Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hoa Đá

Collapse
X

Hoa Đá

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hoa Đá


    Tiếng của mẹ đánh thức tôi dậy trong một buổi sáng mùa hạ của hơn hai mươi năm về trước. Tôi mang buổi mai đó trong suốt cuộc hành trình dài của một kiếp người bởi có lần mẹ đã nói:
    - Cuộc đời chúng ta có rất nhiều ngày tháng đã trôi qua, có những ngày tháng thật vô vị, chán chường. Tuy nhiên chúng ta cũng có những giây phút bắt gặp niềm hạnh phúc tuyệt vời. Niềm hạnh phúc đó đến với ta thật hiếm hoi nhưng nó vẫn có ở đó, trong đời sống này, xung quanh ta hay ở trong ta. Con có biết hay không!
    Không, không tôi không thể nào hiểu được câu nói của mẹ vì ngày ấy tôi chỉ khoảng mười tuổi và mẹ đã nói với tôi như nói với một người đã trưởng thành. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ những lời mẹ nói, bởi vì mẹ chẳng có ai gần gũi và thân yêu bằng tôi. Đời mẹ và tôi được thắt chặt bằng một sợi dây vô hình mà vô cùng bền chắc, nó thách thức cả không gian, thời gian và những chướng ngại vật xung quanh. Mẹ và tôi vẫn có nhau trong những ngày, những tháng.
    Tiếng mẹ còn vang vọng đâu đó một buổi sáng ngày xưa:
    - Huyền Châu ơi, dậy đi con.
    Tôi dạ lên một tiếng thật to, rồi mắt nhắm, mắt mở bước xuống giường chạy đến giường mẹ, vén mùng chui vào chăn để tiếp tục giấc ngủ của mình. Nhưng tôi vội khựng lại vì có những sự việc không bình thường như tôi nghĩ: mùng, mền đã đưọc xếp lại gọn gàng, lạnh lẽo và em trai tôi cũng không có trong đám chăn ấm áp để tôi ôm choàng lấy em như mọi khi. Tôi tỉnh ngủ hẳn lại hỏi mẹ:
    - Em đâu rồi!
    Mẹ cười;
    - Em đang chơi đằng trước phòng khách với ông ngoại, bây giờ đã trưa rồi con à!
    Nghe mẹ nói, tôi vội nhìn ra sân thì thấy trời đã sáng, ánh nắng chan hoà ngoài vườn, những con chim sẻ đang gọi nhau ríu rít, vui tươi trên những cành cây xanh mướt. Mẹ và tôi ở trong một căn phòng nhỏ của nhà ông bà ngoại nhìn ra phía vườn sau, căn phòng khá xinh xắn đó là giang sơn của mẹ từ ngày còn là một thiếu nữ. Sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc với bố, sau những ngày tháng lận đận, lao đao cuả thời cuộc, sau những bầm dập của cuộc đời mẹ trở về căn phòng bé nhỏ của thời niên thiếu. Căn phòng được kê thêm một cái giường nhỏ cho tôi ở bên cửa sổ và em trai tôi lên hai tuổi thì nằm ngủ với mẹ.
    Cứ độ vài ba ngày mẹ lại đáp xe đi Sàgon mua hàng về bán ở một khu chợ nhỏ gần ngã tư. Họ gọi đó là chợ Ngã Tư vì nó chẳng có tên nào khác. Mẹ bán áo quần, giầy dép, vải vóc, xà phòng thơm, vân vân và vân vân… tùy theo nhu cầu của những bạn hàng. Họ là những nguời khá bận rộn với việc mua bán hay gia đình, không có thời giờ lên chợ lớn nên cần gì thì dặn mẹ mua về. Họ nghĩ mẹ bán rẻ hơn vì mẹ không có cửa hiệu hay hàng quán gì để bị đánh thuế nhiều ngoài một cái sập thấp lè tè mà các cậu đã đóng giùm. Tuy nhiên điều mà họ thích nhất là được mua chịu rồi trả góp cho mẹ. Mẹ than van vì có nhiều người quá lì nợ. Mẹ ít vốn nên bán xong phải chờ thu tiền được mới đi chuyến tiếp theo được, và đôi lúc mẹ phải ở nhà khá lâu mà những bạn hàng của mẹ thì dặn dò đủ thứ. Nào áo quần đồng phục cho con vào trường, nào vải may áo dài đi đám cưới, nào giầy cao gót, nào áo đi mưa. Mẹ gật đầu tất cả, gật đầu luôn với những người mua rồi mà chẳng muốn trả tiền vì mẹ hay nói:
    - Đời có người này kẻ khác, đời có nguời tốt, kẻ xấu.
