Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chốn Xưa

Collapse
X

Chốn Xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chốn Xưa

    Chốn Xưa
    Lê Ngọc Anh
    Để tưởng nhớ Cố Thiếu Tá Điêu Phúc Hưng, Chi Đoàn Trưởng1/3 Chiến Xa, Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh, tử trận tháng 5 năm 1972 tại Chu Pao

    Chốn xưa, Phố Núi tôi còn nhớ
    Đã phủ rêu đời vẫn còn thương



    Còn chút gì để nhớ(Phạm Duy) @ Anh Dũng


    Như một cái tủ lớn, người ta xếp vào đó những vật gì đã dùng rồi, nhưng không nỡ bỏ đi. Ngày tháng năm trôi qua, mọi thứ nằm yên một chỗ dường như bị bỏ quên. Đến một ngày nào đó, mình động vào cánh cửa tủ, mọi thứ như được đà thi nhau rớt xuống một mớ hỗn độn. Trong đó có nhiều thứ gợi lại ký ức, nó nằm sâu thẳm trong một góc của trái tim, mà mình tưởng rằng đã quên.

    Pleiku là cái tủ lớn chất chứa bao nhiêu kỷ niệm của một thời học sinh vô tư và nghịch ngợm. Pleiku là cái tủ lớn chất chứa bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn của một thời thiếu nữ. Nơi đây có những giọt nước mắt tiễn đưa người chị yêu dấu của tôi qua đời và để lại một đàn con nhỏ dại. Nơi đây có đoạn kết của một chuyện tình buồn thời chiến:
    “Anh lên lon giữa hai hàng nến trong”
    Pleiku thực sự đã ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ trong đời tôi.

    Pleiku có nhiều con đường nhỏ gập ghềnh và phố xá đơn sơ. Pleiku không có những đại lộ thênh thang, không đẹp và không hào nhoáng như một cô gái được chưng diện chải chuốt. Pleiku là một cô gái mộc mạc có vẻ đẹp đơn sơ của núi rừng, nét đẹp mặn mà làm người ta khó quên.

    Bà con có muốn nghe chuyện Pleiku của tôi không? Biết đâu những kỷ niệm của riêng tôi cũng gợi nhớ cho bạn một điều gì, một ai đó nơi chốn xưa. Bạn và tôi cùng trở về Pleiku với ngày tháng cũ nhé.

    Khi mới đến Pleiku, gia đình tôi thuê một căn nhà xây ở đường Hoàng Diệu gần quán Con Gà, cũng có người gọi là quán Gà Cồ. Sở dĩ tiệm tạp hóa này có tên là quán Con Gà hay quán Gà Cồ vì trước cửa hàng có chưng một con gà to tướng bằng gỗ có thể trông thấy từ xa. Một biểu tượng độc đáo vào thời điểm đó. Ông bà chủ có một cô con gái trắng trẻo xinh xắn học trường Minh Đức.
    Xóm này sinh hoạt cũng nhộn nhịp vì có đủ hang quán phục vụ cho nhiều gia đình Công Binh, gia đình Thiết Giáp…, và các quân nhân vì gần đó có trại Công Binh và trại Thiết Giáp của Thiết Đoàn 3. Gần nhà tôi có gia đình bác Tám bán hàng ở chợ, bác Tám có bà con với thầy Nhu, thỉnh thoảng tôi thấy thầy Nhu ở đó.

    Cạnh quán Con Gà và nhà tôi có con hẻm đi sâu vào trong là một cái chợ nhỏ, thường được gọi là chợ Gà Cồ. Gọi là chợ nhỏ nhưng có bán đầy đủ thức ăn cũng như hàng quà. Tôi chấm một món ngon ở đây là bún riêu của bác Bốn, ngày nào nghỉ học là tôi sách tô đi mua về thưởng thức.

    Một thời gian sau, các anh chị tôi cùng đổi về làm việc ở Pleiku, Bố Mẹ xây mấy căn nhà mới ở gần cầu Hội Phú. Anh em tôi rất vui vì nhà cửa rộng rãi và chúng tôi có phòng riêng. Sân trước nhà rất rộng, đậu được mấy chiếc xe hơi. Bố tôi trồng hoa và ít cây ăn trái. Ông làm một giàn hoa có nét Nhật Bản, dễ thương lắm, và trồng các loại hoa leo. Phòng khách có cửa sổ nhìn ra vườn, Bố tôi đã thiết kế phòng khách thật lý tưởng cho chúng tôi. Ngoài một bộ sa lông và các kệ chưng chưng đồ cổ còn có cái trường kỷ với nhiều kệ sách, một dàn máy Akai cùng chùm đèn mờ. Nếu không đọc sách thì mấy anh em tôi, kẻ nằm xoài trên sa lông, kẻ bó gối trên trường kỷ, để đèn mờ thả hồn theo tiếng nhạc thật hạnh phúc và êm đềm. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, cơn gió nhẹ mang hương thơm của các loại hoa trong vườn vào nhà, khiến không khí của gian phòng thật quyến rũ…

