩnh viễn.
    Last edited by Nguyen Huu Thien; 04-02-2018, 09:53 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X