Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Dấu chân người tị nạn Việt Nam đến Canada trong Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do

Collapse
X

Dấu chân người tị nạn Việt Nam đến Canada trong Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dấu chân người tị nạn Việt Nam đến Canada trong Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do

    Dấu chân người tị nạn Việt Nam đến Canada trong Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do (Nguyên Nghĩa)
    Posted on February 23, 2015 by Lê Thy
    Dấu chân người tị nạn Việt Nam đến Canada
    trong
    Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do

    Tôi muốn phổ biến lại các ảnh chụp những bài báo dưới đây, để mọi người cùng nhớ lại rằng 20 năm trước đây, 1995, chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã từng giận dữ phản đối chính phủ Canada và hủy bỏ một chuyến viếng thăm đã dự trù của phái đoàn thương mãi Canada sang Việt Nam, vì khi đó thành phố Ottawa – cũng là thủ đô của Canada – hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Canada xây dựng Đài Kỷ Niệm (Thuyền Nhân) Việt Nam ở góc đường Preston và Somerset.

    Đài Kỷ Niệm Việt Nam nói trên đã được khánh thành tại Ottawa đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, đánh dấu 20 năm người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do.





    Và giờ đây, năm 2015 đánh dấu 40 năm người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do. Tại Canada, một Dự Luật do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình, là Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” (Bill S-219, “Journey to Freedom Day”) đang được Hạ nghị viện bàn thảo. Nếu mọi việc suôn sẻ thì sắp tới đây, Dự Luật S-219 sẽ được Quốc Hội Canada thông qua và trở thành Luật.

    Lần này, chính phủ Cộng Sản Việt Nam lại càng phản đối với chính phủ Canada mạnh mẽ hơn 20 năm trước.

    Chắc hẳn nhiều người đã nghe bàn tán chung quanh Dự Luật S-219, “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” này. Có một số đồng bào tị nạn, nhất là ở các quốc gia khác, vốn không rõ về những đặc điểm, truyền thống đa văn hóa của Canada và sinh hoạt của người Việt tị nạn tại Canada, cho nên thắc mắc rằng tại sao Dự Luật không đề nghị ngày 30 tháng 4 là “Ngày Quốc Hận” hoặc “Tháng Tư Đen” mà lại là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”…

    Tôi xin phép mở dấu ngoặc nơi đây. Cá nhân tôi thường giải thích một cách đơn giản với bạn bè về tên tiếng Việt của “Journey to Freedom Day” là Ngày Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do. Nghe tôi nói như thế, bạn bè tôi đều đồng ý. Như vậy, nếu ngày 30 tháng 4 được Luật Canada xác định là “Journey to Freedom Day”, thì đây chính là để tưởng nhớ ngày mà khoảng một triệu người Việt Nam bắt đầu Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do và trong số đó có khoảng 250,000 người bỏ mình trên biển cả, và hàng trăm ngàn người Việt đã đến được miền đất lành Canada.

    Nội dung chi tiết trong Dự Luật S-219 “Journey to Freedom Day” này có giải thích rõ ràng nguyên do nào đã đưa tới cuộc “Hành Trình Tìm Tự Do”. Tôi xin trích dẫn một đoạn trong Dự Luật như sau:

    Xét rằng Quân Lực Canada đã từng tham dự Cuộc Chiến Việt Nam qua vai trò giám sát viên và yểm trợ việc thực thi Hiệp định Hòa bình Paris 1973 cho mục tiêu chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình;

    Xét rằng ngày 30 tháng 4 năm 1975, bất chấp Hiệp định Hòa bình Paris, Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã xâm chiếm Miền Nam (VNCH), dẫn tới sự sụp đổ của Sài Gòn, kết thúc chiến tranh Việt Nam và thành lập Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

    Xét rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã báo cáo là do những sự kiện trên cùng với điều kiện sống tồi tệ và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã đưa đến cuộc di cư của khoảng 840,000 người Việt Nam, những người lúc bấy giờ thường được gọi là “thuyền nhân Việt Nam”, đổ xô đến các quốc gia láng giềng trong những năm tiếp sau đó;

    Xét rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã báo cáo trong cuộc di cư có ít nhất 250,000 thuyền nhân Việt Nam thiệt mạng vì chết đuối, bệnh tật, đói khát hay bị hải tặc bắt cóc bạo hành;

