Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con Đường Tuẩn Nạn - Đặng Châu Long

Collapse
X

Con Đường Tuẩn Nạn - Đặng Châu Long

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con Đường Tuẩn Nạn - Đặng Châu Long


    Con đường tuẫn nạn
    Đặng Châu Long




    C’était les jours de l’enfer
    mea culpa, mea culpa, mea maxima culpa.

    Ngày 31.03.1975 từ trên đồi của Căn cứ xuất phát Suối Dầu nhìn xuống Quốc lộ 1, đòan xe di tản từ QL7 vẫn dồn dập chảy về hướng nam. Tôi quay vào đài tác xạ gọi Thượng sĩ Chung, thường vụ tập họp anh em vào phòng thuyết trình để nói sơ tình hình và những điều cần làm sắp tới. Đang nói nửa chừng thì Trung sĩ 1 Tư báo không liên lạc được với Bộ Chỉ Huy. Tôi vào phòng truyền tin liên lạc. Chuyển qua tần số giải tỏa vẫn im bặt. Trở lại trở qua nhiều lần bỗng nghe tiếng Huỳnh văn Cạt, một người lính cũ của Trung đội lên máy. Cạt báo Tiểu khu đã di tản, không còn ai, do lang thang vào nên nghe và trả lời. Tôi chuyển sang tần số chi khu Cam Lâm. Chi khu báo chờ đó, sẽ có xe sang kéo súng và trung đội. Tôi nghĩ thầm, đến tiểu khu còn lo chưa xong, làm chi có vụ đưa xe qua hổ trợ.

    Trung Úy Tú, bạn thân tôi và là Trung đội trưởng Pháo Binh đồn trú tại phi trường Nhatrang gọi hỏi tôi có lệnh di tản chưa. Tôi đáp có còn ai nữa mà lệnh với lạc. Tú nói, tao đang trên đường tới mày, chuẩn bị cùng đi. Tôi như tê dại, không vui, không buồn, ngay cả hốt hoảng cũng không. Tôi không có quyền hốt hoảng khi cầm trong tay sinh mệnh của hai mươi mấy anh em cùng gia đình họ, Tôi bước sang phòng thuyết trình nói với anh em đôi lời về một hành trình bất định về nam này và cho phép những ai cần quay về gia đình có thể tự quyết định. Tôi gọi hai khẩu trưởng khẩu 4 và 5 ra lệnh phá hủy súng 105mm. Đó là một mệnh lệnh chẳng đặng đừng và bi thảm vô cùng cho đời pháo thủ. Hai quả lựu đạn lửa đặc biệt dành riêng trường hợp này, được hai khẩu trưởng đích thân bỏ vào nòng súng. Tôi đứng quan sát hai chùm tia sáng như pháo bông phun ra từ hai họng đại bác mà lòng rưng rưng chẳng biết vì sao. Lên đường, lên đường nhưng đường vô cùng diệu vợi mịt mù. Tôi chỉ biết phải đi, trước mắt là lo cho các bạn mà tôi đã sống, đã đồng cam cộng khổ. Và trách nhiệm tôi không thể bỏ mặc tất cả lo cho mình. Về Diên khánh ư ? Thật dễ, chỉ 15 cây số, nhưng không đành tâm. Tôi vào phòng riêng thu dọn những thứ thật cần thiết. Một sac marin cho quần áo tôi và vợ con, những album hình ảnh và một ít giấy tờ vật dụng cần thiết. Một sac marin cho thức ăn mì gói, đồ hộp linh tinh mà vợ tôi vẫn bán tại câu lạc bộ. Vậy thôi. Nhìn quanh lần chót căn phòng vốn là một thân xe bus cũ, chiếc đàn vẫn im nằm trên vách. Tôi nhủ thầm cùng nó: “đã qua rồi, đã qua những ngày trải lòng vui buồn cùng mi, cùng các bạn. Bây giờ là những ngày u ám. Ta sẽ vào phương bão nào đây cho tháng ngày sắp tới”.

    Trung úy Tú đã tới nơi. Tôi phẩy tay rã rời ra lệnh cho tất cả lên xe. Về phương nam. Về phương nam, một phương mông lung ngàn trùng. Nhatrang ơi, bao giờ thấy lại…. bây giờ là mười hai giờ trưa giờ của lửa đổ, tôi đang thiêu cháy sinh lực cuối cùng trên đường thập giá đời chung.

