Thông báo

Collapse
No announcement yet.

ĐÂY ĐÓ QUÊ NHÀ. Bút ký của Hoàng Huy

Collapse
X

ĐÂY ĐÓ QUÊ NHÀ. Bút ký của Hoàng Huy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ĐÂY ĐÓ QUÊ NHÀ. Bút ký của Hoàng Huy

    Hồi tháng 3/2014 vừa qua chúng tôi có về Việt Nam một tháng. Sau khi giải quyết xong mấy việc riêng của gia đình, bèn thử tìm hiểu về một số lĩnh vực hoạt động báo chí, truyền hình, lễ hội văn hóa v.v. đang diễn ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây.



    BÁO CHÍ, TRUYỀN HÌNH

    Mới tháng 3 dương lịch mà trời nắng nóng quá sức, cơ thể lúc nào cũng ri rỉ mồ hôi, người viết thường ngồi nhà “tranh thủ” xem truyền hình, báo chí Việt Nam cho “mở mang” đầu óc. Gì chớ các chương trình văn hóa văn nghệ của họ thì xôm trò lắm. Ối dào, về âm nhạc có vô số cuộc thi dành cho người lớn và trẻ em. Thi hát tân nhạc, thi hát vọng cổ, thi đờn ca tài tử… Ngoài ra còn thêm những cuộc chơi đình đám khác được đưa lên truyền hình như thi Tìm kiếm tài năng, Vietnam Idol, Chinh phục đỉnh cao, X-Factor, Bước nhảy hoàn vũ v.v. Lại có một “kênh” (channel) mang tên Yan TV, tự xưng là“chương trình hàng đầu dành cho giới trẻ” với khẩu hiệu “cháy hết mình” và “sẵn sàng bùng nổ”, giới thiệu dòng nhạc trẻ đang thịnh hành mang đậm phong cách Hàn Quốc được xếp top 10, top 20, thực hiện dưới dạng MV (music video). Sau đây mời các bạn thử nghe các ca sĩ thuộc hàng “hot” trong nước như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Ngô Kiến Huy, Đông Nhi v.v. thể hiện một số ca khúc thuộc dòng nhạc đó (cam đoan ghi đúng nguyên văn):

    -“Tình hình là anh yêu em/ Tình hình là anh nhớ em...”

    Hoặc:

    -“Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh...”

    Hoặc là:

    -“Anh chỉ lo anh ôm em chặt quá và em không xa được anh/ Anh chỉ lo khi em bên người khác, tâm trí luôn nghĩ đến anh...”

    Hoặc nữa:

    - “Hãy cứ yêu đương vài lần cho mệt nhoài/ Sau ít phút tĩnh lặng, tình lại cháy lên... “

    Cứ thế lảm nhảm suốt, Trời ạ. Người viết tự thấy phải ngưng ngay việc trích dẫn ở đây, kẻo không bạn đọc sẽ... tẩu hỏa nhập ma mất!

    Khán thính giả trong nước, ngoài việc xem những chương trình âm nhạc “cháy hết mình” như trên, còn được mãn nhãn với Fashion TV (chiếu 24/24) để ngắm các siêu mẫu quốc tế trình diễn thời trang. Và nhất là bóng đá, có đến 3-4 “kênh” (chiếu 24/24) để những người yêu thích bộ môn này xem các trận đấu giữa những câu lạc bộ bóng đá danh tiếng châu Âu hay nam Mỹ. Tháng 6/2014 lại được thỏa sức xem World Cup ở Brazil. Nói chung là ngày nào cũng ‘vui hết biết” nhờ theo dõi các cuộc thi ca hát rộn ràng, nhạc hip-hop “bùng nổ”, hoặc trình diễn thời trang đẳng cấp, bóng đá đỉnh cao... thiệt quá đã! Năm xưa, trong bài “Tự tình dưới hoa” thi sĩ Đinh Hùng viết: “Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời”. Gì chứ con trai, con gái được dịp gặp gỡ, say đắm nhìn nhau thì lúc ấy hỏi nhà có mấy anh em, họ cũng không nhớ. Bây giờ ông truyền hình nhà nước cứ cho nghe nhìn mọi thứ no tai, no mắt thế kia thì từ đứa trẻ 7-8 tuổi đến các cụ già 70-80 tuổi cũng sẽ... lãng quên cuộc sống thực tế đầy khó khăn. Ấy, trị quốc bình thiên hạ như thế mới là “tài ba” chứ!