    Xét rằng qua chương trình bảo trợ người tị nạn ở Canada, trợ lực bởi những gia đình công dân, tổ chức từ thiện, hội đoàn tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, Canada đã đón nhận hơn 60,000 người tị nạn Việt Nam, ước tính gồm 34,000 người do tư nhân bảo trợ và 26,000 người do chính phủ Canada bảo trợ;

    Xét rằng nghĩa cử cao đẹp của người dân Canada dành cho người tị nạn Việt Nam đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận và trao Giải thưởng Tị nạn Nansen cho “Công dân Canada” năm 1986;

    Và xét rằng ngày 30 tháng 4 được nhiều thành viên của cộng đồng người Việt ở Canada quen gọi là “Ngày Tháng Tư Đen”, hoặc một cách khác, là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”, thì đây quả là một ngày thích đáng dành riêng để ghi nhớ và tưởng niệm những người đã chết, những trải nghiệm khổ đau trong cuộc di cư, sự đón nhận người tị nạn Việt Nam vào Canada, lòng biết ơn của người Việt đối với công dân và chính phủ Canada đã đón nhận họ, và những đóng góp của người dân Canada gốc Việt cho đất nước – mà con số bây giờ lên đến khoảng 300,000 người;

    Do đó, thưa Nữ Hoàng, bằng với khuyến cáo và đồng thuận của Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện Canada, xin ban hành như sau:

    TIÊU ĐỀ TÓM GỌN

    1. Đạo luật này có thể được gọi là Ngày Hành Trình Tìm Tự Do (Journey to Freedom Day Act).

    NGÀY HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO

    2. Trên toàn quốc Canada, mỗi năm, ngày 30 tháng 4 sẽ được gọi là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”.

    3. Cần xác quyết, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do không phải là một ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia qui định.

    Thượng viện Canada ban hành.

    (Nguyễn Thanh Hoàng chuyển ngữ)

    Khi biết rõ chi tiết nội dung của Dự Luật S-219, hẳn mọi người đều hiểu tại sao chính phủ Cộng Sản Việt Nam lên tiếng phản đối dữ dội về Dự Luật nói trên.

    Đồng bào Việt Nam tị nạn vốn quen gọi ngày 30 tháng 4 là “Ngày Quốc Hận”, hoặc gọi tháng 4 đó là “Tháng Tư Đen”. Lâu dần, cách gọi đó được mặc nhiên công nhận. Cá nhân tôi cũng mặc nhiên công nhận cách gọi đó như mọi người, nhưng thật tình mà nói thì cho tới nay chưa có một văn kiện pháp lý chính thức của quốc gia nào minh định ngày 30 tháng 4 là một ngày lễ tưởng niệm của quốc gia họ, mặc dù tại nhiều quốc gia có hàng trăm ngàn người Việt tị nạn sinh sống và lá phiếu, tiếng nói của họ rất quan trọng. Riêng Canada là quốc gia đầu tiên cho dựng Đài Kỷ Niệm (Thuyền Nhân) Việt Nam tại thủ đô Ottawa đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, tức là cách đây 20 năm. Có thể nói, Canada là quốc gia đầu tiên ghi dấu bước chân thuyền nhân Việt Nam vào lịch sử đất nước này.

    Bà Marion Dewar – cố Thị trưởng Ottawa – từng là một trong những người sáng lập “Project 4000”, nhằm mục đích vận động chính phủ Canada thu nhận vào đất nước này đợt đầu tiên 4000 thuyền nhân Việt Nam. Nguyên do khiến các thuyền nhân Việt Nam phải bỏ nước ra đi tìm tự do chính là vì họ mất tự do, sau khi Cộng Sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Như vậy, “Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do” chính là cái hậu quả của “Ngày Quốc Hận” trong “Tháng Tư Đen” ấy.

    Giờ đây có khoảng 300,000 đồng bào Việt Nam sinh sống tại Canada. Đó là một con số rất lớn, do đó sự thành công của họ cũng rất đáng kể, sự đóng góp của họ cho đất nước Canada không phải là nhỏ. Ngược lại, ngoài việc Canada là một đất nước giàu lòng nhân đạo thu nhận số người Việt nói trên vào đây, Canada cũng tỏ ra tri ân các đóng góp (đặc biệt là về văn hóa) của những người dân có xuất xứ từ các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, nếu Quốc Hội Canada bỏ phiếu chấp thuận Dự Luật “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” thì cũng là điều hợp lý, vì mốc thời gian 30 tháng 4 đó có liên quan trực tiếp đến lịch sử Canada.

