Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nghe Sài Gòn Trôi

Collapse
X

Nghe Sài Gòn Trôi

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nghe Sài Gòn Trôi

    Nghe Sài Gòn Trôi...
    ~~~





    Ông đứng tại một góc của khu bùng binh Phan Thanh Giản, Lý Thái Tổ, nay là Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ, nhìn những con đường đầy nghẹt xe và người. Đông nghịt, bụi bặm, dơ bẩn, và hỗn độn. Như ong vỡ tổ. Như đàn thú rừng đang bị đuổi theo sau bởi những con thú mạnh hơn. Như những cảnh trong những khúc phim chạy giặc. Mà cần gì phải phim với ảnh, chạy giặc thì có hiếm hoi gì trong xứ sở này. Những ngày cũ bỗng hiện rõ trong tâm trí, những tin tức về các trận đánh lớn như đang được loan báo: Quảng Trị, Mỹ Chánh, Phố Buồn Hiu, Đại Lộ Kinh Hoàng, rồi dần dần Lăng Cô, Hải Vân, rồi Cheo Reo, Phú Bổn. Và những năm tháng cuối cùng, Bình Long, An Lộc, rồi Long Khánh, Xuân Lộc, rồi những cứ điểm án ngữ cho thủ đô Sài Gòn. Vâng, cảnh chạy giặc đã diễn ra liên miên ở khắp nơi. Mới ngày nào, thế mà đã hơn một phần tư thế kỷ! Ông bàng hoàng.

    Trời như bừng lên cơn nóng mới, nung nấu, hừng hực. Ông lại đi dọc trên vỉa hè dòm ngó các tên đường, các bảng hiệu, mắt hoa lên, mồ hôi tươm ra ướt từ lưng ướt lên vai, ướt đẫm chiếc áo sơ mi vừa mới thay. Đầu tóc của ông cũng dần dần ướt nhèm, mồ hôi trán đổ ra cay mắt. Thỉnh thoảng ông phải đứng lại gỡ gọng kính và rút chiếc khăn tay ra lau mắt kính, lau mặt, lau trán, chiếc khăn tay ở một góc có thêu hai cánh hoa hồng thật nhỏ cài lên nhau, một cái màu tím, một cái màu vàng. Thủy vừa tặng ông chiếc khăn tay đó "để anh nhớ mãi". Ông nghĩ đến cái khách sạn sang trọng và cô phụ tá quản lý duyên dáng, xinh đẹp, tình tứ. Mình đã đi rong hết cả tuổi thanh xuân, nay đã đến lúc mình nên dừng chân một nơi nào hay chưa, ông tự hỏi. Thấy lòng nguội lạnh. Mọi chuyện đều đã đến với ông quá trễ tràng.

    Ông lầm lũi bước. Ông có cảm tưởng bị lạc vào một thành phố lạ. Khu Ngã Bảy này nhiều đường đã mang tên mới, Phan Thanh Giản biến thành Điện Biên Phủ, Lý Thái Tổ thì vẫn cứ Lý Thái Tổ; rồi nào là Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú ... những tên gọi nghe bỡ ngỡ và chát chúa. Như tiếng búa nện lên đe. Tóe lửa. Giữa búa và đe là gì? Là những miếng nhôm, miếng thiếc, thỏi sắt, thỏi chì, méo dần, mỏng dần. Là da thịt máu xương nhầy nhụa. Là những linh hồn vất vưởng. Núi lửa ở đâu phun ra thế, những dòng nham thạch đỏ như máu chảy cuồn cuộn nuốt chửng đồi núi, trang trại, trâu bò, nhà cửa.

    Ông đi mệt nhoài vẫn chưa thấy đường Nguyễn Chí Thanh đâu cả. Tên cũ của con đường này là gì? Minh Mạng chăng? Trần Hoàng Quân chăng? Và tên cũ của nhiều con đường khác là gì? Ông quên nhiều quá rồi. Cảnh cũng lạ. Ông đi như đi trong cơn mê. Mộng du. Hay trước mắt là những con đường hoàn toàn mới vừa được phóng ra. Còn những con đường cũ thì vẫn có đó, nhưng nằm ở một nơi nào không chịu cho ông nhìn thấy. Ôi, những con đường lẩn khuất, trốn chạy, những doanh trại tàng hình, những người lính già giấu mặt, những thương binh lê la, quằn quại, những nghĩa trang san bằng!

