Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hướng Dương Em Có Như Hoa - Hoàng Hải Thuỷ

Collapse
X

Hướng Dương Em Có Như Hoa - Hoàng Hải Thuỷ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hướng Dương Em Có Như Hoa - Hoàng Hải Thuỷ

    Hướng Dương Em Có Như Hoa


    Nhà thờ Tân Định



    Nhớ ơi, Tân Định, Bàn Cờ,
    Sài Gòn Em có bao giờ nhớ Anh?
    Anh đi, Em ở lại thành,
    Cái dzưa thì khú, cái hành thì thâm
    .
    Làm sao tôi không nhớ Tân Định cho được, tôi nhớ Tân Định đến những kiếp sau, kiếp sau, kiếp sau X 25.456.976.329.000. Ở đấy, ở Tân Định, ở đường Mayer Hiền Vương, năm tôi 24 tuổi — 1954 — tôi gặp TÌNH YÊU — TÌNH YÊU viết Hoa 7 chữ, Hoa cả dzấu Huyền, dzấu Mũ.
    Có những đêm tha hương — Kỳ Hoa Đất Trích — tôi không ngủ được, tôi nhớ lan man, nhớ loạn cào cào, tôi nhớ Tây Thi, tôi làm Thơ :

    Câu Tiễn ngồi trên ngai vàng,
    Có bao giờ nhớ đến Nàng — Tây Thi.
    Sang Ngô mờ vết xe đi.
    Cô Tô Đài có còn gì nữa đâu!
    Đêm tha hương, giấc ngủ sầu,
    Trong mơ xanh biếc một mầu Tây Thi!

    Mơ màng, tôi nhớ chuyện tình Truơng Chi-Mỵ Nương, qua lời thơ trong chuyện mẹ tôi kể cho tôi nghe những năm tôi bốn, năm tuổi, những đêm đông tôi nằm trong lòng mẹ tôi:

    Ngày xưa có anh Trương Chi,
    Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay.
    Cô Mỵ Nương vốn ở Lầu Tây,
    Con quan Thưà Tướng, ngày rầy cấm cung.
    Anh Trương Chi vốn ở dưới sông,
    Chèo đò ngang doc đêm đông dãi dầu.
    Đêm thanh vắng anh mới hát một câu,
    Gió đưa văng vẳng tới lầu cô Mỵ Nương.
    Cô Mỵ Nương nghe tiếng hát thì thương.
    Hồ trông thấy mặt anh chường lại chê.
    Anh Trương Chi tức giận ra về,
    Cắm sào cho chặt, anh mới thề một câu:
    - Kiếp này đã dở dang nhau,
    Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.

    Đêm khuya, đã đêm khuya mà còn là đêm thu, xứ người — xứ người thật sự xứ người, không phải cái xứ người quanh quẩn trong nước Nam như xứ người Vuờn Thanh, xứ người Nam Kỳ, xứ người Phủ Ly, xứ người Phủ Lạng Thương của các ông Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương tám, chín chục năm xưa; xứ người của tôi ở tận bên kia biển lớn — đêm khuya không ngủ được tôi xúc động vì mối tình của anh Lái Đò Trương Chi.
    Chuyện tình Trương Chi-Mỵ Nương 100/100 là chuyện Tình Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao trách cô Mỵ Nương “Trách ai khinh nghèo quên nhau..” là không đúng. Cô Mỵ Nương không chê anh Trương Chi vì anh Trương Chi nghèo, cô là con quan Tể Tướng, cô cần lấy chồng giầu làm chi, cô mê tiếng hát của anh nhưng cô không thể yêu con người anh được, anh xấu trai quá. Anh Trương Chi tưởng cô Mỵ Nương yêu tiếng hát của anh là tự nhiên, tất nhiên cô yêu cả con người anh, cô phải là vợ anh, anh phải là chồng cô. Anh chết là chết oan thôi. Chuyện anh mơ kiếp sau trở lại dương trần, anh sẽ ô-tô-ma-tít vợ chồng với cô là không thể có.
    Tôi thương anh, thương những người yêu mà không lấy được người yêu làm vợ trên cõi đời này, tôi mần thơ:

    - Kiếp này đã dở dang nhau.
    Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.
    Kiếp này đã chẳng Em, Anh.
    Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi.
    Kiếp này biết kiếp này thôi.
    Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau.
    Kiếp này đã chẳng cùng nhau,
    Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi!

