Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện Buồn CHƯA ĐOẠN KẾT

Collapse
X

Chuyện Buồn CHƯA ĐOẠN KẾT

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyện Buồn CHƯA ĐOẠN KẾT

    Chuyện Buồn CHƯA ĐOẠN KẾT
    Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu


    Tài khập khễnh trên chiếc nạng gỗ hối hả về nhà. Đã từ hơn mười năm nay, ngày nào cũng vậy, dù đắt hay ế, cứ ngoài 5 giờ chiều là chàng lo ba chân bốn cẳng chạy về. Chẳng phải vì có người yêu hay vợ con chờ đợi mà vì chàng còn một Mẹ già đã ngoài bẩy mươi, bị liệt đôi chân đã mười năm nay.

    Mỗi sáng trước khi cầm xấp vé số đi bán, chàng đều cẩn thận đặt bên cạnh mẹ tô cơm và ít đồ ăn mà chàng đã dậy từ lúc gà gáy sáng để nấu, rồi chàng cũng đánh một bụng cho no, để đi bán cho tới chiều. Từ ngày chị chàng cùng người chồng đi vượt biên vào đầu năm 80 mất tin tức, nhà chỉ còn có hai mẹ con. Trước đây khi bà còn khỏe mạnh đi lại được thì chàng cũng đỡ vất vả, nhưng từ ngày mẹ yếu chàng phải đảm đương mọi việc kể cả việc chăm sóc vệ sinh cho mẹ.

    Công việc đối với một người bình thường khỏe khoắn lành lặn cũng đã là khá vất vả, huống chi là đối với chàng một thương binh nặng, quả là cực kỳ khó khăn, nhưng chẳng bao giờ chàng có một lời than vãn. Mẹ chàng nhiều khi thấy con quá khổ không cầm được nước mắt, đã mấy lần bà nói với chàng :

    Tài à, con tàn tật lo cho thân con còn chưa xong, bây giờ lại thêm mẹ nữa, con làm sao kham nổi. Hay là con để cho mẹ chết có phải hay hơn không. Mẹ cũng đã già, đau khổ cũng nhiều rồi, mẹ có chết đi đó cũng là giải thoát cho cả hai mẹ con mình.

    Nghe mẹ nói thế chàng chỉ ôn tồn nói với bà :

    Con có thấy gì là vất vả đâu. Sao lúc con bị thương mang thân xác tàn tật trở về con muốn chết đi thì mẹ lại bảo đừng có dại dột, dầu sao thì cũng còn có mẹ. Thôi mẹ đừng có suy nghĩ lung tung.

    0-0-0-0-0

    Ngày đó, vào khoảng gần cuối năm 1974, lúc vừa tròn 18 tuổi, chàng đã lén mẹ để tình nguyện đăng lính Biệt Động Quân. Sau ba tháng thụ huấn tại Trung Tâm Dục Mỹ, chàng được đưa về Tiểu Đoàn 86 thuộc LĐ 8 BĐQ, đang được thành lập tại Dục Mỹ.

    Rồi ngày 30 tháng 4, trong trận đánh cuối cùng của đơn vị tại Bà Hom chàng bị thương nặng. Sau đó được dân chúng bỏ lên xe lam chở vào bệnh viện Triều Châu. Khi tỉnh dậy chàng mới hay rằng chàng đã mất một con mắt và cụt một chân trên đầu gối.

    Ít ngày sau, dù vết thương còn đang chẩy máu, nhưng sợ bị làm khó dễ, chàng đã lén lút xuất viện rồi nhờ sự giúp đỡ của một số người hảo tâm, chàng đã tìm về được với gia đình ở tận phường Thanh Bình Đà Nẵng. Gặp lại mẹ và chị, chàng vui mừng khôn xiết, chàng xin lỗi mẹ vì chàng đã lén đi lính để ra nông nỗi như bây giờ. Nhưng mẹ chàng tuy có xót xa vì tấm thân tàn phế của con, nhưng bà không trách chàng lấy một tiếng, mà ngược lại còn an ủi khiến cho chàng cũng nguôi ngoai:

    Mẹ nghĩ con đã làm đúng. Nếu bố con còn sống ông cũng hài lòng về việc làm của con. Thôi thì tuy rằng nước đã mất, nhưng con cũng đã làm tròn bổn phận con dân nước Việt.

    Đà Nẵng bị thất thủ sớm, nên ngay từ những ngày đầu tháng tư, cả thành phố như phủ một màu đen tang tóc. Dân chúng đi lại thưa thớt, bất đắc dĩ phải ra đường thì đi thật hối hả, mặt cúi gầm xuống như sợ người khác nhận diện, gặp người quen cũng không dám đứng lại hỏi chuyện, người người nhìn nhau bằng con mắt nghi kỵ.

