Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Con sẽ về trong đêm Giáng Sinh

Collapse
X

Con sẽ về trong đêm Giáng Sinh

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Con sẽ về trong đêm Giáng Sinh

    Con sẽ về trong đêm Giáng Sinh

    Tác Giả Việt Phương

    Nguyễn được tin sẽ cho về phép thăm gia đình nhân mùa Giáng Sinh năm nay. Lòng anh vô cùng phấn khích. Anh thầm tính. Có lẽ đây là năm cuối cùng anh phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ. Sang năm anh sẽ được giải ngũ và trở về để tiếp tục con đường học vấn của mình. Nguyễn nhớ, ngày anh quyết định tham gia quân đội, bố mẹ phản đối dữ dội. Nhất là mẹ. Mẹ khóc như mưa bão, vì không muốn đứa con trai duy nhất của mẹ phải đi vào gian khổ. Mẹ bực dọc. Không hiểu Nguyễn nghĩ cái quái quỷ gì trong đầu. Thiếu gì con đường để đi, nhưng sao lại phải chọn con đường chông gai. Càng nghĩ, mẹ càng ấm ức. Càng ấm ức, mẹ càng khóc. Nhưng nước mắt của mẹ không là thứ vũ khí lợi hại để khuynh đảo lòng Nguyễn. Có lẽ nó là thứ vũ khí mạnh mẽ đối với bố nhiều hơn. Anh cũng mềm lòng dưới nước mắt của mẹ, nhưng không vì thế khiến anh thay đổi quyết định. Mẹ kiếm cớ hoãn binh:

    “Con xong bốn năm đại học rồi đi lính cũng không muộn mà.”

    Nguyễn lắc đầu:

    “Mẹ cho con đi lính, vài năm sau con trở về để tiếp tục học hành. Con hứa với mẹ, ít nhất, con cũng phải lấy bằng master về cho mẹ.”

    “Tại sao con lại tính ngược như thế nhỉ?”

    “Không phải ngược đâu mẹ. Nếu cứ tiếp tục đi học thì con đã già rồi. Đi lính không nổi đâu?”

    “Con định ở trong trường bao lâu, 10 năm, 20 mươi năm? Con mới 20. Còn 2 năm nữa là con xong 4 năm đại học. Lúc đó con chỉ 22 tuổi mà thôi. Bài toán đơn giản như thế mà con không biết tính à?”

    Nguyễn cãi:

    “Con biết tánh mẹ, con ra trường. Mẹ vẫn chưa hài lòng, mẹ sẽ bắt con học tiếp...”

    Mẹ Nguyễn trừng mắt nhìn con:

    “Mẹ thấy điểm G.P.A. của con được 3.8, đang ngon trớn tại sao con lại drop-out, bỏ học giữa chừng. Mẹ không hiểu?”

    Nguyễn nói nhỏ:

    “Mẹ không hiểu là phải. Có cái gì thôi thúc trong lòng con. Nó là ước mơ của con mà mẹ.”

    Mẹ Nguyễn khoát tay:

    “O.K. Mẹ hứa với con. Xong 4 năm đại học con muốn đi lính thì đi, sau đó về... học tiếp cho mẹ... “

    Nguyễn cắt ngang:

    “Đó! Mẹ thấy chưa, mẹ vẫn muốn con học cao lên nữa... Nhưng không sao. Sau khi đi lính về, con sẽ đi học theo ý mẹ.”

    Mẹ Nguyễn nói như gào:

    “Cả bố và mẹ đều có 4 năm đại học, không lẽ con còn thua cả bố mẹ sao? Đi lính về thì đầu óc đâu mà học nữa. Mẹ đã chứng kiến chiến tranh của Việt Nam. Mẹ đã coi phim “Casualties Of War” do Michael J. Fox và Sean Penn đóng lúc xưa, mẹ rất sợ. Con hiểu không. Mẹ rất sợ.”

