Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những dòng sông không trở lại

Collapse
X

Những dòng sông không trở lại

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những dòng sông không trở lại

    Những dòng sông không trở lại
    hoànglonghải


    Gởi Hoàng Thị Đính, cháu tôi

    Con sông Bồ trước khi tới địa phận làng tôi, phải chảy qua hai cây cầu. Một cầu xe lửa gọi là cầu sông Bồ, hoặc cầu Hiền Sĩ. Phía hữu ngạn là ga sông Bồ, một ga xép, phía tả ngạn là ga Hiền Sĩ, ga đầu nguồn để chở gỗ từ rừng Hòa Mỹ về. Trong chiến tranh Việt – Pháp cả hai ga nầy đều bỏ hoang, tiêu điều. Nhưng với tôi, nó có những kỷ niệm thời thơ ấu khó phai, tôi sẽ kể cho độc giả nghe về sau. Cầu thứ hai là cầu An-Lỗ (1), cầu xe hơi, dài và hẹp. Phía hữu ngạn có một cái chợ nhỏ miền quê, không bao giờ thấy khách mua bán tấp nập, ngoại trừ khi cầu hư, xe đò kẹt lại. Cái chợ nhỏ bé gần chân cầu ấy, bao giờ cũng đìu hiu, dù sáng dù trưa, nó muôn đời mang cái cảnh “chợ chiều”. Cảnh “chợ chiều” làm tôi nhớ câu ca dao:

    Thân em như gánh hàng hoa
    Sớm qua chợ sớm, chiều qua “chợ chiều”.

    Qua khỏi cầu An-Lỗ, sông Bồ không còn chảy hướng Tây -Đông, từ hướng Trường Sơn ra biển. Nó quay ngoắt một cách lạnh lùng chảy theo hướng Bắc – Nam, cặp theo Quốc lộ 1, tới “Đồn Cây Số 17”, một đồn binh quân sự, nó quay theo hướng cũ, lại lạnh lùng để cái đồn binh ngơ ngác trông theo, như những người lính miền Nam mới đổi ra miền Trung xa xôi, lạ lẫm. Chỗ khúc quẹo đó, phía tả ngạn là địa phận làng tôi, làng Hạ Lang, phía hữu ngạn là làng Văn Xá. Nỗi bi thảm xẩy ra cho mấy đời gia đình tôi chính là chỗ khúc quanh nầy của dòng sông Bồ, như một định mệnh, không phải cho một đời người mà cả mấy đời của dòng họ Hoàng tôi vậy.

    Tôi không có nhà. Ngôi nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên chính là nhà từ đường họ nhà tôi. Từ khi biết khôn, khoảng giữa thập niên 1950, khung cảnh tôi thấy thường là một gian nhà tranh dài 5 gian hai chái, cửa bàng khoa chắc chắn. Sát cửa là những bộ bàn ăn cũ kỹ, mốc trắng, để người trong họ đến ngồi ăn giỗ những ngày cúng kị, phía trong, suốt cả 5 gian giữa là những bàn thờ có bát nhang sành, chân đèn bằng gỗ, các bài vị. Hồi xưa lắm, các chân đèn bằng đồng. Sau nhiều năm tao loạn, nhà tôi càng ngày càng nghèo nên các chân đèn bằng đồng lặng lẽ ra đi, thay vào đó là những chân đèn làm bằng thứ gỗ mít khá cứng. Tôi là con gái, không khi nào phải lau chùi quét dọn các đồ tự khí nầy. Việc đó, có bà nội tôi và ông Lại già chăm sóc.

    Ông Lại không phải là tên thật của ông. Đó là một phẩm trật nào đó của triều đình xa xưa. Trước năm 1945, khi còn triều đình nhà Nguyễn, ông nhận một chức trách nào đó. Khi nhà Nguyễn dứt nghiệp, ông trở về làng cũ, sống nhờ vườn cây ăn trái và mấy thửa ruộng nghèo. Sinh nhai và việc học của các con ông đều nhờ vào vườn cây và mấy thửa ruộng ấy. Dĩ nhiên, trong cảnh nghèo khó ấy, phần đông các con ông phải bỏ học sớm, sau khi qua khỏi bậc tiểu học.

    Cái dư âm của một dòng họ làm quan triều đình cũ còn vướng vất đôi nét trên con người ông Lại. Có thể đó là chiếc áo dài đen, cái khăn đóng, quần cháo lòng và đôi giày hạ ông chỉ dùng trong những ngày giỗ kỵ. Cũng còn nữa chứ, trong dáng dấp nhẹ nhàng, cung cách chậm rãi, trịnh trọng khi ông đứng trước bàn thờ, cầm mấy nén hương trong tay khấn nguyện ông bà về hưởng huơng hoa quả phẩm cũng như các món đồ cúng đơn sơ đạm bạc của một dòng họ càng ngày càng hàn vi, đặt trên bàn thờ tỏ lòng thành với tiên tổ, cùng với lời cầu nguyện phù hộ con cháu đổ đạt vinh hoa.

    Khi khôn lớn, nghe những lời cầu nguyện của ông Lại, bao giờ tôi cũng thấy buồn cười một cách chua xót cho dòng họ nhà tôi. Ngay trước khi triều đình Huế đổ nát, dòng họ bên nội tôi đã thất tán nhiều rồi, lắm người tha phương cầu thực, còn những ai chưa đi xa được thì đành ôm lấy mảnh đất nghèo sống bằng bữa cơm bữa khoai, khó ai có thể thấy một chút tương lai sáng lạn nào chờ đón ở cuối chân trời, nói chi tới đổ đạt vinh hoa, ông nghè ông cống như lời cầu xin của ông Lại. Một trong những người có thể có được một chút tương lai nào chăng, thì người ấy là nội tổ tôi. Nhưng ông bỏ xứ ra đi khi cha tôi còn niên thiếu, còn cha tôi thì đã chết từ khi tôi chưa chào đời.

    Đúng ra, ngôi nhà từ đường nầy phải giao lại cho ông Lại trông coi gìn giữ. Nhưng ông Lại từ chối công việc ấy, vì nội tổ tôi chỉ đi biệt tích, chưa qua đời thì việc nắm lấy chức vụ trưởng nhánh, trên nguyên tắc, ông nội tôi là người vai vế lớn nhứt và cũng là người lớn tuổi nhất, vẫn giữ lấy công việc phụng thờ nhang khói tổ tiên. Nếu nội tổ tôi không có nhà thì bà nội tôi phải đảm đương công việc ấy, có ông Lại giúp đỡ. Vã lại, ngôi nhà từ đường nầy chỉ là cái xác không. Ba bốn năm một lần, khi mái tranh bắt đầu có chỗ dột, bà nội tôi phải ngưng trồng khoai lang ở sân trước một mùa, để dành đất trồng tranh, lấy tranh lợp lại nhà từ đường. Ngoài ra, ngay ngõ vào là một cây hải đường đã già, mỗi năm bông lại càng nhỏ đi và vài cây bưởi, cây chanh, cây măng cụt cũng thuộc một thời niên thiếu với cây hải đường, nay cũng đang ở tuổi “xế chiều nghiêng bóng”. Những cây trái chúng cố gắng sản sinh ra được càng năm càng quắt queo đến độ những người buôn trái cây đi mua mảo hàng năm cũng ít khi buồn tình ghé vào.

