Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giới Thiệu Tác Phẩm TÀN CƠN BINH LỬA của BCD. Lê Đắc Lực

Collapse
X

Giới Thiệu Tác Phẩm TÀN CƠN BINH LỬA của BCD. Lê Đắc Lực

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giới Thiệu Tác Phẩm TÀN CƠN BINH LỬA của BCD. Lê Đắc Lực


    ĐỌC TÁC PHẨM “ TÀN CƠN BINH LỬA”
    của Cựu Đại Úy BCD. LÊ ĐẮC LỰC
    .
    *Kha Lăng Đa


    Tôi rất hân hoan khi nhận được tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa” của Cựu Đại Úy BCD. Lê Đắc Lực gởi tặng tôi. Dù bận nhiều công việc gia đình và giáo xứ chuẩn bị đón mừng ngày đại lễ Giáng Sinh năm 2014, nhưng tôi vẫn dành thì giờ để đọc tác phẩm của Lực - người bạn nhiều cảm mến của anh em tôi.

    Thật tình mà nói, chuyện kể của BCD.Lê Đắc Lực có sức hấp dẫn khiến tôi đọc không ngừng, đọc ..ngấu nghiến qua lời văn trong sáng, giản dị, chân thành và rất... lính!! Người lính BCD. Lê Đắc Lực với thân hình cường tráng, hùng dũng, hiên ngang, từ một thư sinh xếp bút nghiên đi đáp lời sông núi. Chàng trai thời loạn nầy luôn tự nhủ với lòng mình:

    Làm trai cho đáng nên trai,
    Xuống Đông, Đông tĩnh, lên đoài, đoài tan.


    Vì vậy nên anh đã tình nguyện đầu quân vào Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt khi mãn Khoá 24 SVSQ Trừ Bị - Thủ Đức.

    Lực đã hoàn thành nhiệm vụ của cấp chỉ huy Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Biệt Đội Trưởng, anh và đồng đội quá gan dạ, dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nguy qua các trận: Chiếm lại Đài Phát Thanh Nha Trang trong Tết Mậu Thân (Đợt 1), Trận nhảy vào mật khu Ashau, Trận Chợ Cây Quéo, Chợ Cây Thị (Mậu Thân Đợt 2), Trận Đồng Xoài, Trận nhảy vào chiến khu Ba Lòng, trận Đức Cơ, Trận Mật Khu An Lão, Chiến Trường Tam Biên, Trận An Lộc, Trận Cổ Thành Quảng Trị, Trận B6én Thế - Bình Dương, Trận Xóm Đạo Tha La (Trảng Bàng – Tây Ninh), Trận Tân Phú Trung (Hóc Môn), Chiến Khu D, Mật khu Mây Tào, Trận Phước Long. Tôi thấy được và khâm phục ý chí quyết chiến, quyết thắng của Tiểu Đoàn 9 Biệt Cách Nhảy Dù ( Sau là Liên Đoàn 81 BCND), một đơn vị thiện chiến, đa năng, đa hiệu với đặc tính chiến thuật là thám sát, phản du kích và trận địa chiến. Nhờ hiểu được địch tình do những toán thám sát 6 người (2Mỹ+4Việt) đã xâm nhập vào mật khu, sào huyệt của VC để thu lượm tin tức, bắt sống địch làm tù binh để khai thác nên đơn vị đánh đâu thì thắng đó!, đúng như Binh Thư Tôn Tử có câu ”Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”.

    Sở trường của Biệt Cách Dù là đánh ban đêm, tạo yếu tố bất ngờ để diệt địch. Đơn vị lại được chỉ huy bởi Đại Tá Phan văn Huấn - một cấp chỉ huy, lãnh đạo tài đức vẹn toàn. Ông đã giỏi về chiến thuật mà còn có óc sáng tạo. Trong tận An Lộc, ông đã dùng đạn lép của Pháo Binh chế thành mìn chống chiến xa đạt hiệu quả tối đa, đã diệt được 10 xe tăng của VC và toán đăc công của địch theo sau xe tăng cũng bỏ mạng.

