Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phi Đoàn 221 Trực Thăng

Collapse
X

Phi Đoàn 221 Trực Thăng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phi Đoàn 221 Trực Thăng

    Phi Đoàn 221 Trực Thăng
    Người kể Nguyễn Văn Ức



    Đôi Dòng Tiểu Sử

    - 11-1959: Gia nhập Khoá 16 Trường VBQGVN.
    - 12-1962: Khi tốt nghiệp, định chọn TQLC, nhưng lại được tuyển về Quân Chủng Không Quân.
    - 4-1963: Học Hoa Tiêu Trực Thăng tại Hoa Kỳ.
    - 5-1964: Tốt nghiệp về phục vụ tại Phi Đoàn 217, Không Đoàn 33 Chiến Thuật, sau này di chuyển về Không Đoàn 74 Chiến Thuật tại Cần Thơ.
    - 10-1969: Sĩ quan liên lạc Không Quân tại Hoa Kỳ.
    - 1-1971: Phi Đoàn Trưởng PĐ 221, Không Đoàn 43 Chiến Thuật, thuộc Sư Đoàn 3 KQ tại Biên Hoà.
    - 1-1973: Không Đoàn Phó KĐ 64 Chiến Thuật, thuoộc Sư Đoàn 4 KQ tại Cần Thơ.
    - Tham gia các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt ở các hội đoàn cựu quân nhân tại Orange County, California từ tháng 4-1975 tới nay.

    Cuộc đời binh nghiệp của tôi trải qua nhiều giai đoạn, nhưng có lẽ giai đoạn khó khăn nhất, nhưng mang nhiều ý nghĩa nhất là khi tôi nhận trách nhiệm yểm trợ cho mặt trận An Lộc vào năm 1972.

    Tôi được thuyên chuyển về SĐ 3 KQ tại Biên Hoà và là phi đoàn trưởng 221 trực thăng từ đầu năm 1971. Nhờ thế, tôi đã thu thập được nhiều kinh nghiệm về hành quân trực thăng vận và quen thuộc với điạ thế vùng này. Đầu năm 1972, khi An Lộc bị VC tấn công và mặt trận trở nên khốc liệt, phi đoàn 221, là một trong 3 phi đoàn trực thăng của Sư Đoàn 3 KQ, đã được chỉ định yểm trợ trực tiếp cho quân bạn đang chiến đấu tại đây.

    Trong một buổi họp tham mưu với Tư Lệnh Sư Đoàn 3 KQ tại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương QĐ III tại Lai Khê, Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 KQ, cùng Đại Tá Nguyễn Văn Tường, biệt danh Tường “mực” (vì da của ông khá đen nên đơn vị gọi ông là “mực”), Chuẩn Tướng Tính đã ra lệnh cho tôi,

    - Anh chịu trách nhiệm chỉ huy trực thăng, yểm trợ cho mặt trận An Lộc.

    Tôi đã tuân hành sự chỉ định này và thực hiện ngay các nhiệm vụ cần thiết. Khi cuộc chiến bắt đầu xảy ra, tôi thường bay C&C ra và vào An Lộc. Tôi đã chỉ huy phi đoàn trực thăng 221 đổ LĐ 81 Biệt Kích xuống Đồi Gió, (một ngọn đồi ở phiá Đông Nam, ngay sát thị xã An Lộc.) vào khoảng ngày 7 hay 8 tháng 4-72. Ngày hôm sau, tôi lại cùng phi đoàn chuyển quân tiếp viện của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù vào cùng địa điểm. Khi đang bay, Đại tá Lê quang Lưỡng đã nói với tôi,

    - Đến chuyến cuối cùng, anh chở tôi về Chơn Thành để tôi đi với “slick” (trực thăng chuyển quân) lên.

    - Đại tá muốn đáp sau đơn vị cuối cùng phải không? Tôi hỏi.

    - Anh dám đáp không? Đại Tá Lưỡng hỏi.

    Tôi nói qua máy truyền tin (intercome),

    - Thật sự khi bay C&C, mình chấp nhận đưa lưng cho nguời ta bắn. Trực thăng chở quân vào thường bay “raise mode”, sát ngọn cây để tự bảo vệ, nên đã hạn chế tầm quan sát của đối phương. Bay với cao độ như vậy, trực thăng vừa xuất hiện đã biến mất khỏi tầm nhìn của địch. Bọn chúng khó phản ứng vì không đủ thời gian. Ngược lại, C&C luôn bay ở cao độ từ 2500 đến 3000 bộ, nên dễ bị bắn lắm.

    - Vậy thì thôi. Tôi sẽ theo chuyến cuối cùng xuống Đồi Gió.