    Căn nhà này do Bố Mẹ tôi tạo dựng bằng công sức với sự cần cù chịu khó, vì thời cuộc đã phải gạt nước mắt ra đi, rồi đành để mất nó với bao nhiêu đau buồn. Căn nhà là nỗi nhớ của tôi. Tôi nhớ những giây phút quay quần bên mâm cơm, nhớ những lúc anh em tụ tập ở phòng khách, nghe nhạc và tập nhảy đầm. Khi tôi nói với Tuyết Nhung: “Nhung ơi! Tao muốn nhìn thấy căn nhà ở đường Hoàng Diệu quá”. Tôn Nữ Tuyết Nhung, cô bạn Huế của tôi, gửi qua cho tôi mấy bức ảnh của căn nhà cũ. Có một cái gì vỡ tan trong tôi. Đây là căn nhà yêu dấu của tôi ngày xưa sao? Căn nhà đã không còn của gia đình chúng tôi từ lâu, nhưng bây giờ tôi mới thực sự thấy mình đã mất nó. Căn nhà của tôi chỉ còn tồn tại trong ký ức. Không kềm lòng được, tôi đã khóc nức nở, tôi khóc cho một sự mất mát to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất.
    Tôi đã mất căn nhà đầy yêu thương và kỷ niệm. Nhà ở gần trụ sở ấp, sinh hoạt thường ngày yên lặng, nhưng mỗi khi có đoàn hát bội về thì trống kèn ì sèo làm nhộn nhịp hẳn lên vì người ta rủ nhau đi coi hát, và cũng làm mình vui lây. Tò mò, tôi cũng đi xem cho biết, nhưng chả hiểu gì hết.

    Phía trên đồi, cao hơn trụ sở ấp, có một số ni sư thuộc phái Khất Sĩ đến lập tịnh xá. Khi đến, chúng tôi chứng kiến những sự vất vả của các vị chân tu này. Ngoài giờ tu tập, đi khất thực, và chỉ ăn một bữa, nhưng mọi việc các cô đều tự làm lấy. Khi các người thợ tới xây cất, các cô đều tiếp tay bưng gạch, xách nước, và trộn hồ. Nhiều đơn vị quân đội đóng ở gần đó cũng giúp đỡ. Anh rể tôi liên lạc với các đơn vị Mỹ xin vật liệu, cho quân nhân tới giúp, và cung cấp nước.

    Sau cùng các sư cô, ni, và tiểu cũng có một chánh điện tươm tất để thờ Phật, cùng một số nhà ở cho quý sư và ni cô. Sau khi ổn định rồi, các vị còn nhận nuôi các trẻ em bị bỏ rơi. Có những em bé sinh thiếu tháng được nuôi bằng những phương tiện thô sơ như ủ nước nóng, đốt than dưới gầm giường, đút sữa bằng những đồ nhỏ giọt, vậy mà những đứa bé đó đã lớn lên rất khoẻ mạnh. Thật là Trời Phật phù hộ cho chúng.

    Tôi rất ngưỡng mộ và kính phục những vị chơn tu này. Các vị đã thể hiện tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật thật đúng nghĩa, tuy vất vả, nhưng nụ cười thường xuyên nở trên môi và giọng nói nhẹ nhàng hiền hòa.

    Nhà tôi nếu đi ngược lên dốc về phía mặt trời mọc thì có nhà thờ Thánh Tâm, Trạm Kiểm Soát, Trại Phù Đổng, Camp Holloway mà sau này là doanh trại của Thiết Đoàn 21, có xưởng cưa của ông Khái là thân sinh của Đinh Sơn và Dung. Còn đi lên về phía mặt trời lặn là cầu Hội Phú, có tiệm tạp hóa, tiệm may Yến Loan của nhà Chu Thị Yên, tiệm vải 555 chuyên bán đồ lưu niệm cho quân nhân Mỹ, mấy anh chị em lai Ấn rất vui vẻ. Tôi thấy tiệm này tập trung nhiều mấy anh Không Quân, và cô em út của nhà này là một nữ sinh của trường Minh Đức. Đi xa hơn có nhà bảo sanh, tiệm thuốc tây, và văn phòng bác sĩ Đạt. Bác sĩ Đạt là người đã săn sóc cho chị gái tôi trong những ngày cuối đời và bác sĩ rất tận tâm với bệnh nhân. Tôi nghe nói hình như bác sĩ Đạt đang ở Bolsa, nhưng chưa có dịp gặp lại. Gần nhà tôi có tiệm phở 79 nổi tiếng ngon, không chỉ ở món phở mà còn có món tiết canh hấp dẫn. Buổi chiều quán nhộn nhịp và tập trung nhiều người Phi đến thưởng thức tiết canh và nhiều anh lính tới ăn nhậu.