    Một chiến thuật độc đáo của BCD là gọi súng cối tác xạ 10 quả liên tục để diệt chốt địch. Khi chiến sĩ BCD đã đến gần mục tiêu, súng cối (được mật báo trước), bắn 7 quả đạn nổ và 3 quả đạn sau cùng thì bắn đạn lép. Địch nghe tiếng “depart” của súng cối thì ẩn núp, không dám ngoi đầu lên. Lợi dụng thời khắc của 3 quả đạn lép, chiến sĩ BCD tiến lên, tiếp cận và ném lựu đạn diệt chốt. Tôi thấy vui vui với chiến thuật nầy là khôi hài gọi đó là “Chiến thuật 7 nổ 3 lép”. Lối đánh của BCD rất khôn khéo, mưu lược. Nếu không biết được vị trí các chốt bố phòng của địch thì họ dùng “Chiến Thuật Tấn Công Giả” để “nhử” cho địch nổ súng kháng cự. Nhờ vậy mà họ biết được địch quân bày trận tuyến như thế nào, vị trí các chốt phải diệt như trong trận Tân Phú Trung – Hóc Môn, BCD đã diệt chốt bằng chiến thuật “Bảy nổ 3 lép”.

    Nơi nào chiến trường sôi động, áp lực địch quá nặng nề thì Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH điều động LĐ81BCND đến để tăng cường, giải quyết chiến trường. Họ đã đem lại cho QLVNCH nhiều chiến thắng vinh quang.

    Đoàn quân tinh nhuệ 81BCND được tuyển mộ sau thời gian thụ huấn ở các quân trường, khi về đơn vị, họ lại được huấn luyện đặc biệt về võ thuật, chiến thuật và chiến tranh chính trị (học cách cư xử với nhân dân…). Đối với đồng đội. họ khắng khít yêu thương nhau, đồng tâm, nhứt trí trong tình “Huynh đệ chi binh”.

    Nhờ biết đối đãi tối với dân bằng tình “Quân Dân Cá Nước” trong vùng hành quân nên dân chúng đã cung cấp cho họ nhiều tin tức về địch quân như trong trận Xóm đạo Tha La. Khi chiến thắng trận Chợ Cây Quéo, Cây Thị, trận Bến Thế - Bình Dương, Chiến sĩ BCD được nhân dân chào đón hai bên lề đường và tặng quà cho họ.

    Nói về “Người Anh Cả” của LĐ81BCND là Đại Tá Phan văn Huấn thì yêu thương anh em thuộc cấp và binh sĩ như tình huynh đệ. Khi BCH Chiến Thuật 1 và Biệt Đội 811và 814 bị mất liên lạc ở trận Phước Long, ông đã mất ăn, mất ngủ và đã ngồi trên phi cơ L19 bay quan sá trên vòm trời Phước Long. Qua 2 ngày, 2 đêm, ông mới liên lạc được với BĐ814 do BCD. Lê Đắc Lực chỉ huy vượt sông Dak-Lung, băng rừng đi về phía Đông Đông Bắc. Ông đã hướng dẫn đàn em đến một trảng tranh giữa rừng để gọi phi cơ trực thăng đến bốc tất cả về Căn Cứ Hành Quân của LĐ81BCND ở Suối Máu – Biên Hoà.

    Luôn nghĩ đến số phận không may của nhân dân khi đơn vị hành quân tái chiếm những vùng bị VC chiếm đóng, để tránh sự thiệt hại nhân mạng và tài sản của dân lành, ông đã ra lệnh cho đơn vị không dùng pháo binh nặng như 105, 155ly để yểm trợ mà chỉ dùng chiến thuật sở trường của đơn vị và súng cối 60ly, 81ly để diệt chốt địch. Do đó mà 81BCD có những tay thiện xạ súng cối như Trung úy Trần Duy Bình, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Trung úy Cao Kỳ Sơn và Trung sĩ Đỗ Đức Thịnh bắn súng cối mười quả trúng mục tiêu đủ mười quả!

    Trước ngày 30-4-75, Bộ TTM có kế hoạch di tản các cấp chỉ huy rời khỏi Việt Nam, nhưng ông nhứt quyết không đi, ông ở lại với anh em đến giây phút cuối cùng. Để trả giá cho quyết định: ”trọn tình, trọn nghĩa” với anh em 81BCND, ông đã bị VC giam cầm và lao động khổ sai 13 năm trường trong ngục tù Cộng Sản ở miền Bắc.

    Riêng tác giả của “Tàn Cơn Binh Lửa” thì khi nhận chức vụ Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị, anh đã nhiệt tình, chăm lo cải thiện đời sống của anh em chiến sĩ BCD, lo cho đời sống của cô nhi, quả phụ và cựu quân nhân BCD có chỗ làm việc để sinh sống.