    Các đợt chuyển quân cứ thế, đến rồi đi, rồi quay trở lại nhiều lần trực thăng vận mới xong toàn bộ quân số của cả lữ đoàn. Cuối cùng, tôi thả Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn ND cùng với Đại tá Lưỡng, và Bùi Quyền, Trưởng Ban 3 Lữ Đoàn, xuống bãi đáp đang mịt mù đất và khói bụi. (Anh Bùi Quyền vốn là người bạn cùng khoá của tôi.) Trên đường vào An Lộc, tôi đã cho anh Quyền mượn một headset để có thể nghe được cuộc liên lạc giữa tôi và các đơn vị bộ binh, giữa Không Quân, và để có thể nhận lịnh trực tiếp từ vị Lữ Đoàn Trưởng. Cuối cùng, cuộc đổ quân tiếp ứng đã hoàn tất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

    Vào trung tuần tháng 4-72, khoảng một tuần sau, Phi Đoàn 221 lại chịu trách nhiệm trực thăng vận Trung Đoàn 8, SĐ 5 BB từ Lai Khê vào thẳng thị xã An Lộc. Lúc này, VC đã chiếm nữa thành phố về phía Bắc, trong khi lực lượng trú phòng đang ngăn chặn chúng ở phiá Nam. Vào lúc 5 giờ chiều, phi đoàn đã trực thăng vận được 2 tiểu đoàn của trung đoàn này, nhưng vì trời mưa rất lớn nên kế hoạch đưa tiểu đoàn còn lại bị hoãn cho đến ngày hôm sau. Tôi đã ra lệnh các trực thăng ở lại Lai Khê, trong khi tôi vào thăm Tướng Lê Văn Hưng vả ở lại qua đêm. Ngày hôm sau, khi tôi trở lại Lai Khê để chuyên chở nốt tiểu đoàn cuối cùng, thì cũng là ngày VC dùng xe tăng T54 tấn công vào thành phố. (LĐ3 BĐQ đã được trực thăng vận lên An Lộc ngay từ đầu trận đánh, trước khi CS tấn chiếm cầu Cần Lê, phiá Bắc An Lộc 10 km - Ban Biên Tập.)

    Ngoài ra, Phi Đoàn 221 còn chiụ trách nhiệm tiếp tế và tải thương. Mỗi lần bay như vậy, phi đoàn cho 4 chiếc slick (trực thăng), cùng 3 chiếc gunship theo để yểm trợ, thay vì 2 như thường lệ. Với hoả lực hùng mạnh của 3 chiếc gunship, và sự linh hoạt của nó, mới đủ sức áp đảo hoả lực phòng không của địch vốn rất mạnh ở đây. Tất cả bay “raise mode” (bay thấp chỉ trên ngọn cây để đối phương không thấy và không kịp bắn) từ Tân Khai lên.

    Cách cho “slick” bay sát ngọn cây để tránh ít bị VC bắn, nhưng phải bay theo cùng một lộ trình ngày này qua ngày khác nên không tạo được yếu tố bất ngờ, đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Chúng đã nghĩ ra cách ngăn chặn đoàn trực thăng ra vào An Lộc, bằng cách bố trí người nằm trên đọt cây cao su rồi dùng súng chận bắn. Mặc dù cố gắng nhưng một số máy bay vẫn bị trúng đạn của CSBV và phi hành đoàn bị thương khá nhiều. Các trực thăng dù không bị rơi nhưng khi về đến phi trường mới biết máy bay bị trúng đạn qua những lổ thủng còn lưu lại trên thân. Tình hình đã xấu nhưng vẫn chưa phải là xấu nhất, cho đến khi có 2 chiếc bị bắn nổ trên bầu trời cùng với phi hành đoàn. Tôi đã ra lệnh ngưng thực hiện các phi vụ, để chờ lệnh của Sư Đoàn 3 KQ.

    Tôi đã đề nghị với Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh QĐ III, khi ông lên thị sát mặt trận,

    - Thưa Trung Tướng, với mức độ thiệt hại như vậy, mình không thể tiếp tục yểm trợ quân bạn. Sự tổn thất hàng ngày sẽ khiến chúng ta không còn phương tiện. Đề nghị Trung Tướng tìm cách khác.

    - Anh có cách nào không?

    - Có thể xử dụng C123, hay C130 thả dù.

    Sau khi họp với ban tham mưu, ông dã đồng ý với ý kiến của tôi. Ông đã đề nghị với Bộ Tư Lệnh KQ cho xử dụng C123 và C130. Tiếp tế bằng loại máy bay này lại bộc lộ khuyết điểm khác. Vì phải bay cao để tránh hoả lực phòng không của VC nên tỷ lệ hàng tiếp tế cho quân bạn chỉ khoảng 50%. Đa số đã lọt vào tay VC. Do đó, các chiếc máy bay này đã bay “raise mode” để việc thả dù chính xác hơn. Vì thế các phi hành đoàn gặp khó khăn hơn. Không linh hoạt như trực thăng, các máy bay này coi như “phơi bụng” chờ CSBV dùng đủ loại súng bắn. Cuối cùng, một chiếc C123 đã bị phòng không VC bắn rơi trên An Lộc. Tôi không rõ sự tổn thất của phi hành đoàn, nhưng chắc chắn không hứa hẹn điều tốt lành. Từ đó, việc dùng trực thăng để tiếp tế gần như không thể thực hiện. Khi tình hình chiến sự tại mặt trận An Lộc trở nên nghiêm trọng, đơn vị trú phòng chỉ còn dựa vào sự yểm trợ của B52, F5, và Cobra, phần lớn của không lực Mỹ. Vì chưa triệt hạ được hệ thống phòng không của VC hoàn toàn, Cobra cũng bị tổn thất nhiều dù đã bay ở độ cao 5000, 6000 bộ.