    Những buổi sáng phải đi Sàigòn, mẹ thường kêu tôi dậy rất sớm để qua nằm với em, vì nằm một mình em lạnh và sợ thì sẽ khóc làm mất giấc ngủ của ông bà ngoại. Tôi học lớp buổi chiều, nên có thể săn sóc em buổi sáng, sau đó ông bà ngoại có thể lo cho em khi mẹ vắng nhà.
    Tôi nằm ôm em chờ giấc ngủ trở lại. Tôi có thể nghe tiếng cửa đóng lại nhẹ nhàng và bước chân cuả mẹ xa dần dần ngoài ngõ. Mẹ đi rất sớm khoảng ba hay bốn giờ sáng, trên một quảng đường dài và vắng để ra bến xe lam. Nhiều lúc tôi chạnh lòng thương mẹ cô đơn, chiếc bóng giữa đêm tối nhưng chỉ một lúc sau cơn buồn ngủ kéo đến, trong chăn nệm êm ấm tôi ôm chầm lấy em nhỏ và quên đi tất cả. Những ngày không có mẹ tôi rất buồn và mong mẹ mau về với chúng tôi dù xung quanh vẫn có các cậu, các dì và nhất là ông bà ngoại sẵn lòng giúp đỡ.
    Những chuyến đi của mẹ kéo dài khoảng ba ngày, đi một ngày, mua hàng một ngày và một ngày về. Có nhiều hôm tôi bồng em ra đường đón mẹ đến tận chiều tối mà không thấy. Mẹ nói xe cộ bất thường nên mẹ không muốn tôi làm như thế. Mẹ không hiểu là tôi nhớ mẹ. Ba ngày, hai đêm xa mẹ đối với một đứa bé lên mười như tôi thật quá lâu. Và em Thái cuả tôi nữa, em cứ bi bô hỏi tôi:
    - Mẹ đâu, mẹ đâu rồi!
    Đêm trước mỗi chuyến đi cuả mẹ, tôi thường cảm thấy buồn thiu và những buổi sáng khi mẹ kêu tôi dậy trông em, giọng mẹ nghe như nặng trĩu nước mắt vì mẹ rất yêu thương chúng tôi, nhất là em tôi chưa đầy hai tuổi. Tuy nhiên, mẹ không có sự lựa chọn nào khác để nuôi nấng chúng tôi khi bố ra đi biền biệt.

    Tôi ngồi trên giường hỏi mẹ:
    - Hôm nay mẹ chưa đi sao?
    - Chưa đi được con à, bác Mười và cô Nguyệt hẹn hôm nay sẽ trả nợ nên ngày mai mẹ mới đi được.
    Tôi hỏi bằng một giọng giận dữ:
    - Mẹ có muốn con đi đòi tiền không? Mấy người đó lì nợ quá, mua không muốn trả mà cứ dặn đủ thứ.
    Mẹ cười:
    - Thôi để chiều mẹ ra chợ lấy, con khỏi phải đi.
    Tôi rất hãnh diện vì đòi nợ rất giỏi, tôi đến ai lấy tiền cho mẹ là tôi đã quyết định trong lòng: phải lấy được tiền tôi mới đi, vì thế cho nên các bạn hàng cuả mẹ rất ghét tôi. Tôi thương mẹ nên không cần chú ý những gì họ nghĩ về mình. Vì tôi lì như vậy cho nên khi mẹ đã sai đi tôi không bao giờ về tay không.
