Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chị Hai - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
X

Chị Hai - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chị Hai - Nguyễn Thừa Bình


    Tôi, tháng 9 năm 1984 tại Sài Gòn

    Viết cho người Chị vừa quá cố - Nguyễn Thừa Bình
    Con người sinh ra trên đời có những ràng rịt tình cảm ruột thịt, khiến người ta quyến luyến nhau, thương yên nhau, quý trọng nhau. Tôi chỉ có một người chị, một người chị cùng cha khác mẹ, tôi rất thương yêu. Chị là chị Tư, đã đi tu, là một tu sĩ Phật giáo ở chùa Hưng Long Phan thiết. Khi còn trẻ chưa xuất gia, chị làm việc vô cùng lam lũ để giúp đỡ gia đình và cho các em ăn học. Các em ăn học là tôi trong đó. Tôi thương mến chị là đương nhiên.
    Nhưng ở đây, tôi lại muốn nói đến một người chị khác của tôi, một người chị cùng chung gốc ông cố nội của tôi, đó là chị Ðào, chị Hai Ðào mà thường thường chúng tôi cứ gọi tóm gọn là chị Hai. Chị Hai con gái lớn của bác Hai. Chúng tôi, xa xưa về trước là người Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng ông bà đã xuôi vào thôn Tô Ðà, xã Thủy Tân, quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên lập nghiệp. Ông nội của tôi là em út của ông nội chị, nên chúng tôi cứ gọi qua gọi lại là ông nội Chú, ông nội Bác. Tôi gọi ba chị là bác, bác Hai. Chị gọi ba tôi là chú, chú Xạ. Nhưng chi tiết hơn, chúng tôi còn một bác Hai nữa. Ông cố tôi có 3 người con trai. Người con trai đầu là ông Nội của chị Hai, chị Nguyễn Thị Ðào. Người con trai giữa là ông Nội của chị Bé, chị Nguyễn Thị Phụng. Người con trai út là ông Nội của tôi. Ba chị Hai có chị Ðào, anh Luông, anh Dục, anh Bê, chị Xê và anh Thuận, chúng tôi gọi là bác Hai Xê. Anh Thuận, không ai gọi là Thuận mà gọi là Cu, chúng tôi gọi là anh Cu. Bác Khóa, người cùng xóm lại đặt cho ảnh tên là Cu Lọ. Tên Cu Lọ từ đó cũng thường được kêu gọi. Chị Hai cứ là thằng Cu Lọ, thằng Cu Lọ. Ba chị Bé có anh Khương và chị Bé, chúng tôi gọi là bác Hai Bé. Gọi bác Hai Xê hay bác Hai Bé là để phân biệt khi cần. Bình thường, chúng tôi cứ gọi chung 2 bác là bác Hai. Con bác Hai Xê, các anh Luông, anh Dục theo Việt Minh bị Pháp bắn chết. Anh Luông tử trận khi cùng đơn vị đánh đồn Pháp. Anh Dục bị lính Pháp ở đồn Ngả Hai, Phú Lâm đi “patrouille” bắn chết gần nhà, tôi chạy tới nhìn thấy mà không dám khóc. Anh Thuận, con trai út của bác hơn tôi hai tuổi, theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, nhưng nửa đường thì dắt vợ con về “hồi chánh” với Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa mà còn sống đến nay cũng đã bảy mươi bốn, bảy mươi lăm tuổi rồi. Anh Bê bị bệnh kiết lỵ mà chết ở nhà, phía trong cây số 6 Phú Lâm, Phan Thiết. Tôi còn nhớ đến ngày hôm nay lời anh Bê chỉ dạy: “Nhỏ kêu tên, lớn lên kêu thứ nghen em”. Hồi đó, nhà tôi và nhà bác ở sát bên. Bác Hai Bé, anh Khương cũng theo Việt Minh trong vùng mật khu Ba Hòn, khi bệnh nặng được phép về nhà trị bệnh, nhưng mấy ngày sau thì qua đời. Ảnh qua đời làm cho cô Ba Thơm con của bác Khóa, nhất định ở giá suốt đời thủ tiết.