    Nỗi ám ảnh của một Mậu Thân ngoài Huế vẫn còn in sâu trong tâm trí người dân Đà Nẵng. Nhiều gia đình vì sợ sẽ bị tố là tư sản nên đồ đạc quý giá trong nhà đem ra bán tống bán tháo. Hầu hết kẻ mua lúc bấy giờ là đám Việt cộng miền Bắc. Thậm chí có người mang chiếc xe honda còn khá mới để đổi lấy chiếc xe đạp vì sợ không có xăng để chạy.

    Những chiếc áo dài tha thướt đã đột nhiên biến mất ngay ngày đầu tiên khi giặc Cộng vào chiếm thành phố. Cũng không hiểu từ đâu mà những bộ quần áo xám, xanh, đen, được may bằng nhưng loại vải thô cứng đã xuất hiện như một mốt thời trang nhan nhản trên đường phố.

    Nhiều người còn tỏ ra là mình đã giác ngộ cách mạng một cách triệt để bằng cách đeo những miếng vải đỏ tham gia đội ngũ đám cách mạng 30 đi chỉ điểm nhà của những công chức cao cấp hay sĩ quan cho bọn ủy ban quân quản – Trong đám cách mạng 30 này, không ít những thằng du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp.

    Mấy ngày đầu khi mới trở về vì vết thương còn quá đau nhức, nên Tài còn nằm nhà. Ít tuần sau khi sức khỏe khả quan hơn, chàng thử lết một vòng quanh phường xem tình hình thế nào, để còn phải tính chuyện làm ăn. Một vài người quen nhận ra chàng, nhưng ai cũng chỉ hỏi thăm vài câu tỏ vẻ ái ngại cho chàng rồi họ tìm cách lảng tránh. Tài cũng biết không phải vì họ hờ hững mà vì họ sợ, nói chung là họ sợ đủ thứ, sợ bất cứ cái gì liên quan đến chế độ mà chỉ ít ngày trước đây họ đã tận lực phục vụ.

    Những ông sĩ quan và các công chức cũng đang lục tục đi trình diện “học tập cải tạo”. Trong khi đó thì đám cán bộ Việt Cộng từ Bắc vào cũng đang chia nhau đi “tịch thu chiến lợi phẩm của bọn Mỹ Ngụy ác ôn để lại”. Chúng ngang nhiên chiếm cứ những căn nhà mà chủ nhà đã đi nước ngoài hay di tản vào sâu trong các tỉnh Miền Nam chưa kịp trở về.

    Trong những ngày này, trên con đường Quốc lộ 1 từ Nam ra Bắc, người ta thấy từng đoàn xe vận tải Kama3 phủ bạt nối đuôi nhau liên tục ngày đêm chở “chiến lợi phẩm”, hay nói đúng hơn là tài sản của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng như của dân chúng bị Việt Cộng cướp giữa ban ngày, theo chủ trương cào bằng để Miền Nam phải nghèo bằng hoặc phải nghèo hơn miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa.

    Những năm tháng đầu, mẹ con chàng cũng đi phát nương làm rẫy trồng khoai sắn, quá cực nhọc mà cũng không đủ ăn, dù chỉ là ăn độn. Được vài năm thì Tài xin được một việc phụ lưới đánh bắt dọc theo ven biển, còn mẹ chàng thì nhận vá lưới cho các ghe cào, nên cũng tạm đắp đỗi qua ngày.

    Cho đến đầu những năm 80, lúc đó phong trào xổ số nổi lên khắp nơi, không tỉnh thành nào là không có công ty phát hành vé số, người dân qua hai đợt đổi tiền và đợt đánh tư sản mại bản đã trở nên cùng kiệt, họ đổ xô vào đánh bạc với nhà nước cũng như với số đề, để hy vọng thoát khỏi kiếp nghèo.

    Cũng như nhiều người khác, Tài chuyển sang đi bán vé số dạo, tuy cũng chẳng khá hơn, nhưng đỡ nguy hiểm.

    Lúc này cũng đã có một số sĩ quan đi tù về, họ làm đủ thứ nghề như đạp xích lô, chạy xe ba gác chở hàng mướn, bán kem, bán vé số dạo v..v.. Trong số này có ông đại úy Bảy, Tài không biết trước ông ta ở đơn vị nào, nhưng sau khi ở tù về được hơn tháng thì thấy ông ta ra một sạp bán vé số có ghi số đề, lại có thêm thùng thuốc lá để bên trên.