    Trong gói thuê bao truyền hình ở nhà một số người thường có cả các “kênh” CNN, CBS, NBC, BBC world news, Australia network...Tưởng bở, thử mở ra xem thì thấy ngay mình bị mắc lừa. Nghĩa là, trên danh mục thì có những đài ấy thật, nhưng ông nhà nước Việt Nam chỉ cho phát phần tin thế giới (còn các tin về Việt Nam đều bị cắt bỏ hết) cùng với những chương trình vô thưởng vô phạt khác. Ví dụ như với CNN, mở ra sẽ chỉ được xem Breaking News (toàn tin thế giới, không bao giờ thấy tin Việt Nam), tin thị trường chứng khoán ở New York, còn lại là “CNN on the road” dẫn dắt khán giả đi khắp năm châu bốn biển để “tham quan” này nọ cho vui, lạ vậy thôi. Thực ra CNN phong phú lắm chứ đâu phải chỉ có thế? Làm ra vẻ cởi mở hội nhập, nhưng cởi mở cái kiểu... nửa vời như thế giữa thời đại internet này thì che mắt được ai?

    Báo giấy ở Việt Nam có cả rừng. Báo mạng cũng khá đông đảo. Tuy nhiên tin tức trên các tờ báo thường giống nhau, thậm chí có bài giống nhau đến từng dấu phảy, dấu chấm. Nếu có một vài khác biệt thì đó là những tin, bài thuộc loại scandal, phát ngôn gây sốc, hoặc đăng ảnh “lộ hàng” trong giới showbiz để câu khách mà trong nước gọi là “câu view”. Ấy thế nhưng ngài Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam lớn tiếng khẳng định: “Ở nước ta không có báo lá cải”.

    Trong số bạn đọc, hẳn nhiều người bác cổ thông kim. Vậy xin hỏi đã ai trông thấy ở đâu trên thế giới này có báo gọi là báo Công An hay chưa? Có chăng chỉ là những chuyên san về nghiệp vụ lưu hành nội bộ mà thôi. Vậy mà tại nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay có vô số báo Công An, từ báo của Bộ Công An đến báo Công An của các tỉnh thành như Hà Nội, Sài Gòn v.v. đăng đủ thứ tin cướp giật, chém giết, hãm hiếp... Chẳng những thế còn nhảy xổ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lý luận phê bình văn học này nọ, bán tràn đồng và đắt như tôm tươi! Hiện nay trưởng Công An xã, phường là thiếu tá, trung tá; trưởng Công An quận, huyện là thượng tá, đại tá; còn giám đốc Công An các tỉnh, thành phải là thiếu tướng. Người dân trong nước nói dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, tướng tá và lính tráng Công An các loại đông hơn quân... Nguyên! Còn quân đội “nhân dân” Việt nam tuy sống bằng tiền thuế của dân nhưng không lo làm nhiệm vụ chính là bảo vệ tổ quốc mà đi làm... kinh tế đủ thứ. Hiện Quân đội "nhân dân" Việt Nam đang sở hữu nhiều khách sạn, sân golf và một Công ty Viễn thông hàng đầu là Viettel, chẳng những hoạt động trong nước mà còn vươn tay ra nước ngoài từ Cam-bốt láng giềng cho đến tận Haiti xa xôi.

