Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Qua và Bậu trong văn thơ Nam Bộ

Collapse
X

Qua và Bậu trong văn thơ Nam Bộ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Qua và Bậu trong văn thơ Nam Bộ

    Qua và Bậu trong văn thơ Nam Bộ
    Phan Tấn Tài



    Qua, bậu là đại từ xưng hô của lứa đôi đặc trưng của miền Trung và nhất là Nam Việt Nam. Cho dù ngày nay hai từ ngữ này không còn được thông dụng trong dân chúng miền Nam: từ bậu hầu như tuyệt đối không dùng nữa và từ qua còn được sử dụng một cách giới hạn. Nhưng trong thơ văn cũng còn được dùng hai từ ngữ này và không giới hạn ở các văn thi sĩ vùng Đồng Nai - Cửu Long.

    Qua và bậu trong văn thơ được dùng với nghĩa rất thân mật. Qua là đại từ, ngôi thứ nhứt, dùng riêng rẻ là từ xưng hô của người lớn tuổi với người nhỏ tuổi, nghĩa là tôi, ta (cô, chú, bác, anh, chị). Khi dùng chung với bậu nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai xưng với người yêu. Bậu cũng là đại từ, ngôi thứ hai, nghĩa là người vợ hay người yêu hay người con gái được mến chuộng. Nghĩa cuối cùng trong thời kỳ lẽo đẽo đi chinh phục:

    Bậu sang phà Rạch Miễu Qua lẽo đẽo theo sau ...

    (Phải lòng con gái Bến Tre, Luân Hoán/Phan Ni Tấn)

    Ngày xưa từ bậu cũng được dùng gọi người con trai trẻ tuổi như trong hai câu trích từ Lục Vân Tiên ở dưới, hay trong bài vè “Bậu lỡ thời” của vùng Kiên Giang. Hai đại từ xưng hô qua, bậu đã ăn sâu vào đời sống của người dân phương Nam, cả đến trong văn chương. Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh đã ghi dấu tích cho chúng ta: ...Dân rằng:

    "Lũ nó còn đây, Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành"...

    (Bậu ở đây là Lục Vân Tiên trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu) ... Tú Phan nói chưa dứt lời thì lại thấy họ khiêng về một bộ tranh cẩn với một cặp lục bình lớn và đưa một phong thơ nữa. Tú Phan xé thơ coi rồi cười mà nói với mấy người kia:

    - Mấy em về nói qua cám ơn ông Bá hộ nha! ...

    (Nhơn Tình Ấm Lạnh, Hồ Biểu Chánh (1925)

    Có dạo người dân, trong ý trêu cợt lối viết văn rặt Nam Kỳ, đặt câu sau:

    "Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua, hôm nay qua không nói qua qua mà qua qua".

    Qua, bậu là đại từ xưng hô của người dân, phương Nam“, hai từ ngữ này đối với người Việt dường như vô nghĩa, đã là từ ngữ xưng hô thân mật của miền đất mới.

    Gốc của từ "qua" theo Lê Ngọc Trụ là do chữ wá (hay đọc đúng hơn là u_á) đọc theo giọng Triều Châu của chữ "ngã" tức là "tôi". Nguyên Nguyên có đặt sự liên hệ từ qua với tiếng Mường và tiếng Nhật nhưng có lẽ nên chấp nhận lối giải thích giản dị của Lê Ngọc Trụ. Nếu "qua" đã là "tôi" từ âm Triều Châu thì "bậu" cũng rất có thể do âm Triều Châu mà ra. Tuy Bình Nguyên Lộc có đưa ra gốc từ tiếng Mạ nhưng sau khi bàn luận với người Triều Châu, thì trong tiếng Triều Châu "pa_u" hay "pấu" (giọng đọc khác nhau tùy vùng) là vợ, một danh từ bình thường và khi ghép vào một chữ nữa mới phân rõ ngôi thứ như "cha pấu", "cha pa_u" (vợ tôi) "deo pa_u" (vợ yêu) như ta dùng Hán Việt "tệ phụ, tệ nội, hiền phụ, hiền thê ...".