    Ngoài ra ông còn đặt thêm cục gạch để bán xăng lậu, quả thật đây là một cơ ngơi buôn bán có tầm cỡ vào lúc bấy giờ mà đám anh em tù cải tạo về nằm mơ cũng chẳng có. Nhiều anh em đi ngang nhìn vào tỏ ý thèm thuồng. Lúc đầu ông còn nhìn anh em với ánh mắt thân thiện, nhưng rồi chỉ ít ngày sau nó đã bắt đầu vênh váo. Chẳng qua là vì việc ghi số đề lén và bán xăng lậu của ông đã được chiếc ô dù là tên công an khu vực bao che, không những thế mà đám công an và đám ủy ban phường cũng thường ghé đổ xăng cũng như mua thuốc lá. Đôi khi ông còn được ngồi uống cà phê với bọn họ nói cười có vẻ tâm đắc lắm. Tên công an khu vực cũng lui tới nhà ông thường hơn. Nó dắt vợ ông đi bắt mánh làm ăn.

    Trước kia chị vợ còn ra trông hàng phụ ông, nhưng những ngày sau này thì chị chỉ mang cơm cho ông vào những buổi trưa rồi lấy cớ bận lo chuyện làm ăn mánh mung riêng. Hàng xóm đã biết chuyện chị vợ cặp kè với tên công an khu vực từ ngày ông còn ở tù, nhưng không ai muốn bị vạ miệng. Hơn nữa thấy thái độ vênh váo của ông Bảy, nên cũng chẳng ai dỗi hơi bắn tiếng cho ông biết.

    Chuyện gì chứ cái chuyện vợ đi ngủ với trai thì chỉ có những thằng đàn ông đần độn ngu không còn để ai ngu hơn mới không biết. Huống hồ là chị ta có cần ăn vụng đâu mà phải chùi mép. Chúng nó ngồi bàn ăn uống phủ phê là đằng khác. Nên một hôm khi tên công an chở chị vợ mang cơm ra thì ông Bảy bắt đầu nói xa nói gần

    Dạo này tôi thấy em hơi khang khác. Bộ cái anh công an khu vực không phải đi làm sao mà tôi thấy ảnh đi với mình hoài. Không phải tôi ghen tuông đâu, nhưng dù gì mình cũng đã từng là…….

    Không để cho anh chồng hết lời , chị vợ tươm tướp cướp lời, chị vừa nói vừa xỉa cái bàn tay với những cái móng đỏ chót vào mặt ông Bảy :

    Này đừng có mà ghen bóng ghen gió. Tôi đi với người ta là vì công chuyện làm ăn. Cái quầy vé số ông có đây cũng là nhờ người ta cả đấy. Ông thấy có thằng tù nào về mà được như ông không. Sáng nào cũng cà phê cà pháo, hút thuốc có cán lại còn được ngồi với các anh trong ủy ban phường. Ông tưởng ông là ai mà ông bảo dù gì mình cũng từng là….là cái gì? Mà tôi cũng chẳng cần dấu ông làm gì,,, Ừ thì tôi ngủ với nó đấy. Hóa ra bây giờ ông mới biết à!

    Dứt lời chị vơ ngúng ngoa ngúng nguẩy thót lên cái yên sau chiếc xe honda 67 của thằng công an từ nãy đến giờ vẫn nổ máy đậu phía bên kia đường dọt đi mất dạng. Vài người hiếu kỳ từ nãy đến giờ chứng kiến cái cảnh trên cũng ái ngại cho ông chồng. Nhưng cũng có người vì đã chứng kiến thái độ của ông chồng khi ngồi chung với đám việt cộng nên cũng chẳng ngại gì mà không buông ra vài câu xa gần cho bõ ghét:

    Đù mẹ cho đáng đời thằng chả. Cái thứ ngọn cỏ đuôi chồn đó bị vợ cặm sừng là đáng lắm rồi. Còn con mụ vợ lúc nó thót lên cái yên xe trông xốn con mắt. Thứ này phải để cho ngựa mới đã, thật đúng là đồ đĩ ngựa.

    Thế rồi câu chuyện đó cũng chẵng còn ai nhắc đến, vì ai nấy cũng còn quá nhiều điều phải lo. Cuộc sống cứ ì ạch trôi, còn con người thì có kẻ mánh mung chụp giựt, quơ quào về cho mình bất chấp đạo lý luân thường.

    Nhưng cũng có người sống như lục bình trôi, như sống trong một hành tinh xa la, bởi lẽ sống của họ đã mất từ sau ngày 30 tháng 4. Cuộc sống của hai mẹ con Tài ngày một khó khăn hơn, cũng như đất nước mỗi ngày một suy xụp.

    Để cứu đảng, họ bắt đầu phải “hé cửa” ra với thế giới bên ngoài. Đã bắt đầu có “Việt Kiều” về thăm quê. Rồi đến đầu năm 90, những người đi tù cải tạo lần lượt đi Mỹ. Vợ chồng ông Bảy cũng lũ lượt theo đoàn người xuất cảnh. Nhưng bà cũng không quên hứa hẹn với tên công an là sau khi ổn định bà sẽ lại về thăm quê hương, hay nói đúng ra là về để nối tiếp dan díu cho thỏa mãn sự dâm dật của bà.