    Người ta nói BBC dường như đang tạo ra luồng sóng di tản, tôi không quan tâm. Người ta nói sẽ cắt hai miền ở vĩ tuyến 15, tôi không quan tâm. Tôi đang tập trung tất cả cho an toàn chuyến xe định mệnh mà mỗi quyết định của tôi vận vào mọi người trên đó. Xe chạy hòa cùng đoàn xe càng ngày càng dài. Trước mắt tôi là một liên đòan Biệt động quân và một liên đoàn Thiết giáp. Thỉnh thoảng những băng đạn nổ dòn, chỉ để thị uy hay trấn an nỗi lo lắng đang phả lững lờ trên đầu đoàn lữ thứ. Tôi bảo tài xế đi tách đại đoàn dăm ba xe để an toàn hơn. Xe cứ nhúc nhích một điệu chậm buồn chán, gần như có thể đi bộ lững thững theo xe vẫn còn kịp.

    Dọc đường, tôi chợt nhìn bên đường, có dáng người thật thân quen, nhìn kỹ thì đúng là em Đạt, người em ruột của tôi đang loay hoay với bao gạo chỉ xanh 100 ký lấy từ một kho lương thực bị bỏ ngõ. Tôi gọi em, Đạt ngước lên nhìn, mắt ngạc nhiên không nói. Đạt đang là hạ sĩ quan trợ y Sư đoàn 23, di tản theo đường 7 về. Thật là một trùng phùng lạ lùng trong nhiễu nhương tao loạn. Tôi giục Đạt lên xe cùng tôi theo chuyến xe định mệnh. Xế chiều, đoàn xe qua khỏi Cam Ranh, nhưng không qua được cây cầu huyết mạch cửa ngõ Cam Ranh về phía nam. Chiếc cầu đã bị A 37 do Lý Tống thực hiện phi vụ thả bom cắt cầu ngày hôm trước. Mọi người nhốn nháo, có người còn đề nghị bỏ xe đi bộ. Tôi bác đề nghị này, con đường còn rất dài và trong đoàn có nhiều trẻ em, con của các pháo thủ. Tôi nói: “Có đại đơn vị đi, họ tự biết phải làm gì. Cứ chờ và tính sau”. Một chiếc xe lowboy chất đầy vũ khí bỏ dọc ven đường không ai dòm ngó tới. Ôi vũ khí xếp lại là đây sao? Buổi tối yên lành nhưng không sao ngủ, như một cơn sóng thần vừa quét ngang định mệnh mình, chẳng thể nhìn ra diện mạo nào sắp tới của tai quái chiến tranh.

    Buổi sáng oi nồng giữa mênh mông người, mênh mông xe dồn lại, như một đáy đen của giòng sông trong mùa nước rặc, tôi đi bộ lên bờ sông, thấy các thiết vận xa M113 đang dò lòng sông đễ mở đường men theo cầu dưới lòng sông nước cạn. Tôi vội trở về thông báo cho mọi người chuẩn bị khởi hành đi cho hết cuộc gian nan này. Ngày hôm nay, 01-04 chỉ đi thêm được khoảng 40 cây số . Buổi tối dừng bên cầu đôi dưới bãi trống mênh mông. Khoảng giữa đêm, những trái đạn pháo vương vãi không định hướng. Tiếng la thét, tiếng xe gầm rú va nhau hổn độn. Tài xế hỏi tôi giờ mình có di chuyển không, thiếu úy. Tôi không cho đi, chỉ nói, đạn pháo vô tình biết đâu mà tránh, khéo lại tổn thương vì va quẹt, cãi cọ giữa các xe với nhau. Mà ở thời ly tán này chẳng còn lý sự, ai cũng có súng ống cả thôi… Trung Úy Tú đã tháo chiếc xe SS67 cột trên xe cargo và phóng đi về nhà ở Phan Rang. Tôi chịu trận cùng hai trung đội, một của tôi và một là con rơi.

    Trên đường di tản sáng 02, tôi thấy cảnh hai mẹ con lang thang thất thểu trông đến tội. Bà mẹ đầu và tay quấn đầy băng trắng, do vết thương trận pháo đêm qua. Đứa con chưa đầy năm, áo quần bết máu mẹ. Tôi cho xe dừng lại, đưa hai mẹ con lên cabin ngồi. Trên ca bin bây giờ đã là bốn người lớn và hai trẻ con: Vợ chồng tài xế, vợ con tôi và mẹ con người thiếu phụ vừa lên. Tôi và Đạt hai người ngồi hai bên nắp ca pô. Có lẽ đây là vị trí thoải mái nhất trên xe, với tốc độ chưa đầy mươi cây số giờ. Chúng tôi vẫn đang trôi bập bềnh trên định số hắt hiu.