    Bên kia đường có tiệm vàng và đi lên đồi là chợ Thần Phong, đã tưng bừng khánh thành, nhưng sau lại bỏ trống, chẳng có ai chịu lên đó họp vì ngại leo dốc và gió bụi quá. Trên này có nhà em Thạch, bạn học của Hòa em trai tôi. Hòa rất thích trên này vì có chỗ trống tập xe Honda và làm anh hùng xa lộ. Ở khu cầu Hội Phú, anh Lập anh trai tôi có người bạn học từ thuở bé tên là Trịnh Viết Bôn. Sau này, anh Bôn đi Không Quân, diện đồ bay vào thì bảnh lắm, tính tình hiền lành và dễ thương. Mẹ tôi định làm bà mai cho anh, nhưng không thành vì anh có nhiều cô dòm ngó quá. Quanh khu vực cầu Hội Phú còn có nhà anh Bách và anh Triệu, gia đình của hai anh này có trại hòm. Khi còn đi học, anh Lập chơi thân với anh Tống Văn Tùng. Sau này, anh Tùng đi lính Nhẩy Dù và mất tích. Đi chung nhóm còn có anh Vũ Hiếu là anh của Nghĩa và Thuần, cùng với anh Bổng là anh của Nguyễn Văn Thi.

    Ở khúc nhà thờ Thánh Tâm có bạn Hường (Thành), Khiếu, Hưởng, Tài, thường hay rủ tôi đi học lúc tôi còn học ở trường Minh Đức. Gần khu vực cầu Hội Phú và Air Vietnam thì tập trung nhiều học sinh. Có các anh chị và các bạn mà tôi còn nhớ như Kim, Tơ, Trâm, Lượng, chị em bạn Phước, Hương, chị Vinh, Hiển, Giang, chị Khá, chị Lê Xuân Hảo, và Cúc đầu bạc được có tên này để phân biệt với Cúc lớp tôi. Lớp nhỏ hơn có Loan Tây Đô, bạn học với Trung cháu trai của tôi, có Ngọc Dung Ngọc Hạnh nổi tiếng vì đã làm xôn xao Pleiku trong một thời. Ở gần khu vực này còn có anh em Mạc Đăng Khoa và Mạc Thị Huệ; chị em Ái Lan và Thu, hai người này là cháu ông Diệp Kính. Bây giờ, bạn Thu có tiệm quần áo ở cổng sau Phước Lộc Thọ trong vùng Little Saigon.

    Gần Air Vietnam có phòng mạch của bác sĩ Lộc chuyên về phụ khoa và nhà bảo sanh, tôi đã sinh con gái đầu lòng ở đây. Vợ chồng bác sĩ Lộc hiền lành và dễ mến. Gần đó có phòng mạch của bác sĩ Chánh, và chị Ánh Thu vợ của bác sĩ Chánh là một trong những người đẹp của Pleiku. Mẹ tôi có kỷ niệm cũng vui vui với bác sĩ Chánh. Số là do tập tục của người Bắc khi xưa đeo bông mặt giàn nên lỗ tai mẹ tôi bị trĩu nặng làm thành một lỗ lớn muốn rách tai, không thể đeo bông hột xoàn được, bà nhờ bác sĩ Chánh khâu giùm, nhưng bác sĩ từ chối vì không phải chuyên môn của mình. Sau vì năn nỉ quá, bác sĩ Chánh xiêu lòng giúp mẹ tôi có thể đeo bông tai với cái lỗ tai nho nhỏ như mọi người. Mẹ tôi vui lắm, bà luôn nhắc đến bác sĩ Chánh mỗi khi đeo bông tai. Sau năm 1975, tôi tình cờ gặp lại chị Ánh Thu ở Sài Gòn, hai chị em cùng buôn bán cà phê sống nên gặp nhau. Tôi cung cấp hạt sống, chị Thu mua về rang rồi đi bỏ mối. Anh Chánh đi cải tạo về, gặp nhau mừng rỡ vì được gặp người quen cũ. Mỗi khi tôi hay các con ốm đau thì chạy tới tìm anh. Khi đọc bài viết “Một Trời Thương Nhớ” của tôi được đăng trên Diễn Đàn Liên Trường Pleiku, bác sĩ Chánh đã gửi thư khen, tôi gọi cho anh và anh bật cười bảo: “Anh đâu biết Lê Ngọc Anh là em”.