    Có đêm quê người tôi mơ tôi trở về Sài Gòn, thành phố thủ đô xưa của tôi, thành phố thơ mộng thời tôi hoa niên, thành phố thương yêu tôi đã không giữ được. Tôi bồi hồi sống lại Đêm Giáng Sinh năm 1954, trong căn nhà 78/5 Mayer-Hiền Vương, sau khi đi Lễ Nhà Thờ Tân Định về, tôi ngủ, tôi mơ thấy tôi đi trên đường Duy Tân, đoạn đường sau Nhà Thờ Đức Bà, đường đầy hoa, những bông hoa vàng lên đến đầu gối tôi. Đó là một giấc mơ đẹp trong đời tôi. Năm mươi năm qua, tôi vẫn nhớ!
    Tôi nhớ một buổi sáng Tháng Năm năm 1976 — Sài Gòn đau thương, tang tóc, ly tan vừa được một năm — tôi đứng trên vỉa hè bên này đường nhìn sang Chợ Tân Định bên kia đường. Lúc 10 giờ sáng, nắng vàng, mùa soài, nắng tô vàng những sạp soài vàng đẹp ơi là đẹp. Tôi xúc động trong ngậm ngùi.
    Tôi mần Thơ:

    Mình anh ăn trái soài này.
    Năm năm soài chín, nhớ ngày Em đi.
    Phải cùng chăng, tiếc làm chi!
    Năm năm soài chín, chợ thì vắng Em.
    Tưởng Em xa nước, Em thèm,
    Còn anh soài đỏ, soài đen, quản gì!
    Chúng ta vùi một cơn mê.
    Có bao giờ tỉnh, còn gì là ta!
    Hướng dương Em có như hoa.
    Vườn anh nắng đã chiều tà, Em ơi.
    Có còn nhau nữa hay thôi!
    Yêu nhau ta hãy hẹn lời: Kiếp sau!

    Mới đấy thôi, tưởng như hôm qua.. Vậy mà đã 13 năm tôi sống ở quê người — biệt xứ, lưu vong, lưu đày, tha hương, tha phương, thất quốc, thất thổ, thất thểu, thất đủ thứ — Tháng Tám 2008, một lá thư từ Sài Gòn bay đến Rừng Phong, trong thư có tấm bản đồ Thành Phố Hồ chí Minh 2008. Đêm qua, trải tấm bản đồ trên bàn, dưới ánh đèn vàng điện Mỹ, tôi thả hồn trở về những đường xưa, lối cũ trên tấm bản đồ. Mười ba năm xa nhau, tôi ngậm ngùi tưởng tượng hình ảnh thành phố thương yêu trên những đường nét, những hàng chữ trên trang giấy.
    Tôi in ở đây bản đồ vài khu phố từng được viết đến trong những bài Sài Gòn Vang Bóng, để tặng những bạn đã đóng góp những bài viết, những ý kiến về thành phố Sài Gòn Xưa của Chúng Ta.