    Vào giữa năm 1995, Mẹ Tài sau một cơn bạo bệnh nằm liệt giường mất mấy tháng, từ đó đôi chân của bà đi lại rất khó khăn và dần dần bị liệt. Đã hơn một lần Tài ao ước có một người vợ để có người chăm sóc cho mẹ. Nhưng nghĩ đến cảnh vợ chồng ông Bảy khiến chàng ngao ngán, vả lại cũng khó tìm người nào có đủ can đảm để làm vợ một người đui mù què cụt như chàng. Từ đó không bao giờ chàng còn có ý tưởng đó nữa.

    Kể từ ngày “hé cửa”, thành phố cũng có phần thay da đổi thịt. Bọn cán bộ lại càng có cơ hội vơ vét, tham nhũng nhiều hơn. Chúng xây những biệt thự nguy nga tráng lệ, đi những loại xe hơi mắc tiền. Con cái bọn chúng các “cô chiêu cậu ấm” thì xe gắn máy phân khối lớn, thuốc lắc nhẩy đầm từ tối đến sáng, vung tiền qua cửa sổ hàng đêm vài trăm đô là thừơng. Nhiều gia đình có thân nhân ở nước ngoài cũng đã bắt đầu sửa chữa nhà cửa cho khang trang để đón “Việt Kiêù”. Người khá hơn thì xây nhà mới ba hoặc bốn tấm (ba hay bốn tầng lầu đúc). Nhà cửa và điều kiện cuộc sống đi lên thì đạo đức luân thường lại đi xuống. Các quán cà phê ôm, bia ôm, hớt tóc ôm v..v, mọc lên như nấm. Thậm chí còn có cả một số chị em ta bán vé số ôm. Các loại dịch vụ ôm này đã cuốn hút hàng ngàn thiếu nữ trong các vùng nông thôn nghèo đổ dồn về thành phố hoạt động.

    Nếu ngày xưa trong chiến tranh, bọn VC vẫn thường rêu rao là chế độ Miền Nam xấu xa, đã có gần một trăm ngàn gái điếm (không biết bọn chúng thống kê bằng cách nào), thì ngày hôm nay trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, chỉ riêng Đà Nẵng đã gần đuổi kịp con số một trăm ngàn chị em hành nghề không vốn.

    Anh em thương phế binh bán vé số bị giới vé số ôm này cạnh tranh, nên cũng đã nhiều anh em phải bất đắc dĩ chuyển sang nghề hành khất, đàn hát tại các bến xe, các chợ búa hay nơi đông người qua lại.

    Những năm gần đây trong đám “việt kiều yêu nuớc, khúc ruột thừa ngàn dặm” về thăm quê hay về quê ăn tết đã thấy xuất hiện nhiều ông HO “áo gấm về làng”. Có những ông gần đất xa trời gom góp dành dụm ít tiền già cũng ráng về quê để hưởng thú”trâu già gặm cỏ non” với những cô gái tuổi chỉ đáng cháu nội cũng anh anh em em không biết nguợng mồm. Cũng có ông vợ bỏ hoặc bỏ vợ già về quê lấy vợ tuổi chưa bằng đứa con gái út.

    Bọn này khi trở về Mỹ khoe toáng lên nào là Việt Nam bây giờ đổi mới rồi, nhà hàng khách sạn năm sao mọc lên như nấm, các tụ điểm ăn chơi không góc phố nào là không có. Không biết có ăn phải bả Việt cộng không mà có ông còn nổ hơn tạc đạn, nào là ở Việt Nam ngay cả chị bán xôi, anh phu xích lô cũng xử dụng “còm píu tờ”, rồi nào là về VN chơi đã lắm, đủ loại đủ kiểu v..v và v..v

    Một hôm vào buổi chiều, cầm xấp vé số còn quá nhiều trên tay, Tài vừa đi vừa cầu xin cho gặp được nguời khách xộp mua hết cho vì đã sắp đến giờ phải trả lại cho đại lý số vé còn lại. Mấy hôm nay chàng trả lại hơi nhiều nên họ đã dọa không giao vé cho chàng bán nữa, đang lo âu thì có tiếng gọi mua vé số từ trong một quán bia ôm khiến Tài giật mình, vì chưa bao giờ chàng bán được lấy một tấm trong các hàng quán lọai này. Một lần chàng còn bị một tên công an đang ngồi trong quán dọa xé hết vé và quăng ra ngoài, nên từ đó không bao giờ chàng mời những ông khách loại này mua vé số nữa. Tài đứng lại nhìn vào thì thấy một ông tuổi chừng 60, trắng da, dài tóc ra dáng Việt kiều đang ôm một cô tuổi chừng ngoài hai mươi ngồi trên đùi giơ tay ngoắc Tài :

    -Ê vô đây cho người đẹp lựa ít tấm coi.

