Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Bông Hồng Trên Bãi Cát

Collapse
X

Một Bông Hồng Trên Bãi Cát

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Bông Hồng Trên Bãi Cát


    Một buổi chiều cuối đông, trên bãi biển Atlantic City thuộc bang New Jersey thật vắng vẻ,dù chỉ những cơn gió nhẹ từ biển thổi vào cũng đủ lạnh thấu xương, Một người Mỹ da trắng xấp xỉ bảy mươi, vóc người to lớn, nhưng điệu bộ mệt mỏi trên khuôn mặt phảng phất một nổi buồn. Ông ta đã chọn một chiếc ghế đá đặt dọc theo lối đi bằng gỗ chạy dài qua những tòa nhà cao tầng của thành phố Atlantic City, sau khi đã cắm một hoa hồng đỏ trên bải cát. Ông lặng lẽ ngồi nhìn cánh hoa lung lay trong gió khi những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tắt dần…Đây là lần thứ hai ông đến đây, kể từ khi Jane, người vợ mà ông đã sống chung hơn nửa cuộc đời. Trước khi ra đi, nàng đã đề lại cho ông một lời trăn trối: vào ngày sinh nhật hàng năm của nàng, ông hãy mang một bông hồng và cắm trên một bải biển, nơi thân xác nàng đã hòa đồng cùng cát bụi .Một mong ước nhẹ nhàng nhưng tình tứ và lãng mạn như cuộc tình của họ trong suốt gần bốn mươi năm qua. Ông đã yêu thương người vợ và yêu thương luôn cả quê hương của nàng bên kia bờ Thái bình dương…

    Hương Giang, người con gái Huế, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thôn Vỹ Dạ vào thập niên 50. Cha cô là một nhân viên bưu điện cấp thừa hành, và mẹ thì buôn bán tảo tần tại chợ Đông ba. Ra đời và lớn lên trong thời kỳ đen tối của lịch sử: đất nước chia đôi, Bảo Đại thoái vị,kinh đô Huế đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử…

    Mặc dù nhà nghèo nhưng cha mẹ Hương Giang vẫn cố gắng cho các con ăn học thành người .Năm 19 tuổi, hết bậc trung học và trúng tuyển vào Đại học sư phạm Huế ban ngoại ngữ. Đang theo đuổi giấc mơ làm nghề thầy giáo, nào ngờ trận thảm sát Mậu thân đã xóa tan giấc mơ đầu đời của người con gái Huế. Gia đình Hương Giang cũng như bao nhiêu gia đình khác phải rời bỏ quê quán, gồng gánh di chuyền về hướng quốc lộ 1 để vào Đà Nẳng lánh nạn vào ngày mồng ba Tết.

    Gia đình ông Quang, cha của nàng đã chọn Mỹ khê, một làng đánh cá bên kia sông Hàn của thành phố để làm nơi tạm trú cho gia đình trong khi chờ ổn định công ăn việc làm, và khi nhận thấy không thể nào trỡ về Huế để tiếp tục lại việc học của mình, Hương Giang nạp đơn thi vào trường cán sự y tế và đã may mắn trúng tuyển. Hai đúa em trai cũng đã vào được trường trung học công lập Phan Chu Trinh nhờ người cha là một công chức di tản.

    Ông Quang, sau một thời gian tiếp tục làm bưu điện cũng đã phải nghỉ việc vì lương công chức không đủ sống do vật gía leo thang khủng khiếp khi quân đội đồng minh đổ quân vào Đà Nẳng. Ông đã gom hết tiền dành dụm được và mượn thêm tiền của bạn bè mua lại một chiếc Honda củ làm phương tiện sinh sống. Sau một năm vào trường Cán sự y tế, Hương Giang nhận thấy bố mẹ đã già mà làm lụng quá vất vã , nàng đã quyết định bỏ học để vào làm cho một bệnh xá Mỹ trong quân cảng Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà. Đây là một quyết định thật táo bạo, vì nàng biết là bố mẹ mình sẽ không bao giờ dễ dàng chấp nhận việc này. Ai cũng biết người dân xứ Huế rất thủ cựu, việc các cô gái đi làm ‘sở Mỹ‘ là một là một sự xúc phạm đến danh dự gia đình, cho dù nguồn gốc của gia đình chỉ là giai cấp ‘dân dã’ đi nữa, huống hồ con gái họ đã thi đổ vào đại học sư phạm và nay chuyển sang cán sự y tế. Ông Quang lúc đầu nghe con gái bày tỏ ý định này thì ông rất sững sốt nhưng khi Hương Giang giải thích cặn kẻ thì ông cũng xiêu lòng. Chỉ có mẹ nàng thì như bị một cú ‘ sốc ‘, bà buồn bả, trỡ nên ít nói, và như không còn ngó ngàng gì đến những phiên chợ mấy ngày liền sau đó. Ông Quang phải nhỏ to khuyên giải bà trong những bữa cơm chiều chỉ có hai người và kết cuộc thì bà phải chiều theo ý của ông và con gái.