    Mẹ nói tiếp:
    - Hôm nay mẹ con mình vào rừng thông chơi Huyền Châu à.
    Tôi trố mắt nhìn mẹ ngạc nhiên:
    - Vào rừng thông chơi, còn em Thái có đi không hả mẹ?
    - Không, em còn nhỏ không vào rừng được đâu, con ra bếp ăn cơm rồi đi với mẹ.
    Tôi nhìn thấy mẹ đã mang giầy và mặt áo khoác ngoài, mẹ đã sửa soạn để vào rừng thông rồi. Một cái giỏ lát nằm dưới nền xi măng, tự nhiên đầu tôi vụt lên một ý nghĩ tôi nói nhanh:
    - Con biết rồi, mẹ con mình đi lượm trái thông phải không? Trái thông đun bếp rất tốt mà ít khói mẹ à.
    Mẹ cười:
    - Chúng ta vào rừng thông hái hoa đá. Hái hoa đá không mất nhiều thì giờ và không có gì nặng nhọc nên mẹ mới bảo với con là hôm nay mẹ con mình đi chơi.
    Tôi vẫn chưa hết thắc mắc:
    - Hoa đá là hoa gì hả mẹ, tại sao phải hái nó hôm nay. Trong vườn có hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa bách nhật, bộ mẹ không thích sao?
    Mẹ trả lời:
    - Mẹ hái hoa đá để mang về Sàigon, những người bán hoa ở chợ Bến Thành dặn mẹ.
    À ra thế. Người ta cần mua hoa đá, mà hoa đá là hoa gì nhỉ? Nghe cái tên thật lạ lùng.
    Mẹ con tôi theo con đường mòn vào rừng thông, con đường tuyệt đẹp và ấm áp nắng buổi sáng muà hạ. Loài ve núi kêu ran khắp mọi nơi khi bổng, khi trầm. Mẹ nắm bàn tay tôi, tay mẹ ấm và mềm truyền cho tôi cảm giác hân hoan, sung sướng vô cùng.
    Tôi len lén nhìn mẹ, khuôn mặt người hồng hào vui tươi trái hẳn với vẻ đăm chiêu tư lự hằng ngày. Tóc mẹ dài xỏa ngang vai, hai mắt to thường hay có một nỗi buồn vương vấn nào đó. Mẹ kể ngày xưa đi học có nhiều người nhận xét rằng: mẹ có đôi mắt buồn, khuôn mặt đa sầu, đa cảm quá, hứa hẹn một cuộc đời bất an sau này. Đặc biệt hôm nay khi hai mẹ con đang thơ thẩn trong rừng thông tôi thấy mắt người chẳng buồn tí nào mà lại long lanh tươi sáng mới là lạ. Tôi bất chợt hỏi mẹ:
    - Mẹ thích đi dạo trong rừng lắm phải không?
    Mẹ gật đầu:
    - Đúng vậy, còn con thì sao?
    - Con chỉ thích đi với mẹ thôi, đâu cũng được.
    Tôi bắt đầu hỏi mẹ về chuyện hoa đá:
    - Sao mẹ biết trong đây có hoa đá, hoa đá nó như thế nào hả mẹ?
    Mẹ giải thích cho tôi:
    - Ngày xưa, lúc còn đi học mẹ hay có những cuộc picnic với bạn bè cùng lớp, cùng trường. Trong rừng có nhiều loài cây và hoa rất đẹp mà mình chưa bao giờ biết. Mẹ đã thấy hoa đá, đó là loại cây màu xanh thẫm chỉ mọc trong những khe đá. Người ta gọi là hoa vì loại cây này rất đẹp, thân cứng có những nhánh, những lá nhỏ uốn cong thành hoa văn cân đối, nhịp nhàng như một loài hoa lạ xanh biếc. Người ta cắm hoa đá xen kẽ với hoa hồng, hoa cúc để tăng thêm vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ của những loại hoa này.
    Tôi hỏi:
    - Sao người ta không trồng hoa đá hả mẹ?