    Rồi mẹ Nguyễn òa khóc. Nguyễn ôm lấy vai mẹ vỗ về:

    “Chuyện phim ảnh mà mẹ. Nhưng không phải là dễ đâu mẹ. Mấy đứa bạn của con, ngay cả bạn Mỹ mà vẫn không được tuyển chọn vì thể lực đấy mẹ à. Họ yêu cầu cao lắm đó. Hơn nữa ai nói vào quân đội không được tiếp tục học. Trái lại còn có rất nhiều cơ hội và “benefits” nữa.”

    Bố Nguyễn không nói lời nào. Con đã lớn, ông không muốn can dự nhiều vào đời sống của con. Ông đã từng là thanh niên, từng có lý tưởng và một bầu nhiệt huyết. Nói ra chắc vợ ông không hiểu. Nhưng Nguyễn là tất cả của vợ chồng ông. Mẹ Nguyễn sanh Nguyễn khi bà đã ba mươi bảy tuổi. Và ông lúc ấy cũng đã bốn mươi hai. Tuy không nói ra, nhưng trong tâm ông cũng muốn vợ mình thuyết phục được Nguyễn, để con tối ngày cận kề. Mẹ Nguyễn cưng con như trứng mỏng mà quên rằng con trai mình đã lớn, đã có những suy nghĩ riêng. Nhưng bà không cam lòng. Bà đã được sinh ra trong cuộc chiến Việt Nam, đau thương chết chóc vẫn còn in đậm trong trí bà. Chiến tranh đối với bà là cả một địa ngục. Thoát khỏi cuộc chiến, chạy bán mạng qua Mỹ, nay con mình lại muốn lao vào một cuộc chiến khác. Cuộc chiến chẳng có dính dấp gì tới người Việt của mình. Bố Nguyễn thì lại nghĩ khác. Con mình có lý tưởng của nó. Lý tưởng bảo vệ cho tự do. Ngày xưa ông ở lứa tuổi sinh viên, chưa có dịp khoác áo chinh y thì gãy gánh giữa đàng. Nay lý tưởng đó, con ông thay ông thực hiện thì âu đó cũng do số phận an bài.

    o O o

    Thế là Nguyễn được tuyển vào lính bộ binh và được đưa tới Fort Benning, tiểu bang Georgia để được huấn luyện. Trước ngày đi, Nguyễn không nói lời nào. Trong lòng anh rất buồn vì phải xa bố mẹ, xa gia đình. Nhưng anh nghĩ mình nên làm những gì mình muốn để sau này khỏi phải ân hận. Đó có thể là tư tưởng mà bố Nguyễn đã gieo vào đầu Nguyễn những lúc Nguyễn còn bé thơ. Bố bảo có rất nhiều điều bố muốn làm những lúc còn trẻ, còn thanh xuân, nhưng chưa thực hiện được thì đã thấy thời gian vun vút qua. Thấy mình đã già. “Con ơi! Việc gì làm được hôm nay, chớ để đến ngày mai”. Nguyễn nhớ lời nói ấy của bố. Anh thầm hứa, sau khi giải ngũ, sẽ tiếp tục học hành cho đến khi bố mẹ hài lòng. Anh vốn biết người Việt Nam lúc nào cũng coi trọng việc học.

    Một năm sau, Nguyễn được chỉ định đến “3rd Brigade Combat Team, 101St Airborne Division” tại Fort Campbell, tiểu bang Kentucky. Sau đó, Nguyễn tình nguyện vào “Special Forces Assessment and Selection”. Sau khi tốt nghiệp từ “Special Forces Qualification Course” ở Camp Williams, tiểu bang Utah, anh được chỉ định vào 7th Specials Forces Group”.