    Trong tháng 3 vừa rồi, người viết thấy trên báo chí Việt Nam có một tin cực kỳ “bức xúc”. Đó là tin các cô giáo và học sinh ở bản Sam Lang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (nằm sát biên giới Lào) trong mùa mưa lũ, mỗi lần qua suối, vì không có cầu, nên phải chui vào trong... bao ni-lông lớn rồi nhờ người ta túm đầu bao lại, kéo sang bờ bên kia để đến trường. Hình ảnh có một không hai trên thế giới này được một cô giáo dùng điện thoại quay Clip gởi cho phóng viên một tờ báo nọ ở Sài Gòn và tờ báo ấy lập tức đưa lên chương trình TV của họ. Ngay sau đó báo chí phương tây đã đưa lại tin này. http://news.zing.vn/Clip-hoc-sinh-ch...ost401134.html

    Câu chuyện khiến cả nước ngỡ ngàng, xúc động. Ông Bộ trưởng giao thông phải vội vàng ra lệnh cho Sở Giao thông tỉnh nọ cấp tốc đi khảo sát, thiết kế và trong vòng 2 tháng phải xây xong chiếc cầu treo để phục vụ “bà con vùng cao vùng xa”. Thiên hạ rần rần cảm ơn cô giáo trẻ đã quay được cái Clip nói trên. Nếu không có nó, người sắc tộc ở Điện Biên “anh hùng” này, kể cả các cô giáo, những người mang chữ nghĩa đến cho con em họ, sẽ còn khổ dài dài…

    Lại thêm một vụ nữa cũng “bức xúc” không kém. Đó là vụ sập cầu ở huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai. Tại tỉnh này, vào mùa mưa lũ, cầu sập liên tiếp, dân kêu cứu nhưng chính quyền cứ làm ngơ! Vào tháng 2/2014 tại huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai, có một chiếc cầu bị mưa lũ lớn xói chân trụ giữa của cầu làm cho cầu gãy gập chính giữa, rơi xuống nước. Thế nhưng khi các nhà báo hỏi nguyên nhân cầu sập thì ông phó Chủ tịch huyện Chư Pảh là Nguyễn Ngọc Quang giải thích: “Cầu chỉ tạo hình chữ V chứ không sập!”. Thiệt đúng là… “hậu sinh khả úy”, đám cán bộ cộng sản ngày nay học tập “đạo đức bác Hồ” của họ nên nói năng vô cùng quanh co, trí trá, hay còn gọi là nói lấy được, tức nói cho qua chuyện, rồi thôi. Để rõ hơn, xin vào link sau: https://it-it.facebook.com/NhungCauN...63493130346378

    Tại sao hiện nay bọn cán bộ cộng sản ưa dùng xảo ngôn? Là vì thực tế xã hội đang có quá nhiều điều tệ hại nên chúng phải che giấu bớt đi bằng cách nói vòng vo hay dùng những từ có ý nghĩa mù mờ cốt lấp liếm, che đậy sự thật. Chẳng hạn, thay vì nói trẻ em hư hỏng thì họ nói… trẻ chưa ngoan; thay vì nói người thất nghiệp thì họ nói… người chưa có việc làm; thay vì nói lạm phát, giá cả tăng vọt thì họ nói… đồng tiền trượt giá; thay vì nói nạn trộm cắp, đĩ điếm thì họ nói… những tiêu cực xã hội; thay vì nói đụng đến các vấn đề chính trị, đụng đến đảng lãnh đạo, đụng đến các nhân vật lớn, đụng đến những vấn đề cấm kỵ, thì họ gọi đó là… những vấn đề nhạy cảm!!!



    CHUYỆN Ở TU VIỆN NGUYÊN THIỀU

    Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định là một trong những bản doanh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nơi ở trước đây của Hòa thượng Tăng thống Thích Huyền Quang. Tại đây có một Trung tâm Phật học, thường mở khóa đào tạo Đại Đức để phân bổ đi các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Dịp vừa rồi, do có cơ duyên gặp gỡ, một tu sinh đang học khóa đào tạo Đại Đức tại Trung tâm Phật học Nguyên Thiều kể cho người viết nghe câu chuyện sau:

    Cách đây hai năm, Trung tâm Phật học Nguyên Thiều nhận hai người của Công An tỉnh đưa đến xin tu học Đại Đức. Họ đưa đến thì Trung tâm phải nhận, không thể từ chối, nhưng Thượng tọa Hiệu trưởng bảo với mọi người rằng: Phải hết sức cảnh giác với hai người đó. Hai người, một người tên là Thích Vạn Sách, người kia tên là Thích Vạn Toàn. Vào tu học gần cả năm nhưng hai người này, ngoài cái đầu cạo trọc ra, từ tác phong đến tư cách đạo đức, lời ăn tiếng nói đều không có vẻ gì là thầy tu cả. Một hôm, mọi người không thấy hai tay này đâu thì ngoài quốc lộ I (cách trước tu viện mấy trăm mét) xảy ra một vụ chặn xe đò, đánh cướp nữ trang, tiền bạc. Khi các hành khách hô hoán, dân chúng gần đó chạy đến áp vô cùng mọi người vây bắt được hai tên cướp, trói lại giao cho Công An. Công An hỏỉ thì chúng khai là người của... Tu viện Nguyên Thiều. Xong rồi họ dẫn hai người nọ đi đâu mất tiêu luôn, chẳng thấy quay lại nữa. Khỏi nói ai cũng hiểu đây là trò bôi bẩn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất một cách hèn hạ của công an cộng sản Việt Nam.



    NGÚT TRỜI NHANG KHÓI

    Mấy tháng đầu năm âm lịch (từ tháng giêng đến hết tháng ba) là thời gian thiên hạ hành hương đến các đền, chùa, miếu... để cầu phước, cầu may nhiều nhất. Tùy theo túi tiền, người ta có thể đi một mình hay đi cả nhà, đến một nơi hoặc hai ba nơi. Chuyện này bây giờ đã thành phong trào ở Việt Nam. Thấy thiên hạ đi mình cũng đi. Dân thường đi, gia đình cán bộ, quan chức cũng đi. Đã xa rồi cái thời mấy ông duy vật chê người khác là duy tâm hoặc dị đoan, mê tín. Thậm chí hiện nay ở nhà mấy ông duy vật và cả tại cơ quan ông làm cũng có đủ cả… trang thờ, bát hương tươm tất.

    Về những điểm đến từ Bắc chí Nam có thể kể ra đây như trẩy hội chùa Hương (Hà Nội), chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), điện Hòn Chén (Huế), chùa Bà Đen (Tây Ninh), miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang) v.v...

    Chùa Bà trên núi Bà Đen (Tây Ninh) cách Sài Gòn 100 km, giờ có cáp treo lên đỉnh núi chỉ mất khoảng 15 phút chứ không phải leo hàng trăm bậc cấp mệt bở hơi tai như trước nữa.

    Hành hương chùa Bà Đen Tây Ninh hiện nay không chỉ dân miền đông Nam bộ, mà từ nhiều tỉnh thành khác người ta cũng kéo về đi lễ chùa Bà rất đông, mỗi ngày có đến hàng ngàn người. Đông đến mức trên loa người ta luôn kêu gọi hãy cảnh giác đề phòng cướp giật, móc túi. Lễ vật cúng kiến, ngoài nhang đèn còn có hoa quả, bánh trái và nhiều thứ khác tùy hỉ. Có người còn mang cả dầu lửa đến cúng để nhà chùa thắp đèn bàn thờ. Phải nói đa phần khách hành hương là những kẻ có lòng. Có ai đi cúng vái, cầu xin này nọ với các đấng linh thiêng mà hẹp bụng đâu? Hiện nay, kinh doanh lễ vật cúng bái tại các điểm hành hương có khả năng làm giàu rất nhanh.

    Một điểm đến quen thuộc khác là Miếu Bà Chúa Xứ dưới chân núi Sam (Châu Đốc – An Giang). Cả ngàn người từ khắp nơi đến đây mỗi ngày. Ai cũng kháo nhau Bà Chúa Xứ thiêng lắm. Về lễ vật, ngoài nhang đèn, hoa quả, bánh trái, xôi chè còn có màn cúng quần áo cho Bà (mỗi bộ vài triệu đồng, rất sặc sỡ, sản xuất ở Chợ Lớn). Đốt nhang ở đây, người ta đốt mỗi lần cả bó to chứ không phải chỉ dăm ba cây. Món không kém phần quan trọng khác là heo quay. Heo quay này hồi trước khách phải mua từ xa chở đến, nay đã có “dịch vụ” tại chỗ. Khách muốn heo quay lớn nhỏ ra sao, cứ đến gặp chủ quán hỏi thuê và trả tiền trước (có quy định trả 30% giá trị con heo), khiêng lên cúng Bà xong, mang xuống trả heo lại cho chủ. Cứ là khỏe re. Hai bên cùng có lợi. Khách khỏi phải tốn nhiều tiền để mua nguyên con heo quay, còn chủ quán thì cứ con heo ấy cho thuê quay vòng mỗi ngày cả chục lần, và nếu bảo quản tốt, có thể cho thuê đến 2-3 ngày liền, hốt bộn tiền. Đúng là thời “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thần thánh cũng bị...gạt!