    - Không ai trồng hoa đá cả, đó là một loại cây chỉ mọc trên đá và những vùng rừng rú hoang vu. Hôm về Sàigòn đi qua hàng hoa thấy họ bày hoa đá, mẹ hỏi những bà bán hoa thì người nào cũng cần mua cả cho nên hôm nay mẹ con mình mới đi tìm hoa đá. Mặt hàng này không phải bỏ vốn mà qua các trạm thuế cũng không bị làm khó dễ, chỉ cần vài bó hoa là mẹ có thể đủ tiền trả vé xe.
    Bây giờ tôi đã hiểu vì sao phải vào rừng với mẹ. Trên đường đi chúng tôi thỉnh thoảng gặp những ngưòi quen trong xóm đi kiếm củi, tôi cũng gặp những đứa bé trai học cùng trường khệ nệ búa rìu và mớ củi nặng trên đôi vai bé nhỏ. Mẹ luôn miệng nói: tội nghiệp. Tôi thì nghĩ rằng ai cũng tội nghiệp cả vì mọi người đều nghèo khổ như mẹ con tôi, nhưng chắc chắn rằng không ai đi tìm hoa đá như chúng tôi. Đó là điều bí mật, tôi thấy thích thú với ý nghĩ này nhưng chẳng hề nói ra với mẹ.
    Khi đến một đoạn đường có nhiều vách đá ở phía trong mẹ chỉ tay:
    - Chúng ta hãy rẽ vào chỗ kia, đó là nơi hoa đá mọc.
    Tôi buớc theo mẹ, khi đến gần chân vách đá mẹ chăm chú nhìn quanh một lát rồi nói thật to một cách vui mừng:
    - Ồ đây rồi, nhiều hoa đá quá!
    Tôi háo hức hỏi mẹ:
    - Đâu, hoa đá ở đâu?
    Mẹ chỉ cho tôi những loài cây xanh thẫm mọc xen kẽ trong vùng đá trắng. Tôi reo lên một cách kinh ngạc, vì hoa đá thật đẹp trên sức tưởng tượng của tôi. Những thân cây và lá cứng cáp, nhip nhàng, cân đối uốn cong thành hình những móc câu đều đặn như có bàn tay xếp đặt của một nghệ sĩ nào đó. Hoa mọc chi chít, mạnh mẽ vượt thẳng trên những khe đá trắng xám trơn bóng. Một mùi thơm dịu dàng, tinh khiết thoang thoảng trong không gian. Hương của núi rừng hay hương thơm của loài hoa đá. Hạnh phúc bất chợt nào đó như một cánh bướm mong manh đáp nhẹ trên mái tóc tôi- đứa bé gái lên mười.
    Tôi cười thật to, lòng vui như mở hội, say sưa hái những cành hoa đá và tôi quay sang nhìn mẹ. Tôi vô cùng ngạc nhiên và sung sướng khi thấy người cũng hạnh phúc như tôi. Môi mẹ nở nụ cười thật tươi, thoáng u buồn trong đôi mắt bay đi đâu mất, tóc mẹ phất phơ, dịu dàng trong gió và bàn tay thoăn thoắt trong những cây hoa xinh tươi, mạnh mẽ vươn lên trong một góc rừng cô quạnh.
    Tôi vừa hái hoa vừa nói chuyện với mẹ:
    - Loài hoa này mạnh quá mẹ nhỉ? Chúng có thể mọc cả trên đá, chúng hút nước ở đâu mà nuôi cây hả mẹ?
    Mẹ trả lời:
    - Giữa những khe đá vẫn có đất và nước có thể nuôi được hoa đá, vì sống trong một môi trường eo hẹp như vậy nên loài hoa này mang một vẻ cứng cáp, mạnh mẽ hơn những loài hoa khác. Con có nhận thấy như thế không?
    Tôi gật đầu:
    - Dạ, đúng rồi mẹ ạ!
    Mẹ nói tiếp:
    - Hoa cũng như người thôi. Nếu sống trong một hoàn cảnh khó khăn con người sẽ được tôi luyện thành một người có bản lãnh, khôn khéo và dễ thành công ở cuộc đời hơn những kẻ khác. Con hiểu không?