    Qua những thành tích mà BCD Lê Đắc Lực đã đạt được, anh thật xứng đáng được nhận lãnh danh hiệu “Chiến sĩ xuất sắc” nhân ngày Quân Lực 19-6-74 và xứng đáng được Tổng Thống ân thưởng “Ưu Dũng Bội Tinh” sau trận triệt hạ “Mật Khu Mây Tào” cho một chiến sĩ đã nhiều phen vào sanh ra tử với 16 Anh Dũng Bội Tinh các cấp và 4 Chiến Thương Bội Tinh. Anh là một sĩ quan của QLVNCH, văn võ song toàn.

    Đọc “Tàn Cơn Binh Lửa”, tôi có cảm tưởng mình đang xem phim “Combat”. Tôi ngậm ngùi thương anh em chiến sĩ BCD đã hy sinh trong nhiều trận khốc liệt, nhứt là trận An Lộc mà cô giáo Pha bị thương, được các chiến sĩ BCD cứu chữa, hàng ngày, nhìn thấy các anh đấp mộ cho anh em tử sĩ dưới lằn mưa đạn của địch quân, khói lửa mịt mù, cô đã xúc cảm sáng tác hai câu thơ:

    “An Lộc Địa, Sử Lưu Chiến Tích
    Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân!”

    Tôi rất đau đớn khi biết được VC đã giết 2 toán Thám Sát BCD bị kẹt trong Chiến Khu D sau ngày 30-4-75 ra hàng, bị VC giết tất cả, thả trôi sông và ném xác xuống giếng hoang. Vậy mà chúng đã rêu rao chính sách “khoan hồng nhân đạo”, “đánh kẻ chạy đi chớ không đánh người chạy lại“. Sau đó, 2 toán còn lại ra trình diện, chúng đưa vào trại tù chớ không sát hại nữa vì chúng sợ bị nhân dân phẫn uất.

    Tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa” đã ghi lại chứng tích tội ác của VC đã pháo kích giết dân lành chạy giặc trên “Đại Lộ Kinh Hoàng”, trong trận “Cổ Thành Quảng Trị” và hai bên đầu cầu Thác Mơ trong trận chiến Phước Long. Tác phẩm cũng đã ghi lại bằng chứng vi phạm Hiệp Định Paris của VC.

    Tôi ngậm ngùi, xót thương cho 2 em bé 6, 7 tuổi, (con của Trung sĩ Hà Văn Hiến, phục vụ tại Tiểu Khu Bình Long) tên Hà thị Loan và Hà thị Nở được đơn vị BCD cứu thoát khỏi một cái hầm dưới chân đồi Đồng Long sau 2 tháng trường ẩn trốn trong hầm, chịu đói khát đến nỗi thân hình chỉ còn da bọc xương, quần áo rách tả tôi, bẩn thỉu. Mẹ của 2 em đã cỏng đứa em trai 4 tuổi, dẫn 2 em chạy giặc. Chẳng may bị đạn pháo kích của VC, mẹ của 2 em chết tại chỗ, đứa em trai bị thương ở chân. Hai em đã thay phiên cỏng đứa em trai chạy đến cái hầm ấy. Đứa em trai chết trong đêm đó. Hai em không chôn được xác nên để trong hầm đến rục rã. Nhờ lượm được mấy bao gạo xấy, 2 em ăn qua ngày. Khi hết gạo, chờ ban đêm im tiếng súng, 2 em ra ngoài kiếm rau cỏ mà ăn. Hai em được đưa về Bộ Chỉ Huy Hành Quân, giao cho Ban Quân Y của Bác sĩ Nguyễn Thành Châu khám và chữa bệnh. Năm 1973, hai em được Tổng Cục CTCT đưa lên Đài Phát Thanh thuật lại chuyện gian khổ, đói khát và hãi hùng của 2 em. Đến năm 1974, hai em được một người Mỹ nhận làm con nuôi và hiện đang sống tại Hoa Kỳ. Đó là một cảnh đau lòng của “tử biệt sanh ly” trong muôn ngàn hoàn cảnh khác do VC gieo rắc cho nhân dân, đến đâu chúng cũng dùng nhân dân làm bia đỡ đạn cho chúng.

    Tác giả đã kể lại các trận đánh có sự kiểm chứng của các chiến hữu, các cấp chỉ huy của các đơn vị liên hệ, Chỉ Huy Trưởng LĐ81BCND nên tập hồi ký được trung thực, có tính chất tài liệu như những trang Quân sử hào hùng của LĐ81BCND và để bổ sung cho Quân Sử VNCH. Đó là giá trị cao quý của tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa” của BCD. Lê Đắc Lực.