    Con đường thiên lý cứ như bất tận theo nhịp chậm buồn. Xe qua Phan rang, Cà ná, Phan rí không gặp trở ngại gì lớn, chỉ là những va chạm nhò giữa các xe, thỉnh thoảng vài phát đạn vu vơ nhắc ta tỉnh táo hơn và thấm thía hơn nỗi buồn vô định. Tôi lâng lẽ ôm khẩu M72 trong lòng, nhìn những cụm tháp chàm đang trôi ngược sau tôi, như nhắc nhớ một chứng tích sót của một văn minh đã lụi tàn.

    Đến Phan Thiết vào chiều tà. Đoàn xe ngừng qua đêm cách thành phố dăm ba cây số. Bầu không khí lặng lẽ quá và tôi cũng không muốn xảy đến tình trạng như lần đến Phan Rang nên bảo tài xế tách đoàn vào thị xã, tấp tạm bên lề đường vắng của những ngôi nhà xưa bé nhỏ dưới tán cây. Qua mấy ngày mệt mõi trong tâm trạng hoang mang, ai cũng lặng lẽ và cố tìm cho mình một chỗ nằm trên lề đường dỗ giấc không thể yên này. Không lâu, chỉ chưa đến nửa đêm, chúng tôi giật mình ngồi hẳn dậy trong tiếng súng vang dội từ các khu phố thị gần đó. Không phải ai khác, ngoài những người cầm súng trong thời hỗn quân hỗn quan này. Họ đang ruồng bố. lùng sục các cửa hàng, phá phách. hôi của trong cơn hoang dã của thú tính. Tôi hối hả giục mọi người lên xe thoát ra khỏi thị xã để tránh những đụng độ không đáng có và không phải chứng kiếm những thảm trạng của dân thường giữa những con người không còn kiềm chế được thú tính của mình. Đêm lặng lẽ qua đi che dấu những gai vuốt vào bóng tối. Tôi vẫn ngồi trên capô đốt liên tục từng điếu thuốc Capstan giữa đêm lòng se thắt nghĩ đến những người thân, ba má tôi, chị em tôi giờ này ở Nhatrang đang thế nào, nhất là má, má có bình tỉnh nổi để kềm chế mình giữa những làn đạn vô tình của cả hai bên. Chính trị đang phục vụ cho ai ? người dân hay tham vọng của những kẻ cầm quyền đang lớn tiếng hô hào một cuộc chiến tương tàn tổng lực bất kể sinh linh. Có quá nhẹ nhàng khi đưa ra lời tha thứ:

    “Xin một lúc mặc niệm
    Xin một lúc mặc niệm
    Cho triệu người đã chết !
    chết trong lòng cuộc chiến !

    Xin một phút bồi hồi
    Xin một phút bồi hồi
    cho những người tinh khôn !
    cho những đứa dại khờ !

    Xin cúi đầu thật thấp
    Xin âm thầm được khóc
    những oan hồn bè bạn !
    những oan hồn kẻ thù !

    Cùng đi thăm mộ tối
    từng làn hương mờ khói
    Xin cho phủ cờ rồi
    nguyện khấn chung một lời !

    Là người Việt Nam là xin tha thứ
    Tha thứ cho nhau !
    Tha thứ cho đời !
    Tủi hờn cùng chung
    cùng chung kiêu hãnh
    chung kiếp gian nan
    chung kiếp u buồn

    Cùng một mẹ cha
    chung lời chung tiếng
    chung nòi chung giống
    Xâu xé tan hoang
    hai mươi mấy năm ròng
    Xin thổi kèn lên
    tiếng kèn u uất !
    tiếng kèn u uất !

    Xin đốt nén nhang
    đốt nến hai hàng
    Việt Nam hãy khóc
    Khóc cho thật nhiềụ.thật nhiều !”
    (Phạm Duy, Mặc niệm)

    Sớm tinh mơ, tôi dắt tay bé Trân, cùng con chập chững từng bước dọc con đường quê Phan Thiết lòng băn khoăn một tương lai nào cho thế hệ của lớp trẻ này đây.