    Tôi xin trích dẫn lời của Dân biểu Mark Adler đã phát biểu tại Hạ viện hôm 5 tháng 2 năm 2015 vừa qua:

    “…Ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sài-Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, rơi vào tay đoàn quân xâm lược Cộng Sản phía Bắc, nhưng câu chuyện không chấm dứt ở đó. 30 tháng 4 năm 1975 là ngày bắt đầu một chương mới trong đời sống của người dân miền Nam Việt Nam.” […]

    “Dự luật này là biểu tượng của một truyền thống lâu đời của Canada như một ngọn hải đăng của tự do và dân chủ, một quốc gia đã hào hiệp đón nhận những người tị nạn, những người vô tội buộc lòng phải rời bỏ quê hương.” […] (Trà Mi dịch)

    Cũng ngày hôm đó tại Hạ nghị viện, Dân biểu Bob Dechert đã phát biểu như sau:

    “Tôi rất cảm kích có được cơ hội để lên tiếng ủng hộ dự luật quan trọng này. Như tôi đã đề cập, nó công nhận có những người đã thiệt mạng và những đau khổ mà họ đã phải trải qua trong cuộc di cư của người Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà Sài-Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Đó là một cuộc chiến, như chúng ta đều biết, hoành hành trong hơn 10 năm. Một cuộc chiến đẫm máu và bạo lực, và cuộc sống của người dân đã bị xé nát. Nó đã làm mất đi quá nhiều sinh linh vô tội.

    Đó không phải là một ngày kỷ niệm hạnh phúc, nhưng đó là một ngày mà chúng ta phải nhớ. Chúng ta phải nhớ những sự kiện lịch sử và cần biết những sự kiện đó đã ảnh hưởng thế nào đến mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là những người ở Canada.

    Canada đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ hàng chục ngàn người tị nạn sau khi Sài-Gòn sụp đổ, theo Ủy ban Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, có hơn 1,5 triệu người Việt Nam bị buộc phải trốn khỏi quê hương của họ dưới sự đe dọa của một cuộc sống bi đát, và một điều cần được lưu ý là sự vi phạm nhân quyền tràn lan ở đó.” (Trà Mi dịch)

    Một vị khác là Dân biểu Kevin Lamoureux cũng đã phát biểu rằng:

    “Công nhận Ngày Hành Trình Tìm Tự Do, với chúng ta là việc quan trọng, nó đánh dấu một ngày trọng đại đối với lịch sử chung của cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới. Nó ghi nhận sự kiện Sài-Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự chiếm lãnh miền Nam Việt Nam của Bắc quân, và việc thành lập chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời là điểm bắt đầu của cuộc di cư hàng loạt của hàng triệu người dân Việt Nam rời bỏ quê hương của họ.” (Trà Mi dịch)

    Dự Luật “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” lại càng có ý nghĩa hơn khi mà 30 tháng 4 năm nay, 2015 đánh dấu 40 năm Cộng Sản xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa và từ đó, khiến cho khoảng một triệu người phải liều mình vượt biển, Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do.

    Hãy thử đặt câu hỏi, suốt mấy chục năm chiến tranh dai dẳng, tại sao người Việt Nam không bỏ nước ra đi để lánh nạn? Tại sao khi Cộng Sản “thống nhất” đất nước mà người dân phải liều mình bỏ nước ra đi và có cả triệu người Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do, chứ không phải chỉ một số ít người? Hỏi tức là đã trả lời.

    Bất cứ lời giải thích nào của chính phủ Cộng Sản Việt Nam cũng không thể bào chữa cho sự tàn bạo mà họ đã hành xử với dân chúng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chẳng hạn: bỏ tù hàng triệu cựu quân nhân, cảnh sát, cán bộ, công chức và cả thường dân; cướp đoạt tài sản của người dân; đuổi nhà, đuổi việc, đuổi học các thân nhân của những người từng phục vụ cho Việt Nam Cộng Hòa, v.v… Ngay cả bây giờ, đã 40 năm sau ngày chiếm được Việt Nam Cộng Hòa, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục hành xử tàn bạo với dân chúng, những người đòi hỏi dân chủ, những người nói rằng bất tín nhiệm đảng, những Bloggers vạch trần các tội ác của chế độ Cộng Sản Việt Nam… và cả những cựu đảng viên Cộng Sản Việt Nam dứt khoát từ bỏ đảng.