    cho Tan Dinh
    Tôi gửi những bản đồ này đến các bạn www.hoanghaithuy.com và đến Bà Già Trầu, người tự khai là cư dân Tân Định chính cống, thuần thành, đầy thẩm quyền — Bà Già Trầu Tân Định đến không ai có thể Tân Định hơn Bà — mời Bà quá bộ, trong vài phút, trở về khu Nhà Thờ Tân Định trên bản đồ này.
    Thưa Bà, nó vẽ bản đồ Khu Bà láo toét: đường Đinh Công Tráng không đi thẳng tới trước Nhà Thờ Tân Định, mà lại đi quàng sang đường Nguyễn Hữu Cầu, tức đường Trần Văn Thạch xưa. Nó cũng không đề tên đường Đinh Công Tráng. Nó láo đến thế thì thôi! Bà có thể tha tội cho nó không? Tôi thì tôi không thể.
    Tôi già dzồi. Chắc tôi sẽ không được nhìn thấy cảnh nhân dân Sài Gòn lôi cổ Tượng Lão Ma Hồ Xiết Cổ Thiếu Nhi ở trước Toà Đô Chính xuống, kéo ra cho nằm ngửa ở Công Trường Chợ Bến Thành. Nhưng Bà, nhiều lắm là năm nay, năm 2008, bà Năm Bó, Bà đương xuân, Bà như các ông Hoàng Hải Hồ, Phan Sĩ Nghị, và nhiều ông thanh niên Sài Gòn khác từng ra dzô www.hoanghaithuy.com, có nhiều cơ may chứng kiến ngày cái gọi là Thành phố Hồ chí Minh trở lại là Sài Gòn. Ngày ấy, khi Bà quăng cái bảng tên đường Thạch Thị Thanh vào thùng rác, bà gắn lên cột đèn bảng tên đường Lý Trần Quán, xin Bà thầm nhớ đến tôi.
    Bà thầm gọi cho một lời thì hay lắm:
    - Ông Công Từ Hà Đông ở đâu? Về mà xem bảng tên đường Lý Trần Quán trở về đường Lý Trần Quán.
    Bà gọi thì tôi cám ơn. Bà không gọi cũng không sao. Lúc ấy, nếu Bà để ý nhìn, Bà sẽ thấy trên vỉa hè đường Lý Trần Quán có một chàng thanh niên trạc 25 tuổi, chàng không đẹp trai chi cho lắm nhưng cũng không đến nỗi xí trai, chàng có vẻ người thanh, gầy, bụng lép, như tài tử James Dean, chàng là một thứ James Dean Giao Chỉ: sơ-mi hai túi ngực, mỗi túi dắt một bút Parker, bút mực đen, bút mực đỏ, 1 túi để gói Philip Morris Vàng, hay gói LucKy Strike, gói Pall Mall, bật lửa để ở tuí riuêng nơi cạp quần, quần mầu sám lông chuột — gris souris — giầy Trinh’s Shoes mầu nâu nhạt, giá 500 đồng, 1 chỉ vàng Sài Gòn năm 1960. Chàng thanh niên James Dean Giao Chỉ ấy từ vùng trời Đâu Xuất nào đó trở về xem cảnh bảng tên đường Thạch thị Thanh bị quăng vào thùng rác, xem cảnh bảng tên đường Lý Trần Quán lại được gắn lên trên đường Lý Trần Quán, Tân Định, vùng cư ngụ tuyệt vời của chàng khi chàng còn sống. Bảng tên đường gắn lên xong, chàng còn lần chần đứng đó, như tiếc rẻ không muốn đi ngay. Nhưng khi bà nghi, bà định hỏi:
    - Công Tử Hà Đông, phải không?
    Chưa kịp hỏi thì Bà chớp mắt. Khi bà nhìn lại, chàng James Dean Giao Chỉ Sài Gòn 1960 không còn đó nữa.
    Từ năm 1956 đến năm 1968 Thi sĩ Đinh Hùng sống ở đường Trần Văn Thạch, trên tầng lầu nhất ở giữa con đường, khu này những năm 1955-1960 có một cô Tầu nặng ký, mỗi lần cô ục ịch qua đường là xe cộ phải dừng lại nhường đường cho cô đi, những năm 1953, 1954 trong chợ Tân Đinh có quán phở Bắc. Bà chủ quán hơi mập nên quán phở được gọi là Phở Mụ Béo. Phở Mụ Béo khi ở trong chợ thì ngon nổi tiếng, nhưng khi phấn phát, ra tiêm ngoài đường, nhà gần Ngã Tư Hai Bà Trưng-Hiền Vương, thì phở lại dở. Mở tiệm mặt tiền đướng ít lâu, tiêm Phở Mụ Béo âm thầm đóng cửa.
    Những năm 1928, 1929 ông Nhà Văn Phan Khôi sống ở khu nhà trước chợ Tân Định. Ở chỗ xe búyt đậu có con đường đi vô, bên trong là một khu nhà đối mặt nhau. Bà Già Trầu Tân Định có lần nào vào khu nhà này không? Nhà Văn Phan Khôi 90 năm xưa từng ở một căn nhà trong khu nhà đó.
    Thưa Bà Già Trầu. Ngày nào Bà quăng bảng tên đường Thạch Thị Thanh vào thùng rác, xin Bà nhớ gọi thằng nào vẽ, thằng nào in bản đồ này — tấm bản đồ ghi đường Đinh Công Tráng không thẳng tới đường Hai Bà Trưng mà lại quẹo sang đường Trần Văn Thạch, đường Đinh Công Tráng những năm 1960 có nhà cô Nguyệt Ho Coi Bói Bài Tây, đường Lý Trần Quán có nhà ông Diễn Viên Điện Ảnh Đoàn Châu Mậu, có tiệm Giặt Ủi ông chủ là ông thân sinh Kịch sĩ Tùng Lâm, có Nhà Chả Cá Sơn Hải, Hàng Ăn Như Ý — Bà gọi hai thằng vẽ, in bản đồ này đến, Bà đánh cho mỗi thằng hai cái bạt tai dzùm tôi. Cám ơn Bà.
    Trước năm 1954, Tân Định là khu của người Bắc. Chợ Tân Định là chợ của người Bắc, bán toàn thức ăn của người Bắc. Tôi biết trước Nhà Thờ Tân Định có Tiệm Vàng của Bà Cả Bài. Gọi là tiệm vàng nhưng chỉ có một tủ kính nhỏ bán vàng bạc, nữ trang. Đặc biệt Tân Định có nhà Poste, ở cạnh tiệm Cà phê Martin, trước Nhà Thờ. Tân Định có hai rạp xi-nê, hai Pharmacie. Một nhà thuốc ở bên nhà xi-nê Moderne, một nhà ở trước rạp xi-nê Kinh Đô, nhà thuốc này tên là Thanh Quỳnh. Bà Già Trầu có nhớ nhà thuốc Tây của gia đình bà là nhà nào không?