    Sau 2 tuần lễ, trong buổi thuyết trình của QĐ III cho Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân. Sau phần thuyết trình, Trung Tướng Minh, xoay qua Chuẩn Tướng Tính, nói,

    - Tôi nghĩ Th/Tá Ức có kinh nghiệm thực tế, do đó giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Ức là hợp lý.

    Chính vì thế, tôi không còn cơ hội khác hơn là tận tình thực hiện nhiệm vụ của một quân nhân. Hai ba ngay sau, viên tướng cố vấn Mỹ thuộc QĐ III nói với chúng tôi,

    - Đã có đến 4 chiếc trực thăng của chúng tôi (Hoa Kỳ) vào An Lộc và không bị bắn.

    Chuẩn Tướng Tính đã yêu cầu tôi kiểm soát lại. Tôi ra bãi đáp sân bay Lai Khê thì thấy 4 chiếc trực thăng của Mỹ vẽ 4 vạch trắng từ lườn bên này sang bên kia. Ngoài ra, phi hành đoàn còn đội helmet trắng. Tôi đã biết rằng chúng tôi đang bị chơi xỏ.

    Tôi bình tĩnh cầm tấm bản dồ nói với viên thiếu tá phi công trực thăng Hoa Kỳ,

    - I heard that you led to An Lộc with your 4 helicopers anh came back without being shot? (Tôi nghe nói ông đã hướng dẫn 4 trực thăng vào An Lộc mà không bị bắn?)

    - Yes, Sir.

    - Show me which flight path to go. (Chỉ cho tôi đường bay.)

    Ông ta chỉ con đường đi vòng lên Tống Lê Chân rồi vào An Lộc. (Lúc này căn cứ TLC đang bị vây hãm, và tất cả vùng này đang nằm dưới sự kiểm soát của CS.). Nếu tôi ngây thơ nghe ông ta thì chắc chúng tôi không còn ai để tới mục tiêu. Tôi đã nói với ông ta rằng tôi có thể bay lệch sang trái hoặc phải 500m vì không nắm chính xác đường bay, do đó có thể bị VC bắn hạ. Tôi nói thêm,

    - You and I flight on my helicopter, then show me exactly the flight path to An Lộc. (Tôi và ông cùng bay trên máy bay của tôi, rồi ông chỉ cho tôi chính xác đường vào An Lộc.)

    - No, Sir. I can’t.

    Cho đến nay tôi vẫn không hiểu dụng ý của phiá Mỹ khi báo cho chúng tôi biết là họ có thể vào An Lộc bằng cách riêng của họ. Tất cả máy bay của ta đều sơn màu nguỵ trang, phi hành đoàn phải dùng quân phục nguỵ trang, mũ được sơn màu nguỵ trang, thế mà các phi cơ không tránh khỏi bị bắn trong suốt đường bay. Trong khi đó, máy bay của họ sơn vạch trắng, phi công đội mũ sơn trắng. Thật là một câu truyện nực cười!

    Tôi đã trở lại phòng họp và không dấu khỏi sự bực dọc khi trình bày lại vấn đề với thượng cấp.

    Sau nhiều lần VC tấn công chính diện vào An Lộc bị thất bại và thiệt hại nặng, nơi đây tương đối trở nên yên tĩnh. Địch dường như bị tổn thất nhiều nên không thể mở những trận đánh lớn hơn. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, các đơn vị trấn giữ An Lộc rất cần thêm quân để tái bổ xung, thêm đạn được, và súng ống để tái trang bị. Vì bị pháo kích và tấn công lẻ tẻ, các đơn vị của ta từng ngày bị thiệt hại dần, như thương binh đang từ từ chảy máu mà không có dụng cụ cầm giữ. Họ cần được tiếp tế và tăng cường quân số mau lẹ.

    Khoảng đầu tháng 6-1972, tôi được Trung Tướng Tư Lệnh QĐ III mời họp để bàn về việc trực thăng Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 BB và Tiểu Đoàn 6 ND vào An Lộc để tăng cường cho mặt trận. Tôi đã trình bày với Tung Tướng TL/QĐ III,

    - Nếu Trung Tướng đồng ý đổ quân theo đề nghị của tôi, tôi có thể đổ hết Tr/Đ15 và TĐ6 ND, với hy vọng thiệt hại tối thiểu.