    Trong những người quen cũ của gia đình tôi từ ngoài Bắc vào có gia đình thầy Hàm và cô Nghĩa Chấn là con của bác Phủ Thuyết, bạn của Bố Mẹ tôi; nhiều gia đình Thiết Giáp, bạn của anh Chài, anh rể tôi; và anh Tuy ở Tiểu Khu Pleiku. Chị Tuy là con của người bạn Bố tôi, chị cũng là bạn thân của cô út và chị cả tôi. Gặp Bố Mẹ tôi ở Pleiku anh chị mừng rỡ, thường xuyên lui tới, và coi Bố Mẹ tôi như người thân thuộc. Anh chị giống như con cái trong nhà, mỗi khi nhà tôi có chuyện vui buồn trước năm 1975 cũng như sau này cũng đều có mặt anh chị. Ngày Bố Mẹ tôi qua đời, anh chị đều đến thọ tang. Chúng tôi rất cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp của anh chị. Thập niên 1970, anh chị Tuy có mở một sân patin tên Phi Vũ rất lớn. Nơi đây tập trung biết bao nhiêu nam sinh nữ sinh ham vui và làm nhộn nhịp cả một khu phố. Anh chị Tuy có người con gái tên là Tân Nguyên học cùng lớp với Ngọc Minh, em gái út của tôi, ở trường Pleime. Mới đây trong cuộc họp mặt Phố Núi Pleiku, tôi thấy anh Tuy tuổi cao mà vẫn còn nhanh nhẹn và mạnh khoẻ. Còn Tân Nguyên vẫn đẹp như xưa, chẳng thấy già bao nhiêu so với số tuổi.

    Tôi nhận thấy trong đời sống, nếu người ta đối xử với nhau bằng chân tình thì nợ ân tình còn có nhiều lắm.

    Tôi nợ anh chị Tuy và nợ một vòng tay ôm của anh chị Nguyễn Trác Yên Không Quân, ba mẹ của cháu Quỳnh Giao. Khi cùng các anh tôi trong giai đoạn di tản năm 1972 lo hậu sự cho anh Hưng, chị Yên luôn bên tôi an ủi vỗ về, và anh Yên đã mất tích năm 1975.

    Tôi còn mắc nợ anh chị Vũ Mạnh Hùng ở Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị. Chị Hùng khi thấy tôi buồn cũng động viên tinh thần và chia sẻ với tôi những chuyện không hay đến với gia đình của anh Hùng. Anh Hùng cũng đã giúp rất nhiều cho đám cưới của tôi và anh Quyết.

    Tôn Nữ Tuyết Nhung sau một thời gian dài chúng tôi mới liên lạc được với nhau. Tuyết Nhung cho tôi hay người ta sắp dời mộ. Tôi báo cho Chính Mung ở Quận Cam hay, em đã gọi cho những người ở Việt Nam biết tin, và gia đình đã lên Pleiku bốc mộ cho anh Hưng. Nhung và Đức đã hết lòng giúp đỡ để công việc được tốt đẹp. Trong đời có những điều mình không nói ra hoặc không nhắc đến không có nghĩa là mình đã quên hay mình đã vô tâm, vì nợ ân tình chẳng làm sao mà trả hết được.

    Sau cuộc di tản 1975 trên Tỉnh Lộ 7, nhiều người nhặt được ảnh của gia đình tôi, họ gom lại, và đến khi gặp các anh của tôi họ đưa trả. Những tấm ảnh được anh Hùng cho chụp bằng giấy đặc biệt, dính đầy bùn, nhưng khi chùi rửa lại giấy vẫn còn tốt.

    Tôi không tưởng tượng rằng có những người rất trân trọng kỷ niệm đến như vậy. Những tấm ảnh này quả thực có giá trị tinh thần rất lớn đối với gia đình chúng tôi. Trong lúc hỗn độn và hoang mang trong cuộc chiến mà họ cũng có lòng thu nhặt những hình ảnh đó rồi giao cho các anh của tôi. Tôi cảm ơn họ biết bao. Sau mấy lần dọn nhà, trong những lúc rảnh rỗi tôi vẫn lục lại và xem những tấm ảnh ngày xưa của gia đình tôi, những tấm ảnh chụp trong ngày cưới của tôi và anh Quyết, khi ấy trong lòng tôi bồi hồi xúc động. Này là ông bà bác sĩ Căn, ông bà bác sĩ Quế, anh Tuy, chú Riểu, em Tô Lan, ông bà Phán ở Quân Đoàn 2, anh Thạc ở Toà Hành Chánh, bác Kim Liên, bác Vơn, thầy Đàm, cô Liên Ba, cô Hạnh, cô Lập, cô Trung, Mậu, Tuyết Nga, chị Vinh, anh chị Đồng Tín Hoàng Ngọc Ẩn, ban nhạc và ca sĩ Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị, bác sĩ Công, bác Sáu thân mẫu của Tuyết Mai, anh chị Minh Lập em gái chị Phán, Phước bạn học ở Minh Đức, bác Sài Gòn Mới, chị Quờn, bạn bè đồng nghiệp của chồng tôi…Tất cả gợi nhớ cho tôi một khung trời kỷ niệm thật là đẹp.