    ĐỌC THƠ CỦA LÍNH DÙ LÊ LỘ DỨC

    Người chiến sĩ mũ xanh Lê Đắc Lực lại là một nhà thơ (Lê Lộ Đức). Lời thơ của anh là tiếng lòng xuất phát từ con tim yêu Tổ Quốc, yêu quê hương, yêu thương anh em đồng đội và người yêu ở hậu phương ngày tháng mong chờ. Một quân nhân luôn đề cao Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm như anh đã mang nặng tình cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, vì chính nghĩa Quốc Gia, ra đi không hẹn ngày trở lại. Anh đã không ngần ngại cho người yêu biết trước con đường sinh tử của người chiến sĩ phải đi qua:

    Có thể một ngày gần đây em sẽ rõ
    Khi quê hương đã sạch bong quân thù
    Trong nghĩa trang giữa những hàng bia mộ
    Có tên anh…
    Một Biệt Cách Dù đã vị quốc vong thân.

    Trong bài thơ “ Chân dung Chiến Sĩ 81 Biệt Cách Dù”, những câu đầu, anh đã giới thiệu lòng quả cảm, chí hy sinh, xem thường cái chết của Chiến Sĩ Biệt Cách Dù, đã dâng hiến cả đời mình cho đất nước:

    Khi nói về người lính 81 Biệt Cách Dù,
    Chúng ta không thể nào không nghĩ đến,
    Lòng quả cảm, sự hy sinh vô bờ bến,
    Trọn cả cuộc đời dâng hiến quê hương,
    Họ hiên ngang trên khắp các chiến trường,
    Coi cái chết tựa lòng hồng, rất nhẹ!

    Trong cuộc sống lưu vong ở hải ngoại sau ngày quốc hận đau thương, anh vẫn khẳng định lập trường vì nước ví dân, nuôi chí căm thù, mong rữa hận cho non sông.

    Biệt Cách Dù sống chỉ vì lý tưởng,
    Trách nhiệm chưa thành, há lẽ khoanh tay,
    Giờ đã điểm, hãy vươn mình đứng dậy,
    Giương cờ vàng Chính Nghĩa Quốc Ga,
    Hãy chung vai quyết lấy lại sơn hà,
    Hãy lần nữa viết thêm trang sử mới,
    “Việt Nam sử ngàn năm ghi chiến tích,
    Biệt Cách Dù đã vị quốc vong thân”
    (Chiến sĩ kiên cường)

    Chí anh hùng nung nấu, chiến sĩ Biệt Cách Dù bền lòng trung dũng trong kiếp sống tang bồng, ngang dọc, vượt núi, băng rừng, truy thù, diệt địch để trả nợ non sông. Nghe danh Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, quân địch phải khiếp đảm, kinh tâm!

    Địch khiếp sợ trước uy danh lừng lẫy,
    Chúng kinh hồn, người lính chiến mũ xanh,
    Hùm thiêng một cõi tung hoành,
    Dấu chân Biệt Cách lưu danh muôn đời!
    (Họ là ai)

    Trong bài “Tiếc thương” để tưởng niệm các chiến sĩ 81BCD đã anh dũng hy sinh tại Chiến Khu D, anh đã viết bài thơ qua nước mắt nhạt nhoà khi nghe tiếng chuông từ giáo đường vọng lại:

    Anh vẫn nhớ
    Mới ngày nào đó, anh còn trông đủ mặt
    Nét môi cười rạng rỡ buổi liên hoan
    Các em ra đi, anh tiếc nuối vô vàn!!!
    Trong hoang vắng, thấy như mình cô độc.

    Để kính dâng hương linh các anh hùng tử sĩ của QLVNCH đã hy sinh vì Tổ Quốc, lời thơ của anh như lời than cùng Mẹ Việt Nam. Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, biết bao người đã nằm xuống trong cảnh điêu tàn, đổ nát của quê hương. Rốt cuộc, anh phải mang thân phận một bại binh:

    Tay buông súng mà máu trào thành lệ,
    Cuối tháng Tư buồn, tang chế đêm đen.