    Và bức tượng nữa chứ, bức tượng người lính Cộng Hòa ôm súng ngồi trước nghĩa trang bên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa! Người ta nói nhiều điều về bức tượng đó ngay từ khi ông vừa đến được một trung tâm tỵ nạn ngoài Biển Đông hơn hai mươi năm về trước. Những buổi trưa nắng mênh mông có nhiều ma quái lảng vảng, những buổi chiều tranh tối tranh sáng có lắm oan hồn lang thang, những hôm trời mưa dầm dề như than như khóc, bức tượng cô đơn ngồi ôm súng mặt bỗng buồn rầu, mắt bỗng âm u, bỗng từ từ trở mình cúi đầu nhìn vết thương xé lồng ngực, máu rỉ thành dòng. "Kẻ hành nhân qua đó" đau lòng quá, quỳ xuống sụp lạy, thì bức tượng liền tan ra thành sương khói, để lâu lâu lại một mình hiện về chốn cũ loay hoay ôm súng tìm kiếm chỗ ngồi.

    Sao người tạc tượng nhẫn tâm đến thế, ông ngẫm nghĩ. Sao không tạc thành hai bức tượng ngồi kề bên nhau, cho có bạn đồng ngũ, khi buồn khi vui có người trò chuyện. Hoặc tạc thật nhiều tượng, cái này đổ nát còn cái khác, cái nọ bị giật sập còn cái kia. Ông nhớ có lần đi Trung Quốc xem hàng trăm, hàng ngàn bức tượng tạc hình chiến tướng, chiến binh, chiến mã, chiến xa bị chôn vùi xuống lòng đất cùng với một ông hoàng đế nổi tiếng tàn bạo mấy ngàn năm về trước. Ông lẩm bẩm Tần Thủy Hoàng tuy vậy vẫn có một chút tấm lòng với sĩ tốt.

    Bỗng ầm ầm sấm sét, những tia chớp xé ngang bầu trời đen. Cơn mưa đổ xuống nhanh và nặng hạt. Mặt đường bốc khói mù. Ông đang rảo bước trên vỉa hè tìm đường tránh mưa thì một xe gắn máy từ xa chạy tới thắng két ngay trước mặt ông, chận ông lại. Người lái xe thò đầu ra khỏi chiếc áo mưa pông-sô trùm kín, nón lưỡi trai rằn ri ướt sũng nước nhỏ thành giọt chảy ròng ròng trên khuôn mặt hốc hác, xương xẩu. Cặp mắt nhìn ông lạnh như tiền:
    "Nhảy lên xe ngay. Đi đâu tui chở đi. Lẹ lên!"

    Như tiếng ra lệnh. Ừ thì lên, rồi mình bảo xe ôm này chạy đến đường Nguyễn Chí Thanh là xong, ông thầm nghĩ. Ông cúi đầu chui vào tấm áo mưa. Một thân hình mềm mại đã ngồi sẵn dưới tấm áo mưa pông-sô từ bao giờ, lưng đâu lưng với người lái xe. Ông giật mình. Rất nhanh nhẹn, hai cánh tay như hai con rắn quấn lấy ông, hai bàn tay mơn man, mùi nước hoa rẻ tiền xông lên. Chiếc xe gắn máy chạy lượn qua, lượn về, lảo đảo trên những vũng nước đọng như say rượu, nhiều lần chực ngã, rồi từ từ chạy êm. Nước mưa trên mặt đường bắn lên làm ướt nhèm đôi giày ông đang mang, chiếc quần ông đang mặc. Như trong đêm đen, ông không trông thấy gì cả, không thể đoán được bọn người này chạy trên những con đường nào, sẽ đưa ông đi đâu. Lỡ chúng nó dẫn ông vào một "ổ nhện", hay đưa đến một nơi vắng rồi trấn lột. Ông chột dạ, la to bảo người lái xe ôm cho ông xuống ngay. Thì một ngón tay nhỏ nhắn đặt nhẹ trên môi của ông, tiếng nói âm thầm rót vào tai ông, yên đi nào, bồ nhà mà, có gì đâu mà ầm ĩ, quê lắm, người ta cười cho. Bỗng người lái xe ôm hét to át cả tiếng mưa rơi:

    "Đâu?"