    kham Chi Hoa
    Internet có nhiều ảnh Nhà Tù Hoả Lò Hà Nội, có cả ảnh Nhà Tù Côn Đảo, tôi không thấy có tấm ảnh nào chụp Nhà Tù Chí Hoà. Mời quí vị xem bản đồ trên: Theo tôi nhớ đường Hoà Hưng là đường từ đường Lê Văn Duyệt đi thẳng vào cổng lớn Nhà Tù Chí Hoà. Nhà Danh Ca Ngọc Long, nhà ông Vũ Tài Lục ở đường này. Trong bản đồ này, tôi không thấy Nhà Tù Chí Hoà đâu cả.
    Quí vị có dzịp về thăm Sài Gòn, nếu có thể, xin quí vị đến chụp dzùm tôi vài pô cái Cổng Nhà Tù Chí Hòa. Tôi cám ơn.

    khu Le Quy Don
    Quí vị đã đọc chuyện tình Pháp Việt Thế Kỷ 19 Barbé-Thị Ba trong một bài Sài Gòn Vang Bóng trước bài này, xin quí vị đi trở lại đường Lê Quí Đôn. Chuà Khải Tường ở khu giữa đường Trần Quí Cáp (Võ văn Tần) và đường Hồng Thập Tự.
    Một chiều gần tối hơn 100 năm xưa, Đại Úy Barbé một mình, một súng, trên ngựa từ Đồn Lính Tây trong Chuà Khải Tường, đầu đường Lê Quí Đôn, phóng đi cứu Người Yêu. Ông bị quân Nam phục kích, đâm chết ở đoạn đuờng Hiền Vương gần Công Trường Dân Chủ.