    Nhưng qua bao năm dài sống lưu vong nơi hải ngoại , anh luôn hướng về Mẹ Việt Nam với trăm nghìn nỗi nhớ thương và nuôi ý chí quang phục quê hương:

    Kính thưa mẹ, con là con của mẹ
    Ba mươi năm dài phiêu bạt tha phương,
    Trong lòng con dào dạt một tình thương
    Dành cho mẹ với trăm ngàn nỗi nhớ!!!
    Con đã sống, đã qua nhiều trăn trở,
    Phải diệt sạch giặc thù, quang phục quê hương
    Đời của con chỉ có một con đường,
    Cho dù chết để rửa hờn sông núi.

    Trở về những ngày tháng của thuở “Anh tiền tuyến, em hậu phương”, Chiến sĩ BCD Lê Đắc Lực đi làm kiếp trai hùng, đã ước hẹn buổi tao phùng với người em gái hậu phương Lê Thanh Hà:

    Phải đứng lên,
    Hai cánh tay nầy xin trao đất nước,
    Tiêu diệt giặc thù, xoá sạch điêu linh,
    Một mai quê mẹ thanh bình,
    Anh, em chung lối trọn tình trăm năm.

    Trong chuỗi ngày sống lưu vong nơi xứ lạ quê người, anh đã mang nặng nỗi ưu tư cho thân phận mình với hình ảnh quê hương, cố quốc xa vời bên kia nửa vòng trái đất:

    Chiến trường xưa, kiếp chinh nhân,
    Phong trần lửa đạn, bước chân quân hành.
    Phù du, đời cũng trôi nhanh,
    Mơ tìm lối thoát mong manh mây trời.
    Đã qua một nửa đời người,
    Lời thề non nước ngậm ngùi dở dang.
    (Thân phận)

    Luôn giữ khí tiết và giữ danh dự của màu cờ sắc áo, người chiến sĩ BCD trong hoàn cảnh nào cũng luôn đối diện với lương tâm, không làm điều ô nhục để tủi vong linh các vị anh hùng tử sĩ và luôn giữ trong tim hình ảnh đẹp của nếp sống oai hùng:

    Qua cuộc chiến, màu áo rừng duyên nợ,
    Sống chết oai hung, sát cánh bên nhau.
    Chiếc Nón Xanh huyền thoại ngẩng đầu cao,
    Hoa dù nở giữa trời xanh lộng gió.
    . . . . . . . . . . . .
    Đời Biệt Cách
    Cưu mang nhiều hoài bảo,
    Dâng hiến đời, vì Tổ Quốc hy sinh,
    Sống hiên ngang, chết cũng phải liệt oanh,
    Không hèn nhát, không đầu hàng trốn chạy.
    (Nỗi niềm)

    Ý chí kiêu hùng, bất khuất vẫn luôn sống trong tâm khảm của người chiến sĩ BCD:

    Có phải các anh?
    Những người lính Biệt Cách Dù
    Là những anh hùng trong trận chiến
    Là hùm thiêng, là nanh vuốt Thần Điêu
    Chỉ chiến thắng, chẳng bao giờ chiến bại.

    Những người chiến sĩ can trường 81 BCD đã đem máu thắm viết nên trang sử hào hùng của Dân Tộc lưu truyền mãi đến ngàn sau:

    Có phải các anh?
    Những chiến sĩ Biệt Cách Dù,
    Máu đã loang đầy rừng rú,
    Máu chan hoà, máu nhuộm thắm Trường Sơn,
    Máu dâng cao, máu sôi sụt từng cơn,
    Máu uất hận, máu căm hờn,
    Máu tuôn trong ngày “Tàn cơn khói lửa”
    Và,
    Dòng máu ấy sẽ mãi còn luân lưu muôn thuở !!!

    Thơ của CD Lê Lộ Đức mang tính ấn tượng hơn là trừu tượng. Có lẽ anh là lính nên “ăn ngay, nói thẳng” như thơ lính của Trạch Gầm mà tôi thích đọc. Những vần thơ như thiên hùng ca, tác động tình yêu nước, tinh thần chiến đấu và ca tụng chiến thắng vinh quang, ý chí hào hùng bất khuất của người chiến sĩ BCD là những bài thơ đáng được trân quý, lưu truyền cho thế hệ mai sau biết được tâm tình, khí tiết của BCD nói riêng và của QLVNCH nói chung. Có thể nói BCD Lê Lộ Đức đã buông súng nhưng cầm bút để tiếp tục đấu tranh khi nhiệm vụ của anh chưa hoàn thành.
    KHA LĂNG ĐA



  • #3
    Giới Thiệu Tác Phẩm TÀN CƠN BINH LỬA của BCD. Lê Đắc Lực


    TÀN CƠN BINH LỬA



    Uất Hận Ngút Ngàn, Hùng Khí Chất Ngất!