    Cầm bản đồ, tôi đã kín đáo trình bày kế hoạch được phác hoạ trong đầu với riêng ông. Sở dĩ tôi làm như vậy là để tránh những tin tức hành quân có thể bị lọt ra ngoài, khiến VC có cơ hội chận đánh. Sau khi nghe tôi thuyết trình, ông nói,

    - Tôi đồng ý.

    Quay sang các đơn vị trưởng bộ binh, tôi nói,

    - Vào 6 giờ sáng mai, trước khi trực thăng vận, tôi sẽ thuyết trình với quý vị điạ điểm và cách đổ quân.

    Sáng hôm sau, tôi đã trình bày cùng Trung Tá Cần, Trung Đoàn Trưởng TĐ 15, và vị TĐT/TĐ6 Nhảy Dù,

    - Đây là một cuộc đổ quân mà trực thăng không đáp. Máy bay chỉ “hoover” (bay là là) cách mặt đất khoảng 1m, rồi các đơn vị bộ binh tuần tự nhảy xuống, vì điạ điểm này là một khu rừng chồi nên máy bay không thể đáp thẳng xuống đất.

    Tôi đã bay C&C từng ngày ra vào An Lộc nên gần như thuộc lòng điạ thế nơi đây. Một khu vực nằm bên trái Tân Khai, cách An Lộc 3 km về phiá Nam, bên trái QL 13, là một khu rừng thưa sát rừng cao su, diện tích khá lớn. Khu vực này không tiện cho trực thăng đổ quân, nhưng lại rất thuận lợi cho ta nếu thực hiện ý định này, vì VC không nghi ngờ nên chỉ bố trí vài chốt nhằm ngăn chặn và báo động nếu các đơn vị của ta muốn di chuyển về phiá Nam (hướng Saigon).

    SĐ3 KQ có 3 Không Đoàn Chiến Thuật, 1 Không Đoàn Yểm Cứ lo bảo vệ an ninh, và Không Đoàn Kỹ Thuật.

    - 3 Không Đoàn CT gồm: Không Đoàn 43 CT, Không Đoàn 23 CT (khu trục), và 1 Không Đoàn 63 CT (F5).

    - Không Đoàn 43 CT gồm các Phi Đoàn 221 UH1 Trực Thăng, 223 UH1 Trực Thăng, 231 UH1 Trực Thăng, và Phi Đoàn 237 CH 47 Chinook. Sau 1972, Không Đoàn này có thêm 2 Phi Đoàn Trực Thăng 245 và 251.)

    Đây là lần đầu tiên tôi chỉ huy một cuộc đổ quân dùng một hợp đoàn, gồm khoảng 30 chiếc, thuộc 3 phi đoàn trực thăng của SĐ3 KQ, cùng một lúc, chưa kể trực thăng chiến đấu. Một phi đoàn có khoảng 33 đến 38 trực thăng. Nhưng trên thực tế, mỗi phi đoàn chỉ có thể dùng khoảng 10 cho mỗi “flight” (phi vụ), 3 “gunships” (trực thăng chiến đấu), và một C&C. Lý do là máy bay cần được bảo trì và sửa chữa. Bình thường, mội “flight” của phi đội dùng khoảng từ 10 cho đến 15 trực thăng chở 1 đại đội, đổ xuống mục tiêu rồi quay về bốc đại đội kế tiếp. Giờ đây 3 phi đoàn gồm khoảng 30 chiếc trực thăng, mỗi phi đoàn cất cánh cách nhau 5 phút, trực thăng vận nguyên cả tiểu đoàn bộ binh xuống mục tiêu, trong một lần.

    Trong đợt đổ quân đầu, một “gunship” đã bị bắn hỏng nhưng đã cố gắng bay vào khu vực có quân bạn nên cả phi hành đoàn được cứu. Các đợt sau các máy bay đều bị bắn và bãi đáp bị pháo kích. Qua báo cáo từ dưới đất, cho biết VC cũng đã pháo kích vào vị trí gây thiệt hại ít nhiều cho đơn vị bạn. Rõ ràng VC đã không kịp chuẩn bị để tấn công đơn vị này. Khi về đến Lai Khê, kiểm soát lại chúng tôi mới thấy các máy bay chở quân (slick) cũng bị trúng đạn nhiều qua những lỗ thủng trên thân, nhưng may mắn không có chiếc nào bị hư hỏng nặng.

    Cuối cùng, cuộc hành quân trực thăng vận đã chấm dứt với tổn thất được coi như tối thiểu, như dự đoán. Qua tin tức của phòng hành quân, tôi được biết đơn vị này đã bắt tay được với các đơn vị phòng thủ, khoảng 2 hay 3 ngày sau đó.