    Thế nhưng, ông nội tôi là con quan. Quan như thế nào tôi đâu biết. Tôi chỉ biết sự quan quyền ấy còn lại trong cái tên gọi ông của người trong làng. Người ta gọi bà nội tôi là mụ ấm, hay thím ấm hay bác ấm tùy theo sự quan hệ thân tộc gần xa hoặc có khi không có quan hệ máu mũ gì cả. Sự “quan quyền” đó bên bà nội tôi thì rõ hơn, nhưng mỗi năm tôi chỉ được thấy một hai lần. Đó là những bộ quần áo may theo kiểu xưa, có nhiều màu, giống như những thứ áo quần người ta thường thấy trong tranh vẽ các cô gái hồi cuối thế kỷ 19, cùng với những đôi dép của bà tôi và của em gái bà do bà tôi cất giữ được. Đó là những đồ kỷ niệm khi các bà còn trẻ, mỗi năm mặc một lần để cố ngoại tôi dẫn vào “đại nội” chúc thọ các thái hậu, hoàng tử, công chúa… Có lẽ các triều đại đó kéo dài không bao lâu, việc mặc áo quần mới như thế không được nhiều lần nên trông không đến nỗi quá cũ. Bà nội tôi cất những thứ “gia bảo” ấy trong chiếc rương xe có khóa và cũng là chỗ nằm của tôi và bà tôi. Mỗi năm, khi mùa đông qua rồi, trời bắt đầu có nhiều nắng mới, bà tôi lấy những thứ “gia bảo” đó ra, phủi một cách nhẹ nhàng những chút bụi tưởng tượng bám vào đấy rồi nhẹ nhàng phơi lên cây sào tre phía bếp. Chỗ đó vừa có nắng nhiều vừa tránh được mặt tiền nhà từ đường. Bà tôi không bao giờ phơi quần áo ở sân trước, phía trước các bàn thờ. Đến chiều, khi sắp hết nắng, bà tôi lấy vào trải ra trên cái rương xe, cho hơi nóng bay bớt, vải ỉu đi rồi mới cẩn thận xếp lại, rất nhẹ nhàng, tưởng như bàn tay gầy, da nhăn nhúm của bà làm cho chúng đau được. Một cách từ tốn, bà tôi bỏ vào một cái rương nhỏ, để ở trong góc rương xe mà tôi biết chắc phải 365 ngày nữa, chúng mới được lấy ra để hưởng chút nắng mùa xuân năm tới.

    Một năm, khi tôi đã lớn, học trung học, chủ nhựt từ Huế về thăm bà, thấy bà đang xếp những chiếc áo ngày xưa ấy cẩn thận như năm trước, tôi nói đùa:

    – “Mệ!(2) Mai mốt trên trường có biểu con đóng vai hai bà Trưng, mệ cho con mượn bộ áo quần ni.”

    Thật thà, bà tôi hỏi:

    – “Thiệt à con? Đừng làm hư của mệ!”

    Thấy tôi cười ha hả, bà tôi mắng nhẹ:

    – “Cha mi lên! Giỡn hoài. Cười chi mà to rứa. Con gái con lứa “khôông” có ý tứ chi hết!”

    Tôi biết bà nội tôi “lạc hậu” mất rồi. Bất cứ việc gì bà cũng muốn đem cái khuôn phép của thế kỷ thứ 19 mà rập khuôn lên đầu tôi. Tôi không thể tranh luận hay giải thích cho bà tôi những điều mới, những đổi thay của xã hội mà bà không thể hiểu hay chấp nhận được. Nhưng tôi lại đùa một lần nữa:

    – “Mai mốt mệ có lên thăm con trên Huế, mệ nhớ đừng mặc đồ ni, người ta cười con chết!”

    Nói xong, tôi cố nín cười. Bà nội tôi thật thà nói:

    – “Đồ ni xưa rồi. Ai mà mược (mặc). Mệ cất là để dớ (nhớ) “ôông” cố con”.

    Thấy bà thật thà, tôi ôm ngang hông bà, nói:

    – “Mệ rứa hèn chi mất “dôông” (chồng)!”

    Bà tôi vẫn cứ thật thà:

    – “ÔÔng” đi làm ăn xa thì để “ôông” đi!

    Thật ra, cuộc tình duyên giữa ông bà nội tôi là một sự gượng ép. Tôi nói là gượng ép, chưa đến độ ép buộc. Như tôi nói, người làng gọi bà tôi là bà ấm, mụ ấm vì ông nội tôi con quan. Với tôi, tiếng “ấm” bao giờ cũng gợi lên trong trí tôi cái ấm nấu nước sôi, có khi là cái ấm đất đã bị sứt vòi hay cái ấm đồng bà tôi cất kỹ trong rương xe, mỗi năm lấy ra vài lần để nấu nước sôi pha trà cúng ông bà. Xong, buổi chiều, bà nội tôi dùng lá khế chua kỳ cọ thật kỹ, đến khi không còn một vết khói đen nào bám vào ấm thì phơi khô, lại đem cất vào rương xe. Những thứ đồ đồng quí đó, không bao giờ bà tôi để qua đêm mà không cất vào rương xe, sợ ăn trộm. Đồ ấy quí lắm, nhưng với tôi quí không phải ở chỗ nó là ấm đồng, không phải là cái ấm đất mà chính là một thứ đồ cổ có số tuổi còn lớn hơn cả tuổi bà tôi.

    Bởi vì cùng là con nhà quan nên cố nội tôi xin làm đám hỏi cho con trai khi bà tôi mới mười lăm tuổi. Tuy nhiên, cố ngoại tôi không chịu cho cưới vì bà tôi tính tình chất phát hiền lành, sợ không biết làm dâu. Bà tôi kể:

    – “Khi cố ngoại sắp qua đời bèn mời bên nội tới cho cưới gấp. Làm đám cưới hôm 11 âm lịch thì tối 14, cố ngoại tắm rửa sạch sẽ, lên giường nằm, biểu bà cố thắp 7 ngọn đèn sáp (đèn cầy) trên đầu giường. Xong, “ôông” uống chén nước trà, nằm ngủ, tới sáng thì đi luôn.”

    Tôi hỏi:

    – “Cố đau bệnh chi?”

    – “Mã đao!” Bà tôi trả lời.

    Khi biết bệnh mã đao bây giờ gọi là ung thư cổ, tôi vẫn cứ thắc mắc về cách chết điềm tỉnh của cố ngoại tôi. Ông là thầy thuốc, biết bệnh của mình nan y, ông linh cảm được cái chết đó, ông uống một chén độc dược để chết cho được nhẹ nhàng, tránh được đau đớn, vật vã? Ông là thầy thuốc mà! Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ nói với ai điều thắc mắc ấy và cũng chưa có dịp nói ra với chồng.

    Những năm Thế giới Chiến tranh thứ 2 đói kém, ông nội tôi, cậu ấm con quan bỏ nghiên bút xin làm công nhân xe lửa. Ông lưu lạc vào Bình Định khi cha tôi mới hơn mười tuổi. Khi chiến tranh Việt Pháp xảy ra, ông không về. Có lẽ một cô gái Bình Định nào đó, biết “múa roi đi quyền” (3) giữ riệt không cho ông về, hay một người đàn bà nào đó đã “hớp hồn” ông. Ông đã “bội bạc” bà tôi rồi. Nhưng tôi cũng chẳng bao giờ nói ra với bà tôi ý nghĩ đó vì tôi biết chắc sẽ bị mắng là hỗn. Với bà tôi, bao giờ ông nội tôi cũng chỉ là người “đi làm ăn xa”, dù ông đã có nhà cửa, vợ con đùm đề ở chỗ “làm ăn xa” ấy. Bà tôi ở nhà chăm chỉ nuôi ba tôi nên người, tròn nhiệm vụ của một người mẹ và lo cúng kỵ ông bà, tròn nhiệm vụ của một người con dâu, dù khi bà còn trẻ hay khi tôi khôn lớn, bà cũng đã già.