    I-Dẫn Nhập

    Chuyện Kể chiến tranh “Tàn Cơn Binh Lửa” của cựu Đại úy Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực ra mắt độc giả vào tháng 5 năm 2014 tại Houston. Sách dày 308 trang kể cả bìa, in trên giấy trắng, do tác giả tự xuất bản, gồm ba phần:
    1.Phần Chuyện Kể từ trang 29 đến 224, gồm 17 bài mô tả 17 trận đánh khốc liệt diễn ra trên 4 vùng chiến thuật mà tác giả từng
    tham dự, không kể bài Tâm tình của vịThầy cũ, Tuổi ấu thơ, Ngày ra đơn vị và bài cuối Tàn cơn binh lửa.
    2.Phần Thơ từ trang 257 đến 279, gồm 14 bài thơ trong đó: 07 bài theo thể tự do, 06 bài thơ tám chữ và 01 bài lục bát. Mười bốn bài thơ cô đọng nghĩa tình của một BCD với đất nước quê hương, đồng đội đồng bào và với Mẹ VN vô cùng tận.
    3.Phần Phụ Lục từ trang 283 đến 304, gồm các bài nhận xét rất giá trị của mọi thành phần độc giả về tác phẩm.

    Sau khi xếp lại Tàn Cơn Binh Lửa, tâm tưởng của tôi không tàn mà như còn âm ỉ tro than của các trận Mậu Thân, An Lộc , Tha La Xóm Đạo, Ashau, Đồng Xoài, Tam Biên, Kontum, Quảng Trị… Như thể tro than đó có lúc bừng sáng trong tâm tưởng của tôi hùng khí của một đơn vị quân đội lẫy lừng: Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.

    II- Binh Pháp Sáng Tạo.


    Sau khi đọc xong tác phẩm đầu tay của Lê Đắc Lực, tôi mới rõ phần nào nhiệm vụ chính yếu của đơn vị đặc biệt nầy (dù tôi là một Sĩ quan Không Quân hiện dịch!). Điều thú vị nữa là, cũng qua Tàn Cơn Binh Lửa, tôi mới biết được những “sáng tạo” về chiến thuật rất táo bạo và khoa học do cấp chỉ huy của Liên Đoàn nghĩ ra mà khi đem áp dụng vào trận đánh đã đạt hiệu quả không lường. Sau đây là một vài ghi nhận:
    -Đó là “thả toán vào mật khu, căn cứ của địch để thám sát, thu lượm tin tức, bắt cóc tù binh, và trong vài tình huống khẩn cấp, Liên Đoàn được tung vào để dứt điểm”. (trang 228).
    -Áp dụng chiến thuật “bất ngờ”, “gậy ông đập lưng ông” nghĩa là dùng chiến thuật du kích của Việt cộng để đánh Việt cộng qua các cuôc hành quân đêm, phục kích, nghi binh lừa địch, dụ cho địch xuất hiện để quân ta nhổ chốt, (trang 176)
    -“Đục tường”, hành quân trong thành phố, xử dụng dao găm, lựu đạn và võ thuật để diệt chốt địch. (trang 113, 164, 176).
    -Mìn tự chế để chống chiến xa. “Dùng đạn không nổ 105 ly hay 155 ly, đút vào đầu viên đạn một thỏi thuốc nổ TNT, gắn ngòi nổ mìn Claymore vào đấy, xong đặt trái mìn này trên các con đường, trước tuyến phòng thủ, chờ xe tăng địch tới đúng vị trí, bấm vào “con cóc”. Sức công phá của loại mìn chống chiến xa tự chế nầy đạt hiệu quả tối đa”.( trang 111).
    -Áp dụng chiến thuật pháo 7+3 để đánh lừa và nhân thể lúc địch núp để tránh pháo thì phe ta áp sát diệt chốt địch. 7 quả đầu dùng đạn nổ, 3 quả tiếp dùng đạn lép, chỉ có bắn đi mà không có đạn nổ. Vì đã biết trước, bắt đầu quả pháo thứ 7 là phe ta nhanh chân tiến lên gần các chốt, tung lựu đạn vào công sự của địch trong khi địch còn cúi đầu (núp) để nghe tiếng đạn đi(trang 177).