    Phi Đoàn 221 cũng đã trực thăng vận Tiểu Đoàn 6, thuộc LĐ1 ND xuống Đồi Gió, An Lộc. Khi tới đây, TĐ6 được lệnh phòng thủ trên đồi. TĐ đã bố trí 2 đại đội nằm trên, và 2 ĐĐ dưới chân đồi. Đêm hôm sau, VC đã tấn công và chặt đơn vị này làm hai. Vì áp lực của địch quá mạnh, 2 đại đội phiá dưới phải dạt về hướng Nam và bố trí trong một trảng rừng cao su, trong khi 2 đại đội phòng thủ phía trên được lệnh rút vào thị xã.

    Phi đoàn 221 đã phải “bốc” 2 đại đội này về lại Lai Khê để bổ xung quân số cho cuộc đổ quân sau này. Vì quân số còn đông trong khi phương tiện chuyên chở giới hạn, nên có chiếc trực thăng phải chở đến khoảng 30 người, đến nỗi phi công phải “overdrive” (bắt máy móc làm quá sức) để cất cách. Khi về tới căn cứ, chiếc trực thăng này đã bị bỏ do máy đã hư hỏng. Trong giai đoàn này, SĐ 21 BB cũng đã được chuyển tới đây nhưng việc chuyên chở do một phi đoàn trực thăng tại Vùng 4 đảm trách.

    Trong thời gian giữa tháng 4 và đầu tháng 5, tôi vẫn bay C&C để chỉ huy. Một lần, tôi, ĐT Tường “Mực”, và viên Đại Tá Cố Vấn SĐ3 KQ bay vào AL để quan sát tình hình. Đột nhiên, phòng không 23 ly của CSBV bắn nổ cách tôi khoảng 50m, khiến máy bay bị dội ngược quay ngang 90 độ, khi cơn cuồng phong của sức nổ không hất vào thân máy bay. Chúng tôi may mắn không ai bị thương nhưng đã bị giao động dữ dội. Về đến Lai Khê, chúng tôi mới biết cánh quạt đuôi có nhiều lỗ thủng. Thật là một kinh nghiệm khủng khiếp!

    Mặc dù phi đoàn 221 có khoảng 30 trực thăng chuyên chở, nhưng phi đoàn có đến 110 sĩ quan hoa tiêu, 110 hạ sĩ quan trong đó một nửa là cơ khí viên phi hành và một nửa là xạ thủ phi hành. (Trong số những hoa tiêu này, tôi còn gặp các anh Nguyễn Văn Thân, Vũ Từ Hạnh, Đàm Khánh Thuỵ, Nguyễn Văn Điều, Vinh “râu”, Mai Văn Quế,...) Các hoa tiêu và phi hành đoàn không thể bay liên tục trong thời gian dài, do đó họ cần được phân công bay theo lịch trình ấn định và có thời gian để nghỉ ngơi.

    Ngoài ra, Phi Đoàn 221 cũng có một số “gunships”giữ nhiệm vụ yểm trợ cho trực thăng chở quân (slick). Tuy nhiên trên thực tế, các trực thăng võ trang (gunship) cũng yểm trợ hoả lực cho các đơn vị bộ binh khi có yêu cầu. VC rất sợ loại máy bay này vì hoả lực mạnh, độ chính xác rất cao, và sự linh hoạt của nó. Khi trở về Lai Khê, các trực thăng võ trang thường dùng hết đạn dược mang theo.

    Khi yểm trợ cho An Lộc, các phi công đôi khi mỗi ngày phải thực hiện 2 phi vụ khi có nhu cầu của chiến trường. Trong giai đoạn đầu khi cần chuyển quân và khi mặt trận chưa nặng, các phi công bay ra và vào An Lộc nhiều lần cho đến khi nào nhiệm vụ hoàn thành. Nhưng khi mặt trận trở nên khốc liệt, mỗi phi hành đoàn có thể chỉ bay một lần và phi vụ kế tiếp dành cho phi hành đoàn khác, nếu cần, vì việc điều khiển phi cơ chính xác tùy thuộc rất nhiều vào sự tỉnh táo của họ.

    Ra vào một mặt trận không phải là chuyến bay dạo trên không, mà là những nguy hiểm mà các phi hành đoàn sẽ phải đối mặt. Mỗi lần vào An Lộc là mỗi lần như đi vào đất chết. Chúng ta cố gắng tiếp tế, chuyển quân cho An Lộc, trong khi VC cố tình ngăn chặn bằng cách bắn hạ trực thăng, phương tiện liên lạc duy nhất với nơi đây. Họ có thể nhận lãnh đạn AK, phòng không của CSBV trên đường bay đến và đi, nhận lãnh pháo kích khi đang ở bãi. Nhưng họ vẫn giữ bề ngoài tươi tỉnh, sẵn sàng chấp nhận tương lai bất trắc. Để làm tròn nhiệm vụ, phi hành đoàn gồm những phi công trẻ phải là những người can đảm, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Khi trực thăng cất cánh điều suy nghĩ duy nhất là làm sao thực hiện xong phi vụ và mong trở về an toàn.