    Dù trong cảnh gần như góa bụa, bà tôi nuôi cha tôi học hành. Ông là một trong số ít người làng được đi học đến nơi đến chốn. Năm 1945, khi cuộc khởi nghĩa xảy ra, cha tôi đang học ở Huế, rồi về làng.

    Là một trong số ít người có học, cha tôi tham gia “công tác cách mạng” trong làng: Tổ chức và dạy các lớp Bình dân Học vụ, các công tác Thông tin Văn hóa, họp hành liên miên. Nhà không giàu, bà tôi vẫn cần cù làm lụng để cha tôi tham gia “công tác cách mạng”, không một lời than phiền. Do tham gia việc làng như thế, cha tôi gặp mâu thuẫn với người trong làng, những người cha tôi cho là dốt nhưng ưa nắm quyền lãnh đạo. Khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ, quân Pháp đến dựng một cái đồn bên kia sông, ngang nhà từ đường tôi, gọi là “Đồn Cây Số 17”. Quân Pháp bắt đầu các cuộc lùng sục, bắt Việt Minh và đốt nhà dân. Ban đầu, khi Pháp đi lùng, cha tôi chạy trốn như mọi thanh niên trong làng. Khi Pháp đốt vài nhà trong làng, bà tôi rất sợ họ đốt nhà từ đường. Một lần, bà tôi phải quì lạy một sĩ quan Pháp, họ mới chịu rút đi. Nghe bà tôi kể, lần kế, khi quân Pháp bên kia sông qua làng, cha tôi không chạy nữa. Quân Pháp vào làng, cha tôi xin gặp viên trung úy chỉ huy. Vì đang học để thi tú tài thì bỏ học, cha tôi nói tiếng Pháp lưu loát. Thấy vậy, những người Pháp tỏ ra tử tế. Viên trung úy Pháp còn cấp cho cha tôi một tờ giấy, dặn khi nào có quân Pháp đi lùng, cứ đưa giấy nầy ra, nhà từ đường sẽ khỏi bị đốt.

    Năm đó, cha tôi cưới mẹ tôi. Việc cha tôi cưới mẹ tôi không phải vì tình yêu. Hai người không biết nhau, chỉ qua người làng môi giới cho bà tôi, khen mẹ tôi hiền và đảm đang, tuy mẹ tôi dốt chữ, nên bà tôi chọn lấy. Cha tôi thì rất thương mẹ, thấy mẹ chọn, cha tôi không nói gì. Làm thinh tức là chịu.

    Những mâu thuẫn giữa cha tôi và các người lãnh đạo Việt Minh càng ngày càng sâu sắc. Một phần cha tôi tự cao, cho rằng họ dốt nát, không thể lãnh đạo được những công tác thông tin văn hóa mà cha tôi đang phụ trách, một phần những người lãnh đạo nầy là bà con chú bác bên mẹ tôi, mặc cảm vì sự không cân xứng giữa hai gia đình. Lại một lần, người Pháp đi lùng đốt gần hết các nhà trong làng chỉ chừa một số nhỏ, trong đó có nhà một ông đội từng đi lính cho Tây, nhà từ đường dòng họ tôi. Việt Minh cũng khám phá ra việc viên trung úy Pháp cấp cho cha tôi một giấy chứng nhận để khỏi bị đốt nhà. Ban đầu, Việt Minh ghét cha tôi nhiều điều: Có học, phê bình, chê bai họ, rồi tình nghi, vu cáo cha tôi làm tay sai cho Pháp. Họ tung ra dư luận trong làng rằng cha tôi làm “Việt gian”.

    Thế rồi một đêm Việt Minh đến nhà gọi cửa. Cha tôi trèo qua cửa sổ nhà bếp, chạy ra đồng, thay vì chạy ra sông, bơi qua bên kia bờ để cầu cứu người Pháp. Ông có mặc cảm sợ người làng cho rằng ông theo Tây. Việt Minh cầm giáo mác đuổi theo cha tôi ra đến đồng, vừa chạy vừa la “bắt Việt gian”. Họ đâm cha tôi. Ông cố chạy thêm một quãng, khi đến đám ruộng gần mộ cố ngoại tôi thì cha tôi gục xuống đó. Việt Minh đâm thêm mấy nhát nữa, đến khi cha tôi chết hẳn họ mới đi.

    Sáng hôm sau, trời chưa sáng, trong khi bà tôi và mẹ tôi thấy cha tôi suốt đêm không về, sửa soạn đi tìm thì người làng đến báo cho biết cha tôi nằm chết ngoài bờ ruộng. Dĩ nhiên bà tôi và mẹ tôi khóc, đi tìm xác. Vì tục ở làng không cho đem xác người chết bất đắc kỳ tử về nhà nên bà tôi nhờ người dựng một cái chòi tranh bên cạnh mộ bà cố ngoại; cùng ngày hôm ấy, chôn bên cạnh mộ cố ngoại, nơi bà tôi dự tính sẽ an táng bà ở đó, để hai mẹ con nằm bên cạnh nhau, khi bà tôi qua đời.

    Cha tôi chết khi mẹ tôi mang thai tôi bảy tháng. Hai tháng sau, tôi sinh ra ở làng quê ấy, không có cha, trong cảnh khó nghèo, chiến tranh loạn lạc.

    Trong ngôi nhà từ đường mênh mông ấy, ba người đàn bà thuộc ba thế hệ: Bà tôi, mẹ tôi và tôi âm thầm sống với nhau trong cảnh hiu quạnh, buồn bã. Mẹ tôi lúc đó còn trẻ lắm, 18 tuổi, chịu cực chịu khổ nuôi tôi bên cạnh hình ảnh già nua của bà tôi.

    Năm tôi sáu tuổi, vừa mới đi học lớp năm ở trường làng, mẹ tôi đi lấy chồng. Bà tôi nói:

    – “Con còn trẻ, bước thêm bước nữa, mạ không trách chi con. Có điều, làm mâm cơm cáo cho thằng Tường (tên cha tôi) trước khi con đi.”

    Mẹ tôi nghe lời, bắt một con gà làm thịt, dọn một mâm cơm trên bà thờ, nói với bà tôi:

    – “Mạ lên khấn cho con đi.”

    Bà tôi mặc áo dài, thắp hương đứng trước bàn thờ, khấn lầm thầm. Rồi bà tôi khóc. Từ khi khôn lớn, đó là lần đầu tiên tôi thấy bà tôi khóc. Những dịp tôi nghĩ bà tôi có thể khóc như ngày giỗ bà cố tôi, tôi lại chẳng thấy bà khóc bao giờ.

    Trong khi ông Lại đang rót rượu vào những cái ly nhỏ đặt bên mâm cơm, bà tôi kéo tôi vào lòng, vuốt tóc. Tôi biết có những gịot nước mắt của bà rơi trên tóc tôi. Mẹ tôi cũng khóc. Tôi lại chẳng biết gì để khóc!

    Bữa cúng đó thật đạm bạc nên bà tôi chẳng mời ai. Trong bữa ăn chỉ có bà tôi và ông Lại. Tôi được ngồi chung mâm với ông Lại, đó là lần thứ nhứt. Trước kia, mỗi khi có giỗ, tôi thường được cho bánh và đuổi ra sân chơi, không được làm phiền người lớn. Mẹ tôi đi tới đi lui từ bếp ra bàn ăn để lo cho bữa cỗ được tươm tất. Nửa tiệc, mẹ tôi nói với bà tôi và ông Lại:

    – “Thưa mạ, thưa “ôông”, thường thì chồng chết để tang ba năm là được phép đi lấy chồng. Con vì thương con mà ở rứa là sáu năm. Con mong mạ và “ôông” thông cảm mà tha tội cho con.”