    Từ ngữ ghép này chỉ là một danh từ ghép. Người Việt chung sống với người Triều Châu đọc trại là "bậu" và bậu trở thành đại từ ngôi thứ hai. Qua, Bậu là từ ngữ Triều Châu được việt hóa hoàn toàn, giống như nhiều trường hợp tương tự như từ "va" (nó, hắn, anh đó, thằng cha đó, ông đó) là do giọng Triều Châu "i_a" của từ Hán Việt "tha", thí dụ "i_a mứng" = tha môn (họ, chúng nó).

    Nhưng ở đây cũng cần phải ghi vài sự khác biệt giữa từ gốc Triều Châu và từ việt hóa qua, bậu.

    Sau đây là bảng so sánh: Từ ngữ Triều Châu Sau khi việt hóa u_á, wa (cả hai ngôi thứ nhứt) tôi, dùng xưng hô với mọi cấp bực, không có ý nghĩa tình cảm đặc biệt

    1) tôi, ta, (cô chú, bác, anh, chị) chỉ dùng xưng hô với cấp dưới;

    2) anh, dùng xưng hô với vợ, với người yêu, với người con gái trong thờ kỳ tán tỉnh.

    Cả hai cách dùng với ý nghĩa thân mật pa_u (không ngôi thứ) bậu (ngôi thứ hai) vợ, thường không có ý nghĩa thân mật mình, em yêu, nàng (người con gái ở thời kỳ tán tỉnh), với ý nghĩa thân mật. Xưa cũng dùng để một gọi người trai trẻ hơn mình. Từ những từ ngữ Hoa với một ý nghĩa rất thông thường như mọi từ ngữ khác, khi được việt hóa, qua, bậu trở thành những từ ngữ của tình cảm, của thương yêu, của lứa đôi với nghĩa chính xác và súc tích. Qua, bậu tiêu biểu cho ngôn từ việt hóa ở phương Nam, trong đó bên cạnh tiếng Hoa còn phải kể tiếng Pháp, tiếng Miên, tiếng Mã Lai v.v. Từ ngữ việt hóa gốc Hoa phần nhiều được sử dụng giới hạn ở phương Nam là vì điều kiện chung sống, hội nhập nơi đây. Mặc dù số từ ngữ việt hóa (từ Hoa ngữ, từ Miên ngữ) rất nhiều nhưng đi vào ca dao, đi vào văn chương mạnh mẽ nhất có lẽ là hai từ qua và bậu.

    Trong ca dao miền Nam những bài có từ ngữ "bậu" chiếm giữa 2 - 3 phần trăm. Nếu ta lưu ý với hàng trăm, hàng ngàn đề tài của ca dao thì số lượng này rất cao. Một sự tình cờ ?: Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài ra 4 câu đố bằng ca dao vào dịp trung thu 1955, trong đó có 2 bài ca dao có chữ bậu (Qui Tâm: "Dưới bóng cờ cứu khổ"). - Hộ Pháp Phạm Công Tắc có thông lệ ngày hôm sau những dịp đại lễ đến bao lơn đền thánh đưa ra câu đố để tín đồ tụ họp ở Đại Đồng Xã tìm giải đáp – Theo thời gian hai từ anh, em thay cho qua, bậu trong xưng hô lứa đôi. Dù cho một số người cầm bút hoặc vì nuối tiếc hoặc vì tìm thấy trong hai từ qua, bậu một ý nghĩa thi vị vẫn sử dụng trong nhiều tác phẩm sáng tác sau này nhưng muốn tìm lại dấu vết quê hương phương Nam liên quan tới hai từ này không gì hơn bằng cách tìm trong ca dao hoặc văn của một số văn thi sĩ Nam Bộ mới có hương vị thực sự của qua, bậu của thời khái phá miền Nam. Từ qua tuy được dùng xưng hô một cách thân mật nhưng không "thân mật" một cách đa dạng như từ bậu.

    Sau đây vài thí dụ trong những bài đã sưu tầm:

    1. Bậu trong tâm tình nhớ thương:

    Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng
    Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
    Bướm xa hoa bướm lại dật dờ
    Anh xa xôi bậu đêm chờ ngày trông.
    (Hòn Kẽm: địa danh miền Trung)

    Bước sang canh một, anh thắp ngọn đèn vàng
    Chờ con bạn ngọc thở than đôi lời
    Canh hai vật đổi sao dời
    Tính sao nàng tính trọn đời thủy chung.
    Canh ba cờ phất trống rung
    Mặc ai ai thẳng ai dùn mặc ai
    Canh tư hạc đậu cành mai
    Sương sa lác đác khói bay mịt mờ
    Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ
    Chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không.