    Từ ngã ba đường lên Đà lạt, đòan xe chở các sinh viên sĩ quan Đà lạt hòa theo giòng xe di tản. Những sinh viên mang vác những bó lưỡi lê mạ nickel hay những bó gươm sáng choang truyền thống tang bồng hồ thỉ của trường đã trở thành một cố gắng ngậm ngùi giữa tàn hoang thế cuộc. Chỉ có vợ tôi, dù hoang mang rời rã, cũng tiếp tục bán từng gói mì, từng điếu thuốc ghi sổ cho các anh em trong trung đội. Khi tôi thấy được điều đó, tôi lấy cuốn sổ xé vụn thả tung bay, nói với vợ: “Đã di tản rồi còn ghi sổ làm chi cho bận lòng, thôi em đừng bán nữa!”. Tôi còn nhớ hôm 28 khi nghe lộn xộn, vợ tôi đã nhờ anh bạn Nhượng, con ông Phở gà số một Nhatrang, chạy về ngã ba Ninh Hòa gởi trả tiền mua hàng, Hạnh nói trả cho nhẹ lòng chứ để không đi được. Con người bản chất dung dị là thế, nhưng sao quá nhiều tham vọng tranh giành lợi quyền xô đẩy những người dân vào con đường hiu hắt. Hạnh phúc của họ không phải là lý tưởng. Hạnh phúc là lũy tre. Là cây đa, là cha mẹ anh em trong bình yên dung dị. Có thể chế nào thì họ cũng là người sau cùng đón nhận mưa móc thái hòa.

    “Ngưởi nông dân ngẩng đầu khi nghe tôi hỏi
    Tôi không theo quốc gia
    Tôi không theo giải phóng,
    Tôi chỉ theo bên nào cho tôi sự sống
    Cuộc tồn sinh ôi tủi nhục khôn cùng”
    (Nhất Hạnh. chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện )

    Khuya ngày hôm trước, chợp mắt thiu ngủ chưa được bao lâu thì tài xế thức tôi dậy: “Thiếu Úy, người ta bắt đầu đi rồi, mình có đi không?”. Trong ánh sáng nhờ nhợ trăng hạ tuần, những ánh đèn xe di chuyển chậm quét vào không gian những vệt sáng từ xa. Tôi nói với tài xế Tài: “anh chịu khó ra xem hai đơn vị lớn có đi cùng không”. Một lát sau Tài báo họ vẫn còn ở lại. Tôi quyết định không đi trong đêm. Buổi sáng, chúng tôi lên đường hơi trễ. Chưa biết khuya hôm qua đoàn xe tách ra đi có an lành không. Đường đi không trở ngại nhưng vẫn phải bò nối nhau từng mét một. Từ con đường này, chúng tôi sắp đi vào khu rừng lá sau khi tới ngã ba Bình Tuy. Mãi chiều tối, xe chúng tôi bắt đầu vào vùng thung lũng mà cư dân ở đây gọi là thung lũng hồng, do đất pha cát ở đây có màu hồng tươi. Trong chập chờn sáng tối, ánh trăng không đủ soi rõ mặt đường. Xe không có đèn pha, chỉ sử dụng đèn gầm, chậm chạp lăn bánh.

    Tôi bỗng giật mình mở to mắt nhìn, ra dấu tài xế chậm lại. Trước mắt tôi, vây quanh tôi là những chiếc xe ngổn ngang, xác người vương vãi khắp nơi. Lề đường, lòng đường, trên xe đủ tư thế chết. Những người còn sống đi thất thểu, tay ngoắc các xe qua trong dáng tuyệt vọng. Tôi và em Đạt căng mắt quan sát, ra dấu cho xe rẽ trái, rẽ phải để tránh những xác người vương vãi. Mường tượng như họ vẫn là những sinh linh cùng hòa theo giòng di tản kinh hoàng. Biết đâu, trong những người nằm đây đây vẫn thoi thóp sau một ngày dài biến động. Sau này tôi mới hay, đó là đoàn xe xuất phát từ khuya hôm qua, một số là các khóa sinh trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, cùng một số đơn vị lẻ sau lần tách đoàn ra đi, đã bị nạn tại thung lũng này. Những trái đạn pháo nã dọc dài theo lộ, những loạt đạn từ trong rừng bắn vương vãi trong đêm đã gây nên thảm trạng này. Chiến tranh như một trò chơi không có trái tim và con người như những tấm bia sống để những kẻ vô tâm tận lực tiêu diệt bất kể là ai, ở đâu và thân phận thế nào. Tôi rùng mình, lạnh xuyên thấu trong hồn mỗi khi cố gắng đưa xe lách khỏi những tử thi ngổn ngang đó. Tâm trạng và hình ảnh này sẽ mãi in sâu tiềm thức tôi như một ám ảnh chiến công của một chiến tranh vô cùng tận này:

    “Đừng buồn chi em ta như cỏ mọn bên đường
    Từng phe cho đấy là chiến công
    Xác ta xác thù hôm nay
    Rất nhiều trong hầm hố sâu
    Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay
    Rất nhiều trên từng lộ máu
    Đừng buồn chi em ta như hạt bụi u sầu
    Đừng làm me khóc mắt phai mầu
    (Trịnh công Sơn, Xác ta xác thù)

    Chật vật thêm vài tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi tới được ngã ba Bình Tuy, tạm qua đêm tại một trường học ngay ngã ba này. Bắt đầu từ đây, chúng tôi phải về miền Nam bằng đường khác, không phải là Quốc lộ 1, vốn không yên bình xưa nay theo chiều dài rừng lá bất ổn rập rình.

    Cả một ngày ngồi căng thẳng trên capô, thật thoải mái khi đặt chân xuống một vùng đến tạm còn yên bình này. Căn phòng học đầu tiên tôi vào tương đối rộng so với các lớp bình thường. Hai dãy bàn dài nằm lọt thỏm vào giữa, chung quanh còn đường đi rộng khoảng ba mét. Tiếng rên siết la hét từ bục giảng khiến tôi tò mò rảo bước tới nhìn. Gác nửa người bên bục giảng là một người lính trẻ trạc tuổi tôi, toàn thân không còn quần áo. Một vết thương xuyên bả vai, bó sơ sài một cuộn băng cá nhân bẩn thỉu còn tươi máu. Có lẽ anh đã bị kích xúc do vết thương này, và trong cơn hoảng loạn đã giật tung áo quần trên người. Tôi biết bộ chỉ huy của sư đoàn 23 chỉ cách tôi một bức tường của trường học, trong nhà người dân gần đó. Tôi chạy qua gặp người có trách nhiệm cao nhất ở đó thông báo tình trạng thương binh này và đề nghị giúp đỡ họ. Vị sĩ quan mang cấp Đại tá đang cười nói cùng thuộc cấp, lịch sự nghe tôi nói, hứa sẽ cử người qua chăm sóc. Tôi trở về trong sự hy vọng có ai đó sẽ giúp giảm cơn hoảng loạn của anh lính tội nghiệp kia.

    Chỉ là một lời hứa cuội và tôi quá kỳ vọng ở tình đồng đội trong thời vô vọng này. Chờ mãi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì ngoài tiếng la hú thảng thốt thê lương của một kẻ đang chống chõi trong tuyệt vọng tột cùng. Tôi sực nhớ đến em Đạt, quay lại hỏi em có túi thuốc cá nhân không, vì em vốn trong ngành quân y. May em vẫn có mang theo. Lục lọi trong bộ cứu thương tối thiểu đó, em mang ra một ống thuốc cardiazone và chích cho người thương binh tội nghiệp kia. Khả năng Đạt chỉ có thể đến đó thôi, mười lăm phút sau, tiếng rên rĩ tạm dịu, nhưng làm sao trở giấc được trong thế thái nhân tình kia. Con người vốn đã nhỏ, còn nhỏ nhoi hơn trong chiến cuộc. Chẳng có nghĩa lý gì khi bàn đến chuyện nghĩa nhân trên cuộc tàn hoang này. Con người chỉ là một sinh vật và chỉ biết giơ hai tay khi cần phải dang tay. Khuya nay tôi quay lại cảnh tượng tôi đã đi qua, để nhớ và hằn sâu một tang thương bên ngày tháng hấp hối chiến cuộc. Xin đừng để thế hệ sau tôi phải lặp lại cuộc bi thương này.