    Tài khập khiễng bước vào chìa xấp vé số cho cô gái lựa, bỗng chàng nhận ra người đàn ông không ai xa lạ chính là ông đại úy Bảy. Chàng chợt nhớ ra mấy năm trước người ta đồn là sau khi sang Mỹ không được bao lâu thì bà vợ ông ngựa quen đường cũ, khi đang đi làm rửa chén cho một nhà hàng bà đã chài mồi thằng cha chủ đê mê đến nỗi cả hai đứa cùng hẹn nhau ra tòa, gã ly dị vợ ả đá đít chồng rồi cả hai cùng sáp lại với nhau. Mụ trở thành bà chủ một nhà hàng lớn. Tiền bạc dư dả mụ bắt đầu lấy lý do về thăm mẹ ở Việt Nam hàng năm, để đú đởn với thằng kép công an trẻ. Còn ông Bảy thì sau khi bị vợ đá đít, ông giả điên giả khùng rồi chạy chọt với đám nhân viên sở xã hội người Việt để hưởng tiền an sinh xã hội với lý do ở tù cộng sản lâu nên bị hội chứng thần kinh thương nhớ. Sau đó, ông còn sống già nhân ngãi non vợ chồng với một bà hơn ông chừng sáu tuổi đã hưởng trợ cấp tiền già. Bà này dành dụm được đồng nào đều bị ông ngon ngọt dụ dỗ lấy hết sạch. Mấy năm nay, năm nào ông cũng về VN ăn chơi xả láng một hai tháng.

    Nhìn cái mặt khả ố mày trơ trán bóng của ông Bảy đang ngồi đú đởn với cô gái tiếp viên bia ôm trước mặt, chàng giận tím mặt giật phắt những tấm vé số trên tay cô gái rồi chỉ tay thẳng vào mặt ông Bảy lắp bắp chửi :

    Đù mẹ, không có bán buôn gì hết. Chỉ vì có những sĩ quan hèn hạ như ông nên mới mất nước, đồ phản bội.

    Dứt lời chàng rời khỏi quán, vì sợ nấn ná thêm không dằn được chàng dám cho ông một nạng.

    Từ khi có chương trình cho các ông sĩ quan ở tù về được đi Mỹ, chàng luôn đặt niềm tin rằng họ sang Mỹ sẽ có điều kiện để tiếp tục đấu tranh giành lại quê hương, cũng như ngày xưa chàng đã đặt trọn niềm tin vào các cấp chỉ huy trực tiếp, tin vào lý tưởng chiến đấu Bảo Quốc An Dân của người lính VNCH, chàng đã hăng say lao vào lửa đạn, đã hy sinh gần nửa phần thân thể không một chút tiếc nuối, đã bị kẻ thù lăng nhục vùi dập đến đáy địa ngục nhưng chàng vẫn cao ngạo ngẩng cao đầu. Đang chống nạng rảo bước, Tài nghe có tiếng gọi của nguời con gái chen lẫn với tiếng chân dồn dập phía sau nên dừng lại.

    Chú ơi ! Con có chuyện muốn nói với chú……. Chú làm con nhớ ba con quá. Ba con mất mấy năm rồi. Con nghe má con nói ngày xưa ba con là lính nhẩy dù, ổng xông pha khắp các mặt trận bị thương thẹo cùng mình. Những năm sau này mỗi khi có vài ly rượu ông lại mang cái nón đỏ ông vẫn giữ ra mân mê trên tay miệng thì lẩm bẩm những chữ gì như U Minh, Đambe, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả v…v . Con nghe mà hổng biết ổng nói gì. Sau má cho con biết là ba đang nhớ về dĩ vãng, đang nhớ lại những nơi đã từng hành quân qua. Đôi lúc con thấy nước mắt ba chảy xuống chắc là ba đang nhớ đến những bạn bè đã chết. Hồi nãy nghe chú xì nẹc cái ông già đó con thấy ổng hèn quá con quăng cái tờ 100 đô lại vào mặt ổng. Ổng muốn con đi ngủ với ổng đêm nay nhưng nhìn vào mặt ổng lúc đó sao con muốn ói quá. Từ ngày mai, mỗi ngày chú đi ngang con sẽ mua giúp chú ít vé. Biết đâu Trời ngó xuống cho mình trúng một cái để thoát cái kiếp sống nhơ nhớp này ?????????. Nói đoạn cô gái dúi vào tay Tài một nắm giấy bạc rồi liến thoắng tiếp:

    Hôm nay con mua nhưng tặng lại cho chú. Nếu trúng nhớ đến con, mai con chờ chú đó.