    Sau hai năm ròng rả làm việc không ngừng nghỉ với đồng lương khá giả, Hương Giang phụ giúp gia đình, ông Quang không còn phải chạy xe Honda ‘thồ‘ như dạo trước mà chỉ phụ vợ coi ngó gian hàng bán những hàng hóa từ các PX Mỹ đổ ra. Căn nhà mái tôn lúc trước được thay bằng mái ngói đỏ và vách bằng gạch nung,có hàng dậu vây quanh. Hai người em trai cũng sắp xong bậc trung học. Có những buổi chiều được về sớm ,sau giờ cơm không phải bận việc gì, Hương Giang ngồi nghỉ lại cuộc sống trong những năm qua, nàng cảm thấy mình đã gặp nhiều may mắn, những may mắn đến thật không ngờ dù rằng đoạn đường đi qua cũng có vài cay đắng, nhưng chỉ nhất thời. Đêm đêm nàng vẫn cầu nguyện sao cho cuộc chiến sớm chấm dứt để nàng còn cơ hội theo đuổi những giấc mơ…

    Công việc thường ngày tại bệnh xá không có gì khó khăn, nàng chỉ coi phát thuốc theo toa bác sỉ cho những quân nhân Mỹ trong căn cứ, kiểm kê số lượng thuốc dự trữ bảo đảm cho nhu cầu. Bệnh xá có một đại úy bác sĩ Mỹ, hai y tá người Mỹ đã đứng tuổi và một cô gái Việt nam phụ dọn dẹp và làm việc lặc vặt trong phòng chứa thuốc.

    Một hôm trong khi đang loay hoay đứng khuất sau chiếc tủ để tìm số danh bạ thuốc vừa khi quay lại thì nàng đã thấy một quân nhân Mỹ đứng tại quầy từ lúc nào đang nhìn mình chăm chăm, hơi thẹn vì bị nhìn lén, nhưng nàng lấy lại bình tỉnh và vui vẻ chào khách hàng:
    Thưa ông, ông cần gì tôi có thể giúp ?
    Không sao, thấy cô đang bận việc tôi chờ được mà !
    Ông thật là người tử tế
    , nàng tươi cười đáp.
    Vứa lúc đó một vị bác sĩ đẩy cánh cửa gió từ căn phòng phía sau tiến về chỗ Hương Giang, nhưng khi thấy nàng đang có khách thì ông ta khựng lại nhìn cả hai và nói nhanh:
    Rất tiếc tôi đã ngắt lời …Jane ! Lúc nào rãnh,cô làm ơn tìm lại xem còn loại thuốc này không ?Nói xong ông ta quay vào phòng phía sau.
    Cảm ơn vì ông lại phải chờ.., Jane vui vẻ và thân thiện nhìn anh chàng GI(1) và nói.
    Cô vui lòng cấp cho toa thuốc này, tôi sẽ trỡ lại trong chốc lác.
    Vâng.

    Khi người lính trở lại, vừa đẩy cửa bước vào thì Hương Giang cũng đã bỏ mấy loại thuốc vào một bao giấy nhỏ và trao cho anh.
    Cảm ơn Jane… chàng lính GI không ngần ngại gọi đúng tên mà anh ta đã nghe khi người bác sĩ nói chuyện với Hương Giang.
    Nàng vui vẻ nhận lời cảm ơn thân mật đó.

    Thật ra Hương Giang có đổi tên tuổi gì đâu, trong những tuần lể đầu tiên nhận việc, những người làm việc trong văn phòng thường bị lúng túng mổi lần gọi tên Giang vì phát âm, khi th ì ‘Gi-en’, khi thì ‘ Gi-ang’, và một hôm v ị bác sỹ trưởng phòng đã khai sanh cái tên mới của nàng là’ Jane’ để gọi nhau trong giờ làm việc. Hương Giang đã vui vẻ nhận cái tên mới ngộ nghỉnh này.
    Công việc thường ngày vẫn tiêp tục cho đến một buổi trưa, người quân nhân Mỹ trỡ lại bệnh xá mà không phải gặp nàng để lấy thuốc.

    Hi, Jane, long time…và Hương Giang cũng vồn vã chào lại.
    Ông mạnh gỉỏi, thưa ông.
    Tôi trở lại đây không phải để lấy thuốc, mà chỉ đến để chào cô.