    khu banh mi Hoa Ma
    Có bản đồ Tân Định, ắt phải có bản đồ Bàn Cờ, không có sợ quí vị nhân sĩ Bàn Cờ buồn. Tôi in bản đồ này chỉ để thưa với quí vị Bàn Cờ là từ tiêm Bánh Mì Hoà Mã nhìn sang, Tam Tông Miếu — Miếu, không phải Chuà — ở trong khu bên kia đường Phan Đình Phùng, không phải ở trong khu Vườn Chuối ngay trước mặt tiêm Bánh Mì. Sư Ông sáng lập và chủ trì Tam Tông Miếu là Ông Ba, ông anh ruột bà Bút Trà, bà chủ báo Sàigònmới của tôi, bà chủ tôi là Bà Tư, tôi từøng được đến Miếu dự tiệc chay đôi lần. Dzì dzậy tôi biết chắc, nên tôi dám cá với quí vị: nếu tôi đúng, quí vị chi tôi 100 USD, nếu tôi sai, tôi sốt sắng, tôi vui vẻ chi quí vị cái vé máy bay từ Mỹ, từ Úùc, từ Canada, từ Pháp, từ Đức, từ Ý, từ Congo, từ Dzimbabuwe, từ bất kỳ đâu trên trái đất, về Sài Gòn, Việt Nam. Tôi lấy của quí vị 100 USD cho quí vị vui thôi, tôi biết chắc tôi ăn 1000/100, tôi lấy nhiều tiền của quí vị làm chi.
    Tôi từng ngồi trong tiệm Phở Nghi Xuân nhìn sang toà nhà Cho Mướn Truyện Cảnh Hưng. Toà nhà ấy 9 tầng lầu. Chỉ cho mướn truyện thôi mà ông bà chủ tiệm lên 9 tầng lầu. Người Sài Gòn nghiện đọc truyện võ hiệp, nôm na là Truyện Chưởng, những năm 1960-1970, thường đi mướn truyện về đọc, đọc xong mang trả đổi bộ truyện khác, ít người mua cả bộ truyện mới, vì không cần thiết, truyên võ hiệp đọc qua là bỏ, là quên. Mà truyện võ hiệp thường dài 6 tập, 8 tập, 10 tập, ngắn nhất cũng 4 tập. Sài Gòn lại có quá nhiều bộ truyện võ hiệp. Nhà Cảnh Hưng mua từ 20 đến 30 bộ tiểu thuyết mới ra lò, để dành thay thế những bộ cho mướn lâu ngày bị rách, nát, bị xé mất trang. Nhà Cảnh Hưng không chỉ có sách truyện võ hiệp mà có cả những sách văn học đàng hoàng, những ông Nhà Văn như ông Nguyễn Mạnh Côn đôi khi cần đến quyển sách cũ của ông có thể đến tìm mua lại bản mới toanh được lưu trữ trong kho sách Cảnh Hưng. .
    Cảnh Hưng là nhà cho muớn Truyện lớn nhất, nhiều sách nhất Đông Dương kể từ ngày 3 nước Đông Dương Việt-Miên-Lào có nhà cho muớn truyện. Không biết sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ông bà chủ tiệm Cảnh Hưng làm cách nào tiêu hủy số sách trong tiệm. Bao nhiêu chuyến xe cam-nhông chở sách đi, xe ba bánh chở đi mấy tháng cho hết sách, đem đi đốt ở đâu, hay giao nộp ở đâu?
    Bà chủ Cảnh Hưng son phấn, ông Chủ Cảnh Hưng hít tô phe, ông chuyên bận pijama khi xuống cửa tiệm. 33 năm rồi, không biết năm nay — 2008 — sau cơn dâu biển, ông bà có còn ở trong toà nhà 9 tầng đó không.
    Tôi nhớ ông chủ Tiệm Xôi-Miến Gà đường Lê Văn Duyệt, trước cửa Nhà Dây Thép Gió, trước lối vào khu Bắc Hải. Ông là dân Bắc Kỳ Di Cư chân chính. Tôi nghe nói ông vượt biên sang nước nào đó ở Bắc Âu: Thụy Điển, Na Uy hay Đan Mạch, Phần Lan. Nhà ông bị nó lấy làm Cửa Hàng Ăn Uống. Ông làm gì ở Bắc Âu? Phải chi ông sang Mỹ, ông mở tiệm Xôi-Miến Gà ở Bolsa. Số Dzách. Tôi không có điều kiện ghé Cali nhiều, nhưng nếu có tiệm của ông ở đó, lần nào đến Cali tôi cũng phải đến tiệm ông, trước là thăm ông, người cùng quê Ngã Ba Ông Tạ-Nhà Dây Thép Gió, sau là để thưởng thức món Xôi-Miến Gà độc đáo của ông, vưà ăn vừa nhớ lại những ngày tôi hãy còn tóc xanh, chỉ mới lấm tấm muối tiêu, ở Sài Gòn Xanh Xưa.
    Tôi nhớ Sài Gòn trong những cơn mưa lớn. Những trận mưa đầu muà gọi là những Cây Mưa. Đẹp nhất là những trận mưa đêm. Mua ào ào đổ xuống trong khoảng một giờ. Mưa đi qua, trăng lên trên thành phố, trời trong, mát dịu. Nhiều đêm đi chơi khuya về sau cơn mưa, tôi thấy Sài Gòn sạch như người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong.
    Nhưng đấy là Sài Gòn sau Mưa những năm trước năm 1960.
    Tôi nhớ, tôi buồn. Tôi tạm biệt quí vị.

    CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG
    Last edited by khongquan2; 01-02-2014, 04:23 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X