    Khu phố ngày vào Phan Thiết, chụp năm 1967

    Năm 1942, hai gia đình bác Hai từ miền Trung ngoài Thừa Thiên dắt dìu nhau vào Phan Thiết lập nghiệp trước. Nhà ở sau tiệm điện chú Quảng Ích, sau là tiệm vàng Thành Kim, gần nhà hàng Manchaud của ông chủ Tây cụt tay mà bây giờ là Vườn bông dưới dốc cầu Quan. Ðến năm 1944 lúc tôi mới hai tuổi, ba má tôi đưa gia đình là hai vợ chồng với bốn thằng con trai vào theo hai bác. Ba gia đình cùng ở chung một nhà. Có lẻ quá nhỏ không biết chăng, tôi thấy anh em, con cháu ba gia đình sống rất hòa thuận. Tôi nhỏ hơn chị Hai tới mười tám tuổi. Thằng nhỏ tôi hồi đó chắc ngây ngô, ngờ nghệch lắm? Chị Hai cứ nhắc hoài kèm theo nụ cười như chọc ghẹo lời nói ngọng nghịu, vô nghĩa của tôi ngày nào hồi đó ở ngoãi mới vào “Mạ ăn chuối cúng khự”. “Mạ ăn chuối cúng khự”, chị giải thích là tôi đòi ăn chuối cúng trên bàn thờ. Cái đó, tôi không nhớ cho lắm. Cái tôi nhớ nhất là chị thường đè tôi ra kỳ cọ, tắm rửa cho “thằng ở dơ gì mà ở dơ dữ” đau chết cha. Ba tôi, nhất là má tôi thường kể cho con cháu nghe rằng “Một lần, bác Hai Bé Gái mua vé coi hát, mời bác Hai Xê Gái đi coi hát. Bác Hai Xê Trai tức là ba chị Hai, mắng rằng gia đình em của mình ngoài Huế mới vào còn đang khốn khổ cần sự an ủi, giúp đỡ. Ðã không an ủi, giúp đỡ, vui gì mà mạ mi với thím đi coi hát?” Gia đình em của mình ngoài Huế mới vào, bác Hai Xê muốn nói là gia đình của tôi. Bác xé vé coi hát và cấm, không cho bác gái đi. Bác Hai Xê là một người rất mẫu mực, nghiêm khắc, trên dưới trong giòng họ, ai cũng kiêng dè. Lời nói của bác, ai cũng sợ, cũng nghe. Tôi nhỏ, không nhớ bác mất lúc nào, nhưng chắc trước khi ba gia đình chúng tôi bỏ phố lên rừng, vào cây số 6 Phú Lâm sống đời thôn dã đồng áng.


    Tôi không biết chị Hai có chồng hồi nào, nhưng chắc là khi ở cây số 6 Phú Lâm, lúc gia đình tôi chưa đến? Tôi nghe chồng chị tên là Hùng và chết trong mật khu Việt Minh ở vùng núi Lâm Ðồng? Hai vợ chồng có một đứa con, thằng Minh, nhỏ hơn tôi là cậu nó chỉ vài tuổi. Vì ở nhà quê thời những năm 1949 đến 1951, chúng tôi cậu cháu chỉ biết vọc đất, lội bùn mà chơi. Ðất ở đây là đất thịt làm vườn; bùn ở đây là bùn mương, ruộng lúa, nên cậu cháu lúc nào cũng không được sạch sẽ. Một khi bị mẹ mắng “Sao mầy ở dơ quá vậy”, thằng Minh lúc nào cũng đổ thừa “Tại con bắt chước cậu Sáu”. Nghĩ ra, nó nói vậy mà đúng. Tôi nhớ tôi hồi đó ở dơ lắm. Năm 1950, chị Hai vào rẫy mua dưa hấu về bán, gặp anh Năm, thường gọi là anh Năm Lê. Hai người phải ý nhau và trở nên vợ chồng. Từ năm 1950, ở Phú Lâm thuộc quận Hàm Thuận, Pháp bắt dân về ở “vùng dồn” bên đồn Ngả Hai. Sợ Việt Minh đánh đồn mà vạ lây, gia đình tôi dọn về Ðức Long, Phan Thiết; gia đình bác Hai dọn qua lò tỉn, khúc sông Số 6 của con sông Cái chảy về Phan Thiết là sông Mường Mán. Về Phan Thiết, tôi thỉnh thoảng đến thăm bác Hai ở lò tỉn, sống nghề làm vườn với chị Xê, anh Cu. Tôi cũng ghé thăm anh Quýnh, anh chị Ðậu. Anh Ðậu là du kích Việt Minh từ những năm chúng tôi còn ở chỗ cũ, tôi biết. Anh Quýnh thì qua khu lò tỉn nầy mới theo Việt Minh. Mấy năm sau, nghe tin hai anh chết, tôi không biết tại làm sao và lúc nào cho chính xác? Mỗi lần đến, bác dắt tôi xuống vườn rau sát bên mé sông, hái đu đủ, chùm ruột ngọt…mà bảo: “ăn đi con”. Chị Hai lúc đó đã sinh đứa con gái đầu lòng là con Ba và sau đó là thằng Lợi, thì thường luộc bắp, luộc đậu phụng cho ăn mà nói “Của ít lòng nhiều, ăn lấy thảo nghe em”.