    Rồi Nguyễn được chuyển đến Kandahar ở Afghanistan. Chưa tới Giáng Sinh, anh đã nhận được quà của mẹ. Đây là Giáng Sinh đầu tiên ở Afghanistan, khiến anh có nhiều xúc cảm. Trong thư, mẹ anh cứ luyến tiếc mãi. Chỉ còn 2 năm nữa là ra trường, tương lai xán lạn trước mắt, không chịu, lại đi lính làm chi cho khổ tấm thân. Con khổ mà bố mẹ cũng khổ. Mẹ nhớ con quá. Dan ạ. Dầu con đi lính Mỹ nhưng con phải nhớ con là người Việt Nam. Không phải tên của con bố mẹ đặt là Nguyễn Việt Dân đó sao? Rồi lại là Dan Nguyen. Rồi lại là Nguyễn. Cuối cùng chỉ còn lại “last name” của con mà thôi. Mr. Nguyen. “Infantryman” của mẹ... Thư của mẹ khiến Nguyễn thao thức mãi.

    Trong gói quà Giáng Sinh mẹ gửi cho anh, anh thích nhất là 2 CDs, một là “Christmas Wishes”, gồm nhiều ca sĩ, và CD khác có tên là “Phantom” với tên ca sĩ anh nghe rất lạ tai: Tara Elisha. Mẹ anh thật khéo chọn. Mẹ biết anh thích bài “I’ll be home for Christmas” nên cố tình mua CD này gửi qua cho anh. Anh mê nhạc, mẹ anh cũng thế. Mẹ anh thích ca khúc “I’ll be home for Christmas” với giọng hát “original” của Bing Crosby được thâu âm năm 1943. Bố anh thì thích Frank Sinatra. Riêng anh, không hiểu sao anh lại thích chất giọng thật thà “đồng quê” của Glen Campell khi ông hát bài này. Bài hát được Glen Campbell thâu âm năm 1968, nghe rúng động tâm can. Biết ý anh, mẹ anh đã lựa trúng bài hát Campbell thâu năm 1968 cho anh. Vì có lần anh nói với mẹ, sau này Glen Campbell có thâu bài “I’ll be home for Christmas”, với lối hòa âm khác, và cách hát không bằng bài ông thâu năm 1968. Mẹ anh nói anh thật là “picky”. Nghe nhạc mà cũng so đo từng chút, thì cũng Glen Campell hát mà thôi. Anh nói khác chứ mẹ. Con thấy trong xe mẹ có nhiều cuốn CDs của Thái Thanh. Không phải mẹ nói với con là mẹ thích giọng hát của Thái Thanh trước năm 1975 hơn là sau này ở hải ngoại sao? Mẹ anh chỉ nói nhỏ. Ừ nhỉ, mẹ nhớ mẹ có nói với con. Nguyễn tựa đầu vào vai mẹ, làm bộ nhõng nhẽo.Thế thì mẹ và con cũng “picky” như nhau, mẹ nhỉ? Mẹ Nguyễn cười xòa mắng yêu. Cha mày. Láu cá. Nguyễn và mẹ gần nhau chỗ ấy. Mẹ không có con gái, cứ bám vào mỗi thằng con trai duy nhất. Đi chợ cũng Dan ơi. Thậm chí đi “shopping” cũng Dan ơi. Bố anh đến nỗi phải thốt lên tiếng than. Dan ơi, Dan hỡi mãi, ra đường người ta tưởng bà đi với kép nhí đó. Mẹ anh thích thú. Ôi! Tưởng gì. Càng tốt chứ sao? Phải không Dan. Anh cười. Bố ghen rồi đó mẹ ạ...