    “anh đưa em qua thung lũng hồng tơi tả
    mộ đắp vội bên đường
    xác thịt rải đầy ngăn vòng bánh xe lăn
    từng khoảng dài xe nghiêng pháo ngã
    đạn pháo reo rời rã nhịp chiêu hồn
    trời hoàng hôn hay bình minh?
    vô định phả thời không”
    (ĐCL, Hành hương quê nội)

    Sáng sớm tinh mơ hôm sau, tất cả ngỡ ngàng khi đọc bảng thông báo viết vội, nguệch ngoạc bằng phấn trên chiếc bảng dựng ngay đầu ngả ba Bình Tuy. Đó là một lệnh giải giới cho tất cả những quân nhân đang trên đoàn người di tản. Một lệnh rất vội, sơ sài, không đưa ra một chi tiết thực thi nào rõ rệt. Bảng thông báo chỉ ghi tất cả phải bỏ xe đi bộ, bỏ hết vũ khí và những vật dụng liên quan đến quân sự tại chỗ trước khi đi tiếp. Mọi người hoang mang, đoán già đoán non, có thể do khi đoàn di tản vào Phan Thiết đã gây nên một cuộc náo động đáng tiếc trong thành phố chăng. Nhưng tất cả chỉ là dự đoán. Từ ngã ba đi ra biển cũng 10 cây số đường, thật chẳng dễ gì cho đoàn di tản tay xách nách mang, bế bồng con trẻ, lỉnh kỉnh đồ đạc. Vợ chồng tôi lọc lại những gì thật thiết thân, còn tất cả bỏ lại ven đường.

    Trước khi đi, tôi tập trung anh em nói chuyện. Bây giờ, đến đây, tôi đã hoàn thành trách nhiệm với đơn vị và anh em. Hiện giờ tôi cũng chỉ là người di tản bình thường và không biết được điều gì xảy đến. Tốt nhất, anh em và tôi cứ theo hướng dẫn và có quyền tự quyết định cho tương lai mình.

    Một số anh em vẫn theo tôi, trong đó có Long, Đắc, Dương.. Chỉ một sac marin, một ba lô, nhưng cứ đuối theo đường dài thăm thẳm. Bé Trân thì quá nhỏ để lê đôi chân suốt cuộc hành trình mười cây số kia. Hạnh lâu lâu lại bồng cháu lên cho đỡ mỏi. Cứ vừa đi, vừa nghỉ không biết bao nhiêu lần. Hai bên đường, trước mắt tôi là từng núi vũ khí, quân dụng, thứ gì cũng có. Từ địa bàn, lưỡi lê, lựu đạn đến súng colt, rouleau, M16, đại liên, M72, chất vương vãi, ngổn ngang, lẫn lộn với tất cả những đồ đạc cá nhân giường, chiếu chăn gối tạo ra một cảnh hỗn độn cũa một ngày u ám cận kề.

    Đi được hơn nửa đoạn đường, tôi dừng lại, lọc kỹ một lần nữa những gì đáng mang theo. Quần áo tối thiểu. Các album bỏ hết, chỉ giữ lại hình ảnh gói sơ cho nhẹ. Cứ thế lê thân giữa ngày nắng rát về hướng biển.

    Khi còn cách biển khoảng hai cây số, những concertina kéo ngang đường với một đội ngũ binh sĩ nhiều đơn vị có vũ trang kiểm tra từng người đi qua. Loa phóng thanh vang lên hướng dẫn từng đơn vị đi theo từng khối theo chỉ định để lên tàu hải quân nghe nói đi về hướng Phú quốc.

    Tôi quyết định không đi theo nữa. Bàn với em Đạt và các bạn sẽ về Sài gòn bằng cách mướn ghe của dân về Vũng Tàu.

    Gom hết tiền có sẵn, bán thêm mấy cái đồng hồ, chúng tôi vào vùng ven biển hỏi thăm phương tiện. Từ những người dân ở đây, chúng tôi được biết mới ngày hôm qua một chiếc ghe chở các bà soeurs và cô nhi vừa bị đắm ngay cửa Bạch, một cửa biển Bình Tuy có tiếng dữ dằn sóng gió. Nhưng thôi, dù sao chúng tôi cũng giao phó sinh mạng cho trời đất. Cả mọi người đều phải gánh chịu hoạn nạn này đâu chỉ riêng ai.