    Chú em họ của người viết làm ở một công ty du lịch cho biết: Ở ngoài Bắc, khi đến với các đền chùa trong những dịp lễ lộc đầu Xuân, các ông bà cán bộ thường khấn khứa cầu danh cầu chức, họ nhét tiền đô vào tay, thậm chí, cả vào… mang tai của đức Phật kia!

    Nói chung, hiện nay đến các nơi “trẩy hội” đình đám vào mấy tháng đầu năm âm lịch, người ta thấy các hoạt động mua thần bán thánh diễn ra át hẳn niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng dân gian.

    Đối với chính quyền trong nước, họ chỉ lo sợ biểu tình phản kháng Trung Quốc, khiếu kiện cưỡng chiếm đất đai hoặc viết blog chống đối... chứ còn mê tín dị đoan, hầu đồng khấn bóng, lễ đền lễ miếu nhang khói ngút trời v.v. không mấy đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, của đảng, cho nên cứ tha hồ mặc sức, không sao cả!



    ĐOẠN TRƯỜNG… TÂN SƠN NHẤT

    Nhập cảnh vào Việt Nam, tức về đến sân bay, việc đầu tiên là phải đến công an cửa khẩu trình passport và visa. Cầm hai thứ giấy tờ này trong tay, tên công an hết nhìn mặt để đối chiếu với hình trong thẻ, lại hỏi về quê quán, rồi cứ cầm “chuột” rà tới rà lui trên màn hình computer như có điều gì nghi vấn, mặt mày khó đăm đăm. Biết nó muốn vòi tiền chứ chẳng có chuyện gì khác, thôi đành thí cô hồn, tôi móc ví rút tờ $10 để lên bàn (chung chi cho cả bà xã luôn). Lập tức, cái bộ mặt hãm tài lúc nãy thoắt trở nên tươi tỉnh. Hắn cầm con dấu có mấy chữ “Được phép tạm trú...” đóng cái rụp vào mặt sau visa, đưa trả lại các giấy tờ cho chúng tôi và nói: “Chúc ông bà một chuyến về thăm quê hương thật vui vẻ”. Tôi nghĩ trong bụng: Mới đặt chân xuống phi trường đã bị làm khó, vui vẻ nỗi gì?!

    Bước tiếp theo là đẩy xe hành lý đến chỗ Hải quan cửa khẩu cho họ khám xét. Thấy mặt chúng tôi, cán bộ Hải quan hạch: Tiền mặt mang về bao nhiêu, có trên 5 ngàn đô/người không? Không! Hành lý gồm những gì mà lắm thế? Bà xã tôi nói: Gì mà lắm. Lâu ngày về thăm thì cũng phải có quà cho người thân, chẳng hạn ít thuốc men cho các cụ lớn tuổi, một số món giành cho anh chị em trong nhà, cái laptop cho đứa cháu...“Thôi, để tiền lên đây rồi lấy hàng ra về kẻo người nhà đang đợi ngoài kia”. Thật trắng trợn đến thế là cùng! Nhưng hắn đã ra “tối hậu thư” như thế thì nhì nhằng làm gì cho tốn công, bà xã tôi buộc lòng mở bóp lấy tờ $20 đặt đúng lên chỗ tên cán bộ Hải quan vừa chỉ, còn tôi lo bê hành lý đặt lên trục cuốn của máy scan. Tên Hải quan vội liếc qua chỗ tiền, vơ lấy đút nhanh vào túi, xong ngồi nhìn vào màn hình máy soi một cách chiếu lệ. Chúng tôi bước vội qua bên kia lấy hành lý chất lên xe đẩy ra phía tiền sảnh. Khi nhìn thấy những bàn tay của người nhà đưa lên vẫy vẫy, nỗi bực mình và mệt nhọc trong người nhanh chóng tan biến...