    Sau này, gia đình tôi mở thêm một tiệm ngay khu vườn hoa Diệp Kính, cạnh tiệm hớt tóc của bác Võ Xuân Chi, lúc đó Võ Thị Nghiệp và tôi rất thân nhau vì có chung sở thích ăn ngon mặc đẹp. Tôi vào Sài Gòn sắm đồ cưới, Nghiệp chở tôi đi suốt mấy ngày để lựa chọn. Tự tay Nghiệp làm cho tôi một bó hoa hoa cầm tay của cô dâu “độc nhất vô nhị” thật là đẹp, mà Nghiệp mới học được từ lớp dạy làm hoa do tòa Đại Sứ Nhật tổ chức. Ngày đưa dâu, Nghiệp cùng đi với gia đình tôi, nhìn tôi khóc sướt mướt tiễn Mẹ và anh trai về lại Pleiku, Nghiệp không cầm lòng được, ở lại với tôi mấy ngày rồi mới về Sài Gòn.

    Nhớ thời thiếu nữ mấy anh em đi chơi với nhau, đi nghe nhạc ở Seoul, Mimosa, Hoàng Liên với mấy ông Biệt Động Quân như anh An Lùn, mấy ông Không Quân, Yến, Quý, có ca sĩ Bích Ly đi chung với ông Hào hát thật hay… Những lúc khác đi dự party ở Quân Đoàn với gia đình Tuyết Mai có anh Lễ, Đức, chị Tiến…Bây giờ nghe chị Tiến đi tu, tôi có một chút ngậm ngùi, nhưng nghĩ lại thì mừng cho Tiến, vì tu là cõi phúc tình là dây oan. Tiến không phải là bạn học của tôi, là chị dâu của Tuyết Mai, nhưng chúng tôi rất thân với nhau vì Tiến dễ thương.

    Trong thời đi học của tôi, lúc học ở Trung Học Pleiku tôi nghịch lắm vì khi đó anh trai của tôi là anh Ánh được động viên đi Thủ Đức, không còn dậy ở trường, nên tôi tha hồ phá mà không sợ bị mắng mỏ: “Con gái gì không nhu mì dịu dàng gì hết!”.

    Ngày đó, giá mà tôi yểu điệu thục nữ một chút thì chắc không bị…ế…Tôi chẳng có một mảnh tình học trò để vắt vai cả, chẳng có một cuộc hẹn hò với một anh chàng cùng lớp để làm vốn thời đi học. Cũng may, vì nếu có chắc chắn anh bạn sẽ vô cùng ân hận khi gặp lại tôi, chàng ôm một khối thất vọng khi gặp lại người xưa đã “xuống cấp thê thảm”. Sầu đời, chàng sẽ làm mấy chai dầu gió xanh loại 12 oz “tự dận” đập đầu vào gối đánh một giấc để quên đi cuộc gặp gỡ não nề.

    Phần tôi, giá mà ngày đi học tôi bớt nam tính, nghịch ngợm, và bốp chát một chút thì cũng có một mối tình học trò để gặp lại anh bạn ngày xưa học cùng lớp nhút nhát và lừ đừ; bây giờ hắn ta phì nhiêu, tóc lưa thưa, rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng, kên kên đi bên cạnh cô vợ thon thả, mũi dọc dừa, mắt hai mí, cặp môi BB, quần áo thời trang như tài tử, xách giỏ hiệu, thì chắc tôi phải độn thổ để khỏi quê. Bởi lẽ nếu hai chúng tôi đứng bên cạnh nhau rất giống như cặp zero trong bài tập thầy chấm. Hú hồn!

    Những tháng ngày đã sống và đi học ở Pleiku là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của đời tôi. Nhớ những giờ học với cô Phước Mỹ, cô Mỹ Dương, cô Nghĩa Chấn, thầy Thành, thầy Đàm, thầy Duy, thầy Phước, thầy Tính, thầy Phong, thầy Viêm, thầy Thụy, thầy Hàn, thầy Ngạc, thầy Trung, thầy Lập, thầy Long…Thầy Đàm là giáo sư hướng dẫn lớp tôi, thầy vui vẻ và cởi mở với đám học trò.

    Sau năm 1975, thầy gặp lại tôi vất vả mưu sinh để nuôi con và tiếp tế cho chồng, thầy ngậm ngùi nói: “Thầy không ngờ Ngọc Anh ngày xưa nghịch ngợm nam tính mà bây giờ đảm đang vất vả quá!”. Thầy ơi! Đó chỉ là một khía cạnh của con người em, hoàn cảnh đôi khi tạo ra con người, vả lại em sinh ra trong một gia đình cần cù làm việc và Mẹ em là một tấm gương. Bà bảo: “Dù hoàn cảnh như thế nào, đời sống cực khổ ra sao, cũng phải nuôi con, tiếp tế cho chồng, và chờ chồng”. Tôi đã làm đúng những lời Mẹ dạy bảo.