    Hiện thời, Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình đã được Thượng nghị viện thông qua, và đang được mang ra tranh luận tại Hạ nghị viện. Thiết nghĩ, người Việt Nam tị nạn nên coi đây là vinh dự, là cơ hội ngàn năm một thuở, vì Canada là quốc gia đầu tiên công nhận ngày 30 tháng 4 là một ngày lễ (tuy không thuộc vào những ngày lễ nghỉ làm được trả lương) và ghi dấu ngày 30 tháng 4 vào lịch sử của quốc gia này.

    20 năm trước đây (30 tháng 4 năm 1995) việc dựng Đài Kỷ Niệm Việt Nam tại Ottawa là một cú “bẽ mặt” cho Cộng Sản Việt Nam, thì bây giờ 20 năm sau, khi Dự Luật S-219 được Quốc Hội Canada chấp thuận, trở thành Luật, thì đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam càng ê chề hơn, càng khó trả lời trước thế giới và trước lịch sử, vì vậy họ cố sức đả phá, phản đối Canada, là điều dĩ nhiên!

    Tôi tin rằng, chính phủ Cộng Sản Việt Nam càng phản đối, càng ngụy biện thì càng lộ rõ thêm sự ê chề, bởi lẽ chủ đích của Dự Luật S-219, “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” nhằm đánh dấu 40 năm người tị nạn Việt Nam chạy trốn chế độ Cộng Sản và đặt chân đến được đất nước tự do Canada này.

    Nguyên Nghĩa
    14/02/2015

    Nguồn : baovecovang.wordpress.com

  • #2
    Vài Lời Công Bằng Cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải

    VÀI LỜI CÔNG BẰNG CHO THƯỢNG NGHỊ SĨ NGÔ THANH HẢI

    Chu Tất Tiến



    Thời gian gần đây, vụ Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đề nghị dự luật S-219 tại Thượng Viện Canada làm dấy lên một làn sóng dư luận chống đối giữa hai phe bênh và chống.

    Phải nói một sự thật là phe chống đông hơn phe bênh, phe chống có rất nhiều lý lẽ khích động, và gồm nhiều thành phần: Một vài người có bằng cấp, một số lớn người tỵ nạn Cộng Sản có mất mát đau thương trong ngày 30-4, một vài tổ chức chống Cộng cực đoan, đồng thời cũng có những kẻ theo đóm ăn tàn, chỉ biết chửi tục và vài tên hề-diễn đàn như Ngô Kỷ và một số tên nằm vùng, tay sai Cộng Sản. Ngược lại, phe bênh thì vắng người hơn, cho dù lý lẽ cứng rắn hơn, nhưng hình như không thuyết phục được phe chống nhiều cảm tính hơn, và thường dựa vào quá khứ đau thương của dân tộc mà kết án Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải. Một số người bênh có đưa ra quá khứ chiến đấu trước 1975 và những tranh đấu cho việc Dân Chủ Hóa Việt Nam trong chính trường của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải để làm bằng chứng, tuy nhiên, tiếng nói này thường bị khuất lấp bởi những xúc động của người dân tỵ nạn Cộng Sản, khi nhớ lại những đau thương mà bọn “hèn với giặc, ác với dân” này đã gây ra cho dân tôc.

    Trong phạm vi một bài viết nhỏ, không với mục đích bênh cá nhân Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, mà chỉ muốn lấy lại sự công bằng cho một sự việc, một cá nhân đã tạo nên sự việc đó, người viết sẽ không nhắc lại thành tích quá khứ của nhân vật này, mà chỉ nhìn đến sự việc dưới cặp mắt khách quan, khoa học mà thôi. Lý do: thành tích quá khứ không chứng minh được sự việc hiện tại. Đã có bao người từng là lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa chống lại Cộng Sản kịch liệt, nay đã đầu hàng giặc, làm nhục danh dự Việt Nam. Đã có biết bao nhiêu người theo diện cựu tù cải tạo sang Mỹ giờ về làm “tà lọt” cho nhà nước Cộng Sản như con trai một cựu tù cải tạo nay đã làm rể tên bán nước buôn dân Nguyễn tấn Dũng và rất nhiều gia đình cả bố con từng tù cải tạo khác đang làm công nhân viên chức cho nhà cầm quyền này. Ngay trong cộng đồng hải ngoại, rất nhiều người từng la lối chống cộng to tiếng nhất nay cũng âm thầm làm chó săn cho giặc.