    "Đường Nguyễn Chí Thanh," ông vội đáp.

    "Không," cô gái cướp lời. "Chỗ mọi ngày trên đường Vạn Hạnh."

    Đường Sư Vạn Hạnh? Ông nghe quen quen. Ông vội la lên:

    "Nhưng tôi cần đi gấp, tới đường Nguyễn Chí Thanh cho tôi."

    Cô gái đáp ngay:

    "Cứ tới Vạn Hạnh trước, rồi Nguyễn Chí Thanh sau. Gần lắm."

    Ông đang lúng túng chưa biết nói gì thì chiếc xe đã từ từ đậu lại. Ông chui ra khỏi chiếc pông-sô, tiếp theo là người con gái. Cô bé nhỏ quá, gầy nhom, vẻ mặt nửa quê nửa tỉnh, không đẹp không xấu, quần áo xốc xếch, nước da trắng bệch, tóc ướt đẫm nước mưa. Nếu ông có con thì cô bé này đáng tuổi con út của ông. Ông nhìn quanh. Ngay bên lề đường, dưới cơn mưa, ông để ý thấy trước một căn nhà có treo bảng Phòng Ngủ núp sau cây phượng cành lá sum suê, xanh biếc. Cô gái nói một hơi:

    "Trả tiền xe lẹ lên anh. Hay không trả cũng được, em trả sau. Rồi theo em vô ngay trong kia đi chớ đứng lớ ngớ ở đây coi chừng người quen anh trông thấy lại bảo anh bắt cóc em thì nguy cho anh đó."

    Ông ngớ người ra tưởng cô bé đang nói chuyện với một người nào khác. Anh lái xe ôm nheo mắt nhìn cô gái rồi rú máy phóng xe nhanh.

    Cô gái cười vô tư, cầm tay ông kéo ông đến trú mưa cạnh một cái sạp xập xệ có mái che. Có lẽ đây là cái sạp bán báo đã bỏ trống lâu ngày. Cô bé “anh em” ngọt xớt khiến ông cảm thấy ngượng. Ông ngẫm nghĩ “anh" sắp về già, "em" thì con nít, tuổi chanh cốm. Ô, lại hão huyền, làm gì có chanh có cốm, họa chăng là có mùi thuốc lá, có mùi nước hoa không thơm, có cần sa, ma túy, và có thể có cả hàng tỷ vi trùng bệnh liệt kháng trong người! Đứng xớ rớ ngoài đường bên một cô gái gầy gò, xanh xao, tả tơi, ông không khỏi nghĩ đến cô phụ tá quản lý khách sạn xinh đẹp trên đường Đồng Khởi mà ông vừa tán gẫu. Sự tương phản quá lớn, một thiên đàng, một địa ngục, cách xa nhau không quá vài ba cây số. Không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, ông hỏi đại:

    "Cháu tên chi?"

    "Cháu cái gì mà cháu! Đi với nhau như vầy mà cháu? Kêu em thì mỏi miệng lắm hả?"

    "Thì em ... tên chi?"

    "Châu Lệ Thường."

    "Tên lạ và hay, như tên Tàu. Nhưng trông em Việt Nam chay. Này cháu, này em, cho biết tôi phải trả bao nhiêu tiền xe ôm. Tôi phải đi ngay. Làm ơn chỉ giùm tôi tới đường Nguyễn Chí Thanh."

    "Khoan cái đã nào. Làm gì mà khẩn trương dữ vậy? Nhưng anh ranh quỷ lắm, em đúng là Việt Nam chứ không Trung Quốc đâu. Mà có được cái tên ấy cũng không phải dễ. Nghe mùi không?"

