Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phố Núi Pleiku Trước Tượng Đài Việt Mỹ Tổ Chức Lễ 40 Năm Tưởng Niệm Quân Dân VNCH Đã

Collapse
X

Phố Núi Pleiku Trước Tượng Đài Việt Mỹ Tổ Chức Lễ 40 Năm Tưởng Niệm Quân Dân VNCH Đã

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phố Núi Pleiku Trước Tượng Đài Việt Mỹ Tổ Chức Lễ 40 Năm Tưởng Niệm Quân Dân VNCH Đã

    Phố Núi Pleiku Trước Tượng Đài Việt Mỹ Tổ Chức Lễ 40 Năm Tưởng Niệm Quân Dân VNCH Đã Bỏ Mình Trên Tỉnh Lộ 7
    Source: "vietbao.com"


    Westminster (Bình Sa) - Trưa Thứ Sáu ngày 20 tháng 3 năm 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Hội Phố Núi Pleiku đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Dân, Quân, Cán Chính và đồng bào đã bỏ mình rong cuộc di tản Quân Đoàn II và các Tiểu Khu Pleiku, Kontum trên Liên Tỉnh Lộ 7B vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975.

    Tham dự Lễ Tưởng Niệm có qúy vị trong Hội Đồng Liên Tôn, Ông Thị Trưởng Thành Phố Westminster Tạ Đức Trí, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, qúy vị quan khách, qúy vị Đại diện Tập Tể Chiến Sĩ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, qúy vị đại diện các Cộng Đồng, Hội Đoàn, Đoàn Thể, qúy hội Đồng Hương và rất đồng đồng hương, đa số là những người trong hội Phố Núi và Tiểu Khu Pleiku có nhiều người về từ Houston TX, Florida, Minnesota, Toronto Canada….


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Theo Không Quân Võ Ý, Trưởng Ban tổ chức cho biết, đây là lễ tưởng niệm lần Thứ 2 sau 40 năm tại hải ngoại.

    Điều hợp chương trình khai mạc ông Trần Vệ. Chương trình tiếp do Không Quân Võ Ý và MC.Ngọc Liên điều khiển chương trình.

    Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, Nhà Văn Phan Nhật Nam lên trình bày về “Giữa Sự Chết, Trên Quê Hương Dọc Tỉnh Lộ 7B” ông cho biết:

    “Khổ Đau/Sự Chết nơi chiến trận Đồng Xoài 1965 chỉ là khúc dạo đầu phần bi thảm với những người lính tử trận. Cuộc tàn sát Mậu Thân, 1968 cũng trong giới hạn của ngàn người dân Thành Phố Huế bị đập đầu, chôn sống. Và cho dẫu ngọn lửa Mùa Hè 1972 gớm ghê khốc liệt bao nhiêu cũng chỉ bùng cháy, tiêu hủy các thị xã An Lộc, Kontum, Quảng Trị.. Hóa ra Địa Ngục Miền Nam không chỉ chứng ấy. Khổ đau Miền Nam không chỉ với vài ngàn, vài chục ngàn người chết, những thị xã bị tiêu hủy...


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Tai ương Việt Nam/Thảm Họa Miền Nam thăm thẳm vô bờ với mùa xuân uất hận không thể nào quên. dẫu hôm nay 40 năm sau 1975. Đầu xuân năm 1975, cộng sản Hà Nội lập kế hoạch, bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975 mang mật danh là Chiến Dịch 275. Cuộc tiến công xử dụng các đơn vị cấp sư đoàn bộ binh Bắc Việt có chiến xa, đại bác nặng yểm trợ khởi cuộc nổ súng từ ngày ngày 10 Tháng 3 năm 1975 với mục tiêu là Ban Mê Thuộc, thành phố cực Nam của vùng cao nguyên.