    Nhìn trên túi áo bộ quân phục, Hương Giang biết tên anh là Nick McCoy và nàng đã dùng họ của anh trong lối xưng hô, nhưng anh ta yêu cầu gọi mình là Nick . Hương Giang cũng cảm thấy vui vui vì lối nói chuyện hơi khôi hài tự nhiên của Nick.

    Mấy tuần lễ trôi qua, Nick không trỡ lại và Hương Giang cũng chỉ còn nhớ man mán hình ảnh của anh chàng GI vui tính đó ,vì tất cả những người lính đều có nét và dáng điệu vui nhộn giống nhau khi nói chuyện.
    Một buổi sáng cuối tuần, vừa đẩy cửa bước vào, thì Hương Giang đã thấy Nick đứng tại quầy lúc nào, vứa thấy Giang thì anh chàng đã hớn hở chào hỏi và nhanh nhẹn trao Giang một bọc giấy lớn;
    Tôi có một chút quà tặng Jane. Mấy tuần nay bận công tác ở Biên Hòa vừa trỡ về Đà nẳng hôm qua. Tôi chỉ ghé lại trao gói quà và đi ngay. Chào cô, sẽ gặp lại.
    Hương Giang chỉ kịp cảm ơn và chào từ giả.

    Gói quà mà Nick tặng nàng toàn là những hộp kẹo chocolate đắc tiền, Nàng chỉ giũ lại một hộp mang về nhà, còn bao nhiêu đều mở ra và mời tất cả mọi người trong văn phòng.

    Những tháng ngày sau đó, mỗi khi có việc phải vào căn cứ, Nick đều ghé lại thăm Jane năm mười phút rồi vội đi không quên gửi nàng một món quà nhỏ.Một tình cảm riêng tư nhe nhẹ đã lặng lẽ xâm nhập thay cho tình bạn lúc đầu. Rồi một hôm, cuối giờ làm việc của Hương Giang, Nick đã đề nghị đưa nàng về nhà bằng xe jeep của mình và Hương Giang đã không ngần ngại nhận lời, nhưng khi gần đến nhà, nàng mới yêu cầu Nick ngừng xe ngoài lộ để nàng xuống và đi bộ vào nhà trong một đường hẽm nhỏ, vì không muốn những người trong xóm trông thấy.

    Vấn đề Hương Giang đang lo là liệu nàng nên nói thẳng với bố mẹ về người bạn trai Mỹ ngay chiều hôm nay hay cứ lân la thêm một thời gian nữa, suốt đêm nàng chỉ chợp mắt trong chốc lác vì cứ suy nghỉ liên miên, phần ông bố nàng ít lo vì nghỉ rằng có thể thuyết phục được, những phần mẹ nàng thì Hương Giang không rõ phản ứng thế nào khi biết đứa con gái lớn có bạn trai là lính Mỹ, lỡ ra mẹ nàng nhất quyết phản đối thì thì biết làm sao nói Nick ? Hương Giang cảm thấy xót xa, dù mối tình chỉ vừa chóm nở.

    Nhớ lại trước đây ,lúc còn ngồi ở ghế nhà trường nàng cũng có một hai mối tình học trò, cũng lén lút hẹn hò trao nhau những bức thư viết vội và thẹn thùng đi bên người bạn trai cùng lớp, dạo phố Trường tiền hay trên những con đường đầy lá me bay… Rồi mùa thi đến họ tạm biệt , âm thầm chia tay, có thể là tạm thời hay vĩnh viễn.Những mối tình học trò như những bông hoa đầu mùa, mấy khi có cơ hội đơm hoa kết trái!.

    Chiều hôm nay thứ năm, lấy cớ bị cảm lạnh, Hương Giang xin phép được nhà sớm vì biết rằng ngày thứ năm trong tuần bố mẹ nàng đóng cửa sớm. Ông Quang hơi ngạc nhiên khi thấy con về sớm, mà có vẻ không vui. Mẹ nàng vào bếp lo nấu nướng để Hương Giang ăn sớm và nghỉ ngơi. Bữa ăn gần xong thì Hương Giang đã gợi chuyện và thưa với bố mẹ là mình đã có bạn trai người Mỹ, chỉ nghe đến đó thôi thì mẹ nàng đã tái mặt, bà không rõ tai mình có nghe lầm không , bà đổi lối xưng hô và gạn hỏi : cô nói sao, cô bạn trai người Mỹ à? Trời ơi là trời, sao gia đình tôi vô phước như thế này ? Tôi có tội tình chi mà phải chịu cảnh khổ sở như thế này ? Ông thấy chưa ? tôi đã nói từ đầu mà, cho con đi làm sở Mỹ để rồi phải mang lấy nhục vào cho giòng họ nhà này !. Bà vừa nói, vừa khóc than kể lể, Hương Giang lặng cả người, không ngờ mẹ mình lại có phản ứng mạnh mẽ và nặng nề như vậy. Dời nhà vào đây đã gần hai năm, mẹ nàng cũng chứng kiến biết bao nhiêu gia đình cũng đã gã con cho người ngoại quốc và chưa bao giờ Hương Giang thấy bà phê phán hay đá động gì đến việc con gái có chồng Mỹ, thế mà hôm nay bà tỏ ra đau khổ cùng cực. Ông Quang nghe con nói cũng sững sờ, nhưng bình tỉnh, không có phản ứng mạnh mẽ và chỉ nói nhỏ vừa đủ nghe:

    Con nó chỉ nói là bạn trai thôi, chứ cưới hói gì đâu mà bà làm to chuyện lên như vậy. Với lại con gái lớn rồi thì cũng phải có bạn trai, thời buổi này người Việt hay Mỹ , miễn sao chúng nó thật tình yêu nhau là được, bà đừng mang quá nhiều thành kiến không tốt. Ông Quang nói gì thí nói, bà Quang cứ khóc và kể lể công lao mình nuôi con ăn học giờ lại báo hiếu bằng cách sỉ nhục gia phong, tổ tiên thế này thế nọ ! Hương Giang đau khổ nhìn mẹ và không biết nói gì hơn, cho đến khi ông đúng dậy và nói với con:

    Hãy để mẹ con yên một thời gian rồi sẽ tính. Con đi nghỉ sớm, sáng mai còn đi làm.

    Những ngày sau đó, đi làm về, cơm nước xong, Hương Giang vào phòng riêng nằm nghỉ ngợi liên miên rồi đi vào giấc ngủ.Mẹ nàng cũng chẳng hề nói một lời, hai đứa em nàng đi học về không biết có chuyện gì chúng cũng chẳng dám hỏi ai, ăn uống xong chúng âm thầm rút vào phòng ngồi học.
    Không khí nặng nề kéo sang ngày cuối tuần thì mẹ nàng nhượng bộ, sau nhiều đêm suy nghỉ , đắn đo bà cho rằng mỗi một người đều có một số kiếp và con gái bà cũng không thoát khỏi vòng định mệnh đó…

    Mọi việc đã diễn tiến tốt đẹp, Hương Giang thấy cần cho Nick biết việc này, vì đã mấy hôm nay Nick cứ một mực đòi Hương Giang cho anh đến tận nhà.
    Vào trưa chủ nhật, khi đang dọn dẹp lại phòng khách thì nghe tiếng con kiki gầm gừ sủa, biết là có Nick đến, Hương Giang ra hiệu cho con chó trỡ vào trong và ra mở cổng mời Nick vào. Lần đầu tiên thấy có người Mỹ đến nhà ông Quang, vài người hàng xóm tò mò ra cửa đứng nhìn, Hương Giang cứ phớt tỉnh bởi lẽ từ lâu họ cũng đã biết nàng đang làm y tá trong căn cứ Mỹ.

    Nick vừa ngồi xuống ghế sofa, thì ba mẹ nàng cũng từ nhà sau đi lên, Hương Giang vội vàng nói:
    Nick, this ‘s my Mom and Dad. Nick, đây là mẹ và bố của tôi.
    Rồi quay sang Nick nàng nói với ba mẹ mình: đây là Nick,bạn trai con.
    Nick luống cuống đứng lên tươi cười và chỉ biết nói : Hi , rồi đưa mắt nhìn Hương Giang chờ đợi.

    Bố mẹ Hương Giang cũng muốn ngồi nán lại một lúc, nhưng ngôn ngữ bất đồng, nên hai ông bà lặng lẽ rút lui vào nhà sau. Con Kiki thấy khách lạ vào cứ gầm gừ muốn sủa, nhưng khi thấy Hương Giang giang tay bảo nó nằm im , nó theo lệnh chủ nằm bên cạnh nàng nhưng đưa mắt canh chừng Nick. Giống chó Berger lai này ông Quang đã mua lại từ một người bạn quen vừa gầy giống từ chó berger mà quân đội Mỹ đưa sang dùng cho chiến trường Việt Nam. Ông Quang vốn cũng chẳng thích nuôi chó mèo làm gì, nhưng vì cần một con chó để giữ nhà trong lúc mọi người đi vắng, Dạo gần đây, nạn trộm cướp hoành hành dữ dội khi mà nhu cầu vật chất gia tăng, hàng hóa ngoại quốc đổ vào qua cửa ngõ viện trợ. Nằm sát bên chủ để quan sát người lạ mặt là Nick ,nhưng thỉnh thoảng nó lại nhìn ra ngõ để canh chừng kẻ lạ. Một khi thấy Nick không có vẻ gì nguy hại đến chủ mình, nó mới mon men lại gần Nick làm quen, bằng cách nhìn Nick rồi ngoe ngẩy đuôi , Nick tiến lại gần nó rồi lấy tay vuốt ve, và con Kiki coi Nick như là bạn của nó.