    Thấy cô bé cố kéo dài câu chuyện, ông vừa buồn cười vừa nổi tính tò mò:

    "Mùi mẫn lắm. Mà ‘không phải dễ’ nghĩa là sao? Phải ghi danh, phải đăng ký với cơ quan nhà nước mới dùng được cái tên đó?"

    "Gì mà ghê vậy! Em tự đặt nó. Nói chơi đó, em mướn người ta đặt tên cho em."

    Thấy cô gái này cũng hay hay, ông gợi chuyện:

    “Nhưng em từ vùng nào đến đây?"

    "Đoán đi!"

    "Chắc Cần Thơ hay Châu Đốc."

    "Trật lất! Em dân Sài Gòn chớ bộ."

    "Em mấy tuổi?"

    "Ủa, hỏi làm chi mà kỹ vậy? Hết tên, rồi chỗ ở, rồi tuổi! Bộ anh làm nhà báo hả? Hay công an?"

    Ông cũng tự thấy mình ngớ ngẩn. Từ ngày về thăm quê nhà đến giờ, ông bỗng sinh ra cái tật ưa tò mò hỏi han đủ chuyện. Chuyện gì ông cũng muốn thử, muốn nghe, muốn hiểu, muốn biết, muốn nhớ. Sống xa quê hương, nhiều khi ông cảm thấy mình không dính vào đâu cả, mình đi lông bông, mình thiếu một căn cước. Về thăm lại những nơi cũ, ông vẫn không gạt bỏ được tâm trạng đó. Có lúc còn thấy lạc lõng hơn. Cho nên ông cố tìm hiểu mọi chuyện mong rằng, biết đâu, từ đó mình có thể tìm thấy được điều mà mình muốn tìm. Điều gì vậy? Ông chưa có một ý niệm rõ ràng.

    Bỗng cô bé quắc mắt nói to:

    "Đàn ông các anh đều giống nhau. Tên nào gặp tui cũng ưa hỏi han, săn đón, làm như mết lắm, rồi đùng một cái, quên phứt ngon lành. Thôi, theo em vô trỏng ngay, không nên đứng đây lâu."

    "Sợ công an hả?"

    "Sợ cái khỉ mốc! Tụi nó đứng hà rầm đầy đường anh không thấy sao?"

    "Công an đầy đường? Mặc thường phục? Có sao không em?"

    Cô bé cười ngặt nghẽo:

    "Công an nào mà công an! Em muốn nói tụi nó đó. Tụi nó giống như em đó mà. Toàn là đồng chí của em cả. Thôi theo em, vô lẹ đi."

    Nói xong, cô bé quay ngoắt người định đi, ông nắm vai cô bé giữ lại, hỏi gặn thêm:

    "Nhưng làm sao phân biệt cô nào là ... là như em, cô nào khác em? Anh muốn hỏi cô nào không phải là, là, đồng chí của em. Theo anh thấy thì ai cũng giống ai cả."

    Cô bé tỏ vẻ sốt ruột, chu miệng nói to:

    "Ủa, hỏi làm chi vậy? Lại muốn giở trò kén chọn, muốn tìm con khốn nạn nào khác? Bộ em không xứng với anh chắc. Anh già khú đế mà còn chê ỏng chê eo? Đ. chịu nổi cái ông già dịch này. Đi vô mau mau cha nội, hết cả ngày giờ của tui rồi. Mà liệu cái thần hồn đó. Anh mà đổi ý là em la làng ngay lập tức cho anh biết mặt."

    Giọng nói của cô bé đỏng đảnh, trầm bổng, "làm đày làm láo", trong khi nét mặt non choẹt trông thật thà đến ngờ nghệch. Cố càng làm ra vẻ sỏi đời càng khiến ông không thể nào nín cười được.

    Cô gái bỗng đấu dịu:

    "Anh kiêu ngạo em hả? Thôi anh, đi vô trỏng cho xong xuôi một việc anh ơi! Em năn nỉ anh mà anh!"

    "Không, anh không chọc quê em đâu. Muốn nói gì nữa thì em cứ nói, cứ mắng, cứ chửi, anh sẵn sàng nghe."