    Tôi và Đạt ngồi bệt trên khoang tàu. Nhóm phụ nữ và con trẻ ngồi dưới hầm. Khi tàu bắt đầu nổ máy, chính là lúc tôi không còn suy nghĩ gì ngoài việc đăm đăm nhìn ra cửa Bạch, nhìn những con sóng bạc đầu dần lộ diện như những nỗi bất hạnh ùa tới bất tình. Sóng càng lúc càng hung hăng như chực nuốt gọn chiếc tàu nhỏ mỏng manh vào đáy biển đen ngòm. Từng cơn sóng đánh ồ ạt phủ lên chiếc ghe, giật kéo òa tung những bọt nước giận dữ trắng xóa lên mặt lên thân như muốn xé nát thân xác mọi sinh linh đang bập bềnh bất lực giữa cơn mê loạn. Những người đàn bà bắt đầu nhắm mắt, ôm con vào lòng. Tiếng cầu kinh vang đội lẫn lộn trong sóng dữ những âm thanh a di đà phật hòa cùng lời kinh kính mừng maria như phó thác hết cho các đấng thiêng liêng lời van giữa cõi bất tường này.

    anh đưa em rời những rập rình
    của núi rừng kiêu hãnh
    vào vùng mênh mông của mẹ trùng dương
    rẽ sóng nước Bỉnh Tuy
    thuyền ra cửa Bạch
    vọng nẽo ngàn khơi
    hoa sóng phủ che trời
    thét gào lời phẩn nộ
    xô đẩy mảng thuyền con
    dật dờ phận mẹ phận con
    uống say cơn sóng héo hon nỗi mình
    bềnh bồng một kiếp phù sinh
    hoang mang cõi sống
    lạc nghìn phong ba
    (ĐCL, Hành hương quê nội)

    Tôi bất lực trừng mắt nhìn cơn giận dữ của đại dương như những cư dân thành Sodom trong ngọn lửa trừng phạt của chúa trời trả giá cho tất cà tội lỗi của bất kỳ ai, chẳng trừ riêng tôi

    Thôi đừng hỏi tôi.
    Tôi không làm chim để quên đau khổ .
    Tôi không làm cây để quên bom nổ .
    Để mặc tôi làm người bên nhau .
    Để mặc tôi kể chuyện mai sau .
    Để mặc tôi đại diện thương đau.
    (Vĩnh Điện, Tôi chỉ muốn làm người)

    Ra khỏi cửa Bạch, con thuyền bập bềnh lướt dần men theo bờ về hướng Long Hải. Tất cả bước qua trạng thái hoàn sinh, trong bộ dạng sũng ướt sau cơn sóng dữ, chờ mong thấy được chút hy vọng nơi bờ bến lạ lẫm xa kia.

    Bước lên bãi, chạm vào lớp cát mịn sát khách sạn Long Hải, chúng tôi mới thật sự hoàn hồn sau cơn sóng gió tang thương

    Những chiếc GMC của từng binh chủng đang chờ đón mọi người. Tôi và Đạt chia tay để lên xe về đơn vị. Trước khi rời tôi, Đạt dúi vào tay tôi khẩu K54 chẳng biết từ đâu. Tôi hờ hững nhét vào túi gạo như một món đồ phế thải chờ ngày bỏ đi, lòng chẳng buồn vui sau cơn địa chấn kinh hoàng.

    một thời để sống vô ưu
    nâng đôi cánh mộng vô tư nhìn đời
    một thời khát vọng trùng khơi
    bao la biển lớn chào mời sức trai
    một thời để sống rã rời
    đếm cơn giông lửa rụng rơi tuổi vàng
    một thời trực diện ngỡ ngàng
    súng bom đạn lửa cợt thân giữa trời
    một thời gãy gánh tả tơi
    thanh xuân vụn vỡ nhận lời u si
    một thời mất trí cuồng ngây
    giấu thân tả nát xóa ngày tháng trôi
    một thời bỗng nhớ lại tôi
    trông từng bạn cũ nghẹn bời tử sinh
    một thời rũ hết linh đinh
    trầm sâu vực thẳm vô minh vô nghì
    một thời cạn kiệt sân si
    thả tung ký ức quên đi nỗi niềm
    một thời để chết hồn nhiên…
    (ĐCL, PAX)

    Bốn mươi năm qua chưa một lần quên. Cuộc đời đang trôi chậm, riêng tôi từ lâu đã ngồi lại bên đời mang vết thương sâu ngẫm buồn cho thế sự đành hanh.

    Đặng Châu Long
    15-04-2015

    sangtao.org


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X