    Kể từ đó, mỗi sang chủ nhật Nick chạy chiếc Jeep của mình đến đậu ngoài lộ lớn rồi đi bộ vào nhà và lần nào anh cũng không quên mang theo một hai carton thuốc lá Pall Mall cho ông Quang, ông là tay ghiền thuốc lá nặng, nhưng mỗi lần đốt thuốc ông ra ngoài hàng hiên phì phà liên hồi, vì Hương Giang không chịu nổi mùi thuốc lá, nhưng chẳng dám phàn nàn. Nick có để ý thấy điều này nên mỗi khi cần phài châm một một điếu, anh cũng theo gương ông Quang ra trước cửa. Con Kiki thì từ khi có Nick nó không rời anh một bước,bất cứ món gì anh ăn là nó cũng có phần, chỉ trừ kẹo chewing gum là Nick không dám đưa vào miệng nó, chứ nếu cho thì nó cũng chẳng từ chối,ngày thường ông Quang ăn gì, còn lại là phần ăn của nó,nhưng khi có Nick ở đây, Nick ăn gì thì cho nó quá giang món nấy, bỏ lơ phần ăn ông Quang thường cho nó, ông có gọi thì nó chỉ ngoe ngẩy cái đuôi cho lấy lệ và chẳng màng chú ý đến ông. Giống chó này có sức nhạy cảm không sao hiểu được, sáng chủ nhật, Hương Giang không đi làm và cứ trước 9 giờ, con Kiki như đứng ngồi không yên, cứ quây quẩn bên Hương Giang rồi lại chạy ra ngoài ngõ trông ra đường, cho đến khi thấy Nick đẩy cổng bước vào trong thì nó nhày chồm lên người anh, làm cho Nick phài để vội thùng đồ xuống để vuốt ve nó, con Kiki mới chịu đứng yên.

    Những ngày chủ nhật vào mùa hè sau khi ghé lại nhà, anh thường đưa Hương Giang đi picnic ở bải biển Tiên Sa, một bải biển rất đẹp nằm trên bán đảo Sơn Trà và lúc đó chỉ dành riêng cho quân đội Mỹ. Ngồi cạnh Nick trên bải cát trắng mịn và trời nước mênh mông Hương Giang thấy một diễm phúc vô cùng, chỉ những lúc này nàng mới tạm quên đi những tháng ngày cơ cực ở Huế và thời gian đầu di tản vào Đà nẳng. Rồi bỗng nhiên nghỉ tới con đường trước mặt, nàng cảm thấy một nỗi lo sợ không căn cứ một khi nghỉ đến Nick mãn nhiệm kỳ ở Việt Nam. Đang vui Hương Giang lại chợt khóc khi nghỉ một ngày phải chia tay với Nick, dường như Nick cũng đã đọc thấy nỗi lo buồn trên khuôn mặt người yêu và anh vỗ về an ủi:

    Don’t cry baby! Thôi đừng khóc nửa, nghe cưng !


    Jane ngã mình vào hai cánh tay của Nick và nức nở. trong những lúc như thế này, anh thường tìm lời an ủi : Này Jane, khi nào mản nhiệm kỳ anh sẽ đưa Jane về xứ sở của anh, chúng ta sẽ sinh con và anh sẽ kể cho chúng nó về cuộc tình thật đẹp của chúng mình. Jane choàng lấy vai anh, nàng lấy tay lau nước mắt rời nhìn thẳng vào người yêu với nụ cười gượng gạo để cho Nick yên lòng… Cả hai ngồi im như sợ một cử động nào cũng có thể làm tan đi một giấc mơ và hạnh phúc rất mong manh…

    Hơn một năm sau khi quen biết,ông Quang hỏi ý con nên bàn với Nick để tính việc hôn nhân và Nick đã hớn hở nhận lời. Một lể Vu quy đơn giản nhưng thân mật đã được tổ chức ngay tại nhà. Những bạn lối xóm và vài người bà con của ông cũng có mặt đầy đủ. Nhà trai, ngoài chú rễ Nick McCoy, còn có hai người bạn cùng đơn vị trong bộ đồ nhà binh đến dự. Trẽ con trong xóm cũng thập thò đứng trước cổng nhà để nhìn vào và cũng có phần ẩm thực là những thỏi kẹo chocolate và những lon nước ngọt Coca do hai đứa em trai của Hương Giang phụ trách phân phối.