    Không để cho Tài kịp trả lại tiền, nàng thoăn thoắt đi trở lại quán. Tài không có phản ứng gì, một giọt nước mắt từ trong cái hốc của con mắt đã bị múc đi hơn 30 mươi năm đang lăn dài xuống má. Chàng mặc cho nó cứ tiếp tục rỉ ra. Đã từ lâu chàng vẫn nghĩ rằng chàng sẽ không bao giờ còn nước mắt để khóc. Cuộc đời cay đắng đã vắt chàng cạn kiệt từ tâm hồn đến thể xác. Chàng hằng cầu xin Trời Phật hãy giữ lại cho chàng một giọt để dành cho ngày mẹ nằm xuống.

    Thời gian càng làm cho cô gái tên Mỹ và Tài thêm thân thiện như người trong gia đình. Những ngày nghỉ nàng thường ghé thăm và giúp đỡ dọn dẹp, vệ sinh cho mẹ Tài mà nàng gọi là bà nội. Nàng cảm thương cho số phận của Tài, đôi khi nàng muốn giúp anh một ít tiền nhưng đều bị anh từ chối.

    Chú tàn nhưng không phế đâu con. Con hãy dành dụm gởi về giúp má con và mấy anh chị. Con cũng còn phải lo cho con nữa chứ. Liệu sớm thoát cái cuộc sống đó đi con à. Con giúp chú và bà nội như vậy là quá nhiều rồi.

    Mấy hôm nay đài phát thanh đưa tin cơn bão Shansheng số 6 sắp sửa đổ vào Đà Nẵng. Phường ra lệnh cho mọi gia đình phải di tản sâu về phía trong núi để tránh bão. Vì thân tàn tật chàng lên phường xin giúp di tản mẹ, nhưng họ trả lời là họ đang còn phải lo cho các gia đình chính sách,. Đang loay hoay không biết xoay sở thế nào thì Mỹ đến bằng một chiếc xe du lịch. Nàng hối hả dục Tài nhặt nhạnh ít đồ dùng cần thiết rồi cùng người tài xế khiêng bà cụ ra xe. Sau khi đã đến được nơi tuơng đối an toàn nàng bảo người tài xế mang xe về không quên gởi lời cám ơn đến tên thủ trưởng của anh ta, rồi nàng quay sang Tài cười ngặt ngẽo:

    Chú biết không, mấy thằng cán bộ lớn chỉ giỏi hách dịch với dân, nhưng khi trốn vợ đi cải thiện linh tinh là bị tụi con quay như quay dế. Hồi nãy con dọa nó không đưa xe cho con mượn thì con sẽ đến nhà nó để tránh bão. Con còn nhá cho nó thấy mấy tấm hình đã được chụp lén. Lão sợ quá vội lệnh cho tài xế chở con đi liền. Thủ đoạn này con học ở bọn chúng nó đó chú. Con dùng mấy tấm hình này như cái vòng kim cô để bắt chúng phải ngoan ngoãn chi đẹp. Con cũng biết rất nguy hiểm vì bọn chúng rất tàn ác. Nhưng đã leo lên lưng cọp rồi, cùi đâu sợ lở nữa chú.

    Đêm hôm đó mây đen vần vũ, gió rít lên từng cơn, sấm sét đầy trời. Những mảnh vụn gạch đá bị gió cuốn bay đi đến tận chỗ đoàn người lánh nạn. Cũng may ba bà cháu cùng một số người nằm trú dưới hiên của một căn nhà lầu đúc kiên cố, nên an toàn, nhưng cái lạnh làm mọi người run lên lập cập. Mẹ chàng nói là cả đời bà sống ở Đà nẵng nhưng chưa bao giờ có một trận bão mạnh như lần này. Mãi đến trưa ngày hôm sau khi bão đã hết chỉ còn mưa nặng hột kéo dài, chàng dặn Mỹ canh chừng bà nội để chàng về qua nhà xem sao. Một cảnh tượng hoang tàn đổ nát không thể nào tưởng tượng nổi. Hầu hết các ngôi nhà đều bị xập hoặc trốc mái. Chỉ có những căn nhà lầu đúc là còn đứng vững chỉ bị bể cửa kiếng vì bị gạch đá văng vào. Những nhà này hầu hết là của đám cán bộ hay những gia đình có thân nhân ở nuớc ngoài. Đứng nhìn ngôi nhà mẹ con chàng chui rúc mấy chục năm nay chỉ còn là đống gạch vụn, chiếc chân còn lại như muốn khụy xuống may nhờ còn cặp nạng chống cho người chàng không đổ xuống. Cái tủ dùng làm bàn thờ cha và cái giường duy nhất để mẹ nằm đã gãy nát. Rồi đây biết ăn vào đâu biết ở vào đâu.