    Nguyễn tò mò mở CD “Phantom” của Tara Elisha ra nghe trước, vì mẹ “quảng cáo” trong thư rất rõ. Mẹ rất thích bài hát “Christmas in Kandahar” nơi con đang đóng quân. Mẹ nghĩ con cũng thích bài này, vì ca từ rất hay, âm điệu cũng lôi cuốn người nghe. Đúng vậy. Bài hát làm anh rưng rưng muốn khóc trong buổi chiều võ vàng: “Oh the white dust on the highway, oh the stenches in the byway. Oh the clammy fog that hovers. While at home they’re making merry’neath the white and scarlet berry. What part’s Afghanistan’s exile in their mirth...” Nguyễn không thể kềm giữ nước mắt trong phần điệp khúc, Tara Elisha hát như than. Giọng huyền hoặc âm sắc đông phương: “High noon behind the tamricks the sun is hot above us, while at home the Christmas day is breaking wane. They will drink our health at dinner, those who tell us how they love us, and forget us’ till another year be gone...” . Mẹ Nguyễn nhấn mạnh trong thư. Bố mẹ không bao giờ “forget” con như lời trong bản nhạc đâu. Bố mẹ nhớ con từng giây từng phút, con ạ. Nguyễn ngước mặt nhìn trời. Mẹ thật hiểu con hơn ai hết. Mẹ ơi. Anh thầm cảm ơn tâm tư của mẹ qua gói quà Giáng Sinh đầu tiên tha hương. Nước mắt ràn rụa trên mặt anh. Bóng tối phủ dày thị trấn buồn hiu. Những ánh sao mờ dần trong đêm sa mạc ở Afghanistan.

    Khi hàng cây Thủy Sam dẫn vào nhà bố mẹ Nguyễn lá đã bắt đầu đổi thành màu đỏ rực rỡ, là lúc bố mẹ Nguyễn bắt đầu lên đèn Giáng Sinh trước sân nhà. Giáng Sinh năm này có Dan về, không rềnh rang làm sao được. Lẽ ra phải làm một cái “surprise”, như người Mỹ thường làm. Nhưng Nguyễn muốn bố mẹ được mừng rỡ sớm hơn nên đã báo cho bố mẹ biết trước ngày về. Mới sáng sớm, mẹ đã thức bố dậy. Lục tục khiêng mấy thùng trang trí Giáng Sinh từ rầm thượng xuống. Mấy năm qua, Nguyễn không về nhà nên bố mẹ anh cũng không màng đến chuyện đèn đuốc, tiệc tùng.

    Việc đầu tiên, mẹ Nguyễn máng hàng chữ “Welcome Home” trước cửa ra vào trên nhánh “mistletoe” xanh tươi được mẹ thắt lại bằng chiếc nơ đỏ thật khéo tay.

    Bố Nguyễn loay hoay ngoài sân với những con nai ngơ ngác và những dây đèn chạy quanh lối đi dẫn vào nhà. Trong khi ở phòng gia đình, bên cạnh lò sưởi, mẹ Nguyễn đang trang trí cho cây Giáng Sinh. Bà bồi hồi mở hộp “ornaments” yêu quý nhất của bà. Xúc động ngắm từng vật trang trí có hình Nguyễn từ “kindergarten” cho tới lớp 6, mỗi năm bà làm một cái. Đến lớp 7, Nguyễn nói Nguyễn đã lớn, không cho mẹ làm nữa. Bà trịnh trọng máng từng cái lên. Mỗi cái mang nặng một nhớ thương. Bà chép miệng: “Mới ngày nào”. Rồi thở dài, thườn thượt.

    Bấy giờ là lễ Thanksgiving. Còn một tháng nữa mới đến Giáng Sinh mà trong lòng bố mẹ Nguyễn đã nôn nóng lạ lùng. Bố Nguyễn tuy không nói ra nhưng mẹ Nguyễn đọc được những suy nghĩ của ông như được “copy” từ đầu bà rồi “paste” lên ấy. Thỉnh thoảng bà ngừng tay, hướng mắt ra sân nhà xem ông đang lui cui mắc đèn. Bà mỉm cười hạnh phúc.