    Sau một tháng sống chung với nắng lửa Sài Gòn, chúng tôi lên đường trở về Mỹ. Thủ tục xuất cảnh có quy trình ngược lại, hành khách phải đến với Hải quan cửa khẩu trước.Tại đây, họ cân hành lý rồi cho chạy qua máy scan. Một vali bị giữ lại. Một người mời chúng tôi đến, nói: Trong vali này có chai chứa chất lỏng. Theo quy định, không được mang chất lỏng lên máy bay. Bà xã tôi cự lại: Đây là chai mật ong thứ thiệt do người bà con biếu. Mà tôi để nó trong hành lý ký gởi chứ không phải trong các túi xách carry-on. Vậy thì có gì sai? “Ừ thì… thôi, cho tí tiền trà nước là xong ngay”, một trong hai tay cán bộ Hải quan nói. Không muốn lôi thôi với đám mặt dày này vì biết rằng với bất cứ ai họ cũng có đủ thứ lý do A, B, C để hoạnh họe, bà xã tôi rút tờ $20 quẳng cho tên đứng gần nhất. Hắn nhét vội vào túi rồi ra hiệu cho chúng tôi đi ra ngoài.

    Bước kế tiếp là xếp hàng rồng rắn trình passport và visa cho công an cửa khẩu. Lần này thì người ta ra khỏi Việt Nam nên khó có lý do gì để vòi tiền. Họ chỉ cần kiểm tra tên tuổi, đối chiếu giấy tờ, đóng dấu “hết giá trị” vào visa của hành khách. Thế là xong, mọi người thở phào, tiến về Gate quy định ngồi nghỉ. Và khi đã yên vị trên máy bay của Korean Air, nhìn các cô tiếp viên duyên dáng, lòng bỗng thấy nhẹ nhàng, quên đi những phiền lụy vừa trải qua dưới đất.

    Ngồi trên chiếc 777 lướt êm trên không trung, tôi ngẫm nghĩ về hai chữ Hải quan mà trong nước đang sử dụng. Trước kia, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi mở cửa giao thương với tàu bè nước ngoài tại các hải cảng dọc bờ biển phía đông, Trung Quốc cho lập ngành “Hải quan” để kiểm soát, đánh thuế đối với hàng hóa xuất, nhập tại các nơi này. Theo từ điển Hán-Việt, quan là cửa, cửa ải. Hai chữ hải quan nghĩa đen là cảng biển, nhưng được họ hiểu trùm lên thành việc đánh thuế hàng hóa xuất, nhập cảng. Về sau này, với việc kiểm soát, đánh thuế hàng hóa xuất, nhập ở các phi cảng và cửa khẩu biên giới, họ cũng xài chữ… Hải quan cho trọn gói luôn!

    Trước 1945, trên toàn cõi Việt Nam, người Pháp dùng chữ Quan thuế (hay Thuế quan) để chỉ cho công việc này. Tiếp đến thời Việt Nam Cộng hòa, vẫn dùng chữ Quan thuế cho đến 30/4/1975. Quan thuế, tiếng Pháp gọi là Douane, tiếng Anh gọi Customs, chỉ rõ chức năng hoạt động của ngành này là kiểm soát, đánh thuế (tức chống buôn lậu) ở tất cả các nơi có “cửa” giao lưu với nước ngoài như là hải cảng, phi cảng và cửa khẩu biên giới. Cộng sản Bắc Việt, vì lệ thuộc Trung Quốc nên từ sau 1954 đã xài chữ Hải quan. Và sau khi thôn tính miền Nam, họ xài chữ ấy trên cả nước cho đến nay. Bạn thử nghĩ xem, tại các cảng hàng không như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) hoặc cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, cửa khẩu biên giới Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu biên giới Mộc Bài (Tây Ninh) v.v. mà có cái gọi là Hải quan thì nghe chướng tai không? Làm gì có “hải” ở đây? Cho nên chỉ có thể nói: Một là dốt, hai là bắt chước quan thầy một cách mù quáng và nô dịch. Thế thôi!



    Hoàng Huy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X