    Ông Lại trầm ngâm nhìn ra sân. Một lúc sau, ông mới nói:

    – “Rứa cũng là quí rồi!”

    Bà tôi nói:

    – “Người ta bỏ vợ bỏ “dôông” thì được, không ai bỏ được con. Mạ cũng già, lâu lâu con về chăm sóc cháu giùm mạ.”

    Mẹ tôi nói:

    – “Con biết mạ thương con hơn cả mạ con nữa. Con còn muốn về thăm mạ nữa, huống chi con của con. Con chọn người trong làng để gần gũi lui tới.”

    Một lúc, bà tôi nói với ông Lại:

    -“Phải chi thằng Tường “khôông” chết con dâu tui khỏi góa bụa mà con Đính (tên của tôi) cũng có cha.”

    Ông Lại vẫn cứ nhìn ra sân, nói bâng quơ:

    – “Ác chi mà ác dữ rứa “khôông” biết!”

    Bà tôi hiểu ý, nói như than:

    – “Anh em giết “dau” (nhau), trời ơi là trời!”

    Ý bà tôi muốn nói những người Việt Minh giết cha tôi là anh em chú bác bên mẹ tôi. Giết cha tôi là làm cho mẹ tôi góa bụa, họ không biết vậy hay sao, hay biết mà họ cứ làm.

    Chiều hôm đó, mẹ tôi ra đi, vỏn vẹn chỉ có mấy cái áo quần gói trong cái khăn trùm đầu bà tôi cho. Cặp gói áo quần bên nách, mẹ tôi chào bà tôi, rồi bồng tôi đi ra cổng, vừa đi vừa khóc. Bà tôi đi theo. Ra tới cổng, mẹ tôi bỏ tôi xuống, hôn vào má tôi. Tôi thấy má tôi nóng ướt vì những giọt nước mắt của mẹ. Xong, mẹ tôi quay lại hôn bà tôi. Đó là lần độc nhứt tôi thấy mẹ tôi hôn bà. Xong, mẹ tôi xóc lại gói quần áo, nói:

    – “Con đi nghe mạ.”

    Rồi quay qua nói với tôi:

    – Con ở “già” (nhà) với mệ, ráng học giỏi cho mệ vui!”

    Xong mẹ tôi lặng lẽ đi theo con đường đất chạy dọc theo bờ sông xuống xóm dưới. Bà tôi nhìn theo rất lâu, hình như bà khóc! Tôi đứng im lặng bên cạnh bà, không khóc mà cũng chẳng nói gì.

    Một chốc, mẹ tôi đi khuất sau rặng tre, bà tôi dắt tay tôi vào nhà, vừa đi bà tôi vừa nói:

    – “Túi ni con ngủ với mệ.”

    Bà tôi có hai người em trai, một người chết khi còn trẻ, không có con cái gì, chôn ở làng Văn Xá, quê vợ ông ta. Người vợ ấy đi lấy chồng khác nên mỗi năm đến ngày chạp giỗ, bà tôi đi đò ngang qua Văn Xá thắp hương, giẫy cỏ, thuê người đắp mộ cho em. Còn một người nữa, con út, bỏ làng ra đi khi ông còn trẻ. Có hai lý do để ông cậu ấy bỏ làng mà đi. Thứ nhứt là tại cố ngoại tôi quá thật thà. Khi ông cố còn sống, nhờ làm thầy thuốc Bắc có tiền, nhứt là thời gian làm ngự y ở trong triều, được hưởng ơn mưa móc của vua và các bà thái hậu, ông mua mấy khu vườn mà lại mua của những người bà con bên vợ. Khi ông cố tôi qua đời, ông cậu tôi mới 9 tuổi, bà con bên ngoại bà tôi lợi dụng bà cố ngoại thật thà, tìm cách lấy lại các văn tự, xong họ lấy lại hết đất đai vườn tược, làm cho cố ngoại tôi nghèo đi. Khi ông cậu tôi lớn lên, thưa lên huyện để đòi lại ruộng vườn, vì nghèo không có tiền đút lót cho quan trên nên thất kiện. Đó là nỗi buồn thứ nhứt. Ông cũng thật thà, khi mới 18 tuổi, cố ngoại tôi cưới cho ông một người vợ đã có một đời chồng. Cả làng người ta chê cười ông. Ai đời “trai tơ lấy gái nạ dòng”. Ông mắc cỡ, đó là động lực cuối cùng thúc đẩy ông làm kẻ tha phương. Ông ra Quảng Trị, làm trợ giáo, lấy vợ ngoài ấy, sinh 8 người con. Việc ông lấy vợ xa xứ lại nẩy sinh những mâu thuẫn giữa bà tôi, em gái của bà với bà vợ ông cậu ấy. Một, ông không lấy vợ người làng như tục lệ làng tôi. Thứ hai, vợ ông là người thành phố, mảnh mai, không biết làm ruộng. Quan trọng nhứt là bà tôi và em bà cho rằng bà mợ người ngợm thành phố, chân yếu tay mềm như thế, không sinh được nhiều con, trong khi các bà cần một cô em dâu tốt giống, sinh con nhiều vì ông cậu tôi là con trai độc nhứt, rất mong có kẻ nối dõi tông đường. Đến khi bà mợ tôi sinh ra một bầy con, việc mâu thuẫn giữa các bà mới êm. Đến đó, bà mợ tôi bắt đầu phản công. Không bao giờ bà mợ tôi về thăm quê chồng, dù là ngày chạp giỗ. Chỉ có những người con trai của bà, sau khi hòa bình lập lại năm 1954, họ làm việc hay học hành ở Huế, cuối tuần về làng thăm và về chơi. Mỗi lần họ về như thế, bà tôi và em gái bà rất vui, họ nghĩ rằng “lá rụng về cội”. Khi khôn lớn, tôi nói một cách văn vẻ hơn. Tôi gọi họ là “Những dòng sông trở lại.” Thậm chí, bà tôi còn khuyến khích họ lấy vợ ở làng để giống dòng khỏi lưu linh lạc địa.

    Bà mợ ấy có bốn người con trai. Tôi kêu bằng chú, anh em cô cậu với cha tôi. Ông con lớn, tôi chưa thấy mặt, khoảng thời gian cha tôi bị Việt Minh giết ở làng thì ông con lớn ấy làm báo ủng hộ Việt Minh ở Huế và bị Tây bắt thủ tiêu cùng năm cha tôi bị giết. Dòng họ tôi, như thế, có người bị giết khi họ còn trẻ, một người chết vì phe bên nầy, một người chết vì phe bên kia.

    Khi tôi sáu bảy tuổi là những năm hòa bình. Mỗi lần các chú tôi về chơi, tôi vui lắm. Sau khi mẹ tôi đi lấy chồng, cuộc sống của tôi và bà tôi rất hiu quạnh. Ngôi nhà từ đường dài 5 gian chỉ có hai bà cháu. Ngoài việc học, tôi chẳng có gì để làm. Vả lại, ngoài việc khuyến khích tôi học bài, bà tôi chẳng cho tôi làm việc gì, ngay cả việc vo gạo để bà nấu cơm hay lặt rau.