    2. Bậu trong trách móc:

    Bên kia sông, ai lập kiểng chùa
    Tân Thiện Bên này sông, qua lập cái huyện Hà Đông
    Cái huyện Hà Đông để cho ông Bao Công xử kiện
    Cái chùa Tân Thiện nhiều kẻ tu hành
    Chim kêu dưới suối trên cành
    Qua không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ qua?

    3. Bậu trong trêu chọc:

    Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:
    Chữ đề tên bậu, không chồng có con.
    Bậu đừng lên xuống đèo bồng
    Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan.

    4. Bậu trong sự hóm hỉnh:

    Bậu để chế cho ai, xé anh một nửa,
    Bậu để chế cho chồng, châm lửa đốt đi.
    Đờn cò lên trục kêu vang
    Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng
    Muốn cho nhơn nghĩa đạo đồng
    Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương
    Chiều nay qua phản hồi hương
    Nghe bậu ở lại vầy vương nơi nào
    Ghe tui tới chỗ cắm sào
    Nghe bậu có chốn muốn nhào xuống sông.

    Từ một đại từ và một danh từ bình thường, sau một tiến trình hội nhập, "qua", "bậu" đã trở thành hai đại từ độc đáo của lứa đôi, phưởng phất thi vị với nghĩa súc tích hơn và ngôi thứ dược xác định rành rẽ hơn từ gốc. Hai đại từ này phổ biến giới hạn ở vùng đất Phương Nam (kể từ sông Gianh) vì ở đây số người Việt và người Hoa thuở ban đầu hầu như tương đương. So với những vùng khác của đất nước, tỉ số người Hoa rất cao. Khi người Việt quay về với ngôn từ thống nhất, hai đại từ này cùng với một số không ít từ ngữ hội nhập, đã một thời đóng vai trò nhịp cầu của giai đoạn sơ khai, nhịp cầu nối liền những dân tộc cùng chung sống trong một vùng đất, là phương tiện viễn thông trong lịch sử hội nhập miền Nam, đã trở thành dĩ vãng.

    Phan TấnTài



    Bổ sung bởi : HoaiVienPhuong


    Bậu có chồng như cá vô lờ,
    Tương tư nhớ bậu, dật dờ năm canh.
    Sông sâu sào vắng khó dò
    Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa

    BẬU ƠI…

    Nắng đâu đậu mãi chân thềm
    Để ta nhớ bậu cho mềm ruột gan
    Mai rồi nắng sớm mưa trưa
    Lạc loài xứ lạ ai đưa bậu về
    Duyên quê dẩu lở câu thề
    Tình quê xin cứ một bề trước sau
    Mai rồi nắng vội mưa mau
    Vầng trăng xẻ nửa rầu rầu gưong soi
    Sông quê bên lở bên bồi
    Tình quê sao nở chia đôi ngả lòng
    Mai rồi bậu bước sang sông
    Thân kia cá chậu chim lồng bậu ơi
    Hắt hiu một chổ ta ngồi
    Lòng ta nhớ bậu như trầu nhớ vôi
    Lòng ta héo úa như cau
    Bửa tư bửa tám dạ sầu quên têm
    Nắng đâu đậu mãi chân thềm
    Để ta nhớ bậu cho mềm ruột gan

    Phan thị Ngôn Ngữ


    Thương vô cớ nhớ vô cùng

    Hạt muối mặn ba năm còn mặn
    Lát gừng cay chín tháng còn cay
    Bậu với ta ơn nặng nghĩa dầy
    Nỡ mô bỏ tổ xa bấy bậu ơi

    Mơi mốt có về bậu nhớ ghé chơi
    Đường năm cũ mây cười trong nắng
    Vẫn tán lá xanh – chùm hoa sứ trăng
    Tiếng ve kêu rang rảng trứa hè

    Con tắc kè còn đậu ngọn me
    Khan cổ gọi bậu từ năm nọ
    Mơi bậu về nhớ đi ngang ngõ
    Vườn ta xưa trăng tỏ bên đèn

    Đóa quỳnh nào nở ngát hương đêm
    Trắng như áo bậu chiều qua phố
    Ơi , thương bậu chi mà thương vô cớ
    Ơi, nhớ bậu chi lòng nhớ vô cừng

    Nhớ bậu thời còn tóc xõa ngang lưng
    Khua guốc mộc dẫm hồn ta vụn vỡ
    Hai bờ vắng bên bồi bên lở
    Thuyền bậu qua sông sao chẳng trở về ?