    Cả buổi chiều chàng cứ thẫn thờ hết đứng lại ngồi giữa đống gạch vụn. Sự đau khổ đã đến tột cùng của sức chịu đựng,. Thân xác chàng như tê cứng. Hai tay bưng lấy mặt chàng muốn gào lên thật to “Chúa ơi! Phật ơi! Mẹ con con có làm chi nên tội mà các Ngài nỡ đày đọa mẹ con con đến nỗi này.” Trời đã xụp tối và đã thấm lạnh vì nước mưa thấm qua chiếc áo tơi, Tài quay về nơi tạm trú không hé một lời. Thấy nét mặt nặng trĩu của Tài, Mỹ cũng đoán được, nên nàng cũng không hỏi vì sợ bà nội biết sẽ có ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

    Ngày hôm sau mọi người dân chạy tránh bão lại lục tục kéo nhau về. Tài cũng gọi một chiếc xích lô để mẹ ngồi còn mình và Mỹ thì lội bộ theo sau. Về đến nhà sau khi dọn dẹp lấy một khoảnh trống để trải được chiếc chiếu cho mẹ có chỗ ngả lưng, bấy giờ bà cụ mới gọi Tài và Mỹ lại gần rồi bà lần vào cái ruột tượng quấn ngang lưng lôi ra hai cái nhẫn vàng đưa cho Tài:

    Mẹ giữ cặp nhẫn cưới của bố mẹ định để khi nào mẹ chết thì con dùng nó để lo liệu cho mẹ, nhưng bây giờ thì con hãy dùng nó để mua cái gì dựng tạm chỗ che mưa nắng rồi sau này định liệu sau.

    – Mẹ cứ cất đi, khi nào cần con sẽ xin mẹ, con cũng có ít tiền của bà con ở nước ngoài gởi về giúp hai lần được một trăm đô, con còn dành đó để khi nào ngặt lắm mới sài. Nhưng Tài đã ngăn lại

    Quả thật khi nhận được số tiền này chàng vô cùng mừng rỡ. Mối lo lớn nhất của chàng là khi mẹ nằm xuống biết lo liệu làm sao, nên khi có số tiền này chàng đã luôn cất kỹ bên mình và cũng hứa với lòng là chỉ dùng nó cho việc hậu sự của mẹ. Tài dặn Mỹ ở nhà với bà rồi tất tuởi đi. Đầu tiên chàng đi gặp vài ba nguời hàng xóm để thăm hỏi và xin họ giúp dựng cái lều, ai nấy cũng đều sẵn lòng. Chàng đi tìm mua được một miếng bạt vừa đủ chỗ che mưa nắng cho hai mẹ con. Chàng mua thêm được mấy miếng ván kê lên làm chỗ ngả lưng cho mẹ.

    Từ hôm bão đến nay đã hơn mười ngày chàng cũng chưa đi bán vé số lại, cũng chẳng trông chờ gì vào sự giúp đỡ của chính quyền này được. Hôm qua họ thông báo lên phường lãnh gạo. Sau khi sắp hàng ngồi chờ hơn hai tiếng đồng hồ thì xe gạo mới đến, nhưng rồi tên trưởng đồn công an yêu cầu “ngụy quân ngụy quyền” đứng riêng sang một bên để ưu tiên cho các gia đình cán bộ, gia đình chính sách, nhân dân …. Trước thái độ phân biệt đối xử, nhiều anh em bất mãn buông tiếng chửi thề bỏ ra về. Tài cũng uể oải đứng dậy theo anh em. Chàng ngẫm nghĩ, chúng nó kêu gọi nguời Việt hải ngoại hòa hợp hòa giải, xóa bỏ quá khứ để mang tiền về làm giàu cho chúng chứ nó có hòa hợp vói ai, vậy mà cũng có nhiều thằng ngu đem tiền về làm ăn rồi bị nó lột sạch.

    Ba muơi mốt năm nay tuy là tầng lớp thống trị nhưng chúng nó có bao giờ xóa bỏ hận thù với những người không còn một tấc sắt trong tay, thậm chí cả với những thương phế binh như chàng. Mấy hôm nay chính quyền trung ương tuyên bố sẽ trợ giúp một triệu đồng cho các nhà bị tốc mái và năm triệu cho các nhà bị xập hoàn toàn. Nhưng chẳng mấy ai tin tưởng vì đã bao năm nay, mỗi lần có thiên tai thì y rằng sau đó nhiều ngôi nhà ba bốn tấm lộng lẫy lại mọc lên, nhưng chủ của nó không còn là những người cũ, vì họ không có tiền dựng lại nên đành phải bán đất lại cho đám cán bộ có chức có quyền, chúng chia nhau lấy tiền trợ cấp đó để làm nhà. Chúng còn dùng thủ đoạn “quy hoạch, giải tỏa, khoanh vùng” đuổi dân đi, nhưng bồi thường không tuơng xứng, để trắng trợn cướp nhà cướp đất của đồng bào, hành động bất nhân này đang xảy ra trên phạm vi cả nước, tiếng dân oan khiếu kiện đã thấu trời xanh???.