    Ngày 10 Tháng 3 năm 1975, quân đoàn Tây Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đến từ Hà Nội đồng loạt tấn công vào thị xã Ban Mê Thuộc với sư đoàn F10 làm mũi nhọn được hai sư đoàn 320, 316 tăng cường, và sư 341 làm tổng trừ bị, lực lượng cộng sản có khoảng 25,000 người được pháo binh, chiến xa nặng yểm trợ phối hợp. Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuộc phía VNCH chỉ có khoản 1,200 lính chiến đấu trong tổng số lính hậu cứ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lực lượng Địa phương quân TiểuKhu Đắc-lắc, và Liên Đoàn 22 Biệt động quân. Thế nên từ hai giờ sáng ngày 10 tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày, thị xã Ban Mê Thuộc hầu như thuộc về phần kiểm soát của quân Bắc Việt cho dù Biệt Động Quân và bộ binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Văn Tiến Dũng đã đi từ giấc mơ sang một vùng ảo giác vào những ngày sau khi được báo cáo: Quân Đoàn II tháo chạy! Dũng ra lệnh cho Sư Đoàn 320 băng rừng truy kích đoàn di tản và Sư Đoàn 968 từ Lào về trên đường bôn tập về hướng Pleiku cũng được lệnh đâm ngang từ ngã ba Thanh An chuyển hướng hành quân dài theo Tỉnh Lộ 7 xuống đồng bằng vùng duyên hải miền Trung.


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Cuộc di tản dọc Tỉnh Lộ 7 theo lộ trình Pleiku-Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với mối đau thương dài đặt trên hơn hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn dân thường đi từ hai thành phố Kontum, Pleiku. Trời cao nguyên buổi tàn xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt ngưi, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng, thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh núi Hàm Rồng. Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong đôi ngươi những người lính Liên Đoàn 7 Biệt động quân, thành phần hậu vệ đoàn di tản.

    Ngày 16 tháng Ba, Một Chúa Nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu rây. Đoàn di tản bị chận ở phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây quận lỵ Phú Bổn. Xe tăng cán ngang lên GMC, xe GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, cũng hất luôn những xe jeep nhỏ, cán qua những chiếc xe Dodge 4 của địa phương quân chở những người già và trẻ em tan tác. Và cộng sản nổ súng.. 130 ly, 122 ly, B40, B41 cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ nhòa ánh nắng. Mặt trời bị chìm khuất trong khói xám. Có xác bà già ngồi dựa bờ đất bên lề đường, người khô quắt không vết thương. Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi, miệng... Đám kiến rừng bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi. Ba đứa trẻ mắt lạc thần ngồi nhìn đoạn đường hỗn loạn không cảm giác. Bé trai nhỏ nhất gục đầu trên gối chị ngủ lay lắt.


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Bao trùm tiếng la khóc khản đặc của người có âm thanh của đạn súng sơn pháo nổ thật gần. Sư đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản. Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu cầu nổi bắc qua sông Ba. Chiếc cầu bắc vội mỏng manh không thể nào chứa nỗi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe.. Chiếc tăng M48 như khối đá ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng người hét nghẹn, trên pháo tháp có đám người ngoi ngóp, người đạp lên đầu, lưng, vai người để được thở được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im lặng, kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quẫy lên, tung tóe những tay chân người kẹp dính đâu dưới lưn xe.

    Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa vào ngày 25 tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động dẫn đầu. Hai-trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người. 200,000 trừ đi 60,000 vậy đã chết bao nhiêu? Không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trường hợp của từng người thân, của mỗi gia đình, của chính thịt da mình. Trong lòng người di tản từ cao nguyên đồng bằng trong tháng Ba năm 1975 hầu như ai cũng đọng khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oan hờn của một dân tộc điêu linh chỉ khác người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất.


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Mùa Chúa chịu nạn giải cứu thế gian diễn ra cùng lần bức tử miền Trung. Khởi đầu buổi Đồng Tế tàn cuộc miền Nam. Bắt đầu từ Ngày 10 Tháng Ba ở Ban Mê Thuộc, dọc TỈnh Lộ 7 B, con lộ máu dẫn về miền duyên hải. Hóa ra không cần đủ hết tháng Ba, để tiếp theo tháng Tư thấm máu toàn miền Nam sụp vỡ.”