    Anh Năm về Phan Thiết bán tạp hóa trong một kiosqque, nghe nói của người bà con là Mỹ Trang. Kiosque nầy nằm trong vườn bông Cộng Hòa sau khi được Tỉnh trưởng thời bấy giờ là ông Lưu Bá Châm chỉnh trang năm 1957- 1958. Anh Năm vì vậy, mà bà Mỹ Trang nhờ qua coi cây xăng bên Sở Muối, phường Phú Trinh và có nhà ở đó đến ngày hôm nay. Anh chị có thêm 3 cháu gái nữa mà sau nầy tôi mới biết là Nhung, Hon và Út gọi theo tên gọi ở nhà. Có thời gian dài, gia đình tôi ít liên lạc với gia đình bác Hai. Qua câu chuyện người lớn tôi thường được nghe, cũng vì anh Cu mà ra. Anh Cu hay anh Cu Lọ, chính là anh Thuận hồi học lớp Ba trường Ðức Long với thầy giáo Lê, Trần Văn Lê. Năm đó, tôi học lớp Tư với thầy Thính cũng trường Ðức Long. Thầy Thính sau nầy về Phú Trinh mở quán kem Nhất Phương. Anh Cu học dở, lêu lổng thường bị thầy Lê la mắng và đánh đòn. Có phải như vậy không mà ảnh bỏ học luôn. Bác Hai không vừa lòng thằng con trai út, nghĩ rằng “văn chương phú lục chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong”, muốn “đem nó về dạy dỗ”, nhưng ảnh cứ lảng vảng ở Phan Thiết không chịu về. Nhà tôi, tới giờ ăn cơm thì anh Cu lại tới. Dĩ nhiên, ông chú làm sao bỏ thằng cháu đứng chơi mà không cho ăn. Ba tôi cho ảnh ăn cơm. Cho ảnh ăn cơm thì bác Hai trách là “Chú thím làm như vậy là làm hư cho nó” rồi giận; rồi từ gia đình tôi mà không lui tới trong mấy năm. Từ sau năm 1964, tôi rời Phan Thiết, vào Sài Gòn học trường Trung học Chu Văn An, học Ðại học Văn Khoa, vào Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, vô trường Bộ Binh Thủ Ðức…mà ít khi lai vãng đến thăm bác Hai đang sống chung với gia đình chị Hai, mà sau nầy chúng tôi thường gọi là gia đình anh chị Năm, rõ hơn là anh chị Năm Lê. Năm 1984, tôi “học tập cải tạo”, là ở tù được thả ra từ trại Z.30C Hàm Tân, về lại cố hương là nhà song thân ở Ðức Long, Phan Thiết, tôi mới tới nhà anh chị Năm thường hơn. Anh Năm, tính người ngay thẳng, trực tính, hiếu khách. Nhiều người bà con dù vai vế có nhích hơn ảnh một chút, ảnh vẫn có sao nói vậy, ít sợ mếch lòng. Anh Cuộc, anh Tánh, anh Núi, chị Bé, anh Cu, anh Viện…cứ thẳng mực tàu ảnh phạng, ít kiêng dè. Có lẻ thằng em như tôi “cũng được”, có khi lại hợp ý với ảnh chăng, mà tôi may mắn chưa hề bị anh Năm hay chị Hai “sữa lưng” một lần. Chị Hai, dáng người cao cao, dịu hiền, thanh nhả, chừng mực…mà tấm lòng dạt dào tình yêu thương đùm bọc bà con thân thuộc. Chắc chị, dẫu gì cũng “con ông không giống lông cũng giống cánh” bác Hai, ba của chị chăng? Tháng 11 năm 1992, trước khi chúng tôi theo HO.14 qua Mỹ, anh chị Năm và các cháu có tổ chức một bữa tiệc gọi là tiệc chia tay, đãi trên gác thượng. Vui có vui mà buồn cũng có buồn nỗi buồn nao nao rằng mai đây còn gặp lại!? Tôi bắt tay anh Năm mà quyến luyến. Tôi ôm chị Hai mà muốn chảy nước mắt. Nhìn các cháu, tôi hết sức bùi ngùi, quý mến…