    Nhà không có đồng hồ. Không chắc bà tôi biết xem đồng hồ, và chính cuộc sống hằng ngày của bà cũng như một cái đồng hồ. Mùa hè, bà nhìn bóng nắng trong sân nhà, hoặc mùa đông khi trời đầy mây, bà nhìn trời để đoán giờ, không mấy khi sai. Tuy nhiên, phía sau lưng nhà tôi, sát bờ sông là chùa làng. Bất cứ mùa nào, hễ nghe chuông chùa công phu ban chiều là bà tôi gọi: “Vô học bài con”. Tôi thắp ngọn đèn dầu hôi leo lét lên và ngồi e a một chốc. Khi thấy tôi xấp cuốn vở lại là bà tôi biết tôi đã thuộc bài rồi, không cần hỏi. Tôi chưa bao giờ nói dối với bà tôi. Buổi sáng cũng thế, dù khi mùa đông lạnh giá, nghe chuông chùa đổ, bà tôi lại gọi tôi dậy ôn bài trước khi đi học. Trong khi tôi ngồi ôn bài, bà tôi xuống bếp nấu một nồi xôi nhỏ để tôi ăn sáng, luộc một vài củ khoai, lấy giấy gói lại để tôi bỏ túi đem đến trường ăn vào giờ ra chơi. Dù nghèo khó như thế nào, bà tôi không để tôi đói bao giờ.

    Cuối tuần, khi các chú tôi về, tôi đi theo họ chơi, bà tôi không bao giờ rầy la gì.

    Về làng, ba ông chú tôi có ba cách vui chơi khác nhau. Chú Thế, người lớn tuổi nhứt, làm công chức, mỗi lần về là đi xe Vespa. Đang ngồi trong bếp, nghe tiếng xe bành bạch, biết ông về, tôi chạy ra sân đón, miệng tôi cười toe toét.

    Chú tôi vào nhà một chốc, gặp bà tôi xong, lại lên xe đi, cho tôi đứng phía trước, giữa hai chân ông. Nhiệm vụ của tôi đi theo là để trả lời ông về các cô gái trong làng. Những câu ông thường hỏi là “Con ni có chồng chưa?”, “Chồng nó làm chi ở mô?” hoặc làm chim xanh, vào trạm y tế xã kêu cô y tá ra cho ông ta gặp. Khi quen cô y tá rồi, ông ta không cho tôi đi theo nữa. Thế rồi “Thanh niên Cộng hòa” xã đòi bắt ông về tội hủ hóa, tứ đổ tường là những việc chính phủ đang bài trừ triệt để, bởi hai người hẹn nhau ở trong vườn sắn. Bà tôi cũng còn “phong kiến” nói: “Cha con nớ hồi trước kéo xe tay, “khôông” làm sui gia được mô.” Ông chú ấy bỏ đi mất, cả mấy năm không về. Tôi biết tính ông chú ưa du hí, không du hí đuợc nữa thì ông về làng làm gì!

    Người chú thứ hai còn đang đi học. Mỗi lần về, sau xe đạp của ông thường có cái cặp da, đựng vài ba cuốn sách học. Ông treo võng dưới mái hiên hay ngoài vườn, nằm ở đó suốt ngày, ngủ trưa cũng trên võng, bà tôi lo việc ăn uống cho ông nhưng ông dễ tính, thế nào cũng được. Năm ông chuẩn bị thi vào đại học, chị Tiết, chị Thuyên xóm tôi để ý đến ông. Các chị ấy cũng học trường Đồng Khánh, cuối tuần từ Huế về thăm nhà.

    Một hôm chú ấy đang nằm đưa võng ngoài sân, tôi ra đầu ngõ thì chị Tiết và chị Thuyên đi giặt áo quần ở bến sông về, gọi tôi hỏi:

    – “Này, chú Hoàng tuần nầy có về chơi không?”

    Tôi nói có. Chị Tiết hỏi:

    – “Chú Hoàng học giỏi phải không?”

    Tôi nói không biết.

    Chị lại hỏi:

    – “Chú Hoàng là nhà văn phải không?”

    Tôi phải hỏi lại nhà văn là gì. Chị giải thích. Tôi trả lời không biết.

    Chị ấy nói như giận dỗi:

    – “Răng cái chi mi cũng không biết. Vào hỏi lại coi. Nói là tao hỏi đó.”

    Tôi vào đứng bên võng, hỏi chú Hoàng các câu hỏi của chị Tiết. Chú cười trả lời:

    – “Năm kia tao học băng thi đậu nên người ta tưởng tao học giỏi. Học băng mất căn bản, làm sao giỏi được?”

    Hỏi về chuyện viết văn, chú ấy cười:

    – “Răng gọi là nhà văn. Mới bắt đầu viết, gọi là “mầm non văn nghệ”.

    Hôm sau, lại gặp hai chị ấy xuống bến, tôi nói lại những gì chú Hoàng nói. Chị Thuyên nói đùa:

    – “Con Tiết nó nói nó ưng chú Hoàng mi, hỏi chú mi có chịu cưới không?”

    Tôi kể lại với chú. Ông ta cười:

    – “Ưng thì ưng nhưng đang còn đi học, mười năm nữa mới cưới.”

    Tôi kể chuyện với hai chị ấy, họ cười thiệt to và nói:

    – “Hỏi chú mi có điên không. Chờ mười năm, con Tiết nó “hâm” những mấy lần, ai thèm nó nữa. Nói với chú mi cưới lẹ lên kẻo người ta cưới mất, uổng lắm.”

    Nói xong, hai người bỏ đi, vừa đi vừa cười.

    Người ta gọi ông là con mọt sách. Chỉ học và đọc sách, chẳng làm được gì. Bà tôi muốn nấu cháo gà cho ông ăn, sai ông bắt gà, ông không bắt được, cứ đuổi con gà chạy quanh sân. Bà tôi nói: “Học trò trói gà không chặt” và phải kêu người hàng xóm sang bắt giùm. Về sau, ông đi dạy. Có bà thím nói: “Bỏ cục phấn ra không biết lấy chi mà ăn.” Anh ông thì nói: “Thằng ấy như sống trên mây, chết đói sớm!” Quả thật ông là con mọt sách. Không bao giờ trên tay không có một cuốn sách gì đó nhưng tôi chẳng muốn xem qua những sách đó là gì. Tôi chỉ mới học những năm đầu tiểu học, chưa biết gì.

    Một lần, ông tò mò vào phía sau bàn thờ lục ra một cái hộp nhỏ. Lúc đó tôi mới biết đó là những thứ cha tôi cất giữ lại. Một ít thư từ, một cuốn sổ tay, vài ba tấm hình đã ố vàng, trong đó có tấm hình một cô gái đẹp, phía sau ghi: “Tố Quyên – 1944”.

    Chú Hoàng lấy tấm hình, đem ra sân xem cho rõ. Chú nói:

    – “Chị Quyên nầy, tao biết, chắc là bồ của ba mi hồi xưa. Khi ổng học ở Huế.”

    Về sau, khi tôi đã vào Đồng Khánh, một hôm, tôi đến thăm chú Hoàng. Ông nhắc chuyện cũ:

    – “Đính có nhớ tấm hình chị Tố Quyên không? Bồ cũ ông già mày đấy, chưa có chồng. Bữa nào mình lên chơi.”

    Nhà cô ở trên đường Phan Đình Phùng, con đường chạy dọc theo bờ sông An Cựu, giữa đoạn cầu Bến Ngự và cầu Nam Giao. Khi chú Hoàng giới thiệu tôi là “con anh Tường” cô ấy nhìn tôi hơi lâu nhưng không nói gì. Trong khi ngồi nói chuyện, lâu lâu cô ấy nhìn lén tôi.

    Ra về, chú Hoàng nói:

    – “Hồi trước nhà chị ấy ở trên giốc Bến Ngự, làm địch vận cho Việt Minh, mỗi ngày xuống Huế xem tình hình lính tráng về báo cáo lại cho Việt Minh. Bị Tây bắt bỏ tù mấy năm, được tha về chị đi học lại, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Đã già, còn đi học với bọn trẻ, bọn chú gọi lén là “chị Quyên già.”