    Đây không phải là lần đầu tiên chúng nhận bánh kẹo từ nhà ông Quang, mà đã từ lâu từ ngày Nick xuât hiện trong xóm nầy, mỗi ngày chủ nhật khi thấy Nick là bọn chúng đã lãng vãng trước cỗng nhà ông Quang chờ anh phân phát những thỏi chewing gum và bánh kẹo mà lần nào đến anh cũng mang theo. Những người lính Mỹ phần đông họ rất thích trẻ con và thường hay cho chúng bánh kẹo và những đồ lon, đồ hộp trong khẩu phần cá nhân của họ, cho nên đi đến đâu là bọn con nít trong xóm bám theo và kêu réo ồn ào tạo ra cái hiện tượng mà nhà văn Duyên Anh gọi là “ Giặc Ô Kê “ trong tiểu thuyết xã hội của ông. Những ngày chủ nhật khi vừa vào đến cỗng thì sau anh là những đứa trẽ đang chờ đợi ,chỉ vài phút sau thì chiếc sách tay cá nhân của anh đã trống rỗng, vậy mà vẫn có đứa chưa nhận được phần mình, Nick lại toan tính vào nhà để lấy thêm thì cũng là lúc ông Quang tiến ra cỗng, nói lớn như xua đuổi với bọn nhỏ:

    Về đi, hết rồi.. và ông lại càm ràm nói thêm trước khi quay vào:
    Của đâu mà cho cho đủ ! Có lẽ do ông cũng tiếc của trời vì sự rộng rãi của Nick mà than thở vậy thôi !

    Có lần Nick tò mò hỏi Jane là tại sao những thẻ gum anh cho bọn nhỏ mà sao chẳng bao giờ thấy chúng nó mở ra ăn tại chỗ, chúng không thích hay chỉ xin đề dành ? thì được Jane cho biết là thường thì chúng nó giữ lại để về đưa lại cho mẹ chúng bán lại lấy tiền để mua thức ăn hàng ngày. Khi hiểu rõ như vậy , Nick càng thấy thương những đứa trẽ nghèo khó này hơn, và không vui mỗi lần phải nói :“ No more ! hét roi ! “ ( hết rồi ) cho những đứa chậm chân đến sau.

    Nick sinh trưỡng và lớn lên suốt thời thơ ấu tại Pittsburgh, tiểu bang Pensylvania , bố anh làm trong nhà máy luyện thép và Mẹ anh là một y tá làm tại nhà thương Pittsburgh. Nick là đứa con lớn trong gia đình gồm một em trai và người em gái. Xong trung học, anh nằm trong lứa tuổi trưng binh, nhập ngũ, chuyển sang ngành bảo trì hệ thống rada. Ra trường, anh và mấy bạn cùng khóa được đưa đến Đà nẳng cuối năm 1969. Nick nhận công việc bảo trì trạm rada nhìn ra biển đông đặt trên ngọn núi chạy nối dài dãy Trường sơn.

    Trước khi gặp và là bạn của Hương Giang vào tháng 6 năm 1970, Nick là một thanh niên trong lứa tuổi 25, như những chàng GI xa nhà, những chiều cuối tuần, họ thường la cà trong những tiệm bar, rượu ngoài căn cứ. Thói quen này của Nick đã mất hẳn khi anh làm bạn với Hương Giang, dù người bạn gái của anh chưa một lần có ý kiến gì về việc này.

    Sau ngày cưới khoảng một năm, thì một bé trai ra đời và Nick đặt tên con là David, thằng nhỏ thật bụ bẩm và chẳng có nét gì là Việt Nam, nó giống hệt người bố. Hương Giang chỉ nghỉ một tháng rồi phải đi làm, nàng phải mướn người giúp việc và trông nom thằng bé. Từ ngày có con, Nick hay ghé lại nhà mỗi khi có công tác vùng lân cận, nhưng không bao giờ ờ lại qua đêm vì tình hình chiến sự leo thang và binh lính Mỹ tuyệt đối không được ở ngoài doanh trại,thằng bé là sợi giây siết chặc Nick và Hương Giang ngày một khắn khít hơn. Ông Quang và vợ cứ vừa về đến nhà là loay hoay chơi với thằng bé mãi cho đến khi Hương Giang về mới trao lại.