    Mỗi trận đánh đều được kể lại trung thực chân thành. Cách đánh giặc của Biệt Cách Dù mang tính mưu lược, độc đáo và gan dạ. Lời văn lại giản dị trong sáng. Bao nhiêu điều đó đã làm hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối!

    III- Tâm Huyết Của LĐ81BCD.


    Những chiến sĩ của LĐ81BCD đều được huấn luyện chuyên môn kỷ càng trước khi nhảy toán thám sát mục tiêu. Mỗi toán chỉ 6 người, nhất cử nhất động đều ăn ý với nhau, âm thầm len lõi vào mật khu doanh trại của địch, xa hẵn tầm pháo yểm trợ của quân bạn. Họ cùng thi hành “mission impossible” trong điều kiện như vậy nên sinh tử không rời như một định mệnh!
    Trong chiến đấu, chỉ nhắm vào quân thù, tuyệt đối bảo vệ dân. QLVNCH nói chung, đã thể hiện tính nhân bản nầy, trong đó có LĐ81BCD. Tại trận An Lộc, khi Đại Đội 2 BCD phát hiện một căn hầm, nghe vài ba tiếng sột soạt phát ra, họ không vội ném lựu đạn mà kêu gọi đầu hàng, đồng thời báo về thượng cấp. Trung tá Phan Văn Huấn (bấy giờ), CHT Liên Đoàn, ra lệnh quan sát kỹ càng, có thể là địch mà cũng có thể là dân, nhưng với hơn hai tháng chiến trận xảy ra nơi đây, không lương thực không nước uống, thì đâu còn sức chống cự, phải tìm cách đưa họ lên. Và thật không thể tưởng tưởng được, vài ba phút sau, hai em bé gái chừng 6, 7 tuổi bò ra…” (trang 114).
    LĐ81BCD đã bảo bọc hai cháu từ đó. Vào năm 1974, hai cháu được một người Mỹ nhận làm con nuôi, hiện định cư tại Hoa kỳ. (trang 115)

    Xin phép không đề cập đến những lý tưởng thiêng liêng của một chiến sĩ như “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm”, mà chỉ nói đến những gì gần gủi hằng ngày của một Biệt Cách Dù, là Toán, là Biệt Đội, là Liên Đoàn. Nôm nalà Đơn vị và Đồng đội.
    Đơn vị là Gia Đình, Đồng đội là Anh Em, sẵn sàng chia ngọt xẻ bùi!
    Ngày 06 tháng 04 năm 1972, Việt cộng tung đại quân gồm bộ binh, đặc công, pháo binh, xe tăng, cố chiếm An Lộc để ra mắt cái gọi là Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Thượng cấp bèn điều động LĐ81BCD vào chiến trường trong khi tác giả (Đại Úy Lê Đắc Lực) đang thụ huấn khóa Đại Đôi Trưởng tại Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức: “Vừa suy tư về tin tức nóng bỏng này, vừa lo âu cho đơn vị mình tham gia trận đánh đang xảy ra ác liệt, tôi nôn nóng, băn khoăn vô cùng...” “Toàn bộ các Đại Đội BCD đã vào chiến trường mà không có tôi cùng chiến đấu, yên lòng sao được!” (trang 106).
    Tình đơn vị là như vậy. Tình đồng đội là như vậy. Đơn giản như hơi thở, như máu thịt. “Khi chưa kết hôn, 7 ngày phép với tôi là quá dài. Tới ngày thứ tư đã thấy bồn chồn. Ngày thứ năm, tôi nhớ Đồng Đội, nhớ Đơn Vị…Rồi không thể nghỉ phép hết ngày thứ sáu. Tôi về Đơn Vị” (trang 121).
    Hơi thở và máu thịt đó được thể hiện qua quy định bất di bất dịch của LĐ81BCD: Nếu chẳng may có một Chiến Sĩ bị thương hoặc tử thương, thì phải tản thương họ, phải mang xác họ về hoặc phải chôn cất họ. Ban ngày không thi hành được thì đơi ban đêm mà thi hành. Điều quy định nầy giá trị như một quân lênh. (trang 117, 118, 119)

    IV- Tàn Cơn Binh Lửa..