    Tôi trả lời mẹ rằng tôi hiểu mà thật ra tôi không hiểu rõ lắm những gì mẹ đang nói với tôi. Mẹ luôn luôn nghĩ rằng tôi là một nguời lớn dù rằng tôi mới lên mười, dù sao tôi cũng rất lấy làm hãnh diện được mẹ trò chuyện, tâm sự nhất là ở một buổi sáng tuyệt vời trong rừng như sáng hôm nay.
    Sau khi đã hái đầy giỏ hoa đá, mẹ con tôi ra ngồi nghỉ trên một ngọn đồi thấp. Nhìn xuống thung lũng ngút ngàn thông xanh bên dưới, lòng tôi ngập tràn niềm hân hoan, hạnh phúc. Gió ào ào qua đồi đôi lúc làm tôi ngạt thở, nhưng chỉ vài giây cảm giác ấy tan biến đi chỉ lưu lại trong tôi sự sảng khoái, thích thú lạ lùng và chờ đợi cơn gió kế tiếp. Giọng tôi lạc đi trong tiếng gió vi vu, ào ạt trên đồi:
    - Mát quá mẹ nhỉ?
    Mẹ nói thật to như muốn át cả tiếng gió:
    - Ở đây đẹp quá, thiên nhiên thật là một điều kỳ diệu mà đấng tạo hóa đã ban cho con người đó con. Đời con người cũng có nhiều lúc buồn đau, cũng có những lúc hạnh phúc. Hạnh phúc đến thật bất chợt trong một giây phút không ngờ như nó đã đến với mẹ sáng hôm nay và cho con nữa phải không?
    Tôi gật đầu nhưng một thoáng tôi cảm thấy có một nỗi đau trong trái tim bé nhỏ của mình, tôi nghĩ đến ngày mai mẹ sẽ đi Sàigòn, tôi phải xa mẹ ba ngày. Tôi luôn ước ao được sống gần mẹ trong tất cả mọi ngày, tôi buột miệng nói lên ý nghĩ ấy:
    - Mai mẹ đi rồi, buồn lắm, con chỉ muốn mẹ ở nhà với con thôi!
    Mẹ mỉm cười an ủi:
    - Mẹ không đi buôn bán lấy tiền đâu mà lo cho hai con, nhà mình nghèo lắm con à!
    Tôi trả lời mạnh dạn:
    - Con biết chứ, lớn lên làm ra tiền con sẽ không cho mẹ đi buôn đâu. Mẹ đi sớm khổ lắm, trời lạnh và buồn nữa.
    - Mẹ cũng chẳng muốn đi xa các con, nhưng mẹ không có sự lựa chọn nào cả.
    Tôi bỗng nói thẳng với mẹ điều ôm ôm ấp bấy lâu nay trong lòng:
    - Con muốn đi Mỹ, ở bên đó sung sướng lắm, người ta đi xe hơi, ăn bơ, ăn sữa, ăn bánh mì, mặc áo quần đẹp và ở nhà sang!
    Mẹ trố mắt nhìn tôi, mẹ hơi bất ngờ vì câu nói của tôi rồi đôi mắt chợt xa vắng:
    - Ai cũng thích đi Mỹ cả, nhưng làm sao để đi được mới là điều khó đây.
    Tôi nhớ có lần tôi đã đem điều này nói với bà ngoại thì bà khuyên tôi rằng: Thôi đừng mơ tưởng cao xa nữa con ạ, mình không thể nào đi Mỹ được đâu vì ông bà ngoại nghèo, mẹ con cũng nghèo, cha mầy thì bỏ đi biền biệt. Mẹ con lo cho hai đứa bây được ngày hai bữa cơm là tốt rồi, đừng mơ tưởng ảo huyền, lo mà học hành cho mẹ vui là tốt rồi con ạ.
    Lời khuyên của bà ngoại đã dập tan hy vọng bé nhỏ của tôi, nhưng tôi vẫn thấy ấm ức làm sao ấy. Tôi giận ngoại dù tôi biết giận như thế là sai, bà ngoại đã nói đúng sự thật về hoàn cảnh gia đình tôi.