    Rồi chú Hoàng đọc hai câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

    Nay oanh đã giục “quyên già”,
    Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

    Tôi biết chú Hoàng đổi chữ oanh ra chữ quyên. “Oanh già” mới đúng, ông chú tôi cố đọc như vậy để chọc cô Quyên.

    Tôi nói đùa:

    – “Lo học nên không lấy chồng.”

    Chú Hoàng nói:

    – “Đâu có. Không lấy chồng được. Hễ có người đi hỏi là chị ấy lên cơn điên, đập phá lung tung. Người ta nói là ông Tường nhập hồn về phá, không cho lấy chồng. Ba mày ích kỷ, lấy vợ rồi để cho người ta lấy chồng chớ!”

    Tôi nói:

    – “Phải chi khi mẹ cháu lấy chồng, ông cũng phá thì bà khỏi lấy, cháu còn mẹ.”

    Chú Hoàng nói:

    – “Có lẽ không yêu. Yêu mới phá vậy.” Cho mãi đến già, cô

    ấy vẫn chưa có chồng.

    Khi ông chú thứ ba bắt đầu về làng chơi thì tôi đã hơi lớn. Ông ấy cao lớn, thích đá banh, đi xe đạp đua, và không mấy khi ở yên một chỗ như ông chú đọc sách nằm võng.

    Mới về tới nhà, ông hỏi ngay bà tôi:

    – “Có chi ăn không o (cô). Con đói bụng!

    Thế là bà tôi phải nấu một cái gì đó cho nhanh. Nồi xôi nhỏ, mấy củ sắn. Ông thường mang bên lưng một cái “bị-rết” của lính, để trong đó lẫn lộn sách vở và mì gói. Có khi bà tôi chỉ nấu nước sôi để ông ăn mì gói. Ăn xong, ông lấy cái mền nhỏ, buộc vào chỗ giàng xe đạp đua để tôi ngồi cho khỏi đau đít. Xong, ông bồng tôi bỏ lên ngồi trên đó, đưa tôi đi chơi xa. Nhiều khi ông chở tôi lên ga Hiền Sĩ để nhìn đường xe lửa mà tôi từng nghe tiếng còi tàu nhưng chưa từng thấy bao giờ.

    Về khuya, trước khi tôi ngủ, nhiều đêm nghe tiếng còi tàu buồn lắm. Nó kéo dài lê thê như tiếng ai rên rĩ, đau đớn, mệt nhọc, như tiếng khóc thê thảm của người đàn bà, kích thích trí tò mò của tôi.

    Lên ga Hiền Sĩ chơi, tôi bỗng thấy thương những chiếc tàu đen. Con tàu chạy qua cầu sắt kêu rầm rầm như xoáy động tâm hồn tôi. Không lý tôi là con gái mà cũng có dòng máu phiêu bạt như hai họ nội ngoại bên bà tôi. Những con tàu đi ra phía Bắc, Quảng Trị nơi quê ngoại của mấy ông chú trẻ, mỗi lần họ về làng là đem tới cho tôi những niềm vui lớn hay con tàu xuôi về Nam, nơi nội tổ tôi lưu lạc về phương ấy. Trong khi tôi ngồi trên đầu cầu suy nghĩ vẩn vơ về những con tàu đưa người thân đi xa, đi rất xa, có người không trở lại, thì chú Ngọc đi lần theo vài cầu gãy, nửa còn vướng trên bờ, nửa chìm xuống nước để phóng ra giữa sông. Chú bơi qua bờ bên kia, rồi bơi qua bơi lại nhiều lần.

    Trên đường về, bao giờ chú cũng ghé lại cái “chợ chiều” bên đầu cầu An-Lỗ. Ở đó, lần đầu tiên trong đời, tôi biết uống nước ngọt, xá xị hay limonade, biết ăn cà-rem cây, những thứ tôi chưa từng thấy ở làng tôi bao giờ. Có lần chú nói đùa:

    – “Mua một cây cà-rem lấy lá gói lại mà cầm về cho mệ.” (bà tôi).

    Tưởng thật, tôi làm y như chú ấy nói. Nhìn tôi, chú ấy cười:

    – “Ngu chi ngu dữ không biết!”

    Chú Ngọc cầm cây cà-rem ăn hết, xong đưa cái que tre cho tôi, nói:

    – “Này, cầm về cho mệ, bà chưởi cho mà nghe!”

    Sau nầy, khôn ra, nhớ câu chuyện cũ, tôi vẫn cười cái tính tinh nghịch của ông chú ấy.

    Khi chú Ngọc vào đại học, chú có cô bồ nhỏ tên là Thạch Thảo. Hè năm đó, cứ mỗi tháng một lần, đúng vào giữa mùa trăng, hai người về làng chơi và ở lại. Họ vui đùa suốt đêm, không ngủ. Tôi tò mò hỏi chú Ngọc:

    – “Khi hôm chú với chị Thảo ngủ ở mô?”

    Chú ấy nói:

    – “Cần chi ngủ, ngồi chơi trước hiên nhà, ra vườn tìm có trái cây gì ăn chơi, khuya đói bụng, vô bếp nấu mì gói, mỗi người một tô.”

    Chị Thảo nói với tôi:

    -“Trời có trăng, ở nhà quê vui ghê, đi chơi mãi không chán. Ở thành phố ít khi thấy trăng đẹp.”

    Rồi hai người rủ nhau đạp xe lên ga sông Bồ, tôi lại được đi theo. Chú Ngọc lấy xe chị Thảo để chở tôi ngồi sau póc-ba-ga, còn chị ấy đi xe đạp đua của chú Ngọc, trông rất buồn cười. Lên ga xe lửa, trong khi tôi và chị Thảo ngồi trên bờ chơi thì chú Ngọc nhảy xuống sông, bơi qua bơi lại giữa hai bờ. Xong, trên đường về, chúng tôi lại ghé “chợ chiều”, lại ăn nhiều thứ: bánh ú, bún không ăn với nước mắm ớt, chuối, khoai lang… Chị Thảo không quên mua vài cái bánh ú cho bà tôi, treo tòn ten nơi ghi-đông xe đạp. Bà tôi thường khen:

    – “Con nớ thiệt có tình, ăn chi cũng không quên mệ.”

    Được ba mùa trăng thi hai người tan vỡ. Sau nầy, khi có người yêu rồi có chồng, tôi vẫn thường nghĩ tới hai người ấy. Sao tình yêu của họ trong sáng và thánh thiện đến thế! Tôi chưa từng thấy họ hôn nhau bao giờ chứ đừng nói chuyện gì khác. Thế mà cũng tan vỡ, nguyên do thật đáng thương.

    Ba chị Thảo, thiếu tá, nhờ thời thế, được bổ làm quận trưởng một quận gần quận tôi. Qua cái chức đó, ông có vợ bé, khá trẻ. Mẹ chị Thảo khóc, chị Thảo thương mẹ cũng khóc. Chú Ngọc bèn dẫn chị Thảo đến gặp ngay cô vợ bé ấy, yêu cầu cắt đứt quan hệ với ba cô. Ông thiếu tá cho rằng làm như thế là thiếu tôn trọng ông, cho rằng chú Ngọc là người chủ động việc nầy. Ông gặp chú Ngọc rồi một cuộc xung đột xảy ra giữa hai người. Dĩ nhiên chị Thảo chỉ còn cách khóc cho hết nước mắt mà xa chú Ngọc. Chú ấy đau khổ, dĩ nhiên, bỏ học, lang thang mấy năm rồi nhập ngũ. Ra trường chú xin về một đơn vị nhảy dù, gần năm năm sau, khi chỉ huy đơn vị về tái chiếm cổ thành Quảng Trị mà chú thường gọi là “thành phố quê hương”, chú Ngọc tử trận ngay ga xe lửa Quảng Trị, cửa ngõ thành phố. Tôi cũng khóc như bao nhiêu người thân trong gia đình.