    Quả thật ông thích nghe cô bé này nói. Ông thích nghe cả những câu chửi thề của cô. Biết đâu cô cũng chửi có bài có bản, chửi như tát nước vào mặt, chửi tắt cả bếp lửa, chửi như mất gà không bằng. Ông nhớ lại hồi bé ở quê có bà hàng xóm bị mất gà ngày nào cũng đi quanh xóm chửi bới từ chiều đến tối. Cứ thế liên tiếp năm ngày thì con gà không biết từ đâu lù lù chạy về. Nhưng không lẽ cứ giữ cô bé đứng đây nói chuyện mãi, ông buồn rầu bảo:

    "Chú đưa ... à anh đưa em vài trăm ngàn nhé! Em trả cho anh xe ôm bao nhiêu thì trả, số còn lại em cất đi! Anh thương em lắm, anh nói thiệt. Nhưng anh có công chuyện phải đi ngay, không vô trỏng được đâu. Em chỉ cho anh tới đường Nguyễn Chí Thanh đi!"

    Ông rút từ trong ví bốn tờ giấy 50.000 đồng. Cô gái giật mình, quay người, há mồm nhìn ông đăm đăm:

    "Đường Nguyễn Chí Thanh hả? Thì cũng gần đây thôi. Ô, mà té ra anh! Anh cố ăn mặc lùi xùi để bẫy em. Nhưng em đã nghi rồi. Thế mà em lụt quá! Trời ơi là trời! Đã nghi mà không chịu nghi thêm một chút nữa. Nhưng cũng còn may. Anh Việt kiều có đúng không?"

    Ông im lặng nhìn cô gái, ngượng nghịu, áy náy, có cảm tưởng như mình là kẻ ăn vụng vừa bị phát giác. Bỗng cô gái cúi mặt xuống nhìn bàn chân hơi thô mang giép Nhật đang dí xuống vũng nước đọng trên lề đường, mặt buồn thiu, rồi rơm rớm nước mắt, rồi khóc oà. Cô khóc thiệt, hai bàn tay úp vào mặt, thổn thức rung cả người. Mấy người bộ hành đang đứng núp mưa dưới mái hiên của dãy nhà gần đó trố mắt nhìn hai người. Ông lọng cọng không biết xử trí như thế nào. Cô khóc tấm tức một chốc, kéo vạt áo bà ba lau nước mắt, rồi lấy lại bình tĩnh, kể lể:

    "Chú ơi, chú có biết là cháu khổ lắm không? Đúng như chú nói, cháu có phải là dân ở đây đâu. Cháu ở dưới quê, làng An Hữu gần bắc Mỹ Thuận. À mà hết bắc rồi, nay đã có cây cầu dài ghê lắm..."

    "Vâng, trông cháu thiệt thà, chú đã đoán biết."

    "Cháu đi theo mấy con bạn rủ rê lên đây làm ăn cho có tiền. Cứ tưởng như thế là hay, ngờ đâu. Bây giờ biết làm sao. Nhưng thế nào cháu cũng phải về quê, cháu nhớ tía, nhớ má muốn chết. Về quê thì lại không có việc làm, đi làm rẫy bậy bạ, cũng... cũng xệ lắm chú ơi."

    Ông vỗ nhẹ vào vai cô bé, tìm lời an ủi. Không biết nói thế nào cho phải, ông buột miệng nói như con vẹt:

    "Cháu còn trẻ lắm, tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đằng trước. Nhưng bây giờ tạm thời về quê sống cho đàng hoàng đi. Đó là giải pháp hay nhất!"

    Cô bé không hề để tâm đến lời ông nói, tiếp tục kể lể:

    "Tội nghiệp ông bà già cứ tưởng cháu đang làm thợ dệt cho công ty Đài Loan, đường Nơ Trang Long ở Bình Thạnh. Ngày nào cháu cũng mua vé số, cũng đánh đề, mà trời chưa chịu ngó tới cháu. Cháu thề có trời đất lần này là lần thứ nhất, không, lần ... thứ hai ... vì trời mưa, cháu quá giang cái thằng chết dịch đó ... thì gặp chú. Chú cũng ... vậy, phải không? Chú mới đi kiếm gái lần đầu chắc. Thấy chú thiếu kinh nghiệm.”