    1) Tiến trình của dự luật S-219: Theo báo chí Canada, Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đưa ra dự luật S-219 là để tưởng nhớ hai triệu người đã bỏ nước ra đi, 250 ngàn người bỏ mình trên biển cả, cám ơn Canada đã nhận 300 ngàn, cám ơn chính phủ và nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay đón tiếp người tị nạn Việt Nam, đồng thời để công nhận giải thưởng Nelson mà Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã trao cho quốc gia Canada về thành tích đóng góp rất nhiều trong vấn đề tị nạn. Thoạt đầu, ông đề nghị dự luật S219 đặt tên cho ngày 30-4 là Black April Day (Tháng Tư Đen). Nhưng sau đó, Thủ tướng Canada đề nghị đổi lại là Journey To Freedom Day với mục đích để cho dân Canada hiểu rõ hơn ý nghĩa dự luật.

    2) Nội dung dự luật: Phần mở đầu dự luật ghi rõ là để “bày tỏ sự trân trọng về một ngày quốc lễ để tưởng niệm đến việc di cư của các người dân tỵ nạn Việt Nam và sự chọn lựa sinh sống và được sống tại Canada của họ sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chấm dứt chiến tranh Việt Nam”.

    Điều 2 của dự luật ghi: Khắp đất nước Canada và hàng năm và mỗi năm, ngày 30 tháng Tư (30/4) sẽ được biết đến như là ‘Ngày Hành trình đến Tự do’.” “Ngày này để “mọi người nhớ đến và tưởng niệm những mạng người đã bị mất và những kinh nghiệm đau đớn mà những người tỵ nạn phải trải qua trong cuộc di cư của người dân Việt và sự được chấp nhận cho người Việt được sinh sống tại Canada và được chính phủ Canada chấp thuận, và cũng là để nhớ đến sự đóng góp của người dân Canada – và người Việt mà số dân này hiện nay có vào khoảng 300.000 người trong xã hội Canada.

    Như thế, không có khoản nào mang ý nghĩa là “xóa bỏ ngày Quốc Hận”, hay xóa bỏ ý nghĩa của ngày mà Việt Nam Cộng Hòa thất thủ trước sự cưỡng chiếm của Cộng Sản quốc tế. Ngược lại, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã tạo thêm danh dự cho Việt Nam khi thuyết phục được một Nghị Viện nước ngoài chấp nhận một ngày lễ của riêng dân Việt trên xứ sở của một nước ngoại quốc thành một ngày lễ quốc tế!

    3) Ý Nghĩa của nhóm danh từ: Ngày Quốc Hận! Nhóm chữ “Ngày Quốc Hận” thật ra là do người miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa đặt ra mà thôi. Đúng ra, phải viết dài và đủ như sau: “Ngày Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa uất hận trước việc mất nước.” Tại sao lại dài giòng thế? Vì nếu viết “ngày Việt Nam uất hận..” thì không đúng với sự kiện cụ thể, vì gần 40 triệu người miền Bắc, cũng là người Việt Nam, lại vui mừng trước ngày 30-4, vì đối với họ là ngày Giải Phóng! Cho nên phải nói rõ ràng là chỉ có miền Nam mới uất hận mà thôi. (Chữ Hận ở đây phải hiểu là Uất Hận, chứ không phải Thù Hận, hay Hận Ghét, vì nếu theo ý nghĩa của hai tĩnh từ sau, thì hóa ra mình là người chỉ biết thù hận mà thôi sao?) Nhưng trên phương diện văn chương, chữ nghĩa, chúng ta phải bỏ hết cái dài giòng đi mà dùng ngắn gọn: Ngày Quốc Hận. Mà sử dụng chữ này ở đâu? Dĩ nhiên, như đã nói trên, chỉ sử dụng trong phạm vi người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chỉ sử dụng trong các cuộc hội họp, biểu tình của cộng đồng Việt Hải ngoại, cũng như chỉ sử dụng trong lãnh vực truyền thông, báo chí của cộng đồng hải ngoại mà thôi, không áp dụng cho miền Bắc! Nếu đã không thể sử dụng cho miền Bắc Việt Nam , thì lại càng không thể ép người ngoại quốc phải sử dụng chữ đó được. Không thể bắt người Mỹ, người Canada, người Úc phải đồng ý với mình là phải tôn trọng chữ “Quốc Hận” trong phạm vi của nước họ! Họ có “hận” cái gì đâu, có mất nước đâu mà bắt họ phải để tang ngày 30-4?