    Sau đó là lễ đặt vòng hoa tưởng niệm, trong nghi thức trang nghiêm đầy xúc động những vòng hoa được lần lượt đưa lên trước bàn thờ tổ quốc trong khói nhang nghi ngút. Những đơn vị đặt vòng hoa gồm có: Vòng Hoa của Hội Phố Núi Pleiku, vòng hoa của Sư Đoàn 6 Không Quân, vòng hoa Liên Trường Trung Học Pleiku, vòng hoa của Tổng Hội Biệt Động Quân và Tập san Biệt Động Quân, vòng hoa Tiểu Khu Pleiku, vòng hoa của Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị. Tiếp theo Ban tổ chức mời Hội Đồng Liên Tôn lên làm lễ cầu nguyện cho các vong linh đã tử nạn trên Tỉnh Lộ 7B. Tiếp theo qúy vị trong Hội Phố Núi lên niệm hương, trong phần văn tế cựu Thiếu Tá Nguyễn Đình Tuy đến từ Minnesota cùng gia đình để tham dự Lễ tưởng niệm, trong lời văn tế ông xướng lên thật cảm động đã làm cho mọi người phải ngậm ngùi nhớ về những ngày tang thương cũ. (Mặc dù năm nay đã 85 tuổi nhưng ông chưa bỏ sót một kỳ họp mặt nào của Tiểu Khu Pleiku và Phố Núi, ông là con chim đầu đàn để thắt chặt tình huynh đệ chi binh của Pleiku và Phố Núi.”)


    Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7

    Tiếp theo các đơn vị tham dự cùng thân nhân những người có người thân bỏ mình trên Tỉnh Lộ 7B lên niệm hương.

    Trong lời phát biểu của quan khách, ông Tạ Đức Trí, Thị Trưởng Thành Phố Westminster đã nói: “Cảm ơn hội Phố Núi đã cho ông có cơ hội để nói lên tâm tư của mình, ông tiếp Những người tử nạn trên Tỉnh Lộ 7B đã nói lên tội ác của cộng sản, mặc dù cuộc chiến khép lại sau 40 năm chúng ta mới thấy tập thể cộng đồng luôn luôn nêu cao chính nghĩa để tiếp tục tranh đấu cho Việt Nam sớm có tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng...”

    Cuối cùng ban Văn Nghệ Hồn Việt và Ban Hợp Ca Phố Núi lên cùng hát bản “Chiến Sĩ Vô Danh” để tiễn đưa mọi người ra về.

    Trong lúc nầy Hội Phố Núi cũng đã mời đồng hương thân hữu Pleiku tham dự đêm Hội Ngộ Phố Núi Lần III được tổ chức vào lúc 6:00 PM đến 12 giờ PM ngày Thứ Sáu, 16 tháng 3 năm 2015 tại nhà hàng P&N Restaurant.

    Mọi chi tiết liên lạc về Phố Núi: Thu Đào (661)312-0660. hoặc vào trang Web: http://www.phonuipleiku.org

  • #2
    Lễ tưởng niệm Quân, Dân, Cán, Chính VNCH bỏ mình trong cuộc rút lui trên liên tỉnh lộ 7 B, Pleiku
    (VienDongDaily.Com - 23/03/2015)
    Bài THANH PHONG

    WESTMINSTER - Dưới cơn nắng gắt của ngày đầu mùa Xuân, thứ Sáu 20 tháng Ba, 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt - Mỹ ở Westminster, Hội Phố Núi Pleiku đã tổ chức buổi lễ Tưởng Niệm, cầu nguyện cho anh linh các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh và tử nạn trong cuộc lui binh trên liên tỉnh lộ 7B vào khuya ngày 16 tháng Ba, 1975, một cuộc lui binh thảm hại nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
    Đến tham dự Lễ Tưởng Niệm có Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong đó, ngoài Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, Hiền Tài Phạm Văn Khảm, Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, nay có thêm quý thành viên mới là Linh Mục Mai Khải Hoàn, Hiền Tài Hoa Thế Nhân, Mục Sư Nguyễn Văn Bé.