    Để ta giờ như bến sông quê
    Theo nước lớn nước ròng trăn trở
    Như con cá giữa giòng nước lợ
    Chẳng ra khơi – không thể về nguốn

    Phan Thị Ngôn Ngữ


    Bậu ơi ! Bậu à . Qua gọi

    Điên điển vàng bông nghen bậu
    Gió Tết thổi ngang sông Tiền
    Gió Tết thổi ngang sông Hậu
    Vốc đầy tay nắng tháng giêng

    Sớm mai mồng một tiếng chim
    Gọi nhau hót mừng năm mới
    Bậu ơi ! Bậu à . Qua gọi
    Thương hoài điệu Lý tình tang

    Nhớ bài “ Dạ Cổ Hoài Lang”
    Bậu hát nghe buồn đứt ruột
    Lâu rồi qua không quên được
    Ngày xưa… ngày xửa xa quê

    Hoa dại ngồi kết đầy ghe
    Qua tiễn bậu dìa nhà khác
    Lấy chồng có chi mà khóc
    Lấy chồng ngoài chợ bảnh hơn

    Chừng ấy mất hết bao năm
    Mắt qua sầu giăng mây khói
    Lòng qua thèm nghe bậu nói:
    “Mèn ơi ! Lúa trổ đòng đòng”

    Điên điển giờ đã vàng bông
    Đường xe dõi tìm bóng cũ
    Gió Tết thổi ngang cánh đồng
    Thổi tình qua bay biệt xứ


    Bậu ơi!!!

    Qua thiệt xót! nếu mình thôi hương lửa
    Thơ mồ côi lây lất giữa chợ đời
    Từ sinh ra bị giữ hoài trong cửa
    Giờ dãi dầu sao sống nổi Bậu ơi

    Nói nghe nè … hai đứa cũng già rồi
    Chuyện tương lai ai biết dài biết ngắn
    Qua có lẻ thì Bậu thêm cho chẵn
    Vì con đi nuôi nó đặng nên người

    Tuổi thơ ai cũng có một mà thôi
    Cha mẹ không vui, con buồn bí xị
    Mai nó lớn trách Má Ba ích kỷ
    Con cả bầy chỉ nghĩ chuyện mình ên

    Nói nào ngay Qua thương Bậu y nguyên
    Dù nhiều lúc tức nghẹn ngang cổ họng
    Bậu giựt hụi Qua è tình ra đóng
    Sợ mười lăm trăng bạo động cào nhà

    Lũ con khờ nheo nhóc khóc hỏi Ba :
    Má đi đâu, sao bếp nhà không lửa ?
    Đứa lớn đói cơm bế em đói sữa
    Kéo tay Qua ra cửa ngóng Bậu về

    Đêm gió xụi lơ, thảm tiếng tắc kè
    Đom đóm lập lòe góc vườn hàng xóm
    Qua nhớ Bậu dòm lũ con rơm rớm
    Hồn ở đây mà xác chốn đâu rồi

    Ối Bậu ơi … thêm đứa nữa ra đời
    Đi biển mồ côi Qua hơi vất vả
    Đứa con quê mùa tưởng ngoan mà phá
    Bám mãi lòng tìm Má giữa tim Ba
    Rồi ngày mai thơ trôi dạt không nhà
    Những đứa chừ là con nuôi thiên hạ
    Bậu có nghe đau xót lòng không hả
    Đi đâu mà bỏ thí cả chồng con ?
    Ối Bậu ơi … Bậu chảy riết Qua mòn ...
    (st)