    Trong những lần họp mặt ở Nam Cali gặp được thầy cô cũ. Vui biết bao khi thấy thầy cô còn mạnh khoẻ, vui vẻ, và minh mẫn. Thầy trò đầu bạc như nhau (trừ phi nhuộm tóc). Lần đầu gặp lại thầy Thành, tôi hỏi: “Thầy còn nhớ em không?”. Thầy trả lời chắc nịch: “Ngọc Anh chứ ai, thầy đâu có quên em với hai cái bím tóc, phá ơi là phá!”. Các bạn có thấy tôi hạnh phúc không? Sau mấy chục năm gặp lại, thầy nhớ mình liền, chứng tỏ nhan sắc của mình xuống cấp vừa phải. Thầy Duy và thầy Lập vẫn phong độ như xưa. Thầy Cư và cô Lựu trẻ mãi không già. Cô Bích vẫn dễ thương như ngày nào, nói năng từ tốn dịu dàng, chăm làm việc thiện giúp người Pleiku. Cô Phan Thị Lựu ngạc nhiên khi gặp được nhiều học sinh tới chào cô. Gặp lại thầy cô và các bạn, mừng rỡ nhắc lại chuyện xưa, kỷ niệm của thời đi học thật sự không có gì quý hơn.

    Con gái Pleiku ai cũng đẹp cũng dễ thương, dĩ nhiên không có tôi trong số này. Có người bảo tôi: “Bà có vị lòng không? Chẳng lẽ Pleiku không có ngưòi xấu à?”. Chắc chắn là có nhiều người đẹp, mặc dù trong lòng có một chút ganh tị vì tôi có một nhan sắc “khiêm tốn”, nhưng vẫn phải công tâm mà nói thôi. Này nhé tôi điểm danh nội trong số học sinh các trường mà tôi biết và còn nhớ:

    Chị Đông mà bây giờ người ta gọi là chị Jean, mỗi ngày giúp Mẹ đi thâu hụi ngang tiệm nhà tôi. Chị hay mặc quần jean áo thun, nhất là lúc chị diện jean trắng áo thun đen, trông rất xinh đẹp, khoẻ mạnh, và tươi mát. Tôi hay nhìn theo chị. Còn Tuyết Nga mà có người gọi là Nga Mini, lúc nàng diện mini jupe thì đàn bà con gái phải ganh tị, và đàn ông con trai phải trầm trồ. Đường với mái tóc ngắn, rất đơn giản, nhưng có một cái gì hay hay và gợi sự chú ý. Lệ Nhàn e ấp như tiểu thư trong chuyện Trung Hoa. Mỹ Hường đẹp như đầm, tính nết đằm thắm thuần túy Việt Nam. Hương Huế xinh xắn nhỏ nhắn. Mậu mảnh mai, cười là đắm đuối mày râu. Thu Tâm đẹp với mái tóc không đụng hàng. Sáu nhà có tiệm ăn Mỹ Tho, trắng trẻo, nói giọng Nam thật ngọt, và môi đỏ như son. Phong Hải là thỏi nam châm thu hút nhiều sự chú ý của nam sinh trong trường. Ngô Thị Hà Lan da trắng mắt to, trông thật ngây thơ. Tô Lan dáng thanh thanh với mái tóc xõa xuống vai, suýt làm chị em bạn dâu với tôi. Tin Bắc và Tin Huế xinh ơi là xinh. Loan Tây Đô, Thúy Nga, Thu Đào, Kim Vân, Kim Hoa…là những người đẹp của các lớp nhỏ. À quên! Còn một địa điểm có mấy chị em dễ thương là Càfé Thu Hà và các cô đều là học sinh Pleiku. Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến hai chị em Mai Hồng, đẹp như người mẫu. Trước mặt Hội Đồng Xã có tiệm vải Thanh Tùng, là nhà của một nữ sinh trường Bồ Đề lai Ấn tên là Thanh, đẹp như tài tử và có nụ cười thật quyến rũ.

    Úi chà! Nếu kể tên các người đẹp Pleiku, tôi e đến mấy trang giấy mới hết. Nếu quý vị nào không thấy tên mình thì không có nghĩa là tôi vị lòng mà vì tôi mỏi tay quá, tôi chỉ đơn cử vậy thôi. Thông cảm nhé! Nhưng mà nói thật lòng nếu con gái Pleiku không đẹp không dễ thương sao mỗi buổi tan học xe jeep đậu đầy cổng trường, chờ các em tan trường về các chàng tò tò theo sau. Mỗi khi thấy bạn tôi tan học leo tót lên xe của anh chàng Biệt Động Quân, tác chiến mà mặt búng ra sữa, là tôi nổi máu nghịch ngợm lên, cất cao giọng sửa bài hát của người ta mà hát rằng: “Biết anh lính Biệt Động em đã bồi hồi chọn mầu jupe nâu” (xin phép các anh Biệt Động Quân nhé!). Bạn tôi thò đầu ra la lên: “Đồ quỷ nè!”. Rồi mấy cái miệng con gái cùng la to: “Đồ yêu nè!”.