    Mười chín năm sau xa quê, cuối tháng 4 năm 2011 tôi về lại Việt Nam lần đầu. Anh Năm ngày xưa biết tôi sắp đi Mỹ, nhiều đêm chở chị Hai qua nhà tôi tâm sự chuyện xa gần, bây giờ đã ra người thiên cổ! Ngày đi, anh em bắt tay nhau tạm biệt, ngày về không ai bắt tay ai tái ngộ! Trước bàn thờ anh,tôi thắp nhang van vái, lòng buồn vời vợi…mà nước mắt rưng rung gai hàng. Mấy khi, chỉ là người anh, em rể bà con mà sao mình quý hóa với nhau như vậy!? Nhìn chị Hai bây giờ, người mang nặng tuổi đời 88 dù vẫn còn minh mẫn, nhưng tai đã ù, lưng đã còng “gần đất xa trời”. Lòng tự nhủ, mai ai còn ai đây trên đời hỏi han nhau chị Hai? Chị cứ nói hoài: “Sang năm cậu mợ ráng về một chuyến nữa nghe”. Tôi nói giỡn chơi như thường tôi vẫn đùa dai với chị, rằng: “Tôi về mà chị nằm xuống thì tôi sẽ đòi tiền lại nghen chị Hai”. Chị cười mà “ừ !”. Một tiếng “ừ” xuề xòa, thương yêu, quý mến đẹp như mây trắng bay bay trên trời cao thênh thang, mênh mông.
    Một sáng sớm còn đang ngủ, thằng cháu ở Sai Gòn gọi điện thoại, báo “o Hai đã mất rồi”. Hết sức đột ngột, tôi quá xúc động mà lặng người đi. Ngoài trời đã sang Xuân, cứ lất phất bay những bông tuyết trắng vật vờ. Vợ tôi hỏi, tôi cũng không biết sao trả lời, vì đang trong lòng nỗi buồn chạy khắp châu thân. Tôi gọi điện thoại về cho cháu Nhung, đứa con gái lớn thứ 2 của chị Hai thì gặp cháu Lợi cho biết “Má con mất lúc 2 giờ 50 sáng ngày 25 tháng 3 năm 2014 tức ngày 25 tháng 2 năm Giáp Ngọ”. Vậy là, chị Hai đã ra đi vĩnh viễn thiệt rồi. Nỗi buồn nhân thế những người còn lại thì thăm thẳm vô biên, vô cùng. Tính ra, chị Hai cũng đã 90 tuổi Tây hay 91 tuổi ta thượng thọ rồi. Biết rằng, con người rồi ai cũng phải ta đi, nhưng cả một đời người sống chung chạ thân thương với nhau dài hơn nửa thế kỷ, thì sự biệt ly nào ai không đau đáu nỗi lòng xót xa, bi lụy…mà chảy dài những giọt nước mắt!? Cách đây cũng gần một tuần, tôi nhận được 3 dĩa DVD về đám tang của chị Hai từ cháu Nhân, rể của chị Hai bên Việt Nam gởi qua. Tôi mới thấy, chị Hai khi còn sống, các con cháu rất kính trọng, thương yêu, quý mến, chăm lo biết chừng nào, và khi nằm xuống thì tụi nó cũng chu toàn hết lòng hết dạ một cách chí tình, trân quý không nệ hà một phân li nào theo nghi thức xã hội và tôn giáo vô cùng long trọng, uy nghiêm. Sách Trung Dung có nói “Sự tử như sự sinh; sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã” là thờ người quá cố như thờ người còn sống; thờ người đã mất như thờ người hiện tiền, đó mới là chí hiếu. Vậy là các cháu Minh, Ba, Lợi, Nhung, Hon, Út…đã làm được và làm tròn bổn phận những đứa con có hiếu với mẹ vậy. Có điều, khuyên các cháu, chớ nên cánh cánh trong lòng nỗi buồn là nỗi buồn thiên thu. Ông bà mình có nói: “Nhân sinh bất mãn bách, thường hoài thiên tuế ưu?”, con người sống không tới 100 năm, sao cứ ôm mãi mối sầu ngàn năm?