    Hội Đồng Liên Tôn niệm hương và cầu nguyện cho các anh linh QDCC/VNCH đã bỏ mình trên liên tỉnh lộ 7B năm 1975. (Thanh Phong/Viễn Đông)


    Về dân cử có Thị Trưởng và Phó Thị Trưởng Westminster, ông Tạ Đức Trí và ông Sergie Contreras, LS Nguyễn Xuân Nghĩa, Chủ Tịch CĐNVQG Nam Cali, Phái đoàn CĐVN Nam Cali; ông Khanh Nguyễn, đại diện TP Santa Ana, ông Phan Ngọc Lượng, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, nguyên Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II trong thời điểm rút quân trên Liên Tỉnh Lộ 7B, ông Nguyễn Minh Chánh, Tổng Hội Trưởng BĐQ cùng các chiến sĩ BĐQ Phạm Văn Thuận, Nguyễn Thanh Xuân, Cai Văn Trung, Quách Thượng, Phan Văn Hiền; ông Phó Tỉnh Trưởng Pleiku cùng một số Quân, Cán, Chính thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Chiến hữu Trần Vệ và Nguyễn Hoài Cát (Tổng Hội Trưởng và THP Võ Bị Đà Lạt), và nhiều chiến hữu khác từng có mặt trên chiến trường Pleiku, ông Đoàn Ngọc Đa, Hội QNĐN, phái đoàn cựu SVQGHC, cùng rất đông cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Quận Cam.
    Đặc biệt có cựu Trung Tá QL Hoa Kỳ, bà Phạm Phan Lang, người phụ nữ VN đầu tiên mang cấp bậc Trung Tá QLHK (chúng tôi có cuộc phỏng vấn bà, sẽ đăng trong những ngày tới), nhà văn Phạm Tín An Ninh đến từ Na Uy và chiến hữu Nguyễn Hữu Cam, Trung Tâm Trưởng TT Chiến Sĩ VNCH Đông Nam Hoa Kỳ và đội vũ Hồn Việt đến từ Florida, phái đoàn BĐQ/VNCH đến từ San Diego, một số chiến hữu đến từ New York. Phái đoàn đại diện Liên Trường Trung Học và một số đông đồng hương thuộc Hội Phố Núi Pleiku..
    Cựu Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Không Quân, ông Võ Ý là Trưởng Ban Tổ Chức, chiến hữu Trần Vệ, cựu Thiếu Tá TQLC, Tổng Hội Trưởng Võ Bị điều hợp chương trình buổi lễ cùng với nữ MC Ngọc Liên.
    Trong không khí u buồn của buổi lễ, sau khi mọi người nghiêm chỉnh chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ, và trong lúc tiếng kèn chiêu hồn tử sĩ vang lên ai oán, MC Ngọc Liên nói: “Đặc biệt hôm nay chúng ta tưởng niệm tất cả các Quân, Dân, Cán, Chính Quân Đoàn II đã hy sinh trên liên tỉnh lộ 7 B trong cuộc rút lui khuya ngày 16 tháng Ba, 1975 từ Pleiku về Tuy Hòa. Nguyện cầu chư anh linh liệt vị hòa nhập vào hồn thiêng sông núi độ trì cho chúng ta và con cháu chúng ta để dựng lại ngọn cờ vàng ba sọc đỏ trên núi cũ, sông xưa.”
    Sau phần giới thiệu quan khách, MC Ngọc Liên tóm lược cuộc rút binh trên Liên Tỉnh Lộ 7 B: Sau khi mất Ban Mê Thuột, chính quyền VNCH đã quyết định bỏ cao nguyên rút về duyên hải bằng đường bộ và sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7 B để tạo yếu tố bất ngờ. Liên tỉnh lộ 7 B dài chừng 300km gồ ghề, lởm chởm đá, nhất là đoạn từ Cheo Reo về Tuy Hòa đã trở thành hoang hóa từ lâu. Quân Đoàn II và các đơn vị trực thuộc đã tham gia cuộc rút binh này.
    Sau đó, MC nhường lời cho người trong cuộc, chiến hữu, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam lên nói về những đau thương, mất mát, những cái chết tức tưởi, oan khiên mà chính ông chứng kiến. (Bài phát biểu của nhà văn Phan Nhật Nam rất nhiều chi tiết, chúng tôi chi ghi lại những đoạn chính).