    Đứa con đã đem lại một không khí tươi vui cho mọi người trong nhà, một tiếng khóc, một tiếng la của nó đều làm mọi người phải chú ý. Nick thì khỏi nói, anh cứ bấm máy hình lia lịa và gửi phim về Mỹ rửa hinh màu, vì lúc bấy giờ Việt Nam chưa có dịch vụ này và khi hình được gưỉ sang thì mọi người chuyền tay nhau để xem. Những tấm hình chụp chung với Hương Giang và David cũng được gửi về cho bố mẹ anh.

    Thời gian trôi nhanh, mới đó mà David đã gần hai tuổi khi mùa Giáng sinh 1972 cũng đến gần.Căn phòng khách của ông Quang gần như tràn ngập đồ chơi của David, cứ mỗi lần ghé lại nhà là Nick lại bê mấy thùng quà mua về từ PX mỹ, đến nổi Hương Giang phải nhắc Nick đừng mua thêm nửa vì có những hộp đồ chơi vẫn cón nằm đâu đó chưa được mở ra. Họ dự tính tổ chức một lễ Giáng sinh tưng bừng tại nhà và vợ chồng ông Quang dự trù một số bà con đến chung vui. Nhưng tình hình chiến sự leo thang tiếp theo việc ngừng dội bom Bắc Việt, Nick được lệnh cắm trại một trăm phần trăm vào mấy ngày lễ, vì vậy lễ Giáng sinh chỉ tổ chức trong gia đình.

    Tình thế biến chuyển quá nhanh vì nội tình nước Mỹ rối ren vì vụ Watergate đã khiến một quái thai ra đời: Hiệp định Paris tháng giêng năm 1973. Theo đó tù binh hai bên sẽ được trao đổi đồng thời quân đội đồng minh tại miền nam Việt Nam phải triệt thoái trong thời gian ngắn.

    Nghe được tin nầy Hương Giang sững sốt đến ngỡ ngàng, Nick sẽ rời khỏi Việt Nam trong vòng hai tháng tới, và mẹ con nàng sẽ phải làm sao đây? mặc dù họ đã làm hôn thú sau đám cưới, nhưng liệu nàng phải ra đi cùng con hay ở lại ? Hôm sau Nick ghé lại nhà, thấy gương mặt chồng căng thẳng nên Hương Giang không dám mở lời. Nick chỉ nói vắn tắt vừa đủ để Jane nghe “ Very bad news !”. Trong những lần ăn tối ở nhà, không khi nào thấy Nick uống quá một lon bia, nhưng dạo này anh thường uống hai ba lon liên tục rồi ngồi yên chẳng nói năng gì, đủ biết tâm trạng rối bời của Nick trong lúc này.

    Tội nghiệp con Kiki, khi thấy chủ nó ít chú ý và vuốt ve như mọi lần, nó chỉ dám nằm im đầu ép sát vào chân anh, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn Nick rồi lại nhìn Jane quan sát.
    Một bữa chiều cuối tuần, Nick ghé lại nhà với một tin vui : anh vừa ký nhận một hợp đồng với Bộ quốc phòng Mỹ với tư cách chuyên viên dân sự ở lại Việt Nam để huấn luyện chuyên viên kỷ thuật cho miền nam Việt Nam đúng với điều khoản của Hiêp định. Hương Giang ôm choàng lấy anh mừng rỡ đến rơi nước mắt,trong khi khi thằng bé David không biết gì cũng chạy lại ôm chân bố nó và con Kiki cũng lăng xăng vẩy đuôi chạy ra chạy vào.Hạnh phúc tưởng đã vuột khỏi tầm tay bỗng dưng lại trỡ về, Nick ở luôn tại nhà vì doanh trại sắp chuyển giao cho quân đội Việt Nam.

    Tháng giêng năm 1975, tình hình chiến sự Việt Nam đi vào một quanh mới song song với những biến chuyển chính trị tại Hoa kỳ. Đã có những lời đồn đãi rằng Mỹ sẽ bỏ rơi miền nam Việt Nam. Những gia đình giàu có từ những thành phố lớn miền trung bắt đầu từ Huế, Đà nẳng… di tản về miền nam. Bao nhiêu tin đồn cứ lan rộng từng giờ khiến ai nấy đều phải lo.Gia đình ông Quang cũng bán đổ bán tháo hàng hóa để thu góp tiền bạc và đợi chờ. Giữa tháng hai 75 Nick vội vã đưa vợ con vào Sài gòn trên những chuyến bay dành cho kiều dân Mỹ. Anh thuê phòng khách sạn ở Ngã ba Ông Tạ gần phi trường cho vợ con ở tạm và hàng ngày thường xuyên có mặt tại tòa Đại sứ Mỹ. Đến ngày 22 tháng 4 thì anh và vợ con rời Sài gòn trên chuyến bay của hảng Pan Am bay về Phialadelphia sau khi dừng lại Tokyo để tiếp nhiên liệu.