    Ông mò tay vào hai túi quần sau móc thêm được một ít tiền Việt Nam.

    "Không chú ơi. Cháu không muốn lấy tiền của chú đâu. Cháu còn muốn trả lại bốn tờ này nữa đó. Để cháu đưa chú tới đường, đường gì, ... Nguyễn Chí Thanh phải không. À mà chú tới đó làm chi vậy?"

    Ông ngẩn người đáp nhanh:

    "Chú tìm người ta."

    "Ai?"

    "Nói ra cháu cũng không biết đâu. Mà người ta không còn nữa."

    Cô gái bật cười, vẻ mặt rạng rỡ :

    "Chú nói nghe ngộ quá! Không còn ở đó nữa thì tới đó làm chi cho mất công. Thôi, chú ơi ... chú đi theo em đi. Mình kiếm cách hùn hạp ... Chú có của, em có..."

    Ông lại cảm thấy hay hay, cười âm thầm trong lòng. Hình như lâu lắm ông mới cười thật tình, nói đùa:

    "Anh em mình hùn hạp mở công ty sản xuất áo mưa pông-sô coi bộ hái ra tiền. Em định như thế chứ gì?"

    "Anh đừng kiêu ngạo em nữa. Anh có của, còn em cũng quen ... biết nhiều nhiều..."

    Ông đỡ lời:

    "Được rồi. Chuyện đó sẽ tính sau. Nhưng bây giờ anh phải tới đó tìm đứa con gái của người ta. Người ta không còn nữa, người ta chết rồi. May mà đứa con gái thì còn sống. Nghe nói nó ở đảo trở về lại Việt Nam được mấy năm."

    "Anh có địa chỉ không?"

    "Có. Nhưng em chỉ cho anh tới đường Nguyễn chí Thanh là được rồi, đừng đi theo anh làm chi, bất tiện. Em thông cảm nhé. Nếu gần, anh đi bộ, chớ không rúc vô chiếc áo mưa pông- sô nào nữa đâu. Đây, thêm một ít tiền đây, em cầm lấy! Mai mốt anh đưa thêm nữa."

    "Thiệt hả anh? Nhưng anh biết em ở đâu mà cho tiền? Ô mà em không lấy tiền của anh đâu. Miễn gặp anh là tốt rồi. Tự nhiên em thấy, có trời có đất làm chứng, em, em thấy thương anh ghê."

    Ông trả lời một cách thành thật:

    "Chắc chắn anh sẽ tìm gặp em. Bây giờ anh phải đi gấp, cho anh địa chỉ của em đi. Rồi chỉ đường Nguyễn Chí Thanh cho anh."

    Cô gái nhìn ông đăm đăm, ngần ngừ một chốc, xong mỉm cười quay người chạy lúp xúp trong cơn mưa đã nhẹ hột,mấy lần cúi xuống sửa lại đôi giép Nhật trật quai, rồi chạy tiếp, hai bàn tay che lấy đầu. Cô chạy nhanh vào một căn phòng trong dãy nhà đằng trước, mang ra một mảnh giấy và cây bút chì, đặt lên khung thành của sạp báo ướt át, hí hoáy viết địa chỉ.

    *

    Y như cũ, y như những cơn mưa Sài Gòn mùa hè xa xưa. Đến nhanh, ào ạt, hối hả, rồi đi nhanh, rồi bay đi nơi khác. Bay về Phú Lâm, Bà Om, Bà Điểm, bay qua Lái Thiêu, Thủ Đức, Giồng Ông Tố, bay lui đến vùng Cát Lái, Nhà Bè, bay xuống Chợ Thiếc, Chợ Đệm, bay dài dài đến Bình Điền, Bình Chánh ... Ông thả hồn bay theo cơn mưa loanh quanh thăm viếng những chốn cũ, những ngoại ô thân yêu. Hay chẳng bay đi đâu cả, hết mưa thì tạnh, có gì đâu mà bay bay mãi cho khổ cái thân! Ông lẩm bẩm một mình và nước mắt lại muốn trào ra. Trời đất vẫn thế, vẫn vô tình, vẫn khi nắng khi mưa, sau bao nhiêu năm đã trôi qua, sau bao nhiêu biến cố "long trời lở đất". Không! Trời không long, đất cũng không lở, chỉ có mình tóc không còn xanh, mắt không còn sáng, tim không còn sôi sục máu nóng. Chỉ có con người là dâu biển.