    Tối hôm đó, tuyết rơi sớm hơn mọi năm. Sau khi dùng bữa ăn chiều. Bố mẹ Nguyễn ngồi bên nhau cạnh lò sưởi, nhìn cây Giáng Sinh mẹ Nguyễn bỏ công cả buổi để trang hoàng. Những ánh đèn nhấp nháy trên cây làm mẹ Nguyễn nhớ đến đôi mắt tinh nghịch của Nguyễn mỗi lần trêu mẹ. Ôi đôi mắt có những tia sáng tin yêu. Bà quay qua chồng:

    “Không biết giờ này con nó đang làm gì bên Afghanistan mình nhỉ?”

    o O o

    Trong khi đó ở Afghanistan, đơn vị của Nguyễn đang đi tuần tra ở khu vực Panjwai thuộc tỉnh Kandahar. Địa danh bụi trắng bay mờ không gian. Chiều úa vàng màu nắng. Chiếc xe quân đội tốc bụi lên trời. Người dân Afghanistan quần áo phủ từ đầu đến chân trông rất bí hiểm và tù túng giữa cơn nắng sa mạc cuối tháng 11 trong ngày Lễ Tạ Ơn bên Hoa Kỳ. Chốc nữa đây, khi trở về căn cứ. Nguyễn và các bạn đồng đội cũng có một bữa tiệc Tạ Ơn nho nhỏ. Năm nào cũng thế. Chiến tranh không vì ngày lễ mà ngưng tiếng súng. Nguyễn nhớ tới bố mẹ thật nhiều. Đã bao mùa Lễ Tạ Ơn trôi qua, anh không hưởng được mái ấm gia đình với không khí thiêng liêng, ấm áp trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm thuở ấu thời. Căn nhà nho nhỏ, xinh xắn mà bố mẹ Nguyễn không bao giờ có ý định bán nó, dù đôi lúc phải đổi chỗ làm. Căn nhà anh đã được sinh ra, đến trường. Từ tiểu học, và trung học, rồi trường đại học cũng gần đó. Tiện lợi và đầy dấu ấn. Nó ghi dấu cả một quãng đời hoa mộng của Nguyễn. Anh chỉ ao ước có thêm một người em - trai hay gái gì cũng tốt cả - để những lúc anh không có nhà như thế này thì bố mẹ đỡ nhớ thương và căn nhà sẽ bớt phần quạnh vắng.

    Không biết giờ này bố mẹ đang làm gì nhỉ? Nguyễn nghĩ về bố mẹ, như bố mẹ anh cũng đang nghĩ về anh. Có thể là thần giao cách cảm. Jimmy, người bạn bên cạnh khều tay Nguyễn:

    “Sướng nhé. Giáng Sinh năm nay mày có mặt ở nhà rồi.”

    Anh mỉm cười sung sướng. Hỏi:

    “Mày còn nhớ bản nhạc “I’ll be home for Christmas” không?

    Jimmy cười:

    “Người Mỹ nào lại không biết. Mày thích ai hát. Tao thích Elvis Presley hát bài này lắm.”

    John xen vào:

    “Tao lại thích Carpenters hát bài này.”

    Nguyễn cười, một ca khúc được quá nhiều danh ca Hoa Kỳ trình bày, thảo nào ai cũng biết. Nguyễn hỏi:

    “Thế chúng mày có biết ai viết bài này không?”

    Jimmy hất mặt:

    “Có ba người viết bài này lận. Đó là Kim Gannon, Walter Kent và Buck Ram.”

    John lại xen vào:

    “Nói đúng ra thì Kim Gannon viết lời, còn nhạc thì do Walter Kent và Buck Ram viết.”

    Quay qua Nguyễn, John hỏi:

    “Mày thích ai hát bài này?”

    Nguyễn nói, trong khi mắt nhìn xa xăm:

    “Glen Campbell.”

    Cả Jimmy và John cùng phá ra cười:

    “Country boy.”

    Nguyễn không nói, anh cất tiếng hát::

    “I’ll be home for christmas. You can plan on me. Please have snow and mistletoe. And presents on the tree.”