    Một lần, tôi đã nói chuyện với họ,

    - Anh em nhớ, thời tôi mới ra trường làm phi công, VC chỉ dùng súng nặng nhất là AK, hoặc đại liên. Giờ đây, các anh sẽ đối diện với vũ khí nhẹ nhất là AK. Đừng lơ là, đùa dỡn khi điều khiển máy bay. Cần cố gắng giữ mạng sống của mình bằng cách theo đúng nguyên tắc, vì phi công chết vì chiến tranh chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80 % chết vì trở ngại kỹ thuật, hoặc vì sự lơ đễnh, coi thường nguyên tắc điều khiển máy bay.

    Phi hành đoàn và các đơn vị bộ binh đón nhận sự nguy hiểm có khác nhau. Sau thi hành một phi vụ xong trở về, phi hành đoàn có thể nghỉ ngơi chờ phi vụ tới. Nhưng các đơn vị bộ binh phải đối diện với nguy hiểm liên tục cho đến chừng nào mặt trận chấm dứt. Phi hành đoàn chỉ chiụ đựng ngắn hạn sự nguy hiểm, nhiều nhất là 30 phút, đến và đi khỏi mặt trận. Nhưng trong khoảng thời gian đó, phi hành đoàn trở thành mục tiêu chính của VC và có thể bị bắn hạ bằng nhiều loại súng của chúng bất cứ lúc nào. Định mệnh mỗi người tuỳ thuộc hoàn toàn vào sự may mắn, tính toán chính xác của phi công và các xạ thủ.

    Sau 40 năm kể từ 30-4-75, hôm nay tôi có dịp cám ơn các quân nhân thuộc Phi Đoàn 221 đã góp sức cùng tôi làm tròn trách nhiệm nặng nề trong nhiều mặt trận, ở nhiều nơi, đặc biệt vào Mùa Hè Đỏ Lửa ở chiến trường An Lộc. Nơi đây, Phi Đoàn 221 đã phải thực hiện nhiều phi vụ vô cùng nguy hiểm, các phi công và các xạ thủ đã phải chiụ đựng áp lực tinh thần nặng nề, cũng như sự tổn thất lớn. Chỉ có những người có tinh thần kỷ luật quân đội cao và đầy lòng can đảm mới có thể chu toàn nhiệm vụ.

    Nhân dịp này, tôi xin nghiêng mình trước sự hy sinh của những người đã khuất. Phi đoàn 221 được mọi người nể trọng là do sự đóng góp của tất cả mọi người. Có thể nói, mặt trận An Lộc kéo dài khoảng 90 ngày thì tôi có mặt ở bầu trời AL khoảng 70 ngày. Tôi không bao giờ nghĩ có thể sống sót để gặp mặt gia đình, vợ con sau những tháng ngày yểm trợ cho mặt trận. Thượng đế đã thương anh em chúng tôi vì đến nay vẫn còn có thể gặp lại nhau. Những quân nhân của Phi Đoàn 221 Trực Thăng, còn sống sót sau chiến dịch 1972, chắc cùng ý nghĩ như tôi.

  • #2
    Kính Thưa Anh Chị Em Chiến Hữu.

    Qua bài viết về Tiểu Sử của Phi Đoàn 221_KĐ 43 CT_Sư Đoàn 3 KQ_
    ___Phi Đoàn Lôi Vũ 221___

    Tôi vẫn nhớ không nhầm những ngày sau cùng tháng 4/1975. Lúc bấy giờ Trung Tá Nguyễn Văn Trọng là Phi Đoàn Trưởng cuối cùng của Phi Đoàn 221_ Đêm 28/4 Trung tá Trọng và tôi ( Copilot ) cùng Phi Đoàn đã di tản chiến thuật về phi trường Tân Sơn Nhứt_Chiến sự dồn dập .......!
    _Sau ngày 30/4._Tôi có tìm đến nhà Trung Tá Trọng ( ở quận Phú Nhuận Sài Gòn)_Thầy trò ngồi tâm sự trước ngày Trung Tá bị đưa đi tù ( CSVN dùng từ cải tạo tập trung ) Từ đó, không còn biết tin của nhau !
    _ Giờ đây.! Sau 40 năm Tôi mong được biết tin về người Thầy Khả Kính này ? Kính mong Anh Chị Em nào có biết tin tức về Cựu Phi Đoàn Trưởng PĐ 221 Nguyễn Văn Trọng xin cho tôi được biết thêm_
    _Xin cám ơn_
    Căn Cứ Chu Lai 1972
    Last edited by Căn Cứ Chu Lai 1972; 06-19-2015, 06:49 AM.