    Sau cơn mưa, Sài Gòn dịu lại. Bầu trời sáng lên một chút, và một chút nắng chiếu nghiêng nghiêng trên mặt đường ướt át. Bụi bặm chưa kịp khô, chưa đủ nhẹ để bay lên đuổi theo những bánh xe quay nhanh. Rác rến, giấy rách, theo dòng nước mưa tấp nhiều hai bên đường hay trên mặt những cống rãnh. Vài cơn gió còn sót thổi nhẹ tới, nước mưa đọng trên cây rơi xuống lác đác. Vài ngọn lá rơi theo. Ông nhìn trời. Bầu trời phía tây phơn phớt hồng, nhạt, và trong. Ông nhớ lời chỉ dẫn của cô gái: qua khỏi đường Vĩnh Viễn, qua khỏi đường Hoà Hảo, rồi đi thêm một khúc ngắn "chút xíu" thôi là đến đường Nguyễn Chí Thanh. Ô, vậy có thể là mình đang đi về phía Ngã Sáu Chợ Lớn, về phía Đại Học Xá Minh Mạng của một thời. Những ngày lưu học "ở lậu" tại đó khi Miền Nam bừng bừng sức sống!

    Ông nhìn đồng hồ tay. Này, mình phải bỏ cái tật chốc chốc lại nhìn đồng hồ, làm như luôn luôn chạy đua với thời gian.

    Hãy cứ thong thả đi nào, hãy để cho Sài Gòn thấm vào hồn vào tim với biết bao thương nhớ, với biết bao nuối tiếc, nghe buổi chiều đang trôi trên dòng sông, trên bến cảng, nghe lá me xanh reo lao xao trong những hàng cây hai bên đường Lê Thánh Tôn, đường Gia Long, đường Nguyễn Du, nghe những chiếc hoa vàng cánh cứng như móng tay của những cây sao cao ngất bay cuống quýt trong không gian rồi cắm nhanh xuống mặt đường Nguyễn Kim, xuống sân Vận Động, xuống đường Minh Mạng, khi những quán cà phê, hủ tíu khói bốc thơm lừng cả vùng Chợ Cũ những ngày thanh bình ngắn ngủi, khi những quán phở Pasteur của người Bắc di cư rộn rịp xe đến xe đi, khi những xâu mía ghim, những gánh đu đủ, những trái dừa xiêm, những ly đá bào, làm mát cả cổ họng, cả lòng, cả dạ, khi mây lang thang trên bầu trời xa, khi nắng vu vơ trên vỉa hè gần, khi cơn gió vô tình in nổi lên những nét cong của em và vén cao tà áo lụa mỏng khiến cho bước chân ngại ngùng, bàn tay bỡ ngỡ, tình yêu thẹn thùng trong đôi mắt thơ ngây, trong mái tóc vương vấn, trong nụ hôn bâng khuâng.

    Phải chăng mình đang sống trong giấc mộng! Phải chăng, phải không em, mình hãy cứ như ngày nào cùng mùa hè qua nhiều lần Sài Gòn vẫn còn đó, chúng mình vẫn có nhau, buổi chiều vẫn êm đềm trở về sau cơn mưa bay nhiều nơi trong thành phố, rồi ra ngoại ô, rồi hẹn hò tái ngộ. Để mọi chuyện lại tái diễn, để dòng nước cũ trở lại trôi dưới cầu.

    Ngự Thuyết
    (Trích trong "Lưu Đày Và Quê Nhà")

    http://www.diendantheky.net


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X