    Từ lúc rời gia đình vào Saigòn, Hương Giang không có dịp nào liên lạc với gia đình, phương tiện duy nhất là điện thoại viễn liên Sài gòn và các tỉnh miền trung bị cắt đứt từ tháng 2 năm 75, nàng muốn tìm đến nhà người chú ruột ở Biên hòa để hỏi thăm tin tức gia đình, nhưng không dám để con một mình tại khách sạn, vã lại theo lời dặn của Nick, họ có thể rời khỏi Sài gòn bất cứ lúc nào có lệnh của tòa Đại sứ, nên Hương Giang chỉ dám đi quanh quẩn gần nhà khi cần phải mua thức ăn.

    Ngày rời Đà Nẳng,Hương Giang có dặn bố mẹ phải thu xếp và di tản về Biên hòa, nhà người chú càng sớm càng tốt, nhưng mẹ nàng vẫn chần chờ vì phải thu góp tiền bạc, cho nên đến giờ phút chót rời khỏi Việt Nam, Hương Giang cũng không rõ gia đình hiện đang ở đâu !

    Những ngày đầu tiên trên nước Mỹ, Jane cảm thấy vô cùng lạc lỏng, cái tên Hương Giang đã phải bỏ lại trên quê hương.Nhìn chung quanh hoàn toàn xa lạ, cũng may có sự săn sóc tận tình của Nick đã lấp bớt một khoảng trống của một người xa xứ. Gia đình Nick tạm thời ờ tạm trong căn nhà bốn phòng của bố mẹ anh. Ông bà một mực yêu thương Jane và cháu nội, thường nhắc nhở Nick chở Jane đi chỗ này chỗ nọ trong thành phố trong những ngày Nick còn rỗi rãnh.

    Một tháng sau khi trỡ về, thì Nick được nhận vào làm việc cho một công ty điện thoại, và mấy tháng sau thì Jane theo học khóa y tá hai năm tại Pittsburgh. David cũng vừa đúng tuổi để vào nhà trẻ. Những ngày tháng đầu tiên bận rộn cho cuộc sống trên xứ lạ , Jane không có nhiều thì giờ theo dõi tin tức gia đình ở quê nhà và chỉ nghe tin tức VN trên các các đài truyền hình Mỹ và báo chí. Mấy năm sau, khi tình hình bang giao giữa Mỹ và Việt Nam được tái lập, Hương Giang đã liên lạc được với gia đình, giúp đỡ tiền bạc và bảo trợ hai em trai sang Mỹ . Bố mẹ nàng trỡ về lại thôn Vỹ , sống ngay trên mãnh đất mà tổ tiên đã có mặt từ bao đời.

    Trên ba mươi năm sống trên đất Mỹ, Nick và Jane rất hạnh phúc, những kỳ nghỉ hàng năm, họ đi gần như đủ mọi nơi trên khắp các tiểu bang, nhưng Jane không thấy nơi nào có nhiều kỷ niệm đẹp như những ngày còn ở quê nhà, khi hai người mới quen và yêu nhau, chính Nick đã nhiều lần nhắc đến và cũng đồng ý với Jane về điểm này. Điều này có thể hiểu và suy diễn về mặt tâm lý và hoàn cảnh xã hội, nhất là trong bối cảnh chiến tranh, khi phần lớn mọi người tất bậc bon chen vì cuộc sống, yêu cuồng sống vội, và chỉ những ai có điều kiện hay may mắn hơn mới thấy được giá trị của cuộc sống và có nhiều kỷ niệm đáng để ghi nhớ. Những người xa quê hương trong hoàn cảnh này thường cảm nhận được những ký ức êm đềm vẫn còn in đậm nét và đi theo họ suốt cuộc đời…

    Cuộc sống bình lặng của Nick và Jane kéo dài cho đến một ngày Jane ngã căn bệnh quái ác leukaemia và thời gian còn lại chỉ tính từng ngày. Không thể làm gi khác hơn, Jane đành buông trôi theo số mạng. Nick đã nghĩ hưu để có thì giờ sống bên Jane vào những ngày cuối đời. Vào một đêm mùa lễ Phục sinh, bên giường bệnh, Nick đã khóc và chính nàng đã lặp lại lời nói của Nick trên bải biển Mỹ khê hơn ba mươi lăm năm về trước đã từng vỗ về nàng:
    Don’t cry baby! Thôi đừng khóc nửa ! nghe cưng…

    Mùa Xuân 2015
    Diệp Mạnh Lang


    (1) GI : Goverment Issue : Tên thường gọi những người lính Mỹ đồn trú ở ngoại quốc.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X