    0-0-0-0-0
    ………….. Thưa anh cuộc sống của anh em thương phế binh chúng em như vậy đó. Chúng em vẫn chiến đấu dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn để đày đọa nhục mạ chúng em. Chúng em vẫn kiên quyết ngẩng cao đầu. Điều làm chúng em ghê tởm nhất là sự phản bội của đồng đội, của các cấp chỉ huy. Sự phản bội của ông Kỳ đã làm vết thương của chúng em mưng mủ trở lại. Nhưng điều đó không làm chúng em nhụt chí, lời thề Biệt Động Quân Vì Dân Quyết Chiến dưới chân bức tượng đồng đen chúng em vẫn hằng ghi nhớ. Em vẫn tin tưởng và trông chờ nơi các anh không phải là số tiền các anh gởi cho, mà là sự đấu tranh của các anh cùng toàn thể đồng bào trong và ngoài nước, để sớm có một ngày quang vinh cho toàn dân tộc, để mọi người dân được huởng quyền tự do căn bản, để chị em phụ nữ không còn phải đi làm dâu hay bán thân cho Đài Loan, Hàn Quốc, để thanh niên không còn phải đi lao động nô lệ xứ người, và để chúng em một lần nữa được nói với mọi người rằng: “Chúng tôi rất hãnh diện đã hy sinh một phần thân thể, đã đóng góp máu xương bảo vệ tự do và dân chủ cho mảnh đất quê hương yêu quý này”. Đó chính là đoạn kết chuyện buồn của những thương phế binh vẫn còn nặng lòng với quê hương đất nước, vẫn kiên trì đấu tranh để mong có ngày đất nước hồi sinh . . . . . .

    Thương Phế Binh Biệt Động Quân Phan Thanh Tài


    Đọc xong lá thơ của Tài, Trung vô cùng xúc động trước nỗi bất hạnh dồn dập xẩy đến với Tài. Hình hài của mẹ cha ban cho đã bị bom đạn cướp mất một phần từ năm mười chín tuổi. Ở cái tuổi mà nhiều người còn đang cắp sách đến trường, đang mộng mị yêu đương, để rồi từ ngày ấy Tài đã phải chôn kín những ước vọng chính đáng nhất của một con nguời, đó là yêu và được người yêu. Cái đáng quý của anh em TPB là dù bị xã hội bỏ rơi, chính quyền Việt cộng chà đạp, nhưng anh em vẫn kiên quyết vươn lên. Lòng trung kiên gắn bó với chế độ VNCH mà anh em đã phục vụ được thể hiện ở chỗ hầu hết các anh em vẫn giữ và trân quý những giấy tờ cá nhân mà đối với chính quyền Việt cộng thì nó có thể còn mang tai họa đến cho bản thân và gia đình. Còn chúng ta có bao nhiêu sĩ quan đang sống ở hải ngoại còn giữ được cái bằng tốt nghiệp hay cái quyết định thăng thưởng – Có bao nhiêu người còn ý chí đấu tranh giành lại quê hương một cách tích cực hay không, hay đã cho rằng được sang Mỹ sống có nhà to, có xe đẹp là mãn nguyện rồi, là quên đi trách nhiệm, là quên mất lời thề, thậm chí có kẻ còn mỉa mai những anh em đang tranh đấu là”bọn ăn cơm nhà vác ngà voi”, “những kẻ chống cộng về chiều”. Đối với đám phản bội này thì Trung đã khinh bỉ bọn chúng từ lâu.

    Thật may mắn, lá thơ của Tài đến thật đúng lúc, Trung vừa tổ chức bữa cơm gây quỹ cứu trợ Thương Phế Binh nạn lụt miền Trung tại thành phố nhỏ này. Số tiền thu được vừa đủ giúp cho sáu mươi anh em, đang điền phiếu gởi tiền thì lại có tin cơn bão số 7 sắp sửa đổ vào các tỉnh miền Trung. Chẳng lẽ cứ “phước bất trùng lai họa vô đơn chí” giáng xuống đầu dân lành vô tội mãi sao… “Trời cao có mắt, xin Ngài hãy xuống tay đối với đám cộng đảng chóp bu để dân tộc con thoát khỏi cảnh lầm than, sống không đặng mà chết cũng chẳng xong”.



    Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X