    Ôi! người chú đáng yêu ấy, người chú thánh thiện tôi đã tôn sùng như một thần tượng ngay khi tôi còn thơ ấu, người chú đem lại niềm vui lớn cho một đứa bé ở chốn quê mùa hiu quạnh như tôi, chú đã ra người thiên cổ.

    Và tất cả ba ông chú ấy không còn ai về làng nữa. Chiến tranh lại lan tràn; kẻ chết, người đi xa. Tôi lại gọi họ một cách bóng bảy nhưng ý nghĩa đã khác xưa, với niềm đau tận đáy lòng tôi: “Những dòng sông không trở lại.”

    Hai năm trước khi chú Ngọc tử trận tôi lấy chồng, sau khi tôi tốt nghiệp trường Sư Phạm và dạy học được một năm. Tôi chọn nhiệm sở ngay trường tiểu học xã tôi, cho gần nhà và gần bà tôi. Ngôi trường nhà quê ấy, chẳng ai tranh giành thành ra việc về quê của tôi không có gì khó khăn. Người chồng tôi, quê ở Văn Xá, bên kia sông, cách làng tôi một chuyến đò ngang. Hôm rước dâu qua sông, phải đi bộ, trẻ con và bà con ra đứng xem hai bên đường thật

    đông, vui. Con đường làng dài và hẹp, chỉ vừa rộng đủ cho cô dâu chú rể đi bộ bên nhau, làm gì có “lên xe hoa”. Nhưng tôi không quan tâm việc ấy đâu, ngay cả khi qua sông, bỗng gãy một mái chèo. Bà tôi rất lo. Tôi cũng chỉ cười, an ủi bà đừng tin dị đoan. Chuyện tan vỡ về sau đâu phải tại vì mái chèo gãy ấy. Anh ấy học trước tôi hai lớp, ngay cả khi đang yêu nhau, trước khi quyết định làm đám cưới, tôi đã thấy mầm mống sự chia lìa rồi. Tôi đã cố gắng để sống, để vượt qua những mầm mống chia ly ấy nhưng định mệnh đã an bài.

    Người Huế, và cả người làng tôi cũng vậy, có một định kiến rất “khó chịu” về hôn nhân, có nghĩa là bao giờ người chồng cũng phải hơn người vợ, người chồng luôn luôn phải là lá chắn, là cái khiên che chở cho vợ, đã đành, nhưng tại sao phải hơn cả về mặt học vấn. Người ta cho rằng nếu người vợ đậu tú tài, người chồng phải cử nhân, người vợ cử nhân, người chồng phải tiến sĩ. Và nếu có cô nào đậu tiến sĩ, bác sĩ, chắc chắn phải… ế chồng. Học cao quá, không ai vói tới. Các cô gái nghĩ và chọn lựa như thế đã đành. Các ông con trai cũng đành chấp nhận như thế. Chồng tôi dù học trước tôi hai năm, không qua được tú tài phần hai, không vào được trường Sư Phạm trong khi tôi được người làng và bà con khen là học giỏi từ khi tôi còn nhỏ. Học ở trường làng, bao giờ tôi cũng đứng đầu lớp. Lên Huế học, chưa bao giờ tôi thi hỏng, lại đậu cao. Tôi vào trường sư phạm chẳng qua vì con nhà nghèo, không cha mẹ, ở với bà nội. Lo cho tôi ăn học tới cấp ba là một sự cố gắng tột cùng của bà tôi. Hết nuôi ba tôi rồi lại nuôi tôi được cắp sách, bà tôi đã đổ ra biết bao nhiêu công sức.

    Chồng tôi có cái mặc cảm thua kém ấy, dù tôi có muốn xóa nó đi, nhưng chồng tôi vẫn cứ khư khư giữ lấy nó, như một bức rào chắn giữa hai người. Không có sự phụ lực của anh ấy, tôi làm gì được, biết làm sao được!

    Học quân sự xong ra trường, dù chồng tôi xin về đơn vị đóng bên kia sông, chúng tôi cũng không mấy khi gần nhau, nói chi tới sống chung. Tình hình làng tôi và làng anh ấy đều không

    được yên, đêm đêm du kích về hoạt động, khiến anh ấy ban ngày cũng không dám về thăm gia đình hoặc thăm tôi. Tôi lại chẳng có thể bỏ bà tôi đi đâu được. Nếu có qua sông thăm chồng, tôi cũng chẳng thể ở lại với chồng nhiều đêm, nhà cửa không thuận tiện, không có trại gia binh và vì hành quân, anh ấy rất nhiều khi phải đi xa.

    Một buổi chiều, trước giờ học trò ra về, vợ ông cai trường gọi riêng tôi nói nhỏ:

    – “Cô nói với thầy (tức chồng tôi) rán đề phòng, “khôông” chừng “cách mạng” họ sẽ tấn công hay pháo kích vào đồn của thầy. Chắc họ đánh dữ chớ “khôông” mô!”

    Tôi lo lắng hỏi:

    – “Chắc không thím, làm răng thím biết?”

    Bà ấy nói:

    – “Dấu lính chớ “khôông” dấu dân được mô. Cả chục chiếc ghe chở đạn về dấu sau bàu, diều dà (nhiều nhà) tuốt cuối “xóm doi” bên mạ cô lo nấu bánh tày, bánh chưng, chắc là để tiếp tế cho bộ đội.”

    Tôi nói:

    – “Cám ơn thím nhiều lắm, tôi sẽ tìm cách báo cho anh ấy biết, nhưng tôi nói thiệt với thím, những chuyện nầy nguy hiểm lắm, thím nên cẩn thận; lỡ khi bên kia họ biết, nguy hiểm cho thím.”

    Bà ấy trả lời:

    – “Tui cũng biết rứa chớ cô, dưng (nhưng) thương cô, tui tội nghiệp cho thầy. Làng ni mấy chục năm ni (nay) người ta ở với dau (nhau) ác lắm, “khôông” còn thương dau dư (như) tục làng hồi xưa nữa. Cô mồ côi cha sớm cũng vì cái ác nớ (ấy). Ở với dau (nhau) dư (như) rứa làm chi mà còn làng!

    Người Việt Nam ở quê có những nhận xét sâu sắc về tình làng nước. Thím cai trường tuy ít học nhưng nói đúng đấy. Làng là đơn vị căn bản của đất nước, mỗi làng có những phong tục, lề thói, tinh thần của làng nên nó mới đứng vững được trước bao nhiêu

    cuộc biển dâu. Làng tồn tại được là nhờ ở tinh thần của nó và cũng nhờ vào tình thương yêu đùm bọc, giúp đỡ nhau qua bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ. Bỗng nay, người trong làng đâm ra ghét bỏ, thù hận nhau thì sự tan rã của làng, của đất nước tất phải đến mà thôi. Trên đường đi dạy về, nghĩ tới sự phân ly tan rã ấy, tôi bỗng thấy lạnh mình và buồn ghê gớm. Bao đời nay, làng tôi, dòng họ tôi có biết bao nhiêu người bỏ làng ra đi vì sinh kế. Vì sinh kế, nhưng lòng yêu làng, yêu bà con thân tộc thì cũng vẫn vậy. Có dịp, có cơ hội, người ta lại tìm cách về làng như các ông chú của tôi. Nếu tình thương ấy không còn, tình làng nước không còn, nếu trong làng chỉ còn những ghét bỏ, thù hận thì những người đi sẽ đi mãi. Con đường trở về không còn, như những dòng sông trôi đi, không còn quay trở lại.