    Suốt 20 năm chinh chiến (1955-1975), QLVNCH nói chung và LĐ81BCD nói riêng, đã chiến đấu với mục tiêu rõ ràng là Bảo Quốc An Dân. Chiến đấu để để tự vệ. Trong khi đó, mục đích của Việt cộng là xích hóa toàn Việt Nam theo lệnhcủa quan thầy Nga Tàu, nhất là Tàu. Cuối cùng kẻ ác đã thắng, đưa cả dân tộc vào bờ vực của Hán hóa.
    QLVNCH dù bại trận, các đơn vị đã rả ngủ, nhưng khí phách của các vị tuẩn Tướng vẫn sống ngàn đời với hồn thiêng sông núi.
    Riêng LĐ8BCD, vào giờ thứ 25, vẫn là một đơn vị thiện chiến và kỷ luật. “Tất cả vẫn giữ nguyên đội ngũ, từ Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đến các Biệt Đội, bốn hàng dọc ngay hàng thẳng lối chậm rãi bước đi.” (trang 238)….
    ”Đoàn quân 81 Biệt Cách Dù vẫn hiên ngang tiếp bước trên Xa lộ Đại Hàn. Đến gần trưa, khi qua khỏi Lăng Chú Hỏa chừng 100 mét, trong khi đang dừng lại nghỉ ngơi gần Thủ Đức và xa lộ Đại Hàn, thì một đơn vị Việt cộng đến gặp Đại Tá Phan Văn Huấn để nhận giao nạp vũ khí. Đại Tá Huấn đã nói với họ: “Chúng tôi đã ra đến nơi đây là chấp nhận đầu hàng. Chúng tôi sẽ bàn giao vũ khí, nhưng mong các Ông không bắt buộc chúng tôi phải cởi bỏ quân phục…”
    Việt cộng chấp nhận yêu cầu nầy! (trang 238)
    “Trước một Đơn vị Quân Đội hơn một ngàn người, giữ kỷ luật, trật tự cho đến giây phút chót trong đời quân ngủ, quân cộng sản không thể không tỏ lòng kính trọng và nể phục” (trang 239).

    Riêng tôi, tôi không thể cầm được ngấn lệ khi viết đến dòng nầy. Tôi hãnh diện về quyết định sinh tử của Đại Tá Phan Văn Huấn trước cơn nguy biến, khi có trực thăng đến đón Ông di tản: “Tôi có vợ và 8 con. Tôi có thể bỏ lại gia đình nhưng không thể bỏ lại 2000 chiến sĩ của tôi để ra đi trong hoàn cảnh như thế nầy được!” (trang 236)
    Niên Trưởng của chúng tôi, Cựu SVSQ Phan Văn Huấn, K10, đã ghi một Nét Son Hào Hùng vào trang sử của Trường Mẹ, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam!
    Tôi hãnh diện về khí phách của Đại Tá Huấn và tôi cũng cảm thấy xấu hổ trước tinh thần kỷ luật và dũng khí của các chiến sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Xin cho phép tôi cúi đầu tri ân tất cả chiến sĩ LĐ81BCD, dù đã hy sinh hay còn tại thế.

    V- Tâm Tình Riêng.


    Thân gởi Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực,
    Trước sau, chiến hữu vẫn là một Biệt Cách Dù xuất sắc và gương mẩu, đã đóng góp thanh xuân của mình cho Quốc Gia Dân Tộc trên chiến trường ngày xưa và tâm huyết của mình trên mặt trận Chiến Tranh Chính Trị ngày nay, qua Chuyện Kể Tàn Cơn Binh Lửa.
    Một Quân Đội tinh nhuệ như vậy, khí phách như vậy, nhân bản như vậy, chính nghĩa như vậy, mà đành thua trận mất nước, hỏi sao không uất hận ngút ngàn?

    Dù Binh LửaTàn Cơn, nhưng xét cho cùng, chiến hữu quả vô cùng may mắn và đầy hảnh diện, tự hào vì đã phuc vụ trong một đơn vị lẫy lừng: LĐ81BCD và được chỉ huy bởi một Đơn Vị Trưởng tài ba, can trường và đức độ: cựu Đại tá Phan Văn Huấn!
    Xin chúc mừng và xin tỏ lòng ngưỡng mộ!


    Bắc Đẩu Võ Ý
    Thu 2016,
    Westminster, CA

    Comment


    • #4
      Kính gởi quý chiến hữu,
      Muốn có tác phẩm Tàn Cơn Binh Lửa, xin liên lạc tác giả LÊ ĐẮC LỰC
      Email: "linhdu81@yahoo.com" - Tel: 832-443-7794
      Trân trọng,
      Cù Hanh

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X