    Jimmy và John không cầm được cũng hát theo:

    “Christmas Eve will find me. Where the love light gleams. I’ ll be home for christmas. If only in my dreams.”

    Anh thấy đôi mắt John long lanh ngấn lệ. Ôi đôi mắt bi ve màu đại dương, khuôn mặt hai mốt, búng ra sữa. Nét đẹp thánh thiện như thiên thần. Còn Jimmy, người bạn mầu da “chocolate” ngọt lịm của anh cũng cúi mặt buồn buồn. Ba màu da: trắng, đen, vàng cùng nhau bảo vệ hòa bình trên thành phố bụi mù ở A Phú Hãn - một đất nước xa xôi, mịt mù thuộc Châu Á - đầy huyền bí và bất trắc.

    Bỗng, một tiếng nổ long trời. Xe tuần tra của Nguyễn bị tấn công bằng một loại bom tự chế. Chiếc xe bị hất tung lên không và lửa bốc cháy sau đó. Nguyễn không còn nhớ gì hết. Anh nghe văng vẳng trong không trung của buổi chiều tà, giọng Glen Campell não ruột: “I’ ll be home for christmas. If only in my dreams.”...

    o O o

    Nguyễn men theo lối đi đã lên đèn. Anh dừng lại trước cửa, nhìn vào bên trong. Căn nhà ấm áp với cây Giáng Sinh lung linh ánh đèn. Anh thấy bố mẹ đang ngồi co ro trên chiếc “sofa” cạnh lò sưởi. Dáng mẹ thật cô đơn. Mẹ ngắm không chán những “ornaments” có hình Nguyễn đang lung linh theo ánh đèn trên cây Giáng Sinh. Nguyễn thấy mẹ quá tiều tụy. Chỉ mấy năm không gặp mà mẹ đã già thấy rõ. Anh nhìn phòng “dinner”, thức ăn đã dọn sẵn với 3 phần chén đũa như chờ đợi anh về. Tiếng nhạc từ trong nhà phát ra, giọng Glen Campell vang mênh mông trong không gian, len lỏi vào trí óc anh: “I’ll be home for christmas. You can plan on me...”. Nguyễn trào nước mắt. Anh muốn chạy bay vào nhà, ôm cả bố lẫn mẹ bằng đôi tay dạn dày sương gió của mình. Anh hứa với bố mẹ từ nay anh sẽ không rời xa bố mẹ nữa. Anh sẽ trở lại trường. Sống bên cạnh bố mẹ với cuộc đời sinh viên.

    Anh đứng yên.Tim anh đau đến ngộp thở. Tuyết rơi trắng xóa lối đi. Anh muốn nhìn hình ảnh gia đình qua khung cửa kính lâu hơn, để chiêm nghiệm sự hạnh phúc khi anh được bước chân về nhà. Anh nhìn hàng chữ “Welcome Home”, lòng tần ngần chưa muốn bấm chuông. Chùm “mistletoe” được mẹ thắt nơ đỏ như đang mỉm cười với anh. Anh lặng nhìn bố mẹ. Cảm xúc nghẹn ngào khó tả. Anh đứng bất động. Rất lâu. Tuyết đã ngừng rơi. Đêm thắp sáng những vì sao mừng Chúa giáng trần. Bố anh vẫn đang cúi đầu trước tờ nhật báo, dù ông đã đọc xong từ lâu.

    Một cơn gió lùa qua, khua động tiếng phong linh trước hiên nhà. Cuối cùng, Nguyễn cũng bấm chuông. Nguyễn thấy bố anh giật mình. Ông ngơ ngác đứng dậy. Tờ nhật trình rơi xuống thảm in rõ tiêu đề: “Arlington Soldier Killed in Afghanistan.”

    VP
    Last edited by chieutim; 01-21-2014, 01:32 PM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X