    Nên nhớ : dự luật S-219 nếu được thông qua bởi Hạ Viện Canada, thì sẽ áp dụng chính thức trên toàn quốc Canada, cho người Canada, không phải cho người tị nạn Việt trên đất Canada! Nếu chỉ cho người Việt trên đất Canada thì cần gì phải đến Thượng Viện, Hạ Viện Canada thảo luận, biểu quyết và thông qua bằng Luật chính thức của Canada! Đến ngày 30-4, cộng đồng Việt cứ việc tổ chức mít tinh, chẳng cần ai chấp thuận, cứ treo biểu ngữ to thật to: TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN 30-4! Ai nói gì đâu? Ai dám xóa bỏ chữ này đâu? Ai dám đến giật cái biểu ngữ này xuống? Ngay cả Thủ Tướng Canada cũng chẳng dám làm việc này, huống hồ một ông Thượng Nghị Sĩ Việt!

    Tóm lại, nhóm chữ NGÀY QUỐC HẬN không hề bao giờ có trong tự điển Canada, cho nên dự luật S-219 không thể xóa bỏ được, vì không có, lấy chi mà xóa bỏ! Người ta nói: “xóa bàn cờ” đi làm lại, chỉ khi nào trên bàn cờ đã có quân, đã có chiến đấu, một bên thắng, một bên đã thua, chứ không ai nói “xóa bàn cờ” khi chẳng có quân nào trên cái miếng gỗ chỉ có mấy cái gạch chéo được! Nói “Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải âm mưu xóa bỏ ngày Quốc Hận” là nói theo kiểu Việt Cộng, chụp mũ này vào cái đầu kia, treo đầu dê mà bán thịt chó, lập lờ đánh lận con đen, lừa gạt dư luận.

    Kết luận: Thực tế, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, với tình yêu nước Việt Nam Cộng Hòa, ông đã từng đề nghị ngày 30-4 là ngày Tháng Tư Đen, nhưng không được chấp thuận, vì với Canada, chẳng có tháng nào là tháng Đen cả. Chính Thủ Tướng Canada là người bạn thân thiết với cộng đồng Việt di tản, rất mến dân Việt tị nạn, mới chấp thuận cho Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đưa dự luận ấy ra Quốc Hội Canada để thảo luận, và lại còn góp ý sửa danh xưng cho thích hợp với dân Canada, chứ còn với danh từ Quốc Hận, thì mãi mãi ngày 30-4 vẫn chỉ lặng lẽ đến với dân Việt tị nạn mà thôi. (Ngay chính người Việt gốc Cộng cư ngụ ở Canada cũng phản ứng kịch liệt với đề nghị này.)

    Điều đáng buồn là trong vụ việc này, đại đa số những người không đồng tình với danh xưng này đều chưa hiểu rõ những diễn tiến của sự việc, mà chỉ vì cảm tình quá nặng với đất nước, cảm xúc quá mạnh với sự kiện phải bỏ nước ra đi ngày 30-4 năm ấy, đã hòa với một nhóm hề-diễn đàn, và tay sai nằm vùng, mà tấn công Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải rất nặng lời. Nào là “thằng Hải, thằng Hủi, thằng Việt Cộng họ Ngô, thằng bán đứng dân tộc, thằng Nghị Sĩ…” mà quên mất cái vốn văn hóa văn minh của người miền Nam trước 1975. Khi ấy, chỉ có Việt Cộng mới gọi “thằng Thiệu, thằng Kỳ”, còn báo chí, truyền thông miền Nam vẫn lịch sự viết “Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp…” (*) Nếu chúng ta, chỉ vì cảm xúc mà gọi một nhân vật làm rạng danh Việt Nam như thế, chúng ta đã dẫm phải vết dép Bình Trị Thiên của Việt Cộng là những kẻ vô văn hóa, vô học, vô tổ quốc, vô tín ngưỡng. Ít nhất, khi tranh luận mà bất đồng ý kiến với ai, cũng nên tôn trọng người đối lập, không nên à uôm mà chửi tán loạn, biến diễn đàn thành cái chợ cá, chứ không phải diễn đàn đối thoại nữa. Hơn nữa, “lời nói đọi máu”, một khi đã chửi người ta nặng lời rồi sau thấy mình sai, thì làm sao mà sửa chữa? Nếu không nói là vì phản ứng quá mạnh của người mình, mà Hạ Viện Canada bác bỏ dự luật tốt đẹp này đi, có phải tội ác đó thì mình phải gánh không? Mà gánh mãi đến bao giờ mới rửa được tội ác chống lại dân tộc Việt Nam như thế?