    Chồng tôi cũng thế, 1975, anh ấy đã đi, qua bên kia nửa vòng địa cầu. Với tất cả những mặc cảm dồn nén trong tâm hồn anh đối với cá nhân tôi, và với tình làng nước bạc bẽo, anh không còn nhớ tới nơi anh từng được chôn nhau cắt rún, nhớ tới tôi là nguời đàn bà đã đi qua đời anh, nhớ tới đứa con là một kỷ vật quí báu anh đã cho tôi. Dòng sông quay ngoắt qua một khúc rẽ khác, rồi xa khuất hẵn.

    Mùa đông năm 1977, bà tôi qua đời, không phải trong cảnh nghèo đói mà phải nói là túng cực. Đất nước thống nhứt đã được hai năm nhưng chưa bao giờ dân tình thiếu thốn như lúc đó. Tôi nghĩ cái đói làm tăng cái lạnh đã làm cho bà tôi ra đi sớm. Đất chôn thì đã có sẵn bên cạnh mộ ba tôi, nhưng tìm mua cho ra một cái quan tài không phải là chuyện dễ như ngày xưa, mà tiền bạc thì tôi không có. Lương giáo viên sau 1975 là đồng lương chết đói hạng nhứt, thầy cô ai cũng thiếu thốn, rách rưới, còn ai nhờ cậy được ai, nên tôi lại càng vất vã trong việc chạy mua quan tài. Trước kia, bà tôi có mua dành sẵn cho bà một cái để ở đầu hiên nhà, nhưng hồi tôi học năm thứ hai sư phạm ở Qui Nhơn, tết muốn về thăm nhà nhưng không dám đi xe hơi vì quốc lộ 1 thường bị cắt và đặt mìn, nên bà tôi phải bán cái quan tài đó đi để tôi có tiền mua vé máy bay cho tôi. Suốt một cuộc đời bà tôi hết lo cho ba tôi rồi lo cho tôi ăn học, thậm chí bán cả quan tài để tôi có tiền mua vé máy bay, lẽ nào tôi lại có thể mua cho bà tôi một cái quan tài loại gỗ tạp. Chạy được tiền rồi, tôi phải lên tận rừng Hòa Mỹ để mua cho được một cái quan tài vừa tốt vừa rẻ. Trong khi tôi chạy ngược chạy xuôi lo tiền và mua quan tài thì con gái tôi ở nhà với bà con. Cũng may, trong làng vẫn còn nhiều người bà con xóm làng cố cựu tới lui thăm viếng, lo lắng, giúp đỡ nên việc chôn cất bà tôi được êm đẹp. Sự giúp đỡ đó là niềm an ủi lớn của tôi sau “cuộc đổi đời”.

    Gần hai mươi năm sau ngày đã có hòa bình nhưng bình an thì không bao giờ có, đứa con gái của tôi lấy chồng, cũng để lại cho tôi một đứa con nhỏ, rồi nó lại đi thật xa, như nội tổ tôi ngày xưa vậy, tìm một miền đất hứa khác, ở cuối miền Nam khi cuộc sống chúng tôi quá nhiều khó khăn. Ngôi nhà từ đường bị tịch thu để làm kho hợp tác xã. Các bàn thờ và tự khí cũng bị tiêu hủy. Tôi chỉ được cho lại có gian nhà bếp.

    Đêm đêm, ôm đứa cháu ngoại vào lòng, tôi sống lại cuộc đời bà tôi nửa thế kỷ trước, cũng trên chiếc rương xe ấy nhưng nay đã rỗng tuếch. Tôi chẳng cất giữ được những gì do bà tôi để lại, kể cả những thứ “gia bảo” của bà khi bà còn trẻ. Hai bà cháu tôi đắp cái chăn sờn rách nhiều chỗ mà số tuổi của nó kém tuổi tôi không xa. Tôi cố ép sát mình tôi vào đứa cháu ngoại cho nó được ấm như ngày xưa bà tôi đã ấp ủ tôi trong những đêm lạnh giá. Tôi miên man nghĩ tới những thế hệ đã qua, bao nhiêu người nằm xuống, bao nhiêu người đã đi xa mà tôi không thể hy vọng họ quay về, dù chỉ một lần thăm hỏi.

    Tiếng bà lão ru cháu bên hàng xóm làm tôi nhớ những tiếng “ạ ời” của bà tôi ngày xưa, không bao giờ tôi có thể quên được. Ngày thơ bé ấy, tôi chưa hiểu lời ru, nhưng cái âm thanh đều đặn, trầm buồn phát ra từ cổ họng bà tôi, đã ru tôi vào giấc ngủ hiền hòa. Ngày sau lớn lên, ý nghĩa câu ca dao bà ru làm cho lòng tôi thêm đau đớn, buồn rầu. Đất nước nầy, dân tộc nầy có đầy những bài ca, những lời ru quyện lấy những điều chia lìa, ly biệt:

    “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội,
    Người xa người tội lắm người ơi!”

    Thế ai làm nên những điều chia xa, giết cha tôi bên bờ ruộng, làm cho mẹ tôi góa bụa khi còn trẻ mà không thấy tội cho người?

    “Con chim phượng hoàng bay qua hòn núi bạc
    Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi
    Gặp nhau đây cạn tỏ một đôi lời
    Kẻo mai kia con cá về sông vịnh,
    con chim phượng hoàng dời non cao!”

    Vâng, có bao nhiêu người thân yêu may mắn gặp gỡ nhưng chưa nói hết những điều muốn nói thì lại đã chia tay, như một dòng sông chia ra nhiều ngã, như những nhánh sông chảy qua miền đất phì nhiêu ruộng đồng xanh tốt và cũng có những nhánh sông băng qua nhiều thác, nhiều ghềnh. Những nhánh sông đó không bao giờ gặp nhau lại nữa!

    Vậy là bên dòng sông Bồ nầy, ba thế hệ của dòng dõi nhà tôi đã trôi qua, với bao nhiêu khổ đau vì chiến tranh, chết chóc, chia ly và nghèo khó, của sự suy tàn triều đại nhà Nguyễn, kéo theo sự suy tàn của dòng họ Hoàng của tôi.

    Mai đây, con tôi lớn lên, lại tiếp nối một thế hệ thứ tư, có gì làm chắc, có gì hy vọng ở thế hệ thứ tư đó, không riêng gì con tôi mà toàn thể thế hệ chúng nó, tránh dược những khổ đau và ly biệt mà cha ông nó đã từng gánh chịu?!

    Lắm khi tôi bỗng giật mình vì những tiếng còi tàu thời thơ ấu từ ga sông Bồ, ga Hiền Sĩ vẳng lại. Trong đêm khuya tĩnh lặng, tiếng còi tàu thê lương rền rĩ vang lên thật rõ, như tiếng khóc một người đàn bà cô quạnh, như tiếng ạ ời giữa đêm khuya của người đàn bà nào đó ru con bên hàng xóm. Người đàn bà đó là ai? Là người đàn bà góa chồng như tôi ở bên cạnh nhà, là hòn núi đá Vọng Phu trong dãy Trường Sơn đứng ngó ra biển Đông, mòn mỏi đợi chồng, là bà tôi trong cuộc sống cô quạnh của bà hồi nửa thế kỷ trước ở một làng quê nghèo khó, hay chính tôi đang tiếp nối cuộc hành trình của bà trong cuộc đời vô định như những dòng sông trôi đi không bao giờ trở lại,

    hoànglonghải
    Nguồn: Văn Tuyển

    (1) Cầu bắt ngang làng An-Lỗ, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
    (2) Mệ: Bà (nội hay ngoại), tiếng miền Trung.
    (3) “Ai về Bình Định mà coi,
    Con gái Bình Định múa roi, đi quyền.” (Ca dao)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X