    Comment


    • #3
      Rạng sáng ngày 29/4 thì phi trường TSN bị pháo dử dội nên phi đoàn 221 đã theo lịnh của TT Trọng di tản về căn cứ HQ ở Nhà Bè , rồi sau đó hình như TT Trọng đã bỏ về nhà ( có lẻ ông không nở bỏ lại vợ con ), trao quyền chỉ huy PD lại cho Vũ Từ Hạnh
      Mình cũng là một thành viên nòng cốt của 221 từ thời TT Ức , trong thời gian bị giam trong các trại tù CS mình cũng có hỏi thăm tin tức của 2 ông thầy này , có ngưòi nói là TT Ức đang ở bên Thái còn TT Trọng thì bặt tin ! Bạn đã tới nhà riêng của TT Trọng sau ngày sập trời vậy sau không thử trở lại đó hỏi thăm xem sao ?
      Tiện đây xin hỏi có bạn nào biết cách làm sao liên lạc với TT Ức không ? Mình cũng muốn tìm lại ông thầy củ - Cám ơn các bạn trước

      Comment


      • #4
        Lao ngoan dong hien dang cu ngu o dau ? Hoa ky hay Viet nam . Neu o Hoa ky thi T/T Uc dang song tai California .

        Comment


        • #5
          Hiện giờ mình sống bên Âu châu , nhưng thỉnh thoảng có qua Little SG -Cali chơi với một thằng bạn PD 219

          Comment


          • #6
            Có bạn ở Little Sài Gòn mà không liên lạc được NT. Ức cũng là chuyện lạ ...

            lnđ hỏi thăm xem sao?

            Comment


            • #7
              Bạn Tito,
              Tôi không biết bạn thuộc đơn vị nào trong KQ (hay trong PD 221), nếu có thể xin bạn chỉ rõ những điều được gọi là "một cách bịa đặt để làm gì ngoài sự coi thường các chiến hữu dưới quyền của ông đã ra đi không ai tìm xác rơi để giờ này ông tự sướng?" để mọi người cùng biết, Tuy nhiêu việc bạn liên tục đã kích một vị Phi Đoàn Trưởng (ít nhiều cũng đã có công lao mới được bò lên đến đó) quả thật không phù hợp với truyền thống KQVNCH.

              Ngoài ra, "Đâu có ai muốn đọc lí lịch của ông Ức mà ông kể lể ra đây": tôi nhớ thường thường người mình (VNCH) hay viết "lý lịch", dù "í" nghĩa có thể giống nhau. Cách viết này được "cải cách" sau 30 tháng 4 năm 1975.

              Comment


              • #8
                Tôi hoàn toàn đồng ý với tieuchuy: “...việc bạn liên tục đả kích một vị Phi Đoàn Trưởng (ít nhiều cũng đã có công lao mới được bò lên đến đó) quả thật không phù hợp với truyền thống KQVNCH...”

                Tôi cũng đã từng có ý kiến tương tự cách đây mấy năm khi có người “kể tội” cố Trung tá Trương Thành Tâm ngay sau khi ông vừa qua đời.

                Thiết nghĩ anh em administrators của Diễn Đàn có quyền, và có trách nhiệm delete ý kiến của những người kém ý thức như thế! NHT
                Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-02-2019, 04:09 PM.

                Comment


                • #9
                  remove thread
                  Last edited by Tito; 05-03-2019, 06:31 AM.

                  Comment


                  • #10
                    delete thread
                    Last edited by Tito; 05-03-2019, 06:45 AM.

                    Comment


                    • #11
                      “Hãy cố quên đi mà sống...”

                      Bạn Tito thân mến,

                      Tôi sử dụng chữ “thân mến” bởi đã biết chắc bạn là một người anh em cùng chung màu cờ sắc áo quân chủng.

                      Trước hết, tôi xin ghi lại phần trả lời của tôi cho chị TV5050 trước đây, sau khi chị khuyên can một KQ về việc “kể tội” cố Trung tá Trương Thành Tâm trên Diễn Đàn này.


                      "Hãy cố quên đi mà sống..."


                      Chị TV5050 quý mến,

                      Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì chị viết, bởi trong đó chất chứa tình người, và giữa anh em KQ chúng tôi, còn là tình quân chủng.

                      Tôi tin rằng ở một nơi chốn nào đó trong cõi vô hình, cố Trung tướng Trần Văn Minh - người anh cả trong quân chủng (1967-1975) được rất nhiều người yêu mến – cũng hoàn toàn đồng ý với chị.

                      Sau khi ra hải ngoại, cố Tr/tướng TVM đã có hai câu nói mà tôi (và chắc hẳn rất nhiều đàn anh đàn em KQ khác) không bao giờ quên; tôi không nhớ nguyên văn, chỉ ghi lại đại khái:

                      (1) Lập Tổng Hội để làm gì?!

                      (2) Trong cuộc sống tha hương, hãy đoàn kết, gần gũi nhau; đừng nhắc lại những chuyện buồn lòng ngày trước, chẳng ích gì!