    Chu Tất Tiến


    (*) Chỉ trừ những tên trở cờ chuyên phá hoại cộng đồng, như Nguyễn Phương Hùng, Ngô Kỷ, Nguyễn Ngọc Lập, và nhóm Việt Weekly thì không thể gọi bằng những danh xưng thông thường được. Chúng nó chỉ có một tên duy nhất: Những kẻ khốn nạn.

    (nguồn: http://baomai.blogspot.ca/)

    Comment


    • #3
      Dự luật "Ngày hành trình đến tự do" thành luật

      Dự luật "Ngày hành trình đến tự do" thành luật


      Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do từ văn phòng Thượng Viện ở Ottawa, Canada, Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải cho biết:

      Dự luật S219 của tôi đã được thông qua tại hạ viện ngày hôm qua, Thứ Tư, vào lúc 7:30 tối. Lúc đó Hạ Viện đã tranh luận sau một tiếng đồng hồ đảng Tự Do và đảng Tân Dân Chủ có một số dân biểu cũng nói lên sự chống đối của họ. Tuy nhiên vì bên đảng Bảo Thủ có đa số thành ra sau đó khi bỏ phiếu thì tất cả mọi đảng phái đều chấp nhận hết.

      Thanh Trúc: Thưa Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải, xin cho biết với các dân biểu chống đối thì lý do họ đưa ra để chống là như thế nào?

      TNS Ngô Thanh Hải: Đa số nói rằng Đạo Luật ngày 30 tháng Tư này không được chỉnh lắm. Một số dân biểu đề nghị ngày 27 tháng Bảy bởi vì những dân biểu đó đã được đảng cộng sản Việt Nam hoặc tòa đại sứ cộng sản Việt Nam đến lobby họ rồi. Họ mướn người lobby để đánh phá, để dời ngày và làm chậm Đạo Luật của tôi. Khi mà tôi ra điều trần trước ủy ban thì tôi nói ngày 27 tháng Bảy là ngày kêu là tưởng niệm của quân đội cộng sản Việt Nam, một quân đội đã giết chúng tôi, đã tra tấn chúng tôi, đã bỏ tù chúng tôi, đã hành hạ chúng tôi… mà bắt chúng tôi phải tưởng niệm những người đó thì đâu có được, đó là một sự sỉ nhục cho người Canada. Khi nghe tới đó thì họ bắt đầu lui, tuy nhiên sau đó ông Chủ tịch bên Hạ Viện cũng đã bác ý kiến đòi tu chỉnh ngay, thành ra (họ) thua luôn.

      Thanh Trúc: Xin ông cho biết tiến trình hay thủ tục trở thành Đạo Luật ngày ngày hôm nay vì nghe nói có vị Toàn quyền Canada xuống ký?

      TNS Ngô Thanh Hải: Đạo Luật của tôi đã thông qua Thượng Viện và thông qua Hạ Viện thì bây giờ ông Thống Đốc Toàn quyền Canada đại diện Nữ hòang sẽ ấn ký. Ấn ký có sắc lịnh thông qua đây là Luật chứ không phải Resolution (Nghị Quyết) hoặc là Proclamation( Tuyên cáo). Đây là Luật cho toàn xứ Canada công nhận ngày 30 tháng Tư của chúng ta. Ông Thống Đốc Toàn quyền David Johnston sẽ đến Thượng Viện và sẽ ấn ký vào 4 giờ chiều hôm nay giờ Canada.