    Tôi nhìn mẹ rồi nói một cách quả quyết:
    - Nếu con đi Mỹ được mẹ sẽ khỏi đi buôn trong buổi sáng trời lạnh, con sẽ lái xe chở mẹ đi chơi và con sẽ mua cho mẹ một ngôi nhà có lầu. Ngôi nhà sẽ có vườn để mẹ trồng hoa hồng và hoa tím. Con sẽ mua áo quần đẹp, mua son phấn cho mẹ, bởi vì con rất thương mẹ, con không muốn mẹ khổ đâu!
    Tôi nói với mẹ hết những ý nghĩ vương vấn trong đầu và tôi khóc khi nói ra những điều đó. Tôi không xấu hổ khi nói ra những ước mơ quá to tác của mình vì tôi nghĩ mẹ sẽ không bao giờ cười và nhất là mẹ sẽ không dập tắt một cách phủ phàng những hy vọng đang lóe lên trong tôi như bà ngoại đã làm. Tôi nói tiếp khi nước mắt đã tràn đầy trên khuôn mặt:
    - Con đã nói với bà ngoại những điều này và ngoại khuyên con đừng mơ ước cao sang. Khi người ta nghèo người ta không có quyền mơ ước hay sao mẹ?
    Nói đến chữ “nghèo” tôi cảm thấy tủi thân nên khóc òa lên. Nghèo! nghèo,!nghèo! … Ôi sao mà khủng khiếp quá, nghèo như một ám ảnh tàn nhẫn, đau đớn, ma quái đè nặng trên tuổi thơ cuả tôi. Tôi muốn chạy trốn mà sao nó cứ lởn vởn và nhắc nhở tôi rằng: tôi là một đứa bé con nhà nghèo. Và tôi không có quyền hy vọng hay mơ ước gì cả.
    Mẹ ôm chầm lấy tôi, tôi cảm thấy hơi ấm và mùi thơm thân thuộc của người phủ đầy trên thân thể bé nhỏ tôi và nước mắt cuả người hòa lẫn với nước mắt tôi. Cả bầu trời thương yêu, đôn hậu, dịu dàng bao trùm lấy đầu óc, ý tưởng và cuộc đời tôi trong giây phút ấy. Giây phút đó, tôi không thể nào quên được trong suốt cuộc hành trình dài của mình, cuộc hành trình tên gọi “cuộc đời” với tất cả những hạnh phúc hay bất hạnh của nó. Không, tôi không thể nào quên!
    Khi qua cơn xúc động, mẹ lau nước mắt cho tôi và người nói thật dịu dàng, thật đằm thắm:
    - Không ai có quyền cấm mơ ước cuả người khác, nhưng đừng trách bà ngoại, bà già rồi với những thiệt thòi, đau buồn khắc nghiệt sau lưng và trước mặt. Chính mẹ cũng chẳng làm cho bà vui khi tuổi đã gần đất xa trời. Con còn rất bé để hiểu thế nào là cuộc tang thương của đất nước trong cơn biến loạn. Tuy nhiên mơ ước nào cũng có thể thành sự thật và cần nhất là chúng ta phải biết nuôi dưỡng, vun bồi mơ ước đó.
    Mẹ mỉm cười nhìn tôi âu yếm:
    - Làm sao ai có thể nói được về ngày mai của mình, con tin mẹ đi rồi mơ ước cuả con sẽ thành sự thật. Năm năm, mười năm sau biết đâu con sẽ có mặt trên nưóc Mỹ, ai mà biết được tương lai phải không con? Mẹ sẽ nhớ mãi buổi sáng hôm nay, trên ngọn đồi này, trong khu rừng thông này, con đã nói với mẹ về niềm ước mơ của con. Và có một điều rất lạ là chính con và mơ ước của con đã thắp sáng trong mẹ ngọn lửa ấm cúng, hy vọng huyền diệu mà mẹ đã bỏ đâu mất trong giòng đời lận đận của mình. Mẹ con ta sẽ nhớ mãi buổi sáng hôm nay con nhé. Một buổi sáng mai thật là hạnh phúc cuả mẹ con nhà lọ lem. Con là một đứa con gái rất cứng cỏi, thẳng thắn và chăm chỉ mẹ tin rằng con sẽ thành công trong cuộc đời.