                      Câu nói thứ nhất là một lời “tiên tri”. Chính xác tới mức nào, thiết nghĩ tôi cũng chẳng cần nhắc lại.

                      Câu nói thứ hai là lời khuyên của một người anh cho các em.

                      Điều tốt đẹp là đại đa số đàn em KQ đã nghe theo lời khuyên ấy; hoặc có những người không hề biết tới câu nói của vị cựu Tư lệnh, nhưng tự đáy lòng cũng có những suy nghĩ tốt đẹp như thế, và thể hiện qua cuộc sống.

                      Chính vì thế các tập thể KQ ở bất cứ nơi đâu cũng được tiếng thơm “đoàn kết”, “chơi với nhau hết tình”.

                      Hơn nữa, xét cho cùng, giờ này nhắc lại những chuyện buồn lòng ngày trước cũng không giải quyết được gì. Và người nhắc cũng như người bị nghe, chẳng ai vui cả!

                      NHT


                      * * *


                      Thưa bạn Tito,

                      Tôi là một người cầm bút, cho dù chỉ là “nhà báo tài tử” nhưng cũng có chút tên tuổi tại Úc Châu (thằng chột làm vua xứ mù!). Sau khi ông Nguyễn Cao Kỳ về VN chơi với Việt Cộng, tôi đã có những bài đả kích khá nặng nề trên một tờ báo “dân sự” mà tôi cộng tác, nhưng tuyệt đối không cho độc giả biết tôi là một cựu quân nhân Không Quân.

                      Còn những lời yêu cầu viết bài lên án ông NCK của các đặc san, website của KQ hải ngoại, tôi dứt khoát từ chối. Vẫn biết đã có một số người cầm bút trong quân chủng – từ bậc niên trưởng tiền bối cho tới đàn em “nhí cò” – đã lên tiếng đả kích ông NCK, và tôi không thể phản đối việc làm này bởi đây là quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận, nhưng tôi có quyền không THÍCH, không PHỤC các vị ấy.

                      Tóm lại, lập trường trước sau như một của tôi là không bao giờ lấy tư cách KQ để đả kích một KQ khác.

                      Bên cạnh đó, khách quan nhận xét, cứ cho là NT Nguyễn Văn Ức đã “tự khoe”, tôi thấy cũng chẳng gây thiệt hại cho cá nhân nào cả, mà cũng không hề phương hại tới danh dự chung của quân chủng KQ chúng ta.

                      Hơn nữa, hai paragraph cuối trong bài viết đã cho thấy tác giả không quên mồ hôi, xương máu của đồng đội, của thuộc cấp. Theo suy nghĩ của tôi, như thế là đã đủ.

                      “...Sau 40 năm kể từ 30-4-75, hôm nay tôi có dịp cám ơn các quân nhân thuộc Phi Đoàn 221 đã góp sức cùng tôi làm tròn trách nhiệm nặng nề trong nhiều mặt trận, ở nhiều nơi, đặc biệt vào Mùa Hè Đỏ Lửa ở chiến trường An Lộc. Nơi đây, Phi Đoàn 221 đã phải thực hiện nhiều phi vụ vô cùng nguy hiểm, các phi công và các xạ thủ đã phải chiụ đựng áp lực tinh thần nặng nề, cũng như sự tổn thất lớn. Chỉ có những người có tinh thần kỷ luật quân đội cao và đầy lòng can đảm mới có thể chu toàn nhiệm vụ.

                      Nhân dịp này, tôi xin nghiêng mình trước sự hy sinh của những người đã khuất. Phi đoàn 221 được mọi người nể trọng là do sự đóng góp của tất cả mọi người. Có thể nói, mặt trận An Lộc kéo dài khoảng 90 ngày thì tôi có mặt ở bầu trời AL khoảng 70 ngày. Tôi không bao giờ nghĩ có thể sống sót để gặp mặt gia đình, vợ con sau những tháng ngày yểm trợ cho mặt trận. Thượng đế đã thương anh em chúng tôi vì đến nay vẫn còn có thể gặp lại nhau. Những quân nhân của Phi Đoàn 221 Trực Thăng, còn sống sót sau chiến dịch 1972, chắc cùng ý nghĩ như tôi".
                      Last edited by Nguyen Huu Thien; 05-04-2019, 05:51 AM.

                      Comment


                      • #12
                        delete thread
                        Last edited by Tito; 05-03-2019, 06:43 AM.

                        Comment


                        • #13
                          Thân gởi Admin,
                          Tôi là người " copy & paste" bài này ,chớ không phải tác giả bài viết posted.Ý cũa tôi là posted để quí NT đọc thêm cho vui,nhưng không ngờ gây tranh cải .Tôi xin Admin delete bài này.Thanks,Admin.

                          Châu
                          Last edited by dnchau; 05-03-2019, 05:55 PM.

                          Comment



                          Hội Quán Phi Dũng ©
                          Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                          website hit counter

                          Working...
                          X