      Cộng Đồng Người Việt của chúng ta tại Toronto, Montreal, và Ottawa cũng sẽ có mặt tại Thượng Viện để chứng kiến sự kiện lịch sử này đúng 4 giờ chiều nay. Đây là Đạo Luật cho dân Canada biết rằng người Việt tị nạn bỏ xứ ra đi sau 30 tháng Tư 1975 khi cộng sản chiếm miền Nam, đó là ngày chúng ta phải nhớ.

      Đối với dân Canada, không biết ngày 30 tháng Tư là gì, nhưng sau đó chỉ trong vòng hai năm 1979 đến 1980 họ nhận 60.000 thuyền nhân Việt Nam. Từ 75 cho tới hiện nay thì người Canada gốc Việt ở Canada dân số khoảng 300.000. Đây là một chứng từ lịch sử cho thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba hoặc các thế hệ kế tiếp phải hiểu biết điều đó, biết rằng 30 tháng Tư là ngày chúng ta bỏ nước ra đi.

      Thanh Trúc: Câu hỏi cuối củng xin được hỏi ông, đối với những người lâu này vẫn muốn ngày 30 tháng Tư là ngày quốc hận chứ không thể là ngày gì khác thì ông có lời nào bày tỏ?

      TNS Ngô Thanh Hải: Thưa nó như thế này: quốc hận là quốc hận của ngừơi Việt Nam chúng ta, chúng ta hận là đúng, nhưng mà đối với dân Canada họ có gì đâu mà phải hận? Tuy nhiên, nếu coi kỹ trong Đạo Luật ,ngày quốc hận là ngày 30 tháng Tư khi chúng ta bỏ nước ra đi là lý do gì? Chúng ta bỏ nước đi tìm tự do chứ đâu phải là hận cộng sản đâu. Chúng ta chạy là chúng ta bỏ nước ra đi vì vấn đề tự do. Đạo Luật này không xóa bỏ ngày 30 tháng Tư mà chính thức là National Day của Canada đặc biệt công nhận ngày 30 tháng Tư.

      Trong cái Preambule (Lời dẫn nhập) cũng có nói rằng cộng đồng người Việt Canada vẫn thường dùng ngày 30 tháng Tư là ngày Black April Day. Công việc đó đối với những người đó tôi không muốn trả lời bởi vì họ không đọc kỹ cái đạo luật của tôi, họ cho rằng đạo luật này không có nghĩ tới vấn đề quốc hận. Ai mà không biết ngày quốc hận, tôi cũng cho đó là ngày quốc hận vậy, nhưng ngày 30 tháng Tư chúng ta ra đi là để tìm tự do, bỏ nước bỏ gia đình bỏ nhà cửa để đi tìm tự do, thì ngày 30 tháng Tư là ngày chính. Xong rồi ra ngoài này chúng ta hận cộng sản là chuyện đương nhiên, thành ra ngày hành trình tìm tự do hay ngày quốc hận cũng vẫn được như thường bởi vì trong preambule của tôi vẫn đề ngày 30 tháng Tư là Black April Day mà công đồng ngừơi Việt thường dùng cũng như Ngày Hành Trình Tìm Tự Do.

      Nói xóa bỏ ngày quốc hận 30 tháng Tư là điều mà Cộng sản Việt Nam vẫn dùng, vẫn đưa ra, để đánh lạc hướng. Họ vận dụng lý do đó để họ lobby các dân biểu các nghị sĩ chống đối Đạo Luật này, tìm cách làm mờ ngày 30 tháng Tư đi mà công nhận ngày khác như ngày 27 tháng Bảy là ngày liệt sĩ của quân đội cộng sản Việt Nam, đó là lý do họ làm. Chúng ta không nên mắc mưu vấn đề đó mà nên nghĩ rằng 30 tháng Tư chúng ta vẫn có là 30 tháng Tư, Đạo Luật này công nhận chính thức của Canada là ngày 30 tháng Tư. Do đó tôi thấy không nên hấp tấp cho rằng Đạo Luật này là xóa bỏ ngày quốc hận.

      Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải về thời giờ của ông.

      Thanh Trúc - RFA
      2015-04-24



      VNTB- DỰ LUẬT S219 ĐƯỢC CANADA THÔNG QUA

      Last edited by saomai; 04-25-2015, 08:12 AM.

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X