    Bậu ơi!
    Ầu ơ ví dầu, cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, chứ khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học,ầu ơ, con đi trường học, mẹ đi trường đời.
    Nhớ thôi bậu ơi lời yêu thương, nước trôi xuôi dòng con đò buồn, cuộc đời mẹ cha đôi bờ mương, cá sông rau đồng qua ngày thường, luống cau cha trồng sau vườn, trầu xanh nhói đau lệ tuôn, cải non mẹ trồng chiều hôm nào, nhìn bậu xanh xao. Nhớ nhung đành thôi lời bậu thương, bước chân theo chồng xa nhà nông, tuổi hồng mộng mơ thôi thì mơ, mối duyên ban đầu bao ngọt ngào, khúc ca dao còn dạt dào, trào dâng nhớ nhung vì đâu, ẵm con ơ ầu tình ví dầu, lòng bậu nao nao
    Bậu ơi, bến sông tình tội lắm bậu đâu rồi. Bậu ơi chốn quê người có mấy nẻo đường đời. Bậu ơi thương nhớ thương, xót xa làm gì buồn thêm buồn, tình qua với bậu thôi thì tiếc thôi. Tội chi lẻ loi bên đời, ẵm con khờ ru hời vọng phu, vọng phu lẻ loi bên đời tiếng ru hời con khờ tội chi.
    Vọng phu đâu nở phụ vong, ngàn năm hiếu nghĩa hãy còn bậu ơi, thăm tình một khúc ru nôi, chợ đời trôi nổi qua thôi đợi chờ.

    Lý con sáo Bạc Liêu
    Rồi thì sáo cũng sang sông
    Bỏ trong dĩ vãng tấm lòng mồ côi
    Bạc Liêu cùng với qua mùi
    Nhớ thương em bậu khóc mùi một phen
    À ơi à à ơi
    Trời mưa lâm râm ướt dầm bông soái
    Bậu đi lấy chồng sao chẳng nói qua hơi
    Trách chi câu thề khi nào cậu quay nõ á quay
    Thì hoa với bậu mới đứt dây cang thường
    Mà nay con sáo sang sông
    Sáo sang sông rộng theo người dưng về xứ xa

    Rồi thì sáo cũng bay xa
    Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu
    Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều
    Tiếc thương em bậu chín chiều ruột dau

    À ơi à à ơi
    Trời mưa lâm râm ướt dầm bông soái
    Bậu di lấy chồng sao chẳng nói qua hơi
    Gió đưa con sâu lên bờ bù non bù nước khóc than
    Vì chân lẻ bạn mới ốm o cung đàn
    Tình bậu không muốn mang
    Gió lay bông tràm đêm nằm nghe sầu thắt gan

    Ai đưa cái kìa con sáo nó sang sông
    Để cho cái kìa con sáo xổ lòng bay xa

    PHẢI LÒNG CON GÁI BẾN TRE

    Bậu sang phà Rạch Miễu, Qua lẽo đẽo theo sau
    Đôi bóng trăng trên đầu (ơ hờ) tưởng như áo cô dâu
    Áo bậu đỏ cánh kiến (ơ hơ) da bậu vàng phù sa
    Mắt ngời xanh nước biển, tim bậu hồng lòng qua
    Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
    Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri ?
    Guốc bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên
    Thoáng mùi thương quá đỗi; Mùi tình Lục Vân Tiên

    Đợi ánh trăng lên đầu cầu soi bước em về
    Lòng qua như con nước
    lênh đênh vào trong mong nhớ
    Vịnh Bến Tre tim bồi hồi lòng muốn theo người ơi !!!
    ậu sang phà Rạch Miễu, vô Chợ Giữa nhởn nhơ
    Về Trúc Giang đang chờ hay về, Cù Lao Ống trăng mơ ?
    Tức bàn chân quấn quýt ớ hơ... quanh quẩn vòng thủy chung
    Bóng dừa vương áo mỏng, in đậm chùm yêu thương

    Bậu sang phà Rạch Miễu, thăm trường cũ Nam Xương
    Lư lắc lư xe thổ (ha) mộ... Chèn ơi quá dễ thương !
    Quyết lòng theo bén gót (ớ hơ), năn nỉ hoài hổng nghe
    Ước gì đương trắc trở... Gặp nụ cười Bến Tre !

    Bến Tre..., ơi Bến Tre ời !
    Có nhớ gã thương hồ
    Khua dầm trong nắng đục
    Lận đận sầu bản thân
    Bến Tre..., ơi Bến Tre
    Bến Tre..., ơi Bến Tre


    Trích VietCaravan.com
    Last edited by khongquan2; 02-11-2014, 05:44 PM.

  • #2
    Xin. Cảm Ơn , Một. Sưu tâm. Tuyệt. Vời Văn học dân gian , một triệt lý Nhân Bản . Thật Là Quý giá !
    Last edited by lethucthang; 02-11-2014, 04:31 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X