    Sau khi trình bày sơ lược về cuộc chiến khởi đầu từ trận Đồng Xoài năm 1965, Mậu Thân 1968 và việc để mất Ban Mê Thuột dẫn đến cuộc rút quân dọc tỉnh lộ 7B theo lộ trình từ Pleiku xuống đồng bằng duyên hải miền Trung, nhà văn Phan Nhật Nam nói, “Cuộc di tản dọc tỉnh lộ 7 B theo lộ trình Pleiku - Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với nỗi đau thương dài đặt trên hơn 200 cây số đường núi với 200 ngàn dân thường đi từ hai thành phố Pleiku, Kontum. Ngày 16 tháng Ba, một Chúa Nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu. Đoàn di tản bị cộng quân chận tại phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây quận lỵ Phú Bổn.
    “Xe tăng cán ngang lên xe GMC, xe GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, hất luôn những xe Jeep nhỏ, cán qua những chiếc xe Dodge 4 của Địa Phương Quân chở những người già và trẻ em tan tác... Và cộng sản nổ súng 130 ly, 122 ly, B40, B41 cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn loạn tan tác, làm rung rinh sắc núi mờ nhòa ánh nắng... Sư Đoàn 320 Điện Biên của Việt cộng bắn thẳng vào đoàn người di tản... Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa vào ngày 25 tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 BĐQ dẫn đầu. Hai trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay chỉ còn khoảng 60,000.”
    Sau đó, Hội Đồng Liên Tôn được mời lên trước bàn thờ dâng hương và HT Thích Minh Nguyện, Chủ Tịch đọc lời khấn nguyện, xin cho các oan hồn uổng tử năm xưa được sớm siêu thoát. Sau đó, một người lính già, đại diện cho Phố Núi Pleiku được mời lên niệm hương.
    Trưởng Ban Tổ Chức, KQ Võ Ý đọc một tài liệu mới được bạch hóa cho biết, “Kế hoạch của chính phủ Nixon đã quyết định bỏ vùng I và vùng II để về cố thủ vùng IV. Bản kế hoạch này Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch của VNCH đã tình cờ thấy để trên bàn của Tổng Thống Thiệu vào tháng 5/1974 nghĩa là hai tháng trước khi Nixon từ chức.
    “Như vậy chính phủ Mỹ chính là tác giả kế hoạch rút bỏ vùng I & vùng II. Một kế hoạch mà cho tới 39 năm sau, người ta vẫn lầm là sáng kiến của TT Nguyễn Văn Thiệu. Để thực hiện kế hoạch, lãnh đạo VNCH họp bàn kế hoạch bỏ Kontum và Pleiku nhưng không cho người Mỹ biết, vì người Mỹ biết tức là số quân nhân gốc người thiểu số do người Mỹ đào tạo biết họ sẽ cho là họ bị bỏ rơi, từ đó họ sẽ nổi loạn. Nhưng đau buồn thay, người Mỹ đã biết vì tin được tiết lộ. Như vậy 40 năm sau thảm họa Liên tỉnh lộ 7 B coi như được giải mã. Giải mã kia đưa đến 2 kết luận: Một là Mỹ bỏ rơi Việt Nam và hai là kế hoạch bị tiết lộ gây nên cuộc hỗn loạn trong cuộc lui binh.”
    Sau lời phát biểu của KQ Võ Ý, chiến hữu Trần Vệ và chiến hữu Nguyễn Hoài Cát hướng dẫn các phái đoàn lên Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm gồm có: Hội Phố Núi Pleiku - Tiểu Khu Pleiku - Tổng Hội Biệt Động Quân, và Tập Thể BĐQ Nam Cali - Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị - Liên Đoàn 6 KQ, Liên Trường Pleiku.
    Chiến hữu Biệt Động Quân Nguyễn Phú Thuận (Liên Đoàn 21 BĐQ) có mặt trong buổi lễ. Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, chiến hữu nói, “Tôi thấy cấp lớn của mình không nghiên cứu về tình hình chiến trận. Thật sự tụi Việt cộng nó dương Đông kích Tây, nó nhắm chỗ này nhưng nó đánh chỗ kia nên thật sự cấp lãnh đạo cấp lớn của mình không nghiên cứu rõ điều đó, thành ra cứ nghĩ là vùng II thì nó phải đánh Kontum, Pleiku nhưng thật sự cái yết hầu là Ban Mê Thuột, không có kế hoạch rút quân một cách an toàn thành ra mình để cho bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào chết tức tưởi trên liên tỉnh lộ 7B, nhất là anh em BĐQ chúng tôi.”
    Buổi lễ diễn ra thật cảm động và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X