    Tất cả ước mơ sẽ thành sự thật, như loài hoa đá mọc trên vùng đá sỏi cô đơn. Hoa đá dã giúp mẹ kiếm được một số tiền nhỏ nhoi trong những lần đi Sàigòn. Tuổi thiếu thời của tôi đã đi qua những buổi sớm mai nằm ôm em Thái như một nguời mẹ nhỏ ôm con trong chăn. Sự thiếu hụt, eo hẹp trong đời sống vật chất luôn luôn đè nặng trên đôi vai bé nhỏ của mẹ con tôi. Tôi luôn vâng lời mẹ cố gắng học hành hơn là rong chơi như những đứa trẻ khác.
    Tám năm sau, tôi rời khỏi Việt Nam trên một chuyến máy bay đáp xuống Chicago. Giấc mơ Mỹ Quốc của con bé nhà nghèo ngày xưa đã thành sự thật và tôi đã dễ dàng thực hiện được hết những điều tôi hứa với mẹ ngày trước.
    Sự thật đất Mỹ không phải là một thiên đàng như trong ý nghĩ và mơ ước của cô bé lên mười ngày ấy. Tuy nhiên nước Mỹ đã cho tôi những cơ hội để hoàn thành những lời hứa của một đứa con đối với mẹ mình trên ngọn đồi thông ở một buổi sáng xa xưa trong thành phố quê hương. Những ước mơ tưởng như quá tầm tay với mà thật ra lại quá tầm thường ở nơi đây. Tôi có nhiều điều kiện để học hỏi, thành đạt và lo cho mẹ, cho em trên nước Mỹ. Ở đây, sự thật là những sự nghèo đói không còn trĩu nặng trên vai nữa, chúng tôi không còn những đêm xa mẹ.

    Tôi cũng không bao giờ trông thấy hoa đá nữa và cũng chẳng ai biết đến loài hoa ấy, tôi gọi đó là sự bí mật thú vị giữa tôi và mẹ. Một sự bí mật rất ngọt ngào dễ thương pha một chút vị mặn của nước mắt. Và tôi như loài hoa đá đã ngạo nghễ mọc trong vùng đất đá quạnh hiu, cằn cổi. Mẹ luôn luôn nói: tôi là một người con gái cứng cỏi, không bao giờ biết đầu hàng trước nghịch cảnh nhưng mẹ đâu biết rằng tôi rất là yếu đuối đối với mẹ, với nước mắt của người.
    Một lần tôi nói với mẹ rằng:
    - Hình như trên đời này không có ai biết đến loài hoa đá và chẳng có ai đi tìm hoa đá mẹ nhỉ? Đó là câu chuyện bí mật của mẹ con mình phải không mẹ?
    Mẹ nhìn tôi rồi cười dịu dàng:
    - Trên đời này đâu có gì là bí mật tuyệt đối. Ngày đó mẹ đã thấy hoa đá bày bán trong các hàng hoa và không có ai trồng hoa đá cả.
    Tôi ngẩn người ra không hiểu mẹ muốn nói gì, trong khi tôi ngơ ngác cố tìm hiểu ý nghĩa lời nói của người thì mẹ từ tốn giải thích cho tôi:
    - Có nghĩa là cũng có nhiều người vào rừng núi để tìm hoa đá trước mẹ con mình. Họ là ai, với những hoàn cảnh như thế nào làm sao ta biết được. Những ước mơ, hoài vọng của họ cũng chẳng ai hay, và sau chúng ta vẫn có những người tiếp tục đi tìm hoa đá, có phải thế hay không?
    Hy vọng của con người không ai dập tắt được bao giờ! Không ai có quyền cả!
    Mẹ nói đúng!


    MIMOSA PHƯƠNG VINH
    Last edited by khongquan2; 02-04-2014, 04:36 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X