    Quan tài, tôi thấy một bên cháu Lợi, con trai trưởng của anh chị Năm; một bên anh Thuận tức là anh Cu, anh Cu Lọ, em út của chị Hai vịn mà đi; đằng sau hàng con cháu đông vô số tôi không làm sao biết được đứa nào với đứa nào. Ðoàn người đưa tiển chị về nơi chín suối đông đảo kéo dài gơn cả một cây số với nhiều xe hơi, nhiều người cầm vãng, cầm chân hoa phúng điếu; nhiều người đi bộ hay dắt xe gắn máy…Tôi hơi ngạc nhiên một điều, đoàn xe đám tang người ta đang chạy rề rề liền với nhau, vậy mà cũng có những người lái xe gắn máy băng ngang, băng dọc; thậm chí có cả chiếc xe truck lớn cứ ủi vào đám ma mà đi một cách bình thường. Những người hai bên đường cứ lộ mắt ếch, trơ trơ đứng nhìn. Có phải xã hội đã tạo ra những con người trở thành vô tâm, trơ trơ như sỏi, như đá lăn lóc ngoài đường? Ngày xưa trước năm 1975, ra đường gặp đám tang đi qua, ai ai cũng giở nón, đứng nghiêm chào người qua cố. Việc nầy từ các em nhỏ học sinh cho tới người lớn, ngay cả những người lao động tay chưn đầu tắt mặt tối…cũng biết giở nón, cũng biết đứng nghiêm chào tiễn biệt người về bên kia thế giới. Có phải vì ngày xưa một khi vào trường học thì học sinh bắt phải “Tiên học lễ, hậu học văn” mà bây giờ không có? Một đám tang to lớn như thế, lẽ ra phải có Cảnh Sát Trật Tự hướng lộ dẫn đi. Việc đó, hoặc là trách nhiệm của ngành Cảnh Sát Trật Tự địa phương phải làm hoặc là phải do tang gia yêu cầu. Nước Mỹ thì to lớn quá, tôi không nói chi, chỉ ở thành phố Kansas City của tôi đang ở đây, đoàn xe đám tang, đám cưới… chớp đèn chạy, thì đèn đỏ, bảng Stop, bảng Yield cũng cứ đi qua như thường để khỏi bị dứt đoạn, nói chi ai dám càn qua. Càn qua là “ôm đầu máu”, ren rén lấy lệnh phạt là cái chắc, có khi vô tù như chơi.


    Chị Hai, chị cứ bảo vợ chồng tôi “Sang năm cậu mợ ráng về một chuyến nữa nghe”, vợ chồng tôi chưa về thì chị đã ra đi. Chị ra đi, chắc tôi cũng không muốn về Việt Nam lần nào nữa. Chị cũng biết cho, sau cả 20 năm xa quê, về được Việt Nam tôi mừng lắm. Về Việt Nam, cha mẹ không ai còn nữa; anh em ruột thịt đã mõn đi gần hết; bè bạn thân đếm trên đầu ngón tay; các cháu có đứa biết có đứa không, như xa lạ; phố phường xe cộ bít đường chạy bất kể; không gian không còn chỗ trống để thảnh thơi, để mình tìm lại mình ngày xưa …thì tôi đâu muốn về lại “một chuyến nữa nghe”. Và bây giờ, chị đã ra người thiên cổ, tôi còn có gì đâu nữa mà về. Không lẻ và tôi cũng không muốn lập lại lời nói với chị cách đây 3 năm, rằng “Tôi về mà chị nằm xuống thì tôi sẽ đòi tiền lại nghen chị Hai”. Thôi, chị Hai, chị đang cỡi Hạc về Trời, và xin chị cứ thong dong cỡi Hạc về Trời, phiêu diêu nơi Miền Lạc Cảnh đời đời. Những ngày nơi trần thế, chị xem như một giấc mộng đẹp xa xưa vời vợi ngắn ngủi như từng sát na vụt qua một kiếp phù du …như áng mây trôi, như làn gió thoảng./.


    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Kansas City, Missouri, đêm 5/5/2014


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X