    Tôi vẫn nhớ những người bạn thân ái của tôi ngày xưa, nhớ nụ cười của Phan Thị Hiệp, nhớ Ngọc Hương, nhớ Cúc Râu, nhớ Hiển, Ksor Phúc, An Lừa, anh Đạn, Đông Hải em của Tuyết Nhung…kẻ mất người còn, mỗi người một mảnh đời và một số phận khác nhau. Chúng tôi như những con thuyền nan mong manh giữa đại dương, bị sóng dữ dập vùi tan thành nhiều mảnh, trôi giạt tứ phương rồi tình cờ gặp nhau bên trời lưu lạc tha hương. Tuy hoàn cảnh có khác nhau, nhưng có một điểm chung là còn nhớ còn yêu Pleiku, yêu trường cũ giờ đã đổi tên. Trường đổi tên nhưng linh hồn vẫn còn, còn tình thương và nỗi nhớ về trường trong lòng của mỗi người chúng ta.

    Tôi trân quý những người chồng và những người vợ của bạn tôi. Họ là những viên gạch nối để chúng tôi gom lại với nhau và giữ được tình bạn lâu dài, như vợ chồng Phạm Tự Cường, vợ chồng Nguyễn Văn Thi, và vợ chồng Lê Đình Quang. Trong những ngày đầu ở Mỹ của chúng tôi, Thắm vợ của Phạm Tự Cường đã tạo những cơ hội để chúng tôi gắn chặt với nhau nhiều hơn. Xin gửi những đóa hồng đến các bạn và một đóa hoa dã quỳ đến anh Nguyễn Thanh Huy, một người anh của Liên Trường Pleiku.

    Đó là chuyện Người Pleiku, bây giờ phải kể đến món ngon Pleiku. Sở thích của tôi là khoái ăn ngon, vì là một người có tinh thần ăn uống cho nên nếu không nói đến ăn uống là tôi thấy có lỗi với mấy ông bà chủ quán ăn ở Pleiku. Hàng quán đơn giản, không có nhiều nhà hàng cao lương mỹ vị. Theo riêng tôi, những món ngon của Pleiku tuy có vẻ dân giả, nhưng khi ăn cứ khiến người ta nhớ mãi. Nếu không ngon tại sao lại có biết bao người lon lá, dắt đào chui vào căn nhà lụp xụp sau Ty Nông Vụ, ngồi trên cái giường ọp ẹp, bên mấy cái bàn gỗ thô sơ mà chén bún riêu của bà góa người Bắc. Tôi là một trong những khách hàng trung thành của bà. Tôi không thể nào quên tô phở khô Đại Hưng mà hiếm hoi tôi mới được ăn, vì tiệm luôn luôn đông khách, rất khó tìm được chỗ ngồi, mà chờ lâu quá bao tử đòi biểu tình. Khánh Thọ gặp lại tôi luôn nhắc lại những ngày cả lũ kéo nhau đi ăn mà tôi là đầu tầu. Tôi vẫn còn nhớ món nem nướng của cô hàng ở đường Phan Bội Châu; nhớ bánh cuốn Bắc Hương, bánh cuốn ngon và nước mắm cũng ngon. Sống ở Mỹ, nhất là ở ngay Quận Cam, có hằng hà sa số món ngon, nhưng tôi vẫn không tìm được cảm giác thưởng thức những món ngon này như ngày xưa.

    Bún riêu Pleiku là ngon nhất, nhìn nồi riêu và ngắm rổ rau là muốn ăn ngay rồi. Cứ hỏi Tuyết Mai hay Tuyết Kim Liên là biết rõ ràng. Tiệm của chúng tôi ở ngay cổng Chợ Mới, chúng tôi chứng kiến biết bao nhiêu đấng mày râu lột lon lá bỏ vô túi vào chợ ăn bún riêu bà Hải, mà người ta hay gọi là bà Ấn Độ vì bà có mấy đứa con lai Ấn Độ. Còn nhiều để nhớ nữa là hàng bánh hỏi thịt nướng của Mụ Minh bà con với bạn Chi; hàng chè của mấy chị em người Huế, xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt gần tiệm vàng của mẹ anh Đặng Xuân Ngô; hàng ăn chuyên bán những món miền Nam của bà Gấm, má của bạn thời Tiểu Học của tôi.

    Phía ngoài cổng chợ có gánh bún riêu nấu bằng cua đồng và con rạm của chị Mai ngồi trước cửa tiệm thuốc bắc Đông Sơn, đối diện tiệm Hải Thiện, ngon tuyệt. Mầu riêu tự nhiên từ gạch của con rạm; rau thì ôi thôi đầy đủ các thứ kinh giới, sà lách, cây chuối…nhìn là muốn ăn ngay, chỉ vài giờ là hết bay nồi bún to tướng. Buổi chiều có gánh ốc luộc rất là hấp dẫn.

    Đối diện Sài Gòn Mới là tiệm vàng Đồng Dụng và trước cửa tiệm vàng có một xe mì của một thanh niên người Qui Nhơn, nấu đặc sắc hơn cả trong tiệm. Gần đó có xe phở của bác Bồng, nước phở trong ngọt và thơm nhẹ nhàng, Mẹ tôi rất thích ăn phở của bác. Gần Sài Gòn Mới, kế bên tiệm kính Minh Thành là một con hẻm lớn, buổi sáng có chị Thu bán bún bò Huế, đặc biệt Huế, cứ nhìn tô nước mắm ớt và nồi nước lèo là muốn ăn rồi. Buổi chiều có một bà bán nem cuốn mà thoạt nhìn tôi thấy không hấp dẫn. Này nhé! Bà trải một cái bánh tráng to và dầy, bỏ nem nướng cỡ một xâu, kế tiếp bà bỏ các loại rau thơm xắt nhỏ, chuối chát, khế, dưa leo, một cuốn bánh tráng ram vàng dòn rụm, bóp nát và trải đều. Cuối cùng, bà đổ một muôi nhỏ nước chấm sền sệt vào và cuốn lại. Một cái cuốn to đùng. Khi nhìn thấy tôi đang chăm chú theo dõi các động tác của bà, bà mời tôi thử một cuốn, tôi cười không trả lời, bà liền nói: “Cô ăn thử một cuốn cho biết”, với giọng nói Tuy Hòa hay Qui Nhơn gì đó mà lâu rồi tôi quên mất. Nể mặt bà tôi cũng mua một cuốn đem về. Trời đất ơi! Sao mà nó ngon ngồ ngộ làm sao ấy! Thế mới thấy có những thứ nhìn vậy mà không phải vậy, đừng vội đánh giá bằng cái vỏ bề ngoài. Sau đó không cần mời, ngày nào tôi cũng ra thăm bà. Trước mặt tiệm Hồng Phát, buổi sáng có bún măng của bác Cầu, buổi chiều cũng ở chỗ này có bánh canh Huế của chị Lài. Bánh canh trong suốt, nổi màu gạch tôm, rồi chả tôm chả cá, bỏ thêm miếng ớt hiểm, ăn vô nhớ luôn mãi đến bây giờ.

    Thôi! Mục ăn uống đến đây tôi phải tạm dừng, vì nói tiếp sẽ làm phiền cái bao tử của tôi và của mọi người, làm mọi người càng nhớ Pleiku hơn. Nhớ món ăn Pleiku và nhớ luôn cả người Pleiku.

    Không hiểu có phải vì người ta sống ở một nơi chiến tranh, sống chết cách nhau chỉ một làn ranh mỏng manh nên người ta cởi mở hơn và rộng lượng hơn chăng? Cũng có nhiều người đồng ý với tôi điểm này: “Không phải Pleiku không có scandal, Pleiku cũng có những chuyện động trời giống như mọi nơi khác, Pleiku chuyện gì cũng có, nhưng dư luận Pleiku không quá cay nghiệt”. Không tụm năm tụm ba dè bỉu xầm xì, nếu có hầu như ở trong gia đình để răn dậy con cái. Tôi chưa thấy dư luận cay nghiệt đến nỗi làm người ta phải bỏ xứ ra đi. Mọi người đối xử với nhau thân thiện hòa nhã, không vồ vập, nhưng mà đằm thắm.

    Mỗi khi có ai hỏi tôi: “Việt Nam, chị ở đâu?”, thì tôi trả lời: “Tôi ở Sài Gòn”, nhưng nếu có ai hỏi: “Ngày xưa chị ở đâu?”, tôi trả lời: “Tôi ở Pleiku, là học sinh Pleiku, và là dân Pleiku”, chẳng chút mặc cảm vì trường nhỏ và thành phố cũng nhỏ. Chả thế mà ông Vũ Hữu Định đã viết: “Đi dăm phút đã về chốn cũ”. Pleiku không có những đại lộ thênh thang, trường Pleiku không có danh tiếng lâu đời như nhiều trường ở trong Nam, nhưng trường cũ và chốn xưa có nhiều tình thân.

    Không bao giờ ta gặp lại Pleiku của một thời tuổi trẻ, người xưa cảnh cũ đã mất hút sau cơn lốc đời. Pleiku, chốn xưa của tôi ơi! Tôi nhớ Pleiku với những ngày tháng cũ, rong chơi với bạn bè, phá phách thầy cô…Tôi nhớ Pleiku trong không khí căng thẳng vì cuộc chiến, người ấy ôm đàn hát cho tôi nghe bài hát của Phạm Duy, mà tôi không ngờ đó lại là lần cuối tôi được nghe anh hát:
    “Em hỏi anh bao giờ trở lại……”
    Tôi nhớ mầu mũ đen và nụ cười thật tươi của người ấy chụp bên chiếc chiến xa ở Quốc Lộ 19, đặt sau hai ngọn nến lung linh.

    Tôi rất nhớ chốn xưa và những ngày tháng cũ. Pleiku của tôi, Pleiku của bạn, và Pleiku của tất cả chúng ta rất dễ thương. Chuyện quá khứ là chuyện cổ tích, và chuyện cổ tích bắt đầu bằng những dòng chữ: “Ngày xưa ở Pleiku……”

    Lê Ngọc Anh
    Xứ Cát Nóng Cali, tháng 3 năm 2014


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X